Thứ Hai, 12 tháng 8, 2013

MỪNG MẸ LÊN TRỜI - CHĂM SÓC Y TẾ CHO CÁC TRẺ EM MỒ CÔI
















 LÊN TRỜI VỚI MẸ
PM.  Cao Huy Hoàng
Nguồn: xuanbichvietnam.wordpress.com
Chúa không muốn Mẹ Maria chịu cảnh hư nát trong mồ, vì Mẹ đã sinh hạ Con Cha yêu quí là Đấng ban sự sống cho mọi loài. Mẹ Maria được Chúa đưa về trời.
Mẹ Maria được Chúa đưa về trời cả hồn lẫn xác minh quyết rằng Mẹ Maria Vô Nhiễm Tội Truyền. Thân xác Mẹ đúng là thân xác của Evà mới, Evà của kỷ nguyên mới, của trời mới, đất mới, của bà Mẹ tinh tuyền, bà Mẹ hoàn toàn thuộc về Thiên Chúa. Thân xác Mẹ xứng đáng là thân xác Ái Nữ của Thiên Chúa Cha, thân xác Hiền Mẫu Ngôi Chúa Con, và mãi xứng đáng là cung ngà điện ngọc của Chúa Thánh Thần. Nơi Mẹ, Ba Ngôi Thiên Chúa cùng ngự trị.
Quả thật, ý định do lòng thương xót của Thiên Chúa Cha được thực hiện bởi quyền phép Chúa Thánh Thần, và Ngôi Chúa Con đã nhập thể trong cung lòng Maria trinh nữ và ra đời làm người. Mẹ Maria đã cưu mang và sinh ra Đấng Cứu Thế cho nhân loại, và qua Chúa Giêsu Cứu Thế, con người được ơn phục hồi quyền làm nghĩa tử của Thiên Chúa. Việc ấy, đồng nghĩa với việc Mẹ Maria cũng đã sinh ra cho Thiên Chúa muôn ngàn con cái mới của Thiên Chúa trong triều đại Con của Mẹ, trong đó có mỗi chúng ta.
Tưởng cũng nên nhắc lại rằng thân xác của người Mẹ đã thai con trong tội là Evà của chương trình sáng tạo ban đầu, người đã bằng lòng làm nô lệ cho ma quỷ, chịu sự khống chế của nó để cả loài người đều phải sống trong thân xác hay hư nát, trong đó cũng lại có mỗi chúng ta. Hơn thế nữa, tâm trí chúng ta cũng bị ảnh hưởng tồi tệ đến nỗi luôn nghiêng chiều về những thực tại hay hư nát mà quên rằng chúng ta đã được cứu thoát nhờ Con Thiên Chúa, qua Mẹ Maria, Mẹ của Người.
Vì vậy, để được thoát khỏi cảnh hư nát trong mồ và xác loài người chúng ta được sống lại trong Nước Thiên Chúa, hẳn chúng ta phải biết chiến thắng những dục vọng hư hèn và luôn sống trong ơn nghĩa tử của Thiên Chúa, qua Đức Giêsu Ki-tô bằng cách noi gương các nhân đức của Mẹ và nhờ ơn Mẹ cầu bầu.
Mẹ lên trời cho chúng ta hình ảnh tương lai một Giáo Hội Chúa Kitô viên mãn trong Nước Thiên Chúa.
Nơi Mẹ về, không phải là một địa chỉ không gian cụ thể hay mơ hồ theo trí tưởng tượng của mỗi chúng ta, nhưng là một sự đoàn viên hoàn hảo trong gia đình của Thiên Chúa. Nơi gia đình ấy, có sự sống vĩnh cửu, có tình yêu tinh tuyền và hạnh phúc bất diệt. Mẹ là thụ tạo đầu tiên của Thiên Chúa đưa về nơi ấy cả hồn lẫn xác để củng cố cho mỗi tín hữu về một địa chỉ thường hằng của Thiên Chúa mà cũng là địa chỉ của mỗi người tin Chúa Kitô, con Mẹ.
Tín điều xác loài người sẽ sống lại mà chịu phán xét, kẻ lành lên Thiên đàng, kẻ dữ xuống hỏa ngục… cho ta biết thân xác của chúng ta sẽ được sống lại để chịu phán xét; và có được sống lại đời đời trong Nước Thiên Chúa không là tùy vào việc lành việc dữ mà ta đã thực hiện trên đường lữ hành dương thế.
Mẹ Maria lên trời cả hồn lẫn xác là hình ảnh tương lai của những kẻ lành trong Hội Thánh Chúa. Cuộc sống con người chỉ được viên mãn thực sự khi được sống trong sự sống vĩnh cửu của Thiên Chúa. Cuộc sống ấy đã bắt đầu ngay ở trần gian nầy. Cuộc sống trần gian của Mẹ Maria trở nên mẫu gương của mỗi chúng ta để chúng ta có được cuộc sống Thiên Quốc.
Để được về trời cùng Mẹ
Chúa cho Mẹ về trời, đồng nghĩa với việc Chúa cho chúng ta một cơ hội suy gẫm và bắt chước các nhân đức của Mẹ, để chúng ta cũng được về trời như Mẹ.
Cũng là loài thụ tạo, Mẹ luôn gần gũi với thân phận loài người chúng ta. Và chúng ta có quyền tin tưởng Mẹ Maria luôn cảm thông với chúng ta và luôn là niềm an ủi, niềm hy vọng cho chúng ta trên cuộc lữ hành trần thế.
Noi gương sống của Mẹ và sống với Mẹ Maria, mỗi người nên tâm đắc một nhân đức của Mẹ. Và khi tâm đắc, hãy noi gương Mẹ sống với nhân đức ấy, ắt sẽ đạt được các nhân đức khác cách lạ lùng, nhất là những người nữ, những người đã chọn Mẹ Maria làm bổn mạng.
Có nhiều người đã tâm đắc lời “xin vâng” của Mẹ Maria và họ quyết tâm noi gương Đức Mẹ mà xây dựng đức khiêm nhường trong lòng. Và khi học được đức khiêm nhường của mẹ, họ cũng tỏa ngát hương thơm của đức khiết tịnh, rồi đức yêu người… Họ đang âm thầm làm việc với tư cách là Mẹ trong các gia đình công giáo. Tưởng là không đáng kể, nhưng thật ra, họ đang làm đảo lộn cả thế giới bằng chính cuộc sống xin vâng khiêm nhường và yêu người của họ, bắt đầu từ chính gia đình họ. Mẹ Maria cũng đang âm thầm giúp đỡ họ chu toàn vai trò của người sinh ra cho Thiên Chúa những con người và sinh ra cho Thiên Chúa những tín hữu đạo đức. Họ là những bà mẹ công giáo đạo đức theo khuôn mẫu của Mẹ Thánh Maria.
Tôi muốn đề cập đến chi tiết nầy, vì lễ Mẹ Maria Hồn Xác Lên Trời, có thể nói là lễ bổn mạng của hầu hết các chị em phụ nữ trên thế giới. Tuy nhiên, cũng không thiếu những người nam thành tâm chạy đến với Mẹ ở Tàpao, ở Lavang, Trà Kiệu… hay ít là với Mẹ ở ngay giáo xứ mình. Họ xin Mẹ điều gì, nếu trước tiên không phải là xin noi gương sống của Mẹ để đẹp lòng Mẹ trước, và Mẹ sẽ nghe lời họ khấn xin mà chuyển cầu lên Thiên Chúa. Nhiều người vẫn được Mẹ ban ơn cách này cách khác, nhưng qua các ơn đã được, thiết tưởng phải nghiệm cho ra một ơn trọng là ơn bắt chước các nhân đức của Mẹ mà về trời với Mẹ.
Lạy Mẹ Maria, Chúa không muốn Mẹ chịu cảnh hư nát trong mồ, vì Mẹ đã sinh hạ Con Cha yêu quí là Đấng ban sự sống cho mọi loài. Vì thế Mẹ được Thiên Chúa đưa về trời, là khởi đầu, là hình ảnh của Hội Thánh viên mãn, là niềm an ủi và hy vọng tràn trề cho dân thánh trong cuộc lữ hành trần thế. Xin cho chúng con biết noi gương các nhân đức Mẹ mà sống với Chúa Giêsu con Mẹ, sống với Giáo Hội của Ngài, với niềm hy vọng sẽ được về trời hưởng tình yêu và hạnh phúc bất diệt trong Nước Thiên Chúa.
Lễ Ðức Maria Hồn Xác Lên Trời

Lễ Đức Mẹ Lên Trời: Thiên Chúa chiến thắng con rồng đỏ
Lm. Phêrô Nguyễn Văn Hương
Sứ điệp cho những ai yêu chuộng hòa bình

Phụng vụ của ngày đại lễ Mẹ Lên Trời giới thiệu với chúng ta hai hình ảnh nổi bật và đối lập nhau, được Sách Khải Huyền mô tả: đó là hình ảnh “con rồng đỏ” và “người phụ nữ”. Hai hình ảnh này nói với chúng ta điều gì? Chúng ta sẽ tập trung suy ý nghĩa của chúng trong ngày lễ hôm nay.

1. Hình ảnh con rồng đỏ

Trước hết là hình ảnh con rồng đỏ. Đối với văn hóa Việt Nam, con rồng là một linh vật bậc nhất trong bốn con vật quan trọng: long, ly, quy, phượng. Con rồng là biểu tượng của sức mạnh, của sự cao trọng và phú quý, đến từ thần linh. Người Việt tự coi mình là “con rồng, cháu tiên”. 

Nhưng đối với Kinh Thánh, rồng là một qoái vật, là sức mạnh của Ma quỷ. Sách Khải Huyền mô tả sự xuất hiện của nó với một sức mạnh khủng khiếp, sự ích kỷ tuyệt đối và bạo lực man rợ (cf. Kh 11,12.1-6a).
Khi đề cập về “con rồng đỏ” này vào thời mình, thánh Gioan muốn ám chỉ tới những quyền lực thuộc hoàng đế La mã, từ Nêron (37-68) đến Đômitianô (81-96) trong những thế kỷ đầu. Đó là những thế lực chống kitô giáo và bách hại Giáo Hội. Thế lực này xuất hiện như một “con rồng đỏ” có sức mạnh vô tận của quân đội, chính trị và tuyên truyền khắp đế quốc La mã lúc bấy giờ. Đối diện với một đế quốc hùng mạnh như thế, đức tin và Giáo Hội được ví như một người phụ nữ “chân yếu tay mền”, không vũ khí, và xem ra không có khả năng để sống sót, lại càng không có khả năng để chiến thắng. Con rồng đỏ này tỏ ra như làm được mọi sự và không ai có thể chống lại được sức mạnh của nó. 

Thế nhưng, cuối cùng, như chúng ta biết đó: “người phủ nữ yếu ớt” đó đã chiến thắng, không bằng sức mạnh của quyền lực, của quân sự, của súng đạn, của ích kỷ và thù hận, nhưng bằng tình yêu, sức mạnh và quyền năng Thiên Chúa. Đế quốc la mã “trở lại” và đón nhận đức tin kitô giáo. Nói như nhà văn Henryk Sienkiewicz trong cuốn tiểu thuyết lừng danh Quo vadis: Các hoàng đế La mã lần lượt ngã xuống và bị quên lãng, còn Phêrô và Giáo hội vẫn đứng lên và tồn tại mãi với thế giới.

“Con rồng đỏ” này không chỉ là hình ảnh của thế lực đế quốc chống kitô và bác hại Giáo Hội, nhưng nó cũng là biểu tượng của các thể chế độc độc tài vô thần, duy vật chất, phi nhân bản và duy quyền lực trong các thế hệ loài người. Chẳng hạn như chế độc tài Đức quốc xã và chế độ độc tài cộng sản Stalin ở Nga, vv... Một thời, các thể chế này có trong tay tất cả mọi quyền lực, khí giới và sức mạnh. Chúng xâm nhập khắp mọi nơi, đến tận góc cùng ngõ hẻm. Đức tin như đứa bé và Giáo hội như người phụ nữ yếu ướt xem ra không thể sống sót được trước bàn bay lông lá và sắt khí bạo tàn của họ. Nhưng lịch sử Châu Âu cho thấy chủ nghĩa cộng sản tan rã, bức tường Bá linh sụp đổ, “nước Nga trở lại và Trái Tim Mẹ toàn thắng”. Cuối cùng, Thiên Chúa đã chiến thắng, tình yêu mạnh hơn sự hận thù, bạo lực và ích kỷ con người!

Ngày hôm nay, “con rồng đỏ” đó vẫn còn xuất hiện trong những hình thù mới mẽ và khác biệt. Nó hiện nguyên hình trạng trong hình thức của các chủ nghĩa duy vật chất và vô thần; nơi một xã hội bị thống trị bởi một nền văn hóa tôn thờ vật chất, cá nhân chủ nghĩa và hưởng thụ ích kỷ và bất công; nơi một xã hội mà nhân quyền bị xúc phạm, tự do tôn giáo bị chà đạp vv… Con người chỉ nghĩ tới mình và thù địch Thiên Chúa. Sống trong môi trường đó, chúng ta thật khó khăn để nghĩ tới Thiên Chúa, để giữ các giới răn của Người. Đến lượt chúng ta, những người tin Chúa, trở thành “em bé” và “người phụ nữ” yếu ớt trước các thế lực của nó. Nhưng hãy can đảm, vững tin vào quyền năng của Thiên Chúa và hãy trở thành những người mang Chúa Kitô đến cho thế giới này.

2. Hình ảnh người phụ nữ

Hình ảnh thứ hai lôi kéo sự chú ý của chúng ta đó là hình ảnh của “người phụ nữ mặc áo mặt trời, chân đạp mặt trăng, đầu đội triều thiên mười hai ngôi sao” (Kh 11,19a). Hình ảnh này có nhiều ý nghĩa khác nhau. 

Theo các nhà chú giải kinh thánh, trước hết đó là hình ảnh về Đức Maria, Mẹ mặc áo mặt trời, có nghĩa là Mẹ mặc áo của Thiên Chúa, hoàn toàn của Thiên Chúa. Mẹ sống trong Thiên Chúa, hoàn toàn được bao phủ và thấm nhuần bởi ánh sáng Thiên Chúa. “Đầu đội triều thiên 12 ngôi sao” có nghĩa là Mẹ được bao quanh bởi mười hai chi tộc Israel, bởi tất cả Dân Thiên Chúa, bởi tất cả sự hiệp thông của các thánh. Và “chân đạp mặt trăng”, “trăng” thuộc về đêm tối, hình ảnh của sự chết và sự diệt vong, diễn tả Mẹ đã chiến thắng sự chết và sự diệt vong. Mẹ hoàn toàn được mặc áo sự sống, được lên trời cả hồn cả xác trong vinh quang của Thiên Chúa. Như thế, Mẹ được vinh quang sau khi vượt qua sự chết. Điều này nói với chúng ta rằng: hãy can đảm lên, đừng sợ, cuối cùng tình yêu sẽ chiến thắng! Hãy xác tín như Mẹ: cả đời con là “nữ tỳ của Thiên Chúa”, sự sống con là quà tặng cho mình, cho Thiên Chúa và cho tha nhân. Chúng ta hãy tin tưởng và hãy sống như thế để chống lại mọi thứ quấy rầy và sắc nhiễu của con rồng đỏ này.

Ý nghĩa thứ hai của hình ảnh “người phụ nữ” đó là biểu tượng Giáo Hội, một Giáo Hội đang lữ hành trên trần thế, một Giáo Hội có sứ mạng như người phụ nữ, một lần nữa, sinh cưu mang và sinh Chúa Kitô cho thế giới trong sự chuyển dạ và đau đớn, một Giáo Hội đau khổ và luôn luôn bị bách hại bởi con rồng đỏ. Nhưng Giáo Hội đó được nuôi dưỡng và sống nhờ Thiên Chúa qua Bí Tích Thánh Thể, qua sức mạnh của lời cầu nguyện và hiệp thông với nhau. Sự hiện diện của Thiên Chúa và lời cầu bầu của Đức Maria là bảo chứng để chống lại mọi thứ độc tài, hận thù và ích kỷ.

Như thế, mừng lễ Mẹ Lên Trời là lời gọi chúng ta tin vào tình yêu và quyền năng Thiên Chúa. Ngày hôm nay Thiên Chúa xem ra có vẻ yếu đuối, nhưng Thiên Chúa yếu đuối là Thiên Chúa sức mạnh. Và cũng là lời mời gọi chúng ta hãy bắt chước Đức Maria trong những gì Mẹ nói và Mẹ làm: Này tôi là nữ tỳ của Thiên Chúa, tôi xin làm theo sự sặp đặt của Người. 

Hãy bước theo con đường của Mẹ, đó là con đường sống hoàn toàn cho Thiên Chúa và cho tha nhân, là từ bỏ chính mình trong phục vụ anh em. Đó là con đường duy nhất đưa chúng ta tới hưởng hạnh phúc đích thực với Mẹ. 

Khi nhìn ngắm Mẹ được vinh hiển, chúng ta xác tín rằng: Thiên Chúa chiến thắng. Đức tin bé nhỏ lại là sức mạnh của thế giới. Tình yêu sẽ chiến thắng lòng thù hận. Và cùng với Bà Êlisabet, chúng ta hãy thốt lên rằng: Mẹ được chúc phúc giữa những người phụ nữ. Lạy Mẹ Maria, xin cầu cho chúng con là kẻ có tội khi này và trong giờ lâm tử, Amen!
Lễ Ðức Maria Hồn Xác Lên Trời

LỄ ĐỨC MẸ HỒN XÁC LÊN TRỜI
Gm Giuse Vũ Văn Thiên
Tên gọi của ngày lễ hôm nay nói lên một ân huệ rất đặc biệt mà Thiên Chúa dành cho Đức Maria. Đức Mẹ được về trời, không chỉ có phần linh hồn, nhưng cả thân xác nhân loại của Mẹ cũng được về trời. Điều đó có nghĩa là một con người trọn vẹn được cứu chuộc và tôn vinh. Ơn cứu chuộc nhờ công nghiệp của Đức Giêsu là ơn cứu chuộc dành cho con người toàn diện. Chúng ta hãy đọc lại tín điều được Đức Giáo Hoàng Pi-ô XII tuyên bố ngày 01-11-1950: “Chúng Tôi công bố, tuyên xưng và định tín giáo lý đã được Thiên Chúa mạc khải này: Đức Maria trọn đời đồng trinh, Mẹ vô nhiễm của Thiên Chúa, sau khi hoàn tất cuộc đời dương thế, đã được đưa lên trời hiển vinh cả hồn lẫn xác”. Thiên Chúa muốn cứu với con người cả hồn và xác. Đạo Chúa không chỉ chú ý tới phần hồn mà quên phần xác; không chỉ chú trọng tới tương lai mà quên hiện tại; không chỉ nhấn mạnh tới sự sống linh thiêng mà quên cuộc sống trần gian.
Ơn cứu độ cũng không chỉ dành riêng cho con người, mà còn dành cho cả vũ tru. Hình ảnh người phụ nữ được diễn tả trong sách Khải Huyền cho thấy Đức Maria là một người phụ nữ vũ trụ. Tác giả say sưa chiêm ngắm một người Phụ nữ kỳ lạ“mình mặc mặt trời, chân đạp mặt trăng, đầu đội triều thiên mười hai ngôi sao”. Giáo Hội Công giáo đã nhận ra chính là hình ảnh của Đức Maria, người Phụ nữ đã cộng tác với Thiên Chúa để sáng tạo một dân tộc mới trong Đức Giêsu Kitô. 12 ngôi sao tượng trưng cho 12 chi tộc của Israel mới, được tái tạo nhờ sự chết và sự phục sinh của Đức Giêsu. Như thế, cùng với Mẹ, cả một vũ trụ được canh tân tỏa sáng, đem lại niềm hân hoan cho những ai thuộc về Đức Giêsu. Mẹ Maria, một tín hữu suốt đời khiêm cung và tuân phục thánh ý Chúa, thì nay chính Chúa đã dùng cả vũ trụ mà trang điểm cho Mẹ. Mặt trời, mặt trăng, các vì tinh tú… đó là những vị thần linh đối với một số tín ngưỡng bình dân, nhờ sự can thiệp của Thiên Chúa, những gì mà nhiều người coi là thần linh nay chỉ là đồ trang sức của Mẹ.
Đức Mẹ đã làm gì để có thể được tôn vinh như vậy ? thưa, Mẹ đã cộng tác với công trình cứu chuộc của Chúa; Mẹ đã miệt mài loan báo tình thương của Ngài. Thánh Luca kể với chúng ta về một cuộc “lên đường” của Mẹ. Mẹ lên đường sau khi nhận lãnh sứ điệp từ trời. Mẹ lên đường cách vội vã để kể lại cho gia đình người chị họ là Bà Isave biết những điều kỳ diệu Thiên Chúa đã thực hiện nơi Mẹ. Có thể nói, suốt cuộc đời của Mẹ là một cuộc “lên đường”, luôn sẵn sàng và chu đáo, không so đo tính toán. Bài ca tôn vinh mà Mẹ cảm hứng cất lên tại nhà Bà Isave chính là điều Mẹ vẫn tâm niệm. Mẹ đã hòa cuộc đời mình vào niềm mong đợi của Israel. Mẹ đã cùng với cả dân tộc vui mừng trước biến cố Ngôi Lời nhập thể. Đây không còn là một biến cố chỉ dành riêng cho Mẹ, nhưng dành cho cả nhân loại, vì ơn cứu độ của Thiên Chúa được gửi đến cho mọi người và mọi tạo vật. Chính từ thái độ sẵn sàng lên đường của Đức Mẹ, mà hôm nay, Thiên Chúa đã dùng quyền năng của Ngài mà mời Mẹ tham dự một cuộc “lên đường” khác: Mẹ tiến vào thiên quốc trong tiếng reo vui của các thiên thần, cùng với cả nhân loại tung hô, với cả vũ trụ làm đồ trang sức.
Tuy vậy, cuộc đời của Mẹ không phải lúc nào cũng được êm ả an bình. Hình ảnh người Phụ nữ trong sách Khải Huyền bị Con Mãng Xà đe dọa và khủng bố cho ta thấy một Đức Maria phải đối diện với những thử thách, nhưng Mẹ luôn kiên vững và phó thác, ngay cả giờ phút thương đau dưới chân thập giá. Vâng, đó cũng là hình ảnh cuộc đời mỗi tín hữu chúng ta, cần phải noi gương Mẹ mà vươn lên mỗi ngày để trung tín với Chúa trong ơn gọi nên thánh.
Lễ Đức Mẹ linh hồn và xác lên trời đem lại cho chúng ta niềm vui và hy vọng. Bởi lẽ Đức Mẹ là thành phần nhân loại. Mẹ là một con người, mang nơi mình một thân xác như chúng ta, sống giữa cuộc đời trần thế như chúng ta, mà Mẹ đã được thưởng công và tôn vinh. Nếu chúng ta cố gắng sống như Mẹ, yêu mến và vâng phục như Mẹ, chúng ta cũng được về trời để cùng với Mẹ, với các thánh và toàn thể tạo vật tôn vinh Thiên Chúa.
Ngày lễ này cũng mời gọi chúng ta hãy yêu mến Giáo Hội vì mỗi chúng ta là thành phần, yêu mến cuộc sống hôm nay cùng với vũ trụ thiên nhiên xinh đẹp, vì muôn tạo vật sẽ được cứu thoát cùng với chúng ta, trong bài ca ngợi bất tận để tôn vinh Thiên Chúa trong hạnh phúc vĩnh cửu.
Lễ Ðức Maria Hồn Xác Lên Trời

Lễ Ðức Mẹ Hồn Xác Lên Trời
Nguon : NguoiTinHuu
Vào ngày 1 tháng Mười Một 1950, Ðức Giáo Hoàng Piô XII xác định sự Thăng Thiên của Ðức Maria là một tín điều: "Chúng tôi tuyên bố, bày tỏ và xác định đó là một tín điều được Thiên Chúa mặc khải, là đức vô nhiễm nguyên tội Mẹ Thiên Chúa, Ðức Trinh Nữ Maria, sau khi hoàn tất chu trình cuộc đời trần thế, đã được lên trời cả hồn và xác để hưởng vinh phúc trên thiên đàng." Ðức giáo hoàng tuyên bố tín điều này sau khi hội ý các giám mục, các thần học gia cũng như giáo dân. Rất ít người chống đối. Ðiều mà đức giáo hoàng long trọng tuyên bố thì đã có từ lâu trong lịch sử Giáo Hội Công Giáo.
Ngay từ thế kỷ thứ sáu, đã có các bài giảng về sự Thăng Thiên của Ðức Maria. Trong các thế kỷ tiếp đó, các Giáo Hội Ðông Phương kiên trì tin tưởng vào học thuyết này, trong khi một số học giả Tây Phương vẫn còn do dự. Tuy nhiên, vào thế kỷ 13 sự tin tưởng này đã trở thành phổ quát.
Kinh Thánh không nói gì về sự Thăng Thiên của Ðức Maria. Tuy nhiên, trong Khải Huyền chương 12, có nói về một người nữ bị vây hãm trong cuộc chiến giữa sự thiện và sự dữ. Nhiều người coi phụ nữ này tượng trưng cho dân Chúa. Vì Ðức Maria là hiện thân của cộng đồng Dân Chúa vừa trong Cựu Ước và Tân Ước, sự Thăng Thiên của ngài có thể coi như một thí dụ điển hình cho sự chiến thắng của người nữ. Ngoài ra, trong thư thứ nhất của Thánh Phaolô Tông Ðồ gửi tín hữu Côrintô 15:20, ngài nói về sự phục sinh của Ðức Kitô như hoa quả đầu mùa của những kẻ còn mê ngủ. Vì Ðức Maria liên hệ rất mật thiết với các mầu nhiệm cuộc đời Ðức Giêsu, nên không ngạc nhiên khi thấy Chúa Thánh Thần đã hướng dẫn Giáo Hội để tin tưởng rằng Ðức Maria cũng được chia sẻ sự vinh hiển với Chúa Giêsu. Ở trần thế, Ðức Maria được gần gũi với Chúa Giêsu như thế nào thì ở trên trời ngài cũng phải được ở với Chúa cả hồn lẫn xác.
Lời Bàn
Trong ý nghĩa ngày lễ Ðức Mẹ Hồn Xác Lên Trời, chúng ta dễ nhận ra một ý nghĩa mới trong kinh Magnificat. Trong sự vinh hiển, ngài tuyên xưng sự cao cả của Thiên Chúa và tìm thấy niềm vui trong Ðấng Cứu Chuộc của ngài. Thiên Chúa đã làm những điều trọng đại cho Ðức Maria và ngài giúp người khác nhận biết sự thánh thiện của Thiên Chúa. Ngài là nữ tì hèn mọn rất mực tôn kính Thiên Chúa và đã được tôn vinh lên bậc cao cả. Từ vị thế uy quyền của Ðức Maria, ngài sẽ giúp những người hèn mọn và nghèo khổ tìm thấy sự công chính nơi trần thế, và ngài khuyên bảo những người giầu có và quyền thế đừng coi tiền của và thế lực như nguồn hạnh phúc.
Lễ Ðức Maria Hồn Xác Lên Trời

Đức Mẹ hồn xác lên trời, niềm hy vọng của chúng ta
Lm Nguyễn Hữu Thy
Thường xuyên bị đe dọa, sống bất an, đầy khắc khoải lo sợ và nổi loạn, v.v…là điểm nhận diện của thời đại tân tiến ngày nay. Nhưng không chỉ những người sống «giữa chợ đời» đen bạc mới phải đối mặt với những nghịch cảnh trớ trêu như thế, chính Giáo Hội càng bị gian nan thử thách và càng phải truân chiên đau khổ nhiều hơn. Những tranh đấu vật lộn với các nghịch cảnh của cuộc sống – trong chính nội tâm cũng như ngoại cảnh – đã làm cho không ít tín hữu phải nghi nan nản lòng. Vì thế, nhiều người đã băn khoăn tự hỏi: Trong một thời đại đầy nhiễu nhương, hỗn loạn và vàng thau lẫn lộn như thời đại hôm nay, liệu rồi đây Giáo Hội sẽ ra sao và sẽ đi về đâu?
Trong ngày Lễ Đức Mẹ Lên Trời hôm nay, qua Kinh Nhập Lễ và qua Bài Đọc Sách Khải Huyền (đoạn 12), Giáo Hội đã trình bày cho chúng ta một hình ảnh sống động, đầy tính cách bi đát, gian nan, nhưng đồng thời cũng đầy hy vọng, mà Thiên Chúa đã mặc khải cho thánh sử Gioan qua các thị kiến.
Vị Thánh sử nhìn thấy một Người Nữ đang mang thai: Người Bà khoác áo mặt trời sáng láng, chân đạp mặt trăng và đầu đội mười hai ngôi sao rực rỡ, và con rắn mãng xà gian ác, hay con rồng đỏ như lửa, đang chực sẵn để nuốt sống đứa con khi Người Nữ vừa sinh ra.
Hình ảnh Người Nữ xinh đẹp và cao sang huyền nhiệm ấy được hiểu là Dân Chúa trong Giáo Ước Cũ cũng như trong Giáo Ước Mới, và đang bị con rồng đỏ khổng lồ hăm he đe dọa, biểu tượng của quyền lực tối tăm bất hạnh và của ma quỷ đầy gian ác.
Nhưng ở đây, lại một câu hỏi khác được đặt ra là tại sao đoạn Sách Thánh này lại được trích đọc trong ngày Lễ Đức Mẹ Lên Trời hôm nay?
Bởi vì, các phẩm chất cao cả thánh thiện của Người Nữ huyền nhiệm này, tức Giáo Hội Đức Kitô, cũng được hiểu về Mẹ Maria. Vâng, trong Mẹ Maria, thời kỳ «mang thai» ơn cứu độ, tức niềm khắc khoải mong đợi sự xuất hiện của Đấng Thiên Sai, mà Thiên Chúa đã hứa ban trong Cựu Ước, đã được hiện thực một cách cụ thể. Với tư cách là thành viên của đại gia đình nhân loại, Mẹ đã sinh hạ Đấng Thiên Sai và do đó Mẹ là Đấng Trung Gian chuyển cầu cho toàn thể con cái loài người trước tòa Chúa Giêsu, Con Mẹ. Chính trong ý nghĩa lưỡng diện này của hình ảnh Người Nữ huyền nhiệm, tức Giáo Hội và Mẹ Maria, thị kiến của thánh Gioan quả thực mang một ý nghĩa hoàn toàn đặc biệt cho hoàn cảnh sống thực tế của chúng ta: Tuy phải gian nan nguy khó, nhưng với sự trợ lực quyền năng của ơn Thiên Chúa, chúng ta sẽ chiến thắng được mọi cám dỗ và mọi nghịch cảnh.
Ngày nay hơn bao giờ hết, Giáo Hội đang phải đối mặt với mọi đe dọa và thách đố to lớn đến từ mọi phía, từ trong cũng như từ ngoài Giáo Hội. Nhưng dĩ nhiên, đó không phải là một điều mới mẽ. Chúng ta biết rằng suốt dòng lịch sử của Giáo Hội, từ buổi đầu khai sinh cho tới hôm nay và còn tiếp tục trong tương lai, những đe dọa, bắt bớ và những đàn áp khốc liệt - đến tưởng chừng như Giáo Hội đang đứng trước một sự tiêu diệt khó tránh khỏi, tuyệt đối không còn bất cứ hy vọng sống còn nào nữa - luôn gắn liền với đời sống Giáo Hội. Chúng ta chỉ cần nhớ lại những cuộc đàn áp khủng khiếp vào thời các Kitô hữu tiên khởi - ở Giêrusalem, ở đế quốc Roma, ở Việt Nam, v.v…- những cuộc di tản khổng lồ của các dân tộc, thời kỳ xảy ra cảnh những «ngụy Giáo Hoàng», thời kỳ cải cách, thời kỳ chiến tranh huynh đệ tương tàn xì-căng-đan giữa các giáo phái của đại gia đình Kitô giáo.
Qua hình ảnh được mặc khải cho ông về Người Nữ bị con rồng đỏ ngăm nghe đe dọa, thánh Gioan đã nhìn thấy được những đe dọa, những thử thách gian nan này trước đây hai ngàn năm. Vì thế người ta không vô căn cứ khi sử dụng cụm từ «Giáo Hội chiến đấu» để nói về Giáo Hội Đức Kitô tại thế.
Vậy, hình ảnh «Người Nữ» trong Sách Khải Huyền đã làm cho chúng ta hiểu rõ được ý nghĩa lưỡng diện:
Một đàng, mãi cho đến ngày thế mạt, Giáo Hội luôn phải đối mặt với mọi gian nguy thử thách – từ trong cũng như từ ngoài Giáo Hội – nhưng một đàng khác, quỷ dữ Satan và thuộc hạ gian ác của nó sẽ không thể chiến thắng hay loại bỏ được Giáo Hội. Và hình ảnh này đã được hiện thực một cách cụ thể nơi con người Mẹ Maria.
Vâng, cũng như Mẹ Maria đã được rước về trời cả hồn lẫn xác, Giáo Hội chắc chắn cũng sẽ từ một «Giáo Hội chiến đấu» trở thành một «Giáo Hội khải hoàn» trong ngày thế mạt. Còn hình ảnh Người Nữ trong sự huy hoàng sáng láng của Bà không gì khác hơn là dấu chỉ của một sự chiến thắng vinh quang. Thánh Gioan đã nhìn thấy Người Nữ xuất hiện trên bầu trời. Và đối với thánh nhân, bầu trời không gì khác hơn là một bức phông trải rộng đến vô biên và trên đó hình ảnh Người Nữ huyền nhiệm và yêu kiều sẽ được vẽ lên.
Vì thế, ngay cả trong nhiều nhà thờ tân kỳ ngày nay, người ta vẫn còn tìm gặp được hình ảnh Người Nữ huyền nhiệm ấy. Ví dụ: tại cửa chính nhà thờ «Maria-Regina-Martyrium-Kirche» - Đức Maria, Nữ Vương các Thánh Tử Đạo, ở Berlin, thủ đô Đức quốc, khi vừa bước chân vào nhà thờ, người ta đã nhìn thấy trên bức tường khổng lồ của nhà thờ được vẽ một bức tranh đầy ấn tượng: Sau tất cả mọi lo âu sợ hãi, mọi đe dọa hiểm nguy và những trận chiến đấu căm go của kiếp sống gian trần, chúng ta – toàn thể Giáo Hội - sẽ tìm gặp được nơi Mẹ Maria niềm hy vọng: Được một chỗ cư ngụ tuyệt đối yên hàn hạnh phúc bên Thiên Chúa. Vâng, đó chính là mục đích cuộc hành trình dương thế đầy thử thách vất vả của chúng ta.
Dấu chỉ đó, tức Người Nữ huyền nhiệm, là sao mai, là định tinh, là ngôi sao không không hoán vị, luôn chiếu sáng cả bầu trời hy vọng. Cũng như những người vượt biển luôn tìm kiếm những ngôi sao không hoán vị để có thể tìm được hướng đi và cũng như những nhà chiêm tinh phải nhờ vào những định tinh để tìm ra được những vị trí của trái đất, chúng ta cũng cần phải định hướng đời chúng ta theo dấu chỉ Người Nữ huyền nhiệm và bước theo.
Tiếp đến, chúng ta cũng được kêu mời dấn thân nhờ vào dấu chỉ Người Nữ huyền nhiệm. Cụ thể, nếu ngày nay chúng ta không bao giờ thất vọng nản chí ngã lòng và buông xuôi, nhưng luôn biết can đảm tranh đấu cho công bình bác ái, cho Giáo Hội, cho Nước Chúa giữa trần gian, thì chúng ta chắc chắn sẽ được đền bù một cách sung mãn ngoài sự mong đợi, như lời Sách khải Huyền đã công bố: «Thiên Chúa chúng ta thờ, giờ đây ban ơn cứu độ, giờ đây biểu dương uy lực với vương quyền, và Đức Kitô của Người giờ đây cũng biểu dương quyền bính, vì kẻ tố cáo anh em của ta, ngày đêm tố cáo họ trước toà Thiên Chúa, nay bị tống cổ ra ngoài. Họ đã thắng được nó nhờ máu Con Chiên và nhờ lời họ làm chứng về Đức Kitô: Họ coi thường tính mạng, sẵn sàng chịu chết. Nào Thiên Quốc cùng chư vị ở chốn Thiên đình, hãy vì đó mà mừng vui hoan hỷ!» (Kh 12,10-12).


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét