CHÚA NHẬT 7 THƯỜNG NIÊN A
Lời Chúa: Lv 19,1-2.17-18; 1Cr 3,16-23;
Mt 5,38-48
MỤC LỤC
1. Yêu thương kẻ thù
2. Tha thứ kẻ thù
3. Trở nên con cái Chúa
4. Thiên Chúa là tình yêu – Cố Lm Hồng
Phúc
5. Sống chữ Nhẫn – Lm Giuse Tạ Duy
Tuyền
6. Yêu "kẻ thù" như thế nào
đây?
7. Hãy nên hoàn thiện
8. Hãy nên trọn lành như Cha trên trời
9. Hãy tha thứ. Đừng báo thù
10. Giơ má kia ra chăng?
11. Lòng bao dung – Lm. Ignatiô Trần
Ngà
12. Bão lòng – Lm. Giuse Trần Việt Hùng
13. Tình yêu vượt ra khỏi mối hỗ tương
14. Yêu kẻ thù
15. Yêu thương tha nhân không giới hạn
16. Chú giải của Noel Quesson
1. Yêu thương kẻ thù
Hãy yêu thương kẻ thù. Cứ sự thường
người ta đối xử với nhau theo cái luật: Răng đền răng, mắt đền mắt, ân đền oán
trả, hòn đất ném đi hòn chì ném lại. Chúng ta yêu thương những người yêu thương
chúng ta và ghét bỏ những kẻ ghét bỏ chúng ta. Kẻ nào làm hại chúng ta thì
chúng ta sẵn sàng để trả đũa, và người đời cho đó là lẽ thường tình, là thái độ
khôn ngoan.
Thế nhưng, qua đoạn Tin Mừng nay Chúa
Giêsu bảo chúng ta phải vượt lên trên cái lẽ thường tình ấy. Ngài phán với
chúng ta: Hãy yêu thương kẻ thù và làm ơn cho những kẻ ghét bỏ chúng ta. Bởi vì
có thực hiện được điều đó, chúng ta mới xứng đang là con cái Thiên Chúa và mới
trở nên giống Ngài, Đấng đã cho mưa xuống trên người lành cũng như trên kẻ dữ.
Chúa Giêsu không phải chỉ truyền dạy
chúng ta mà chính Ngài đã làm gương trước cho chúng ta trong việc thực thi giới
luật yêu thương này. Đúng thế, Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta trước, ngay cả
trong khi chúng ta còn nằm trong tội lỗi, còn quay lưng chống lại Ngài như lời
thánh Phaolô trong bức thư gởi tín hữu Rôma đã viết: Thiên Chúa đã chứng tỏ
tình yêu của Ngài đối với chúng ta, đó là khi chúng ta còn tội lỗi, thì Đức
Kitô đã chết để chúng ta được sống.
Đúng thế, Ngài luôn luôn mong ước những
điều tốt, những điều phải cho những kẻ bách hại Ngài. Ngài chịu đau khổ và chịu
chết để những ai bắt Ngài phải đau khổ và phải chết được hết đau khổ và chết
chóc. Trước sự từ chối của con người không đáp trả tình thương yêu của Ngài,
Ngài vẫn duy trì cái quyết định tuyệt đối của Ngài, đó là yêu thương chúng ta
mãi mãi.
Một trong những đặc tính nổi bật của
tình yêu nơi Thiên Chúa đó là sự tha thứ. Ngài đã sánh ví mình như người mục tử
tốt lành lên đường tìm kiếm con chiên lạc. Và khi đã tìm thấy thì vác nó trên
vai và đem về nhà. Rồi Ngài đã xác quyết: Một kẻ tội lỗi ăn năn sám hối sẽ làm
cho cả thiên đàng vui mừng hơn là 99 người công chính không cần sám hối ăn năn.
Không phải những kẻ khoẻ mạnh là là những người đau yếu mới cần đến thầy thuốc.
Ta đến không phải để kêu gọi người công chính nhưng để kêu gọi kẻ tội lỗi biết
đường sám hối ăn năn. Ngài sẵn sàng chịu chết trên thập giá để làm gì nếu không
phải là để tha thứ cho chúng ta. Trong giây phút đớn đau nơi thập giá, Ngài cũng
đã thứ tha cho tất cả những kẻ độc ác đã hành hạ Ngài bằng lời van xin: Lạy
Cha, xin Cha tha cho chúng vì chúng không biết việc chúng làm.
Có hai người thổ dân Nam Phi rất ghét
nhau. Ngày kia trong một hai người gặp đứa con gái nhỏ của kẻ thù đang đi trong
rừng. Hắn liền bắt cô bé, chặt đứt ngón tay rồi thả ra. Cô bé vừa chạy vừa
khóc, còn hung thủ vừa đi vừa la: Ta đã trả thù được rồi. Mười năm sau, cô bé
lúc đó đã có chồng và có con. Ngày kia, một kẻ ăn mày tới xin ăn, bà nhận ra đó
là kẻ đã chặt tay mình, nên vội vàng vào nhà, bảo tôi tớ đem cơm thịt và cá ra
đãi. Khi kẻ thù đã ăn xong, bà bèn giơ bàn tay cụt ra cho coi và nói: Tôi cũng
đã trả thù được rồi. Tên ăm mày thấy thế bèn khóc lóc xin được tha thứ.
Thiên Chúa đã yêu thương và tha thứ cho
chúng ta, còn chúng ta thì sao? Liệu chúng ta có thực sự yêu thương và sẵn sàng
tha thứ cho những kẻ ghét bỏ chúng ta hay không?
2. Tha thứ kẻ thù
Đâu là phương thế để làm cho thêm bạn
bớt thù trong cuộc sống của mình?
Có một bản du ca tôi rất thích hát, bản
du ca ấy có những lời lẽ như thế này: Kẻ thù ta đâu có phải là người giết người
đi thì ta ở với ai. Đúng thế, đã là người thì ai cũng có những sai lỗi của
mình. Nhân vô thập toàn là thế. Hơn nữa, mỗi người lại có những tính tình và sở
thích riêng biệt, bá nhân bá tánh là thế.
Vì vậy, đã sống chung cùng nhau chúng
ta không thể nào tránh đi cho hết những va chạm, những bực bội và những buồn
phiền, như một câu danh ngôn đã bảo: Hễ ở đâu có hai người sống với nhau, thì ở
đó thế nào cũng có sự xích mích và giận hơn.
Nếu suy nghĩ chúng ta sẽ thấy trên đời
đâu phải chỉ có một hay hai người làm cho tôi sự mất lòng, làm cho tôi phải
nhục nhã và tức giận. Ngay cả đến những người bạn thân tình, ngay cả đến cha mẹ
và anh chị em ruột thịt cũng đã nhiều lần làm cho tôi phải bực bội.
Vậy nếu hễ tức giận là báo thù, thì tôi
sẽ phải báo thù kẻ lạ cũng như người quen, kẻ ngoài xã hội cũng như người trong
gia đình, kẻ bên trái cũng như những người bên phải, kẻ đàng trước cũng như
người đàng sau, nghĩa là phải tẩy chay, phải thanh toán hết mọi thứ người trên
mặt đất này.
Hơn nữa, xã hội và ngay chính bản thân
tôi, sẽ không thể nào được xây dựng trên sự thù oán và đấu tranh, vì thù oán
này sẽ nảy sinh ra thù oán khác, như một thứ bệnh truyền nhiễm làm cho xã hội
bị sụp đổ, còn bản thân tôi sẽ phải quay quắt khổ đau. Thế nhưng, điều tệ hại
nhất, đó là chính bản thân tôi nhiều khi lại là nguyên nhân cho sự thù oán, vì
hơn một lần tôi đã sai lỗi, hơn một lần tôi đã gian tham và bất công. Cho nên
người đáng phải giết, đáng phải loại trừ lại chính là bản thân tôi. Vì vậy mà
bản du ca trên có những lời lẽ được tiếp nối như sau: Kẻ thù ta tên nó là gian
ác, tên nó là điêu ngoa, tên nó là tham tàn...
Phương thế hữu hiệu nhất để làm cho
thêm bạn bớt thù, không phải là chết giết những kẻ thù ở bên ngoài, vì sự trả
thù chỉ là cái vui của những tâm hồn đê tiện, nhưng là phải lột mặt nạ và tận
diệt cho bằng được những thói hư tật xấu, là những kẻ nội thù, nằm sẵn trong
cõi lòng chúng ta, như người xưa đã dạy: Kẻ thù đích thực thì ở trong tâm hồn,
vì đó là những nguyên nhân gây nên thù oán ngoài xã hội.
Cùng với việc uốn nắn sửa đổi những sai
lỗi của mình, chúng ta hãy có thái độ khoan dung và tha thứ, cố gắng đi bước
trước tiến đến sự hoà giải cùng nhau. Đừng khoan dung với mình mà gay gắt với
anh em, trái lại hãy khoan dung với anh em mà gay gắt với chính mình. Cách tốt
nhất để khỏi băn khoăn về kẻ thù là hãy làm cho họ trở nên một người bạn, bởi
vì thù oán không thể huỷ diệt được thù oán, chỉ có tình thương mới huỷ diệt
được nó mà thôi.
Ngày kia thánh Clementê đi vào một tiệm
ăn, ngửa tay ra và nói:
- Xin quý ông rộng lượng bố thí cho các
em mồ côi một miếng cơm, một manh áo.
Tức thì các thực khách cười lên hô hố
một cách khinh bỉ. Sau đó, một anh thợ giày đã nói:
- Một miếng ư, được lắm.
Rồi anh ta uống một ngụm bia, phùng má
trợn mắt phun thẳng vào mặt thánh nhân. Chúng ta thử tưởng tượng xem thánh nhân
đã phản ứng như thế nào? Có lẽ ngài sẽ giáng cho anh ta một cái tát tai. Nhưng
không, ngài vẫn bình tĩnh, rút khăn lau mặt, rồi lại ngửa tay và nói:
- Thưa quý ông, đó là phần của tôi, còn
phần của các em mồ côi đâu chưa thấy.
Anh thợ giày bỗng té nhào xuống đất như
bị một cú đấm thôi sơn, vì anh ta chẳng bao ngờ tới trên cõi đời nham nhở này
mà lại có được một người khích phách như vậy. Anh lòm còm ngồi dậy và lắp bắp
nói:
- Tôi... tôi sẽ gởi tặng các em.
Sau đó, anh đã dành một phần sản nghiệp
và trao tận tay thánh nhân một số tiền lớn để tạ lỗi.
Hãy tha thứ để rồi bản thân sẽ được
Chúa thứ tha.
3. Trở nên con cái Chúa
(Trích trong 'Manna')
Suy Niệm
Khi chúng ta suy niệm bài Tin Mừng này
thì Xuân đã về trước ngõ.
Mùa Xuân làm cho lòng người rộn rã, cỏ
cây chim chóc cũng reo vui với con người. Người ta chúc cho nhau bao điều tốt
đẹp. Điều tốt đẹp nhất vẫn là sự bình an trong tâm hồn, sự bình an mua được
bằng tha thứ yêu thương.
Khi dạy chúng ta đừng chống cự người
ác, Đức Giêsu không đòi loại bỏ cảnh sát và pháp luật; cũng không lên án những
cuộc chiến tranh tự vệ. Ngài chỉ muốn mời gọi các Kitô hữu hãy tránh thái độ
báo thù, ăn miếng trả miếng.
Tha thứ là ra khỏi vòng luẩn quẩn của
oán thù, là mở ra con đường để người kia hoán cải.
Có một vị rất tâm đắc với bài Tin Mừng
này, đó là Gandhi, người được dân Ấn-độ coi là đại thánh. Ông là cha đẻ của chủ
trương bất bạo động, để giành lại độc lập cho đất nước từ tay người Anh. Ông
nói: "Bất bạo động là luật của loài người, bạo động là luật của loài
thú."
Chúng ta thường sợ mang tiếng là hèn
nhát, khiếp nhược, sợ kẻ ác thắng thế khi thấy ta lùi bước. Chúng ta ít dám tin
vào sức mạnh của Tình Yêu.
Chính Tình Yêu chứ không phải bạo lực
mới có thể làm trái tim con người tan chảy.
Đức Giêsu mời gọi ta yêu thương và cầu
nguyện cho kẻ thù để trở thành con cái Cha trên trời.
Chúng ta không chỉ trở thành con Cha
vào ngày Rửa tội. Chúng ta trở thành con Cha hơn nhờ những hành vi tha thứ yêu
thương mỗi ngày.
Chúng ta thật là con, vì giống Cha,
Đấng cho nắng ấm, mưa rơi trên kẻ lành người dữ.
Chúng ta thường khó quên một xúc phạm
đã qua, những chuyện cũ vẫn làm tim ta đau nhói. Cần nhìn lên Cha trên trời,
Đấng để cho cỏ lùng mọc chung với lúa, Đấng mà ta phải nài xin ơn tha thứ mỗi
ngày. Chỉ Ngài mới làm ta quên được điều tưởng như không thể quên.
Thế giới hôm nay có nhiều sự ác và
người ác. Chúng ta phải tiêu diệt sự ác bằng sự thiện, hoán cải người ác bằng
tha thứ yêu thương.
Kitô hữu là người dám đi lại con đường
của Đức Giêsu, chấp nhận bị sự ác vùi dập và nuốt chửng, mà trên môi vẫn nói
lời tha thứ. Nhưng cuối cùng là phục sinh, là niềm vui, hy vọng.
Chúng ta có dám tin rằng rốt cuộc chân
lý, tình yêu và sự thiện sẽ chiến thắng không?
Gợi Ý Chia Sẻ
Bạn có thấy những lời Chúa dạy trong
bài Tin Mừng hôm nay là những điều không thể thực hiện được? Có phải đó là thái
độ của kẻ yếu nhược và hèn nhát không? Theo ý bạn, Đức Giêsu có dạy ta dung
túng, bao che cho sự ác không?
Bạn đã và đang có những "kẻ
thù" trong đời bạn, những người làm cho bạn phải đau khổ. Bạn có dám sống
theo lời Chúa để tha thứ, yêu thương và cầu nguyện cho họ không?
Cầu Nguyện
Lạy Cha,
Cha đã cho chúng con sống thêm một năm,
đi thêm một đoạn đường đời.
Nhìn lại đoạn đường đã qua, chúng con
chỉ biết nói lên lời tạ ơn chân thành, vì Cha vẫn cho chúng con sống, và sống
trong tình yêu.
Mọi biến cố vui buồn của năm qua đều là
những lời mời gọi kín đáo của Cha để thức tỉnh, nâng đỡ và đưa chúng con lên
cao.
Tạ ơn Cha vì những gì cuộc đời đã làm
cho chúng con, và những gì chúng con đã làm được cho cuộc đời.
Xin cho chúng con sống những ngày tết
dân tộc trong tinh thần vui tươi, hoà nhã, và không quên những ai nghèo khổ, cô
đơn.
Ước gì những lời chúng con chúc cho
nhau là những lời chúc lành xuất phát từ trái tim yêu thương.
Và lạy Cha, năm mới đã đến, trái đất
lại xoay một vòng mới quanh mặt trời, chúng con cũng muốn ở lại trong quỹ đạo
của Cha, nhận Cha là trung tâm cuộc sống, và nhận mọi người là anh em. Amen.
4. Thiên Chúa là tình yêu – Cố Lm Hồng
Phúc
Thiên Chúa phán cùng Moisê rằng:
"Ngươi hãy nói cho toàn thể Cộng đồng con cái Israel: Các ngươi hãy nên
thánh, vì Ta là Đấng Thánh, là Thiên Chúa của các ngươi".
Thiên Chúa là Đấng siêu việt, là Đấng
Thánh. Không có một tì ố, một vết nhơ, như dòng nước trong veo, bầu trời trong
sáng tuyệt đẹp. Và Ngài bày tỏ quyền năng và vinh hiển khi Ngài tạo dựng, giải
phóng cũng như khi Ngài sát phạt và tha thứ. Tiên tri Isaia như bị chết ngộp
khi được cảm nghiệm sự thánh thiện Thiên Chúa trong đền thờ, và tiên tri Ôsê
kêu lên: "Đấng Thánh đang ở giữa anh em". (11, 9)
Thiên Chúa muốn cho chúng ta nên thánh,
nghĩa là chúng ta phải rửa sạch vết nhơ của Lề luật bên ngoài mà phải thực thi
đức công chính, vâng lời và yêu thương (Nhị luật 6, 4-9), một sự thánh thiện
trong mọi bối cảnh sống trong gia đình cũng như ngoài xã hội. "Hãy nên
thánh như Ta là Đấng Thánh, Thiên Chúa của các ngươi".
Trong Đạo cũ, người Do thái thường tôn
đền thờ, "Đền thờ của Thiên Chúa là Thánh. Ai xúc phạm tới Đền Thánh thì
Thiên Chúa sẽ hủy diệt người ấy". Trong Đạo mới, Chúa Giêsu tự ví mình là
Đền thờ hiện diện giữa loài người (Ga 1, 4; 2, 19). Thánh Phaolô trong bài đọc
II, còn đi xa hơn nữa, Người nói Kitô hữu là đền thờ của Thiên Chúa, một đền
thờ thiêng liêng, và Giáo hội cũng là Đền thờ do Chúa Giêsu xây dựng (1Cr 3,
10-17), trong đó người Do thái cũng như dân ngoại đều được mời vào như thành
phần nhiệm thể Chúa. Đừng ai cho mình là khôn ngoan, là đồ đệ Phaolô, Kêpha hay
Apollô, nhưng, "Anh em tất cả thuộc về Đức Kitô thuộc về Thiên Chúa".
Trên tất cả, Thiên Chúa là tình yêu.
Chúa Giêsu đến để đem lại một tình yêu bác ái gạn lọc mọi dơ bẩn, mọi lớp vỏ
bao quanh như tình máu mủ, dân tộc, gia đình, quốc gia, lễ giáo chật hẹp. Người
xưa bảo: "Mắt đền mắt, răng đền răng", người ta xúc phạm mình mức
nào, mình có quyền ăn miếng trả miếng, đối xử với họ như họ đã đối xử.
Còn Chúa, Chúa không dạy lấy sự dữ đối
lại với sự dữ. Chúa dạy lấy sự lành đối với sự dữ và hơn thế phải làm sự lành
hơn mức đòi hỏi: "Thầy bảo các con: đừng chống cự lại kẻ hung ác, trái
lại, nếu ai vả má bên phải của các con hãy đưa má bên kia cho nó nữa... Ai xin,
thì con hãy cho, ai muốn vay mượn, con đừng khước từ". Chúa nói rằng đức
bác ái không có biên giới, không phát xuất từ xác thịt mà từ một tâm hồn yêu
mến Thiên Chúa, yêu mến đến từ bỏ mình, đến hy sinh.
Việc hy sinh lớn lao hơn cả là hy sinh
tính tự ái của mình, là tha thứ cho kẻ làm nhục ta, là tha thứ cho kẻ thù. Xưa
nay, chưa có một đạo giáo nào dạy tha thứ cho kẻ thù. Chúa phán: "Các con
nghe dạy rằng: ngươi hãy yêu thương anh em ngươi và thù ghét kẻ làm hại ngươi.
Còn Ta, Ta bảo các con: Hãy yêu thương kẻ thù".
Người Do thái quan niệm anh em là người
đồng hương hay người cảm tình với đạo. Đối với Chúa Giêsu, anh em là tất cả, là
người Samaritanô, là người ngoại bang, là người lạc đạo nữa (Lc 10, 29-37).
Chúa biết trái tim con người có thể vượt tính tự ái, mở rộng trái tim và vòng
tay để ôm ấp cả kẻ thù.
Chúa đã tha thứ cho kẻ giết mình,
"Lạy Cha, xin tha cho chúng" (Lc 23, 34). Khó thật nhưng Chúa ban cho
kẻ thật lòng xin ơn biết tha thứ.
Văn hào Henry Bordeaux kể: Ngày kia,
một nhóm thợ thuyền 20 người được Đức Giáo Hoàng Piô XII đến thăm và trò chuyện
thân mật. Bỗng có một người thợ quỳ xuống và nói: "Thưa Đức Thánh Cha đây
là cuốn sách con đọc điều dữ và đây là... con dao con muốn ám hại Đức Thánh
Cha, con xin lỗi Ngài." Đức Piô trả lời: "Con ơi, Chúa chúc lành cho
con như cha" (Images romaines, plon, trang 279).
Lạy Chúa, xin dạy chúng con biết yêu
thương thù địch, làm lành cho kẻ ghét và cầu nguyện cho kẻ bắt bớ và vu khống
chúng con..., để chúng con trọn lành như Cha trên trời.
5. Sống chữ Nhẫn – Lm Giuse Tạ Duy
Tuyền
Tích xưa kể rằng: Hàn Tín thời Hán Cao
Tổ, thuở hàn vi phải đi câu cá đổi gạo mà ăn. Thế mà có những lúc không đủ ăn.
Có bà thợ giặt cảm thương đã mời Hàn Tín đến dùng cơm tại nhà. Hàn Tín đi đâu
cũng mang thanh gươm kè kè bên mình.
Một hôm, có tên đồ tể Ác Thiểu muốn hạ
nhục Hàn Tín, chận đường thách:
Chú thường mang gươm, chả biết để làm
gì! Bây giờ tôi không cho chú đi. Chú có gan thì sẵn thanh gươm đó hãy chém tôi
đi, bằng không thì phải lòn trôn tôi mà đi.
Hàn Tín chẳng chút do dự, lòn trôn tên
hạ tiện đó mà đi, vì tự nhủ: "Giết thằng này thì được rồi, nhưng mà lấy
mạng mình đổi mạng nó, thì không đáng tí nào!"
Sau Hàn Tín nhờ có công giúp Hán Cao Tổ
dựng nước mà được phong làm Vua Tam Tể. Lúc bấy giờ, Hàn Tín bèn mời bà thợ
giặt đến biếu nghìn lạng vàng để tạ ơn. Rồi không những không thèm trả thù tên
đồ tể mất dạy xưa, lại phong cho hắn chức Trung Huý. Ác Thiểu rất ngạc nhiên,
khúm núm nói: "Lúc trước tôi ngu lậu thô bỉ, đã dại dột xúc phạm đến oai
nghiêm ngài, nay tội ấy được tha chết là may, còn dám mong đâu ban chức tước?
Hàn Tín ôn tồn bảo: "Ta chẳng phải
là kẻ tiểu nhân hay cố chấp, đem lòng thù hận. Hành động của ngươi ngày xưa tuy
quá đáng, nhưng cũng là bài học luyện chí cho ta. Vậy nhà ngươi chớ tị hiềm mà
hãy nhận chức ta ban".
Lối báo đền ân oán của Hàn Tín thật là
hay. Đối với người ân thì ban thường, song đối với người oán cũng vẫn ban
thưởng chớ không trả thù. Thật là một người quân tử.
Là người con của Chúa, Chúa dạy chúng
ta hãy làm hoà trước để khỏi xảy ra điều tai hại hơn. Đây là một lời khuyên
quan trọng: chẳng những không được làm hại ai hay có ý mưu hại ai, mà còn phải
đi trước một bước mà làm hoà. Nói rõ hơn, trước một điều bất công, vô tình hay
hữu ý, thiên hạ gây cho ta: như xỉ nhục, xỉ vả, chê cười, nói hành, vu vạ, cáo
gian... Tất nhiên lòng tự ái chúng ta bị va chạm, không thể nhịn được, lòng
chúng ta như muốn trả đũa ngay. Đó là tính tự nhiên của con người. Nhưng Chúa
muốn chúng ta sống khác hơn, sống cao thượng hơn. Chúa muốn chúng ta tha thứ và
làm hoà. Tha thứ và làm hoà là điều kiện phải có để đến với Chúa. Không thể đến
với Chúa mà lòng còn ngổn ngang những tức giận, ghen tương, đố kỵ. Nhân vô thập
toàn, ai cũng có những lầm lỗi, ai ai cũng cần được tha thứ, thế nên cũng cần
phải biết tha thứ cho nhau. Người ta vẫn thường nói để sống với Chúa cần có đức
tin để mình tin tưởng, phó thác cậy trông vào Chúa giữa những phong ba của dòng
đời, và để sống với tha nhân, cần phải có lòng độ lượng, để mình sống bao dung
và tha thứ cho người khác. Nếu chúng ta không có lòng độ lượng có lẽ mình sẽ
chẳng sống được với ai, và cũng chẳng ai sống được vời mình. Đây cũng là điều
mà Chúa mời gọi chúng ta phải công chính hơn những người biệt phái trong tình
yêu tha thứ. Không chỉ yêu kẻ yêu mình mà còn yêu cả kẻ ghét mình. Không chỉ
quý mến kẻ thi ân cho mình mà còn làm ơn cho kẻ làm hại chính mình. Bởi vì, oán
báo oán thì oán chập chùng. Chúa mời gọi chúng ta hãy tha thứ cho kẻ thù, hãy
làm hoà cùng kẻ thù và hãy cầu nguyện cho kẻ thù. Chính Chúa đã sống tình yêu
đó trên thập tự giá, nơi đó người ta đã tuôn đổ sự tàn ác trên thân thể Ngài,
thế mà Ngài vẫn xin tha cho chúng, vì chúng không biết việc chúng làm. Tình
thương Chúa không dừng lại ở việc tha thứ mà còn thi ân cho mọi người, kẻ lành
cũng như người dữ. Kẻ thờ phượng Chúa cũng như kẻ chống đối lại Chúa.
Ước gì mỗi người chúng ta hãy sống tình
thương bao dung đó cho anh em của mình. Hãy quên đi những xúc phạm của nhau.
Hãy làm hoà để thêm bạn bớt thù. Hãy tha thứ để tìm được sự bình an tâm hồn cho
bản thân và cho những người chung quanh. Xin Chúa là Đấng hằng thương xót và
tha thứ, xin giúp chúng ta biết tha thứ lỗi lầm của anh em, như Chúa đã tha thứ
cho chúng ta. Amen.
6. Yêu "kẻ thù" như thế nào
đây?
(Suy niệm của Lm. Giuse Nguyễn Văn
Nghĩa)
Quả thật đã từng có nhiều ý kiến khác
chiều, thậm chí có khi là trái chiều liên quan đến những lời dạy của Chúa Kitô
về việc không chỉ "đừng chống cự lại kẻ ác" mà còn "giơ má kia
cho người ta đánh" hoặc "phải yêu kẻ thù" (x.Mt 5,38-44).
"Kẻ thù ta đâu có phải là người,
giết người đi thì ta ở với ai". Lời một bài ca khá phổ biến này dường như
được cảm hứng từ những lời Tin Mừng trên đây. Nếu nhìn nhận mọi người là anh
chị em của mình thì hẳn sẽ không có chuyện giết hay ghét bỏ. Chỉ có ma quỷ mới
là kẻ thù đích thực của chúng ta.
Trước hết chúng ta cần phân định rõ lời
dạy của Chúa Kitô qua đoạn tin mừng Mt 5, 38-48 mà giáo hội cho trích đọc trong
Chúa Nhật VII TN A. Nội dung chính lời dạy của Chúa Kitô là cần phải vượt qua
cái giới hạn của đức công bình cũng như giới hạn của đức yêu thương theo luật
Cựu ước.
Thiết tưởng cần nhìn nhận mặt tích cực
của luật công bình "mắt đền mắt, răng đền răng, sưng đền sưng, bầm đền
bầm...". Luật này giúp hạn chế sự gia tăng mức độ báo thù mà thường theo
bản năng người ta khó tự kiềm chế. Chuyện bị đánh gảy một cái răng thì đánh trả
lại người ta gảy nguyên cả hàm vẫn còn nhan nhản ngay trong thời đại hôm nay.
Nước này phóng vào lãnh địa nước kia mười quả đạn pháo thì nước kia sẽ phóng
trả đủa lại không dưới mười quả, có khi là gấp ba, gấp bảy lần. Luật "mắt
đền mắt, răng đền răng" dường như vẫn còn giá trị của nó. Tuy nhiên giới
luật này không khử trừ sự ác, điều xấu cách tận căn mà nhiều khi dẫn đến tình
trạng không lối thoát.
Chuyện thật như bịa theo ý cha Anthony
de Mello: Có tay trộm choai choai lẻn vào khuôn viên nhà thờ lúc bốn giờ sáng,
định cuỗm thứ gì đó. Chưa thu được chiến lợi phẩm gì thì bị "ông từ"
đi đánh chuông phát giác. Hoảng quá cậu nhóc leo đại lên tháp chuông trốn tưởng
rằng qua được mắt ông từ già. Nhưng rủi cho cậu nhóc là cặp mắt ông từ vẫn còn
tinh. Ông từ kiên nhẫn ngồi dưới tháp chuông chờ có người đến thì la làng. Cậu
nhóc đoán được ý ông từ đành làm liều nhảy đại xuống từ độ cao khoảng bốn mét
(tầng cuối). Ai ngờ cậu nhóc nhảy xuống vấp phải ông từ khiến ông già trẹo một
chân. Dù gảy chân nhưng ông từ vẫn ôm chặt cậu bé và la lớn tiếng. Người ta
chạy đến và cậu nhóc bị tóm. Tất cả dẫn cậu nhóc vào cha xứ. Ngài hỏi cậu nhóc
đã ăn trộm cái gì. Cậu ta thưa là chưa lấy được gì cả. Ngài phán tiếp:
"thế thì theo luật "mắt đền mắt, răng đền răng", ông từ được
quyền leo lên tháp chuông và nhảy xuống để làm trẹo một chân cậu nhóc!"
Mặt ông từ tái xanh.
Chúa Giêsu đã dùng lối nói "ngoa
ngữ" dạy chúng ta dùng chính tình yêu, việc lành để giải hoá sự hận thù,
diệt trừ sự dữ tận gốc rễ. Cần lưu ý rằng văn phong "ngoa ngữ" thường
được sử dụng không phải cố ý dạy những gì được trình bày nhưng để nhằm nhấn
mạnh ý tưởng muốn nói. Chẳng hạn khi dạy chúng ta rằng nếu mắt hay tay chân ta
gây cớ cho ta phạm tội thì chặt chúng đi, Chúa Giêsu chỉ muốn nhấn mạnh đến
việc dứt khoát tránh dịp tội chứ không biểu chúng ta móc mắt hay chặt chân,
chặt tay (x.Mt 5,29-30). Hiểu được điều này thì chúng sẽ không thấy có sự mâu
thuẩn giữa lời dạy và hành động của Chúa Giêsu. Trước mặt thượng tế Khanan, khi
bị một thuộc hạ của thượng tế vả vào mặt thì Chúa Giêsu đã chất vấn: "Nếu
tôi nói sai, anh hãy chứng minh xem sai ở chỗ nào; còn nếu tôi nói phải, sao
anh lại đánh tôi?"(Ga 18,23). Khi dạy chúng ta "nếu bị ai vả má bên
phải, thì hãy giơ cả má bên trái nữa" thì Chúa Giêsu chỉ muốn nhấn mạnh
điều này: "đừng chống cự người ác", nghĩa là đừng báo thù, kiểu ăn
miếng trả miếng.
Tình yêu thì không có biên giới cả về
mức độ lẫn đối tượng. Ăn cho, buôn so. Đã có tính toán, đã có hạn mức cố định
thì sẽ chẳng còn là tình yêu. Đã yêu là yêu đến cùng. Xét về mức độ thì Chúa
Kitô không chỉ minh định rõ ràng đó là sẵn sàng hiến thân vì người mình yêu mà
Người còn thể hiện sự đến cùng trong tình yêu bằng cái chết trên thập giá. Để
diễn tả sự đến cùng trong mức độ mến Chúa và yêu tha nhân thì Chúa Giêsu đã
long trọng nhắc lại lời Cựu ước và nhấn mạnh thêm: "Ngươi phải yêu mến Đức
Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức lực
ngươi...Ngươi phải yêu người thân cận như chính mình" (Mc 12,30-31). Hạn
từ "hết" đuợc lặp đi lặp lại và hạn từ "như chính mình" làm
nỗi rõ tính vô biên của tình yêu.
Xét về đối tượng, luật Cựu ước đòi hỏi
phải yêu thương người đồng bào, người đồng đạo. Luật còn dạy phải quan tâm đến
người nghèo khổ, mẹ goá, con côi, khách ngụ cư, khách ngoại kiều. Chẳng hạn khi
gặt lúa thì đừng gặt sát bờ, kiểu gặt sạch sành sanh, đừng mót các gié bị vương
vải. Và khi hái nho cũng thế, không được lượm các quả rơi rụng...Tất cả những
thứ ấy là để dành cho người nghèo, người khốn khổ... (x. Lv 19, 9-10). Tuy
nhiên, dù trong luật không minh nhiên dạy phải ghét kẻ thù nhưng truyền thống
và lối sống của dân Chúa xưa luôn có khoảng cách với người tội lỗi, với người
bị xem là ô uế, với quân thù lân bang. Những hạng người trên tuy không bị ghét
bỏ, nhưng thường không được xem là anh em, là người thân cận với người Do Thái.
Một vị thông luật đã từng hỏi Chúa Giêsu rằng: "Ai là người thân cận của
tôi?" Nhân dịp ấy Chúa Giêsu đã kể câu chuyện dụ ngôn "người
Samaritanô nhân hậu" và qua đó khẳng định rằng chúng ta phải làm người
thân cận với tất cả những ai đang cần đến lòng thương xót của chúng ta (x.Lc
10,25-37).
Ngoài trừ thần dữ, Kitô hữu chúng ta
không xem ai là kẻ thù. Tuy nhiên vấn nạn đặt ra là làm sao có thể yêu những
người xem chúng ta là kẻ thù nghịch đồng thời ngược đãi chúng ta và làm thế nào
để thi ân cho người bách hại chúng ta? Làm sao có thể yêu được những người đang
làm hại chúng ta cách cố tình và cách bất chính và bất công? Làm sao có thể yêu
những người đang đàn áp, bóc lột kẻ nghèo hèn, đang bán nước cầu vinh, đang cao
ngạo cho mình là duy nhất đúng kiểu như thần, như thánh trong khi đang làm cho
tiền đồ dân tộc đi vào ngõ cụt...?
Nếu cho rằng yêu thuơng là một phạm trù
thuộc tình cảm thì quả thật rất khó vượt qua tâm lý bình thường của kiếp người.
Tuy nhiên cần lưu ý rằng yêu thương trên hết là một quyết định của ý chí tự do
được biểu lộ cả bằng tình cảm và hành động. Không chỉ có những tình cảm trìu
mến, quyến luyến mới phản ánh tình yêu mà ngay cả khi giận dữ, buồn phiền cũng
có thể phản ánh tình yêu. Chuyện thương con cho roi cho vọt là chuyện như hiển
nhiên mang tính quy luật. Không chỉ khi xúc động trước đoàn lũ đông đảo dân
chúng như chiên không người chăn thì Chúa Giêsu mới tỏ bày tình yêu, cũng không
phải khi Người rơi lệ trước cái chết của Ladarô thì mới là yêu, nhưng cả khi
Chúa Giêsu buồn phiền trước lòng chai dạ đá của một số kinh sư và biệt phái
cũng là vì yêu hay khi Người xung giận bện dây thành roi đánh đuổi những người
đã biến Ngôi nhà Chúa thành nơi chợ búa, thành hang trộm cướp thì cũng là yêu
thương vậy.
Yêu thương là không chỉ muốn mà còn
phải nỗ lực làm điều tốt nhất cho người mình yêu. Trong niềm tin Kitô giáo thì
mọi người đều là anh chị em với nhau. Đã là anh em, chị em với nhau thì trên
bình diện tiêu cực, chúng ta không được phép loại bỏ nhau dù dưới bất cứ hình
thức nào. Trên bình diện tích cực thì cần giúp nhau tồn tại, phát triển theo
thánh ý Thiên Chúa để có hạnh phúc đích thực. Cách thế biểu lộ tình yêu có thể
khác nhau tùy từng trường hợp nhưng luôn với ý hướng là để người mình yêu nên
tốt hơn, nên hoàn thiện hơn. Có thể nói rằng cách chung đối với những người tội
lỗi thuộc hàng bé mọn, yếu đuối, thì Chúa Giêsu thường bày tỏ lòng khoan dung,
sự trìu mến, cử chỉ khích lệ, còn với những người tội lỗi thuộc hàng phận cao,
quyền trọng mà cố chấp thì Người nghiêm khắc cách tỏ tường.
Với người này thì chúng ta biểu lộ tình
yêu bằng cách thế này, người kia thì cách thế kia, nhưng xin đừng quên rằng
chúng ta có thể và phải cầu nguyện cho tất cả mọi hạng người. Vâng lệnh Chúa
Giêsu chúng ta hãy chân thành cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi chúng ta. Trước
hết hãy cầu xin cho họ nhận ra lầm lỗi họ đã phạm và biết sám hối, ăn năn, thay
đổi. Hãy cầu xin cho họ biết tìm cách khắc phục những hậu quả xấu đã gây ra cho
tha nhân, cho xã hội... Có thể nói đây là bước khởi đầu của việc sống yêu
thương "kẻ thù", yêu thương những người làm hại chúng ta. Tiếp đến, hãy
dùng ngôn ngữ mà rao truyền chân lý, vạch trần sự dữ để giúp người lạc lối trở
về nẽo chính, đường ngay. Ngôn sứ Êdêkien đã từng nghe Thiên Chúa phán:
"Nếu ngươi không báo cho kẻ gian ác biết tội lỗi của nó, không cảnh cáo nó
từ bỏ lối sống xấu xa, để nó được sống, thì chính kẻ gian ác sẽ phải chết vì
tội lỗi của nó, nhưng Ta sẽ đòi ngươi đền nợ máu nó" (x. Ed 3,18). Có thể
có nhiều cách thế yêu thương, nhưng thiết tưởng dù yêu bằng cách thế nào đi nữa
cũng không thể thiếu hai động thái trên đây.
Phải chăng đang có đó nhiều Kitô hữu,
thậm chí là nhiều tu sĩ, linh mục, giám mục những tưởng rằng mình đã yêu
"kẻ thù", đã làm ơn cho người "làm hại mình", nhưng thực ra
chỉ yêu chính mình mà thôi?
7. Hãy nên hoàn thiện
(Suy niệm của Giuse Hồng Ân)
Đối với nhiều người trong chúng ta, hai
tiếng "yêu thương" chỉ dành cho các thành viên trong gia đình, họ
hàng và một vài người bạn thân cận. Có chăng chỉ là lòng "thương hại"
những người nghèo khó, cô đơn và bất hạnh, vì họ là những người không làm gì
hại đến mình và gia đình mình. Chúng ta chẳng bao giờ đề cập đến việc yêu
thương những đối thủ của mình. Chúng ta còn gán cho họ những cái tên đáng sợ và
dạy cho con cháu sống xa tránh họ.
Chúng ta đang sống trong một thế giới
bị chi phối bởi những thứ luật có thể nói là "luật rừng", thứ luật mà
chỉ bảo vệ cho một số kẻ có quyền, có tiền, thứ luật không có chút nào là công
bằng, cướp nhà, cướp đất của người nghèo, để chia chác, để làm giàu cho những
kẻ có quyền có chức, bắt người vô tội, đánh đập đàn áp những người bênh vực cho
chân lý. Một thế giới đầy dẫy những toan tính ích kỷ, vì lợi ích của mình, sẵn
sàng chà đạp lên công lý, diệt trừ lẫn nhau, có người phải mất mạng, nhiều
người thì "thân bại danh liệt". Anh em lỡ làm thiệt hại một thì bắt
đền gấp mười. Có những người chỉ vì cái lợi trước mắt đã cố tình gây ra tai
nạn, rồi nằm ăn vạ để bắt người khác phải đền oan uổng.
Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu dạy chúng
ta không sống theo "luật rừng", không chỉ dừng lại ở mức độ công
bằng. Mà hãy sống theo giới luật Chúa truyền, đó là luật "yêu
thương", một tình yêu bao là rộng lớn, một tình yêu vượt trên sự công
bằng, vượt ra ngoài sự giới hạn tình gia đình, tình bằng hữu, tình đồng hương,
vượt ra ngoài chủng tộc hay tôn giáo, "Anh em đã nghe Luật dạy rằng: Hãy yêu
đồng loại và hãy ghét kẻ thù. Còn Thầy, Thầy bảo anh em: hãy yêu kẻ thù và cầu
nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em" (Mt 5, 43-44). Yêu kẻ thù, là yêu
thương cả những người làm hại, khinh bỉ, nói xấu, vu khống mình, không tìm cách
báo thù, không lấy ác báo ác, mà ân báo oán, luôn cầu nguyện và mong muốn cho
họ gặp những điều may lành. Đavid bị vua Saul thù ghét, săn đuổi để giết, nhưng
Đavid vẫn không làm hại người Thiên Chúa xức dầu phong vương khi có thể làm
điều đó. Dưới cái nhìn của con người thì Đavid đã hành xử dại dột, bỏ mất một
cơ hội "hiếm có" để khử trừ kẻ thù mình, nhưng Đavid đã chọn Thiên
Chúa, không chọn lợi ích cho riêng mình mà làm hại đến tha nhân.
Chúa Giêsu dạy yêu thương, chính Ngài
đã sống yêu thương, Ngài luôn tỏ tình yêu thương những kẻ thù nghịch với Ngài,
mặc dù họ ghen ghét Ngài vô cớ, họ luôn tìm dịp để tố cáo Ngài, xuyên tạc lời
Ngài giảng dạy. Đối với Giuđa là kẻ phản bội, Chúa không tố cáo đích danh trước
mặt các môn đệ, Chúa còn ngồi ăn cùng bàn và rửa chân cho y nữa. Khi Giuđa dẫn
quân lính đến bắt Chúa trong vườn cây dầu, Chúa vẫn ôn tồn nói với Giuđa:
"Giuđa ơi, anh dùng cái hôn mà nộp Con Người sao?" (Lc 22, 48). Vì
yêu thương Giuđa nên nhiều lần Chúa Giêsu nhắc nhở, cảnh tỉnh để ông ta thay
đổi việc làm xấu mà được hưởng ơn cứu độ. Trên thập giá, trước khi tắt thở,
Chúa vẫn dùng chút hơi tàn lực kiệt để cầu nguyện cho kẻ đóng đinh Người
"Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm" (Lc 23, 34).
Vì vậy, thánh Phaolô cũng nói: "Đức Kitô đã chết vì chúng ta, ngay khi
chúng ta còn là những người tội lỗi, đó là bằng chứng Thiên Chúa yêu thương
chúng ta" (Rm 5, 8).
Thánh Tê-pha-nô đã thực hành lời Chúa
dạy, noi gương Thầy Chí Thánh yêu thương và cầu nguyện cho những kẻ giết mình:
"Họ ném đá ông Tê-pha-nô, đang lúc ông cầu xin rằng: Lạy Chúa Giêsu, xin
nhận lấy hồn con. Rồi ông quỳ gối xuống, kêu lớn tiếng: Lạy Chúa, xin đừng chấp
họ tội này. Nói thế rồi, ông an nghỉ" (Cv 7, 59-60).
Chúa Giêsu căn dặn chúng ta, để trở nên
con Thiên Chúa phải "yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh
em" (Mt 5, 44). Để được làm con Chúa, chúng ta cũng phải đối xử giống như
Thiên Chúa đã đối xử tốt với tất cả mọi người không phân biệt người tốt, kẻ
xấu. "Vì Người cho mặt trời của Người mọc lên soi sáng kẻ xấu cũng như
người tốt, và cho mưa xuống trên người công chính cũng như kẻ bất chính"
(Mt 5, 46). Chúng ta hãy sống lời Chúa dạy, yêu thương hết mọi người, một tình
yêu không có giới hạn, không chỉ yêu thương những người thân cận, những người
đồng hương, những người cùng tôn giáo, những người cùng quan điểm, những người
đem lại lợi ích cho mình... Mà yêu thương cả thù địch, cả những người ghen
ghét, hãm hại, nói xấu, phỉ báng mình nữa, yêu thương cả những người tội lỗi.
Yêu thương, cầu nguyện và làm ơn cho kẻ thù. Nếu chỉ là một tình yêu co cụm, ích
kỷ hẹp hòi, thì không phải là con Thiên Chúa. Như lời Chúa Giêsu đã dạy:
"Nếu anh em yêu thương kẻ yêu thương mình, thì anh em nào có công chi.
Ngay cả những người thu thuế cũng chẳng làm như thế sao?" (Mt 5, 46).
Chúa còn mời gọi mỗi người chúng ta hãy
nên hoàn thiện "Anh em hãy nên hoàn thiện, như Cha anh em trên trời là
Đấng hoàn thiện" (Mt 5, 48). Để nên hoàn thiện, chúng ta hãy loại bỏ thứ
"luật rừng", thứ luật luôn diệt trừ lẫn nhau, loại bỏ những toan
tính, ích kỷ, hẹp hòi, tham lam, gian dối, lừa lọc. Chúng ta hãy thực thi giới
luật Chúa Giêsu đã truyền dạy là "mến Chúa và yêu người" yêu thương
tất cả mọi người không phân biệt bạn hay thù, yêu thương và tha thứ cho những
người làm thiệt hại đến mình, dù là vô tình hay hữu ý.
Thật khó để yêu thương kẻ thù, một khi
đã ghét nhau, chỉ nhìn thấy mặt, nghe giọng nói đã thấy khó chịu rồi, chưa nói
đến yêu thương, cầu nguyện và làm ơn cho kẻ thù, như trong bài thơ "yêu
thương" của Lm Giuse Nguyễn Nhân Tài có viết:
"Anh em con đó con chưa thương
Nói chi đến kẻ con chán chường
Ghét cay, ghét đắng, ghét thậm tệ
Làm sao ôm lấy để yêu thương".
Quả thật, đây là một việc vô cùng khó
khăn, nhưng càng khó chúng ta càng phải cố gắng thực thi, vì đây là giới luật
Chúa Giêsu đã truyền dạy, muốn trở nên con Chúa, muốn nên hoàn thiện, không còn
cách nào khác ngoài cách sống "yêu thương và tha thứ". Thánh Phaolô
dạy cho ta biết: "Đã yêu thương thì không làm hại người đồng loại; yêu
thương là chu toàn Lề Luật" (Rm 13, 10).
8. Hãy nên trọn lành như Cha trên trời
(Suy niệm của Lm. Louis Gonzaga Đặng
Quang Tiến)
Sang phần hai của đoạn chính 5,21-48,
Chúa Giêsu chuyển sang nói về cách hành xử của bản thân người môn đệ, đặc biệt
đối với những người chống lại mình/kẻ thù: - Đừng thề (5,33-37), - Đừng chống
lại người ác (5,38-42), - Yêu thương kẻ thù (5,43-48).
Đừng chống lại người ác (5,38-42)
Câu mở đầu (c. 38) hoàn toàn giống với
5,43, và giáo huấn của Chúa Giêsu ở dạng phủ định giống với câu ở phần trước:
mè + động từ nguyên mẫu (c. 34). Các câu giải thích (cc. 39b-42) gồm hai phần
đối xứng nhau với hai thí dụ cụ thể ở mỗi bên.
Luật Cựu ước "mắt đền mắt và răng
đền răng" (Xh 21,24, Lv 24,20; Đnl 19,21) nhằm hạn chế việc đổ máu do
không kiềm chế nỗi sự hận thù. Lamech hãnh diện với vợ mình "Nếu Cain trả
thù bảy lần, Lamech trả thù bảy mươi lần" (Kh 4,23-24). Luật nầy đòi hỏi
trách nhiệm trong việc gây thiệt hại, và giữ sự quân bình giữa tội ác và hình
phạt. Trong Tân ước còn tìm thấy cách diễn tả tương tự với luật nầy (Mc 8,38,
1Cr 3,17).
Chúa Giêsu cấm sự đánh trả người làm
điều ác: "Đừng chống trả người ác" (c. 39). Động từ anthistèmi,
"chống lại", hàm ý sự thiệt hại do người ác gây nên. Người ác,
ponèros, tương đương với kẻ thù, echthros, với người bắt bớ, làm sỉ nhục (x.
5,11). "Không chống lại người ác" nghĩa là không để mình bị vướng vào
vòng lẩn quẩn của sự ác: bạo lực sinh ra bạo lực; một cái răng của mình bị mất
đi phải đòi lại một cái răng của người khác. Mức độ đầu tiên là bất bạo động:
"Khi Ngài bị sỉ nhục, Ngài không sỉ nhục lại" (1Pr 2,23). Mức độ kế
tiếp cao hơn sẽ là yêu mến người làm điều ác (5,44-45; 1 Thess 5,15). Chúa
Giêsu đưa ra bốn minh họa về sự bất bạo động:
- Bị đánh vào má (c. 39b), rhapizò, là
hành vi hạ nhục và khinh dễ hơn là làm cho đau về mặt thể lý. Việc đưa cả hai
má phải và trái cho người ác chỉ việc hoàn toàn không chống trả và sẵn sàng
chịu mọi sự sỉ nhục không do lỗi mình; người tôi tớ trong Isaia cũng đã làm như
thế, "Tôi đã không che mặt" (Is 5,5-6; x. Gióp 16,10). Chúa Giêsu đã
bị đánh vào má trước mặt các thượng tế và Công nghị vì Ngài bị cho là phạm
thượng; do đó đáng phải chết (26,67).
- Bị đoạt áo (c. 40): bối cảnh của đoạn
nầy là việc thưa kiện ở toà án để đoạt lấy áo, "muốn kiện", theolonti
krithènai (c. 40; x. 18,30). Người bị kiện là một người nghèo tận cùng. Người
nầy phải vay nợ để sống và không có gì để trả nợ. Chủ nợ chỉ có thể lấy áo
trong, chitòn để trừ nợ, chứ không được lấy áo ngoài, mặc dù áo ngoài có giá
trị hơn (x. Mc 13,16). Theo luật pháp thời ấy, chủ nợ không được cầm giữ áo
ngoài như vật thế chấp, và nếu có lấy áo ngoài thì buộc phải trả lại áo cho
người nghèo trước khi mặt trời lặn, vì áo ngoài/áo choàng dùng để làm chăn đắp
ban đêm (Xh 22,25-27; Đnl 24,12-13). Đứng trước người không có lòng xót thương,
người nghèo có thể bị lột trần trước mặt mọi người. Ngay cả khi bị như thế,
Chúa Giêsu dạy đưa luôn áo ngoài cho họ. Chúa Giêsu đã bị lột áo, cả áo trong
(Ga 19,23) lẫn áo ngoài (27,31.35), và nên trần truồng hoàn toàn trên thập giá.
- Bị ép phục dịch (c. 41): động từ
angareuò, "bắt ép", mượn từ tiếng Persian. Angaroi là những người đưa
thư. Những người nầy đứng tại các trạm ở các địa phương do vua xứ Persian chỉ
định. Họ sẵn sàng với con ngựa để chuyển thư từ trạm nầy qua trạm kia để chuyển
thư thật nhanh đến đích. Ở đây từ angareuò nầy chỉ sự ép buộc đi một hành
trình, mang một vật nặng hay làm một việc phục dịch nào đó do quân đội hay các
viên chức trên một hay nhiều người, như trường hợp Simôn người Xirênê bị quân
lính Rôma ép vác thánh giá với Chúa Giêsu (27:32).
- Cho và vay mượn (c. 42): Câu nầy vẫn
còn nằm trong văn mạch của mệnh lệnh: "Đừng chống lại người ác" (c.
39a), và người môn đệ vẫn còn là nạn nhân của bạo lực hay bất công. Theo cấu
trúc, câu nầy đối xứng và song song với câu 40a: tò + phân từ + ngươi + động
từ. Động từ "muốn + vay mượn", thelò, trong câu nầy mang ý nghĩa
tương tự như trong câu 42 là muốn vay mượn tài sản của anh em trong đó hàm ý
việc đoạt lấy; so sánh câu nầy với câu song song trong Lc 6,30: "Tất cả ai
xin, hãy cho, và kẻ đoạt của ngươi, ngươi chớ đòi lại". Hơn nữa, câu nầy
liên kết với đoạn theo sau 5,43-48 bởi từ ponèros, "người xấu" (cc.
39,45), trong đó nói về việc yêu thương kẻ thù. Đây là minh họa đi trước cho
việc yêu thương kẻ thù.
Việc giúp đỡ và cho vay mượn được nói
rất nhiều đến trong Cựu ước, mà đối tượng nhắm đến thường là người nghèo (Xh
22,25; Lc 25,36-37; Đnl 15,2-6). Ở đây Chúa Giêsu đưa ra một nguyên tắc tổng
quát và không phân biệt người được cho và cho vay: "Ai xin, ngươi hãy cho.
Ai muốn vay, ngươi chớ khước từ" (c. 42; x. 5.45), trong đó bao hàm cả
người ác/xấu.
Vậy qua đoạn 5,38-42 Chúa Giêsu muốn
chúng ta giữ mình tự do khỏi mọi hình thức bạo lực. Quyền xét xử và báo oán là
của Thiên Chúa (Rm 12:19-21). Phần người môn đệ của Chúa là "không lấy oán
báo oán, mà theo đuổi điều thiện cho nhau và cho mọi người" (1 Thess
5:15).
"Yêu thương kẻ thù" (cc.
43-48)
Sự công chính của người môn đệ được thể
hiện ở mức tối đa là yêu thương kẻ thù. Hành vi yêu thương nầy làm họ nên giống
Cha trên trời là Đấng trọn lành (5:48) và là Đấng công chính (6:33), và cũng
làm cho họ trổi vượt hơn các kinh sư và người Pharisêô về sự công chính (5:20).
Đoạn nầy có cấu trúc giống như các đoạn trước, và thêm lời kết luận cho toàn
phần 5:21-48. Từ ngữ chính trong đoạn nầy là agapaò, "yêu thương"
(cc. 43.44.46[2x]) và echthros, "kẻ thù" (cc. 43.44).
Cựu ước nói cách rõ ràng việc yêu
thương người lân cận. Người lân cận được định nghĩa là người đồng hương Israel,
mặc dù cũng có thể nới rộng định nghĩa nầy ra cho người ngoại quốc đến ngụ cư
(Lv 19:18, 33-34; Đnl 10:18-19). Trái lại, không thấy Kinh Thánh nói cách hiển
nhiên việc ghét kẻ thù, mặc dù có thể suy diễn từ một số đoạn (x. Đnl 7:2;
20:13–18; 25:17–19; Tv 137:8–9; 139:19–22). Đối lại với câu chủ đề gồm hai mệnh
đề, Chúa Giêsu cũng đưa ra một câu gồm hai mệnh đề: "Hãy yêu thương kẻ thù
và cầu nguyện cho người bắt bớ các con" (c. 44). Hai mệnh lệnh đều ở ngôi
thứ hai số nhiều và thì hiện tại, chỉ sự áp dụng chung cho các môn đệ của Chúa
Giêsu và cho mọi thời.
"Kẻ thù" theo mạch văn là
người bắt bớ (c. 44b), người xấu (c. 45). Họ sỉ nhục, vu khống, đặt điều nói
xấu đủ điều các môn đệ (x. 5:10-11), họ làm những điều bất công (x. 5:38-42);
do đó việc ghét kẻ thù là điều thường tình đối với người đời. Trái lại Chúa
Giêsu dạy phải yêu thương kẻ thù theo mẫu gương của Cha trên trời. Ngài
"cho mặt trời mọc lên trên kẻ dữ lẫn người lành" (c. 45; x. 22:10).
Ngài làm điều tốt cho cả hai mà không phân biệt (x. Rm 212:20-21). Matthêô dùng
từ ponèros, "người xấu" thay vì echthros, "kẻ thù", trong
câu liên quan đến Thiên Chúa, vì "kẻ thù" thật sự của Thiên Chúa là
ma quỉ; chắc chắn là Ngài không "cho mặt trời mọc lên" trên kẻ thù
nầy, mà đặt nó dưới bệ chân Ngài (13:25tt, 22:44).
Trước khi đi đến kết luận, Chúa Giêsu
đưa ra hai minh hoạ về cách yêu thương mà người môn đệ không nên noi theo,
"Nếu chỉ yêu thương...", "Nếu chỉ chào hỏi..." (cc. 46-47),
bằng không họ sẽ không công chính hơn người thu thuế và dân ngoại chút nào cả.
Tính từ so sánh "hơn", perisson, ở đây đóng khung đoạn 5:21-48, và
liên quan đến sự công chính của các môn đệ (c. 20). Vậy ai hành động như Thiên
Chúa thì sẽ nên con cái của Ngài, và con cái của Ngài phải là người xây dựng
hoà bình, chứ không lấy ác báo ác (5:9).
"Nên trọn lành như Cha trên
trời" (c. 48)
Từ quan trọng của câu kết luận là
teleios, "trọn lành", nghĩa là đi đến cùng và không còn thiếu gì cần
thiết nữa. Matthêô dùng 3 lần từ nầy và qui chiếu về Thiên Chúa. Trong 19,21,
sự trọn lành mà Chúa Giêsu chỉ cho người thanh niên là tuân giữ lề luật Chúa,
từ bỏ của cải và theo Chúa. Trong câu 5,48 sự trọn lành trước tiên quy chiếu về
lề luật đã được Chúa Giêsu làm trọn (5,21-48), và cũng qui chiếu về Chúa Cha:
"như Cha..." (c. 48b). Liên từ "như", hòs, chỉ phẩm tính
thuộc về Thiên Chúa. Vậy việc "nên trọn lành như Cha trên trời" được
đặt trong tương quan Cha - con, "Cha trên trời" (c. 48) - "con
cái Cha trên trời" (c. 45): sự trọn lành của con cái bắt nguồn từ sự trọn
lành của Cha và có cùng phẩm tính là yêu thương, và tình yêu của Cha thể hiện
qua việc "cho mặt trời mọc lên trên kẻ dữ và người lành" để nêu
gương, thì con cái cũng bắt chước gương Cha mà làm như vậy: làm điều tốt cho
người khác vì yêu thương.
Chúa Giêsu đến để kiện toàn mọi lề
luật. Ngài đã dạy cho các môn đệ một cách cư xử mới trong tương quan với người
bất hòa, phụ nữ, bản thân, người làm ác và kẻ thù. Cao điểm của cách cư xử nầy
là làm điều tốt và yêu thương họ như Cha trên trời và cũng như Chúa Giêsu. Đó
là con đường trọn lành mới mà Ngài muốn con người bước vào.
9. Hãy tha thứ. Đừng báo thù
(Suy niệm của Lm. Giuse Nguyễn Hưng
Lợi)
Hãy tha thứ và thứ tha là giới răn hoàn
toàn mới của Đức Kitô. Sống trên đời người ta phải đấu tranh để sinh tồn. Do
đó, ngay từ cổ thời xa xưa, có những bộ tộc đã tranh đấu với nhau để sống còn,
có những dòng tộc, họ hàng đã chiến đấu với nhau để bảo vệ họ hàng, dòng tộc
của mình. Trên thế giới, nhiều nước, nhiều nơi còn chiến tranh, chiếm giết để
bảo vệ chủ quyền của mình, để bảo tồn nòi giống của mình. Thời Cựu Ước, luật
viết: "Mắt thế mắt. Răng đền răng "là công thức của luật báo thù. Đức
Giêsu khi tới trần gian lại nói: "Còn Thầy, Thầy bảo các con:hãy yêu kẻ
thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi các con ", "Hãy tha thứ thì
được thứ tha "vv... Chúa Giêsu đến để làm cho luật nên hoàn thiện, nâng
luật lên tầm cao tuyệt đối.
Nghiên cứu, tìm hiểu bộ luật của Sách
Ngũ Kinh, chúng ta nhận ra nhiều điểm chưa hoàn thiện của luật Môsê. Chúng ta
hãy xem chẳng hạn luật mắt thế mắt răng đền răng, luật về ngoại tình, luật bác
ái vv...Tất cả những điều khoản này được ghi chép rất tỉ mỉ trong luật Môsê.
Những luật này không những nằm trong luật của Môsê, nhưng thực tế nó vẫn tồn
tại trong tâm hồn của con người. Bởi vì, đối với con người, khuynh hướng báo
thù, trả oán nhiều hơn khuynh hướng tứ tha. Anh đánh tôi, tôi đánh lại hoặc sẽ
tìm cách báo thù, biện hộ cho tôi...
Chúa Giêsu đến trần gian để đem cho mọi
người, cho nhân loại một giới luật mới, giới luật yêu thương. Ngài dạy con
người: "Hãy dập tắt mầm mống oán thù, chia rẽ đang âm ỉ trong con người.
Đừng cho những hành động xấu nhen nhúm trong trái tim con người, trong lòng,
trong tâm hồn của con người chúng ta". Ngài truyền: "Đừng chống cự
lại kẻ ác".
Mầm mống báo thù luôn âm ỉ trong tâm
hồn, Chúa dạy hãy dập tắt ngay và hãy có tâm hồn sám hối, sự hoán cải để sự báo
oán, hờn căm, nổi giận không có cơ hội nổi dạy trong con người. "Hãy yêu
thương kẻ thù" là một lệnh truyền tuyệt đối của Chúa Giêsu, Vị sáng lập
Đạo Tình Thương. "Hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu". Đây là một
giới răn, một lệnh truyền. Bởi vì, đối với Chúa tình yêu không có chuyện mắt
thế mắt răng đền răng, không có chuyện trả thù.
Chúng ta hãy đọc lại câu chuyện người
con hoang đàng, người phụ nữ ngoại tình sẽ thấy lòng nhân hậu, thứ tha của
Thiên Chúa tình yêu như thế nào? Sự thật tuyệt vời, bài học vô giá Chúa đã để
lại cho nhân loại, cho con người, cho mỗi người là sự tha thứ tuyệt vời của
Chúa. Chúa đã tha thứ cho những kẻ bắt Ngài, hành hạ Ngài, kết án Ngài.
Trên thập giá, Chúa đã tha thứ và đưa
vào Thiên Đàng người trộm lành biết ăn năn hối cải: "Hôm nay, ngươi sẽ ở
trên Thiên Đàng với Ta". Chúa đã tha thứ ngay khi Ngài bị kết án bất công,
bị đóng đinh trên thập giá: "Lạy Cha, xin tha thứ cho họ vì họ không biết
việc họ làm" (Lc 23, 34). Chết mới nói lên lời. Chết mới nói lên tình ây
trọn vẹn, tình yêu vô vị lợi, tình yêu dâng hiến.
Tha thứ, yêu thương kẻ thù là điều rất
khó thực hiện. Nhưng Chúa dạy: "Các con phải trở nên hoàn thiện như cha
các con trên trời là Đấng hoàn thiện" (Mt 5, 48).
Ở trần gian, con người thường muốn cho
vay ăn lời, càng lợi nhuận, càng lời nhiều càng tốt. Chúa dạy: "...Ai muốn
vay mượn hãy sẵn sàng". Cho vay ở đây không lợi nhuận, không ăn lời. Cho
vay là giúp đỡ, là tạo cơ hội cho con người vượt khó, giúp họ làm lại cuộc sống
của họ. Sự hòa giải, quảng đại, tha thứ sẽ đem lại cho con người sự bình an. Sự
an bình luôn cần thiết cho đời sống con người. Ở đời nhiều người đã hối hận đã
tìm lại được nguồn vui khi họ luôn cố tình nói xấu, làm hại người, nhưng ngược
lại họ luôn nhận được sự thứ tha, cảm thông và tấm lòng tốt của người khác.
Đời sống của mỗi người, thánh giá mỗi
người vác hàng ngày đã nặng lắm rồi. Nếu chúng ta không chia sẻ, không cảm
thông với nỗi nhục nhằn, nặng nề của kẻ khác thì chúng ta cũng đừng chất gánh
nặng trên vai kẻ khác vì thánh giá họ vác mỗi ngày họ đã phải hy sinh, cố gắng
lắm rồi...
Các Thánh là những người đã sống như
chúng ta ở trần thế này, nhưng các Ngài đã hơn chúng ta vì đã dám sống đức tin
tỏa sáng, đã dám vác thập giá, đã dám sống quảng đại, tha thứ cho cả những kẻ
làm hại mình.
Lạy Chúa Giêsu, sống như Chúa yêu là
điều không phải dễ, nhưng với ơn Chúa giúp, với sự tác động của Chúa Thánh
Thần, chắc chắn chúng con có thể thực hiện được những điều mà Chúa mong
muốn.Xin giúp chúng con biết tuân theo lời dạy của Thánh Phanxicô khó khăn:
"... đem yêu thương vào nơi oán thù, đem thứ tha vào nơi lăng nhục, đem an
hòa vào nơi tranh chấp, đem chân lý vào chốn lỗi lầm". Amen.
GỢI Ý ĐỂ CHIA SẺ:
1. Tại sao Chúa lại nói yêu thương cả
kẻ thù?
2. Mắt thế mắt răng đền răng là gì?
3. Giới răn mới của Chúa được gọi là
giới răn gì?
4. Yêu thương như Chúa yêu là sao?
5. Thường những kẻ xúc phạm đến chúng
ta, chúng ta đối xử thế nào?
10. Giơ má kia ra chăng?
Đây là một thí dụ điển hình để kiểm
chứng bài giảng trên núi về chữ nghĩa và tinh thần. Đâu là tinh thần của câu
"Hãy giơ má kia ra" là câu làm bất cứ ai cũng nhăn mặt?
Khi chính mình bị một cái tát trong
cuộc khổ nạn, Chúa Giêsu đã chẳng giơ má kia ra. Ngài đã đặt kẻ vũ phu đứng
trước hành vi của mình: "Nếu ta nói sai, hãy chứng minh điều sai đó: nếu
ta nói phải, tại sao lại đánh ta?" (Ga 18,23).
Điều sai lầm đó cứ lao theo từ ngữ như
con bò mộng lao vào cái khăn nhử: "Tôi mà giơ má ra à? Để tạo điều kiện
cho bạo lực sao?" Đúng ra là Chúa Giêsu muốn điều ngược lại. Khi Ngài nói:
"Ngươi đừng đánh trả kẻ dữ dằn", thì Ngài đã chỉ đích danh, và chúng
ta biết phải làm gì đối với một kẻ dữ dằn rồi. nhưng đó là một cái gì vượt xa
trên kẻ dữ dằn này cũng như trên cái má rát bỏng của chúng ta. Dưới cái hình
ảnh gây ấn tượng này (giơ má kia ra!) ẩn giấu một kế hoạch phi thường: ngăn
chận bạo lực gia tăng.
Con ngưới chấp nhận bạo lực như là một
dữ kiện không thể bàn cãi vào đâu được. Đánh trả và báo thù dường như là điều
tự nhiên, mọi người đều như thế, ngay cả những Kitô hữu tốt cũng vậy. Nếu chúng
ta muốn đo lường sự đảo ngược to lớn mà Chúa Giêsu đưa ra, chúng ta hãy mở Kinh
Thánh ra, Sáng Thế Ký 4,24: "Lameck sẽ bị báo thù 77 lần!". Và chúng
ta hãy đặt mình vào địa vị của Phêrô khi được trả lời rằng: "Ngươi hãy tha
thứ bảy mươi lần bảy" (Mt 18,22).
Có thể tỏ ra hoàn toàn vô lý, sự đảo
ngược này bắt đầu xảy ra thực sự ngay khi chúng ta có can đảm nói không đối với
bạo lực của chính chúng ta. Không phải bạo lực của người khác, mà là bạo lực
của chúng ta. Khi lái xe, khi làm việc, khi coi truyền hình chúng ta muốn la
lên: "Đồ thối tha! Quân sát nhân!" (và con cái có thể nghe được).
- Ngươi hãy im đi, hãy bình tĩnh, đừng
đánh trả những người hung dữ, Chúa Giêsu nói.
- Chúa muốn chúng con để cho tất cả
những người gàn dở, tất cả những kẻ bạo hành tha hồ hành động hay sao?
Tin Mừng không đơn giản chút nào cả.
Sau đây là một câu chuyện đã xảy đến với tôi. Tôi đã chứng kiến hai tên vô lại
đi xe máy làm một bà già bị thương nặng khi kéo lê bà ta dưới đất để giật túi
xách. Một nỗi oán ghét dâng lên trong lòng tôi. Khi hai cảnh sát đến tôi nghĩ
họ phải bắt hai tên đó, tẩn chúng cho tới chết để dạy cho chúng một bài học!
Điều đó chẳng dạy cho chúng một bài học
nào cả. Bạo lực không bao giờ dạy cho ai một bài học nào cả. Nó chỉ có kêu gọi
thêm bạo lực mà thôi. Tôi đã thấy rõ điều đó chung quanh bà già bị thương tội
nghiệp. Chúng ta sẽ nhìn tất cả các thanh niên đi xe máy bằng con mắt thành
kiến.
Thánh Phaolô đã đào sâu vấn đề này:
"Đừng để mình thua điều ác" (Rm 12,17). Đừng để cho ai cả, từ cậu bé
vô lại cho tới tên đồ tể, có khả năng biến đổi bạn thành một con người đầy căm
thù. Nếu không, bạn sẽ thua điều ác.
Chúng ta không lúc nào cũng có thể hoàn
toàn tự kiềm chế trước một kẻ tàn ác hoặc xảo trá. Nhưng chúng ta có thể chống
lại làn sóng bạo lực ở trong ta, chống lại những lời nói và những cử chỉ bạo
lực. Chúng ta có thể không cố gắng làm cho sự tự vệ và sự tức giận chính đáng
biến thành bạo lực lớn và mù quáng hơn, biến thành sự khinh bỉ, biến thành ước
muốn và hành vi báo thù thuần tuý.
Nơi nào một Kitô hữu ngăn chận được
việc lan truyền bạo lực bằng cách từ chối làm một mắt xích của chuỗi sự ác, thì
nơi đó một thế giới mới sinh ra.
11. Lòng bao dung – Lm. Ignatiô Trần
Ngà
Trả thù, báo oán là cách ứng xử man rợ,
thiếu đạo đức.
Luật trả thù báo oán kiểu "mắt đền
mắt, răng đền răng" là thứ luật đã lỗi thời, không còn thích hợp nữa, thế
mà ngày nay không ít người vẫn muốn cư xử với nhau theo thứ luật rừng man rợ
đó. Ai móc mắt tôi, tôi móc mắt người đó. Ai đánh gảy răng tôi, tôi đánh gảy
răng người đó..."
Trước hết, đây là cách ứng xử thông
thường của loài vật, như gà chọi chẳng hạn: Con nầy đá qua, con kia mổ lại, đấu
đá nhau cho đến khi cả hai đều gục xuống, kiệt sức, mình mẩy đầy máu me!
Đây cũng là phản ứng tự nhiên của những
con trâu điên, của những con chó dại: Trâu nầy húc qua, trâu kia báng lại cho
đến khi cả hai không còn hơi sức.
Những cách ứng xử như trên là man rợ,
rừng rú, chỉ thích hợp cho một số loài động vật hung hãn. Là người, chúng ta
không thể sống theo bản năng hạ cấp mang đầy thú tính như vậy.
Nhiều cuộc xung đột trên thế giới được
giải quyết theo kiểu "mắt đổi mắt răng đền răng", tức giải quyết bằng
chiến tranh, trả thù, báo oán và đã đưa đến hậu quả vô cùng bi đát. Lịch sử
chiến tranh giữa các dân tộc qua bao thời đã cho thấy điều đó.
Bao dung tha thứ cho kẻ thù là thượng
sách.
Qua trích đoạn Tin Mừng hôm nay, Chúa
Giê-su muốn nâng nền luân lý nhân loại lên một tầm cao mới. Người đề xuất một
giải pháp tối ưu cho mọi tranh chấp xung đột giữa người với người, đó là:
"Hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em" và
"Đừng chống cự người ác, trái lại, nếu bị ai vả má bên phải, thì hãy giơ
cả má bên trái ra nữa" (Mt 5, 39.44) Trước lời dạy nầy, những người nông
nổi cho là nhu nhược, là hèn nhát, là yếu đuối; chỉ những ai khôn ngoan sâu sắc
mới nhận thấy đây là giải pháp tối ưu để giải quyết mọi xung đột và đem lại an
hòa.
Khi người ta quai búa tạ vào tảng đá
cứng, đá sẽ dùng sự cứng rắn của mình để kháng cự lại búa, hậu quả là đá sẽ nứt
vỡ ra, bị nghiền tán ra. Đá bị thất bại hoàn toàn! Nhưng khi người ta quai búa
giáng mạnh xuống hồ nước, nước sẽ dùng sự mềm mại của mình để vô hiệu hoá sức
mạnh của búa. Nước không hề hấn gì nhưng búa thì sẽ bị chìm lĩm xuống tận đáy
hồ. Thế là nước thắng lợi vẻ vang!
Khi gặp bão táp cuồng phong, những cây
cổ thụ cao lớn cứng cáp dùng sự cứng rắn mạnh mẽ của mình để kháng cự lại bão
tố. Hậu quả là chúng bị gảy cành, trốc gốc. Trong khi đó, những rặng tre, những
cây lau sậy không hề kháng cự lại bão tố, nhưng dùng sự mềm dẻo của mình để uốn
theo chiều gió nên chúng được an toàn.
Hiểu được quy luật đó nên Lão tử đã dạy
môn sinh từ mấy ngàn năm trước: "nhu thắng cương, nhược thắng cường."
Vị sư tổ của môn phái Judo cũng đã dựa vào quy luật nầy để sáng lập nên môn
phái Judo (nhu đạo), một môn võ thuật lấy mềm dẻo chiến thắng hung bạo cứng
rắn.
Thay phần kết luận:
Gia đình ông A và ông B sống gần nhau
và cùng trồng dưa trên hai lô đất kế cận. Gia đình ông A đam mê rượu chè, bài
bạc, không chăm sóc vườn dưa nên vườn dưa xơ xác, không thu hoạch được gì.
Trong khi đó, gia đình ông B chăm sóc vườn dưa chu đáo nên được bội thu, tiền
vào như nước, sắm sửa được nhiều thứ trong nhà. Nổi máu ghen tị, ông A xúi con
qua phá hoại vườn dưa của ông B, vừa hái trái ăn vừa nhổ cây, gây thiệt hại
nặng nề cho gia đình ông B.
Trước sự gây hấn đó, gia đình ông B
giận sôi gan, chuẩn bị mài dao mài rựa tìm cách báo thù. Buổi tối trước khi ra
tay hành động, ông B nằm suy nghĩ miên man và may thay, câu Lời Chúa ông vừa
nghe trong thánh lễ ban sáng chợt vọng về: "Anh em đã nghe Luật dạy rằng:
Hãy yêu đồng loại và hãy ghét kẻ thù. Còn Thầy, Thầy bảo anh em: hãy yêu kẻ thù
và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em"... "Anh em đã nghe Luật
dạy rằng: Mắt đền mắt, răng đền răng. Còn Thầy, Thầy bảo anh em: đừng chống cự
người ác, trái lại, nếu bị ai vả má bên phải, thì hãy giơ cả má bên trái ra
nữa." (Mt 5, 44. 38-39).
Sáng hôm sau, nhờ Lời Chúa tác động,
ông B bàn với vợ con cứ đến lúc trời mới tờ mờ sáng thì kéo nhau ra vườn dưa
ông A, không phải để phá hoại trả thù, nhưng là chăm sóc, tưới nước, xịt thuốc,
bón phân cho cả vườn dưa. Chẳng bao lâu sau, vườn dưa của ông A trở nên xanh
tốt không kém gì dưa nhà ông B.
Khi biết được việc làm cao đẹp của ông
B, cả gia đình ông A hết sức hối hận vì việc làm của mình, rồi dắt nhau qua tận
nhà ông B để tạ lỗi. Từ đó, hai gia đình kết nghĩa anh em, thề nguyền yêu
thương gắn bó với nhau cho đến mãn đời.
Thế đó, Lời Chúa là giải pháp tuyệt vời
cho các xung đột giữa đôi bên.
12. Bão lòng – Lm. Giuse Trần Việt Hùng
Còn Thầy, Thầy bảo anh em: hãy yêu kẻ
thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em (Mt. 5,44).
Bạn tôi lái xe xuống Phố Tầu ở Mahattan
kiếm được chỗ trống đậu xe dọc theo đường lộ và đi bỏ tiền vào máy tính giờ đậu
xe gần bên. Chỉ chưa đầy một phút sau, trong khi bạn trở lại với biên nhận
trong tay, thì đã thấy một cảnh sát công lộ đang ghi giấy phạt vì vi phạm luật đậu
xe là 90 đô. Nói qua nói lại, bạn vẫn phải nhận vé phạt. Cảnh sát nói: Nếu muốn
được giảm phạt phải gởi kèm cả vé phạt và biên nhận ghi giờ parking cho Sở Tài
Chánh, thành phố Nữu Ước. Vé phạt và biên nhận được gởi đi, nhân viên Sở Tài
Chánh trừ cho một nửa số tiền và ghi rằng muốn được tha phạt toàn bộ, bạn phải
làm hẹn ra tòa. Câu truyện nghe mà ứ máu, tuy số tiền không bao nhiêu nhưng bị
oan ức. Biết chia xẻ cùng ai. Ra tòa lại mất toi một ngày làm. Trả phạt cho
xong, lòng không phục!
Hãy yêu kẻ thù. Chúa Giêsu mở rộng chân
trời yêu thương tới hết mọi người. Lời khuyên dạy của Chúa cao siêu và tuyệt
vời qúa. Chúng ta cảm nhận rằng tình yêu thương của chúng ta đối với tha nhân
và kẻ thù chỉ mới là ở bước khởi đầu. Những người dưng nước lã, những khách qua
đường và những người xa lạ không quen biết, chúng ta rất ít quan tâm nói chi
đến yêu thương. Chúng ta chỉ dễ dàng yêu thương những người có cảm tình và yêu
thương chúng ta. Nhưng Chúa Giêsu lại dậy rằng: Vì nếu anh em yêu thương kẻ yêu
thương mình, thì anh em nào có công chi? (Mt. 5,46).
Trong thực tế cuộc sống, tình yêu vị
tha thường rất giới hạn. Theo quan niệm chung, yêu thương cũng phải có qua có
lại chứ. Chúng ta biết rằng ngay cả anh chị em hay những bà con ruột thịt trong
gia đình yêu nhau đã khó, yêu thương những người hàng xóm lại khó hơn và yêu
thương kẻ thù thì khó gấp bội. Yêu thương kẻ thù trên lý thuyết chung chung hay
trên môi miệng thì có thể được, nhưng yêu thật trong lòng một kẻ thù thì khó
lắm. Chúa Giêsu đã dạy chúng ta yêu thương mọi người và yêu cả kẻ thù. Chúa đã
nêu gương cho chúng ta qua chính cuộc sống và cái chết của Ngài. Ngài đã yêu
hết mọi người, cả kẻ thù và đã tha thứ tất cả lỗi lầm của mọi người. Chúa đã
chấp nhận chịu mọi cực hình oan trái đến chết để mang ơn cứu độ cho mọi người.
Với sức tự nhiên của con người, chúng
ta khó vượt qua những yếu đuối của bản năng. Bản năng đòi sự công bằng tự
nhiên: Mắt đền mắt, răng đền răng (Mt.5,38) là lẽ thường. Vì trong bản năng của
con người có một động lực tiềm ẩn của sự báo thù do tội nguyên tổ. Khi chúng ta
giận dữ thì cơn giông bão hận thù và ghen tương nổi lên trong lòng như một khao
khát đốt cháy tâm can. Chúng ta rất khó cầm lòng để có sự bình tĩnh mà xét xử
hơn thiệt. Người ta thường nói giận mất khôn là đúng lắm. Đôi khi trong cơn
giận dữ lại có người còn thêm dầu vào lửa nữa, thì cơn giận càng có cơ hội bốc
cháy. Những giận hờn, thù ghét chua cay và những gian dối che phủ mất lòng nhân
ái. Hành động khi giận dữ dễ đưa đến những hậu qủa tác hại vô lường.
Truyện kể: Một hôm, một vị Samurai đến
thu nợ của người đánh cá. Người đánh cá nói: "Tôi xin lỗi, nhưng năm vừa
qua thật tệ, tôi không có đồng nào để trả ngài". Vị Samurai nổi nóng, rú
kiếm ra định giết người đánh cá ngay lập tức. Rất nhanh trí, người đánh cá nói:
"Tôi cũng đã học võ và sư phụ tôi khuyên không nên đánh nhau khi đang tức
giận". Vị Samurai nhìn người đánh cá một lúc, sau đó từ từ hạ kiếm xuống.
"Sư phụ của ngươi rất khôn ngoan. Sư phụ của ta cũng dạy như vậy. Đôi khi
ta không kiểm soát được nỗi giận dữ của mình. Ta sẽ cho ngươi thêm một năm để
trả nợ và lúc đó chỉ thiếu một xu thôi chắc chắn ta sẽ giết ngươi".
Vị Samurai trở về nhà khi đã khá muộn.
Ông nhẹ nhàng đi vào nhà vì không muốn đánh thức vợ, nhưng ông ta rất bất ngờ
khi thấy vợ mình và một kẻ lạ mặt mặc quần áo Samurai đang ngủ trên giường. Nổi
điên lên vì ghen và giận dữ, ông nâng kiếm định giết cả hai, nhưng đột nhiên
lời của người đánh cá văng vẳng bên tai: "Đừng hành động khi đang giận
dữ". Vị Samurai ngừng lại, thở sâu, sau đó cố tình gây ra tiếng động lớn.
Vợ ông thức dậy ngay lập tức, kẻ lạ mặt cũng vậy, hóa ra đó chính là mẹ ông.
Ông gào lên: "Chuyện này là sao vậy. Suýt nữa con đã giết cả hai người
rồi!". Vợ ông giải thích: "Vì sợ kẻ trộm lẻn vào nhà nên thiếp đã cho
mẹ mặc quần áo của chàng để dọa chúng".
Một năm sau, người đánh cá gặp lại vị
Samurai. Người đánh cá phấn khởi nói: "Năm vừa qua thật tuyệt vời, tôi đến
để trả nợ cho ngài đây, có cả tiền lãi nữa". Vị Samurai trả lời: "Hãy
cầm lấy tiền của ngươi đi và ngươi đã trả nợ rồi".
Ai cũng thù ghét sự bất công, gian tham
và độc tài. Chúng ta nhìn thấy hình ảnh những người biểu tình ở các nước
Tusinia, Ai Cập, Yemen đòi quyền sống cho công lý và tự do. Sự đấu tranh, sự
hận thù và ghen ghét diễn tả trên những khuôn mặt giận dữ la hét và bạo động
của họ. Giận dữ vì bị đối xử bất công và bị tước đoạt mất quyền sống. Làm sao
họ có thể yêu thương những kẻ làm gây oan trái và ngỗ nghịch. Sức chịu đựng của
con người có giới hạn. Chúng ta cũng là những người đã từng bị đối xử cách bất
công trong cuộc sống. Chúng ta hiểu được phần nào những áp bức trong cuộc sống
dưới chế độ những Phát-xít và độc tài. Trong tinh thần Kitô Giáo, Chúa Giêsu
mời gọi chúng ta nên có những cách đối xử nhân từ và rộng lượng hơn. Làm sao
chúng ta có thể dung hòa để mang lời Chúa áp dụng vào cuộc sống thực tế đầy đau
thương và bất công này. Chúa dạy chúng ta hãy yêu thương thù địch, hãy làm lành
cho những kẻ ghét các con và cầu nguyện cho những kẻ bắt bớ và vu khống các
con.
Chúng ta có thể cầu nguyện cho họ nhưng
làm lành hay yêu thương kẻ thù thì chúng ta khó có thể. Nhiều khi chỉ cần nhắc
lại chuyện cũ không vui, sự tức giận đã trào nghẹn lên tới cổ.
Có những sự kiện nhỏ nhặt thôi nhưng
chúng ta cũng khó lòng bỏ qua. Chỉ cần nhìn thấy bản mặt của họ là thấy ghét,
làm sao chúng ta có thể dung hòa và tha thứ được chứ?. Chúa Giêsu nhắc nhở dịu
dàng: Như vậy, anh em mới được trở nên con cái của Cha anh em, Đấng ngự trên
trời, vì Người cho mặt trời của Người mọc lên soi sáng kẻ xấu cũng như người
tốt, và cho mưa xuống trên người công chính cũng như kẻ bất chính (Mt.
5,45).Khi thực hành được lời dạy của Chúa Giêsu, chúng ta sẽ tìm thấy sự yêu
thương hòa giải thật tuyệt vời và đong đầy ý nghĩa. Khi thương yêu tha thứ,
chúng ta không mất mát gì cả, mà còn được lợi gấp trăm. Ai cũng hiểu biết yêu là
như thế đấy, nhưng đi vào thực hành tha thứ với con người cụ thể thì còn một
khoảng cách cần lấp đầy. Truyện cổ Trung Hoa kể câu truyện về sự hòa giải và
kết hạn: Ngày xưa ở Trung Quốc, có một người nông dân và một người thợ săn là
hàng xóm của nhau. Người thợ săn nuôi một đàn chó săn rất dữ tợn và khó bảo,
chúng thường nhảy qua hàng rào và rượt đuổi đàn cừu của người nông dân. Người
nông dân bảo người hàng xóm của mình hãy trông nom đàn chó cẩn thận, nhưng xem
ra những lời đó đều bị bỏ ngoài tai.
Một ngày nọ, đàn chó lại nhảy qua hàng
rào, chúng đuổi cắn đàn cừu và làm nhiều con trong đàn bị thương nặng. Lúc này,
người nông dân không thể chịu đựng thêm nữa. Anh ta bèn lên phủ để báo quan. Vị
quan phủ chăm chú lắng nghe đầu đuôi câu chuyện rồi nói: "Ta có thể phạt
người thợ săn và bắt anh ta xích hoặc nhốt đàn chó lại. Nhưng anh sẽ mất đi một
người bạn và có thêm một kẻ thù. Anh muốn điều gì hơn: một người bạn hay một kẻ
thù làm hàng xóm của mình?" Người nông dân trả lời rằng anh muốn có một
người bạn hơn. Vị quan phủ nghe vậy bèn phán:"Được, vậy ta sẽ bày cho anh
một cách để vừa bảo vệ an toàn cho đàn cừu, vừa giữ được một người bạn".
Người nông dân bèn nghe theo lời chỉ dẫn của vị quan phủ. Vừa về đến nhà, người
nông dân liền thử làm theo những gì vị quan phủ đã bày cho anh ta. Anh ta bắt
ba con cừu tốt nhất của mình và đem tặng chúng cho ba cậu con trai nhỏ của
người hàng xóm. Đám trẻ rất vui thích quấn quít chơi đùa bên mấy con cừu. Để
bảo vệ cho đồ chơi mới của lũ trẻ, người thợ săn đã làm một cái cũi chắc chắn
để nhốt đàn chó. Từ đó trở đi, đàn chó không bao giờ quấy rầy đàn cừu của người
nông dân nữa. Cảm kích trước sự hào phóng của người nông dân với những đứa con
của mình, người thợ săn thường mang chiến lợi phẩm mà anh ta săn được sang cho
người nông dân. Người nông dân đáp lại bằng thịt cừu và phô mai mà anh ta làm
ra. Chỉ trong một thời gian ngắn, hai người hàng xóm đã trở thành bạn tốt của
nhau.
Chúng ta biết rằng chiến tranh bao giờ
cũng có thiệt hại, đổ nát, chia cách và mất mát. Cổ nhân có dạy: "Một sự
nhịn chín sự lành". Trong Kinh Pháp Cú, Đức Phật có dạy: "Lấy oán báo
oán, oán nghiệp chập chùng. Lấy ơn báo oán, oán nghiệp tiêu tan". Trong
cuộc sống, chúng ta va chạm nhau rất nhiều qua lời nói vô tình, cử chỉ vô ý,
một câu truyện bịa đặt thêm nếm cũng có thể là nguyên nhân của chuyện thù ghét
oán hờn. Chúng ta cố gắng xây dựng hòa bình bằng sự chân thật và tình yêu
thương tha thứ. Thánh Phaolô khuyên dạy chúng ta: Anh em nổi nóng ư? Đừng phạm
tội: chớ để mặt trời lặn mà cơn giận vẫn còn (Eph. 4,26).
13. Tình yêu vượt ra khỏi mối hỗ tương.
(Trích từ 'Lương Thực Ngày Chúa Nhật' –
Achille Degeest)
Khi đề nghị một buổi lễ đọc một đoạn
Phúc Âm, Giáo Hội ao ước cho ta làm quen với giáo huấn, lối nhìn, cách suy
nghĩ, sứ điệp của Chúa Giêsu. Ít nhất người ta cũng có thể nói một điều: là
Chúa Giêsu đi ngược lại các phản ứng thuộc bản năng của con người. Không chống
lại sự ác nghiệt và yêu mến kẻ thù, đó không phải là những khám phá của sự khôn
ngoan sơ đẳng của bản tính nhân loại. Sự táo bạo kêu mời con người thực thi
tình yêu hoàn hảo, chỉ có thể xuất phát từ Con Thiên Chúa, Đấng đã nêu gương về
một mức độ tình yêu như thế. Nếu Người dám xin ta yêu mến thù địch ta, là vì
Thiên Chúa đã yêu loài người trước hết, ngay trong khi họ còn chống lại Người,
còn nằm trong tội lỗi. Thiên Chúa chứng tỏ tình yêu Người đối với ta: ấy là khi
ta còn tội lỗi, Đức Kitô đã chết cho ta (Rm 5,8). Có những triết thuyết, những
tổ chức tôn giáo ngoài Kitô giáo đôi khi đã xích lại gần sự đòi hỏi của Chúa
Giêsu nhưng không hề đạt tới được. Phúc Âm quả là một chóp đỉnh duy nhất mà chỉ
Thiên Chúa của Đức Giêsu Kitô dám xin ta leo lên. Tình yêu đối với thù địch nằm
ở chóp đỉnh ấy. Giới răn của Chúa Giêsu buộc ta không được giản lược tình yêu
vào trình độ của mối hỗ tương, trao đổi không vươn xa hơn. Tình yêu tuỳ thuộc ở
một sự trao đổi là một tình yêu mong manh. Trái lại, tình yêu mà phát xuất từ
sâu thẳm của hữu thể là một sức vọt mạnh mẽ, chỉ lấy tự do mình làm giới hạn.
Mà chiến thắng của cái tự do ấy, chính là ở chỗ nó quyết định yêu thương, cả
khi gặp cản trở, tức bị từ chối. Chúa nêu gương cho ta về điều này:
1) Chúa muốn điều hay cho những kẻ muốn
làm hại Người. Người chịu khổ, chịu chết để những ai bắt Người phải khổ, phải
chết được hết đau khổ và chết chóc. Trước sự từ chối tuyệt đối của con người
không đáp lại tình yêu – (trước sự từ khước một mối hỗ tương), Chúa vẫn duy trì
quyết định tuyệt đối là thương yêu.
2) Tình yêu ấy mặc khuôn mặt của lòng
tha thứ. Tình yêu theo Thiên Chúa biết nhìn từ bên trong. Tha thứ là một sự
sáng suốt của tình yêu. Lạy Cha, xin tha cho họ, vì ho không biết mình làm gì.
Người tự coi là kẻ thù của ta, họ vâng theo những động lực nào? Có lẽ họ là nạn
nhạn của sự dốt nát, của những sức mạnh tối tăm làm chủ họ, của tính tình
v.v... Không ai nói phải khuyến khích lòng độc dữ của họ, nếu họ tỏ ra nguy
hiểm. Điều cấm làm, là trả thù. Điều phải làm theo là yêu mến họ, dầu sao đi
nữa, và ao ước sự tốt lành cho họ. Điều này có thể đòi hỏi một sức mạnh tinh
thần gần như là khí phách anh hùng. Phải biết thưa với Chúa rằng, nếu Người đòi
hỏi phải nên anh hùng, thì Người cũng phải ban đủ sức làm anh hùng.
14. Yêu kẻ thù
(Trích trong 'Niềm Vui Chia Sẻ')
Anh em hãy yêu thương kẻ thù và cầu
nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em, như vậy anh em mới được trở nên con cái
của Cha anh em, Đấng ngự trên trời, vì Người cho mặt trời mọc lên soi sáng kẻ
xấu cũng như người tốt" (Mt 5,44-45).
"Anh em hãy yêu thương kẻ thù
mình". Việc này thật đòi hỏi: Nó đảo lộn các suy nghĩ của ta và làm mọi
người phải thay đổi hướng đi của đời mình!
Bởi vì, đừng dấu diếm nữa, tất cả chúng
ta đều có một vài kẻ thù... lớn hoặc nhỏ.
Kẻ thù đang ở đàng sau cánh cửa căn nhà
bên cạnh, nơi người đàn bà đáng ghét đó mà tôi thường tìm cách tránh né mỗi làn
bà ta sắp sửa cùng bước lên cầu thang. Kẻ thù ở chính nơi người bà con mà cách
đây ba chục năm đã đối xử bất công với cha tôi, vì thế tôi không còn chào hỏi
nữa. Kẻ thù ngồi ở bàn đàng sau trong lớp học và từ ngày nó tố cáo cho bạn tôi
với thầy giáo, không bao giờ bạn nhìn mặt nó. Kẻ thù là người bạn gái đó, vì cô
ta đã bỏ bạn để đi với người khác. Kẻ thù là người bán hàng đã đánh lừa bạn. Đó
là những người không nghĩ như bạn về chính trị, vì thế ta tuyên bố họ là kẻ
thù. Có người coi Nhà Nước là kẻ thù, nên dùng bạo lực đối xử với người đại
diện Nhà Nước. Cũng có người nhìn các linh mục và Giáo Hội như là thù địch. Tất
cả những người này và vô vàn những người khác mà ta gọi là "kẻ thù"
ta phải yêu thương họ.
Phải yêu thương họ sao?
Thưa phải, phải yêu thương họ! Và đừng
cho mình có thể làm được bằng cách thay đổi tình cảm oán ghét thành tình cảm
nhân hậu hơn.
Mà còn hơn nữa. Bạn hãy lắng nghe lời
Đức Giêsu dạy:
"Anh em hãy yêu thương kẻ thù và
cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em, như vậy, anh em mới thực sự trở nên
con cái của Cha anh em, Đấng ngự trên trời, vì Người cho mặt trời mọc lên soi
sáng kẻ xấu cũng như người tốt".
Bạn thấy không? Đức Giêsu muốn một tình
thương thể hiện qua việc cầu nguyện và những hành động cụ thể.
Ở nơi khác, Ngài cũng dạy: "Anh em
hãy làm ơn cho kẻ oán ghét mình, chúc lành cho kẻ nguyền rủa mình, cầu cho kẻ
nhục mạ mình" (Lc 6,27-28).
Ngài giải thích cho ta lý do tại sao
Ngài truyền dạy như vậy, và chỉ cho ta mẫu gương là tình thương của Thiên Chúa,
Cha Ngài; Ngài dạy ta làm như vậy cùng hành xử theo gương Chúa Cha.
Điều đó có nghĩa là trên đời ta không
còn cô đơn: ta có một người Cha và phải sống như Người. Không những thế, mà
Thiên Chúa còn có quyền đòi ta làm như vậy, bởi vì khi ta còn là thù địch của
Người, còn sống trong tội lỗi, Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta trước (x.2Ga
4,19), và sai Con của Người đến với ta, Đấng đã chết cách nhục nhã vì mỗi người
chúng ta.
"Anh em hãy yêu thương kẻ thù và
cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em, như vậy anh em mới được trở nên con
cái của Cha anh em, Đấng ngự trên trời, vì Người cho mặt trời mọc lên soi sáng
kẻ xấu cũng như người tốt".
Bài học ấy chú bé Jery người da đen đã
học được ở Washington. Vì có trí thông minh, em đã được nhận vào một lớp đặc
biệt gồm toàn thiếu niên da trắng. Nhưng trí thông minh không đủ để làm cho các
bạn cùng lớp hiểu rằng em cũng bình đẳng như chúng. Màu da đen đã làm cho tất
cả ghét bỏ em, đến độ ngày lễ Giáng Sinh các học sinh tặng quà cho nhau nhưng
không thèm để ý tới Jery. Em bật khóc, điều này dễ hiểu! Nhưng khi về nhà em
nghĩ đến Chúa Giêsu: "Hãy yêu thương kẻ thù của anh em", và đồng ý
với má, em mua quà vui vẻ tặng cho tất cả những "người anh em da
trắng" của mình.
"Anh em hãy yêu thương kẻ thù và
cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em, như vậy anh em mới trở nên con cái
của Cha anh em, Đấng ngự trên trời, vì Người cho mặt trời mọc lên soi sáng kẻ
xấu cũng như người tốt".
Ngày hôm đó Elizabeth, cô bé có đạo ở
thành phố Florence (Italia) thật đau lòng, khi bước lên bậc thang vào nhà thờ
dự lễ, vì cô nghe tiếng cười nhạo của một nhóm đồng lứa tuổi. Cho dù muốn chống
lại, em mỉm cười và trong nhà thờ em cầu nguyện cho những thiếu niên ấy.
Khi đi ra, các thiếu niên chặn em lại
và hỏi lý do tại sao em xử sự như vậy. Em trả lời, mình là người có đạo, nên
phải thương yêu luôn luôn. Em nói lên điều đó với niềm xác tín mạnh mẽ.
Chứng ta của em Elizabeth đã được
thưởng công: Chúa Nhật sau đó em thấy tất cả các thiếu niên ấy trong nhà thờ,
rất chăm chú ở hàng ghế trên cùng. Các thiếu niên chấp nhận Lời Chúa như thế.
Do đó các em là người lớn trước mặt Chúa.
Có lẽ ta cũng nên điều chỉnh lại một
vài tình trạng, hơn nữa cũng vì ta sẽ được xét xử theo như cách ta xét đoán
người khác. Thật vậy, chính ta là người trao vào tay Chúa cái thước mà Ngài
phải dùng để đo tình yêu của chúng ta. Ta đã chẳng xin Chúa: "Xin tha nợ
chúng con như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con" đó sao? Vậy ta hãy
yêu thương kẻ thù! Chỉ khi xử sự như vậy ta mới có thể sửa chữa lại sự chia rẽ,
đạp đổ những hàng rào ngăn cách và xây dựng cộng đoàn huynh đệ.
Điều đó khó khăn sao? Nặng nề sao? Nó
không để ta ngủ yên, ngay khi mới nghĩ đến sao? Hãy can đảm lên! Điều đó không
phải là quá sức: một nỗ lực nhỏ từ phía ta, rồi 99 phần trăm Thiên Chúa sẽ làm,
và... trong tâm hồn ta sẽ dâng trào niềm vui.
15. Yêu thương tha nhân không giới hạn
(Suy niệm của Lm FX Vũ Phan Long)
1.- Ngữ cảnh
Câu Mt 5,17 đưa vào một vấn đề: tương
quan giữa Luật Môsê và các Ngôn sứ, tức trọng tâm của niềm tin Cựu Ước, và giáo
huấn của Đức Giêsu, trọng tâm của niềm tin Kitô giáo. Vấn đề được minh nhiên
cứu xét trong phân đoạn 5,20-48 là bản văn nói về sáu "cặp đối
nghĩa". Phân đoạn này cho thấy tính cách mới mẻ trong giáo huấn của Đức
Giêsu so với chính các bản văn Cựu Ước.
Bản văn chúng ta đọc hôm nay đề cập đến
hai cặp đối nghĩa cuối cùng: chớ trả thù (5,38-42) và phải yêu kẻ thù (cc.
43-48).
2.- Bố cục
Bản văn có thể chia thành hai phần:
1) Chớ trả thù (5,38-42);
2) Phải yêu kẻ thù (5,43-48).
3.- Vài điểm chú giải
- mắt đền mắt, răng đền răng (38): Đây
là luật hình sự dựa trên nguyên tắc đối trọng: ai đã gây thiệt hại, thì phải
sửa chữa thiệt hại đã gây ra. Xem Xh 21,23-25; Lv 24,19-20; Đnl 19,21; Bộ luật
Hammourabi (2000 năm tCN).
- đừng chống cự người ác (39): Lời này
được ngỏ với kẻ bị xúc phạm để họ biết xử sự đúng tư cách là môn đệ Chúa Kitô,
chứ không phải là nhằm hủy bỏ nền luật pháp hiện hành (thánh Phaolô đã vận dụng
luật pháp này: x. Cv 25,11). Chính cách xử sự này cho thấy rằng các bộ luật
hình sự chỉ có tính cách nhất thời, giới hạn.
- đi một dặm (41): Có lẽ đây là một
dịch vụ. Các lính tráng và quan chức có thể bắt người qua đường vác một gánh
nặng (trường hợp Simôn Kyrênê) hoặc đi với họ như là con tin hoặc như người dẫn
đường.
- Ai muốn vay mượn (42): Bên Paléttina,
"cho vay thường tương đương với bố thí (x. Hn 29,1). Người Israel không
được cho người đồng chủng vay lấy lãi (Xh 22,24; Lv 25,35-37; Đnl 15,7-11;
23,20-21).
- hãy yêu kẻ thù (44): Động từ agapaô
nói đến một tình yêu hy sinh cho người kia. Tình philia (phileô) là một tương
quan đặc biệt, một sự trao đổi, một sự đồng thuận hỗ tương dựa trên các phẩm
chất tự nhiên, sự để ý đến nhau, sự đồng cảm. Còn eraô (eros) là tình yêu phàm
tục.
- nên hoàn thiện (48): Teleios (Hp.
tamim) có nghĩa là đã đạt tới đích (telos), tức là tới mức thể hiện tối đa; như
thế là không có lỗ hổng, khiếm khuyết, giới hạn.
4.- Ý nghĩa của bản văn
* Chớ trả thù (38-42)
Luật báo phục ("mắt đền mắt, răng
đền răng") hình thái triệt để nhất và cũng sơ khai nhất của luật hình sự;
luật báo phục chính là việc hợp pháp hóa sự công bình riêng tư. Thật ra, vào
thời Đức Giêsu, người ta không còn áp dụng luật này cách cứng ngắc nữa, vì đã
tạo ra những hình thức khác để nộp phạt (đóng tiền...). Tuy nhiên, Đức Giêsu đã
lấy luật báo phục làm điểm xuất phát để giáo huấn: với năm ví dụ cụ thể (cc.
39b-42), Người mời gọi các thính giả đi xa hơn thái độ cam chịu thụ động: không
những không đáp lại sự dữ bằng sự dữ, nhưng còn phải đáp lại sự dữ bàng sự
lành, sự thiện. Bằng các ví dụ đó, Đức Giêsu cho các môn đệ hiểu rằng Thiên
Chúa Cha chờ đợi họ sẵn sàng cho đi trọn vẹn, cho đến mức tối đa, nếu hoàn cảnh
đòi hỏi. Do đó, không phải là cứ áp dụng sát mặt chữ những ví dụ của Đức Giêsu,
nhưng là hiểu cho đúng để áp dụng cho đúng. Vấn đề không phải chỉ là đưa má kia
cho người ta tát tiếp, nhưng là cống hiến một không gian để kẻ gian ác có thể
suy nghĩ về các lầm lạc của họ.
Chịu vả vào cả hai má, nhường cả áo
ngoài cho kẻ đòi áo trong, đi hai dặm với một người bắt anh đi một dặm, anh
muốn vay mượn, thì hãy cho vay mượn, tất cả đều là những hành vi diễn tả thái
độ Kitô hữu, nhưng không đúng ý Chúa Kitô nếu người bị khổ không chịu khổ vì
tình yêu đối với những kẻ gây bất công cho mình.
* Phải yêu kẻ thù (43-48)
Với cặp đối nghĩa cuối cùng này, Đức
Giêsu cho hiểu rằng sự hoàn thiện của Chúa Cha, đó là tình yêu. Sách Lêvi
(19,18) buộc người Híp-ri yêu thương người re'a (HL ho plêsios, người thân
cận), là người cùng sống giao ước với Đức Chúa, những thành viên của cộng đồng
dân Thiên Chúa; người ngoại quốc (gêr) mà đi vào cộng đồng tôn giáo với người
Israel thì cũng được hưởng tình yêu này. Sự thù ghét kẻ thù không được quy định
trong Lề Luật, nhất là với một công thức sống sượng như thế. Sự thù ghét này
phát sinh như một hậu quả của luật yêu thương người thân cận.
Kẻ thù đầu tiên được kể ra, đó là
"những kẻ ngược đãi". Đây hẳn là những kẻ thù chống lại niềm tin của
ta, chống lại lối sống Kitô giáo. Yêu kẻ thù không có nghĩa là trở thành bạn
hữu của họ, nhưng là tỏ ra thông cảm, nhân ái, và sẵn sàng trợ giúp. Đức Giêsu
đã yêu thương mọi người, nhưng không phải không có những sự ưu ái đối với một
số người, và cũng không ngại nói lên lời răn đe và trách mắng các đối thủ. Tình
yêu đối với kẻ khác được diễn tả ra bằng hai ví dụ mẫu: cầu nguyện cho kẻ thù
và "chào hỏi" mọi người không phân biệt. (x. Lc 23,34; Cv 7,60).
Người Kitô hữu phải mở rộng vòng người thân cận ra bên ngoài những gì Luật dạy
và những ngươi thu thuế (telônai) và dân ngoại (ethnikoi) vẫn thực hành. Người
plêsios không chỉ là "những người công chính", "những người
tốt" (c. 45), "những ai yêu thương anh em" (c. 46), "các
anh em" (c. 47), nhưng tất cả mọi người, đặc biệt các "kẻ thù"
(cc. 43-44), "những kẻ ngược đãi anh em" (c. 44), "những người
xấu" và "những người bất chính" (c. 45).
Đức Giêsu đưa điều răn yêu thương về
lại với ý hướng của Đấng Lập pháp đầu tiên. Tình yêu buộc phải cung cấp cho mọi
người những gì phải làm: sự tín nhiệm, sự trân trọng, sự trợ giúp. Cũng như
trong những cặp đối nghĩa khác, Đức Giêsu không chỉ cho một lời khuyên, nhưng
ban một lệnh mới cho các tương quan giữa con người. Người môn đệ chỉ trở thành
con của Chúa Cha trong mức độ người ấy mô phỏng lối xử sự của mình theo cách
ứng xử của Chúa Cha, nghĩa là yêu thương người khác, kể cả kẻ thù, y như Chúa
Cha vẫn yêu thương họ. Khi yêu thương mọi người không phân biệt kỳ thị, người
Kitô hữu chứng tỏ cách chắc chắn và trung thực nhất dây quan hệ họ hàng với
Thiên Chúa. Câu "anh em hãy nên hoàn thiện, như Cha anh em trên trời là
Đấng hoàn thiện" (Mt 5,48) làm vọng lại lời mời gọi của sách Đnl (18,13):
"Anh (em) phải sống trọn hảo với Đức Chúa, Thiên Chúa của anh (em)"
và của sách Lêvi (19,2): "Hãy nói với toàn thể cộng đồng con cái Ít-ra-en
và bảo chúng: Các ngươi phải thánh thiện, vì Ta, Đức Chúa, Thiên Chúa của các
ngươi, Ta là Đấng Thánh".
+ Kết luận
Luật Kitô hữu là luật yêu thương. Khi
người môn đệ Chúa Kitô chấp nhận những từ bỏ do luật này đòi hỏi, luật yêu
thương này chứng tỏ được tất cả trọng lượng của nó. Nếu các nguyên tắc được
công bố ở đây đi vào trong xã hội, xã hội này hẳn là sẽ không bị tiêu vong,
nhưng sẽ thấy các tương quan giữa con người được đổi mới, bởi vì các bất công
và bạo động sẽ bị dập tắt dễ dàng nhờ sống theo luật này hơn là do sợ các biện
pháp chế tài hình sự. Thật ra đây chính là lối sống của Đức Giêsu. Đức Giêsu đã
chết vì không nhường bước trước các áp lực của sự thận trọng hoặc của lương
tri. Khi làm như thế, Người không đảo lộn trật tự xã hội, nhưng Người củng cố
các tương quan giữa con người với con người. Bắt chước Thiên Chúa, và cũng là
bắt chước Đức Giêsu, là quy tắc duy nhất của lối cư xử của Kitô hữu, là con
đường duy nhất để vượt qua nền luân lý Pharisêu.
5.- Gợi ý suy niệm
1. Qua giáo huấn của Người, Đức Giêsu
giúp chúng ta nhìn vào đời sống Kitô hữu giữa lòng xã hội. Như bất cứ ai, người
Kitô hữu cũng có khi là đối tượng của những bất công, của bạo động; họ bị xử
thô bạo, hành hạ, đánh đập, bỏ tù, xử bất công. Đức Giêsu đề nghị không phải là
một cách thức xử sự mang tính tự vệ hoặc chỉ là bất bạo động, nhưng còn là chấp
nhận bị tước đoạt vô điều kiện.
2. Khi chịu xử bất công, người môn đệ
Chúa Kitô vác thập giá cho những kẻ đã chuẩn bị thập giá cho mình. Không phải
là những hành vi thể lý là đáng kể, nhưng là những động lực khiến người ta chấp
nhận, không vì yếu đuối hoặc hèn nhát, nhưng là để khỏi gây thiệt hại cho người
anh em hư hỏng, lạc đường.
3. Đức Giêsu không đề nghị một trật tự
mới cho các tương quan xã hội, nhưng một nguyên tắc sống khổ chế có khả năng
minh họa và giải thích trước thái độ của Người đối với người Pharisêu và các kẻ
bách hại Người nói chung.
4. Luật Tình yêu kẻ thù đảo lộn các
cách xử sự theo quy ước của loài người. Thường yêu thương là quan tâm đến những
ai có cùng kiểu nhìn như mình, trình độ văn hóa như mình, địa vị xã hội như
mình. Sứ điệp Tin Mừng vượt quá các giới hạn ấy. Đức ái Kitô giáo không
"cào bằng" các con người, nhưng tỏ ra kính trọng họ, thậm chí cả các
giới hạn và khiếm khuyết của họ. Lòng nhân ái của Kitô hữu là thông dự vào tình
yêu của chính Thiên Chúa.
5. Từ ngữ "hoàn thiện" in vào
trong lối hành xử của Kitô hữu một sức năng động. "Hoàn thiện" là
vượt qua mọi thiếu sót, như thế là không bao giờ thực hiện được vĩnh viễn,
nhưng cứ tiến tới mãi, và nếu mức độ là sự hoàn thiện của Thiên Chúa, thì ta
chẳng bao giờ đạt tới được mức thực hiện hoàn toàn. Nên hoàn thiện như Chúa
Cha, trong cụ thể, là bắt chước Đức Kitô trong thái độ quy phục trọn vẹn, anh
hùng, thánh ý Thiên Chúa, và trong sự tận tình sống cho anh chị em.
16. Chú giải của Noel Quesson
"Anh em đã nghe luật dạy người xưa
rằng....còn Thầy, Thầy bảo cho anh em biết..."
Tiếp nối bài giảng trên núi, chúng ta
đang ở phần đề thứ năm và thứ sáu trong luật mới. Đức Giêsu đã chống lại những
gì đã được nói trước kia hay đúng hơn người kiện toàn chúng. Nhưng cách nói này
có một uy quyền chưa từng thấy, nhất là khi người ta biết công thức ở thể thụ
động ("luật dạy người xưa" = luật được dạy cho...) là một ngữ điêu trong
ngôn ngữ Do thái, được dùng vô vị, để tránh việc sử dụng danh của Thiên Chúa mà
người ta không bao giờ nói ra vì lòng tôn kính Người. Nói rõ ra công thức này
có nghĩa; "Thiên Chúa đã nói..còn Thầy, Thầy cho anh em biết...".
Cũng thế, công thức "anh em đã được nghe, được dạy..." gợi lại việc
đọc trang trọng luật trong phụng vụ ở Hội Đường. Đó là luật thánh, bất khả xâm
phạm toả ánh vinh quang của núi Xi-nai. Vậy, Đức Giêsu đã dám chống lại lời của
Thiên Chúa, sách kinh Tô-ra bằng những khẳng định riêng Người. Không bao giờ có
một ngôn sứ nào đã nói như thế. Vai trò của họ chỉ là truyền đạt lại hay chú
giải sứ điệp của Thiên Chúa: "Đức Chúa nói như thế..." Để nói như Đức
Giêsu, phải là người điên hoặc là Thiên Chúa.
"Thiên Chúa đã dạy anh em... Còn
Thầy, Thầy bảo cho anh em..." Người ta biết rằng Người đã bị buộc tội phạm
thánh.
Nhưng phần tiếp theo sẽ chứng tỏ cho
chúng ta thấy rằng đó là một sứ điệp thật sự siêu phàm, một sứ điệp của Thiên
Chúa!
Anh em đã nghe Luật dạy rằng: "Mắt
đền mắt, răng đền răng". Còn Thầy, Thầy bảo anh em đừng chống cự người
ác..."
Tầm thước thời đại của chúng ta... khó
mà hiểu được "luật phạt ngang bằng" (loi du talion). Làm thế nào mà
Luật của Môsê (Luật của Thiên Chúa) đã có thể phát biểu một luật như thế. Vả
lại, luật này đã là một tiến bộ to lớn đối với bản năng: trả thù rất tự nhiên
nơi con người. Bởi luật phạt ngang bằng ấy, những luật theo tập quán của Phương
Đông Cổ đại (ví dụ: bộ luật Ham mourabi) cố gắng giới hạn những sự trả thù thái
quá. Hành động tự nhiên của người bị tấn công là "trả đũa nhiều hơn".
Như một bài ca man rợ mà La-méc đã hát: "Ca-in sẽ được báo thù gấp bảy,
nhưng La-méc thì gấp bảy mười bảy..." (St 4,24). Vì thế luật ấy đã cố gắng
giới hạn bạo lực và khuyến cáo chỉ nên bắt kẻ tấn công chịu sự đối xử giống như
người này bắt nạn nhân của hắn phải chịu (Xh 21, 24; Lv 24,20; Đnl 19,21). Hình
như chúng ta đã hoàn toàn vượt qua luật này của Kinh Thánh vì nó được viết ra
cho một thời- đại khác với thời đại của chúng ta. Than ôi! Nếu như người ta cứ
sống mãi theo luật hình phạt ngang bằng! Biết bao thành phố bị ném bom bởi sự
"trả thù" thật biết bao cuộc đấu tranh chủng tộc, quốc gia, xã hội
trong đó người ta áp dụng điều ngược lại với "luật hình phạt ngang bằng,
nghĩa là sự leo thang của bạo lực". Nó áp dụng cho người nào sẽ là người
mạnh nhất cho người nào sẽ trả đũa lại những cú đòn đã nhận được! người ta nói
một cách ngây thơ về 'những tương quan lực lượng' nhưng đó luôn luôn là một bản
năng man rợ lâu đời.
Đức Giêsu đã táo bạo mời gọi con người
đi đến hoàn thiện của tình yêu Người bảo chúng ta rằng không nên trả thù về mọi
việc... không nên đánh trả kẻ hung ác! và vốn là một nhà thuyết giảng cụ thể,
đại chúng, Người sẽ cho chúng ta bốn ví dụ:
"Nếu ai vả má bên phải, thì hãy
giơ cả má bên trái ra nữa...
Nếu ai muốn kiện anh để lấy áo trong
của anh, thì hãy để cho nó lấy cả áo ngoài...
Nếu có người bắt anh đi một dặm, thì
hãy đi với người ấy hai dăm...
Ai xin thì anh hãy cho; ai muốn vay
mượn thì anh đừng ngoảnh mặt đi.."
Ở đây cũng thế, Tin Mừng không bao giờ
cho chúng ta những công thức đạo đức hoàn toàn có sẵn. Điều quan trọng là một
"tinh thần" chứ không phải là một "quy tắc". Chính Đức
Giêsu, khi đã nhận cái vả của người đầy tớ Thượng Tế, đã không giơ má kia ra!
Người đã đáp lại dũng cảm và xứng đáng: "Sao anh lại đánh tôi" (Ga
18,23).
Vả lại người ta không có quyền dựa trên
những lời đó của Đức Giêsu để bảo lãnh cho sự bất công, ở đây, chúng ta không
có những quy tắc luật pháp có thể áp dụng nguyên xi cho xã hội dân sự: điều này
sẽ khuyến khích tình trạng ăn xin, khích lệ bạo lực và tội ác, không bảo đảm sự
trừng phạt những kẻ bất lương. Chắc chắn, Đức Giêsu đã không muốn công nhận một
tình trạng áp bức bất bình thường khi đòi hỏi những kẻ yếu phải cam chịu. Cũng
có những trường hợp mà một môn đệ chân chính của Đức Giêsu phải chiến đấu: cam
chịu sự bất công, nhất là sự bất công mà những người khác là nạn nhân, hoàn
toàn trái ngược với tinh thần của Đức Giêsu. Sau khi đã nêu ra những khía cạnh
đó, hãy để Đức Giêsu tra hỏi chúng ta. Phải, tất cả chúng ta đều phải chiến
thắng bản năng trả thù tròng con người của mình. Điều ác sẽ không bị vượt qua
khi chúng ta đáp lại nó bằng một sự tàn nhẫn tương đương. Khi người ta trả đũa
điều ác bằng điều ác, người ta trở về với vòng tròn hỏa ngục. Thật vậy, điều ác
mà chúng ta chịu đựng thật ra vẫn còn ở bên ngoài chúng ta. Nhưng khi người ta
đáp trả lại điều ác, điều ác ấy sẽ có thêm một chiến thắng phụ nữa, bởi vì nó
đã đi vào lòng chúng ta. Đức Giêsu muốn mở ra một con đường khác cho nhân loại:
chiến thắng điều ác bằng điều thiện, dùng tình yêu để đáp lại hận thù.
"Anh em đã nghe Luật dạy rằng:
"hãy yêu đồng loại và hãy ghét kẻ thù".
Trong Kinh Thánh, người ta có tìm kiếm
một quy tắc như nhưng thế cũng vô ích. Thật vậy, Đức Giêsu muốn ám chỉ thái độ
thông thường của toàn thể nhân loại; được diễn tả rất mạnh trong nhiều bài
Thánh vịnh về "sự trừng phạt của Chúa", trong đó lòng thù ghét tội
lỗi đi đến chỗ biện minh cho sự thánh chiến: "Lạy Chúa, ước chi Ngài tiêu
diệt kẻ gian tà... Lạy Chúa, kẻ ghét Ngài, làm sao con không ghét? Con ghét
chúng, ghét cay, ghét đắng, chúng trở thành thù địch của chính con" (Tv
139,19-22). Những thủ bản kinh Thánh ở Qumram có lệnh truyền này: "Ngươi
sẽ ghét những đứa con của bóng tối". Vả lại, phải hiểu ở đây trước hết
không phải là những kẻ thù của mình mà là những "kẻ thù của Thiên
Chúa" tức là những kẻ thù của của nhóm giáo sĩ gồm "con cái của ánh
sáng. Vậy sự thù ghét trước hết có ý nghĩa là từ chối ý thức hệ của họ.
"Còn Thầy, Thầy bảo anh em: hãy
yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em. Như vậy, anh em mới
được trở nên con cái của Cha anh em, Đấng ngự trên trời, vì Người cho mặt trời
của Người mọc lên soi sáng kẻ xấu cũng như người tốt, và cho mưa xuống trên
người công chính cũng như kẻ bất chính".
Đây là điều mới mẻ cao cả nhất của Tin
Mừng. Cho đến bây giờ người ta đã cầu nguyện "chống lại" các kẻ thù
của mình (Thánh vịnh 17,13; 28,4; 69,23-29; v.v...) Giờ đây phải cầu nguyện cho
họ, nghĩa là để cho họ được hoán cải. Nhưng hãy coi chừng, người ta không thể
sống Tin Mừng, bằng cách chỉ ở lại trên bình diện con người. Làm điều mà. Thiên
Chúa vừa đòi hỏi chúng ta là đã vượt quá những khả năng của con người. Nếu Đức
Giêsu bảo chúng ta yêu mến kẻ thù, chúng ta bởi vì Thiên Chúa là người đầu tiên
yêu chúng ta như thế Phải đọc lại đoạn văn nổi tiếng của thánh Phaolô gởi tín
hữu Rôm (5,7.8): "Hầu như không ai chết vì người công chính, họa may có ai
dám chết vì một người lương thiện chăng. Thế mà Đức Kitô đã chết vì chúng ta,
ngay khi chúng ta còn là những người tội lỗi". Khi chúng ta đứng trước một
tình yêu thương mà về mặt con người, chúng ta khó sống hoặc không thể sống nổi
thì chúng ta không còn ở lại trên bình diện tâm lý, đạo đức và xã hội... mà
phải đặt mình trước măt ảnh chuộc tội: Lạy Chúa Giêsu con của Chúa Cha, Chúa đã
muốn điều tốt lành cho những người muốn Chúa chịu điều ác... Chúa đã đau khổ và
đã chết... Tình yêu chúng kẻ thù chỉ có thể đến từ Thiên Chúa không ngừng thực
hiện, 'Người cho mặt trời của Người mọc lên trên cánh đồng của người vô thần
bách hại đạo, cũng như trên khu vườn của các nữ tu Cát Minh'. Bạn có tự hỏi
mình phải làm gì để yêu thương người không yêu thương bạn không?
Thiên Chúa đã yêu bạn như thế nào? Bằng
cách không ngừng tha thứ cho bạn. Đức Giêsu chỉ dám yêu cầu chúng ta sống tình
yêu thương xem ra không thể có đối với kẻ thù bởi vì Người đã sống nó trước
tiên: "Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm" (Lc
23,34).
"Vì nếu anh em yêu thương kẻ yêu
mình, thì anh em nào có công chi? Ngay cả những người thu thuế cũng chẳng làm
như thế sao? Nếu anh em chỉ chào hỏi anh em mình thôi, thì anh em có gì lạ
thường đâu? Ngay cả người ngoại cũng chẳng làm như thế sao?
Người đã nói: chúng ta hãy trở thành
muối và ánh của thế gian. Vì thế Người mời gọi chúng ta chấp nhận một cung cách
hoàn toàn mới về mặt nhân loại là không thể có cắt đứt với mọi cung cách của
những người khác. Để bắt chước Thiên Chúa; noi gương Người, chúng ta phải đi
đến tận cùng tình yêu ấy vốn không đơn giản là một tình yêu có qua có lại: Tôi
yêu thương bạn bởi vì bạn yêu thương tôi, tôi chào bạn bởi vì bạn chào tôi...
Đức Giêsu nói, người ngoại cũng chẳng làm như thế. Phần Thiên Chúa; trước sự
khước từ tuyệt đối không đáp lại tình yêu, Người vẫn duy trì quyết định tuyệt
đối là yêu thương. Theo Đức Giêsu yêu không thể chỉ được giản lược vào bình
diện tình cảm, sự lôi cuốn, cảm tính, quyến luyến. Đức Giêsu không chê trách
tình yêu đó, mà chúng ta rất cần. Ai có thể sống mà không có sự dịu dàng âu yếm
đó? Có điều, Đức Giêsu bảo chúng ta rằng không nên ở lại mãi trong tình yêu đó.
Phải Đức Giêsu bảo chúng ta phải yêu
thương kẻ thù của mình. Và chúng ta có sẵn nghệ thuật xoa dịu yêu sách của Tin
Mừng, chúng ta nói: 'Tôi không có kẻ thù...' Lúc đó, chúng ta phải chấp nhận
ánh sáng sống sượng và mạnh mẽ mà Đức Giêsu soi chiếu trên cuộc đời con người đã
mang dấu ấn của những xung đột không thể tránh khỏi: Thật ra mọi người không
giống tôi đều xúc phạm và làm tôi tổn thương. "Cái làm cho người khác khác
tôi", cáo giác tôi và nhắm đến việc loại bỏ tôi... 'Tính tình ấy rất khác
tính tình của tôi' làm tôi bực dọc giết chết tôi. 'Cái cách nói năng đó... cái
cách cư xử đó...' làm tôi phát cáu. Bạn đừng chờ đến ngày mai. Ngay trong giây
phút này bạn. hãy ngừng ngay suy nghĩ của bạn.... và hãy làm điều Đức Giêsu bảo
bạn: Hãy cầu nguyện, dù chỉ trên danh nghĩa cho những người làm bạn bực bội,
những người làm bạn đau khổ, những người mà bạn không yêu hoặc những người
không yêu bạn.
"Vậy anh em hãy nên hoàn thiện,
như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện".
Yêu thương những người không yêu chúng
ta... đó là noi gương Thiên Chúa. Hãy làm điều thiện hảo cho những ai làm hại
chúng ta, đó là điều linh thánh. "Kitô hữu là gì? Đó không phải là đã đạt
đến mục đích cao cả nhất tức tình yêu phổ quát, mà là cố gắng vươn lên tình yêu
ấy. Đây không phải là một thứ đạo đức hiền từ nhu nhược dành cho những người có
tình cảm bất lực. Chúng ta là những con cái của một Chúa Cha được "ôm ấp
tròng lòng của Người" dù là kẻ xấu cũng như người tốt. Trên thập giá Đức
Giêsu có quyền nói với chúng ta những yêu sách ấy. Người là Đấng bị người ta vả
vào má... bị người ta lột áo trong, áo ngoài... bị người ta đem ra xét xử trong
một vụ kiện bất công... bị người ta đem ra xét xử trong một vụ kiện bất công...
bị người ta lôi đi hai dặm trên con đường lên núi Can-va-ri-ô. Người là
"Đấng bị đóng đinh mà không có lòng thù hận".
Sưu tầm
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét