Thứ Năm, 2 tháng 4, 2015

LỄ LÁ TẠI RÔMA , HÀ NỘI, SÀI GÒN - GIỜ CHẦU ĐÊM THỨ NĂM TUẦN THÁNH














DÒNG ĐAMINH BÙI CHU


7


















THIẾU NHI GX. THÁI  HÒA SÀI GÒN








LỄ LÁ ĐẠI HỘI GIỚI TRẺ SÀI GÒN







ĐỨC HỒNG Y HÀ NỘI







LỄ LÁ ĐTC TẠI RÔMA VỚI 50 GIÁM MUC VA 30 HỒNG Y





CANH THỨC VỚI THẦY
CHẦU MÌNH THÁNH CHÚA
Thứ Năm Tuần Thánh 2015

- Mở đầu: hát kinh Chúa Thánh Thần.
- Hướng ý giờ canh thức.
- Phúc Âm theo Thánh Luca: Mc 14,32-42
Sau đó, Đức Giê-su và các môn đệ đến một thửa đất gọi là Ghết-sê-ma-ni. Người nói với các ông : "Anh em ngồi lại
đây, trong khi Thầy cầu nguyện." Rồi Người đem các ông Phê-rô, Gia-cô-bê và Gio-an đi theo. Người bắt đầu cảm
thấy hãi hùng xao xuyến. Người nói với các ông : "Tâm hồn Thầy buồn đến chết được. Anh em ở lại đây mà canh
thức." Người đi xa hơn một chút, sấp mình xuống đất mà cầu xin cho mình khỏi phải qua giờ ấy, nếu có thể được.
Người nói : "Áp-ba, Cha ơi, Cha làm được mọi sự, xin cất chén này xa con. Nhưng xin đừng làm điều con muốn, mà
làm điều Cha muốn." Rồi Người trở lại, thấy các môn đệ đang ngủ, liền nói với ông Phê-rô : "Si-mon, anh ngủ à ?
Anh không thức nổi một giờ sao ? Anh em hãy canh thức và cầu nguyện kẻo sa chước cám dỗ. Vì tinh thần thì hăng
hái, nhưng thể xác lại yếu đuối." Người lại đi cầu nguyện, kêu xin như lần trước. Rồi Người trở lại, thấy các môn đệ
vẫn ngủ, vì mắt họ nặng trĩu. Các ông chẳng biết trả lời làm sao với Người. Lần thứ ba, Người trở lại và bảo các ông
: "Lúc này mà còn ngủ, còn nghỉ sao ? Thôi, đủ rồi. Giờ đã điểm. Này Con Người bị nộp vào tay phường tội lỗi.
Đứng dậy, ta đi nào ! Kìa kẻ nộp Thầy đã tới !"
Suy niệm 1 (một người đọc)
- "Anh em ngồi lại đây, trong khi Thầy cầu nguyện”.
Trọn đời sống Chúa Giêsu là Cầu Nguyện. Ngài cầu nguyện mọi nơi, mọi lúc: nơi cô tịch, trên núi cao, giữa đêm
khuya, ngay khi rao giảng và chữa lành bệnh tật, mỗi sáng khi ngày đến, mỗi tối khi đêm về. Đặc biệt ở những thời
điểm mang tính quyết định trong sứ vụ rao giảng: chịu phép rửa, chọn 12 tông đồ, biến hình… Lời nguyện của Ngài
luôn là tâm tình chúc tụng, ngợi khen, tạ ơn, chìm sâu trong tình yêu nồng nàn với Chúa Cha. Và hôm nay trong
vườn Cây Dầu, trước biến cố đau thương, Chúa Giêsu cầu nguyện càng khẩn thiết hơn.
Lời tự tình: (một người đọc)
Lạy Chúa, ít khi con cầu nguyện riêng với Chúa; ít khi con viếng Chúa; ít khi con ngồi riêng một mình với Chúa; ít
khi con cảm thấy cần Chúa; ít khi con nhớ đến Chúa và khao khát Chúa. Con vẫn đọc kinh và dự lễ nhưng ít khi sìm
sâu trong Chúa. Cuộc đời con vẫn ở ngoài Chúa, dù Chúa vẫn ở trong con.
Cuộc đời con tầm thường, ti tiện, hèn kém, tội lỗi… là vì thiếu cầu nguyện.
Tâm hồn con trống rỗng, bất an, khốn đốn, xấu xa… chỉ vì thiếu cầu nguyện.
Đầu óc con tối tăm, u mê, rối loạn… chỉ vì thiếu cầu nguyện.
Thiếu cầu nguyện nên cuộc sống con trở nên lạc loài, cô đơn giữa chợ đời, và chới với khi gặp gian nan thử thách.
Thiếu cầu nguyện nên con thiếu Chúa, vắng Chúa, và có thể mất Chúa mãi mãi, Đấng là nguồn hạnh phúc của đời
con.
Lời nguyện (quỳ - đọc chung):
Lạy Chúa! Cuộc sống con sẽ đi về đâu nếu đời con vắng Chúa?
Bao việc con làm có nghĩa gì đâu nếu lòng con xa Chúa?
Bao điều con đạt được có giá trị gì đâu nếu tâm con thiếu Chúa?
Bao thứ con hiểu biết có ích chi đâu nếu trí con nằm ngoài Chúa?
Bao danh giá và địa vị có là gì đâu nếu bản thân con không gặp Chúa?
Tất cả chỉ là trống rỗng nếu Chúa không ở trong con.
Mọi cái chỉ là hư vô nếu con không ở trong Chúa.
Ai sẽ cứu độ con ngoài một mình Chúa?
Xin cho con mỗi ngày biết đặt mình bên Chúa,
được sống với Chúa, được nhìn ngắm Chúa,
được lắng nghe Chúa, được gặp gỡ Chúa,
được chìm sâu trong Chúa, Đấng cứu độ con.Amen.Hát Thánh Vịnh 50 (đứng)
1. Nguyện xót thương con theo lòng nhân hậu của Chúa. Nguyện xóa tội con theo lượng cả đức từ bi Ngài. Xin rửa
hồn con tuyệt gốc hết những lỗi lầm, và thanh tẩy con sạch lâng muôn vàn tội ác.
ĐK: Lạy Chúa chí tôn, xin dủ tình xót thương con theo lượng từ ái của Ngài. (lập lại 1 lần)
Suy niệm 2 (một người đọc)
- Rồi Người đem các ông Phê-rô, Gia-cô-bê và Gio-an đi theo. Người bắt đầu cảm thấy hãi hùng xao xuyến.
Người nói với các ông: "Tâm hồn Thầy buồn đến chết được. Anh em ở lại đây mà canh thức."
Mang thân phận làm người, Chúa Giêsu cũng cảm thấy hãi hùng xao xuyến khi biết trước những cực hình đau
thương mình phải chịu. Ngài cũng hết sức cần đến tình bạn hữu trong giờ phút bi thương này: "Tâm hồn Thầy buồn
đến chết được. Anh em ở lại đây mà canh thức". Khi xưa các tông đồ là bạn hữu thân thiết của Ngài. Lúc này ai là
bạn hữu thân tình của Ngài nếu không phải mỗi người chúng ta. Chúa Giêsu đã từng khẳng định: “Anh em là bạn
hữu của Thầy”. Quả thật, chưa có một tình bạn nào cao sáng và vĩ đại trên thế giới này, bằng mối tình của Chúa
Giêsu dành cho các bạn Ngài. Đúng như Ngài đã nói và đã sống “Không có tình thương nào cao cả hơn tình
thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình”.
Khi xưa Chúa Giêsu đã sống với các bạn hữu thế nào, giờ đây Ngài cũng đang sống với mỗi người chúng ta như
vậy. Cảm nghiệm sâu xa này chỉ có được khi ta biết sống mật thiết với Chúa hằng ngày. Thật sự tôi đã sống tình bạn
với Chúa Giêsu chưa, hay vẫn để Ngài cô đơn và buồn sầu trong tâm hồn mình.
Lời tự tình (một người đọc)
Lạy Chúa, ít khi con coi Chúa như người bạn thân thương nhất của đời mình, nên cũng ít khi con gần gũi với Chúa
và yêu mến Chúa; ít khi tâm sự và tự tình với Chúa; ít khi lắng nghe Chúa nên cũng chẳng hiểu được Chúa. Con
ham những người bạn ở đời hơn; con gần gũi với họ và yêu mến họ hơn là yêu mến Chúa; con tâm sự và tự tình với
họ hơn là với Chúa; con nghe họ hơn là nghe Chúa, tin họ hơn tin Chúa. Đó là điều dại dột nhất cuộc đời con. Con
quên rằng những người bạn ở đời của con cũng chỉ là những kẻ yếu đuối, mỏng dòn, tầm thường và ích kỷ, đâu thể
nào như Chúa được. Con quyết tâm từ đây nối kết tình bạn thân tha thiết với Chúa, và tìm giờ ở lại bên Chúa mỗi
ngày.
Lời nguyện (quỳ - đọc chung):
Lạy Chúa Giêsu! Chúa đã sống tình bạn tuyệt vời với các tông đồ.
Chúa đã đón nhận họ đến cùng, bất chấp những yếu kém và lầm lỗi của họ.
Không gì quí báu ở đời này cho bằng một người bạn tốt.
Một người bạn cao quí sẽ giúp cho đời con thêm cao đẹp.
Thiếu tình bạn thân, con dễ rơi vào bệnh lạnh lùng, hung hăng,
hiếu chiến, chủ quan, hà khắc, độc đoán.
Chúa là bạn chí thân của con, đã trở nên niềm vui sống cho con.
Xin cho con biết tạo nên sự phấn khởi cho các bạn hữu mình trong mọi hoàn cảnh.
Tình bạn rất cần để đời sống con được triển nở, nhưng thật sự chỉ có Chúa mới là bạn chí thiết của lòng con, muốn
làm nên tất cả cho con, vì con.
Xin giúp con tận dụng từng giây phút sống, để là người bạn chí tình của Chúa. Amen.
Hát Thánh Vịnh 50 (đứng)
2. Lạy Chúa xin thương ban lại tấm lòng sạch trong, và hãy đổi thay tinh thần mới cho con vững vàng. Xin chớ loại
con ra khỏi Thánh Nhan Chúa Trời, và chớ rút lại Thần Linh luôn hằng đổi mới.
ĐK: Lạy Chúa chí tôn, xin dủ tình xót thương con theo lượng từ ái của Ngài. (lập lại 1 lần)
Suy niệm 3 (một người đọc)
- Người nói : "Áp-ba, Cha ơi, Cha làm được mọi sự, xin cất chén này xa con. Nhưng xin đừng làm điều con
muốn, mà làm điều Cha muốn."Đứng trước chén đắng nhục hình sắp chịu, Chúa Giêsu kêu lên 2 tiếng Cha Ơi, với lòng tha thiết và tin tưởng cậy
trông. Ngài biết Chúa Cha là Đấng quyền năng vô biên và yêu thương vô cùng, Đấng làm được mọi sự. Ngài kinh
sợ chén đắng khổ hình nhưng vẫn sẵn sàng đón nhận theo ý Cha. Thánh ý Chúa Cha nhiệm mầu, điều Ngài không
thể hiểu nhưng vẫn muốn vâng theo vì yêu Cha và yêu nhân loại. Ai cũng muốn suy nghĩ và hành động theo ý mình,
mà quên rằng chân phúc của mình là hành động theo ý Chúa. Ngoài ý Chúa, mọi sự đều trống rỗng và hư ảo, cho dù
có cao trọng trước mặt người đời, thì cũng là “điều ghê tởm trước mặt Thiên Chúa” (Lc 16, 15). Chỉ có Thiên Chúa
mới là niềm hy vọng đích thực cho chúng ta, mọi niềm hy vọng ngoài Thiên Chúa đều chỉ là ảo vọng.
Lời tự tình (một người đọc)
Lạy Chúa, lúc nào con cũng đăm đăm theo ý con, mong muốn mọi sự xảy ra theo ý con; mọi người phải theo ý con.
Nếu không, con sẽ buồn, giận, tức bực, chán nản, kêu than, trách Chúa, oán người. Con quên rằng con được dựng
nên cho Chúa, và Chúa là tất cả cho con. Đời con chỉ có ý nghĩa và giá trị khi biết sống theo ý Chúa, để Chúa hoàn
thành dự định tình yêu của Chúa nơi con. Chỉ có thánh ý Chúa trong hiện tại là đối tượng cho con tôn thờ, là chìa
khóa mở ra niềm bình an và hạnh phúc. Mọi sự vật và mọi công việc khác dù có cao quí đến đâu mà không thuận
theo ý Chúa cũng đều vô giá trị. Chỉ lo tìm kiếm những điều mình tham vọng, con sẽ rơi vào hố sâu vô vọng. Vì đời
con chỉ có Chúa là niềm hy vọng.
Lời nguyện (quỳ - đọc chung):
Lạy Chúa! Dại khờ thay khi con theo ý mình mà chẳng quan tâm gì đến ý Chúa.
Mọi việc đạo đức chẳng nghĩa lý gì, mọi việc tốt lành cũng chẳng ích chi, nếu con chẳng thực thi ý Chúa.
Với ý Chúa, dù mọi cái tầm thường cũng sẽ trở nên phi thường: bóng tối lại hóa thành ánh sáng,
sự dữ lại biến thành sự lành, cái chết lại trở thành sự sống.
Xin cho con biết yêu điều Chúa muốn và muốn điều Chúa yêu.
Xin cho con không chỉ dẹp trừ ý riêng mình, mà còn dám phó thác đời mình cho ý Chúa.
Xin giúp con đón nhận mọi điều Chúa gởi đến, dù khó hay dễ, dù buồn hay vui, dù may hay rủi,
dù họa hay phúc, dù sướng hay khổ... miễn sao đẹp ý Chúa là đẹp nhất cho cuộc đời con. Amen.
Hát Thánh Vịnh 50 (đứng)
3. Lạy Chúa xin thương ban niềm vui đời cứu rỗi, và hãy đỡ nâng theo cùng với tinh thần quảng đại.Lạy Chúa từ
nhân mở môi con ca tụng Ngài. Ngàn đời hát ca đẹp thay ôi lòng nhân Chúa.
ĐK: Lạy Chúa chí tôn, xin dủ tình xót thương con theo lượng từ ái của Ngài. (lập lại 1 lần)
Suy niệm 4 (một người đọc)
- Rồi Người trở lại, thấy các môn đệ đang ngủ, liền nói với ông Phê-rô : "Si-mon, anh ngủ à ? Anh không thức
nổi một giờ sao ? Anh em hãy canh thức và cầu nguyện kẻo sa chước cám dỗ. Vì tinh thần thì hăng hái,
nhưng thể xác lại yếu đuối."
Trong sự cô đơn tận cùng, Chúa nài nỉ Phêrô hãy thức với Chúa một giờ. Một giờ thôi mà cũng không được. Chúa
Giêsu không chỉ gánh chịu nỗi cô đơn thống thiết vì sự vô tâm và lòng dạ hiểm ác của con người chúng ta, mà còn
cô đơn ngay trong tình thầy trò, bạn hữu. Xuyên suốt cuộc khổ nạn của Chúa là một nỗi cô đơn kinh hoàng. Nỗi cô
đơn ấy đã dâng cao trong nhiều giờ phút cuối đời của Chúa khi bị treo lơ lửng giữa trời và đất, làm trò cười cho
những người xung quanh. Ngài lại còn cảm thấy như bị chính Chúa Cha bỏ rơi. Ngài đã đi đến tận cùng sự cô đơn
của con người vì tội lỗi chúng ta.
Lời tự tình (một người đọc)
Lạy Chúa Giêsu, đã biết bao lần Chúa nài nỉ con đến với Chúa, ở lại với Chúa, thức với Chúa, sống thân tình với
Chúa, nhưng đã bao lần con hững hờ vô tâm, chẳng màng gì. Con cần Chúa thì lúc nào cũng có Chúa. Lúc Chúa cần
con thì lại chẳng thấy con đâu, vì con ham ngủ, ham chơi, ham vui, ham lợi lộc và những lạc thú trần gian. Chúa
sống hết tình với con, con lại sống vô tình với Chúa. Thiếu tỉnh thức và cầu nguyện, nên con yếu đuối, dần dần con
sa chước cám dỗ, con trở nên bạc nhược ươn lười, không còn khả năng chiến đấu và chiến thắng. Trong cô đơn,
Chúa lại lo buồn cho con hơn là cho chính Chúa.
Lời nguyện (quỳ - đọc chung):Lạy Chúa Giêsu! Cô đơn có thể đưa tới sợ hãi và tuyệt vọng.
Kinh nghiệm đau thương này vẫn luôn xảy ra cho con người trong mọi nơi, mọi thời đại.
Chúa cũng đã gánh chịu nỗi cô đơn thống thiết vì sự lạnh lùng, và lòng dạ bạc ác của loài người chúng con.
Chúa còn cảm thấy như bị chính Cha bỏ rơi, như đi đến tận cùng sự cô đơn của con người.
Nhưng chính trong sự cô đơn ấy, Chúa đã mạc khải cho con biết:
Thiên Chúa là Tình Yêu, khi hoàn toàn vâng phục và tín thác vào Cha.
Lạy Chúa Giêsu!
Yêu Chúa, nên con cũng yêu cô đơn như môi trường an tĩnh để sống với Chúa, Đấng là an bình của đời con.
Con yêu cô đơn để trung trinh tiết nghĩa với Chúa; để trầm tư mặc tưởng trong Chúa;
để biết chờ đợi, yêu thương và hy vọng nhiều hơn nơi Chúa.
Xin mặc cho con tâm tình cô đơn là ở lại một mình với Chúa,
và con cũng chỉ cần một mình Chúa thôi trong mọi giây phút của đời con. Amen.
Hát Thánh Vịnh 62 (đứng)
1. Một mình Chúa con mãi đợi trông. Một mình Chúa con luôn khát mong.Tâm hồn con tháng năm mỏi mòn, như
đất đai khô cằn trông trời mưa rơi.
ĐK. Lạy Chúa, Thiên Chúa con thờ, linh hồn con luôn khát khao Ngài.
Suy niệm 5 (một người đọc)
- Lần thứ ba, Người trở lại và bảo các ông: "Lúc này mà còn ngủ, còn nghỉ sao ? Thôi, đủ rồi. Giờ đã điểm.
Này Con Người bị nộp vào tay phường tội lỗi. Đứng dậy, ta đi nào ! Kìa kẻ nộp Thầy đã tới !"
Các tông đồ vẫn say sưa trong giấc ngủ chẳng màng gì đến nỗi u buồn và thổn thức của Thầy mình. Say trong giấc
ngủ cũng có nghĩa là nuông chìu thân xác, chểnh mảng và ươn lười, là sống đam mê và chạy theo dục vọng. Đó là
dịp để cho sự dữ xâm nhập và sự xấu xa lôi cuốn, là để mình trong tình trạng nguy hiểm, rơi vào cạm bẫy của ác
thần. Sau một đêm thao thức và cầu nguyện, giờ đây Chúa Giêsu đối mặt với những kẻ gian ác đến bắt Ngài. Kẻ bội
phản không ai khác hơn là đồ đệ Giuđa. Còn gì đau xót hơn là con phản cha, trò phản thầy. Ba năm Giuđa gần gũi
Thầy, nhưng thực ra lòng ông xa cách Thầy. Theo Thầy, nhưng lòng ông vẫn có những âm mưu, tính toán và tham
vọng riêng tư. Không đồng lòng với Thầy, nên ông không có khả năng nghe Thầy, hiểu Thầy, cảm mến Thầy. Chính
vì thế mà cuối cùng ông trở thành kẻ nộp Thầy.
Lời tự tình (quỳ - đọc chung):
Lạy Chúa Giêsu, Chúa vẫn đánh thức con hằng ngày. Nhưng mấy khi con tỉnh thức trước những nuông chìu thân
xác, trước những chểnh mảng ươn lười, trước những đam mê dục vọng. Thế nên đời con vẫn ngủ vùi trong tính hư
tật xấu, trong những vấp váp và sai phạm, trong sự tiêu hao sức khỏe, thời giờ, và hoang phí biết bao năng lực tinh
thần. Con đi theo Chúa, nhưng lại sống theo người đời và theo những quan niệm phàm tục. Con nghe Chúa, nhưng
con lại nghe theo những tính toán và ý riêng mình. Con vẫn ở gần Chúa, nhưng lòng con lại xa Chúa. Con đâu khác
nào Giuđa, là kẻ hai lòng, bất trung và phản bội. Hôm nay, Chúa lại phải tiếp tục chết ô nhục một lần nữa vì tội lỗi
con.
Lời nguyện (đọc chung):
Lạy Chúa Giêsu! Để cứu chuộc con, Chúa phải lãnh lấy tai ương, là cái chết đau thương và khổ nhục.
Chúa đã hiến mạng để tiêu diệt sự thù ghét nơi đời sống nhân loại chúng con.
Thế nhưng con lại có vẻ lãnh đạm và thờ ơ khi đã được cứu sống nhờ máu Chúa đổ ra.
Thiếu cảm nhận trước sự đau thương của Chúa,
nên con cũng thiếu cảm ứng trước đau khổ của người khác.
Trong cuộc sống hằng ngày, vẫn còn những tranh chấp, đố kị, hiềm thù,
có vẻ con vẫn sống ngoài cái chết của Chúa.
Yếu đuối của con người là thế, dù con không muốn thế, chỉ vì ích kỷ với đam mê.
Xin khơi rộng và uốn nắn lại trái tim con, để con có khả năng cảm thấu được sâu xa
tình yêu cứu chuộc của Chúa, và vượt qua tình trạng tội lỗi của mình.
Ơn cứu chuộc đã đem lại cho con đời sống mới, xin cho con biết nỗ lực canh tân bản thân,
góp phần với Chúa đem lại sự tươi mới cho cuộc sống mọi người quanh con. Amen. Hát Thánh Vịnh 62 (đứng)
2. Lòng con mong chiêm ngưỡng Thần Nhan, được nhìn thấy vinh quang Chúa thôi. Ân tình Chúa quí hơn sinh
mạng, con muốn ca vang lời chúc tụng ngợi khen.
ĐK. Lạy Chúa, Thiên Chúa con thờ, linh hồn con luôn khát khao Ngài.
- Thinh Lặng cầu nguyện riêng
- Kết thúc với bài hát KINH HÒA BÌNH
Lạy Chúa từ nhân, xin cho con biết mến yêu và phụng sự Chúa trong mọi người.
Lạy Chúa xin hãy dụng con như khí cụ bình an của Chúa.
Để con đem yêu thương vào nơi oán thù, đem thứ tha vào nới lăng nhục,
đem an hòa vào nơi tranh chấp, đem chân lý vào chốn lỗi lầm.
Để con đem tin kính vào nơi nghi nan chiếu trông cậy vào nơi thất vọng,
để con rọi ánh sáng vào nơi tối tăm đem niềm vui đến chốn u sầu.
Lạy Chúa xin hãy dạy con, tìm an ủi người hơn được người ủi an,
tìm hiểu biết người hơn được người hiểu biết, tìm yêu mến người hơn được người mến yêu.
Vì chính khi hiến thân là khi được nhận lãnh, chính lúc quên mình là lúc gặp lại bản thân.
Vì chính khi thứ tha là khi được tha thứ, chính lúc chết đi là khi vui sống muôn đời.
Ôi thần linh thánh ái xin mở rộng lòng con,xin thương ban xuống những ai lòng đầy thiện chí, ơn an bình.
Lm. Thái Nguyên                

                                              

CỬ HÀNH
TAM NHÂT VƯƠT QUA

TridiumpascalĐể giúp bạn đọc chuẩn bị cử hành Tuần Thánh với tất cả tâm tình đức tin, WHĐ xin giới thiệu bài viết về Tam Nhật Vượt Qua. Bài này được biên soạn dựa vào tài liệu của Văn phòng về Phụng tự (the Secretariat for Divine Worship) thuộc Hội Đồng Giám mục Hoa kỳ về việc chuẩn bị này.
1. Thời gian khởi đầu và kết thúc Tam nhật Vượt Qua
Tam nhật Vượt qua bắt đầu từ lễ chiều thứ Năm Tuần thánh, vươn tới cao điểm trong đêm Vọng Phục Sinh, và kết thúc với Kinh Chiều chính ngày Chủ nhật Phục Sinh (x. Quy luật Tổng quát về phụng niên và lịch, 19)
2. Ngoài thánh lễ Tiệc Ly, có được cử hành một thánh lễ nào khác trong ngày Thứ Năm tuần thánh không?
Thông thường không được phép cử hành một thánh lễ nào khác vào ngày Thứ Năm tuần thánh. Tuy nhiên trong trường hợp đặc biệt, nơi nào lý do mục vụ đòi hỏi, thì Đấng Thường Quyền Sở tại có thể cho cử hành một lễ thứ hai trong các nhà thờ, nhà nguyện công và bán công, vào ban chiều. Còn trong trường hợp thật sự cần thiết, có thể cho phép cử hành thánh lễ cả vào lúc ban sáng, nhưng chỉ dành cho các tín hữu không có cách nào tham dự Thánh Lễ Chiều được. Tuy nhiên đừng cử hành vì lợi ích riêng tư, kẻo làm thiệt hại cho việc cử hành thánh lễ chính ban chiều. (x. Sách lễ Rôma [SLR], ấn bản 1992, trang 254, số 1).
3. Thời điểm cử hành cuộc Thương Khó của Chúa Giêsu
Thông thường, khoảng 3 giờ chiều, cử hành cuộc Thương Khó của Chúa, để dân chúng có thể quy tụ cách dễ dàng hơn; trừ khi lý do mục khuyên nên làm muộn hơn nhưng không được cử hành sau 9 giờ tối (x. SLR, tr.263, số 3).
4. Giáo hội có khuyến khích cử hành phụng vụ nào khác trong ngày Thứ Sáu Tuần thánh không?
Vào ngày này, tại các nhà thờ rất thích hợp để cử hành Giờ Kinh Sách và Kinh Sáng có giáo dân tham dự.
5. Vào ngày thứ Sáu tuần thánh, các việc đạo đức có tầm quan trọng riêng biệt nào không?
Sách Hướng dẫn về Lòng đạo đức bình dân và Phụng vụ (Directory on Popular Piety and the Liturgy, 2002, các đoạn 142-145) đã cho chúng ta cái nhìn đúng đắn về các việc đạo đức bình dân. Thật rõ ràng, trọng tâm của ngày thứ Sáu thánh là cử hành phụng vụ Tưởng niệm Cuộc Thương Khó của Chúa Giêsu Kitô. Nên bất cứ hình thức đạo đức nào khác đều không thể thay thế được cử hành phụng vụ trọng thể này. Cũng không được phối hợp các việc đạo đức khác với nghi thức thứ Sáu thánh, vì nó chỉ tạo ra một thứ lai tạp. Trong thời gian vừa qua, việc tổ chức các cuộc rước về Sự Thương Khó của Chúa Giêsu, Ngắm Đàng Thánh Giá, trình diễn các Hoạt cảnh Thương Khó trở nên phổ biến hơn. Trong những cuộc trình diễn như thế, các diễn viên và người xem đều có thể tham dự với tâm tình đức tin và lòng đạo đức chính đáng. Tuy nhiên, nên cẩn thận giúp các tín hữu hiểu rằng những Hoạt cảnh Thương Khó ấy chỉ là cách biểu lộ việc tưởng niệm và chúng rất khác với các "hành động phụng vụ" tức là việc tưởng niệm (như việc tưởng niệm sau khi Truyền Phép trong Thánh lễ), hoặc sự hiện diện mầu nhiệm của biến cố cứu độ trong cuộc Thương Khó Chúa Giêsu Kitô.
6. Việc kính thờ Thánh Giá trong ngày thứ Sáu thánh
Dứt lời nguyện cho mọi người, đến phần long trọng kính thờ thánh giá. Ở đây có hai hình thức suy tôn thánh giá, nên chọn hình thức nào thích hợp hơn với nhu cầu mục vụ.
HÌNH THỨC THỨ NHẤT: Phó tế hoặc thừa tác viên khác xứng hợp đi vào phòng thánh và mang thánh giá có phủ khăn che ra bàn thờ, hai người giúp lễ cầm nến cháy đi hai bên. Linh mục đứng trước bàn thờ quay mặt về phía dân chúng, nhận thánh giá, mở phần khăn che phía đầu thánh giá, rồi phần che cánh phải thánh giá và cuối cùng bỏ hết khăn che thánh giá. Mỗi lần mở khăn, ngài nâng thánh giá lên và hát câu kêu mời: "Đây là cây thánh giá", phó tế và ca đoàn hát giúp linh mục. Mọi người đáp: "Ta hãy đến bái thờ". Hát xong, mọi người quỳ gối thinh lặng cầu nguyện giây lát, linh mục vẫn đứng nâng cao thánh giá.
HÌNH THỨC THỨ HAI: Linh mục hoặc phó tế, hay thừa tác viên khác xứng hợp, cùng các người giúp lễ, đến cửa nhà thờ, nhận thánh giá không phủ khăn, các người giúp lễ thì nhận nến cháy, rồi đi kiệu qua lòng nhà thờ lên cung thánh. Đang khi di chuyển sẽ dừng lại tại ba nơi: ở gần cửa nhà thờ, ở giữa nhà thờ và ở lối vào cung thánh, người cầm thánh giá nâng cao lên và hát câu kêu mời: "Đây là cây thánh giá", phó tế và ca đoàn hát giúp linh mục. Mọi người đáp: "Ta hãy đến bái thờ". Hát xong, mọi người quỳ gối thinh lặng cầu nguyện giây lát, linh mục vẫn đứng nâng cao thánh giá. Sau đó đặt thánh giá và đèn nến ở lối vào cung thánh. Đoạn bắt đầu việc tôn thờ thánh giá. (x. SLR, trang 269-270, các số 14,15,16,17)
7. Cách thức các thành phần cộng đoàn phụng vụ kính thờ thánh giá ngày thứ Sáu thánh
Sau khi tôn dương thánh giá, linh mục hoặc phó tế cầm thánh giá đến trước lối lên cung thánh hoặc nơi xứng hợp khác. Linh mục chủ sự là người đầu tiên đến tôn thờ thánh giá. Nếu hoàn cảnh cho phép, ngài cởi áo lễ ngoài và giày. Rồi giáo sĩ, các thừa tác viên giáo dân và các tín hữu lần lượt tiến đến trước thánh giá. Việc cá nhân tôn thờ thánh giá là nét đặc trưng quan trọng trong cử hành hôm nay, nên phải làm sao cho mọi người được đến hôn kính thánh giá (nếu không đủ thời giờ, sẽ hôn kính cá nhân vào lúc thuận tiện sau khi kết thúc mọi nghi thức thứ Sáu thánh.) Luật chữ đỏ dạy rằng "chỉ dùng một thánh giá duy nhất trong nghi thức Kính thờ". Nếu vì số dân chúng quá đông, mỗi người không thể lên hôn kính thánh giá được, thì sau khi các linh mục và một phần tín hữu đã tôn thờ, linh mục cầm thánh giá lên đứng trước bàn thờ, nói ít lời kêu mời dân chúng kính thờ thánh giá, rồi nâng cao thánh giá trong giây lát để mọi người thinh lặng tôn thờ.
8. Thời điểm cử hành Canh thức Phục Sinh
Do đặc tính, Canh thức Vượt Qua được cử hành về đêm, nên phải bắt đầu lúc chập tối và phải kết thúc trước rạng đông ngày Chúa Nhật. Cử hành Canh thức Vượt Qua thay cho giờ Kinh Sách. Theo truyền thống xa xưa, đêm nay các tín hữu canh thức chờ đợi Chúa phục sinh. Lửa được làm phép và nến phục sinh được thắp sáng chiếu tỏa trong đêm để tất cả mọi người có thể nghe công bố Tin Mừng Phục sinh và lắng nghe lời Chúa được loan báo trong Sách Thánh. Vì vậy Nghi thức thắp nến phục sinh diễn ra trước Phụng vụ Lời Chúa.
9. Những lưu tâm cần phải có khi sử dụng Cây Nến Phục sinh trong Canh thức Vượt Qua
Nến phục sinh phải được làm bằng sáp ong, không bao giờ làm bằng các hợp chất nhân tạo, được thay thế mỗi năm, chỉ một cây mà thôi; và kích thước phải xứng hợp để có thể chuyển tải được chân lý Chúa Kitô lá ánh sáng của trần gian. Nến Phục sinh là biểu tượng ánh sáng Chúa Kitô, xua trừ mọi bóng tối trong tâm trí chúng ta. Trên tất cả, Nến Phục sinh phải là nến thực sự, phải là biểu tượng ưu việt của ánh sáng Chúa Kitô. Vì thế nên chọn một cây nến có kích cỡ, kiểu dáng và mầu sắc sao cho phù hợp với cung thánh, nơi đặt Nến Phục sinh.
10. Nên đọc bao nhiêu bài đọc trong Đêm Canh thức Vượt Qua?
Một trong những khía cạnh độc đáo của Canh thức Vượt Qua là thuật lại những kỳ công trong lịch sử cứu độ. Những kỳ công này được thuật lại trong 7 bài đọc được chọn từ sách Luật và Ngôn Sứ trong Cựu Ước, và hai bài đọc trích từ Tân Ước, được chọn từ thư các tông đồ và Tin Mừng. Như thế, "bắt đầu từ ông Môsê và tất cả các tiên tri (Lc 24,27. 44-45)", Chúa Giêsu một lần nữa gặp gỡ chúng ta trên đường chúng ta đi. Ngài mở tâm trí chúng ta, chuẩn bị cho chúng ta chia sẻ việc bẻ bánh và uống chén. Các tín hữu được khuyến khích suy niệm các Bài đọc này nhờ việc hát thánh vịnh đáp ca, nhờ thinh lặng và nhờ lời nguyện của chủ tế. Dựa trên các Bài đọc này, việc suy niệm trong đêm nay thật ý nghĩa đến độ thúc giục chúng ta một cách mãnh liệt phải sử dụng tất cả các bài đọc. Chỉ trong những hoàn cảnh mục vụ đòi buộc (trong trường hợp gấp rút) có thể bớt số bài đọc Cựu ước. Trong những trường hợp như thế, phải đọc ít nhất ba bài đọc Cựu ước, nhưng không bao giờ được bỏ bài trích sách Xuất Hành chương 14. (x. SLR, trang 289-294, các số 20 đến 36).
11. Trong Canh thức Vượt Qua, nên nhấn mạnh sự kiện các tân tòng được rước lễ lần đầu
Trước khi đọc "Đây Chiên Thiên Chúa", chủ tế nên lưu ý các tân tòng về sự kiện lần đầu tiên họ được rước lễ, về tầm quan trọng của mầu nhiệm thật cao cả là chóp đỉnh của tiến trình gia nhập Kitô giáo, là trung tâm điểm của đời sống kitô hữu. Trong đêm Canh thức Vượt Qua này, mọi người có thể rước lễ dưới hai hình (Mình và Máu Thánh).
12. Những chỉ dẫn cho việc cử hành các thánh lễ ngày Chủ Nhật Phục Sinh
Các thánh lễ ngày Chủ Nhật Phục Sinh phải được cử hành hết sức trọng thể. Phải có đầy đủ các thừa tác viên phụng vụ và hát thật long trọng. Trong ngày này, thật thích hợp, thay vì nghi thức thống hối thường lệ đầu lễ, thì dùng hình thức rảy nước thánh đã được làm phép trong Đêm Canh thức Vượt Qua. Nên hát bài thánh ca Latinh Vidi aquam (Tôi đã thấy nước), hoặc một bài thánh ca khác có đặc tính nhắc nhớ đến Bí tích Thánh tẩy. Luôn đổ đầy nước thánh trong các bình đựng tại cửa ra vào nhà thờ. Vào chủ nhật Phục sinh, sau bài giảng, thay vì hát hoặc đọc Kinh Tin Kính, nên cho mọi người lặp lại lời tuyên hứa khi lãnh nhận bí tích Thánh tẩy. (x. SLR, trang 299, số 46)
13. Nến Phục sinh được đặt ở đâu trong Mùa Phục Sinh?
Nến phục sinh phải được đặt nơi xứng hợp hoặc bên cạnh giảng đài, hoặc bên cạnh bàn thờ và được thắp sáng ít nhất trong các cử hành phụng vụ trọng thể (Thánh lễ, Giờ Kinh Sáng hay Kinh Chiều) cho đến Lễ Hiện Xuống. Sau mùa Phục sinh, nến được lưu giữ cẩn trọng ở giếng Rửa tội, để khi cử hành Bí tích Thánh tẩy, các cây nến của các người được rửa tội sẽ được thắp sáng từ chính Nến Phục sinh. Khi cử hành thánh lễ An táng, nến Phục sinh được đặt cạnh quan tài để cho thấy sự hiện diện của Chúa Kitô, chiến thắng của Người trên tội lỗi và sự chết, và lời hứa được chia sẻ chiến thắng của Chúa Kitô vì là thành phần trong Thân Mình Người. Ngoài mùa Phục sinh, không đặt hoặc thắp nến phục sinh ở trên cung thánh.
ND
Nguồn: WHĐ
Thứ Sáu Tuần Thánh
(Ga 18,1-19,42)

Hôm nay, Giáo hội, Hiền Thê yêu dấu nhìn ngắm Chúa Giêsu vị Phu Quân của mình bị treo trên thập giá, chân tay đanh nhọn đâm thâu, cạnh sườn lưỡi đòng đâm thủng, máu cùng nước chảy ra làm cho Giáo hội nhớ đến ngày mình được sinh ra từ cạnh sườn Chúa, lúc Chúa ngủ trên Thánh Giá. Bởi theo thánh Ambrosiô, khi Ađam đang ngủ Thiên Chúa đã lấy xương sườn của ông để tạo dựng Evà, Giáo hội cũng được sinh ra từ Trái Tim bị đâm thủng của Chúa Giêsu khi ngài chết trên Thánh Giá, và Giáo hội mời gọi chúng ta tưởng nhớ tình yêu dâng trào ấy.
Chúa đã chết vì yêu
Thật không thể hiểu nổi Thiên Chúa yêu thương chúng ta biết chừng nào. Người đã yêu chúng ta bằng tình yêu vô bờ bến, tình yêu thương xót và thứ tha, khi phải mang trên mình những đau khổ vì tội lỗi chúng ta. Bài ca thứ tư của người Tôi Tớ Chúa được Isaia mô tả : « Người chẳng còn hình dáng, cũng chẳng còn sắc đẹp để chúng ta nhìn ngắm, không còn vẻ bên ngoài, để chúng ta yêu thích; bị người đời khinh dể như kẻ thấp hèn nhất, như kẻ đớn đau nhất, như kẻ bệnh hoạn, như một người bị che mặt và bị khinh dể, bởi đó, chúng ta không kể chi đến người.
Thật sự, người đã mang lấy sự đau yếu của chúng ta, người đã gánh lấy sự đau khổ của chúng ta. Mà chúng ta lại coi người như kẻ phong cùi, bị Thiên Chúa đánh phạt và làm cho nhuốc hổ. Nhưng người đã bị thương tích vì tội lỗi chúng ta, bị tan nát vì sự gian ác chúng ta. Người lãnh lấy hình phạt cho chúng ta được bình an, và bởi thương tích người mà chúng ta được chữa lành. Tất cả chúng ta lang thang như chiên cừu, mỗi người một ngả. Chúa đã chất trên người tội ác của tất cả chúng ta » (Is 53, 2-6).
Người ta nói rằng : nếu tất cả Thánh Kinh trên trái đất này bị hủy diệt bởi tai biến nào đó hay bởi một cơn thịnh nộ phá hủy các hình tượng tôn giáo và chỉ còn một bản Kinh Thánh, và bản còn lại đó cũng bị hư hại đến mức chỉ còn một trang, và nếu trang đó nhăn nheo đến độ chỉ còn một dòng có thể đọc được, và nếu dòng đó là thư thứ nhất của thánh Gioan viết "Thiên Chúa là Tình Yêu", thì coi như toàn bộ Thánh Kinh được khôi phục, bởi vì toàn bộ nội dung là ở đó. Mầu Nhiệm Thập Giá mà chúng ta cử hành là bằng chứng. Vì thế, khi suy tôn Thánh giá Chúa, kính nhớ Chúa chịu chết, chúng ta cảm nhận được sự thật rằng : "Thiên Chúa là Tình Yêu".
Thờ lạy Thánh Giá Chúa
Phần tiếp theo của nghi thức chiều nay là thờ lạy Thánh Giá, tiến xướng chúng ta hát : Lạy Chúa, chúng con tôn thờ Thánh Giá Chúa... vì nhờ gỗ này mà cả vũ trụ được hân hoan. Tại sao vậy ?
Với khí giới của riêng mình là cây Thánh Giá, Chúa Giêsu đã chiến thắng cách diệu kỳ. Người đã chiến thắng ma quỉ bằng phương cách do chính ma quỉ dùng để chiến thắng thế gian. Chúng ta thấy : Một người nữ, cây gỗ, sự chết, là những phương tiện và khí cụ làm con người thất bại. Người nữ ấy là Evà đã không còn biết đến Adam; cây trái cấm, và bản án tử hình đối với người đầu tiên. Một người nữ, cây gỗ, sự chết, là những phương tiện và khí cụ làm chúng ta thất bại đã trở nên phương tiện và khí cụ giúp chúng ta chiến thắng. Đức Maria đã thay thế Evà; gỗ thánh giá, gỗ của cây biết lành biết dữ ; sự chết của Chúa Giêsu Kitô, cái chết của Adam. Ma quỷ đã bị đánh bại bởi cùng một phương tiện mà nó đã chiến thắng. Ma quỉ đã dùng cây để quật ngã Adam, Chúa Giêsu Kitô đã dùng cây Thánh Giá để đánh bại quỉ ma. Cây trái cấm đã ném con người vào vực thẳm, nay gỗ Thánh Giá kéo con người lên. Cây đã làm cho con người mất đi tình thân nghĩa thiết với Thiên Chúa, tống con người vào ngục ; nay gỗ Thánh Giá tước lấy vũ khí của ma quỉ đã chiến thắng con người, giúp con người vượt qua trần thế. Cái chết của Adam đã kéo theo con cháu mình là kẻ sinh sau ông ; sự chết của Chúa Giêsu Kitô mang lại sự sống cho những kẻ sinh ra trước Người.
Nhờ những ân huệ và kỳ công từ cây Thập Giá, chúng ta đã từ cái chết đến cõi trường sinh. Thập Giá đã mang lại chiến thắng cho chúng ta; chúng ta hãy học để chiến thắng mà không phải chiến đấu, không phải dàn trận, vũ khí không dính máu, chúng ta không bị thương vong nhưng lại giành chiến thắng : Thiên Chúa chiến đấu, còn vương niệm chiến thắng chúng ta nhận.
Từ đó chiến thắng là của chúng ta, hãy để niềm vui dâng trào như những người lính, hát bài ca chiến thắng để ngợi khen Thiên Chúa: "Sự chết đã bị vùi trong toàn thắng. Tử thần hỡi, đắc thắng của ngươi đâu? Tử thần hỡi, nọc của ngươi đâu? "( 1Cr 15, 54-55).
Đây là những lợi ích mà chúng ta có được từ cây Thập Giá; Thánh Giá là cờ vua cả toàn thắng đã cứu chúng ta cho khỏi tay ma quỉ, là vũ khí chông lại tội lỗi, là thanh gươm sắc bén Chúa Giêsu dùng để chiến thắng con rắn xưa. Thánh Giá là ý Chúa Cha, là vinh quang của Chúa Con độc nhất, là chiến thắng của Thánh Thần Thiên Chúa, là niềm vinh dự của các thiên thần, là sự an toàn của Giáo hội, là bức tường thành của các vị thánh, niềm tự hào của thánh Phaolô, là ánh sáng chiếu soi trên toàn thế giới.
Thật vậy, để xua tan bóng tối của một ngôi nhà tăm tối, chúng ta thắp một ngọn nến hay nâng cao ngọn đuốc ; chính Chúa Giêsu Kitô đã thắp sáng và nâng cao cây thánh giá như một ngọn đuốc để xua tan bóng tối nhân gian. Thế giới khi nhìn xem Con Thiên Chúa chịu đóng đinh, rùng mình, trời đất động địa, đã vỡ ra ; nhưng trái tim của những người Do Thái, cứng hơn đá vẫn không động đậy. Các màn trong đền thờ bị xé ra; nhưng các âm mưu phạm tội vẫn không bị phá vỡ. Tại sao màn che bị xé ? Phải chăng đền thờ đau đớn khi chứng kiến cảnh Thiên Chúa bị giết bên ngoài trên bàn thờ Thập Giá; và khăn che trong đền thờ xé ra như muốn nói với mọi người rằng: sẽ có nhiều đền thờ trở nên hoang vắng và bị bỏ rơi.
Lạy Chúa, chúng con tôn thờ Thánh Giá Chúa. Xin Chúa cho chúng con khi nhìn lên Thánh Giá Chúa, biết khám phá ra rằng Thiên Chúa đã chết chỉ vì yêu, để chúng con biết yêu thương nhau hầu chứng tỏ rằng chúng con yêu Chúa, vì đó là cốt lõi của Đạo Chúa. Amen.
Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ

ĐÀNG THÁNH GIÁ
VÌ HÒA BÌNH
WHĐ (29.03.2015) – Tại Palermo, Italia, một buổi đi đàng Thánh giá để nói không với chiến tranh, với sự áp bức và những hình thức nô lệ mới, diễn ra vào Chúa nhật Lễ Lá 29-03. Theo sáng kiến ​​của Văn phòng Di dân của Tổng giáo phận Palermo, Đàng Thánh giá này được cử hành bằng 10 thứ tiếng, những người tham dự chủ yếu là những người di dân.
Là nơi giao thoa của nhiều dân tộc và các nền văn minh từ nhiều thế kỷ, thủ phủ của Sicilia muốn chứng tỏ rằng –qua sáng kiến ​​đa ngôn ngữ và đa sắc tộc này– người ta có thể sống chung một cách hoà bình. Ý cầu nguyện sẽ tập trung vào hoà bình giữa mọi người, giữa các dân tộc và các quốc gia. Theo ban tổ chức, hoà bình là điều có thể, nhưng cần phải được gìn giữ và củng cố. Điều này đòi hỏi phải nhìn nhận phẩm giá của mỗi người và loại bỏ phân biệt đối xử. Đặc biệt, cần có những hoạt động trong lĩnh vực thông tin, giáo dục và văn hóa để xây dựng một xã hội tự do và công bằng.
Còn Đàng Thánh giá do Đức Thánh Cha Phanxicô chủ sự tại Hí trường Coliseum vào tối thứ Sáu Tuần Thánh 03-04 sẽ đề cập đến những đau khổ trên thế giới, như án tử hình, bạo hành trẻ em, bất công và đàn áp các tín hữu. Toà Thánh Vatican đã ấn hành các bài suy niệm do Đức giám mục Renato Corti, nguyên giám mục giáo phận Novara, Italia, soạn theo lời mời của Đức Thánh Cha Phanxicô. Sợi dây xuyên suốt các bài suy niệm là tình Thiên Chúa yêu thương mọi người.
(Radio Vatican)
Minh Đức


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét