Thứ Năm, 27 tháng 4, 2017

CHÚA NHẬT 3 PHỤC SINH –NẬM XÉ – THƯỜNG HUẤN BHG HẠT LÀO CAI TẠI SAPA – HỌP HĐGM VIỆT NAM





THƯỜNG HUẤN BHG HẠT LÀO CAI TẠI SAPA 





HAI TÂN TÒNG -


HAI TÂN TÒNG -





HỌ NẬM XÉ 





VĂN BÀN MỪNG CHÚA PHỤC SINH 



HỌ NẬM XÉ 


HỌ NẬM XÉ 



HỌ NẬM XÉ 


HỌ NẬM XÉ 


 HỌ NẬM XÉ




 HỌ NẬM XÉ







 HỌ NẬM XÉ

 HỌ NẬM XÉ



CHÚA NHẬT 3 PHỤC SINH – HỌ NẬM XÉ – THƯỜNG HUẤN BHG HẠT LÀO CAI TẠI SAPA – HỌP HĐGM VIỆT NAM
Lời Chúa: Cv 2,14.22-33; 1Pr 1,17-21; Lc 24,13-35

MỤC LỤC

1. Emmaus.

Nhờ vào đâu mà hai môn đệ trên đường Emmaus đã nhận ra Chúa? Đã tới ngày thứ ba, mà không thu lượm được một nguồn tin nào chắc chắn. Hai môn đệ này, có lẽ đã thất vọng, không còn tin tưởng, bèn quay trở về với những người thân yêu nơi quê hương bổn quán. Vừa đi họ vừa nói về Ngài. Mặc dù Chúa Giêsu đã hiện ra, nhưng nỗi cay đắng như một bức màn che phủ cặp mắt để họ không còn nhìn thấy. Ngài vừa đi vừa cắt nghĩa Kinh Thánh cho các ông, thế nhưng lúc bấy giờ đối với các ông, Ngài vẫn còn là một kẻ xa lạ. Rồi khi chiều xuống họ đã mời Ngài ở lại với họ, và họ đã nhận ra Ngài trong lúc bẻ bánh.

Từ đó chúng ta đi tới một ghi nhận cụ thể như sau: Các ông đã được soi sáng và nhận biết Chúa không phải do sự nghe cắt nghĩa Kinh Thánh, nhưng do việc làm, nhất là những việc làm mang tính cách yêu thương. Chính vì thế mà thánh Phaolô đã viết: Không phải những kẻ nghe lề luật mà là những kẻ tuân giữ lề luật thì mới trở nên công chính. Bởi đó, khi nghe lời Chúa, chúng ta phải có cái quyết tâm đem ra thực hành, thì lúc bấy giờ lời Chúa mới thực sự đem lại lợi ích cho chúng ta.

Các ông đã không nhận ra Chúa Giêsu khi Ngài cắt nghĩa Kinh Thánh, nhưng các ông đã nhận ra Ngài khi mời Ngài lưu lại với mình nơi quán trọ. Chính vì thế, mỗi người chúng ta cần phải chăm sóc cho tình thương và cần phải cố gắng thực hiện những hành động bác ái. Thánh Phaolô đã khuyên nhủ chúng ta: Hãy kiên trì trong đức ái. Thánh Phêrô thì nói với chúng ta: Hãy rộng lượng đón nhận người khác chứ đừng lẩm bẩm kêu trách. Còn Chúa Giêsu trong hoạt cảnh phán xét, cũng đã phán: Vì khi Ta đói các con đã cho Ta ăn, khi, Ta khát các con đã cho Ta uống, khi Ta mình trần các con đã cho Ta mặc, khi Ta đau yếu và bị tù đày, các con đã viếng thăm, khi Ta là khách, các con đã cho Ta ở trọ.
Có một câu chuyện kể lại rằng: Một người cha trong gia đình có lòng hiếu khách. Ông thường mời những người xa lạ, nhất là những người nghèo đói túng thiếu đến nhà dùng cơm. Ngày kia ông múc nước rửa tay cho một vị khách lạ và đang lúc dẫn vị khách lạ ấy vào bàn ăn thì vị khách lạ ấy biến mất, khiến ông vô cùng ngạc nhiên. Thế nhưng ban đêm, Chúa Giêsu hiện ra với ông trong giấc mơ và phán: Những ngày khác con đã đón nhận những chi thể của Ta, còn hôm nay, con đã đón nhận chính Ta.

Đúng thế, đến ngày phán xét, chúng ta sẽ được nghe lời phán quyết của Chúa: Những gì các con làm cho một kẻ hèn mọn nhất, chính là các con đã làm cho Ta. Chúa Giêsu luôn hiện diện nơi những người anh em bất hạnh và khổ đau, thế nhưng chúng ta có nhận biết và giúp đỡ Ngài hay không?



2. Mời Ông ở lại với chúng tôi.

Suy Niệm
Dưới dáng dấp một người khách lạ, Chúa Giêsu phục sinh đến với hai môn đệ Emmau. Ngài đến đúng lúc, đúng lúc họ đang bỏ cuộc, quay quắt và ray rứt vì chuyện đã qua. Ngài đi cùng với họ, đi gần bên họ, khiêm tốn trở thành một người bạn đồng hành. Ngài gợi chuyện, hay đúng hơn, Ngài muốn tham dự vào câu chuyện dở dang của họ.

Chúa Giêsu không nản lòng trước câu trả lời lạnh nhạt: "Chắc chỉ có ông mới không biết chuyện vừa xảy ra...". Ngài không cắt đứt cuộc đối thoại: "Chuyện gì vậy?" Ngài giả vờ không biết để họ nói cho vơi nỗi buồn. Chúa Giêsu kiên nhẫn lắng nghe lời họ tâm sự. "Trước đây, chúng tôi hy vọng rằng..." Như thế niềm hy vọng này chỉ còn là chuyện quá khứ. Cả niềm tin cũng trở nên chai lì, họ đâu có tin vào lời của các bà ra thăm mộ.
Khi lắng nghe, Chúa Giêsu nhận ra cái gút của vấn đề, những câu hỏi mà họ không tìm ra lời giải đáp. Tại sao một người của Chúa, người mà họ tin là Đức Kitô lại bị đóng đinh như một kẻ bị Thiên Chúa chúc dữ?

Chúa Giêsu vén mở ý nghĩa của mầu nhiệm đau khổ. Đau khổ là nhịp cầu mà Đức Kitô phải vượt qua để sang bờ bên kia là vinh quang bất diệt. Đau khổ không phải là chuyện xui xẻo, rủi ro, nhưng nó có chỗ đứng trong chương trình cứu độ.

Lời của Chúa Giêsu là Tin Mừng ngọt ngào, khiến nỗi đau của họ dịu đi, lòng họ như ấm lại.

Họ cố nài ép Ngài ở lại dùng bữa chiều. Và chính lúc Ngài cầm bánh bẻ ra trao cho họ thì họ nhận ra vị khách lạ chính là Thầy Giêsu.

Kinh nghiệm của hai môn đệ Emmau cũng là của chúng ta. Lúc ta tưởng Ngài vắng mặt, thì Ngài lại đang ở gần bên. Lúc ta nhận ra Ngài ở gần bên, thì Ngài lại biến mất rồi. Nhưng chính lúc Ngài biến mất, ta lại cảm nghiệm sâu hơn sự hiện diện của Ngài.

Ngài đến lúc ta không ngờ. Ngài đi mà ta không giữ lại được. Ngài ở lại với ta cả khi ta không thấy Ngài nữa.

Đấng Phục Sinh vẫn đến với ta hôm nay qua một người bạn hay một người lạ ta gặp tình cờ. Qua họ, Ngài thổi vào lòng ta niềm hy vọng tin yêu.

Ngài vẫn đến với ta qua từng thánh lễ. Ngài đích thân giảng Tin Mừng và bẻ bánh trao cho ta.

Sống như Chúa phục sinh là tập đến với tha nhân, tập đồng hành, tập gợi ý, tập lắng nghe, tập soi sáng...

Hôm nay vẫn có nhiều người bạn đang lê gót về Emmau.

Gợi Ý Chia Sẻ
1.  Chán nản, bỏ cuộc, bỏ cộng đoàn, mất niềm tin và hy vọng vào Chúa, vào con người. Bạn có gặp ai sống trong tình trạng như vậy không? Bạn đã lãm gì để giúp họ?
2.  Khi ngắm nhìn Chúa Giêsu đến với hai môn đệ Emmau, bạn tâm đắc với cử chỉ hay lời nói nào của Chúa? Tại sao?

Cầu Nguyện
Xin ở lại với con, lạy Chúa, vì con cần có Chúa hiện diện để con khỏi quên Chúa. Chúa thấy con dễ bỏ Chúa biết chừng nào.

Xin ở lại với con, lạy Chúa, vì con yếu đuối, con cần Chúa đỡ nâng để con khỏi ngã quỵ. Không có Chúa, con đâu còn nồng nhiệt hăng say.

Xin ở lại với con, lạy Chúa, vì trời đã xế chiều và ngày sắp tàn, cuộc đời qua đi, vĩnh cửu gần đến. Con cần được thêm sức mạnh để khỏi ngừng lại dọc đường.

Xin ở lại với con, lạy Chúa, vì con cần Chúa trong đêm tối cuộc đời. Con không dám xin những ơn siêu phàm, chỉ xin ơn được Ngài hiện diện.

Xin ở lại với con vì con chỉ tìm Chúa, yêu Chúa và không đòi phần thưởng nào khác ngoài việc được yêu Chúa hơn.

3. Đường hy vọng – ĐTGM. Ngô Quang Kiệt.

Bài Tin Mừng hôm nay thật đẹp. Đẹp vì lời văn óng ả. Đẹp vì tình tiết ly kỳ. Đẹp vì tình nghĩa đậm đà. Đẹp vì những tư tưởng thần học thâm sâu. Nhưng đẹp nhất là vì bài tin Mừng chất chứa một niềm hy vọng trong sáng, xua tan mọi bóng tối thất vọng não nề.

Hai môn đệ rời Giêrusalem trở về làng cũ. Giêrusalem là trung tâm tôn giáo. Rời Giêrusalem là dấu hiệu của sa sút niềm tin. Giêrusalem là trung tâm hoạt động. Rời Giêrusalem là dấu hiệu của chán nản buông xuôi. Trước kia hia ông đã bỏ nhà cửa, gia đình để đi theo Chúa Giêsu. Nay hai ông trở về như hai kẻ thua cuộc. Ngày ra đi ôm ấp giấc mộng thành đạt. Ngày trở về ôm nặng một mối sầu. Sầu vì đã mất Người Thầy yêu quí. Sầu vì giấc mộng không thành. Hai linh hồn sầu não, thất vọng lê bước trong ánh mặt trời chiều.
Những giữa lúc buồn tủi, thất vọng ấy, Chúa Giêsu đã xuất hiện. Lập tức ánh sáng rực lên giữa màn đêm đen. Niềm vui rộn rã xoá tan u sầu. Ngọn lửa bừng lên sưởi ấm những trái tim lạnh giá. Vì Chúa Giêsu đã đem đến cả một trời hy vọng.

Đọc trong bài Tin Mừng, ta thấy Chúa Giêsu đã nhen nhúm niềm hy vọng trong tâm hồn các môn đệ Emmau bằng ba loại ánh sáng.

1) Ánh sáng đức tin thắp lên niềm hy vọng.
Hai môn đệ đã chứng kiến cuộc sống và cái chết của Chúa Giêsu từ đầu cho đến cuối. Các ông đã thấy biết bao nhiêu phép lạ Người làm. Các ông đã nghe biết bao lời hay ý đẹp từ miệng Người phán ra. Các ông đã công nhận Người là một “Ngôn sứ đầy uy thế xét về việc làm cũng như lời nói”. Các ông đã hy vọng Người là Đấng giải thoát Israel. Nhưng cuộc thương khó và cái chết của Đức giêsu khiến các ông chán nản và thất vọng. Đến nỗi khi các phụ nữ ra mộ, gặp Thiên Thần báo tin Chúa đã phục sinh, về kể lại cho các ông vẫn không tin.

Bấy giờ Chúa Giêsu bảo các ông “Lòng trí các anh sao mà chậm tin lời các ngôn sứ vậy”. Chúa Giêsu kêu gọi đức tin trở về. Chúa Giêsu khơi dậy đức tin đã lụi tàn bằng cặp mắt phàm trần và các ông không hiểu gì. Khi có đức tin, các ông sẽ hiểu tất cả. Đức tin là nguồn ánh sáng giúp ta nhìn ra ý nghĩa của các biến cố trong cuộc đời. Đức tin là đốm lửa thắp lên niềm hy vọng giữa đêm đen tuyệt vọng.

2) Ánh sáng lời Chúa gieo mầm hy vọng.
Hai môn đệ đã đọc Kinh Thánh. Các ông thuộc vanh vách sách Lề Luật Môsê, các Ngôn sứ và Thánh vịnh. Thế nhưng các ông vẫn thất vọng. Vì các ông đọc Kinh Thánh mà không hiểu Kinh Thánh. Các ông học Kinh Thánh như học một bài thuộc lòng. Các ông đọc Kinh Thánh như đọc một bản văn cổ, chỉ có những con chữ vô hồn.
Chúa Giêsu phải giải thích Kinh Thánh cho các ông. Bắt đầu từ sách Lề Luật, rồi lời các Ngôn Sứ và các Thánh Vịnh. Khi nghe Chúa nói, tim các ông rộn ràng niềm vui, trí các ông bừng sáng như thể một ngọn lửa nhen nhúm trong lòng. Chúa Giêsu đã dạy các ông một cách đọc Kinh Thánh mới mẻ. Phải đọc giữa những hàng chữ để thấy rõ những ý nghĩa nhiệm mầu. Phải tìm sau những hàng chữ để thấy được ý định kỳ diệu của Thiên Chúa. Phải đọc Kinh Thánh dưới sự hiện diện của Thiên Chúa. Phải thấy bóng dáng Thiên Chúa thấp thoáng suốt những trang sách. Và phải đọc Kinh Thánh với một trái tim yêu mến tha thiết.

Khi trái tim mở rộng đón nhận, lời Chúa sẽ gieo vào hồn ta những mầm mống hy vọng. Và cuộc đời sẽ thấy lại ý nghĩa, tìm được niềm vui.

3) Ánh sáng Thánh Thể nuôi dưỡng niềm hy vọng
Niềm hy vọng trở thành hiện thực khi Chúa Giêsu bẻ bánh. Chính qua cử chỉ bẻ bánh mà các môn đệ nhận ra ChúaGiêsu Phục Sinh. Niềm hy vọng không còn là hy vọng nữa, nhưng đã trở thành hiện thực. Hết còn những bàn tin bán nghi. Hết còn những hoang lo lắng. Hết còn những thấp thỏm lo âu. Vì các ông đã gặp được chính niềm hy vọng.

Cuộc gặp gỡ chỉ thoáng qua, nhưng các ông đã mãn nguyện. Chúa Giêsu bẻ bánh là nhắc lại cử chỉ khi lập phép Thánh Thể. Nhờ phép Thánh Thể toàn bộ con người các ông đổi mới. Dường như một linh hồn mới vừa nhập vào những xác thân mệt mỏi rã rời. Dường như dòng máu đã trở nên đỏ thắm. Dường như những tế bào đã trở nên tươi trẻ. Dường như trái tim đã trở nên rộn rã nhịp yêu đời. Lập tức các ông trở lại Giêrusalem. Đường đi khi trời còn sáng mà thấy xa xôi ngại ngùng. Đường đi về lúc trời đã tối đen mà sao thấy tươi vui gần gũi. Lúc đi có Chúa ở bên mà vì con mắt đức tin mù tối nên vẫn thấy buồn sầu. Lúc về tuy vắng bóng Chúa vẫn an tâm vì con mắt đức tin đã mở ra, vì vẫn biết có Chúa ở bên. Thánh Thể Chúa chính là lương thực nuôi dưỡng niềm hy vọng.

Nhờ có Thánh Thể, đường xa trở nên gần. Nhờ có Thánh Thể, đường buồn trở nên vui. Vì nhờ có Thánh Thể, ta luôn được ở bên Chúa.

Đời sống ta không thiếu những giờ phút khó khăn. Cuộc đời đầy thử thách nhiều lúc đẩy ta vào hố thẳm tuyệt vọng. Ta hãy học bài học Chúa dạy các môn đệ trên đường Emmau: Hãy biết nhìn các biến cố trong cuộc đời bằng con mắt đức tin. Dưới ánh sáng đức tin, moị đau khổ sẽ xuất hiện với một ý nghĩa tốt đẹp cho cuộc đời. Ánh sáng đức tin sẽ thắp sáng niềm hy vọng. Hãy biết nghe, đọc và suy gẫm Lời Chúa. Đừng đọc Kinh Thánh như đọc tiểu thuyết. Đừng học hỏi Kinh Thánh như học một lý thuyết. Hãy đọc với tình yêu. Hãy tìm bóng dáng Chúa xuyên qua các hàng chữ. Hãy mở rộng tâm hồn đón nhận Lời Chúa. Lời Chúa sẽ như một hạt giống gieo vào lòng ta mầm hy vọng xanh tươi. Và sau cùng hãy đến với Chúa Giêsu trong bí tích Thánh Thể.

Hãy kết hiệp với Chúa Giêsu trong Thánh Thể. Thánh Thể sẽ là lương thực nuôi dưỡng niềm hy vọng của ta.

Đường đời chúng ta cũng như quãng đường từ Giêrusalem đi Emmau. Khi ta không có niềm hy vọng thì con đường ta đi thật dài, thật xa, thật buồn, thật tối dù ta đi giữa ban ngày. Nhưng khi ta có niềm hy vọng, con đường sẽ trở nên gần gũi, vui tươi, và sáng sủa dù ta đi trong bóng đêm.

Lạy Chúa Giêsu Phục Sinh là niềm hy vọng của con. Xin cho đường con đi trở thành đường hy vọng vì luôn có Chúa ở bên con.


GỢI Ý CHIA SẺ
1.     Chúa Giêsu đã chiếu soi các môn đệ Emmaus bằng những ánh sáng nào?
2.     Có khi nào đang buồn, bạn cảm nhận được niềm vui vì gặp Chúa không?
3.     Bạn đọc Kinh Thánh thế nào? Tìm kiến thức hay tìm Chúa?
4.     Khi tham dự Thánh Lễ, bạn có cảm nhận mãnh liệt sự hiện diện của Chúa trong phép Mình Thánh không?

4. Chúa hiện ra với hai môn đệ trên đường Emmau.

Suy niệm của ĐGM. Nguyễn Khảm
Hôm nay chúng ta sẽ suy niệm về một lời cầu khẩn của hai môn đệ trên đường từ Giêrusalem về Emmau: “Xin Thầy ở lại với chúng con vì trời đã về chiều và ngày sắp tàn”. Đó là một thực tế về mặt thời gian, bởi vì lúc đó gần tối rồi. Đồng thời câu nói đó có lẽ nó cũng diễn tả một thái độ tâm hồn.

Trời đã về chiều, ngày sắp tàn, đêm tối sắp đến. Tâm hồn của hai ông bị chìm trong đêm tối, cái đêm tối của nghi ngờ, đêm tối của thất vọng. Bởi vì các ông đặt tất cả niềm tin vào Thầy Giêsu mà cuối cùng Thầy Giêsu bị bắt đánh đập, đóng đinh, giết chết trên Thập Giá. Tất cả niềm tin và hy vọng tan biến, chỉ còn lại nghi ngờ và tuyệt vọng. Đêm tối ấy đáng sợ hơn là đêm tôi về mặt không gian và thời gian tự nhiên.

Chính trong tâm trạng ấy các ông thưa với Chúa Giêsu: “Xin Thầy ở lại với chúng con vì trời đã về chiều và ngày sắp tàn”. Lời cầu khẩn ấy không phải là lời cầu khẩn của chính chúng ta hay sao? Những lúc cuộc đời của chúng ta có những thất bại, có những cay đắng, chán nản đến độ chúng ta đâm ra nghi ngờ Thiên Chúa, chúng ta cần bắt chước hai môn đệ thốt lên lời nguyện xin: "Lạy Chúa hãy ở lại với con”.

Hôm nay thánh Luca muốn nói với chúng ta: Ta không thấy Chúa Kitô về mặt thể lý tự nhiên, nhưng ta có thể gặp Chúa Kitô Phục Sinh trong Bí Tích Thánh Thể. Thánh Luca tường thuật lại suốt trên con đường đi về Emmau có một người khách bộ hành đi cùng. Hai môn đệ không thể nhận ra Thầy yêu thương của mình. Mãi đến lúc ngồi vào bàn Chúa Giêsu cầm lấy bánh, tạ ơn, bẻ ra trao cho thì hai ông mới nhận ra. Và khi nhận ra thì Chúa lại biến mất.
Về mặt tín lý chi tiết này rất hay, rất quan trọng để cho ta hiểu rõ về Bí Tích Thánh Thể. Khi ta cử hành Bí Tích Thánh Thể nghĩa là ta cùng với Hội Thánh cầm lấy tấm bánh bẻ ra và trao cho nhau. Lúc ấy anh chị em có thấy Chúa không? Thưa không. Trước mặt chúng ta hoàn toàn là một khoảng không. Ngày xưa hai môn đệ đi bên cạnh Chúa, suốt quãng đường dài mà họ không nhận ra Chúa, khi biết được Chúa biến mất trước mặt họ cũng là một khoảng không. Chúa Giêsu không hiện diện một cách gọi là thể lý theo nghĩa chúng ta thấy Ngài như chúng ta nhìn thấy nhau.

Thực sự, sự hiện diện của Ngài là một hiện diện bao trùm cuộc sống của chúng ta. Ta đón nhận sự hiện diện đó bằng lòng tin của chúng ta. Cho nên ta vẫn có thể gặp được Chúa Phục Sinh khi ta cử hành Bí Tích Thánh Thể: Cầm bánh, tạ ơn Chúa. bẻ ra và trao cho nhau. Điều quan trọng là chúng ta có cử hành Bí Tích Thánh Thể như một cuộc gặp gỡ Chúa Giêsu không hay chỉ còn là một nghi thức?

Vì vậy câu chuyện Tin Mừng hôm nay nhắc cho chúng ta. Chúng ta vẫn gặp được Chúa Giêsu mỗi lần chúng ta cử hành Bí Tích Thánh Thể. Ước gì chúng ta có đủ lòng tin và có một cảm thức nhạy bén trước màu nhiệm của Thiên Chúa để chúng ta có thể đón nhận sự hiện diện sống động của Ngài và đi vào cuộc gặp gỡ thực sự với Ngài.

5. Từ tuyệt vọng đến chia sẻ – Achille Degeest.

(Trích trong ‘Lương Thực Ngày Chúa Nhật’)
Đoạn độc nhất đầy đủ chi tiết mà chúng ta có được của một giai đoạn liên quan đến sự sống lại, là bài tường thuật kỳ diệu kể việc Chúa Giêsu hiện ra với các môn đệ trên đường Emmau. Nó tạo nên một trường hợp điển hình về tính cách bất ngờ đột ngột của những lần Chúa Giêsu hiện ra với các môn đệ, điều này có vẻ củng cố giả thuyết về ảo giác thỉnh thoảng được đưa ra; tuy nhiên ảo giác là một hiện tượng thường xảy ra khi người ta chờ đợi, mong ước mãnh liệt một điều gì. Sự đồng hoá làng Emmau gây ra những khó khăn; nhưng các nhà chuyên môn nghĩ rằng đó là nơi hiện nay gọi là El-Kubebe, ở cách Giêrusalem chừng mười ba cây số. Dõi theo bài tường thuật, chúng ta nêu lên một vài nhận xét.

1) Mắt họ bị ngăn che không nhận ra được Ngài.
Người ta có thể tự hỏi tại sao và như thế nào? Nên nhớ rằng lối hiện hữu thể xác của Chúa Giêsu sống lại khác với lối hiện hữu trước khi chết. Chúa Giêsu có được một sự tự do tuyệt đối trong việc lựa chọn dáng vẻ bề ngoài, cũng như trong cách thế di chuyển… Một cách loại suy, chúng ta có thể nghĩ rằng Chúa Giêsu đôi khi gần bên chúng ta và vì một lý do nào đó chúng ta không nhận ra Ngài. Chẳng hạn có thể xảy ra trường hợp trong cơn bị thử thách cùng cực, chúng ta không thể nhận ra sự hiện diện của Thiên Chúa; và lắm lúc sau đó chúng ta mới nhận ra sự can thiệp của Thiên Chúa.

2) Chúng tôi đã hy vọng rằng chính Ngài là Đấng sẽ giải thoát Israel.
Câu nói ngắn ngủi này che dấu thảm kịch sâu xa bên trong của các môn đệ và tông đồ. Niềm hy vọng của họ nơi Chúa Giêsu diễn tiến trên bình diện trần thế. Trong những tháng dài, cố gắng sư phạm của Chúa Giêsu là đưa niềm hy vọng của họ lên một bình diện cao hơn, bình diện Nước vĩnh cửu. Phải đợi đến lễ Hiện Xuống, để có thể đạt được mức độ niềm tin thật nơi Đức Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa. Trong lúc chờ đợi, niềm tin này bị thử thách một cách ghê gớm.

3) Những trí lòng chậm tin vào mọi điều các tiên tri đã nói.
Khi nói với các môn đệ, Chúa Giêsu cho họ một bài học bằng sự vật. Ngài dẫn đưa tâm trí họ đến một sự khám phá: Ngài thật là ánh sáng làm cho người ta hiểu Kinh Thánh. Ngày nay cũng đừng quên rằng, Chúa Kitô là chìa khoá mở sách Kinh Thánh. Ngài là lời của Thiên Chúa, lời mang lại sức sống cho các đoạn sách, cho các lời nói trong Kinh Thánh.

4) Lòng chúng ta lại đã không cháy bừng bừng.
Từ câu này ta hãy giữ lại vài bài học thiêng liêng. Trước hết Chúa Giêsu không mang cho các môn đệ một lời giải thích Kinh Thánh trên bình diện thuần tuý tri thức; nhưng Ngài đánh động vào chiều sâu. Khi đọc Kinh Thánh, chúng ta đừng bằng lòng với việc tìm kiếm tri thức, nhưng hãy đặt trong tinh thần cầu nguyện. Tiếp đến, trong cách thức đồng hành với con người thời đại, trong ước muốn mặc khải Chúa Kitô, hãy nhớ rằng chúng ta chỉ có thể đánh động tâm hồn họ theo mức độ Chúa Giêsu Phục Sinh sống và chiếu toả trong chúng ta.

5) Hãy lưu lại với chúng tôi… Và xảy ra là khi vào bàn với họ Ngài cầm lấy bánh…
Chúng ta hãy để mình chiều theo sức gợi cảm kỳ diệu chứa đựng ở đoạn cuối câu chuyện các môn đệ thành Emmau. Đặc biệt chúng ta tự hỏi: với người xa lạ nào chúng ta nói: “Hãy lưu lại với chúng tôi”, ‘hãy chia sẻ cơm bánh của chúng tôi’? Trong đời sống, chúng ta có biết thật sự tiếp đón và chia sẻ đáp lại lời nói của Đức Phaolô VI, chúng ta có thể nói rằng: “Giáo Hội hôm nay phải chia sẻ nhiều hơn để Chúa Kitô được biết đến nhiều hơn. Mà ‘Giáo Hội’ tức là mỗi một người trong chúng ta.

6. Người bạn đồng hành – R. Veritas.

(Trích trong ‘Niềm Vui Chia Sẻ’)
Nói đến những người không nhà không cửa, người ta thường nhắc đến cha Henri Groués quen được gọi tắt là cha Pierre, người đã sáng lập cộng đoàn Emmaus giúp những người bần cùng tự tay xây dựng cuộc sống của họ.

Phong trào Cộng đoàn Emmaus khởi sự bằng một căn nhà đổ nát ở vòng đai của thành phố Paris vào hồi Đệ Nhị Thế Chiến. Những người khách đầu tiên của tổ ấm này là các thanh thiếu niên bụi đời, những người không nhà không cửa, hoặc các tù nhân vừa được phóng thích.

Câu nói đầu tiên của cha Pierre với những người mới đặt chân đến cộng đoàn là: “Bạn không được may mắn, nhưng tôi cần bạn để giúp đỡ những người khác…”. Dù khổ sở đến đâu, ai cũng muốn người khác nhìn nhận giá trị của mình, ai cũng muốn trở thành hữu ích cho người khác. Đó là niềm tin mà cha Pierre luôn khơi dậy nơi những người đã mất tất cả hy vọng.

Cha Pierre đặt tên Emmaus cho cộng đoàn của cha là để nhớ lại câu chuyện hai môn đệ của Chúa Giêsu trong buổi chiều Phục Sinh. Cũng như hai môn đệ này, giữa lúc họ tưởng như mất tất cả, Chúa Giêsu đã hiện đến mang lại niềm tin cho họ. Cũng thế, cha Pierre và những người bạn đầu tiên của ngài đã tìm gặp được hứng khởi, niềm tin yêu giữa những mất mát ê chề của cuộc sống.

“Tạo lại niềm hy vọng vào cuộc sống”, đó là khẩu lệnh của cha Pierre, và xây dựng lại niềm hy vọng đó từ những đổ nát, mất mát. Chính vì thế mà cộng đoàn Emmaus chủ trương đi thu nhặt lại các đồ phế thải, các vật dụng cũ kỹ, giấy rác, ve chai, bao bì nylon, lon hộp… để chế biến và bán lại như một sản phẩm do chính tay mình làm nên.
Hiện nay phong trào Emmaus đã có mặt tại 50 quốc gia trên thế giới với khoảng 290 cộng đoàn. Tất cả những người trong cộng đoàn đều sống với niềm hy vọng từ những đổ nát và mất mát trong cuộc sống.

Anh chị em thân mến,
Tin Mừng của Thánh Luca hôm nay thuật lại rằng, buổi chiều hôm đó có hai môn đệ của Chúa Giêsu lên đường đi Emmaus trở về làng cũ của họ. Cái chết của Chúa Giêsu là một chấm hết đối với họ: hết mong “công hầu khanh tướng”, hết giấc mơ của một nước Israel thịnh vượng, hết mong hy vọng. Trở về làng cũ tức là trở về với thất vọng ê chề. Nhưng cũng chính lúc đó, Chúa Giêsu đã hiện ra với họ, cái chết mang một ý nghĩa mới, mất mát đã trở thành khởi đầu của lợi lộc, thất bại đã trở thành khởi điểm của thành công, buồn phiền đã biến thành vui mừng hân hoan. Ánh sáng Phục Sinh của Chúa Giêsu đã mặc cho mọi biến cố của cuộc sống một ý nghĩa mới. Tin tưởng lạc quan đã trở thành nhân đức cơ bản của đời Kitô.

Ở bất cứ nơi đâu và ở bất kỳ thời đại nào, sau một lần đổ nát, người ta thường hát lên điệp khúc: “Hãy xây dựng lại từ đổ nát!”. Đó là niềm tin mà hơn bất cứ lúc nào chúng ta cần phải bám lấy… Bạn đang sầu khổ vì những mất mát ê chề trong cuộc sống ư? Bạn đang cảm thấy mình ở dưới vực thẳm của tội lỗi ư? Chúa Giêsu của làng Emmaus đang nói với bạn: Đừng thất vọng! Ngài đang đồng hành với bạn, và với Ngài, bạn có thể xây dựng được một cuộc sống tốt đẹp hơn.

Thưa anh chị em,
Nếu ngày xưa, hai môn đệ Emmaus đã nhận ra Chúa khi Ngài ngồi vào bàn ăn bẻ bánh trao lại cho hai ông, thì hôm nay nơi Bàn Tiệc Thánh này, Ngài cũng làm lại cử chỉ đó để chúng ta nhận ra Ngài đang sống và hiện diện giữa chúng ta, với chúng ta, trong mọi hoàn cảnh của cuộc đời. Và sau khi vui mừng nhận ra Chúa đã sống lại, hai ông đã vội vã ra đi gặp anh em để thông đạt niềm vui và niềm tin yêu nơi họ. Cũng vậy, sau khi hiệp lễ, chúng ta được sai phái ra đi đem Tin Mừng Chúa sống lại, đem niềm vui Phục Sinh đến các anh em đang đau khổ, buồn sầu, chán nản, thất vọng, để mọi người cùng chia sẻ niềm tin. Thiên Chúa vẫn là người bạn đồng hành của con người, Ngài vẫn cảm thông với những ưu tư, đau khổ của con người, Ngài đang hoạt động với con người. Chỉ có con người không nhận ra Ngài, không biết lắng nghe Lời Ngài và không giữ Ngài ở lại với mình khi ngày đã xế bóng và màn đêm tăm tối đang bao phủ mặt đất, che khuất ánh mặt trời. Vì trong đêm tối, người ta khó tin có mặt trời, nhưng sự thực mặt trời vẫn luôn có đó. Trong đau khổ, người ta khó tin có Thiên Chúa, nhưng sự thực Thiên Chúa vẫn luôn có đó, vì Chúa Kitô đã sống lại và đang sống bên cạnh chúng ta giữa những đêm tối, giữa những khổ đau, mặc dầu chúng ta không trông thấy Ngài.

Anh chị em thân mến,
Hãy nhận ra sự gần gũi thân thương của Chúa Giêsu trong Lời Chúa và Thánh Thể chúng ta chia sẻ cho nhau mỗi lần họp mặt mừng Chúa sống lại. Và cùng với Ngài, chúng ta ra đi đem Tin Mừng Phục Sinh, niềm vui và hy vọng làm nền tảng cho cả cuộc đời của mọi người Kitô hữu.

 

7. Trên đường Emmau – R. Veritas.

(Trích trong ‘Sống Tin Mừng’)
Qua các báo chí, đài truyền thanh, truyền hình và các phương tiện truyền thông khác, có lẽ ngày nào chúng ta cũng thấy tận mắt hình ảnh vô cùng thảm thương của những người tị nạn Kosovo, đã có trên nữa triệu người gốc Albani bị bắt buộc phải rời bỏ quê hương mang theo không biết bao nhiêu câu chuyện, hay những hành động ngược đãi, hãm hiếp, tàn sát dã man mà Tổng thống Nam Tư đã trút xuống trên họ. Những hành động tội ác xuất phát từ chủ trương thanh lọc chủng tộc này không thể không gợi lại cho chúng ta các trại tập trung, những lò hơi ngạt mà Hitler đã từng dựng nên để sát tế trên sáu triệu người Do thái. Chúng ta cũng không thể quên được các quần đảo Gu-lắc của Stalin tại Liên Xô, những nhà tù của Mao Trạch Đông tại Trung Quốc, những cánh đồng giết người của Pôn-Pốt tại Campuchia. Dĩ nhiên, làm sao chúng ta không liên tưởng đến không biết bao nhiêu người vì chủng tộc, vì niềm tin tôn giáo, vì lương tâm, vì quan điểm chính trị mà đã phải bị kỳ thị, bị ngược đãi, bị bách hại trong các chế độ độc tài xây dựng trên các ý thức hệ độc đoán.

Ở vào thời điểm của xu thế toàn cầu hóa ngày càng mở rộng để tạo ra về các giao lưu kinh tế, văn hóa, chính trị, xã hội, tôn giáo thì chủ trương loại trừ, bách hại và tiêu diệt người khác chỉ vì chủng tộc, chỉ vì niềm tin tôn giáo, vì quan điểm chính trị, quả là một hành động lạc hậu dã man. Thế giới đã nhìn về tội ác của Hitler, Stalin, Mao Trạch Đông, Pôn-Pốt như những cơn ác mộng nhất của lịch sử nhân loại và sẽ mãi mãi lên án bất cứ chủ nghĩa nào tước đi quyền cơ bản của con người. Giờ đây nhân loại càng ý thức rằng, gặp gỡ, chia sẻ, tôn trọng những khác biệt mà điều kiện tối cần cho sự sống còn là nền hoà bình đích thực của thế giới.

Riêng các tín hữu Kitô chúng ta, ánh sáng đức tin soi dẫn chúng ta biết rằng, nền tảng những sự tôn trọng, những khác biêt nơi người khác là phẩm giá con người. Chúng ta tin rằng, một con người sinh ra trên cõi đời này đều mang lấy hình ảnh Thiên Chúa. Trong ánh sáng của việc cử hành mầu nhiệm Phục Sinh, các tín hữu Kitô chúng ta còn biết rằng, con người có một phẩm giá cao trọng là bởi vì chính Chúa Kitô Phục Sinh đã tự đồng hóa với mọi người, nhất là với những người nghèo hèn nhất trong xã hội. Từ nay trong ánh sáng Phục Sinh, chúng ta biết rằng, con người là con đường gặp gỡ ưu việt với Chúa Kitô Phục Sinh. Đây là chân lý Giáo Hội muốn nhắc nhở với chúng ta trong Tin Mừng chúng ta lắng nghe trong Chúa Nhật hôm nay.

Chúa Giêsu đã đến với hai môn đệ đi về làng Emmau như người khách đồng hành, đồng hành nhưng xa lạ, đây chính là cách thể hiện diện của Chúa Kitô Phục Sinh trong cuộc sống của chúng ta, Ngài đến với chúng ta như một người đồng hành, Ngài luôn đi bên cạnh chúng ta, thế nhưng người đi bên cạnh ấy lại là một người xa lạ, rõ ràng là Chúa Giêsu muốn mời gọi chúng ta nhận diện Ngài trong tất cả mọi người và từng người chúng ta gặp gỡ mỗi ngày. Có biết bao nhiêu người sống bên cạnh chúng ta mà vẫn là người xa lạ hay vô danh, có biết bao nhiêu người đồng hành với chúng ta mà vẫn như vô hình vì sự dửng dưng của chúng ta, nhất là biết bao nhiêu người đau khổ bên cạnh chúng ta mà trái tim của chúng ta vẫn khô cứng chai lì.

Hai người môn đệ không nhận ra Chúa Kitô Phục Sinh khi Ngài đồng hành với họ và chuyện vãn với họ, thế nhưng khi Chúa Giêsu ngồi vào bàn ăn, lấy bánh bẻ ra trao cho hai ông thì mắt của hai ông bỗng mở ra để nhận biết Ngài. Bẻ bánh trao ban vốn là cử chỉ đặc thù và cá biêt trong dung mạo của Chúa Giêsu, cử chỉ ấy thể hiện nhân cách và sứ mệnh của Ngài, Ngài chính là tấm bánh được bẻ ra để chia sẻ cho mọi người. Hai người môn đệ đã nhận ra Chúa Giêsu và tâm hồn của họ tràn ngập niềm vui.
Khi thông hiệp vào sự trao ban ấy của Chúa Giêsu, cử chỉ bẻ bánh trao ban của Chúa Giêsu đã trở thành trọng tâm của đời sống Giáo Hội. Giáo Hội được qui tụ để không ngừng lập lại cử chỉ ấy của Chúa Giêsu, đồng thời cũng được mời gọi để trở thành tấm bánh được bẻ ra trao ban cho tất cả mọi người. Thế nhưng cử chỉ ấy của Chúa Giêsu chỉ có ý nghĩa và trở thành hiện thực qua chính sự bẻ bánh và trao ban của các tín hữu Kitô chúng ta mà thôi. Sự bẻ bánh hay Thánh Lễ mà Giáo Hội cử hành mỗi ngày sẽ trống rỗng và vô nghĩa nếu không được thực hiện bằng cuộc sống bẻ ra và trao ban của chính các tín hữu Kitô chúng ta.

Có được bẻ ra, có được vỡ ra, chúng ta mới có thể ra khỏi vỏ ốc ích kỷ, hận thù, dửng dưng của chúng ta. Có được bẻ ra mới mở ra để nhận diện được ngày đang đến trong mỗi một người anh chị em chúng ta.
Cũng chính lúc đó cùng với cử chỉ trao ban ấy, sự hiện diện của Đấng Phục Sinh mà chúng ta nhận ra nơi tha nhân để mang lại cho chúng ta niềm vui đích thực.

Nguyện cho niềm vui đích thực của trao ban ấy làm tràn ngập tâm hồn chúng ta. Amen.

8. Trên đường Emmau.

Tin Mừng hôm nay thuật lại việc Chúa Giêsu hiện ra với hai môn đệ trên đường Emmau, biến đổi con người từ thái độ ngờ vực đến thái độ tin nhận một cách xác tín và làm chứng cho Tin Mừng Phục Sinh.

Chúa Giêsu tiến đến gặp hai môn đệ đang phân vân về ơn gọi và sứ mệnh theo Chúa. Sau biến cố Chúa bị đóng đinh và chết trên Thập giá, hy vọng về tương lai mà họ muốn xây dựng xem ra bị tiêu tan. Không còn gì giữ họ lại Giêrusalem, nơi Chúa đã dẫn họ đến và cũng là nơi sẽ khởi đầu sứ mệnh làm chứng cho Chúa, nên hai môn đệ quay trở lại Emmau với tâm hồn thất vọng và niềm tin bị thử thách nặng nề. Mô tả về cuộc gặp gỡ này, tác giả Luca đã chú ý đến ba yếu tố: Kinh Thánh, Bí Tích Thánh Thể, Cộng Đoàn Tuyên Xưng Đức Tin. Hai môn đệ nhận ra Chúa Giêsu Phục Sinh sau khi nghe Chúa trong dung mạo người khách đồng hành giải thích Kinh Thánh và bẻ bánh, rồi hai môn đệ trở về Giêrusalem và cũng được củng cố thêm bởi lời tuyên xưng của cộng đoàn: “Chúa sống lại thật rồi, và đã hiện ra với Simon”.

Để làm sống động lại đức tin đã bị lung lay, người môn đệ cần có ba yếu tố: Kinh Thánh, Bí Tích Thánh Thể, Cộng Đoàn Sống Đức Tin. Lời Chúa là của ăn nuôi sống đức tin. Toàn bộ Kinh thánh đều qui về Chúa Giêsu Kitô. Khi bị thử thách, người môn đệ không nên cắt đứt với Lời Chúa, nhưng hãy kiên trì đọc, suy niệm và khiêm tốn xin Chúa giải thích lời Chúa cho mình hiểu. Tâm hồn hai môn đệ Emmau đã bừng cháy lên khi nghe Chúa giải thích Kinh Thánh mới chỉ là khởi đầu của một cuộc trở về; một cuộc phục hồi đức tin còn được thể hiện khi hai môn đệ nhận ra Chúa Giêsu lúc Ngài bẻ bánh. Từ ngữ “bẻ bánh” trong cộng đoàn Kitô tiên khởi có nghĩa là cử hành Bí tích Thánh Thể: Bí tích Thánh Thể hoàn tất điều mà Lời Chúa khơi dậy trong tâm hồn con người. Cuối cùng, đích điểm của cuộc trở lại là cộng đoàn đức tin: đức tin được nuôi dưỡng bởi lời Chúa và Mình Chúa không thể chỉ dừng lại hoặc giới hạn nơi cá nhân, mỗi môn đệ là thành phần của cộng đoàn đang tuyên xưng đức tin; đức tin không bao giờ chỉ là đức tin riêng rẽ, nhưng là đức tin trong một cộng đoàn: “Tôi tin”, đồng thời cũng là “Chúng tôi tin”.

Khi đức tin của chúng ta bị lung lay, bị thử thách, chúng ta cần kiểm điểm xem chúng ta có thái độ nào đối với lời Chúa? Chúng ta sống Bí tích Thánh Thể thế nào? Chúng ta hiệp nhất với cộng đoàn tuyên xưng đức tin thế nào?

Xin Chúa giúp chúng ta lớn lên trong đức tin để có thể làm chứng cho Chúa trong mọi hoàn cảnh.

9. Dừng chân.

Hôm nay chúng ta chú ý tới một sự kiện trong đoạn Tin mừng, đó là Chúa Giêsu Phục Sinh đã dừng chân ở lại quán trọ làng Emmau với hai môn đệ khi họ ngỏ ý mời Ngài.

Quả thực, đây không phải là lần đầu Chúa Giêsu dừng lại. Ngài luôn luôn dừng lại khi được yêu cầu và sẵn sàng ở lại với những ai cần đến Ngài. Các sách Tin mừng đã ghi lại cho chúng ta biết: Trong bất kỳ hoàn cảnh nào, Chúa Giêsu luôn luôn dừng chân và ở lại với tất cả những ai cần đến Ngài, chẳng hạn: Ngài đã dừng chân và ở lại với người phụ nữ mắc bệnh băng huyết mười hai năm, đang theo Ngài trong đám đông. Ngài đã dừng chân lại nhà ông Giakêu trong khi ông chỉ mong muốn được nhìn thấy Ngài thôi cũng đủ mãn nguyện rồi. Ngài đã dừng chân lại với các trẻ em khi chúng đến với Ngài, mặc dù các môn đệ xua đuổi chúng. Ngài đã dừng chân và ngồi ăn uống với những người tội lỗi và thu thuế. Trên đường đi Giêrusalem nhận cái chết, Ngài cũng đã dừng chân để cứu giúp một người hành khất ngồi bên lề đường. Cuối cùng, trên thập giá, trong lúc hấp hối, Ngài còn dừng lại với một tử tội cũng đang hấp hối bên Ngài để ban ơn tha thứ và hứa cho anh được ở với Ngài trong nước trời… Tóm lại, Chúa luôn luôn ở lại với những ai cần đến Ngài. Chúa luôn luôn quan tâm và thương xót tất cả mọi người.

Tuy nhiên, những chuyện xảy ra trong khi Chúa Giêsu còn sống ở trần gian, thì cũng xảy ra như vậy sau khi Ngài đã sống lại, cho đến chúng ta hôm nay. Trong đời sống của chúng ta, đã biết bao lần chúng ta cảm thấy bản thân mình chẵng được ai để ý tới và cũng chẳng ai thèm nghe mình khiến chúng ta cô đơn lại càng cô đơn hơn, đã buồn chán lại càng buồn chán hơn. Nhưng có một điều chắc chắn là không có gì có thể ngăn cản được Chúa đến với chúng ta, và cũng chẳng có gì làm cho Ngài phải từ chối để rời xa chúng ta. Ngài sẽ ở lại với chúng ta như Ngài đã ở lại với hai môn đệ trên đường Emmau, nếu chúng ta biết đến với Ngài và nhìn lên Ngài.

Nói rõ hơn, tâm sự chán nản và sầu buồn của hai môn đệ ấy cũng là tâm sự sầu buồn, chán nản mà chúng ta thường gặp trong cuộc sống. Bởi vì nỗi buồn cuộc đời nào ai thiếu: chúng ta buồn vì mục đích đời mình không đạt hay chưa đạt được như ý. Chúng ta buồn vì không ai hiểu tâm tư của mình, chúng ta buồn vì người khác nghi ngờ, ghen ghét, chơi xấu mình, chúng ta buồn vì không ai nâng đỡ mình, không ai về phe với mình để một mình cô đơn… Đó là chưa kể những chuyện không may, thất bại, thua lỗ, bất hòa, đắng cay… có khi lẻ tẻ, có khi dồn dập xảy đến trong gia đình hay bản thân chúng ta… vào những giờ phút đó, chúng ta rất dễ bị cám dỗ nghi ngờ về sự có mặt của Chúa và nghi ngờ về tình thương của Ngài.

Có lẽ chúng ta cho rằng Chúa biết thì biết vậy thôi, chứ bóng dáng Ngài chả thấy đâu cả, có thấy Ngài giúp đỡ được gì đâu… nhưng suy nghĩ và lý luận như thế là chúng ta đã mắc phải cái lỗi lầm thiếu lòng tin của hai môn đệ Emmau mất rồi. Đáng lẽ những lúc như thế, chúng ta phải vận dụng đức tin để đổi buồn thành vui, thì chúng ta đã không làm mà lại để tình cảm lấn át. Ai phản ứng theo tình cảm thì sẽ bị tình cảm chi phối, che khuất, quật đổ, vùi dập. Chúng ta hãy nhớ rằng: Chúa đến với hai môn đệ kia cách rất bình thường và nhẹ nhàng như một người bạn đường tự nhiên, thì Chúa cũng sẽ đến an ủi và ở bên chúng ta cách nhẹ nhàng như thế. Có thể là một lời Kinh thánh, một lời giáo huấn giảng dạy ở nhà thờ, một lời khuyên răn của cha mẹ, một lời an ủi, động viên của bè bạn, hay cũng có thể là một sự bình an êm dịu nào đó Chúa ban trong tâm hồn… chỉ cần chúng ta mở rộng tâm hồn sẵn sàng đón nhận… Cho nên, chúng ta cần phải bình tĩnh và tỉnh thức để nhận diện ra Chúa, và đừng bao giờ vì một nỗi buồn thường tình nào đó mà quên Chúa, bỏ Chúa hay xa cách Chúa. Trái lại, càng buồn càng cầu xin Chúa, càng buồn càng neo chặt lòng tin vào Chúa hơn.

 

10. Emmau.

Tin Mừng hôm nay ghi lại cảm nghiệm về Đấng Phục Sinh của hai môn đệ đang trên đường tiến về làng Emmau. Cuộc gặp gỡ của họ với Chúa Kitô Phục Sinh đã diễn ra trong lúc họ trên đường về làng cũ. Chúa Kitô đã xuất hiện không phải để chỉ mang lại giải đáp cho những câu hỏi được đặt ra, nhưng như một người nêu lên thắc mắc và giúp họ đi đến tận cùng sự tìm kiếm của mình.

Cảm nghiệm về Đấng Phục sinh của hai môn đệ cũng có thể diễn ra trong cuộc sống hàng ngày của mỗi người chúng ta. Chúa Kitô Phục Sinh luôn là người đồng hành với chúng ta trên mọi nẻo đường của cuộc sống; Ngài luôn đi bên cạnh để chuyện vãn, hỏi han, tra vấn và tham dự vào mọi sinh hoạt của chúng ta. Cuộc sống mỗi ngày chính là nơi Ngài đến gặp gỡ con người, là nơi hẹn hò của Đấng Phục Sinh với con người. Bên kia niềm vui là nỗi khổ, bên kia thành công là thất bại, con người vẫn nhận ra sự vong thân và thân phận nghèo hèn của mình, để rồi từ đó nêu lên câu hỏi đâu là ý nghĩa của thân phận con người.

Chúa Kitô Phục Sinh xuất hiện, nhưng không phải để mang lại câu giải đáp, mà trước hết như một người giữa chúng ta, một người cũng đã từng nêu lên câu hỏi ấy về thân phận con người. Ngài đã từng mơ ước về một nhân loại tốt đẹp hơn, Ngài đã nói với tất cả và đã làm hết sức có thể để xây dựng nhân loại ấy, và cuối cùng, với cái chết đau thương trên thập giá xem ra Ngài cũng đành bỏ cuộc. Thế nhưng, chính lúc ấy, vì đã vâng phục Chúa Cha một cách tuyệt đối để sống tận kiếp người và sống trọn vẹn cho con người, Ngài đã mang lại ý nghĩa cho cuộc sống. Ngài chính là kinh nghiệm mà người bạn đồng hành là Chúa Kitô Phục Sinh đã chia sẻ với hai môn đệ trên đường Emmau. Tâm hồn họ nóng bừng lên khi Ngài chia sẻ kinh nghiệm của Ngài, và nhất là khi Ngài nói lên ý nghĩa cái chết của Ngài qua cử chỉ bẻ bánh và trao ban. Mắt của hai môn đệ đã mở ra để nhận ra Ngài, hiểu được các biến cố vừa xảy ra, và dĩ nhiên thấy được ý nghĩa của chính cuộc sống của họ.

Ngày nay, trong từng biến cố cuộc sống của chúng ta, Chúa Kitô Phục Sinh cũng đang đến. Ngài đồng hành với chúng ta trong từng sinh hoạt và gặp gỡ, Ngài có mặt trong từng niềm vui và nỗi khổ của chúng ta. Nếu chúng ta đón nhận Ngài như một người bạn đồng hành để chia sẻ và chuyện vãn, thì đôi mắt đức tin của chúng ta sẽ mở ra, và lúc đó trong ánh sáng Phục sinh của Ngài, chúng ta sẽ tìm thấy ý nghĩa của cuộc sống.

Ước gì sự hiện diện của Đấng Phục sinh mà hai môn đệ trên đường Emmau đã cảm nhận được cũng lấp đầy tâm hồn chúng ta, để trong mọi cảnh huống của cuộc sống, chúng ta không lầm lũi bước đi trong đơn độc, nhưng hân hoan tiến bước với Ngài.

 

11. Đam mê.

Qua đoạn Tin Mừng sáng hôm nay chúng ta nhận thấy mặc dù Chúa Giêsu hiện ra với hai môn đệ trên đường về Emmaus, nhưng các ông đã không nhận ra Ngài. Vậy tại sao các ông lại không nhận ra Ngài?

Nếu không lầm, thì chúng ta thấy hai môn đệ này cũng như phần đông các tông đồ và những người Do Thái khác có một quan niệm lệch lạc về Đức Kitô… Họ nghĩ rằng Đấng Thiên Chúa sai đến để cứu vớt dân tộc họ phải là một người hùng mạnh như Đavid, khôn ngoan như Salomon, với binh đội hùng hậu, giải thoát họ khỏi sự kìm kẹp của đế quốc La mã và dẫn đưa dân tộc họ tới một thời đại hoàng kim.
Trong khi bước theo Chúa, hai môn đệ này, cũng như phần đông các tông đồ khác, đều ươm mơ một giấc mộng phù phiếm, nặng mùi địa vị và xôi thịt. Một mai khi Chúa thành công, thì họ sẽ được ngồi bên tả và bên hữu Chúa, nghĩa là họ sẽ được nắm giữ những vai trò, những chức vụ quan trọng trong triều đình, trong vương quốc của Chúa.

Thế rồi Chúa đã bị bắt và bị giết trên thập giá, như một tên tội phạm, như một kẻ phản loạn. Giấc mơ mà họ đã vun xới từ bấy lâu nay, bỗng dưng sụp đổ và tan theo mây khói. Giữa lúc chán nản và tuyệt vọng ấy, họ đã tính đến chuyện rã ngũ, trở về quê cũ để làm ăn, với một giấc mộng bình thường mà thôi. Chính nỗi tuyệt vọng ấy đã che lấp cặp mắt của họ, và họ đã không nhận ra Chúa, mặc dù Ngài đang đồng hành, đang sóng bước, đang cùng đi với họ.

Từ kinh nghiệm của hai môn đệ ấy, chúng ta dọi chiếu vào cuộc đời, và chúng ta cũng nhận thấy, có nhiều lúc Chúa ở thật gần với chúng ta mà chúng ta vẫn không nhận biết Ngài. Ngài cùng bước đi với chúng ta mà cõi lòng chúng ta vẫn nguội lạnh băng giá. Sở dĩ như vậy là vì có những đam mê mù quáng đã che lấp cặp mắt chúng ta.

Đam mê ấy có thể là giấc mộng vinh quang về chức tước, về địa vị xã hội, như hai môn đệ Emmaus. Chúng ta muốn có một chỗ đứng ngoài xã hội với bất cứ giá nào, mặc dù có phải bỏ quên Chúa, mặc dù có phải chà đạp lên kẻ khác. Tuy nhiên chúng ta nên nhớ, danh vọng và chức tước như của đồng lần được chuyển từ người này sang người khác, như tục ngữ đã nói:

- Quan nhất thời, dân vạn đại.
Đam mê ấy có thể là giấc mộng về tiền tài. Chúng ta vật lộn, nai lưng ra để tìm tiền kiếm bạc, cho dù có phải vùi dập bản thân, gia đình và hành động bất công với những người chung quanh. Tuy nhiên chúng ta nên nhớ, chữ tiền thường đi đôi với chữ bạc. Khi còn là một tên đầy tớ, nó sẵn sàng phục vụ chúng ta. Nhưng một khi đã lên ngôi ông chủ, nó sẵn sàng bóp nghẹt con tim chúng ta, để rồi chúng ta quên lãng Thiên Chúa, và cư xử bất công với những người anh em.

Sau cùng đam mê ấy có thể là những vui thú phần xác. Vì nó mà đời sống đạo đức của chúng ta trở nên nhếch nhác, vì nó mà chúng ta sẵn sàng bỏ ngoài tai những dư luận, những lời nhắc bảo và cảnh cáo của người khác. Phần đông giới trẻ ngày nay mất đức tin, không phải vì thiếu hiểu biết, nhưng vì đã sống một đời sống bê bối và sa đọa về luân lý.

Tất cả những đam mê ấy đã bịt chặt đôi mắt tâm hồn, để chúng ta không còn nhận ra Chúa, và có nhận ra thì cũng chẳng có đủ can đảm bước theo Ngài.


12. Chúa sống lại.

Đối với con mắt trần gian của chúng ta thì chết thật là buồn thảm, thật là chán nản, vì chết là hết, chết thì không còn gì nữa trong trần gian này. Sự nghiệp của một người thường chấm dứt khi người ấy nhắm mắt xuôi tay. Giả như sự nghiệp của người ấy có vĩ đại, công trình của người ấy có lớn lao và quan trọng, thì may ra còn để lại ảnh hưởng nào đó cho những người kế tiếp. Nhưng khi chết như một tên trộm cướp, một tên đại gian ác, vỏn vẹn chỉ có dăm ba người thân thích dám có mặt lúc bị hành hình, thì thực không còn gì mà tin tưởng nữa. Đó là trường hợp của Chúa Giêsu. Thập giá đã kết liễu cuộc đời đầy hứa hẹn của Chúa, thập giá đã chôn vùi mọi hy vọng và tin tưởng trong lòng những người theo Chúa, mọi sự đã sụp đổ và tiêu tan hoàn toàn.

Đối với các môn đệ của Chúa Giêsu, sau khi Chúa chết, tâm trạng của các ông là như thế. Nhưng thực sự chưa hẳn thế, biết đâu Chúa đã sống lại thật như Ngài đã nhiều lần tuyên bố trước đây? Nhất là sáng sớm hôm nay, ngày Chúa nhật đầu tiên sau khi Chúa chết, mấy người phụ nữ đến viếng mộ Chúa, họ không thấy xác Chúa, và họ quả quyết Chúa đã hiện ra với họ. Đó là những điều đang làm cho các môn đệ của Chúa băn khoăn suy nghĩ. Cụ thể là hai môn đệ mà bài Tin Mừng kể lại, hai ông không hiểu ra sao nữa, thôi đành tạm rời Giêrusalem về quê cũ, rồi sau sẽ hay, nhưng trên đường về làng Emmau, Chúa Giêsu hiện ra cùng đồng hành với hai ông và trò chuyện với hai ông.

Nhưng hai ông chưa nhận ra đó là Chúa Giêsu Phục Sinh mà chỉ tưởng là một người bộ hành nào đó tình cờ gặp trên đường, nên các ông mời ghé lại quán bên đường dùng cơm và tiếp tục câu chuyện. Vào quán, khi dùng bữa, Chúa Giêsu phải dùng đến những cử chỉ quen thuộc, cầm lấy bánh, nói lời chúc tụng Thiên Chúa, bẻ ra, trao cho hai ông, lúc ấy hai ông mới nhận ra Ngài. Vừa nhận ra thì Chúa Giêsu “tàng hình” đã biến mất. Các ông vui mừng quá, quay trở lại Giêrusalem để báo cho các bạn khác biết: Chúa Giêsu đã sống lại thật rồi.

Câu chuyện hai môn đệ đi về làng Emmau cũng là câu chuyện của hết thảy chúng ta, của mỗi người chúng ta. Chúng ta cũng đi theo Chúa Giêsu, cũng đã tin tưởng vào Ngài. Trong biết bao ngày tháng chúng ta đã nghe những lời Chúa giảng dạy, nhưng cũng như các môn đệ, nhiều khi chúng ta chán nản, vì điều chúng ta trông mong, điều chúng ta cầu xin, mặc dầu rất thiết thân, nhưng cầu mãi, trông hoài mà vẫn chưa được, có khi chúng ta cảm thấy thất vọng, Chúa Giêsu mà chúng ta tin tưởng, xem ra không thắng nổi cuộc thử thách: chúng ta đau, chúng ta chán, chúng ta buồn, chúng ta khổ, đủ thứ cả, thế mà nghe giảng, cầu nguyện cũng không làm cho chúng ta hy vọng gì hơn, giống như hai môn đệ nói: “Phần chúng tôi, trước đây vẫn hy vọng rằng chính Người là Đấng sẽ cứu chuộc Israel, nhưng việc ấy xảy ra đến nay là ngày thứ ba rồi”, hai ông đợi đến ngày thứ ba thì đâm ra thất vọng. Cũng thế, chúng ta đợi, chúng ta chờ, có khi đã hơn ba ngày, ba tuần, ba tháng, ba năm mà vẫn không thấy gì, chúng ta đâm ra thất vọng, chán nản, phàn nàn, kêu trách Chúa, thậm chí có người còn ra điều kiện với Chúa hoặc bỏ Chúa.

Nhưng thế nào chăng nữa chúng ta cũng hãy bắt chước hai môn đệ này, hai ông đã thưa với Chúa: “Xin Ngài ở lại với chúng tôi”. Dù hoàn cảnh ra sao, chúng ta cũng hãy xin Chúa: Xin Chúa luôn ở lại với chúng con trên đường đời đầy chông gai và gian khổ này. Xin Chúa ở lại với chúng con trong cái thế giới nhiều hận thù và ghen ghét, còn muốn đóng đinh Chúa nữa này. Xin Chúa lưu lại đây với chúng con, để dạy chúng con biết sống như những Kitô hữu “hồi sinh” và “biết chết” như những kẻ thừa kế của nước trời.

Chúng ta cần phải biết nhạy cảm ngạc nhiên trước mỗi bất ngờ Chúa gửi đến, để trước hết chúng ta cất tiếng ngợi khen cảm tạ Chúa, cũng như khám phá được điều Chúa muốn và rồi đến lượt chúng ta cũng trở thành những bất ngờ cho anh em, trong mục đích hướng lòng họ về với Chúa là Thiên Chúa tình yêu. Và như vậy, trong mọi hoàn cảnh của cuộc đời, chúng ta không bao giờ chán nản, thất vọng, buồn phiền, vì biết rằng Chúa luôn có những bất ngờ cho chúng ta, vì Thiên Chúa là Đấng toàn năng và là Cha nhân từ thương yêu chúng ta vô cùng.


13. Sau mộng mơ đến than khóc.

Các bạn sẽ làm gì khi một ước mơ bị tan vỡ? Con đường Emmau đã được khai mở và các khách hành hương đến Đất Thánh ngày nay đều có thể bước đi trên cũng con đường mà hai môn đệ xưa kia đã từng sải bước trên đó như trong bài Tin Mừng hôm nay thuật lại. Hầu hết chúng ta sẽ chẳng bao giờ có được sự chia sẻ kinh nghiệm sống của các môn đệ xưa kia. Nhưng tôi nghĩ rằng chúng ta sẽ sẵn sàng nói lên là chúng ta có được sự cảm nhận trong tinh thần và thể xác mà các môn đệ xưa đã có khi họ bước đi trên con đường với cõi lòng tan vỡ giấc mộng.

Họ là những người đã từng chia sẻ giấc mộng vinh quang với các người khác cho đến lúc này; họ đã ở với Chúa Giêsu và cảm nhận tâm hồn được ấm áp khi có Ngài hiện diện bên cạnh. Tai họ đã từng được nghe lời Ngài giảng dạy, và mắt họ đã từng mục kích những phép lạ Ngài làm. Họ đã từng tin rằng những lời tiên tri xưa nay đã sắp trở thành hiện thực. Tâm hồn họ đã cảm thấy được sự chiến thắng vinh quang khi cùng với Chúa Giêsu bước vào Thành Thánh trong ngày Lễ Lá; đó là lúc tâm hồn họ tràn ngập niềm hân hoan. Tôi thiết nghĩ rằng khi các môn đệ được nghe dân chúng ca khen Chúa Giêsu thì họ đã nghĩ rằng, "Chà chà, nếu Thầy hành động đúng đắn, đừng có đả động con tầu thì đây là lúc thành công vinh quang để giải phóng dân tộc". Tuy vậy dĩ nhiên Chúa Giêsu đã lay động con tầu và "thổi bay" nó đi mất theo như kiểu nói của đám thanh niên thời nay. Có câu nói: Tên những nhân vật quan trọng trong lịch sử xưa không làm "đắm tầu" có thể được in trên phía sau của con tem. Tôi không biết điều ấy đúng hay sai, nhưng tôi biết chắc một điều là Chúa Giêsu là một người làm rung động con tầu cách tuyệt hảo. Ngài vào Đền Thờ và lật đổ bàn ghế những kẻ đổi tiền. Ngài làm cho những người nắm giữ chính quyền và những vị tôn giáo Lập Pháp phải tức giận -- và như thế giấc mơ bắt đầu bị tan vỡ. Trước ngày thứ Sáu đến không những Ngài biết chắc Ngài phải chết, tuy vậy Ngài còn muốn cuộc tử nạn của Ngài thật đau đớn trong con đường Thánh giá, đến độ chịu lấy án của một kẻ tử tội ghê tởm nhất. Nỗi đau đớn ấy quá độ đến nỗi Ngài đã phải kêu lên lúc gần chết: "Lạy Chúa Tôi! Lạy Thiên Chúa của Tôi! Sao Ngài đã bỏ tôi?" Khi mọi sự đã chấm dứt thì các môn đệ rơi vào hố sâu thất vọng. Không còn câu nào trong Thánh Kinh có thể diễn tả nỗi chua cay, buồn chán hơn được nữa như câu mà người môn đệ đã nói trong bài Tin Mừng hôm nay: "Chúng tôi đã hy vọng Ngài là Đấng phải đến để giải phóng dân Israel!"

Sau giấc mơ đến than khóc. Chúng ta than khóc về những nỗi thất vọng, ngã thua, mặc cảm tội lỗi: "Chúng tôi hy vọng Ngài là Đấng giải thoát Israel"... "Chúng tôi hy vọng cuộc sống hôn nhân của chúng tôi sẽ mỹ mãn"... "Chúng tôi hy vọng là nó sẽ học xong"... "Chúng tôi hy vọng là kết quả của nội soi sẽ tốt"... vân vân và vân vân!!! Nhưng Các bạn sẽ làm gì khi các giấc mộng bị tan vỡ?
Thường thường chúng ta mang theo cái cảm tưởng như một chú bé được ông bố khuyến khích cậu đặt câu hỏi. Vào buổi đẹp trời nọ, hai bố con đang đi dạo với nhau thì cậu bé bất ngờ hỏi bố: "Ba à, ánh sáng đến từ đâu vậy ba?" Ông bố trả lời: "À, ba không biết. Ba cũng thường thắc mắc về vấn đề đó nữa". "Vậy rađa nó như thế nào hả ba?" "Ừ, ba cũng không biết nữa". Sau một hồi hỏi qua đáp lại, chú bé biết rằng ba nó cũng chẳng biết khoảng cách giữa trái đất và hỏa tinh cũng như chiều cao của Empire State Building là bao nhiêu, nên nó nói: "Con xin lỗi ba nhá. Con nghĩ là con không nên hỏi ba nhiều như vậy". Ông bố trả lời: "Ái dà, con có lỗi gì đâu; hơn nữa, nếu như con không hỏi thì làm sao con biết thêm các điều được". Nhiều lúc trong cuộc sống chúng ta cũng đặt nhiều câu hỏi nhưng chẳng có câu trả lời, và nó làm cho chúng ta phải nhào lộn trong những cái thất vọng khó chịu, chán chường và mặc cảm; nhưng nó không dừng ở đó. Chúng ta có thể tụ họp như là những phần tử trong một cộng đoàn thờ phượng và xem mình như những môn đệ của Chúa Giêsu xưa trên con đường vỡ mộng. Chúng ta sẽ thấy rằng Thiên Chúa đã dự bị sẵn cho họ những kinh nghiệm hữu ích cho cuộc đời họ ngay trong những mộng vàng tan nát đó. Họ sẽ cảm nghiệm sự Phục Sinh! Họ sẽ tiến tới sự hiểu biết rõ ràng hơn Thiên Chúa là ai, cách thức Ngài hành động, và Ngài đã làm gì cho thế giới trong Đức Giêsu Kitô. Bấy giờ họ chưa sẵn sàng, nhưng Thiên Chúa yêu họ đến nỗi Ngài đã dùng chính nỗi thất vọng và đắng cay của họ để sửa soạn cho họ có thể lãnh nhận sự cảm nghiệm của niềm vui Phục Sinh.

Hai môn đệ trên đường Emmau chân bước mà hồn họ như lạc mất bởi sự chán chường và đau xót đến nỗi họ đã không nhận ra Chúa Giêsu khi Ngài đến bên họ. Suốt đoạn đường dài bảy cây số, Chúa Giêsu cùng đàm luận thế mà họ cũng chẳng biết là Ngài, chỉ thấy là một người xa lạ. Nếu họ là những người như thế sao có thể sẵn sàng hy hiến mạng sống mình vì Tin Mừng Phúc Âm? Ở đây có một điểm rất hay trong câu truyện này, đó là hai môn đệ kia còn lại trong họ sự quan tâm đến người khác để có thể thi hành phong tục xưa của người Trung Đông là lịch sự mời mọc người xa lạ. Khi họ đã đến Emmau và sắp sửa quẹo vào con đường về nhà mình thì tự động nói với Người Khách lạ rằng: "Xin ông hãy ngụ lại nhà chúng tôi vì trời sắp tối rồi" (Lc 24,29). Ngay khi họ vừa mới làm cử chỉ tự nhiên, mỏng manh của sự lịch sự đó thì tình trạng được thay đổi. Họ đã nhận ra Chúa Giêsu tựa như ánh sáng tỏa sáng cho họ vậy. Sự Phục Sinh đã đến nhưng chỉ có ban cho họ khi họ biết mở rộng tấm lòng của họ ra đối với nhu cầu của người khác; và từ đó họ đã chỗi dậy và chạy. Câu chuyện thuật lại cho chúng ta biết rằng họ đã chạy đi suốt con đường trở lại Giêrusalem để loan báo cho các môn đệ khác. Nhưng họ vẫn không ngừng ở đó, như theo Thánh Luca người đã viết Phúc Âm này cùng với sách Tông Đồ Công Vụ, họ đã ra đi loan báo khắp vùng Địa Trung Hải, Đamascô, Antiôkia, Tiểu Á, Rôma và khắp nơi mà họ có thể để thi hành sứ vụ Chúa Kitô giao phó cho họ. Tuy vậy như đã nói trước các công việc đó, họ cần phải bị làm cho "trống rỗng" để ơn Chúa có thể vào trong tâm hồn họ.

 

14. Suy niệm của JNK.

Câu hỏi gợi ý:
1.    Có bao giờ bạn nghĩ: rất có thể mình cũng sẽ gặp trường hợp tương tự như hai môn đệ làng Emmau: một người nào đó nói chuyện với mình, yêu cầu mình giúp đỡ, lại chính là Đức Giêsu không? Có thể rút ra bài học gì từ bài Tin Mừng hôm nay về sự đồng hóa giữa Đức Giêsu và tha nhân (tha nhân là Đức Giêsu, Đức Giêsu là tha nhân của ta).
2.    Có người chủ trương: yêu người chính là yêu Thiên Chúa. Chủ trương ấy có nền tảng trong Kinh Thánh không? Hãy trưng dẫn một vài câu tiêu biểu.

Suy tư gợi ý:
1. Hai tông đồ ở Emmau không nhận ra Đức Giêsu nơi người bộ hành cùng đi với mình
Một điều khá kỳ thú trong bài Tin Mừng hôm nay, đó là các tông đồ đã sống với Đức Giêsu suốt ba năm, đã từng nghe Ngài nói, giảng dạy, thế mà nay, khi Ngài sống lại, cùng đi với các ông, giảng dạy cho các ông, các ông lại không nhận ra Ngài. Có lẽ Ngài đã mang một bộ mặt xa lạ, đã đội lốt một người bộ hành như bao bộ hành khác. Điều các ông không ngờ được là người mà các ông tưởng là một bộ hành xa lạ ấy lại chính là Đức Giêsu, Thầy mình. Các ông chỉ nhận ra Ngài khi Ngài đồng bàn với họ, chính xác là khi Ngài cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng, và bẻ ra trao cho họ. Nghĩa là khi các ông thấy có sự giống nhau giữa người bộ hành này với Thầy mình. Rất may là các ông đã đối xử với người bộ hành ấy rất tốt: chăm chú nghe người ấy nói, mời ở lại dùng bữa… Nếu không thì thật đáng tiếc.

2. Coi chừng kẻo chính chúng ta cũng không nhận ra Đức Giêsu nơi những người chung quanh ta
Điều kỳ thú đó cũng xảy ra một cách tương tự biết bao lần trong đời sống chúng ta. Chúng ta sống với những người chung quanh mình, mà không bao giờ hoặc rất ít khi ta nhận ra Thiên Chúa hay Đức Giêsu ở nơi họ. Dường như đối với ta, Thiên Chúa hay Đức Giêsu là người ở đâu đâu, ở trên trời, ở trong nhà tạm của nhà thờ, hoặc ở khắp nơi một cách thiêng liêng. Ngài có vẻ là một thực tại rất trừu tượng, nếu có cụ thể thì chỉ là những ảnh vẽ, những bức tượng bất động, vô hồn. Và tình yêu của chúng ta đối với Ngài cũng rất trừu tượng, rất bí tích, chỉ được thể hiện bằng sự hướng thiện, bằng việc năng cầu nguyện, năng tham dự và lãnh nhận các bí tích.

Nhưng bài Tin Mừng hôm nay nhắc lại cho chúng ta một chân lý hết sức quan trọng. Thiên Chúa hay Đức Giêsu có thể chính là người bộ hành mà mình ngỡ là rất xa lạ. Nghĩa là Ngài có thể mặc lấy những bộ mặt khác nhau, hình dáng khác nhau, với những tính tình khác nhau, tư cách điệu bộ khác nhau nơi những người ta gặp trên đời, nơi những người sống chung quanh ta. Và tình yêu của chúng ta - nếu có - đối với Ngài thì phải được thể hiện cụ thể nơi những con người cụ thể ấy, chứ không phải một cách trừu tượng. Có thể nói: muốn yêu Đức Giêsu, thì cách tốt nhất, cụ thể nhất và chắc chắn nhất là yêu những người chung quanh ta, và bất kỳ người nào ta gặp trong cuộc đời. Và cũng có thể nói một cách chắc chắn: nếu ta không yêu những người ấy, thì ta không thật sự yêu Đức Giêsu hay yêu Thiên Chúa. Nếu ta tưởng rằng mình yêu Thiên Chúa, yêu Đức Giêsu bằng cách này hay cách khác, nhưng ta không hề yêu Ngài nơi những con người cụ thể chung quanh ta, thì tình yêu ấy chắc chắn chỉ là một ảo tưởng. Rất có thể ta đang yêu chính bản thân mình một cách ích kỷ, nhưng sự ích kỷ ấy lại mặc lấy một hình thức khôn khéo là yêu Thiên Chúa hay Đức Giêsu một cách trừu tượng.

3. Đức Giêsu đồng hóa chính Ngài với tha nhân của ta
Có thể nói những người chung quanh ta là những Đức Giêsu rất sống động, rất cụ thể. Hay nói một cách khác, trong một mức độ nào đó, họ chính là hiện thân của Thiên Chúa hay Đức Giêsu. Chân lý này có một nền tảng rất vững chắc trong Kinh Thánh.

a. Tha nhân là hình ảnh của Thiên Chúa (x. St 1,26.27; 9,6): Chúng ta không thể yêu Thiên Chúa hay Đức Giêsu mà không yêu hình ảnh hay hiện thân của Ngài. Khi hai người yêu thương nhau, họ rất quí hình ảnh của nhau, và hình ảnh đó là một biểu trưng có tính đại diện cho chính người trong ảnh. Coi thường hay xúc phạm đến hình ảnh của một người luôn luôn được coi là xúc phạm đến chính con người ấy. Hai môn đệ làng Emmau nhận ra người bộ hành là Đức Giêsu khi người ấy bẻ bánh giống như Đức Giêsu. Con người được tạo dựng "giống như" Thiên Chúa (St 1,26; 5,1), điều ấy có làm ta nhận ra Ngài nơi họ không?

b. Tha nhân là con cái Thiên Chúa (x. Lc 20,36; Ga 11,52; Rm 8,14.16.21; Gl 3,26; 1Ga 3,1.2.10;): Tất cả chúng ta đều là con cái Thiên Chúa, đều gọi Thiên Chúa là Cha, và cùng là anh em với nhau. Con cái một cách nào đó là hiện thân của cha mẹ. Kinh nghiệm đời sống cho ta thấy: ai yêu cha mẹ tất nhiên cũng yêu thương anh chị em mình. Và ai không yêu thương anh chị em mình, chắc chắn tình yêu đối với cha mẹ cũng rất nhạt nhẽo hoặc giả tạo.

c. Từ những căn bản trên, Đức Giêsu đồng hóa chính Ngài với tha nhân của ta (x. Mt 10.40; 18,5; 25,40.45; Lc 10,16): Ta làm gì cho tha nhân của ta, trước tiên là những người gần gũi ta nhất, rồi đến những người sống chung quanh ta, những người ta thường gặp, và tất cả mọi người, chính là làm cho Ngài. Ta yêu họ chính là ta yêu Ngài, ta ghét họ chính là ta ghét Ngài, hy sinh cho họ là hy sinh cho Ngài, làm hại họ là làm hại chính Ngài.

4. Yêu tha nhân là yêu Thiên Chúa, và là chu toàn luật Chúa
Trong Cựu Ước, khi trình độ con người còn thấp, có sự phân biệt rõ rệt giữa Thiên Chúa và tha nhân. Vì thế, có hai điều răn quan trọng nhất là: "Hãy yêu mến ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của anh em, hết lòng hết dạ, hết sức anh em" (Đnl 6,5) và "hãy yêu người khác như chính mình" (Lv 19,18). Đức Giêsu đã nhắc lại hai điều răn ấy như hai điều luật căn bản của Lề Luật cũ. Nhưng qua thời Tân Ước, khi trình độ của con người cao hơn, hai điều răn ấy được tóm lại thành một: hễ yêu Chúa tất nhiên phải yêu tha nhân, và hễ yêu tha nhân thật tình tất nhiên là đã yêu Chúa rồi. Thánh Gio-an viết: "Nếu ai nói: "Tôi yêu mến Thiên Chúa" mà lại ghét anh em mình, người ấy là kẻ nói dối; vì ai không yêu thương người anh em mà họ trông thấy, thì không thể yêu mến Thiên Chúa mà họ không trông thấy" (1Ga 4,20). Vì thế, thánh Phao-lô viết: "Ai yêu người, thì đã chu toàn Lề Luật" (Rm 13,8.10), "Anh em hãy mang gánh nặng cho nhau, như vậy là anh em chu toàn luật Đức Kitô" (Gl 6,2). Thánh Gia-cô-bê cũng nói: "Anh em làm điều tốt nếu anh em chu toàn luật Kinh Thánh được đưa lên hàng đầu là: Ngươi phải yêu người thân cận như chính mình" (Gc 2,8).

Tóm lại, bài Tin Mừng hôm nay nhắc nhở chúng ta chân lý quan trọng này: tha nhân chính là hình ảnh, hay một cách nào đó, là hiện thân của Thiên Chúa hay Đức Giêsu. Vì thế, chúng ta hãy tập nhìn họ là "Em-ma-nu-el" (Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta). Thiên Chúa hay Đức Giêsu đang ở giữa chúng ta, ở với chúng ta qua những người chung quanh ta.
CẦU NGUYỆN
Lạy Cha, bài Tin Mừng hôm nay thật là tuyệt vời, nó cho con thấy và nhắc lại cho con một chân lý kỳ diệu: Những người gần gũi với con, sống chung quanh con một cách nào đó là hiện thân của Cha, của Đức Giêsu. Vì thế, yêu Cha, yêu Đức Giêsu tất nhiên phải yêu những người ấy. Và chỉ khi con yêu họ, con mới chứng tỏ được rằng con thật sự yêu Cha và yêu Đức Giêsu. Xin giúp con yêu họ thật sự bằng hành động cụ thể.

 

15. Chú giải mục vụ của Hugues Cousin.

CÁC MÔN ĐỆ EMMAUS (24,13-35)
Luca chỉ kể có hai lần Chúa Kitô hiện ra và nhắc một cách rất ngắn tới lần thứ ba (xc.34). Lần thứ nhất mà hai môn đệ được hưởng, hai vị này không có một vai trò nào khác trong Luca và Công vụ, lại được kể dài hơn lần thứ hai, dành cho những nhân chứng chính thức của sự Phục Sinh là nhóm Mười Một và những kẻ ở với họ. Cuối cùng đối với Phêrô, Luca chỉ nhắc đến cuộc hiện ra mà không mô tả gì…

Trình thuật các môn đệ trên đường Emmaus có mục đích chứng minh rằng, sau khi trò chuyện với Ngài trên đường đi (cc. 23-27), họ nhận ra Chúa Giêsu khi ăn bữa tối (cc. 28-35). Nếu Luca đã làm cho nó quan trọng đến thế là vì nó có liên hệ lớn với độc giả, do tính cách thời sự và giá trị lâu dài của nó. Đời sống Giáo Hội với các cuộc hội họp phụng tự trong đó có giải nghĩa Kinh Thánh và bẻ bánh, là nơi mà người tín hữu có thể nhận ra vào ngày hôm nay sự hiện diện của Chúa Phục Sinh. “Người đồng hành không được nêu tên của Clêôpa, mang tên của từng người tín hữu” (Ch. Perrot), là tên của bất cứ Kitô hữu nam hay nữ nào sẽ đọc hay nghe trang Tin Mừng thời danh này.

Những gì xảy ra dọc đường (xc.35a) mở ra qua việc gặp gỡ của hai đệ tử đang đi dọc đường (cc.13-14) với một người lữ hành thứ ba mà họ không nhận ra và không ai khác hơn là Chúa Giêsu (cc. 15-16). Chính trong một cuộc lên đường nữa, nhưng trong miền xung quanh Giêrusalem, mà Chúa Giêsu sẽ dạy dỗ những kẻ thuộc về Ngài. Lý do của cuộc hành trình được khám phá ra một cách kín đáo qua cuộc đối thoại sắp diễn ra: hai người đã rời bỏ những kẻ đã quy tụ với nhóm Mười Một (xc.9), bỏ lại nơi mà Thầy họ đã bị hành hình và chính việc này đã là hồi chuông báo tử cho niềm hy vọng của họ. Họ trở về nhà trong một thôn xóm hẻo lánh, cách Giêrusalem sáu mươi dặm (mười một kilômét).

Lý lịch Chúa Giêsu lập tức được cung cấp cho độc giả, trong khi dưới cái nhìn của các môn đệ, Ngài chỉ là một khách hành hương như họ, đã đến Giêrusalem mừng lễ Vượt qua: mắt họ còn bị ngăn cản không nhận ra Ngài, chứ không phải là không thấy. Khi gợi lên hoạt động thần linh, động từ ở thể thụ động cách cho chúng ta biết rằng sự tối dạ chậm tin của hai người (xc. 25), không phải là những điều duy nhất được nói tới. Con mắt xác thịt không thể nhận ra Đấng Phục Sinh, bởi vì qua việc sống lại, Ngài đã đi vào một tình trạng hoàn toàn mới mẻ. Như trong vụ Biến hình, dung mạo Ngài hoàn toàn đổi khác (x. 9,29; Mc 16,12), Ngài đã vào trong vinh quang (xc. 26; 9,32). Ngay cả nhân tính của Chúa Giêsu từ nay đã thuộc về “thế giới” của Thiên Chúa, chỉ có thể được nhận biết bằng con mắt đức tin. Chính Chúa mở mắt (c.31), trí khôn (x. 24,45), tâm hồn (Cv 16,14); ở đây Ngài sẽ mở bức màn che phủ mắt họ bằng việc giải thích Kinh Thánh, rồi bằng việc bẻ bánh.

Do sáng kiến của Chúa Giêsu, đã có một cuộc trao đổi trên đường đi (c.17-27) mà từ vựng sẽ được gặp lại khá nhiều trong các diễn từ truyền giáo của Cv 2-13; như thế, chúng ta đã nghe nói rằng lời rao giảng của các Tông đồ đước nối kết trực tiếp với Chúa Giêsu Phục Sinh. Sau một cuộc trao đổi ngắn (c. 17-19a) trong đó Clêôpa nhấn mạnh đến tính cách công khai của việc hành quyết người Nagiaret, lời lẽ của các môn đệ (cc. 19b-24) cống hiến một bản tóm lược sứ vụ và cuộc hành quyết của Thầy họ (cc. 19b-21). Người ta thấy có một nét hài hước: sau khi hai người “mù tịt” này trách người bạn đồng hành vì chẳng hay biết gì, họ thông tin cho Chúa Giêsu như một ngôn sứ mạnh mẽ, đầy uy thế trong việc làm cũng như lời nói trước mặt Thiên Chúa và toàn dân, chắc hẳn không làm một tuyên xưng đức tin Kitô cách rốt ráo, nhưng đây là một ngôn ngữ mà Chúa Giêsu (4,24; 13,3) và các Tông đồ sử dụng (Cv 2,22; 3,22-23; 10,38; cũng xem 7,22). Vấn đề là các nhà chức trách Do Thái, đặc biệt là tôn giáo, đã xử Ngài như xử một ngôn sứ giả hiệu: “Các thượng tế và thủ lãnh của chúng ta (lưu ý tính từ sở hữu) đã nộp Ngài để bị kết án tử hình và đã đóng đinh Ngài vào thập giá” họ được giới thiệu như là chính họ đã thi hành án (23,25-26). Điều đó phải chăng không có nghĩa là Thiên Chúa đã chối từ Chúa Giêsu?

Một lời tóm lược như thế là một lời rao giảng… bị cắt cụt, có cuộc thụ nạn mà không có Phục Sinh. Sứ vụ và cái chết của Chúa Giêsu được trình bày theo quan điểm của các môn đệ thất vọng trong niềm mơ ước duy quốc gia của mình. Như các nhân vật được đưa vào hoạt cảnh trong các trình thuật thời thơ ấu (x. 1,68; 2,38) họ đã trông đợi sự giải thoát Israel và, đối với họ, đó phải là công trình của Chúa Giêsu – theo Luca, một niềm hy vọng như thế là hợp pháp, ít ra không được lầm lẫn về thời hạn hay cách thức thực hiện (x. Cv 1,6-7). Nhưng niềm hy vọng của hai môn đệ chưa đầy đủ; đó là những người thất vọng về một “vị Mêsia khiêm hạ và đau khổ” phù hợp với ý định của Thiên Chúa. Thái độ của họ gián tiếp cho hiểu được phần nào động cơ thúc đẩy Giuđa, mà trình thuật không nói tới (x. 22,3-4); phải chăng hai người môn đệ này không là biểu trưng cho những kẻ thất vọng về niềm tin Kitô giáo, những kẻ chối bỏ thập giá?

Rồi họ kể lại những biến cố đã xảy ra trong ngày (cc. 22-24) tóm tắt lại trình thuật thứ nhất của chương 24. Tất cả là ở đó: hai lần viếng mộ và hai lần nhận thấy thi hài biến mất (các phụ nữ, rồi một nhóm các ông: như vậy Phêrô không phải là người duy nhất), thiên thần hiện ra và sứ điệp từ trời. Cả lời công bố Phục Sinh nữa: các thiên thần nói rằng Chúa Giêsu đang sống. Nhưng nhóm các ông đã không thấy Ngài: trừ các phụ nữ ra, không ai tin vào lời công bố này. Rồi đã ngày thứ ba mà không thấy có lời công bố nào về sự sống lại, nhưng chỉ có tranh cãi về chứng từ của các phụ nữ!

Lúc đó, Chúa Giêsu lên tiếng (cc. 25-27), Ngài quở trách hai môn đệ, không phải vì họ không nhận ra Ngài, mà vì họ không nhận ra Ngài, mà vì họ chậm tin vào chương trình cứu độ của Chúa, (“phải”) đã được ghi chép trong sách các tiên tri. Vấn đề không phải là thấy Chúa Giêsu (xc.24) cho bằng hiểu và chấp nhận chương trình này. Hai môn đệ biết sứ vụ của Chúa Giêsu và cái chết của Ngài, nhưng họ không nhớ Kinh Thánh – viên thái giám Ethiop thì ở trong hoàn cảnh ngược lại, khi ông đọc Is 53, nhưng không biết đến biến cố ở Calvariô (Cv 8,30-34). Trong chính thức Đấng Phục Sinh tóm lược cuộc Vượt qua của Ngài (c.26), có hai điểm khác với những lời loan báo trước. Chính ở đây với tư cách là Đấng Kitô, chứ không là Con người (x.9,22) mà Chúa Giêsu đã thực hiện cuộc Vượt qua. Và thay từ ngữ “sống lại”, nó là Đấng Kitô đi vào vinh quang: ngoài một cuộc sống hoàn toàn mới mẻ, Ngài thừa kế quyền lực và vinh quang của Thiên Chúa.

Để chứng minh làm thế nào sự chết và Phục Sinh của Ngài đi vào chương trình cứu độ của Thiên Chúa, Chúa Giêsu buổi chiều một bài chú giải. Bài học này được nhắc đến một cách ngắn ngủi, trong thể văn gián tiếp; Luca không cho chúng ta được hưởng dụng bài học này và chúng ta phải đợi tác phẩm thứ hai của ông để nhận được giáo huấn này qua trung gian các kẻ phục vụ Lời (x. Phêrô ở Cv 2,22-36; Phaolô ở Cv 13,32-41). Ông chỉ gợi cho ta thấy là Chúa Kitô dùng kỹ thuật “xâu chuỗi” trong khoa chú giải Do Thái, liên kết với nhau những câu trích dẫn từ Lề Luật, các Ngôn sứ và Thánh vịnh (x. 24,44) để chứng tỏ sự tương hợp giữa chúng, và do đó cho thấy sự thống nhất và liên đới chặt chẽ của Kinh Thánh. Ở đây, sợi chỉ của xâu chuỗi là điều liên quan đến Chúa Giêsu Kitô; một cách xuyên suốt, Thánh Kinh làm chứng từ cho Đấng là trung tâm và cùng đích. Chắc hẳn không có một quy chiếu Kinh Thánh nào được cung cấp cho chúng ta, nhưng cái chính yếu đã được nói ra: “Sự giải thích, nói cách khác, sự nghiên cứu và trình bày về mối liên kết chặt chẽ, không phải là sáng kiến của các môn đệ, thẩm quyền của họ trong việc chú giải là một hồng ân, là hoa trái của một giáo huấn mà chính nó lại là một trong các hoa trái của sự Phục Sinh” (J.N. Aletti).

Điểm mở nút của hoạt cảnh (cc. 28-35) là buổi ăn tối ở Emmaus (cc. 28-32). Việc nhận biết Đấng Phục Sinh đã được khởi đầu một cách sâu sắc (x. lòng bừng bừng cháy ở câu 32) bằng việc giải thích Kinh Thánh cho thấy ý nghĩa cái chết của Chúa Kitô và bày tỏ mối tương quan của cái chết ấy với vinh quang, nhưng việc nhận biết đó chỉ hoàn tất khi bẻ bánh. Trong Giáo Hội, phải làm lại cử chỉ của bữa ăn tối cuối cùng, gắn liền với cái chết của Chúa Giêsu, để nhận ra Đấng Phục Sinh.

Khi làm như muốn từ giã họ, Chúa Giêsu hướng dẫn để hai môn đệ có sáng kiến; trong khi ngày bắt đầu tàn (x. 9,12), họ mời ở lại Đấng mà trước mặt họ vẫn là một người khách lạ. Nhưng khách mời lại giữ vai trò của người chủ nhà và chủ toạ bàn ăn. Điều Ngài làm được diễn tả bằng bốn động từ (c. 30bc), cũng những động từ này đã được dùng khi làm cho hoá bánh ra nhiều (9,16), và, với một dị biệt, trong bữa ăn đến cuối cùng (22,19); người ta cũng sẽ nói về việc bẻ bánh (c.35), một thuật ngữ riêng của Luca để chỉ Bí tích Thánh Thể (x. Cv 2,42; 20,7-11). Nhưng đồng thời, chủ toạ bữa ăn, làm phép bánh và bẻ bánh là những cử chỉ quen thuộc của Chúa Giêsu, chúng làm cho người ta nhận ra Ngài. Chúng nhắc nhớ đến những bữa ăn trước đây Ngài dùng với các đệ tử, tới bữa ăn cuối cùng trong đó tấm bánh được bẻ ra đã mang một nghĩa mới; chúng cũng báo trước những bữa ăn của các cộng đoàn, trong đó Chúa Giêsu tuy vô hình, nhưng vẫn hiện diện. Thế là xuất hiện một thế đảo ngược: mắt của hai đệ tử liền mở ra… và Chúa Giêsu cho đến lúc đó tuy được trông thấy nhưng lại không trông thấy được nữa! Mong các tín hữu phải biết điều này: “Dù ta không thấy được Ngài bằng con mắt thịt, Đấng Phục Sinh vẫn hiện diện: sự không thấy được không có nghĩa là vắng mặt”. Lúc ấy, các môn đệ có thể ý thức được sự biến đổi trong thâm tâm họ trước đó (c.32), trong câu chuyện trên đường đi và nhờ việc nghe giải thích Kinh Thánh. “Như vẫy lời, khi đi đường, đã giải thích Kinh Thánh” và “trong đó việc nối kết giữa sự sống của họ với sự sống của Chúa Giêsu… đươc công bố chỉ dứt khoát được thấu hiểu một khi việc nhận ra được thực hiện, một khi niềm hy vọng được thoả mãn” (J.N. Aletti).

Cuộc hành trình lại đảo ngược, hai người trở về Giêrusalem và thấy nhóm Mười Một và các bạn hữu đang ở cùng với họ (cc. 33-35). Điều đáng chú ý là việc nhận ra Chúa Giêsu Phục Sinh và việc sai đi truyền giáo sau đó cũng liên quan tới các môn đệ đang ở với nhóm Mười Một. Như vậy, Luca kéo dài những gì ông đã nói về sứ vụ của nhóm Bảy mươi hai (10,1tt) và nói trước về vai trò, trong Công vụ, của các vị truyền giáo không thuộc vào nhóm Mười Hai, đặc biệt là Phaolô. Một mở rộng như thế về kinh nghiệm vượt qua được đặt nền tảng trên các dữ kiện rất cổ (x. năm trăm anh em trong 1Cr 15,6). Tuy nhiên phần cuối của trình thuật cho thấy rằng chứng từ chỉ có thể bắt đầu với nhóm Mười Một (rồi nhóm Mười Hai ở Cv 1,12-26) và kinh nghiệm của Phêrô. Việc nhắc đến lần hiện ra này của Chúa Kitô (c.34) cho thấy rằng “kinh nghiệm vượt qua” này đã thuyết phục các môn đệ khác về sự thật trong chứng từ của các phụ nữ (“thật rồi”) và rằng Simon bắt đầu thực hiện sứ mạng củng cố anh em mà ông đã nhận lãnh từ Chúa (x. 22,32). Câu 34 cũng xác nhận rằng “Cộng đoàn hiện hữu và công bố Chúa mình ngay cả trước báo cáo của hai môn đệ Emmaus” (Ch. Perrot). Sau khi nhắc đến việc hiện ra với Phêrô, các môn đệ ấy có thể cung cấp bản tóm lược về kinh nghiệm riêng của họ, nó nói lên tầm quan trọng không kém của Con Chúa trên đường đi và của việc nhận ra Chúa gắn liền với việc bẻ bánh.

 

16. Trên đường Emmau – R. Gutzwiller.

Theo trình thuật của thánh Luca, Chúa hiện ra lần đầu tiên với các môn đệ trên đường đi Emmau, tác giả trình bày nhiều chi tiết hơn mọi lần và nêu rõ đoạn văn diễn tả nỗi buồn phiền được chuyển thành niềm vui nơi những người tưởng rằng mình bị bỏ rơi, một đoạn văn cho thấy việc Chúa phục sinh là một sự kiện tỏ tường không chỉ đối với các môn đệ trên đường Emmau mà còn với mọi Kitô hữu nữa.

1) Nếu không có Chúa.
Các môn đệ không phải là những người không tin tưởng, tức là những người không hề nghe nói về Chúa Giêsu hoặc chẳng hề nhận được sứ điệp của Ngài. Họ là những tín hữu, những người có niềm tin. Họ đã nhận Ngài ‘như một vị tiên tri, quyền năng trong việc làm và lời nói trước mặt Thiên Chúa và toàn dân’. Hơn nữa, họ còn hiểu rằng: ‘chính Ngài là Đấng sẽ giải thoát Israel’. Nhưng cuộc khổ nạn của Ngài làm cho lòng tin của họ bị lung lạc. Họ không thể hiểu nổi một vị cứu thế lại phải chịu khổ nạn. Nói cho cùng, họ chối không nhận sự kiện. Họ không hề tin vào biến cố phục sinh. Họ đã nghe các bà loan tin về biến cố ấy, nhưng họ vẫn lưỡng lự, hồ nghi. Thực tại thập giá đã khiến họ phải tháo chạy, hơn nữa họ đã phải rời bỏ Giêrusalem, và vì thất vọng họ đã để mất lòng cậy trông.

Khổ đau vẫn luôn là chướng ngại vật, là cớ vấp phạm lớn lao, khiến những người đã tin tưởng cũng dễ lung lay. Người ta khó có thể dung hoà đau khổ với lòng tin vào quyền năng và tình yêu của Thiên Chúa, lòng tin từ thời ấu thơ của họ dường như trở thành ảo tưởng, hão huyền bởi sự khổ đau ấy, vì gắn bó với những chán chường do cuộc sống khắt khe gây ra nên đi đến chỗ cứng tin, chán ngán. Con đường các môn đệ đi về Emmau xa cách Giêrusalem, cũng chính là con đường mà biết bao người đang gặp phải.

2) Chúa Giêsu hiện ra
Ngài giải thích Kinh Thánh cho họ, và qua Kinh Thánh, Ngài giải thích ý nghĩa của đau khổ như điều Chúa dùng để thực hiện chương trình cứu độ. “Hỡi những kẻ ngu độn và trí lòng chậm tin vào mọi điều các tiên tri đã nói! Thế thì Đức Kitô không phải chịu khổ nạn như thế đã, rồi mới vào vinh quang của Ngài sao?” Cuộc khổ nạn và thập giá của Đấng Thiên Chúa Xức Dầu đáp lại kế hoạch nhiệm mầu của Thiên Chúa. Và suốt cả Kinh Thánh đều tỏ rõ kế hoạch ấy. “Và khởi từ Môsê và hết thảy các tiên tri, Ngài dẫn giải cho họ những điều đã viết về Ngài trong toàn bộ Kinh Thánh”. Chắc chắn rằng, lối chú giải đích thực phải nhắm đến Đức Kitô. Ngài nhấn mạnh rõ rằng chính Môsê cũng như mọi tiên tri và ‘toàn bộ Kinh Thánh’ đều nói về Đấng Thiên Sai. Ai giải thích Cựu Ước theo nhãn quan lấy Đức Kitô làm trung tâm ắt không phải là gò áp bản văn, trái lại giải thích bản văn theo cách thức của nhà chú giải đích thực. Lối giải thích dựa trên Đức Kitô, lối chú giải Cựu Ước lấy Ngài làm trung tâm bắt nguồn từ chính Đức Kitô, và chính Ngài đã biện minh cho lối chú giải ấy. Chỉ dưới cái nhìn ấy mới hiểu được ý nghĩa đích xác của Kinh Thánh, bất cứ lối giải thích nào chỉ căn cứ vào nghĩa chữ bề ngoài, thì không hiểu được sâu xa mầu nhiệm và tinh thần sâu đậm nhất của Kinh Thánh.

Hơn nữa, Đức Giêsu mặc khải chính mình qua việc bẻ bánh “Khi ấy mắt họ mở ra và nhận biết Ngài” thêm vào những lời giải thích Kinh Thánh là mầu nhiệm bẻ bánh, cả hai sự việc ấy đều là một sự hy sinh mà nhờ đó Chúa tỏ mình ra. Con người có thể tìm hiểu, suy nghĩ, kiếm tìm và cầu nguyện để nhận ra Chúa. Nhưng dù sao, con người cũng cần được Chúa ban ơn cách riêng mới nhận ra Chúa Kitô. Nếu Chúa chẳng ban cho đặc ân ấy, con mắt ta vẫn khép kín. Và chỉ khi nào Chúa tỏ mình ra cho biết thì mới được, cũng như đã xảy ra cho các môn đệ trên đường Emmau: “mắt họ mở ra và nhận biết Ngài”. Bẻ bánh chính là dự phần vào bàn tiệc của Chúa. Chỉ ai được Chúa mời tham dự yến tiệc mới nhận ra Ngài cách đích thực.

3) Với Chúa Giêsu.
Trước khi các môn đệ thành Emmau nhận ra Ngài, thì Ngài đã ở giữa họ và đã có ảnh hưởng nơi họ rồi: “Lòng chúng ta lại đã không cháy bừng bừng lúc dọc đàng Ngài ngỏ lời với ta, và giải nghĩa Kinh Thánh cho chúng ta đó sao?” Tâm hồn họ ngầm cháy. Theo nguỵ thư ghi lại: “Ta là lửa cháy, Ngài nói, ai gần Ta là gần lửa cháy”. Sự kết hợp với Chúa Kitô nung nấu các linh hồn mà nếu không có Ngài, các tâm hồn đó sẽ lạnh ngắt và chết mất.

Khi nhận ra Chúa Giêsu họ liền “chỗi dậy trở về Giêrusalem”. Đó là một kết quả trước mắt, một biến đổi tận gốc rễ đã xảy ra: họ đổi buồn thành vui, sầu tan vui đến, tuyệt vọng biến thành hy vọng, tản lạc quy tụ về, nhát sợ kinh hoàng thành tin tưởng sướng vui. Khi họ gặp được nhóm Mười Một trong phòng hội, họ hiểu rằng Chúa đã hiện ra với ông Simon. Các trình thuật khác nhau đều quả quyết sự kiện không thể chối cãi được: Chúa đã sống lại thật. Trình thuật về các môn đệ đi làng Emmau cho thấy cuộc sống khi không có Chúa, sự can thiệp của Ngài, và sức biến đổi trọn vẹn cuộc đời. Sau kinh ngạc trước ngôi mộ trống, sau sững sờ trước sứ điệp các thiên thần, giờ đây thực sự đã hoàn tất: Chúa đã sống lại thật và còn hiện ra cho những kẻ thân cận: trước nhất và đặc biệt nhất là hiện ra với ông Simon rồi với hai môn đệ thành Emmau và sau với toàn thể các môn đệ đang hội họp.

 

17. Chú giải của Fiches Dominicales.

TRÊN ĐƯỜNG EMMAU

VÀI ĐIỂM CHÚ GIẢI:
1. Từ mối tương giao khép kín đến thái độ cởi mở với người khác.
Đoạn Tin Mừng về hai môn đệ trên đường Emmaus được kể là một trong những đoạn Tin Mừng đẹp nhất của thánh Luca. Một câu chuyện vừa sâu sắc về thần học, vừa diễm ảo về văn chương, chính cấu trúc câu chuyện chuyến đi khứ hồi Giêrusalem-Emmau-Giêrusalem là bức phóng biểu tượng cho "cuộc qui hồi" sắp thực hiện trong lòng hai môn đệ. Câu chuyện sẩy ra vào ngày "thứ ba sau khi Đức Giêsu lìa trần” ngày mà, thánh Luca, ngay những dòng mở đầu của Tin Mừng, đã coi như "ngày thứ nhất trong tuần" và các Kitô hữu đã sớm gọi là “ngày Chúa nhật", ngày của Chúa.

Hai môn đệ trở về Emmaus, làng xưa yêu dấu, các bậc thức giả còn tranh luận về địa điểm của làng này; nhưng có gì là quan trọng. Điều cốt thiết đối với chúng ta hôm nay chính là khám phá kinh nghiệm lữ hành mà hai môn đệ xưa đã trải "với những bước chân nặng nề” (Fiche A.124), một kinh nghiệm mà có lẽ vẫn còn tái hiện mọi nơi trong cuộc lữ thứ này. Tác giả Tin Mừng kể lại; “trò chuyện với nhau" nhưng chỉ quanh đi quẩn lại với một vắn nạn nan giải duy nhất: cái chết của Thầy họ đã dập tắt mọi hy vọng họ đã ấp ủ trong lòng và xóa sổ nhóm mười hai môn đệ. L.M. Chauvet chú thích: Họ trò chuyện với nhau, câu chuyện chỉ xoay quanh đời họ va lời giải đáp cho cái chết thất hại của thầy mình, mắt họ vẫn còn bị bưng bít" trí họ cũng bị phong tỏa như mắt họ, tất cả còn phong kín, họ tự phong tỏa chính mình, với các chết của Đức Giêsu trong âm phủ: cửa mộ đã bị một tảng đá lớn bít kín." ("Từ biểu tượng đến biểu tượng", Cerf, tr.89) Đang chuyện vãn với nhau trên đường chiều mòn mỏi, chợt một người bắt kịp họ và "cùng họ đồng hành”. Người cách lạ hỏi ngay đến vấn nạn của họ các anh vừa đi vừa trao đổi với nhau về chuyện gì vậy? Câu hỏi được gợi lên như một điểm dừng cho cuộc hành trình nổi trôi không mục đích của họ: "họ dừng lại vẻ mặt buồn"; câu hỏi ân cần ấy đã kết thúc câu chuyện riêng tư giữa hai người để có dịp thổ lộ với một người thứ ba về niềm hy vọng đã mất của họ: "chúng tôi cứ ngỡ...” Điều khiến Cléopas ngỡ ngàng vì người khách lạ hầu như chẳng biết tí gì, trùng hợp lạ lùng với lời rao giảng tông đồ trong bài diễn từ của thánh Phêrô tại nhà viên bách quản Corneille (x. Bài đọc 1 Chúa Nhật Phục Sinh) và trong bài diễn từ của thánh Phêrô ngày lễ Ngũ tuần. (x. Bài đọc 1 Chúa Nhật 3 Phục Sinh) Nắm trong tay mọi mã số của ô chữ, nhưng không có chìa khóa để giải mã ra để tìm ra ý nghĩa. "Toàn bộ nội dung đã được trao ban, đã được công thức hóa hoàn chỉnh, kinh Tin Kính được đọc đi đọc lại, Tin Mừng đã được tóm tắt; ...chỉ còn thiếu một đốm lửa; người lữ khách đã ngân nga tất cả ngay dẫn lời báo trước diệu kì "Ngài hằng sống" với nét mặt buồn thẳm. Ông còn thiếu niềm tin, ơn đức tin, ánh sáng đức tin sẽ chiếu sáng, sẽ mang lại ý nghĩa cho câu chuyện. Tất cả đều đợi chờ lúc màn bí mật được vén lên” ("Những người hành hương về Emmaus”, tr. 61-62)

2. Từ ngõ cụt đến đường đi.
Người khách lạ chăm chú lắng nghe họ, giờ thì họ bắt đầu lắng nghe Ngài. Ngài duyệt lại cuộc sống và cái chết của Thầy họ, "mọi điều liên quan tới Ngài" dưới ánh sáng Thánh Kinh. "Và, khởi đi từ Môsê và các tiên tri" Ngài hé mở cho họ thấy thánh ý nhiệm mầu của Thiên Chúa đã thể hiện giữa những biến cố mà họ cho là thê thảm ấy. Cái chết của Đức Giêsu, đối với họ dường như là một ngõ cụt, thực sự lại là đường "dẫn đến sự Sống”. Nào Đấng Kitô lại chẳng phải chịu khổ hình như thế, rồi mới vào trong vinh quang của Người sao" L.M. Chauvet giải thích thêm: khi nghe nói về Đức Giêsu khi đón nhận chứng từ của Ngài về chương trình Thiên Chúa trong Kinh Thánh (Môsê và các tiên tri), lòng họ vẽ nên một hình ảnh khác về Đức Giêsu vị tiên tri; bắt đầu biến hình thành Đức Kitô! thành Đấng thiên sai phải chịu đau khổ và chịu chết để bước vào chốn vinh hiển. (SĐD, tr.90)

Họ được mời gọi đảo ngược tận căn niềm tin của mình: Làm sao mà Đấng Thiên Sai của Thiên Chúa lại có thể phải trải qua cái chết như thế được? nhưng một điều gì đó đã nẩy mầm trong lòng họ; tảng đá nặng nề phong tỏa họ đã bắt đầu lung lay "Xin ở lại với chúng tôi" họ khẩn nài khi đến gần ông vì trời dã chiều và đêm đã xuống”.

3. Từ mê lầm đến tỉnh ngộ
Giờ thì cả ba đang ở trong quán trọ, người lữ khách đang "đồng bàn cùng họ”. Những cử chỉ Ngài thực hiện "Ngài cầm lấy bánh, đọc lời chúc tụng, bẻ ra và trao cho họ", chính là những cử chỉ của Chúa trong bữa tiệc ly.

Thánh Luca, nếu chẳng phải là qua các việc làm thì chí ít trong hướng cũng muốn nhắm đến các tín hữu hội nhau mỗi ngày thứ nhất trong tuần. Và thật bất ngờ, họ đã hiểu rõ ngọn ngành: khi ấy, mắt họ liền mở ra và họ nhận biết Ngài". "Người đã chết chính là Đấng hằng sống! vẫn Đấng ấy nay đã biến thành một người khác, chính họ cũng biến thành người khác. Vì mắt họ nay đã mở ra để thấy được mình cũng như thấy được Người. Việc duyệt lại đời Ngài giúp họ duyệt lại đời mình, nhận biết ngài phục sinh đánh dấu sự phục sinh của riêng họ. Lòng ta đã chẳng bừng cháy lên khi ngài cắt nghĩa Kinh thành cho ta trên đường chiều đó sao? Trong khi hồi tưởng, niềm tin nơi Đức Kitô phục sinh đã phục hồi quá khứ rã rời và mở ra cho họ một tương lai mới”.

Tháng ngày quá vãng dường như đã chết của họ nay bắt đầu hồi sinh, mắt đã được hàn gắn và uốn nắn lại: mô thức có tính “biểu trưng" của bí tích đã phác họa, nối kết và hình thành nên nó, bây giờ họ tìm thấy nơi nó một ý nghĩa chắc chắn...tương lai đã biến đổi: nếu thực sự thập giá là sống giây phút hiện tại với Thiên Chúa và với mình, thì còn có gì không thực làm được nữa đây " (LM. Chauvet, SĐD, tr. 91-92) Đức Giêsu có thể “biến mất khỏi tầm nhìn" của các môn đệ đã lấy lại được niềm tin. Họ đã tìm lại được người, hằng sống, trên đường đời của họ. Phục sinh, từ nay “Ngài ở với họ" và tỏ mình ra cho họ qua những dấu chỉ của niềm tin, lôi kéo họ vào mầu nhiệm phục sinh

4. Từ sự tan nát… đến chỗ tuyên xưng niềm tin của Hội Thánh.
Con đường dẫn đưa những người lữ khách từ Giêrusalem đến quán trọ Emmau sao mà xa xôi vạn lý. Ay vậy mà lúc trở về Giêrusalem lại chỉ trong phút giây vì Tin Mừng đang cháy bỏng trong tim là trên môi họ. Chính nhóm mười một và thân hữu lại tập họp nhau và thông báo với họ trước rằng "Chúa đã phục sinh: Ngài đã hiện ra với Simon Phêrô". Bấy giờ, họ cũng kể lại những diễn biến trên đường và nhờ đâu họ đã nhận ra được Ngài khi Ngài bẻ bánh”.

Cuộc trở về nguồn cội, nghĩa là trở về với cái nôi phát sinh Hội thánh, tức Giêrusalem, tượng trưng cho cuộc trở lại nỗi buồn sang niềm vui, từ sự lùi bước đến dấn thân, từ sự tan tác đến kết đoàn, nhóm những người theo Chúa đã tản mác ở đầu câu chuyện, nay đã tái hợp, nhưng khác hẳn ngày xưa, họ đã chết, nay họ "sống lại”. Ngày lễ Phục Sinh của Chúa Giêsu đã biến thành ngày Lễ Phục Sinh của riêng họ: là một nhóm nhỏ, họ cũng đã đi qua cái chết được phục sinh thành Hội Thánh". (LM Chauvet. SĐD.)



BÀI ĐỌC THÊM
1. Câu chuyện này là bản lược đồ hay khuôn mẫu chính xác của nền phụng vụ Công Giáo (H. Denis, "100 từ để tuyên xưng niềm tin", Desclie de Brouwer, tr. 145-146).
Câu chuyện sống động này chính là bản lược đồ hay khuôn mẫu xác thực của tất cả nền phụng vụ công giáo, đặc biệt là bí tích Thánh Thể. Hãy đọc lại sẽ thấy. Phụng vụ luôn bắt đầu bằng việc tập họp. Đây là điều không thể thiếu được Các bạn đang đồng hành trên con đường sự sống. Có lẽ đã quá quen nhau nên không nhận ra Đức Kitô, người bạn đồng hành vừa gia nhập vào nhóm của các bạn. Một cộng đoàn phụng vụ tự cơ bản là một cộng đoàn được hình thành, gắn bó với Đức Kitô, trở nên thân thể của Đức Kitô, Hội Thánh... Nhưng rồi, người ta xao lãng, người ta có những mối quan tâm khác, thế là bạn nói chuyện ngay ngoài cửa nhà thờ, bạn kể cho nhau vài tin tức trước khi bước vào hay khi đã ngồi vào ghế cho đến lúc bạn tự hỏi xem đời mình có thể nối kết với đời sống của Đức Kitô và đời sống của Đức Kitô có thể nối kết với đời mình không. "Sao, có lẽ ông là người duy nhất trú ngụ tại Giêrusalem mà không hay biết những chuyện đã xảy ra trong thành mấy bữa nay..." Cộng đoàn là một tập thể có khả năng lắng nghe Đức Giêsu. Đó chính là phụng vụ lời Chúa, trong đó, dù là ngày nào đi nữa thì cũng vẫn là Đức Giêsu cho biết mình đã kiện toàn lề luật và các tiên tri ra sao. Bây giờ, ta có thể bước vào trong thâm cung nhà Chúa. "Hãy ở trong Thầy là Thầy ở trong anh em" (Ga 15,4) nhà của những người đồng hành trên đường Emmaus đã biến thành nơi chia sẻ tấm bánh. Kỳ diệu thay chính trong việc bẻ ra, chia sẻ, việc Thiên Chúa tự hiến mà người ta nhận biết nhau. Những con mắt mở ra để khám phá, không phải sự trần trụi của thân xác hay chết như trong vườn Ê-đen xưa kia, mà là vẻ rực rỡ huy hoàng của Đấng Phục sinh đã tự nguyện mặc lấy thân xác mọn hèn phải chết của chúng ta. Sự nhận biết đầy kính tin cấm người ta chạm đến Đấng Phục sinh. Hiện diện trong xa vắng. Đức Giêsu đã xa khuất tầm nhìn của họ... Thế cũng đã đủ để họ ra đi, hợp nhất niềm tin với các tông đồ, hãy ra đi trong bình an của Đức Kitô. Hãy ra đi loan báo cho các anh em: Đức Kitô đã sống lại. Alleluia.

2. Câu chuyện diễm tuyệt và xác thực dành cho các tín hữu mọi thời. (M. Sevin, trong "Hồ sơ Kinh Thánh", số 41, tr. 22).
Mong sao độc giả Tin Mừng hiểu được rằng câu chuyện nào nhắm đến họ. Đến lượt họ, họ tự hỏi làm sao thấy được Đấng Phục sinh. Câu trả lời là: mắt trần hoàn toàn vô dụng, sự hiện diện của Đấng Phục sinh khác hẳn sự hiện diện của Đức Giêsu tại Nazarét. Đây là một sự hiện diện mới mẻ, chỉ tỏ hiện với con mắt đức tin được nuôi bằng Kinh thánh và việc chia sẻ bữa ăn với Đức Giêsu: Nếu muốn thấy và sống sự hiện diện của Đấng phục sinh các tín hữu phải trang bị cho mình hai điều kiện ấy vì họ luôn có sẵn trong tay Thánh Kinh và Thánh Thể.

Ở đây thánh Luca, đã viết nên một câu chuyện diễm tuyệt và xác thực cho các tín hữu mọi thời.

 

18. Chú giải của Giáo Hoàng Học Viện Đà Lạt.

HAI MÔN ĐỆ LÀNG EMMAU
"Một làng kia cách Giêrusalem sáu mươi dặm, tên là Emnmau": địa điểm này hãy còn được tranh luận. Người ta nghĩ đó là Amwas, cách Giêrusalem độ 30km về hướng Tây. "60 dặm" là cách đọc thông thường được chấp nhận (tương ứng với 12 km); nhưng nhiều chứng từ đáng tin cậy (như bản Sinaiticus, 5 trong các thủ sao khá nhất của bản Phổ thông và 3 thủ sao của bản syri-palestin) lại đọc 160, là điều phù hợp với địa danh Amwas.

"Ông là cư dân duy nhất ở Giêrusalem": Cách dịch này không đúng mấy vì làm ta tưởng các môn đồ xem Chúa Giêsu như là người thường trú tại Giêrusalem. Nhưng động từ Hy lạp được dùng ở đây, paroikéô, chắc hẳn có nghĩa thông thường như trong bản 70: "cư ngụ với tư cách ngoại kiều, lưu trú như người ngoại quốc". Các môn đồ coi Chúa Giêsu như khách hành hương đến Giêrusalem dịp Lễ Vượt Qua.

"Một ngôn sứ quyền năng trong việc làm": Các môn đồ cho tới bày giờ vẫn còn xem Chúa Giêsu như một ngôn sứ thôi.

"Nhưng với ngần ấy cơ sự, nay đã là ngày thứ ba rồi kể từ khi các việc ấy diễn ra": Các môn đồ đã thất vọng vì Chúa Giêsu bị nhà cầm quyền Israel tuyên án tử hình thập giá. Họ cũng thất vọng vì đã ba ngày sau vụ đóng đinh rồi mà Thiên Chúa chẳng hề can thiệp gì để cứu giúp vị ngôn sứ cả.

"Khởi từ Môisen và rảo qua hết thảm các ngôn sứ": Môisen, nghĩa là Lề luật, với các Ngôn sứ tạo thành chất liệu chủ yếu của Thánh Kinh (16, 16. 29- 31; 24, 44; Cv 24, 14; 28, 2) người ta đọc sánh các vị trong phụng tự ở Hội đường (Cv 13, 15).

"Người cầm lấy bánh, chúc tụng, đoạn bẻ ra trao cho họ”: Không chắc là bấy giờ Chúa Giêsu tái diễn bữa Tiệc ly. Nhưng Luca dùng ở đây một ngữ vựng có tính cách Thánh Thể (x 22, 19 và 9, 16) để cho độc giả cảm thấy rằng việc "bẻ bánh" (Cv 2, 42.46; 20,7.11) làm họ gặp gỡ Đấng Phục Sinh, như trường hợp các môn đồ Emmau.

"Người đã hiện ra cho Simon": Biến cố này được đề cập tới trong bản liệt kê cổ xưa của 1 Cr 15, 5, cũng như đã được loan báo ở 22, 31- 32, nơi người ta cũng gặp tên Simon.

“Lúc bẻ bánh": tiếng Hy lạp cho phép ta hiểu: lúc bẻ bánh hoặc nhờ việc bẻ bánh.


KẾT LUẬN
Sự hiện diện của Đấng Phục sinh thâm nhập vào tâm thức tôn giáo, vào trong đời sống đức tin, nhờ Thánh Kinh được giải thích theo ý nghĩa sứ điệp Vượt Qua, nhờ bữa ăn Thánh Thể nung đốt tâm hồn và giúp tâm hồn nhận ra Chúa.

Ý HƯỚNG BÀI GIẢNG
1) Tâm trạng của các môn đồ Emmau mấy ngày sau cái chết của Chúa Giêsu không phải là đặc biệt lắm. Lúc ấy cũng như bấy giờ, có nhiều người đã đặt niềm hy vọng vào Chúa hay vào Giáo Hội và họ đã thất vọng vì diễn tiến các biến cố. Họ nghĩ Chúa Kitô phải ban cho họ niềm trông cậy và bình an, Giáo Hội phải đem đến cho họ những điều vững chắc và nhiều gương mẫu thật đáng phục; thế nhưng chẳng có gì được thực hiện. Chúa không được mọi người thành tâm thiện chí nhận ra, và Giáo Hội chẳng tai tiếng thì cũng làm nhiều kẻ nản lòng... Dĩ nhiên, sự việc không bao giờ xảy ra như đã hứa và niềm hy vọng của chúng ta đôi khi như bị dối lừa.

2) Các môn đồ Emmau và những ai đã trông cậy vào Chúa Giêsu mà thất vọng, là vì niềm hy vọng của họ quá trần tục, dựa trên cái nhìn nhân loại về các biến cố. Để thắng nỗi ô nhục, cớ vấp phạm gây ra do sự thất bại của Chúa Giêsu, niềm hy vọng đó phải biến thành niềm hy vọng đốt thần, đặt cơ sở trên cái nhìn của Thiên Chúa về lịch sử. Vì thế, trong cuộc đàm thoại với hai môn đồ Emmau, Chúa Giêsu đã sửa đổi nhãn giới của các vị bằng cách giúp họ hiểu rằng cái chết của Người có ý nghĩa xét về quan điểm của Thiên Chúa. Quan điềm này được diễn tả trong Thánh Kinh. “Bắt đầu từ Môisen và hết thảy các ngôn sứ, Người dẫn giải cho họ các điều đã viết về Người trong toàn bộ Thánh Kinh".

Chúng ta không rõ hai môn đồ nghe gì lúc ấy, chỉ biết vài ngày sau đó họ nói vắn tắt thế này: lòng chúng ta đã chẳng bừng cháy lên khi Ngươi trò chuyện cùng ta trên đường đi đó sao? Có lẽ Chúa Giêsu đã nhắc lại cách vắn tắt và sống động toàn bộ lịch sử của tuyển dân, với bao biến cố thăng trầm, bao phen trung thành và bội phản của họ; nhắc lại những chuỗi can thiệp của Chúa mà, mỗi thế hệ, qua mọi mọi biến cố đau thương hay hạnh phúc, đã làm dấy lên nhiều ngôn sứ với nhiệm vụ khêu lại lòng trung thành nhạt phai, đã hứa ban Đấng cứu thế mà một ngày nào đó sẽ đến tai lập tất cả trong bình an và trật tự. Ta có thể nghĩ rằng người lữ khách vô danh này đã nhắc lại cho họ các thi ca về người Tôi tớ của Isaia và các Thánh vịnh, như Phêrô đã làm trong ngày lễ Ngũ tuần trước mặt người Do thái. Tắt một lời, khi gợi lại 12 thế kỷ lịch sử này, Người cho họ thấy “Đấng Messia phải chịu đau khổ đã rồi mới vào trong Vinh quang".

Cuối cuộc chiêm niệm này, sau khi đã dấn bước đi theo, các bậc tiền tổ trong đức tin, tức là các ngôn sứ, hiền nhân, thi sĩ của Thiên Chúa toàn năng, hai môn đồ mới bắt đầu khám phá ra rằng có lẽ tất cả không đến nỗi phải thất vọng, rằng mọi sự có lẽ nằm trong trật tự, cho dù trật tự ấy khác với trật tự mà tự nhiên họ đã mong chờ. Đức tin vào Giêsu Nadarét của họ. Niềm tin của họ có lẽ đã thoát ra khỏi một thứ lý luận trần tục nào đó, thì lý luận đã giam hãm họ và đẩy họ đến chỗ thất vọng ê chề; nhưng dầu sao niềm tin ấy xem ra không phi lý nữa, mà còn có thể phù hợp với cái nhìn của Thiên Chúa về thế gian, cái nhìn đã được loan báo dần dần bởi các hiền nhân và các ngôn sứ trong suốt 1200 năm lịch sử.


3) Nhờ lại Thiên Chúa được khám phá trong Thánh Kinh, các môn đồ Emmau đã có một não trạng khác; họ đã mở rộng quan điểm, hay đúng hơn đã loại bỏ quan điểm của mình dể đi vào quan điểm của Thiên Chúa. Chỉ sau đấy họ mới nhận ra Chúa Giêsu. Muốn tin vào Chúa Kitô tử nạn, chiến bại và Phục sinh, thì phải chấp nhận ra khỏi cái kiểu lý luận thế nhân, để đặt mình trong kế hoạch của Thiên Chúa, kế hoạch mà mọi phương hướng luôn luôn làm lý trí nhỏ bé của con người choáng ngợp, và để Ngài hướng dẫn. Bấy giờ mọi sự sẽ trở nên đơn giản, sẽ biện thành niềm vui. Như thánh Phêrô đã nói khi kết thúc một đoạn trong thư của ngài mà chúng ta vừa nghe lúc nãy: nhờ Chúa Kitô, anh em tin vào Thiên Chúa. Đấng đã cho Người sống lại từ cõi chết và đã ban vinh quang cho Người, ngõ hầu anh em đặt cả lòng tin và niềm hy vọng của anh em nơi Thiên Chúa" (1Pr 1, 21).