Thứ Sáu, 3 tháng 2, 2017

HOA XUÂN MỪNG CHÚA XUÂN – TM CHÚA NHẬT V THƯỜNG NIÊN – MƯNG THỌ BÀ CHEN 80 TUỔI - MỪNG NGỌC KHÁNH HÔN NHÂN ÔNG BÀ CỐ CHA BẰNG



                        

                                                        
MỪNG NGỌC KHÁNH HÔN NHÂN ÔNG BÀ CỐ CHA BẰNG


LỄ ĐỒNG TẾ BẢO HÀ


LỘC XUÂN BẢO HÀ


XUÂN MỚI TÂN AN 





MÂM QUẢ DÂNG CHÚA  





HOA XUÂN BẢO HÀ





CHÚA NHẬT 5 THƯỜNG NIÊN A
Lời Chúa: Is 58,7-10; 1Cr 2,1-5; Mt 5,13-16


MỤC LỤC


Quan đoạn Tin Mừng sáng hôm nay, Chúa Giêsu mời gọi các môn đệ phải trở nên muối ướp và đèn soi. Bằng hai hình ảnh cụ thể này, Ngài phác hoạ một luật sống mà các môn đệ phải tuân theo khi Ngài gởi họ đi vào đời.

Hình ảnh thứ nhất: “Các con là muối ướp thế gian”.
Muối là vật dụng thường thức dùng trong việc nấu nướng. Không có muối, đồ ăn thiếu hương vị và lạt lẽo. Nhưng người Do Thái còn dùng muối làm phân bón. Vì vậy mà Ngài bảo: Các con là muối đất. Trong Kinh Thánh, muối là hình ảnh được nhắc lại nhiều lần. Từ vụ vợ ông Lót nhìn lại đàng sau mà biến thành tượng muối, đến chút muối mà thánh Phaolô căn dặn nên đặt vào trong lời ăn tiếng nói cho có hương vị khi giao tiếp với anh em. Các con là muối, nghĩa là chúng ta hãy sống đạo dức, thực thi những điều Ngài dạy, để thánh hoá bản thân, nêu gương sáng cho người khác, hâm nóng những cõi lòng đã nguội lạnh. Nếu chúng ta không sống Lời Chúa trọn vẹn, thì chúng ta như muối đã nhạt, không ích lợi gì, chỉ đáng đem đổ ra ngoài đường cho người ta dày đạp. Người Do Thái ngày xưa đổ rác cả ra đường phố cho khách qua lại dẫm lên.
Người ta hỏi ông Ganhdi, nhà ái quốc Ấn Độ, rằng: - Trước thảm hoạ nguyên tử, ông sẽ làm gì?
Ganhdi trả lời:
-      Tôi sẽ cầu nguyện.
Và được hỏi thêm:
-      Vì sao ông không theo đạo công giáo?
Ông trả lời:
-      Phúc Âm của Chúa thì rất tốt lành, nhưng người công giáo đã không sống Phúc Âm, nên không hơn gì chúng tôi.
Câu trả lời này khiến chúng ta nhớ lại lời Chúa: Các con là muối đất, nếu muối đã nhạt đi, thì biết lấy gì mà ướp cho mặn lại. Chỉ còn ném ra ngoài đường cho người ta chà đạp.

Hình ảnh thứ hai là đèn soi.
Có lần Chúa Giêsu đã xác quyết: Ta là ánh sáng thế gian. Ai theo Ta sẽ không đi trong đêm tối, nhưng sẽ có ánh sáng đời đời. Và hôm nay Chúa dạy các môn đệ hãy bắt chước Ngài để trở nên ánh sáng thế gian: Người ta không thắp đèn rồi để dưới đáy thùng, nhưng đặt nó trên giá đèn hầu soi sáng cho mọi người trong nhà. Chúng ta phải là đèn soi cho kẻ khác bằng lời nói, bằng việc làm và bằng gương sáng. Nếu Phúc Âm không được rao giảng người ta sẽ quên nó. Trái lại, nếu mỗi người chúng ta thắp lên cây đèn nhỏ của mình, thì không những nhà riêng của chúng ta mà cả thế giới sẽ được soi sáng. Sự sáng của các con sẽ chiếu soi trước mặt thiên hạ và mọi người sẽ ngợi khen Thiên Chúa.

Một buổi chiều, Mẹ Têrêsa đi qua một căn nhà ở ngoại ô Calcutta. Căn nhà tối om và có tiếng rên từ bên trong vọng ra. Mẹ đẩy cửa bước vào, sờ soạng đi lại giường một cụ già tiều tuỵ, đau yếu. Mẹ hỏi:
-      Nhà của cụ không có đèn đóm gì à?
-      Có một chiếc đèn còn tốt nhưng không có dầu.
Mẹ lục lọi tìm chiếc đèn, rồi lau chùi, mua dầu đổ vào và đốt lên. Mặt cụ tươi tỉnh. Ít lâu sau, Mẹ nhận được mấy dòng chữ sau đây: Nụ cười của Mẹ nhu dầu khích lệ, như đèn thắp sáng đời tôi.
Mỗi người chúng ta đều được Chúa kêu mời trở nên muối mặn ướp thế gian, và trở nên đèn thắp sáng cuộc đời mình và cuộc đời người khác.

2. Là muối, là ánh sáng

Suy Niệm
Anh em là muối cho đời: một định nghĩa tuyệt vời về người Kitô hữu. Kitô hữu gắn liền với cuộc đời, hòa mình với mọi người, như muối thấm vào thức ăn, giữ cho nó khỏi hư và thêm đậm đà.

Vị mặn của muối là yếu tố quan trọng. Mặn thuộc về bản chất của muối. Muối nhạt chẳng đáng gọi là muối, vì chẳng ướp được gì. Khi đánh mất bản chất của mình, nó cũng hoàn toàn trở nên vô dụng.

Anh em là ánh sáng cho trần gian: một định nghĩa kinh khủng về người Kitô hữu, bởi lẽ chỉ Thiên Chúa mới là Ánh Sáng (1Ga 1,5). Chỉ Đức Giêsu mới dám nhận mình là Ánh Sáng (Ga 8,12). Anh em là ánh sáng vì anh em gần Thầy, gần đèn thì sáng.

Thế giới hôm nay tiến bộ về khoa học kỹ thuật, nhưng lại là một thế giới nhạt nhẽo, mất ý nghĩa, một thế giới tối tăm và vẩn đục. Chúng ta hay phàn nàn về sự xuống cấp, suy đồi, nhưng người Kitô hữu ít khi nhìn nhận phần trách nhiệm của mình trước thực trạng đó.

Vì tôi là muối nhạt nên thế giới này vô vị. Vì tôi là đèn hết dầu, nên thế giới còn nhiều bóng tối. Thế giới sẽ mang bộ mặt mới, nếu chúng tôi sống đúng định nghĩa của Đức Giêsu. Khi hoà mình với đời, chúng ta có thể trở thành muối nhạt, ngọn đèn chúng ta có thể bị hết dầu. Cần được ướp lại bằng vị mặn của Đức Giêsu, ngọn đèn cần được nuôi bằng dầu của Người.
Phải liên tục trở lại với Đức Giêsu để đừng đánh mất bản sắc Kitô hữu của mình. Anh em ở trong thế gian, nhưng không thuộc về thế gian. Vẫn còn nhiều Kitô hữu, có khả năng nhưng lại rụt rè, đặt ngọn đèn đời mình dưới thùng. Họ không dám dấn thân vào đời, vì sợ nguy hiểm, vì thiếu tự tin vào bản lãnh của mình, hay vì hiểu sai thế nào là khiêm tốn thực sự.

Cần có nhiều Kitô hữu làm băng video, viết kịch, quay phim. Cần nhiều người là văn nghệ sĩ, làm nhà nghiên cứu. Cuộc sống chúng ta phải tỏa sáng, qua bao điều tốt đẹp, để mọi người nhận ra Thiên Chúa là Nguồn ánh sáng và cất tiếng ngợi ca tôn vinh.

Gợi Ý Chia Sẻ
·        Bạn biết gì về cha Đắc Lộ, người có công lớn trong việc sáng tạo chữ quốc ngữ của dân tộc Việt Nam?
·        Nhiều Kitô hữu đã bị biến chất khi dấn thân vào đời. Có cách nào hoà mình mà không đánh mất chính mình?

Cầu Nguyện
Lạy Chúa Giêsu, tạ ơn Chúa đã cho chúng con ánh sáng mặt trời, mặt trăng, và ánh sáng từ những nguồn năng lượng trên mặt đất.

Tạ ơn Chúa vì Chúa đã gọi chúng con là ánh sáng. Đó là vinh dự và cũng là một trách nhiệm nặng nề.

Xin cho chúng con có khả năng đẩy lui bóng tối của hận thù và bất công, của buồn phiền và thất vọng.
Xin cho chúng con biết gìn giữ ngọn lửa mà Chúa đã thắp lên trong lòng chúng con, và biết vâng theo những soi sáng của Chúa qua từng phút giây của cuộc sống.

Lạy Chúa Giêsu, cuộc chiến giữa ánh sáng và bóng tối vẫn còn tiếp diễn trên thế giới và trong lòng chúng con. Ước gì chúng con đừng chỉ lo nguyền rủa bóng tối, nhưng can đảm thắp lên những ngọn lửa, để cả trái đất ngập tràn ánh sáng Chúa.

 

3. Muối cho đời – ĐTGM. Ngô Quang Kiệt.

Trong những dịp cuối năm, các bản tổng kết tình hình đều đánh giá cao những đóng góp của Giáo hội đặc biệt trong lãnh vực giữ gìn đạo đức xã hội. Nơi nào có đồng bào Công giáo sinh sống, tệ nạn xã hội không có hoặc có rất ít. Nghe những nhận định trên, tôi rất vui vì thấy anh chị em tín hữu đang sống đúng tinh thần trở thành muối cho đời như lời Chúa dạy trong bài Tin Mừng hôm nay.

Khi nói đến muối Chúa Giêsu có ý dạy các môn đệ về cách thế hiện diện trong xã hội.

Đó là một hiẹn diện khiêm nhường
Hạt muối thật bé nhỏ. Chẳng ai chú ý tới sự hiện diện của nó. Bên cạnh thịt, cá, rau cỏ, muối chỉ đóng vai phụ. Người ta trưng bày những món ăn đắt tiền. Người ta giới thiệu những món ăn cầu kỳ. Không thấy ai trưng bày muối. Chẳng có ai giới thiệu muối trong bữa tiệc lớn. Xét về giá trị kinh tế, muối chẳng đáng giá bao nhiêu. Đó là một hiện diện quên mình.

Muối có đó nhưng không ai thấy muối. Không chỉ vì muối bé nhỏ khiêm nhường mà vì muối phải tan biến đi. Phải tan biến đi muối mới có tác dụng. Muối ướp vào thịt cá mà không tan đi thì không thấm được vào thớ thịt, thớ cá, không giữ cho thịt tươi cá tốt được. Muối gia giảm vào cá kho, thịt rim, nước canh mà không tan đi thì khi ăn phải, người ta sẽ nhăn mặt bỏ đi. Chỉ khi tan biến đi, hoà tan vào thịt, cá, rau cỏ, muối mới có ích lợi. Muối phải hiện diện nhưng lại phải tiêu huỷ đi thì mới có ích.

Đó là một hiện diện tích cực.
Tuy bé nhỏ khiêm nhường và vắng mặt, nhưng hiện diện của muối là một hiện diện tích cực. Tích cực vì góp phần bảo trì thực phẩm khỏi hư thối, vì nâng phẩm chất món ăn. Tích cực vì là một thành phần hầu như không thể thiếu trong các món ăn. Tuy không thấy và không nói ra, nhưng ai cũng ngầm hiểu trong mỗi món ăn đều có muối.

Khi dùng muối làm hình ảnh minh hoạ, chắc chắn Chúa Giêsu cũng muốn cho các môn đệ của Người có những đặc tính của muối.

Người muốn các môn đệ của Người sống giữa nhân loại như muối ở trong thức ăn. Người muốn các môn đệ của Người hiện diện thật kiêm nhường như những hạt muối bé nhỏ. Người muốn các môn đệ của Người hiến thân mình cho nhân loại như những hạt muối hòa tan trong thực phẩm.

Nhưng để sự hiện diện bé nhỏ khiêm nhường mang yếu tố tích cực, các môn đệ phải giữ được vị mặn của muối.

Vị mặn, đó là lòng yêu mến Chúa mặn nồng, là tình yêu tha nhân mặn mà, là sống tinh thần Tám Mối Phúc như Chúa dạy trong bài Tin Mừng tuần trước.

Giữ được vị mặn của Phúc Âm và hiện diện âm thầm trong phục vụ quên mình, người môn đệ Chúa sẽ thực sự góp phần bảo vệ nền đạo đức của xã hội. Dù không muốn, họ vẫn trở thành ánh sáng soi trần gian.

Lạy Chúa, Chúa tin tưởng con, nên đã gọi con là muối trần gian. Xin cho lòng con yêu mến Chúa tha thiết, để đem cho đời hương vị tình yêu. Amen.

KIỂM ĐIỂM ĐỜI SỐNG
1.   Bạn nghĩ gì về hình ảnh hạt muối?
2.   Làm muối, dễ hay khó?
3.   Bạn đã bao giờ cảm thấy niềm vui được chìm đi để anh em được nổi nang chưa?

4. Có can đảm sống trung thực theo con người mình

(Trích trong ‘Lương Thực Ngày Chúa Nhật’)
Chân lý, nhất là chân lý do đức tin mang tới, là muối và ánh sáng. Chân lý, tự nó, không thể nên lạt lẽo và tối mờ. Nhưng thực tế thì chân lý trở nên “khả giác” khi đi vào trí khôn và cõi lòng con người. Chính những con người mang chân lý và đức tin, là muối và ánh sáng gian trần. Bởi vì nhà ở của chân lý và đức tin là con người với tất cả sự phức tạp của nó, bản năng, sở thích của nó, cho nên sự biến chất lạt lẽo và tình cảnh bị bóp nghẹt vẫn là những mối đe doạ thường xuyên. Chúa nói với môn đệ rằng họ là muối và ánh sáng mà không để cho bị lạt lẽo và che mờ đi.

Muối được dùng nhiều trong các nghi thức tôn giáo, hẳn là vì nó chữa lành, không bị hư thối, vì nó cho hương vị. Sách Lêvi (2,13) nói đến muối của Giao Ước để chỉ rằng Giao Ước phải bền vững, không thể hư hỏng. Tiên tri Êlisê “tẩy sạch” một giòng suối bằng cách bỏ vào muối vào. (2V 2,21). Ánh sáng là để soi chiếu. Để rọi chiếu, ánh sáng chỉ cần là ánh sáng. Bài Phúc Âm nói tới cái thùng, có lẽ gợi lại tục lệ của mấy người nghèo thường đặt đèn trên một cái thúng lật ngược. Nếu lấy thùng chụp đèn lại, người ta giam hãm ánh sáng và làm nó phải tắt.

Để suy niệm, chúng ta sẽ hiểu muối và ánh sáng như những biểu tượng của người Kitô hữu.
1) Người Kitô hữu phải là muối thế gian. Ngày nay hơn bao giờ Giáo Hội phải thâm nhập vào nền văn minh với những giá trị của đức tin, hầu cho thế gian khỏi tan rã và thoái hoá trong bạo lực. Người ta nói nhiều đến thuyết duy vật, thuyết duy sắc dục… Lắm người quảng đại chiến đấu cho một thế giới công bình hơn, nhưng không biết bên kia cái cùng đích họ theo đuổi còn có gì… Nếu bị bỏ mặc cho mình, thì thế giới sẽ nên hủ bại. Người Kitô hữu phải làm chứng về phẩm giá, và số mệnh con người, để góp phần cứu vớt thế gian. Trong tất cả đời sống xã hội, gia đình, nghề nghiệp, chính trị kinh tế, họ phải nghĩ tưởng và hành động theo như lòng tin nơi Đức Giêsu Kitô soi sáng thúc đẩy họ. Nếu không có can đảm làm như thế, nếu trở nên lạt lẽo, thì nó sẽ không chu toàn sứ mệnh và thế gian có thể lôi kéo họ vào sự ghê tởm. Bị ném ra ngoài cho người ta dày đạp dưới chân. Phúc Âm nói thế.

2) Người Kitô hữu phải là ánh sáng gian trần. Vấn đề không phải là phô trương mình ra. Những cũng là ánh sáng soi chiêu vì nó là nó, thì người Kitô hữu cũng phải toả ánh sáng Tin Mừng bằng cách là người Kitô hữu đích thực, thế thôi. Một điểm đáng cho ta lưu ý. Khi hoạt động với tư cách Kitô hữu, có nên che dấu “sự quy chiếu” của mình về Chúa Kitô và đặc nó dưới thùng hay không? Nói cách khác, ánh sáng mà người tin Chúa mang trong mình không phải loan báo Đức Giêsu Kitô hay sao? Trả lời thực tế cho câu hỏi này không đơn giản đâu. Dù sao, theo Phúc Âm dạy thì hành động được thực hiện trong ánh sáng, phải dẫn đưa con người tới chỗ ngợi khen Cha trên trời.

5. Chiếu ánh sáng của chúng ta khi cần.

(Trích trong ‘Mở Ra Những Kho Tàng’ - Charles E. Miller)
Trong một cuộc phỏng vấn Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, một phóng viên đã hỏi ngài: “Đức Thánh Cha cầu nguyện cho những ai và cho điều gì?” Đức Thánh Cha trả lời bằng việc trích dẫn đoạn văn mở đầu trong Hiến Chế về Giáo Hội trong thế giới ngày nay của Công đồng Vatican II. Đoạn văn ấy như sau: “Sự vui mừng và hy vọng, đau buồn và lo âu của con người thời đại này, đặc biệt là những người nghèo hay những người bị bách hại, cách nào đó là niềm vui và hy vọng, đau buồn và lo âu của những người theo Chúa Kitô” (Bước qua ngưỡng cửa hy vọng, số 20).

Thật ra Đức Thánh Cha đã trả lời câu hỏi không chỉ như ngài là một Giáo Hoàng mà với tư cách là một người Công giáo, một người theo Chúa Kitô, giống như mọi người chúng ta. Chắc chắn những lời cầu nguyện của Đức Thánh Cha cũng sẽ là của chúng ta nữa. Dĩ nhiên cầu nguyện phải dẫn tới hành động và hành động tương quan với tha nhân nữa.

Biến lời cầu nguyện thành hành động là giáo huấn của tiên tri Isaia trong Thánh Lễ hôm nay: “Hãy chia bánh với người đói, cung cấp chỗ cư trú cho kẻ bị áp bức và không nhà. Mặc quần áo cho kẻ mình trần khi thấy họ, đừng xoay lưng lại với những khốn khổ đang xảy ra”. Những lời cảm động này muốn nói tới những người Do Thái bị lưu đày, họ trở về sau khi thoát ách nô lệ ở Babylon. Họ tìm thấy quê hương họ đã bị xâm chiếm bởi một dân tộc khác, một dân không chia sẻ cùng một tôn giáo hay nền luân lý của họ. Họ cảm thấy mình như là một dân tộc thiểu số trong một khu vực thù địch.
Chúng ta không giống như họ nơi xã hội của chúng ta, những người Công Giáo không phải là một nhóm người thiểu số, nhưng một số người đang lớn dần lên chung quanh chúng ta có vẻ như trái tim họ bị xơ cứng trước những nhu cầu của người anh em, ví dụ như những người đói khát, những dân nhập cư, những người không nhà, những người nhận trợ cấp xã hội. Các nhu cầu giúp đỡ sẵn sàng bị loại bỏ như là việc vô giá trị và không đáng được phục vụ. Ở một số nơi, tinh thần này đã thay thế cho sự thương xót. Những người Công Giáo chúng ta không thoát khỏi ảnh hưởng của những biến chứng này. Đôi khi những hiệu quả thì rất tinh tế mà chúng ta không hề ý thức đên chúng.

Ngày nay, một số người nghèo khổ và thích cuộn mình nằm nơi góc tối, nơi đó họ không bị nhìn thấy. Nhưng Chúa Giêsu đã dạy chúng ta rằng chúng ta phải chiếu sáng sự tốt lành của chúng ta trên những người có nhu cầu để họ không bị quên lãng, tiên tri Isaia đã giúp chúng ta hiểu những gì Chúa Giêsu muốn nói bằng việc nói với chúng ta: “Nếu các người rời khỏi nơi áp bức, sự kết án gian dối và những bài giảng ác tâm, nếu các ngươi cho những kẻ đó bánh ăn, an ủi những kẻ ưu phiền, thì ánh sáng sẽ bùng lên ngay giữa nơi tối tăm của các ngươi”.
Chúng ta có thể cần tự nhủ phải trở lại với lối suy nghĩ của người Công Giáo và hành động theo Đức Kitô, những người mà niềm vui hay những đau thương, nhu cầu và những lo âu của họ trong thời đại này, đặc biệt là của những người nghèo khó hoặc những người đau khổ là những người có liên quan đến chúng ta.

Thật ra, tất cả chúng ta đều có những nhu cầu lớn lao, không có mức độ tài chánh nào có thể đáp ứng cho đủ cả. Chúng ta cần Thiên Chúa và ân sủng của Người. Thiên Chúa không hề quay mặt đi khỏi chúng ta. Người hằng nhìn xem chúng ta và đáp trả những lời cầu xin của chúng ta cách quảng đại, đặc biệt là lời cầu trong Thánh Lễ. Người gọi chúng ta ra khỏi tình trạng không nhà của thế giới trần tục để vào trong nhà của Người là Giáo Hội. Ở đây, Người tiếp đón chúng ta bằng những lời êm dịu và yêu thương trong Thánh Kinh, nuôi dưỡng chúng ta bằng Thịt và Máu Con của Người. Có phải chúng ta xứng đáng với tất cả chuyện đó chứ? Chúng ta làm gì để xứng đáng với điều đó? Chắc chắn những hồng ân quảng đại của Thiên Chúa hằng ban xuống trên chúng ta, sẽ khiến chúng ta đi theo sự hướng dẫn của Đức Thánh Cha và làm cho những nhu cầu của tha nhân thật sự trở nên của chính mình.

 

 

6. Thắp sáng cuộc đời – R. Veritas

(Trích trong ‘Sống Tin Mừng’)
Khi tìm một bài hát về thánh Phêrô và Chúa Giêsu, tôi đã gặp được một bài rất ý nghĩa mà trước đó không hề biết đến. Đó là bài hát có tựa đề: “Con Là Đá”. Người quen thuộc bài hát “Con Là Đá” này cũng nên tìm đọc qua một bài hát tương tự khác có tựa đề “Con Không Là Đá”. Bởi một sự tình cờ và với sự tò mò thôi thúc, tôi có dịp nghe qua bài hát này và kể từ đó tôi cảm thấy rất thích bài hát nói về Phêrô: “Con Không Là Đá” đó, tác giả đã diễn tả ý nghĩa sâu xa của Lời Chúa Giêsu nói cho Phêrô: “Con là Đá”.

Qua lời ca của bài hát, “Con Không Là Đá”, Chúa Giêsu nói với Phêrô, theo ý của tác giả, thì “con chỉ là Đá khi con nương tựa vào Chúa, sống kết hiệp với Thiên Chúa. Trước mặt Thiên Chúa, thật sự con chỉ là cát bụi; con chỉ có thể là Đá trên Thiên Chúa là Viên Đá Thật”.
Kể từ đó, bài hát nói về Phêrô “Con Không Là Đá” đã thấm nhập vào tâm hồn tôi, và hôm nay, khi đọc lại bài Phúc Âm thánh Mátthêu (Mt 5,13-19), nhắc lại lời Chúa Giêsu: “Chúng con là ánh sáng thế gian”, tôi lại nhớ đến bài hát nói về Phêrô “Con Không Là Đá”. Tôi có thể chia sẻ với anh chị em rằng, tất cả chúng ta phải là ánh sáng mà Chúa Giêsu Kitô nói, Ngài là ánh sáng thật đã đến trần gian, đã soi chiếu cho mọi người và chúng ta chỉ là ánh sáng trong Chúa Kitô là ánh sáng thật.

Chúng ta chỉ là ánh sáng thế gian trong mức độ khi chúng ta để Chúa Kitô biến đổi cuộc sống mình, để cho ánh sáng của Chúa biến đổi cuộc đời chúng ta trở thành cuộc đời của Chúa. Lời Chúa phán: “Chúng con là ánh sáng”, không là một lời khoe khoang để chúng ta hãnh diện, tự kiêu, nhưng là một mệnh lệnh, một đòi hỏi, mỗi người phải là một Chúa Kitô khác, hãy sống sự sống của Chúa, hành động như Chúa để trở thành một Chúa Kitô khác.

Nhân dịp này, chúng ta tự suy nghĩ lại câu nói chúng ta thường nghe qua: “Tốt đời đẹp đạo”. Người ta đến với đạo qua hành động, việc làm đời thường của chúng ta, họ muốn nhìn thấy việc làm tốt của chúng ta để đến với Đạo, để sống theo như lời Chúa nói: “Để ngợi khen Cha chúng con Đấng ngự trên trời”. Đó là cái nhìn của người ngoài từ đời đến đạo, và cái nhìn này có thể hiểu lệch lạc đến độ lấy đời làm méo mó đạo để thỏa mãn yêu cầu không đạo đức của đời. Là người Kitô, chúng ta hãy nhìn từ một quan niệm mới không phải từ đời đến đạo mà phải bắt đầu từ đạo đến đời. Tôi muốn nói từ đời sống đạo của mỗi người chúng ta, đời sống như Chúa Kitô đã sống để rồi chúng ta lan tỏa cho đời. Chúng ta phải là người đồ đệ đích thực của Chúa, sống đức tin chân chính, sống đức bác ái của Chúa, sống như Chúa sống, sống sức mạnh của Chúa Thánh Thần và như thánh Phaolô Tông đồ diễn tả trong bài đọc hai: “Tôi sống nhưng không phải là tôi mà là chính Chúa Kitô sống trong tôi”.

Thánh Phaolô đã để cho ánh sáng của Chúa được hiện diện trong cuộc đời của ngài, biến cuộc đời của ngài trở thành ánh sáng cho muôn dân. Chúng ta cần sống trọn vẹn Tin Mừng của Chúa, sống như Chúa đã sống, sống sức sống của Chúa, lãnh nhận ánh sáng của Chúa. Để làm tốt cho đời, chúng ta cần lấy Đạo Chúa mà chúng ta có để làm cho đời được tươi đẹp, như thế tốt đời mới đẹp đạo của Người, đó là đối với chúng ta phải tốt đạo để đẹp đời, chúng ta phải sống trọn vẹn đức tin của mình, phải thực hiện đức bác ái của mình cách hoàn hảo.

Bài đọc thứ nhất từ sách tiên tri Isaia hôm nay, là một bản kê khai những việc làm tốt mà chúng ta, những đồ đệ của Chúa cần phải biến đổi để trở thành ánh sáng, để mang ánh sáng của Chúa đến cho anh chị em. Chúng ta không phải là Ánh Sáng; chúng ta là ánh sáng thế gian khi nào chúng ta sống kết hợp với Chúa là Ánh Sáng Thật.

Xin Chúa giúp mỗi người chúng ta được lớn lên, được trưởng thành trong đức tin, được vững mạnh trong đức ái, để chúng ta sống trọn vẹn đức tin của chúng ta, sống tốt đạo của chúng ta để chúng ta làm đẹp cho đời.

7. Ánh sáng và bóng tối

Ngày kia, các môn đệ của thầy Haxiđich bên Ấn Độ đến than phiền với thầy về ảnh hưởng xấu của ma quỷ trên thế gian. Họ hỏi thầy phải làm thế nào để có thể xua đuổi ma quỷ?

Thầy Haxiđich đề nghị trước hết hãy lấy chổi bắt đầu quét bóng tối khỏi căn phòng nhỏ dưới hầm. Các môn sinh ngạc nhiên trước lời dạy bảo đó. Nhưng họ cũng đành lòng vâng theo. Sau nhiều giờ mệt nhoài, mồ hôi nhễ nhãi, nhưng họ vẫn không đuổi được bóng tối ra khỏi căn phòng nhỏ. Thầy Haxiđich bảo các môn sinh lấy gậy đập bóng tối để đuổi ma quỷ ra khỏi phòng. Nhưng vẫn uổng công vô ích. Lần thứ ba, thầy bảo các môn sinh hãy xuống hầm gào thét nguyền rủa bóng tối. Họ đã khan cổ, mất tiếng mà vẫn không sáng thêm được chút nào.

Sau cùng thầy bảo các môn sinh:
-      Hỡi các con, mỗi người trong các con hãy đương đầu với thách đố của bóng tối bằng cách đốt lên một cây nến.
Họ thi hành theo lời thầy. Và kìa, lập tức bóng tối đã bị đuổi đi. căn hầm tối tăm lạnh lẽo bỗng trở nên sáng rực và ấm cúng.

Anh chị em thân mến,
Văn sĩ Locke, người Anh, cũng nói: “Thà bật lên một que diêm còn hơn ngồi nguyền rủa bóng tối”. Và trong Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu đã khẳng định: “Chính anh em là muối cho đời, là ánh sáng cho người”.

Bóng tối của tà thần vây phủ khắp nơi bằng nhiều hình thức: gian dối, hận thù, chiến tranh, bất công, bóc lột, tệ nạn xã hội, sách báo tranh ảnh đồi truỵ… Người ta đã tốn biết bao công sức, đổ biết bao mồ hôi, đã quá mệt mỏi. Tất cả hầu như đã không được gì. Bóng tối vẫn là bóng tối vây phủ con người. Ngoài ánh sáng ra, có gì xua đuổi được bóng tối? Nỗ lực trong bóng tối thì bóng tối vẫn cứ tối mãi. Cần phải khơi dậy nguồn sáng. Mỗi con người là một cây đèn, cần phải được thắp sáng lên. Mỗi người cần phải tự mình thắp sáng lên cây đèn của mình. Một ngọn đèn cháy sáng, rồi hai, rồi ba, rồi hàng trăm, hàng ngàn ngọn đèn cháy sáng, thế giới tối tăm này sẽ bớt tối đi. Tất cả mọi người đều thắp sáng ngọn đèn của mình, cuộc đời này sẽ sáng rực lên nguồn sống mới, vui tươi và ấm cúng biết chừng nào?

Tuy nhiên, thưa anh chị em, có người đã tự hỏi: “Tại sao tôi lại phải là muối cho đời và ánh sáng cho người?”. Tôi chỉ muốn sống bình thường như mọi người, muốn đi lẫn vào đám đông chứ không muốn đi đầu như một người lãnh đạo. Tôi không muốn chơi nổi, không muốn chường mặt ra cho mọi người nhìn vào như ngọn đèn trên giá hay ngọn đèn đường trên cao nơi góc phố. Trở thành muối, thành ánh sáng có lẽ là nhiệm vụ của linh mục, tu sĩ hãy một số người đặc biệt nào đó chứ không phải là tôi.

Chúng ta được quyền tự hỏi như thế khi ý thức mình chỉ là con người tội lỗi, yếu đuối như mọi người. Nhưng Chúa Giêsu hôm nay không muốn chúng ta từ chối nhiệm vụ này, khi Ngài nói: “Chính anh em là muối cho đời, là ánh sáng cho người”. Người Kitô hữu là muối cho đời, là ánh sáng cho trần gian, không có nghĩa là phải có thái độ cha chú, lên mặt dạy đời, tự phụ phô trương quảng cáo như kiểu bọn Biệt phái Pharisêu giả hình. Trái lại, là muối, là ánh sáng, người Kitô hữu phải có cung cách khiêm tốn, tan biến, lắng chìm giữa lòng đời, như hạt muối thấm vào thức ăn, như ánh sáng chan hoà trong không khí, và có như thế thì món ăn mới thêm đậm đà, không gian mới xinh đẹp, tươi vui.

Lẽ tất nhiên, muối phải luôn mặn từ bên trong, và đèn phải chiếu sáng từ trên cao. Bằng không, chúng sẽ trở thành đồ vô dụng, đồ phế thải, bỏ đi… Vậy, người Kitô hữu phải luôn sống đức tin của mình, phải thực thi Tin Mừng của Chúa Kitô ngay giữa các môi trường mình đang sinh sống hằng ngày. Trái lại, nếu sống bê tha, bất công, gian ác, thì sẽ trở thành bóng tối, sẽ bôi nhọ khuôn mặt của Chúa Kitô, của Giáo Hội: Muối đã biến chất, nhạt nhẽo, vô vị. Đèn đã cạn dầu, tắt ngúm, đứt bóng, còn ích gì?

Ngôn sứ Isaia trong Bài đọc 1 hôm nay đã kê khai cách tỉ mỉ những việc cần làm để cho “ánh sáng chúng ta bừng lên trong bóng tối và bóng tối sẽ trở thành như giữa ban ngày”, đó là hãy chia cơm, sẻ áo cho người đói rách, tiếp nhận người không cửa không nhà. Đó là loại bỏ những xiềng xích bất công, cử chỉ hăm doạ, lời nói xấu (x. Bài đọc 1). Chúa đã ban cho chúng ta thời giờ, sức lực và phương tiện đủ để chúng ta ướp mặn và soi sáng, nhưng nhiều người chúng ta bỏ quên, không sử dụng những ân huệ này.

Anh chị em thân mến, hơn ai hết, Kitô hữu chúng ta phải là những cây đèn đặt trên giá đèn để xua tan bóng tối và chiếu sáng cả nhà. Căn nhà thế giới, căn nhà Giáo Hội, căn nhà của mỗi gia đình chúng ta cần thứ ánh sáng ấy biết bao!

Là môn đệ chân chính của Chúa Kitô, chúng ta không thể quên lời Ngài đã quả quyết: “Chính anh em là muối cho đời, là ánh sáng cho người”. Xác tín vào Lời Chúa, chúng ta sẽ gắng công dùng mọi khả năng tự nhiên và siêu nhiên Chúa ban để ướp mặn đời, để toả sáng cho mọi người bằng một cuộc sống thánh thiện xứng đáng với tư cách là những người con của Cha trên trời.

Nếu mỗi người chúng ta đều thấm nhập chất mặn của Tin Mừng và phản chiếu ánh sáng của Chúa Kitô, thì thế giới này làm sao còn bóng tối, cuộc đời này làm sao không rực sáng lên hy vọng và nguồn vui sống? Được Lời Chúa soi sáng, được Thánh Thể bồi dưỡng, chúng ta hãy sống gắn bó với Chúa, thấm nhập tinh thần của Ngài để rồi hoàn thành sứ mạng Chúa đã trao phó cho chúng ta hôm nay, đó là làm muối cho đời, làm ánh sáng cho người.

 

 

8. Chú giải của Noel Quession

Bài giảng trên Núi đã bắt đầu từ Chúa nhật vừa qua bởi các mối Phúc thật sẽ được tiếp tục trong năm Chúa nhật. Matthêu đã tập họp ở đây những lời dạy của Đức Giêsu mà Maccô và Luca đã đặt vào những bối cảnh khác. Đó là dấu chỉ người ta có thể đưa ra những lời giải thích khác nhau. Những lời dạy của Đức Giêsu thường khá mở rộng để đón nhận nhiều ý nghĩa khác nhau.

“Chính anh em là muối cho đời”
Đức Giêsu nói với những người sống theo các mối phúc Người nghèo khó, người hiền lành, người xây dựng Hoà bình, người bị bách hại.. “chính anh em là muối cho Đời. Hình ảnh này gợi cảm và rất cởi mở, có thể đón nhận nhiều ý nghĩa bổ sung. Vào thời của Đức Giêsu, muối dùng để làm cho đất màu mỡ, dĩ nhiên có trộn với phân bón... Như một loại phân bón để mùa màng được tươi tốt. Ngày hôm nay, muối luôn luôn dùng để bảo quản thực phẩm… nó ngăn cản hoặc làm chậm lại sự phân hủy. Nhưng vai trò thông thường nhất của muối là đem lại hương vị: có muối, ngon đấy... không có muối, tất cả thành nhạt nhẽo.

Đức tin dùng để làm gì? Liệu tin vào Đức Giêsu và sống các mối Phúc thật có thay đổi gì không? Đức Giêsu trả lời: “Đem lại hương vị cho đời?”

Con người hiện đại, còn hơn cả con người của các thời đại trước đây bị chìm ngập trong sự tầm thường và buồn chán mỗi ngày: những cử chỉ máy móc và vô vị của công nhân làm việc theo dây chuyền... những khuôn mặt nhợt nhạt dưới ánh sáng đèn những… những đồ vật được tiêu chuẩn hóa 'bằng nhựa dẻo...” sự nhạt nhẽo trong rất nhiều câu chuyện trao đổi thường ngày... sự cào bằng trước những ý thức hệ... Đời sống có còn thú vị gì không? Nếu người ta nói nhiều về “chất lượng đời sống” thì một cách chính xác chẳng phải người ta đã đánh mất chất lượng ấy hay sao?

Chính trong bối cảnh hiện tại này mà NGÀY HÔM NAY Đức Giêsu lại nói với chúng ta: chính anh em là muối cho đời! Anh em hãy đem niềm vui, sự táo bạo, nhiệt tình vào cái tầm thường mỗi ngày. Anh em hãy đem ý nghĩa đến cho những thực tế, thông thường có nguy cơ trở thành nhạt nhẽo. Anh em hãy đặt Nước Thiên Chúa vào trong các thực tế ấy. Anh em hãy thách đố mọi chủ nghĩa vô thần hiện đại đã bắt đầu loại bỏ đi “khả đăng siêu việt”, tức là muối, của nhân loại... để rồi sau đó không ngừng tuyên bố rằng đời sống là “phi lý” và không có ý nghĩa. Với Đức Giêsu mọi sự đâu có thể mang một ý nghĩa, một “hương vị”; dù là sự đau khổ, sự bách hại, cả cái già và cái chết, sự thất bại cũng xây dựng. Một nhà hiền triết đã viết như thế. Rên rỉ để làm gì? Ai sẽ nói giá trị mầu nhiệm và huyền diệu của thử thách đời sống trong sự hiệp thông với Đức Giêsu?

“Nhưng muối mà nhạt đi, thì lấy cái gì muối cho nó mặn lại? nó đã thành vô dụng, thì chỉ còn việc quăng ra ngoài cho người ta chà đạp thôi”.
Đức Giêsu đòi hỏi các môn đệ của Người phải “chính thống” không trở thành nhạt nhẽo. Một Kitô hữu đã đánh mất “mùi vị Thiên Chúa”, mùi vị đích thực duy nhất sẽ trở thành vô dụng “Tin Mừng chính là muối, và các bạn sẽ làm ra đường từ muối đó”. Paul Claudel đã cao rao như thế.

Đức Giêsu mạnh mẽ cảnh báo chúng ta: sau một thời gian sống quảng đại và ác liệt, đức tin của chúng ta có thể bị biến chất. Động từ mà chúng ta dịch là “nhạt đi” hay biến chất cũng có nghĩa “trở nên mất trí”... đánh mất lương tri trở thành điên đại! Theo nghĩa của Kinh Thánh…nghĩa là đánh mất. sự khôn ngoan mà đức tin vào Thiên Chúa ban cho (Is 19,11). Thánh Phaolô cũng đồng hóa “muối” với “sự khôn ngoan”: “Anh em hãy ăn ở khôn ngoan. Lời nói của anh em phải luôn luôn mặn mà dễ thương” (Cl 4, 5-6).

Nếu chúng ta trở nên quá vô vị, đó là vì chúng ta đã để cho sức mạnh ăn mòn của muối trong Tin Mừng yếu đi trong đời sống chúng ta. Nếu muối nhạt đi.. Tôi phải đối với giả thiết ấy cho tôi và đời sống của riêng tôi. Nếu mọi Kitô hữu không còn là muối nữa thì người ấy trở nên vô dụng, Người Kitô hữu “con tắc kè” chấp nhận mọi phương thức và mọi tâm thức của thế gian, mặc lấy màu sắc của môi trường người ấy sống, và trở nên vô dụng. “Tôi làm như vậy, bởi vì mọi người đều nghĩ như thế... bởi vì khắp mọi nơi, người ta làm như thế”; chúng ta có đánh mất tất cả nhân cách để theo lối sống tiêu thụ và duy vật không kìm chế không? Chúng ta có thủ lợi từ những bất công xã hội không? chúng ta có để cho mình rơi vào thái độ không hành đạo hoặc chủ nghĩa vô thần viện cớ rằng nhiều người làm như thế xung quanh chúng ta?

Đối với những người trở nên vô vị, với những Kitô hữu đang trở thành một chất thải màu sắc, không mùi vị, Đức Giêsu nói: “Anh em phải khác với thế gian, nếu anh em muốn là muối cho thế gian”..

Một yêu sách, đúng vậy. Nhưng trong một sự khiêm nhường cao cả. Không phải vì người ta là Kitô hữu mà người ta tự động là một con người cao siêu. Mỗi người chúng ta điều biết những giới hạn và những tội lỗi của mình. Nhưng thứ muối mà chúng ta phải đem lại cho thế gian không phải là lòng kiêu ngạo của các nhân đức cũng không phải sự cao siêu của chúng ta mà chính là “điều ' Thiên Chúa đã làm trong chúng ta”.

Chính anh em là ánh sáng cho trần gian.
Cách nói bóng bẩy thứ hai này có cùng một hình thức và ý nghĩa như cách nói đầu, nhưng còn cao cả hơn nữa! Phải là “mặt trời” cho thế gian! Không có ánh sáng, sẽ không có màu sắc, vẻ đẹp và sự sống nào cả. Đức Giêsu đã sống trong một xã hội tiền khoa học không biết được nhiều điều, nhưng xã hội ấy gần gũi thiên nhiên hơn chúng ta và cũng hiểu được nhiều điều hơn chúng ta về các thực tại sống. Giờ đây chúng ta, nhờ khoa học mà biết rằng không có ánh sáng, không thể có sự sống. Thật vậy; mặt trời là nguồn gốc duy nhất và cần thiết cho mọi năng lượng tồn tại trên hành tinh chúng ta.
Không có sự quang hợp các chất diệp lục trong cây cỏ thì cũng không thể có bất cứ đời sống sinh vật hoặc con người nào. Không có mặt trời, sẽ không có than đá, dầu hỏa và điện năng... bởi vì không có rừng và thủy triều, mặt trời là một hình ảnh đẹp nhất về Thiên Chúa: suối nguồn của mọi sự sống! Từ khi thế giới được tạo dựng, một ánh sángtràn trề chiếu soi mọi vật. “Hãy có ánh sáng!” (St 1,2)

Đức Chúa là ánh sáng và là sự cứu chuộc của tôi” (Tv 27,1) “Tôi là ánh sáng của thế gian, Đức Giêsu đã nói: “Anh em phải chiếu sáng, như những vì sao trên vòm trời” (Pl 2,15). Trở thành ánh sáng của thế gian quả là một trách nhiệm to lớn. Bản thân chúng ta rất ít tỏa sáng. Chớ lấy đó mà sinh lòng kiêu ngạo.

Lạy Chúa, xin ban cho chúng con ánh sáng của Chúa. Trong đạo Do Thái, chỉ có Luật của Môsê và Đền Giê-ru-sa-lem mới được gọi là “ánh sáng”. Chúng ta nhận thấy cuộc cách mạng phi thường mà Đức Giêsu định thực hiện? Trước mặt Người là những con người hèn mọn, tật nguyền, bệnh hoạn, những con người đau khổ bởi mọi thứ giày vò (Mt 4,23). Đó không phải là những người đàn ông và đàn bà xuất chúng, nhưng là những, người nghèo khổ, không có văn hóa và cũng không có ảnh hưởng. Những con người không sùng đạo hơn những người khác, với đám đông đó, Đức Giêsu nói: “Chính anh em là ánh sáng cho trần gian!”. Chính họ không phải là “ánh sáng” nhưng họ chỉ để ánh sáng xuyên qua và tỏa sáng qua họ đức tin mà họ có trong Đức Giêsu. Đức Giêsu tạo ra cho Người ý tưởng kỳ diệu về nhân phẩm con người khi người để cho Thiên Chúa phong chức cho mình!

Một thành xây trên núi khống tài nào che giấu được. Cũng chẳng có ai thắp đèn lên rồi lại đặt bên dưới cái thùng, nhưng đặt trên đế và nó soi sáng cho mọi người trong nhà. Cũng vậy, ánh sáng của anh em phải chiếu giãi trước mặt thiên hạ”
Từ bờ Hồ Ti-bê-ri-a, người ta thấy thành Safed, ở trên cao với cao độ hơn một ngàn mét, thành được xây trên những núi nằm ngang của dãy núi Ga-li-lê, chiếu ánh sáng của nó ra xung quanh. Đức Giêsu đã thoáng thấy những căn nhà màu trắng của thành được mặt trời chiếu sáng. Trong căn nhà nhỏ của gia đình, Đức Giêsu cũng thường nhìn thấy Mẹ Người. Đức Maria đốt đèn trong ngày Sa-bát. Một cái đèn khiêm tốn bằng đất nung nhưng đủ để soi sáng “cả nhà” trong gian nhà duy nhất của những nhà người nghèo ở Phương Đông. Hãy soi Sáng Đức Giêsu nói chúng ta hãy soi sáng.

Vấn đề ở đây không phải là sự phô trương của chủ nghĩa đắc thắng, như ngày nay người ta nói. Vì sau đó, Đức Giêsu sẽ khuyên chúng ta: “Khi làm việc lành phúc đức anh em phải coi chừng, chớ có phô trương cho thiên hạ thấy” (Mt 6,1). Không phải chính chúng ta tự tôn giá trị của mình như những cách phô trương của những người Pha-ri-sêu mà Đức Giêsu từng đả kích (Mt 6, 1.6). Chỉ ánh sáng của Thiên Chúa mới có thể soi sáng anh em chúng ta. Nhưng ánh sáng ấy muốn soi sáng thông qua chúng ta. “Quả thật, xưa Thiên Chúa đã phán: ánh sáng hãy bừng lên từ nơi tối tăm! Người cũng làm cho ánh sáng chiếu soi lòng trí chúng tôi, để tỏ bày cho thiên hạ được biết vinh quang của Thiên Chúa sáng ngời trên gương mặt Đức Kitô. Nhưng kho tàng ấy, chúng tôi lại chứa đựng trong những bình sành, để chứng tỏ quyền năng phi thường phát xuất từ Thiên Chúa, chứ không phải từ chúng tôi”. (2 Cr 4, 6-7).
“Ánh sáng của anh em phải chiếu giải trước mặt thiên hạ, để họ thấy những công việc tốt đẹp anh em làm mà tôn vinh Cha của anh em, Đấng ngự trên trời”.
Đây là lần đầu tiên trong Tin Mừng của Matthêu. Chúng ta nghe Đức Giêsu nói về “Cha của anh em, Đấng ngự trên trời”. Đức Giêsu ở đây mạc khải một định hướng và trách nhiệm to lớn của các Kitô hữu trong thế gian là phải trở thành “muối cho thế gian, mặt trời của hoàn vũ… không không phải vì vinh quang của riêng mình. Vinh quang ấy dùng để tôn vinh Thiên Chúa.

Đức Giêsu đã là một người hoàn toàn tách ra khỏi trung tâm của bản thân mình và hoàn toàn hướng về Chúa Cha. “Tôi không cần người đời tôn vinh”, Đức Giêsu đã nói như thế (Ga 5,41)

Về phần chúng ta là những người tội lỗi, rõ ràng nếu chúng ta có chút gì là “muối” và “ánh sáng”, điều đó chỉ do Chúa Cha mà đến. Nếu bạn mạnh khỏe, vui vẻ, quảng đại và tự nhiên thanh khiết, đó là vinh quang của bạn và càng tốt cho bạn. Nhưng nếu bạn là một người yếu đuối mà Thiên Chúa làm cho mạnh mẽ, một kẻ tội lỗi mà Thiên Chúa cứu độ, một người. Ô uế mà Thiên Chúa không ngừng thanh huyện, một người hay thù oán mà Chúa Cha đã dạy sự tha thứ, một người quan tật sâu xa đến tiền bạc mà Thiên Chúa đã giải thoát khỏi mọi thứ của “cải của mình. Nếu bạn là một trong số những người nghèo, khó ấy, đã thất bại nhiều trong mọi thứ công việc mà vẫn hạnh phúc” bởi niềm vui của các mối phúc thật... lúc đó, trường hợp của bạn có thể làm anh em của bạn quan tâm, bởi vì sự khốn khổ của bạn cũng là của anh em bạn và chính họ, họ cũng có thể hy vọng được cứu chữa. Khi nhìn thấy điều tốt lành mà bạn, một người rất yếu đuối đã làm, họ có thể tôn vinh Cha của bạn, Đấng ngự trên trời.

9. Chú giải của Fiches Dominicales

SỨ MẠNG CỦA CÁC MÔN ĐỆ: ANH EM LÀ MUỐI CHO ĐỜI ANH EM LÀ ÁNH SÁNG THẾ GIAN

VÀI ĐIỂM CHÚ GIẢI
1. Sứ mạng của các môn đệ.
Trong các mối phúc Đức Giêsu đã công bố hạnh phúc cho những người đáp lại lời mời gọi của Ngài và bắt đầu theo Ngài: đó là các môn đệ. Hạnh phúc được ban cho họ từ bây giờ như một quà tặng, ngay trong những hoàn cảnh cụ thể và đôi khi ngay trong những hoàn canh đau khổ tột cùng của đời sống “Nước Trời và của họ”; một ngày kia hạnh phúc ấy sẽ triển nở trong ánh sáng của đời sau: “Phần thưởng của anh em sẽ lớn lao trên trời”.

Tiếp theo lời mở đầu của bài giảng trên núi, Đức Giêsu xác định sứ mạng của các môn đệ Ngài: anh em là muối cho đời... anh em là ánh sáng thế gian. Chúng ta đã bao giờ có một định nghĩa hay hơn định nghĩa này về Giáo hội không? giáo Hội không phải là một cái bình xoay trong đó là những người được cứu độ (ngoài Giáo Hội không có sự cứu độ), nhưng vì ánh sáng trên núi cao chiếu tỏ ý nghĩa cuộc sống và cắm nọc tiêu chỉ đường cho những ai sống trong bóng tối (Is 60), ánh sáng này qui chiếu về nguồn mà nhờ đó nó tỏa sáng! (Cahier Evangile, số 9, tr. 11) trong thế giới sê-mít nơi Đức Giêsu công bố giáo huấn này và nơi Thánh Mátthêu viết Tin Mừng của ngài, muối là một thực tại hằng ngày chứa rất nhiều ý nghĩa biểu tượng. Được dùng trong việc chuẩn bị bữa ăn để cho các món ăn thêm hương vị, muối đã trở nên biểu tượng của tất cả những gì làm cho hiện hữu có hương vị và ý nghĩa, đàng khác một điều đáng chú ý là trong tiếng Latinh, “nếm” (sapere) và “khôn ngoan” (sapientia) có cùng một gốc và trong tiếng Hy lạp và tiếng Do thái, có cùng một động từ vừa có nghĩa “lạt đi” “trở nên lạt lẽo” vừa có nghĩa trở nên vô nghĩa”.

Được dùng trong việc bảo quản thức ăn, muối đã trở nên biểu tượng của sự vĩnh hằng và được sử dụng trong những nghi lễ giao ước - người ta nói Giao ước của muối” (2 Sb 13, 5 và Lv 2, 13) và trong những nghi lễ đón tiếp và cho khách ở trọ. Muối không được lạt đi! Cl. Tassin chú giải: các môn đệ đem hương vị cho đời và bảo đảm sự sống còn của thế gian trước mặt Thiên Chúa. Nhưng nếu họ không đảm đương được công việc này và đánh mất tinh thần các mối phúc, họ sẽ chẳng còn giá trị gì và Thiên Chúa sẽ từ bỏ họ”. (Tin Mừng thánh Mátthêu, Centurion, 1991, tr.62).

2. và “ánh sáng thế gian”.
Để giúp các môn đệ hiểu rõ hơn sự lớn lao và những đòi hỏi của sứ mạng Ngài trao, Đức Giêsu dùng hai hình ảnh.

Trước hết, Ngài nói đến một “thành xây trên núi” có lẽ cảnh trí của thành Safed đã gợi ý cho Ngài. Thành này nằm trên mũi đá phía đông-bắc rặng Haute-Galiê nên ban ngày, những ngôi nhà mầu trắng phản chiếu ánh sáng mặt trời và ban đêm nó tỏa sáng. “Trở nên ánh sáng thế gian”, đó là lời các ngôn sứ loan báo về tương lai của Giêrusalem vào thời Đấng Thiên sai: thành này sẽ là thành phố ánh sáng trên núi mà mọi dân tộc sẽ đi về đó. Là ánh sáng cho thế gian” là sứ mạng được trao cho cộng đoàn các môn đệ. Rồi Ngài nói với các môn đệ người ta đốt đèn không phải để giấu nó “dưới đáy thùng” -dùng để xếp đồ trong những ngôi nhà xứ Palestine- nhưng là để trên “giá đèn” hầu soi cho tất cả mọi người trong nhà. Cộng đoàn các môn đệ mà Ngài sai đến trong thế gian cũng phải như vậy.
Cl.Tassin kết luận: Giáo Hội sẽ thi hành sứ mạng là muối cho đời và là ánh sáng thế gian, bởi sự chôn vùi và sự tỏa sáng chứ không phải là tham vọng chinh phục về địa dư (Sách đã dẫn)

BÀI ĐỌC THÊM
1. Muối và ánh sáng: (Đức cha L. Daloz, trong “Nước Trời đến gần” Desclée de Brouwer, 1 994, tr.48-49)
“Anh em là muối cho đời”. Để có ích, muối không được mất vị của nó: nó chỉ là gia vị! Chính nó không phải là thức ăn, ít ra thường là như vậy: nó giúp cho thúc ăn có hương vị. Trở nên nguồn hương vị thơm ngon, đó là nét độc đáo của chúng ta, những người theo Đúc Kitô, trong thế giới chúng ta đang sống. Nét độc đáo này giúp chúng ta trở nên hữu ích cho đời nhờ sự khác biệt của nó. Chúng ta không được đánh mắt sự khác biệt này: Nếu muối: lạt đi thì lấy gì ướp nó mặn lại được? Sự khác biệt của chúng ta không ở nơi bản chất riêng của mình hay nơi những tính tốt chúng ta có, chúng ta không tự hào là những người tốt nhất hoặc muốn dạy người khác. Chúng ta cũng được nhào nặn bởi cùng một-thứ bột như tắt cả mọi người. Chúng ta cũng gặp những thuận lợi và những chướng ngại trong chúng ta và chung quanh chúng ta như mọi người. Nhưng chúng ta ra lạt khi không còn liên kết với Đức Kitô, khi không còn qui chiếu về Ngài, khi Ngài không còn là men cho đời sống chúng ta. Lúc đó cuộc sống chúng ta và thế giới chúng ta sống sẽ thiếu hương vị, bởi vì sứ mạng của chúng ta là làm cho thế giới này biết thưởng thức Đức Kitô và Tin Mừng của Ngài! Hình ảnh ánh sáng nối tiếp và làm rõ hình ảnh về muốí: Anh em là ánh sáng thế gian ánh sáng là để nhìn, chúng tự nó không đủ. Nó vô dụng nếu nó không soi cho thấy gì hết. Đức Giêsu đặt các môn đệ của Ngài trong thế gian ta qui chiếu với thế gian. Ngài không kêu gọi họ đóng khép kín, tách rời người khác. Thánh Gioan cũng nói như vậy nhưng diễn tả cách khác: Con sai họ đến trong thế gian (Ga17, 18). Chính vì vậy, các Kitô hữu sống trong thế gian và trong những hoàn cảnh như mọi người không những là điều bình thường mà còn cần thiết nữa…không sống trong một thế giới khác! Chúng ta phải thực hiện những công việc của ánh sáng, nghĩa là những hành vi tốt hay những việc làm tốt được ánh sáng Thiên Chúa soi chiếu để trở thành những việc làm của chính Thiên Chúa. Nói vậy không có nghĩa là Thiên Chúa mời gọi chúng ta tin rằng mình là người tốt hơn người khác hoặc tự mình, mình có thể hành dộng tốt hơn họ, bởi vì mọi công việc chúng ta làm đều qui về vinh quang Thiên Chúa là nguồn ánh sáng: ánh sáng của anh em phải chiếu giãi trước mặt thiên hạ, để họ thấy những công việc tốt đẹp anh em làm, mà tôn vinh Cha anh em, Đấng ngự trên trời. Nơi Đức Giêsu, ánh sáng đã tỏa chiếu trong thế gian. Chúng ta chỉ phản chiếu lại ánh sáng này. Đời sống, hành vi của chúng ta trở nên tấm gương phản chiếu vinh quang Thiên Chúa, trở nên nơi gặp gỡ giữa Thiên Chúa và con người”.

2. “Thấm nhập vào nơi thâm sâu của thế giới bằng sức mạnh linh hoạt của muối và sự chiếu toả của ánh sáng” (J. Guiuet. Trong Giêsu trong niềm tin của các môn đệ đầu tiên, Desclée de Brouwer, 1995, tr.110-111).
“Matthêu đã xen kẽ hai đoạn ngắn với hình thức dụ ngôn về muối và ánh sáng vào giữa các Mối Phúc và những điều Đức Giêsu công bố về Luật (Do Thái). Cả hai đoạn này đều nhắm một nhóm riêng, phân biệt rõ ràng với những người đi theo nghe Ngài giảng, bởi vì nhóm này phải hành động theo lời Ngài dạy: “Anh em là muối cho đời”, “Anh em là ánh sáng thế gian” (Mt 5,16). Trong bối cảnh Bài giảng trên núi, rõ ràng Đức Giêsu nói với các môn đệ theo Ngài. Và nếu không loại bỏ đám đông náo nức theo Ngài, chúng ta có thể tin rằng sứ điệp của Đức Giêsu đã gây một tiếng vang nào đó trong đám đông và có thể một hạt nhân các môn đệ thành hình, gồm phụ nữ và đàn ông muốn theo Chú, tuy nhiên họ không làm thành một dân tộc mới, họ vẫn luôn thuộc về dân của Abraham, của Môi-sen: họ là những người mang sứ điệp mới trong dân tộc họ. Điều này không có gì là lạ bởi vì người Israel đã có thói quen nghe các ngôn sứ nói đến tương lai mà Thiên Chúa đang chuẩn bị, tương lai đó có lúc đen tối, có lúc lại rực rỡ. Tuy nhiên, tương lai Đức Giêsu phác họa hoàn toàn khác trước.

Ở đây sự song hành với biến cố Sinai giúp làm sáng tỏ hơn. Một nhóm nhỏ những người dân giã tương ứng với dân chúng đông đảo tụ tập dưới chân núi của Thiên Chúa. Nhưng trong khi ơn gọi của dân Israel là làm chứng cho Thiên Chúa và là dấu chl sự chúc phúc của Thiên Chúa ở giữa các dân tộc, thì sứ mạng của nhóm hạt nhân nhỏ này là thẩm nhập vào nơi thâm sâu của thế giới bằng bức mành linh hoạt của muối vô sự chiếu tỏa của ánh sáng. Abraham là người được Thiên Chúa chúc phúc và mọi dân tộc trên mặt đất đều được chúc phúc qua ông (St 12,1). Dân lsrael của Môisen phải trở nên một dân lớn và mọi dân tộc khác đều thán phục cách ăn ở và tinh thần của họ: Khi biết đến các lề luật này, họ sẽ thốt nên: Chỉ có một dân tộc khôn ngoan và minh mẫn, đó là dân tộc lớn này. Thật vậy, có dân tộc nào lớn đến nỗi các thần linh của họ gần gũi họ như Giavê, Thiên Chúa của chúng ta ở gần chúng ta mỗi khi chúng ta kêu cầu Ngài”. (Dnl 4,6) Theo Đức Giêsu chỉ có một số môn đệ. Tuy sống trong lòng một thế giới còn chưa biết đến mình, nhưng họ lại mang theo mình một sức mạnh khả dĩ biến đổi thế giới. Bởi vậy, sự tỏa chiếu của các mối phúc trở nên động lực cuộc sống.

3. “Xin hãy trao ban chính bạn làm muối ướp đời tôi”. (H. Denis, trong ‘100 từ để nói về niềm tin’, Desclie de Brouwer, 993, 95-96).
“Muối! Tại sao lại chọn vật nhỏ bé chẳng là chi hết ngoài công dụng như một thứ gia vị? Một số Kitô không còn quen dùng nữa. Giáo Hội đôi khi còn nuối tiếc việc bỏ không dùng muối trong bí tích rửa tội. Một sự tiếc nuối vô ích khi mà nó không thúc đẩy người ta dấn thân.

Muối Tin Mừng còn quan trọng hơn một nghi lễ rất nhiều Bạn hãy mường tượng và chúng ta còn sửng sốt về điệu này muối là chính bạn là chính tôi, là tất cả môn đệ Đức Giêsu. Môn đệ Đức Giêsu là phải là muối cho đời. Chỉ vậy thôi! Một tham vọng ghê gớm, nếu chứng tá tự cho mình là những người tốt nhất, là giả vị duy nhất trong đám đông nhạt thếch, không có vị mặn. Nhưng đó sẽ là một trách nhiệm lớn lao nếu Đức Giêsu trao cho chúng ta một sứ mạng như vậy và cách thế để thực hiện nó. Vâng, trước hết chúng ta có trách nhiệm của một loại giao ước giữa cái là muối và cái chưa phải là muối. Môt thế giới không có muối thì chẳng có một chút hương vị nào, nhưng nếu ở ngoài thế giới này thì muối cũng vô dụn, Kitô hữu và thế gian là hai thành phần liên kết với nhau. Cả hai được tạo dựng để trộn lẫn với nhau. Hơn nữa, người trước tiên được lợi chính là người Kitô hữu, vì họ phải ướp mặn nơi họ tất cả những gì chưa là Kitô hữu. Một trách nhiệm khác mầ bạn biết rất rõ, đó là đừng la nhạt. Bạn đừng nghĩ rằng để tránh điều này bạn phải trốn khỏi thế gian ắt hẳn sẽ có nguy cơ bị tan rã ở đó cách đơn thuần và dễ dàng. Nhưng muối mà chất đống và để nguyên một chỗ cũng có nguy cơ bị phân hủy đi. Vậy bạn hãy nói cho tôi biết, nếu giữa người với người, giữa những Kitô hữu với nhau, chúng ta cố gắng duy trì vị hương cho thế giới của chúng ta thì phải làm thế nào? Không thể chỉ cậy vào mình. Phải có thể nói: Xin đưa cho tôi chút muối? như là trong bữa ăn của đôi vợ chồng, của cha mẹ và con cái. Vâng, nếu có bao giờ Tin Mừng nơi bạn nhạt nhẽo đi thì luôn có một người anh, một người chị để bạn hoàn toàn tin tưởng nói với họ: “xin hãy trao ban chính bạn làm muối ướp đời tôi!”.

10. Chú giải của Giáo Hoàng Học Viện Đà Lạt

MUỐI CHO ĐỜI VÀ ÁNH SÁNG THẾ GIAN
CÂU HỎI GỢI Ý
1. Có lẽ các câu này là lời đả kích đường lối bí truyền hoặc việc xa lánh thái quá thế gian (do ảnh hường của nhóm Essêni). Các khuynh hướng ấy có phải là những cám dỗ thường xuyên của Kitô giáo không? Ngày nay chúng đội hình thức nào?
2. Đâu là tầm quan trọng của muối trong thế giới cổ xưa.. phải chăng nó có một ý nghĩa biểu trưng đặc biệt? Một công dụng đặc biệt?
3. Vì sao một thành phải được ưu tiên tọa lạc trên ngọn núi?
4. Đâu là ý nghĩa của chữ “ánh sáng các con “ trong thành ngữ “ánh sáng các con phải chói lọi trước mặt mọi người?
5. Các câu này có tạo nên mối liên hệ giữa người Kitô hữu và trách vụ truyền giáo của họ không? Mối liên hệ nào?
6. Người Kitô hữu là muối cho đời theo nghĩa nào? (Xem Lv 2, 13).
7. Làm sao dung hòa các câu 14- 16 với Mt 6, 1-18?
uuu
1. Trong thế giới cổ xưa, muối và ánh sáng được xem như là hai thực tại chẳng ai có thể bỏ qua: không gì ích lợi hơn muối và mặt trời (Pline trưởng lão, Htst. nst. 31, 102). Cả hai cũng thường được nhắc đến trong Cựu ước.Muối là một sản phẩm cần thiết bậc nhất của dân Bedouin (Ả Rập phiêu cư) (Hc 39, 26); nó tiêu hủy những cái gì xấu (2V 2, 19- 21; Đnl 29, 22; Tl 9, 45; Gr 17, 6; Xp 2, 9; G 39, 6) Nó nên thực phẩm (G 6, 6; Cl 4, 6) và, vì là thứ gia vị chủ yếu của mọi bữa ăn và mọi hy tế (Xh 30, 35; Lv 2, 13; Ed 43, 24), nên muối trở thành biểu hiệu của sự hiếu khách, của minh ước và giao ước Lv 2, 3; Đnl 28, 69; Ed 4, 14). Sau hết nó là biểu tượng của sự khôn ngoan (xem Phụng vụ Bí tích rửa tội - liên hệ với Ed 16,4) mà thỉnh thoảng nó được nối kết với, trong lời giảng huấn của các giáo sĩ; bấy giờ nó chỉ sự khôn ngoan hoàn hảo mà người hiền triết sẽ thủ đắc trong thời thiên sai.

2. Ánh sáng cũng năng được sử dụng như là một biểu tượng trong Thánh kinh, nơi nó thường chỉ sự mặc khải cứu độ của Thiên Chúa. Trong Isaia Đệ nhị, người Tôi tớ Giavê được công bố là” ánh sáng muôn dân (49, 6); Israel cũng phải là ánh sáng cho dân ngoại (42, 6). Trong sách các giáo sĩ, tước hiệu, “ánh sáng thế gian” được gán cho Thiên Chúa, cho Ađam, cho Israel, cho lề luật, cho Đền thờ và cho Giêrusalem. Trong Tân ước người ta xác quyết Chúa Giêsu là ánh sáng thế gian” (Lc 2, 32; Ga 8, 12; 12, 35). Và theo gương Người, các môn đồ phải trở nên ánh sáng của nhân loại (P 12, 15; so sánh với Ep 5, 8-14).

Kiểu nói trực tiếp trong Mt “Các con là muối... là ánh sáng, được giải thích qua sự kiện dụ ngôn đi tiếp theo Tám mối phúc thật. Nếu các môn đồ biết từ bỏ của cải, biết sống hiền lành khiêm nhượng, nhân ái từ bi, can đảm trong thử thách, kiên quyết theo đuổi sự hoàn thiện Kitô giáo, thì bấy giờ người ta mới có thể nói thực với họ: “Các vị là muối cho đời và là ánh sáng cho thế gian”. Phần tiếp của Diễn từ sẽ cụ thể cho thấy cách thức của người môn đồ tự tỏ mình là muối, là ánh sáng.

CHÚ GIẢI CHI TIẾT
“Các con là”: Thành ngữ có lẽ mượn ở Xh 19, 6: “Các ngươi sẽ là một vương quốc tư tế và là một dân thánh cho Ta”. Giavê đã nói với dân Ngài đã chọn giữa muôn dân. Chúa Giêsu ở đây nói với môn đồ Người đã chọn giữa loài người. Như Giavê đã xác định ơn gọi của tuyển dân, Chúa Giêsu cũng minh định sứ mệnh của các môn đồ Người.

“Muối cho đời “: “Đời”, ám chỉ loài người, là một từ ngữ quen thuộc với Cựu ước. Ở đây “đời” song song với “thế gian” của câu 14. Người môn đồ chẳng phải là muối của đất, vì không bao giờ muối được dùng như phân bón, nhưng là muối cho đời cho thế gian. Ở đây Mt nhấn mạnh cốt để nói rằng “muối” không chỉ cần thiết cho bản thân người môn đồ, như là một phẩm chất nội tại, song còn cần thiết để chu toàn sứ mệnh của mình đối với nhân loại. Do đó phẩm chất cấu thành môn đồ không thể tách rời khỏi chức vụ truyền giáo của kẻ ấy. Đây là một nét nói lên chiều hướng phổ quát và truyền giáo mà Mt thích dùng.

“Nếu muối ra lạt”: Có thể giải thích hai cách:
1. Hình ảnh dựa vào thứ muối dơ bẩn lấy ở phía Tây-Nam Biển Chết thời Chúa Giêsu (trên bờ dốc Djebel-ousdeum). Loại muối màu xanh lạt này, có pha trộn thạch cao và vôi, dễ biến thành bùn vô đụng dưới tác dụng của ẩm ướt. Ta vần có thể gọi nó là muối, nhưng thực ra không phải là muối nữa.

2. Đúng hơn, có lẽ Chúa Giêsu đã muốn gợi lên một hình ảnh không thể có, để làm ta lưu tâm hơn đến tính cách nghịch lý của một môn đồ đã đánh mất cái tạo nên chính bản chất môn đồ.
·     “Thì lấy gì muối nó lại”: Phàm kẻ phải trở nên nguyên nhân hoàn thiện cho bao người khác thì không thể nhận lãnh từ họ cái mà y phải trao hiến cho họ. Nếu y đánh mất nhân đức, người khác không thệ hoàn lại cho y.
·     “Nó không còn ích gì”: Muối nhạt chẳng lợi ích gì nữa, ngay cả làm phân bón. Người môn đồ cũng vậy. Đánh mất sự cao quý của mình, kế đó trở nên đối tượng khinh khi, như thế mảng trong mình một sự thối nát đặc biệt; tình yêu ngày trước của y đi dần tới chỗ tiêu tán. Câu “Chỉ có việc đổ ra ngoài cho người ta dẫm đạp đi thôi “ gợi lên cảnh đường sá vương vãi rác rền cặn bã ở phương Đông ngay xứ. Đây là hình ảnh nói lên việc kết án người môn đồ đã mất tinh thần của ơn gọi mình.

“Ánh sáng của thế gian”: ánh sáng của thế gian có nghĩa là cho thế gian, chứ không phải thuộc về thế gian hay là bản chất của thế gian. “Một thành tọa lạc trên núi”: đây là hình ảnh của một xứ mà các thị trấn thôn làng thường được xây trên các cao điểm (để có vị thế chiến lược đề phòng mọi cuộc tấn công từ bên ngoài vào). Điều đó đặc biệt đúng đối với Giêrusalem, thành mà ta có thể thấy từ rất xa. Trong trường hợp này, tuyệt đối không thể che dấu thành được. “Ánh sáng của các con”: Lời Thiên Chúa được Chúa Kitô đem đến thì sống trong môn đồ và đơm hoa kết trái trong cách ăn nết ở của họ. Ánh sáng, chính là Chúa Kitô, Đấng đóng ấn người trên các môn đồ. Đức tin chân thành và ngay thật của họ phải tỏ hiện ra trong các việc họ làm. Các hành động này phải có một phẩm chất, một tính cách hoàn thiện thế nào đó khả dĩ khơi dậy được, lời những kẻ chứng kiến, lời ngợi ca Thiên Chúa.

“Ngõ hầu họ thấy việc lành các con làm”: Làm sao dung hòa câu này với 6, 1-18 (nhất là các câu 1-2. 5. 16)? Thưa động lực khác nhau trong hai bản văn: ở đây động lực là vinh quang Chúa Cha trên trời; còn trong 6, 1- 8 động lực là sự tìm kiếm lời khen ngợi bản thân để thỏa mãn lòng khoe khoang tự phụ (x. 6, 2-5: “hầu được vinh vang nơi người đời... hầu được bày ra cho người ta thấy...”). Cách hành động cũng khác nhau: ở đây, người môn đồ phải tỏ ra như là Kitô hữu: trong 6, 1-18 Chúa Giêsu kết án việc phô trương nhắm mục đích làm người ta chú ý.

KẾT LUẬN
Môn đồ Chúa Kitô nhất thiết phải ảnh hưởng trên nhân loại. Nếu chấp nhận hạnh phúc theo quan điểm của Chúa Kitô, thứ hạnh phúc của Bát phúc, thì người môn đồ mới có thể tỏa chiếu trong thế gian và ướp mặn môi trường sống của mình.

Ý HƯỚNG BÀI GIẢNG
1. Người Kitô hữu toan thất vọng trước kết quả nghèo nàn của nỗ lực mình, phải can đảm lên bằng cách nhớ rằng mình thực sự quan trọng đối với thế giới hôm nay, mặc dầu bề ngoài có vẻ trái ngược, nhớ trong mình là muối và ánh sáng của trần gian. Nhân loại sẽ mất hết ý nghĩa nếu không có sự hiện diện là hành động của người Kitô hữu trong thế giới.
2. Người Kitô hữu toan nhụt chí và bằng lòng với một cuộc sống tầm thường, cũng phải nhớ lại rằng, vì là muối và ánh sáng của vũ trụ, mình không thể chấp nhận đào ngũ hay buông thả mà không phản lại với bản tính sâu xa và lý do hiện hữu của mình.
3. Chính việc can đảm thực hiện Bát phúc giúp người môn đồ Chúa ki tô trở nên muối và ánh sáng của vũ trụ. Còn tất cả mọi đường lối hoạt động khác chỉ đưa đến sự lạt lẽo vô vị hay tăm tối u minh.
4. Lương dân sẽ trở lại trong mức độ thấy chung quanh họ có nhiều Kitô hữu xác tín sống không phô trương cũng chẳng khiếp nhược cuộc sống môn đồ Chúa Kitô trong nếp sinh hoạt đều đặn khiêm tốn thường ngày. Đó là “chứng tá của Kitô hữu, là hành động truyền giáo duy nhất có hiệu quả trong một thế giới tin vào việc làm nhiều hơn vào lời nói.

11. Ướp mặn đời và toả sáng trần gian

Chúa Giêsu đưa ra hai hình ảnh để định nghĩa cho đời sống Tông Đồ, đời sống Kitô-hữu. Là một Kitô-hữu, tôi phải sống thế nào? Chúa Giêsu dạy tôi: “Chính con là muối cho đời, là ánh sáng cho trần gian”.

Muối là một loại vật chất khá cần thiết cho mọi người trong nhiều lãnh vực. Muối bảo quản thức ăn, cũng là gia vị cho thức ăn - thức uống. Muối còn được dùng để trị bệnh: đắp vào chỗ trặc gân, bong gân; muối sát trùng, để giúp tiêu hóa, để lưu giữ và chuyển tải i-ốt, ngăn ngừa bệnh tật... Muối cũng có nhiều công dụng khác nữa, kể cả cho các loài động và thực vật.

Nhờ vào tính chất nào của muối mà nó hữu ích cho cuộc sống chúng ta như vậy? Chắc chắn câu trả lời - ai cũng biết - là vị mặn của muối. Nhưng giả như muối mà không mặn, thì chắc là không còn hữu dụng nữa. Những viên muối không mặn, người ta không đem ướp cá mắm gì được, không sát trùng được, không làm phân được,... và có thể nói: người ta cũng không muốn trải trên đường đi? vì giẫm lên làm đau chân.

Như vậy, bản chất của muối là mặn. Cũng thế, bản chất của người môn đệ Chúa Kitô là rao giảng Tin Mừng, là con cái Thiên Chúa, là giữ gìn cho thế gian khỏi phải hư đi.
“Cá không ăn muối - cá ươn” “Con cãi cha mẹ - trăm đường con hư”

Thế gian không sống Tông Đồ, không sống đời Kitô hữu, thế gian phải chết! Tôi là một Kitô hữu, vậy tôi phải có “vị mặn Kitô”. Nếu tôi không có “vị mặn Kitô” thì tôi không giúp gì cho thế gian cả. Lạy Chúa, xin Chúa hãy “ướp” con bằng chính cái bản chất Kitô của Chúa, xin cho con luôn được kết hiệp mật thiết với Chúa Kitô trong tư tưởng, lời nói, việc làm - để con thực sự là môn đệ của Chúa, là muối cho đời.

Ánh sáng. Là một loại vật chất mà nhờ nó, người nhận thấy các sự vật xung quanh mình. Ở những nơi tối, người ta càng cần đến ánh sáng và càng nhận thức rằng ánh sáng rất cần cho cuộc sống. Có thể nói: không có ánh sáng - không thể có sự sống. Ngày thứ nhất trong công trình sáng tạo, Thiên Chúa đã dựng nên ánh sáng trước hết.

Khi có ánh sáng, người ta không thể che giấu được vật gì, tốt cũng như xấu. Để diễn tả điều này, Chúa Giêsu nói: “Một thành phố xây dựng trên núi, không tài nào che giấu được”. Một sự kiện lớn khi được ánh sáng chiếu vào, thì không ai là không thấy. Ơn Cứu Độ của Chúa phổ quát, sức sống của Hội Thánh mãnh liệt như vậy, không thể không được mọi người biết đến.
Chúa Giêsu chính là ánh sáng cho muôn dân (Lễ Nến vừa qua, ngày 2.2) đã tác động vào Hội Thánh, làm cho Hội Thánh cũng trở nên ánh sáng cho muôn dân; Chúa nói: “Chính các con là ánh sáng cho trần gian”. Cũng như “hữu xạ tự nhiên hương”, Chúa đã thắp sáng trần gian bằng chiếc đèn Hội Thánh, thì lẽ đương nhiên trần gian nhờ Hội Thánh mà thấy được Ơn Cứu Độ cho mình, nhờ Hội Thánh mà phân biệt tốt xấu, mà nhận biết việc phải làm, nhận biết con đường dẫn tới hạnh phúc viên mãn.

Chúa Giêsu dùng sự kiện thắp đèn để khẳng định điều này: “Không ai thắp đèn rồi lấy thúng úp lại”. Chúa muốn chúng ta, những Kitô hữu hãy sống như con cái sự sáng, hãy tỏa ánh sáng Chúa Kitô, tỏa hương thơm tốt lành là những việc thiện để người đời nhận biết Chúa Kitô, Ánh Sáng của Muôn Dân và Đấng Cứu Độ duy nhất của trần gian.
Cuối cùng, với câu nói định nghĩa của Chúa Giêsu: “Chính anh em là muối cho đời, chính anh em là ánh sáng cho trần gian”, chúng ta đã biết Chúa muốn nói với chúng ta rằng: Hãy dùng đời sống mình mà sinh lợi Nước Trời cho trần gian. Mỗi người chúng ta có một hoàn cảnh sinh sống khác nhau, hãy dùng nó để phục vụ anh em đón nhận Tin Mừng. Xin được mượn lời bài hát “Tâm tình hiến dâng” của cha Oanh Sông Lam để cảm tạ Chúa và quyết tâm sống như người môn đệ Chúa Kitô.
“Biết lấy gì cảm mến, biết lấy chi báo đền, hồng ân Chúa cao vời Chúa đã làm cho con.
Thương con tự ngàn xưa, một tình yêu chan chứa, và chọn con đi làm đuốc sáng chiếu soi trần gian. Cho con say tình mến, và này con xin đến: một đời trung trinh làm muối đất ướp cho mặn đời.
Trao cho con Lời Chúa, dù đời con hoen úa, nguyện đời con đem Lời Chân lý đền cho mọi nơi. Ra đi đầy nguyện ước, và này con gieo bước, nguyện đời con đem nguồn yêu mến đến cho mọi người...

12. Ánh sáng trần gian

Qua bài đọc thứ nhất, tiên tri Isaia đã xác quyết với dân chúng:
-      Việc chay tịnh làm đẹp lòng Thiên Chúa hơn cả hệ tại sự siêu thoát đối với tiền bạc vật chất: cho kẻ đói được ăn, cho kẻ trần trụi được mặc và cho kẻ bơ vơ vất vưởng được có nơi nương tựa.
Tất cả những hành động kể trên là như một thứ ánh sáng bừng lên trong đêm tối, khiến cho đêm tối trở nên chói lọi như ban ngày.

Cũng trong chiều hướng ấy, Chúa Giêsu muốn nhắn gửi cho các môn đệ của Ngài, cũng như cho tất cả những ai muốn bước theo Ngài:
-      Các con là muối, các con là ánh sáng trần gian.
Ai trong chúng ta cũng đã biết muối được dùng để ướp thức ăn cho khỏi ươn thối và đem lại một hương vị đậm đà. Thế nhưng, một khi muối đã ra nhạt, nó sẽ chẳng còn được dùng vào việc chi nữa. Lúc đó người ta sẽ vứt nó ra ngoài đường và chà đạp nó dưới chân.

Cũng thế, người Kitô hữu sống giữa lòng cuộc đời phải là như muối mặn, đem lại tình thương, niềm vui mừng và hy vọng cho mọi người, bằng không, họ sẽ chẳng được dùng vào việc gì, mà hơn thế nữa còn tác hại đến những người chung quanh bằng chính gương mù gương xấu của họ.

Người Kitô hữu sống giữa lòng cuộc đời phải là như ánh sáng chiếu trong u tối, soi đường dẫn lối cho người khác tìm gặp Đức Kitô, bằng không đêm đen sẽ bao phủ trái đất này.
Tuy nhiên, một câu hỏi được đặt ra, đó là trong thời buổi hiện nay liệu có còn tìm thấy những Kitô hữu đích thật nữa không? Những Kitô hữu nắm giữ vai trò là muốn mặn ướp cho đời, là ánh sáng chiếu soi trần gian. Một mẫu người như thế, phải chăng chỉ là một giấc mơ, một huyền thoại, một câu chuyện hoang đường cổ tích?

Câu hỏi này đã được Đức thánh cha Phaolô VI trả lời vào ngày thứ tư tuần thánh năm 1971 như sau:
-      Trong thời buổi hiện nay, chúng ta vẫn có thể và phải trở nên những Kitô hữu đích thực, những Kitô hữu can đảm, những Kitô tốt lành, những Kitô hữu trung thành, hay nói cách khác, những Kitô hữu thánh thiện. Tôi xin nhắc lại một lần nữa, đó không phải chỉ là một việc có thể, mà còn là một việc tương đối dễ dàng.
Vậy chúng ta sẽ thực hiện lý tưởng ấy như thế nào?

Để thực hiện được lý tưởng ấy, chúng ta cần đến hai nguồn nghị lực trợ giúp.
Nguồn nghị lực thứ nhát đó là ơn Chúa. Thực vậy, nếu biết cậy nhờ vào ơn Chúa, chúng ta sẽ cản thấy việc nên thánh không phải là một gánh nặng vượt ngoài khả năng của chúng ta, như lời Chúa đã phán:
Ách của Ta thì êm ái và gánh của Ta thì nhẹ nhàng.

Nguồn nghị lực thứ hai đó là ý chí của mỗi người chúng ta. Thực vậy, ý chí của mỗi người chúng ta phải có đủ can đảm và cương quyết. Muốn được như vậy, chúng ta phải có lòng yêu mến, bởi vì lòng yêu mến chất khích thích làm cho tất cả được trở nên dễ dàng.
Hãy nhìn vào đời sống của các thánh và chúng ta sẽ biết được thế nào là một người Kitô hữu đích thật.
Chẳng hạn thánh nữ Catarina luôn sống và thực hiện khẩu hiệu sau đây:
-      Làm tất cả để vinh danh Chúa, cứu rỗi các linh hồn, chăm sóc kẻ bất hạnh và đem lại cho Giáo hội sự tự do và niềm vinh hạnh.
Trong giây phút này, mỗi người hãy nhìn vào cuộc sống để xem mình đã thực sự trở thành muối, cũng như đã trở thành ánh sáng của Đức Kitô hay chưa?

 

13. Muối

Mahatma Gandhi (1869-1948), vị thánh của những người Ấn giáo, đã đấu tranh giành lại độc lập và tự do cho Ấn Độ bằng đường lối ôn hòa bất bạo động, đã nói: “Nếu tôi đã hân hạnh gặp được một người nào là Kitô hữu chân thực, có lẽ tôi đã trở nên một người Kitô hữu ngay lập tức”. Nếu mẹ Têrêsa đã sống vào thời Gandhi, ông đã trông thấy mẹ ở thành phố Calcutta, và có lẽ ông đã trở thành một người Công giáo. Một vị thánh giống như Mẹ Têrêsa là một người có đời sống làm cho người khác phải tin vào Thiên Chúa. Chính mẹ Têrêsa đã sống và đã định nghĩa: “Kitô hữu là người trao ban chính bản thân mình”.

Hôm nay trong bài Phúc âm, vai trò của người Kitô hữu trên trần thế được Chúa Giêsu định nghĩa bởi hai tiếng: Muối và Ánh sáng. “Các con là muối đất cho đời. Nhưng muối mà nhạt đi, thì lấy gì muối nó cho mặn lại?... Các con là ánh sáng cho trần gian, một thành xây trên núi không tài nào giấu được”.
Theo William Barclay, khi Chúa Giêsu nói: “Các con là muối cho đời”, Ngài đã sử dụng một lối diễn tả đặc biệt bằng cách ca ngợi sự vĩ đại nhất dành cho một con người. Đó là nhấn mạnh đến sự hữu ích và phẩm giá của một người. Thời xưa muối rất có giá trị. Người Hy Lạp coi muối như thần linh. Trong một câu ngạn ngữ bằng tiếng Latinh, người Lamã đã nói: “Nil utilius sole et sale” – “Không có gì hữu ích hơn là mặt trời và muối”. Trong thời Chúa Giêsu, muối được nối kết với ba đức tính cao quí của con người: sự thanh khiết, bảo trì, và khẩu vị.

Người Lamã nghĩ rằng muối là vật thanh khiết vì nó đến từ sự thanh khiết nhất đó là mặt trời và biển cả. Do đó muối là của lễ đầu tiên được dâng cúng cho các thần, và khi kết thúc một ngày, những lễ vật của người Do Thái được dâng lên với muối. Nếu người Kitô hữu là muối, ắt hẳn phải là một gương mẫu của sự thanh khiết.

Thời cổ xưa, muối là một phương tiện phổ thông nhất để giữ cho đồ ăn khỏi bị hư thối. Plutarch đã dùng một lối diễn tả lạ lùng khi nói rằng thịt là một xác chết. Xác chết đó sẽ thối, nếu để nó y như vậy. Nhưng muối bảo trì và giữ nó tươi. Do đó muối giống như một linh hồn mới được đưa vào trong một thân xác đã chết. Muối giữ cho thịt khỏi bị mục rữa. Nếu người Kitô hữu là muối, ắt hẳn phải có một ảnh hưởng chống lại những điều độc hại giống như vi trùng trong cuộc sống.

Nhưng đặc tính vĩ đại và hiển nhiên nhất của muối là làm cho món ăn đậm đà và ngon miệng. Đồ ăn thiếu muối sẽ trở nên nhạt nhẽo. Giống như muối làm cho lương thực trở nên ngon, người Kitô hữu cũng tạo nên khẩu vị thơm ngon cho cuộc đời.
Thế nhưng điều trái ngược đã xảy ra trong lịch sử. Người ta đã đổ lỗi cho Kitô giáo đã làm mất hương vị của cuộc sống. Ngay sau khi hoàng đế Constantine trở lại đạo và biến Kitô giáo thành tôn giáo của đế quốc Lamã, đến thời hoàng đế Julian lên ngôi, ông lại muốn đưa các thần linh xưa kia trở lại, và phàn nàn rằng: “Các bạn có nhìn kỹ vào những người Kitô hữu này chưa? Con mắt lõm sâu, đôi má tái mét nhợt nhạt, bộ ngực xẹp lép; chúng ủ ê một cuộc sống vô hồn, chẳng ồn ào tham vọng: mặt trời chiếu rọi cho họ, nhưng họ không nhìn thấy; trái đất cống hiến đầy đủ cho họ, nhưng họ chẳng ước muốn gì; tất cả những điều mong muốn của họ là từ bỏ mọi sự và chấp nhận đau khổ cho đến chết”.

Thực ra không phải vì Kitô giáo đã trở nên bi quan yếm thế, làm mất đi sự sinh động của cuộc đời, nhưng bởi hoàng đế Julian quá dính bén với cuộc sống trần thế vật chất này và đã trở nên sa đọa!

Theo các nhà chú giải Thánh Kinh, người Do Thái dùng muối được lấy ra từ hai nguồn cung cấp. Một là từ các bờ biển sản xuất muối có chất lượng cao cho việc nấu nướng đồ ăn, gọi là muối biển. Người đầu bếp chỉ việc ném cục muối to vào nồi đồ ăn, rồi nếm thử, nếu đã vừa miệng thì lấy cục muối ra. Nó có thể được sử dụng vài lần, từ từ sẽ trở nên lạt, và giảm dần sự mặn mà.

Nguồn cung cấp muối thứ hai đến từ Biển Chết – biển mặn nhất trên trái đất. Nhưng muối lấy từ Biển Chết có pha trộn nhiều khoáng chất hỗn hợp khác. Khi phần muối đã tan ra, nó không còn là cục muối nữa, mà chỉ là một cục khoáng chất vô dụng. Sau cùng chỉ ném ra ngoài đường “cho người ta chà đạp dưới chân”.


14. Ánh sáng

Chúa Giêsu dùng một hình ảnh cụ thể khác để nói về vai trò của các môn đệ: “Các con là ánh sáng cho trần gian”. Ở một chỗ khác, Chúa Giêsu nói về chính Ngài rằng: “Ta là ánh sáng thế gian”. Vậy ai là ánh sáng thế gian, Chúa Giêsu hay các môn đệ?

Điều có vẻ mâu thuẫn này được giải quyết khi Chúa Giêsu nói về chính mình như sau: “Bao lâu Thầy còn ở thế gian, Thầy là ánh sáng thế gian”. Bao lâu thân xác Ngài còn đang hiện diện nơi trần thế, chính Ngài là ánh sáng thế gian. Nhưng khi cuộc đời trần thế của Ngài không còn nữa, các môn đệ của Ngài phải đóng vai trò ánh sáng thế gian. Vì họ đã được hấp thụ bởi chính nguồn ánh sáng là Đức Kitô, nên phải phản ảnh lại ánh sáng đó.

Xưa kia, có một người đàn ông mua được một hộp nữ trang mà người bán hàng hứa rằng nó sẽ chiếu sáng lóng lánh trong đêm tối. Đêm đó ông đặt hộp nữ trang trên bàn và bật đèn sáng lên xem. Nhưng quá thất vọng vì hộp nữ trang đã không chiếu tỏa ra ánh sáng trong đêm tối như người bán hàng đã hứa. Tình cờ vợ của ông nghe biết được câu chuyện. Ngày hôm sau, bà đặt hộp nữ trang dưới ánh sáng mặt trời, đến tối nó tỏa ra ánh sáng lung linh rực rỡ. Thấy thế bà vợ mới cắt nghĩa cho chồng như sau: “Anh đã quên làm theo những lời hướng dẫn trong cái hộp này: “Hãy đặt tôi dưới ánh mặt trời ban ngày, và ban đêm tôi sẽ chiếu ánh sáng cho bạn”. Hộp nữ trang đó đã không tỏa ra ánh sáng vì nó đã không hấp thụ được ánh mặt trời ban ngày. Nó phải nhận được ánh sáng thì mới phát ra ánh sáng được.

Trong bài đọc thứ 2, thánh Phaolô chỉ cho chúng ta nơi chốn để lấy được năng lực và sản xuất ánh sáng. Đó là từ thập giá của Đức Kitô. Thánh Phaolô nói rõ ràng là nhiều vị giảng thuyết tài ba đã đến với dân thành Côrintô, kẻ thì dựa trên học vấn lỗi lạc, người thì dựa vào tài hùng biện, ăn nói khéo léo, kẻ khác dựa trên các đức tính cá nhân của họ. Còn ngài, thánh Phaolô đã dựa trên: “Tôi xác định rằng hồi còn ở với anh em, tôi đã không rao giảng điều gì khác ngoài Đức Giêsu Kitô, mà chính Ngài đã chịu đóng đinh vào thập giá”.

Ngày chịu phép rửa tội, mỗi người chúng ta đã đón nhận cây nến được đốt lên từ ánh sáng Chúa Kitô. Qua lời hứa của cha mẹ đỡ đầu, chúng ta chấp nhận phản chiếu ánh sáng Chúa Kitô đó bằng chính đời sống Kitô hữu của mình. Ánh sáng của cây nến là biểu tượng của đức tin trong đời sống Kitô hữu.

Sách Giáo lý Công giáo số 1216 xác định rằng: “Trong phép Rửa tội, người được rửa tội nhận lấy Ngôi Lời là “ánh sáng đích thực soi sáng mọi người”, và “sau khi được soi sáng như thế”, họ trở nên “con của sự sáng” và chính bãn thân họ là “ánh sáng”.

Công đồng Vatican II khuyên như sau: “Người giáo dân có rất nhiều cơ hội làm việc tông đồ: rao giảng Phúc âm và thánh hóa. Chính chứng tá của đời sống Kitô và những việc lành được làm với tinh thần siêu nhiên có sức lôi kéo người ta đến đức tin và đến với Thiên Chúa, vì Chúa phán: “Sự sáng của các con phải soi trước mắt người ta, như vậy để họ xem thấy việc lành các con mà ngợi khen Cha các con ở trên trời”.

Ước gì trong cuộc đời Kitô hữu, chúng ta ý thức được vai trò làm muối và ánh sáng như lời Chúa dạy trong bài Phúc âm hôm nay. Để chu toàn trách nhiệm này, xin Chúa “thắp sáng lên trong con tình yêu của Chúa”. Nếu không có tình yêu và ân sủng của Chúa, chúng ta chẳng là gì cả.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét