Thứ Sáu, 7 tháng 6, 2013

ỨNG SINH THỪA SAI VN CHẦU THÁNH THẺ TOÀN CẦU - HÀNH HƯƠNG ĐỨC MẸ MÊCÔNG LÒ SÁT SINH CỦA PÔLPỐT

BÀI GIẢNG LỄ THÁNH TÂM VÀ CN X TN - ỨNG SINH TS. VN. CHẦU THÁNH THỂ TOÀN CẦU - HÀNH HƯƠNG  ĐỨC MẸ MÊCÔNG - LÒ SÁT SINH CỦA POLPỐT

CHẦU THÁNH THỂ TOÀN CẦU 22 - 23 GIỜ  02/06/2013





HÀNH HƯƠNG ĐỨC MẸ MÊ CÔNG



THÁNH LỄ VỚI QUÝ CHA HẠT PHÚ THỌ TGP. TP. HCM



THÁNH LỄ TẠI NÀ THỜ CHÁNH TÒA NÔMPENH








LÒ SATS SINH, TỘI ÁC DIỆT CHỦNG CỦA POLPỐT






In
Chúa Nhật X Năm – C
(Lc 7, 11-17)
Bước vào Chúa nhật X thương niên, Giáo hội muốn giúp chúng ta khám phá ra khuôn mặt của một Vì Thiên Chúa tình thương, qua chính con người, lời nói cũng như việc làm của Đức Giêsu làm cho con trai bà góa thành Na-in chỗi dậy từ cõi chết. Đây là dấu chỉ vĩ đại của Thiên Chúa là làm cho kẻ chết sống lại bởi đặc tính của Ngài là làm cho sống, khiến cho dân chúng phải kêu lên: "Một vị ngôn sứ vĩ đại xuất hiện giữa chúng ta, và Thiên Chúa đã viếng thăm dân Người." (Lc 7, 16)
Sống mãi, sống vui và sống hạnh phúc là ước muốn của con người. Tiếc thay, cái chết là rào cản lớn nhất khiến con người buồn sầu, thất vọng. Đức Giêsu phục sinh con trai bà góa thành Na-in chứng tỏ Thiên Chúa viếng thăm không chỉ một số người Ít-ra-en, mà là toàn thể nhân loại; không chỉ hoàn sinh để rồi lại chết như một vài trường hợp được sống lại từ cõi chết, nhờ đó con người hy vọng và tin tưởng: Chúa là nguồn ánh sáng và ơn cứu độ của con, con còn sợ người nào ? Chúa là thành lũy bảo vệ đời con, con khiếp gì ai nữa? Chính bọn thù địch, bọn làm khổ con phải lảo đảo té nhào. (Ca nhập lễ)
• Bài đọc Phụng vụ Năm A
- Ôs 6, 3-6: Ta muốn tình yêu, chớ không muốn hy lễ
- Tv 50, 1: Chúng ta hãy tiến bước trên đường của Chúa
- Rm 4, 18-25: Abraham vững tin mà làm sáng danh Chúa
- Mt 9, 9-13: Ta không đến để kêu gọi người công chính, nhưng kêu gọi người tội lỗi
• Bài đọc Phụng vụ Năm B
- St 3, 9-15: Loan báo cuộc chốn Satan
- Tv 130, 1: Bởi vì Chúa rộng lượng từ bi và Chúa rất giầu ơn cứu độ
- 2 Cr 4, 13 à 5, 1: Niềm hy vọng của thánh Phaolô trong những cơn thử thách
- Mc 3, 20-35: Chúa Giêsu chống lại Satan
• Bài đọc Phụng vụ Năm C
- 1 V 17, 17-24: Êlia, Thiên Chúa đã cho con trai bà góa sống lại.
- Tv 30, 3: Lạy Chúa, con ca tụng Chúa, vì Chúa giải thoát tôi.
- Gal 1, 11-19: Tin Mừng của Thánh Phaolô không phải do loài người
- Lc 7, 11-17: Đức Giêsu cho con bà góa thành Nain sống lại
Thiên Chúa là Đấng tốt lành, vì yêu thương, đã tạo dựng con người, và cho con người chia sẻ hạnh phúc với Thiên Chúa, vì yêu thương, Thiên Chúa đã không bỏ mặc con người trong đau khổ, Ngài chữa lành mọi bệnh tật, trả lại sự sống cho con người, mang lại cho con người sự bình an, niềm hy vọng. Thiên Chúa vẫn mãi mãi là Thiên Chúa yêu thương con người. Nếu như thời Cựu Ước, Thiên Chúa đã nhận lời Ngôn sứ Ê-li-a cầu xin Chúa cho đứa con của bà goá nghèo thành Xê-rép-ta được sống (1 V 17,17-24), thì thời Tân Ước, trước nỗi đau khổ tột cùng của bà goá thánh Na-im khi đứa con duy nhất, là niềm vui, chỗ dựa tinh thần của bà chết, Đức Giêsu đã chạnh lòng thương, cho anh thanh niên trỗi dậy từ cõi chết, mang lại niềm vui mẹ anh và cho mọi người.
Thiên Chúa luôn đồng hành với con người, bởi con người được sáng tạo giống hình ảnh Chúa. Con Thiên Chúa là Đức Giêsu đã làm người, sống kiếp phận con người, để phục hồi phẩm giá con người đã bị méo mó do tội lồi.
Năm Đức Tin, kỷ niệm 50 năm khai mở Công đồng Vaticanô II. Hiến chế (Gaudium et Spes), • 22 dậy chúng ta rằng:
Chúa Kitô, Con Người Mới là "hình ảnh của Thiên Chúa vô hình" (Col 1,15), chính Người là con người hoàn hảo đã trả lại cho con cháu của Adam hình ảnh Thiên Chúa đã bị tội nguyên tổ làm sai lệch. Bởi vì nơi Người bản tính nhân loại đã được mặc lấy chứ không bị tiêu diệt, do đó chính nơi chúng ta nữa bản tính ấy cũng được nâng lên tới một phẩm giá siêu việt. Bởi vì, chính Con Thiên Chúa khi nhập thể, một cách nào đó đã kết hợp với tất cả mọi người. Người đã làm việc với bàn tay con người, đã suy nghĩ bằng trí óc con người, đã hành động với ý chí con người, đã yêu mến bằng quả tim con người. Sinh bởi trinh nữ Maria, Người đã thực sự trở nên một người giữa chúng ta, giống chúng ta mọi sự, ngoại trừ tội lỗi.
Là Chiên vô tội Người tự ý đổ máu ra để cho chúng ta được sống, và chính trong Người Thiên Chúa đã hòa giải chúng ta với Thiên Chúa và hòa giải giữa chúng ta với nhau cũng như đem chúng ta ra khỏi ách nô lệ của ma quỉ và tội lỗi, do đó mỗi người chúng ta đều có thể nói như Thánh Tông Ðồ rằng: Con Thiên Chúa "đã yêu thương tôi, lại hiến thân cho tôi nữa" (Gal 2,20). Chịu đau khổ cho chúng ta, không những Người nêu gương để chúng ta theo vết chân Người, nhưng Người còn mở ra con đường mới để nếu chúng ta theo Người thì sự sống và cái chết sẽ được thánh hóa và có một ý nghĩa mới.
Con người Kitô hữu khi trở nên giống hình ảnh Chúa Con là Trưởng Tử trong đoàn anh em đông đúc, họ nhận được "những hoa trái đầu mùa của Thánh Thần" (Rm 8,23)... Nhờ Thánh Thần làm "bảo chứng cho quyền thừa tự" (Eph 1,14), toàn thể con người được canh tân từ nội tâm cho tới khi "thân xác được cứu rỗi" (Rm 8,23): "Nếu Thánh Thần Chúa là Ðấng đã khiến Chúa Giêsu từ kẻ chết sống lại cư ngụ trong anh em, chính Ðấng đã khiến Chúa Giêsu Kitô từ kẻ chết sống lại đó cũng sẽ làm sống động thân thể hay hư nát của anh em nhờ Thánh Thần Ngài ở cùng anh em", (Rm8,11)...
Ðó là tính chất và sự cao cả của mầu nhiệm con người, mầu nhiệm được Mạc Khải Kitô giáo soi sáng cho các tín hữu. Vậy nhờ Chúa Kitô và trong Chúa Kitô bí ẩn về đau khổ và sự chết được sáng tỏ, bí ẩn đó đè bẹp chúng ta nếu chúng ta không biết đến Phúc Âm. Chúa Kitô đã sống lại nhờ sự chết của mình. Người đã hủy diệt sự chết và Người đã ban cho ta dồi dào sự sống để là con cái trong Chúa Con chúng ta kêu lên trong Thánh Thần: Abba, lạy Cha!
Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ

LỄ THÁNH TÂM CHÚA GIÊSU – C NGÀY THẾ GIỚI XIN ƠN THÁNH HOÁ CÁC LINH MỤC
Lời Chúa: Ed 34, 11-16; Rm 5,5b-11; Lc 15,3-7

1. SỐNG LỜI CHÚA - LÒNG CHÚA NHÂN TỪ
2. NTGT/341- MỤC TỬ
3. SCĐ/414- TRÁI TIM
4. Suy Niệm của Lm. Giuse Nguyễn Hưng Lợi THIÊN CHÚA LÀ TÌNH YÊU
5. TÌNH YÊU CỦA NGƯỜI MỤC TỬ

TIN MỪNG LỄ THÁNH TÂM: Lc 15, 3 – 7
Khi ấy, Đức Giê-su mới kể cho họ dụ ngôn này: "Người nào trong các ông có một trăm con chiên mà bị mất một con, lại không để chín mươi chín con kia ngoài đồng hoang, để đi tìm cho kỳ được con chiên bị mất ? Tìm được rồi, người ấy mừng rỡ vác lên vai. Về đến nhà, người ấy mời bạn bè, hàng xóm lại, và nói: "Xin chung vui với tôi, vì tôi đã tìm được con chiên của tôi, con chiên bị mất đó". Vậy, tôi nói cho các ông hay: trên trời cũng thế, ai nấy sẽ vui mừng vì một người tội lỗi ăn năn sám hối, hơn là vì chín mươi chín người công chính không cần phải sám hối ăn năn".

1. SỐNG LỜI CHÚA - LÒNG CHÚA NHÂN TỪ
Qua Phúc âm, chúng ta thấy Chúa Giêsu đã giảng dạy cho mọi người và nhất là Ngài đã niềm nở tiếp đón những kẻ thu thuế và tội lỗi, ghé thăm và dùng bữa tại nhà họ. Đó là điều khiến cho bọn biệt phái và luật sĩ, vốn tự hào là những người đạo đức và trung thành tuân giữ lề luật, không thể nào chịu đựng nổi. Họ đã thì thầm bàn tán cùng nhau : - Nếu ông ta là một vị tiên tri, hẳn phải biết những kẻ ấy là hạng người nào. Hay ông ta chỉ là một kẻ mị dân, một tên quyến rũ, một phường vô lại mà thôi.
Để dạy cho những kẻ đạo đức giả, như bọn biệt phái và luật sĩ, một bài học về lòng Chúa xót thương, Ngài đã kể cho họ nghe mẩu chuyện về người mục tử nhân lành, lang thang đi tìm con chiên lạc. Và khi đã thấy được, người ấy đã vác nó trên vài mà mang về nhà, rồi loan báo tin vui cho bè bạn.
Hay mẩu chuyện người đàn bà đốt đèn tìm kiến đồng bạc đánh rơi. Và khi tìm thấy, người ấy đã mời chị em lối xóm đến để chia vui với mình.
Và nhất là với hình ảnh người cha già mòn mỏi trông chờ đứa con hoang đàng trở về, để rồi sẽ tha thứ tức khắc và tha thứ tất cả cho cậu.
Từ những mẩu chuyện trên, Chúa Giêsu đã đi tới một kết luận. Và chính kết luận này đã làm cho chúng ta cảm thấy được an ủi, khích lệ và thấm thía :
- Ta nói thật với các ngươi : các thiên thần ở trên trời sẽ vui mừng hân hoan vì một kẻ tội lỗi sám hối hơn là chín mươi chín người công chính không cần ăn năn.
Những hình ảnh và những so sánh này đã in đậm dấu ấn trong tâm hồn, giúp chúng ta hiểu được niềm vui khi một kẻ tội lỗi chổi dậy, từ bỏ con đường tăm tối mà trỡ về cùng Chúa, đồng thời thắp lên trong chúng ta ngọn lửa hy vọng, giúp chúng ta hiều được lòng Chúa xót thương đối với những kẻ lầm đường lạc lối.
Đức Kitô không phải chỉ giảng dạy, mà hơn thế nữa Ngài còn thực hiện những gì mình đã giảng và đã dạy. Nơi Ngài, ngôn hành hợp nhất, lời nói luôn đi đôi với việc làm.
Thực vậy, Ngài đã cải tạo trái tim của Madalêna, người thiếu phụ tội lỗi. Ngài đã tha thứ và để cho người đàn bà ngoại tình được ra về bình an. Ngài đã làm cho người thiếu phụ Samaria xúc động trước tấm lòng khoan dung. Ngài đã đổi đời cho ông Giakêu, một nhân viên thu thuế, vốn bị người Do Thái đồng hóa với phường tội lỗi. Ngài đã hứa thiên đàng cho tên trộm lành trên thập giá : ngày hôm nay, ngươi sẽ ở nơi vui vẻ cùng Ta. Ngài đã đặt Phêrô làm đầu Giáo hội, dù ông đã chối Ngài ba lần. Nỗi khổ đau của con người thì cùng cực, những tình thương của Chúa lại vô biên.
Trải qua dòng thời gian, biết bao nhiêu người đã đi theo dấu chân của Chúa, không ngừng tím kiếm những con chiên lạc, cũng như tha thứ cho những kẻ tội lỗi.
Chẳng hạn cha thánh Vianney đã chấp nhận mọi mệt mỏi, ngồi vào tòa giải tội nhiều giờ mỗi ngày để xoa dịu những tâm hồn tan nát vì tội lỗi. Thánh nhân thường nói :
- Thật là vui mừng nếu như có được những con cá lớn trong mẻ lưới của tôi. Những con cá lớn mà Ngài ám chí, đó chính là những kẻ tội lỗi.. Chẳng hạn cha Chevrier đã nói : - Linh mục là người bị ăn.
Và rồi cha đã vui vẻ tiếp nhận những thanh thiếu niên lầm lỡ, đã bị xã hội ruồng bỏ, dẫn họ bước vào một cuộc sống tốt lành và đạo đức.
Gần chúng ta hơn, có những dòng tu, như Dòng Chúa chiên lành ở Vĩnh Long, đã mở rộng cánh cửa tiếp đón và nâng đỡ những chị em đĩ điếm, giúp họ làm lại cuộc đời. Hay như dòng Don Bosco, chuyên môn giáo dục thanh thiếu niên, nhất là những trẻ em bụi đời, để họ tìm thấy hướng đi cho cuộc sống của mình. Phải chăng đó là những phản ảnh, những tiếng vọng cho tình Chúa xót thương ? Tuy nhiên, chúng ta cần phải tránh đi hai thái độ. Thái độ thứ nhất đó là cậy trông mù quáng. Những người này chủ trương cứ việc hưởng thụ, cứ việc vui chơi và chỉ cần ăn năn vào một vài giây phút cuối cùng và rồi Chúa sẽ mở rộng cửa thiên đàng đón nhận. Lý luận như thế là một sự xúc phạm, một sự chế nhạo và coi thường lòng thương xót của Chúa. Đây không phải là con đường dẫn tới thiên đàng, mà là con đường dẫn tới hỏa ngục, bởi vì Chúa là Đấng tốt lành và nhân hậu, nhưng đồng thời còn là Đấng công bằng và ngay thẳng vô cùng.
Thái độ thứ hai đó là mất lòng cậy trông. Dù có sai lỗi và vấp phạm, thì cũng đừng bao giờ tuyệt vọng như Giuđa, bởi vì Chúa nhân từ luôn mở rộng vòng tay chờ đón. Ngài đã lên đường tìm kiếm chúng ta, những con chiên lạc. Ngài đứng ngoài cửa và gõ. Còn mở hay không, thì đó là việc của mỗi người chúng ta.
Hãy trỗi dậy và trở về để được hưởng nhờ lòng thương xót và ơn tha thứ của Chúa.

2. NTGT/341- MỤC TỬ
Mừng lễ Thánh Tâm hôm nay, Giáo Hội muốn con cái mình chiêm ngắm, suy niệm về tình yêu của Thiên Chúa đối với chúng ta, và để theo chân Đức Kitô, ta cũng dám sống, và nếu cần, dám chết vì tình yêu đó.
Lòng Chúa yêu thương loài người Hình ảnh mà Êzêchiel và nhiều ngôn sứ khác đã phác họa là hình ảnh một mục tử lặn lội đi tìm chiên không quản ngại đường xa vạn dặm, khó khăn khôn lường. Chính Đức Giêsu cũng đã nhiều lần khẳng định lại chân lý ấy : Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta trước khi có chúng ta, và đã cứu độ chúng ta trước khi chúng ta trở về, nghĩa là khi chúng ta còn ở trong sự tội và bất tín. Thái độ lên đường tìm kiếm con chiên lạc của dụ ngôn hôm nay là một minh họa sống động cho chân lý ấy. Quả thật, Thiên Chúa yêu thương chúng ta không phải vì chúng ta tốt, hay vì một công trạng nào. Ngài không đòi hỏi chúng ta phải tốt Ngài mới yêu thương, mà Ngài yêu thương ngay khi chúng ta còn là tội nhân. Ngài yêu thương chúng ta chỉ vì Ngài là tình yêu, chỉ vì Ngài tốt lành. Quả thật, tình yêu của Ngài là tình yêu vô điều kiện và hoàn toàn vô vị lợi, hoàn toàn nhằm hạnh phúc của người được yêu. Chỉ một mình Thiên Chúa có được thứ tình yêu cao cả như vậy. Tác giả sách "Đường hy vọng" đã có lý khi viết : "Tình yêu nhân loại giới hạn một nhóm người – Tình yêu nhân loại đáp trả sau – Tình yêu Thiên Chúa tình nguyện bước trước ; Tình yêu nhân loại kéo riêng về mình – Tình yêu Thiên Chúa hợp nhất muôn người ; Tình yêu nhân loại chỉ động đến con người – Tình yêu Thiên Chúa làm biến đổi và cải hóa con người".
Trải qua 2000 năm của biến cố Nhập Thể, Chúa Giêsu đã cho con người thấy được mức độ của cuộc so sánh tình yêu thương đó chính là không cột mốc biên cương, không kỳ thị chủng tộc màu da, ngôn ngữ hay giai cấp. Tình yêu ấy là tình yêu của Thiên Chúa tự nguyện tặng ban cho nhân loại chính Con Một của mình, tình yêu của con Thiên Chúa hiến thân, Tình yêu là cho loài người trở thành con Thiên Chúa và làm anh em của Đấng cứu Thế. Tình yêu đó chính là nguồn gốc của sự sống và mục đích duy nhất mà con người phải nhắm đạt tới.
Quả thật, thái độ của Người là thái độ của một mục tử tốt. Người làm y như một mục tử chứ không ví mình như mục tử. Người muốn trong dân người chỉ có yêu thương : yêu thương của Người dành cho dân và cho từng người ; và yêu thương của mọi người dành cho nhau. Đó là ý nguyện của Chúa, là chương trình cứu độ của Người. Chúa đã thực hiện lòng yêu thương đó thế nào, chúng ta hãy nhìn nơi Đức Kitô, Đấng Người đã sai đến.
Tình thương biểu lộ nơi lòng Đức Kitô Trong bài Tin Mừng, Chúa Giêsu đã ví Ngài như người Mục Tử Nhân Lành, đã bỏ 99 con chiên ở lại để đi tìm một con chiên lạc. Và khi đã tìm thấy thì quên hết những nỗi vất vả cực nhọc do con chiên lạc gây ra cho mình, không trách mắng cũng không đánh đập, không cho là con chiên lạc lầm lỗi, trái lại đã vui vẻ vác chiên lên vai đưa về tận nhà. Về tới nhà, người ấy còn mời mọi người cùng chia sẻ niềm vui với ông nữa.
Hình ảnh người Mục tử Nhân Lành đã diễn tả tình yêu thương sống động và cụ thể của Chúa Giêsu. Tình yêu thương ấy có khi khó hiểu và khó chấp nhận đối với chúng ta cũng như với nhóm Biệt Phái ngày xưa. Bởi vì chúng ta thường ích kỷ, hẹp hòi, bủn xỉn... chính những người Biệt Phái xưa cũng đã từng phiền trách khi thấy Chúa Giêsu đón tiếp và cũng ăn uống với những người tội lỗi vì yêu thương họ? Quả thật, Ngài đã khẳng định một cách không thể hiểu khác hơn được : "Chỉ có bệnh nhân mới cần thầy thuốc" mà ở đây Chúa là thầy Thuốc, là Lương Y Từ Mẫu...mà các bệnh nhân đang mong đợi. Hơn nữa, Chúa Giêsu đã xác định mục tiêu Ngài theo đuổi trong cuộc sống : "Con Người đến để tìm và cứu những gì đã hư mất". Ngài không đến để xét xử luận phạt, nhưng là để cứu độ, để "cho họ được sống và sống dồi dào.
Trong dụ ngôn "người cha nhân hậu", thái độ của người anh cả cũng hẹp hòi, bủn xỉn trước tình thương của người cha nhân lành. Anh ta không chấp nhận cho cha yêu thương đứa em đã có một quá khứ xấu xa, tội lỗi... không chấp nhận cho nó làm lại cuộc đời. Thái độ đó không phù hợp với Tin Mừng, với Trái Tim Chúa Giêsu, người Mục Tử Nhân Lành. Từ chỗ không hiểu tình thương của Chúa đối với người khác, chúng ta cũng có thể không hiểu tình thương của Chúa đối với chính mình. Đó quả là một điều tai hại ! không hiểu thì không biết cám ơn và không biết đáp trả tình yêu của Chúa.
Tình yêu đáp trả tình yêu Chỉ một mình Thiên Chúa của Kitô giáo có được thứ tình yêu cao cả như vậy. Chính vì thế mà đạo Công giáo được mệnh danh là Đạo Tình Yêu thương trong cuộc sống, thì người đó đánh mất chân tính của mình. Vì chưng, Chúa Giêsu đã không chỉ bộc lộ tình Thương nhân hậu của Cha, mà Ngài còn mời gọi chúng ta : " Anh em hãy có lòng thương xót như Cha anh em là Đấng thương xót", và còn đưa ra cho chúng ta một quy luật sống cụ thể : "Anh em phải yêu thương kẻ thù và làm ơn cho kẻ oán ghét mình phải chúc lành cho kẻ nguyền rủa mình và cầu nguyện cho kẻ nhục mạ mình". Trong cuộc sống, theo tâm lý chung thường chúng ta hay tự đặt mình vào tư thế quan tòa để xét xử, kết án người khác. Tục ngữ đã có câu
Chân mình những lấm bết bê, Lại cầm bó đuốc mà rê chân người.
Quả thật, nếu chúng ta tự cho mình là công chính, từ đó tách biệt mình khỏi đám người tội lỗi, là vô tình chúng ta đã tự loại mình ra khỏi tình yêu thương của Thiên Chúa. Chúa Kitô đã yêu thương chúng ta với tất cả con tim cuả một Thiên Chúa làm người. Ngài luôn cảm thông tha thứ mọi yếu hèn cuả con người. Ngài đồng bàn với người tội lỗi, thể hiện tình bạn với họ. Nhưng chỉ có một thái độ Ngài không thể dung tha, đó là thái độ của những người tự cho mình là thánh thiện để rồi tẩy chay và kết án người khác. Chúa Giêsu không chấp nhận thái độ như thế, vì đó là tước quyền Thiên Chúa : "chỉ có một mình Ngài mới có quyền xét xử". Vì thế, chúng ta cần khiêm tốn và tin tưởng đến với Ngài, hãy lắng nghe lời Ngài. Đừng bao giờ tìm cách che đậy tội lỗi để tỏ ra khỏi cần đến Ngài, đó là tự lừa dối mình một cách nguy hiểm. Hơn nữa, chúng ta hãy sẵn sàng cộng tác với Chúa cách tìm đến với những người đã trót lầm lỗi, những người đang lạc đường , đang bơ vơ không có định hướng... để giúp đỡ họ , khích lệ họ, nói với họ một lời an ủi, dâng tăng họ một nụ cười tin yêu, đem đến cho họ niềm tin vào lòng thương xót của Chúa, giúp họ thực tâm hối cải. Giờ đây, tiếp tục bước vào cử hành phụng vụ Thánh Thể, là hiện tại hóa sự chết của Đức Kitô, là biểu hiện tình thương tuyệt vời của Thiên Chúa đã dành cho chúng ta, chúng ta hãy nhờ Đức Kitô để ca tụng và cảm tạ Chúa Cha, cảm phục tin tưởng xin ơn tha thứ cho chính mình và toàn thể nhân loại, xin ơn sám hối cho các tội nhân. Amen.

3. SCĐ/414- TRÁI TIM
Trái tim, một công trình tạo dựng siêu bền. Rất nhỏ được đặt trong lồng ngực, nhưng hoạt động cách không thể ngờ : Mỗi người với 24 giờ, trái tim bơm và lọc được 20.000 lít máu. Thật bất ngờ khi biết được con số, điều bất ngờ không dừng ở đấy và tôi khám phá ra công việc bơm và lọc 20. 000 lít máu của trái tim, cho tôi 24 giờ sống tinh tuyền nhất mặc dù rất nhiều bất toàn trong tôi. Tôi nhớ đến Lời Chúa nói qua tiên tri Edêkien với toàn thể dân Do thái : "Ta sẽ ban cho các ngươi một trái tim mới. Bên trong các ngươi Ta sẽ ban xuống một thần khí mới". Lời ấy như một Lời tái tạo con người cũ thành con người mới. Như trái tim lọc những dòng máu dơ bẩn khi đi qua các ngõ ngách của cơ thể, để thay vào đó dòng máu tinh tuyền và mang sức sống nuôi dưỡng và làm phát triển toàn thân. Thiên Chúa đang từng giây phút thanh lọc tôi bằng Lời của Người qua dòng đời tôi đang sống. Lời đã sáng tạo và Lời hằng làm nên cái mới, Thiên Chúa đang làm nên những cái mới lưu chảy trong tim tôi. Từng phút giây, Người vẫn không ngừng đổ rót hồng ân Thánh thần đổi mới cuộc sống trong tôi. Kìa cái cũ đang qua đi và cái mới đang thành sự.
Như công việc của trái tim, tôi không thấy cụ thể những điều trái tim đang làm việc, nhưng tôi biết trái tim vẫn không ngừng rung nhịp đập với trung bình 70 lần một phút trong tôi. Theo từng nhịp đập của trái tim ấy, Thiên Chúa đang hoạt động trong tôi, bởi vì tôi biết rằng Người đã dựng nên tôi cho tôi sự sống và sự sống ấy không ngừng lưu chuyển, cho đến khi tôi được yên nghỉ trong Người. Nếu một ngày kia trái tim này ngừng đập và tôi đã trở thành người của thiên cổ, nhưng trong lòng yêu thương của Thiên Chúa tôi đang an nghỉ. Hôm nay, lúc này, xin tạ ơn Chúa trái tim vẫn còn nhịp đập. Và như vậy là đang sống và như vậy là đang lặn ngụp trong tình yêu của Thiên Chúa. Khám phá ra điều này, tôi nhận thức rằng, mỗi ngày tôi có cả ngàn lý do để tạ ơn Chúa. Sự sống nào không phải là hồng ân Chúa ban tặng để tạ ơn Người luôn mãi. Như chức năng lọc của trái tim, Thiên Chúa đang thanh luyện cuộc đời tôi bằng Thánh Thần của Người. Lọc những vị kỷ để còn vị tha, lọc hiềm thù để còn yêu thương, lọc những gì là ô uế để còn những gì tinh trong. Nếu trái tim không lọc rửa, dòng máu sẽ trở thành dòng sông đem và chết chóc. Nếu Thánh Thần không được ban xuống trong tôi, như trái tim không còn lọc tẩy, cuộc sống sẽ chết dần chết mòn trong ô uế và tội lỗi. Thánh thần đang đổi mới cuội đời tôi.
Như chức năng của máu là nuôi dưỡng những phần nhỏ nhất của cơ thể, Thiên Chúa Người đang tháp nhập toàn bộ cuộc sống này của tôi vào lòng yêu thương của Người bằng cách thẩm thấu. Nếu dòng máu bơm đi từ tim không tới được phần cơ thể nào, cơ thể ấy sẽ chết, và sớm cần được cắt rời khỏi thân thể. Thiên Chúa sống trong tôi và đó là điều tôi cảm nghiệm trong dòng máu lưu chuyển châu thân này, nên tôi biết trong thân thể mỏng giòn yếu đuối này, tôi cần được tham dự vào sự sống của người. Có một lần tại Huế, ghé thăm công viên điêu khắc, tôi chiêm ngưỡng một công trình mà tôi thấy là tuyệt. Trên một chu vi khoảng 2 mét chiều dài, 1 mét chiều rộng, như một tấm đan đặt trên ngôi mộ. Tác giả đăt những khối đá đứng như cõi hỗn mang, góc cạnh tấm đan một đôi giầy, giữa tấm đan là trái tim khắc nổi. Dưới chân khắc ghi 4 câu thơ :
"Hãy yêu như đang sống. Hãy sống như đang yêu. Yêu để sự sống tồn tại. Sống để tình yêu có mặt.
Hình tượng cho tôi dòng suy nghĩ : Tình yêu làm hỗn mang trở nên màu nhiệm sự sống. Và cũng chính tình yêu ấy làm cho sự sống trường tồn bất diệt khi vượt qua sự chết. Thiên Chúa đã cởi giầy để bước vào mầu nhiệm con người bằng thân thể, bằng hình hài, và mang trái tim bằng thịt. Cuộc sống trở nên kỳ diệu khi Thiên Chúa biểu lộ bằng trái tim của nhân loại. Thiên Chúa, Người yêu thương tôi bằng trái tim con người và bằng trái tim của Thiên Chúa. Sự chết không thể chôn kín được tình yêu, bởi sức mạnh của tình yêu là làm cho sống.
Một trái tim bằng thịt, không phải là bằng kim khí hoạt động như chiếc động cơ do con người chế tạo. Bằng thịt nên trái tim dễ bị tổn thương, và trái tim được đặt vào lồng ngực được những hàng rào xương sườn che chắn. Người biết tôi mỏng giòn và là bình sành dễ vỡ nên người yêu thương tôi, bao bọc tôi bằng ân sủng của Người. Và khiến đời tôi vẫn không ngừng tự hỏi : "Phàm nhân là gì mà Chúa phải bận tâm". Người yêu thương tôi nhưng sao Người lại đặt trái tim của Người bên ngoài lồng ngực của Người ?
4. Suy Niệm của Lm. Giuse Nguyễn Hưng Lợi THIÊN CHÚA LÀ TÌNH YÊU
Lễ Thánh Tâm Chúa Giêsu là lễ kính toàn bộ kế hoạch cứu độ yêu thương của Chúa. Thánh Gioan viết: "Thiên Chúa là tình yêu". Cái chết trên thập giá của Chúa Giêsu diễn tả sâu xa nhất lời yêu thương của Ngài. Chết mới diễn tả tất cả, chết mới thốt nên lời. Lời của Chúa Giêsu trên thập tự: "Ta khát" là lời tình yêu.
MỘT CON NGƯỜI BỊ TREO LÊN, CỨU ĐỘ MỌI NGƯỜI: Hơn hai ngàn năm nay, nhân loại vẫn tôn thờ một con người có tên Giêsu, một con người bị bắt, bị kết án tử hình và bị đóng đinh vào thập giá. Con người đó đã bị nhiều người lên án, có người đã viết cả pho tiểu thuyết: "Thiên Chúa đã chết", họ tưởng Ngài chết là hết, là tiêu tan, là hết hy vọng, nhưng quả thực, Thiên Chúa vẫn còn đó, Ngài vẫn sống động, Ngài vẫn hiện diện giữa mọi người, giữa dòng thế giới. Chúa Giêsu, người đã bị treo lên cao trên thập giá, người chết vì yêu: "Không có tình yêu nào cao vời bằng tình yêu của người hiến mạng sống vì người mình yêu" (Ga 15,13). Đã hơn hai ngàn năm nay, tại sao nhân loại, tại sao nhiều người lại vẫn tiếp tục tôn thờ một con người bị treo lên thập giá? Đây là điều rất diệu kỳ: "Chúa Giêsu là tình yêu đích thực". Nơi Ngài có một sự thu hút rất mãnh liệt, Ngài đã được hầu hết mọi người trên toàn thế giới mến phục, tôn thờ và yêu mến. Có tới chân thập giá, nhân loại mới hiểu tại sao thế giới tôn kính Chúa, yêu mến Chúa và tin tưởng Chúa: "Khi nào Ta được đưa lên khỏi đất, Ta sẽ kéo mọi người đến cùng Ta" (Ga 12, 32). Hình ảnh Chúa Giêsu trên núi Canvê: thân trần, mình trụi, hai tay, hai chân bị đóng đinh vào thập tự, đầu đội mão gai. Chúa đã chết, đã quên mình, đã hy sinh cho nhân loại, cho mọi người vì Ngài yêu thương, tình yêu của Ngài là tình yêu đích thật, tình yêu vô vị lợi, tình yêu vô biên. Trong Phúc âm đã thuật lại biết bao dụ ngôn, biết bao ví dụ nói lên tình yêu thương của Thiên Chúa đối với con người, đối với nhân loại: dụ ngôn "Người con hoang đàng", "Con chiên lạc", "Đồng bạc bị mất" vv...
Tất cả những dụ ngôn ấy nói lên lòng Chúa yêu thương nhân loại, nhất là đối với những người tội lỗi biết là chừng nào. Tình yêu của Chúa là tình yêu đi bước trước. Chúa yêu nhân loại chẳng phải nhân loại có giá trị, hay cũng chẳng phải con người có nhãn hiệu Kitô-giáo Chúa yêu thương và cứu độ nhân loại trước khi nhân loại còn ở trong tội và bất tín, bất trung. Chúa chết vì yêu nhân loại, Chúa cũng mời gọi nhân loại sống tình yêu như Ngài: "Anh em hãy có lòng nhân từ như Cha anh em là Đấng từ nhân" (Lc 6, 36). Đó là mầu nhiệm của tình yêu. Đây cũng là mầu nhiệm của đức tin.
HÃY SỐNG YÊU THƯƠNG NHƯ CHÚA: Trong cuộc sống đời thường có biết bao trường hợp thương tâm xẩy ra: hận thù, chém giết, chiến tranh, lừa đảo vv... Sở dĩ những chuyện đó xẩy ra vì "con người thiếu yêu thương". Chúa mời gọi con người sống yêu thương, quên mình, hy sinh vì người khác miễn người khác có được hạnh phúc. Thánh Phaolô viết: "Chúa Giêsu đã yêu chúng ta, nên đã phó mình vì chúng ta" (Eph 5, 2). Sống như Chúa, có trái tim của Chúa, con người sẽ ở trong tình yêu thật của Ngài. Người ta kể : "Vào một ngày nào đó, chú bé Adam Lester nay mới hai tháng tuổi (6/1984), sẽ biết rằng mẹ chú yêu chú biết chừng nào và đã hy sinh cả cuộc đời mình cho chú. Sau khi được các bác sĩ cho biết các loại thuốc trị bệnh ung thư sẽ để lại di chứng trên đứa trẻ đang nằm trong bụng, chị Hazel đã từ chối không dùng thuốc. Sau khi bé Adam ra đời được bảy tuần lễ, chị đã trút hơi thở cuối cùng tại Conventry nước Anh". Đây là câu chuyện trong muôn vàn câu chuyện ở trần gian nói lên tình thương thật của người mẹ, tình thương hy sinh đến quên mạng sống vì người mình yêu. Cái chết của Chúa Giêsu trên thập giá chính là thước đo tình thương của Chúa đối với nhân loại. Đây là thực tế của một con người có tên Giêsu, Ngài không chỉ nói suông, nhưng đã thực hiện đúng lời Ngài đã nói: "...hy sinh mạng sống vì người mình yêu". Mừng lễ Thánh Tâm Chúa Giêsu là tôn kính Chúa, tôn vinh tình yêu của Chúa Giêsu một cách trọn vẹn và có thể cùng với thánh Gioan thánh sử, nhân loại hãy hô to: "Thiên Chúa đã yêu thương thế gian như thế đó!".
Mừng kính Trái tim Chúa Giêsu, xin cho các linh mục được có con tim nhạy cảm, tấm lòng yêu thương như Chúa để các Ngài luôn trung tín, sẵn sàng hy sinh cho tình yêu, cho đàn chiên. LỜI CẦU: "Thánh Tâm Chúa Giêsu, nguồn êm ái dịu dàng, xin hãy ban xuống lòng con tràn lửa say yêu một Chúa... Xin thương những người đã trót vô tình xúc phạm đến Thánh Tâm Cha". 5. Suy Niệm của Lm. GB. Nguyễn minh Hùng Chọn lựa cho một tình yêu
Nhân Lễ Thánh Tâm, suy nghĩ về đời sống thánh hiến
Tháng Sáu, tháng của những lễ phong chức, lễ khấn dòng, cũng là tháng của những lễ kỷ niệm ngày chịu chức, ngày khấn dòng... Có thể nói tháng Sáu là mùa ơn gọi.
Tháng Sáu cũng là tháng tôn vinh Tình Yêu Thiên Chúa, được cụ thể nơi Thánh Tâm Chúa Kitô. Ngày lễ Thánh Tâm Chúa Kitô cũng nằm trong tháng Sáu, lại là ngày thế giới xin ơn thánh hóa các linh mục.
Bởi thế, tháng Sáu nói chung và lễ Thánh Tâm nói riêng là thời điểm thích hợp để tất cả những ai sống ơn gọi tu trì có dịp nhìn lại chính mình, nhìn lại ơn gọi mà mình đã sống, từ đó tự nhắc nhở cho chính bản thân ta về một chọn lựa mà mình đã dấn bước: CHỌN LỰA CHO MỘT TÌNH YÊU. Nhưng tình yêu ấy không do bản thân ta, hay bất cứ một người nào mà có, nhưng đó chính là TÌNH TRỜI.
Vì thế tôi muốn cùng bạn chia sẻ những suy nghĩ về chính ơn gọi và sự chọn lựa của mình.
Bạn có biết: Cuộc sống là kết thành của những chọn lựa. Có những chọn lựa quyết định cho cả một đời, và một đời phải sống cho chọn lựa ấy. Có những chọn lựa có thể thay đổi nhưng cũng có những chọn lựa không bao giờ thay đổi. Chọn lựa luôn là điều cần thiết cho đời người. Bởi thái độ sống của mỗi người tùy thuộc và ảnh hưởng rất nhiều từ những chọn lựa mà mình đã quyết định.
I. CHỌN LỰA:
1. Chọn lựa cần chiến đấu: Kẻ thù trước tiên của cuộc chiến không phải là người nọ, thế lực kia mà là cái "tôi" xấu trong chính bản thân. Bởi thế chiến đấu để tự lách mình khỏi những mối nguy cản bước ta tiến đến sự hoàn hảo, thì ngay trong sự tự chiến đấu ấy đã là chọn lựa: chọn lựa đứng về phía thiện, tách mình khỏi những sai lạc. Chọn lựa không cho phép ta ở hai tình trạng, nhưng chỉ là một, hoặc là tốt hoặc là xấu. Chọn lựa không có chỗ cho sự trung dung: "Phải chi ngươi lạnh hẳn hay nóng hẳn đi: nhưng vì ngươi hâm hẩm chẳng nóng, chẳng lạnh, nên Ta sắp mửa ngươi ra khỏi miện Ta"1.
Chọn lựa luôn là chọn lựa một điều gì đó, không thể có chọn lựa suông. Trong chọn lựa bao giờ cũng có lý tưởng để theo đuổi. Chọn lựa là đón nhận nhưng cũng là hy sinh. Đón nhận điều mình chọn lựa và hy sinh để sự chọn lựa thành toàn. Chọn lựa bao gồm một hướng ngắm để đến, một hy vọng củng cố lý tưởng, một niềm tin nuôi hy vọng. Và khi đã chọn lựa, không có nghĩa là ngưng chiến đấu. Càng chọn lựa, nghĩa là càng đi trên con đường mà mình đã quyết định, càng phải chiến đấu: Chiến đấu để bảo vệ điều đã chọn lựa. Chọn lựa thì dứt khoát, nhưng chiến đấu thì lâu dài, bền bỉ, vì không phải chiến đấu một lần là đủ. Ngày nào ta bằng lòng với tình trạng hiện có mà không chiến đấu để vươn lên, ngày ấy báo hiệu chọn lựa ban đầu của ta đang bị chính ta đánh mất. Nếu chọn lựa cho một thái độ sống lâu dài thì chiến đấu liên lỉ không bao giờ thừa. Càng chiến đấu bảo vệ cái thiện, chống lại cái xấu, chọn lựa càng vững chắc.
Mãi mãi chọn lựa cần chiến đấu. Kẻ thù trước tiên của cuộc chiến có khi chính là sự dữ ngự trị trong ta.
2. Tự do chọn lựa: Chọn lựa đòi tự do. Không những tự do cần ngay khi chọn lựa, mà khi chọn lựa rồi cũng cần có tự do để sống điều chọn lựa. Chọn lựa không tự do, không phải chọn lựa mà là áp đặt, là thế lực. Cần đập vỡ áp đặt, thế lực để lý trí, ý chí và cả tình yêu có được sự chọn lựa đúng mức. Áp đặt hay thế lực ở đây là những hào nhoáng, là danh, là lợi, là sự thúc ép của kẻ khác... khiến đương sự nhầm lẫn, cuối cùng chọn lựa sai. Cần có tự do để dấn thân cho điều đã chọn lựa. Nếu chọn lựa không có tự do, người ta không thể dấn thân cho điều đã chọn lựa. Và chỉ có yêu thực sự một điều gì mới có thể dấn thân cho điều đó cách trọn vẹn. Một người xả thân giúp đỡ người khác, việc làm đó mang lại cho anh ta hạnh phúc, ngược lại một người làm điều gì vì bị cưỡng bức, anh ta sẽ không cảm nhận sự bình an.
3. Thiên Chúa làm người, một chọn lựa:
Chúa Kitô đã quyết định trở thành "Emmanuel- Thiên Chúa ở cùng chúng ta". "Ngôi Lời đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta" 1. Chọn lựa của Ngài là "trở nên người phàm". Chọn lựa này mãi mãi không thay đổi. Đó cũng là chọn lựa tuân hành Thánh Ý Thiên Chúa. Ngài đã sống một cuộc đời cho điều đã chọn lựa, và dấn thân trọn vẹn cho chọn lựa ấy: Chúa Kitô đã "nên giống anh em mình về mọi phương diện"2. Hay "Đức Giêsu Kitô vốn vĩ là Thiên Chúa, mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa. Nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế. Ngài lại còn hạ mình vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự"1. Chúa Kitô "vâng lời cho đến chết", sự "vâng lời" của Ngài là hoàn toàn tự nguyện. Ngài quyết định "hy sinh mạng sống mình cho đàn chiên"2. Quyết định này là sự lựa chọn tự do: "Không ai cất mạng sống Ta được nhưng chính Ta tự mình thí mạng sống Ta, Ta có quyền thí mạng sống Ta, và Ta cũng có quyền lấy lại, đó là lệnh truyền Ta đã lĩnh nơi Cha Ta"3. Một khi quyết định chết cho đàn chiên, Chúa Kitô đã mang lại sự sống dồi dào cho đàn chiên.
II. CHỌN LỰA SỐNG ĐỜI THÁNH HIẾN: 1. Một chọn lựa can đảm: Nếu chọn lựa sống đời Kitô hữu hoàn hảo đã phải chiến đấu nhiều với chính bản thân, thì chọn lựa sống đời Kitô hữu thánh hiến còn phải chiến đấu vất vả hơn. Vì chọn lựa ấy là chọn lựa "sống giữa thế gian nhưng không thuộc về thế gian". Nhưng họ vững tin rằng, Chúa Kitô ở bên họ. Ngài cầu xin Cha: "Con cầu nguyện cho họ. Con không cầu nguyện cho thế gian, nhưng cho những kẻ Cha đã ban cho con, bởi vì họ thuộc về Cha... Con không xin Cha cất họ khỏi thế gian, nhưng xin Cha gìn giữ họ khỏi ác thần... Lạy Cha Con muốn rằng Con ở đâu, thì những kẻ Cha ban cho Con, cũng ở đó với Con, để họ chiêm ngưỡng vinh quang của Con, vinh quang mà Cha đã ban cho Con..."4.
2. Đời sống thánh hiến là sống những nét đặc trưng của đời sống Đức Kitô: Những người sống đời thánh hiến đi một bước cao hơn tiến gần đến đời sống của Chúa Kitô. "Họ diễn lại cách nào đó lối sống Đức Kitô đã chọn sống, và cho thấy lối sống ấy có một giá trị tuyệt đối và cánh chung"1. Một khi đáp lại lời mời gọi của Chúa Kitô, "Ai muốn theo Thầy phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo Thầy"2, họ muốn như nhà thương gia kia, đi tìm ngọc quý, tìm được rồi bán tất cả để chỉ mua lấy một viên ngọc3. Viên ngọc NƯỚC TRỜI mà họ chọn lựa, buộc họ phải trung kiên cả một đời, chiến đấu cả một đời, hy sinh cả một đời, từ bỏ cả một đời. Chọn lựa vác thập giá theo Đức Giêsu, họ sẽ là người sống "các nét đặc trưng của đức Giêsu- khiết tịnh, nghèo khó và vâng phục". "Các nét đặc trưng" ấy "trở thành hữu hình giữa lòng thế giới như một gương mẫu thường hằng"4. Vì trên thập giá, "Tình yêu khiết trinh của Nguời đối với Chúa Cha và đối với mọi người được diễn tả mạnh mẽ nhất; sự nghèo khó của Người sẽ đi đến chỗ lột bỏ hoàn toàn; sự vâng phục của Người sẽ đi đến hiến dâng mạng sống"5.
3. Chọn lựa giữa lòng cuộc sống và chọn lựa cho TÌNH YÊU: Là người, những người dấn thân trong đời sống thánh hiến lựa chọn hướng đi của mình ở giữa lòng cuộc sống như bao nhiêu lựa chọn của mọi người. Nhưng Tình Yêu mà họ dấn bước theo không là một mái gia đình riêng tư, không là hạnh phúc đến bởi sự thành công của những nỗ lực trong đời thường, không là những thú vui trụy lạc mà không ít người của thời nay ngụp lặn trong đó, và vẫn lầm tưởng đó là hạnh phúc, là tự do của họ...
Vì chọn lựa sống rập theo khuôn mẫu của đời sống Chúa Kitô, anh chị em bước vào đời thánh hiến cũng sẽ nên giống Chúa Kitô, để cùng với Người, họ hiện diện giữa lòng cuộc sống. Nói một cách cụ thể hơn: họ chọn cho mình một kiểu mẫu của Tình Yêu để sống trọn đời cho Tình Yêu ấy. Một thứ Tình cao cả mà Chúa Kitô đã chọn sống và yêu.
Bởi vậy, giống như Chúa Kitô, cũng ngay giữa lòng cuộc sống, họ thực thi sứ mạng mà Tình Yêu đòi hỏi họ. Và ngay giữa lòng cuộc sống ấy, Họ đi tìm và bắt gặp hình ảnh Thiên Chúa "đã bị bóp méo trên bộ mặt anh chị em mình, những bộ mặt hốc hác vì đói khổ, những bộ mặt chán chường vì những lời hứa chính trị, những bộ mặt uất hận của những ai bị người ta khinh dễ nền văn hóa của mình, những bộ mặt sợ hãi cảnh bạo lực mù quáng thường ngày, những bộ mặt của người trẻ, những bộ mặt tủi hổ của những phụ nữ bị xúc phạm và làm nhục, những bộ mặt mệt mỏi của đám di dân không được ai tiếp nhận, những bộ mặt u buồn của những người có tuổi không có những điều kiện để sống đàng hoàng..."1. Họ dấn thân phục vụ giữa lòng cuộc sống. Và như thế, họ tìm thấy niềm vui giữa lòng cuộc sống. Chính vì sống theo kiểu mẫu của Tình Yêu mà Chúa Kitô đã sống, những anh chị em chọn lựa sống đời thánh hiến là Chọn lựa cho một tình yêu: Tình Yêu mang tên GIÊSU KITÔ.
III. MỘT LỜI NGUYỆN: Lạy Chúa, diễm phúc và hạnh phúc của mọi người, xin đổ tràn hạnh phúc xuống con cái nam nữ của Chúa, mà Chúa đã chọn lựa để tuyên xưng Tình yêu cao cả, lòng nhân hậu xót thương và vẻ đẹp của Chúa. Chúng con hiểu rằng, dù chúng con có chọn lựa, có hy vọng, có tin tưởng, thì điều trước tiên vẫn là hồng ân, là Tình yêu của Chúa đối với chúng con. Tình yêu là lời ngỏ, là động lực đưa chúng con tới lý tưởng của mình. Lạy Chúa, trong lòng cuộc sống, có nhiều cách để chúng con chọn lựa, nhưng chúng con chọn lựa theo Chúa. Chúng con cầu xin cho chúng con luôn trung thành truyền lại Lời Chúa cho người khác, để Lời Chúa được thêm vững mạnh trong lòng mọi người. Xin làm cho chúng con trở nên xứng đáng phục vụ bàn thánh Chúa và Hội Thánh. Chúng con kính dâng Đức Nữ Trinh Vương Maria và cầu xin Người là mẹ của Chúa Kitô, mẹ của Linh Mục Thượng phẩm đời đời gìn giữ chúng con trong hạnh phúc của đời thánh hiến, để chúng con biết trung thành theo Chúa bằng cả cuộc đời của chúng con. Chúng con biết rằng, Chúa Kitô

5. TÌNH YÊU CỦA NGƯỜI MỤC TỬ
Trong đời sống thường ngày, có lẽ không có gì gần gũi, thiết thân với chúng ta hơn là tình yêu. Người ta có thể ăn đói, mặc rách, có thể chịu nhiều nỗi khó khăn trong cuộc sống của thân xác, nhưng khó có thể có được bình an, và niềm vui nếu như không có tình yêu. Tình yêu là một cái gì gắn chặt với đời sống con người. Khuôn mặt của tình yêu cũng thật là phong phú: đó có thể là tình mẫu tử, tình huynh đệ, hay là tình yêu nam nữ... Nhưng cho dù dưới hình dáng nào đi chăng nữa, thì tình yêu vẫn luôn có một vẻ quyến rũ đặc biệt khiến cho chúng ta không thể rời xa nó.
Sở dĩ con người luôn gắn bó với tình yêu như thế, phải chăng bởi vì con người đã được dựng nên giống hình ảnh của Thiên Chúa, Đấng là khởi nguồn của mọi tình yêu ? Hay nói như Thánh Gio-an: "Thiên Chúa là Tình yêu" ( 1 Ga 4, 8 ). Tình Yêu của Thiên Chúa đối với chúng ta thật là vô bờ bến, vượt hơn cả tình thương của cha mẹ đối với con cái, như lời Ngài phán qua miệng Ngôn Sứ I-sai-a: "Có phụ nữ nào quên được đứa con thơ của mình, hay chẳng thương đứa con mình đã mang nặng, đẻ đau? Cho dù nó có quên đi chăng nữa, thì Ta, Ta cũng chẳng quên ngươi bao giờ... Ta đã khắc ghi ngươi trong lòng bàn tay Ta" ( Is 49, 15 – 16a ). Còn Thánh Phao-lô thì nói: "Đức Ki-tô đã chết vì chúng ta, ngay khi chúng ta còn là những người tội lỗi", và thánh nhân kết luận: "Đó là bằng chứng Thiên Chúa yêu thương chúng ta" ( Rm 5, 8 ). Nói đến tình yêu, chúng ta không thể không nhắc đến trái tim, một biểu tượng hữu hình của tình yêu. Và để bày tỏ lòng tri ân của mình đối với tình yêu bao la của Thiên Chúa, Giáo Hội đã dành riêng ngày hôm nay để mừng kính Thánh Tâm Chúa, Thánh Tâm đã bị đâm thâu vì yêu chúng ta ( x. Ga 19, 34 ). Tình yêu của Thiên Chúa đối với chúng ta thật bao la và sâu thẳm, không thể nào nói cho hết. Tuy nhiên, dựa vào lời Chúa hôm nay, chúng ta cũng phần nào hiểu được tình yêu của Thiên Chúa dành cho chúng ta qua hình ảnh người Mục Tử Nhân Lành trong Thánh Kinh.
1. TÌNH YÊU CỦA NGƯỜI MỤC TỬ: Trở lại với bối cảnh của bài đọc một, chúng ta thấy rằng lúc bấy giờ dân Do Thái đang đứng trước nguy cơ của cảnh nước mất, nhà tan. Các vua chúa và cả hàng đầu mục trong dân đã đi vào con đường sa đoạ, chạy theo các tà thần. Họ không còn để ý gì đến việc chăm sóc cho đoàn dân mà họ được giao phó. Những người này chỉ nghĩ đến việc vơ vét, bóc lột cho thật nhiều mà không hề nghĩ đến đời sống cực khổ của dân chúng. Mặt khác, viễn ảnh ngoại xâm đang gần kề. Việc lưu đày, bị phân tán đi khắp nơi là điều không thể tránh khỏi. Toàn dân như đang sống trong cảnh tuyệt vọng. Họ chẳng còn biết bám víu vào đâu. Những chuyện kể xưa kia về việc Thiên Chúa ra tay hùng mạnh dẫn đưa họ từ Ai Cập trở về, dẹp tan các dân tộc cản lối đi của họ như đã bị chìm vào quên lãng.
Chính lúc đó, Ngôn Sứ Ê-giê-ki-en đã được Thiên Chúa sai đến loan báo về một thời đại mới. Trong thời đại mới này, chính Thiên Chúa sẽ là mục tử chăn dắt dân của Người. Người sẽ dẫn đưa những con chiên bị phân tán trở về. Người sẽ bảo vệ và giải thoát họ khỏi bàn tay áp bức của kẻ thù đang đè nặng trên họ. Ngài nói: "Này chính Ta săn sóc đoàn chiên của Ta và Ta sẽ kiểm soát chúng... Ta sẽ giải thoát chúng khỏi mọi nơi mà chúng đã bị phân tán. Ta sẽ dẫn chúng ra khỏi các dân tộc, Ta sẽ tụ họp chúng từ khắp măt đất, và đưa chúng vào đất của chúng".
Không chỉ là tụ họp dân lại, Thiên Chúa còn lo cho đoàn chiên của Ngài từng miếng ăn, thức uống, như lời Ngài phán: "Ta sẽ thả chúng ăn trên những đồng cỏ màu mỡ,... chúng sẽ nghỉ ngơi trong những đồng cỏ xanh tươi, và chúng ăn trong đồng cỏ màu mỡ trên miền núi Ít-ra-en". Cảm nghiệm được sự ân cần chăm nom của Thiên Chúa đối với cuộc sống mỗi ngày của mình, đặc biệt là giữa những lúc khó khăn nhất, Vua Đa-vít đã cất tiếng ngợi ca: "Chúa chăn nuôi tôi, tôi chẳng thiếu thốn chi, trên đồng cỏ xanh rì, Người thả tôi nằm nghỉ. Tới nguồn nước, chỗ nghỉ ngơi, Người hướng dẫn tôi, tâm hồn tôi Người lo bồi dưỡng..." Và rồi trong vòng tay yêu thương chăm sóc của Thiên Chúa, Vua Đa-vít tin tưởng khẳng định: "Dù bước đi trong thung lũng tối, tôi không lo mắc nạn, vì Chúa ở cùng tôi... Chúa dọn ra cho tôi mâm cỗ, ngay trước mặt những kẻ đối phương".
2. MỤC TỬ GIÊ-SU: Người mục tử mà Ngôn Sứ Ê-giê-ki-en và Vua Đa-vít tiên báo không ai khác hơn là chính Đức Giê-su. Ngài chính là vị Mục Tử Nhân Hậu mà Thiên Chúa đã hứa ban cho dân. Không chỉ chăm sóc, bảo vệ, tình yêu của Đức Giê-su đối với chúng ta còn lên đến tột đỉnh khi Ngài hiến mạng sống mình cho chúng ta, như lời Thánh Phao-lô trong bài đọc thứ hai: "Thiên Chúa chứng tỏ tình yêu của Người đối với chúng ta, nghĩa là trong lúc chúng ta còn là tội nhân, thì theo kỳ hẹn, Chúa Ki-tô đã chết vì chúng ta". Đức Ki-tô đã chết cho chúng ta ngay khi chúng ta còn là tội nhân, nghĩa là Ngài đã hy sinh cho chúng ta ngay lúc chúng ta đang còn là thù địch với Ngài, đang còn chống đối Ngài. Nhưng vì yêu thương, Ngài vẫn sẵn sàng hiến mạng sống mình, để chúng ta được sống và được giao hoà với Thiên Chúa là nguồn của mọi tình yêu. Chính nhờ cái chết của Đức Giê-su, mỗi người chúng ta nhận lãnh được ơn cứu độ của Thiên Chúa. Kế đó, tình yêu của Mục Tử Giê-su đối với chúng ta không dừng lại ở việc chăm sóc, giữ gìn chúng ta. Tình yêu ấy đã thúc đẩy bước chân của Ngài lên đường ra đi tìm kiếm những con chiên đang sống trong lầm lạc của tội lỗi, như chúng ta vừa nghe trong bài Tin Mừng: "Ai trong các ông có 100 con chiên và nếu mất một con, lại không để 99 con khác trong hoang địa mà đi tìm con chiên lạc cho đến khi tìm thấy sao ?" Thiên Chúa không đặt dấu chấm hết cho một người nào. Cho dù chúng ta có tội lỗi, xấu xa đến đâu đi chăng nữa, thì Mục Tử Giê-su vẫn hằng mở rộng vòng tay chờ đợi chúng ta trở về. Và không chỉ là một sự chờ đợi, Thiên Chúa còn lên đường tìm kiếm, để dẫn đưa chúng ta trở về với Ngài.
Mừng Lễ Thánh Tâm Chúa Giê-su hôm nay, chúng ta vừa cùng nhau suy niệm một vài nét về tình yêu của Ngài dành cho chúng ta. Đây quả là một tình yêu tuyệt vời, chúng ta không thể lấy gì để đền đáp cho cân xứng. Tuy nhiên, tôi thiết nghĩ, chắc chắn Thiên Chúa cũng không cần chúng ta đền đáp, vì Ngài là Đấng toàn thiện, toàn mỹ. Nơi Ngài không còn thiếu điều gì. Do đó, đáp lại tình yêu của Đức Giê-su, tâm tình đầu tiên mỗi người chúng ta cần có là đến và ở lại trong tình yêu của Ngài. Và đó chính là điều làm cho Ngài vui mừng nhất. Ngài vui mừng vì một con chiên lạc giờ đây đã trở về và ở lại trong sự chăm sóc của Ngài. Chúng ta cũng có thể nhận ra điều này khi nhìn ngắm nét mặt rạng rỡ, hân hoan của người mẹ khi ôm ấp những đứa con trong vòng tay của mình. Trong vòng tay của mẹ, có thể đứa trẻ chẳng làm gì cho người mẹ, có khi em còn quấy rầy bà nữa, nhưng tự thâm tâm, người mẹ vẫn cảm thấy vui. Bà vui vì con bà đang ở với bà, đang tin tưởng và cậy trông nơi bà.
Cuối cùng, để đáp lại Tình Yêu của Thánh Tâm Chúa Giê-su dành cho chúng ta, mỗi người chúng ta cũng phải biết sống yêu thương nhau. Chúng ta hãy mở rộng lòng mình, để cho tình yêu của Đức Giê-su tuôn chảy qua chúng ta đến với anh chị em của mình. Nhờ đó, tất cả chúng ta sẽ hiệp nhất nên một đoàn chiên, có cùng một chủ chiên là Đức Giê-su.
Lm. TRẦN THANH SƠN,



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét