Thứ Tư, 28 tháng 3, 2018

THÁNH LỄ LÀM PHÉP DẦU TẠI NT. HÒA BÌNH GP. HƯNG HOÁ - TM Thứ Năm Tuần Thánh Năm B
































THỨ NĂM & SÁU TUẦN THÁNH

RỬA CHÂN


Các Bài Suy Niệm Thứ Năm Tuần Thánh Năm B
Cập nhật lúc 18:08 27/03/2018
Suy niệm 1
Người đã yêu thương họ đến cùng
--------------------------------------
Hôm nay chúng ta cử hành bữa Tiệc Ly. Tại bữa tiệc này Chúa Giêsu thiết lập bí tích Thánh Thể và đặt các tông đồ làm thừa tác viên cho bí tích này và tất cả các bí tích khác. Cuối cùng Chúa rửa chân cho các ông.
Chúa rửa chân cho các ông. Đó là một cử chỉ làm các ông ngỡ ngàng. Chính Phêrô là người đầu tiên nói lên sự ngỡ ngàng đó: “Thưa Thầy, Thầy mà lại rửa chân cho con sao?”. Phêrô không hiểu và từ chối vì nghĩ rằng Chúa Giêsu không có thể hạ mình xuống với một hành động như vậy. Chắc chúng ta không quên, Phêrô đã một lần trả lời Chúa Giêsu rằng: “Thầy là Đức Kitô, là Đấng Mesia, Con Thiên Chúa Hằng Sống”.
Phêrô không muốn Chúa Giêsu rửa chân cho mình: “Thầy mà lại rửa chân cho con, không đời nào con chịu đâu!” Phêro nghĩ đó là điều bất xứng.
Phêrô chỉ để cho Chúa rửa chân khi lời Chúa mở trái tim ông: “Nếu Thầy không rửa chân cho anh, anh sẽ chẳng được chung phần với Thầy”.
Lẽ đương nhiên, tác giả bài Tin Mừng hôm nay không có ý định mô tả việc rửa chân theo thói quen của người Dothái. Chắc chắn chúng ta hiểu được ý nghĩa này: Chúa Giêsu hạ mình xuống như vậy chứng tỏ Người là một người phục vụ đến cùng. Chúa rửa chân cho các tông đồ nhưng chính là Chúa thánh hóa các ông, làm cho các ông nên sạch: “Xin thánh hóa họ trong sự thật”.
Chúng ta biết rằng chúng ta không thể tẩy sạch chính chúng ta, nhưng nhờ ơn Thiên Chúa. Lời Thánh Vịnh nói: “Lạy Chúa, xin rửa con sạch hết lỗi lầm, và thanh tẩy con sạch lâng tội ác”. Khi Thánh Phaolô nói: anh em đã mặc lấy Chúa Kitô, ngài có ý nói rằng: anh em đã được đầy tràn Chúa Kitô, anh em đã được thanh tẩy trong Chúa Kitô.
Nhưng điều quan trọng Rửa Chân là một cử chỉ yêu thương và tha thứ.
Đây là giới răn mới Chúa Giêsu ban cho các tông đồ: “Nếu Thầy là Chúa và là Thầy mà còn rửa chân cho anh em, thì anh em cũng phải rửa chân cho nhau. Vì Thầy làm gương cho anh em để anh em cũng bắt chước mà làm như Thầy đã làm cho các con”.
Vấn đề không phải đơn giản là làm điều tốt cho anh em. Giới răn mà Chúa gửi đến các tông đồ chỉ được hiểu rõ, nếu biết liên kết với diễn biến trước đó trong bữa tiệc ly. Chúa báo trước chỉ một vài giờ nữa sự việc sẽ xẩy đến: hy lễ trọn vẹn, trao ban sự sống cho toàn thể nhân loại ngay từ lúc tạo thành vũ trụ cho đến ngày tận thế. Rửa chân là dấu chỉ tình yêu nối kết lại với các tông đồ, thánh hóa các ông và làm cho các ông xứng đáng hoàn thành lễ hy sinh cao cả của Chúa Kitô trên bước đường theo Ngài.
Cần phải đặt song song hai mệnh lệnh Chúa truyền cho các tông đồ: “Hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy” và: “anh em cũng làm như Thầy đã làm cho anh em”.
Lòng thương xót của Chúa cũng làm cho các tông đồ trở thành thừa tác viên tha thứ tội lỗi. Chúng ta biết rõ trong bí tích Hòa Giải, chính Chúa Giêsu đến rửa chân cho các tông đồ và làm cho họ tràn ngập tình thương xót của Người.
Tất cả những điều đó làm chúng ta thấy rõ mối liên kết không thể tách rời mà chúng ta cử hành hôm nay. Mừng Mầu Nhiệm Chúa Giêsu lập Phép Thánh Thể trao ban sự sống:
Rửa chân cho các môn đệ vừa mặc khải sự hạ mình, lại vừa mặc khải quyền năng vô biên của Chúa Kitô. Chúa hạ mình xuống không phải vì Ngài muốn khiêm nhường, nhưng là vì yêu mà Ngài hạ mình xuống và chấp nhận mọi giá. Chúa mặc khải quyền năng vô biên của Ngài không phải để chúng ta khiếp sợ, nhưng cũng chỉ vì yêu chúng ta. Chúng ta thấy rõ khi cử hành các bí tích, có nước, bánh, rượu, dầu: đó là dấu chỉ sự nghèo khó đơn sơ nhưng cũng là sự quảng đại vô biên của ân ban Thiên Chúa. Quyền năng Thiên Chúa là quyền năng Tình Yêu Nhập Thể nối kết với mỗi người chúng ta. Và cũng chỉ quyền năng đó mới có thể thanh tấy chúng ta và làm cho chúng ta xứng đáng lãnh nhận ân ban của Thiên Chúa.
Vì thế, Thánh Thể là một công việc của Thiên Chúa được thực hiện qua tay một con người nghèo hèn tội lỗi, nhưng được Chúa Kitô mời gọi để hành động thay cho Ngài và nhân danh Ngài. Bởi vì chúng ta đều là người yếu đuối như Phêrô đã nói:”Thưa Thầy, đừng bao giờ Thầy rửa chân cho con”.
“Đừng bao giờ Thầy rửa chân cho con”. Đó cũng có thể là sự kiêu ngạo của con người, nếu chúng ta không biết ơn lòng nhân hậu từ bi của Thiên Chúa, tình yêu biếu không của Ngài làm cho chúng ta được sống. Sau khi Chúa sống lại, Phêrô mới có thể nói: “Lạy Thầy, Thầy biết mọi sự, Thầy biết rõ con yêu mến Thầy”. Còn hôm nay, ông chỉ biết đêm kinh hoàng cuộc khổ nạn trao nộp Thầy mà thôi. Chỉ có cái nhìn yêu thương của Chúa Giêsu, mới có thể nâng đỡ ông dậy.
Thánh Thể và các bí tích khác, chính là sự hạ mình của Chúa Giêsu. Hạ mình vì yêu để làm cho chúng ta trở nên giống Ngài và sống nhờ Ngài.
Lạy Chúa, chúng con xin hết lòng tạ ơn Chúa vì Chúa quảng đại với chúng con. Amen!
 
Lm. Gioan Đặng Văn Nghĩa

======================
Suy niệm 2
ĐỈNH CAO CỦA MẦU NHIỆM CỨU ĐỘ LÀ TÌNH YÊU
(Ga 13, 1 – 15)
Trong cuộc sống, nơi các gia đình, nhất là văn phong của Việt Nam, chúng ta rất coi trọng bữa ăn. Nơi bữa ăn, niềm vui, nỗi buồn, thành công hay thất bại, thường hay được chia sẻ. Có những bữa ăn để chia tay; có những bữa ăn để lên đường. Chia tay hoặc lên đường thường hay để lại nhiều kỷ niệm nơi người đi và kẻ ở!
Hôm nay, Đức Giêsu quy tụ các Tông đồ là những người thân tín với Ngài trong suốt chặng đường rong ruổi loan báo Tin Mừng. Ngài quy tụ họ, để trao lại cho họ một tặng phẩm thần linh là Bí tích Thánh Thể và truyền cho các ông hãy làm việc này mà tưởng nhớ đến Ngài. Qua đó, như một sự hiện hữu sau khi chết, để khi còn sống, Đức Giêsu ở cùng với các ông thế nào, thì ít ngày nữa thôi, Ngài cũng hiện diện và ở lại với các ông cách vô hình nhưng trọn vẹn nơi Bí tích cao trọng là chính Thánh Thể Ngài. Mặt khác, qua bữa tiệc này, phần cuối cùng của bữa tiệc, Đức Giêsu hành động và trăng trối những lời tâm huyết để xây dựng cộng đoàn Giáo Hội đó là: 
“Luật yêu thương”.
1. Một tặng phẩm cao quý được trao tặng
Nếu trong cuộc sống, hai người yêu nhau, họ thường có những lời lẽ chân tình, ấm áp để thể hiện tình yêu của mình cho người mình yêu. Khi đi xa, người ta hay trao tặng cho nhau những kỷ vật trân quý, để dù xa mặt chứ lòng thì không. Qua món quà đó, với người đón nhận thì tặng vật đó không chỉ đơn thuần là một kỷ niệm, nhưng nó còn là sự hiện hữu của chính người tặng quà.
Cũng vậy, khi Đức Giêsu biết 
“giờ” của mình sắp trở về với Thiên Chúa Cha, nên Ngài đã yêu thương họ đến cùng khi trao ban chính thân mình làm của nuôi sống môn sinh.
Chiều hôm nay, chúng ta kỷ niệm việc Đức Giêsu lập Bí tích Thánh Thể. Đây là Bí tích cao trọng nhất trong 7 Bí tích. Cao trọng bởi vì qua Bí tích này, Đức Giêsu hiến dâng thân mình làm của ăn của uống để nuôi sống nhân loại và ở cùng chúng ta mọi ngày cho đến tận thế. Ngài yêu thương và yêu hết mình. Yêu đến nỗi bằng lòng chịu chết để miễn sao người mình yêu được hạnh phúc.
Thật vậy, Ngài đã trao ban chính Thân Mình làm bảo vật, để mỗi khi các Tông đồ cũng như những người tin, cử hành và tưởng nhớ, thì Ngài hiện diện cách trực tiếp nơi mầu nhiệm cử hành. Khi đó, Đức Giêsu trở nên đồng hình đồng dạng với người đón nhận, để từ đây, trong ta có Chúa và trong Chúa có ta. Ôi, còn gì cao quý và hạnh phúc cho bằng ta được thông phần vào bản tính Thiên Chúa với Đấng là Thiên Chúa nhưng lại chia sẻ thân phận con người với chúng ta!
Lời cầu nguyện của Đức Giêsu với Chúa Cha làm toát lên đặc tính kỳ diệu này
:“... như, lạy Cha, Cha ở trong con và con ở trong Cha để họ cũng ở trong chúng ta. Như vậy, thế gian sẽ tin rằng Cha đã sai con” (Ga 17,21). Giáo Hội tiếp diễn ý nghĩa hiệp thông với mọi thành phần khi đã liên kết với Đức Giêsu, qua Kinh Tiền Tụng Thánh Thể: “Chúng con nài xin Chúa cho chúng con khi thông phần Mình và Máu Đức Kitô, được quy tụ nên một nhờ Chúa Thánh Thần”. 
Qua Bí tích này, mỗi người được hiệp thông trọn vẹn với Thiên Chúa thông qua bản thể Đức Giêsu trong Bí tích Thánh Thể, đồng thời cũng được liên kết chặt chẽ với nhau trong cùng một thân thể.
2. Một dấu tích sống động được tiếp diễn
Sau khi Chúa Giêsu thiết lập Bí tích Thánh Thể, ngài đã thiết lập Bí tích Truyền Chức liền sau đó như một sự liên hệ, liền mạch và mật thiết với nhau. Đúng thế, không thể có Thánh Thể nếu không có người cử hành Thánh Thể. Vì thế, Đức Giêsu đã trao ban thừa tác vụ đặc biệt cho các Tông đồ, để sau này, các ông sẽ đảm trách những việc làm như Đức Giêsu vừa làm cho đến ngày tận thế.
Thoạt mới nghe, chúng ta dễ tưởng lầm là Bí tích này chỉ có liên hệ hay dành riêng cho các linh mục? Nhưng không! Bí tích này liên hệ chặt chẽ với cộng đoàn, bởi vì Bí tích này thuộc về nhóm Bí tích xây dựng cộng đoàn.
Thật thế, chức vụ linh mục không phải cho bản thân mình, vì các ngài không thể tha tội cho mình, các ngài cũng không thể ban phát các Bí tích cho mình. Vì thế, linh mục là của mọi người, cho mọi người và vì mọi người.
Nếu Đức Giêsu trước kia đã đến để cho con chiên được sống dồi dào, thì ngày nay các linh mục cũng được trao ban trách vụ như thế. Ôi huyền nhiệm và cao quý vô lường! Qua Bí tích Truyền Chức, Đức Giêsu hiện diện cách trực tiếp khi các linh mục cử hành phụng vụ trong vai trò đại diện cho Đức Giêsu là Đầu của thân thể. Và, như thế, mỗi người chúng ta luôn được các ngài chăm sóc, nên không bị rơi vào tình cảnh bơ vơ, mồ côi vì không người chăn dắt. Các ngài sẽ thay mặt Chúa, thi hành việc của Chúa trong vai trò lãnh đạo, phục vụ và thánh hóa vì tình yêu.
3. Một lời trăng trối tâm huyết muôn đời nhớ mãi
Cũng chiều hôm nay, mỗi chúng ta quây quần nơi đây, để nghe đọc lại di ngôn và lệnh truyền của Đức Giêsu về tình yêu. Lệnh truyền này mang tính cấp bách và quan trọng. Vì thế, đòi hỏi người môn đệ một sự bất khả từ, bởi lẽ, đây là điểm sáng, là cốt lõi, là bản chất thiết yếu của người mang danh Đức Kitô trong mình.
Thật vậy, Đức Giêsu không chỉ trao ban chính Thân Mình để nuôi sống nhân loại, mà Ngài còn dạy cho các Tông đồ bài học về tình yêu, để đưa các ông vào quỹ đạo của chính Ngài là 
“yêu và yêu đến cùng”.
Ngài nói: 
“Thầy ban cho anh em một điều răn mới là anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em” (Ga 13, 34). Yêu như Thầy là yêu như thế nào? Thưa yêu như Thầy chính là trở thành người tôi tớ phục vụ, là chấp nhận chết cho người khác được sống. Không những dạy các ông bằng lời, mà Ngài còn làm gương cho các ông noi theo. Vì thế, ngay lập tức, Ngài đứng lên, cởi áo choàng, thắt lưng, lấy nước rửa chân cho từng Tông đồ trước sự ngỡ ngàng của các ông. Ngỡ ngàng là phải, vì hành vi rửa chân là việc làm của người nô lệ dành cho ông chủ. Nhưng hôm nay, Đức Giêsu đã làm đảo lộn vai trò và vị trí khi tự làm những việc dành cho người hầu hạ, và các Tông đồ trở nên những ông chủ.
Sau khi đã rửa chân cho các ông, Đức Giêsu nói tiếp: 
“Vậy, nếu Thầy là Chúa, là Thầy, mà còn rửa chân cho anh em, thì anh em cũng phải rửa chân cho nhau. Thầy đã nêu gương cho anh em, để anh em cũng làm như Thầy đã làm cho anh em” (Ga 13, 14-15). Qua hành động rửa chân cho các Tông đồ, Đức Giêsu để lại cho các ông bài học về đức khiêm nhường và phục vụ. Tuy nhiên, để thực hiện được hai nhân đức này thì cần phải có tình yêu làm động lực.
Tình yêu thương được hiện lên như một ngọn hải đăng giữa biển khơi tăm tối, giúp cho mọi người nhận ra đường để đi và đi đến nơi an toàn. Vì thế Đức Giêsu đã dạy cho các ông biết trước viễn cảnh trong tương lai khi nói: 
“... mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy: là anh em có lòng yêu thương nhau" (Ga 13, 35).
4. Sống linh đạo Thánh Thể và thực hiện lời trăn trối của Đức Giêsu
Thánh Phaolô nói: 
“Thật vậy, cho tới ngày Chúa đến, mỗi lần ăn Bánh và uống Chén này, là anh em loan truyền Chúa đã chịu chết”  (1 Cr 11, 26).
Là người kitô hữu, chúng ta tin Chúa, yêu Chúa và đều mong muốn được ơn cứu độ, thì không có lẽ gì chúng ta không sống linh đạo Bí tích này.
Nếu muôn ngàn hạt lúa kết thành tấm bánh, bao trái nho ép thành chén rượu, tượng trưng cho sự hiệp nhất của con cái Chúa, thì mỗi người chúng ta cũng phải hiệp nhất với nhau như vậy.
Muốn được như thế, tinh thần sống mầu nhiệm tự hủy của hạt lúa, trái nho luôn mời gọi và thôi thúc chúng ta thi hành.
Trong đời sống gia đình, người chồng phải là người chồng mẫu mực, sẵn sàng hy sinh gánh vác vì tình yêu với vợ và các con. Người vợ hãy hết lòng lo cho con cái, chăm lo cho chồng và con tử tế. Con cái biết ngoan ngoãn nghe lời cha mẹ... Làm được như thế, ấy là chúng ta đang thực hiện di ngôn của Đức Giêsu trong tinh thần hy sinh và phục vụ.
Nếu không yêu thương nhau, thì chẳng khác chi hạt lúa mì trơ trọi một mình, không sinh hoa trái. Nhưng yêu thương những người lân cận với mình thôi thì chưa đủ, mà phải yêu thương hết mọi người như Đức Giêsu đã yêu. Ngài đã không loại trừ Giuđa là kẻ rồi đây sẽ bán mình; không bỏ lại Phêrô là người sẽ thề sống thề chết không biết mình; không lên án và trách móc những người hại mình, mà: 
“Lạy Chúa, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm” (Lc 23, 34)
Mong sao sứ điệp Lời Chúa hôm nay luôn ở bên tai, qua hành động và trong trái tim của chúng ta, để chúng ta yêu và yêu không giới hạn như Đức Giêsu.
Lạy Chúa Giêsu, chúng con xin tạ ơn Chúa đã để lại cho chúng con Bí tích kỳ diệu là chính Thánh Thể Chúa làm của ăn của uống cho mỗi chúng con. Xin cho chúng con biết yêu mến, tin tưởng và mau mắn loan truyền cho tới khi Chúa đến trong vinh quang. Xin cũng cho mọi suy nghĩ và hành động của chúng con được tình yêu làm căn cốt và thúc đẩy, để như Chúa, chúng con yêu rồi mới làm. Amen.
 
Tu sĩ: Jos. Vinc. Ngọc Biển, S.S.P.

====================== 
Suy niệm 3
Hãy Rửa Chân Cho Nhau
(Ga 13, 1 - 15) 
Hôm nay Thứ Năm Tuần Thánh, chúng ta kỷ niệm ngày đầu tiên trong Lịch sử, ngày Đức Giêsu Kitô Chúa chúng ta cùng với các môn đệ cử hành lễ Vượt Qua. Người đã kiện toàn Lễ Vượt Qua của Giao Ước mới,  bằng việc tự hiến chính thân mình làm của lễ cứu độ chúng ta.
Chính trong bữa Tiệc Ly Thánh này, cùng một thể thức ấy, Chúa Giêsu đã thiết lập Thiên Chức Linh mục. Để qua các linh mục, Thánh lễ được tiếp tục cửa hành cho đến muôn đời. Kinh Tiền của Thánh Lễ làm phép Dầu sáng nay mạc khải đầy đủ cho chúng ta ý nghĩa ấy: "
Chúa đã lấy tình huynh đệ tuyển chọn một số người, để họ tham gia thánh vụ của Người nhờ việc đặt tay. Cha muốn họ nhân danh Người tái diễn hy lễ cứu độ, dọn cho con cái Cha bàn tiệc Vượt Qua, lấy tình thương dẫn dắt, lấy lời Cha nuôi dưỡng và dùng các bí tích bổi bổ dân thánh của Cha".
Và cũng chính ngày Thứ Năm này, Chúa Giêsu nói: "
Anh em hãy yêu thương nhau, như Thầy đã yêu thương anh em" (Ga 13,34), như thế, giới luật yêu thương đã được Chúa ban truyền. Xưa kia, tình yêu dựa trên sự đổi trác, hoặc thặc hiện một khế ước nào đã được định trước. Giờ đây, tình yêu kitô giáo được đặt trên nền tảng là Chúa Kitô: "Người vốn yêu thương những kẻ thuộc về mình còn đang ở thế gian, thì đã yêu thương họ đến cùng" (Ga 13,1).  Người yêu thương chúng ta đến mức phải hy sinh mạng sống của chính mình: đây chính là thước đo tình yêu của người môn đệ đối với Thầy Giêsu và điều này cũng là dấu chỉ, đặc tính của sự nhận biết Kitô giáo :  "Mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy ở điểm này: là anh em có lòng yêu thương nhau" (Ga 13, 35).
Con người chúng ta không có khả năng yêu đến như thế. Tình yêu không đơn giản chỉ là kết quả nỗ lực của con người, nó là quà tặng của Thiên Chúa. Hạnh phúc thay, Thiên Chúa là Tình yêu, đồng thời Ngài cũng là nguồn mạch của tình yêu, trao tặng cho chúng ta nơi Bí tích Mình Máu Thánh Chúa, Bí tích Tình Yêu.
Sau cùng, hôm nay chúng ta tưởng nhớ tới việc Chúa Giêsu rửa chân cho các môn đệ. Con Thiên Chúa làm người, là Đức Chúa, đã mặc lấy thái độ của người tôi tớ và quì xuống rửa chân cho các môn sinh của Người, đồng thời khuyên họ rửa chân cho nhau  "
Vậy nếu Ta là Chúa và là Thầy mà còn rửa chân cho các con, thì các con cũng phải rửa chân cho nhau. Vì Thầy đã làm gương cho các con để các con cũng bắt chước mà làm như Thầy đã làm cho các con" (Ga 13,13-14). Trong cử chỉ của Chúa Giêsu, Thầy Chí Thánh, chất chứa một bài học cao cả về sự khiêm nhường. Cử chỉ này báo trước sự tự hủy hoàn toàn trong cuộc Thương Khó mà Chúa Giêsu phải chịu để cứu độ thế gian.
Romano Guardini, một thần học gia nói rằng : "
Thái độ của người tôi tớ quì gối trước ông chủ, đó không phải là khiêm tốn. Đơn giản là việc anh ta phải làm, hoàn toàn đúng. Một người xứng quì gối trước kẻ tiểu nhân mới là người khiêm nhường thật sự". Chúa Giêsu một Vì Thiên Chúa đã làm như thế. Đó là lý do tại sao nói Chúa Giêsu là Đấng khiêm nhường tột độ. Vậy, đứng trước Chúa Giêsu Kitô, Đấng khiêm nhường này, các mô hình truyền thống bị phá vỡ. Chúa Giêsu đã đảo ngược các giá trị thuần túy của con người và mời gọi chúng ta noi gương Người để xây dựng một thế giới mới dựa trên sự phục vụ hy sinh. Vậy chúng ta hãy rửa chân cho nhau, nghĩa là phục vụ giúp đỡ nhau, giúp nhau cùng thăng tiến.
Chúng ta cầu xin Chúa cho Thánh lễ cử hành chiều hôm nay, đưa chúng ta vào trong mầu nhiệm của Bí tích Thánh Thể, mầu nhiệm của thiên chức Linh mục, và giới răn trọng nhất là bác ái yêu thương. Chúng ta cố gắng ghi nhớ những điều Chúa truyền dạy để đưa vào trong cuộc sống đạo hàng ngày của mỗi người chúng ta. Amen.
 
Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ

====================== 
Suy niệm 4
VÌ YÊU, NÊN CHẤP NHẬN TẤT CẢ
(Xh 12, 1-8. 11-14; 1 Cr 11, 23-26; Ga 13, 1-15)
Chiều hôm nay, chiều mà Giáo Hội cử hành thánh lễ Tiệc Ly. Trong thánh lễ này, chúng ta thấy toát lên vẻ trầm buồn bởi cảnh ly biệt của người đi và kẻ ở!
Đức Giêsu sẽ ra đi để chịu chết chuộc tội thiên hạ. Các môn đệ sẽ ở lại để rồi mai đây sẽ tiếp bước trên con đường mà Thầy Giêsu đã đi.
Tuy nhiên, không chỉ dừng lại ở cảnh sầu ly chia ngả, nhưng nó còn đi xa hơn nữa để thấy được tình yêu của người ra đi và sự phản bội, bất trung của nhiều kẻ ở lại! Từ đó, chúng ta nhận ra lòng thương xót của Đấng là Chúa và là Thầy thì lớn lao vô bờ, trong khi đó, sự vô ơn, nhát đảm dẫn đến sự phản bội của người môn sinh lại cứ dần leo thang!
1. Điều tốt và xấu luôn tồn tại
Trong cuộc sống của con người, sự bất trung, vô ơn, phản bội, có lẽ luôn tồn tại song song với thời gian. Những thái độ, hành vi và lựa chọn tiêu cực ấy lại được diễn ra đây đó giữa cha mẹ với con cái; giữa vợ với chồng; giữa bạn bè, đồng nghiệp với nhau; giữa thầy với trò…, và nhất là giữa con người với Thiên Chúa là Đấng luôn yêu thương ta.
Họ bội ước quên thề và phản bội với nhau có thể do động lực tiền bạc, tình cảm và chức quyền gây nên. Những sự vô ơn và phản bội như thế, dân gian người ta gọi những hạng người đó là kẻ: 
“Ăn cháo đá bát”; “lừa thầy phản bạn”; “qua cầu lướt ván…”.
Với Đức Giêsu, từ khi đón nhận bản tính nhân loại nơi mình, Ngài cũng là con người giống như bao người, vì thế, Đức Giêsu cũng đã từng nếm trải những chuyện như: vô ơn, phản phúc, đổi trắng thay đen, nói không thành có… đến từ những người mà Ngài làm ơn làm phúc; những người mà Ngài đã cứu sống, và nhất là đến từ các môn đệ là những người được chính Ngài tuyển lựa để ngày đêm ở với Ngài và được Ngài dạy dỗ nhiều điều!
Sự thật cay đắng này diễn ra trong bữa Tiệc ly buổi chiều năm xưa, mà hôm nay chúng ta đang tưởng niệm.
Điều này được thấy qua những nghi thức phụng vụ, nhất là Lời Chúa trong Tin Mừng hôm nay.
Kinh Thánh diễn tả buổi chiều hôm nay là một buổi chiều ly biệt giữa Thầy và trò.
Khung cảnh trầm buồn ấy cộng thêm những nét chấm phá hết sức ấn tượng diễn tả sâu sắc tình yêu thương của Thầy dành cho trò. Tuy nhiên, mặt trái của bức tranh tình yêu đó lại bị những vết đen phản bội, vô ơn và bất trung xen lấn, làm cho họa tiết lộ rõ sự hỗn độn, khiến cho người thưởng thức không khỏi khó chịu và xót xa!
2. Tất cả vì tình yêu
Câu chuyện diễn tả bản chất của Thiên Chúa là tình yêu, được khởi đi từ việc Đức Giêsu muốn ăn bữa tiệc vượt qua sau cùng với các môn đệ trước khi lên đường hy sinh mạng sống để cứu chuộc nhân loại. Vì thế, đây là một bữa tiệc mang nhiều ý nghĩa thâm sâu.
Đỉnh điểm của buổi họp mặt hôm nay giữa thầy và trò, đó là việc Đức Giêsu loan báo: Một người trong anh em sẽ phản bội. Một trong anh em sẽ chối Thầy, và đêm nay anh em sẽ vấp phạm vì Thầy.
Từ lời loan báo trên, Đức Giêsu đã nói rất rõ ràng cho các môn đệ biết về sự vô ơn, hèn nhát và thiếu trung thành của các ông đối với Ngài.
Nhưng ngay lúc này, các ông rất hoang mang và nhiều người không thể ngờ được là: tại sao trong nhóm của mình lại có những kẻ 
“mượn gió bẻ măng”, rồi hèn nhát và thiếu trung thành đến vậy…!
Chính vì thế, mà họ bắt đầu nhao nhao hỏi Đức Giêsu: 
“Thưa thầy, có phải con không?”. Đức Giêsu không nói rõ ai sẽ là người phản bội mình, Ngài chỉ đưa ra hành động ám chỉ: Thầy chấm miếng bánh trao cho ai, thì đó là người ấy. Rồi Giuđa là kẻ đã lĩnh miếng bánh trước mặt anh em. Sau khi đã nhận miếng bánh ân tình, ma quỷ đã nhập vào y và y đã quyết định rời khỏi nơi chốn tình yêu, không gian ánh sáng để tiến về vùng tối tăm của sự ác!
Đọc tiếp trang Tin Mừng, chúng ta còn thấy sự bất trung của các môn đệ khác được tìm thấy trong biến cố tại Vườn Cây Dầu. Các môn đệ đang ở với Đức Giêsu, khi thấy toán lính đến bắt Thầy mình, thế là họ đã bỏ chạy hết. Rồi sự hèn nhát của Phêrô, vị Tông đồ trưởng được diễn ra trong dinh Thượng tế, ông đã chối Thầy trước sự đe loi của đám lính.
Tuy nhiên, dù tội lỗi của các ông có lớn thế nào đi chăng nữa, thì ngay tại phòng tiệc ly, Đức Giêsu làm một loạt những hành vi và lời nói nhằm diễn tả tình yêu của vị Thầy khả kính dành cho môn sinh, qua đó giúp cho các ông tin và đi vào mối tương quan tình yêu với Ngài.
Chính vì yêu và yêu họ đến cùng, nên Đức Giêsu đã không ngần ngại, trao ban, hiến tặng tất cả, ngay cả mạng sống của mình cho con người. Điều này được thể hiện qua việc Ngài thiết lập Bí tích Thánh Thể. Không dừng lại ở đó, Đức Giêsu còn muốn ở lại với loài người mọi ngày cho đến tận thế, nên liền ngay sau đó, Ngài đã thiết lập thiên chức linh mục.
Để tình yêu thương được cụ thể, nên vào cuối bữa ăn, Đức Giêsu đã làm một hành động ngược đời đến kỳ quặc, đó là quỳ xuống rửa chân cho các môn đệ. Đây là hành động của nô lệ rửa chân cho ông chủ, trò rửa chân cho thầy. Khi làm ngược lẽ tự nhiên như vậy, Đức Giêsu muốn dạy các ông bằng hành động chứ không chỉ lời nói. Điều này đã gây nên sự ngỡ ngàng tột độ, khiến Phêrô đã phải thốt lên:
 “Lạy Thầy, Thầy định rửa chân cho con ư?”;  “Không đời nào Thầy sẽ rửa chân cho con”.
Tuy nhiên, Đức Giêsu nói với ông: 
“Nếu Thầy không rửa chân cho con, con sẽ không được dự phần với Thầy”. 
Sau đó Ngài đã dạy các ông: 
“Nếu Ta là Chúa và là Thầy mà còn rửa chân cho các con, thì các con cũng phải rửa chân cho nhau”.
Như vậy, việc Đức Giêus rửa chân cho các ông, Ngài muốn làm một cử chỉ sâu xa để diễn tả tình yêu của Thiên Chúa với nhân loại.
Bên cạnh đó, Ngài muốn gột rửa tâm hồn các ông thực sự. Bởi vì nơi các ông vẫn còn nhiều vấn vương bụi đời. Nào là tranh dành quyền lực; thích được phục vụ; ăn trên ngồi trước. Nào là chia rẽ nội bộ; nhát đảm, sợ sệt, ham tiền, hám lợi và phản bội….
3. Sứ điệp Lời Chúa
Ngày nay, vẫn còn đó những con người chẳng khác gì các môn đệ là bao. Họ vẫn mang trong mình những sự kiêu ngạo, ích kỷ, chia rẽ và thiếu trung thành, phản bội và vô ơn…!
Vẫn còn đó những kẻ chỉ vì miếng cơm manh áo mà bán đứng anh em của mình cho sự ác.
Lại có kẻ miệng thì nói tin Chúa, sống chết với đức tin, đạo giáo. Nhưng khi có lợi đến, hay bị thử thách, họ sẵn sàng từ chối thuộc về Chúa để được yên thân.
Và, cũng không thiếu những kẻ 
“khi hay thì vỗ tay vào, đến khi hoạn nạn thì lìa nhau ra”. Họ tin và theo Chúa chẳng khác gì trẻ con. Họ rất giống những người thiếu lập trường và bị hiệu ứng đám đông điều khiển!
Sứ điệp Lời Chúa và phụng vụ ngày lễ hôm nay mời gọi chúng ta hãy biết cảm tạ hồng ân của Thiên Chúa trong cuộc đời mình. Luôn sống tâm tình biết ơn Thiên Chúa ngang qua sự kiên trì và trung thành với đức tin của mình.
Cuối cùng, hãy sống bản chất của Bí tích Thánh Thể là Bí tích tình yêu, dấu chỉ hiệp nhất, mối dây bác ái; đồng thời luôn biết yêu thương nhau thật lòng như Chúa đã yêu, đó là một tình yêu bằng hành động, hướng tha, hy sinh và phục vụ.
Lạy Chúa Giêsu, hôm nay, Chúa đã thể hiện tình yêu trọn vẹn của Chúa dành cho nhân loại. Xin Chúa ban cho chúng con cảm nghiệm được tình yêu ấy và ra sức thi hành trong cuộc sống qua các mối tương quan với Chúa và tha nhân. Amen.
 
Tu sĩ: Jos. Vinc. Ngọc Biển, S.S.P.

====================== 
Suy niệm 5
Thánh Thể, Thiên Chức Linh Mục Và Giới Luật Yêu Thương
(Ga 13, 1 - 15) 
Phụng vụ chiều Thứ Năm Tuần Thánh, Giáo hội cử hành Bí tích Thánh Thể do Chúa Giêsu thiết lập vào sau bữa tối cuối cùng với các Tông Đồ trong nhà Tiệc Ly, trước Đêm Hấp Hối trong Vườn Cây Dầu, để muôn đời tưởng nhớ tới sự Hiện Diện Thực Sự của Người giữa chúng ta. Đây là Thánh lễ sau hết được cử hành trước Đêm Vọng Phục Sinh Thứ Bẩy Tuần Thánh. Vì là Lễ sau hết nên lúc hát Kinh Vinh Danh, các chuông nhà thờ reo lên, và sẽ chỉ reo lại vào đúng lúc hát Kinh Vinh Danh trong Đêm Vọng Phục Sinh. Sau Thánh lễ chiều nay, các khăn bàn thờ đều được lột sạch, các chân nến và thánh giá được cất đi, người ta không còn trưng hoa nữa để loan báo ngày đại tang của Giáo hội và cũng ngụ ý nói rằng, Giáo hội không cử hành lễ nào nữa cho đến ngày Chúa Kitô sống lại.
Cử hành Cuộc Khổ Nạn và Phục Sinh của Đức Kitô là mục đích của Tam Nhật Vượt Qua. "
Chúng ta phải hãnh diện về thập giá Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta. Nơi Người, ta được giải thoát, được sống và được sống lại ; chính Người giải thoát và cứu độ ta" ( Ca nhập lễ ).
"
Trước ngày Lễ Vượt Qua, Chúa Giêsu biết đã đến giờ Mình phải bỏ thế gian mà về cùng Chúa Cha, Người vốn yêu thương những kẻ thuộc về mình còn đang ở thế gian, thì đã yêu thương họ đến cùng" (Ga 13,1-2)Chúa Giêsu đã yêu thương các môn đệ, thì Người đã yêu họ đến cùng một cách kinh ngạc. Thật không có hành động nào khác để diễn tả yêu thương cho bằng tình yêu.  Cũng như các môn đệ, Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta đến nỗi không có ngòi bút nào trên trần gian này có thể diễn tả hoặc viết ra hết được tình yêu thương ấy, trong những ngày cuối đời của “kiếp người” lầm than và cay đắng. Vì yêu, Chúa Giêsu đã lập Bí tích Thánh Thể, lấy chính Thịt Máu Mình làm của ăn của uống nuôi dưỡng chúng ta. Để tiếp tục yêu thương và tha thứ, Chúa thiết lập thiên chức Linh mục đời đời. Và cũng chính hôm nay, Chúa truyền dạy chúng ta phải yêu thương nhau như Chúa đã yêu.
Các con hãy lãnh nhận mà ăn, này là Mình Ta… Các con hãy cầm lấy mà uốngchén này là Tân ước trong Máu Ta” (1 Cr 11, 24-25). Thật không thể hiểu nổi, Thiên Chúa yêu nhân loại biết là chừng nào. Ngài đã yêu bằng một Tình Yêu trao ban, hy sinh và tận hiến. Khi lập Phép Thánh Thể, Chúa hiến chính thân mình làm lượng thực nuôi dưỡng chúng ta, ở với chúng ta mọi ngày cho đến tận thế. Không những thế, Chúa còn cho chúng ta tham dự vào sự sống của chính Chúa khi rước Mình và Máu Thánh Ngài, để được sống đời đời.
Thiết lập Bí tích Thánh Thể xong, Chúa Giêsu cũng lập luôn Bí tích Truyền Chức Thánh. Chúa nói với các Tông Đồ hiện diện: “
Các con hãy làm việc này để nhớ đến Thầy” (Lc 22, 19 ;1 Cr 11, 24). Với lời trên, cho thấy Thiên Chúa tiếp tục yêu thương và tín nhiệm con người. Mặc dù phàm nhân bất xứng, Chúa vẫn ủy thác cho sứ mạng thay mặt Chúa hiện tại hóa Hy tế Thập giá trên bàn thờ mỗi ngày, tất cả chỉ vì yêu.
Sau khi rửa chân cho các môn đệ, một lần nữa, Người mời gọi chúng ta: “
Thầy đã làm gương cho các con, để các con cũng bắt chước mà làm như Thầy đã làm cho các con” (Ga 13,15). Bằng cách này, Người thiết lập một sự liên kết thân mật giữa Bí tích Thánh Thể, Bí tích của quà tặng hy sinh và huấn lệnh yêu thương.
Hôm nay, kỷ niệm ngày Chúa Giêsu thiết lập thiên chức Linh mục, chúng ta có nhiều dịp nhắc đi nhắc lại một câu rất sâu sắc nhưng cũng cần phải tìm hiểu thêm: 
Không có Thánh Thể thì không có chức Linh mục - không có chức Linh mục thì cũng không có Bí tích Thánh Thể (chỉ một lần rồi thôi). Hai điều đó gắn chặt, liên kết với nhau nhờ đức bác ái. Không thể tham dự Thánh Thể nếu không có Tư Tế, nhưng cũng không thể tham dự Thánh Thể nếu không có đức bác ái và sự tha thứ. Trong Bí tích Thánh Thể, tất cả chúng ta đều tham dự vào một Mình Thánh, một Máu Thánh, trở nên một thì chúng ta không còn tách biệt được nữa.
Ai tham dự bàn tiệc của Chúa thì người đó không thể tách rời khỏi bổn phận yêu thương anh chị. Mỗi lần chúng ta tham dự bàn tiệc Thánh Thể, chúng ta cũng nói “
Amen” trước Mình và Máu Thánh Chúa, như thế chúng ta cam kết thực hiện điều Ðức Kitô đã làm, là “rửa chân” cho anh chị em, trở nên một hình ảnh thực sự và tỏ tường của Ðấng “đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang mặc lấy thân nô lệ”(Phil 2,7).
Tình yêu là di sản cao quý nhất mà Ðức Kitô để lại cho những ai được Người kêu gọi bước theo. Chính tình yêu của Người, được chia sẻ bởi các môn đệ, là điều được ban tặng cho tất cả nhân loại trong buổi chiều nay.
Thánh Thể là một ban tặng cao cả, nhưng cũng là một trách nhiệm lớn lao cho những ai tiếp nhận. Ðứng trước Phêrô, người đã từ chối không chịu để được rửa chân, Ðức Giêsu đã nhấn mạnh đến nhu cầu phải nên thanh sạch để có thể dự phần vào bàn tiệc Thánh Thể.
Nghi thức rửa chân nói lên sự khiêm tốn của mình đối với người khác, nhìn nhận rằng mình là người có tội, nếu có điều gì là do tôi chứ không phải do anh em, tha nhân thật sự là anh em của tôi. Bác ái không phải là chối từ việc người khác không có lỗi, nếu lỗi là có lỗi với Chúa. “Rửa chân cho nhau” chứ không phải rửa chân cho người trên hay cho người dưới, tất cả đều là tha thứ, yêu thương và giúp đỡ nhau.
Chúng ta cầu xin Chúa cho Thánh lễ cử hành chiều hôm nay, đưa chúng ta vào trong mầu nhiệm của Bí tích Thánh Thể, mầu nhiệm của thiên chức Linh mục, và giới răn trọng nhất là bác ái yêu thương. Chúng ta cố gắng ghi nhớ những điều này để đưa vào trong cuộc sống hàng ngày của mỗi người. Amen.
 
Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ

 


BAI GIANG CUA ĐUC CHA PHỤ TÁ


Toàn Văn Bài Giảng Thánh Lễ Làm Phép Dầu Thánh Của Đức Cha Anphong Nguyễn Hữu Long, ngày 27.03.2018.
Cập nhật lúc 20:40 28/03/2018
Anh chị em thân mến,
Hôm nay giáo phận chúng ta cử hành lễ Dầu sớm hơn qui định, đúng ra là ngày thứ Năm Tuần Thánh. Lễ này còn gọi là lễ của chức linh mục, vì thế anh chị em thấy đông đủ linh mục sum vầy quanh đức giám mục giáo phận, người có chức linh mục trọn vẹn. Hôm nay, mọi người cầu nguyện cho linh mục. Giáo Hội toàn cầu cầu nguyện cho các linh mục cách đặc biệt trong ngày thứ Năm Tuần Thánh. Các linh mục thật hạnh phúc vì không chỉ được Chúa thương yêu, mà giáo dân cũng thương mến. Tôi cũng muốn tỏ lòng thương mến linh mục qua việc gửi đến các cha trong giáo phận phần đầu của bài giảng này, phần sau sẽ nói với giáo dân.
 Thưa anh em linh mục giáo phận,
Trước tình thương của Chúa và mọi người dành cho mình, chắc anh em đều muốn đáp trả cho xứng đáng. Anh em phải làm sao ? Tôi tìm được lời giải đáp mới toanh của ĐTC Phanxicô. Ngày 16.3 vừa qua, trong cuộc gặp gỡ với linh mục và chủng sinh đang theo học các đại học Tòa Thánh tại Roma, ngài đã trả lời rất thiết thực và xác đáng các câu hỏi xoay quanh chủ đề làm thế nào 
sống tốt sứ vụ và đời sống linh mục. Tôi xin tóm tắt trong ba chiều kích hoặc ba đối tượng: với Chúa ; với tha nhân ; với chính mình.
1. 
Đối với Chúa, linh mục là người linh thánh, là người thuộc về Chúa, nên phải sống trọn vẹn cho Thiên Chúa Cha, sống kết hiệp với Chúa Giêsu Kitô, và sống dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần. Ý tưởng này gợi nhớ châm ngôn của cha Jean-Jacques Olier, vị sáng lập Hội Linh mục Xuân Bích: “Sống hết mình cho Thiên Chúa trong Chúa Giêsu Kitô” (Vivre souverainement à Dieu en Jésus-Christ) và “Buông mình cho Chúa Thánh Thần” (Se laisser à l’Esprit). Kim Chỉ Nam Linh mục cũng bàn về căn tính linh mục trong tương quan với Ba Ngôi Thiên Chúa ở số 1-12. Vậy anh em linh mục muốn sống tốt đẹp sứ vụ và đời sống linh mục thì hãy sống hết mình cho Chúa Cha trong sự cầu nguyện, sống như là hiện thân của Chúa Giêsu Kitô (in persona Christi), và sống dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần. Chúa Giêsu đã sống như thế trong suốt đời Ngài. Xin anh em đọc các số trích dẫn trên đây trong ngày thứ Năm Tuần Thánh này khi chầu Thánh Thể.
2. 
Đối với tha nhân, trả lời câu hỏi của một phó tế Bắc Mỹ về linh đạo, tức đường lối nên thánh của linh mục giáo phận, ĐTC khuyên các linh mục giữ cho tốt đẹp mối tương giao với giám mục, với anh em linh mục và với giáo dân của mình. Ngài nói nếu linh mục giữ được ba mối tương giao này tốt, thì linh mục nên thánh rồi.
Câu trả lời của ĐTC làm cho chúng ta phải suy nghĩ.
- Mối liên kết giữa giám mục và linh mục là mối liên kết hữu cơ, do chức thánh và giáo vụ. Linh mục là cộng sự viên của giám mục, như đầu và tay chân. Thánh Inhaxiô Antiokia ví sự hòa hợp giữa giám mục và linh mục như đàn với giây, đàn mà không có giây thì không phải là đàn, giây mà không mắc vào đàn thì cũng như không ! Xin anh em linh mục cho tôi chia sẻ suy nghĩ này: tôi cảm tưởng rằng có những linh mục trong giáo phận không gắn bó với giám mục, sống xa cách với ngài, chẳng hề thăm hỏi, dù là qua điện thoại, chẳng gặp gỡ, có chăng là qua loa, không thân tình, nói tóm là không có tình nghĩa với giám mục. Có thể anh em sẽ nói: giám mục cần gần gũi chúng tôi trước rồi chúng tôi sẽ gần gũi giám mục sau ! Đúng, điều này đòi hỏi cả hai.
- Đối tượng thứ hai là linh mục đoàn. Lẽ ra các linh mục phải thân thiết với nhau, vì cùng một hội một thuyền, cùng làm việc trong cánh đồng giáo phận, là “đồng chí” với nhau. Nhưng xem ra có những linh mục sống như thể không cần ai mà cũng chẳng ai cần mình ! Linh mục mà không có tình nghĩa thiết với nhau thì nguy hiểm vô cùng. ĐTC nói trong cuộc gặp gỡ này rằng: “
Linh mục đừng bao giờ cô độc một mình, cần có bạn hữu, cần có người để cho mình tựa vào”. Người ấy chắc chắn không phải là một phụ nữ, cũng không phải là những đứa con thiêng liêng, hay một người bạn, đừng nói là bạn nhậu… mà phải là một vài linh mục bạn thân. Nếu linh mục không thân thiết với nhau thì nguy hiểm lắm. Chúng ta biết câu nói: “Sacerdos sacerdotibus lupissimus” đáng sợ như thế nào!
- Đối tượng thứ ba là giáo dân, mối tương giao này cũng rất quan trọng nhưng cần có chừng mực, có khoảng cách, được đặt trên tương quan phụ-tử, huynh-đệ, thầy-trò, mục tử-chiên, yêu thương nhưng cách đúng đắn, thiêng liêng, trong sáng, không vụ lợi mà trái lại hiến trao, quên mình… Bên cạnh chiều kích thiêng thánh, đừng quên chiều kích nhân bản. Đúng vậy, linh mục là con người thiêng liêng, nhưng đồng thời cũng phải là con người rất người. Đức Phanxicô trả lời như sau cho một linh mục Mêhicô hỏi làm thế nào để giữ được thế quân bình suốt đời: “
Linh mục phải là người bình thường, có khả năng vui cười, có khả năng lắng nghe người bệnh trong thinh lặng, an ủi họ bằng cử chỉ yêu thương, phải là người cha, chứ không phải công chức của chức thánh hay nhân viên của Chúa”.
3. 
Đối với bản thân, ĐTC nhắc nhở linh mục phải xét mình hàng ngày để biết mình chiến đấu thế nào trước những cám dỗ về đức khiết tịnh, về kiêu ngạo, về tiền bạc, về quyền lực và tiện nghi. Ngài lưu ý một nguy cơ của thời đại hiện nay là sự vô cảm, lạnh lùng, xa cách với những con người thật bằng xương bằng thịt, để chỉ loay hoay với mối tương giao ảo của điện thoại. Ngài mời các linh mục xét xem mình sống như thế nào trong việc “giao tiếp ảo”, mình “dùng điện thoại cầm tay như thế nào”.
Muốn giữ được quân bình trong đời sống, ĐTC còn nhắc nhở các linh mục phải lưu tâm đến việc huấn luyện trường kỳ về bốn chiều kích “nhân bản, thiêng liêng, mục vụ và cộng đoàn”, (ở đây ĐGH nói đến chiều kích cộng đoàn, bởi vì là linh mục giáo phận, làm mục vụ trong các cộng đoàn giáo xứ). Đừng coi thường việc huấn luyện trường kỳ, vì “việc đào tạo này nảy sinh từ ý thức mình yếu đuối” và “các giới hạn của mình”, nên phải cập nhật hóa (update), canh tân (renew) kiến thức cũng như phương pháp mục vụ. Đừng tự mãn, tự thị, tự hào… Tại giáo phận Hưng Hóa, đức cha chính đã yêu cầu các linh mục làm mục vụ chiều sâu cho giáo dân, bao hàm việc đào sâu giáo lý, Lời Chúa, giúp giáo dân 
sống đạo chứ không chỉ theo đạo và giữ đạo. Linh mục không phải chỉ cử hành bí tích mà thôi, vì như thế chẳng khác gì ông thầy cúng, thầy pháp của tín ngưỡng dân gian.

Anh chị em giáo dân thân mến,
Trước mặt anh chị em là các linh mục đang phục vụ trong giáo phận nhà. Nhìn chung, chúng tôi vui mừng vì tương quan linh mục – giáo dân trong giáo phận rất tốt. Đi thăm mục vụ các xứ, tôi nhận thấy giáo dân rất yêu thương các cha. Các vị trong Hội Đồng Giáo Xứ, Ban Hành Giáo, các Hội Đoàn, Ban Ngành không quản ngại hy sinh thời gian, sức khỏe, công việc, gia đình… để giúp đỡ các cha trong công tác chung. Giáo dân thì quảng đại, hưởng ứng các công việc chung, nâng đỡ các cha. Hôm nay cũng có sự hiện diện của các tu sĩ nam nữ, chúng tôi biết các tu sĩ cũng góp phần không nhỏ vào việc giúp các cha chu toàn sứ vụ và sống tốt đời linh mục của mình. Chúng tôi xin chân thành cám ơn tất cả.
Tôi mạnh dạn góp ý thêm với anh chị em: Các linh mục cũng là người, nên vẫn có những mỏng dòn, yếu đuối, lỗi lầm, và tội lỗi. Xin anh chị em thương yêu linh mục thật sự bằng cách giúp các cha xử sự đúng, tốt, đẹp sứ vụ và đời sống linh mục. Khi thấy linh mục có gì sai trái, xin anh chị em đừng nhắm mắt, bịt tai, ngoảnh mặt, nhưng hãy chân thành góp ý, xây dựng, sửa sai… Anh chị em thương yêu linh mục thì xin đừng để các linh mục, vốn là 
3 C(Cao quý, Cao cả, Cao cường) lại lâm lụy vào 3 Đ (Độc tài, Độc tôn, Độc đoán), 3 L (Làm sang, Làm phách, Làm biếng), 3 T (Tình, Tiền, Tửu) !!!
Sau cùng, xin anh chị em đừng quên cầu nguyện nhiều cho các linh mục. Chúng tôi rất cần lời cầu nguyện của anh chị em, đặc biệt của những cụ già, người bệnh tật và các em thiếu nhi. Có dư tràn ơn Chúa, chúng tôi mới có thể phục vụ anh chị em hữu hiệu. Amen.
 
+Anphong Nguyễn Hữu Long
  Giám mục Phụ tá Hưng Hóa  



 
Rửa chân là bổn phận phục vụ và là công việc của tôi tớ (hoặc nô lệ). Ngày xưa, tôi tớ phải rửa chân cho chủ. Việt Nam không “lệ” rửa chân, nhưng tôi tớ lại phải khom lưng hoặc nằm xuống cho chủ bước qua.
Rửa chân là một cách phục vụ của tôi tớ. Chúa Giêsu là Thầy và là Chúa nhưng Ngài đã hạ mình để làm việc của tôi tớ mà rửa chân cho người khác, dù Ngài đã xác định: “Tôi tớ không trọng hơn chủ” (Ga 13:16a; Ga 15:20) và “kẻ được sai đi không lớn hơn người sai đi” (Ga 13:16b). Trước khi các Giáo hoàng ký các văn bản, truyền thống Giáo hội có “cách nói” khiêm nhường thật tuyệt vời: “Tôi tớ của các tôi tớ”.
Có lẽ chân đi nhiều nên phải rửa. Tay muốn phạm tội mà chân không đi thì cũng… “bó tay”. Rửa chân còn có nghĩa là yêu thương, khiêm nhường, phục vụ và tha thứ.
RỬA CHÂN LÀ YÊU THƯƠNG
Trong Phúc âm, thánh Gioan ghi chép lại nghi lễ rửa chân do chính Chúa Giêsu thực hiện vào đêm cuối đời Ngài trên thế gian. Đây là điểm khác so với các Phúc âm nhất lãm. Rửa chân người khác là hành động yêu thương. Nghi thức rửa chân chỉ có trong Phúc âm của thánh Gioan – là “chàng trai trẻ” tự xưng “người môn đệ Chúa yêu” (Ga 13:23; Ga 19:26; Ga 13:23; Ga 20:2; Ga 21:7 & 20), và vì thế mà thánh Gioan cũng rất thích nói về tình yêu. Người rửa chân là “người thực hành yêu thương”, còn người được rửa chân là “người được yêu thương” – và cũng có trách nhiệm yêu thương người khác.
Tình yêu là bản chất của Thiên Chúa, như thánh Gioan định nghĩa: “Thiên Chúa là tình yêu” (1 Ga 4:8). Tình yêu ấy là Lòng Thương Xót vô biên của Ngài, là khối tình cuồng si không ai hiểu thấu: “Tình yêu cốt ở điều này: không phải chúng ta đã yêu mến Thiên Chúa, nhưng chính Ngài đã yêu thương chúng ta, và sai Con của Ngài đến làm của lễ đền tội cho chúng ta” (1 Ga 4:10). Tình yêu có lý lẽ riêng của con tim mà lý trí không thể hiểu hết, nó có những nghịch lý vừa “kỳ diệu” vừa “dễ thương” và khả dĩ chấp nhận. Thánh Gioan phân tích: “Nếu chúng ta yêu thương nhau, thì Thiên Chúa ở lại trong chúng ta, và tình yêu của Ngài nơi chúng ta mới nên hoàn hảo (1 Ga 4:12). Đại văn hào Victor Hugo cũng có ý tưởng độc đáo: “Ai khổ vì yêu, hãy yêu hơn nữa. Chết vì yêu là sống trong tình yêu”. Chết vì yêu lại là sống trong tình yêu. Quá ngược đời, và lạ thật! Người đời còn nhận ra như vậy, huống chi Thiên Chúa.
RỬA CHÂN LÀ KHIÊM NHƯỜNG
Người có lòng yêu thương thì luôn sống khiêm nhường. Mà khiêm nhường chính là nền tảng mọi nhân đức. Rửa chân người khác là động thái chứng tỏ sự khiêm nhường, khi chúng ta làm vậy là chúng ta vâng lời mà thực hành mệnh lệnh Chúa Giêsu đã truyền dạy. Chúa Giêsu quan tâm công việc mà người ta cho là hèn hạ đó, thế nên chúng ta cũng phải noi gương mà làm với sự vui vẻ và lòng khiêm nhường, khi đó chúng ta sẽ cảm nghiệm được ý nghĩa sâu xa để hiểu đúng và làm đúng. Ý nghĩa sâu sắc này sẽ giúp chúng ta nhận ra tầm quan trọng của gương Chúa Giêsu đối với chúng ta ngày nay.
Có vẻ lạ khi 3 tác giả phúc âm kia (Mátthêu, Máccô và Luca) tập trung vào Bánh và Rượu mà Chúa Giêsu biến thành Mình Máu Ngài lúc Ngài thiết lập Bí tích Thánh Thể vào chiều tối ngày Thứ Năm Tuần Thánh, buổi tối cuối cùng của đời Ngài. Tông đồ Gioan lại có cái nhìn hoàn toàn khác. Chúng ta biết rằng “người môn đệ Chúa yêu” ghi lại đầy đủ các hành động và lời nói của Chúa Giêsu, còn các tác giả kia không ghi lại. Câu trả lời có thể đơn giản là Gioan cảm thấy nghi thức rửa chân cần được thuật lại trong Tân ước. Mặt khác, Gioan có thể nhận thấy có sự nối kết trực tiếp giữa việc rửa chân và “việc làm khác thường” của Đức Kitô trong cuộc đời Ngài, trong cái chết của Ngài và sự sống đời sau.
Chân phước Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã noi gương Chúa Giêsu một cách trọn vẹn, không chỉ rửa chân cho người khác mà còn cúi xuống hôn chân người được rửa chân. Một động thái “kỳ lạ” gây ấn tượng rất sâu sắc và thật là dễ thương!
RỬA CHÂN LÀ PHỤC VỤ
Người có lòng khiêm nhường thì luôn sẵn sàng phục vụ người khác. Chúa Giêsu xác định: “Ai muốn làm lớn giữa anh em, thì phải làm người phục vụ anh em” (Mt 20:26). Ngài không nói cho có lệ, không nói suông, mà chính Ngài đã nêu gương và xác định: “Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụhiến dâng mạng sống làm giá chuộc muôn người” (Mt 20:28).
Nghi thức rửa chân được ghi lại trong Ga 13:1-17 cho chúng ta một cái nhìn mới về tính cách của Đấng Cứu Độ. Khi nào chúng ta áp dụng bài học “độc nhất vô nhị” này trong đời sống, chúng ta sẽ có thể hiểu hơn về lý do có người vẫn cố gắng đi tìm hạnh phúc mà chưa đạt được trọn vẹn, còn có người lại may mắn đầy ắp niềm vui sướng – như người Việt Nam nói: “Sướng từ trong trứng sướng ra” hoặc “đẻ bọc điều”. Đây cũng là một bí ẩn mầu nhiệm của cuộc đời, một dạng “vô cực”.
Chúa Giêsu đã làm công việc mà người ta cho là hèn hạ, đó là rửa chân, nhưng không phải là rửa chân cho người trên mà là rửa chân cho người dưới quyền mình. Rõ ràng là Ngài không muốn được phục vụ mà chỉ muốn phục vụ. Tuy nhiên, đó cũng chính là mệnh lệnh của Ngài: “Anh em gọi Thầy là Thầy, là Chúa, điều đó phải lắm, vì quả thật, Thầy là Thầy, là Chúa. Vậy, nếu Thầy là Chúa, là Thầy mà còn rửa chân cho anh em thì anh em cũng phải rửa chân cho nhau. Thầy đã nêu gương cho anh em, để anh em cũng làm như Thầy đã làm cho anh em” (Ga 13:13-16).
Thánh Luca cũng nói đến việc đó trong buổi tối lễ Vượt Qua: “Các ông còn cãi nhau sôi nổi xem ai trong Nhóm được coi là người lớn nhất. Đức Giêsu bảo các ông: Vua các dân thì dùng uy mà thống trị dân, và những ai cầm quyền thì tự xưng là ân nhân. Nhưng anh em thì không phải như thế, trái lại, ai lớn nhất trong anh em, thì phải nên như người nhỏ tuổi nhất, và kẻ làm đầu thì phải nên như người phục vụ. Bởi lẽ, giữa người ngồi ăn với kẻ phục vụ, ai lớn hơn ai? Hẳn là người ngồi ăn chứ? Thế mà Thầy đây, Thầy sống giữa anh em như một người phục vụ (Lc 22:24-27).
Qua hành động, Chúa Giêsu cho thấy rõ rằng Ngài không đòi hỏi chúng ta làm gì cho Ngài, dù Ngài là Thủ lĩnh và Đại huynh của chúng ta, đáng lẽ Ngài phải được người khác phục vụ, thế mà Ngài lại phục vụ họ – tức là chúng ta, và Ngài không chỉ muốn mà còn bắt buộc chúng ta phải vui vẻ phục vụ nhau. Như vậy, chắc chắn sự phục vụ là thực chất của việc lãnh đạo.
Chúa Giêsu thích phục vụ, cả đời Ngài rong ruổi khắp nơi để phục vụ người khác – đặc biệt là những người nghèo khổ. Điều này được xác định qua mẩu đối thoại giữa Chúa Giêsu và tông đồ Phêrô trong trình thuật Ga 13:6-10: “Chúa Giêsu đến chỗ ông Phêrô, ông liền thưa với Ngài: “Thưa Chúa, Thầy mà lại rửa chân cho con sao?”. Chúa Giêsu trả lời: “Việc Thầy làm, bây giờ anh chưa hiểu, nhưng sau này anh sẽ hiểu”. Ông Phêrô lại thưa: “Thầy mà rửa chân cho con, không đời nào con chịu đâu!”. Nhưng Chúa Giêsu nói ngay: “Nếu Thầy không rửa cho anh, anh sẽ chẳng được chung phần với Thầy”. Vừa sợ không được chung phần vừa khoái chí, ông Phêrô phấn khởi: “Vậy, thưa Thầy, xin cứ rửa, không những chân mà cả tay và đầu con nữa”. Chúa Giêsu cười rất hiền: “Ai đã tắm rồi thì không cần phải rửa nữa, toàn thân người ấy đã sạch”. Và Ngài “láy” một câu quan trọng: “Về phần anh em, anh em đã sạch, nhưng không phải tất cả đâu!”.
RỬA CHÂN LÀ THA THỨ
Người mau mắn phục vụ thì dễ dàng tha thứ. Vì cảm nghiệm được ơn tha thứ nên muốn tha thứ, muốn rửa mình và rửa người khác. Ở đây, động từ “rửa” không chỉ là làm cho sạch mà còn là tha thứ. Phàm cái gì bẩn thì phải rửa, dù bẩn theo nghĩa đen hay nghĩa bóng. Thánh vương Đa-vít cũng đã cầu nguyện: “Xin rửa con sạch hết lỗi lầm; tội lỗi con, xin Ngài thanh tẩy” (Tv 51:4).
Rửa sạch là việc cần làm ngay, tha thứ cũng là việc cần làm càng sớm càng tốt và càng nhiều càng tốt. Có lần ông Phêrô hỏi Chúa Giêsu: “Thưa Thầy, nếu anh em con cứ xúc phạm đến con, thì con phải tha đến mấy lần? Có phải bảy lần không?” (Mt 18:21). Đức Giêsu đáp: “Thầy không bảo là đến bảy lần, nhưng là đến bảy mươi lần bảy” (Mt 18:22). Không chỉ vậy, chúng ta còn phải yêu thương, tha thứ, cầu nguyện và làm ơn cho cả kẻ thù nữa (Mt 5:44; Lc 6:27). Khó quá, nhưng không được phép không làm!
Tha thứ mỗi ngày 1 lần cũng khó rồi, nhất là khi “sự xung đột” trầm trọng, huống chi mỗi ngày tha thứ 7 lần. Giáo hoàng Phêrô nghĩ mình có thể tha thứ 7 lần là “ngon” lắm rồi, ai dè… “bị hố”!
Chúng ta thực sự may mắn nên có thể tạ ơn vì luôn tận hưởng hồng ân tha thứ mỗi khi chúng ta cần đến Lòng Thương Xót của Chúa. Nếu chúng ta không biết tha thứ thì chúng ta là người đầy tớ không biết thương xót đồng loại (x. Mt 18:23-35), nghĩa là chúng ta vừa ích kỷ vừa độc ác nên không thể được Thiên Chúa tha thứ!
Lòng Chúa Thương Xót quá lớn nên ơn tha thứ của Ngài cũng vô cùng, vẫn cầu xin Chúa Cha thương chính những kẻ đã dã tâm giết chết Ngài: “Lạy Cha, xin tha cho họ vì họ không biết việc họ làm” (Lc 23:34).
TẠM KẾT
Cuối cùng, chúng ta phải ghi nhớ lời Chúa Giêsu nói về việc rửa chân: “Anh em đã biết những điều đó, nếu anh em thực hành, thì thật phúc cho anh em!” (Ga 13:17). Chúa Giêsu nhấn mạnh đến việc thực hành chứ không bảo chúng ta nghe biết cho vui tai.
Ngài chú ý cách thực hành tích cực, và chúng ta chắc chắn sẽ hạnh phúc nếu chúng ta thực hành điều Ngài đã làm. Ngài biết rằng sự đố kỵ, ghen ghét, bực tức, và thiếu lòng tha thứ làm chúng ta bị hạn chế và ngăn cản sự phát triển tâm linh của chúng ta. Nếu chúng ta cho phép những điều đó xảy ra, cuối cùng chúng sẽ hủy diệt chúng ta.
Khi tham dự phụng vụ ngày Thứ Năm Tuần Thánh, chúng ta hãy suy niệm những bài học Chúa Giêsu đã làm, chúng ta sẽ cố gắng khiêm nhường và cảm nghiệm niềm hạnh phúc khi noi gương Thầy Chí Thánh Giêsu trong việc phục vụ nhau bằng cách tha thứ lẫn nhau.
Vậy thì chúng ta đích thực là môn đệ của Chúa Giêsu, như Ngài đã tâm sự: “Thầy không còn gọi anh em là tôi tớ nữa, vì tôi tớ không biết việc chủ làm. Nhưng Thầy gọi anh em là bạn hữu, vì tất cả những gì Thầy nghe được nơi Cha Thầy, Thầy đã cho anh em biết” (Ga 15:15). Là thân phận tôi tớ, thậm chí chỉ đáng làm nô lệ, thế nhưng chúng ta lại được Chúa Giêsu gọi là bạn hữu và là môn đệ. Còn hạnh phúc nào hơn?!
Lạy Chúa, xin rửa chúng con được sạch. Xin giúp chúng con biết chân thành yêu thương, luôn sống khiêm nhường, vui vẻ phục vụ và mau mắn tha thứ. Chúng con cầu xin nhân danh Thánh Tử Giêsu Kitô, Thiên Chúa cứu độ của chúng con. Amen.

TRẦM THIÊN THU



RỬA CHÂN LÀ YÊU THƯƠNG
Trong Phúc âm, thánh Gioan ghi chép lại nghi lễ rửa chân do chính Chúa Giêsu thực hiện vào đêm cuối đời Ngài trên thế gian. Đây là điểm khác so với các Phúc âm nhất lãm. Rửa chân người khác là hành động yêu thương. Nghi thức rửa chân chỉ có trong Phúc âm của thánh Gioan – là “chàng trai trẻ” tự xưng “người môn đệ Chúa yêu” (Ga 13:23; Ga 19:26; Ga 13:23; Ga 20:2; Ga 21:7 & 20), và vì thế mà thánh Gioan cũng rất thích nói về tình yêu. Người rửa chân là “người thực hành yêu thương”, còn người được rửa chân là “người được yêu thương” – và cũng có trách nhiệm yêu thương người khác.
Tình yêu là bản chất của Thiên Chúa, như thánh Gioan định nghĩa: “Thiên Chúa là tình yêu” (1 Ga 4:8). Tình yêu ấy là Lòng Thương Xót vô biên của Ngài, là khối tình cuồng si không ai hiểu thấu: “Tình yêu cốt ở điều này: không phải chúng ta đã yêu mến Thiên Chúa, nhưng chính Ngài đã yêu thương chúng ta, và sai Con của Ngài đến làm của lễ đền tội cho chúng ta” (1 Ga 4:10). Tình yêu có lý lẽ riêng của con tim mà lý trí không thể hiểu hết, nó có những nghịch lý vừa “kỳ diệu” vừa “dễ thương” và khả dĩ chấp nhận. Thánh Gioan phân tích: “Nếu chúng ta yêu thương nhau, thì Thiên Chúa ở lại trong chúng ta, và tình yêu của Ngài nơi chúng ta mới nên hoàn hảo (1 Ga 4:12). Đại văn hào Victor Hugo cũng có ý tưởng độc đáo: “Ai khổ vì yêu, hãy yêu hơn nữa. Chết vì yêu là sống trong tình yêu”. Chết vì yêu lại là sống trong tình yêu. Quá ngược đời, và lạ thật! Người đời còn nhận ra như vậy, huống chi Thiên Chúa.
RỬA CHÂN LÀ KHIÊM NHƯỜNG
Người có lòng yêu thương thì luôn sống khiêm nhường. Mà khiêm nhường chính là nền tảng mọi nhân đức. Rửa chân người khác là động thái chứng tỏ sự khiêm nhường, khi chúng ta làm vậy là chúng ta vâng lời mà thực hành mệnh lệnh Chúa Giêsu đã truyền dạy. Chúa Giêsu quan tâm công việc mà người ta cho là hèn hạ đó, thế nên chúng ta cũng phải noi gương mà làm với sự vui vẻ và lòng khiêm nhường, khi đó chúng ta sẽ cảm nghiệm được ý nghĩa sâu xa để hiểu đúng và làm đúng. Ý nghĩa sâu sắc này sẽ giúp chúng ta nhận ra tầm quan trọng của gương Chúa Giêsu đối với chúng ta ngày nay.
Có vẻ lạ khi 3 tác giả phúc âm kia (Mátthêu, Máccô và Luca) tập trung vào Bánh và Rượu mà Chúa Giêsu biến thành Mình Máu Ngài lúc Ngài thiết lập Bí tích Thánh Thể vào chiều tối ngày Thứ Năm Tuần Thánh, buổi tối cuối cùng của đời Ngài. Tông đồ Gioan lại có cái nhìn hoàn toàn khác. Chúng ta biết rằng “người môn đệ Chúa yêu” ghi lại đầy đủ các hành động và lời nói của Chúa Giêsu, còn các tác giả kia không ghi lại. Câu trả lời có thể đơn giản là Gioan cảm thấy nghi thức rửa chân cần được thuật lại trong Tân ước. Mặt khác, Gioan có thể nhận thấy có sự nối kết trực tiếp giữa việc rửa chân và “việc làm khác thường” của Đức Kitô trong cuộc đời Ngài, trong cái chết của Ngài và sự sống đời sau.
Chân phước Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã noi gương Chúa Giêsu một cách trọn vẹn, không chỉ rửa chân cho người khác mà còn cúi xuống hôn chân người được rửa chân. Một động thái “kỳ lạ” gây ấn tượng rất sâu sắc và thật là dễ thương!
RỬA CHÂN LÀ PHỤC VỤ
Người có lòng khiêm nhường thì luôn sẵn sàng phục vụ người khác. Chúa Giêsu xác định: “Ai muốn làm lớn giữa anh em, thì phải làm người phục vụ anh em” (Mt 20:26). Ngài không nói cho có lệ, không nói suông, mà chính Ngài đã nêu gương và xác định: “Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụhiến dâng mạng sống làm giá chuộc muôn người” (Mt 20:28).
Nghi thức rửa chân được ghi lại trong Ga 13:1-17 cho chúng ta một cái nhìn mới về tính cách của Đấng Cứu Độ. Khi nào chúng ta áp dụng bài học “độc nhất vô nhị” này trong đời sống, chúng ta sẽ có thể hiểu hơn về lý do có người vẫn cố gắng đi tìm hạnh phúc mà chưa đạt được trọn vẹn, còn có người lại may mắn đầy ắp niềm vui sướng – như người Việt Nam nói: “Sướng từ trong trứng sướng ra” hoặc “đẻ bọc điều”. Đây cũng là một bí ẩn mầu nhiệm của cuộc đời, một dạng “vô cực”.
Chúa Giêsu đã làm công việc mà người ta cho là hèn hạ, đó là rửa chân, nhưng không phải là rửa chân cho người trên mà là rửa chân cho người dưới quyền mình. Rõ ràng là Ngài không muốn được phục vụ mà chỉ muốn phục vụ. Tuy nhiên, đó cũng chính là mệnh lệnh của Ngài: “Anh em gọi Thầy là Thầy, là Chúa, điều đó phải lắm, vì quả thật, Thầy là Thầy, là Chúa. Vậy, nếu Thầy là Chúa, là Thầy mà còn rửa chân cho anh em thì anh em cũng phải rửa chân cho nhau. Thầy đã nêu gương cho anh em, để anh em cũng làm như Thầy đã làm cho anh em” (Ga 13:13-16).
Thánh Luca cũng nói đến việc đó trong buổi tối lễ Vượt Qua: “Các ông còn cãi nhau sôi nổi xem ai trong Nhóm được coi là người lớn nhất. Đức Giêsu bảo các ông: Vua các dân thì dùng uy mà thống trị dân, và những ai cầm quyền thì tự xưng là ân nhân. Nhưng anh em thì không phải như thế, trái lại, ai lớn nhất trong anh em, thì phải nên như người nhỏ tuổi nhất, và kẻ làm đầu thì phải nên như người phục vụ. Bởi lẽ, giữa người ngồi ăn với kẻ phục vụ, ai lớn hơn ai? Hẳn là người ngồi ăn chứ? Thế mà Thầy đây, Thầy sống giữa anh em như một người phục vụ (Lc 22:24-27).
Qua hành động, Chúa Giêsu cho thấy rõ rằng Ngài không đòi hỏi chúng ta làm gì cho Ngài, dù Ngài là Thủ lĩnh và Đại huynh của chúng ta, đáng lẽ Ngài phải được người khác phục vụ, thế mà Ngài lại phục vụ họ – tức là chúng ta, và Ngài không chỉ muốn mà còn bắt buộc chúng ta phải vui vẻ phục vụ nhau. Như vậy, chắc chắn sự phục vụ là thực chất của việc lãnh đạo.
Chúa Giêsu thích phục vụ, cả đời Ngài rong ruổi khắp nơi để phục vụ người khác – đặc biệt là những người nghèo khổ. Điều này được xác định qua mẩu đối thoại giữa Chúa Giêsu và tông đồ Phêrô trong trình thuật Ga 13:6-10: “Chúa Giêsu đến chỗ ông Phêrô, ông liền thưa với Ngài: “Thưa Chúa, Thầy mà lại rửa chân cho con sao?”. Chúa Giêsu trả lời: “Việc Thầy làm, bây giờ anh chưa hiểu, nhưng sau này anh sẽ hiểu”. Ông Phêrô lại thưa: “Thầy mà rửa chân cho con, không đời nào con chịu đâu!”. Nhưng Chúa Giêsu nói ngay: “Nếu Thầy không rửa cho anh, anh sẽ chẳng được chung phần với Thầy”. Vừa sợ không được chung phần vừa khoái chí, ông Phêrô phấn khởi: “Vậy, thưa Thầy, xin cứ rửa, không những chân mà cả tay và đầu con nữa”. Chúa Giêsu cười rất hiền: “Ai đã tắm rồi thì không cần phải rửa nữa, toàn thân người ấy đã sạch”. Và Ngài “láy” một câu quan trọng: “Về phần anh em, anh em đã sạch, nhưng không phải tất cả đâu!”.
RỬA CHÂN LÀ THA THỨ
Người mau mắn phục vụ thì dễ dàng tha thứ. Vì cảm nghiệm được ơn tha thứ nên muốn tha thứ, muốn rửa mình và rửa người khác. Ở đây, động từ “rửa” không chỉ là làm cho sạch mà còn là tha thứ. Phàm cái gì bẩn thì phải rửa, dù bẩn theo nghĩa đen hay nghĩa bóng. Thánh vương Đa-vít cũng đã cầu nguyện: “Xin rửa con sạch hết lỗi lầm; tội lỗi con, xin Ngài thanh tẩy” (Tv 51:4).
Rửa sạch là việc cần làm ngay, tha thứ cũng là việc cần làm càng sớm càng tốt và càng nhiều càng tốt. Có lần ông Phêrô hỏi Chúa Giêsu: “Thưa Thầy, nếu anh em con cứ xúc phạm đến con, thì con phải tha đến mấy lần? Có phải bảy lần không?” (Mt 18:21). Đức Giêsu đáp: “Thầy không bảo là đến bảy lần, nhưng là đến bảy mươi lần bảy” (Mt 18:22). Không chỉ vậy, chúng ta còn phải yêu thương, tha thứ, cầu nguyện và làm ơn cho cả kẻ thù nữa (Mt 5:44; Lc 6:27). Khó quá, nhưng không được phép không làm!
Tha thứ mỗi ngày 1 lần cũng khó rồi, nhất là khi “sự xung đột” trầm trọng, huống chi mỗi ngày tha thứ 7 lần. Giáo hoàng Phêrô nghĩ mình có thể tha thứ 7 lần là “ngon” lắm rồi, ai dè… “bị hố”!
Chúng ta thực sự may mắn nên có thể tạ ơn vì luôn tận hưởng hồng ân tha thứ mỗi khi chúng ta cần đến Lòng Thương Xót của Chúa. Nếu chúng ta không biết tha thứ thì chúng ta là người đầy tớ không biết thương xót đồng loại (x. Mt 18:23-35), nghĩa là chúng ta vừa ích kỷ vừa độc ác nên không thể được Thiên Chúa tha thứ!
Lòng Chúa Thương Xót quá lớn nên ơn tha thứ của Ngài cũng vô cùng, vẫn cầu xin Chúa Cha thương chính những kẻ đã dã tâm giết chết Ngài: “Lạy Cha, xin tha cho họ vì họ không biết việc họ làm” (Lc 23:34).
TẠM KẾT
Cuối cùng, chúng ta phải ghi nhớ lời Chúa Giêsu nói về việc rửa chân: “Anh em đã biết những điều đó, nếu anh em thực hành, thì thật phúc cho anh em!” (Ga 13:17). Chúa Giêsu nhấn mạnh đến việc thực hành chứ không bảo chúng ta nghe biết cho vui tai.
Ngài chú ý cách thực hành tích cực, và chúng ta chắc chắn sẽ hạnh phúc nếu chúng ta thực hành điều Ngài đã làm. Ngài biết rằng sự đố kỵ, ghen ghét, bực tức, và thiếu lòng tha thứ làm chúng ta bị hạn chế và ngăn cản sự phát triển tâm linh của chúng ta. Nếu chúng ta cho phép những điều đó xảy ra, cuối cùng chúng sẽ hủy diệt chúng ta.
Khi tham dự phụng vụ ngày Thứ Năm Tuần Thánh, chúng ta hãy suy niệm những bài học Chúa Giêsu đã làm, chúng ta sẽ cố gắng khiêm nhường và cảm nghiệm niềm hạnh phúc khi noi gương Thầy Chí Thánh Giêsu trong việc phục vụ nhau bằng cách tha thứ lẫn nhau.
Vậy thì chúng ta đích thực là môn đệ của Chúa Giêsu, như Ngài đã tâm sự: “Thầy không còn gọi anh em là tôi tớ nữa, vì tôi tớ không biết việc chủ làm. Nhưng Thầy gọi anh em là bạn hữu, vì tất cả những gì Thầy nghe được nơi Cha Thầy, Thầy đã cho anh em biết” (Ga 15:15). Là thân phận tôi tớ, thậm chí chỉ đáng làm nô lệ, thế nhưng chúng ta lại được Chúa Giêsu gọi là bạn hữu và là môn đệ. Còn hạnh phúc nào hơn?!
Lạy Chúa, xin rửa chúng con được sạch. Xin giúp chúng con biết chân thành yêu thương, luôn sống khiêm nhường, vui vẻ phục vụ và mau mắn tha thứ. Chúng con cầu xin nhân danh Thánh Tử Giêsu Kitô, Thiên Chúa cứu độ của chúng con. Amen.

TRẦM THIÊN THU



GỢI Ý SUY NIỆM LỜI CHÚA
Thứ Năm Tuần Thánh năm B
Ga 13 1-15
Lễ  Vượt Qua của người Do thái đang rộn ràng. Chúa Giêsu cũng mừng lễ với các môn đệ đúng theo Lề Luật. Tiệc lễ Vượt Qua của Chúa Giêsu và các môn đệ được tổ chức trong một căn phòng ấm cúng, đủ mọi tiện nghi. Nhưng lần nầy, Tiệc Lễ nầy mang một màu sắc khác thường. Thánh Gioan ghi lại diễn biến của Tiệc Vượt Qua nầy với một giọng trang trọng và ghi rõ từng lời nói, cử chỉ của Chúa Giêsu, và hơn nữa, ngài đi sâu vào tâm tình của Thầy: “ Trước lễ Vượt Qua, Đức Giêsu biết giờ của Người đã đến, giờ phải bỏ thế gian mà về với Chúa Cha. Người vẫn yêu thương những kẻ thuộc về mình còn ở thế gian, và Người yêu thương họ đến cùng”.
Như một dạo khúc khởi đầu, thánh Gioan, bằng một câu ngắn, nhưng chứa đựng cả một vùng trời yêu thương. Tất cả được gói ghém trong một vài câu, nhưng đậm đà sâu thẳm.
Đây là giờ phút cuối cùng, chỉ có Chúa Giêsu biểt. Ngài biết giờ của Ngài, giờ vượt qua của Ngài, giờ phải chiến đấu quyết liệt với thần dữ. Ngài thi hành ý định cuối cùng của Ngài: “ Ngài đã yêu thương họ đến tận cùng”. Đây là lời của thánh Gioan, tổng kết tất cả những giờ phút cuối cùng của Chúa Giêsu.
Ngài biết mọi sự.
Đây là bài học cuối cùng, không bằng lời mà bằng hành động. Ngài lấy nước rửa chân cho các môn đệ.
Đối với chúng ta, cử chỉ đó là một cử chỉ thông thường trong đời sống, nhất là trong gia đình. Mẹ rửa chân cho con, vợ xối nước cho chồng rửa chân khi ở ngoài về và trời mưa, giép giày lấm đầy bùn. Đối với người Do thái, việc nầy chỉ dành riêng cho người nô lệ, và là người nô lệ không phải Do thái, nghĩa là một hành động thấp hèn nhất.
Rửa chân trong thời điểm nầy không phải là một công việc mang tính cách thông thường là rửa cho sạch mà là một thanh tẩy tâm hồn. Ý nghĩa hành động nầy sẽ được Chúa Giêsu giải thích rõ hơn. Rửa chân ở đây là hành động của Thiên Chúa Tình Yêu: “ Chúa Cha đã trao phó mọi sự trong tay Người, Người bởi Thiên Chúa mà đến”.
Chính Chúa Giêsu. Với tính cách là Thiên Chúa đã tự hạ để rửa chân cho chúng ta. Ngài đã tự biến mình thành nô lệ cho chúng ta. Chúng ta có thể hiểu được một sự lạ lùng như thế không ? Chỉ có Thiên Chúa Tình Yêu mới có thể nghĩ ra một lối hành xử lạ lùng như thế. Ngài rửa chân cho các môn đệ… trong đó có chúng ta.
Không lạ gì Phêrô cực lực phản đối: “ Thầy rửa chân cho con ? Không bao giờ !”
Phêrô, con người bộc trực, nghĩ sao nói vậy, mà lạ thật, chỉ có Phêrô mới nhận thấy hành động của Thầy vượt quá ranh giới của một cử chỉ thông thường, và không thể chấp nhận được. Nhưng Chúa Giêsu đã buộc Phêrô phải cho Ngài rửa chân: “ Nếu anh không để cho Thầy rửa chân, thì…”
Chúa Giêsu đã tự hạ đến nỗi chúng ta không thể hiểu được. Ngài đã vượt qua một vực thẳm mà trí óc con người không thể hình dung được, vì thế mà chúng ta, khi nghe nói đến, chúng ta chỉ chú ý sơ sài. Nhập thể, làm người đã là một hành động tự hạ thẳm sâu và cả cuộc đời Chúa Giêsu chỉ là một sự tư hạ “ thần linh”, như thánh Phaolô nói: “Người đã mang thân nô lệ…” Chính trong những dịp nầy, chúng ta mới ý thức một phần nào Ngài là Thiên Chúa Tình Yêu: “ Ngài đã yêu thương họ đến tận cùng”. Ngài là Thiên Chúa Tình Yêu, và tình yêu đích thực là hủy bỏ chính mình vì hạnh phúc của người yêu, nếu không, sẽ không thể là tình yêu. Tình yêu tột đỉnh đòi hỏi sự khiêm tốn tuyệt đỉnh. Chỉ có Chúa Giêsu mới có thể yêu đến tận cùng, chúng ta không thể nào đạt tới đỉnh cao đó.
Tất cả chúng ta là đối tượng của tình yêu thần linh đó, trong đó có Giudà. Chúng ta không phải là Giudà sao ? Hãy nhìn lại xem, bao nhiêu lần chúng ta đã bán đứng Chúa chúng ta ? Một vài đấng thánh đặc biệt như thánh Têrêxa Hài Đồng Giêsu, thánh Đôminicô Saviô…mới không phản bội…
Chúng ta hãy để cho Chúa  “rửa chân” để được dự phần vào sự thánh thiện của Ngài.
Rửa chân cho các môn đệ xong, Ngài giải thích hành động của Ngài: “Anh em gọi Thầy là Thầy và là Chúa ( nghĩa là chủ), điều đó phải lắm, vì quả thật, Thầy là Thầy, là Chúa. Vậy nếu Thầy là Thầy, là Chúa mà còn rửa chân cho anh em, tì anh em hãy rửa chân cho nhau”( nghĩa là làm tôi mọi cho nhau).
Bài học không khó hiểu chỉ khó thực hành. Ai trong chúng ta không hiểu bài học nầy ? Nhưng ai trong chúng ta đạ thực sự là “ tôi mọi” cho ai chưa?
Có lẽ chúng ta đã giúp đỡ hay phục vụ ai đó trong lúc nào đó thôi,nhưng làm tôi mọi theo gương Chúa thì chưa chắc có mấy ai. Cũng có những Đấng thánh đáng cho chúng ta noi gương vì các ngài đã làm đúng như Chúa.
Mẹ Têrêxa Calcutta là một khuôn mặt gần gũi chúng ta nhất. Mẹ đã trở nên “ tôi mọi” thực sự cho những người cùng khổ nhất trong xã hội, cho đến chết…
Thánh Đamiên, cha sở của người cùi ở đão Môlôkai, đã phục vụ người cùi, lây nhiễm bệnh cùi và chết cho người cùi…
Thánh Gioan Bốtcô đã phục vụ đám “thanh thiếu niên đường phố” và đã kiệt sức vì đám trẻ đó…
Còn chúng ta ? Chúng ta giống Chúa được bao nhiêu phần trăm ?
Thế gian, nhứt là thời nay, không còn biết phục vụ là gì, và nếu có, chỉ  phục vụ vì đồng tiền… Nghĩa là làm mướn. Trong xã hội hôm nay, chúng ta tìm được mấy bác sĩ tận tâm? Mấy thầy cô giáo hết mình vì học sinh ? Khi đồng tiền làm bá chủ thì không còn chỗ đứng cho Phục vụ. Người công giáo, môn đệ của Thiên Chúa Tình Yêu khiêm hạ, không thể rập khuôn theo thế gian mà phải là chứng nhân cho tình yêu bằng phục vụ vô vị lợi, bằng tình yêu không giả dối.
Chúng ta dám không ?
Chúng ta viện đủ mọi lý do để không thể phục vụ. Hãy nhìn Chúa Giêsu quỳ xuống rửa chân cho chúng ta, và hãy quyết tâm theo Ngài trong phục vụ khiêm hạ của Ngài.
Có lẽ Ngài không đòi hỏi chúng ta quá mức đâu, nhưng Ngài mong chúng ta bắt tay vào việc và từ từ, Ngài sẽ mở rộng chân trời cho chúng ta, sẽ chỉ cho chúng ta biết làm gì, biết phục vụ như thế nào trong hoàn cảnh riêng của mỗi người.
Chúa Giêsu yêu thương chúng ta đến tận cùng và Ngài đã chứng tỏ tình yêu của Ngài trong suốt cuộc đời của Ngài, nhưng có một hành động nổi bật mà hôm nay Giáo Hội mời gọi chúng ta cử hành đó là Mầu Nhiệm Thánh Thể.
Chúng ta quá quen thuộc với Bí Tích Thánh Thể. Điều nầy là một điều tốt đẹp, nhưng cũng là một nguy hại. Nguy hại là sự quen thuộc sẽ làm cho mọi sự trở nên tầm thường đến nỗi chúng ta chỉ hành động như một cái máy.
Mỗi ngày chúng ta vẫn được ăn Mình Thánh Chúa, chúng ta có còn cảm thấy đó là một cái gì cao cả tuyệt vời không ? Chúng ta có cảm thấy tình yêu Chúa như thế nào không hay chỉ còn là một thói quen ?
Mầu nhiệm thật cao cả ! Nhưng sự cao cả nầy ở đâu ? Chúng ta cũng tỏ ra cung kính, nhưng chúng ta có thấy tình yêu Chúa đang dâng tràn qua những thực tại hết sức đơn thường là một tấm bánh không ? Chúng ta có cảm thấy Chúa vẫn cao cả trong sự nhỏ hèn đó không ?
Trong trình thuật bữa Tiệc Ly, thánh Gioan không nói đến việc thiếp lập Bí Tích Thánh Thể. Điều đó có phải là một thiếu sót không ? Các thánh sử khác đã nói đến nhiều rồi, không cần phải tường thuật lại và thánh Gioan đã chú ý đến những vấn đề khác cũng quan trọng không kém. Về Thánh Thể, thánh Gioan đã nói đến một cách hết sức rõ ràng và mạnh mẽ trong diễn từ về Bánh Hằng Sống ở Hội Đường Caphácnaum rồi. ( Ga,6 ) Chúng ta mượn trình thuật của thánh Phaolô trong thơ thứ nhứt gởi giáo đoàn Côrintô để chiêm  ngắm mầu nhiệm Thánh Thể mà Giáo Hội cử hành hôm nay.( bài đọc 2 ).
Thánh Phaolô chỉ nói ngắn thôi, nhưng đủ cho chúng ta thấy được tất cả mầu nhiệm chứa đựng trong đó.
Thánh Phaolô nói: “ Điều tôi đã lãnh nhận từ nơi chúa, tôi xin truyền lại cho anh em”.Như thế, đây là một mạc khải  từ nơi Chúa, vì thánh Phaolô không có mặt trong bữa tiệc ly, lúc ấy ngài chưa là Tông đồ. Đây cũng là lời tường thuật đầu tiên về Phép Thánh Thể.
Trong đêm bị nộp, Chúa Giêsu cầm bánh, dâng lời chúc tụng, rồi bẻ ra và nói: “ Nầy là Mình Thầy, hiến dâng vì anh em, anh em hãy làm việc nầy mà tưởng nhớ đến Thầy…”Chúa Giêsu nghĩ gì khi nói những lời ấy ? Chúng ta không thể hiểu tâm hồn và ý nghĩ của Ngài, nhưng chúng ta cũng nên tìm hiểu và có thể, với ơn Thánh Thần, chúng ta cũng hiểu được phần nào và như thế chúng ta càng gần gũi Ngài hơn. Chắc chắn, giờ phút đó, Ngài đã nghĩ đến cái chết đau đớn của Ngài. Khi Ngài cầm lấy chén rượu, Ngài nói rõ hơn: “  Chén nầy là Giao Ước mới, lập bằng Máu Thầy…” Máu giao ước là máu của con chiên bị sát tế. Máu Ngài là máu Giao Ước mới, tức là Ngài nói đến hy tế mà Ngài sắp thực hiện.
Mỗi khi uống anh em hãy làm việc nầy mà tưởng nhớ đến Thầy”.Thánh Thể vừa là của ăn, vừa là hy lễ, vừa là cái chết đau thương mà Ngài đảm nhận trong tình yêu tuyệt đỉnh. Hôm nay, Giáo Hội vâng lệnh Ngài, cử hành mầu nhiệm Thánh Thể để tưởng nhớ đến Ngài, đến hy tế của Ngài , đến tình yêu vô biên của Ngài. Chúng ta đang ở nơi bàn Tiệc Ly và Chúa Giêsu đang hiện diện với chúng ta, dù qua mầu nhiệm, Ngài vẫn là Ngài, là Chúa, là Thiên Chúa Tình Yêu, Ngài đã diễn tả tình yêu của Ngài bằng một hành động và một dấu hiệu huyền diệu khôn tả.
Thánh Thể mà chúng ta cử hành hôm nay,không khác gì  hi lễ Canvê mà là một. Đây là tặng vật cao quí vô cùng Ngài ban tặng cho chúng ta để nhờ đó, chúng ta được mời gọi tế hiến cuộc đời với Ngài, thánh thể hóa cuộc sống hôm nay của chúng ta, làm “ tôi mọi” cho mọi người như Ngài đã làm gương cho chúng ta.
Ăn lấy Ngài, yêu thương Ngài, làm việc với Ngài, đau khổ với Ngài, cuộc đời chúng ta được ẩn giấu trong Chúa Kitô để trở thành của lễ mỗi ngày cho vinh danh Chúa Cha.
Linh mục Tầm Phúc.
THỨ SÁU TUẦN THÁNH TẠI RÔMA
VATICAN - Lúc 5 giờ chiều Thứ Sáu Tuần Thánh hôm qua, ĐTC đã chủ sự các lễ nghi tưởng niệm cuộc khổ nạn và sự chết của Chúa Giêsu với nghi thức tôn thờ Thánh Giá Chúa.
Giảng trong buổi cử hành phụng vụ, vị thuyết giảng của Toà Thánh, cha Raniero Cantalamessa nêu bật hình ảnh của Chúa Giêsu bị đánh đòn, đầu đội mão gai, mình đầy máu và thương tích, một người hoàn toàn bất lực, nguyên mẫu của tất cả mọi nạn nhân của bất công trong lịch sử loài người. Chúa Giêsu hấp hối cho tới tận thế nơi mọi người nam nữ bị tra tấn hành hạ và giết chết. Lời Chúa nói "Các ngươi đã làm cho Ta" không chỉ ám chỉ nhũng người tin nơi Ngài, mà ám chỉ mọi người đói khát, trần truồng, bị ngược đãi, bị nhốt tù. Ở đây chúng ta không nghĩ tới các tệ nạn xã hội tập thể: đói khát, nghèo túng, bất công, khai thác bóc lột người yếu đuối, có nguy cơ trở thành các phạm trù trừu tượng, chứ không phải con người. Nhưng chúng ta nghĩ tới các nỗi khổ đau của những con người riêng rẽ, có tên tuổi và căn cước, tới các tra tấn được quyết định một cách lạnh lùng và cố ý áp dụng ngay trong lúc này đây cho các con người, kể cả các trẻ em. Có biết bao nhiêu "Này là người" trên thế giới này. Có biết bao tù nhân phải ở trong cùng các điều kiện của Chúa Giêsu trong sân dinh quan Philatô: cô đơn, bị còng tay, bị tra tấn, nạn nhân trong tay của các tên lính cộc cằn thô lỗ, đầy thù hận, buông mình theo mọi loại tàn ác thể lý và tâm lý, vui đùa khi thấy người khác khổ đau. Tiếng kêu "Này là người" không chỉ được áp dụng cho các nạn nhân, nhưng cho cả các lý hình nữa. Nó muốn nói rằng con người có khả năng làm các điều đó. Với sự sợ hãi và run rẩy chúng ta cũng nói: đấy, loài người chúng ta có khả năng làm các điều đó!
Các kitô hữu không phải là các nạn nhân duy nhất của bạo lực giết người trên thế giới này, nhưng không thể không biết rằng trong nhiều quốc gia họ là các nạn nhân được chỉ định và ngày càng thường xuyên hơn. Giám Mục Dionigi thành Alessandria đã làm chứng lễ Vượt Qua kitô hữu cử hành dưới thời hoàng đế Decio bắt đạo như sau: "Họ lưu đầy chúng tôi, và cô đơn giữa mọi người chúng tôi bị bắt bớ và giết chết. Nhưng cả khi đó nữa chúng tôi cũng đã cử hành lễ Phục Sinh. Mỗi nơi chúng tôi đau khổ trở thành một nơi để cử hành lễ; cho dù có là một cánh đồng, một sa mạc, một con tầu, một quán trọ, một nhà tù. Các vị tử đạo toàn thiện cử hành các lễ Phục Sinh, vì được nhận vào lễ hội thiên quốc". Cũng sẽ như thế đối với nhiều kitô hữu lễ Phục Sinh năm 2015 này!
Tiếp tục bài giảng cha Cantalamessa nói: có người can đảm tố cáo sự thờ ơ gây lo ngại của các cơ cấu quốc tế và của dư luận trước những điều này, bằng cách nhắc nhở rằng trong quá khứ một sự thờ ơ như vậy đã đưa tới đâu. Các cơ cấu và con người của thế giới tây phương có nguy cơ trở thành các Philatô rửa tay phủi bỏ trách nhiệm của mình. Nhưng trong lúc này chúng ta không dược phép tố cáo. Bởi nếu không, chúng ta sẽ phản bội mầu nhiệm chúng ta đang cử hành, Khi chết Chúa Giêsu đã kêu lên "Lạy Cha, xin tha cho họ vì họ không biết việc họ làm" (Lc 23,34). Thay vì tố cáo các kẻ thù nghịch hay tha thứ cho họ, Chúa Giêsu tín thác cho Thiên Chúa Cha việc báo oán và Ngài bênh vực họ. Gương Ngài đề nghị với các môn đệ là một lòng quảng đại vô biên. Tha thứ với cùng sự cao cả của tâm hồn không chỉ bao gồm một thái độ tiêu cực khước từ muốn sự dữ cho kẻ làm sự dữ, nhưng phải được diễn tả ra bằng một ý muốn làm điều lành cho họ, cầu nguyện cho họ.
Chúa Giêsu đã chiến thắng baọ lực không phải bằng cách chống lại với một bạo lực lớn hơn, nhưng bằng cách chịu đựng nó và lột trần tất cả sự bất công và vô ích của nó. Vấn đề bạo lực bao vây chúng ta, gây gương mù gương xấu cho chúng ta, vì ngày nay nó sáng chế ra các hình thức tàn ác kinh hoàng và mọi rợ mới. Kitô hữu chúng ta phản ứng kinh khiếp trước ý tưởng người ta có thể giết người nhân danh Thiên Chúa. Nhưng tư tưởng của Thiên Chúa là "Chớ giết người". Diễn văn trên núi đã thay đổi thế giới là diễn văn được công bố giờ đây, một cách lặng lẽ, từ thập giá. Trên núi Sọ Chúa Giêsu đã nói lên tiếng "Không" vĩnh viễn với bạo lực, chống lại nó không chỉ đơn sơ với việc không bạo lực, nhưng còn hơn thế nhiều với sự tha thứ, dịu hiền và tình yêu thương. Các vị tử đạo đích thật của Chúa Kitô không chết với nắm đấm, nhưng với đôi tay chắp vào nhau.
Ôi lạy Chúa, chúng con cầu xin Chúa cho các anh em đức tin của chúng con bị bách hại và cho tất cả các "Này là người" trong lúc này đây trên mặt đất này, các kitô hữu và không kitô hữu. Lậy Mẹ Maria, dưới thập giá Mẹ đã hiệp nhất với Con và thầm thì theo Ngài: "Lạy Cha, xin tha cho họ": xin giúp chúng con chiến thắng sự dữ bằng sự thiện, không chỉ trên quang cảnh lớn của thế giới này, nhưng cả trong cuộc sống thường ngày, trong bốn bức tường của gia đình chúng con nữa" (SD 3-4-2015)





THỨ SÁU TUẦN THÁNH TẠI RÔMA
VATICAN - Lúc 5 giờ chiều Thứ Sáu Tuần Thánh hôm qua, ĐTC đã chủ sự các lễ nghi tưởng niệm cuộc khổ nạn và sự chết của Chúa Giêsu với nghi thức tôn thờ Thánh Giá Chúa.
Giảng trong buổi cử hành phụng vụ, vị thuyết giảng của Toà Thánh, cha Raniero Cantalamessa nêu bật hình ảnh của Chúa Giêsu bị đánh đòn, đầu đội mão gai, mình đầy máu và thương tích, một người hoàn toàn bất lực, nguyên mẫu của tất cả mọi nạn nhân của bất công trong lịch sử loài người. Chúa Giêsu hấp hối cho tới tận thế nơi mọi người nam nữ bị tra tấn hành hạ và giết chết. Lời Chúa nói "Các ngươi đã làm cho Ta" không chỉ ám chỉ nhũng người tin nơi Ngài, mà ám chỉ mọi người đói khát, trần truồng, bị ngược đãi, bị nhốt tù. Ở đây chúng ta không nghĩ tới các tệ nạn xã hội tập thể: đói khát, nghèo túng, bất công, khai thác bóc lột người yếu đuối, có nguy cơ trở thành các phạm trù trừu tượng, chứ không phải con người. Nhưng chúng ta nghĩ tới các nỗi khổ đau của những con người riêng rẽ, có tên tuổi và căn cước, tới các tra tấn được quyết định một cách lạnh lùng và cố ý áp dụng ngay trong lúc này đây cho các con người, kể cả các trẻ em. Có biết bao nhiêu "Này là người" trên thế giới này. Có biết bao tù nhân phải ở trong cùng các điều kiện của Chúa Giêsu trong sân dinh quan Philatô: cô đơn, bị còng tay, bị tra tấn, nạn nhân trong tay của các tên lính cộc cằn thô lỗ, đầy thù hận, buông mình theo mọi loại tàn ác thể lý và tâm lý, vui đùa khi thấy người khác khổ đau. Tiếng kêu "Này là người" không chỉ được áp dụng cho các nạn nhân, nhưng cho cả các lý hình nữa. Nó muốn nói rằng con người có khả năng làm các điều đó. Với sự sợ hãi và run rẩy chúng ta cũng nói: đấy, loài người chúng ta có khả năng làm các điều đó!
Các kitô hữu không phải là các nạn nhân duy nhất của bạo lực giết người trên thế giới này, nhưng không thể không biết rằng trong nhiều quốc gia họ là các nạn nhân được chỉ định và ngày càng thường xuyên hơn. Giám Mục Dionigi thành Alessandria đã làm chứng lễ Vượt Qua kitô hữu cử hành dưới thời hoàng đế Decio bắt đạo như sau: "Họ lưu đầy chúng tôi, và cô đơn giữa mọi người chúng tôi bị bắt bớ và giết chết. Nhưng cả khi đó nữa chúng tôi cũng đã cử hành lễ Phục Sinh. Mỗi nơi chúng tôi đau khổ trở thành một nơi để cử hành lễ; cho dù có là một cánh đồng, một sa mạc, một con tầu, một quán trọ, một nhà tù. Các vị tử đạo toàn thiện cử hành các lễ Phục Sinh, vì được nhận vào lễ hội thiên quốc". Cũng sẽ như thế đối với nhiều kitô hữu lễ Phục Sinh năm 2015 này!
Tiếp tục bài giảng cha Cantalamessa nói: có người can đảm tố cáo sự thờ ơ gây lo ngại của các cơ cấu quốc tế và của dư luận trước những điều này, bằng cách nhắc nhở rằng trong quá khứ một sự thờ ơ như vậy đã đưa tới đâu. Các cơ cấu và con người của thế giới tây phương có nguy cơ trở thành các Philatô rửa tay phủi bỏ trách nhiệm của mình. Nhưng trong lúc này chúng ta không dược phép tố cáo. Bởi nếu không, chúng ta sẽ phản bội mầu nhiệm chúng ta đang cử hành, Khi chết Chúa Giêsu đã kêu lên "Lạy Cha, xin tha cho họ vì họ không biết việc họ làm" (Lc 23,34). Thay vì tố cáo các kẻ thù nghịch hay tha thứ cho họ, Chúa Giêsu tín thác cho Thiên Chúa Cha việc báo oán và Ngài bênh vực họ. Gương Ngài đề nghị với các môn đệ là một lòng quảng đại vô biên. Tha thứ với cùng sự cao cả của tâm hồn không chỉ bao gồm một thái độ tiêu cực khước từ muốn sự dữ cho kẻ làm sự dữ, nhưng phải được diễn tả ra bằng một ý muốn làm điều lành cho họ, cầu nguyện cho họ.
Chúa Giêsu đã chiến thắng baọ lực không phải bằng cách chống lại với một bạo lực lớn hơn, nhưng bằng cách chịu đựng nó và lột trần tất cả sự bất công và vô ích của nó. Vấn đề bạo lực bao vây chúng ta, gây gương mù gương xấu cho chúng ta, vì ngày nay nó sáng chế ra các hình thức tàn ác kinh hoàng và mọi rợ mới. Kitô hữu chúng ta phản ứng kinh khiếp trước ý tưởng người ta có thể giết người nhân danh Thiên Chúa. Nhưng tư tưởng của Thiên Chúa là "Chớ giết người". Diễn văn trên núi đã thay đổi thế giới là diễn văn được công bố giờ đây, một cách lặng lẽ, từ thập giá. Trên núi Sọ Chúa Giêsu đã nói lên tiếng "Không" vĩnh viễn với bạo lực, chống lại nó không chỉ đơn sơ với việc không bạo lực, nhưng còn hơn thế nhiều với sự tha thứ, dịu hiền và tình yêu thương. Các vị tử đạo đích thật của Chúa Kitô không chết với nắm đấm, nhưng với đôi tay chắp vào nhau.
Ôi lạy Chúa, chúng con cầu xin Chúa cho các anh em đức tin của chúng con bị bách hại và cho tất cả các "Này là người" trong lúc này đây trên mặt đất này, các kitô hữu và không kitô hữu. Lậy Mẹ Maria, dưới thập giá Mẹ đã hiệp nhất với Con và thầm thì theo Ngài: "Lạy Cha, xin tha cho họ": xin giúp chúng con chiến thắng sự dữ bằng sự thiện, không chỉ trên quang cảnh lớn của thế giới này, nhưng cả trong cuộc sống thường ngày, trong bốn bức tường của gia đình chúng con nữa" (SD 3-4-2015)


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét