MỤC VỤ TRUYỀN GIÁO TAI BẢN HUÂÌ BẮC XÃ PAMU DÂN TỘC THÁI - TM CN I MÙA VỌNG
CHÚA NHẬT I MÙA VỌNG NAM C
MỤC LỤC
1. Dọn dẹp bàn ghế
2. Hãy nhìn đường
3. Suy niệm của ĐTGM. Ngô Quang Kiệt
4. Hãy tỉnh thức và cầu nguyện
5. Tỉnh thức
6. Đứng thẳng và ngẩng đầu
7. Trước ngày gặp gỡ
8. Suy niệm của McCarthy
9. Tỉnh thức đợi chờ
10. Ngày đại hoạ
11. Ngày tận thế
12. Tỉnh thức và cầu nguyện – R.
Veritas
13. Ngày Chúa ngự đến – R. Veritas
14. Tỉnh thức và cầu nguyện – Thiên
Phúc
15. Cuộc sống tỉnh thức – André Sève
16. Đứng lên
17. Suy niệm của JKN
18. Suy niệm của Lm. Mark Link
19. Hãy nhìn đường - Gm. Arthur Tonne
20. Chú giải mục vụ của Hugues Cousin
21. Chú giải của Noel Quesson
22. Chú giải của Fiches Dominicales
1. Dọn dẹp bàn ghế.
Đêm 15.4.1912, chiếc tàu Titanic đang
chạy trên vùng bắc Đại Tây Dương thì đụng phải một tảng băng sơn, khiến cho con
tàu bị chìm và hơn 1500 người bị thiệt mạng. Đây là một trong những tai nạn
đường biển khủng khiếp nhất của lịch sử từ trước đến nay.
Cách đây vài năm khi thuật lại thảm họa
này trong một bài báo, tác giả đã đưa ra một câu hỏi có tính cách châm biến:
Nếu chúng ta có mặt ở đó, lúc tàu Titanic đang chìm, thì liệu chúng ta có còn
tiếp tục dọn dẹp bàn ghế trên tàu hay không?
Thoạt nghe câu hỏi này, chúng ta thấy
nó khôi hài làm sao, bởi vì khi còi báo động vang lên, thì người còn chút tỉnh
tảo, ai lại đi dọn dẹp bàn ghế giữa những tiếng kêu la kinh hoàng và khủng
khiếp của những kẻ sắp chết đuối? Tuy nhiên, nếu đọc tiếp bài báo chúng ta sẽ
hiểu được tại sao tác giả lại nêu lên cau hỏi kỳ quặc ấy, để rồi chính bản thân
chúng ta cũng sẽ tự hỏi: Nếu bây giờ cuộc đời tôi, như con tàu, đang chìm dần
vào cõi chết, biết đâu tôi lại còn đang mải mê lo dọp dẹp bàn ghế, nghĩa là tôi
đang còn mải mê lo những chuyện vật chất đời này mà quên đi những việc đạo đức
thiêng liêng của mình, hay là cứ miệt mài kiếm sống đến nỗi chẳng còn biết đến
mục đích cuối cùng của đời mình là gì nữa, chẳng còn biết rằng cuộc sống hiện
tại là một chuẩn bị cần thiết cho tương lai vĩnh cửu?
Bởi đó, qua đoạn Tin Mừng sáng hôm nay,
Chúa Giêsu cảnh cáo chúng ta: Các con đừng bê tha, chè chén say sưa hay quá lo
lắng việc đời. Ngài khuyên chúng ta hãy tỉnh thức và cầu nguyện trông chờ Chúa
đến vào lúc cuộc sống dương thế này được chấm dứt để chúng ta bước sang cuộc
đời mai hậu. Chủ đề này được Chúa nhắc đi nhắc lại nhiều lần trong Phúc Âm: Hãy
tỉnh thức vì Con Người sẽ đến vào ngày các con không ngờ, vào giờ các con không
biết.
Và đây cũng chính là tâm tình Giáo Hội
muốn chúng ta sống trong Mùa Vọng, không phải chỉ bốn tuần lễ trước Giáng sinh,
mà còn trong suốt cả cuộc đời bởi vì cuộc đời chúng ta cũng chính là một Mùa
Vọng.
Ước chi trong giây phút cuối cùng,
chúng ta có thể bình thản thưa lên cùng Chúa: Lạy Chúa, sau bao nhiêu trung
thành với việc tỉnh thức và cầu nguyện, thì giờ đây con vui mừng được gặp Chúa.
Và rồi Chúa sẽ nói với chúng ta: Hãy đến đây hỡi những người con yêu dấu của
Ta, sau bao nhiêu năm tháng xa cách, Ta hết sức vui mừng được gặp lại các con.
Hãy tỉnh thức như những cô trinh nữ khôn ngoan đi đón chàng rể, để bất kỳ lúc
nào Chúa đến, chúng ta cũng sẵn sàng thưa lên cùng Chúa: Lạy Chúa, này con xin
đến để thực thi ý Chúa.
2. Hãy nhìn đường.
Ít năm trước đây, có một bác tài xế xe
buýt ở bên Mỹ, đã đạt kỷ lục xuất sắc. Suốt hai mươi ba năm trong nghề, bác đã
đi được trên một triệu năm trăm cây số mà không gây nên một tai nạn nào. Khi
được hỏi làm sao mà bác đạt được kỷ lục ấy, thì bác đã trả lời một cách đơn
giản đó là hãy nhìn đường.
Đoạn Tin Mừng sáng hôm nay cũng đem lại
cho chúng ta một lời khuyên tương tự: Hãy tỉnh thức luôn. Ý tưởng này được nhắc
đi nhắc lại bằng những hình thức khác nhau: Hãy coi chừng, hãy chú ý, hãy ngẩng
đầu lên.
Đó không phải chỉ là một lời khuyên có
ích cho đời sống thiêng liêng, mà còn là một quy luật cho những sinh hoạt
thường ngày của chúng ta. Đúng thế, chúng ta vốn thường nói: Hãy chú ý, hãy
nhìn cho kỹ và hãy đề cao cảnh giác.
Để lái một chiếc xe, chúng ta phải nhìn
đường. Một cầu thủ trên sân cỏ, phải lẹ mắt để sẵn sàng đối phó với những cảnh
huống bất ngờ. Anh phải theo sát trái banh. Trong lớp, các em phải chăm chú
lắng nghe những lời thày cô giảng dạy.
Qui luật này cũng được áp dụng trong
những công việc bình thường nhất. Một bà mẹ, phải canh chừng đứa con nhỏ, kẻo
nó té ngã xuống sông, xuống ao... Phải để ý tới cái nồi, cái chảo trên bếp, kẻo
món ăn bị cháy khê cháy khét.
Cuộc sống giống như một chuyến xe mà
chúng ta là người tài xế. Chúng ta không phải chỉ có một trách nhiệm đối với
bản thân mà còn có cả trách nhiệm đối với người khác.
Trong đời sống thiêng liêng cũng vậy,
chúng ta cần phải nhìn đường, cần phải chú ý để khám phá ra sự hiện diện của
Chúa. Thực vậy, Chúa ở khắp mọi nơi, nhưng kẹt một nỗi, Ngài lại là Đấng thiêng
liêng, nên con mắt phàm trần của chúng ta không thể nào nhìn thấy. Tuy nhiên
với con mắt đức tin, chúng ta có thể khám phá ra Ngài.
Trước hết, Ngài ngự thật trong Bí tích
Thánh Thể. Vì thế khi tham dự thánh lễ, chúng ta phải tỉnh thức phần xác, không
ngủ gà ngủ gật đã đành, mà còn phải tỉnh thức cả phần hồn bằng cách kết hiệp
tâm tình của chúng ta vào với những lời kinh, những tiếng hát, nhất là khi lên
rước lễ, chúng ta sẽ được kết hiệp với Chúa, Đấng mà ngày xưa đã sinh ra trong
máng cỏ Bêlem.
Với con mắt đức tin, chúng ta sẽ thấy
Chúa hiện diện qua những sự kiện, qua những biến cố xảy đến và bằng một bàn tay
uy quyền và yêu thương, Ngài đang hướng dẫn cả lịch sử của nhân loại, điều cần
thiết là chúng ta phải tìm biết và thực thi thánh ý Ngài qua những biến cố,
những sự kiện, những dấu chỉ của thời đại.
Và sau cùng, với con mắt đức tin, chúng
ta sẽ thấy Chúa không phải chỉ đến với chúng ta trong đêm Giáng sinh, mà Ngài
còn viếng thăm bản thân chúng ta khi chúng ta từ giã cuộc đời, cũng như Ngài sẽ
trở lại trong vinh quang để phán xét kẻ sống và kẻ chết vào ngày tận cùng của
trời và đất.
Thế nhưng, chúng ta có biết tỉnh thức
và nhất là chúng ta có biết chuẩn bị cho ngày giờ Chúa viếng thăm bản thân
chúng ta hay không?
3. Suy niệm của ĐTGM. Ngô Quang Kiệt.
TỈNH THỨC ĐI VÀO THẾ GIỚI MỚI
Thật ngạc nhiên. Ta cứ tưởng trong mùa
Vọng, phải có những bài sách Thánh báo tin Đấng Cứu Thế sẽ sinh ra. Nhưng không
ngờ những bài sách thánh và đặc biệt bài Tin Mừng hôm nay lại báo tin Chúa sẽ
đến trong ngày phán xét. Tại sao thế? Thưa vì Giáo Hội muốn cho ta hiểu ý nghĩa
thần học của việc chờ mong Chúa đến. Hàng năm vào mùa Vọng, Giáo Hội mời gọi ta
chuẩn bị tâm hồn để đón Chúa đến. Thực ra Chúa đã đến rồi khi sinh ra tại hang
đá Bêlem cách nay hơn hai ngàn năm. Tuy nhiên ta vẫn luôn chờ mong vì Chúa đến
hằng ngày với ta. Và nhất là Chúa sẽ đến trong ngày phán xét. Việc Chúa đến lần
thứ hai đưa ra những hướng dẫn quan trọng cho cuộc đời chúng ta.
Hướng dẫn thứ nhất: Có hai thế giới.
Thế giới hiện tại và thế giới tương lai. Thế giới hiện tại sẽ qua đi. Vạn vật
có khởi đầu và có kết thúc. Con người có sinh có tử. Đó là định luật tự nhiên.
Không chỉ những gì yếu đuối, bé nhỏ mới qua đi. Cả những gì lớn lao, mạnh mẽ,
có vẻ bền vững nhất như mặt trời, mặt trăng cũng qua đi. Điều quan trọng nhất
là chính ta cũng sẽ qua đi. Khi thế giới này qua đi, một thế giới mới sẽ bắt
đầu: thế giới vĩnh cửu.
Hướng dẫn thứ hai: Chúa làm chủ lịch
sử. Sở dĩ thế giới cũ tan biến đi vì Chúa đã định cho nó một thời hạn. Khi thế
giới đến ngày cùng tháng tận Chúa sẽ đến. Quyền uy của Chúa thể hiện qua việc
Chúa xét xử thế giới cũ và khai sinh thế giới mới. Sau cảnh tan vỡ kinh hoàng
của thế giới cũ sẽ là một khởi đầu mới đem đến niềm hy vọng mới cho con người.
Có thể nói thế giới không chấm dứt nhưng biến đổi. Từ một thế giới mong manh
mau tàn đến một thế giới vững bền vĩnh cửu. Từ một thế giới tương đối đến một
thế giới tuyệt đối.
Hướng dẫn thứ ba: Ta tự quyết định vận
mệnh đời mình. Thế giới này sẽ qua đi. Thế giới mới sẽ xuất hiện. Ta sẽ bị hủy
diệt cùng với thế giới cũ. Hay sẽ được hạnh phúc trong thế giới mới? Điều đó
tùy thuộc bản thân ta. Chúa đưa ra những chỉ dẫn rõ ràng. Thế giới cũ sẽ suy
tàn. Nên ai quá gắn bó với nó sẽ khổ sở. Thế giới mới sẽ tới. Ai biết chuẩn bị
chờ đón sẽ được hạnh phúc. Phải làm gì? Thưa phải tỉnh thức và cầu nguyện.
Tỉnh thức không "chè chén say
sưa", tức là không quá mê mẩn những đam mê hưởng thụ đời này. Tỉnh thức
không "lo lắng sự đời", nghĩa là không quá mê say danh, lợi, thú, là
những giá trị đời này. Tỉnh thức là biết chuẩn bị cho đời sau bằng cách vươn
tâm hồn lên những chân trời cao thượng. Tỉnh thức tuy còn sống ở đời này nhưng
tâm hồn đã hướng về những giá trị tinh thần vĩnh cửu đời sau.
Cầu nguyện vì tinh thần mau mắn nhưng
xác thịt nặng nề. Cầu nguyện để biết tỉnh thức. Vì khi cầu nguyện ta tách ra
khỏi sự ràng buộc của thế giới vật chất để vươn tới thế giới tâm linh. Nhất là
cầu nguyện để xin ơn Chúa giúp. Con người phàm trần xác thịt nặng nề luôn bị
trần gian lôi kéo. Chỉ với ơn Chúa giúp ta mới thoát ra khỏi vòng giam hãm của
vật chất để vươn tâm hồn lên thế giới thiêng liêng.
Có tỉnh thức cầu nguyện ta mới khao
khát Chúa đến. Có tỉnh thức cầu nguyện, khi Chúa đến ta mới đứng dậy và ngẩng
cao đầu lên. Có tỉnh thức cầu nguyện ta mới gặp được Chúa. Có tỉnh thức cầu
nguyện ta mới được vào thế giới mới với Chúa. Tỉnh thức cầu nguyện, ta có thể
gặp Chúa ngay bây giờ trong ngày hôm nay. Tỉnh thức cầu nguyện ta sẽ gặp được
Chúa trong ngày lễ Chúa Giáng Sinh. Tỉnh thức cầu nguyện chắc chắn ta sẽ được
gặp Chúa trong ngày cùng tận của thế giới. Chúa sẽ đón ta vào hưởng hạnh phúc
trong một thế giới mới hạnh phúc tuyệt đối và không bao giờ tàn lụi.
Lạy Chúa Giêsu, xin hãy đến cứu con.
Amen.
KIỂM ĐIỂM ĐỜI SỐNG
1) Chúa đã đến rồi sao ta vẫn còn chờ
mong Chúa đến?
2) Chúa làm chủ lịch sử. Bạn có cảm
nghiệm về điều này trong đời sống không?
3) Ta phải làm gì để được niềm vui
trong ngày Chúa đến?
4) Tỉnh thức nghĩa là gì?
5) Tại sao phải cầu nguyện?
4. Hãy tỉnh thức và cầu nguyện.
(Trích trong Manna năm C – Lm. Nguyễn
Cao Siêu)
Suy Niệm
Nhiều kitô hữu tưởng Phục Sinh là dấu
chấm hết của Kitô giáo. Thật ra Kitô giáo vẫn đang hy vọng và chờ đợi một biến
cố hết sức quan trọng: biến cố Chúa trở lại trong vinh quang để phán xét kẻ
sống và kẻ chết.
Biến cố này hoàn tất lịch sử nhân loại
và hoàn tất công cuộc cứu độ của Chúa Giêsu.
Bao lâu Chúa Kitô chưa trở lại người
kitô hữu còn phải chờ. Chờ đợi làm nên cuộc sống kitô hữu, cuộc sống Giáo Hội.
Những kitô hữu thời sơ khai đã nôn nao
chờ đợi. Họ ngỡ rằng chẳng bao lâu nữa Chúa sẽ trở lại. Nhưng dần dần người ta
nhận ra rằng cần phải chờ đợi một cách tích cực, cần phải chuẩn bị thế giới này
đón tiếp Chúa khi Ngài đến, để Ngày Chúa quang lâm thực sự là ngày hội vui của
cả địa cầu và cả vũ trụ. Mà ngày Chúa đến vẫn là một bất ngờ như mọi lần.
Ngài đã chào đời bất ngờ như một trẻ
thơ quấn tã. Ngài đã sống bất ngờ như một bác thợ mộc vô danh. Ngài đã chết bất
ngờ như một kẻ bị đóng đinh vì gây rối. Ngài đã sống lại bất ngờ, hiện ra với
hai môn đệ về Emmau. Ngài sẽ trở lại bất ngờ...
Tỉnh thức chờ đợi là thái độ sống của
Mùa Vọng.
Tỉnh thức là sẵn sàng đón Chúa với đèn
sáng trong tay. Tỉnh thức là trung tín chu toàn cả những điều bé nhỏ. Tỉnh thức
là tích cực đầu tư những nén bạc Chúa trao. Tỉnh thức đi đôi với cầu nguyện.
Thế giới hôm nay có nhiều thứ gây ngủ
mê.
Cuộc sống quá khó khăn hay quá tiện
nghi dễ dãi đều làm chúng ta đánh mất thái độ tỉnh thức chờ đợi.
Chúa đã đến âm thầm, Chúa sẽ đến trong
vinh quang.
Chúa đang đến nhẹ nhàng trong thế giới,
trong từng người, từng tập thể. Cần tập nghe tiếng bước chân của Chúa...
Mùa vọng là thời gian ta chờ Chúa đến,
nhưng đừng quên chính Chúa mới là người chờ ta trước, từ lâu, vì ta không nhận
ra tiếng gõ cửa của Ngài.
Ước gì chúng ta dám can đảm và thành
thật nài xin: Marana tha! Lạy Chúa, xin hãy đến.
Gợi Ý Chia Sẻ
Theo ý bạn, con người hôm nay có dễ
tỉnh thức không? Cái gì đang làm cho giới trẻ trở nên mê ngủ (ma túy, rượu chè,
bạo lực, tình dục...?
Bạn dự tính sống mùa Vọng như thế nào?
Bạn sẽ giúp gì cho những bạn khác sống mùa Vọng?
Cầu Nguyện
Lạy Chúa,
Con thường thấy mình không có giờ cầu
nguyện, không có giờ đi vào sa mạc để ở bên Chúa và trò chuyện với Ngài. Nhưng
thật ra sa mạc ở sát bên con. Chỉ cần một chút cố gắng của tình yêu là con có
thể tạo ra sa mạc.
Mỗi ngày có biết bao giây phút có thể
gặp Chúa mà con đã bỏ mất: khi chờ một người bạn, chờ đèn xanh ở ngã tư, chờ
món hàng đang được gói; Khi lên cầu thang, khi đến nơi làm việc, khi kẹt xe,
khi cúp điện bất ngờ.
Thay vì bực bội hay nóng ruột con lại
thấy mình sống an bình trong sự hiện diện của Chúa.
Lạy Chúa,
Những sa mạc ngắn ngủi hằng ngày giúp
con tỉnh thức để nhạy cảm với ý Chúa.
Xin cho con yêu mến Chúa hơn để tìm ra
những sa mạc mới và vui vẻ bước vào.
5. Tỉnh thức.
Có một bà già nóng tính, đi trên một
chuyến tàu lửa. Khi xe đang xuống dốc, bà liền hỏi bác tài công:
- Chúng ta có thể dừng lại được không?
Bác tài công trả lời ngay:
- Được chứ, chúng tôi có chiếc thắng
điện mà.
Bà già chưa lấy làm thỏa mãn, nên hỏi
tiếp:
- Nhưng nếu chiếc thắng điện không ăn,
thì bác có thể dừng lại được không?
Bác tài công vui vẻ trả lời:
- Được chứ, chúng tôi còn chiếc thắng
tay nữa.
Bà già liền nói:
- Lỡ chiếc thắng tay cũng không ăn thì
sao?
Bác tài công vẫn không mất kiên nhẫn:
- Chúng tôi còn một chiếc thắng đặc
biệt dành cho những trường hợp khẩn cấp.
Bà già vẫn không an tâm, nên hỏi:
- Nếu cả chiếc thắng đặc biệt này cũng
không ăn, thì số phận chúng ta sẽ ra sao?
Bác tài công tỏ vẻ bực bội:
- Nếu chiếc thắng đặc biệt này mà không
ăn, thì một số người trong chúng ta sẽ lên thiên đàng, còn một số người khác sẽ
xuống hỏa ngục.
Thực vậy, qua đoạn Tin mừng hôm nay,
Chúa Giêsu muốn nhắn nhủ với mỗi người rằng: Mỗi ngày qua đi là một bước chúng
ta tiến dần đến cái chết, để rồi tới một lúc nào đó, chúng ta sẽ phải ra trước
tòa án tối cao mà tính sổ cuộc đời với Chúa. Liệu mỗi người chúng ta có sẵn
sàng cho phiên tòa định mệnh này hay chưa?
Trong ngày trọng đại ấy, Chúa Kitô sẽ
lại đến như một tia chớp lóe lên từ đông sang tây, hay như một kẻ trộm viếng
thăm vào ngày chúng ta không ngờ, vào giớ chúng ta không biết. Liệu chúng ta có
ở trong tư thế tỉnh thức và sẵn sàng hay không?
Nhiều người trong chúng ta vốn thường
nghĩ:
- Tôi không có thời giờ để lo việc linh
hồn, bởi vì tôi bận rộn quá nhiều công việc phải làm.
Nếu nghĩ và sống như vậy, họ sẽ có cả
một khoảng thời gian đời đời để hối tiếc cho việc đã không làm này. Nhưng bấy
giời thì đã quá muộn. Nước đến chân rồi mới nhảy, thì nhảy làm sao cho kịp.
Chúng ta không biết việc phán xét ấy
xảy ra như thế nào, nhưng chúng ta có thể tưởng tượng:Lúc bấy giờ Chúa sẽ hỏi
mỗi người chúng ta xem có mang hình ảnh của Ngài trong tâm hồn hay không? Nếu
linh hồn chúng ta ở trong tình trạng ơn thánh, thì hình ảnh của Ngài sẽ tỏa
sáng, bằng không, Ngài sẽ nói:
- Ta không biết các ngươi từ đâu mà
đến.
Có một câu chuyện kể lại như sau:
Một linh hồn kia tới trước của thiên
đàng, vừa ngơ ngác, lại vừa sợ hãi, nhưng cũng đưa tay ra và gõ. Khi được hỏi
là ai, linh hồn ấy đã trả lời:
- Lạy Chúa, con đấy ạ.
Bỗng một tiếp đáp lại: - Nếu ngươi là
con, thì ngươi chưa sẵn sàng để vào thiên đàng.
Trở lại trần gian, linh hồn ấy lo ăn
chay cầu nguyện, hãm mình phạt xác. Cũng trong thời gian này, linh hồn ấy học
hỏi và biết được rằng trong ngày phán xét, Chúa sẽ hỏi: - Ngươi có mang hình
ảnh Ta trong tâm hồn ngươi hay không?
Ngày kia, linh hồn ấy cũng lên tới của
thiên đàng và khi nghe tiếng hỏi: - Ai đó?
Linh hồn ấy đã thưa lên: - Chúa đấy.
Lập tức có tiếng vọng lại: - Hỡi đầy tớ
trung thành và khôn ngoan, hãy vào lãnh lấy phần thưởng của ngươi.
Mỗi người chúng ta đều phải chết. Đó là
là sự thật thứ nhất. Rồi sau đó, mỗi người chúng ta đều bị phán xét. Đó là sự
thật thứ hai. Trót cả cuộc đời, chúng ta phải hướng tới hai sự thật ấy.
Vậy chúng ta đã sẵn sàng cho cuộc phân
xử định mệnh này hay chưa? Nếu như chúng ta chưa sẵn sàng, nếu như chúng ta còn
vướng mắc quá nhiều những món nợ đối với Chúa và đối với anh em, nếu như chúng
ta còn chồng chất tội lỗi, thì ngay từ hôm nay, chúng ta hay thanh toan cho
xong bằng tâm tình sám hối của bí tích giải tội, để rồi chúng ta không còn phải
lo lắng khi phải tính sổ cuộc đời với Chúa.
6. Đứng thẳng và ngẩng đầu.
(Trích trong Manna năm C – Lm. Nguyễn
Cao Siêu)
Suy Niệm
Cuộc sống con người đầy những bất ngờ.
Có những điều tôi nghĩ sẽ không bao giờ xảy ra, thậm chí tin chắc sẽ không thể
xảy ra được, vậy mà thực tế chúng lại xảy ra. Có những bất ngờ thú vị làm tôi
ngất ngây. Có những bất ngờ đớn đau làm tôi hụt hẫng.
Lắm người đi coi bói để biết trước
tương lai, hầu mong tránh được những bất ngờ bi thảm.
Người kitô hữu tin rằng vũ trụ sẽ có
ngày cùng tận, lịch sử sẽ kết thúc bằng biến cố Đức Kitô quang lâm. Nhưng khi
nào chuyện đó xảy ra, chẳng ai biết được. Nó giống như tấm lưới bất thần chụp
xuống trên tất cả dân cư trên mặt đất.
Thiên Chúa có tàn nhẫn không khi cứ
thích cái bất ngờ, khi cứ để cho con người sống trong thấp thỏm? Thật ra cái
bất ngờ chỉ đáng sợ khi Ngài đến mà đèn chúng ta đã cạn dầu, và những nén bạc
Ngài giao vẫn còn bị chôn giấu. Nếu chúng ta luôn thanh thoát, sẵn sàng, thì việc
Ngài đến sẽ là một bất ngờ thú vị.
Chúng ta dễ bị ru ngủ bởi những hoan
lạc trần thế. Trái tim chúng ta dễ bị trì trệ, nặng nề, vì ăn nhậu say sưa, vì
nuông chiều thân xác, hay vì quá lo lắng cho cuộc sống hiện tại.
Cả những lo lắng chính đáng cũng có thể
kéo ta đi xa, và làm ta đánh mất khả năng dừng lại.
Chúng ta bị chìm ngập trong những tính
toán làm ăn, lo toan cho cuộc sống mà quên tìm lẽ sống.
Bài Tin Mừng hôm nay cho thấy những
điều kinh khủng những xáo trộn sâu xa trong vũ trụ vào ngày Chúa đến.
Chúng ta không nên hiểu mọi hình ảnh ấy
theo nghĩa đen.
Điều quan trọng hơn là những xáo trộn
nơi lòng người: lo lắng hoang mang sợ hãi đến hồn xiêu phác lạc... khi Đức
Giêsu ngự đến uy nghi như vị Thẩm Phán.
Nhiều người sẽ khiếp sợ rụng rời trước
nhan Ngài, nhưng đối với những ai đã tỉnh thức, cầu nguyện, thì đây lại là giây
phút được mong đợi từ lâu Đấng họ chỉ thấy trong lòng tin, nay được diện đối
diện.
Đây là cuộc hạnh ngộ giữa những người
yêu nhau. Chúa nhận ra tôi, tôi nhận ra Chúa, và tôi hiểu rằng chẳng gì có thể
chia lìa được chúng tôi.
Tư thế của người biết mình sắp được
giải phóng là tư thế đứng, đứng thẳng, đứng vững, đầu ngẩng cao, lòng tràn ngập
hy vọng và hân hoan vui sướng trước chiến thắng dứt khoát và trọn vẹn của Vua
Giêsu.
Mùa Vọng nhắc ta lần đến đầu tiên của
Con Chúa, và nhắc ta chuẩn bị lần đến cuối cùng của Ngài. Giữa hai lần ấy, có
biết bao lần Ngài bất ngờ đến. Xin cho tôi luôn đứng thẳng, cao đầu ra đón
Ngài, chẳng chịu bỏ lỡ một lần cùng Ngài gặp gỡ.
Gợi Ý Chia Sẻ
Cuộc sống được đan bằng những bất ngờ.
Mỗi ngày là một bất ngờ, nên mỗi ngày có hương vị riêng. Bạn nghĩ gì về những
người mê bói toán? Bạn có thích biết trước mọi chuyện tương lai của bạn không?
Nếu ngày mai tận thế thì hôm nay bạn sẽ
làm những việc gì?
Cầu Nguyện
Lạy Chúa Giêsu,
Xin cho con nhìn thấy sự hiện diện của
Chúa ở bên con dưới muôn ngàn dáng vẻ.
Chúa hiện diện lặng lẽ như tấm bánh nơi
nhà Tạm, nhưng Chúa cũng ở nơi những ai nghèo khổ, những người sống không ra
người.
Chúa hiện diện sống động nơi vị linh
mục nhưng Chúa cũng có mặt ở nơi hai, ba người gặp gỡ nhau để chia sẻ lời Chúa.
Chúa hiện diện nơi Giáo hội gồm những
con người yếu đuối, bất toàn, và Chúa cũng ở rất sâu trong lòng từng kitô hữu.
Lạy Chúa Giêsu,
Xin cho con thấy Chúa đang tạo dựng cả
vũ trụ và đang đưa dòng lịch sử này về với Chúa.
Xin cho con gặp Chúa nơi bất cứ ai là
người vì họ có cùng khuôn mặt với Chúa.
Xin cho con khám phá ra Chúa đang hẹn
gặp con nơi mọi biến cố buồn vui của đời thường.
Ước gì con thấy Chúa ở khắp nơi, thấy
đâu đâu cũng là nhà của Chúa. Và ước gì con đừng bỏ lỡ bao cơ hội gặp Chúa trên
bước đường đời của con. Amen.
7. Trước ngày gặp gỡ.
(Trích trong 'Lương Thực Ngày Chúa
Nhật' – Achille Degeest)
Đoạn Phúc Âm hôm nay liên quan trực
tiếp đến sự quang lâm của Con Người, chấm dứt vòng thịnh suy của thời gian và
thiết lập Ngày Quang Vinh của Chúa (Chúa Nhật là biểu tượng, đồng thời là tiền
diễn Ngày đó). Chọn bản văn này cho thời kỳ chuẩn bị lễ Giáng Sinh, Giáo Hội
muốn lưu ý chúng ta đến sự kiện Chúa Giáng Sinh mở màn cho một lịch sử sẽ kết
thúc trong huy hoàng rực rỡ, như chúng ta có thể đoán trước. Sự Chúa sinh ra,
thời thơ ấu của Chúa đưa đến kết quả là tôn vinh tính loài người trong Chúa.
Tuy nhiên trong quá trình lịch sử ấy có xen lẫn những thảm kịch của tự do.
Những kẻ được tham gia tôn vinh Đức Kitô là những kẻ đã cẩn mật canh thức, vì
thế giữ vững được lòng trung thành. Họ chiến đấu chống sự dữ, vì sự dữ là thất
bại của tự do.
Như vậy, Đức Kitô làm nổi bật khía cạnh
cá nhân của một biến cố chung, là sự tận cùng thế giới chúng ta đang sống. Ngày
nay, nhiều người muốn tổ chức thế giới như thể xem thế giới là bất diệt. Họ
cũng cho rằng không cá nhân nào khỏi chết, tuy nhiên nhân loại gồm những cá
nhân chìm biến trong đó thì bất diệt. Đức Giêsu nói: Thế giới trong hình thái hiện
nay sẽ qua đi. Mỗi người tin, trong cuộc đời hiện tại, phải canh thức và cầu
nguyện vì chính cá nhân mình chịu trách nhiệm về số phận vĩnh cửu của mình.
Đối với mỗi người, ngày giờ chết sẽ đến
bất chợt, dù có dự đoán. Cũng vậy, đối với nhân loại, ngày tận thế sẽ đến vào
lúc không ngờ. Chúng ta tự hỏi, mình có trong số những kẻ trông thấy ngày tận
thế không? Chúng ta làm sao biết được? Dẫu thế nào đi nữa, chúng ta biết chắc
chúng ta sẽ chết. Chúng ta phải chuẩn bị kỹ cuộc gặp gỡ riêng với Chúa, như thể
ngày mai sẽ tận thế. Điều quan trọng là lúc gặp Chúa chúng ta có thể đứng thẳng
trước Con Người, cách rất khiêm nhượng đơn sơ, hy vọng được Chúa đón nhận vì
mình đã hết lòng ăn ở hiếu thảo, không bị Chúa xét phạt.
8. Suy niệm của McCarthy.
Suy Niệm 1. NÉT XANH TƯƠI NƠI NHỮNG KẺ
THEO CHÚA
Có một câu chuyện (của John Shea, trong
cuốn 'Giai thoại về những cái chuông') kể lại rằng khi Thiên Chúa dựng nên các
cây cối, Người ban cho mỗi loài cây một ân huệ. Nhưng ban đầu, khi Người đưa ra
một cuộc tranh luận, để xác định xem ân huệ nào sẽ có lợi ích nhất. Người nói
với chúng: "Ta muốn rằng các ngươi phải thức tỉnh và tiếp tục coi sóc cả
mặt đất trong vòng bảy đêm".
Những thân cây còn non rất phấn khởi,
vì được Người tin tưởng giao phó cho một công việc quan trọng như vậy, đến nỗi
trong đêm đầu tiên, chúng nhận thấy việc canh thức không có gì là khó khăn cả.
Tuy nhiên, trong đêm thứ hai, thì việc đó không còn quá dễ dàng nữa, và vừa
trước khi đến lúc rạng đông, một số cây đã lăn ra ngủ. Trong đêm thứ ba, các
thân cây thì thầm nhắc nhở nhau cố gắng giữ mình, để khỏi ngủ lăn ra. Mặc dù
vậy, điều này chứng tỏ là quá sức đối với một số cây. Trong đêm thứ tư, lại có
thêm vài thân cây nữa ngủ gục. Đến đêm thứ bảy, những thân cây duy nhất còn
tỉnh thức chỉ là cây tuyết tùng, cây thông, cây vân sam, cây linh sam, cây nhựa
ruồi và cây nguyệt quế mà thôi.
Thiên Chúa kêu lên: "Sức chịu đựng
của các ngươi tuyệt vời thật! Các ngươi sẽ được ban cho một ân huệ là giữ được
mầu sắc xanh tươi mãi mãi. Các ngươi sẽ trở thành những kẻ canh gác khu rừng.
Ngay cả trong mùa đông dường như mang lại cảnh chết chóc, thì các cây cối anh
chị em của các ngươi vẫn bảo vệ được sự sống trên những cành cây của các
ngươi".
Kể từ đó, tất cả các cây cối và thực
vật đều bị rụng lá và ngủ trong suốt mùa đông, trong những khi cây thường xanh
thì vẫn còn tỉnh thức. Câu chuyện này minh họa lại hai chủ đề chính của Mùa
Vọng: Sự tỉnh thức giữa cảnh ngủ mê, và sự xanh tươi giữa nơi cằn cỗi.
Nơi những cây thường xanh, chúng ta ghi
nhận được một sự thách đố mang tích cách lịch sử, nhưng kiên quyết. Thế giới
chung quanh có thể ngủ mê hoặc cằn cỗi, nhưng những thân cây này vẫn tiếp tục
mang lại lời chứng. Chúng vẫn kiên trì, không phải do sự xác quyết của bản thân
chúng, mà nhờ vào sức mạnh của Thiên Chúa. Chúng chỉ ra cho chúng ta thấy rằng,
trong tư cách là người Kitô hữu, vai trò của chúng ta phải là gì. Đó là phải
tỉnh thức giữa những kẻ ngủ mê, phải xanh tươi giữa những kẻ cằn cỗi. Để làm
chứng cho Thiên Chúa, chúng ta phải yêu thương giữa cảnh hận thù, bình an giữa
nơi xung đột, và sáng sủa giữa chốn tối tăm.
Trong xã hội của chúng ta, có những
người đặc biệt cần phải tỉnh thức. Chúng ta nghĩ đến những người đang đảm nhận
các công việc mang rất nhiều trách nhiệm, chẳng hạn như các phi công, tài xế
(có biết bao tai nạn gây ra do những người ngủ gục trong khi đang cầm lái), các
y tá trực đêm, các bậc cha mẹ đang có con cái đau yếu, những người làm công tác
bảo vệ an toàn...
Nhưng tất cả chúng ta đều được kêu gọi
phải tỉnh thức theo nghĩa rộng. Nói cách khác, chúng ta sẽ bị lỡ làng rất
nhiều. Có nhiều người ngủ mê trong suốt cuộc sống của họ. Họ có tai, nhưng
không biết lắng nghe, có mắt, nhưng không nhìn thấy. Tất cả chúng ta đều cần
phải tỉnh thức, bởi vì cuộc sống thật quý giá. Nhưng cuộc sống của người Kitô
hữu là đáng quý nhất. Chúng ta không chỉ được thúc giục phải "tỉnh
thức", mà còn phải cảnh giác nữa.
Chúa đòi hỏi chúng ta, những kẻ đi theo
Người, phải luôn tỉnh thức, phải trở thành những môn đệ đầy cảnh giác, đầy tin
tưởng, phải là những kẻ đi theo Người luôn xanh tươi mãi mãi. Chúng ta là những
chứng nhân của Người trong thế giới này. Không phải là quá đáng, khi tuyên bố
rằng chúng ta phải thận trọng quan sát khắp cả thế giới. Chúng ta phải làm
chứng cho sự sống và niềm hy vọng giữa cảnh đổ vỡ, biến động và chết chóc.
Khi làm chứng cho chân lý, công bằng,
yêu thương và an bình, là chúng ta đang làm chứng cho Đức Giêsu. Cách thế làm
chứng cho chân lý phải là sống trọn vẹn cho chân lý. Cách thế làm chứng cho lẽ
công bằng là phải hành động một cách công bằng. Cách thế làm chứng cho tình yêu
thương là phải có những hành động đầy yêu thương. Và cách thế làm chứng cho hòa
bình là phải sống trong sự bình an đối với người khác.
Nói tóm lại, cách thế có hiệu quả nhất
để làm chứng cho Đức Giêsu là phải sống một đời sống Kitô hữu đích thực. Chúng
ta cần có sức mạnh, để duy trì được sự kiên định và lòng tin. Thiên Chúa luôn
sẵn sàng giúp đỡ chúng ta, đặc biệt khi chúng ta cầu nguyện.
Suy Niệm 2. CHỜ ĐỢI CHÚA ĐẾN
Chúng ta đang sống trong một thời kỳ ở
giữa hai ngày Đức Kitô đến. Ngày Người đến lần đầu tiên cách đây hơn 2000 năm
tại Bêlem. Chúng ta tin tưởng rằng Đức Kitô sẽ đến lần thứ hai trong vinh quang
vào thời sau hết. Trong khi chờ đợi, chúng ta có thể tìm thấy Đức Kitô ở đâu?
Lần kia, có một sinh viên người Do Thái
rất đứng đắn, anh có một ao ước cháy bỏng được nhìn thấy ngôn sứ Êlia, thế là
anh khẩn khoản xin cha anh chỉ cho thấy ngài. Người cha trả lời: "Nếu con
không ngừng hết lòng nghiên cứu kinh Tôra, cha hứa với con rằng con sẽ xứng
đáng được nhìn thấy ngôn sứ Êlia".
Trong vài tuần, người con trai nhiệt
thành chuyên chú vào việc học hỏi của mình, bằng cách miệt mài vào những cuốn
sách thánh cả ngày lẫn đêm. Thế rồi anh đến gặp cha và nói: "Con đã làm
điều mà cha dặn bảo, nhưng ngôn sứ Êlia vẫn không tự bộc lộ bản thân ngài cho
con".
Người cha trả lời: "Con đừng nản
lòng như vậy. Nếu con xứng đáng, thì chắc chắn ngài sẽ tự bộc lộ về chính ngài
cho con".
Một đêm kia, con trai ông đang ngồi tại
bàn của mình, thì một người nghèo khổ đi tới. Người này lấm đầy bụi đường và
quần áo rách tả tơi. Với gương mặt thô nhám, trên chiếc lưng còng mang một cái
túi nặng nề, người đó sắp sửa đặt cái túi xuống, thì anh ta tức giận nói với
ông "Đừng làm như vậy. Thế ông nghĩ chỗ này là một cái quán trọ à?".
Người khách vãng lai khẩn khoản
"Tôi quá mệt. Xin cho tôi nghỉ ở đây một lát, rồi tôi sẽ đi tìm chỗ
trọ".
"Không. Ông không thể ở lại đây
được. Cha tôi không cho phép những kẻ lang thang được đến và ở lại đây, với cái
túi lấm đầy bụi bặm của họ".
Thế là kẻ xa lạ thở dài, đỡ cái túi lên
vai của mình và ra đi. Khoảng một giờ sau, người cha đến. Ông hỏi "Vậy con
đã nhìn thấy ngôn sứ Êlia chưa?".
Anh con trai đáp "Dạ chưa, con
chưa hề nhìn thấy ngài".
Người cha hỏi "Thế hôm nay không
có người nào đến đây à!"
Anh con trai đáp: "Dạ không ạ. Vừa
mới đây, có một kẻ lang thang mang một cái túi nặng đi tới đây".
"Vậy con có tiếp đón họ
không?"
"Dạ không ạ!"
"Tại sao con không chịu đón tiếp
người này? Con không biết rằng đó chính là ngôn sứ Êlia sao? Cha e rằng quá
muộn mất rồi".
Kể từ ngày hôm đó, anh con trai tự bắt
buộc mình phải đón tiếp kẻ xa lạ, bất kể người đó trông như thế nào, hoặc tình
trạng cuộc sống của họ ra sao. Và khi làm như vậy, anh tin tưởng rằng mình đang
thực sự đón tiếp ngôn sứ Êlia.
Chúng ta có thể tìm thấy Đức Kitô và
phục vụ Người trong người đồng loại của chúng ta, đặc biệt nơi những người
nghèo khổ và thiếu thốn. Nhưng chúng ta còn có một công việc khác nữa, nghĩa là
làm cho Đức Kitô trở nên "hữu hình" đối với những kẻ đang hoài nghi
và không có niềm tin. Chúng ta là những chứng nhân của Đức Kitô trên thế giới.
Cách làm chứng lôi cuốn nhất đối với
thế giới chính là sự quan tâm đến mọi người, và sống bác ái đối với người nghèo
khổ, yếu đuối và đau khổ. Lòng quảng đại bên dưới thái độ này, và những hành
động này chứng tỏ sự tương phản đối với thói ích kỷ. Chắc chắn điều đó đưa đến
những câu hỏi dẫn đến Thiên Chúa và Tin Mừng. Lời cam kết đem lại hòa bình,
công chính và quyền lợi cho con người chính là một cách làm chứng cho Tin Mừng.
Trong khi mỗi người đều có một phần
đóng góp, thì điều quan trọng nhất chính là chứng tá của cộng đồng Kitô hữu.
Với tư cách là một thân thể, các Kitô hữu phải làm chứng cho thế giới về Đức
Kitô, qua tình yêu của họ đối với nhau, qua niềm hy vọng và niềm vui mà họ phản
ánh ra.
9. Tỉnh thức đợi chờ.
(Trích trong 'Niềm Vui Chia Sẻ')
Ít năm trước đây, một tài xế xe buýt
đạt kỷ lục tài xế xuất sắc. Trong 23 năm làm tài xế, anh lại xe buýt trên
1.500.000km không gây tai nạn nào. Khi được hỏi, làm sao anh đạt được kỷ lục
ấy, anh trả lời đơn giản: "Hãy nhìn đường".
Bài Tin Mừng hôm nay cũng cho chúng ta
một lời khuyên tương tự: "Hãy tỉnh thức". Chúa Giêsu dùng nhiều kiểu
nói: "Hãy coi chừng", "Hãy chú ý", "Hãy cảnh
giác", "Hãy ngẩng đầu lên", "Hãy nhìn cho kỹ". Tất cả
là thái độ tỉnh thức. Tỉnh thức là nhận ra những điềm báo thời cứu độ đang đến
và có thái độ thích hợp với tình thế đòi hỏi.
Tỉnh thức để chờ đợi Chúa đến: Nếu ngày
xưa dân Do Thái dựa vào lời các tiên tri loan báo, đã sống những thế kỷ dài chờ
đợi Chúa Cứu Thế, thì ngày nay, dựa vào chính lời của Chúa Cứu Thế, chúng ta
cũng đã trải qua 20 thế kỷ chờ đợi Chúa lại đến trong vinh quang. Vì thế, hai
kiểu chờ đợi đó khác nhau. Trong quá khứ, dân Do Thái chờ đợi Chúa Cứu Thế đến
lần thứ nhất: Ngài Giáng Sinh làm người. Còn chúng ta ngày nay, dựa trên cơ sở
của biến cố Chúa đến lần thứ nhất nầy để vững tin và hy vọng vào biến cố Chúa
sẽ lại đến lần thứ hai. Như vậy, trong Mùa Vọng, chúng ta không chỉ hồi tưởng
hay kỷ niệm quá khứ chờ đợi của dân Do Thái, mà chúng ta còn sống chính nỗi
niềm chờ đợi của chúng ta. Từ đó, chúng ta mới hiểu lý do tại sao đầu năm phụng
vụ Giáo Hội lại cho chúng ta nghe đoạn Tin Mừng liên quan đến biến cố cuối
cùng: Ngày Chúa quang lâm.
Đoạn Tin Mừng này gồm hai phần rõ rệt:
Phần thứ nhất là những hiện tượng lạ lùng trong vũ trụ. Chúng ta có thể đặt câu
hỏi: Liệu có thực sự xảy ra như vậy không? Đây là một lối diễn tả theo thể văn
Khải huyền. Khó mà giải thích cho được sáng tỏ, khó mà thông hiểu cho rõ ràng.
Vũ trụ sẽ thay đổi thế nào, thay đổi lúc nào, xác định việc đó là công việc của
khoa học. Còn đối với chúng ta, đây là một cách diễn tả, xuất phát từ một cái
nhìn về vũ trụ và con người. Con người và vũ trụ liên kết với nhau rất chặt
chẽ. Sự liên đới giữa vũ trụ và con người rất mật thiết. Trước tiên là hỗn độn,
hoang vu. Thiên Chúa can thiệp khi tạo dựng đất trời, sắp xếp đâu vào đấy:
Thiên Chúa làm cho cảnh hỗn mang nguyên thuỷ biến thành vũ trụ diệu kỳ, và giao
cho con người làm chủ vũ trụ. Nhưng con người làm đảo lộn vũ trụ bằng sự gian
ác của mình. Vì vậy, vũ trụ dường như chìm trở lại trong cảnh hỗn mang nguyên
thuỷ. Bây giờ Thiên Chúa quyết liệt can thiệp, để tái tạo trật tự, để làm cho
xuất hiện một trật tự mới với "Trời mới, Đất mới". Vì thế, "các
tầng trời rung chuyển" là để trở lại trong trật tự tự do Thiên Chúa sắp
xếp. Ngày cánh chung có hai mặt: mặt tối là sự phán xét, huỷ diệt một trật tự
đã bị đảo lộn; còn mặt sáng là sự xuất hiện một trật tự mới, trong đó Dân Chúa
được hạnh phúc.
Ngày ấy, Con Người hiện đến trên đám
mây, tức là trong vinh quang, để xét xử muôn dân. Đó là ngày kinh hoàng cho
những ai đang mê ngủ trong đam mê tội lỗi, nhưng đó là ngày cứu độ cho những ai
tỉnh thức và chuẩn bị sẵn sàng. Đó là lời khuyên nhủ của Chúa Giêsu ở phần thứ
hai.
Hãy tỉnh thức và chuẩn bị sẵn sàng:
chúng ta đã nghe quen thuộc những lời khuyên nhủ này. Việc chúng ta không cần
tìm hiểu là ngày tận thế, là cách thay đổi của vũ trụ. Còn việc phải lo ngày
Chúa đến gặp riêng mỗi một người trong chúng ta, vì ngày ấy rất bất ngờ, nên
chúng ta cần phải luôn tỉnh thức đón chờ. Chúng ta giữ lòng mình như thế nào?
Phải chăng không ít những lần lòng chúng ta trở nên nặng nề vì chè chén say sưa
và lo lắng việc đời? Thái độ hưởng thụ làm chúng ta quên ý nghĩa cuộc đời,
khiến chúng ta không sẵn sàng chờ đón ngày Chúa đến. Còn thái độ lo lắng, ích
kỷ, hẹp hòi, bon chen làm cho chúng ta hao mòn và gây nhiều tác hại cho xã hội.
Tích cực hơn nữa, mỗi người phải luôn cầu nguyện để tăng cường ơn Chúa và sức
mạnh Thánh Thần giúp vượt thắng gian nan thử thách ngõ hầu kiên vững mà hiện
diện trước mặt Con Người trong ngày thẩm định số phận của mình. Không ai biết
được ngày đó đến lúc nào, nhưng qua những sự kiện đã xảy ra trong quá khứ và
hiện tại, ngày sau cùng đó chắc chắn sẽ đến.
Cách đây mấy năm, tại Hollywood, có một
tài tử điện ảnh đột nhiên ngã bệnh. Sau khi khám cho anh, bác sĩ riêng đã thẳng
thắn nói cho chàng tài tử biết: "Tình trạng sức khoẻ của anh bi đát lắm!
Chúng tôi cần phải thực hiện một cuộc giải phẫu kéo dài 36 tiếng đồng hồ mới
may ra cứu sống anh được". Về sau, chàng tài tử ấy thực sự thú nhận:
"Trong 36 tiếng đồng hồ ấy, tôi đã học được nhiều điều hơn 36 năm trước đó
của tôi, và tôi đã cảm nghiệm được niềm vui mà trước đó tôi chưa bao giờ cảm
nghiệm được. Tôi khám phá ra rằng tôi chẳng hề sợ chết vì trước đó tôi có thói
quen mỗi ngày cầu nguyện với Chúa Giêsu và bây giờ khi phút giây cam go xảy
đến, tôi cảm nhận được kết quả của lời cầu nguyện ấy. Chính lúc đó tôi mới khám
phá ra rằng nhờ những lần tâm sự, nói chuyện hằng ngày với Chúa Giêsu truớc đó,
mà giữa Ngài và tôi chẳng xa lạ gì nhau, chúng tôi đã trở nên đôi bạn chí
thân".
Anh chị em thân mến,
Một thoáng nhìn về tương lai không phải
chỉ để kinh hãi, khiếp sợ như các tín hữu ở Thessalonica thời Thánh Phaolô hoặc
chỉ hướng về trời như các người Galilê nhìn theo Chúa về trời (Cv 1,11); nhưng
càng phải liên kết không những giữa biến cố Quang Lâm của Chúa trong ngày Cánh
Chung với việc Chúa đã đến lần thứ nhất một cách âm thầm, khiêm tốn, mà còn
liên kết với sức sống của ân sủng nơi mỗi người chúng ta trong suốt khoảng thời
gian giữa hai lần Chúa đến.
Để sống thực sự chân lý này, Thánh
Phaolô khuyên chúng ta hãy cố gắng sống thánh thiện để có thể yên tâm và vui
mừng chờ ngày Chúa đến. Ngày Chúa đến sẽ khủng khiếp hoặc vui mừng là tuỳ cách
sống hiện tại của chúng ta. Mọi hành động, mọi tư tưởng đều được phơi bày ra
trước ánh sáng của công lý, chúng ta không thể che dấu một chi tiết nào.
Cụ thể hơn mà nói: lời cảnh tỉnh trong
phần thứ hai của Tin Mừng hôm nay không những cần thiết cho mỗi người chúng ta
để chuẩn bị sẵn sàng, không bị bất ngờ trong ngày Chúa đến lần thứ hai, mà còn
cần thiết ngay trong giây phút hiện tại: chuẩn bị tâm hồn để ân sủng của Chúa
đến với tâm hồn chúng ta, đặc biệt trong ngày lễ Giáng Sinh sắp tới: chuẩn bị
bằng cách giữ mình, đừng để tâm hồn trĩu nặng, mờ ám vì lối sống buông thả, chè
chén say sưa và vì những bận tâm quá đáng đến cuộc sống vật chất, trần tục.
Muốn được như vậy, mỗi người cần biết dành những giờ phút yên lặng, kiểm điểm
lại lối sống, tức là biết tỉnh thức và cầu nguyện luôn, đồng thời luôn hướng về
ngày Chúa xuất hiện vinh quang.
10. Ngày đại hoạ.
Ngày chung cuộc sẽ đến bất ngờ. Yếu tố
bất ngờ là đặc điểm trong ngày tàn của Giêrusalem và ngày thế mạt.
1. Ngày tàn của Giêrusalem
Khi nào thành phố bị quân đội ngoại
bang bao vây, bấy giờ người ta mới ý thức được cái nguy cơ suy vong và huỷ
diệt. Có người sẽ lên núi lánh nạn và nếu ai đang ở ngoài đồng sẽ không vào
thành vì sự tàn phá thật khủng khiếp. 'Vì chưng sẽ có sự khốn cực cả thể trong
xứ và cơn thịnh nộ trút xuống dân này. Chúng sẽ ngã gục dưới lưỡi gươm, sẽ bị
bắt đi làm tôi'. Lúc này dân chúng cảm thấy rất là yên ổn, hãnh diện về thành
trì và đền thờ, nhưng một mai họ sẽ thấy cả hai chỉ còn là phế tích và sẽ chứng
kiến cảnh tượng quốc gia hấp hối. Ngày đó, thật haĩ hùng. Điềm đó phải là ám
hiệu báo động cho con người. Sẽ có ngày vũ trụ cũng tiêu ma như số phận của
Giêrusalem.
2. Ngày tàn của thế giới
Bất thần ngày tân diệt sẽ đến, tai ương
hoành hành trên trời và lòng người đầy âu lo. Đất bằng rung chuyển, ba đào dồn
dập, niềm sợ hãi xâm chiếm mọi người. Lúc đó Con Người sẽ xuất hiện trong ánh
huy hoàng. Đó là ngày tận số của thế giới, của các kẻ thù nghịch với Đức Kitô,
của những ai quá tin nơi mình và vênh vang về công trạng của mình. Giờ phút hãi
hùng ư? Đúng thế. Nhưng hãi hùng đối với những kẻ thù nghịch. Còn đối với các
Kitô hữu đang sống trong hy vọng mong chờ Chúa đến. Những người thiết tha mong
mỏi và khẩn nài Người trở lại thì đó lại là phút giây giải thoát. 'Khi những
điều đó bắt đầu xảy đến, các con hãy đứng dậy và ngẩng đầu lên vì giờ cứu rỗi
các con đã gần đến'. Hãi hùng sẽ đổi thành hoan lạc cho các Kitô hữu. Họ ý thức
rằng cánh chung chính là khởi đầu. Vì đó là sự biến đổi, là sự quy hồi của muôn
vật. Đấng Kitô mà lúc này đây ở Giêrusalem, đang bị trao nộp vào tay các kẻ thù
và bị họ lên án tử mai ngày sẽ đóng vai thẩm phán uy quyền tuyên án trừng trị
kẻ thù. Chúng ta đừng để thế gian lung lạc và lướt thắng...Phải nhớ đến ngày
cánh chung và sống sao cho xứng vơí viễn tượng đó... Như thế cánh chung sẽ
không còn là biến cố hãi hùng nhưng là bình minh hoan lạc trong tin vui Chúa
quang lâm.
3. Dấu chỉ.
Không có dấu gì báo trước hay có thể
tính toán chính xác ngày thế mạt. Những dấu chỉ mà Đức Giêsu cho biết nói lên
tai hoạ đã bắt đầu. Lúc đó mới chuẩn bị thì đã quá muộn. Đức Kitô đã quả quyết
rất rõ: người ta không thể biết ngày giờ xảy ra. Nếu có điềm báo thì chúng chỉ
làm vướng víu chứ không ích lợi gì vì người ta cứ lao mình vào cuộc sống cũ và
chỉ đổi đời khi nguy cơ hiện ra rõ ràng. Như thế họ sống một cuộc đời bấp bênh
trong khi đáng lý họ luôn phải ở trong thế sẵn sàng.
Tuy nhiên cũng còn một dấu chỉ, một dấu
chỉ duy nhất mà Đức Kitô sẽ cho thấy. Đó không phải là một thời điểm nhưng là
một hiệu lệnh báo động: sự tàn phá Giêrusalem hay nói một cách rộng rãi vận
mệnh của dân tộc Israel. Trong lịch sử loài người, Do thái giáo là một điểm
thắc mắc to lớn. Ngay cả sự kiện hiện hữu, tính đặc thù của lòng tin, các kinh
thư, nền luân lý và nhất là những chặng đường lịch sử diệu kỳ của dân tộc này
đều là những hiện tương không thể giải thích theo thường tình. Israel là một
vấn đề cao siêu, và xét theo bản chất sâu xa, nó là một vấn đề tôn giáo. Đó là
một dân tộc thuộc về Thiên Chúa qua các sự kiện tuyển chọn, khước từ và sau
cùng là cứu chuộc. Sự từ bỏ một dân đã chọn là một dấu báo động to lớn.
Giêrusalem bị tàn phá và đền thờ bị triệt hạ đối với mọi người và mọi dân tộc,
là một dấu chỉ cảnh cáo những kẻ từ bỏ Đức Kitô. Dấu chỉ là ở chỗ đó. Đó là lý
do khiến Đức Kitô nối kết hai biến cố tận diệt Giêrusalem và thế mạt lại đến độ
trùng hợp với nhau. Đức Giêsu luôn luôn trình bày hai biến cố đó song song với
nhau về mặt tôn giáo chứ không phải về thời gian. Với ý nghĩa đó, sự sụp đổ của
Giêrusalem là lời cảnh tỉnh nghiêm khắc mà người ta không thể im im được. Có lẽ
nó sẽ giúp cho thế giới tránh khỏi một cuộc tàn phá ghê sợ. Với ngôn ngữ và
diễn từ đó, Đức Giêsu chẳng màng tranh chấp với ai nữa. Những ngày còn lại
trong đời, người dành để giảng dạy dân chúng. Người không đả phá đối phương và
họ cũng để cho Người yên ổn. Không còn tranh chấp nữa và tất cả đều án binh bất
động. Thế nên, Thánh Luca khẳng định vắn tắt: 'ban ngày Người giảng dạy trong
đền thờ, còn ban đêm thì Người đi nghỉ trên núi Cây Dầu. Và từ sáng sớm, toàn
dân đến nghe Người giảng dạy trong đền thờ'. Đồng thời Thánh Luca tiết lộ thêm
một chi tiết: 'các thượng tế và luật sĩ tìm cách giết Chúa Giêsu nhưng họ lại
sợ dân chúng'.
11. Ngày tận thế.
Đoạn Tin mừng hôm nay mô tả về ngày tận
thế. Sự mô tả này thường làm cho chúng ta lo âu và sợ hãi, để rồi chúng ta thầm
mong:
- Ước chi chúng ta đừng sống cho tới
ngày ấy.
Tuy nhiên, để thoát khỏi lý đoán công
thẳng của ngày ấy, thì ngay từ bây giờ, chúng ta hãy suy gẫm và thực thi lời
khuyên nhủ của thánh Phaolô, vì ngày mai rất có thể là đã muộn. Lời khuyên nhủ
ấy như thế này:
- Giờ đã đến, hãy tỉnh thức, hãy chổi
dạy để Đức Kitô soi chiếu.
Phải chăng là chúng ta đang ngủ mê?
Đúng thế, đời sống đã được ổn định và chúng ta không muốn một ai đến quấy phá.
Thế nhưng, Đức Kitô lại chính là Đấng đã đến để quấy phá chúng ta.
Thực vậy, chúng ta có những thói hư tật
xấu, nhưng lại không muốn ai đá động tới. Chúng ta có những quan niệm, những ý
tưởng sai quấy, nhưng lại không muốn ai phê bình chỉ trích. Vì thế mãi mãi
chúng ta vẫn chỉ là những kẻ tầm thường, nếu không muốn nói là những kẻ xấu xa.
Tôi đọc thấy trong một cuốn sách lời
kết án sau đây:
- Kitô hữu là những kẻ ngủ mê, những kẻ
nọa lực. Họ ngại dấn thân, họ ngại đổi thay và không đủ sức hoán cải cuộc đời
mình cũng như cuộc đời người khác.
Chính vì thế, chúng ta phải chổi dạy,
phải lên đường, phải ra khỏi tình trạng nọa lực và bất toại ấy. Thời gian sẽ
trôi qua mau hơn chúng ta tưởng, để rồi vào giây phút cuối cùng, chúng ta phải
bẽ bàng nhận ra rằng:
- Đôi bàn tay chúng ta thì trống trơn,
không một chút công nghiệp và cuộc đời chúng ta chẳng để lại một dấu vết gì cả.
Ngày hôm nay, lời kêu gọi khẩn cấp, lời
báo động SOS được gửi đến chúng ta:
- Hãy từ bỏ những công việc của tăm tối
và hãy mang lấy khí giới của ánh sáng.
Công việc của tăm tối, đó chính là rượu
chè, cờ bạc, trai gái... nếu chúng ta chạy theo bóng đêm, sống buông thả cho
những bê tha như thế, chúng ta sẽ trở thành những kẻ thù nghịch với Đức Kitô,
vì như lời thánh Phaolô cũng đã nói:
- Ai thuộc về Đức Kitô thì đóng đinh
thân xác mình vào thập giá.
Thế nhưng, có những người đạo đức và
thiện chí đã nhủ thầm:
- Tôi không mắc phải thói hư này. Tôi
không vướng vào tật xấu kia. Tôi yêu thích sự nghèo khó. Tôi mến chuộng đức
trong sạch...
Nghĩ như vậy rồi họ cảm thấy thanh thản
và không cần phải cố tắng thêm nữa. Tuy nhiên, nếu hồi tâm xét mình cho kỹ,
chúng ta sẽ ghi nhận được biết bao nhiêu khuyết điểm vì con người chúng thì bất
toàn, bản thân chúng ta thì yếu đuối. Thánh nhân còn sai lỗi mỗi ngày tới bảy
lần, huống nữa là chúng ta. Nào là những sai lỗi về lời nói, về đức công bằng.
Nào là những hành động bác ái mình đã không thực hiện và những bổn phận đã quên
sót. Nào là những tư tưởng không mấy trong sạch mình đã chiều theo.
Chính vì thế, một lần nữa chúng ta hãy
khắc ghi lời khuyên nhủ của thánh Phaolô:
- Hãy từ bỏ những công việc của tăm tối
và hãy mang lấy khí giới của ánh sáng.
Thánh Gioan Chrysostome đã chú giải
thêm:
- Với vũ khí của ánh sáng, chúng ta sẽ
trở nên chói lòa hơn cả những tia nắng mặt trời.
Tuy nhiên, muốn được như vậy, chúng ta
phải kiên trì chiến đấu, không mệt mỏi, không chán nản, không tuyệt vọng vì
sống chính là bơi ngược dòng nước. Nếu không cố gắng bơi, thì lập tức sẽ bị
dòng nước cuốn trôi.
Dưới sự điều động và hướng dẫn của Đức
Kitô, chúng ta hãy can đảm chiến đấu, kiên trì loại trừ tội lỗi, chắc chắn
chúng ta sẽ chiến thắng.
12. Tỉnh thức và cầu nguyện – R.
Veritas.
(Trích trong 'Mỗi ngày một tin vui')
Nhìn vào những biến cố đổi thay, những
xung đột, những cuộc chiến đẫm máu, những tranh đấu đầy bạo lực xảy ra nơi này,
nơi kia trên thế giới, mỗi người chúng ta có thể tự hỏi:Thế giới này đang tiến
về đâu? Con người đamh mong muốn điều gì cho mình?
Có thể có nhiều câu trả lời khác nhau
và tùy theo câu trả lời này mà mỗi người chúng ta quyết định cho cuộc sống của
mình. Nếu bảo rằng, thế giới đang tiến tới sự giàu sang vật chất, càng nhiều
càng tốt thì cuộc đời chúng ta phải chăng là để tìm kiếm tiền bạc bằng mọi
phương tiện trong tầm tay và cả ngoài tầm tay bằng việc gian lận, hối lộ, mánh
mung.
Nếu bảo rằng, thế giới này đang tiến về
cùng Thiên Chúa và nước của Ngài, nước công bằng và tình thương, nước của hòa
bình và tình liên đới thì mỗi người chúng ta phải cố gắng làm sao để canh tân
đời sống của mình theo những lời dạy của Chúa. Mỗi người chúng ta trước sau gì
cũng phải đặt ra cho mình câu hỏi và quyết định cuộc sống của mình dựa theo câu
trả lời; câu hỏi đó là:Tôi có còn tin vào Thiên Chúa, Đấng ban ơn cứu độ và
hướng dẫn đời tôi và lịch sử nhân loại đến chỗ thành toàn, tôi có còn tin hay
không? Hay tôi tin vào một quyền năng, một thần tượng nào khác?
Trong lịch sử nhân loại đã có những bộ
óc tài ba tin tưởng vào một điều gì khác ngoài Thiên Chúa, và bộ óc tài ba đó
đã tạo ra những hệ thống tư tưởng, những ý thức hệ để xây dựng cuộc sống và xã
hội con người, nhưng những ý thức hệ, những hệ thống này đã thất bại trước mặt
chúng ta. Ngoài Thiên Chúa hay đối nghịch với Thiên Chúa, con người không thể
xây dựng hạnh phúc cho cuộc đời mình và cũng không thể xây dựng một xã hội xứng
đáng với phẩm giá của con người.
Cử hành thánh lễ Chúa nhật I Mùa vọng,
chúng ta nói lên câu trả lời của mình, nói lên quyết định của mình. Câu trả lời
của chúng ta là tin vào Thiên Chúa, vào Đấng cứu rỗi nhân loại. Ngài đã đến
trong lịch sử nhân loại và đã mạc khải cho con người sự thật cứu rỗi qua việc
Ngài đã thực hiện ơn cứu rỗi qua cái chết và sống lại của Ngài. Ngài đã đến,
nhưng hằng ngày Ngài còn đang đến và sẽ đến trong vinh quang vào cuối cùng lịch
sử của nhân loại. Ngài là khởi đầu và là cùng đích mọi sự, chúng ta đang hành
trình tiến về Ngài. Đó là câu trả lời của niềm tin và niềm tin này cần được
thực hiện trong đời sống chúng ta. Chúng ta cần quyết định trở về với Thiên
Chúa, canh tân đời sống mình, sẵn sàng đón nhận Chúa đến bất cứ khi nào Ngài
muốn.
Vào những giây phút đầu tiên của năm
Phụng vụ mới, chúng ta được mời gọi nhìn đến đích điểm sau cùng của cuộc đời là
Chúa Giêsu Kitô ở cuối chân trời lịch sử, ở điểm kết thúc cuộc đời chúng ta
trên trần gian này. Chúng ta được mời gọi nhìn vào Ngài đang đến và chắc chắn
sẽ đến vào lúc chúng ta không ngờ. Nhưng không phải chỉ nhìn vào Ngài rồi án
binh bất động, thụ động cam lòng chờ mà thôi, nhưng vừa nhìn đến đích điểm là
Chúa đang đến với chúng ta, vừa chuẩn bị xem xét lại cuộc sống hiện tại của
mình, tương quan giữa ta và Chúa hiện đang như thế nào?
Chắc chắn chúng ta đã nghe biết và thực
hành Lời Chúa dạy: "Tỉnh thức và cầu nguyện". Nhưng việc chúng ta cầu
nguyện đó đã có tác dụng như thế nào trong đời sống chúng ta? Chúng ta có trở
nên gần gũi, thân thiện với Chúa Giêsu như người bạn thân yêu nhất của mình,
đến độ chúng ta không còn lo sợ khi phải đối diện với Chúa và có thể
nói:"Lạy Chúa, xin hãy đến, con vui mừng được gặp Chúa diện đối diện. Chúa
là người bạn mà con từ lâu mong ước được gặp". Chúng ta có thể nói như vậy
hay chưa? Hay là chúng ta còn cần phải thực tập nhiều hơn nữa điều Chúa nhắc
trong đoạn Tin Mừng hôm nay:"Tỉnh thức và cầu nguyện nhiều hơn nữa, thật
lòng hơn nữa, đừng giam mình trong cảnh đời hưởng thụ vật chất đến độ quên
Chúa".
Chúng ta cần dốc lòng thực hiện điều mà
thánh Phaolô đã nhắc nhở cho cộng đoàn tín hữu Thessalônica là bền vững trên
con đường thánh thiện, không có gì đáng trách trước mặt Thiên Chúa là Cha chúng
ta trong ngày Chúa Giêsu Kitô, Chúa chúng ta ngự đến:"Anh em thân mến! Tôi
còn van nài anh em trong Chúa Giêsu điều này là anh em được chúng tôi dạy cho
biết phải sống thế nào cho đẹp lòng Chúa, anh em đang sống như vậy, xin anh em
cứ tiến thêm nữa".
Chúng ta đang tỉnh thức và cầu nguyện,
nhưng chưa đủ, còn phải gia tăng sự tỉnh thức để đừng bị ngã quị trước những
cám dỗ, những cạm bẫy làm ta xa lìa Chúa. Chúng ta cần kiên trì và gia tăng đời
sống cầu nguyện nhiều hơn nữa, để Chúa Giêsu trở thành người bạn mỗi ngày mỗi
thân mật hơn, đến độ chúng ta không còn lo sợ trước ngày Chúa đến với chúng ta,
dù là một cách bất ngờ.
Lạy Chúa Giêsu, người bạn thân thiết
nhất của con. Xin hãy thương giúp con duy trì tình thân mỗi ngày một khắng khít
hơn với Chúa, để lời cuối cùng, con có thể thưa cùng Chúa là: "Lạy Chúa,
xin hãy đến. Con vui mừng được nhìn thấy Chúa, diện đối diện". Chỉ như
thế, ơn cứu rỗi mà Chúa đã đến để thực hiện cho mỗi người chúng con trên thập
giá sẽ làm cho chúng con không uổng phí vô ích.
Lạy Chúa Thánh Thần, xin Ngài hướng dẫn
chúng con canh tân đời sống đức tin, đức cậy và đức mến. Xin Ngài giúp chúng
con được hiểu biết những sự thật Chúa Giêsu đã mạc khải mỗi ngày một trọn vẹn
hơn, sâu xa hơn, để được trưởng thành trong tình yêu Chúa và trong đức tin.
13. Ngày Chúa ngự đến – R. Veritas.
(Trích trong 'Suy Niệm Và Giảng Lễ Mỗi
Ngày')
Vào năm 1987, người ta cho chiếu cuốn
phim tựa đề: "After day" kể lại tình cảnh của ít người dân một thành
phố lớn thuộc miền Bắc, Hoa Kỳ, còn sống sót sau một vụ nổ bom nguyên tử. Vụ nổ
bom hạt nhân đã xảy ra vì cái điên loạn của con người quyết định dùng vũ khí
hạt nhân để hủy diệt sự sống của mọi sinh vật thuộc nhiều đại lục trên thế
giới. Ngày tận thế ấy kéo theo cảnh chết chóc hoang tàn và đổ nát, đau khổ và
thất bại của những người đang chờ mình phải chết vì bị nhiễm chất phóng xạ, bị
thương tích và bị thiếu thức ăn chất uống. Trong cảnh đổ nát hoang tàn và chết
chóc ấy, những người sống sót của nhiều khu phố khác nhau đã tranh giành từng
miếng bánh, từng chút bột, từng ngụm nước. Trong nháy mắt, thế giới văn minh
của loài người biến khỏi mặt đất và con người đứng trước cảnh đổ nát với hai
bàn tay trắng bất lực và tuyệt vọng.
Các bài đọc Chúa nhật hôm nay cũng nói
với chúng ta về ngày tận thế, nhưng không phải là thứ ngày tận thế của chết
chóc, buồn thương, mà là ngày tận thế khởi đầu cho một cuộc sống mới, cuộc sống
của tự do và của ơn cứu độ. Chương 33,14-16, sách Tiên tri Giêrêmia là một lời
sấm và là văn bản tìm hiểu cho nền thần học cứu thế của Kinh Thánh Cựu Ước.
Điểm nòng cốt của thần học cứu độ là sự chờ đợi ngày Đấng Thiên Sai, ngày Đấng
Cứu Thế đến để thiết lập trời mới đất mới trong thế giới loài người. Trong
"những ngày đó" hay "vào thời đó" là kiểu nói Kinh Thánh
dùng để diễn tả tiến trình hiện thực của chương trình cứu độ mà Thiên Chúa có
đối với nhân loại theo ý muốn và sự sắp xếp quan phòng của Ngài, đặc biệt dưới
thời điểm và các biến cố của lịch sử mà Thiên Chúa có đối với nhân loại theo ý
muốn và sự sắp xếp mà Thiên Chúa chọn. Trong bối cảnh của chương 34, ngày đó và
thời đó có ý ám chỉ tình trạng sống lưu vong, ngày buồn thương của dân Do Thái,
thảm cảnh phân rẽ của hai vương quốc Bắc Nam. Nhưng Thiên Chúa sẽ tụ tập dân
chúng thuộc hai vương quốc lại với nhau và cho họ được thoát kiếp sống nô lệ,
đày ải, để trở về quê cha đất tổ.
Tuy nhiên, lời sấm trên đây của Thiên
Chúa vượt xa khỏi khung cảnh lịch sử của dân Do Thái. Bởi vì nó có thể được áp
dụng vào cuộc sống của con người thuộc mọi thời đại, ở khắp nơi trên thế giới
này. Một con người bị tội lỗi phân rẽ trong chính tâm lòng nó và sống kiếp đày
ải xa rời Thiên Chúa. Tuy nhiên, Thiên Chúa không bao giờ bỏ rơi con người.
Ngài cống hiến ơn cứu độ cho tất cả mọi người, trong các thời điểm khác nhau,
liên tục trong dòng lịch sử. Do đó, vấn đề là chúng ta có nhận ra thời điểm cứu
độ đó hay không?
"Mầm giống sự công chính" là
tên thường Kinh Thánh dùng để gọi Đấng Cứu Thế. Trong sa mạc nóng bỏng khô cạn
của loài người, trên thân cây khô héo khẳng khiu của dòng tộc Đavít, Thiên Chúa
khiến cho chồi lộc của niềm hy vọng và của ơn cứu độ nảy mầm tươi tốt. Tên gọi
"Mầm giống sự công chính" diễn tả khí thế hành động của Thiên Chúa.
Nếu tâm tính loài người thích phô trương, khoe khoang và chọn lựa cái vĩ đại,
to tát, thì Thiên Chúa ưa thích kiểu cách hành sự khiêm tốn, kín đáo nghèo hèn,
bé nhỏ. Đó là hình ảnh Đấng Cứu Thế trẻ thơ được sinh ra từ lòng Trinh Nữ
Maria. Chính Ngài là mầm giống của sự sống mới mà Thiên Chúa muốn cấy trồng vào
giữa lòng lịch sử nhân loại.
Mặc dầu nhân loại tội lỗi, khô cằn và
hấp hối, nhưng qua mầm giống sự công chính là Đấng Cứu Thế, Thiên Chúa không
ngừng cống hiến nhựa sống thiêng linh của Ngài cho con người. Đấng Cứu Thế sẽ
tái lập công bằng và vương quốc tinh thần của Ngài, trong đó, Ngài sẽ được gọi
là Thiên Chúa sự công chính của chúng ta.
Trong ngôn ngữ Kinh Thánh, sự công
chính đồng nghĩa với ơn cứu độ toàn vẹn mà Thiên Chúa trao ban cho con người.
Nó bao gồm mọi chiều kích cuộc sống con người từ chính trị, kinh tế, cho đến xã
hội và tôn giáo. Con đường sự sống, con đường dẫn đến ơn cứu độ là con đường
dẫn đến trời mới đất mới. Do đó, thời điểm của Thiên Chúa, ngày Thiên Chúa đến
trong tâm lòng và cuộc sống cho con người, không phải là ngày tận diệt, mà là
ngày giải phóng. Bởi vì nó khai mào cho một cuộc sống mới, cuộc sống theo tinh
thần của con cái Thiên Chúa.
Qua văn bản các hình ảnh biểu tượng của
nền văn chương Khải Huyền, chương 21 Phúc Âm thánh Luca ghi lại lời Chúa Giêsu
kêu mời chúng ta biết tỉnh thức nhận ra các dấu chỉ của thời điểm cứu độ ấy
trong đời mình. Để đường lối cuộc hẹn hò với Thiên Chúa, niềm tin vào ơn cứu độ
và giải phóng giúp chúng ta hiên ngang ngẩng đầu lên sống tươi vui, tin tưởng
ngay giữa những gian lao thử thách và khổ đau của cuộc đời. Vì thế cho nên,
những biến động và tai ương cho dầu có kinh thiên động địa đến đâu đi nữa, cũng
đều là các dấu chỉ kêu mời chúng ta hồi tâm suy nghĩ và hoán cải tâm lòng, chớ
không được khiến cho chúng ta khiếp sợ, tê liệt, khép kín và chán nản thất
vọng.
"Con Người" là tước hiệu Kinh
Thánh dùng để diễn tả hoạt động của Chúa Giêsu cứu thế. Trong tư cách là vị
quan án tối cao phán xử mọi loài, mọi vật trong thời cánh chung, Chúa Giêsu đã
đến trong dòng lịch sử nhân loại và trong lịch sử Tin Mừng cứu độ, qua cuộc khổ
nạn cái chết và sự phục sinh của Ngài. Chúa Giêsu tiếp tục đến qua lời Ngài,
qua tin vui cứu độ được Giáo Hội tiếp tục rao giảng và Chúa Giêsu sẽ trở lại
trong ngày lịch sử cứu độ thanh toán bản án. Muốn nhận ra sự hiện diện và bước
chân của Ngài, chúng ta phải biết tỉnh thức và cầu nguyện, nghĩa là sống và
hành sự theo tinh thần Đức Kitô, luôn để cho ánh sáng Tin Mừng cứu độ chiếu soi
đời mình. Đặc biệt trong những bước đi, trên những đoạn đường hầm đen tối của
cuộc đời này. Chính thái độ tỉnh thức và cầu nguyện ấy sẽ giúp chúng ta không
nặng nề ngủ quên trong cuộc sống của thế giới vật chất, tiêu thụ và hưởng thụ,
và không để cho tâm lòng của chúng ta bị thế giới vật chất nặng nề cầm chân và
nhận chìm cuộc sống thiêng linh mà Thiên Chúa trao ban cho chúng ta. Chúa Giêsu
là một mầm giống cần được vun trồng, chăm bón, ấp ủ với hơi ấm của con tim và
ánh sáng của niềm hy vọng.
Trong thư thứ nhất gởi tín hữu
Thêsalônica, thánh Phaolô chỉ cho chúng ta thấy một bí quyết để vun trồng sự
sống thiêng linh ấy cách hữu hiệu, đó là phải có thái độ căn bản muốn sống đẹp
lòng người ta, dầu người ta ấy có là ai đi nữa. Nhưng phải làm gì để đẹp lòng
Thiên Chúa đây? Phải lớn lên, phải trưởng thành, phải sung mãn trong tình yêu
thương tha nhân. Thiên Chúa vui sướng hạnh phúc khi thấy chúng ta yêu thương
với một tình yêu thương không so đo, tính toán hơn thiệt và không loại trừ chọn
lựa, yêu thương hết mọi người và yêu thương tràn đầy chan chứa. Thiên Chúa vui
sướng và hạnh phúc khi thấy chúng ta trưởng thành và lớn lên trong tình yêu
thương ấy, tình yêu thương mà Ngài đã trao ban cho chúng ta qua chính con người
của Chúa Giêsu Kitô, Đấng Cứu Thế.
Ngoài ra, cần phải luôn luôn sẵn sàng
đón chờ Chúa Giêsu đến trong tâm lòng và cuộc đời chúng ta bằng cách sống thánh
thiện và kiên vững. Bởi vì nói cho cùng, sống thánh thiện tức là sống yêu
thương trọn vẹn. Các thánh là những người biết noi gương Chúa Giêsu sống yêu
thương trọn vẹn, yêu thương đến tận hiến chính mạng sống mình cho tha nhân.
Càng biết yêu thương tha nhân, tình yêu vô vị lợi cụ thể và cao đẹp bao nhiêu,
thì chúng ta lại càng giống Chúa Giêsu bấy nhiêu. Càng giống Chúa Giêsu bao
nhiêu thì càng giống Thiên Chúa bấy nhiêu, và đó là điều đẹp lòng Thiên Chúa và
khiến cho Ngài sung sướng nhất, hạnh phúc nhất.
Thế giới và xã hội loài người khổ đau
vì loài người không yêu thương nhau đủ, hay không thương yêu nhau theo tinh
thần của Chúa và Tin Mừng của Ngài. Như vậy, cách thức đón chờ Chúa Giêsu hữu
hiệu nhất là hãy bắt đầu yêu thương nhau. Bởi vì đó là bí quyết vun trồng mầm
giống sự sống thiêng linh và xây dựng trời mới đất mới cụ thể và hữu hiệu.
14. Tỉnh thức và cầu nguyện – Thiên
Phúc.
(Trích trong 'Như Thầy Đã Yêu')
Trong cuộc chiến khốc liệt giữa Pháp và
Đức năm 1870, tại một bệnh viện Pháp, có một thương binh vốn là sĩ quan người
Đức đang bị bắt làm tù binh. Một hôm, bác sĩ cho biết anh sẽ không qua khỏi vì
vết thương ngày càng trầm trọng. Viên sĩ quan tỏ ra bất cần một cách ngạo nghễ
và can đảm chờ đợi cái chết.
Chị y tá nữ tu Dòng Nử Tử Bác Ái Vinh
Sơn vốn chăm sóc anh từ lâu, ân cần ngỏ ý khuyên anh nên xin gặp một vị linh
mục để dọn mình trước khi chết. Anh nhận mình là người Công giáo nhưng đã bỏ
đạo từ lâu, nên một mực từ chối lời đề nghị chân thành này.
Chị nữ tu vẫn dịu dàng nói: - "Nếu
vậy, tôi sẽ cầu nguyện xin Chúa cho ông mau hồi tâm trở về với Chúa".
Viên sĩ quan mỉa mai: - "Chỉ cực
nhọc vô ích mà thôi!"
Chỉ nữ tu vẫn kiên nhẫn thuyết phục:
-"Thú thực với ông, đã mười sáu năm nay, các chị em trong Dòng vẫn luôn
cầu nguyện cho một người trở về cùng Chúa".
Viên sĩ quan ngạc nhiên: -"Mười
sáu năm rồi cơ à? Thế người được các chị cầu nguyện chắc phải là ân nhân của
nhà Dòng?"
Chị nữ tu trả lời: -"Cách đây rất
lâu, mẹ tôi là người hầu cho một nữ Nam tước người Đức. Trong một lần tôi tới
thăm mẹ, bà Nam tước biết tôi là nữ tu nên đã xin cầu nguyện cho con trai bà.
Anh đã mất đức tin, sống phóng túng, đam mê danh vọng và quyền lực. Đã mười sáu
năm qua, tôi và cả nhà Dòng vẫn luôn cầu nguyện cho anh".
Người sĩ quan gặng hỏi: -"Thế mẹ
của chị có phải là bà Béate không?"
Chị nữ tu vô cùng ngạc nhiên:
-"Nhưng tại sao ông lại biết tên mẹ tôi?"
Đến đây thì viên sĩ quan nghẹn ngào thú
nhận: -"Thưa chị, tôi chính là Nam tước Charles, con trai của nữ Nam tước
mà mẹ chị đã tận tuỵ hầu hạ bấy lâu. Chính tôi là người mà chị và Nhà Dòng đã
cầu nguyện cho suốt mười sáu năm qua.
Có nhiều người sống như không bao giờ
phải chết. Có nhiều người sống như thể thế giới sẽ vô tận. Có nhiều người sống
như thế gian này đã là thiên đàng. Họ bị ru ngủ bởi những hoan lạc trần thế.
Trái tim họ "ra nặng nề, vì chè chén say sưa".
Họ bị chìm ngập trong những tính toán
làm ăn, lo toan cho cuộc sống hiện tại, mà quên tìm lẽ sống thật.
Họ bị cuốn hút bởi đam mê danh vọng,
quyền lực mà quên đi có những cái bất ngờ sẽ đến.
Viên sĩ quan trong câu chuyện trên đây
là một điển hình.
Cuộc sống con người không thiếu những
bất ngờ.
Có những bất ngờ thú vị làm cho chúng
ta vui sướng khôn nguôi.
Có những bất ngờ bi thảm khiến chúng ta
đau khổ tột cùng.
Mùa Vọng nhắc lại lần đến đầu tiên của
Con Thiên Chúa, và kêu gọi chúng ta chuẩn bị lần đến cuối cùng của Người. Ngày
đó khi nào xảy đến, chẳng ai biết được. Nó đến bất ngờ như "chiếc lưới
chụp xuống mọi người sống trên mặt đất" (Lc. 21, 35). Giữa hai lần ấy, có
biết bao lần Người bất ngờ đến. Đó là ngày tận cùng của mỗi người chúng ta.
Mùa Vọng là mùa Tỉnh thức
Nếu chúng ta luôn "tỉnh thức và
cầu nguyện" (Lc. 21, 36), luôn sẵn sàng và thanh thoát, thì việc Người đến
sẽ là một bất ngờ thú vị. Ngày đó, chúng ta sẽ không phải "lo lắng hoang
mang trước cảnh biển gào sóng thét" (Lc. 21, 25), chúng ta sẽ không
"sợ hãi đến hồn xiêu phách lạc" (Lc. 21, 26), nhưng sẽ "đứng
thẳng và ngẩng đầu lên" (Lc. 21, 28), vì chúng ta sắp được lãnh ơn cứu độ.
Lạy Đức Kitô, ngày Chúa đến như vị Thẩm
Phán, vũ trụ này sẽ xáo trộn sâu xa; nhưng xáo trộn kinh khủng nhất lại chính
là xáo trộn trong cõi lòng.
Xin cho chúng con biết "tỉnh thức
và cầu nguyện", để tâm hồn luôn sẵn sàng và thanh thoát, hầu khi Chúa đến
sẽ là giây phút được mong đợi, và là một cuộc hạnh ngộ đầy hoan lạc và yêu
thương. Amen.
15. Cuộc sống tỉnh thức – André Sève.
Mở đầu mùa Vọng, chúng ta nghe những
mệnh lệnh của Chúa Giêsu: "Hãy đứng dậy!" "Hãy ngẩng đầu
lên!" "Hãy cảnh giác!" "Hãy tỉnh thức!" "Hãy cầu
nguyện!".
Chúng ta có thể nói đây là một sự giật
mình tỉnh thức. Loại bỏ hình ảnh các Kitô hữu tiến bước uể oải hoặc sợ sệt
trong cuộc sống. Họ bước đi đầu ngẩng cao, hướng về một thế giới kỳ diệu:
"Các ngươi sẽ thấy Con Người đến trong quyền năng và vinh quang".
Chắc chắn, đối với những Kitô hữu, cuộc
sống cũng khó khăn như đối với những người khác, cũng vẫn có những trộn lẫn hy
vọng và thất vọng, những lúc vui vẻ và những lúc chán chường. Sự khác biệt to
lớn đó là chúng ta biết rằng tất cả những điều đó có một ý nghĩa toàn bộ mặc
dầu trong chi tiết, những điều đó có vẻ đen tối. Chúng ta biết chúng ta đến từ
đâu và chúng ta đi đâu: được sinh ra từ tình yêu, chúng ta sống dưới cái nhìn
của tình yêu và chúng ta đi về tình yêu. Đôi khi người ta nói với chúng ta:
"Đức tin của bạn có thay đổi được gì không?". Tất cả! Như mặt trời
vậy. Chúng ta sống cũng những điều như thế, nhưng trong ánh sáng. "Ai đi
theo Ta, kẻ ấy không bước đi trong bóng tối", Chúa Giêsu nói như thế.
Chúng ta bước đi trong ánh mặt trời của
lần Chúa Kitô đến đầu tiên: Giáng Sinh. Và chúng ta tiến bước về ánh sáng của
lần Ngài đến cuối cùng: Ngày Quang Lâm. Giữa hai lần này, chúng ta mở rộng cuộc
sống và thế giới hết cỡ cho điều bí ẩn hơn, tiệm tiến hơn: đến được những ý
tưởng của Chúa Kitô, sức mạnh yêu thương và niềm tin không lay chuyển vào Chúa
Cha.
Cũng sống trong ánh sáng, đứng vững
trong tình yêu và niềm tin, đó là sự tỉnh thức Kitô: "Hãy tỉnh
thức!". Gần đây, những kỹ thuật tỉnh thức của Đông phương lan truyền tại
Tây phương: hít thở nhiều hơn, chú ý nhiều đến điều chúng ta đang làm,
"hiện diện ở đó", tự do, thư giãn, cởi mở, sẵn sàng để sống tối đa
vào mọi giây phút. Tại sao không lấy đó làm một lời mời gọi người Kitô hữu tỉnh
thức? Đây là ước muốn sống đức tin của chúng ta một cách triệt để.
Chúng ta có thể mô tả cuộc sống tỉnh
thức này hay không? Mỗi buổi sáng là một sự gặp lại Chúa Giêsu Kitô và Tin Mừng
của Ngài. Qua việc đọc một đoạn ngắn, một kinh ngắn hoặc một kinh nguyện dài
hơn, chúng ta lại quyết định chú ý đến Chúa, đến nhiệm vụ, đến những người mà
chúng ta sắp sửa gặp. Nhưng sẽ phải không ngừng coi chừng sự "nặng nề chậm
chạp của con tim chúng ta". Chúa Giêsu nói thẳng: Anh em phải đề phòng,
chớ để lòng mình ra nặng nề vì chè chén say sưa, lo lắng sự đời".
Ngài cũng chỉ cho chúng ta biết phải
lấy ý chí tỉnh thức ở đâu: "Hãy cầu nguyện!". Những người xao lãng
mệnh lệnh này ngày hôm nay phải để cho lời cảnh cáo nặng nề cuối cùng này lọt
tai: "Vậy anh em hãy tỉnh thức và cầu nguyện luôn, hầu đủ sức thoát khỏi
mọi điều sắp xảy đến và đứng vững trước mặt Con Người".
16. Đứng lên.
Cùng với Chúa nhật thứ I Mùa vọng, hôm
nay chúng ta cử hành ngày đầu năm phụng vụ. Thánh lễ này mời gọi chúng ta lại
hướng về Thiên Chúa như hướng về Đấng đang đến, tức là hy vọng, chờ mong và
nhận ra Ngài đến ở chúng ta. Vì mùa vọng là những ngày mong đợi Ngài đến.
Để đánh dấu ngày đầu năm phụng vụ, có
lẽ phải nhìn lại một chút chu kỳ phụng vụ, để rồi chúng ta lại quay về Đấng mà
chúng ta dám hy vọng và khẳng định rằng Ngài đang đến. Nhưng việc Chúa đến và
niềm hy vọng Chúa đến nằm trong một chuyển động liên tục, chuyển động của đức
tin. Quả thật làm sao chúng ta có thể hy vọng hoặc nhận ra ai đó đang đến nếu
chúng ta không tin nơi người ấy, nếu chúng ta không biết người ấy?
Để nhấn mạnh vị trí của mùa vọng trong
chuyển động của đức tin, bản văn Tin Mừng hôm nay được chọn không phải ở đầu
nhưng ở cuối Tin mừng thánh luca. Bởi vì chúng ta không chỉ đợi chờ ngày Giáng
sinh của Đấng Cứu thế – đã xảy ra từ hơn 2000 năm nay, nhưng còn chờ đợi việc
Ngài trở lại trong vinh quang, việc này cuối cùng sẽ cho chúng ta nhìn thấy thế
giới trong ánh sáng hoàn toàn, "đứng lên trước mặt Con Người". Vì vấn
đề là chúng ta có thể đứng lên trước mặt Chúa Giêsu, vì chính Ngài sẽ đứng
trước mặt chúng ta. Kỳ thực, như toàn bộ Tin mừng và đức tin Kitô khẳng định,
Ngài đã đứng đó với chúng ta rồi.
Vậy sống mùa vọng không những là hy
vọng và chờ đợi Chúa đến; mà còn sẵn sàng nhận ra sự hiện diện của Ngài ở giữa
chúng ta, dù không trông thấy những dấu lạ lùng nơi mặt trời, mặt trăng và các
tinh tú. Sống mùa vọng trong thế giới chúng ta là chuẩn bị ngẩng đầu lên mặc dù
quyền uy và vinh quang của Con Người không hiện diện ở đó. Sống mùa vọng là hy
vọng rằng Thiên Chúa luôn luôn được tỏ hiện trong đời chúng ta, không phải chỉ
vào ngày tận thế, hoặc vào ngày phán xét cuối cùng, nhưng ngay hôm nay. Nhưng
điều này đòi hỏi chúng ta phải biết đọc những dấu chỉ của Chúa và sự hiện diện
của Ngài ngày hôm nay, nơi bản thân và xung quanh chúng ta. Điều này đòi hỏi
chúng ta phải hiểu biết Ngài và quan tâm đến Ngài hơn nữa.
Dấu lạ là cần thiết khi sự chú ý yếu
đi. Nhưng chúng ta lại chẳng thấy trong đời mình những dấu lạ ấy, những biến cố
làm chúng ta chú ý đó sao, và đôi khi chúng ta tránh vì sợ ý nghĩa và sự
tháchthức của những dấu lạ đó hoặc tầm thường hóa chúng ta vì ta đã thấy nhiều
quá rồi. Vậy nên ta phải cùng nhau nghe lại Lời Chúa trong Cựu ước và Tân ước,
cùng nhau ý thức lại sự hiện diện của Thiên Chúa nơi Chúa Giêsu là như thế nào
đến nỗi Ngài đã hiến dâng mạng sống mình để cho thế giới được sống.
Mặc dầu danh từ mùa vọng gần với
"mạo hiểm" hơn là "chờ đợi" nhưng chúng ta thường đồng hóa
mùa vọng với chờ đợi. Tôi nghĩ chúng ta cần phải sống mùa vọng như một cuộc mạo
hiểm, cuộc mạo hiểm mà Thiên Chúa thực hiện giữa chúng ta, từ việc Chúa Giêsu
ra đời vào ngày Giáng sinh, đến việc Giáo Hội sinh ra ngày lễ ngũ tuần. Cuộc mạo
hiểm này, được Tin mừng và toàn bộ Thánh Kinh làm chứng, nhắc nhở chúng ta phải
sống, chứ không chỉ chờ đợi mà thôi. Thí dụ chúng ta hãy nghĩ đến những gì đã
xảy ra cho chúng ta khi chờ một cú điện thoại của người thân và chúng ta phải
thất vọng vì nó không đến. Lúc đó chúng ta đâm ra chán nản vì sự trễ nải hoặc
thờ ơ của người kia mà càng lúc chúng ta càng bị lệ thuộc.
Đôi khi chúng ta lại chẳng chờ mong
Thiên Chúa như một kinh nghiệm lệ thuộc đó ư? Chỉ mong sao cho Đấng sẽ cứu
chúng ta, sẽ phán xét và chỉnh đốn thế giới đến mau cho rồi! Nói cách khác,
mong sao cho đấng sẽ sống thay chúng ta cuộc mạo hiểm của đời sống của chúng ta
đến mau cho rồi, trong lúc cuộc mạo hiểm đó là của chúng ta dù được sống cùng
với Thiên Chúa đi nữa! Tôi nghĩ rằng chúng ta phải cùng với Chúa sống mùa vọng,
sống cuộc mạo hiểm hoặc việc Chúa đến phán xét và chỉnh đốn thế giới chúng ta.
Đó cũng là việc hoán cải mà mùa vọng mời gọi chúng ta làm.
Lúc đó chúng ta có thể nhận ra vinh
quang của đấng mà chúng ta tuyên xưng là Chúa của chúng ta. Lúc đó chúng ta có
thể nói cùng với vị ngôn sứ:"Chúa là sự công chính của chúng ta", và
có thể đứng trước mặt Ngài. Bởi vì chúng ta đã sống tình yêu của Ngài... trong
lúc chúng ta chờ mong Ngài. Bởi vì chúng ta đã sống cuộc mạo hiểm làm người của
chúng ta dưới dấu hiệu tình yêu của Ngài, bất chấp mọi nguy hiểm và khó khăn.
17. Suy niệm của JKN.
Chúa đến để khai mạc một kỷ nguyên mới:
một trời mới, đất mới
Câu hỏi gợi ý:
1. Nếu biết trong tuần tới kẻ trộm sẽ
đến nhà bạn, không biết vào lúc nào, ngày hay đêm, bạn có làm gì khác lạ hơn
bình thường không? Tại sao?
2. Tỉnh thức nghĩa là là gì? Cho một
vài thí dụ khác nhau về tỉnh thức.
3. Để tỉnh thức theo tinh thần bài Tin
Mừng hôm nay, một cách cụ thể thì phải làm những gì?
Suy tư gợi ý:
1. Nếu tôi biết tuần này kẻ trộm sẽ đến
nhà tôi, thì ...
Chúng ta thử xét một cách thật nghiêm
túc xem: phản ứng, tư tưởng và thái độ của ta sẽ thế nào khi được báo tin chắc
chắn một bọn trộm cướp đã dự định đến «thăm» nhà ta tuần này. Được tin ấy, thử
hỏi ban đêm ta còn ngủ yên như mọi khi không? Nếu ta đoán kẻ trộm cũng có thể
đến cả vào ban ngày nữa, thì ta có đề phòng cả ban ngày không? Ta có dám bỏ nhà
đi đâu xa những ngày này, và giao phó nhà cửa cho đám con cái còn bé nhỏ chưa
kinh nghiệm không? - Nếu đoán biết kẻ trộm sẽ đến, chắc chắn ta sẽ gia tăng đề
phòng, không để cho chúng lấy đi của ta bất kỳ đồ vật gì. Muốn đề phòng hữu
hiệu, ta phải canh thức liên tục, không ngừng nghỉ. Ngừng đề phòng lúc nào là
kẻ trộm có thể đến lúc ấy, nhất là vào những lúc chúng biết ta mệt mỏi, lơ là.
Nếu đề phòng liên tục, chắc chắn kẻ trộm sẽ thất bại.
Chỉ vì sợ mất của cải vật chất chóng
qua mà ta lo canh phòng như vậy, lẽ nào mạng sống tâm linh của ta, của cải tâm
linh của ta là cái quí hơn hàng trăm ngàn lần, ta lại không lo lắng canh giữ?
2. Cách sống hiện tại quyết định số
phận vĩnh cửu
Số phận vĩnh cửu của ta tùy thuộc cách
sống hiện tại của ta. Cuộc sống hiện tại trong thời gian là mầm cho cuộc sống
vĩnh cửu mai sau. Mầm tốt sẽ trở thành cây tốt, mầm xấu sẽ trở thành cây xấu.
Cuộc sống vĩnh cửu đã bắt đầu ngay trong cuộc sống hiện tại, và định hình vĩnh
viễn ngay khi ta chấm dứt cuộc sống này, nghĩa là ngay khi ta chết. Nhưng ta
chết lúc nào? Không ai biết được! Những người chết trong hai tòa nhà cao tầng ở
New York ngày 11-9-2001, hay trong tòa nhà 6 tầng các Trung Tâm Thương Mại tại
Sàigòn ngày 29-10-2002 không ai ngờ được trước khi vào đó rằng hôm ấy là ngày
tận số cuộc đời mình. Không ngờ được vì thấy rằng còn gì bảo đảm an toàn hơn
khi ở trong những tòa nhà kiên cố ấy? Thế mới biết tai họa hay cái chết có thể
đến bất kỳ lúc nào, trong bất kỳ hoàn cảnh nào, ở bất kỳ nơi nào. Đối với cái
chết, chẳng lúc nào, chẳng nơi nào, chẳng tình trạng sức khỏe nào là an toàn
cả! Thật đúng như thánh Phao-lô nói: «Khi người ta nói: "Bình an biết bao,
yên ổn biết bao!" thì lúc ấy tai họa sẽ thình lình ập xuống» (1Tx 5,3).
Cái chết đến quả thật như kẻ trộm! không thể biết trước hay đoán trước được lúc
nào, cách nào, và thế nào! Tuy nhiên, chết lúc nào, cách nào không phải là
chuyện quan trọng. Vấn đề hết sức quan trọng chính là: số phận đời sau của mình
thế nào?
Số phận của chúng ta đời sau chính là
kết quả của cách sống đời này. Nếu đời này chúng ta sống vị tha, yêu thương mọi
người đúng theo bản chất của mình là «hình ảnh của Thiên Chúa» cũng là «con cái
Thiên Chúa», thì đời sau chúng ta sẽ được sống trong một môi trường đầy yêu
thương, được gần gũi với chính Thiên Chúa của Tình Thương. Trái lại, nếu đời
này ta sống ích kỷ, ít tình thương, không tình nghĩa, thường lãnh đạm, nhạt
nhẽo, ganh ghét, hận thù... với tha nhân, thì đời sau chúng ta sẽ phải sống
trong một môi trường không có tình thương, đầy hận thù và xa cách Thiên Chúa.
Điều đó xảy ra không khác gì một quy luật, luật nhân quả: «Cây tốt thì sinh quả
tốt, cây xấu thì sinh quả xấu» (Mt 7,17). Tương tự như một người luôn yêu
thương và vui vẻ với mọi người, dễ dàng hy sinh, sẵn sàng chịu thiệt thòi cho
người khác, thì tự nhiên người ấy tạo ra chung quanh mình một bầu khí vui tươi,
thoải mái, yêu thương, và những ai ở gần người ấy đều tự nhiên cảm thấy hạnh
phúc và quí mến người ấy. Trái lại, một người ích kỷ chỉ nghĩ tới mình, chẳng
biết yêu thương hay hy sinh cho ai, chỉ mong người khác hy sinh, chịu thiệt cho
mình, tự nhiên người ấy sẽ tạo ra chung quanh mình một bầu khí ảm đạm, căng thẳng,
buồn tẻ, và chẳng mấy ai cảm thấy hứng thú gì khi ở với người ấy.
3. Ngày của Chúa
Đối với mỗi cá nhân, Ngày của Chúa -
hay ngày Chúa đến - chính là ngày ta chấm dứt cuộc đời trần thế để đến trình
diện trước mặt Chúa hầu được quyết định về số phận vĩnh cửu của mình. Đối với
toàn thế giới, Ngày của Chúa chính là ngày tận thế, ngày mà tất cả mọi người đã
từng sống trên trần gian đều phải trình diện trước mặt Chúa. Ngài sẽ phán xét
Giáo Hội cũng như tất cả mọi thể chế trần gian, mọi tôn giáo, mọi chủ nghĩa,
mọi ý thức hệ, mọi nền văn hóa, mọi chế độ, mọi quốc gia, mọi tầng lớp, mọi
giai cấp, mọi tập thể... Lúc đó mọi dân mọi nước, mọi tôn giáo, mọi nền văn hóa
sẽ biết rõ ràng và dứt khoát đâu là đúng đâu là sai. Lúc đó, tất cả mọi bí mật
trên thế giới trong tất cả mọi lãnh vực đều được tỏ lộ, phanh phui cho tất cả
mọi người thấy, không một che dấu nào mà không bị hiển lộ... Trước mọi sự được
tỏ bày, ai nấy đều tự mình biết mình là công chính hay tội lỗi, và công chính
hay tội lỗi ở mức độ nào. Mọi người sẽ tâm phục khẩu phục khi thấy số phận của
mình, của mọi người và từng người được ấn định một cách hết sức công bằng, hợp
lý và quang minh.
Ngày ấy sẽ là ngày vui mừng, vinh quang
cho những người thật sự công chính, vì họ sẽ được giải oan, được mọi người nhìn
nhận sự trong sạch, ngay thẳng, và tất cả những gì tốt đẹp của mình, đồng thời
được hưởng hạnh phúc vĩnh cửu. Nhưng ngày ấy sẽ là ngày u buồn, nhục nhã, xấu
hổ cho những người giả công chính, giả đạo đức, những kẻ gian ác, vì mọi giả
dối, xấu xa, gian ác của họ, dù được giấu diếm kỹ càng đến đâu cũng đều bị lột
trần, phanh phui trước mọi người, và số phận của họ sẽ là đau khổ muôn đời.
4. Thái độ tỉnh thức và sẵn sàng
Ngày của Chúa đến như kẻ trộm, không ai
biết trước được, và là ngày qui định dứt khoát số phận đời đời của ta. Vì thế,
thái độ khôn ngoan nhất của ta là luôn luôn tỉnh thức, lúc nào cũng ở trong tư
thế sẵn sàng, để ngày ấy dù có bất ngờ tới đâu, cũng là ngày đem lại vinh quang
và hạnh phúc vĩnh cửu cho ta. Như vậy, thái độ tỉnh thức là thái độ nào?
Tỉnh thức trái với ngủ quên, trái với
tình trạng mê mải, bị thu hút bởi một sự việc gì, khiến ta quên mất điều ta
phải nhớ, phải canh chừng. Một minh họa cụ thể: Nhiều khi người nhà tôi bận
việc, yêu cầu tôi canh chừng ấm nước sôi. Tôi nhận lời với tất cả ý thức. Nhưng
chờ lâu quá, để tiết kiệm thì giờ, tôi lại tiếp tục viết bài. Tới lúc chợt nhớ
tới ấm nước thì đã quá muộn, ấm đã cạn sạch nước. Chậm một chút nữa là ấm sẽ bị
cháy! Công việc đã thu hút tôi đến mức làm tôi quên canh chừng!
Tỉnh thức theo nghĩa của bài Tin Mừng
hôm nay là luôn luôn ý thức được mục đích cuộc đời mình là sống xứng với phẩm
giá cao cả của mình là hình ảnh và là con cái Thiên Chúa, nhờ đó đạt hạnh phúc
vĩnh cửu. Điều đó đòi hỏi tôi phải sống phù hợp với tinh thần Tin Mừng là tinh
thần yêu thương, cụ thể nhất là yêu thương những người gần mình nhất. Điều tôi
cần quan tâm không chỉ là tránh gây nên những bất lợi cho tha nhân, mà còn là
làm những gì họ cần tôi làm cho họ. Trong đoạn Tin Mừng về ngày phán xét cuối
cùng (Mt 25,31-46), ta thấy Thiên Chúa đặc biệt phán xét về những thiếu sót,
những điều mà ta không làm cho tha nhân khi họ cần ta làm. Ta thường tưởng rằng
mình không làm điều gì bất lợi cho tha nhân thì có nghĩa là mình vô tội, mình
công chính. Nhưng thực ra khi mình không làm những việc mình phải làm hoặc có
thể làm cho tha nhân, thì mình đã trở thành kẻ có tội và đáng bị kết án rồi. Cụ
thể như khi đứng trước một bất công, giả như tôi lên tiếng thì bất công ấy đã
không xảy ra, hoặc sự công bằng đã được trả lại cho người bị bất công, nhưng
tôi đã không lên tiếng chỉ vì một sợ hãi mơ hồ nào đó. Điều đó chứng tỏ rằng
tôi không có đủ tình thương. Chính những tội về thiếu sót ấy làm tôi không xứng
đáng với hạnh phúc vĩnh cửu.
Chúng ta có thể trở nên «mê ngủ», mất
tỉnh thức khi ta bị thu hút bởi danh, lợi, quyền, thú vui trần tục. Nhiều người
mê mải tìm kiếm tiền bạc, quyền lực... đến nỗi chẳng những quên đi bổn phận
mình phải làm cho tha nhân (đói cho ăn, khát cho uống, lên tiếng trước bất
công...), mà còn sẵn sàng làm những điều bất lợi cho tha nhân nữa (vu khống,
gây bất công, thù oán, giết người...) Bất kỳ điều gì có thể làm chúng ta say mê
trong cuộc đời, thậm chí là những điều tốt (công việc, chuyện làm ăn, sở
thích...), cũng có thể làm ta mất tỉnh thức. Ngay cả việc thờ phượng Chúa (dâng
lễ, đọc kinh, cầu nguyện...) cũng có thể ru ngủ ta, làm ta quên cả bổn phận
mình phải làm cho tha nhân. Thờ phượng Chúa kiểu này chắc chắn không phải là
kiểu đẹp lòng Thiên Chúa, Ngài rất nhờm tởm kiểu thờ phượng này (x. Is
1,11-19). Đáng lẽ việc thờ phượng Thiên Chúa đích thực phải giúp ta ý thức đến
bổn phận của ta đối với tha nhân một cách hữu hiệu. Vậy, một cách cụ thể, tỉnh
thức chính là luôn luôn ý thức, quan tâm làm những việc mình phải làm hoặc có
thể làm cho tha nhân.
Cầu nguyện
Lạy Cha, thì ra có rất nhiều điều có
thể làm con mê ngủ, không tỉnh thức. Điều làm con rất ngạc nhiên là ngay cả
những đam mê tốt lành như đam mê đi lễ, đam mê cầu nguyện, đam mê làm tông đồ,
đam mê làm ăn... có thể làm con quên đi bổn phận mà con phải làm đối với những
người chung quanh con: cha mẹ, anh chị em, vợ con, bạn bè, hàng xóm... Con có
bổn phận rất quan trọng là phải làm cho họ nên tốt lành và được hạnh phúc. Xin
Cha đừng để những đam mê tốt lành ấy làm con mất tỉnh thức.
18. Suy niệm của Lm. Mark Link.
CHẾT ĐẾN NƠI MÀ VẪN LO DỌN DẸP SAO?
"Hãy tỉnh thức và cầu nguyện chờ
Chúa đến với chúng ta"
Đêm 15.04.1912, tàu TITANIC đang chạy
trên vùng Bắc Đại Tây Dương thì đụng vào một tảng băng, con tàu lâm nguy và bị
đắm, hơn 1.500 người thiệt mạng. Đó là một trong những tai nạn đường biển khủng
khiếp nhất trong lịch sử từ trước tới nay.
Cách đây vài năm, có một tạp chí đã
nhắc lại thảm hoạ này và nêu ra cho độc giả một câu hỏi nghe lạ tai mang đầy
tính châm biếm: "Lúc tàu TITANIC đang chìm, nếu chúng ta có mặt ở đó, liệu
chúng ta có còn tiếp tục dọn dẹp bàn ghế trên tàu không?"
Thoạt tiên ai cũng tự nhủ: "Câu
hỏi này mới khôi hài làm sao!", vì ngay lúc còi hụ báo tàu đang chìm thì
người có tâm trí bình thường; ai mà lo đi thu xếp bàn ghế? Người có chút tỉnh
táo thì ai lại có thể phớt lờ tiếng kêu la của đám người sắp chết đuối, để mải
mê lo dọn dẹp bàn ghế!"
Tuy nhiên, cứ tiếp tục đọc bài báo đó,
chúng ta sẽ hiểu được tại sao tác giả lại nêu lên câu hỏi kỳ quặc trên, để rồi
đột nhiên chúng ta sẽ tự hỏi chính mình "Khi chiếc tàu đang chìm xuống như
thế, biết đâu chừng mình lại tiếp tục dọn dẹp bàn ghế? Chẳng hạn như mình vẫn
cứ mải mê lo những chuyện vật chất đời này đến nỗi bỏ bê cả những việc thiêng
liêng đạo đức của mình? Hay mình cứ miệt mài kiếm sống đến nỗi chả còn đầu óc
để chú ý đến cùng đích cuộc sống là gì nữa? Hay mình đã quá đắm mình trong cuộc
sống đến nỗi quên mất lý do tại sao Chúa đã trao ban cuộc sống ấy cho mình?
"Khi chiếc tàu đang chìm, liệu
chúng ta có mải mê lo thu xếp đồ đạc trên tàu mà quên mất mình sắp chết đến nơi
chăng?" Câu hỏi đó trùng hợp một cách lạ lùng với câu hỏi mà Giáo Hội muốn
nêu ra cho chúng ta trong Mùa Vọng này. Cả ba bài đọc trong Thánh Lễ hôm nay
đều kêu gọi chúng ta tự vấn "Liệu chúng ta có tiếp tục mải mê thu xếp đồ
đạc mà quên mất nguy hiểm là chiếc tàu đang chìm không? Chúng ta có quá bận rộn
với cuộc sống này đến nỗi quên rằng mục đích cuộc sống này là để chuẩn bị cho
cuộc sống mai sau không?" Quả thế, trong bài Phúc âm hôm nay, Chúa Giêsu
cảnh cáo chúng ta: "Các con đừng bê tha chè chén say sưa hay quá lo lắng
sự đời", nghĩa là Ngài khuyên chúng ta hãy tỉnh thức và cầu nguyện chờ
Chúa đến. Chủ đề này được lập đi lập lại trong Phúc âm dưới nhiều hình thức.
Chẳng hạn ở một đoạn Phúc âm khác, Chúa Giêsu nói: "Hãy coi chừng; hãy
tỉnh táo: các con không biết được ngày giờ nào Con Người sẽ đến, vào giấc tối,
nửa đêm, lúc gà gáy hay vào buổi sáng... điều Ta nói với các con cũng là điều
Ta muốn nhắn nhủ mọi người đó là Hãy tỉnh thức" (Mc. 33, 35-36).
Như vậy rõ ràng Mùa Vọng mời gọi chúng
ta tỉnh thức và cầu nguyện để chờ đón Chúa đến.
Tôi xin đưa ra một ví dụ cụ thể để minh
hoạ điều Chúa Giêsu muốn nói khi Ngài bảo chúng ta hãy tỉnh thức và cầu nguyện
để chờ đón Chúa đến.
Cách đây mấy năm, tại Hollywood, có một
tài tử điện ảnh đột nhiên ngã bệnh. Sau khi khám bệnh cho anh, ông bác sĩ riêng
của anh đã thẳng thắn nói cho chàng tài tử biết: "Tình trạng sức khoẻ của
anh bi đát lắm: chúng tôi cần phải thực hiện một cuộc giải phẫu kéo dài 36
tiếng đồng hồ, may ra mới có thể cứu sống anh được". Về sau, chàng tài tử
ấy đã thực sự thú nhận: "Trong 36 tiếng đồng hồ ấy, tôi đã học được nhiều
điều hơn 36 năm trước đó của tôi, và tôi đã cảm nghiệm được. Tôi khám phá ra
rằng tôi chẳng hề sợ chết vì trước đó tôi có thói quen mỗi ngày cầu nguyện với
Chúa Giêsu và bây giờ khi phút giây cam go xảy đến tôi cảm nhận được kết quả
của lời cầu nguyện ấy. Chính lúc đó tôi mới khám ra rằng nhờ những lời tâm sự,
nói chuyện hàng ngày với Đức Giêsu trước đó, mà giữa Ngài và tôi chẳng xa lạ gì
nhau, chúng tôi đã trở nên đôi bạn chí thân".
Phúc cho ai nói lên được lời này khi
Chúa đến: "Lạy Chúa, sau bao năm trung thành với việc tỉnh thức cầu
nguyện, giờ đây con vui mừng được diện kiến Ngài". Hãy tỉnh thức và cầu
nguyện, đó chính là sứ điệp Giáo hội truyền dạy chúng ta trong chúa nhật thứ
nhất Mùa Vọng này. Vậy, chúng ta hãy lo tỉnh thức cầu nguyện để khi Chúa Giêsu
đến, Ngài sẽ nói với chúng ta:
"Hãy đến đây, hỡi các con yêu dấu
của Ta. Sau bao năm tháng xa cách, Ta thật hết sức vui mừng được gặp lại các con".
Tôi xin kết thúc bài giảng hôm nay bằng
lời cầu nguyện của một tác giả vô danh thuộc một trường dành cho dân da đỏ tên
là Red Cloud (Hồng Vân) miền Pine Ridge tiểu bang South Dakota. Tư tưởng của
lời cầu nguyện này có liên quan đến chủ đề phụng vụ hôm nay là Hãy Tỉnh Thức và
Cầu Nguyện:
"Kính lạy Thần Trí cao vời, hơi
thở Ngài đem đến nguồn sống cho thế gian, con đang nghe tiếng Ngài thì thầm
trong gió thổi.
Xin hãy lắng nghe con là kẻ bé mọn yếu
hèn đang khấn cầu Ngài đây.
Xin cho con bước đi trên đường thiện
mỹ, đôi mắt lúc nào cũng chiêm ngắm cảnh hoàng hôn màu tím, cho đôi tay con
biết kính trọng mọi tạo vật của Ngài, và đôi tai con luôn nhạy bén nghe lời
Ngài nói
Xin cho con ơn khôn ngoan để hiểu thấu
những lời giáo huấn của Ngài, mà để con chế ngự kẻ thù hung hãn nhất là chính
bản thân mình.
Xin cho con luôn sẵn sàng đến gặp Ngài
với đôi tay thanh sạch và đôi mắt thẳng ngay và khi cuộc đời xế tàn tựa bóng
hoàng hôn lịm tắt, tâm hồn con không phải hổ thẹn khi diện kiến Ngài.
Amen."
19. Hãy nhìn đường - Gm. Arthur Tonne
Ít năm trước đây, một tài xế xe buýt
thuộc bang Oklahoma đạt kỷ lục xuất sắc. Trong 23 năm, anh lái xe buýt trên
1.500.000 km không gây một tai nạn nào. Khi được hỏi làm sao anh đạt được kỷ
lục ấy, anh trả lời đơn giản: "Hãy nhìn đường"
Bài Tin mừng hôm nay cho một lời khuyên
tương tự "Hãy tỉnh thức luôn". Đức Giêsu dùng nhiều kiểu nói:
"Hãy coi chừng". "Hãy để ý" "Hãy ngẩng đầu lên".
Đó không phải chỉ là lời khuyên có ích cho đời sống thiêng liêng, mà còn là qui
luật an toàn cho đời sống thường ngày nữa, chúng ta cũng thường nói: "Hãy
chú ý", "Hãy cảnh giác", "Ngẩng đầu lên", "Nhìn
cho kỹ".
Để lái một chiếc xe hay một chiếc xe
buýt, chúng ta "phải nhìn đường", một lực sỹ thể thao cần phải lẹ mắt
anh phải sẵn sàng đối phó với những cảnh huống bất ngờ, anh phải theo dõi trái
banh.
Muốn đạt kết quả trong trường. Người
học sinh phải nhìn thầy, cô giáo, các em phải chăm chú, lắng nghe, phải theo
dõi những gì đang diễn tiến, phải lắng nghe những thầy cô giảng.
Qui luật này cũng áp dụng cho công việc
thường ngày của chúng ta nữa; một bà mẹ canh chừng con nhỏ, để ý đến cái nồi,
cái chảo trên bếp, bà cũng phải chăm chú và cảnh giác.
"Ngước đầu lên" được áp dụng
đặc biệt trong phụng tự công chung của gia đình Thiên Chúa- nhất là trong Mùa
vọng này. Chúng ta phải tỉnh thức trong thánh lễ, không phải chỉ tỉnh thân xác
mà thôi, nhưng thức tỉnh cả tâm trí và linh hồn. "Hãy nhìn đường" có
thể đổi là "Hãy nhìn bàn thờ". Hãy theo dõi những lời cầu nguyện và
những câu đối đáp. Hãy mở miệng ca hát. Hãy cố gắng nắm lấy ý nghĩa những gì
bạn đọc, bạn hát. Hiểu ý nghĩa của từng lời, từng chữ.
"Hãy ngẩng đầu lên". Hãy nhìn
của Lễ Thánh, nhìn chén Máu Thánh châu báu. Chúng ta đang tiến đến cùng Chúa
Kitô trong lúc này. Ít phút nữa chúng ta sẽ gặp Ngài trong Giáng sinh của thánh
lễ. Ít tuần nữa chúng ta sẽ mừng Ngài trong giáng sinh của Belem. Ít năm nữa,
chúng ta sẽ ở với Ngài trong giáng sinh vô tận trên thiên đàng. Hãy chuẩn bị
cho cả ba lễ giáng sinh đó. Nhìn đường, nhìn bàn thờ.
Ý tưởng này lặp đi lặp lại trong bài
đáp ca hôm nay: "Ôi lạy Chúa, xin chỉ cho con đường lối của Chúa"
Xin dạy bảo con lối bước của Chúa...
xin hướng dẫn con trong chân lý của Chúa... Chúa chỉ cho con đường lối.. Chúa
hướng dẫn người khiêm nhường.. Mọi nẻo đường của Chúa thì thiện hảo và vững
bền.
Cuộc sống hàng ngày cũng giống như lái
một chiếc xe, nhất là chiếc xe buýt, chúng ta có trách nhiệm thiêng liêng với
tha nhân. Chúng ta cần một người chỉ đường và hướng dẫn.
Qua lời cầu nguyện và việc dâng Thánh
Lễ, xin Chúa Giêsu giúp chúng ta tỉnh thức, xin Người giúp chúng ta tránh khỏi
những gì làm chúng ta vấp ngã. Tránh khỏi những gì làm thiệt hại cho những
người chúng ta chịu trách nhiệm. Xin Chúa Giêsu giúp chúng ta đón nhận Người
đến trong Thánh Lễ, người đến trong Lễ Giáng Sinh và Người đến trong uy quyền
và vinh quang trong phút cuối cuộc hành trình của chúng ta. Amen.
20. Chú giải mục vụ của Hugues Cousin.
Diễn từ về "Cuộc trường chinh của
việc giải phóng"
Và sẽ có những điềm lạ trên mặt trời...
Lần này đó là những biến cố gắn liền với
ngày quang lâm được nói đến (cc. 25-27). Điều đáng chú ý là liên từ
"và": Chúa Kitô đi từ thời của dân ngoại đối với thành Giêrusalem đến
những biến động trong vũ trụ và không xác định chiều dài của thời gian giữa sự
tàn phá thành vào năm 70 với thời Tận cùng. Như thế, ngài mặc cho sự giày xéo
thành bởi các dân ngoại (c. 24) một màu sắc cánh chung. Đã hai nghìn năm rồi từ
ngày xảy ra biến cố ấy!
Những điềm lạ nói đây nghiêm trọng hơn
những điềm lạ ở câu 11: chúng sẽ đồng thời xảy ra trên mặt trời, mặt trăng và
các vì sao và sẽ gieo rắc lo âu sợ hãi cho toàn thể dân cư trên mặt đất. Trật
tự vũ trụ sẽ chao đảo như thể trở về với cái hỗn mang nguyên thuỷ ghi dấu thời
tận cùng của lịch sử. Các biến cố này đi liền trước ngày quang lâm của Con
Người, ngày đó được nhắc đến một cách ngắn gọn chứ không được mô tả. Trong khi
ngày đó là đích điểm của toàn thể lịch sử nhân loại, thì tầm quan trọng của nó
lại quá nhỏ trong bài diễn từ mà trọng tâm lại nằm ở chỗ khác.
Lúc ấy, Chúa Giêsu mới đưa ra một lời
diễn giải giúp khám phá ý nghĩa của diễn từ (cc. 28-32); Ngài nối kết các biến
cố Ngài vừa nói ở trên với các câu hỏi ban đầu về ngày giờ và dấu chỉ (xc.7).
Một ý tưởng trung tâm (c.28) được minh hoạ nhờ một dụ ngôn (cc.29-30) và nhờ
lời giải thích dụ ngôn ấy (c.31).
Trước hết là dấu chỉ. Những sự vật sinh
sản (cây đâm chồi nẩy lộc, trong dụ ngôn) cho phép các tín hữu suy diễn về sự
gần kề của ngày giải thoát vĩnh viễn (mùa hè gần đến, trong dụ ngôn; và Triều
Đại Thiên Chúa gần đến, trong lời giải thích). Nếu các sự việc này quy chiếu về
các biến động trong vũ trụ xảy ra trước ngày quang lâm của Con Người, thì chỉ
có thế hệ tín hữu cuối cùng mới bị liên hệ bởi sự gần kề của ơn cứu độ vĩnh
viễn. Và nếu Chúa Giêsu chỉ đưa ra việc trời đất rung chuyển như là dấu chỉ và
không đưa ra những điềm báo về sự sụp đổ của thần thánh, Ngài không mặc khải gì
mà lại đã không được nói đến trong các bản văn Cựu Ước liên quan tới Ngày của
Chúa (x. Is 13,10; Hg 2,6). Trong thực tế, dấu chỉ nằm nơi những biến cố lịch
sử xảy ra trước ngày Giêrusalem bị tàn phá (xc.20). Về lệnh truyền "Anh em
hãy đứng thẳng và ngẩng đầu lên", đặc biệt thích hợp cho các kẻ bị bách
hai (xc. 12tt); "Ngài không nói với các Kitô hữu vô danh sẽ còn sống vào
lúc quang lâm cho bằng, một cách cụ thể hơn, với các người đương thời của tác
giả Tin Mừng" (V.Fusco) và, qua họ, với tất cả các Kitô hữu sau này sẽ
nghe hoặc sẽ đọc Tin Mừng thứ ba. Các thành viên trong Giáo Hội của Luca –rồi
chúng ta hôm nay- phải sống trong sự xác tín rằng việc giải thoát họ thực sự
đang tới, rằng nó đã gần rồi. Như lời Tông đồ Phaolô: "Hiện này, ngày
Thiên Chúa cứu độ chúng ta đã gần hơn trước kia, khi chúng ta mới tin đạo...
Ngày gần đến" (Rm 13,11-12).
Câu 32 trả lời một cách long trọng cho
câu hỏi về ngày giờ: Mọi điều ấy sẽ xảy ra trong khi thế hệ này –đa số những
người đương thời với Chúa Giêsu Nagiaret- vẫn còn sống. Từ ngữ "mọi
điều" bao gồm toàn bô các biến cố tương lai đã được loan báo, kể và nhất
là biến cố quan trọng nhất" (V.Fusco). việc quang lâm, nghĩa là những dấu chỉ
là việc Con Người ngự đến, Luca không ngại ngần chi khi lấy lại lời truyền
thống này mà không thêm bớt gì, ông cũng đã làm như thế ở 9,27 với lời liên hệ
đến những kẻ sẽ không phải chết trước khi thấy Triều Đại Thiên Chúa, mạch văn
cho phép quy chiếu về biến cố hiển dung, rồi về thời gian lý tưởng giữa biến cố
Phục Sinh và Thăng Thiên. Câu 32 còn đi xa hơn: thế hệ đã chứng kiến biến cố
Đền Thờ bị phá huỷ cũng phải biết đến ngày quang lâm. Việc quang lâm của Chúa
Kitô vinh hiển bao trùm cuộc sống mọi tín hữu và không thể là biến cố thuộc về
một tương lai xa xôi.
Để kết luận lời tiên tri của mình, Chúa
Giêsu xác nhận thế giá và tính cách chắc chắn của lời hứa trước đây, cũng như
của toàn bộ diễn từ cánh chung (c.33): chúng vững bền hơn vũ trụ (x.16). Nói
thế rồi, Ngài đồng hoá lời của Ngài với lời Thiên Chúa mà Is 55,10-11 đã nhắc
đến hiệu quả.
Diễn từ kết thúc bằng một lời huấn dụ
tỉnh thức và cầu nguyện (cc. 34-35). Những chỉ thị đã được đưa ra cho các môn
đệ rất rõ ràng: lời cảnh giác phải đề phòng khỏi các lo lắng, trong phần giải
thích dụ ngôn hạt giống (8,14) và giáo huấn về thái độ thích hợp đối với của
cải vật chất (12,22tt), cảnh cáo chống lại việc say sưa, trong dụ ngôn người
quản lý trung thành (12,45-46). Về điểm này, tình trạng mà Giáo Hội của Luca
phải đương đầu không khác gì tình trạng ở các cộng đoàn của Phaolô. Các chỉ thị
được đưa ra ở 1Tx 5,4-8 –với cơ nguy, như ở đây, là ngày Phán xét đến bất thình
lình đối với các tín hữu- và ở Rm 13,11-13 rất giống nhau. Sự ngủ mê đe doạ các
cộng đoàn, bởi vì, trong Luca cũng như trong các thư của thánh Tông đồ, vang
lên lời kêu gọi hãy tỉnh thức, hãy chỗi dậy.
Hai tảng đá ngầm đối nghịch nhau, nhưng
lại phụ thuộc lẫn nhau, đang rình rập Giáo Hội: niềm hy vọng bồn chồn về ngày
trở lại gần kề của Chúa Kitô (2Tx 2,1-3) và sự vỡ mộng, cơn cám dỗ buông trôi
mọi hy vọng vào tương lai (x. 2Pr 3,4). "Càng nóng lòng trông đợi vào ngày
quang lâm, càng đắng cay vì nỗi thất vọng" (Fusco); và các ảo tưởng là
điều nguy hiểm cho đức tin. Rõ ràng đó là mối nguy thứ hai mà Luca sợ cho Giáo
Hội của mình –cũng là mối nguy đe doạ các cộng đoàn Công giáo Tây phương chúng
ta vào cuối thế kỷ XX này- và Luca phản ứng chống lại mối nguy ấy. Từ đó, ta
thấy sự kiện Chúa Kitô nói tiên tri, tuy có phân biệt, nhưng không hoàn toàn
tách rời việc Giêrusalem bị tàn phá khỏi ngày quang lâm. Cũng do đó, mà đã có
những xác quyết: từ cuộc tàn phá này, sự giải thoát các tín hữu đang gần kề;
mỗi tín hữu trong Giáo Hội của Luca –và mỗi người trong chúng ta- phải sống
trong mọi lúc thế nào hầu có thể có sức mạnh... mà đứng vững trước Con Người.
21. Chú giải của Noel Quesson.
Hôm nay, bắt đầu năm Phụng vụ mới. Sau
thánh Máccô, giờ đây thánh Luca trình bày cho ta Mầu nhiệm của Đức Giêsu.
Ngay từ Chúa nhật đầu tiên này, chúng
ta được đặt vào một biến cố "sớm hơn". Thời gian Mùa Vọng là thời
gian gợi lại việc Đức Kitô "đến": Ngài đã đến tại Bêlem ngày Giáng
sinh... Ngài đang đến trong mỗi biến cố, trong mỗi bí tích... Ngài sẽ đến vào
Ngày cánh chung.
Đức Giêsu nói với các môn đệ biến cố
Người quang lâm:
"Sẽ có những điềm lạ trên mặt
trời, mặt trăng và các vì sao. Dưới đất, muôn dân sẽ lo lắng hoang mang trước
cảnh biển gào sóng thét....".
Ở đây chúng ta tiếp cận với lối văn
"khải huyền". Loại văn chương này xuất hiện tại Israel, hai thế kỷ
trước Đức Giêsu, và kéo dài sau đó một thế kỷ nữa. Lối văn Kinh thánh này tiếp
theo thời kỳ ngôn sứ. Mọi hy vọng của các ngôn sứ đều đã đổ vỡ: dân Israel,
thay vì được độc lập lại bị tháp nhập và chịu lệ thuộc các đế quốc ngoại giáo
liên tiếp, khiến ta có cảm tưởng là lịch sử đã thoát khỏi bàn tay điều khiển
của Thiên Chúa. Đó là một gai chướng, một thử thách cho đức tin. Do đó, trước
hết, trào lưu khải huyền muốn phục hồi niềm hy vọng, bằng cách dù gặp thất bại,
vẫn lớn tiếng hô lên sứ điệp của các ngôn sứ: Thiên Chúa là chủ tể lịch sử.
Ngài sẽ chiến thắng: Chiến thắng trên sự dữ. Vì không ai biết chiến thắng sẽ
được thực hiện như thế nào, nên người ta diễn tả bằng một thứ ngôn ngữ ước lệ,
với những hình ảnh vũ trụ vĩ đại và lộng lẫy.
Theo kiểu nói truyền thống đó, ba
khoảng không gian lớn đều bị rung chuyển: bầu trời, trái đất, biển cả. Sự lộn
xộn ập xuống trên vũ trụ, để "tạo dựng" một thế giới mới. Ta có thể
so sánh với Isaia (13,9-10.34, 3-4), trong sách đó tác giả cũng dùng những hình
ảnh thảm lại để diễn tả sự sụp đổ của Babylon: đó là một bằng chứng nói lên, ta
không được hiểu những hình ảnh đó theo mặt chữ. Các vì sao sẽ "từ trời rơi
xuống", "mặt trời sẽ không còn chiếu sáng nữa", là cách nói nhằm
diễn tả Thiên Chúa là chủ tể. Cũng đừng quên rằng, phần lớn các dân tôc phương
Đông cổ đều thờ các tinh tú như những thần linh ngự trên cao, điều khiển thế
giới và quyết định số phận con người. Và ta nghĩ đến khoa tử vi cùng chiêm tinh
học hiện nay vẫn còn ăn khách. Nếu "chủ dân", các "goim",
tôn thờ các tinh tú như các thần linh mới, thì Israel trong truyền thống khải
huyền của mình đã tuyên bố rằng, sẽ có ngày những thần linh này bị tiêu tan một
cách thê thảm: các vì sao, mặt trời sẽ rớt xuống... không có thần nào khác,
ngoài Thiên Chúa!
Chính Luca cũng không ngần ngại sử dụng
thứ ngôn ngữ khải huyền này, để ghi lại một cuộc nhật thực vào lúc Đức Giêsu
tắt thở trên thập giá (Lc 23,44): đó là cách nhấn mạnh rằng, nhớ biến cố lịch
sử tại đồi Golgotha, Thiên Chúa đã dứt khoát can thiệp vào lịch sử loài người:
Đức Giêsu sẽ đến trên mây trời! Thế giới cổ xưa qua đi, một thế giới mới đã
khai sinh! Thập giá, đó là cuộc chiến thắng, là vinh quang của Ngài, mà buổi
sáng Phục sinh sẽ làm bừng dậy cách công khai trước một thái dương mới.
Muôn dân sẽ lo lắng hoang mang... Người
ta sợ đến hồn xiêu phách lạc, chờ những gì sắp xuống địa cầu, vì các quyền lực
trên trời sẽ bị lay chuyển.
Hơn thánh Máccô trong đoạn văn tương
tự, mà cách đây mười lăm hôm ta đã được nghe, thánh Luca nhấn mạnh đến phản ứng
của con người trước những biến cố như dấu chỉ: nghĩa là nhắm đến thảm kịch của
con người hơn là một xáo trộn có tính vật chất. Con người thuộc mọi thời đại
con người thời nay cũng như con người thời đó, thường có khuynh hướng xóa bỏ
"thời gian", coi thời gian như cái gì không an toàn. Chúng ta không
thích "biến cố", nghĩa là sự kiện bất ngờ, điều không dự kiến được.
"Điều gì sẽ xảy ra?". Những gì ta không biết trước luôn luôn đáng sợ.
Do đó, mới có những khuynh hướng bảo
thủ, duy truyền thống, cố làm mọi cách để không gì "xảy đến", không
gì "thay đổi" cả.
Vì thế, toàn bộ Kinh Thánh thường lặp
lại cho chúng ta rằng, "biến cố" là cuộc "thần hiện" của
Thiên Chúa: Người hiện đến, Người can thiệp qua các biến cố. Chẳng hạn, vì Đức
Giêsu đã báo trước, nên việc phá hủy thành Giêrusalem và Đền Thánh, là một biến
cố đáng sợ, dễ gây hoảng hốt... tuy nhiên, cũng là "dấu chỉ" báo hiệu
Đức Giêsu sẽ "đến trên mây trời" ' Như thể ngày nay ta loan báo một
cuộc cách mạng sẽ phá hủy Vatican và các vương cung thánh đường trong một cuộc
thánh chiến! Hơn nữa, cũng không thiếu những ngôn sứ luôn tuyên sấm giáng họa,
đưa tin về những tai ương tương tự hay còn tệ hại hơn: nào là hiểm họa nguyên
tử, nào là nạn nhân mãn, ô nhiễm lan tràn... nhiều ý thức hệ hiện nay chỉ nhằm
khai thác sự sợ hãi tự nhiên này của nhân loại. Phải chăng Đức Giêsu chỉ là một
trong những "ngôn sứ tuyên sấm giáng họa" trên, khi lợi dụng sự sợ
hãi để tranh thủ những kẻ ủng hộ mình?
Bấy giờ thiên hạ sẽ thấy con người đầy
quyền năng và vinh quang ngự trong đám mây mà đến.
Đức Giêsu không khai thác, nhưng giải
gỡ cho ta sự sợ hãi đó. Những "biến cố" gây xáo trộn, không kết thúc
mọi sự, không chỉ là khởi đầu cho một thế giới khác... chỉ báo trước một cuộc
gặp gỡ. Ngược lại với sự sợ hãi của con người, ở đây xuất hiện hình ảnh rực rỡ
của Con Người trong chính vinh quang của Thiên Chúa. Ta biết rằng, Đức Giêsu sử
dụng "thị kiến của Đa-ni-en" (Đn 7,18-14)... nhưng thay đổi hoàn
toàn. Triều đại của Thiên Chúa nhu Đa-ni-en mong đợi, phải chiến thắng các địch
thù của Israel bằng một thứ can thiệp mãnh liệt và kỳ diệu của Thiên Chúa trong
lịch sử. "Con người" tượng trưng cho "dân thánh của Đấng Tối
Cao", sẽ đến "từ trên đám mây trời". Thế nên, Đức Giêsu tự đồng
hóa với Con Người đó. Nhưng thoạt đầu, Ngài không xuất hiện như một hữu thể từ
trời: Ngài là con của Đức Maria. Ta biết rõ xuất xứ của Ngài. Ngài không hiện
diện "trong đám mây" Ngài hoàn toàn chia sẻ thân phận con người như
mọi người trên trần gian. Và đúng ra, chỉ khi chết trên thập giá, Ngài mới thực
sự bước vào trong Thế Giới Mới của Đấng Phục sinh đầy vinh quang và uy quyền...
như Ngài đã tiên báo khi bị xét xử trước Thượng Hội Đồng Do Thái (Lc 22,69).
Không xóa bỏ lịch sử, cái chết thảm hại của Đức Giêsu thực sự đã trở nên
"điểm xuất phát" của một lịch sử mới. Mùa Vọng là thời gian của một
cuộc khởi hành mới. Bản văn trên nhắc nhở chúng ta điều đó.
Khi những biến cố đó bắt đầu xảy ra anh
em hãy đứng thẳng và ngẩng đầu lên...
Vậy Khải Huyền (trong tiếng Hy Lạp, từ
này có nghĩa là "mạc khải"), đúng là một sứ điệp hy vọng. Chúng ta
ghi nhận hai thái độ tương phản. Trước những tai họa bên ngoài, là cuộc Quang
lâm của Đức Giêsu. Trước sự hốt hoảng của dân ngoại, là thái độ "đứng
thẳng" của các tín hữu. "Người ta sợ đến hồn xiêu phách lạc... thì
anh em hãy ngẩng đầu lên". Sư tương phản này còn rõ nét hơn trong toàn bản
văn, khi ta đọc tới dụ ngôn khá đặc sắc: "cây vả báo hiệu mùa tươi
đẹp" (Lc 21,29-30).
Vì anh em sắp được cứu chuộc...
Đối với nhiều người, điều xuất hiện như
một thứ hủy hoại sự kết thúc cuộc đời của Đức Giêsu trên thập giá, kết thúc
thành Giêrusalem, kết thúc đời mỗi người qua cái chết, chấm dứt các nền văn
minh, chấm dứt thế giới, nghĩa là mọi "biến cố" đều mang tính chết
chóc, thì đối với Đức Giêsu và đối với các tín hữu là những kẻ tín thác vào lời
Ngài, lại chính là khởi đầu cho công cuộc cứu độ. Đó là khẳng định trọng tâm
của Đức tin: Mầu nhiệm Phục sinh... mầu nhiệm chết đi để được sống!
Từ "Cứu chuộc" rất thông dụng
trong thư của Thánh Phaolô (1 Cr 1,30 - Rm 3,24-8,23 - Cl 1,14) nhưng trong các
Tin Mừng, chỉ thấy dùng ở đây. Ta cũng biết, Luca là đệ tử của Phaolô mà! Từ
"Cứu chuộc" được dịch từ "Redemptio" của Latinh. Nhưng nếu
để ý đến từ gốc của tiếng Hy Lạp "apolutrosi", người ta thường dịch
là "giải thoát". Như thế, Mùa Vọng là thời giải thoát đã đến gần. "Anh
em sắp được giải thoát! Anh em hãy đứng thẳng và ngẩng đầu lên!".
Vậy anh em phải đề phòng, chớ để lòng
mình ra nặng nề vì chèn chén say sưa, lo lắng sự đời kẻo ngày ấy như một chiếc
lưới bất thần chụp xuống đầu anh em.
Sau những lời khuyên khơi dậy hy vọng
và tin tưởng, bây giờ đến một lời khuyên giúp đề cao cảnh giác. Đừng để Đức
Giêsu bất thần hiện đến, nhất là khi Ngài đến lần cuối cùng. Lòng chúng ta có
nguy cơ trở nên nặng nề, vì những lo âu và vì đời sống quay cuồng, vì quá bận
tâm đến thế trần và vật chất, Đức Giêsu nói như thế.
"Oi dân của Ta, ngươi đã ra nặng
nề. Quá nhiều đồ ăn thức uống làm bụng ngươi trương lên. Quá nhiều đồ vật chi
phối ngươi. Quá nhiều an toàn đang trói buộc ngươi. Quá nhiều hư ảo đang xâm
chiếm ngươi. Quá nhiều ngu xuẩn đang chất đầy trên ngươi. Quá nhiều ảo ảnh đang
làm ngươi bối rối. Ôi dân Ta, ngươi đã quá nặng nề. Hãy trở lên nhẹ nhàng hơn.
Hãy sẵn lòng ra đi" (Ch. Singer).
Nên đề ra một chương trình tốt đẹp cho
Mùa Vọng: đó là thời gian làm cho mình ra nhẹ! Đó là thời gian "cõi lòng
nhẹ nhõm hơn". Bạn hãy giải thoát mình khỏi lo lắng thái quá về ăn uống!
Những lời trên đây có thể được viết cho thời đại chúng ta, cho nền văn minh
hưởng thụ chiếm hữu của ta.
Ngày ấy như một chiếc lưới, sẽ ập xuống
trên mọi dân cư khắp mặt đất Vậy anh em hãy tỉnh thức và cầu nguyện luôn, hầu
đủ sức thoát khỏi mọi điều sắp xảy đến và đứng vững trước mặt Con Người.
Tôi đừng để mình bị "chộp
bắt" bất thần, như con thú sa lưới. Hãy "tỉnh thức", luôn sẵn
sàng, luôn cảnh giác. Việc không biết ngày nào sẽ "xảy đến", không
thể đặt ta nằm trong trạng thái thụ động biếng trễ, nhưng làm cho ta trở thành
những con người "đứng thẳng" trong mọi lúc! Qua những lời trên, Đức
Giêsu muốn nhắc nhở chúng ta rằng, mỗi ngày đều có thể là ngày Chúa đến! Và cầu
nguyện, trong viễn tượng đó, là một thứ "canh phòng", chứ không phải
là một chạy trốn, một biếng trễ: Hỡi người canh gác, bạn nhìn thấy bình minh
đến chưa? Bạn có nhận thấy Đức Kitô đến không? Bạn có rình chờ những "dấu
chỉ" loan báo Ngài đến? Bạn đừng ngủ mê'! Mỗi khi cử hành Thánh Thể là một
chuẩn bị trước cho ngày đó, "cho tới khi Chúa đến". Maranatha? Lạy
Chúa Giêsu, xin hãy đến. Mùa Vọng là thời gian mong đợi.
22. Chú giải của Fiches Dominicales.
SỐNG TRONG MỘT THẾ GIỚI MAU QUA
HÃY TIN RẰNG MỘT THẾ GIỚI MỚI ĐANG ĐẾN
VÀI ĐIỂM CHÚ GIẢI
1. Qua lời lẽ kinh hoàng của lối văn
Khải Huyền...
Bài Phúc Âm hôm nay giống như trích
đoạn song hành trong Phúc Am Máccô mà ta đọc vào Chúa nhật 33 thường niên năm
B. Trước vẻ đẹp hùng vĩ và tráng lệ của Đền Thờ Giêrusalem, các môn đệ không
ngớt lời trầm trồ khen ngợi và muốn Thầy mình cùng chia sẻ lòng thán phục, thì
Đức Giêsu lại nhân cơ hội này nói lên một bài dài về con đường dẫn đến cuộc
giải thoát.
Lời lẽ của bài diễn từ có thể gây kinh
hoàng cho con người thời nay, nhưng lại rất quen thuộc với những người sống cùng
thời với Đức Giêsu. Đó là lối văn bàng bạc trong từng trang Kinh Thánh mà người
ta thường sử dụng để củng cố lòng tin của các tín hữu trong những giờ phút gian
truân khốn khó: lối văn "Khải Huyền" muốn "vén bức màn" (đó
là nghĩa của từ "apocalypse" = mạc khải) để hé mở cho ta thấy rằng
mặc dầu sự thể bên ngoài có trắc trở thế nào, thì Thiên Chúa vẫn đang âm thầm
hoạt động ngay trong hoàn cảnh đó. Việc mô tả quá quen trong lối văn chương này
– "mặt trời ra tối tăm", "mặt trăng không còn chiếu sáng",
"các vì sao từ trời rơi xuống", "các quyền lực trên trời bị lay
chuyển"... chỉ là một cách loan báo cuộc chiến thắng cuối cùng của Chúa
vào ngày tận cùng của lịch sử.
Thể văn của bài diễn từ và ngay cả từ
"Khải Huyền" đều là điều kỳ bí đối với độc giả thời nay - Hugues
Cousin nhìn nhận: từ "Khải Huyền" do từ Hy Lạp apocalypsis có nghĩa
là "vén màn" cho thấy điều bí mật ẩn khuất bên trong. Tại sao
"vén màn" những biến cố liên quan tới Cánh Chung, những biến cố đi
theo liền sự sụp đổ của thế giới cũ - thế giới của chúng ta để hướng tới thế
giới mới?
Câu trả lời có cơ sở, đó là một niềm
xác tín sâu xa trong Kinh Thánh rằng lịch sử các dân tộc không phải vô nghĩa,
bới lẽ Thiên Chúa dẫn dắt lịch sử ấy tới một cùng đích được sửa soạn chu đáo.
"Người sẽ cư ngụ cùng mới họ. Họ sẽ là dân của Người, còn chính Người sẽ
là Thiên-Chúa-ở-cùng-họ. Thiên Chúa sẽ lau sạch nước mắt họ. Sẽ không còn sự
chết; cũng chẳng còn tang tóc, kêu than và đau khổ nữa, vì những điều cũ đã
biến mất" (Kh 21,3-4). Đó chính là cuộc giải phóng chung cuộc vĩnh viễn
của lịch sử nhân loại"
2. ... là Tin Vui loan báo việc Chúa
quang lâm.
Chính trong bối cảnh một vũ trụ đổi
mới, không còn một chướng ngại nào mà Đức Giêsu trong Luca cũng như trong
Máccô, loan báo Tin Vui xuất hiện Vương quốc hòa bình và công chính của Người
vào lúc thời gian kết thúc. Ở đây Người coi mình như nhân vật kỳ bí của sách
Đanien (bài đọc 1, Chúa nhật trước) là "Con Người" ngự giá mây trời
mà đến cho đất trời cùng mở hội giao duyên.
Nhưng trong ngày ấy, kẻ sinh ra từ thế
giới mới sẽ là người tuyệt vời, chính người ấy đang hình thành, "đang tiên
đến gần". Thế nên người có lòng tin phải "đứng thẳng và ngẩng đầu
lên". Lệnh Chúa mà thánh sử truyền lại không phải chỉ được gởi đến cho
những Kitô hữu vô danh nào đó còn đang sống vào lúc Đức Giêsu trở lại; thánh sử
cũng gởi đến cho các Kitô hữu thời ngài, đang là đối tượng của những cuộc đàn
áp khủng khiếp đầu tiên, sau khi đã ngao ngán chứng kiến cảnh đổ nát của Đền
thờ Giêrusalem; sau cùng, thông qua những tín hữu kia, "ngài gởi đến cho mọi
kẻ có lòng tin mà sau này sẽ nghe hoặc sẽ đọc Tin Mừng thứ ba. Những giáo hữu
của giáo đoàn thánh Luca - rồi (chúng ta hôm nay - đều phải sống với niềm tin
chắc chắn rằng (công cuộc giải phóng họ thực sự dang tiến hành, đang gần
kề" (H. Cousin, sđd, trg 282).
3. Đòi hỏi người tín hữu phải luôn tỉnh
thức.
Được phấn khởi vì Tin vui về một Thế
giới mới sẽ tỏ hiện vào lúc tận cùng thời gian và ngay từ lúc này không những
hình thành trong giòng lịch sử của đời ta, người môn đệ Đức Kitô sẽ không được
phép ngủ mê hay sống tiêu cực mà phải "tỉnh thức", phải "cầu
nguyện luôn" để có thể "đứng thẳng" (tâm tình kinh nguyện phụng
vụ ngày Chúa nhật phục sinh) vào ngày Chúa trở lại trong vinh quang đem lại sự
giải thoát dứt khoát và toàn vẹn.
H. Cousin kết luận: "Người ta sẽ
có thể hiểu rằng chương 21 của Tin Mừng Luca không nhắm mô tả cho độc giả thấy
trước diễn tiến của lịch sử cho bằng muốn thổi cho họ một luồng sinh khí đề họ
sống hiên ngang giữa những cơn thử thách, nhắc nhở họ rằng giây phút hiện tại
thực sự mang một giá trị tích cực: chính lúc này đây Chúa đang vẫy tay mời gọi
ta đấy. Một bài diễn từ với ý nghĩa như thế vượt quá cả ý hướng của khải huyền
vốn phủ nhận lịch sử, đem đến một niềm hy vọng mang tính cánh chung đòi hỏi
người tín hữu phải sống tích cực với giây phút hiện tại "ở đây và lúc
này". Bởi lẽ, chính ngay bây giờ, chính trong thực tại khiêm tốn của đời
thường là mầu nhiệm gặp gỡ với Đấng sẽ đến, được thực hiện. Một niềm hy vọng
như thế không làm suy giảm tầm quan trọng của những trách vụ trần thế, nhưng
đúng hơn còn giúp kiện toàn nhờ vào những dộng cơ mới" (Vatican II, sđd.
trg 278)
BÀI ĐỌC THÊM
1. "Anh em hãy ngẩng đầu lên"
Phải có những biến cố hãi hùng, để ta
tin rằng: Chúa đang có mặt ở đó chăng? Để cho con người quay trở về với Chúa,
có phải cần đến những tai ương làm sớn tóc gáy mọi người chăng? Có những giáo
phái thích chủ trương phải có những tai họa như thế để thuyết phục người ta tin
rằng "Có Chúa". Phải chăng cũng có những tín hữu muốn nghĩ rằng vì
người ta sợ hãi nên mới tin, hoặc vì con người bỏ quên Chúa, nên người mới
giáng xuống những tai họa để trừng phạt họ đấy sao?
Thế ra Thiên Chúa của Đức Kitô là một
Thiên Chúa hay trả thù. Thế ra Người chỉ nhằm gây tai họa cốt để cho người ta
khám phá ra Người sao?
Đức Giêsu mượn những hình ảnh ghê rợn
kia trong một loại văn chương của thời đại Người là lối văn "Khải
Huyền", không phải để loan báo sự tận cùng, sự chấm dứt mọi sự, nhưng là
để loan báo cho mọi người biết một Tin Vui là Đấng Cứu độ đang đến. Đồng thời,
để mời gọi mọi người đứng sẵn ở cửa, tỉnh thức và sẵn sàng đón tiếp Người. Còn
Người thì lúc nào cũng vẫn đến. Khi mầm của hạt giống làm nứt vỏ hạt, người ta
không nói là hạt chết, mà là sống. Khi những mảnh lá non hay những cánh hoa
chọc thủng phần ngoài của nụ hay chồi, không ai nói đó là một sự xé rách, hay
phá hoại, nhưng là vẻ đẹp.
Nào, vậy thì mời bạn hãy đứng thẳng và
ngẩng đầu lên. Hãy nhìn đi, hãy chiêm ngưỡng đi? Chúa đang đến đây nè".
2. "Tận thế sẽ là bó hoa kết dâng
cuối cùng"
(G. Boucher, trong "Le ciel sur
terre")
"Giờ phút kinh hoàng đã điểm.
Người ta sẽ thấy núi phun lửa ầm ầm nhả ra những dung nham nóng chảy, trái đất
nứt nẻ, biển cả gào thét, gió xoáy điên cuồng, nhà nhà sụp đổ. Người ta sẽ thấy
đất trời rung chuyển, mặt trời ra tối tăm, mặt trăng không còn chiếu sáng, các
ngôi sao từ trời sa xuống.. Tắt một lời đó là quang cảnh báo trước ngày tận
thế. Và toàn thể nhân loại đều phải phập phồng lo sợ cho cái giờ phút hãi hùng
ấy.
Tiếp theo những hiện tượng kinh khủng
của trời đất, thì này đây bừng lên một cảnh tượng thật là thanh bình và hoành
tráng khi con người xuất hiện. Giống như xưa giữa cơn phong ba bão táp, thì giờ
đây một con người cũng đứng lên ra tay uy quyền dẹp yên sóng gió.
Cái bề ngoài từng là chết chóc, tai họa
lại đang báo trước cảnh thanh bình và hoàn tất mỹ mãn.
Núp ẩn trong nhà ư? Độn thổ ư? Sống mà
sợ hãi ư? Không đây sẽ là ngày để ta đứng thẳng dậy, tiến bước, mắt ngước lên,
đầu ngẩng cao. Đây sẽ là khúc nhạo dạo đầu chào mừng một thế giới mới bước vào
vô biên.
Đó sẽ là nơi "cư ngụ" vĩnh
viễn, là nhân loại đã hoàn thành.
Như vỏ trứng tự nứt nẻ để gà con nở ra
thế nào, thì trời đất đại dương cũng sẽ tự vỡ ra như vậy để cho Con Người xuất
hiện, và nhân loại mới cũng cùng xuất hiện với Con Người.
Trong cảnh hỗn mang này, thực ra Chúa
chỉ muốn đưa ra cho ta một lời mời gọi này mà thôi: hãy chế ngự nỗi sợ hãi để
niềm tin được thảnh thơi. Hãy sống những thực tại của con người như là những
giai đoạn dẫn đưa ta vào thời ân sủng và vinh quang. Hãy lấy đức khôn ngoan mà
phân định điều gì xảy đến với con người, giữa các dân tộc, và ngay trung tâm
các yếu tố của thế giới.
Và rồi hãy để cho đời sống và lịch sử
của ta mở ra, hướng đến nguyện cầu. Nghĩa là hãy nhận ra và tìm gặp được, ngay
trong những giây phứt quay cuồng của cuộc sống, sự hiện diện ân cần và thân thương
của Chúa Cha, lời Chúa Con mời gọi ta hướng dẫn những biến cố theo chiều hướng
đi lên và hoàn bị, sự nhạy bén đối với Chúa Thánh Thần, Đấng hằng khơi gợi lên
từ muôn dân trên mặt đất, những con người luôn ấp ủ niềm hy vọng mà không sợ
hãi.
Một khi Thiên Chúa làm cho lịch sử kết
thúc như vậy rồi, thì một người sẽ xuất hiện trong quyền lực và vinh quang. Bấy
giờ nhân loại sẽ đứng thẳng lên, ngỡ ngàng phát hiện ra rằng dẫu sao mình cũng
đã dự phần làm cho thế giới nên hoàn bị.
3. Nhận ra sự hiện diện của Chúa.
Dáng vẻ bên ngoài có thể che khuất thực
tại. Vẻ đẹp của đá hoa cương và tòa nhà có thể khiến khách tham quan chỉ chú ý
đến vẻ lộng lẫy kia mà không nhận ra cái gì là quan trọng.
Đền đài hay Đấng ngự trong đền đài, cái
nào quan trọng? Nếu việc loan báo sự kết liễu Đền thờ Giêrusalem có gợi được sự
quan tâm, thì phải chăng cũng chỉ là để cho người ta chăm chú đến cái cốt lõi,
sự Hiện diện? Cái kết thúc không được làm cho ta quên đi cái Hiện tại, cũng như
cái hiện tại mau qua kia không được gây trở ngại cho việc chiêm ngưỡng Đấng
chẳng hề qua đi. Hãy đón nhận những gì được ban cho ta lúc này, chứ đừng thả
mồi bắt bóng. Vậy phải đợi xảy ra những biến cố kinh hoàng như chiến tranh,
động đất, địch tễ và chết đói. Phải đón chờ sự sợ hãi và kẻ loan báo nỗi hãi hùng
kia rồi mới lắng nghe tiếng đang nói đang mời gọi ta hôm nay chăng? Chính không
phải cái giờ phút ấy, cũng chẳng phải những tiếng nói tiên báo tương lai kia mà
ta phải chờ đợi. Điều quan trọng hơn cả vẫn chính là tiếng đang nói hôm nay,
chỉ một tiếng nói đó mới nói thật rằng "Chính Ta đây" hoặc "Ta
đây". Chỉ ngày hôm nay, chứ không phải ngày mai, "giờ khắc ấy đã đến
gần" rồi. Còn ai nữa đâu mà chờ đi theo?".
Sưu tầm
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét