Thánh Lễ Tấn Phong Giám mục Gioan Đỗ Văn Ngân |
Thánh Lễ Tấn Phong Giám mục Gioan Đỗ Văn Ngân |
Thánh Lễ Tấn Phong Giám mục Gioan Đỗ Văn Ngân |
BẢO HÀ KẾT THÚC THÁNG HOA |
ĐỘI HOA H'MÔNG NẬM XÉ |
ĐOÀN CHIÊN H’MÔNG NẬM XÉ |
ĐỘI HOA NẬM XÉ |
ĐỘI HOA H'MÔNG NẬM XÉ |
ĐỘI HOA BẢO HÀ |
ĐỘI HOA BẢO HÀ & VĂN BÀN |
BẢO HÀ KẾT THÚC THÁNG HOA |
ĐỘI HOA BẢO HÀ |
HAI NGƯỜI H’MÔNG ĐƯỢC RỬA TỘI
Thánh Lễ Tấn Phong Giám mục Gioan Đỗ Văn Ngân
- Giám mục Phụ tá Giáo Phận Xuân Lộc
Đức Thánh Cha Phanxicô đã bổ nhiệm cha Gioan Đỗ Văn Ngân, hiện là Phó Giám đốc Đại chủng viện đặc trách phân ban Triết học Đại chủng viện và là Tổng đại diện giáo phận Xuân Lộc, làm Giám mục phụ tá giáo phận Xuân Lộc, hiệu tòa Buleliana
Sơ lược tiểu sử Đức Tân giám mục
Đức Thánh Cha Phanxicô đã bổ nhiệm cha Gioan Đỗ Văn Ngân, hiện là Phó Giám đốc Đại chủng viện đặc trách phân ban Triết học Đại chủng viện và là Tổng đại diện giáo phận Xuân Lộc, làm Giám mục phụ tá giáo phận Xuân Lộc, hiệu tòa Buleliana
Sơ lược tiểu sử Đức Tân giám mục
Gioan Đỗ Văn Ngân:
– Sinh ngày 07/06/1953 tại Ninh Bình, giáo phận Phát Diệm
– 1965–1973: học tại Tiểu chủng viện Thánh Giuse, Sài Gòn
– 1973–1977: học tại Giáo hoàng Học viện Thánh Piô X, Đà Lạt
– 14/01/1992: thụ phong linh mục cho giáo phận Xuân Lộc.
Sau khi chịu chức linh mục, cha đảm nhiệm các chức vụ:
– Năm 1992–1994: phó xứ Ninh Phát
– Năm 1994–2005: chính xứ Ninh Phát
– 1995–2005: công chứng viên của Toà án hôn phối giáo phận Xuân Lộc
– 1998: đậu cử nhân văn chương Việt Nam tại Đại học Khoa học Xã hội Nhân văn Tp.HCM
– 2005–2006: giáo sư Đại chủng viện Xuân Lộc và quản nhiệm giáo xứ Suối Tre
– 2006–2010: học tại Đại học Santo Tomas (Manila, Philippines) và tốt nghiệp cao học triết học.
– Từ 2010: Phó Giám đốc Đại chủng viện, đặc trách phân ban Triết học Đại chủng viện
– Từ năm 2016: Tổng đại diện giáo phận Xuân Lộc.
– Sinh ngày 07/06/1953 tại Ninh Bình, giáo phận Phát Diệm
– 1965–1973: học tại Tiểu chủng viện Thánh Giuse, Sài Gòn
– 1973–1977: học tại Giáo hoàng Học viện Thánh Piô X, Đà Lạt
– 14/01/1992: thụ phong linh mục cho giáo phận Xuân Lộc.
Sau khi chịu chức linh mục, cha đảm nhiệm các chức vụ:
– Năm 1992–1994: phó xứ Ninh Phát
– Năm 1994–2005: chính xứ Ninh Phát
– 1995–2005: công chứng viên của Toà án hôn phối giáo phận Xuân Lộc
– 1998: đậu cử nhân văn chương Việt Nam tại Đại học Khoa học Xã hội Nhân văn Tp.HCM
– 2005–2006: giáo sư Đại chủng viện Xuân Lộc và quản nhiệm giáo xứ Suối Tre
– 2006–2010: học tại Đại học Santo Tomas (Manila, Philippines) và tốt nghiệp cao học triết học.
– Từ 2010: Phó Giám đốc Đại chủng viện, đặc trách phân ban Triết học Đại chủng viện
– Từ năm 2016: Tổng đại diện giáo phận Xuân Lộc.
LỄ CHÚA BA NGÔI
Một vị linh mục đang chờ
máy bay ở phi trường Tân Sơn Nhất, thì một người đàn ông đến ngồi bên cạnh và
bắt đầu đề cập tới vấn đề tôn giáo, ông nói:
-
Tôi không thể nào chấp nhận được những điều tôi không hiểu, chẳng hạn
như vấn đề Chúa Ba Ngôi hay bất cứ vấn đề nào giống như thế. Chẳng ai có thể
cắt nghĩa cho tôi, nên tôi sẽ không bao giờ tin.
Chỉ vào một luồng ánh sáng
chiếu qua khung cửa kính, vị linh mục hỏi:
-
Ông có tin mặt trời không nhỉ?
Ông ta trả lời:
-
Dĩ nhiên là có.
Vị linh mục nói tiếp:
-
Phải, ánh sáng ông thấy qua cửa sổ, xuất phát từ mặt trời cách đây 150
triệu cây số. Sức nóng chúng ta cảm nhận được cũng xuất phát từ mặt trời. Đối
với Chúa Ba Ngôi, một phần nào cũng tương tự như thế. Mặt trời là Chúa Cha. Từ
mặt trời mà có ánh sáng, cũng như từ Chúa Cha mà có Chúa Con. Rồi từ Chúa Cha,
Chúa Con mà có Chúa Thánh Thần, cũng như từ mặt trời, từ ánh sáng mà có sức
nóng. Ông hiểu thế nào về mặt trời, ánh sáng và sức nóng. Thì một phần nào
tương tự như thế, ông hiểu về Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần.
Hôm nay chúng ta tụ hợp nơi
đây để chúc tụng và tôn vinh Chúa Ba Ngôi. Trước hết chúng ta phải chấp nhận,
đó là một chân lý, một mầu nhiệm không ai có thể hiểu thấu. Sở dĩ chúng ta biết
được phần nào là do Chúa Giêsu đã nói với chúng ta, như lời Ngài đã phán trong
Tin Mừng: “Các con hãy rửa tội cho họ nhân danh Cha, và Con, và Thánh Thần”.
Mặt trời là nguồn năng
lượng vật chất thế nào thì Chúa Ba Ngôi cũng là nguồn sống thiêng liêng cho
chúng ta như vậy. Mặt trời chiếu toả ánh sáng thế nào, thì Chúa Ba Ngôi cũng
soi sáng tâm hồn chúng ta như vậy. Mặt trời đem đến sức nóng để sưởi ấm vạn vật
thế nào, thì Chúa Ba Ngôi cũng sẽ đem lại sức nóng thiêng liêng để sưởi ấm, đó
là tình yêu đối với Thiên Chúa và đối với anh em đồng loại. Mặt trời tiêu diệt
vi khuẩn chữa lành bệnh tật thế nào, thì Chúa Ba Ngôi cũng sẽ khử trừ những
thói hư tật xấu và loại trừ tội lỗi ra khỏi tâm hồn và cuộc đời chúng ta như
thế. Mặt trời đem lại cho chúng ta niềm vui cho chúng ta thế nào, thì Chúa Ba
Ngôi cũng đem lại cho chúng ta niềm hạnh phúc vĩnh cửu như thế.
Tuy nhiên chúng ta cần lưu
ý: Chúa Ba Ngôi không phải là một nguồn năng lượng vô hồn nhưng là những ngôi
vị sống động, thông biết và yêu thương. Với Ngài, chúng ta có thể kêu cầu như chúng
ta vốn đã thường làm, mỗi khi chúng ta làm dấu thánh giá, đọc kinh Sáng Danh,
hay như lát nữa đây, chúng ta cùng nhau hát kinh Tin Kính...
Cùng với lời tuyên xưng
chúng ta hãy sống gắn bó mật thiết với các Ngài, để rồi các Ngài sẽ ra tay nâng
đỡ phù trợ cho chúng ta trong mọi hoàn cảnh của cuộc sống.
2. Thiên Chúa tình yêu – ĐTGM. Ngô Quang Kiệt
Một
bạn trẻ hỏi tôi: “Thưa Cha, tại sao đạo Phật khi xây chùa thì chọn những nơi
rừng núi thâm u, xa hẳn thị thành, còn đạo Công Giáo khi xây nhà thờ lại chọn
những nơi dân cư đông đúc, phồn hoa đô hội?” Tôi trả lời: “Bạn quả là có con
mắt nhận xét. Việc xây cất chùa chiền, nhà thờ như vậy, thực ra, phát xuất từ
quan niệm nền tảng của đạo. Đạo Phật là đạo xuất thế. Đức Phật vì thấy những
cảnh khổ ở đời trong sinh, lão, bệnh, tử nên đã tìm môt con đường mong giải
thoát chính mình và nhân loại khỏi cảnh khổ não ở đời. Vì thế Ngài đã từ giã
cung đình, rũ sạch bụi trần, xa lánh phồn hoa. Trái lại đạo Công Giáo là đạo
nhập thế. Thiên Chúa thấy con người trầm luân khổ ải nên chạnh lòng thương, đã
sai Con Một là Chúa Giêsu xuống trần để cứu độ chúng sinh. Chúa Giêsu xuống
trần không chỉ là nhập thế, mà còn hoá thân một người nghèo sống giữa người
nghèo, người tội lỗi để đưa mọi người về với Chúa, đó là nhập thể. Có thể nói
đạo Công Giáo diễn tả việc Thiên Chúa đi tìm con người.
Thiên
Chúa đi tìm con người vì Thiên Chúa yêu thương con người. Không yêu thương thì
chẳng việc gì phải đi tìm. Đi tìm tức là có quan tâm. Xa vắng thì nhớ. Thấy khổ
vì thương. Vì thương, vì yêu nên phải cất bước đi tìm.
Không
phải Thiên Chúa chỉ yêu thương khi con người gặp đau khổ. Thực ra Thiên Chúa đã
yêu thương con người từ trước, từ khi chưa có con người. Vì Thiên Chúa là tình
yêu thương.
Thiên Chúa là
tình yêu.
Tình yêu thì không thể sống đơn độc nên phải có Ba Ngôi. Vì yêu thương không
chỉ là cho đi nhưng còn là nhận lãnh. Muốn cho đi, phải có đối tượng để nhận
lãnh. Muốn nhận lãnh cũng đòi phải có người sẵn sàng cho đi. Vì Thiên Chúa là
tình yêu, nên Thiên Chúa là Ba Ngôi để có thể cho đi và nhận lãnh.
Thiên
Chúa là tình yêu tuyệt hảo nên sự cho đi và nhận lãnh ở nơi Ba Ngôi
Thiên Chúa cũng đạt đến mức tuyệt hảo. Thiên Chúa Cha trao ban cho Chúa Con tất
cả những gì mình có, nên Chúa Con là hình ảnh hoàn hảo của Chúa Cha, đến nỗi
Chúa Giêsu có thể nói: “Ai thấy Thầy là
xem thấy Cha Thầy, Thầy và Cha là một”. Vì yêu, Chúa con dâng lại cho Chúa
tất cả những gì mình nhận lãnh. Việc hiến dâng này ta thấy rõ trong thái độ
khiêm tốn, tự hạ, vâng phục vô biên của Chúa Giêsu đối với Chúa Cha. Chúa Giêsu
đã vâng lời cho đến chết và chết trên thập giá. Chúa Giêsu đã quả quyết: “Không có tình yêu nào lớn lao hơn tình yêu
của người dám hy sinh mạng sống vì bạn hữu”. Và Người đã vì Chúa Cha mà
hiến mạng sống.
Thiên
Chúa là tình yêu tuyệt đối. Tình yêu ấy không chỉ đóng kín nơi bản thân
mình. Cũng không chỉ dừng lại ở một đối tượng hạn hẹp. Nhưng vượt mọi ranh
giới, lan toả đến mọi góc biển chân trời. Ba Ngôi Thiên Chúa là một bầu trời
tình yêu hạnh phúc. Nhưng tình yêu của Ba Ngôi Thiên Chúa không chỉ thu gọn
trong cộng đoàn Ba Ngôi, mà lan toả đến khắp vũ trụ, ấp ủ cả thế giới, nâng niu
cả sinh linh vạn vật. Ba Ngôi là một lò lửa tình yêu. Lò lửa tinh luyện tình
yêu càng ngày càng phong phú, là nguồn mạch của mọi tình yêu trên đời.
Mầu
nhiệm một Chúa Ba Ngôi như thế không xa vời. Trái lại rất gần gũi, thiết thân
với đời sống chúng ta, là nguồn mạch sự sống của ta, là khuôn mẫu ta phải noi
theo, là cùng đích ta phải đạt tới.
Ta
ra đời là do tình yêu của Thiên Chúa. Có thể nói nhân loại là kết tinh của tình
yêu Thiên Chúa. Khi tạo dựng con người, Thiên Chúa đã nói: “Ta hãy tạo dựng con người giống hình ảnh Ta”. Thiên Chúa là tình
yêu. Con người giống Thiên Chúa vì có trái tim biết yêu thương. Cây cỏ không có
trái tim biết yêu thương. Cầm thú không có khả năng yêu thương. Chỉ có con
người mới có khả năng yêu thương vì con người giống Thiên Chúa.
Nhưng
tình yêu ở nơi con người chưa hoàn hảo vì còn chen lẫn nhiều ích kỷ, hận thù,
ghen ghét. Vì thế con người còn phải thanh luyện cho tình yêu ngày càng thêm tinh
tuyền, thêm quảng đại, thêm phong phú. Càng yêu thương con người càng nên giống
Thiên Chúa. Càng quảng đại con người càng gần với trái tim Thiên Chúa. Càng
quên mình con người càng tham dự vào sự sống Thiên Chúa.
Được
sinh ra trong tình yêu nên con người phải sống bằng tình yêu. Như thế con người
mới sống trọn định mệnh đời mình. Như thế con người mới đạt được cùng đích đời
mình là sống hạnh phúc trong tình yêu muôn đời của Thiên Chúa Ba Ngôi.
Lạy
Ba Ngôi Thiên Chúa, là nguồn mạch tình yêu, là sự sống sung mãn, là thiên đàng
hạnh phúc, con đã được sinh ra trong tình yêu của Chúa. Xin cho con biết sống
tình yêu hy sinh theo gương Chúa Giêsu Kitô, để con được kết hợp với Chúa, sống
chan hoà hạnh phúc trong tình yêu muôn đời của Chúa.
GỢI Ý CHIA SẺ
1)
Thiên Chúa là tình yêu. Bạn cảm nhận được tình yêu của Thiên Chúa thế nào?
2)
Bạn có là hình ảnh tình yêu của Thiên Chúa chưa?
3)
Bạn làm gì để sống mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi?
3. Thiên Chúa yêu
thế gian
(Trích
trong ‘Manna’)
Suy Niệm
Có
một điều thường khiến các bạn trẻ băn khoăn, đó là làm sao nhận ra một tình yêu
chân thực, làm sao không bị chóa mắt bởi những ảo ảnh, không bị lừa dối bởi
những ngọt ngào, để rồi vỡ mộng.
Bài
Tin Mừng hôm nay gợi cho ta một số tiêu chuẩn, khi mời ta nhìn vào tình yêu của
Thiên Chúa. Tình yêu chân thực là tình yêu hiến trao: "Thiên Chúa đã yêu
thế gian đến nỗi đã trao ban Con Một của Người..." Không phải chỉ là trao
một quà tặng, hay một cái gì ở ngoài mình, nhưng là trao đi một điều thiết thân
và quý báu.
Điều
quý báu nhất của Thiên Chúa Cha là người Con Một của Ngài, Đức Giêsu Kitô. Khi
trao cho chúng ta Đấng bị treo trên thập giá, Thiên Chúa đã trao cho ta chính
bản thân Ngài. Ngài chấp nhận Con Ngài phải chết để nhân loại được sống.
Tình
yêu chân thực chẳng hề biết giữ lại cho mình. Tình yêu chân thực là tình yêu
chia sẻ, tình yêu mong hạnh phúc cho người mình yêu: "... để bất cứ ai tin
vào Người Con ấy thì không phải chết, nhưng được sống muôn đời."
Sự
sống muôn đời đã bắt đầu từ đời này.
Được
sống là được đưa vào thế giới thần linh, được chia sẻ hạnh phúc của Ba Ngôi
Thiên Chúa. Thiên Chúa không muốn cho ai phải trầm luân. Nếu có ai hư mất hay
bị luận phạt thì không phải là vì Thiên Chúa độc ác, nhưng chỉ vì Ngài tôn
trọng tự do con người. Con người có thể tin hay từ chối, mở ra hay khép lại
trước sự sống được trao ban.
Thánh
Gioan đã dám định nghĩa Thiên Chúa là Tình Yêu.
Một
Tình Yêu chia sẻ chan hoà giữa Ba Ngôi: Cha trao tất cả cho Con, Con dâng tất
cả cho Cha. Thánh Thần là sự thông hiệp giữa Cha và Con. Một Tình Yêu tràn ngập
cả vũ trụ: Thiên Chúa là Tình Yêu sáng tạo khi Ngài dựng nên con người theo
hình ảnh Ngài; Ngài là Tình Yêu cứu độ khi Ngài muốn thứ tha cho ta qua Đức
Giêsu; Ngài là Tình Yêu thánh hóa khi Ngài muốn ban cho ta sức sống mới trong
Thánh Thần.
Chúng
ta sẽ mãi mãi xa lạ với Thiên Chúa nếu chúng ta xa lạ với tình yêu. "Ai
không yêu thì không biết Thiên Chúa" (1Ga 4,8). Ai không ở lại trong tình
yêu thì cũng không ở lại trong Thiên Chúa (x. 1Ga 4,16). Ước gì đời ta được
tưới gội bởi Tình yêu, để mọi việc chúng ta làm đều bắt nguồn từ Tình yêu và
quy hướng về Tình yêu. Ước gì chúng ta làm chứng cho Thiên Chúa Tình yêu bằng
một đời sống hiến trao và chia sẻ.
Gợi Ý Chia Sẻ
·
Tình yêu là hai từ được sử dụng khắp nơi. Điều mà người ta thường gọi là
tình yêu, thực ra chỉ là sự chiếm đoạt của bản năng ích kỷ. Theo bạn, thế nào
là tình yêu thực sự đáng tin? Làm sao nhận ra tình yêu đó?
·
Có khi nào bạn cầu nguyện với từng Ngôi Cha, Con và Thánh Thần không?
Bạn biết gì về Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần?
Cầu Nguyện
-
Giữa một thế giới đề cao quyền lực và lợi nhuận, xin dạy con biết phục
vụ âm thầm.
-
Giữa một thế giới say mê thống trị và chiếm đoạt, xin dạy con biết yêu
thương tự hiến.
-
Giữa một thế giới đầy phe phái chia rẽ, xin dạy con biết cộng tác và
đồng trách nhiệm.
-
Giữa một thế giới đầy hàng rào kỳ thị, xin dạy con biết coi mọi người
như anh em.
Lạy
Chúa Ba Ngôi,
Ngài
là mẫu mực của tình yêu tinh ròng. Xin cho các Kitô hữu chúng con trở thành
tình yêu cho trái tim khô cằn của thế giới.
Xin
dạy chúng con biết yêu như Ngài, biết sống nhờ và sống cho tha nhân, biết quảng
đại cho đi và khiêm nhường nhận lãnh.
Lạy
Ba Ngôi chí thánh,
Xin
cho chúng con tin vào sự hiện diện của Chúa ở sâu thẳm lòng chúng con và trong
lòng từng con người bé nhỏ.
4. Chịu trách nhiệm
về sự hiện diện của Đức Kitô
(Trích trong ‘Lương Thực
Ngày Chúa Nhật’ – của Achille Degeest)
Đức
tin vào Thiên Chúa Ba Ngôi đi qua đức tin vào Chúa Giêsu Kitô. Mọi giáo huấn về
Thiên Chúa chất chứa nơi con người của Chúa. Do đó sự liên kết đức tin vào Chúa
Con đã chứa đựng hành vi tin vào Chúa Cha và Chúa Thánh Thần. Bởi thế Phúc Âm
có thể nói: “Mọi người tin vào Ngài không phải chết, nhưng có được sự sống đời
đời”. Việc Giáo Hội chọn một đoạn có chủ ý nhấn mạnh tầm quan trọng của đức tin
vào Chúa Giêsu Kitô trong ngày lễ Chúa Ba Ngôi, chứng tỏ rằng khởi điểm, tiến
trình và đích điểm của tác động tin toàn diện chứa đựng trong việc liên kết
toàn diện với Đức Kitô. Ai đến cùng Đức Kitô là đến cùng Chúa Cha, nhờ ân sủng
của Chúa Thánh Thần. Nhưng đây là một câu hỏi khác mà Phúc Âm mang lại câu trả
lời: Thiên Chúa cứu độ thế gian bằng cách nào? Bằng cách sai Con Người đến. Thế
ngày nay Đức Kitô đến trong thế gian bằng đường lối ưu tiên nào? Qua Giáo Hội.
Do đó Giáo Hội có sứ mạng làm cho Đức Kitô hiện diện với thế gian. Giáo Hội
phải thông truyền một sự hiện diện chứ không phải chỉ giảng dạy những lời nói,
một giáo thuyết, một huấn giới. Thiên Chúa Ba Ngôi đã tự hạ xuống ngang tầm con
người nơi ngôi vị Đức Giêsu Kitô, được tỏ lộ bởi và trong Giáo Hội. Người đặt
lòng tin tưởng nơi Đức Giêsu cho đến mức chia xẻ định mệnh chết và sống lại với
Ngài, được tham dự vào mầu nhiệm linh động của Thiên Chúa. Điều này giải thích
tại sao lời giảng của các tông đồ lúc khai nguyên Giáo Hội không phải là một
sách giáo lý về Ba Ngôi chí thánh nhưng là lời loan báo Đức Giêsu Kitô. Qua
giòng lịch sử của mình, nhất là qua các Công Đồng, Giáo Hội cố gắng diễn tả gẫy
gọn một sự suy tư về mầu nhiệm Tam Vị. Nhưng công trình chính yếu của Chúa
Thánh Thần trong Giáo Hội (và trong mỗi người chúng ta) là làm sao cho Giáo Hội
tin và tiếp tục tin vào Chúa Giêsu Kitô. Hai câu hỏi:
1) Đâu là trung tâm đức tin
của chúng ta?
Chúng
ta có thể tự đặt câu hỏi ấy đối diện với một số người đương thời đang dấn thân
vào những hy vọng nhân loại dựa trên những ý thức hệ. Phúc Âm có phải là một ý
thức hệ như bao nhiêu cái khác và các Kitô hữu có phải là những người ủng hộ
một phong trào nhằm tạo một nhân loại hạnh phúc hơn về mặt trần thế? Không có
gì xa lạ với đức tin chân thật hơn điều đó. Trung tâm đức tin là con người Đức
Giêsu Kitô. Ước vọng một thế giới tốt đẹp hơn nơi người Kitô hữu được gọi là
lòng khao khát ơn cứu độ, khao khát được giải thoát khỏi sự dữ và sự chết, về
mặt vật chất và tinh thần. Việc này chỉ có thể thực hiện được bằng sự liên kết
hồn xác với Chúa Con, nhờ Ngài mà thế gian được cứu. Đức tin của chúng ta chỉ
hữu hiệu cho việc cứu độ thế gian trong mức chúng ta thông hiệp với Chúa Giêsu,
trung tâm đức tin của chúng ta.
2) Sứ điệp của chúng ta là
gì?
Người
ta chỉ truyền bá có giá trị những gì người ta sống. Để Chúa Giêsu trở thành
nguyên cực ơn cứu độ, nghĩa là gặp gỡ Thiên Chúa trong tự do, chân lý, cuộc
sống hằng cửu. Giáo Hội cần phải tỏ bày Ngài ra cho mọi người. Giáo Hội là
chính mỗi người chúng ta. Mọi tín hữu đều mang trách nhiệm phần mình làm cho
Đức Kitô hiện diện với người ta, bằng lời cầu nguyện hay bằng hành động, bằng
việc dâng hiến một đau khổ hay bằng ảnh hưởng của hoạt động, bằng sự hy sinh
thầm kín hay bằng việc loan báo lời Chúa. Mỗi tín hữu có sứ mạng làm sao cho
Giáo Hội thông đạt tới thế giới sứ điệp ơn cứu độ nơi Chúa Giêsu Kitô.
5. Con búp bê và
biển cả
(Trích
trong ‘Niềm Vui Chia Sẻ’)
Trong
quyển sách tựa đề: “Sức thu hút của Thiên Chúa”, tác giả người Italia, ông
A-léc-xan-drô Phong-xa-tô đã kể lại câu chuyện vui sau đây về con búp bê bằng
muối:
Muốn
tìm hiểu thế nào là biển cả để thỏa mãn tính tò mò của mình, con búp bê một
mình tiến ra bờ biển và hỏi:
-
“Biển cả ơi, bản chất của biển cả là như thế nào?”
Và
biển cả đã trả lời:
-
“Biển cả là biển cả. Nếu ngươi muốn biết ta là như thế nào thì hãy xuống
đây, hãy để cho toàn thân ngươi thấm nhập vào biển cả”.
Con
búp bê bằng muối do dự. Nhưng rồi vì tính tò mò thúc đẩy, nó tiến gần ra mặt
nước rồi đưa hai chân thấm vào nước biển. Trong nháy mắt sóng biển đánh mạnh
vào đôi chân bằng muối của nó làm cho đôi chân tan thành nước biển. Con búp bê
kinh hãi lùi lại, nhưng đôi chân đã mất. Tiếng biển cả dịu dàng mời gọi:
-
“Này con búp bê nhỏ kia ơi, biển cả là biển cả. Ngươi muốn biết biển cả
như thế nào thì đừng sợ. Hãy tiến vào đây với ta. Ta sẽ bảo vệ ngươi. Ngươi sẽ
được hòa nhịp với ta và hiểu ta như thế nào. Hãy can đảm lên! Nếu bỏ cuộc nửa
chừng thì không bao giờ ngươi sẽ hiểu biển cả như thế nào đâu, và phải sống
những năm tháng còn lại với đôi chân đã mất”.
Tính
tò mò thúc đẩy, con búp bê ngâm mình xuống biển. Chỉ một lát sau con búp bê
bằng muối đã hòa tan trong nước biển và hiểu được thế nào là biển cả.
Anh
chị em thân mến, giữa con búp bê bằng muối và biển cả có một căn bản giống
nhau. Cũng thế, giữa con người và Thiên Chúa cũng có một sự giống nhau. Con
người đã được Thiên Chúa dựng nên giống hình ảnh của Ngài. Tâm hồn con người
hướng về Thiên Chúa, muốn hiểu biết Thiên Chúa, muốn được kết hợp với Ngài ngày
càng khăng khít hơn, giống như con búp bê bằng muối kia muốn hiểu biển cả là
thế nào.
Như
con búp bê được biển cả mời gọi dìm mình vào trong lòng biển cho mình hòa tan
trong biển để hiểu được biển cả, thì mỗi người chúng ta cũng được mời gọi dìm
mình vào trong Thiên Chúa. Cần để cho cái tôi của mình được hòa tan đi, biến
mất đi trong Thiên Chúa để có thể hiểu biết Thiên Chúa, sống kết hợp với Ngài.
Bởi vì Thiên Chúa Ba Ngôi là một mầu nhiệm. Lý trí loài người khó mà hiểu biết
cho tường tận được. Chúng ta không hiểu biết Thiên Chúa bằng lý trí cho bằng
tình yêu. Thật vậy, chỉ khi chúng ta yêu mến Thiên Chúa thì chúng ta mới hiểu
và biết Chúa. Chỉ có sự hiểu biết như vậy mới làm cho ta thỏa lòng thỏa trí. Vì
Thiên Chúa là Tình Yêu. Mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi là một mầu nhiệm hiệp
thông và tình yêu.
Thiên
Chúa là Tình Yêu, nghĩa là Ngài không đơn độc một mình. Nếu như Ngài đơn độc
một mình thì Ngài sẽ yêu một mình Ngài một cách ích kỷ vô cùng. Nhưng Ngài là
3: Cha, Con và Thánh Thần. Là ba, nhưng cả ba hoàn toàn yêu thương hiến tặng sự
sống, hoàn toàn tương quan với nhau, hiệp nhất với nhau: Cha hoàn toàn là của
Con, Con hoàn toàn là của Cha và mối tương quan tình yêu và sự sống này giữa
Cha và Con là Chúa Thánh Thần.
Tình
yêu Thiên Chúa không khép kín lại nơi cộng đồng Ba Ngôi mà còn lan tỏa ra bên
ngoài, trên khắp vũ trụ: Thiên Chúa đã yêu thương thế gian đến nỗi đã trao ban
cho thế gian quà tặng quý giá nhất của người Con Chí Ái của Ngài, nghĩa là
chính sự sống của Ngài. Rồi đến lượt Người Con ấy cũng trao ban Thánh Thần,
nghĩa là chính sự sống của Ngài cho thế gian. Chính nơi Người Con ấy, nơi bản
thân, cuộc sống, cái chết và sự Phục Sinh của Chúa Giêsu mà chúng ta nhận ra
được Thiên Chúa là tình yêu và thế nào là sống như con người được tạo dựng
giống hình ảnh của Thiên Chúa: “Ai không yêu thương anh em là không biết Thiên
Chúa” (1Ga 4,8). Còn ai đã biết Thiên Chúa thì phải yêu thương anh em như Ngài
đã yêu thương, vì Thiên Chúa là Tình Yêu.
Thưa
anh chị em, với mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi, Thiên Chúa muốn vạch ra cho chúng
ta con đường của yêu thương và hiệp nhất. Chúng ta chỉ có thể yêu thương và
hiệp nhất với nhau khi mỗi người thực sự phải là mình, và chấp nhận đồng hành
gắn bó với tha nhân, coi tha nhân là thành phần của chính hiện hữu của mình,
đồng thời ý thức rằng mình chỉ có thể sống nhờ tha nhân, sống với tha nhân và
sống cho tha nhân; bởi vì tự chính trong nguyên lý, sự sống không phải là một
thực tại đơn độc, khép kín, mà là chia sẻ, hiệp thông: sự sống thần linh của
Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần.
Cái
độc đáo mà mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi muốn nói lên đó là Thiên Chúa của chúng
ta là Thiên Chúa của sự khác biệt. Ngài yêu thích sự khác biệt. Ngài tạo ra sự
khác biệt và Ngài bao hàm chính sự khác biệt đó trong bản tính của Ngài. Nhưng
Ngài cũng là Thiên Chúa của sự hiệp nhất. Ngài hiệp nhất những gì khác biệt.
Phải có cái khác biệt thì mới có thể nói tới hiệp nhất. Phải có Ba Ngôi mới có
thể hiệp nhất thành một Thiên Chúa. chỉ khi nào chúng ta chấp nhận và tôn trọng
cái khác biệt: khác biệt về hiện hữu, về chủng tộc, văn hóa, tôn giáo, địa vị,
phái tính, tuổi tác v.v… và sống với những khác biệt đó, hiệp nhất những cái
khác biệt đó. Chỉ khi đó, chúng ta mới đi đúng con đường mà ánh sáng của mầu
nhiệm Chúa Ba Ngôi soi dẫn chúng ta. Sự hiệp nhất ấy không làm cho chúng ta
phong phú hơn và sống đúng bản chất là cộng đoàn của Thiên Chúa yêu thương, là
hình ảnh của Ba Ngôi Thiên Chúa.
Anh
chị em thân mến, trong Thánh lễ hôm nay, cũng như trong các Thánh lễ, chúng ta
dâng lên Chúa Cha của lễ cuộc đời chúng ta, nhờ Đức Kitô, cùng với Đức Kitô và
trong Đức Kitô, hiệp nhất với Chúa Thánh Thần, để chúc tụng vinh quang Thiên
Chúa Ba Ngôi muôn đời.
6.
Chúc tụng Thiên Chúa Ba Ngôi
"Chúc
tụng Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, vì Chúa đã tỏ lòng từ bi đối với
chúng ta". Đó là lời mở đầu của thánh lễ mừng kính Thiên Chúa Ba Ngôi. Các
bản văn phụng vụ không nhằm giải thích tại sao một Thiên Chúa duy nhất mà lại
có ba ngôi: Cha, Con và Thánh Thần. Mạc khải trọn vẹn về mầu nhiệm Thiên Chúa
Ba Ngôi đã được hoàn tất nơi Chúa Giêsu Kitô. Nhưng cả khi mạc khải cho các môn
đệ về mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi, Chúa Giêsu cũng không dạy tại sao Thiên
Chúa duy nhất phải có ba ngôi. Chúa Giêsu đã mạc khải cho các tông đồ, nhất là
trong bài diễn văn về việc hiện hình trong bữa tiệc ly vì sự hiện diện và tác
động của từng ngôi Thiên Chúa Cha, Con và Thánh Thần, và về mối tương quan hiệp
nhất giữa ba ngôi mà không giải thích lý do tại sao. Các tông đồ lúc đó cũng
không thắc mắc tại sao như vậy, nhưng các ngài đã yêu mến chấp nhận và sống mầu
nhiệm với hết lòng chân thành: "Ta và Cha Ta, chúng ta chỉ là một. Ai tuân
giữa giới răn Ta truyền, thì chúng ta sẽ đến ngự trong người đó". Và nơi
Phúc Âm thánh Gioan chương 16,12-15 được dùng trong thánh lễ kính Đức Chúa Trời
Ba Ngôi là những lời Chúa Giêsu mạc khải về mầu nhiệm Ba Ngôi Thiên Chúa Cha,
Con và Thánh Thần.
Vấn
đề quan trọng nhất không phải là biết hết tất cả mọi sự về Thiên Chúa, mà là
sống mầu nhiệm về Thiên Chúa. Sự hiểu biết của con người tuy có thể đạt được
phần nào về Thiên Chúa, nhưng không thể nào biết trọn được cả. Sự việc đã xảy
ra cho thánh Augustinô khi thánh nhân suy nghĩ về mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi
còn là một lời dạy cho chúng ta ngày hôm nay. Trí khôn con người hữu hạn, làm
sao có thể hiểu hoàn toàn về Thiên Chúa vô cùng. Nếu muốn hiểu thì chẳng khác
nào muốn đem nước của đại dương mênh mông mà đổ vào trong một lỗ nhỏ, như một
trò đùa của em bé mà thánh Augustinô gặp nơi bờ biển. "Thầy còn nhiều điều
phải nói với các con, nhưng bây giờ các con không thể lãnh hội được. Khi Thần
Chân Lý đến, Người sẽ dạy các con biết tất cả sự thật. Người sẽ đưa các con vào
trọn cả trong sự thật."
Mỗi
ngày, chúng ta cần lớn lên trong tương quan với Thiên Chúa, cần được Chúa Thánh
Thần soi sáng hướng dẫn chúng ta tiến sâu vào trong mầu nhiệm Ba Ngôi của Thiên
Chúa. Đây là một sự khám phá vô cùng và mãi mãi không bao giờ ngừng cả khi
chúng ta được đối diện với Thiên Chúa trong cõi đời đời.
Mỗi
ngày, chúng ta càng được hướng dẫn hay để cho mình được hướng dẫn tiến sâu vào
trong mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi thì chúng ta càng trưởng thành trong đức
tin, đức cậy và đức mến, càng được thần thiêng hóa và trở nên giống Thiên Chúa
hơn và đối xử với anh chị em chung quanh như chính Thiên Chúa muốn, càng được
thấm nhuần trong mầu nhiệm Thiên Chúa bằng đời sống cầu nguyện, kết hiệp thân
tình với Thiên Chúa, thì chúng ta càng có tâm hồn quảng đại, mở rộng đón nhận
anh chị em chung quanh và mời gọi họ trong mọi hoàn cảnh cụ thể. Đây là kinh
nghiệm sống đức tin của những vị thánh mà không sự chứng minh hay giải thích
nào của lý trí có thể đủ sức trình bày.
Nguyện
xin Thiên Chúa Ba Ngôi: Cha, Con và Thánh Thần, mà dấu Thánh Giá chúng ta mang
lấy trên thân mình hàng ngày trước mỗi công việc quan trọng ban cho chúng ta
được mỗi ngày một tiến sâu vào trong mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi, được ẩn mình
trong Thiên Chúa, được biến đổi trong Thiên Chúa để sống trọn cuộc sống con
người của mình trên trần gian này và mãi mãi trong cõi vĩnh phúc mai sau.
7.
Trao ban tất cả vì yêu thương – Lm. Trần Ngà.
Kinh
thánh (St 22, 1-18) cho biết: Sau nhiều tháng năm chờ đợi mỏi mòn, mãi cho đến
trăm tuổi, Cụ Áp-ra-ham mới được diễm phúc sinh đứa con nối dõi tông đường.
I-xa-ác chào đời đem lại niềm vui chan hoà cho Cụ Áp-ra-ham. I-xa-ác là lẽ
sống, là cây gậy chống đỡ tuổi già, là tương lai cho giống nòi và là tất cả của
Cụ già trăm tuổi.
Thế
mà Thiên Chúa truyền cho Cụ phải sát tế đứa con yêu để tế lễ cho Ngài.
Trời
đất như quay cuồng sụp đổ khi Cụ Áp-ra-ham nghe lệnh truyền của Thiên Chúa.
Phải
ở trong hoàn cảnh của Cụ già trăm tuổi như Áp-ra-ham mới cảm nhận thấm thía nỗi
đau thương và mất mát vô cùng lớn lao của một người cha phải sát tế đứa con một
rất đỗi yêu quý của mình. Nếu không vì tình thương lớn lao đối với Thiên Chúa,
Cụ Áp-ra-ham không thể nào thực hiện được sự hiến dâng đau lòng đó.
Cụ
Áp-ra-ham sẵn sàng hi sinh tất cả vì Thiên Chúa là Đấng mà Cụ thần phục và mến
yêu. Nhưng Thiên Chúa chỉ thử lòng Cụ Áp-ra-ham thôi. Ngài không nỡ để cho một
người cha phải gánh chịu nỗi đau thương lớn lao đến thế.
Trích
đoạn Tin Mừng trong ngày lễ hôm nay cũng đề cập đến một người Cha khác đã thực
hiện một sự trao ban triệu lần cao cả hơn. Vì quá yêu thương nhân loại lỗi lầm,
vì không muốn cho muôn người phải lâm vào cảnh đau khổ trầm luân vì tội lỗi
ngút ngàn của họ, Thiên Chúa Cha đã trao ban Con Một vô cùng yêu quý của Ngài,
để Con của Ngài chết thay cho nhân loại, để cho những ai tin vào Con Ngài thì
được cứu sống và được sống muôn đời: "Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã
ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống
muôn đời. Quả vậy, Thiên Chúa sai Con của Người đến thế gian, không phải để lên
án thế gian, nhưng là để thế gian, nhờ Con của Người, mà được cứu độ".
(Gioan 3, 16-17)
Xưa
kia, Thiên Chúa không nỡ để cho I-xa-ác phải chết dưới lưỡi dao run rẩy của Cụ
Áp-ra-ham, không để cho thân xác của I-xa-ác phải chịu thiêu đốt trên bàn thờ
để làm hy lễ cho Ngài, nhưng đã đến một thời, Thiên Chúa Cha lại để cho Con Một
Ngài, là Ngôi Hai Thiên Chúa, phải chịu đóng đinh, chịu quằn quại đau thương và
chịu chết trên thập giá để đền cho hết tội lỗi chúng ta và ban lại cho chúng ta
sự sống đời đời.
Tôi
tớ thấp hèn liều mình chết thay cho chủ nhân quyền quý, dân đen cùng khốn chết
cho hàng vua chúa cao sang hay con chó trung thành liều chết để cứu mạng chủ
cũng còn là điều dễ hiểu. Đằng nầy Ngôi Hai Thiên Chúa là Chúa Tể đất trời lại
hiến thân chết thay cho loài người hèn mọn thì quả là điều vượt quá trí tưởng
tượng con người. "Không có tình yêu nào cao cả hơn tình yêu của người hiến
mạng vì bạn hữu mình" (Gioan 15, 13) và không có tình yêu nào sánh ví được
với tình yêu khôn vời của Thiên Chúa dành cho nhân loại.
♥♥♥
Khi
được người khác biếu tặng một món quà, ai trong chúng ta cũng đều nhớ ơn ân
nhân và tìm cách đền đáp lại bằng món quà tương xứng. Khi được Chúa Trời cao cả
ban tặng chính Con Một Ngài để cứu mạng cho chúng ta, khi được Chúa Giê-su hiến
thân chịu chết để cứu ta khỏi chết muôn đời, có bao giờ chúng ta nghĩ đến việc
đền đáp công ơn cao dày đó?
Để
đền đáp phần nào tình thương trời bể của Thiên Chúa Cha, Đấng đã trao ban Con
Một mình cho nhân loại, để đền đáp sinh mạng của Chúa Giê-su đã trao hiến cho
bạn và cho tôi, chúng ta hãy dâng cho Ngài một hiến lễ tương tự, dù vạn lần nhỏ
bé hơn. Đó là "hiến dâng thân mình chúng ta làm của lễ sống động, thánh
thiện và đẹp lòng Thiên Chúa" (Rôma 12, 1). Đó cũng là nguyện ước của chân
phước An-rê Phú Yên hôm xưa: "đem cuộc sống báo đền cuộc sống; lấy tình
yêu đáp trả tình yêu".
8. Lễ Chúa Ba Ngôi –
R. Veritas
(Trích
trong ‘Sống Tin Mừng’)
Tại
vùng Texas Hoa Kỳ, không ai lại không nghe lòng hào hùng của anh Biên, chủ một
nông trại nuôi bò to lớn. Người ta gọi anh bằng một tên riêng đầy lòng kính
trọng là ông Biên quảng đại, đến nỗi nhiều người không còn nhớ tên thật của anh
là gì, mà chỉ biết tên anh là ông Biên quảng đại. Dù là người giàu có nhất vùng
nhưng nếp sống của ông lại rất gần gũi với mọi người, từ người giúp việc cho
tới những người láng giềng chung quanh.
Ông
có một người con duy nhất, nhưng rủi thay trong một chuyến đi nghỉ cuối tuần,
ông bị một tai nạn xe hơi làm cho vợ và người con duy nhất bị chết. Sau những
ngày u buồn, một hôm đi dạo chơi gần nông trại, ông chợt gặp một đứa trẻ rách
rưới và có vẻ đang bơ vơ. Ông gọi lại và hỏi thăm về gia đình, đứa bé không trả
lời chi được về những câu hỏi của ông. Bé mồ côi cha mẹ từ nhỏ. Mới sinh ra đã
bị cha mẹ bỏ rơi, nên từ đó em bé nay sống với người này, mai sống với người
khác, lang thang đây đó. Em chỉ còn biết một điều là tên gọi của em: ai ai cũng
gọi em là Jimmi, nên em biết tên mình là Jimmi. Ông Biên liền nhận đứa trẻ về nhà
làm con nuôi và làm chúc thư, nếu ông qua đời thì tài sản ông sẽ dành cho
Jimmi, người con nuôi mới nhận được.
Nhiều
người bạn thân ngạc nhiên hỏi, tại sao ông làm như vậy?
Ông
Biên trả lời: với một lý do duy nhất, là Jimmi giống hệt đứa con của tôi đã
chết. Tôi thương nó vì nó giống con tôi, tôi nhìn thấy con tôi nơi nó.
Anh
chị em thân mến,
"Tôi
thương nó, vì nó giống hệt con tôi, tôi nhìn thấy con tôi nơi nó". Câu nói
này của ông Biên gợi lại cho chúng ta mối tương quan giữa tình thương của Thiên
Chúa Cha với mỗi người chúng ta là đồ đệ của Chúa Giêsu Kitô. Thiên Chúa Cha đã
yêu thương mỗi người, vì chúng ta đã lãnh nhận ơn cứu rỗi, được tái tạo giống
hệt như Chúa Kitô, Con Một Ngài. Thiên Chúa Cha yêu chúng ta, vì Ngài thấy Con
Một Ngài nơi mỗi người chúng ta.
Mừng
Lễ Chúa Ba Ngôi, chúng ta không mừng với lý trí muốn hiểu cho thấu đáo mầu
nhiệm của mọi mầu nhiệm, là mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi, một Thiên Chúa duy
nhất có Ba Ngôi là Ngôi Cha, Ngôi Con và Ngôi Thánh Thần; nhưng hãy mừng với
một con tim tin yêu chân thành, vì đã cảm nghiệm được Thiên Chúa Ba Ngôi nơi
chính mình.
Tình
thương của Thiên Chúa Cha, Đấng Tạo Hóa đã an bài vũ trụ, nâng đỡ cuộc sống con
người và ban cho chúng ta sự sống. Tình thương của Chúa Giêsu Kitô, Đấng mặc
lấy thân phận con người đến cứu chuộc chúng ta, để làm sáng tỏ lại hình ảnh
Thiên Chúa nơi chúng ta, giúp chúng ta trở về nhà Cha an toàn. Tình thương của
Chúa Thánh Thần, Đấng hằng ban ơn soi sáng, nâng đỡ, an ủi, giúp chúng ta sống
trọn kiếp sống trần gian.
Mừng
Lễ Thiên Chúa Ba Ngôi, chúng ta được nhắc nhớ rằng, Thiên Chúa Cha, Con, Thánh
Thần đã yêu chúng ta và chúng ta được mời gọi để đáp lại tình yêu thương ấy
bằng một đời sống trổ sinh nhiều hoa trái tốt, xứng đáng con yêu quí của Thiên
Chúa: "Chúng con hãy nên trọn lành như Cha các con ở trên trời là Đấng
trọn lành" (Mt 5,48).
Chúa
Giêsu đã mạc khải cho Nicôđêmô: "Thiên Chúa yêu thương thế gian đến nỗi đã
ban Con Một Ngài cho thế gian, để tất cả những ai tin vào Người thì khỏi phải
chết. Quả vậy, Thiên Chúa đã đến thế gian không phải để lên án thế gian, nhưng
nhờ Con của Ngài mà thế gian được cứu độ, ai tin sẽ được cứu; ai không tin thì
đã bị lên án rồi" (Jn 3,16-18).
Lạy
Chúa, xin ban thêm Đức Tin cho con để chúng con mỗi ngày được trở nên giống
Chúa nhiều hơn. Amen.
9.
Chúa Ba Ngôi
Người
Đông phương chúng ta thường thích giữ im lặng trước những mầu nhiệm của vũ trụ,
của con người và nhất là của Thượng Đế.
Thực
vậy, người Trung Hoa rất ít nói về trời, bởi vì họ cho rằng ngay cả những thực
tại trần thế này, chúng ta còn chưa hiểu biết được cho thấu đáo, phương chi là
những thực tại vô hình.
Người
Ấn Độ thì có lẽ thích nói về Thượng Đế thật đấy, nhưng họ luôn tự nhắc nhở cho
mình rằng những điều chúng ta biết được về Thượng Đế, thì cũng chỉ là như một chiếc
lá giữa rừng cây bao la.
Trong
khi đó, người Tây Phương, nhất là người Kitô hữu, có lẽ ít khiêm tốn hơn những
người Ấn Độ và Trung Hoa, trong vấn đề này. Thực vậy, chúng ta có biết bao
nhiêu sách vở viết về Thiên Chúa, biết bao nhiêu bài giảng bàn về Thiên Chúa và
biết bao nhiêu định nghĩa về những tín điều.
Thế
nhưng, phải thành thật mà nói: Kể từ thời thánh Augustino cho đến ngày hôm nay,
chúng ta đã hiểu thêm được những gì về mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi? Hay chúng ta
cũng giống như những người lạc vào rừng, càng đi xa, càng vào sâu, thì lại càng
cảm thấy mịt mù và tăm tối. Hoặc giống như người trong sa mạc, càng đi thì lại
càng cảm thấy chỉ có cát và cát mà thôi.
Bởi
thế hôm nay, khi mừng kính mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi, thái độ thích hợp nhất đối
với mỗi người chúng ta, đó là im lặng, khiêm tốn và thờ lạy.
Từ
thái độ khiêm tốn và thờ lạy này, chúng ta đưa ra một cách thế để cảm nghiện
được mầu nhiệm này, đó là tình yêu.
Thực vậy, chúng ta không thể biết rừng, nếu đã chẳng biết cây. Cũng vậy, chúng
ta không thể nào biết Thiên Chúa, Đấng chúng ta hằng kính mến, nếu chúng ta
không yêu thương anh em đồng loại.
Và
thật may mắn cho chúng ta vì không cần biết hết mọi thứ cây, thì mới hiểu được
rừng. Cũng vậy, không cần phải nếm hết tất cả nước biển mới biết nước biển mặn,
nhưng chỉ cần nếm một vài giọt mà thôi cũng đã đủ.
Cũng
vậy, chúng ta không cần phải yêu thương tất cả mọi người trên thế gian, mới
hiểu được tình yêu là gì? Và hiểu được chân lý Đức Kitô đã mạc khải cho chúng
ta: Thiên Chúa là tình yêu. Đã hẳn Đức Kitô mời gọi chúng ta yêu thương tất cả
mọi người, nhưng tất cả ở đây không có nghĩa về số lượng, bởi vì điều đó không
thể nào thự c hiện được đối với chúng ta, nhưng Chúa chỉ đòi hỏi chúng ta yêu
thương những người chúng ta gặp gỡ trong cuộc sống của mình, không ghét bỏ một
ai, cũng chẳng loại trừ một ai.
Ai
không yêu thương thì không biết Thiên Chúa. Có lẽ nhiều người trong chúng ta
nghĩ rằng mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi là điều quá cao vời, quá rắc rối. Chuyện hiểu
biết mầu nhiệm này nằm ở trong lãnh vực chuyên môn của các nhà thần học, của
các giám mục, linh mục và tu sĩ…Còn mình làm sao có thời giờ để mà học hỏi, có
trình độ đâu mà dám múa rìu qua mắt thợ.
Nhưng
chúng ta đâu có ngờ rằng: Trong lãnh vực này, có khi nhà thần học, cũng như
giám mục, linh mục hay tu sĩ vẫn còn thua xa một bà già nhà quê, nếu như bà ấy
biết yêu thương hết thảy mọi người.
Bởi
vì, chuyện yêu thương không nhất thiết đòi hỏi một trí rộng tài cao, mà chỉ đòi
hỏi một sự nhiệt tâm và chân thành mà thôi.
10. Thiên Chúa Ba
Ngôi: tình yêu tuyệt hảo
“Biết
làm sao định nghĩa được tình yêu?”. Có lẽ đây không chỉ là câu hát đầy thi vị
trong lãnh vực tình yêu, mà còn là khắc khoải của từng người trong chúng ta.
Thật thế, ai trong chúng ta cũng yêu và muốn được yêu. Tuy nhiên, không gì khiến
chúng ta phải lúng túng cho bằng định nghĩa thế nào là tình yêu. Tình yêu quả
thật là một mầu nhiệm. Tại sao chỉ có con người mới biết yêu? Có lẽ chúng ta
chỉ có thể trả lời câu hỏi này bằng chính mầu nhiệm của Thiên Chúa mà thôi.
Vào
cuối đời mình, khi suy niệm về cuộc sống, cái chết và sự phục sinh của Chúa
Giêsu, thánh Gioan Tông Đồ đã phát biểu như sau: “Thiên Chúa là Tình Yêu”. Đây
quả là công thức độc nhất vô nhị của Kitô giáo; trước và sau Kitô giáo, có lẽ
không một tôn giáo hay một triết thuyết nào đã gọi Thiên Chúa là Tình Yêu.
“Thiên Chúa đã yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một của Ngài cho thế gian”. Gọi
Thiên Chúa là Tình Yêu, bởi vì Thiên Chúa vừa tỏ mình cho chúng ta một cách gần
gũi, thân thiết, lại vừa là một mầu nhiệm mà chúng ta không bao giờ hiểu thấu
được. Vì yêu thương chúng ta, Thiên Chúa đã tỏ mình qua người Con Một của Ngài,
Người Con ấy đã sống kiếp sống của con người và đã chết một cách đau thương
nhục nhã để nói với chúng ta rằng Thiên Chúa yêu thương chúng ta. Tình yêu nào
cũng muốn được bộc lộ, người yêu nào cũng muốn tỏ tình. Bằng cuộc sống và cái
chết của Chúa Giêsu, Thiên Chúa đã thực sự tỏ tình với con người: Ngài đã tỏ
tình và yêu thương cho đến cùng. Chính vì thế, Ngài đã sai phái Thánh Thần đến
để khai sinh Giáo Hội. Thánh Thần chính là Tình yêu nối kết Chúa Cha và Chúa
Con. Thiên Chúa thông ban tình yêu của Ngài cho Giáo Hội, để Giáo Hội hiện diện
như một dấu chứng tình yêu của Ngài đối với nhân loại. Giáo Hội là tiếng tỏ
tình của Thiên Chúa đối với con người.
Mừng
kính Chúa Ba Ngôi hôm nay, Giáo Hội muốn nhắc nhớ chúng ta chân lý ấy. Tỏ mình
cho chúng ta, Thiên Chúa muốn nói với chúng ta rằng Ngài là Ba Ngôi Vị, Ngài là
Tình Yêu. Đó là mầu nhiệm cơ bản nhất, từ đó Giáo Hội được xuất phát và xây
dựng; Giáo Hội vừa là hình ảnh vừa là thể hiện Chúa Ba Ngôi. Nhưng mầu nhiệm Ba
Ngôi không chỉ là nền tảng của Giáo Hội, mà còn là ánh sáng chiếu dọi vào bí ẩn
của con người. Thật thế, chỉ trong Thiên Chúa Ba Ngôi, chúng ta mới hiểu rõ
được ơn gọi và định mệnh của con người. Nếu Thiên Chúa là tình yêu và nếu con
người được tạo dựng nên giống hình ảnh Thiên Chúa, thì một cách tất yếu, con
người chỉ thực sự là người khi biết yêu thương. Phẩm giá của con người được xây
dựng trên chính tình yêu. Ai chối bỏ tình yêu, ai gieo rắc hận thù, người đó
cũng chối bỏ con người và chối bỏ chính Thiên Chúa; trái lại ai sống trong tình
yêu, người đó cũng sống trong Thiên Chúa.
Lễ
Chúa Ba Ngôi không chỉ là một lời ca tụng tình yêu Thiên Chúa, mà còn là một
tuyên xưng về phẩm giá con người. Thiên Chúa phú bẩm cho con người khả năng yêu
thương; Ngài tỏ mình cho con người để con người cũng nhận ra được phẩm giá cao
cả của mình. Mỗi ngày, từ lúc khởi đầu một ngày mới cho đến lúc trở lại giường
ngủ, chúng ta không ngừng tuyên xưng mầu nhiệm của tình yêu Thiên Chúa và phẩm
giá cao cả của con người. Mầu nhiệm ấy gắn liền với Thập Giá Chúa Giêsu mà
chúng ta vẽ trên người. Qua cái chết trên Thập Giá, không những Chúa Giêsu tỏ
bày cho chúng ta mầu nhiệm của Thiên Chúa, Ngài còn vạch ra cho chúng ta con
đường đi vào mầu nhiệm ấy, đó là con đường của yêu thương. Chúa Giêsu đã yêu
thương và yêu thương cho đến giọt máu cuối cùng; Ngài đã tỏ cho chúng ta thấy
bộ mặt của Thiên Chúa; Ngài đã dạy cho chúng ta biết thế nào là yêu thương.
11.
Trí khôn và ý muốn
Cách
đây hàng ngàn năm, có một nhà hiền triết tài giỏi tên là Simonide. Ngày kia,
nhà vua cho vời ông ta đến và hỏi:
-
Thượng đế là gì?
Ông
ta xin nhà vua cho mình một ngày để suy nghĩ. Sáng hôm sau, khi nhà vua gọi
tới, thì ông ta lại xin thêm hai ngày nữa để suy nghĩ.
Và
khi hai ngày đã trôi qua, ông ta lại xin thêm bốn ngày nữa. Rồi sau đó, ông ta
lại xin thêm tám ngày nữa. Cứ mỗi lần nhà vua truyền cho ông ta đến, thì ông ta
lại xin hoãn với số ngày gấp đôi. Sau cùng, nhà vua bực bội, cho triệu ông ta
đến và giận dữ hỏi:
-
Cho tới bao giờ, nhà ngươi mới trả lời câu hỏi của ta? Thượng đế là gì?
Bấy
giờ ông ta mới ôn tồn trả lời:
-
Xin nhà vua đừng hối thúc tôi. Vấn đề thật khó khăn và tôi nghĩ rằng sẽ
chẳng bao giờ tìm thấy được câu trả lời. Bởi vì càng suy nghĩ, tôi lại càng cảm
thấy bối rối. Vấn đề dường như đã vượt ra ngoài khả năng của tôi.
Kể
lại câu chuyện này, tôi cũng muốn nói lên sự bất lực của chúng ta khi phải
trình bày về mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi, mà chúng ta mừng kính hôm nay. Mặc dù
chúng ta đã học hỏi, đã tìm tòi, nhưng không bao giờ được quên rằng: Chúa Ba
Ngôi là một mầu nhiệm. Sở dĩ chúng ta biết được là vì chính Chúa đã tỏ lộ cho
chúng ta.
Tất
cả những gì chúng ta biết về mầu nhiệm này được gồm tóm như sau: Nơi Thiên Chúa
có ba ngôi: Cha, Con và Thánh Thần. Cả Ba Ngôi cực thánh này đều có chung một
bản tính, nên bằng nhau về mọi phương diện và chỉ làm thành một Thiên Chúa duy
nhất.
Trong
giây phút này, tôi chỉ xin chia sẻ một vài ý nghĩ đơn sơ, đó là đứng trước mầu
nhiệm Chúa Ba Ngôi, trí khôn chúng ta lại quá nhỏ bé đề mà hiểu thấu, nhưng con
tim chúng ta lại đủ to lớn để yêu mến.
Thực
vậy, trí khôn chúng ta quá nhỏ bé để mà hiểu thấu. Tôi xin đưa ra một thí dụ:
trước mặt chúng ta đây có ba cô, cô Quít, cô Mít, cô Cam. Đó là ba ngôi vị. Mỗi
người có một bản tính khác nhau và làm thành ba con người riêng biệt. Đối với
Chúa Ba Ngôi thì khác. Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, mặc dù là ba ngôi
riêng biệt, những chỉ là một Thiên Chúa duy nhất. Đó là một mầu nhiệm không thể
nào hiểu thấu, bởi vì trí khôn chúng ta quá nhỏ bé.
Hẳn
rằng đã nhiều lần chúng ta được nghe mẩu chuyện về thánh Augustinô. Ngài là một
vị thánh tiến sĩ trong Giáo Hội, đã viết nhiều cuốn sách có giá trị. Ngày kia,
để bắt đầu viết một thiên khảo luận về Chúa Ba Ngôi, ngài đã đi dạo trên bờ
biển để suy nghĩ và cầu nguyện. Bỗng chốc ngài nhìn thấy một em bé đang dùng
một chiếc vỏ sò múc nước và đổ vào một chiếc lỗ nhỏ trên bãi cát. Ngài dừng
chân và hỏi:
-
Em làm gì thế?
Em
bé bèn trả lời:
-
Tôi muốn tát hết nước biển vào trong chiếc lỗ này.
Thánh
nhân mỉm cười và nói:
-
Làm sao cho được?
Nhưng
em bé nghiêm nét mặt và nói:
-
Tôi làm việc này còn dễ hơn cái ảo vọng của ngài là muốn trình bày cặn
kẽ về Chúa Ba Ngôi.
Nói
đoạn, em bé biến mất. Thánh nhân hiểu rằng đó chính là một thiên thần được Chúa
sai đến để nhắc nhở: trí khôn con người thì quá nhỏ bé để hiểu về mầu nhiệm
này.
Thế
nhưng, con tim của chúng ta lại đủ to lớn để yêu mến Ngài. Thực vậy, Chúa Giêsu
đã tỏ lộ không phải để chúng ta hiểu thấu, nhưng để chúng ta yêu mến.
Trước
hết, con tim chúng ta đủ to lớn để ca tụng ngài. Mỗi khi hát: Vinh danh Thiên
Chúa trên các tầng trời. Mỗi khi đọc: Sáng danh Đức Chúa Cha và Đức Chúa Con và
Đức Chúa Thánh Thần. Môi khi làm dấu thánh giá, là chúng ta ca tụng và thờ lạy
Chúa Ba Ngôi.
Hơn
thế nữa, con tim chúng ta cũng đủ to lớn để cảm tạ Chúa Ba Ngôi. Vậy Ngài đã
làm gì cho chúng ta? Chúa Cha đã tạo dựng nên chúng ta ngay khi chúng ta còn
chưa cất tiếng khóc chào đời. Chúa Con đã dùng cái chết trên Thập giá để cứu
chuộc chúng ta. Và Chúa Thánh Thần luôn thánh háo chúng ta. Nhờ bí tích Rửa
tội, chúng ta trở nên con cái Thiên Chúa. Nhờ bí tích Thêm sức, chúng ta trở
nên những người lính chiến của Chúa Thánh Thần. Nhờ bí tích Giải tội, chúng ta
được tẩy sạch mọi tội lỗi. Vì thế, chúng ta phải cảm tạ và yêu mến Chúa Ba
Ngôi.
Sau
cùng, trái tim chúng ta cũng đủ to lớn để cho Chúa Ba Ngôi ngự trị. Thiên Chúa
không ngự trên chốn trời cao, xa cách ngàn trùng. Trái lại, Ngài sống trong
chúng ta, Ngài ở cùng chúng ta và chúng ta là đền thờ sống động của Ngài. Mỗi
khi tâm hồn chúng ta sạch tội trọng, Chúa Ba Ngôi sẽ ngự trị và trao ban cho
chúng ta sự sống thầm linh, sự sống ân sủng, nhờ đó, chúng ta thuộc về gia đình
của Thiên Chúa.
Hãy
yêu mến Chúa Ba Ngôi, để rồi chúng ta sẽ được chiêm ngắm Ngài nhãn tiền, mắt
đối mặt trong niềm hạnh phúc đời đời.
12. Dấu Thánh Giá
“Nhân danh
Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần”. Chúng ta mở đầu như thế có nghĩa là chúng
ta nhân danh Thiên Chúa Ba Ngôi để bắt đầu bài chia sẻ này. Không phải riêng
tôi mà tất cả mọi Kitô hữu đích thực, khi làm một việc gì đều muốn làm trong ý
nghĩa đó, tức là mỗi khi bắt đầu một công việc gì chúng ta luôn làm dấu thánh
giá. Một nhà văn Kitô giáo ở thế kỷ thứ hai, Ông Tertulianô đã viết: “Dù khi
thức dậy hay đi ngủ, dù khi ăn hay khi làm một việc gì quan trọng, hãy bắt đầu
bằng dấu thánh giá”. Lời khuyên đó cho thấy việc làm dấu thánh giá đã có ngay
từ những ngày đầu của Giáo Hội. Thánh Phaolô cũng thường mở đầu và kết thúc các
thư của ngài một cách tương tự: “Nguyện xin ân sủng của Đức Giêsu Kitô, Chúa
chúng ta, và tình yêu của Chúa Cha, và ơn thông hiệp của Chúa Thánh Thần ở cùng
anh chị em”.
Người
Kitô hữu biểu lộ thánh giá ra bên ngoài để tuyên xưng đức tin và tôn vinh Chúa.
Cũng có trường hợp vì tôn trọng thái độ tôn giáo của người khác, chúng ta chỉ
thầm nguyện ở trong lòng mà không làm dấu thánh giá bên ngoài. Nhưng cách này
hay cách kia, chúng ta đều ý thức rằng chúng ta đang làm mọi việc nhân danh
Thiên Chúa để tôn vinh Ngài, như lời Kinh Thánh dạy: “Dù ăn, dù uống, dù làm
việc gì, anh em hãy làm mọi sự để tôn vinh Thiên Chúa”. Đặc biệt hôm nay chúng
ta đề cập đến dấu thánh giá để nói về Chúa Ba Ngôi, để nói lên lòng chúng ta
tin nhận một Thiên Chúa độc nhất có Ba ngôi là Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh
Thần.
Trước
hết, chúng ta phải nói ngay: Thiên Chúa Ba Ngôi là một mầu nhiệm quan trọng vĩ
đại nhất của đạo Công giáo: một mầu nhiệm thuộc đời sống thâm sâu của Thiên
Chúa mà con người không có quyền cũng như không có khả năng đạt tới, chỉ có Con
Thiên Chúa mới có thể cho chúng ta biết mà thôi. Bởi vì mầu nhiệm Ba Ngôi là
mầu nhiệm về đời sống thâm sâu của Thiên Chúa, tức đời sống yêu mến của Thiên
Chúa, cho nên chỉ được mặc khải trong thời Tân Ước, là thời yêu mến, và do
chính Con Một Thiên Chúa là hình ảnh, là tình yêu của Đức Chúa Cha.
Đại
khái mầu nhiệm ấy được diễn tả như sau: Chúa Cha chiêm ngưỡng chính mình thì có
một hình ảnh, một ý nghĩ, một tâm tình, một lời về mình. Hình ảnh, ý nghĩa, hay
kiến thức hoặc tâm tình ấy là Ngôi Hai hay Ngôi Lời. Thế rồi hai ngôi chiêm
ngưỡng và yêu nhau làm phát xuất ra một mối tình hay một tình yêu. Tình yêu đó
là chính Ngôi Ba: Chúa Thánh Thần.
Khó
hiểu quá phải không? Đúng vậy, mầu nhiệm Ba Ngôi rất khó hiểu và mãi mãi vẫn là
khó hiểu. Chúng ta biết được như thế là do chính Chúa Giêsu đã mặc khải, các
tông đồ đã truyền dạy và cả Giáo Hội không ngừng tuyên xưng như vậy. Giáo Hội
toàn cầu đã nhóm họp nhiều công đồng để xác định rõ đức tin của mình về Thiên
Chúa Ba Ngôi. Các Công Đồng quan trọng nhất đã định tín về chân lý này là công
đồng Ni-xê-a năm 325, Công Đồng Constantinopoli năm 381, công đồng Latran IV
năm 1215, công đồng Lion II năm 1274, công đồng Floren năm 1439.
Mầu
nhiệm Ba Ngôi được coi như một công thức mà Giáo Hội sử dụng trong tất cả mọi
sinh hoạt: từ một dấu thánh giá, một phép lành cho đến một lời thề long trọng
hay một bí tích. Tất cả đều bắt nguồn ở công thức duy nhất Chúa Kitô đã dùng để
ban truyền mệnh lệnh rửa tội cho muôn dân trước khi Ngài lên trời. Trong đời
sống một người tín hữu, ngay từ khi chưa chào đời cho đến khi chết rồi, biết
bao nhiêu lần công thức ấy đã được đọc trên mình chúng ta kèm với dấu thánh giá
hay một nghi thức hoặc cử chỉ nào khác. Nhưng vì là một công thức, cho nên khi
nghe đến hay đọc lên, nhất là sau khi đã lặp đi lặp lại nhiều lần, chúng ta
không còn cảm thấy gì nữa, công thức ấy đã được nhắc tới một cách máy móc, vô ý
thức, đôi khi còn thiếu tôn kính nữa. Vì vậy, chúng ta cần sửa chữa lại điều
không tốt đẹp ấy và quyết tâm từ nay mỗi khi làm dấu thánh giá chúng ta sẽ làm
một cách ý thức và tôn kính.
13.
Tình yêu
Một
người cha hứa cho đứa con gái 12 tuổi một số tiền nếu cô bé xén sạch đám cỏ
trước nhà. Cô bé vui vẻ mang máy cắt cỏ ra làm việc. Đến chiều, cả đám cỏ đã
được cắt xén gọn gàng – ngoại trừ một mảng cỏ tí tẹo còn sót trong góc sân.
Ông
bố nói rằng ông không thể trả số tiền đã thỏa thuận, bởi vì đám cỏ chưa được
cắt xong. Cô bé cho biết cô sẵn sàng chịu mất số tiền đó và cô nhất định không
cắt nốt mảng cỏ còn sót kia.
Tò
mò muốn biết lý do tại sao, ông bố kiểm tra chỗ cỏ chừa lại. Hóa ra, ở giữa
chòm cỏ ấy, một chú cóc đang ung dung ngồi ngắm cảnh hoàng hôn! Cô bé quá
thương con cóc, đã không đành đưa lưỡi dao của máy cắt vào chòm cỏ ấy.
Thiên
Chúa là tình yêu. Người đã dựng nên con người cao trọng hơn các loài thụ tạo.
Nhưng con người lại bất trung phản bội. Vì yêu thương Thiên Chúa đã không nỡ
hủy diệt, lại sai con Một là Đức Giêsu Kitô xuống thế để cứu chuộc con người.
Người lại gởi Thánh Thần đến để thánh hóa cho nên tạo vật mới, dẫn đưa họ về
hưởng vinh quang Nước Trời. Đó là mầu nhiệm tình yêu mà Ba Ngôi Thiên Chúa đã
thương dành cho con người. Vì thế, lễ Chúa Ba Ngôi cũng là lễ của Tình Yêu.
-
Chỉ những ai sống yêu thương mới được ở trong Thiên Chúa Ba Ngôi.
-
Chỉ những ai thực thi đức ái mới sống trọn ơn gọi làm con Thiên Chúa.
-
Chỉ những ai biết sống trao ban mới tìm được nguồn vui đích thực trong
Thiên Chúa Tình Yêu.
Nếu
Thiên Chúa đã hiến trao con Một của Người để người Con ấy phải chết và để nhân
loại được sống, lẽ nào người tín hữu còn sống ích kỷ để giữ lại cho riêng mình
những hạnh phúc nhỏ nhoi, tầm thường.
Nếu
Thiên Chúa đã muốn chia sẻ hạnh phúc của Ba ngôi, là không muốn cho con người
phải chết nhưng được sống hạnh phúc muôn đời, lẽ nào chúng ta đành khép lại con
tim để chối từ chia sẻ trao ban.
·
Được dựng nên theo và giống hình ảnh của Thiên Chúa Tình Yêu, nên ơn gọi
đích thực của con người chính là ơn gọi sống yêu thương.
·
Được cứu độ bằng giá máu của Đức Kitô, nên lẽ sống của người Kitô hữu
chính là tha thứ trong yêu thương.
·
Được thánh hóa bằng sức sống của Thánh Thần, nên cứu cánh của người tín
hữu là phải nên thánh nhờ sống yêu thương.
Nhìn
mầu nhiệm Ba Ngôi từ góc cạnh của đức mến, tức là nhìn từ lăng kính của tình
yêu. Người tín hữu không biết đến yêu thương thì cũng hoàn toàn xa lạ với Thiên
Chúa. Vì “Ai không yêu thì không biết Thiên Chúa”. Chỉ những ai dám sống và dám
chết cho tình yêu, mới được ở lại trong Thiên Chúa. Chỉ những ai dám tự hiến và
trao ban cho anh em mới là những chứng nhân của một Thiên Chúa Tình Yêu.
14.
Dòng sông
Hôm
nay toàn thể Hội thánh mừng kính trọng thể mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi. Đây là
mầu nhiệm quan trọng nhất của Kitô giáo. Không một ngày nào Hội thánh và mỗi
người chúng ta lại không tuyên xưng mầu nhiệm ấy, bởi vì mỗi khi chúng ta làm
dấu thánh giá, mỗi khi đọc kinh sáng danh thì đó là lúc chúng ta tuyên xưng mầu
nhiệm Một Chúa Ba Ngôi. Nhưng có lẽ chẳng mấy khi ta quan tâm để tìm hiểu xem
mầu nhiệm này có ảnh hưởng như thế nào đối với cuộc đời của chúng ta. Bởi vì
nói tới các mầu nhiệm, đặc biệt là mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi, chúng ta dễ có
cảm tưởng đó là những chuyện xa vời và chẳng liên hệ gì tới đời sống của mình.
Nhưng không phải thế. Mầu nhiệm nào cũng rất gần gũi và liên hệ mật thiết với
đời sống của con người, bởi mầu nhiệm nào cũng là một luồng ánh sáng soi cho
chúng ta hiểu rõ thân phận mình và dẫn lối để chúng ta đi tới bến bờ hạnh phúc.
Đối
với mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi, chúng ta không thể tìm được một hình ảnh, một
ngôn từ nào để diễn tả cách chính xác, rõ ràng và đầy đủ được. Tuy nhiên chúng
ta có thể tạm dùng hình ảnh một dòng sông để diễn tả ảnh hưởng của mầu nhiệm
Một Chúa Ba Ngôi trong cuộc đời mình.
Con
sông mang dòng nước phù sa đến tưới cho các cánh đồng, cho các vườn cây được
tươi tốt và đơm bông kết trái. Dòng sông cũng mang sự sống đến cho con người và
mọi loài. Chúng ta thử tưởng tượng nếu một ngày nào đó mình không có chút nước
nào để dùng thì cuộc sống sẽ ra sao?
Thiên
Chúa Cha chính là cội nguồn của dòng sông, và Người đổ vào dòng sông nguồn nước
phù sa mầu mỡ là tình yêu và ân sủng của Người. Chúa Giêsu chính là dòng sông
chứa đựng nguồn nước tình yêu và ân sủng ấy. Và Chúa Thánh Thần là sức đẩy để
nguồn nước tình yêu chảy đến các tâm hồn.
Như
con cá sẽ không sống được nếu nó nhảy ra khỏi dòng sông. Như cây cối sẽ không
thể tươi tốt và đơm bông kết trái nếu nó không hút lấy sự sống từ dòng sông
mang lại. Càng ở xa dòng sông, cánh đồng càng dễ nứt nẻ và khô cháy. Cũng vậy,
con người sẽ không thể sống được nếu tách ra khỏi dòng sông tình yêu và ân sủng
của Thiên Chúa Ba Ngôi. Càng xa rời tình yêu của Thiên Chúa bao nhiêu, con
người càng cằn cỗi bấy nhiêu và rồi sẽ chết khô. Bởi đó, sống mầu nhiệm Một
Chúa Ba Ngôi chính là biết mở lòng mình ra để đón lấy nguồn nước tình yêu và ân
sủng của Người, để ta có thể sống và được sống dồi dào. Đón nhận dòng nước là
đón nhận Chúa Kitô và tin vào Người. Lời Tin Mừng trong thánh lễ hôm nay dạy ta
như thế. “Thiên Chúa yêu thương thế gian đến nỗi đã ban Con Một Mình, để những
ai tin vào Người sẽ không phải chết, nhưng được sống muôn đời”. Mà tin vào Chúa
Kitô chính là thể hiện trong đời mình cuộc sống của Người, nghĩa là suy nghĩ,
nói năng, hành động và cư xử như Người. Điều Chúa Kitô quan tâm nhiều nhất và
đã sống triệt để nhất chính là tình yêu thương. Người yêu Chúa Cha nên thi hành
mọi sự theo ý Cha. Người yêu con người nên chấp nhận chết để cho con người được
sống.
Yêu
Chúa và yêu người, đó chính là ta đang sống mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi vậy.
15.
Sống hoà nhịp
Ngày
kia, có một người nông dân đi lên thành phố. Khi đang đi bộ trên một con đường
đông đúc, thì đột nhiên, anh ta nói với một người bạn cùng đi với mình:
-
“Tôi có thể nghe được tiếng kêu rúc rích của một con dế”.
Người
bạn của anh ngạc nhiên và hỏi:
-
“Làm sao mà anh lại có thể nghe được tiếng dế, giữa tất cả những tiếng
động ồn ào này?”
Người
nông dân đáp lại:
-
“Bởi vì hai tai của tôi hòa nhịp được với tiếng dế”.
Thế
rồi anh ta lại càng cố tình lắng nghe nhiều hơn, và dõi theo âm thanh đó, anh
đã tìm ra được một con dế đang bò trên bờ cửa sổ. Người bạn của anh không thể
nào làm được điều này. Nhưng người nông dân không hề tỏ ra ngạc nhiên. Thay vào
đó, anh móc vài đồng xu từ trong túi áo ra, và ném chúng xuống lề đường. Khi
nghe được tiếng leng keng của mấy đồng xu, những người qua đường liền ngừng lại
nhìn theo dấu vết của chúng.
Người
nông dân nói:
-
“Bạn hiểu ý tôi chứ: Không có ai trong số những người này có thể nghe
được tiếng dế, nhưng tất cả bọn họ đều có thể nghe được âm thanh của tiền bạc.
Người ta nghe được cái gì hòa nhịp với hai tai của họ, và không thể nghe được
tất cả những thứ còn lại”.
Điểm
cần ghi chú ở đây khá rõ ràng: Nếu ít bị lo lắng phiền muộn, chúng ta có thể
hòa nhịp với Thiên Chúa. Voltaire đã nói: “Ngay khi mở đôi mắt của mình ra, thì
tự nhiên, người ta thừa nhận được sự hiện hữu của Thiên Chúa”. Và Abraham
Lincoln đã nói: “Tôi có thể nhận thấy con người có thể nhìn xuống mặt đất, và
trở nên một người vô thần ra sao, nhưng tôi không thể tưởng tượng được làm thế
nào mà người ta có thể nhìn lên bầu trời, và nói rằng không hề có Thiên Chúa”.
Khi
nhìn vào sự vật nào đó hoặc người khác, người ta sẽ nhận biết ngay rằng những
sự vật này không tự hiện hữu được, mà chính là nhờ Thiên Chúa. Tương tự như một
căn nhà phải có người xây dựng ra nó, một cái áo do người may, một cánh cửa do
thợ mộc. Như vậy, thế giới chứng tỏ rằng phải có Thiên Chúa, Đấng Tạo hóa.
Khi
nhìn vào một công trình nghệ thuật, không thể nào bạn không nghĩ đến người nghệ
sĩ. Nhìn vào thế giới tạo vật, mà không nhận thấy Đấng Tạo hóa, chính là mù
quáng, không thấy được ý nghĩa của toàn thể công việc sáng tạo, và ý nghĩa sự
hiện hữu của bản thân mình. Tuy nhiên, thật đáng buồn là có nhiều người nhìn,
mà vẫn không thấy gì. Họ lắng nghe, mà vẫn không nghe được gì. Đức Giêsu đã nói
về Thiên Chúa, như là một người Cha đầy lòng xót thương và khoan dung. Người
nói về chính mình, với tư cách là Con của Cha, và Người gửi Chúa Thánh Thần đến
với chúng ta, để trợ giúp chúng ta sống tư cách người môn đệ và con cái của
Thiên Chúa.
Chúng
ta đang trực diện với một mầu niệm vĩ đại. Tuy nhiên, bất cứ người con nào cũng
đều có thể thấu hiểu, bằng cách cầu nguyện và sống mầu nhiệm này. Chúng ta nghĩ
đến Thiên Chúa như là một người Cha (và người Mẹ), một người Cha yêu thương
chúng ta một cách sâu sắc. Chúng ta nghĩ đến Đức Giêsu như là một người Anh,
Đấng hiến tặng cho chúng ta chính cuộc đời của Người. Và chúng ta nghĩ đến Chúa
Thánh Thần như là một người Bạn. Đấng trợ giúp chúng ta sống theo Đức Giêsu, và
liên kết chúng ta với nhau, như là anh chị em trong một cộng đoàn của lòng tin
và tình yêu thương. Với tư cách là những người Kitô hữu, đây là bầu khí mà
trong đó chúng ta sinh sống, di chuyển và hiện hữu.
16. Kẻ nội thù
Trong
một gia đình gồm bảy hay tám người, thế nhưng chỉ có một người cha là gia
trưởng. Trong một nhà máy gồm hàng trăm thợ thuyền, thế nhưng, chỉ có một ông
giám đốc để điều hành. Trong một sư đoàn gồm cả ngàn binh lính, thế nhưng, chỉ
vó một vị tướng để chỉ huy. Trong một quốc gia gồm hàng triệu người dân, thế nhưng,
chỉ có một ông tổng thống để cai trị.
Cũng
vậy, chỉ có một Thiên Chúa là chủ tể, là vị vua tối cao, đã an bài và sắp xếp
mọi sự. Ngoài Ngài ra, không còn một thần minh nào khác. Đó là một sự thật
tương đối dễ hiểu và dễ tin. Tuy nhiên đã từ lâu, mỗi khi làm dấu thánh giá hay
đọc kinh Sáng danh. chúng ta vốn hằng tuyện xưng: Thiên Chúa ấy lại có Ba Ngôi.
Chúa Cha là Thiên Chúa. Chúa Con cũng là Thiên Chúa và Chúa Thánh Thần cũng lại
là Thiên Chúa. Thế nhưng, cả ba chỉ là một Thiên Chúa vì cùng chung một bản
tính. Đó là một màu nhiệm vượt ngoài khả năng hiểu biết của chúng ta.
Người
ta đã cố gắng đưa ra những hình ảnh để sánh ví. Chẳng hạn hình ảnh về mặt trời.
Phải, mặt trời là một khối lửa, vừa tỏa sáng vừa đem lại sức nóng. Lửa, sáng và
nóng, ba đặc tính này cũng chỉ làm nên một mặt trời mà thôi. Chẳng hạn một cây
hồng gồm rễ, thân và hoa. Thế nhưng, cả ba phần nay cũng chỉ làm thành một cây
hồng mà thôi. Chẳng hạn như nước, có thể ở ba trạng thái khác nhau, lỏng như
nước lã, đặc như nước đá, khí như hơi nước. Thế nhưng, cả ba trạng thái này
cũng chỉ là nước mà thôi.
Tuy
nhiên, những so sánh trên chỉ là những hình ảnh quá mờ nhạt, nếu không muốn nói
là què quặt và lệch lạc, khã dĩ bóp méo cả sự thật mà chúng ta đã tin theo. Trí
khôn và ngôn ngữ của con người thì quá nghèo nàn, không thể nào hiểu thấu và
diễn tả nổi về màu nhiệm cao cả này, như trường hợp của thánh Augustinô: Múc cả
nước biển mà đổ vào chiếc lỗ nhỏ còn dễ hơn là suy nghĩ về Chúa Ba Ngôi.
Sở
dĩ chúng ta tin, đó là vì chính Chúa Giêsu đã tỏ lộ và truyền dạy. Thực vậy,
khi Ngài chịu phép rửa của Gioan ở sông Giócđan, Phúc âm đã kể lại: Chúa Thánh
Thần lấy hình chim bồ câu ngự xuống trên Ngài và từ trời có tiếng phán: Này là
Con Ta yêu dấu, đẹp lòng Ta mọi đàng. Qua đó, chúng ta thấy có đủ Ba Ngôi: Chúa
Cha qua tiếng nói từ trời cao, Chúa con đang chịu phép rửa và Chúa Thánh Thần
qua hình chim bồ câu.
Khi
Chúa Giêsu biến hình trên đỉnh Taborê, Phúc âm cũng ghi nhận: Lúc Phêrô còn
đang nói, thì bỗng có một đám mây bao phủ và từ trong đám mây có tiếng phán:
Này là Con Ta yêu dấu, hãy vâng lời Ngài. Qua đó, chúng ta cũng thấy có đủ Ba
Ngôi: Chúa Cha qua tiếng nói, Chúa Con đang biến hình và Chúa Thánh Thần qua
đám mây chói lòa.
Sau
cùng, trước khi về trời, Chúa Giêsu đã truyền cho các môn đệ: Các con hãy đi
giảng dạy muôn dân, Rửa tội cho họ nhân danh Cha và Con và Thánh thần.
Tuy
nhiên, điều quan trong chúng ta cần tìm hiểu, đó là Chúa Ba ngôi đã làm gì cho
chúng ta?
] Trước hết, Chúa Cha đã yêu thương chúng ta bằng cách dựng nên chúng ta,
nhận chúng ta làm con để rồi trao ban cho chúng ta quyền thừa kế Nước trời.
Ông
vua kia nuôi một con chim hoàng yến. Nó hót rất hay khiến ông thích nó lắm. Ông
mua những thức ăn hảo hạng và làm cho nó một chiếc lồng bằng vàng. Trong lúc
quá say mê, ông đã nói với nó: Ta sẽ nhận ngươi làm con để ngươi thừa kế gia
tai và vương quốc của ta. Chắc hẳn chúng ta sẽ bảo ông vua này điên khùng hay
sao mà lại nói với một con chim như vậy. Tuy nhiên, Thiên Chúa còn yêu thương
chúng ta bằng một tình yêu điên khùng hơn thế nữa.
Báo
chí cách đây đã lâu có đăng tải tin một công chúa nước Anh sẵn sàng từ bỏ tất
cả để kết hôn với một anh chàng phó nhòm. Người ta cho rằng cô công chúa này đã
yêu một cách cuồng si. Tuy nhiên, Thiên Chúa còn yêu thương chúng ta bằng một
tình yêu cuồng si hơn thế nữa. Chúng ta là gì mà lại được diễm phúc gọi Thiên
Chúa là Cha?
] Thứ đến, Chúa Con đã yêu
thương chúng ta bằng cách xuống thế làm người và chịu chết trên thập giá để cứu
chuộc chúng ta. Nếu chúng ta ca ngợi cha Đamiêng, người đã tình nguyện đến sống
chung với những người cùi ở Molokai, một hòn đảo xa xôi và hẻo lánh, để rồi đã
chết đi giữa những người cùi bất hạnh ấy, thì chúng ta lại càng phải ca ngợi
Chúa Giêsu hơn nữa, bởi vì Ngài đã đến ở với chúng ta, những kẻ đang mắc phải
chứng phong cùi thiêng liêng là tội lỗi.
Nếu
chúng ta ca ngợi cha Maximilanô Kolbê, người đã tình nguyện chết thay cho một
bạn tù trong trại tập trung của Đức quốc xã, thì chúng ta lại càng phải ca ngợi
Chúa Giêsu hơn thế nữa bởi vì Ngài cũng đã tình nguyện chết thay cho chúng ta
để nhờ đó chúng ta được sống muôn đời.
Sau
cùng, Chúa Thánh Thần đã yêu thương chúng ta bằng cách cư ngụ trong tâm hồn
chúng ta và trao ban cho chúng ta sự sống thần linh cùng với những ơn sủng do
công nghiệp của Chúa Giêsu để nhờ đó chúng ta được trở thành con cái Thiên Chúa
và xứng đáng lãnh nhận phần sản nghiệp Nước trời.
Để
đáp lại tình yêu cao cả đó, chúng ta sẽ làm gì? Tôi xin đề nghị hai việc.
-
Việc thứ nhất đó là mỗi khi làm dấu thánh giá hay mỗi khi đọc kinh Sáng
danh, chúng ta hãy làm và hãy đọc cho trang nghiêm và sốt sắng, để nhờ đó tuyên
xưng niềm tin vào Chúa Ba Ngôi.
-
Việc thứ hai đó là trong đời sống thường ngày, chúng ta hãy ra sức khử
trừ tội lỗi, bởi vì tội lỗi chính là kẻ nội thù, làm cho chúng ta quay lưng
chống lại tình yêu mà Ba Ngôi Thiên Chúa đã dành cho chúng ta. Bởi vì mỗi khi
phạm tội, chúng ta không còn vâng phục Chúa Cha, chúng ta đóng đanh Chúa Con
một lần nữa và chúng ta xua đuổi Chúa Thánh Thần ra khỏi cõi lòng chúng ta.
17. Chú giải của
Fiches Dominicales
MẶC
KHẢI BẤT NGỜ CỦA PHÚC ÂM
VÀI ĐIỂM CHÚ GIẢI:
1. Tình yêu của Chúa Cha
trong Con,Đức Giêsu Kitô, được biểu lộ.
Trong
năm A này, sách bài đọc đã mượn bài Phúc âm trong chương 3 của thánh Gioan,
phần cuối của cuộc đối thoại giữa Đức Giêsu và Nicôđêmô. Dựa vào giai thoại
"con rắn đồng" (Ds 21,4-9), Đức Giêsu đi đến cử hành tế lễ treo trên
thập giá như là đỉnh cao của mặc khải về tình yêu, tiếng nói đầu tiên và cuối
cùng của ý định của Thiên Chúa: "Thiên Chúa đã yêu thương thế gian đến nỗi
đã ban Con Một mình: vì thế ai tin vào Ngài sẽ không chết nhưng được sống đời
đời. Cụm từ "Con Một" gợi lên lễ hiến tế của Abraharn (Gen 22,2-12).
Còn về việc "Nâng cao Con Người lên" (Ga 3,14) nơi thánh Gioan, bao
gồm vừa là cái chết của Đức Kitô trên thập giá vừa là sự tôn vinh Người bên hữu
Chúa Cha, và theo X.lon Dufour, "bao gồm rộng hơn nữa, cả hành trình của
Ngài ở trần gian" (Đọc Tin Mừng thánh Gioan Tom I, Ed. du Seuil
p.306-307). Thánh giá này là nguồn sống của tín hữu, không phải do khía cạnh
hiến tế và đổ máu, nhưng theo A. Marchadour, là cách diễn tả cuối cùng của tình
yêu Thiên Chúa". Ông viết tiếp: "Không như một vài người nhìn thánh
giá như là nơi diễn tả cơn thịnh nộ của Thiên Chúa, khi Chúa Cha từ bỏ Chúa Con
để chuộc tội loài người. Ở đây, Con và Cha hiệp thông với nhau trong cùng một
tình yêu đối với thế gian (Tin Mừng Gioan, Centurion, p.69). Dự án tình yêu
nhưng không của Thiên Chúa Cha mà Đức Giêsu mặc khải, mang tính phổ quát:
"cho thế gian", chứ không chỉ dành riêng cho một ít người. X.lon
Dufour nhận xét: "Ba câu này liên kết mật thiết với nhau, hai câu đầu nói
lên động cơ (3,16) và mục đích (3,16-l7) của ơn Chúa hay việc Cha sai Con Một
mình. Trong chương trình này, lần thứ nhất, hai lần Thiên Chúa là "chủ
từ”. Thiên Chúa được coi là nguồn gốc của hành động cứu rỗi, vì tình yêu cao cả
ngất ngây của Ngài. Ở trung tâm của tất cả, nhất là trung tâm vai trò của Con
Người và con đường dẫn tới thập giá, người ta tìm thấy Thiên Chúa yêu thương
thế gian. Sự khẳng định đó coi Thiên chúa và tình yêu của Ngài như là thực tại
nền tảng và tuyệt đối ... Tình yêu đi trước tất cả, như trong lời mở đầu của
thánh Gioan ánh sáng thiên linh đã hiện hữu vì con người trước khi có tối tăm.
Thiên Chúa tình thương chỉ có một mục đích là cứu rỗi và ban sự sống (O.C. p.305-306).
2. Kêu gọi câu trả lời tự
do của chúng ta “bây giờ”
Nhưng
không, vô điều kiện, phổ quát, tình yêu Chúa Cha tỏ hiện trong Con Một, đòi hỏi
một câu trả lời tự do của con người. Sự hiện diện của Chúa Giêsu, Đấng mặc khải
tình yêu Chúa Cha, đòi hỏi mọi người ‘bây giờ phải chọn lựa, một sự chọn lựa sẽ
quyết định cho số phận của mình’.
Với
kẻ kết hiệp trong đức tin, với Thiên Chúa tình yêu được bày tỏ trong Đức Giêsu
Kitô, với kẻ tin "nhân danh Con Một", thì được hiệp thông với
"sự sống đời đời”. Từ hôm nay họ được dẫn vào sự duy nhất vĩnh viễn và
trong sự thân mật hoàn hảo của Chúa Cha và Chúa Con: “Như Cha ở trong Con và
Con ở trong Cha, xin cho chúng nên một với Ta” (Ga 17). Còn với "ai không
muốn tin" thì đã bị luận phạt rồi, vì không tin vào Con Thiên Chúa".
X. lon Dufour nhấn mạnh: "sự sống đời đời và án phạt không dành cho ngày
sau hết mà thôi (phán xét chung thẩm): cả hai được thể hiện trong hiện tại khi
gặp gỡ Đức Kitô. Tin vào Ngài tức thì "có sự sống", trái lại, từ chối
không tin là tự định đoạt cho mình phải chết" (O.C. p.308-309).
BÀI ĐỌC THÊM:
1. “Sống và
yêu theo nhịp Chúa Ba Ngôi” (J.N.
Bezencon, trong, "Babor p.131-132).
Mặc
khải về Chúa Ba Ngôi không chỉ là sự bổ sung vào ý niệm chung về Thiên Chúa. Sẽ
không đủ nếu chỉ thêm thắt vào ý niệm về Thiên Chúa của các tôn giáo khác. Mặc
khải về Chúa Con và Chúa Thánh Thần để từ đó khám phá ra Thiên Chúa của Đức
Giêsu Kitô. So với tôn giáo độc thần của Do Thái mà một Chúa Ba Ngôi là sự hoàn
thành, ý niệm Chúa Ba Ngôi của người Kitô hữu là cả một cuộc cách mạng trong sự
hiểu biết về Thiên Chúa. Vì thế trong kinh Tin Kính của Kitô giáo, không có một
đoạn đầu chung chung nói về Thiên Chúa trong những từ mà chúng ta có thể chia
sẻ với anh em Do Thái giáo hay Hồi giáo. Chức làm Cha của Thiên Chúa, quyền
năng vô biên của Ngài, hành động sáng tạo của Ngài, quyền làm Chúa của Ngài
trên vũ trụ phải được đọc dưới ánh sáng của Đức Giêsu và thập giá của Ngài. Đức
tin Kitô giáo, đức tin vào Chúa Ba Ngôi, không chỉ khác bởi nội dung của nó,
như thể là trong danh mục các chân lý phải tin, chỉ cần thêm vào, cho là ở đâu
đi nữa, một chương về Ba Ngôi là đủ. Chính đức tin đã khác biệt rồi, khác trong
chính kết cấu, trong năng động. Đức tin cách nào đó, đảo ngược: khi tôi nói tôi
xây dựng cuộc sống tôi trên Ngài, trước hết tôi muốn nói trong Ngài là nguồn
suối, Ngài tin ở con người và phó thác cho tôi, ràng buộc mình với chúng ta, và
tuỳ may rủi, Ngài chọn xây dựng tất cả dự tính tình yêu của Ngài, và chia sẻ,
dựa trên sự đáp trả tự do và mong manh của chúng ta: Đức tin của chúng ta,
tiếng Amen của chúng ta là câu trả lời như tiếng dội của lòng tin của Thiên
Chúa. Nói Ngài là Cha là mẹ (đứa trẻ nói: Thiên Chúa là người Cha, thương yêu
như người mẹ) điều đó muốn nói chính Ngài luôn luôn đi bước đầu. Huấn giáo
(catécalèse) không có điểm xuất phát nào ngoài phát minh làm chóng mặt rằng một
ai đó đã tin tôi đến nỗi làm cho tôi sống: "Con là con Ta, trong con Ta
đặt tất cả tình yêu”. Bởi thế ngay lập tức, đức tin ấy là tin vào Chúa Ba Ngôi.
Dựa vào huấn giáo là đặt mình ở điểm chính xác nơi mà Lời của Thiên Chúa có thể
tìm thấy tiếng dội trong con người. Đó là đi vào kinh nghiệm làm con của Đức
Giêsu. Cuối cùng huấn giáo là huấn giáo về Chúa Ba Ngôi vì đời sống Kitô giáo
là tin vào Chúa Ba Ngôi: ở chỗ để Thánh Thần chiếm đoạt, đến nỗi nên một với
Đức Giêsu mà Chúa Cha hằng sinh ra. Từ đó huấn giáo các bí tích mà người Kitô
giáo học sống sự hiệp thông Ba Ngôi là rất quan trọng. Đó là dịp để quảng diễn
các kinh trong sách nghi lễ, với điều kiện là đừng bắt đầu cách loại bỏ những
gì mà tất cả những ai được giáo huấn (catéchisés) cho rằng không hiểu. Một nhóm
nhỏ làm công tác giáo huấn làm ta nghĩ đến bức tượng thánh Icône của André
Roublev, ba thiên thần được Abraham đón tiếp, truyền thống công nhận đó là hình
ảnh tiên báo về Chúa Ba Ngôi. Tất cả Giáo Hội, tất cả mọi tế bào của Giáo Hội,
là hình ảnh của Chúa Ba Ngôi nếu như mỗi người đều hướng về kẻ khác trong sự
chia sẻ và trong sự hiệp thông. Trong một êkip làm công tác huấn giáo, trong đó
mỗi người đều biết đón nhận những gì mà người khác nói và làm ở đó, những lúc
thinh lặng và cầu nguyện thật là những giây phút hiệp thông, một cái gì đó
sống, đồng thời cũng có giá ăn mặc khải mầu nhiệm của Thiên Chúa như là cái
nhìn nhau giữa các thiên thần của bức tượng thánh của Roublev. Sự tuần hoàn của
tình yêu trong Ba Ngôi Thiên Chúa, được anh em Hy Lạp gọi là
"Périchorèse" (một thứ vũ vòng quanh, cũng có gốc với từ
chorégraphie). Thiên Chúa không bất động. Và vì Ngài luôn luôn là chuyển động
và chia sẻ chính Ngài, Ngài là chuyển động hướng về chúng ta. Huấn giáo là nơi
mà trẻ con, chúng biết chúng không bao giờ ở yên, được mời gọi đi vào chuyển
động điệu múa Ba Ngôi, học sống và yêu với nhịp điệu của Cha, Con và Thánh
Thần...".
2. “Giáo Hội
nói những gì Giáo Hội làm" (Pour dire
le Credo, Cerf).
Nhìn
Giáo Hội trong những gì Giáo Hội là, không phải là chuyện dễ dàng đâu. Giáo Hội
loan báo Phúc âm, Tin Mừng của Đức Kitô vì hạnh phúc con người, và Giáo Hội làm
cho con người sống các bí tích mà Đức Kitô đã truyền lại, đặc biệt và ngay từ
đầu, Giáo Hội làm cho con người sống bí tích Thanh Tẩy. Giáo Hội hiện hữu là
thế đó, nghĩa là như một công đồng của những ai, nam cũng như nữ, chấp nhận
tình yêu Chúa Cha và liều mình sống đời sống của Ngài. "Hãy đi khắp muôn
dân thu tập các môn đệ, làm phép rửa cho họ" (Mt 28,19). Nhiều khi chúng
ta cho lời nói của Giáo Hội có tầm quan trọng (sự can thiệp của Đức Thánh Cha,
các tuyên bố của các giám mục) hơn là việc làm của Giáo Hội, và chúng ta có cảm
tưởng Giáo Hội là một tổ chức để nói, một bà già rất đáng kính nói hơi nhiều.
Phải rồi Giáo Hội nói, và Giáo hội phải làm thế để nói lại với loài người vẻ
đẹp của lời dạy của Đức Giêsu, và giúp họ thay lòng đổi dạ. Nhưng trong chân lý
sâu thẳm của mình, trước hết Giáo Hội hành động, và khi suy nghĩ đến hành động của
mình, Giáo Hội nói và khám phá ra những gì Giáo Hội đã làm. Như thế Giáo Hội
kiểm tra lại sự thật của hành động mình, và cắt nghĩa giá trị của hành động ấy.
Giáo Hội làm phép rửa, một hành động huyền bí cho phép con người nhận ra mình
được Cha yêu thương và được hợp nhất với Đức Giêsu, nhờ ơn sức mạnh của Thánh
Thần của Đức Giêsu…,được trở nên chứng nhân của tình yêu phổ quát của Cha.
Chúng ta luôn phải tái khám phá ra vẻ đẹp và sự quan trọng của phép Rửa mà
chúng ta đã lãnh nhận. Và trong dây liên kết chặt chẽ với hành động chịu phép
rửa mà Giáo Hội đã đề ra kinh Tin Kính, để cho mọi người sẽ chịu phép rửa, cùng
nhau nhận ra kho tàng họ được chia sẻ không do công lệnh gì của họ. Phải luôn
lặp lại lời thánh Phaolô: "Nhờ ơn thánh mà anh em được cứu chuộc, anh em
chẳng có công trạng gì trong đó cả, chỉ là một ơn huệ của Thiên Chúa" (Ep
2,8). Kinh Tin Kính là bản đồ đi đường chỉ cho chúng ta thấy vẻ đẹp của thế
giới mới trên bờ bến mà bí tích rửa tội đã đưa chúng ta tới. Việc tuyên xưng
đức tin bắt đầu trong ngây ngất (của tâm hồn) và trong lời kinh tạ ơn.
3. “Hội Thánh
của Thiên Chúa Ba Ngôi”. (B. Franck, trong "La Croix", 12/2/1995,
p.27).
Nếu
Giáo Hội thật là một hiệp thông (koinonia), nếu từ cơ bản Giáo Hội là "dân
Thiên Chúa”, "thân thể Đức Kitô và đền thờ Chúa Thánh Thần, nếu Thiên Chúa
Ba Ngôi vừa là nguồn gốc vừa là khuôn mẫu của sự sống của Giáo Hội, nếu những
người chịu phép (giáo sĩ, giáo dân, tận hiến) phải được đào tạo theo mẫu những
liên hệ nối kết Ba Ngôi Thiên Chúa, khi ấy Giáo Hội phải cố gắng phản ảnh lên
trái đất, giữa các Kitô hữu, những mối liên hệ bình đẳng hỗ tương và bác ái,
mối liên hệ giữa Cha, Con và Thánh Thần. Giữa Ba Ngôi, không có trên cũng không
có dưới, không có Đấng quyết định và Đấng thi hành quyết định, Ba Ngôi với
nhau, hoạt động với nhau sống với nhau mà vẫn giữ được căn tính của mình và
Ngôi vị riêng biệt, tuy mỗi Đấng có một sứ mệnh đặc trưng có một không hai.
Giáo
Hội tự mình muốn và tự nói mình là "bức tượng thánh của Ba Ngôi".
Giáo Hội phải luôn cố gắng hướng tới để trở nên cái mà mình phải là, chứ không
phải luôn làm biến dạng khuôn mặt Ba Ngôi mà Giáo Hội tự cho mình là hình ảnh.
18.
Chú giải của Noel Quesson
Phải
mất ba thế kỷ, các Công đồng của Giáo Hội mới định nghĩa chính xác Ba Ngôi.
Nhưng ngay từ lúc khởi đầu, mọi sự đã được đem đến trong Tin Mừng, đặc biệt là
Tin Mừng của Thánh Gioan. Cuộc đàm thoại với Nicôđêmô mà chúng ta đọc hôm nay
là một đoạn trích ngắn, thật sự đã làm cho chúng ta khám phá một điều gì đó chủ
yếu: “tranh luận" hẳn là không đi tới đâu, phải đi theo Đức Giêsu và dấn
thân với Người. ông Nicôđêmô đại diện cho các môi trường trí thức Do Thái ông
là bậc thầy trong dân Israel (Ga 3,10)... Tuy nhiên ông không hiểu! trước tiên
Ba Ngôi không phải là một vấn đề hóc búa của trí tuệ mà một thực tại đơn giản:
Thiên Chúa là tình yêu! Và tình yêu này mang một khuôn mặt: Đức Giêsu trên thập
giá. Gioan là tông đồ duy nhất đã dám đối mặt với cảnh tượng ấy của tình yêu
điên rồ của Thiên Chúa, khi tham dự vào bi kịch trên đồi Golgotha, cả cuộc đời
Ngài, thánh Gioan đã suy niệm trước Đức Giêsu “được gương cao” khỏi mặt đất
trước mắt Ngài. Thánh Gioan đã nói với chúng ta sự suy niệm ấy. Đồng thời nó
cũng là chân lý sâu xa nhất về căn tính của Đức Giêsu.
“Thiên Chúa
yêu đến nỗi..."
Trước
khi đi xa hơn trong câu này, tôi để cho những chữ ấy thấm vào người tôi.
Vậy
ra đây là vấn đề tình yêu. Và một tình yêu sẽ làm những chuyện điên rồ người ta
đã đoán ra điều đó trong trạng từ "đến nỗi"...
Israel
biết rằng Thiên Chúa yêu thương. Toàn bộ Cựu ước là một chung cư về điều đó.
Bài đọc đầu tiên cho chúng ta nghe lại mặc khải với Môsê trong sa mạc
Sinai:"Ta là Đức Chúa Giavê, Thiên Chúa nhân hậu và từ bi, hay nén giận,
giàu nhân nghĩa và thành tín" (Xh 34,4-9). Vâng, toàn bộ Kinh Thánh đều
biết tình yêu của Thiên Chúa nhưng không một ai có thể đoán được tình yêu ấy đi
tới mức nào?
"Thiên
Chúa yêu thế gian đến nỗi..."
Từ
thế gian mà trong tiếng Hy Lạp là “kosmos", trong Tin Mừng Thánh Gioan
thường có nghĩa xấu, ở đây cần biết rằng thế gian, toàn vũ trụ được Thiên Chúa
yêu thương. Thiên Chúa yêu thương thế gian mà Người đã làm ra. Người ta thương
yêu cái gì mình đã làm ra. Nhưng cần biết rằng Thiên Chúa yêu thương mọi người.
Thiên Chúa đã yêu thương một ‘anh nọ’ và một ‘chị kia’. Và tôi đặt những khuôn
mặt cụ thể được yêu thương hoặc không... trên những từ ấy. Thiên Chúa đã yêu
thương anh X. đến nỗi... Thiên Chúa yêu thương chị Y đến nỗi.
'Thiên Chúa
yêu thế gian đến nối đã ban..."
Hai
động từ này: ‘yêu’ ‘ban’ ở thì quá khứ bất định trong ngôn ngữ Hy lạp và dịch
thì quá khứ trong tiếng Pháp (trong tiếng Việt là “đã yêu” và “đã ban”). Thiên
Chúa đã yêu và đã ban. Đây là một hành động chính xác, có ngày giờ nơi chốn.
Quả thật! Đức Giêsu Nagiaret con của Bà Maria, con người thật đã can thiệp vào
lịch sử cách nay hai mươi thế kỷ trong một xã hội của Đế quốc La mã đồng thời
đó cũng là một biến cố của hoàn vũ đã biến đổi triệt để lịch sử của nhân loại.
Kinh Tin Kính của chúng ta không phải là một chuỗi các ý tưởng, nhưng là một
chuỗi "sự kiện": Thiên Chúa đã sáng thế, Đức Giêsu đã được trinh thai
bởi Chúa Thánh Thần; Người đã đau khổ, đã chết đã sống lại...
Phụng
vụ của chúng ta không phải là những ngày lễ các ý tưởng: Chúng ta không mừng lễ
công lý, tình huynh đệ và cả đức tin. Cách nói: "lễ đức tin tạo ra sự lẫn
lộn. Tin Mừng không phải là sách bàn về học thuyết, là một "tường thuật kể
lại các biến cố... mà tác giả là Thiên Chúa. Chính Thiên Chúa là "chủ
thể" của hành động: Người yêu... Người ban...
“Người đã ban
Con Một...”
Nếu
đọc lướt qua nhanh câu này, người ta có thể chỉ nghĩ đến sự Nhập Thể: Thiên
Chúa đã ban cho chúng ta Con của Người! Nhưng có một tính từ nhỏ: Con
"Một" tính từ ấy xem ra có thể tầm thường với bất cứ người nào không
biết Kinh Thánh. Vả lại, đối với thính giả Do Thái, hai từ ấy (Con, Con Một) nhắc
đến một đoạn văn của Cựu Ước trong trí nhớ của mọi người: vị đại tổ phụ sáng
lập đức tin, Abraham đã chấp nhận hiến tế con trai, con duy nhất của ông (St
22,2-22,16). Đối với Gioan điều này ám chỉ đến sự “tận hiến” trên đồi Golgotha,
chứng tá cao cả nhất của tình yêu. Trong một câu trước, Gioan đã nói với chúng
ta rằng: “Con Người phải được giương lên như con rắn đồng trong sa mạc” (Ga
3,14). Thánh Phaolô cũng đã viết: ‘Đến như chính Con Một, Thiên Chúa cũng chẳng
tha, nhưng đã trao nộp vì hết thảy chúng ta” ( Rm 8,32). Tình yêu ấy là vô cùng
tận! sự điên rồ của tình yêu.
“Để ai tin
vào con của người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời”.
Thiên
Chúa đã khởi xướng trước, Người đã “yêu thương đầu tiên”. Mọi sáng kiến đến từ
phía Người. Nhưng như chúng ta biết rõ, để có tình yêu, nếu chỉ có lời tuyên
bố, bày tỏ, trước những bước, dấu chỉ từ một trong hai phía chưa đủ … mà phải
có sự tương ứng, đón nhận, đáp trả, … đức tin là lời đáp lại của con người đối
với lời tỏ bày tình yêu của Thiên Chúa: người ta trao đức tin cho người khác,
người ta làm cho người ấy tin tưởng, tín thác cho nhau, người ta được “đính
hôn”!
Cái
được mất của đức tin ấy vô cùng quan trọng: vấn đề là chết hay sống: “ai tin
thì khỏi phải chết nhưng được sống muôn đời”. Đó là một song luận khắc nghiệt:
hoặc là …hoặc là.. đó là một chọn lựa quyết định: trong trường hợp này người ta
không sống, trong trường hợp kia người ta được sống… không có con đường trung
bình mà là sự phân đôi triệt để khốc liệt. Hoặc người ta chấp nhận “sự ban cho
của Thiên Chúa” và đi đến sự sống muôn đời là đặc tính của Thiên Chúa hoặc
người ta ở lại với nhân tính của mình và dĩ nhiên là phải chết. Không thể có
thái độ nghiêng ngả quanh co. Phải nói “có” hoặc “không” trước sự ban cho của
Thiên Chúa. Và theo nhà văn Bernanos, Xatan muốn làm chúng ta trở thành “Ông
Ouinn”… là ông vừa nói “có” (oui) và “không” (nn.. non) ông nước đôi đó nói
“có” khi bắt đầu nói “không”.
“Quả vậy
Thiên Chúa sai con của Người đến thế gian không phải để lên án thế gian, nhưng
để thế gian nhờ con của Người mà được cứu độ”.
Tư
tưởng này của Đức Giêsu rất cách mạng. Trong đạo Do Thái cùng thời với Đức
Giêsu , người ta thường loan báo rằng Thiên Chúa sẽ đến tiêu diệt thế giới tội
lỗi. Các thủ bản ở Qumran chứa đầy quan niệm ấy của phái Manikêu: con cái của
ánh sáng sẽ tiêu diệt con cái của bóng tối trong một cuộc chiến đấu một mất một
còn, không khoang nhượng. Gioan Tẩy Giả gần với tâm thức đó, cũng chờ đợi một
Đấng Mêsia trả thù và xét xử (Mt 3,10-12).
Nhưng
quan điểm của Kitô giáo về thế gian thì hoàn toàn quân bình hơn. Không phải là
một quan điểm lạc quan, bịt mắt trước sự xấu ác và không nghe thấy khát vọng
bao la về một “thế giới tốt đẹp hơn”… cũng không phải là quan điểm bi quan luôn
luôn lặp lại rằng thế giới thì xấu xa… nhưng là một quan điểm “cứu độ” thừa
nhận sự xấu ác của thế gian nhưng không phải lên án nó, nhưng để cứu nó! Đức
Giêsu cứu thế thật tuyệt vời!
Còn
chúng ta thì sao? có phải chúng ta là những môn đệ của Đức Giêsu ấy không?
chúng ta có yêu thương thế gian như Thiên Chúa không? nghĩa là bằng sự đấu
tranh chống lại điều ác và tội lỗi của thế gian để cứu độ nó. Tình yêu thương
của chúng ta có tính “cứu chuộc” không? nghĩa là trước hết phải thực hiện và
sáng suốt trên những khuyết điểm và tội lỗi của anh em chúng ta (cả chúng ta
nữa) bị lệch lạc méo mó nhưng chúng ta cũng phải có đủ lòng nhân hậu để cứu
giúp họ ra khỏi tình trạng ấy và ban cho họ cơ hội để đổi mới…
Tôi
còn phải cầu nguyện nhiều về hai từ: ‘không nên đoán xét’ mà hãy ‘cứu’.
“Ai tin vào
Con của Người thì không bị lên án…”
Đối
với Đức Giêsu, đức tin thoát khỏi sự phán xét. Như thể sự phán xét đã “hiện đại
hoá” vào ngày hôm nay, và đặt vào đôi tay của con người: chính con người tự
phán xét mình. Và Đức Giêsu nói rằng đức tin là sự phán xét ấy: “ai tin là
người được cứu, còn ai không muốn tin đã bị lên án rồi…”
“Nhưng kẻ
không tin, thì bị lên án rồi”.
Chúng
ta thấy những lời này rất nghiêm khắc, bởi vì chúng ta nghĩ đến bao nhiêu người
không tin, trong vòng bà con hoặc trong chính gia đình chúng ta, và trong thế
giới bao la đó những nền văn minh lớn hoàn toàn không có được khả năng biết Đức
Giêsu. Tuy nhiên chúng ta không thể loại trừ ra khỏi Tin Mừng các công thức căn
bản ở đó con người bị thúc bách phải chọn lựa “theo” hoặc “chống”…”có” hoặc
“không”…tuy nhiên phải có sự phân biệt chủ yếu:
1. Khi gởi đến các Kitô hữu
đã thật sự tuyên xưng đức tin, thì lời cảnh báo nghiêm khắc ấy tức là không
được chối bỏ đức tin mà mình đã tuyên xưng là một lời mời gọi không ngừng lặp
lại sự tuyên xưng ấy bằng cách mỗi ngày canh tân sự chọn lựa sống theo Đức
Giêsu Kitô của mình: nghĩa là "phó dâng đời sống mình bởi tình yêu như
Người!".
2. Về phần mọi người khác,
chưa bao giờ có cơ hội chọn lựa Đức Giêsu một cách thật sự có ý thức, cá nhân
là trưởng thành... thì điều mà chúng ta biết về tình yêu Thiên Chúa (Đấng đã
sai Con của Người đến thế gian không phải để lên án thế gian mà để cứu độ nó),
cho phép chúng ta hy vọng rằng nhiều người trong số những người thực tế 'không
theo Đức Giêsu cũng đã theo Người dù họ không biết điều đó (và quả là thiệt
thòi cho họ) bằng cách sống làm người của họ "theo Đức Giêsu Kitô"
nghĩa là "phó dâng đời sống mình bởi tình yêu như Người!"
"Vì đã
không tin vào danh của Con Một Thiên Chúa"
Và
một lần nữa chúng ta biết chọn lựa ấy khẩn thiết như thế nào... ngay từ bây
giờ. Nhưng trong một đoạn văn song song khác, Đức Giêsu sẽ nói rằng một
"kỳ hạn của ân sủng" sẽ được ban cho con người, bởi vì chỉ đến ngày
sau hết mà "lời của Đức Giêsu sẽ xét xử những kẻ từ chối Người (Ga
12,47-50). Điều đó không loại bỏ sự khẩn thiết của ngày hôm nay... nhưng tất cả
đời sống của chúng ta mỗi ngày là sự phán xét của chúng ta...
Để
kết thúc sự suy niệm này, chúng ta biết rõ hơn tại sao trang Tin Mừng này được
chọn cho ngày lễ Chúa Ba Ngôi. Trong Tin Mừng, Thiên Chúa Ba Ngôi không phải là
một vấn đề mà người ta đề cập như một sự trình bày lý thuyết và trừu tượng...
đó là một thực tại của tình yêu người ta bước vào thực tại ấy để sống tình yêu
ngay từ HÔM NAY bởi đức tin trong Đức Giêsu.
19. Chú giải của
Giáo Hoàng Học Viện Đà Lạt
CHÚ GIẢI CHI TIẾT
“Thiên Chúa
đã yêu mến thế gian đến nỗi ...": Công trình cứu rỗi được nối kết với nguyên
lý tối hậu của nó là tình yêu của Thiên Chúa đối với thế gian. Việc sai phái
Chúa Con, như là dấu tích tình yêu của Thiên Chúa, đã được lựa 4,9-10.16.19 làm
nổi bật. Tư tưởng này, tiềm tàng trong Tin Mừng thứ tư, đã được khai triển
trong chương 13 và các chương kế tiếp.
“Vì Thiên
Chúa không sai Con đến trong thế gian để xử án thế gian": Câu này xác định mục đích
sứ mệnh của Chúa Con đối với thế gian: không phải để xét xử, nhưng để cứu rỗi
thế gian (Ga 4,42; 1Ga 4,14). Nhưng tại sao Chúa Giêsu lại quả quyết trong
9,39: “Chính để xét xử mà Ta đã đến trong thế gian”. Thưa điều Thiên Chúa muốn
là cứu rỗi thế gian; tuy nhiên việc Chúa Con đến nhất thiết gây nên quyết định
chọn lựa dứt khoát của con người, sự chọn lựa này làm nên việc xét xử. Quyết
định chính yếu ấy của tất cả đời người, chính là việc gắn bó vào "Con Một
của Thiên Chúa" (c.18) bằng đức tin, hay trái lại là sự chối từ không chịu
tin. Câu 18 dịch sát chữ là "Kẻ tin vào Người thì không bị án xử (trong
các câu 17-18, BJ cả 3 lần đều dịch "luận phạt", trong lúc bản Hy lạp
là "án xử"); kẻ không tin thì đã bị “xét xử rồi". Án xử thành ra
không tự Chúa Con mà đến, nhưng tự thế gian đã không chịu đón nhận ơn cứu độ mà
Chúa Kitô đem tới cho. Thế gian khép lòng trước tình yêu của Chúa Cha tỏ hiện
trong việc sai phái Chúa Con, nó loại bỏ Đấng Trung gian duy nhất là Đấng có
thể đưa nó đến sự sống. Thành ra, vì ích kỷ, thế gian đã chọn lựa ở lại trong
sự chết. Một án quyết sẽ có thể long trọng công bố, xác nhận tình trạng này (x.
cuộc phán xét cánh chung vào ngày Quang lâm trong các Tin Mừng Nhất lãm) nhưng
sẽ không thay đổi tình trạng đó nữa.
KẾT LUẬN
Không
được chần chừ lần lựa hoặc giả diếc làm ngơ trước mặc khải trực tiếp nhất, hồng
ân cứu độ cao quý nhất và tình yêu tuyệt đối này của Thiên Chúa. Vì hãy nhớ
rằng cái chết của Chúa Giêsu mặc cho mọi phản ứng của con người ý nghĩa cánh
chung đích thực của nó.
Ý HƯỚNG BÀI GIẢNG
1. Niềm tin vào Thiên Chúa Ba Ngôi có được là nhờ
niềm tin vào Chúa Giêsu Kitô. Mọi giáo huấn về Thiên Chúa đều được chứa đựng
trong con người của Chúa. Từ đó việc tin vào Chúa Con dã hàm chứa việc tin vào
Chúa Cha và Chúa Thánh Thần, vào Thiên Chúa Ba Ngôi. Vì thế Tin Mừng đã nói:
“Phàm ai tin vào Người thì không phải hư đi nhưng được sự sống đời đời”. Sự
kiện trong ngày lễ Thiên Chúa Ba Ngôi, Giáo Hội chọn một bản văn có chủ ý nhấn
mạnh tầm quan trọng của niềm tin vào Chúa Giêsu Kitô, cho thấy khởi điểm lộ
trình và mục đích của niềm tin đã được bao hàm trong việc gắn bó sống động vào
Chúa Kitô. Ai đến với Chúa Kitô thì cũng đến với Chúa Cha và được như thế là
nhờ ơn Chúa Thánh Thần.
2. Nhưng đây còn một vấn nạn khác mà Tin Mừng
muốn trả lời: Thiên Chúa cứu thế gian bằng cách nào? bằng cách sai Con của Ngài
đến trong thế gian. Thế nhưng ngày nay Chúa Kitô đến trong thế gian bằng con
đường đặc biệt nào? Bằng Giáo Hội. Do đó Giáo Hội có sứ mệnh làm cho Chúa Kitô
hiện điện trong thế gian. Giáo Hội phải thông đạt một sự hiện diện đích thực chứ
không chỉ giảng dạy, đưa ra học thuyết, giáo huấn mà thôi. Thiên Chúa Ba Ngôi
đã tự trở nên gần gũi với nhân loại trong con người Chúa Giêsu Kitô, Đấng được
mặc khải trong Giáo Hội và nhờ Giáo Hội.
3. Kẻ tin vào Chúa Giêsu đến nỗi sẵn sàng chia sẻ
số phận tử nạn và phục sinh của Người, thì được vào trong mầu nhiệm sống động
của Thiên Chúa. Điều này giải thích tại sao sứ điệp của các sứ đồ, ở thời đầu
Giáo Hội, không phải là một bài giáo lý về Thiên Chúa Ba Ngôi, nhưng là lời
loan báo về Chúa Giêsu Kitô. Suốt giòng lịch sử Giáo Hội, và nhất là qua các
Công Đồng, Giáo Hội sẽ cố gắng công thức hóa cho mình một tư tưởng về mầu nhiệm
Thiên Chúa Ba Ngôi. Nhưng việc chính của Chúa Thánh Thần trong Giáo Hội (trong
mỗi người chúng ta) là làm sao cho Giáo Hội trở thành và mãi mãi là kẻ tin vào
Chúa Giêsu Kitô.
4. "Ai tin vào Con Người thì
chẳng bị án xử ; ai không tin thì đã bị án xử rồi vì đã chẳng tin".
Đây là nghịch lý của một sự tự do chỉ có thể chọn lựa giữa sự sống và cái chết.
Không có nhiều cách sống, nên không thể có sự chọn lựa giữa nhiều giả thuyết
khác nhau. Hoặc được tất cả hoặc mất tất cả. Tình yêu của Chúa Cha biểu lộ
trong Chúa Con và kích động trong ta nhờ sự hiện diện của Chúa Thánh Thần, xem
ra bi thảm vì có tính cách quyết định. Tình yêu không phải là cái gì có thể
chọn lựa tuỳ ý giữa bao cái khác. Nó là sự sống của con người. Sự tự do mà
Thiên Chúa ban cho con người là tiếng mời gọi diệu kỳ nhất, mời gọi đi đến với
tình yêu, đồng thời cũng là khả năng hủy diệt nguy hiểm nhất. Nhiều kẻ đã sợ tự
do; có lẽ họ thích đừng phải đương đầu với một chọn lựa như thế, vì họ coi sự
chọn lựa đó dã man hơn là dịu dàng và tế nhị. Tuy nhiên, chính khi tự do yêu
thương mà con người thực sự là người. Nếu không có sự chọn lựa ấy (với nhiều
khía cạnh bi thảm của nó) thì con người chỉ còn là một người máy đã bị quy định
trước. Nhưng đối với ai lựa chọn theo Chúa Giêsu, đối với ai nhờ Chúa Thánh
Thần soi sáng, "đã tin vào Danh Con Một Thiên Chúa" thì thật hạnh
phúc dường nào! Tất cả trở thành bình an và vui sướng trong sự hiệp thông mà
Chúa Thánh Thần đã thực hiện.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét