Chú giải Tin mừng Chúa nhật II Phục Sinh - Năm C
Ngày 7-4-2013 : Đức Giêsu hiện ra với các môn đệ (Gioan 20,19-31 – CN II
PS – ABC)
Luôn luôn cần những dấu chỉ, nhưng cũng phải luôn luôn vượt qua các dấu
chỉ.
Lm PX Vũ Phan Long, ofm
1.- Ngữ cảnh
Dựa theo bố cục tổng quát của TM Ga,
đoạn văn này nằm trong chương 20 là chương cuối cùng của phần B (Sách về Giờ
của Đức Giêsu), kèm theo lời kết cho thấy mục tiêu của tác giả khi viết Tin
Mừng.
Trong tình trạng tranh tối tranh sáng
lúc bình minh, Maria Mácđala đi đến mộ Đức Giêsu và thấy mộ đã được mở và trống
không. Cho tới nay, có hai sứ điệp của Đức Giêsu Phục Sinh đã bao trùm ngày Phục
Sinh (20,2.17). Vào buổi chiều ngày dài này, Đấng Phục Sinh đã đến gặp các môn
đệ Người. Người gặp họ khi họ đang ở trong phòng cửa đóng kín: họ còn đang ở
trong mộ của nỗi sợ hãi, chứ chưa được thông dự vào sự sống của Người. Đức
Giêsu đã đưa các môn đệ ra khỏi tình trạng bế tắc do phản bội, do sợ hãi. Và
Người đã trao sứ mạng để các ông trở thành sứ giả đi khắp nơi mà ban ơn tha
tội, ban sự bình an.
2.- Bố cục
Bản văn có thể chia thành ba phần:
1) Đức Giêsu hiện ra với các môn đệ
không có Tôma (20,19-23):
a) Lời chào "bình an" thứ
nhất với việc chứng minh (cc. 19-20),
b) Lời chào "bình an" thứ hai
với sứ mạng (cc. 21-23);
2) Đức Giêsu hiện ra với các môn đệ và
Tôma (20,24-29):
a) Tôma không tin anh em (cc. 24-25),
b) Đức Giêsu và Tôma (cc. 26-31);
3) Kết luận Kitô học: Tóm tắt mục tiêu
sứ mạng của Đức Giêsu (20,30-31).
3.- Vài điểm chú giải
- Vào chiều ngày ấy, ngày thứ nhất
trong tuần (19): Cuộc hiện ra xảy ra tại Giêrusalem vào ngày Chúa Nhật. Bản văn
Lc 24,33-49 cho biết Đức Giêsu hiện ra vào buổi chiều, bởi vì vào lúc xế chiều,
Người đã ngồi ăn với hai môn đệ tại Emmau, rồi hai ông đã trở lại Giêrusalem
ngay trước khi Đức Giêsu hiện ra với cả nhóm. Rất có thể tác giả dùng từ ngữ
"ngày ấy" mà chỉ ngày Chúa Nhật ấy là có ý coi đây là ngày cánh
chung, ngày mà Đức Giêsu ban Thánh Thần để ở lại mãi mãi với các môn đệ (xem
thêm cc. 14,20; 16,23.26).
Tác giả dùng công thức "Ngày thứ
nhất trong tuần" cho cả hai lần hiện ra ở đây (lần sau đúng một tuần sau)
rất có thể là vì ông muốn nhắc đến thói quen của các Kitô hữu cử hành Thánh Thể
vào "ngày thứ nhất trong tuần" (Cv 20,7; xem thêm 1 Cr 16,2).
- các cửa đều đóng kín (19): Lý do nêu
ra trong bản văn là "vì các ông sợ người Do Thái", nhưng có lẽ tác
giả cũng còn muốn cho thấy là thân thể Đức Giêsu Phục Sinh có thể đi qua cửa
đóng kín. Đây cũng có thể là một ghi nhận về hoàn cảnh hiện tại của các môn đệ.
- Bình an cho anh em (19): Trong tiếng
Hípri, shâlôm (= bình an, HL eirênê) là một lời chào thông thường. Nhưng trong
văn cảnh long trọng ở đây, lời của Đức Giêsu có ý nghĩa khác, không phải chỉ là
"Cầu chúc anh em được bình an", như thể họ còn phải chờ đợi sự bình
an đến trong tương lai. Ở đây, lời Đức Giêsu nói là một nhận định về thực tại:
chắc chắn họ đang có sự bình an của Người.
- Như Chúa Cha đã sai Thầy (21): Trong
các Tin Mừng khác, cũng có lời sai đi này (x. Mt 28,19; Lc 24,47), nhưng ở đây,
mẫu mực cho việc sai đi là quan hệ của Con với Cha (một đề tài thần học của Ga,
xem 17,18).
- Người thổi hơi vào các ông... Anh em
hãy nhận lấy Thánh Thần (22): Hành động này nhắc nhớ đến làn hơi sáng tạo của
Thiên Chúa trong St 2,7. Làn hơi của Đức Giêsu chính là Thánh Thần. Trên thập
giá, Người đã "trao Thần Khí" (paredôken to pneuma; trước đây, vì
không quan tâm đến thần học của tác giả Ga, người ta đã dịch là "trút hơi
thở") (19,30): Người đã trao ban Thánh Thần cho những người đứng dưới chân
thập giá, đặc biêt cho thân mẫu Người, tượng trưng Hội Thánh hoặc Dân mới của
Thiên Chúa, và cho người môn đệ Người thương mến, tượng trưng các Kitô hữu.
- Anh em tha tội cho ai ...; anh em cầm
giữ ai... (23): Câu này có vọng lại Ds 22–24 bằng tiếng Hy Lạp (Bản LXX),
Truyện Bilơam: chẳng hạn so sánh Ga 20,23 // Ds 22,6 LXX. Theo bản văn Hípri,
vua Balác xác tín rằng "kẻ nào bị ông nguyền rủa thì mắc họa/bị nguyền
rủa" (Ds 22,6 Hípri), nghĩa là sẽ bị nguyền rủa qua lời nguyền Bilơam
tuyên bố. Ông không bận tâm với quyền năng của Thiên Chúa Israel, là Đấng có
đồng ý thì Bilơam mới có thể chúc phúc hoặc nguyền rủa (Ds 22,12; 23,8). Ngược
lại, trong bản văn Hy Lạp, lời của Balác ở 22,6 có một ý nghĩa có thể giải
thích theo hai hướng: có thể hiểu "được phúc" (eulogêntai) và
"mắc họa/bị nguyền rủa" (kekatêrantai) vừa theo nghĩa một hậu quả sẽ
xảy ra trong tương lai gần (bản văn Hípri: dạng phân từ và vị hoàn), vừa theo
nghĩa một lời thú nhận không chủ ý rằng chỉ những ai đã được Thiên Chúa chúc
phúc hoặc bị Thiên Chúa nguyền rủa thì Bilơam mới có thể chúc phúc hoặc nguyền
rủa. Đó chính là điều Thiên Chúa đã nói với Bilơam: "Ngươi không được đi
với chúng! Không được nguyền rủa dân đó, vì nó đã được chúc phúc (estin gar
eulogêmenon)". Bilơam không thể nguyền rủa kẻ đang sống trong tình trạng
được chúc phúc, từ đó chúng ta hiểu là kẻ nào ông nguyền rủa được, kẻ ấy đã
đang bị Thiên Chúa nguyền rủa rồi. Balác đã nói như thế và ông có lý, mà ông
không biết.
Dạng hoàn thành apheôntai ("được
tha") và kekratêntai ("bị cầm giữ") ở Ga 20,23 có thể được hiểu
như thế.
- Chúng tôi đã được thấy Chúa
(heôrakamen ton kyrion, 25): Heôrakamen là thì hoàn tất của động từ horaô, diễn
tả việc "thấy" kèm theo sự hiểu biết thật sự.
- Nếu tôi không thấy dấu đinh... (25):
Đây là lời Tôma khẳng định rằng ông không tin, hoặc để ông tin, Đức Giêsu cũng
phải hiện ra với ông, như đã hiện ra với các môn đệ kia. Đức Giêsu đã đáp ứng
yêu cầu của ông, Người đã mời ông làm như ông nói lúc này, để có thể tin.
- Đừng cứng lòng nữa, nhưng hãy tin
(27): Dịch sát là "đừng cứ tiếp tục không tin nữa, nhưng hãy bắt đầu tin
đi". Đức Giêsu mời Tôma thay đổi thái độ.
- Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của
con (28): Đây vừa là một tiếng kêu vừa là một hô-cách dưới dạng chủ-cách (=
"Lạy Chúa và lạy Thiên Chúa của con!") vừa là một lời tuyên xưng đức
tin (= "Ngài là Chúa và Thiên Chúa của con") độc đáo chưa ai làm.
"Chúa của con" nhắm đến Đức Giêsu của lịch sử, còn "Thiên Chúa
của con" là một lượng định mang tính thần học về bản thân Người. Tuyên
xưng Đức Giêsu là "Đức Chúa" thì Maria Mácđala và các môn đệ đều đã
làm (20,18.25); nhưng tuyên xưng vị "Chúa tể" này là "Thiên
Chúa", thì chỉ có Tôma mới làm ở đây. Vì thế, cũng có thể hiểu câu này là
một phép thế đôi (hendiadys): "Chúa của con" cũng là "Thiên Chúa
của con".
- là để anh em tin rằng (31): Bản văn
Hy Lạp ghi "để anh em tin" là hina pisteu[s]ête (với con chữ sigma
nằm trong ngoặc đơn), tức là có thể đọc hina pisteusête hoặc hina pisteuête. Cả
hai cách đọc đều có thể chấp nhận, nhưng đưa tới hai ý nghĩa rất khác nhau:
(1) Cách đọc thứ nhất, hina pisteusête
(subjunctive aorist): Cách đọc này có thể dịch ra như sau: "để anh em có
thể đi đến đức tin". Trong trường hợp này, mục tiêu của bài tường thuật là
truyền giáo. Những người nhận bản văn hẳn là những người ở bên ngoài cộng đoàn
Kitô hữu.
(2) Cách đọc thứ hai, hina pisteuête
(subjunctive present): Cách đọc này có thể dịch ra như sau: "để anh em
tiếp tục tin". Trong trường hợp này, mục tiêu của bài tường thuật chỉ là
khuyến thiện. Những người nhận bản văn hẳn là những người thuộc về cộng đoàn
Kitô hữu.
Cho dù cách hợp lý hơn là cách đọc thứ
hai, ta cũng không thể chỉ vì có hoặc không có một con chữ sigma (s) mà phân
biệt để xác định rằng mục đích của tác phẩm là truyền giáo hay không. Ta còn
phải khảo sát tất cả các cách dùng liên từ hina, rồi khảo sát cấu trúc văn
chương tổng quát của tác phẩm. Dù sao, khi nghiên cứu TM IV kỹ càng hơn, ta có
thể nghĩ rằng tác phẩm được ngỏ với những người đã là Kitô hữu.
4.- Ý nghĩa của bản văn
Trong cả hai lần Đức Giêsu hiện ra,
thời gian là "ngày thứ nhất trong tuần", "ngày của Chúa",
ngày Chúa Nhật. Người chào các môn đệ với những lời như nhau, "Bình an cho
anh em!". Đây là cuộc gặp gỡ hàng tuần của cộng đoàn Kitô hữu. Đức Giêsu
Phục Sinh tỏ mình ra cho các môn đệ của Người.
* Đức Giêsu hiện ra với các môn đệ
không có Tôma (19-23)
Các môn đệ đang sống trong căn nhà cửa
đóng then cài, "vì sợ người Do Thái" (c. 19). Điều này hiểu được sau
khi Đức Giêsu qua đời, nhưng có lẽ cũng phản ánh hoàn cảnh của các môn đệ vào
lúc Gioan viết Tin Mừng. Nhiều lần, trong tác phẩm, ta thấy những ai thuộc về
nhóm Đức Giêsu đều sợ bị đuổi ra khỏi hội đường (x. 9,22).
Các môn đệ lúc này không còn là mười
hai nữa, mà là mười một, rồi đọc thêm nữa thì thấy chỉ còn có mười. Khi hiện
ra, điều đầu tiên Đức Giêsu làm là cho các môn đệ thấy rằng các ông có Người
đang sống giữa các ông. Rồi Người nói: "Bình an (eirênê) cho anh em!"
(c. 19). Không chỉ nói về bình an, Người còn cung cấp nền tảng chắc chắn cho
lời của Người: các vết thương (tay [chân] và cạnh sườn). Vậy Người chính là
Đấng đã chết trên thập giá, nhưng Người đã thắng cái chết. Không có sự buồn
phiền khi trông thấy các dấu vết của cuộc Thương Khó. "Các môn đệ vui mừng
vì được thấy Chúa" (c. 20). Chỉ có niềm vui bởi vì thời điểm tiêu cực cuộc
cuộc Thương Khó đã bị vượt qua. Các môn đệ vui mừng bởi vì Đức Giêsu vui mừng
và chuyển thông niềm vui cho họ. Các ông cũng vui mừng bởi vì Đức Giêsu đã hoàn
tất sứ mạng của Người.
Đức Giêsu lại ban cho sự bình an cho
các ông một lần nữa, rồi cho các ông được thông phần vào chính sứ mạng, chính
sự sống và quyền của Người là tha tội. Sau khoảnh khắc nhận biết, như trong
trường hợp Maria Mácđala, bây giờ đến một loại tương quan khác. Ở c. 20, Đức
Giêsu nói tiếp: "Như (kathos) Chúa Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh
em" (c. 21). Chỉ là một chuyển động duy nhất: Trong tư cách Chúa Con,
Người làm chứng về Chúa Cha; trong tư cách môn đệ Người, các môn đệ đi làm
chứng về Người và đưa người ta tới chỗ tin vào Người, để rồi trong Người, các
ông được thông hiệp với Chúa Cha. Điểm này rất quan trọng: tất cả những gì các
môn đệ làm, các ông không tự mình mà làm, nhưng làm theo lệnh Đức Kitô.
Thế rồi để các ông chu toàn được sứ
mạng, Đức Giêsu ban cho các ông Chúa Thánh Thần: "Anh em hãy nhận lấy
Thánh Thần" (c. 22). Chính Thánh Thần sẽ ban cho các môn đệ sức mạnh để
làm chứng "ad extra" (hướng ra bên ngoài). Nhưng không chỉ có thế.
Dấu chỉ cụ thể của ân ban này là sự tha tội: "Anh em tha tội cho ai, thì
người ấy được tha; anh em cầm giữ ai, thì người ấy bị cầm giữ" (c. 23).
Nối tiếp sứ mạng của Người, các môn đệ sẽ tha tội và cầm buộc. Có dây liên kết
rõ ràng giữa ân ban Thánh Thần và quyền tha tội để xây dựng nội bộ cộng đoàn.
Đều này nêu bật chiều kích "ad intra" (hướng vào bên trong). Sứ mạng
và sự tha tội đi chung với nhau và là hoa trái của cùng một Thánh Thần do Đức
Giêsu ban tặng.
Ở trong một thế giới đang làm cho các
ông phải lo sợ, các ông đã có ở giữa mình Đấng chiến thắng thế gian (x. 16,33)
và được đầy sự bình an và niềm vui của Người. Đức Giêsu đã mở cửa ra cho các
ông và làm cho các ông có thể đi vào thế giới và mang các ân huệ đến cho thế
giới. Các môn đệ không được khép mình lại trong nỗi sợ hãi trước thế giới,
nhưng phải đầy tin tưởng đi vào thế giới.
* Đức Giêsu hiện ra với các môn đệ và
Tôma (24-29)
Khi Đức Giêsu đến, Tôma, một trong Nhóm
Mười Hai, không ở với các môn đệ. Các môn đệ đã gặp Đức Giêsu Phục Sinh hiện ra
và được Người sai đi (cc. 19-23) đảm bảo với Tôma rằng: "Chúng tôi đã được
thấy Chúa (heôrakamen ton kyrion)!" (c. 25). Đây không phải chỉ là lời
chia sẻ thông tin về một sự kiện, mà còn là một lời tuyên xưng đức tin: các ông
("chúng tôi" , tương tự cộng đồng Hội Thánh) đã thấy Thầy, mà các ông
gọi là "Chúa" (danh xứng của Đức Giêsu sau Phục Sinh), và các ông đã
hiểu, đã tin. Nhưng Tôma không tin anh em; ông nêu ra những điều kiện:
"Nếu tôi không thấy dấu đinh ở tay Người, nếu tôi không xỏ ngón tay vào lỗ
đinh và không đặt bàn tay vào cạnh sườn Người, tôi chẳng có tin" (c. 25).
Tôma muốn làm cho rõ ra là Đấng Phục Sinh chẳng phải là ai khác, mà chính là
Đấng đã chịu đau khổ và đã chết, là đây không phải là một Giêsu khác, nhưng vẫn
là Giêsu như trước đây. Trách Tôma cứng tin, hay không hiểu gì cả, là quá đáng!
Ông muốn có một kinh nghiệm cá nhân, ông muốn chính ông đạt tới đức tin. Đức
Giêsu đã chấp nhận các điều kiện của ông. Người chấp nhận tỏ mình ra theo cách
có thể giúp Tôma nhận biết Người.
Đức Giêsu lại hiện ra với các môn đệ,
và cũng như lần trước, Người ban bình an, sự vững vàng an toàn và sự che chở.
Rồi Người ngỏ lời với Tôma. Làm sao Người biết những chuyện đã xảy ra? Chúng ta
không biết, vì bản văn không nói, nhưng khả năng hiểu biết này của Đức Giêsu
chứng tỏ rằng kể từ nay, Người hiện diện gần gũi với các môn đệ, cho dù về thể
lý, họ không nhìn thấy Người. Người bảo Tôma: "Đặt ngón tay vào đây, và
hãy nhìn xem tay Thầy. Đưa tay ra mà đặt vào cạnh sườn Thầy" (c. 27).
Người cho Tôma thấy những dấu chỉ của cái chết và tình yêu của Người, và cũng
chứng minh rằng Người là nguồn mạch ơn cứu độ. Có người cho rằng Tôma đã đưa
tay chạm tới Đức Giêsu. Hẳn là không cần như thế. Tôma đã tuyên xưng niềm tin
vào Đức Giêsu, một lời tuyên xưng chưa hề có ai nói lên: "Lạy Chúa của con
và là Thiên Chúa của con" (c. 28). Ông đi theo một lộ trình dài hơn mọi
anh em, nhưng ông đã đến gần Đức Giêsu hơn mọi anh em. Vì đối với cá nhân ông,
Đức Giêsu là Đức Chúa và Thiên Chúa. Người là Đức Chúa, có quyền năng cứu độ.
Quan hệ với Người có tính vững bền trọn vẹn mãi mãi vì Người là Thiên Chúa.
Sau đó, Đức Giêsu đã đưa ra một sự đối
lập giữa "thấy" (horaô) và "tin" (pisteuô) (cc.
8b.18.20b.25ab.27.29ab; x. 1,45; 4,50), và nhìn đến các thế hệ tín hữu tương
lai. Kể từ nay, chứng từ về kinh nghiệm mà các môn đệ đã có về Đức Giêsu Phục
sinh phải là động lực đưa moi người đến đức tin, chứ không phải là kinh nghiệm
về một cuộc hiện ra trực tiếp của Đấng Phục Sinh hay về một thánh tích.
* Kết luận Kitô học: Tóm tắt mục tiêu
sứ mạng của Đức Giêsu (30-31)
Cuối cùng, tác giả TM IV tóm tắt mục
tiêu của công trình của Đức Giêsu và cho thấy, đối với những người không được
thấy, đâu là nẻo đường đưa tới đức tin. Các tín hữu hôm nay được mời gọi tin
vào Đức Giêsu là Đức Kitô, Con Thiên Chúa. Đức tin nối kết chúng ta với Người,
và nhờ Người là Chúa Con, chúng ta được đưa vào thông hiệp với Chúa Cha. Đó là
sự sống đời đời.
Phải chăng ở đây có nguy cơ chủ quan?
Chính là xuyên qua tính chủ quan mà ta đạt được tính khách quan. Kinh nghiệm
đức tin của một người riêng lẻ phải được đối chiếu với kinh nghiệm đức tin của
cộng đoàn. Đức tin của một người tự nó không đủ. Chứng từ của cộng đoàn luôn
cần để bảo đảm cho đức tin của từng người. Tuy nhiên, đức tin của cộng đoàn
không bao giờ thay thế đức tin của từng người. Nếu TM IV có nhấn mạnh là nhấn
mạnh trên điểm này: chiều kích cá vị của tương quan với Đức Giêsu Phục Sinh.
+ Kết luận
Chúng ta có thể đọc bản văn trên đây
như một bức tranh bộ đôi: trong tất cả các bài tường thuật này, ta ghi nhận
chiều kích cá vị trong tương quan với Đức Giêsu. Ân ban căn bản của Đấng Phục
Sinh là sự bình an (20,19.21.26). Ngay trong các diễn từ cáo biệt, Đức Giêsu đã
hứa ban sự bình an này cho các môn đệ. Người có tư cách để ban sự bình an này
vì Người về cùng Chúa Cha (14,27) và vì Người thắng thế gian (16,33). Nay Người
đã thực sự thắng cái chết, là dấu chỉ tối hậu về sức mạnh tiêu diệt của thế
gian, và đã thật sự lên cùng Chúa Cha. Người đã đạt tới mục tiêu của Người,
Người lại đang sống giữa các môn đệ trong tư cách là Đấng chiến thắng. Chính
Người là nền tảng của sự bình an của các ông.
Đã nhận được các lời chứng của các môn
đệ, kinh nghiệm của Tôma, các Kitô hữu hôm nay được mời gọi xác tín: quả thật,
Đức Giêsu là Đức Kitô, là Con Thiên Chúa, và hãy tin vào Người. Niềm tin nối
kết họ với Người, và nhờ Người là Chúa Con, các Kitô hữu được đưa vào hiệp
thông với Thiên Chúa Cha.
5.- Gợi ý suy niệm
1. Các môn đệ của Đức Giêsu cần xác tín
rằng Đấng đang sống giữa họ cũng chính là Đấng đã chết trên thập giá; các ông
cũng phải nhận biết rằng Người vẫn mang những vết tích của cuộc Thương Khó, dù
đã sống lại; Người chính là "Con Chiên đứng như thể đã bị giết" (Kh
5,6). Các vết thương ấy là dấu chứng tỏ tình yêu vô biên của Người, nhưng cũng
là dấu cho thấy sự tàn ác của loài người: dấu của tình yêu vô biên, để họ luôn
luôn tin tưởng dấn thân; dấu của sự tàn ác con người, để họ có cái nhìn thực
tế, biết rằng mình dấn thân vào trong thế giới nào.
2. Tôma đã tuyên xưng đức tin vào Đức
Giêsu theo cách chưa ai làm: "Lạy Chúa của con và lạy Thiên Chúa của
con". Ông đã đi theo con đường dài hơn con đường của các anh em, nhưng đã
đến gần Đức Giêsu hơn. Đối với cá nhân ông, Đức Giêsu là Đức Chúa và là Thiên
Chúa. Ông tin, ông quy phục Đức Giêsu, ông bày tỏ niềm tin vào Người. Maria
Mácđala cũng như các môn đệ đã tin vào Đức Giêsu như là Đức Chúa. Tương quan
của họ với Người nay có giá trị vĩnh viễn và trọn vẹn, bởi vì Đức Chúa ấy chính
là Thiên Chúa. Đức Giêsu chính là Thiên Chúa đang tìm đến gần con người để ban
cho con người sự sống đời đời. Tôma nhận biết Đức Giêsu như thế và gắn bó với
Người. Do đó, người nào chỉ nói đến một Tôma thiếu lòng tin, là quên mất là ông
đã đạt đến niềm tin nào nhờ sự trợ giúp của Đức Giêsu. Thật ra các tông đồ đều
thấy tin vào sự Phục Sinh là điều không dễ chút nào!
3. Chúng ta thấy Đức Giêsu để cho mình
được nhận biết bởi bà Maria Mácđala, bởi người môn đệ Người yêu mến và bởi Tôma
theo cách khác nhau. Đây là nét đặc trưng của Tin Mừng Gioan. Các "dấu
chỉ" hoặc các "bằng chứng", được thích ứng với từng người. Đức
Giêsu thuận theo các đòi hỏi của mỗi người. Rồi Người đưa mỗi người đến với đức
tin ở bên kia các dấu chỉ ấy. Luôn luôn cần những dấu chỉ, nhưng cũng phải luôn
luôn vượt qua các dấu chỉ. Đàng khác, kinh nghiệm đức tin của mỗi người phải
được đối chiếu với kinh nghiệm đức tin của cộng đoàn.
4. Nghe lời "Phúc cho những người
không thấy mà tin", chúng ta cảm thấy phấn khởi vì chúng ta đâu có được
thấy Đức Giêsu bằng xương bằng thịt! Nhưng tại sao lại "có phúc" có
lẽ chúng ta nghĩ rằng bởi vì tin dù không thấy thì khó hơn, nên có công trạng
hơn. Thật ra, "có phúc" là vì niềm tin này trung thực hơn, tinh trong
hơn. Người nào thấy thì đã có sự chắc chắn, có chứng cớ không thể chối cãi về
một sự kiện, nhưng như thế thì không phải là đức tin.
5. Hôm nay, ngày lễ "Lòng Thương xót Chúa"
mà Đức cố giáo hoàng Gioan-Phaolô II đã thiết lập ngày 30-4-2000, chúng ta nhớ
đến hình ảnh Đức Giêsu từ bi thương xót do thánh Faustina Kowalska (1905-1938;
Đức Gioan-Phaolô II phong thánh 30-4-2000 và thiết lập lễ Lòng Thương Xót Chúa)
để lại: Người mặc y phục trắng, bàn tay phải ban phép lành, bàn tay trái vén
mép áo ngực, từ đó thoát ra các tia sáng xám và đỏ, tượng trưng Bí tích Thánh
Thể và Bí tích Rửa Tội. Đức Giêsu là hiện thân Lòng Thương Xót của Thiên Chúa.
Chúng ta hãy cùng với thánh nữ Faustina Kowalska và Đức Gioan-Phaolô II thưa
với Người: "Lạy Chúa Giêsu, con tín thác vào Người!" Chúng ta hãy trở
thành hiện thân của Lòng Chúa thương xót qua lối sống hợp nhất, chia sẻ nâng đỡ
nhau, sẵn sàng tha thứ cho nhau.
Thắp sáng niềm tin - Suy niệm Chúa Nhật II Phục Sinh - Năm C
Cả bốn Tin mừng đều thuật lại những lần hiện ra của Chúa
Phục Sinh với những cá nhân (Ga 20,14-17; Mt 278,5-7; Lc 24,25-31; Mc 16,9-13)
và những nhóm môn đệ khác nhau (Mt 28,16-20;Lc 24,36-49;Ga 21,1-23).
Tường thuật Chúa Phục Sinh đến với Nhóm Mười Hai vào ngày
thứ nhất trong tuần có một tầm quan trọng đặc biệt. Nhóm Mười Hai trở thành nền
tảng của cộng đoàn Phục Sinh, thành những chứng nhân mắt thấy tai nghe về Chúa
Phục Sinh, để loan báo Tin Mừng Phục Sinh cho mọi người ( x. Cv 4,20).
Khi Chúa đến với Nhóm Mười Hai lần đầu tiên vào chiều ngày
thứ nhất trong tuần thì Tôma vắng mặt. Các Tông đồ đã nói với ông : "Chúng
tôi đã được thấy Chúa"(Ga 20,25). Đây vừa là lời tuyên xưng đức tin vừa là
lời làm chứng về Chúa Phục Sinh. Những lời này có tác dụng chuẩn bị và khơi dậy
đức tin đã phai lạt nơi Tôma.
Tám ngày sau,cũng trong cộng đoàn đó, Tôma tìm lại được
đức tin của mình. Chính cộng đoàn đã thắp sáng lên niềm tin cho người anh em.
Bởi đó, khi Chúa Phục Sinh với lời mời gọi yêu thương: "Tôma,hãy xỏ ngón
tay con vào lỗ đinh,hãy đặt bàn tay con vào cạnh sườn Thầy.Chớ cứng lòng nhưng
hãy tin", lập tức Tôma được biến đổi từ bóng tối nghi nan sang ngời sáng
niềm tin: "Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con"(Ga 20,28).
Một trong những khuyết điểm lớn nhất của Tôma là ông đã tự
tách rời khỏi các Tông Đồ khác, rời khỏi đời sống cộng đoàn. Trong sự choáng
váng, thất vọng, chán nản, trong tâm trạng hoài nghi, đau khổ, ông đã tự nhốt
mình trong cô đơn xa lánh anh em,tìm quên lãng trong phiền muộn nên đánh mất cơ
hội gặp Chúa Phục Sinh. Chỉ đến khi tham gia trở lại với cộng đoàn, Tôma mới
gặp gỡ Người và nhờ đó ông đã tìm lại được lòng tin mạnh mẽ, kiên trung.
Hành trình của Tôma đi qua ba giai đoạn: vắng mặt, nghi
ngờ và tuyên xưng đức tin. Một lộ trình dài hơn mọi anh em, nhưng Tôma đã đến
gần Chúa Giêsu hơn mọi anh em khác. Truyền thống Giáo hội kể lại, Tông đồ Tôma
đã đưa Tin Mừng tới tận Ba Tư, Syria và Ấn Độ và chịu tử đạo ở đó.
Đức tin của người tín hữu được trao ban và nhận lãnh nơi
cộng đoàn Phục Sinh, cộng đoàn giáo xứ. Nơi cộng đoàn này, người tín hữu được
nuôi dưỡng và lớn lên trong đức tin, hoặc tìm lại được niềm tin của mình.
Đức tin Kitô giáo vừa có chiều kích cộng đoàn vừa có chiều
kích cá nhân. Đức tin cá nhân được cộng đoàn nuôi dưỡng và làm thành đức tin
cộng đoàn. Cộng đoàn lớn lên và phát triển là nhờ đức tin cá nhân. Cộng đoàn
làm cho đức tin cá nhân phong phú và độc đáo.
Lời Chúa được công bố giữa cộng đoàn Thánh Thể chính là
Lời Phục Sinh. Mỗi tín hữu lắng nghe và chấp nhận cho riêng mình. Mỗi người,
nhờ lòng tin và lòng mến mà Lời Chúa sẽ sinh hoa kết quả trong tâm hồn.
Mình Máu Chúa được trao ban cho mọi tín hữu trong cộng
đoàn Thánh Thể, mỗi cá nhân tín hữu lại đón nhận với mức độ đức tin khác nhau.
Người tín hữu phải đủ đức tin khi rước Thánh Thể của Đấng đã chết và sống
lại.Không chỉ ăn uống Mình Máu Chúa mà còn là gặp gỡ riêng tư với Chúa Phục
Sinh như Tôma vậy.Trong cuộc gặp gỡ riêng tư này, người tín hữu được đón nhận
sự sống dồi dào vào tâm hồn mình.
Đời sống cộng đoàn thật quan trọng cho niềm tin người tín
hữu. Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II trong Tông Huấn "Người Kitô hữu giáo
dân" đã đưa ra bốn hình ảnh về giáo xứ, cộng đoàn Phục Sinh, cộng đoàn
Thánh Thể.
* Giáo xứ là một gia đình của Thiên Chúa chan hoà tình bác
ái huynh đệ : mọi người được đón tiếp chân thành,được sống trong bầu khí bác
ái,được cảm thấy mình được kính trọng, được yêu thương che chở,ai cũng cảm thấy
mình thuộc về giáo xứ là một vinh dự.
* Giáo xứ là một cộng đoàn nuôi dưỡng đức tin :Mọi người
được bồi dưỡng đức tin,được kêu gọi sống đức tin,được giúp hiểu biết các vấn đề
đức tin. Các Thánh lễ, các giờ giáo lý,các buổi cầu nguyện luôn hướng về Thiên
Chúa, được Lời Chúa và lời Giáo hội soi sáng để người tín hữu hiểu biết những
biến cố cuộc đời.
* Giáo xứ là một cộng đoàn có tổ chức : Mọi người được sắp
xếp trong một hệ thống trật tự,có phân công, có trách nhiệm.Tất cả liên hệ với
nhau trong tinh thần hiệp thông, cộng tác và trách nhiệm để xây dựng giáo xứ
tốt đẹp.
* Giáo xứ là một cộng đoàn truyền giáo: Đây là hình ảnh mà
Công Đồng Vatian II đề cao nhất,hình ảnh cộng đoàn truyền giáo. Mọi người được
nuôi dưỡng đức tin, được sống tình bác ái để ra đi truyền giáo, loan báo Tin
Mừng Phục Sinh, rao truyền niềm vui, niềm hy vọng như cộng đoàn Nhóm Mười Hai
đã ra đi đến với muôn dân.
Cộng đoàn phụng vụ ngày Chúa Nhật là điểm hẹn chính thức
và thường xuyên của Chúa Phục Sinh với các tín hữu.Không nên lỗi hẹn với Chúa
trong các cuộc họp cộng đoàn (x.Dt 10,25).Cần chuẩn bị cho cuộc gặp gỡ với Chúa
Phục Sinh. Người luôn có mặt để giải thích Kinh Thánh đồng thời mở lòng mở trí
cho các tín hữu hiểu Lời Người (x.Lc 24,32.45) và hiến ban chính mình để nuôi
sống người tín hữu chúng ta.
Cám ơn thánh Tôma. Nhờ ngài, các môn đệ khác được chứng
kiến tỏ tường Chúa sống lại, được nhìn thấy những vết thương ở tay chân và cạnh
sườn Chúa. Nhờ ngài, Chúa Giêsu lại hiện ra một lần nữa. Và nhất là nhờ ngài,
chúng con có được mối phúc thứ chín : "Phúc cho ai không thấy mà
tin"(Ga 20,29). Mối phúc này nghe như có lời dặn dò : muốn thấy điều mình
tin, hãy bắt đầu bằng cách tin điều mình không thấy và chừng như cũng có lời
ước hẹn: tin điều mình không thấy sẽ thấy điều mình tin.
Mỗi tín hữu vững tin sẽ thấy điều mình tin để nói được
rằng: "Tôi đã thấy Chúa"(Ga 20,18), nhờ đó cả cộng đoàn cũng đều nói
lên : "Chúng tôi đã thấy Chúa"(Ga 20,25).
Thánh Tôma đã nhờ cộng đoàn anh em yêu thương nâng đỡ nên
tìm lại được niềm tin.Nơi Tôma có cái gì đáng yêu đáng ngưỡng mộ, tuy cứng lòng
tin nhưng lại dễ dàng khiêm nhường đón nhận những góp ý chân thành của cộng
đoàn.
Chúa Kitô Phục Sinh chính là nền tảng và trung tâm của đời
sống đức tin Kitô giáo. Đấng Phục sinh đã chọn "ngày thứ nhất trong
tuần" làm ngày gặp gỡ các Tông Đồ. Như thế, "Ngày thứ nhất trong
tuần" đã trở thành ngày của cộng đoàn, ngày của gặp gỡ, ngày hát mừng niềm
vui Phục sinh, và nhất là ngày của cuộc "sáng tạo mới".
Xin cho mỗi ngày Chúa nhật trở thành ngày bồi bổ đức tin,
bồi dưỡng tâm linh, bồi đắp tình huynh đệ, giúp mỗi tín hữu sống thánh thiện,
hiệp thông, yêu thương...Nhờ đó, mỗi người trở thành chứng nhân cho sự hiện
diện sống động của Đấng Phục Sinh.
Lm Giuse Nguyễn Hữu An
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét