Thứ Sáu, 15 tháng 2, 2019

THÀNH LẬP GP. HÀ TĨNH – LỄ NHẬN TGM VINH CỦA ĐC. AN PHONG VÀ TGM HÀ TĨNH CỦA ĐC: NGUYỄN THÁI HỢP CHÚA NHẬT 6 THƯỜNG NIÊN C






ĐỨC KHÂM SƯ TT. ZALEWSIKI  CHỨNG GIÁM 

























CHỦ ĐỀ :
HẠNH phúc đích THỰC

Chúa Giêsu công bố những mối phúc thật
(Lc 6,17.20-26)
Minh họa
- Mille images : 118 C
- Chúa Giêsu công bố những mối phúc thật (Lc 6,17.20-26)
Sợi chỉ đỏ :
Bài đọc Cựu Ước, Đáp ca và bài Tin Mừng hôm nay đều bàn về hạnh phúc và vô phúc :
Ngôn sứ Giêrêmia tuyên bố : "Đáng nguyền rủa thay kẻ tin ở người đời…. Phúc thay kẻ đặt niềm tin vào Đức Chúa" (Bài đọc I) ; Tv 1 có câu "Phúc thay người chẳng nghe theo lời bọn ác nhân, chẳng bước vào đường quân tội lỗi, không nhập bọn với phường ngạo mạn kiêu căng, nhưng vui thú với lề luật Chúa" (Đáp ca) ; Trong bài Tin Mừng, Chúa Giêsu liệt kê những hạng người có phúc và những hạng người vô phúc.
I. DẪN VÀO THÁNH LỄ
Anh chị em thân mến
Thiên Chúa đã tạo dựng chúng ta để chúng ta sống hạnh phúc ở đời này và đời sau lại được hạnh phúc vĩnh viễn bên cạnh Ngài. Bởi thế loài người luôn khát khao hạnh phúc. Thế nhưng hình như ở đời này hạnh phúc thì ít mà đau khổ thì nhiều ; và có thứ ta tưởng là hạnh phúc nhưng thực ra lại là bất hạnh.
Hôm nay Chúa sẽ dạy ta biết thế nào là hạnh phúc thật, và làm thế nào để có được hạnh phúc thật ấy.
II. GỢI Ý SÁM HỐI
- Chúng con thường chỉ biết tìm hạnh phúc trần gian mà lơ là với hạnh phúc muôn đời.
- Chúng con thường chỉ tìm hạnh phúc ích kỷ cho bản thân mà không quan tâm xây dựng hạnh phúc cho tha nhân.
- Chúng con chưa thực sự tin vào những mối phúc thật mà Chúa công bố.
III. LỜI CHÚA
1. Bài đọc I (Gr 17,5-8)
Ngôn sứ Giêrêmia giới thiệu hai con đường : một dẫn đến hạnh phúc và một dẫn tới bất hạnh :
- Con đường dẫn đến hạnh phúc là đặt niềm tin nơi Chúa. Ngôn sứ diễn tả hạnh phúc ấy bằng những hình ảnh thiên nhiên cho dễ hiểu : Người đặt niềm tin vào Chúa là người đi trên con đường có nước, có bóng cây, có hoa trái…
- Con đường đưa tới bất hạnh là đặt niềm tin nơi người đời. Người đi trên con đường ấy chỉ gặp sa mạc khô nóng, đồng khô cỏ cháy, đất mặn, không bóng mát…
2. Đáp ca (Tv 1)
Tiêu chuẩn hạnh phúc và bất hạnh theo ngôn sứ Giêrêmia là đặt niềm tin nơi Thiên Chúa hay loài người. Còn theo tác giả Thánh vịnh 1 thì đó là sống theo Luật Chúa hay là đi theo quân gian ác.
3. Tin Mừng (Lc 6,17-26)
Có thể coi đoạn Tin Mừng này là Bài giảng đầu tiên của Chúa Giêsu trước đông đảo dân chúng (bài giảng thứ nhất ở quê hương Nadarét, Lc 4,16-30, chỉ giảng cho đồng hương Ngài nghe).
Bài giảng này có những điểm giống và những điểm khác với bài giảng trên núi trong Tin Mừng Matthêu : Trong khi Thánh Mát-thêu ghi lại 8 lời chúc phúc của Chúa Giêsu, thì thánh Luca chỉ ghi 4 lời chúc phúc kèm theo 4 lời quở trách.
- Những kẻ được chúc phúc là những người nghèo, đói khát, đang phải khóc lóc, bị bách hại.
- Những kẻ bị chúc dữ là những người đang giàu có, no đầy, vui cười, được tâng bốc.
Điều nên chú ý là : không phải tự thân sự nghèo nàn khổ sở là hạnh phúc, thực ra chúng mang lại hạnh phúc vì chúng giúp người ta không dính bén với trần gian để hướng lòng về Chúa. Cũng không phải tự thân sự giàu có sung sướng là xấu, nhưng chúng có thể trở thành nguồn bất hạnh khi chúng trói buộc lòng con người vào thế giới vật chất đời này.
4. Bài đọc II (1 Cr 15,12-16.20) (Chủ đề phụ)
Người dân Côrintô chịu ảnh hưởng triết lý hy lạp nên không tin có việc kẻ chết sống lại.
Để giúp tín hữu mình tin vào giáo lý ấy. Thánh Phaolô đưa nhiều lập luận :
- Nếu kẻ chết không thể sống lại thì tại sao Đức Kitô đã chết mà đã sống lại ? Nói cách khác, việc Đức Kitô phục sinh là bằng chứng rõ ràng về việc kẻ chết sống lại.
- Đức Kitô không chỉ có khả năng làm cho bản thân Ngài sống lại, mà còn có thể làm cho tất cả những ai tin vào Ngài được sống lại như Ngài.
- Nếu chúng ta đặt niềm tin vào Đức Kitô chỉ vì đời này mà thôi thì chúng ta là những kẻ đáng thương hơn hết mọi người.
IV. GỢI Ý GIẢNG
* 1. Hạnh phúc đích thực
Vào năm 1918, tại Mỹ đã xảy ra một trận dịch cúm tàn sát bao nhiêu sinh mạng. Các bác sĩ và y tá tối tăm mặt mũi vì công việc, tình cảnh trong các dưỡng đường, bệnh viện thật là thảm hại. Trong lúc dầu sôi lửa bỏng ấy, các thành viên của một hội thượng lưu Ở New York quyết đem sức lực ra giúp đồng bào. Họ giàu có và đã lớn tuổi, có thể chỉ ký một ngân phiếu để giúp bệnh nhân là xong. Nhưng không, họ không những đã bỏ tiền ra mà còn tình nguyện khoác áo blouse trắng tới bệnh viện cọ sàn, săn sóc tắm rửa cho các bệnh nhân, vỗ về những gia đình đau khổ mà không ngại mệt nhọc, cũng không sợ lây bệnh cho chính bản thân.
*
Tin Mừng hôm nay trình bày bốn lời chúc phúc cho những kẻ nghèo đói, khóc than, bị oán ghét, khai trừ, sỉ vả, kèm theo bốn lời nguyền rủa những người giàu có, no nê, vui cười, được mọi người ca tụng. Đó là những phản dề đối chiếu giữa người nghèo và kẻ giàu, giữa người đói khát và kẻ no đầy. Đó !à hai giai cấp trong xã hội luôn đối chọi nhau mà Tin Mừng muốn mô tả để người tín hữu Kitô chọn lựa.
Một điều rất hiển nhiên là Tin Mừng hướng chúng ta về người xấu số bất hạnh và cho họ niềm hy vọng hạnh phúc ở tương lai. Tin Mừng không hề lên án người giàu chỉ vì họ có nhiều tiền của, nhưng chỉ lên án những ai giàu có mà không biết sử dụng của cải cho đúng, thậm chí còn dùng của cải như chướng ngại vật chặn đứng lối vào Nước Trời. Giàu có mà hành xử như các thành viên của hội thượng lưu Ở New York trong câu chuyện còn được Chúa chúc phúc. Họ được hưởng hạnh phúc đời này lẫn đời sau. Bí quyết của họ rất đơn giản, đó chính là biết chia sẻ và trao ban.
Chúa Giêsu không lên án của cải nói chung, nhưng lên án cách sử dụng của cải. Tiền bạc tự nó không có giá trị đạo đức. Nó có thể dùng vào việc tốt cũng như việc xấu. Tự bản chất, của cải không là những gì xấu xa, và tự bản chất, nghèo khó cũng không phải là nhân đức.
Chỉ "khốn cho người giàu có" khi họ không phân định rạch ròi giữa phương tiện và cùng đích, giữa điều kiện vật chất và định mệnh con người. Đời sống của họ bị nhận chìm bởi các con sóng là các phương tiện vật chất như áo quần, xe cộ, nhà cửa và các tiện nghi trong cuộc sống. Đời sống của họ bị đè bẹp bởi các hành trang vật chất chỉ giúp họ duy trì và phát huy sự sống trong cuộc lữ hành ngắn ngủi của một đời người. Họ quên rằng con người sống nhờ phương tiện nhưng lại sống cho cùng đích. Và cùng đích của con người là "Hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Người, còn tất cả những thứ kia, Người sẽ thêm cho" (Mt 6,33). Thảm kịch của cuộc sống chính là lo lắng tìm kiếm phương tiện, và để cho cùng đích tan biến trong phương tiện.
Chỉ "Khốn cho người giàu có" khi họ không ý thức rằng họ lệ thuộc rất nhiều vào người khác. Họ mang trong mình căn bệnh vị kỷ, nên không còn thấy rằng của cải cá nhân là do của cải tập thể đem lại, họ cũng không nhận ra rằng họ đã thừa hưởng một kho tàng lý tưởng và các tiến bộ mà người đang sống cũng như kẻ đã chết góp phần tạo nên. Họ nghĩ rằng mình có thể sống sung túc trong thế giới nhỏ bé chật hẹp mà họ là trọng tâm. Họ là một con người sống theo chủ nghĩa cá nhân cực đoan.
Dù có ý thức hay không, mỗi người chúng ta là một con nợ đối với người quen biết cũng như người chưa quen biết. Vậy chúng ta phải trả món nợ ấy ở đâu ? Câu trả lời thật đơn giản : Cho kẻ đói ăn, cho người trần truồng áo mặc, chăm sóc người đau yếu. Nói như Martin Luttler King : "Chúng ta có thể cất giữ số thực phẩm dư thừa của chúng ta trong các bao tử trống rỗng của hàng triệu con cái Thiên Chúa, khi mỗi tối họ phải lên giường nằm ngủ mà không có gì để ăn".
Dưới con mắt Chúa, làm giầu một cách lương thiện không phải là tội, tiêu dùng của cải do mình làm ra không hề là một điều xấu. Nhưng điềm nhiên hưởng thụ và nhắm mắt làm ngơ trước nỗi khổ của tha nhân lại là một tội ác. Thiên Chúa đã dựng nên trái tim con người để rung lên những nhịp đập yêu thương, và tặng ban cho con người đôi tay để mở ra ban phát. Kẻ nào khoá lại trái tim và nắm chặt đôi tay là đi ngược với bản tính con người mà Chúa đã tạo dựng. Vì thế, ai sống co cụm trong vỏ ốc ích kỷ của mình, kẻ ấy có thể rất giàu về tiền của nhưng lại thật nghèo trong nhân tính.
Có nhiều người lẫn lộn giữa hạnh phúc và cái bóng của hạnh phúc ; họ mải mê chạy theo cái bóng này, để rồi mau chóng thất vọng khi nó vỡ tan như bong bóng xà phòng.
Hạnh phúc đích thực không nằm nơi của cải, hay trong những gì mình đã chiếm hữu, nhưng chính là sự mãn nguyện với những gì mình đã trao ban. Thánh Phaolô viết : "Cho đi vui sướng hơn nhận lãnh".
Hạnh phúc đích thực không nằm trong lời ca tụng hay trong chức tước quyền uy, nhưng chính là sự an bình vui tươi của một lương tâm thanh thản với Chúa, với anh em, và với chính mình, như lời Thánh Phaolô : "Lương tâm rôi không trách cứ tôi điều gì".
Một tác giả có viết : "Trong hạnh phúc có mầm đau khổ. Quả thật, hạnh phúc bao giờ cũng trộn lẫn với mồ hôi và nước mắt. Có hạnh phúc đích thực nào mà không phải trả giá bằng đau khổ ? Có ai sống trên đời này mà được hạnh phúc trọn vẹn đâu ?
Điều này giải thích tại sao những gì chúng ta coi là bất hạnh, thì Chúa Giêsu lại cho là hạnh phúc.
Chỉ khi nào chúng ta cảm nghiệm được cái nghịch lý của Lời Chúa thì chúng ta mới có được hạnh phúc đích thực.
Chỉ khi nào chúng ta dám nghèo vì thanh liêm, đói vì ngay thẳng, khóc vì đại nghĩa, bị ghét vì nói thật, bi sỉ vả vì danh Chúa, chúng ta mới sống trọn vẹn các mối phúc thật.
Chỉ khi nào chúng ta thấy mình giàu lên khi chịu nghèo, no thoả lúc đói khát, vui cười khi lệ rơi, và hân hoan lúc bách hại, chúng ta mới thực sự nếm cảm niềm hạnh phúc của Nước Trời.
*
Lạy Chúa, hạnh phúc đích thực chính là có một lương tâm an bình, một con tim biết chia sẻ và một khối óc luôn cảm nghiệm được tình Chúa yêu thương. Xin cho chúng con luôn đắm chìm trong hạnh phúc được làm con cái Chúa. Amen. (TP)
* 2. Hạnh phúc hiện tại của người nghèo
Etienne Charpentier viết :
"Bài giảng trên núi trong Mt và bài giảng trên cánh đồng của Lc mở đầu bằng những lời chúc phúc. Nghĩa là sứ điệp của Chúa Giêsu chủ yếu là loan báo hạnh phúc. Nhưng loan báo cho ai, và như thế nào ?
Phải đau đớn nhận rằng các lời chúc phúc ấy đã bị hiểu sai và bị lợi dụng làm một thứ thuốc phiện nhằm ru ngủ nỗi khổ đau và sự nổi loạn của những người nghèo. Người ta muốn hiểu chúng như sau : "Hỡi những người nghèo, các người hạnh phúc lắm vì các người được Thiên Chúa yêu thương... vậy cứ tiếp tục nghèo đi ! Hãy chấp nhận thân phận của các người, rồi một nào đó ở trên trời các người sẽ được hạnh phúc". Nhưng thực ra Chúa Giêsu nói ngược hẳn lại : "Hỡi những người nghèo, chúng con hạnh phúc, vì từ nay chúng con không còn nghèo nữa, vì Nước Thiên Chúa là của anh em". (Pour lire le Nouveau Testament)
Chúa Giêsu không hứa sẽ ban hạnh phúc cho người nghèo, Ngài loan báo cho người nghèo biết là họ đang hạnh phúc. Lý do hạnh phúc của họ là tuy họ không có nhiều tiền bạc của cải, nhưng họ có Nước Thiên Chúa : "Nước Thiên Chúa là của anh em".
Có Nước Thiên Chúa là có tất cả. "Được lời lãi cả thế gian mà mất linh hồn thì có ích gì ?"
* 3. Nghịch lý
Người ta thường nói "nghèo khổ", nghĩa là cái nghèo và cái khổ đi đôi với nhau ; đã nghèo thì tất nhiên khổ. Thế mà Chúa Giêsu lại nói "Phúc cho anh em là những kẻ nghèo". Hình như Chúa Giêsu muốn đảo ngược kiểu nói "nghèo khổ" thành "nghèo phúc". Thật là nghịch lý !
Nhưng chuyện nghịch lý không phải là không có trên đời. Thông thường ai cũng muốn một cuộc sống sang giàu. Thế nhưng có những người lại đi tìm một cuộc sống nghèo : chẳng hạn như các nho gia cởi áo từ quan, rời bỏ nếp sống tiện nghi nơi thành thị để tìm nếp sống thanh đạm giữa thiên nhiên ; hay thánh Phanxicô Assisi là con nhà giàu nhưng từ bỏ tất cả để sống nghèo, lại còn lập cả một huynh đoàn quy tụ những người muốn sống nghèo như ngài ; hay ngày nay những tu sĩ với lời khấn trọn đời sống nghèo nàn. Những con người đó không phải điên khùng mà hoàn toàn sáng suốt. Quyết định sống nghèo của họ không phải do bốc đồng nhất thời mà là kết quả của một thời gian dài suy nghĩ chọn lựa. Sự chọn lựa ngược đời của họ khiến ta phải suy nghĩ vì chắc hẳn họ đã nghiệm ra có nhiều điều hay trong cái nghèo nên họ mới chọn lựa như vậy.
- Dĩ nhiên cái nghèo mà họ chọn lựa không phải là tình trạng túng thiếu : không đến nỗi phải chết đói, chết khát, chết lạnh, mà chỉ cần tối thiểu để ăn, để uống, để mặc. "Tri túc, tiện túc" : biết đủ thì đủ.
- Vì chỉ cần tối thiểu như thế nên lòng họ không bị giao động vì những ham muốn có thêm. "Túi tham không đáy" : lòng ham muốn sẽ không bao giờ thỏa mãn, nên cứ giao động hoài.
- Không tham muốn thêm mà cũng không sợ bị mất, nên người nghèo như thế rất bình tâm, nhờ đó có thể ăn ngon, ngủ yên.
- Người nghèo không kiêu căng, không khoe của, không khinh miệt người khác.
- Người nghèo không cậy dựa vào tiền bạc của cải nên dễ cậy dựa vào Chúa hơn.
- Có thể người nghèo bị người đời khinh ghét, nhưng bù lại, họ được Thiên Chúa yêu thương che chở.
* 4. Những mối phúc của tấm lòng
Phúc thay ai có lòng thanh sạch, họ sẽ được thấy Chúa.
Phúc thay ai có lòng khiêm tốn, họ sẽ tìm được sự ngơi nghỉ cho linh hồn.
Phúc thay ai có lòng ấm áp, họ sẽ tỏa chiếu lòng tốt ra chung quanh.
Phúc thay ai làm việc với tấm lòng, họ sẽ tìm gặp niềm vui trong công việc.
Phúc thay ai không ngã lòng, họ sẽ tìm được nghị lực để kiên trì.
Và phúc thay ai đặt lòng mình vào Nước Thiên Chúa, mọi điều khác sẽ được ban cho họ. (FM)
* 5. Nghèo mà giàu
Khi Chúa Giêsu nói "Phúc cho những người nghèo", Ngài không chúc phúc cho sự túng thiếu và bần cùng đâu, vì túng thiếu và bần cùng là những điều xấu.
Điều được chúc phúc chính là sự cậy trông vào Chúa. Ai cậy trông vào những gì thuộc về loài người thì sẽ bị thất vọng, còn ai cậy trông vào Chúa sẽ chẳng thất vọng bao giờ. Chỉ một mình Chúa mới có thể đong đầy những chỗ trống của chúng ta. Chỉ một mình Ngài mới có thể thỏa mãn những đói khát của chúng ta.
Người giàu thường hay cậy dựa vào tiền bạc của cải của họ. Đối với họ, chỉ có đời này là quan trọng, còn đời sau hay là Chúa đều là quá xa vời. Trái lại người nghèo thì tự nhiên dễ hướng về Chúa, cuộc sống càng cơ cực khó khăn thì họ càng cậy dựa vào Chúa nhiều hơn. Mà ai cậy dựa vào Chúa thì sẽ được Ngài phù hộ chở che.
Khi người nghèo nhận được một điều gì đó, dù rất tầm thường, họ cũng lấy làm sung sướng và biết ơn.
Một hôm, một người nghèo đang đi đường thì gặp một người ăn xin. Người ăn xin chìa tay xin tiền. Người nghèo này bối rối đáp : "Xin lỗi, tôi chẳng có gì cho bạn, vì tôi cũng nghèo như bạn". Người ăn xin nói : "Xin cám ơn vì món quà bạn đã cho tôi". Người nghèo ngạc nhiên họi lại : "Tại sao bạn cám ơn tôi ? Tôi có cho bạn cái gì đâu". Người ăn mày nói tiếp : "Bạn đã cho tôi sự nghèo nàn, lòng chân thành và sự tin cậy của bạn".
Đối với Chúa, chúng ta đều nghèo. Nhưng dù nghèo, chúng ta cũng có những món quà cho Chúa, đó là lòng chân thành, sự cậy trông và chính sự nghèo nàn của chúng ta. (FM)
6. Chuyện minh họa
a/ Tìm lại hạnh phúc
Tại văn phòng của một Cố vấn Tâm lý, một thiếu phụ vừa trẻ vừa giàu giải bày tâm sự : "Bất cứ thứ gì tôi muốn thì chồng tôi đều cho cả. Tôi có đủ mọi "sự" nhưng trong lòng trống vắng vô cùng. Xin bà hãy cho tôi một lời khuyên". Nhà Cố vấn tâm lý không trả lời, nhưng bảo cô thư ký của bà kể chuyện đời cô. Cô này kể :
"Chồng tôi đã chết, cách nay ba tháng. Con tôi cũng chết vì xe đụng. Tôi cảm thấy mất tất cả. Tôi không ngủ được. Tôi không muốn ăn uống. Tôi không bao giờ cười. Một hôm tôi đi làm về hơi khuya. Có một chú mèo con cứ đi theo sau tôi. Trời lạnh. Tôi cũng tội nghiệp nó, nên tôi mở cửa cho nó vào nhà. Tôi pha cho nó một ly sữa. Nó kêu meo meo và cọ mình vào chân tôi. Lần đầu tiên tôi cười. Rồi tôi nghĩ : nếu việc giúp cho một chú mèo con có thể làm tôi cười, thì việc giúp cho người nào đó chắc có thể làm tôi hạnh phúc. Thế là hôm sau tôi nướng vài ổ bánh đem cho bà cụ hàng xóm đang bệnh. Mỗi ngày tôi cố làm vài việc gì đó cho những người tôi gặp được vui vẻ. Và quả thực tôi đã thấy hạnh phúc. Tôi nghiệm ra được điều này là ta sẽ không hạnh phúc khi ta chỉ chờ người khác đem lại hạnh phúc cho mình ; ngược lại ta sẽ hạnh phúc thật khi ta làm cho người khác hạnh phúc".
Nghe đến đó, người thiếu phụ trẻ bật khóc. Cô đã có bất cứ thứ gì đồng tiền có thể mua được nhưng cô đã đánh mất những thứ mà đồng tiền không mua nổi. Và cô quyết định noi gương cô thư ký nọ. (Charlene Johnson).
b/ Người hạnh phúc nhất
          Nhà vua bị bịnh nặng. Quan ngự y lo lắng, nhưng đành bó tay. Một nhà chiêm tinh đến bảo vua chỉ khỏi bịnh khi nào được mặc chiếc áo của một người hạnh phúc nhất.
          Quan quân đổ xô đi khắp nước để tìm người hạnh phúc nhất. Cuối cùng thì họ cũng tìm được một người hạnh phúc thực sự. Nhưng khổ thay, người ấy quá nghèo, chẳng có lấy một chiếc áo !
c/ Bí quyết sống vui
Một vị giám mục nổi tiếng hiền hoà, dễ mến. Khi được hỏi bí quyết, ngài đáp bí quyết đó là :
Thứ nhất, tôi nhìn lên trời để nhớ rằng đời tôi phải tới đó.
Thứ hai, tôi nhìn xuống đất để thấy phần mộ tôi sau này thật nhỏ hẹp.
Thứ ba, tôi nhìn chung quanh để thấy bao người nghèo khổ mà đáng kính trọng hơn tôi.
Thứ bốn, tôi học để biết hạnh phúc thật nằm ở đâu, mọi nổ lực của tôi sẽ chấm dứt thế nào và những than thở của tôi thật vô cớ biết bao !
V. LỜI NGUYỆN CHO MỌI NGƯỜI
Chủ tế : Anh chị em thân mến, phúc thay người đặt niềm tin vào Đức Chúa, và có Đức Chúa làm chốn nương thân. Cùng với tất cả những ai đặt trọn niềm tin vào Chúa là Đấng ban hạnh phúc thật sự cho mọi người, chúng ta tha thiết nguyện xin :
1. Hội thánh không ngừng kêu gọi con cái mình sống lời Chúa dạy / đặc biệt là sống theo tinh thần Tám mối phúc thật / Chúng ta hiệp lời cầu xin cho mọi thành viên trong đại gia đình Hội thánh xác tín rằng / sống đạo là sống theo Lời Chúa dạy.
2. Trên thế giới ngày nay / người nghèo vẫn chiếm đa số / Chúng ta hiệp lời cầu xin cho các dân tộc được phát triển / để mọi người đều được hạnh phúc ấm no.
3. Là con người / ai cũng mong muốn được hạnh phúc / Chúng ta hiệp lời cầu xin cho hết thảy mọi Kitô hữu hiểu rằng / họ chỉ được hạnh phúc thật sự / qua việc chia sẻ tình thương và cơm áo cho những ai đói rách bần cùng.
4. Mọi thực tại ở trần gian này đều chóng qua / không có gì tồn tại mãi mãi ngoài một mình Thiên Chúa / Chúng ta hiệp lời cầu xin cho cộng đoàn giáo xứ chúng ta / luôn nhớ đến chân lý căn bản này / để đừng bao giờ quá bám víu vào của cải vật chất, nhưng biết hướng tâm hồn lên cùng Chúa / là nguồn hạnh phúc của hết thảy mọi người.
Chủ tế : Lạy Chúa, chúng con chỉ trở nên người Kitô hữu chân chính khi chúng con sống lời Chúa. Xin cho chúng con biết yêu mến và sống theo Lời Chúa dạy trong Kinh thánh, để nhờ đó chúng con tìm được hạnh phúc thật sự trong đời sống thường ngày. Chúng con cầu xin…
VI. TRONG THÁNH LỄ
- Trước kinh Lạy Cha : Tất cả những điều Chúa Giêsu dạy chúng ta xin trong Kinh lạy Cha đều nhằm đem đến cho chúng ta hạnh phúc đích thực. Vậy chúng ta hãy hướng lòng lên Cha trên trời và sốt sắng đọc lời kinh Chúa dạy.
VII. GIẢI TÁN
Hôm nay Chúa đã dạy chúng ta biết đâu là hạnh phúc thật và đâu là hạnh phúc giả trá chóng qua. Ước chi tuần này chúng ta sẽ khôn ngoan, biết tìm kiếm hạnh phúc chân thật vững bền.




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét