ĐC. GIOAN M. VŨ TẤT THĂM MỤC VỤ BẢO HÀ VÀ BAN BT. THÊM SỨC |
ĐTC THĂM COLUMBIA |
ĐTC THĂM COLUMBIA |
ĐTC THĂM COLUMBIA |
ĐTC THĂM COLUMBIA |
GIỚI TRẺ LAI CHÂU CHIA TAY CHA QUYỀN |
GIỚI TRẺ LAI CHÂU CHIA TAY CHA QUYỀN |
Thêm chú thích |
SINH NHẬT CHA THÀNH |
GIỚI TRẺ LAI CHÂU CHIA TAY CHA QUYỀN |
ĐC. GIOAN M. VŨ TẤT THĂM MỤC VỤ BẢO HÀ VÀ BAN BT. THÊM SỨC |
ĐC. GIOAN M. VŨ TẤT THĂM MỤC VỤ BẢO HÀ VÀ BAN BT. THÊM SỨC |
ĐC. GIOAN M. VŨ TẤT THĂM MỤC VỤ BẢO HÀ VÀ BAN BT. THÊM SỨC |
ĐC. GIOAN M. VŨ TẤT THĂM MỤC VỤ BẢO HÀ VÀ BAN BT. THÊM SỨC |
ĐC. GIOAN M. VŨ TẤT THĂM MỤC VỤ BẢO HÀ VÀ BAN BT. THÊM SỨC |
ĐC. GIOAN M. VŨ TẤT THĂM MỤC VỤ BẢO HÀ VÀ BAN BT. THÊM SỨC |
GIỚI TRẺ LAI CHÂU CHIA TAY CHA QUYỀN ĐTC THĂM COLUMBIA – ĐC. GIOAN M. VŨ TẤT THĂM MỤC VỤ BẢO
HÀ VÀ BAN BT, THÊM SỨC CHÚA NHẬT 24 THƯỜNG NIÊN - A
1. Tha thứ.
Ở bên Nhật,
có một tên sát nhân khét tiếng đã từng giết hại nhiều người, hắn chẳng may bị
bắt và bị tống giam trong ngục, chờ ngày lãnh nhận bản án tử hình. Thế rồi có
hai phụ nữ đạo đức đã tới thăm viếng và trò truyện với hắn, nhưng hắn đã đáp
lại bằng một cái nhìn hằn học. Trước khi ra về, họ đã để lại cho hắn cuốn Phúc
âm với hy vọng mong manh là hắn sẽ đọc.
Quả thật, vì
chẳng có việc gì làm, nên hắn đã tò mò mở ra, và rồi hình như có một sức thu
hút nào đó, khiến hắn tiếp tục đọc, đọc mãi cho đến lời cầu của Chúa Giêsu trên
thập giá:
-
Lạy Cha, xin tha cho chúng vì chúng không
biết việc chúng làm.
Hắn đã dừng
lại và nói:
-
Sự kiện trên đã làm cho tôi xúc động và tôi
cảm thấy dường như sự hung dữ và tàn bạo của tôi đã tan biến, bởi vì tôi đã
tin.
Câu chuyện
trên làm cho chúng ta nhớ tới người trộm lành trên thập giá. Mặc dù quãng đời
dĩ vãng chồng chất những tội lỗi, nhưng rồi anh đã được Chúa tha thứ. Chính
Ngài đã nói với anh:
-
Ta bảo thật, ngay hôm nay anh sẽ được ở trên
thiên đàng với Ta.
Tên sát nhân
ở Nhật Bản, cũng như người trộm lành đều là những kẻ tàn bạo, thế mà Chúa đã
xót thương, cho ăn năn sám hối vào những giây phút cuối cùng của cuộc đời, thì
tự hỏi làm sao chúng ta lại khước từ, chẳng tha thứ cho nhau.
Chính Ngài
đã khẳng định qua đoạn Tin mừng sáng hôm nay:
-
Thầy không bảo các con phải tha thứ đến bảy
lần, nhưng đến bảy mươi lần bảy lần, có nghĩa là phải tha thứ cho nhau mãi mãi.
Và để xác
minh cho sự thật trên người ta đã đưa ra một câu chuyện cụ thể đó là câu chuyện
về tên đầy tớ độc ác. Như chúng ta thấy, khi mắc nợ ai, chúng ta phải hoàn trả
cho họ, đó là bổn phận của đức công bằng.
Cũng vậy,
tên đầy tớ mắc nợ nhà vua mười ngàn nén bạc, mà hắn thì không có gì để trả, vì
thế, nhà vua cứ dựa theo sự công bằng để ra lệnh bán y cùng tất cả vợ con và
tài sản mà trả nợ. Thế nhưng, nhà vua đã không hành động như thế. Ông đã không
cư xử với hắn theo sự công bằng, mà theo lòng thương xót, bởi thế ông đã tha
bổng cho y, và đòi y cũng phải thương xót đối với những người chung quanh:
-
Ta đã tha hết số nợ ấy cho ngươi, thì đến
lượt ngươi, ngươi cũng phải thương xót bạn ngươi như ta đã thương xót ngươi.
Trong mối
liên hệ giữa người với người, chúng ta thấy công bằng phải đi trước bác ái và
làm nền tảng cho bác ái, bởi vì nếu không có công bằng thì cũng chẳng có bác
ái. Thế nhưng nhiều lúc chúng ta phải vượt lên trên cái nền tảng công bằng này
để biểu lộ một tình yêu thương và tha thứ.
Còn chúng ta
thì sao, liệu chúng ta có sẵn sàng tha thứ cho anh em để rồi bản thân chúng ta
sẽ được hưởng nhờ lòng thương xót của Chúa hay không?
2. Tha thứ.
Thiên Chúa
là Đấng tha thứ cho con người mọi tội lỗi, do đó, con người cũng phải biết tha
thứ lẫn cho nhau.
Qua câu
chuyện của Chúa Giêsu hôm nay, chúng ta thấy được hai thái độ khác nhau của hai
chủ nợ. Người chủ nợ thứ nhất tượng trưng cho Thiên Chúa. Còn người đầy tớ mắc
nợ mười ngàn nén vàng, tượng trưng cho con người tội lỗi. Mười ngàn vàng là một
con số quá lớn, vượt khỏi trí tưởng tượng của người nghe. Ý muốn ám chỉ một món
nợ mà con nợ sẽ không bao giờ trả hết. Cam kết
trả hết nợ chỉ là một lời hứa liều khi bị dồn vào bước đường cùng, không còn
lối thoát nào khác. Biết vậy, nhưng người chủ nợ lại là người nhân ái, đã động
lòng thương trước lời van xin của tên đầy tớ. Và người chủ nợ đã một việc hết
sức bất ngờ, đó là trả tự do và tha hết nợ cho anh ta trong khi anh ta chỉ dám
xin khất nợ mà thôi.
Cũng thế,
tội lỗi của con người đối với Thiên Chúa quả thực là một món nợ khổng lồ. Bình
thường thì chẳng tài nào xoá đi được. Nhưng Thiên Chúa đã chạnh lòng thương.
Ngài đã tha thứ không chỉ bằng một lời phán hết nợ, mà còn bằng cách cho Con
Một của Ngài xuống thế làm người, rao giảng Tin Mừng cứu độ và sau cùng đã chịu
chết trên thập giá để giải thoát chúng ta.
Nếu như
Thiên Chúa đã tha thứ cho chúng ta một cách nhưng không, thì bây giờ đến lượt
chúng ta, chúng ta cũng có bổn phận phải tha thứ một cách nhưng không cho người
khác. Món nợ của con người đối với nhau, quả thật là nhỏ bé, là tầm thường, so
với món nợ đối với Thiên Chúa. Một nén vàng là mười ngàn đồng bạc. Như thế, một
vạn nén vàng vị chi là một trăm triệu đồng. Một trăm triệu đồng mà đem so với
một trăm đồng thì quả là một trời một vực.
Nhưng cách
cư xử của tên đầy tớ vừa mới được tha hết nợ đối với bạn hắn thì lại hoàn toàn
trái ngược với thái độ của người chủ nợ đối với hắn. Cũng một lời van xin,
nhưng hắn không hề nhớ tới điều hắn đã được hưởng. Người mắc nợ hắn đã bị tống
giam vào ngục cho đến khi trả nợ xong. Chủ nợ của hắn buộc lòng phải đối xử với
hắn như hắn đã đối xử với bạn hắn. Có điều một trăm đồng bạc thì còn có khả
năng trả được, chứ mười ngàn nén vàng thì vô phương cứu chữa. Người đầy tớ
không phải chỉ là một kẻ vụng tính mà còn là một con người độc ác, không có
được một chút tình thương đối với người bạn của mình.
Trong kinh
Lạy Cha chúng ta vốn đọc hằng ngày: Xin tha nợ chúng con, như chúng con cũng
tha kẻ có nợ chúng con. Phải chăng đó chính là lời Chúa mời gọi chúng ta hãy
biết sống khoan dung và nhân ái đối với những người chung quanh để rồi chúng ta
sẽ được hưởng nhờ lòng khoan dung và nhân ái của Chúa.
3. Hết lòng
tha thứ.
(Trích trong
‘Manna’)
Suy Niệm
"Và bạn
nữa, người bạn của giây phút cuối cùng. Bạn không hiểu điều bạn đã làm. Cầu xin
cho hai chúng ta là những người trộm lành được gặp lại nhau trên Thiên quốc, ...
Chúa là Chúa của hai chúng ta." Đó là lời trối của cha Christian de Chergé
viết cho người Hồi giáo nào đó sẽ ám sát mình, bởi cha biết cái chết là điều
không sao tránh khỏi.
Ta không
thấy có chút hờn oán nào.
Cha coi kẻ
giết mình như một người bạn, một người trộm lành như cha, và cha mong được sống
với anh trên trời.
Tha thứ một
cách phi thường và hồn nhiên, đó là thái độ của người thấm nhuần Kitô giáo.
Các tôn giáo
đều dạy sự tha thứ.
Tha thứ để
làm cho oán tiêu tan, để phá vỡ cái vòng oan nghiệt trói buộc con người.
Kitô giáo
mời gọi tha thứ vì một lý do khác: Tôi phải tha thứ cho anh em tôi vì Chúa đã
liên tục tha thứ cho tôi.
Đời tôi là
một chuỗi những vấp ngã, được đan kết với bao thứ tha. Ơn tha thứ như dòng suối
chảy vào đời tôi, nếu bị ngăn lại, nó sẽ thành ao tù, nó chỉ trong lành khi
được chảy đến tha nhân.
Tha thứ là
khả năng của Thiên Chúa.
Tự sức
riêng, ta không ra khỏi được vòng oán thù.
Chẳng ngày
nào thế giới không có tiếng súng.
Luật mắt đền
mắt là luật công bằng, nhưng có thể làm cả thế giới hoá mù. Chỉ sự tha thứ mới
đem lại bình an.
Dám tha thứ
là dám chịu thiệt thòi, dám tin rằng cuối cùng tình thương sẽ thắng. Qủa tim
chai đá phải tan chảy trước tình thương.
Đức Giêsu
mời gọi chúng ta tha thứ, không phải 7 lần, mà là 70 lần 7, nghĩa là tha thứ
như Thiên Chúa, tha vô giới hạn.
Cần biết
chạnh lòng thương như Thiên Chúa, để sẵn sàng tha cho bạn mình một món nợ nhỏ,
vì Chúa đã tha cho mình món nợ khổng lồ.
Chúng ta chỉ
biết chắc mình đã được Chúa tha, khi chúng ta không giữ ơn tha thứ cho riêng
mình, khi chúng ta mang quả tim thương xót của Đấng hay tha thứ.
Cha Chergé
đã bị giết cũng với 6 đan sĩ khác.
Chắc nay cha
hiểu rõ hơn câu này: "Vì chính khi thứ tha, là khi được tha thứ."
Gợi Ý Chia Sẻ
·
Tha thứ cho người xúc phạm đến danh dự, tài
sản, quyền lợi của bạn, bạn thấy điều đó có khó không? Bạn làm gì để vượt qua
được ước muốn trả thù?
·
Ở Angiêri đã có 19 tu sĩ và giáo sĩ Công giáo
bị nhóm Hồi giáo quá khích giết hại. Bạn có nghĩ rằng những cái chết hiền lành
này sẽ khiến ai đó phải nghĩ lại không?
Cầu Nguyện
Xin hãy dẫn
dắt con đi từ cõi chết đến sự sống, từ lầm lạc đến chân lý.
Xin hãy dẫn
dắt con đi từ thất vọng đến hy vọng, từ sợ hãi đến tín thác.
Xin hãy dẫn
dắt con đi từ ghen ghét đến yêu thương, từ chiến tranh đến hoà bình.
Xin hãy đổ
đầy bình an trong trái tim chúng con, trong thế giới chúng con, trong vũ trụ
chúng con.
(Mẹ Têrêxa Calcutta )
4. Tha thứ –
ĐTGM. Ngô Quang Kiệt.
Thánh Gandhi
nói: “Nếu áp dụng luật mắt đền mắt, thế
giới sẽ chỉ toàn người mù”. Sẽ không thể sống được nếu thiếu sự tha thứ.
Tha thứ cần thiết cho con người như khí trời. Kể dụ ngôn hôm nay, Chúa Giêsu
cho ta thấy tính cách cần thiết và cấp thiết của tha thứ.
Phải tha thứ
vì con
người là bất toàn. Có những xúc phạm cố ý. Nhưng rất nhiều khi xúc phạm
chỉ là vô tình, thiếu ý thức. Chỉ cần một chút cảm thông, hiểu biết, tôi sẽ dễ
bỏ qua, không chấp nhất. Nếu cứ mỗi lần bị xúc phạm tôi không thể nào nguôi
ngoai thì chính tôi là người khổ nhất, vì tâm hồn mang nặng oán hờn sẽ không
bao giờ bình an. Nếu tôi loại trừ tất cả những ai xúc phạm, thì sau cùng tôi sẽ
chẳng còn sống với ai được. Tôi sẽ mất hết bạn bè. Thế giới sẽ chỉ toàn kẻ thù.
Và tôi sẽ trở thành cô đơn.
Phải tha thứ
vì chính
ta cần được thứ tha. Tôi cần sự tha thứ của chính mình vì bản thân tôi
có biết bao lầm lỗi. Nếu tôi không tự tha thứ cho mình thì lương tâm sẽ cắn rứt
dày vò khiến tôi suốt đời buồn phiền. Tôi cần sự tha thứ của người khác vì tôi
đã xúc phạm nhiều đến anh em. Nếu mọi người không tha thứ cho tôi thì tôi đã bị
khai trừ khỏi xã hội. Tôi cần sự tha thứ của Chúa vì tôi đã lỗi phạm đến Chúa
rất nhiều. Nếu Chúa thẳng tay trừng phạt những tội xúc phạm đến Người thì tôi
đã chết từ lâu. Biết bản thân mình yếu đuối, nhiều lỗi lầm, cần được tha thứ,
tôi sẽ dễ cảm thông tha thứ cho anh em.
Phải tha thứ
vì đó là điều kiện để được thứ tha. Trong Tin Mừng, Chúa nhấn mạnh điều
này rất nhiều lần. Khi dạy ta đọc kinh Lạy Cha, Chúa bắt ta phải hứa tha thứ
cho anh em khi xin Người tha thứ lỗi lầm của ta. Ở cuối kinh Lạy Cha, thánh
Matthêu còn thêm: “Thật vậy, nếu anh em
tha lỗi cho người ta, thì Cha anh em trên trời cũng sẽ tha thứ cho anh em.
Nhưng nếu anh em không tha thứ cho người ta, thì Cha anh em cũng sẽ không tha
lỗi cho anh em” (Mt 6,14-15).
Dụ ngôn hôm
nay không những nhắc lại điều đó, mà còn cho thấy, tội ta xúc phạm đến Chúa
muôn ngàn lần nặng nề hơn anh em xúc phạm đến ta. Thế mà Chúa vẫn sẵn sàng tha
thứ cho ta một cách mau chóng, nhẹ nhàng, chỉ với một điều kiện là ta cũng phải
tha cho anh em những lỗi lầm ít ỏi anh em xúc phạm đến ta.
Sau cùng ta
cần tha thứ để trở nên giống hình ảnh Thiên Chúa. Thiên Chúa là
người Cha rất nhân từ và rất hay tha thứ. Chúa Giêsu đã khắc họa rất rõ nét
chân dung nhân từ của Thiên Chúa Cha trong dụ ngôn “Người Cha nhân hậu”. Và Người không ngừng mời gọi ta hãy nên hoàn
thiện như Chúa Cha.
Chúa Giêsu
xuống trần gian cho ta được chiêm ngưỡng khuôn mặt hiền hậu nhân từ hay tha thứ
của Chúa Cha. Suốt cuộc đời trần thế, Người không ngừng tha thứ cho kẻ tội lỗi.
Nhất là những kẻ đã xúc phạm đến Người. Còn cảnh tượng nào đẹp hơn cảnh tượng
Người bị treo trên thập giá mà trái tim vẫn mở rộng yêu thương tha thứ. Còn lời
nào đẹp hơn lời Người cầu nguyện trong lúc đau đớn tột cùng mà vẫn nhớ đến
người khác, không phải nhớ đến người làm ơn mà là nhớ đến những người xúc phạm,
làm hại mình: “Lạy Cha, xin tha cho họ,
vì họ không biết việc họ làm” (Lc 23,34). Và khi từ cõi chết sống lại,
Người đã tha thứ cho Phêrô dù môn đệ thân tín này đã chối Người. Người đã tha
thứ cho các môn đệ dù các ông đã bỏ mặc Người trong lúc gian nan.
Sự tha thứ
làm nên vẻ đẹp của tâm hồn con người. Vẻ đẹp tự chế. Vẻ đẹp khoan dung. Vẻ đẹp
của tâm hồn vượt lên trên chính mình. Vẻ đẹp đề cao giá trị con người.
Sự tha thứ
làm nên vẻ đẹp của thế giới. Một thế giới cảm thông, chan hòa. Một thế giới
chứa chan tình huynh đệ. Một thế giới mang vẻ đẹp của dung nhan Thiên Chúa.
Lạy Chúa xin
thương xót chúng con.
5. Một Tin
Mừng khó giữ – Achille Degeest.
(Trích trong
‘Lương Thực Ngày Chúa Nhật’)
Sau lúc đem
ra một số lời giáo huấn về đời sống cộng đồng, Chúa đã nhấn mạnh đến bổn phận
tha thứ. Bài Phúc âm tự nó đã rõ ràng. Tuy thế cũng cần phải nói rõ thêm một
vài điều. Ta biết rằng danh từ “bảy mươi bảy lần” của Phúc âm có nghĩa là vô
cùng. Hơn nữa còn phải đọc thêm dụ ngôn người đầy tớ tàn nhẫn để tìm ra bài học
chính yếu mà Chúa Giêsu muốn dạy ta, mà không dừng lại ở các chi thiết của câu
chuyện để tìm cho cái chi tiết ấy một ý nghĩa. Bài học chính yếu để sự tha thứ
của loài người liên quan với sự tha thứ của Thiên Chúa. Các chi tiết của câu chuyện
tả lại cho chúng ta một khía cạnh của triều đình Đông phương vào thời Chúa
Kitô, nhất là những gì liên quan đến quyền tùy nghi quyết định của nhà vua trên
thường dân. Chúa Giêsu đi từ một sự thực có sẵn trong óc của mọi người để xây
dựng câu chuyện và rút ra một bài học: Chúa Cha ở trên trời sẽ hành động giống
như ta suy nghĩ và hành động với các anh chị em khác. Lúc suy nghĩ về sự tha
thứ Phúc âm, ta thấy Thiên Chúa có tham vọng nâng chúng ta lên ngang hàng với
sự cao cả riêng Ngài. Sau đây là một vài điểm dùng làm mốc để suy nghĩ.
1)
Không nên giam hãm một ai trong sự xúc phạm đã qua. Khi chúng ta phải tha thứ,
thì thường là liên quan đến một sự xúc phạm nằm trong quá khứ. Nhưng kẻ xúc
phạm, tác giả của sự xúc phạm, đang sống trong hiện tại. Con người ấy trong
giây phút hiện tại không cùng là một con người như lúc xúc phạm nữa. Do đó
chúng ta phải nhìn người ấy một cách khác. Tha thứ là chấp nhận kẻ khác như họ
đang sống bay giờ, chứ không phải là xua đuổi họ, như họ đã đối xử trong quá
khứ.
2)
Người ta sẽ bảo rằng: nếu kẻ ấy lại quay làm thiệt hại ta như trước, nếu kẻ ấy
tái phạm ta phải đối xử như thế nào? Phúc âm trả lời: vẫn tha thứ. Điều này
không có nghĩa là ta khỏi phải đề phòng. Tuy nhiên Phúc âm cấm ta không được
làm hại họ, hơn nữa lòng ta còn phải đi xa tới chỗ lấy ân đền oán. Có lẽ sẽ bảo
là muốn làm được như thế phải có chí anh hùng. Thiên Chúa đã hành động với
chúng ta như thế nào? Chúng ta là những người có tội hay sa đi ngã lại mà Thiên
Chúa vẫn luôn luôn tha thứ khi có dấu hiệu mảy may là chúng ta hối cải. Thiên
Chúa không ngớt mong muốn điều lành cho chúng ta.
3)
Người ta thường nói: tha thứ thì được mà bỏ quên thì không. Sự tha thứ mới là
đối tượng của giới răn chứ đâu phải là sự bỏ quên. Bỏ quên lỗi của kẻ khác nằm
ngoài quyền hạn của ý chí và phải chăng đó là điều đáng mong ước? Khi chúng ta
nhớ lại một ân huệ đã lãnh nhận, chúng ta có thể lợi dụng đó để khơi dậy lòng
biết ơn và đó là điều rất tốt. Khi nhớ lại một sự thiệt thòi đã chịu, chúng ta
lợi dụng đó để tha thứ một lần nữa và làm cho sự tha thứ càng lớn mạnh. Trong
cả hai trường hợp trí nhớ có thể giúp chúng ta làm điều thiện. Khả năng nhớ lại
đặt chúng ta gần với tư tưởng của Chúa vì Người thu gọn tất cả quá khứ của thế
giới trong cái hiện tại vĩnh viễn nhưng là để yêu mến.
4)
Sự tha thứ mà Phúc âm đề xướng là một món quà cho không, ngay cả với những
người không xứng đáng. Điều này cũng có nghĩa là phải cầu nguyện, để kêu cầu ơn
Chúa là sức mạnh phi thường và linh thiêng khiến lòng người có khả năng lướt
thắng chính mình, đến nỗi thực hiện được những công việc quá sức loài người.
6. Tha thứ
là được thứ tha
(Trích trong
‘Niềm Vui Chia Sẻ’)
Liền sau Thế
chiến thứ hai chấm dứt, bà Corrie-Ten-Boom, với những vết thẹo trên thân thể,
tàn tích của những khổ hình mà bà phải chịu trong trại tập trung Đức Quốc Xã,
đã dấn thân đi khắp các nước Âu Châu để rao giảng sự tha thứ cho những kẻ đã
làm hại mình. Bà rao giảng sứ điệp tha thứ với niềm xác tín là chính mình đã
thực sự tha thứ cho tất cả những ai đã hành khổ bà trong trại tập trung.
Nhưng vào
trong một ngày Chúa Nhật kia, sau khi đã kêu gọi mọi người tha thứ cho nhau
trong nhà thờ của thành phố Munich, ở Đức, bước ra ngoài, bà Corrie-Ten-Boom
bất ngờ đối diện với một gương mặt quen thuộc, đó là dung mạo của người lính đã
hành khổ bà và hàng ngàn nữ tù nhân khác trong trại tập trung Đức Quốc Xã.
Những tiếng than khóc, những cảnh tra tấn phút chốc xuất hiện trong tâm trí bà.
Những tiếng kêu trả thù nổi dậy mạnh mẽ trong tâm trí bà. Người đàn ông tiến
lại gần khiêm tốn đưa tay ra vừa muốn bắt lấy tay bà vừa nói: “Thưa bà, tốt rất
cảm ơn những lời đẹp đẽ bà đã kêu gọi cho sự tha thứ, xin bà tha thứ cho tôi”.
Lúc đó, bà
Corrie-Ten-Boom như chết điếng người, vì trước đây nhiều lần bà đã cầu nguyện
và đã nhất quyết với Chúa là đã tha thứ thật sự cho kẻ hành khổ mình, nhưng giờ
đây phải đối diện với một người cụ thể đã từng tra tấn mình, bà Corrie-Ten-Boom
đứng lặng im, hai bàn tay không thể nào đưa ra bắt lấy đôi tay của người đến
xin bà tha thứ.
Sau này, vào
năm 1971, khi kể lại biến cố trong tập sách có tựa đề: “Nơi ẩn trốn”, bà
Corrie-Ten-Boom đã cho biết như sau: “Trong giây phút thinh lặng đó, tôi đã cố
gắng dâng lên Chúa một lời cầu nguyện thầm: “Lạy Chúa, Chúa thấy con chưa thể
tha thứ cho người đã hành khổ con. Xin Chúa hãy ban cho con những tâm tình của
Chúa để con có thể tha thứ như Chúa”. Và chính trong lúc đó, bà đã hiểu là con
người chỉ có thể tha thứ cho nhau khi nhìn nhận tình thương yêu và sự tha thứ
của Thiên Chúa.
Anh chị em
thân mến,
* Tại sao
phải tha thứ cho nhau?
Không phải
chỉ bây giờ chúng ta mới đặt ra câu hỏi này. Khi Đức Giêsu rao giảng Tin Mừng
của tình thương và sự tha thứ, thì các môn đệ cũng đã đặt ra câu hỏi tương tự
như vậy.
* Tại sao
phải tha thứ và tha thứ bao nhiêu lần?
Dụ ngôn
trong bài Tin Mừng hôm nay đã trả lời cho câu hỏi chúng ta vừa đặt ra: Tại sao
phải tha thứ và phải tha thứ bao nhiêu lần? – Chúng ta phải tha thứ cho nhau,
vì Thiên Chúa đã tha thứ cho chúng ta. Chúng ta cần tha thứ luôn luôn cho anh
em, vì Thiên Chúa luôn luôn tha thứ cho chúng ta.
Như thế, tha
thứ là sống noi gương Thiên Chúa Cha, Đấng đầy lòng nhân từ và giàu lòng thương
xót. Tình thương tha thứ là một phát minh tuyệt vời của Thiên Chúa để giúp con
người sống hiệp thông với Ngài và hiệp thông với nhau, để xây dựng tốt đẹp cộng
đoàn xã hội.
Nếu như từ
đầu, khi con người phạm tội xa cách Ngài mà Thiên Chúa đã không có biện pháp
tha thứ, thì chắc chắn sẽ không có tương lai gì tốt đẹp cho con người, nhưng kể
từ giây phút có sáng kiến thực hiện chương trình tha thứ cho con người, thì từ
giây phút đó nhân loại có thể hy vọng vào một tương lai tốt đẹp hơn, nếu nhân
loại biết vâng phục lắng nghe lời dạy của Ngài mà tha thứ cho nhau.
Vậy mỗi lần
ta tha thứ cho anh chị em là mỗi lần ta để tâm hồn mình hòa điệu với Thiên
Chúa, Đấng giàu lòng nhân từ và hay tha thứ. Mỗi lần ta tha thứ cho anh chị em
là mỗi lần ta thoát ra khỏi cảnh nô lệ cho những giới hạn ích kỷ của con tim
mình, để hòa mình với những tâm tình yêu thương tha thứ vô biên của Thiên Chúa.
Trong câu
chuyện dụ ngôn, Chúa cho thấy món nợ của con người với Chúa thật to lớn, đời
đời không trả được. Nhưng Chúa là tình yêu, Ngài sẵn sàng tha thứ tất cả. Còn
món nợ giữa con người với tha nhân tương đối nhỏ, có thể hoàn trả được, thế
nhưng con người không biết chờ đợi, không biết yêu, nên không tha thứ cho nhau
được.
Con người
không biết tha thứ cho anh em, đối xử với anh em tàn tệ là tự chuốc lấy cho
mình cơn thịnh nộ của Thiên Chúa: “Tên đầy tớ độc ác kia, ta đã tha hết nợ cho
ngươi, vì người đã van xin ta; con ngươi, sao không chịu thương hại bạn ngươi
như ta đã thương hại ngươi?”và Chúa kết luận: “Vậy Cha Ta trên trời cũng sẽ đối
xử với anh em như thế, nếu anh em không hết lòng tha thứ cho nhau”. Như thế, từ
chối tha thứ cho anh em là ngăn chặn ơn tha thứ đang dào dạt tuôn chảy vào tâm hồn
mình vậy. “Vì chính khi thứ tha là khi chúng ta được Thiên Chúa tha thứ”.
Thưa anh chị
em,
Trong đời
sống thực tế, muốn biết thật lòng tha thứ thì hãy biết quên đi những lỗi lầm
của anh em. Đừng nhắc đi nhắc lại, đừng nhớ dai, đừng tích chứa trong lòng.
Chuyện ngày xửa ngày xưa, ba bốn đời… khi vui, thuận vợ thuận chồng, thì không
nói, khi không bằng lòng nhau thì lôi chuyện cũ xào nấu lại làm cho nhau đau
khổ. Còn Chúa, đã tha thứ thì Ngài tha luôn, vì “nếu Chúa tôi nhớ hoài tội lỗi,
nào có ai đứng vững được chăng?” (Tv 129).
Chúng ta hãy
cầu nguyện như Bà Corrie-Ten-Boom khi thấy mình không thể tha thứ được: “Lạy
Chúa, Chúa thấy con chưa thể tha thứ được cho anh em con. Xin Chúa hãy ban cho
con những tâm tình của Chúa để con có thể tha thứ như Chúa”. Amen.
7. Thiên
Chúa là vị thẩm phán tốt nhất của chúng ta.
(Trích trong ‘Mở Ra Những Kho Tàng’ – Charles E. Miller)
Hãy tưởng
tượng ra ngày ấy, cái ngày mà các bạn phải chết. Toàn bộ cuộc sống sẽ diễn ra
trước mặt bạn. Trước hết, bạn sẽ thấy những gương mặt quen thuộc, người phối
ngẫu của bạn, những đứa con, ông chủ, bạn bè thân thiết, cha mẹ. Bạn nhận ra
rằng nếu bạn muốn, bạn có thể chọn một trong những người ấy làm quan toà xét xử
bạn.
Đầu tiên bạn
nghĩ: “Dĩ nhiên tôi chọn người phối ngẫu của mình rồi, chúng tôi yêu nhau thật
sự mà”. Nhưng kế đó các bạn nhớ lại bao nhiêu lần cãi cọ, bao nhiêu lần đánh
nhau nên các bạn sẽ sợ họ bây giờ vẫn chưa quên đâu. Còn con cái của bạn? Bọn
chúng nghĩ rằng các bạn quá khó đối với chúng. Còn những người bạn thân thiết?
Các bạn sợ họ biết quá nhiều về bạn.
Vậy bạn chọn
cha mẹ khi nhìn thấy những gương mặt già nua. Nếu được chọn bạn sẽ chọn Thánh
Phanxico de Salesio, người nổi tiếng là hiền lành và hay thương người. Đó là
một chọn lựa không tồi. Hay bạn sẽ chọn thánh Vinh Sơn, một cng nổi tiếng về
đức ái khó tìm thấy trong thế giới này. Bạn nghĩ, ông thánh này quá tốt rồi. Và
rồi những vị thánh khác liên tiếp xuất hiện trước bạn. Sau hết bạn thấy Đức
Trinh Nữ Maria, bạn liền nghĩ: “Dĩ nhiên mình sẽ chọn được phán xét bở người mẹ
dịu dàng, tử tế và đáng yêu của mình và cũng là người mẹ đời sống thiêng liêng
của mình nữa”.
Nhưng trước
khi bạn kịp nói điều gì, Đức Trinh Nữ Maria đã đẩy bạn vào tay Con Mẹ. Chúa
Giêsu dẫn bạn đến trước một cái ngai chỉ cho bạn thấy trên ngai đó, Người đó là
Đức Chúa Cha. Chúa Giêsu nói: “Đây là Đấng phán xét con, đừng chọn một ai
khác”.
Dĩ nhiên,
Chúa Giêsu nói đúng. Tự nhiên chúng ta hy vọng rằng những người gần gũi với
chúng ta trong suốt đời sống sẽ nhân từ với chúng ta trong phán xét hơn. Chúng
ta cũng tin rằng Mẹ Maria rất nhân từ và thương yêu chúng ta. Nhưng Mẹ Maria và
tất cả các thánh chỉ được thông dự vào sự nhân từ và thương xót của Thiên Chúa,
không những Thiên Chúa sở hữu sự nhân từ trong một mức độ vô biên nhưng Thiên
Chúa còn thật sự là sự nhân từ nữa. Thiên Chúa là sự nhân từ và là sự thương
xót.
Vị Vua trong
dụ ngôn của Chúa Giêsu là Cha của Người. Khi các bạn của vua xin vua hãy khoan
giãn cho y và cho y một thời hạn để trả hết số nợ, vị vua đã tha hết số nợ đó,
Người xoá sạch số nợ ấy và Người không còn nhớ gì đến nó nữa. Dĩ nhiên là một
vị vua nhân loại sẽ không làm một điều như thế bởi vì con người rất giới hạn.
Bạn có thể chắc chắn rằng thẻ tín dụng của bạn sẽ không xoá số nợ của bạn cho
dù các bạn có năn nỉ hay nài xin thế nào đi nữa. Nhưng chúng ta không thể minh
hoạ bức tranh về Thiên Chúa theo kinh nghiệm của con người nhân loại được.
Chúng ta chỉ biết lòng nhân từ của Thiên Chúa qua Người Con của Người.
Dù đã xoá
hết nợ nần là tội lỗi của chúng ta, Thiên Chúa Cha vẫn trao ban Con của Người
cho cái chết vì chúng ta và để cứu độ chúng ta. Chúng ta đừng bao giờ quên hành
động quảng đại tuyệt vời của Thiên Chúa. Hãy chăm chú lắng nghe những lời thánh
hiến trên rượu. Qua miệng của vị linh mục, Chúa Giêsu nói với chúng ta trong
mỗi Thánh Lễ: “Đây là chén Máu Ta…”. Và Người đã tha thứ cho tội lỗi chúng ta,
xoá sạch… Khi chúng ta làm đầy đủ điều kiện của Thiên Chúa, đó là cố gắng tha
thứ cho người khác như Người đã tha thứ cho chúng ta. Chúng ta phải nói cách
can đảm: “Xin tha thứ cho chúng tôi như chúng tôi cũng tha kẻ có nợ chúng tôi”.
Điều này phải hiện hữu trong trái tim chúng ta, khi chúng ta làm một hành động
tha thứ. Khi chúng ta xin tha thứ trong suốt hy tế Thánh Thể, khi chúng ta cử
hành nghi thức Sám hối. Sách Khôn ngoan nhắc nhở chúng ta: “Hãy nhớ đến ngày
cuối cùng của bạn, bỏ sự thù địch qua một bên. Hãy nhớ đến cái chết và đừng
phạm tội nữa”. Nhưng sự phong phú của khôn ngoan thì vui mừng với Thiên Chúa và
chính Người chứ không phải ai khác sẽ phán xét chúng ta.
8. Bảy mươi
lần bảy!
Phêrô rất bị
đụng chạm do những lời khuyên về cuộc sống huynh đệ. Ông đã nghe các luật sĩ
tranh luận về việc tha thứ. “Đối với vợ, ngươi có thể tha thứ cho vợ một lần...
Đối với anh em, ngươi phải tha thứ co anh em năm lần”. Còn quan điểm của Chúa
Giêsu thì sao?
- Tôi phải
tha thứ bảy lần phải không?
- Ngươi hãy
tha thứ bảy mươi lần bảy.
Đứng trước
câu trả lời này, một trong những câu trả lời điên rồ nhất của toàn bộ Tin Mừng,
lúc này đây chúng ta có thể ở trong một tình trạng bi đát hết sức an bình. Bi
đát: Chúa đang yêu cầu chúng ta một sự tha thứ rất khó khăn và tất cả đảo lộn
trong ta khi nghĩ đến điều đó. An bình: cuộc sống của chúng ta thanh thản đến
độ sự đòi hỏi của Chúa Giêsu đối với chúng ta dường như rất dễ: chắc chắn là
phải luôn luôn tha thứ.
Lý thuyết!
Chúng ta hãy nhìn chung quanh chúng ta mà xem! Ai tha thứ? Thậm chí ngươì ta
nghĩ rằng tha thứ sẽ khuyến khích những gì không thể tha thứ được. “Nào xin bạn
cứ tự nhiên!”. Việc nghe theo Chúa Giêsu yêu cầu có một sự đảo ngược.
Tôi lấy lại
hai hoàn cảnh trên. Nếu tôi hoàn toàn bị đảo lộn đứng trước một điều gần như
không thể tha thứ được (nhưng người ta vẫn luôn luôn nói là sự tha thứ), Chúa
Giêsu kêu gọi tôi tha thứ ngay lập tức, mặc dầu những thương tổn và những phản
kháng của tôi. Ngay lập tức. Chúng ta huỷ diệt Tin Mừng và sự sống của chúng ta
khi chúng ta chờ thời, khi chúng ta nghĩ rằng chúng ta không có khả năng thực
hiện điều mà Chúa Giêsu yêu cầu chúng ta. Làm cho chúng ta có khả năng, đó là
công việc của Ngài, công việc của Thánh Linh. Phần chúng ta là phải đối diện
với lơì kêu gọi đó và kêu xin Chúa Giêsu: con muốn, nhưng con không thể làm
được, xin Chúa giúp con!
Nếu tôi
không có vấn đề gì cả, sự đòi hỏi của Chúa Giêsu là một liều thuốc phòng ngừa.
Sự đòi hỏi đó lôi kéo tôi đi ngược dòng một thế giới kiêu ngạo từ chối tha thứ.
Bởi vì đây
đúng là một cuộc chiến chống lại sự kiêu ngạo, luôn luôn sẵn sàng bi kịch hoá
các điều sỉ nhục và dựng lên những bức tường trước những ý tưởng hoà giải. Lòng
kiêu ngạo rất biết cách nguỵ trang thành danh dự, thành lương tri, thành công
bằng, thành sự tự vệ hợp pháp, thành lo lắng không tạo thuận lợi cho những kẻ
xấu, đến nỗi trước tiên cần phải loại bỏ lòng kiêu ngạo đó đi đã: “Lòng kiêu
ngạo ơi, đừng có mà len lỏi vào đó”.
Trong bầu
không khí trong sạch hơn, chúng ta có thể xem xét ý tưởng cho rằng có những sự
tha thứ xấu. Khi tôi chấp nhận mỉm cười và giơ tay ra bởi vì điều đó thu xếp ổn
thoả cho tôi, thì đó là tôi không tha thứ, mà là tôi dùng mánh lới. Khi tôi tha
thứ cho một tay độc tài áp bức những người yếu kém, thì đó là tôi không tha
thứ, mà là tôi sợ. Nếu đó là những sự tha thứ thật sự có giá trị, thì có hai
điều có thể làm cho mỗi người trong chúng ta trở thành một người sẵn sàng tha
thứ và đấu tranh chống lại nhiều cái “Không thể tha thứ được!” đang đầu độc bất
cứ cuộc sống chung nào.
Trước hết,
nghĩ đến một người mà chúng ta biết rõ và đã có lần từ chối tha thứ. Đo lường
tình trạng lộn xộn của cuộc sống. Sự nghiền ngẫm nội tâm của người đó dồn cho
bạn những chi tiết về sự lầm lẫn mà người ta đã làm cho người đó, về người đã
xúc phạm hoặc phản bội người đó. Trong khi suy nghĩ về tất cả những điều đó,
người ta thề thốt sẽ không bao giờ rơi vào trong sự mất khả năng lật một trang
mới nữa.
Tin Mừng
cống hiến cho chúng ta một cách khác để vun trồng nơi chúng ta khả năng hoà
giải với nhau rất nhanh: đặt những sự tha thứ của chúng ta trong sự tha thứ của
Thiên Chúa. Chúng ta không bao giờ là một người công chính sẽ làm cho lòng
khoan dung của Ngài rơi xuống trên một kẻ phạm lỗi đáng thương. Cả hai chúng ta
đều là những người được tha thứ, được mơì gọi đi vào trong cùng một quỹ đạo của
sự tha thứ.
Đó là quỹ
đạo của Kinh Lạy Cha “Xin tha thứ cho con như thể người ta tha thứ cho một
người con bởi vì trong khi tha thứ, con cố gắng trở thành con của Ngài”. Tự
bảo: “Tôi sẽ không bao giờ từ chối tha thứ”, tương đương với: “Tôi muốn vẫn
thuộc về gia đình của Thiên Chúa”.
9. Tha thứ
Có bao giờ chúng ta đã giành lấy một
vài giây phút để suy nghĩ về lời cầu xin trong kinh Lạy Cha: Xin tha nợ chúng
con như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con hay không? Tội lỗi của chúng ta
thì nặng nề và chồng chất, làm cho Thiên Chúa phải buồn lòng. Và theo một ý
nghĩa nào đó, tội lỗi ấy được sánh ví như là một món nợ khổng lồ chúng ta thiếu
hụt cùng Thiên Chúa. Đồng thời trong cuộc sống, đôi khi chúng ta cũng gặp phải
những khổ đau, những bất công do anh em gây nên.
Thế nhưng, trong kinh Lạy Cha, chúng
ta dám thưa lên cùng Thiên Chúa: Xin Ngài tha thứ cho chúng ta những lỗi lầm
quá lớn, nếu như chúng ta biết quên đi những vấp phạm nhỏ bé của anh em. Đúng
là một tỷ lệ không cân xứng và chẳng có ý nghĩa chi cả… Và đó cũng chính là ý
nghĩa của câu chuyện dụ ngôn mà chúng ta vừa nghe.
Ông vua muốn tính toán nợ nần với
những bầy tôi của mình. Ông vua chính là Thiên Chúa còn bầy tôi chính là chúng
ta. Món nợ khổng lồ lên tới 10 ngàn nén bạc, chính là những tội lỗi của chúng
ta khi đứng trước một vị Thiên Chúa nhân từ, thánh thiện và công bằng vô cùng.
Còn món nợ nhỏ nhoi 100 đồng là những vấp phạm của anh em đối với chúng ta. Và
như thế chúng ta nhìn thấy sự sai biệt giữa hai món nợ là như thế nào.
Trước lời van xin của tên đầy tớ thứ
nhất, nhà vua đã thực sự xúc động, ông đã tha thứ và xóa bỏ món nợ kếch xù của
hắn. Còn hắn, hắn lại tỏ ra hà khắc đối với bạn hắn, là người chỉ mắc nợ hắn
một số tiền nhỏ bé. Khi hay tin, nhà vua đã vô cùng sửng sốt, ông đã đối xử với
tên đầy tớ theo như mức độ nhân từ mà họ đối xử với nhau… Và phần kết luận, hẳn
chúng ta đã rõ. Lý hình chính là những sự trừng phạt ở đời này cũng như ở đời
sau. Đoạn Tin Mừng không phải chỉ kêu gọi chúng ta tha thứ cho một người anh em
hay kẻ bạn hữu, mà còn tha thứ cho tất cả những bất công mà kẻ thù gây nên.
Tới đây, tôi xin kể lại một mẩu chuyện
có thật xảy ra vào thời đệ nhị thế chiến. Bấy giờ quân Đức chiếm đóng nước Pháp
và bắt nhiều người đi làm tù binh, trong số đó có Đức Giám mục Théas. Ngày kia
các bạn tù xin ngài giảng phòng. Ngài bèn cho ngay đề tài: yêu thương kẻ thù.
Các bạn tù có vẻ không bằng lòng và nói với ngài: Tại sao chúng ta lại phải tha
thứ cho bọn Đức Quốc xã, là bọn mỗi ngày đã giết hại biết bao nhiêu bạn hữu của
chúng ta. Đức cha đã trả lời: Cha chỉ có thể lặp lại giới luật của Chúa Giêsu:
Hãy yêu thương kẻ thù. Rồi ngài cất cao giọng đọc kinh Lạy Cha và nhấn mạnh tới
lời van xin: Xin tha nợ chúng con như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con.
Ngày hôm sau được phép cử hành thánh
lễ, ngài quyết định dâng thánh lễ cầu cho những người Đức. Và cũng từ ngày đó,
ngài có một ý tưởng manh nha thành lập phong trào Pax Christi, một phong trào
quốc tế tranh đấu cho hòa bình. Sau khi chiến tranh kết thúc, ngài được cử làm
Giám mục Lộ Đức, và chính ngài đã tổ chức cuộc hành hương quốc tế của phong
trào Pax Christi. Trong cuộc hành hương này người ta nhìn thấy những người
trước đây vốn là thù địch của nhau như Đức, Pháp, Anh, Ý… cùng chắp tay cầu
nguyện cho nhau, và quên đi cái dĩ vãng đen tối. Là người Công giáo chúng ta có
bổn phận phải tha thứ cho nhau, chứ không được giữ mãi sự thù oán.
Cách thức bảo đảm nhất để thoát khỏi
sự công thẳng của Thiên Chúa và kéo được lòng thương xót của Ngài đó là hãy tha
thứ cho nhau.
10. Tha thứ
Bài Tin Mừng hôm nay Chúa Giêsu dạy
chúng ta về sự tha thứ. Người Do Thái xưa được dạy cho biết phải tha thứ cho
nhau, nhưng các tôn sư không đồng ý với nhau là phải tha thứ đến lần thứ mấy
thì thôi. Do đó, thánh Phêrô đã thắc mắc và hỏi Chúa. Chúa đã trả lời: “Thầy
không bảo là đến bảy lần, nhưng là đến bảy mươi lần bảy”. Nghĩa là Chúa dạy:
hãy tha thứ cho nhau, hãy tha thứ thật lòng, hãy tha thứ tất cả, hãy tha thứ
luôn luôn, hãy tha thứ mãi mãi.
Để làm sáng tỏ vấn đề cũng như để
chúng ta hiểu rõ và nhớ kỹ bài học này, Chúa minh hoạ thêm bằng một dụ ngôn rất
hay để đối chiếu lòng Thiên Chúa đối với con người và lòng con người đối với
nhau. Nơi Thiên Chúa là một lòng đại lượng xót thương vô bờ bến, chỉ cần con
người lên tiếng khẩn nài, Chúa liền nhìn đến thân phận khốn khổ và nghèo nàn
của chúng ta. Khi chúng ta phạm tội, chúng ta van xin Chúa, Ngài sẵn sàng tha
thứ vô điều kiện, tha thứ trọn vẹn, không đòi hỏi gì nơi chúng ta cả. Ngược
lại, lòng con người đối xử với nhau thì lại thật là quá ti tiện, nhỏ nhen,
chúng ta hay chấp nhất nhau từng ly từng tý, chúng ta tức giận nhau, chúng ta
để lòng oán hờn nhau, chúng ta nhất định không tha thứ. Thậm chí người ta hết
lời và hết lòng xin lỗi, chúng ta vẫn cương quyết không tha, không bỏ qua, có
người còn khẳng khái tuyên bố: “Sống để bụng, chết mang đi”. Hỏi mang đi đâu?
Mang xuống hoả ngục chăng? Thật là mỉa mai, chua chát, đáng trách. Vì thế, Chúa
bảo chúng ta phải sẵn lòng tha thứ, tha thứ luôn mãi bao lâu người anh em còn
xúc phạm đến chúng ta, bởi vì Chúa đã tha thứ cho chúng ta, thì chúng ta cũng
phải tha thứ cho nhau.
Tính cách tha thứ của Kitô giáo là tha
thứ như mình đã được tha thứ, phải thương xót người khác như mình đã được Chúa
xót thương. Như vậy, sự tha thứ không những là một nhiệm vụ luân lý mà còn là
một đòi hỏi của lương tâm, một nhân đức đối thần, kéo dài tới tha nhân ơn tha
thứ mà Thiên Chúa đã ban cho chúng ta. Ai trong chúng ta cũng có nhiều sai sót,
những khuyết điểm, những tật xấu. Chúng ta cần được tha thứ, vì vậy chúng ta
phải khiêm tốn xin lỗi Chúa và xin lỗi nhau. Có như thế lời kinh Lạy Cha: “Xin
tha nợ chúng con như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con” mới trở thành một
lời kinh quý giá và cụ thể.
Trong một căn nhà lụp xụp tại một xóm
nghèo thuộc vùng ngoại ô thành phố, một người đàn bà đáng thương phải sống
những ngày hẩm hiu với đàn con thơ dại. Chồng bà là một người cha tục tằn thô
bạo, chỉ biết ăn chơi nhậu nhẹt và cờ bạc, không thiết chi đến bổn phận đối với
gia đình. Ông vắng nhà suốt ngày, các con của ông chỉ thấy ông trở về mỗi buổi
tối trong cơn say mèm hoặc trong trận lôi đình đập đánh, chửi rủa. Những lúc
như thế, bà vợ chỉ biết đem các con giấu đi để bảo đảm tính mạng cho chúng.
Ngày ngày bà cực nhọc vá may, hoặc vất vả giặt giũ từ nhà này sang nhà khác để
kiếm tiền nuôi con. Trong thinh lặng, bà nhẫn nhục cam chịu mọi bạc bẽo và
những trận đòn oan ức của chồng.
Vào một buổi tối kia, ông trở về nhà
muộn hơn thường lệ, nhưng tỉnh táo và ít say sưa hơn. Vừa bước tới hè nhà, ông
nghe tiếng thì thầm từ trong nhà vọng ra. Một nỗi nghi ngờ xâm chiếm tâm hồn
ông. Máu ghen bừng bừng nổi dậy và nghĩ rằng: “thật vô phúc cho kẻ nào rơi vào
tay ta”. Ông đứng lại trước cửa và ghé tai vào vách, trố mắt nhìn qua khe hở:
quanh ngọn đèn dầu leo lét, ông thấy các con nhỏ quây quần bên cạnh vợ ông, ông
nghe rõ tiếng bà nói với các con: “Các con hãy đọc thêm một kinh Lạy Cha để cầu
nguyện cho người cha tốt lành của các con”.
Trước khung cảnh đầm ấm tình mẫu tử
đó, bỗng chốc lửa hung ác trong trái tim ông như tắt ngúm, tâm hồn cứng cỏi của
ông trở nên như sáp ong mềm ra trước hơi nóng, mắt ông như bừng sáng sau một
cơn mê ngủ dài, ông đã nhận ra tấm lòng tốt và tình yêu quảng đại của vợ ông,
người mà từ trước đến nay ông vẫn ngược đãi. Vợ ông không những đã tha thứ mà
còn tìm cách xoá bỏ hình ảnh xấu về ông bằng cách in vào tâm trí các con mình
hình ảnh tốt lành của ông như một người cha. Ông cảm thấy như có cục than hồng
đốt cháy trên đầu ông, và từ ngày đó ông nhất quyết trở nên một người cha tốt
lành, người chồng chung thuỷ và có tinh thần trách nhiệm như vợ con ông hằng
nghĩ tốt về ông.
Câu chuyện trên cho chúng ta thấy đâu
là sức mạnh của lòng tha thứ. Tha thứ đổi mới tâm hồn, làm phát sinh sự sống
mới, gây thêm lòng can đảm, để bắt đầu con đường sống mới. Tha thứ là lời mời
gọi để tình yêu lớn lên. Tha thứ là cửa ngõ để mọi người có cơ hội làm lại mối
giây liên hệ đã dập gẫy. Tình thương và mọi mối giây liên hệ trong gia đình,
giữa cha mẹ và con cái, giữa vợ chồng, giữa cha xứ và giáo dân, giữa những phần
tử trong một nhóm, được phong phú hoá bởi tha thứ.
Lòng tha thứ quảng đại và vô điều kiện
của người vợ trong câu chuyện trên là phản ánh lòng thương tha thứ vô biên của
Thiên Chúa được mạc khải cho chúng ta qua Kinh thánh, nhất là nơi bản thân Chúa
Giêsu, là hồng ân mà Thiên Chúa ban cho con người tội lỗi, Chúa Giêsu cũng mời
gọi chúng ta chia sẻ sứ mệnh của Ngài. Mỗi Kitô hữu cũng là một ơn tha thứ mà
Thiên Chúa muốn trao tặng cho người khác. Mỗi ơn tha thứ là một cuộc biến đổi,
Chúa Giêsu kêu mời chúng ta cùng với Ngài thực thi sứ mệnh trao ban ơn tha thứ
hầu biến đổi anh chị em chúng ta nên người con thật tốt lành và đáng yêu của
Chúa Cha, cũng như chính chúng ta đã được tha thứ và biến đổi.
11.
Tha thứ
Phêrô không phải là không tính toán kỹ
lưỡng khi hỏi Chúa Giêsu phải tha thứ cho anh chị em bao nhiêu lần, có phải bẩy
lần không? Theo sự giảng dạy của các thầy Rabbi, một người phải tha thứ cho anh
em mình ba lần. Phêrô đã đi xa hơn luật của các thầy Rabbi bằng cách nhân lên
gấp đôi, và cộng thêm một lần nữa cho chắc ăn. Ông hy vọng sẽ được Chúa khen
ngợi; không ngờ câu trả lời của Chúa là “bẩy mươi lần bẩy”, có nghĩa là phải
tha thứ không giới hạn!
Rồi Chúa Giêsu nói về dụ ngôn tên đầy
tớ mắc nợ không biết thương xót. Sự so sánh món nợ lớn lao của anh với nhà vua
là “mười ngàn nén vàng” và số tiền của người bạn nợ anh là “một trăm quan tiền”
đã làm nổi bật lên lòng nhân từ của Thiên Chúa. Có tác giả đã so sánh một quan
tiền là một ngày lương của người lao động. Người bạn nợ anh 100 ngày lương. Còn
một nén vàng tương đương với 6000 quan tiền. Mười ngàn nén vàng là 60 triệu
quan tiền. Nếu một người lao động làm việc năm ngày một tuần, 50 tuần một năm,
phải mất 280 ngàn năm mới trả đủ số tiền nợ nhà vua. Không thể nào trả nổi!
William Barclay đã viết như sau:
“A.R.S. Kennedy đã vẽ ra bức hình sống động này để đối chiếu những món nợ. Giả
sử họ trả bằng tiền bảng Anh. Món nợ 100 quan tiền có thể được mang trong một
cái túi áo hay túi quần. Món nợ 10 ngàn nén vàng phải được một đội quân 8,600
người mang, mỗi người mang một cái túi nặng 60 cân Anh – khoảng 27 kg; và nếu
họ đứng sắp hàng, mỗi người cách nhau chừng 80 cm, làm thành một hàng dài 5 dặm
– khoảng 8 cây số”.
Trước mặt Chúa có ai là người vô tội?
Chúng ta đã được tha một món nợ không thể nào trả nổi: vì tội lỗi của con người
đã gây ra cái chết của Con Thiên Chúa. Do đó, chúng ta phải tha thứ cho những
người khác để chính mình được Thiên Chúa thứ tha.
Sự tha thứ mang lại ích lợi cho người
tha thứ và người được tha thứ: Shakespear xưa kia đã nói: “Tha thứ là hai lần
phúc lành”. Nó mang lại phúc lành cho người tha thứ và người được tha thứ.
Khi cựu tổng thống Bill Clinton gặp
cựu tổng thống Nam Phi Nelson Mandela lần đầu tiên sau khi được thả ra khỏi tù,
ông Clinton nói: “Khi ông được thả ra khỏi nhà tù, tôi đã đánh thức con gái tôi
dậy vào lúc 3 giờ sáng. Tôi muốn cô bé chứng kiến biến cố lịch sử này”. Rồi ông
Clinton chuyển sang một câu hỏi đã in trong tâm trí từ lâu: “Khi ông bước ra
khỏi khu nhà tù, băng ngang qua cái sân tới cổng nhà tù, máy thu hình đã tập
trung vào khuôn mặt của ông. Tôi chưa bao giờ nhìn thấy sự giận dữ và hận thù
trên khuôn mặt của bất cứ một người nào được diễn tả như trên khuôn mặt của ông
vào lúc đó. Đó không phải là Nelson Mandela mà tôi biết hôm nay”, Clinton nói.
“Điều gì đã làm ông thay đổi?”
Mandela trả lời: “Tôi ngạc nhiên rằng
ông đã nhìn thấy điều đó, và tôi tiếc rằng những chiếc máy thu hình đã chộp
được cơn giận của tôi. Khi tôi bước qua sân nhà tù ngày hôm đó tôi tự nghĩ rằng
họ đã tước đoạt đi tất cả mọi sự của tôi. Sự nghiệp đã chết. Gia đình đã mất.
Bạn bè đều bị giết. Bây giờ họ thả tôi ra, nhưng chẳng còn gì nữa cả. Và tôi
thù ghét họ vì cái họ đã tước đoạt cuộc đời của tôi. Nhưng rồi, tôi tự cảm thấy
một tiếng nói tự bên trong ngỏ với tôi: “Nelson! Ông là tù nhân của họ 27 năm,
nhưng ông đã luôn luôn là một người tự do! Đừng để họ thả ông ra làm một người
tự do, rồi lại biến ông thành tù nhân của họ qua sự hận thù”.
Henri Nouwen đã so sánh cuộc đời của
chúng ta với những cái ly phải được làm trống rỗng đi để được đổ đầy trở lại.
Nếu chúng ta đổ cay đắng, hận thù và trái ý đầy vào ly, Thiên Chúa không thể
tuôn đổ ân phúc của ngài vào được.
12.
Tha thứ
John Huffman đã nói: “Con người thống
khổ nhất trên thế giới là người sẽ không tha thứ. Không có gì có thể vặn cổ
linh hồn mau lẹ hơn nó. Nói đúng ra, nếu tôi có một kẻ thù mà tôi muốn phạt,
tôi sẽ dạy nó thù ghét một người nào đó”.
Sự tha thứ của Đức Hồng Y Bernadin đã
chúc lành cho anh Steven Cook một cách rất kỳ diệu. Anh là người đã vu oan cho
Đức Hồng y về tội quấy rối tình dục. Nhưng Đức Hồng y đã tha thứ khi anh xin lỗi
và anh đã nói: “Sau khi hoà giải, một cái ách nặng nề lớn lao đã được cất đi
khỏi người tôi. Tôi đã cảm thấy được chữa lành và an bình”. Cuối cùng anh đã
chết bình an sau khi trở về với Giáo Hội và Thiên Chúa.
Sự tha thứ mang lại ân sủng và tình
yêu của Thiên Chúa đến cho hối nhân – người sám hối được tha thứ. Đó là lý do
tại sao Giáo Hội khuyên chúng ta nên thường xuyên lãnh Bí tích Hoà giải.
Một buổi chiều trời mưa tầm tã, bà mẹ
đón con đi học về đang lái xe trên đại lộ chính của thành phố. Bà phải để hết
chăm chú vào việc lái xe vì đường phố rất ướt và trơn trượt. Thình lình, cậu
con trai ngồi thoải mái bên cạnh mẹ nói lớn: “Mom, con đang suy nghĩ điều này”.
Hành động này đối với bà mẹ thường có nghĩa là cậu con trai 7 tuổi của bà đang
muốn xin một điều gì đó và bây giờ sẵn sàng lên tiếng. “Con đang nghĩ gì vậy?”
Người mẹ hỏi. “Trời mưa”. Nó nói, “giống như tội, và những cái gạt nước giống
như Thiên Chúa quét sạch tội lỗi của chúng ta đi”. “Con giỏi quá, Matthew”. Rồi
tò mò người mẹ muốn biết đứa con trai của bà hiểu được điều mạc khải này sâu xa
như thế nào. Bà mẹ hỏi: “Con có để ý thấy mưa cứ tiếp tục rơi như thế nào
không?” Mưa rơi nói với con điều gì không?” Matthew không do dự, trả lời:
“Chúng ta đã phạm tội, và Thiên Chúa vẫn cứ tiếp tục tha thứ cho chúng ta”.
Sự tha thứ phản ảnh đời sống ân sủng
và tình yêu của Thiên Chúa. Sự tha thứ là vẻ đẹp của những tâm hồn cao thượng,
những con người nhân bản và những con cái của Thiên Chúa. Sự tha thứ mang lại
hoà bình cho thế giới, tạo nên một thế giới cảm thông, và yêu thương. Nhân ngày
tưởng niệm các nạn nhân vô tội trong những vụ khủng bố vào ngày 11/9/2001, tại
Hoa Kỳ Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã kêu gọi: “Thế giới không thể có hoà
bình nếu thiếu sự tha thứ”.
13.
Sự tha thứ
Điểm đặc biệt trong đời sống Kitô hữu
là mỗi người được Lời Chúa trong Chúa Nhật 24 nhắc nhở rõ ràng là sự tha thứ
cho nhau. Bài đọc thứ nhất trích từ sách Huấn Ca (Hc 27,33-28,9), loan báo
trước giáo huấn của Chúa Giêsu trong Phúc Âm, giáo huấn về sự tha thứ cho những
lỗi phạm của anh em: "Xin tha nợ chúng con như chúng con cũng tha kẻ có nợ
chúng con".
Bài Phúc Âm thánh Mátthêu cho chúng ta
biết sự tha thứ cho anh em được Chúa nói rõ ràng trong câu trả lời cho Thánh
Phêrô đến hỏi Chúa: "Tôi phải tha thứ bao nhiêu lần, đến bảy lần
chăng?". Phêrô đến với Chúa bằng một tâm thức câu nệ hình thức, tâm thức
của luật dân Chúa đang tuân giữ và ông nghĩ rằng, tha thứ đến bảy lần là đã làm
trọn luật Chúa dạy. Noi gương của Thiên Chúa như đã được kể lại trong sách Cách
Ngôn: "Thiên Chúa luôn tha thứ cho người công chính bảy lần" (Cn
24,16). Tha thứ bảy lần là tha thứ có giới hạn, nhưng Chúa Giêsu đã trả lời
không phải bảy lần mà là bảy mươi lần bảy. Cách nói bảy mươi lần bảy cũng là
cách nói được dùng trong sách Sáng Thế Ký (x. St 4, 24), có nghĩa là tha thứ
luôn luôn, không có giới hạn, không có tính toán.
Đoạn Phúc Âm thánh Mátthêu được trích
lại nằm trong toàn bộ chương XVIII nói về những đặc điểm nếp sống mới của những
đồ đệ Chúa Kitô, và nền tảng cho nếp sống mới là căn cứ theo mẫu gương của
Thiên Chúa Cha: "Chúng con hãy nên trọn lành như Cha các con ở trên trời
là Đấng trọn lành" (Mt5,48). Mỗi một thái độ sống của người đồ đệ Chúa đều
được Chúa qui hướng về việc bắt chước theo mẫu gương của Thiên Chúa Cha.
Chính vì thế mà để làm nổi bật khía
cạnh đặc điểm tha thứ cho anh em, Chúa Giêsu đã kể một dụ ngôn để diễn tả thái
độ của Thiên Chúa Cha như ông chủ tha thứ cho người tôi tớ vì tình thương hơn
là chính người tôi tớ tha thứ cho bạn của mình, vậy chúng ta cũng phải luôn
luôn tha thứ cho anh em mình, cho những người xúc phạm hay làm tổn thương đến
chúng ta bằng cách này hay cách khác.
Đặc điểm thứ hai cần lưu ý là mối liên
quan giữa nếp sống Kitô và lời cầu nguyện. Điều này được nhắc đến trong bài đọc
thứ nhất, đó là sự liên kết giữa cuộc sống hàng ngày và đời sống cầu nguyện, vì
tha thứ cho kẻ làm hại đến mình thì con người sẽ được tha thứ như vậy. Không
thể không có tha thứ đích thực nếu không tuân giữ luật Chúa dạy. Các tiên tri
nhiều lần đã lên tiếng cảnh cáo những thái độ sống giả hình, đó là dâng lễ vật
lên Thiên Chúa mà vẫn hà hiếp, áp bức anh chị em xung quanh: "Thiên Chúa
muốn tình thương hơn là lễ vật" (Mt12,7). Và: "Khi các con đến dâng
của lễ mà nhớ có điều gì bất bình với anh em thì hãy bỏ của lễ lại mà đi làm
hòa với anh em con trước đã, rồi hãy đến dâng lễ vật" (Mt5,23-24). Giáo
huấn này được Chúa Giêsu nhấn mạnh hơn nữa khi Ngài đưa nó vào lời kinh Lạy Cha
mà Ngài đã dạy cho các Tông Đồ: "Xin Cha tha nợ chúng con như chúng con
cũng tha kẻ có nợ chúng con".
Tha thứ là một điều rất dễ nói nhưng
lại rất khó thực hành. Vào thời hậu thế chiến thứ hai bên Âu Châu, cô
Coritanbum, người sống sót từ trại tập trung Đức Quốc Xã đã đi khắp nơi để
giảng thuyết về sự tha thứ và hòa giải. Khi thế chiến thứ hai bùng nổ, gia đình
của cô Coritanbum sinh sống ở Amsterdam, Hòa Lan, sống nhờ cửa tiệm làm và bán
đồng hồ. Khi quân đội Đức Quốc Xã chiếm Hòa Lan thì gia đình cô dấn thân trợ
giúp người Do Thái, và hậu quả là có người chỉ điểm làm cho toàn gia đình cô bị
bắt vào trại tập trung, chỉ còn lại một mình cô sống sót tại trại tập trung mà
thôi.
Sau thế chiến thứ hai, cô đi khắp nơi
bên Âu Châu để giảng thuyết về sự tha thứ và hòa giải. Một hôm sau buổi thuyết
trình tại Munich, Miền Nam nước Đức, một người đứng lên cám ơn cô về bài thuyết
trình thật hay, nhưng cô chết điếng người khi nhận ra người đàn ông sắp đưa tay
ra bắt lấy cô chính là người lính Đức Quốc Xã trước kia canh trại tập trung, đã
giam giữ cô và gia đình. Cô bỗng chốc nhớ lại tất cả những hành động bỉ ổi của
người lính đã xúc phạm đến con người, nhất là phẩm giá của những nữ tù nhân
trong trại mà anh lính này đã làm trước mắt cô ngày trước. Cô Coritanbum lúng
túng không kịp đưa tay ra bắt lấy tay người đã hành hạ mình, và lúc đó cô mới
hiểu thấm thía nói dễ nhưng làm khó. Chính lúc bấy giờ cô khám phá ra mình cũng
chưa thật sự tha thứ cho người đã xúc phạm đến mình trước đây.
Kinh nghiệm của cô Coritanbum cũng
chính là kinh nghiệm của mỗi người chúng ta hôm nay, dù hình thức có thể khác
đi nhưng tựu trung nội dung vẫn giống nhau. Khi nói về sự tha thứ, thường thì
khuyên kẻ khác tha thứ rất dễ, nhưng khi trực tiếp đối diện với kẻ xúc phạm đến
mình, phải thực hành một việc tha thứ cách cụ thể cho người đang đứng trước mặt
mình thì quả thật khó khăn vô cùng. Có thể chúng ta cũng không vượt qua được về
những cảm xúc đó như cô Coritanbum. Ông Alexande Box đã có lần nói: "Lầm
lỗi là chuyện thường tình của con người, nhưng tha thứ phải là chuyện của Thiên
Chúa". Cần có sức mạnh của Thiên Chúa chúng ta mới có thể tha thứ cho nhau
được.
Phúc Âm hôm nay cho chúng ta thấy rõ
vấn đề, không phải chỉ giữ luật tha thứ như Phêrô nghĩ là tha thứ đến bảy lần,
vì luật Môisen chỉ dạy tha thứ có bảy lần mà thôi, nhưng hệ ở chỗ là tâm hồn
luôn luôn tràn đầy tình yêu thương để tha thứ cho anh em mình. Tha thứ đến bảy
mươi lần bảy, nghìa là tha thứ luôn luôn, chúng ta cần phải có tâm hồn như
Chúa, tha thứ như Chúa, không tính toán số lượng, số lần theo luật định, nhưng
phải với tâm hồn đã được ơn Chúa biến đổi là tha thứ vô hạn định.
Xin Chúa đến với chúng con ngày hôm
nay trong Bí Tích Thánh Thể, đặc biệt khi chúng con rước Chúa vào tâm hồn,
chúng con xin Chúa biến đổi tâm hồn chúng con được trở nên giống như Chúa, tâm
hồn tràn đầy tình thương của Chúa để chúng con tha thứ cho tha nhân như Chúa,
xin Chúa gìn giữ mỗi người chúng con trong đức tin mà chúng con tuyên xưng qua
Kinh Tin Kính.
14.
Anh em tha thứ cho nhau - JKN
Câu hỏi gợi
ý:
1.
Nếu bạn chợt nhận ra mình cũng yếu đuối và dễ
lầm lỗi như người mà bạn đang kết án, thì bạn có còn muốn kết án họ không?
2.
Bạn có dễ dàng tha thứ lần nữa cho người mà
bạn đã từng tha cho một món nợ lớn, nhưng chính người ấy lại không chịu tha cho
con cái bạn một món nợ rất nhỏ không?
3.
Khi bạn mang trong mình một nỗi hờn giận, tâm
hồn bạn có bình an không? Cách tốt nhất và khôn ngoan nhất để giải quyết nỗi
hờn giận ấy là gì?
Suy tư gợi
ý:
1. Sống trên đời, ai cũng lầm lỗi. Chính ta
cũng biết bao lầm lỗi
Trong bài Tin Mừng Chúa Nhật trước,
Đức Giê-su đòi hỏi ta phải biết sửa lỗi cho tha nhân. Nhưng trong bài Tin Mừng
hôm nay, Ngài lại yêu cầu ta phải sẵn sàng tha thứ cho họ một cách vô điều
kiện. Như vậy, ta vừa phải sửa lỗi, lại vừa phải tha thứ.
«Nhân vô thập toàn», trên đời, không
ai hoàn hảo cả, ai cũng có những sai trái, lầm lỗi. Xét lại bản thân, ta thấy
chính ta cũng có nhiều sai trái, khiếm khuyết, lầm lỗi: vô ý có, mà hữu ý hay
cố tình cũng có. Đó chính là lý do khiến ta nên tha thứ cho người khác.
2. Ta luôn thấy lầm lỗi của ta đáng được
thông cảm và tha thứ
Khi bị ai trách cứ, hầu như lần nào
trong thâm tâm ta cũng có lý do để chống chế, để biện hộ cho sai trái của mình.
Điều đó có nghĩa là dù ta có lỗi, ta vẫn luôn thấy lỗi mình đáng được thông cảm
và tha thứ. Vì chỉ có ta mới hiểu được nguyên nhân và hoàn cảnh khiến ta phạm
lỗi. Người ngoài sở dĩ kết án ta là vì họ không hiểu được thế kẹt của ta, nên
họ không thông cảm được sự sai trái của ta. Tất cả mọi người đều vậy cả, ai
cũng thấy lầm lỗi của mình đáng được thông cảm.
Theo Dale Carnegie trong cuốn Đắc Nhân
Tâm của ông, thì không ai tự nghĩ xấu về mình. Ai cũng tự nghĩ tốt cho mình dù
là kẻ xấu nhất trong nhân loại. Ai cũng nghĩ rằng mình đúng cho dù là kẻ sai
nhất trong nhân loại. Ai cũng có nhiều lý lẽ để cho rằng mình là người tốt,
người đúng. Ông đã chứng minh điều ấy bằng những sự kiện cụ thể mà ông thu thập
được trong đời sống của ông. Theo ông, ngay cả những tên cướp giết người không
gớm tay vẫn có lý do bào chữa cho những hành động gớm ghiếc của chúng, mà chúng
nghĩ do thực tâm chứ không phải để ngụy biện. Tuy dù không hoàn toàn đồng ý với
Dale Carnegie, tôi cũng phải công nhận ông có lý phần nào, và đó chính là lý do
để tôi thông cảm hơn với những người tôi muốn kết án.
3. Đức Giê-su khuyên ta luôn tha thứ, và tha
thứ vô điều kiện
Đức Giê-su là một con người y như
chúng ta, Ngài cũng cảm nghiệm được sự yếu đuối của con người y như chúng ta,
chính Ngài cũng bị cám dỗ phạm tội như chúng ta. Vì thế, mặc dù Ngài không hề
phạm một lầm lỗi nào, Ngài vẫn cảm thấy mọi tội lỗi của con người đều đáng được
tha thứ. Lý do mà Ngài đưa ra cho chủ trương tha thứ vô điều kiện là: Chính bản
thân ta có lỗi với Thiên Chúa nhiều gấp bội ai đó có lỗi với ta. Nếu ta không
tha thứ cái lỗi nhỏ bé ấy cho người ấy, thì Thiên Chúa làm sao tha cho ta cái
lỗi tầy trời của ta được? Mà nhất là người ấy lại là hiện thân của chính Thiên Chúa
ở bên ta, vì Ngài tự đồng hóa với tha nhân của ta.
Hãy tự đặt mình vào địa vị của Thiên
Chúa, tương tự như hoàn cảnh sau đây, ta sẽ thấy sự cần thiết phải tha thứ: Có
người nợ ta rất nhiều mà ta sẵn sàng tha cho tất cả, nhưng chính người ấy lại
không chịu tha nợ cho con của ta, cứ nằng nặc đòi nợ với đủ mọi đẹ dọa, dù con
ta chỉ nợ họ một số tiền nhỏ. Trường hợp đó ta sẽ làm gì với người ấy? Nếu
không tha thứ cho người khác, ta cũng làm một hành động phi lý và vô ơn tương
tự như người ấy. Nghĩ cho cùng, không tha thứ cho người khác, chính là một hành
động vô ơn đối với Thiên Chúa là người đã tha thứ cho mình. Thiên Chúa tuy
không có lỗi gì với ta, nhưng ta phải trả ơn cho hành động tha thứ của Thiên
Chúa bằng cách tha thứ cho những hiện thân của Thiên Chúa ở bên ta, tức những
người sống chung quanh ta.
4. Lòng khoan dung độ lượng
Một trong những đức tính cần thiết để
trở nên hoàn hảo là lòng khoan dung độ lượng. Người khoan dung độ lượng là
người không chấp nhất, mà trái lại thông cảm với những lầm lỗi của kẻ khác.
Lòng khoan dung độ lượng được xây dựng trên ý thức về những yếu đuối, về khả
năng phạm lỗi của chính bản thân mình, và sau đó, của người khác. Mình cũng
phạm lỗi thì mình kết án người khác thế nào được? Nếu mình cũng phạm lỗi mà lại
đi kết án người khác, thì đó đúng là một hành động vô liêm sỉ. Trong chuyện
người đàn bà ngoại tình bị bắt quả tang (x. Ga 8,3-11), tuy không phục những
người Pha-ri-siêu vì họ thích giả hình, nhưng tôi phục họ vì họ còn có liêm sỉ.
Khi Đức Giê-su nói: «Ai trong các ông sạch tội, thì cứ việc lấy đá mà ném trước
đi!», «Nghe vậy, họ bỏ đi hết, kẻ trước người sau, bắt đầu từ những người lớn
tuổi». Họ không dám ném đá kẻ ngoại tình chính vì họ ý thức mình cũng có tội,
như thế là họ còn liêm sỉ. Như vậy, kết án người khác, không tha thứ lầm lỗi
cho họ là do ta không ý thức được lầm lỗi của chính mình. Nếu ý thức được lầm
lỗi của mình mà vẫn kết án, không tha thứ thì chẳng phải là ta thiếu liêm sỉ
sao?
Con người có một mẫu số chung như nhau
là rất yếu đuối, rất dễ lầm lỗi. Xét lại chính bản thân, ta thấy mình vẫn sai
lỗi hằng ngày. Nếu tôi ít sai lỗi hơn người khác, rất có thể vì tôi không phải
sống trong một hoàn cảnh có nhiều cám dỗ thúc đẩy tôi sai lỗi như họ. Nếu tôi
cũng sống trong hoàn cảnh y như thế, liệu tôi có khá hơn họ, hay tôi còn tệ hơn
họ nữa? Không chỉ có yếu tố hoàn cảnh khiến họ dễ phạm tội hơn tôi, mà còn
nhiều yếu tố khác nữa. Hãy tự hỏi: Khi mình ở độ tuổi ấy, liệu mình đã suy nghĩ
chín chắn được như người ấy không? Nếu mình chỉ được học hành hay được giáo dục
như họ thôi, mình có hành động khá hơn họ không? Nếu mình bẩm sinh có thể chất
hoặc tâm lý yếu đuối như họ, nếu mình chỉ suy nghĩ được như họ, liệu mình có
hành động khác hơn không? v.v…
5. Tha thứ làm tâm hồn ta nhẹ nhõm, thảnh
thơi
Kinh nghiệm cho tôi thấy khi nào bực
bội ai điều gì, khi nào để trong lòng nỗi buồn bực giận hờn ai, thì tâm hồn tôi
không được bình an. Lúc đó, trong tâm hồn tôi có một xung lực thúc đẩy tôi phải
làm một cái gì đó, chẳng hạn chửi bới người ấy, nói một câu gì hạ nhục người
ấy, hoặc làm một điều gì khiến người ấy phải đau khổ… Lúc ấy tôi có cảm tưởng
rằng: có hành động theo sự thúc đẩy của xung lực ấy, tôi mới nguôi ngoai cơn
giận, và tâm hồn tôi mới tìm lại được bình an. Nhưng trong thực tế, sau khi
thỏa mãn cơn giận bằng những hành động ấy, tôi chỉ được nguôi ngoai phần nào,
và sau đó lại tiếp tục mất bình an hơn nữa vì phải đối phó với sự trả thù của
người kia. Vì khi người kia bị tôi hạ nhục hay gây đau khổ, thì trong lòng họ
lại phát sinh một xung lực y như tôi trước đó, và họ quyết thỏa mãn xung lực
ấy. Thế là cái vòng lẩn quẩn được thiết lập, vì: «Lấy oán trả oán, oán chập
chùng» (Đức Phật).
Nhưng nếu tôi đặt mình vào địa vị
người ấy, tôi sẽ dễ dàng thông cảm và hiểu được những lý do thúc đẩy họ hành
động như vậy, nhờ đó tôi dễ dàng tha thứ cho họ. Khi tôi vừa quyết định tha
thứ, lập tức tôi cảm thấy tâm hồn nhẹ nhõm. Xung lực thúc đẩy tôi phải trả thù
biến mất. Tích cực hơn nữa, nếu tôi có tinh thần yêu thương của Đức Giê-su,
thay vì trả oán, tôi quyết định làm một điều gì tốt cho người ấy. Lúc ấy thường
có điều lạ lùng xảy ra, là người ấy nhận ra ngay sai lầm của mình và ngỏ lời
xin lỗi (Điều lạ lùng này rất khó xảy ra khi tôi trả đũa). Từ đó tình cảm giữa
hai người thắm thiết hơn, vì qui luật này vẫn luôn luôn đúng: «Ai được tha
nhiều sẽ mến nhiều, ai được tha ít sẽ mến ít» (x. Lc 7,47b). Đó cũng là chủ
trương «lấy đức trả oán, oán tiêu tan» của Đức Phật.
CẦU NGUYỆN
Tôi nghe Chúa nói với tôi: «Nếu con
tha thứ cho mọi người vô điều kiện, dù họ lỗi nặng đến đâu, thì làm sao Cha có
thể kết án con được? Chẳng lẽ lòng bao dung của Cha lại thua con sao? Vả lại
con vẫn thường xin Cha: "Xin tha nợ cho con giống như con tha nợ cho người
khác". Con tha nợ cho người khác vô điều kiện, Cha cũng phải "như con"
mà tha cho con vô điều kiện, dù con lỗi nặng đến đâu. Ai cầu xin như con mà
không chịu tha thứ là tự họ bắt Cha kết án họ, vì họ xin Cha làm "như
họ"».
15. Tha thứ
Ông Yigal Cohen, một người Israel bị
đau tim nặng nhận được trái tim của một người Palestine trong cuộc phẫu thuật
ngày 5-6-2000. Gia đình ông Mazen Joulani, người hiến tặng tim, cho biết ông
vừa bị những người Do thái bắn hại tại một tiệm cà phê ngoài trời.
Gia đình này quyết định hiến tim của
Joulani vào thứ sáu tuần qua, ngay trong ngày mà cuộc nổ bom ở Tel Aviv làm
thiệt mạng 21 người. Những phần nội tạng khác của Joulani cũng sẽ được ghép cho
một số người Israel khác. Bác sĩ Lavie, người thực hiện ca mổ, nói khi ông cầm
hai trái tim trong tay, ông nhận ra rằng tất cả những mâu thuẫn sắc tộc là hoàn
toàn vô nghĩa.
Nếu chúng ta biết rõ mối thù truyền
kiếp giữa người Israel và người Palestine, nếu chúng ta nhìn thấy những cuộc
xung đột đẫm máu thường xuyên xảy ra giữa hai dân tộc này trên truyền hình, báo
chí, chúng ta mới thấy nghĩa cử hiến tặng trái tim để cứu sống kẻ thù, mới thật
là nghĩa cử vô cùng cao đẹp. Không những anh chỉ tha thứ cho kẻ thù đã bắn chết
mình, mà còn trao ban luôn trái tim và các phần nội tạng khác để cứu sống những
kẻ đã sát hại dân tộc mình. Đối với những người không có tấm lòng khoan dung
tha thứ thì đây là hành động điên rồ, thậm chí còn là việc ngu xuẩn. Nhưng với
những người có niềm tin thì đó lại là bằng chứng hùng hồn của người môn đệ Đức
Kitô: “Anh em phải thương yêu kẻ thù và làm ơn cho kẻ oán ghét anh em”.
Tin Mừng hôm nay thuật lại:
“Bấy giờ, ông Phêrô đến gần Đức Giêsu
mà hỏi rằng: “Thưa Thầy, nếu anh em con cứ xúc phạm đến con, thì con phải tha
đến mấy lần? Có phải bảy lần không?” Đức Giêsu đáp: “Thầy không bảo là đến bảy
lần, nhưng là đến bảy mươi lần bảy”.
Điều đó có nghĩa là phải tha thứ hoài,
tha thứ mãi, tha thứ đến vô cùng. Đó là nét mới trong dung mạo của Đức Giêsu.
Mọi quốc gia, đảng phái, phong trào đều chống lại điều xấu, đề phòng kẻ gian
ác, tiêu diệt kẻ thù, duy chỉ mình Đức Giêsu dạy: “Hãy yêu thương kẻ thù”. Người
đã chiếu tỏa nét cao quý ấy ngay trên thập giá, khi các kẻ thù hành hạ, chế
nhạo, và đóng đinh Người: “Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ
làm”.Nhưng tại sao phải tha thứ? Phải tha thứ cho anh em vì đó là điều kiện để
được Chúa thứ tha cho chúng ta. Đức Giêsu đã nói: “Nếu anh em tha lỗi cho người
ta, thì Cha trên trời cũng sẽ tha thứ cho anh em”.
Phải tha thứ cho anh em vì chính Chúa
luôn tha thứ cho chúng ta, và Người còn liên tục tha thứ mãi, như kinh Lạy Cha
Đức Giêsu đã dạy: “Xin tha tội cho chúng con như chúng con cũng tha cho những
người có lỗi với chúng con”. Phải tha thứ cho anh em vì đó là một nghĩa cử yêu
thương tuyệt đỉnh mà Chúa luôn đòi hỏi và coi trọng hơn cả việc thờ phượng
Người: “Nếu khi sắp dâng lễ vật trước bàn thờ, mà sực nhớ có người anh em đang
có chuyện bất bình với anh, thì hãy để của lễ lại đó trước bàn thờ, đi làm hòa
với người anh em ấy đã, rồi trở lại dâng lễ vật của mình”.
Tha thứ là một lệnh truyền khó thực
hiện nhất nhưng cũng là nghĩa cử cao cả nhất. Chúng ta có thể cho đi tiền của,
trao ban thì giờ, hiến dâng mạng sống. Nhưng các điều đó xem ra còn dễ hơn là
tha thứ cho kẻ thù, yêu thương kẻ ngược đãi mình, và làm ơn cho kẻ oán ghét
chúng ta. Vâng, chỉ có sức mạnh của Thiên Chúa chúng ta mới có thể tha thứ cho
nhau được.
Đúng như lời Alexande Pope có nói:
“Lỗi lầm là của con người, và tha thứ là của Thiên Chúa”.
Khi chúng ta quyết định tha thứ là
chúng ta đang vượt lên bản tính tự nhiên, đang trở nên giống Thiên Chúa, đang
nâng mình lên tới tột đỉnh của nhân đức.
Khi chúng ta quyết định tha thứ là
chúng ta đang thi ân cho kẻ thù. Nhờ sự tha thứ của chúng ta mà họ được an tâm,
không sợ báo thù. Cuộc đời họ lại nhẹ nhàng, thư thái, bình an.
Khi chúng ta quyết định tha thứ thì
lòng chúng ta được tràn ngập niềm vui: vui vì mình đã làm được một nghĩa cử cao
đẹp cho anh em, vui vì biết chắc rằng mình sẽ được Chúa thứ tha.
Từ chối tha thứ cho anh em là nói rằng
chúng ta không cần thứ tha. Chỉ có kẻ công chính mới không cần được tha thứ.
Nếu ai cho mình không cần được thứ tha, thì họ là kẻ kiêu ngạo đáng thương. Họ
tự khóa chặt cánh cửa tâm hồn để lòng mình rêu phong ẩm mốc. Chính sự tha thứ
đem lại cho tâm hồn mùa xuân mới, để kẻ tha thứ và người được thứ tha lại nở rộ
mùa hoa nhân ái, cho lá vẫn xanh, cho hoa vẫn nở, trong mưa hiền hòa, trong
nắng thênh thang.
16. Tại sao tha thứ?
(Giải thích Tin Mừng Chúa Nhật của Lm
Cantalamessa - Người giảng Phủ Giáo Hoàng giải thích về Tin Mừng Chúa Nhật)
Trong bài giải thích của ngài về các
bài đọc Chúa nhật, Cha Capuchin Raniero Cantalamessa, người giảng Phủ Giáo
Hoàng, giải đáp câu hỏi tha thứ bao nhiêu lần mới coi là quá nhiều:
]]]
NHƯNG NGƯỜI
TA PHẢI THA THỨ BAO NHIÊU?
Tha thứ là một sự nghiêm chỉnh, nếu có
thể thì rất khó đối với con người. Người ta không phải nói về sự tha thứ cách
nông nổi, khi yêu cầu người ấy tha thứ mà không nhận thức những gì người ta xin
với một người bị xúc phạm.. Cùng với lệnh phải tha thứ, con người cũng phải
được cho một lý do để làm như vậy.
Đó là điều Chúa Giêsu đã làm với dụ
ngôn ông vua và hai tên đầy tớ của vua. Dụ ngôn nói rõ tại sao người ta phải
tha thứ: bởi vì Thiên Chúa đã tha thứ cho chúng ta trong quá khứ và tiếp tục
tha thứ cho chúng ta!
Thiên Chúa xóa một món nợ của chúng ta
vô cùng to lớn hơn món nợ mà người anh em có thể nợ với chúng ta. Sự khác biệt
giữa món nợ mắc với nhà vua (10 ngàn nén) và món nợ mắc với người đồng nghiệp
(100 đồng) tính theo giá hiện tại bằng 3 triệu euros và một vài xu ($3.7
million)!
Thánh Phaolo đã nói: "Chúa đã tha
thứ cho anh em, thì anh em cũng vậy, anh em phải tha thứ cho nhau"
(Colossians 3:13). Luật Cựu Ước, "mắt đền mắt, và răng đền răng," đã
bị khắc phục. Không còn tiêu chuẩn này nữa: "Hảy làm cho kẻ khác điều nó
làm cho anh", nhưng, "Điều Thiên Chúa đã làm cho anh, anh hãy làm cho
kẻ khác." Nhưng, Đức Giêsu không hạn chế mình vào sự ra lệnh cho chúng ta
phải tha thứ, nhưng chính Người đã làm vậy trước. Đang khi Người bị đóng đinh
trên thập giá Người đã cầu nguyện rằng: "Lạy Cha,xin tha cho họ, vì họ
không biết việc họ làm!" (Lc. 23:34}. Đó là điều phân biệt giữa đức tin Ki
tô hữu với bất cứ tôn giáo nào khác.
Đức Phật cũng đã để lại một châm ngôn
" Không phải với sự oán giận mà sự oán giân được thoa dịu; với sự
không-oán giận, sự oán giận mới được thoa dịu." Nhưng Chúa Kitô không hạn
chế mình trong việc chỉ rõ con đuờng trọn lành; Người ban sức mạnh để theo sự
trọn lành. Người không chỉ ra lệnh chúng ta phải làm, nhưng Người làm với chúng
ta. Ân sủng hệ tại là ở chỗ này. Sự tha thứ Kitô hữu vượt xa sự không-bạo tàn
và sự không-oán hận.
Có người thắc mắc: việc tha thứ bảy
mươi lần bảy không có nghĩa là khuyến khích sự bất côn g và bật đèn xanh cho
lạm dụng sao? Không, sự tha thứ Kitô hữu không loại trừ sự kiện, trong đôi
truờng hợp, anh cũng có thể phải tố giác một người và đưa họ ra tòa án, nhất là
khi điều bị đe dọa là những quyền lợi và cũng là ích lợi của kẻ khác. Xin nêu
lên một ví dụ gần chúng ta: sự tha thứ Kitô hữu không ngăn cấm những người phụ
nữ của một số nạn nhân bị góa bụa do sự khủng bố hay do mafia, đã theo đuổi
chân lý và công lý cách kiên trì liên quan cái chết của chồng mình.
Nhưng, không chỉ có những hành vi cả
thể tha thứ mà còn những hành vi tha thứ hằng ngày, trong đời sống vợ chồng,
lúc lao động, giữa những thân nhân, bạn bè, đồng nghiệp và những người quen
thuộc. Điều gì người ta có thể làm khi người ta khám phá rằng mình bị chính bà
vợ mình phản bội? Tha thứ hay phân ly? Đó là một câu hỏi hết sức tế nhị, không
luật nào có thể được áp đặt từ bên ngoài. Cá nhân phải khám phá trong mình phải
nên làm gì.
Nhưng tôi có thể nói một sự. Tôi biết
những trường hợp mà bên bị xúc phạm đã tìm được, trong tình yêu đối với kẻ
khác, và nhờ sự trợ giúp đến từ sự cầu nguyện, đã có sức mạnh tha thứ cho kẻ đã
lầm lạc, nhưng chân thành sám hối. Hôn nhân được tái sinh như từ đống tro, nó
có một thứ bắt đầu mới. Dĩ nhiên, không ai có thể chờ đợi điều nảy có thể xảy
ra trong đời sống vợ chồng "bảy mươi lần bảy."
Chúng ta phải cảnh giác để khỏi phải
mắc bẫy. Cũng có nguy hiểm trong việc tha thứ. Nguy hiểm đó tùy thuộc vào tâm
trạng của những người tưởng rằng họ luôn luôn có một cái gì phải tha thứ cho kẻ
khác-- nguy hiểm vì tin rằng người ta luôn là chủ nợ sự tha thứ và không bao
giờ là người mắc nợ.
Nhưng nếu chúng ta suy tư kỹ nhiều
lần, khi chúng ta sắp nói: "Tôi tha thứ cho anh!", chúng ta đáng lý
sẽ làm tốt hơn để thay đổi thái độ và những lời nói, và nói với người đối diện
chúng ta: "Xin tha thứ cho tôi!" Lúc đó chúng ta phải công nhận chúng
ta cũng có cái gì người khác phải tha thứ. Trên thực tế, còn quan trọng hơn
việc tha thứ là sự khiêm tốn xin tha thứ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét