Thứ Tư, 12 tháng 4, 2017

THÁNH LỄ LÀM PHÉP DẦU TẠI HƯNG HÓA TÂN GM PHÓ ĐÀ LẠT - TM TUẦN THÁNH

HẠT GIỐNG LỜI CHÚA HẰNG TUẦN 
 



 







                          






LỜI CHÚA  TUẦN THÁNH - TÂN GM PHÓ ĐÀ LAT 




















 THÁNH LỄ LÀM PHÉP DẦU  TẠI HƯNG HÓA  













 LỜI CHÚA LÀ NGỌN ĐÈN SOI CHO CON BƯỚC, LÀ ÁNH SÁNG CHỈ ĐƯỜNG CON ĐI.






À




Mục lục:

THỨ NĂM TUẦN THÁNH
Người Yêu Thương Đến Cùng
    Lm. Gioan Nguyễn Văn Ty
Làm Gì Cho Chúa
    Lm. Jos. Tạ Duy Tuyền
Ngài Đã Rửa Chân Tôi
   Trần Mỹ Duyệt
Mẫu Gương Phục Vụ (Thơ)
   AP. Mặc Trầm Cung
THỨ SÁU TUẦN THÁNH
Đổ Giọt Máu Cùng Nước Cuối Cùng
    Lm. Gioan Nguyễn Văn Ty
Trái Tim Hoàn Hảo
    Lm. Jos. Tạ Duy Tuyền
Chúa Đã Chết Vì Tôi
   Trần Mỹ Duyệt
Chết Thay (song ngữ)
   Lm. Đinh Tuấn Việt



THỨ NĂM TUẦN THÁNH
Suy niệm Tin Mừng Ga 13,1-15






NGƯỜI YÊU THƯƠNG ĐẾN CÙNG
Lm Gioan Nguyễn Văn Ty SDB


Gioan khẳng định: giờ đức Giê-su ra đi chịu chết chính là giờ của Con Người. Và đó là lúc ngài thực hiện tình yêu tới tột cùng của Ngài: Người vẫn yêu thương những kẻ thuộc về mình còn ở thế gian, và Người yêu thương họ đến cùng”. Tình yêu đó không loại trừ bất cứ ai, kể cả Giu-đa, con Simon It-ca-ri-ốt, kẻ đang rắp tâm nộp Ngài. Tình yêu ngài bao dung và bao trùm không giới hạn, nhưng vấn đề chính ở đây là liệu người ta có sẵn lòng đón nhận tình yêu đó hay không. Vấn đề, về mặt lý thuyết, xem ra đơn giản, nhưng trong thực tế lại không dễ dàng được chấp nhận.

Và câu chuyện minh họa được Phúc âm ghi lại: đức Giê-su rửa chân cho các môn đệ trước khi Ngài ra đi chịu chết, chính là hình ảnh của những gì vẫn xảy ra qua mọi thời đại.
Trong tấn kịch này, vai diễn của đâu.

Thế đấy! Tin và chấp nhận một Thiên Chúa khiêm hạ tới độ hủy mình ra không không, chỉ vì yêu thương tôi, một con người tội lỗi thấp hèn, là không dễ chút nào. Tôi dễ dàng chấp nhận một Thiên Chúa uy nghiêm đòi hỏi, một Thiên Chúa phán truyền mệnh lệnh, một Thiên Chúa thưởng phạt công thẳng, nói chung… một Thiên Chúa bề trên, kẻ cả; nhưng tôi lại thấy thật không thể chấp nhận được một Thiên Chúa đặt mình dưới cả tôi, trở nên thấp hèn hơn tôi, và sẵn sàng bị tước đoạt tất cả… một Thiên Chúa bề dưới… chỉ vì yêu thương tôi. Tôi luôn có khuynh hướng tôn thờ, kính sợ ngài, nhưng lại rất ái ngại đi sâu hơn nữa vào “lòng thương xót đến cùng của ngài”. Xét cho cùng thì tôi vẫn thấy Cựu ước hay “thái độ kính sợ Thiên Chúa” của các tôn giáo nói chung, dễ chấp nhận hơn là Tân Ước, như đức Ki-tô Giê-su đã thể hiện nơi thập giá. Và tôi thiết nghĩ đó là cớ vấp phạm” lớn nhất của Thập Giá đức Ki-tô, theo cách nói của Phao-lô, đặc biệt đối với những người tự xưng là có đạo.

Thế nhưng, đối với đức Ki-tô, thì cớ vấp phạm” ấy lại là một điều kiện tiên quyết (sine qua non) nếu Thầy không rửa chân cho anh, anh sẽ chẳng được vào chung phần với Thầy”. Đó không phải một lời mời gọi chung chung, một lời khuyên. Và “chung phần với Thầy” chính là tham gia vào cái thứ tình yêu độc nhất vô nhị mà chỉ một mình Thiên Chúa, trong đức Ki-tô Giê-su mới có: yêu thương đến cùng, yêu tới độ hủy bỏ mình ra như không, đặt mình thấp nhất thiên hạ để có thể trao ban phục vụ.

Bây giờ thì tôi hiểu vì sao cái thứ bác ái tôi vẫn thi hành nó nông cạn tới thế. Bao lâu tôi còn chưa chịu để cho Chúa “rửa chân” cho mình, bấy lâu tôi cũng chỉ thi hành một thứ bác ái trịch thượng của bậc kẻ cả: phục vụ trên thế thượng phong. Chẳng hạn đã có bao giờ tôi ngồi vào tòa giải tội trong tư thế còn thấp hèn hơn cả các tội nhân tới xưng tội?
Và lẽ ra, là một linh mục, tôi phải để Chúa rửa chân cho mỗi khi tiến ra cử hành Thánh Lễ. Tôi phải là người đầu tiên nhận ra nơi Thánh Thể, Thiên Chúa đã hóa mình thành miếng ăn, đồ uống để phục vụ sự sống của tôi? Khi cho rước lễ tôi đã chẳng từng thấy Chúa đi vào những môi miệng, trao vào các bàn tay mà đôi khi chính tôi cũng cảm thấy ghê ghê. Ấy thế mà tôi chỉ coi trọng việc thờ lạy tôn thờ, còn để cho Ngài rửa chân” thì tôi vẫn né tránh. Có nghĩa là ngay cả khi cử hành Thánh Lễ, rất ít khi tôi đi vào thái độ Người yêu thương họ đến cùng”, ngài tự hạ hủy mình ra hư không vì chính tôi, linh mục đang dâng lễ, và vì các tín hữu đang tới với ngài. Dầu được dâng Thánh Lễ hàng ngày trong suốt 40 năm qua, tôi vẫn thấy mình còn quá xa vời với việc vào chung phần với Thầy”. Còn khuya tôi mới đáng được gọi là Alter Christus của một Giê-su cúi xuống rửa chân và hiến mình chịu chết.

Lạy Chúa Giê-su khiêm hạ vì yêu thương, xin cho con biết để cho mình được Chúa rửa chân mỗi khi cử hành Thánh Lễ, để con cũng được ‘chung phần với’ tình yêu đến cùng của Thập Giá. Xin cho con, trước khi dám ‘cùng chết với Chúa’, biết khiêm tốn chấp nhận để Chúa chết và tự hủy cho con. Amen
Lm Gioan Nguyễn Văn Ty SDB






















LÀM GÌ CHO CHÚA?
Lm.Jos Tạ Duy Tuyền



             Một hôm sĩ quan Charles Foucauld say mê kể chuyện cho gia đình nghe về những cuộc chiến thắng của anh tại Maroc. Người chăm chú nghe nhất là cô gái nhỏ nhứt nhà. Khi nghe cậu lập được nhiều chiến công vĩ đại, cô bé hỏi:

- Thế cậu đã làm gì được cho Chúa Giêsu chưa?

             Foucauld bất động, ngồi không nhúc nhích, anh lục soát trong lương tâm mình chỉ thấy những chiến thắng hão huyền, phù phiếm, khoác lác, ăn chơi và trụy lạc. Mắt anh bỗng mở ra để thấy rõ cái nghèo hèn của mình. Hôm sau anh tìm đến một Linh Mục Dòng khổ tu, rồi xin đến Nazareth để trọn vẹn theo Chúa Kitô. Một ngày nọ, khi đang cầu nguyện, bỗng anh nghe thấy tiếng than thở của một người đói rét, Charles nhớ lại gương bác ái của Chúa Giêsu và nghĩ mình sao có thể ở nơi thanh vắng này cầu nguyện được, đang khi dân nghèo đang đói khát, mơ ước được miếng cơm.

             Nghĩ thế rồi, anh quyết định đến giúp đỡ họ, trở thành người bạn của họ, chia sẻ với họ cho đến giọt máu cuối cùng. Ngày đầu tháng 12 năm 1916, anh bị kẻ ghen tức giết chết anh giữa lúc đang cầu nguyện.

             Sau bước hy hiến vì người nghèo đó, anh chị em tiểu muội Chúa Giêsu đã vươn lên theo đuổi lý tưởng (sống nghèo và sống giữa xã hội đen tối) của anh. Tất cả đời họ là sự hiện diện âm thầm và cố gắng hoạ lại dung nhan của Chúa Kitô. (Góp Nhặt 5, số 104)

             Thứ năm Tuần Thánh Giáo hội mời gọi chúng ta nhìn vào cuộc đời tận hiến của Chúa Giê-su như một mẫu gương cho đời sống của chúng ta. Chúa Giê-su đã dùng cả cuộc đời để làm vinh danh Chúa Cha. Ngài đã làm vinh Chúa Chúa Cha qua đời sống thi ân cho kẻ khó nghèo, nâng đỡ kẻ cơ hàn, bảo vệ công lý cho kẻ lầm than, và bảo vệ sự sống cho kẻ thấp hèn. Suốt cuộc đời của Ngài luôn tìm kiếm ý Chúa Cha và thực thi cho đến hơi thở cuối cùng. Cho dù ý Chúa Cha là chén đắng, Ngài vẫn dám uống cạn chén đắng để vâng theo thánh ý Chúa Cha. Ngài đã tôn vinh Chúa Cha qua đời sống yêu thương và phục vụ tha nhân. Suốt cuộc đời của Ngài luôn tìm mọi cách để thể hiện hai chữ yêu thương. Yêu thương không chỉ một lần mà là yêu thương suốt cuộc đời. Yêu thương không chỉ trong giây lát mà Ngài yêu thương họ đến cùng. Yêu thương không chỉ nơi kẻ yêu Ngài mà còn dành tình yêu đó cho kẻ làm hại Ngài. Tình yêu thương khiêm cung thẳm sâu đến nỗi quên cả chính mình là Chúa, là Thầy để nhận lấy thân phận tôi tớ mà cúi xuống rửa chân cho các môn sinh. Tình yêu hiến dâng cho đến cùng để trở nên của ăn của uống cho nhân trần. Tình yêu trọn vẹn dám thí mạng sống cho người mình yêu.

             Hôm nay, khi nhìn vào tình yêu thẳm sâu của Chúa Giê-su, Giáo hội mời gọi chúng ta hãy hoạ lai chân dung tình yêu đó cho thế giới hôm nay. Một thế giới đề cao cái tôi, luôn đòi người khác phục vụ. Một thế giới hưởng thụ luôn tìm cách chiếm đoạt của chung thành của riêng, chiếm đoạt của người khác thành của mình, chiếm đoạt bằng lừa đảo, dối gian để thoả mãn lòng tham của mình. Điều đó dẫn đến sự chênh lệch giầu nghèo ngày càng gia tăng. Số phận của kẻ thấp cổ bé họng luôn bị dìm xuống tận hố sâu của bể khổ trần gian. Vâng, giữa xã hội đang sống đầy bất công này, người công giáo của chúng ta đã làm gì cho Chúa để mang lại công lý và hoà bình cho anh em? Giữa một thế giới có quá nhiều kẻ nghèo đói, lam lũ, bị bỏ rơi, người công giáo chúng ta đã làm gì cho Chúa để xoa dịu nỗi đau cho anh em? Có lẽ, khi xét lại lương tâm công giáo chúng ta cảm thấy xấu hổ hơn là vinh dự vì là môn đệ của Chúa nhưng không dám sống để làm chứng cho sự thật, để bảo vệ công lý, để xoa dịu nỗi đau thương cho nhân thế. Chúa mời gọi chúng ta mến Chúa hơn hết mọi sự nhưng chúng ta lại để cho danh lợi thú hướng dẫn đời sống chúng ta lao vào vòng xoáy của tiền tài danh vọng. Chúa mời gọi chúng ta yêu mến tha nhân như chính mình nhưng chúng ta lại chỉ lo cho bản thân mà bỏ quên người nghèo khó vẫn đang ngồi bên cạnh mình.

Nguyện xin Chúa Giê-su là Đấng đã hiến dâng mạng sống vì lợi ích đoàn chiên. Xin cho mỗi người chúng ta cũng biết nhỏ lại cái tôi của mình để Chúa được lớn lên trong ta. Xin cho mỗi người chúng ta biết hoạ lại chân dung tình yêu của Chúa qua việc dấn thân yêu thương và phục vụ anh em. Amen

Lm.Jos Tạ Duy Tuyền



















NGÀI ĐÃ RỬA CHÂN TÔI
Trần Mỹ Duyệt

Biểu tượng rõ ràng nhất của Thứ Năm Tuần Thánh là Bữa Tiệc Ly, Chúa lập. Phép Thánh Thể, và truyền chức Thánh. Nhưng một chi tiết tuy nhỏ, mà lại sức quan trọng liên quan đến Thánh Thể và chức linh mục, đó là Chúa Giêsu đã rửa chân cho các môn đệ.

“Nếu Thầy không rửa chân cho con, con sẽ không được dự phần với Thầy” (Gio 13:8). Đây là cốt lõi của ý nghĩa Vượt Qua, mở đầu cho việc lãnh chức Linh Mục, và đón nhận Mình Máu Thánh Chúa. Chúa Giêsu theo Thánh Gioan, “đã biết giờ mình phải bỏ thế gian mà về cùng Chúa Cha” (Gio 13:1), còn phương tiện Ngài dùng để về là cái chết nhục nhã trên thập giá.

Nhưng tại sao Chúa Giêsu lại chọn hành động rửa chân để chuẩn bị cho các môn đệ hiệp thông với Ngài? Thưa bởi vì nếu không có hành động này, Ngài cũng không biết phải nói sao với các ông về những gì Ngài đã và sẽ làm cho các ông, dĩ nhiên, là cho toàn thể nhân loại.

Nếu Ngài không rửa chân cho các ông, ám chỉ phép thánh tẩy bằng máu của Ngài, hẳn là các ông cũng như nhân loại đều chẳng được hưởng ơn Cứu Độ được dự phần Nước Trời sau này. Do đó, mà Ngài phải bằng mọi giá thuyết phục các ông kể cả răn đe để các ông, nhất là Phêrô chấp nhận để cho Ngài làm việc này.

“Các con gọi ta là Thầy là Chúa thì phải lắm, và đúng thật Thầy như vậy” (Gio 13:13). Hãy tưởng tượng, một bậc thầy cũng là Chúa quì gối trước mỗi môn đệ, nâng từng bàn chân xù xì, đen đủi và bụi bặm lên rửa, lau, và cung kính hôn chúng ta mới thấy hành động ấy mang ý nghĩa cao cả như thế nào.

Hiển nhiên, Chúa không hành động với lý lẽ tầm thường. Bởi vì trong suốt ba năm rao giảng Tin Mừng, Ngài đã có quá nhiều cơ hội để các ông hiểu và chấp nhận lời Ngài, cũng như khiến các ông phải nể phục. Qua những phép lạ Ngài đã làm từ việc cho kẻ mù thấy, điếc nghe, què đi, cấm nói, và chết sống lại, nhưng có lẽ các ông vẫn chưa sẵn sàng tham dự Mầu Nhiệm Đau Khổ và Phục Sinh của Ngài. Chưa hiểu được giáo lý yêu thương của Ngài. Và vì thế, Ngài đành phải hạ mình xuống để rửa chân cho các ông. Luôn tiện, dạy các ông bài học phục vụ, và bác ái.

Một điều nữa cũng không kém phần quan trọng khi suy niệm về hành động rửa chân của Chúa, đó là Ngài đã không rửa mặt, rửa tay, hoặc gội đầu cho các ông như lời Phêrô đã đề nghị. Ngài chỉ chú tâm vào những bàn chân lấm láp bụi đất của các ông.

Ngài không rửa mặt, rửa tay và gọi đầu, vì đó là chuyện của các ông, và dầu sao những việc làm ấy còn có chút dễ dàng, thanh cao. Nhưng Ngài chọn rửa chân, là để hoàn toàn chấp nhận phần khó khăn nhất, vất vả nhất, và một hình thức nào đó tầm thường nhất để minh chứng sự quan tâm và tình yêu Ngài. Và rồi chỉ khi đã được thanh tẩy hoàn toàn, chúng ta mới được kêu mời vào tham dự Mầu Nhiệm Thánh Thể, Mầu Nhiệm Khổ Nạn và Mầu Nhiệm Vượt Qua của Ngài.

Đến đây chúng ta chắc đã cảm được và hiểu được phần nào thái độ tự hạ và tình yêu thương của Chúa qua hành động rửa chân. Cũng như Phêrô, chúng ta phải để Chúa rửa chân cho mình. Đúng hơn, chúng ta phải kêu cầu để được Ngài rửa chân cho, vì chỉ có thế, chúng ta mới xứng đáng dự phần với Ngài.

Tuy nhiên, quan trọng hơn vẫn là phần đóng góp của mình. Chúa Giêsu đã nói rất rõ điều kiện tham dự này không chỉ là để Ngài rửa chân, mà còn phải rửa chân cho nhau: “Vậy nếu Ta là Chúa và là Thầy mà còn rửa chân cho các con, thì các con cũng phải rửa chân cho nhau” (Gio 13:140). Một điều kiện coi như dễ nhưng lại rất khó thực hiện.

Khó lòng thực hiện vì cái giá của hành động rửa chân của Chúa Giêsu là trận đòn nhừ tử trong dinh Philatô, là những bước đi lảo đảo trên đường đến núi Sọ, và là cái chết treo trên thập giá. Điều này xem như vượt quá sức chịu đựng của con người tự nhiên. Nhưng như Chúa Giêsu đã nói với Phêrô nếu không chấp nhận được rửa chân, và không rửa chân cho nhau, chúng ta không được dự phần với Chúa.

Vậy anh em tôi là ai? Là người cha, người me, người anh, chị, em. Là những người mà tôi va chạm và tiếp xúc mọi ngày trong cuộc sống. Là những người mà tôi thích, tôi ưa cũng như những người tôi không ưa, không thích. Tất cả họ cần được tôi rửa chân bằng những nụ cười tha thứ, bằng thái độ chấp nhận, bằng của chỉ hòa nhã, bằng những đối xử công bằng, tôn trọng, và yêu kính như tôi yêu mến, và tôn kính chính Thiên Chúa.

Chúa đã rửa chân chúng ta. Đến lượt chúng ta cũng phải rửa chân cho anh chị em mình, nếu như chúng ta muốn tham dự phần với Chúa trong Phục Sinh vinh quang.

Trần Mỹ Duyệt













MẪU GƯƠNG PHỤC VỤ
Thứ Năm Tuần Thánh – Năm A – (Ga 13, 1 – 15)


Bồi hồi xao xuyến phút chia ly,
Lưu luyến nhìn nhau biết nói gì.
Lặng lẽ thương trao bài học mới,
Mẫu gương Thầy dạy hãy thực thi.

Yêu thương, khiêm hạ rửa chân nhau,
Biểu tượng đặc trưng Thầy dẫn đầu.
Phục vụ mọi người không phân biệt,
Dấu chỉ môn đồ, tình nặng sâu.

Yêu thương chia sẻ lúc khổ đau,
Thăm viếng ủi an cảnh u sầu.
Miếng cơm manh áo người nghèo khó,
Tiếng nấc nghẹn ngào suốt canh thâu.

Vòng tay đón nhận kẻ bơ vơ,
Lữ khách lang thang chốn nương nhờ.
Người bị bỏ rơi, sầu khốn khổ,
Mái ấm ân tình đẹp ước mơ.

Mệnh lệnh Thầy truyền cho chúng ta,
Tình yêu tự hạ thắng gian tà.
Phục vụ bao dung tình nhân thế,
Gương Thầy tỏa sáng quá bao la.

AP. Mặc Trầm Cung


THỨ SÁU TUẦN THÁNH
Suy niệm Tin Mừng Ga 18,1-19,42


    
ĐỔ GIỌT MÁU CÙNG NƯỚC CUỐI CÙNG
Lm Gioan Nguyễn Văn Ty SDB

Phụng vụ luôn dành trình thuật thương khó của Gio-an cho ngày Thứ Sáu Tuần Thánh vì bài này có một số chi tiết khác với ba Phúc âm Nhất lãm. Tuy nhiên sự khác biệt lớn hơn hết có lẽ chính là giọng văn và tình cảm của một nhân chứng đã tận mắt chứng kiến biến cố trọng đại này. Gio-an đã công khai tuyên bố: Người đã xem thấy việc này đã làm chứng, và lời chứng của người ấy xác thực; và người ấy biết mình nói sự thật để cho cả anh em nữa cũng tin”.

Tất cả các chi tiết Gio-an mô tả trong bài thương khó của ông đều rất cụ thể và sống động; chẳng hạn như chi tiết Tôi khát!”. Được chính mình kinh nghiệm giờ hấp hối, tôi thấy điều này thật cụ thể: cơn khát của một người sắp chết thật khủng khiếp. Nói gì thì nói, trong cơn khát cháy họng, hầu như cả mạng sống của của một người lệ thuộc vào vài giọt nước… Cụ thể và xác thực biết bao!

Nhưng trong số các chi tiết ông ghi nhận về cuộc thương khó, Gio-an đặc biệt quan tâm tới: một người lính lấy giáo đâm vào cạnh sườn Người. Tức thì, máu cùng nước chảy ra”. Gio-an khẳng định chính mắt mình đã chứng kiến cảnh tượng này, vì đó là biến cố hầu như đã thay đổi cuộc sống của ông. Đó cũng là cốt lõi của sứ điệp mà ông đã dành trọn phần còn lại của đời sống mình để loan truyền: Điều chúng tôi đã nghe, điều chúng tôi đã thấy tận mắt, điều chúng tôi đã chiêm ngưỡng, và tay chúng tôi đã chạm đến… chúng tôi loan báo cho cả anh em nữa. (1Ga 1,1.3) Phần chúng tôi, chúng tôi đã chiêm ngưỡng và làm chứng rằng: Chúa Cha đã sai Con của Người đến làm Đấng cứu độ thế gian. (1Ga 4,14)

Để trả lời vấn nạn sự cứu độ đó là như thế nào? Gio-an khẳng định: thưa, đó là một tình yêu dâng hiến trọn vẹn, yêu tới giọt máu cuối cùng, yêu bằng cả mạng sống mình. Và đối tượng của tình yêu đó là ai? Là một người đáng yêu, người tốt lành, cao thượng chăng? Thưa, không! Gioan tiếp tục: Thiên Chúa là tình yêu. Tình yêu của Thiên Chúa được biểu lộ như thế này: Thiên Chúa đã sai Con Một của Người đến thế gian để nhờ Con Một của Người mà chúng ta được sống. Tình yêu cốt ở điều này: không phải chúng ta đã yêu mến Thiên Chúa, nhưng chính người đã yêu thương chúng ta, và sai Con của Người đến làm của lễ đền tội cho chúng ta. (1Ga 4,8-10) Nếu Gio-an đã từng được mệnh danh là Tông đồ tình yêu, thì chính là vì ông đã tận mắt chứng kiến cảnh tình yêu đó được biểu lộ cách huy hoàng và triệt để nhất trên thập giá, trong việc đổ tới giọt máu cùng nước cuối cùng.

Phao-lô đã không có dịp được chiêm ngắm thập giá trực tiếp như Gioan, nhưng tất cả những gì Phao-lô biết được về đức Ki-tô Giê-su, lại chính là đức Giê-su Thập Giá, mà ngài khảng định là tôi không biết một đức Ki-tô nào khác”. Nhìn lên thập giá, Phao-lô đã nhận ra: “Đức Giê-su Ki-tô, vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hang với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân phận nô lệ, trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế. Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự. (Pl 2,6-8) Riêng với bản thân, Phao-lô đã cảm nghiệm cách thâm sâu: “tôi đặt niềm tin vào đức Giê-su Ki-tô, Đấng yêu thương tôi và phó nộp mình cho tôi, ngay cả khi tôi phản nghịch cùng Ngài”.

Nếu thế thì tôi, trong tư cách một linh mục, tôi nhận thấy gì nơi Thập giá? Hơn cả Gio-an chiêm ngắm, hàng ngày tôi cử hành Thánh lễ. Mỗi khi uống cạn chén Máu Thánh, tôi có thực sự chạm vào máu và nước từ cạnh sườn đức Giê-su chảy ra, để nhận ra tình yêu tột cùng của Thiên Chúa dành cho tôi? Đối với tôi thập giá mang ý nghĩa sống còn, hay chỉ là một biểu tượng chung chung? Tôi có còn mơ ước một đức Ki-tô nào khác, một Giê-su làm phép lạ, một Giê-su ban ân huệ này khác,  hay một Giê-su thông thái giảng dạy, hơn là một Giê-su chịu đóng đinh? Tôi sẽ chưa phải là linh mục của đức Ki-tô, nếu tôi chưa chịu đóng đinh, chịu hiến mình… tới giọt máu cuối cùng. Được gọi là Linh Mục của đức Ki-tô và hàng ngày cử hành Thánh Lễ, thực tế tôi đang là gì?

Lạy Đấng chịu đóng đinh và phó nộp cả mạng sống mình cho con, xin làm cho con được, như Gio-an, tựa đầu vào con tim đầy yêu thương, để rồi nhận ra con tim đó đã cạn kiệt tới giọt máu cuối cùng vì yêu thương con. Con cảm tạ Chúa vì hồng ân linh mục con đã được trao ban, trước hết là vì lợi ích của chính con: được diễm phúc cử hành hiến tế Thập Giá mỗi ngày. Xin cho con có được con mắt vả quả tin của Gio-an. Xin soi sáng và củng cố con để có được niềm xác tín và nhận thức của Phao-lô. Nhờ thế Thập giá, phải, chính thập giá, sẽ trở thành gia sản và vinh quang lớn nhất của đời con. Amen

Lm Gioan Nguyễn Văn Ty SDB



TRÁI TIM HOÀN HẢO

Có một chàng thanh niên đứng giữa thị trấn và tuyên bố mình có trái tim đẹp nhất vì chẳng hề có một tì vết hay rạn nứt nào. Đám đông đều đồng ý đó là trái tim đẹp nhất mà họ từng thấy. Bỗng một cụ già xuất hiện và nói: “Trái tim của anh không đẹp bằng trái tim tôi”. Chàng trai cùng đám đông ngắm nhìn trái tim của cụ. Nó đang đập mạnh mẽ nhưng đầy vết sẹo. Có những phần của tim đã bị lấy ra và những mảnh tim khác được đắp vào trám thay thế. Chàng trai cười nói:

·        Chắc là cụ nói đùa! Trái tim của tôi hoàn hảo, còn của cụ chỉ là những mảnh chắp vá đầy sẹo và vết cắt.
·        Mỗi vết sẹo trong trái tim tôi tượng trưng cho một người mà tôi yêu, không chỉ là những cô gái mà còn là cha mẹ, anh chị, bạn bè . . . Tôi xé một mẩu tim mình trao cho họ, thường thì họ cũng sẽ trao lại một mẩu của họ  để tôi đắp vào nơi vừa xé ra. Thế nhưng những mẩu tim chẳng hoàn toàn giống nhau, mẩu tim của cha mẹ trao cho tôi lớn hơn mẩu tôi trao lại cho lại cho họ, ngược lại với mẩu tim của tôi và con cái của tôi. Không bằng nhau nên chúng tạo ra những nếp sần sùi mà tôi luôn yêu mến vì chúng nhắc nhở đến tình yêu mà tôi đã chia sẻ. Thỉnh thoảng tôi trao mẩu tim của mình nhưng không hề được nhận lại gì, chúng tạo nên những vết khuyết. Tình yêu đôi lúc chẳng cần đền đáp qua lại. Dù những vết khuyết đó thật đau đớn nhưng tôi vẫn luôn hy vọng một ngày nào đó họ sẽ trao lại cho tôi mẩu tim của họ, lấp đầy khoảng trống mà tôi luôn chời đợi.

Chàng trai đứng yên với giọt nước mắt lăn trên má. Anh bước tới, xé một mẩu từ trái tim hoàn hảo của mình vào trao cho cụ già. Cụ già cũng xé một mẩu từ trái tim đầy vết tích của cụ trao cho chàng trai. Trái tim của anh không còn hoàn hảo nhưng lại đẹp hơn bao giờ hết: vì tình yêu từ trái tim của cụ đã chảy trong tim anh .. .

Có một trái tim đã bị đâm thâu đến nỗi không còn khả năng giữ lại một giọt máu để nuôi dưỡng sự sống cho mình. Trái tim đó đã tan nát bởi tình yêu với nhân loại. Nhưng, chính từ trái tim đó, một mạch nước đã tuôn trào khắp nhân gian. Mùa xuân của yêu thương đã nở rộ khắp gian trần. Một mùa xuân cứu rỗi đã trổ sinh hoa tin yêu – hy vọng cho những tâm hồn thiện chí đang đan dệt hạnh phúc trong chính cuộc đời hiến dâng và phục vụ anh em.

Vâng, Chúa Giê-su Ngài đã yêu thương chúng ta đến nỗi bằng lòng chịu chết và chết trên thập tự giá. Tình yêu của Ngài cao đẹp bởi sự dâng hiến đến quên cả tình mạng vì người mình yêu. Vì “không có tình yêu nào cao quý hơn tình yêu thí mạng sống mình vì người mình yêu”. Cuộc đời Ngài dành cho con người, tận hiến và hy sinh cho hạnh phúc con người. Thế nên, tình yêu của Ngài đã trở thành khuôn mẫu cho mọi tình yêu trên trái đất.

Thứ sáu tuần thánh mời gọi chúng ta chiêm ngắm một tình yêu dâng hiến trọn vẹn cho người mình yêu. Chiêm ngắm một trái tim đã tuôn trào đến giọt máu cuối cùng để rửa sạch tội lỗi nhân gian. Chiêm ngắm một trái tim đã chịu tan nát để đưa muôn người trở về giao hoà cùng Thiên Chúa. Đây là trái tim đẹp bởi sự cho đi, cho đi tình yêu phục vụ, tình yêu hiến dâng đến hơi thở cuối cùng cho người mình yêu.

Nguyện xin Chúa là tình yêu, giúp chúng ta biết sống tình yêu đó cho tha nhân. Xin cho chúng ta biết hoạ lại chân dung tình yêu đó giữa thế giới khô cằn tình người và dửng dưng với nỗi đau của đồng loại. Xin cho chúng ta biết thông phần đau khổ với Chúa để sinh ơn cứu độ cho trần gian. Amen

Lm.Jos Tạ Duy Tuyền


























CHÚA ĐÃ CHẾT VÌ TÔI
Trần Mỹ Duyệt

“Không ai có tình yêu nào lớn lao hơn kẻ thí mạng sống mình vì bạn hữu mình” (Gio 15:13). Chúng ta có dùng lời này của Thánh Gioan để diễn tả cảm nghĩ mình về một Thiên Chúa, Đấng đã cam chịu chết vì chúng ta. Trong hành trình Đức Tin, thỉnh thoảng, và đôi lúc hẳn là chúng ta phải trăn trở về những lời này; đặc biệt, trong Thứ Sáu Tuần Thánh.

Cũng như các phụ nữ Do Thái đứng dọc bên đường dẫn lên núi Sọ, họ đã khóc lóc và tỏ vẻ xót thương cho Chúa Giêsu khi nhìn thấy Ngài từ đỉnh đầu đến gót chân bê bết máu, mồ hôi. Trên mặt Ngài còn dấu vết đờm rãi của quân đao phủ, kết quả của trận đòn tra tấn dã man tại dinh Phi La Tô. Nhưng ngoài Vêronica, và Simong thì không ai làm gì thêm cho Chúa cả.

Đặc biệt hơn là trên đồi Golgotha, người ta đã đóng đanh Ngài trên thập giá giữa hai tên tội phạm. Ngoại trừ Gioan, tất cả các môn đệ đều bỏ trốn!!!
Trong trận động đất 9 chấm và sóng thần cao 15 mét tại Nhật vào ngày 11 tháng 3 vửa qua, niềm tin vào Chúa và tình thương Ngài xem như bị chao đảo nơi nhiều người. Tại sao lại xảy ra những chuyện như vậy? Thiên Chúa có thật không? Và nếu có thì lúc đó Ngài ở đâu?

Nếu nói Chúa chết vì yêu thương con người, thì còn ai đáng thương hơn những nạn nhân trong trận động đất và sóng thần này. Nếu nói là Chúa yêu thương con người, thì Ngài ở đâu khi hàng loạt nạn nhân vô tội bị chết trong khói lửa chiến tranh, tù đày, bất công và phi nhân?

Lý trí khiến chúng ta nghiêng về phía tên tội phạm ở bên cánh trái của Ngài. Chúng ta muốn thách thức Ngài: “Ông không phải là Đấng Kitô sao? Hãy tự cứu mình đi và cứu cả chúng tôi với” (Luc 23:39).

Nhưng đức tin lại bảo chúng ta rằng, như vậy là không đúng. Ngài đã không làm gì sai trái đến nỗi phải chết. Và như người tội nhân ở bên tay phải, chúng ta cần van xin Chúa: “Lậy Ngài, khi nào Ngài về nước Ngài, xin nhớ đến tôi” (Luc 23:42).

Có lẽ vì Chúa đã chết cách đây hơn 2000 năm, một cái chết tuy dữ dội, kinh hoàng, nhưng vẫn ở xa chúng ta và bên ngoài cuộc đời chúng ta nên chúng ta không mấy cảm thấy xót xa và thương cảm. Nhưng lý do chính phải kể là kẻ thù Satan và thái độ đồng lõa của chúng ta với hắn đã khiến chúng ta không nhận ra giá trị cũng như mục đích của cái chết ấy. Điều này có thể kiểm chứng được qua cách thức suy nghĩ, lời nói và hành động của chúng ta.

Điều nghịch lý của đời sống chúng ta là một mặt chúng ta muốn làm môn đệ Ngài, mặt khác chúng ta lại sợ phải theo Ngài. Chúng ta chỉ theo Ngài khi được ăn bánh no nê. Được chia sẻ vinh quang của Ngài trên núi Taborê. Nhưng rồi bỏ trốn Ngài và tháo chạy khi có người muốn liên kết chúng ta với Ngài, tức là những thách đố và đau khổ cuộc đời. Và đặc biệt, chúng ta sợ thập giá, và càng không muốn chết ở trên đó. Chúng ta không có thái độ của người tử tội ở bên tay phải Ngài, chấp nhận và can đảm: “Chúng ta chịu như thế này là đích đáng, vì xứng với việc đã làm.” Luc 23:41) Việc gì? Việc phủ nhận tình yêu của Ngài. Việc đem Satan vào cuộc sống của mình thay vì Ngài là người được chiếm chỗ nhất và ngự trị đền thờ cuộc sống của chính mỗi người chúng ta.

Thật vậy, Thiên Chúa yêu thương con người. Ngài ở bên con người, và luôn luôn sẵn sàng cứu giúp con người. Nhưng phần con người thì đã quay lưng lại với Ngài. Cũng như dòng người đang la ó, hò hét lên án Chúa, chúng ta cũng đang cùng với nhân loại ngày nay nhân danh những tiến bộ của khoa học và nhân danh tự do, nhân danh hiểu biết đang cố tình tránh xa Thiên Chúa. Và đang cố tình loại trừ Ngài ra khỏi cuộc sống con người và thế giới. Ảnh hưởng của nền văn hóa “sự chết” này đang làm cho con người trở nên xây xẩm, lảo đảo, và mất định hướng. Và càng lao mình vào những kiếm tìm vật chất, hưởng thụ vật chất, con người lại càng xa Thiên Chúa, rời bỏ tình yêu của Ngài.

Trước những lời thách thức của các thượng tế, kinh sư và kỳ mục: : “Hắn cứu được kẻ khác, mà chẳng cứu nổi mình. Hắn là vua Israel! Bây giờ hắn cứ xuống khỏi thập giá, thì chúng ta tin hắn liền!” (Mat 27:42), Chúa Giêsu đã không xuống khỏi thập giá. Vì Ngài biết rằng nếu có làm theo những lời thách thức ấy, họ vẫn không tin. Vả lại, Ngài không làm vì Ngài đã tự mình chấp nhận cái chết ấy, không một ai có thể bắt Ngài phải chết như vậy.

“Không ai có tình yêu lớn lao hơn kẻ thí mạng sống mình vì bạn hữu mình” (Gio15:13). Phần Chúa, Ngài đã nói và làm, nhưng phần chúng ta, chúng ta có chấp nhận và biết ơn tình yêu cao cả ấy không? Hay cũng như mấy phụ nữ Do Thái mà Ngài gặp trên đường trên núi Sọ. Như Phêrô chối bỏ Ngài giữa những lúc đau thương. Hoặc như Giuđa thất vọng mà đi thắt cổ tự tử?!!! Nhưng dù biết hay không biết. Dù cảm ơn hay vô ơn với Ngài, Chúa vẫn chết vì yêu chúng ta!!!

Trần Mỹ Duyệt











CHẾT THAY…
Lm. Giuse Đinh Tuấn Việt
Cách đây không lâu có một phiên tòa diễn ra trong những cảm xúc lẫn lộn. Phán quyết cuối cùng của toà: kẻ giết người sẽ bị tử hình. Bài báo tường thuật vụ việc này cung cấp khá nhiều chi tiết nóng hổi nhưng có một chi tiết nổi bật khiến những người có mặt vừa chạnh lòng đau xót vừa cảm phục sâu xa. Đó là: người mẹ già của kẻ tử tội cứ khóc lóc van xin toà cho mình được chết thay con.
Hẳn ta vẫn nhớ một câu chuyện có thật khác xảy ra trong đệ nhị thứ chiến: linh mục Maximilian Kolbe xin được chết thay cho một người tù chẳng hề thân quen trong trại tập trung Đức quốc xã. Vâng, dám chết thay cho tội của người khác là điều cao quý tinh tuyền nhất trong trái tim con người.
Làm sao con người có thể hy sinh mạng sống cho nhau? Chắc chắn bản năng sinh tồn trong con người sẽ nổi lên chống lại. Chỉ cần nhìn xung quanh, ta sẽ thấy nhiều người khổ đau đến mức tột cùng vẫn cố gắng duy trì sự sống quý giá của mình đấy thôi. Câu hỏi đặt ra là: Làm sao con người có thể hy sinh mạng sống cho nhau?
Không biết ý kiến của bạn thế nào chứ mình đang nghĩ đến một nguyên nhân mà mình cho là cốt lõi nhất: vì yêu. Nếu không có tình yêu thật sự, chẳng ai dám chết thay cho người khác. Điều này gợi cho ta nhớ đến lời của Phaolô, người từng đi bách hại các môn đệ của Thầy Giêsu: “…họa may có ai dám chết vì một người lương thiện chăng. Thế mà Ðức Giêsu Kitô đã chết vì chúng ta, ngay khi chúng ta còn là những người tội lỗi; đó là bằng chứng Thiên Chúa yêu thương chúng ta.”(Rom 5:7-8) Vâng, Thiên-Chúa-làm-người, Giêsu Kitô, chết thay cho tội của nhân loại chúng ta. Nhưng chết thay là thế nào? Cách đây không lâu, có một em thiếu nhi thắc mắc: “Vì con người phạm tội, Chúa Giêsu xuống thế chuộc tội cho họ. Chúa Cha có ác quá không khi bắt Con Một của mình phải chết đau đớn trên thập giá?” Thắc mắc trẻ thơ đôi khi khá rắc rối, bạn nhỉ? Mời bạn từ từ so sánh một chút các câu chuyện để thấy nó phức tạp thế nào nhé.
Trong câu chuyện của người mẹ xin chết cho con và câu chuyện linh mục Kolbe chết thay cho một người tù, ta đều thấy có 3 bên: luật pháp được quan toà đại diện, phạm nhân và người xin chết thay. Còn trong trường hợp Đức Giêsu chết thay cho nhân loại thì: người phạm tội là chúng ta và người tự nguyện chết thay là Đức Giêsu, thế còn quan toà là ai? Rõ ràng quan toà không thể là Satan vì nó không có quyền trên Thiên Chúa. Nếu quan toà là Chúa Cha thì Chúa Cha sẽ bị coi là “ác” trong mắt em thiếu nhi ấy. Vậy thì thế nào đây?
Lại có một câu chuyện khác được dùng như một nỗ lực lý giải về việc “chết thay” của Chúa dành cho con người như sau:
Có một ông vua nọ vì để chấm dứt tệ nạn trong vương quốc nên đã họp triều đình và ban hành những luật lệ rất nghiêm minh. Luật này áp dụng cho tất cả mọi người, kể cả hoàng thân quốc thích. Những ngày đầu ai cũng thực hiện nghiêm chỉnh làm nhà vua rất hài lòng. Thế rồi một hôm nhà vua nghe có một người bị bắt quả tang đang ăn trộm. Ông ra lệnh nghiêm trị phạm nhân theo luật đã định. Vương quốc yên ổn được thêm một thời gian nữa. Rồi ngày nọ, ông lại nghe tin bắt được một kẻ phạm tội hành hung người khác. Lần này nhà vua đích thân đến xem mặt kẻ hung hăng kia để trị tội. Khi phạm nhân được giải vào công đường, nhà vua vừa giận sôi lên vừa buồn bã khi nhận ra đó chính là con trai của mình. Nhưng luật đã ra, phải thi hành thì mới trị quốc được. Chiếu theo luật, ông ra lệnh đánh hoàng tử bốn mươi hèo. Lý hình chuẩn bị ra tay thì nhà vua nói: “Khoan đã!” Rồi ông đến nằm lên trên hoàng tử để che cho con và ra lệnh tiến hành đánh cho đủ số hèo như quy định. Nhà vua chịu phạt thay cho con trai. Vì tuổi đã lớn và đang có trọng bệnh, số hèo kia vượt quá sức chịu đựng của nhà vua nên ít ngày sau đó ông đã băng hà.
Ở đây ta vẫn thấy có 3 bên liên quan: luật pháp (do vua thiết lập, vua làm quan toà xử án), phạm nhân (hoàng tử) và người chịu phạt thay (chính là nhà vua). Trong bức tranh này, nhà vua “ở trong hệ thống luật” nên chịu án phạt thay cho hoàng tử là chấp nhận được. Nếu ta ví Thiên Chúa giống như nhà vua nọ thì sẽ giải quyết được gì không? Bức tranh sẽ như thế này: Thiên Chúa đặt ra luật lệ nào đó cho con người, tự đặt chính mình ở dưới nó, rồi tự xử phạt mình thay cho con người phạm tội. Cách nào đó, Thiên Chúa bây giờ không còn là Đấng Tối Cao vượt trên mọi sự nữa vì luật của Người đặt ra chi phối chính Người, muốn sửa lại xem ra cũng hơi kẹt, kẹt cho việc “trị quốc” (chẳng còn nghiêm minh) và kẹt cho “uy tín” của Người (Chúa chẳng lường trước được trục trặc). Nói cách khác, Chúa nằm trong hệ thống luật ấy và lệ thuộc vào nó. Có điều gì đó bất ổn ở đây. Bạn thấy thế nào?
Chúng mình tiếp tục đào sâu suy tư thêm chút nữa nhé. Mình có một câu chuyện khác xin được kể cùng bạn để xem có giúp khai sáng vấn đề được chút nào không. Vì câu chuyện này quá phong phú nên nếu kể chi tiết sẽ mất nhiều năm. Cho mình tóm tắt thật ngắn trong khả năng giới hạn của mình. Có thể bạn cũng đã nghe rồi. Chuyện là thế này:
Trước khi bất cứ điều gì hiện hữu, chỉ có Tình Yêu Tuyệt Đối. Tình Yêu Tuyệt Đối là Thiên Chúa Ba Ngôi. Vì tình yêu trong Thiên Chúa Ba Ngôi quá sung mãn nên đã trào ra sáng tạo mọi sự tốt lành. Trong vũ trụ này, Thiên Chúa âu yếm tạo thành con người. Đối với Thiên Chúa, họ là những người con rất đỗi quý yêu vì đã được sinh ra từ trái tim tuôn trào yêu thương của một Người Cha (Mt 6:9).
Vì Thiên Chúa là Tình Yêu (1Ga 4:8) nên “hình ảnh của Chúa” (Stk 1:27), tức là con người, cũng được tạo dựng từ tình yêu, sống chìm ngập trong tình yêu và được mời quy hướng về tình yêu để hoàn thành mình trong tình yêu. Thiên Chúa dùng chính bản chất của Người “là tình yêu” để đối xử với con cái nên Chúa cũng mong họ dùng tình yêu mà đáp lại. Để bảo đảm cho mối tương quan hai chiều này được trọn vẹn là tình yêu, Thiên Chúa tạo nên Tự Do và trân trọng đặt nó vào trong họ. Bởi thế, từ ban đầu bản chất của tự do là cao quý. Không có tự do lựa chọn, tình yêu từ phía con cái sẽ trở thành méo mó, dúm dó, sợ sệt. Sự đáp trả của họ sẽ mang màu sắc của miễn cưỡng, ép buộc. Tiếp theo, tự do này chỉ có nghĩa khi nó có khả năng tạo ra trách nhiệm. Trách nhiệm bảo đảm cho sự hiện hữu của tự do đích thực. Vì vậy, trách nhiệm là kết quả tất yếu của tự do. Thêm nữa, Thiên Chúa cũng đặt vào con cái mình lương tâm, trí khôn, ý chí  nhiều hỗ trợ khác để hướng dẫn họ sử dụng tự do một cách yêu thương và công chính.
Thế rồi, với hành trang ấy, con người bước đi trong hành trình thực hiện đời mình. Thiên Chúa, người Cha yêu thương, luôn dõi theo từng bước chân con. Vì tuyệt đối tôn trọng tự do của con nên Cha chỉ nhẹ nhàng đồng hành để dạy dỗ, hướng dẫn con sống trong tình yêu của Cha bởi đó chính là nơi họ đã xuất phát và sẽ trở về. Cha không làm gì để tự do của con bị ảnh hưởng. Cách nào đó, Cha vừa song hành bên con vừa chấp nhận mình ở ngoài “hệ thống tự do” này để quyết định cuối cùng luôn thuộc về con. Cứ thế, con tự do bước đi trong niềm tin và sự săn sóc chu đáo mà nhẹ nhàng của Cha.
Bạn mến, chúng mình đều biết rõ phần còn lại của câu chuyện: con người bắt đầu lạm dụng tự do quyết định mà hành động tiêu cực dẫn đến đủ thứ đổ vỡ hại bản thân hại tha nhân. Tự do lựa chọn sinh ra trách nhiệm tương ứng với nó. Trách nhiệm ấy thuộc về con người, cũng là người con. Những hướng dẫn Cha đã đặt trong con như lương tâm, trí khôn và ý chí bị con gạt qua một bên. Con lạm dụng tự do để phạm tội, thậm chí chống lại chính Cha mình. Tội lỗi dẫn đến bất hạnh và sự chết đè nặng lên thân phận con. (Rom 5:12b) Con quá yếu đuối không thể gánh được trách nhiệm kinh khủng do mình tạo ra này. Tắt một lời, con không thể tự cứu mình. Đủ thứ xáo trộn thâm nhập vào cuộc sống vốn dĩ là bình yên làm con hoang mang, sợ hãi, nghi ngờ, ghen ghét, hận thù, tuyệt vọng. (Rom 3:23) Con không còn tin vào tình yêu nơi bản thân, lại càng không dám mơ có một Tình Yêu Trọn Vẹn Tuyệt Đối. Tha thứ, hoà giải, bình an, yêu thương bỗng trở thành những khái niệm mơ hồ, xa lạ.
Người Cha nhân hậu, Thiên Chúa Ba Ngôi, vẫn luôn dõi theo từng bước con mình. Thấy con như vậy mà xót xa. Chứng kiến cảnh con lao đao kinh hoàng và bất lực trước sự chết do chính con tạo ra, Cha chạnh thương mà tự nguyện đồng lao cộng khổ. Hậu quả con gây ra, giờ đây Cha tự nguyện gánh chịu. Cha không bao giờ đòi lại món quà tự do vì nó vẫn cần thiết để bảo đảm việc đáp trả của con là thật sự thương yêu đối với Cha. Cung cách của Cha luôn luôn là yêu thương cho đến cùng nên Cha tiếp tục chọn hy sinh cho con đến cùng. Đối với Cha, đó là cách tốt nhất để đưa con trở về với Tình Yêu, nơi con sẽ gặp lại chính mình và tìm lại được an vui. Cha mong con được cảm hoá khi đứng trước một tình yêu lớn lao thẳm sâu. Cha mong con hiểu tấm lòng Cha, tấm lòng của Thiên Chúa Tình yêu, mà an tâm quay về để được hạnh phúc. (Lc 15: 20-24) Từ khi con được tạo dựng, lúc nào Cha cũng khát khao thể hiện hơn nữa tình yêu dành cho con qua càng nhiều cách thức càng tốt. Bởi thế, trái tim nhạy bén của Cha thấy ngay một cơ hội để bày tỏ khát khao ấy trong sự khốn sự nạn của con.
Thế rồi, Thiên Chúa Ba Ngôi ngàn trùng chí thánh quyết định giúp con tìm lại mình. Thiên Chúa tự nguyện trở nên như con trong thân phận người để đến bên con thật gần (Ga 1:14). Luôn luôn tôn trọng tự do của con nên Người đến thật nhẹ nhàng, nhẹ nhàng đến nỗi con chẳng nhận ra Người đang hiện diện tràn đầy nơi Giêsu Kitô (Ga 1:10-11), Đấng vì yêu đã đến trong dòng đời này để vác thay gánh nặng cho con.
***
Đức Giêsu đi khắp mọi nẻo đường tìm kiếm con người. Giêsu khóc với người khóc, vui với người vui. Mọi thân phận đều được đón nhận, chữa lành và thăng tiến. Bất cứ ai hiểu biết Giêsu đều tìm lại được chính mình cùng với phẩm giá và bình an. Người ta nhận ra nơi Giêsu bình dân gần gũi ấy nguồn sự thật và tình yêu vô biên lạ lùng.
***
Tự do là thứ cao quý tự ban đầu khi nó gắn bó với tình yêu. Nhưng con người, trong đó có chúng mình, dùng nó để lựa chọn một hướng đi khác. Thiên Chúa vì yêu nên tôn trọng đến cùng. Và chuyện kinh khủng nhất đã xảy ra:
Con người, tức là những người con đã được tạo tác từ trái tim yêu thương tuôn trào, ra tay giết chính Đấng Yêu Thương. Đồi Van-vê chiều hôm ấy chứng kiến hai cảnh tượng trái ngược nhau. Cảnh một là cảnh tệ hại nhất trong lịch sử nhân loại: con dùng tự do Cha ban mà giết Cha; cảnh hai là cảnh tuyệt vời nhất mà chỉ ai sống trong tình yêu mới hiểu: Cha tận hiến cho con, Cha chết thay con. (Phil 2:6-9; Rom 5:8)
Giờ khắc Giêsu Kitô chết trên thập giá
là giờ khắc Thiên Chúa trao hết sự sống cho chúng ta.

Mời bạn nhắm mắt trong giây lát để tâm trí được lắng đọng mà chiêm ngưỡng Tình Yêu đang được trao dâng cho mình.
***
Sự hy sinh của Chúa Giêsu Kitô không đi vào bế tắc mà mở ra một khung trời mới cho con người. Từ đây, con người hiểu rằng tự do đối với tội lỗi ích kỷ và gắn bó với tình yêu mới là sự tự do cần thiết nhất. Từ đây, con hiểu được Cha thương con đến mức nào. Từ đây, con đã tìm lại được Tình Yêu Tuyệt Đối. Từ đây, con hiểu được giá trị đích thực của mình trong mắt Cha. Từ đây, con không còn bất cứ lý do gì để sợ hãi trên đường trở về với Cha. Giờ đây, con tìm lại được bản thân mình vì Cha đang ôm hôn con.
***
Bạn mến, đây chỉ là một trong những nỗ lực suy tư đơn sơ về một mầu nhiệm vô cùng phong phú, thẳm sâu. Còn rất nhiều khía cạnh ý nghĩa khác về sự hy sinh của Thiên Chúa nơi Thầy Giêsu dành cho nhân loại. Chúng mình tiếp tục cầu nguyện, suy gẫm, học hỏi để hiểu hơn về tình yêu vô điều kiện của Người, bạn nhé.
Đại Lễ Phục Sinh về đến nơi rồi. Để đi vào chiều sâu của tình yêu Thiên Chúa, mời bạn cảm nếm lại những lời này:
          “Tội lỗi của chúng ta, chính Người đã mang vào thân thể mà đưa lên cây thập giá, để một khi đã chết với tội, chúng ta sống cuộc đời công chính… Vì Người phải mang những vết thương mà anh em được chữa lành.” (1Pr 2: 21b, 24)
Ðây là điều răn của Thầy:
Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em.
Không ai có tình thương lớn hơn tình thương của người hy sinh
mạng sống mình cho bạn hữu. (Ga 15: 12-13)

Bạn ơi, Thiên Chúa nơi Thầy Giêsu tự hiến mạng sống mình cho chúng ta. Đó là quà tặng lớn nhất trên đời mà ta có thể có được. Nhưng quà tặng chỉ trở thành của ta khi ta mở lòng đón nhận. Dĩ nhiên, ta hoàn toàn tự do trước quà tặng của tình Chúa. Nếu ta khước từ, ta tự biến sự “chết thay” quý giá ấy trở thành vô nghĩa. Nếu ta trân trọng đón nhận thì ta đang chạm vào ơn cứu độ và sự sống mới.

Lm. Giuse Đinh Tuấn Việt, O.Carm.

DIE FOR …
***
Not long ago, one witnessed mixed feelings at a court. The final sentence: death penalty for the murderer. The news article gives lots of details, among which is one that evokes both admiration and heartache: the image of a mother begging the judge to let her die for her son.
We must still remember a real story during the Second World War: the Catholic priest, Maximilian Kolbe, volunteered to die for an unknown prisoner in a Nazi concentration camp. Yes, having courage to die for someone’s fault or sin is the purest virtue found in the human heart.
How can people sacrifice their life for each other? Cetainly the survival instinct will strongly oppose this act. Just have a quick look around, we will see many people who terribly suffer and yet try their best to remain alive. So the question is: How can one die for another?
I don’t know how you would think about this. As for me, I’m thinking of an essential reason: love. If there were no true love, no one would die for others. This reminds us of the words of Paul, who used to persecute the first Christians: “Very rarely will anyone die for a righteous person, though for a good person someone might possibly dare to die. But God demonstrates his own love for us in this: While we were still sinners, Christ died for us.” (Rom 5:7-8) Yes, the God-made-Man – Jesus Christ – sacrificed himself for our sins. But what does it mean by “dying for our sins”? Not long ago, a little student in a catechesis class asked a question: “Human beings sinned, and then Jesus came down to redeem them. Would God the Father be too cruel when he forced his Only Son to die on the Cross?” Well, at times children can ask complicated questions, can’t they? I invite you to compare the stories above to see how complicated the issue is.
In the story of the mother who begged the judge to let her die for her criminal son and that of the Catholic priest Kolbe who volunteered to die for a prisonner, we see 3 parties involved: the law represented by a judge, the accused and the sacrificer. But in the case of Jesus dying for us humans, the accused is each man or woman and the sacrificer is Jesus, who is the judge? Obviously, Satan cannot be the judge over God. If the judge were God the Father, then he would be seen as “cruel” in the eyes of that little student (and others, I suppose). How can we deal with this?
There is another story that can be used as an effort to explain the “self-sacrifice” of God for the human. It goes as follows:
Sometime ago, a king who wanted to end all wrongdoings in his kingdom summoned his officers and passed new strict laws that would be applied to all citizens, including the royal family. At the beginning, everyone seemed to obey them perfectly. The king was content. But one day the king heard of a case of stealing. He ordered that the thief be punished according to the law. His kingdom then functioned well for a while until one day he heard of another more serious case: a man attacked and injured someone. The king decided to see to the case himself. When the criminal was led into the court, the king felt very furious and yet at the same time very sad because the criminal was his own son. The law had to be fulfilled so as to keep the kingdom in order. He ordered that the prince be whipped forty times. The guard was about to strike the prince lying down on the ground when the king said: “Wait!” He came over and covered his son’s body with his own. Then he ordered the guard to carry out the penalty as the law demanded. The king took the place of punishment for his son. Since he was aged and sick, the punishment was too much for him. He passed away a few days later.
Here we still see 3 parties: the law (by the king and his court), the accused (the prince) and the sacrificer (the king). In this picture, the king was “in the law system” and so he was under the same jurisdiction when he took the place of his son. If we compare God to this king, can anything be solved? The situation would look like this: God established a law system for human beings, then put Himself under it, finally punished Himself by taking their place. In a sense, God is no longer The Most High since there is a law sytem controlling Him. In other words, God belongs to this law system and depends on its judgment. There is something incorrect here. How do you think?
Let us continue to explore this. I have another story to tell you with hope that it may help clarify the question a little bit more. This story is so rich that it will take years to tell all the details. Please allow me to summarize as briefly as I can. Perhaps you have known it. Here it goes:
Before anything ever exists, there is only Unconditional Love. Unconditional Love is The Trinitarian God. God’s Love is so abundant that it overflows and creates all good things of the universe. In the universe God lovingly creates men and women. For God, they are his beloved children coming into existence out of his love-filled fatherly heart. (Mt 6:9)
Since God is Love (1Jn 4:8), God’s “image” (Gn 1:27), namely men and women, also come from love, are immerged in love and invited toward their fulfillment in love. God treats his children by his nature which is love, so God also desires their response of love. In order to guarantee this ‘bilateral relationship’ to be truly loving, God creates freedom and respectfully implants it in them. That’s why the nature of freedom is noble. Without this freedom of choice, their love would be distorted and insincere. Without it, their response would be colored with unwillingness and constrain. Next, this Freedom can obtain its meaning only when it is capable of responsibility. Responsibility guarantees the existence of freedom. Therefore, it is the natural outcome of freedom. Besides, God also implants in his children conscience, intelligence, will and other helpers to guide them to exercise their freedom with love and righteousness.
Then, with this ‘equipment’, men and women set out on a journey to perform their life. God, the Loving Father, always watches over their every step. Since he absolutely respects their freedom, he gently journeys with them with counsels and instructions so they will follow the way of love from which they come and to which they will return. The Father does not influence them in any manner that will take away their freedom. In other words, he accompanies them but accepts to be outside this “freedom system” so that final choices always belong to their own decisions. The children thus walk in the confidence and thoughtful yet gentle care of the Father.
Dear friend, we know well the rest of the story: men and women misuse their freedom of choice in acting negatively, which leads to all kinds of brokenness harmful to themselves and others. Freedom produces the corresponding responsibility which belongs to human beings who are once again the beloved children in God’s eyes. The guides such as conscience, intelligence, will and other helpers are put aside. The children abuse their freedom to sin, even sin against their very Father. Sin leads to misery and death which weighs them down. (Rom 5:12b) They are too weak and fragile to take this too heavy responsibility. In brief, they cannot save themselves. All kinds of chaos enter their used-to-be-at peace life and produce in them doubt, fear, jealousy, hatred, despair… (Rom 3:23) They begin to lose heart of their own love. They can no longer dream of Unconditional Love. True forgiveness, reconciliation, peace, and compassion suddenly become abstract and strange concepts.
The Loving Father, the Trinitarian God, never ceases to watch over his children. Seeing their deadly miserable state, he is so filled with compassion that he decides to actively take their burden. He voluntarily bears the consequence of their sin. (Jn 1:29) Despite all, the Father never takes back the gift of freedom because it is still needed to guarantee their true love. His acting manner is always love and ‘love to the end’. That’s why he continues to choose the way of self-sacrifice. For him, it is the best way to bring his children back to Love where they will find themselves and their true joy and peace. He desires to see them touched and converted before so great a love. He expects them to understand his heart, the heart of the compassionate God, and confidently come back to the source of happiness. (Lc 15: 20-24) Since their existence, the Father always longs to express more and more his love for them in whichever possible way. Therefore, his sensitive heart sees immediately an opportunity to do this in the misery of his children.
***
Then The Most High Trinity decided to help the children find themselves again. God voluntarily became like them in humanity to be close to them. (Jn 1:14) Always respecting their freedom, he came to them gently, so gently that they did not even recognize him being fully present in Jesus Christ (Jn 1:10-11), who came into this history to bear their burden.
***
Jesus goes everywhere to look for men and women. He weeps with those who weep and laughs with those who laugh. All are welcome, healed and blessed. Those who understand him regain themselves in peace and dignity. People encounter in this friendly Jesus an endless source of truth and compassion.
***
Freedom is a noble thing at the beginning when it attaches itself to Love. However, the human, including ourselves, use it to take a different direction. God, out of love, respects it at all costs. And the most terrible thing has happened:
The human, namely once again the children created by the Heart overflowing with love, killed the Loving One. Mount Calvery that afternoon witnessed two opposite scences. The first was the most terrible in the entire human history: the children using the freedom given by the Father to kill Him. The second was the best that can only be grasped by those who live in love: the Father sacrificed Himself for the children, He died for them. (Phil 2:6-9; Rom 5:8)
The moment Jesus Christ died on the Cross
 is the moment God gave all his life to us.

Please take a silent moment, close your eyes to contemplate the Love totally offered to us.
***
The sacrifice of Jesus Christ does not lead to a dead end but opens up new horizons for us men and women. From now on we understand that the freedom detached from sin and attached to love is the most valuable freedom. From now on we have found Unconditional Love again. From now on we, the children, understand how much our Father loves us. From now on we see our true worth in our Father’s eyes. From now on we don’t have any more reason to be afraid on the way back to our Father. Now, we have found our true self in our Father who is embracing and kissing us.
***
Dear friend, my reflection is only one of many efforts that try to explore a very rich and profound mystery. There are of course other numerous meanings in the sacrifice of God in Jesus for us. Let us continue to pray, meditate, contemplate and learn so as to better understand his unconditional love for us.
Easter is approaching shortly. In order to enter the depth of God’s love, let us taste again these following words:
 “ …because Christ suffered for you, leaving you an example, that you should follow in his steps….He himself bore our sins in his body on the cross, so that we might die to sins and live for righteousness; by his wounds you have been healed.” (1Peter 2: 21b, 24)

My command is this: Love each other as I have loved you. Greater love has no one than this: to lay down one’s life for one’s friends.” (Jn 15: 12-13)

Dear friend, our God in Jesus Christ gave his life to us. This is the greatest gift that a person can have in life. But the gift can only be truly ours when we open our heart and hands to receive it. Certainly, we are totally free before this gift of God’s love. If we refuse it, we choose to nullify its precious value offered to us. If we graciously welcome it, we are receiving salvation and new life.

Joseph Dinh Tuan Viet, O.Carm.





Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét