CHỦ ĐỀ :
CẨN THẬN vỀ VIỆC xét đoán
"Xem quả thì biết cây"
(Lc 6,44)
Minh họa
- Mille images : 84 B
- "Xem quả thì biết cây" (Lc 6,44)
Sợi chỉ đỏ :
Cuối bài Tin Mừng tuần trước, Chúa Giêsu khuyến cáo đừng xét đoán. Lời Chúa
hôm nay nói tiếp về đề tài xét đoán :
- Trước khi xét đoán người khác thì phải tự xét đoán bản thân (Bài Tin
Mừng)
- Phải xét đoán cẩn thận dựa trên nguyên tắc nhân quả, vì "xem quả thì
biết cây" (Bài đọc I và Bài Tin Mừng)
I. DẪN VÀO
THÁNH LỄ
Anh chị em
thân mến
Bắt đầu mỗi
Thánh lễ, chúng ta đều được kêu gọi hãy kiểm điểm lương tâm và nhận biết tội
lỗi. Không phải nhận biết tội lỗi của người khác mà tội lỗi của chính
mình ; nhận biết như thế rồi không phải để trách người khác mà để tự trách
mình và nhận lãnh trách nhiệm của mình mà sửa đổi.
Giờ đây mỗi
người chúng ta hãy kiểm điểm lương tâm và thành tâm sám hối.
II. GỢI Ý SÁM
HỐI
- Chúng con
thường làm ngơ trước khuyết điểm của mình, nhưng lại khắt khe với lỗi lầm của
người khác.
- Chúng con
hay phê phán và lên án người khác.
- Chúng con thường sống giả hình.
III. LỜI CHÚA
1. Bài đọc I (Hc 27,4-7)
Sách Huấn ca gom góp những giáo huấn giúp sống
khôn ngoan. Trong trích đoạn hôm nay, giáo huấn nhắm đến lời nói :
- Lời nói bộc lộ cái dở của một con người
- Nghe người ta nói, ta mới biết rõ ai rởm ai
hay.
- Chớ vội khen hay chê khi chưa nghe người ta
nói.
2. Đáp ca (Tv 91)
Người công chính thật được nhìn thấy qua cuộc
sống tốt lành của mình : họ như cây dừa tươi tốt được trồng nơi Nhà Chúa,
già cỗi rồi vẫn sinh hoa kết quả, tràn đầy nhựa sống, cành lá xanh rờn.
3. Tin Mừng (Lc 6,39-45)
Trong đoạn Tin Mừng này, Chúa Giêsu dạy cho môn
đệ mình 3 điều :
- Dụ ngôn người hướng dẫn mù và cái xà trong mắt :
Nếu người môn đệ Chúa mà mù quáng thì sẽ dẫn người khác đi vào sai lầm. Bởi
thế, trước khi sửa lỗi người khác, mỗi người hãy tự sửa lỗi của mình.
- Dụ ngôn Cây và Trái (cc 43-44) : Chỉ có
thể tránh nguy hiểm giả hình nếu như hành động bề ngoài của ta hợp với bên
trong của ta. Đối với biệt phái và luật sĩ, một hành động được coi là tốt khi
nó phù hợp với Luật. Chúa Giêsu sâu sắc hơn : một hành động là tốt, khi nó
hợp với một tâm hồn tốt, một tâm hồn tốt sẽ sinh ra những hành động tốt.
- Dụ ngôn kho tàng trong lòng (c 45) :
Chúa Giêsu so sánh cõi lòng con người như một kho tàng. Nó là nơi xuất phát
những lời nói và việc làm hoặc tốt hoặc xấu. Từ kho tàng tốt thì sẽ phát ra
những lời nói việc làm tốt. Bởi thế người môn đệ phải liệu làm sao cho kho tàng
lòng mình chứa đầy những điều tốt. Những điều tốt phải chứa trong kho tàng lòng
mình là gì ? Đó là những giáo huấn của Chúa Giêsu.
4. Bài đọc II (1 Cr 15,54-58) (Chủ đề
phụ)
Đây là đoạn cuối của chương 15 thư I Côrintô
bàn về vấn đề kẻ chết sống lại. Trong đoạn này, Thánh Phaolô rút ra những hệ
luận từ tín điều sống lại :
- Cuối cùng Tử thần cũng phải bị đánh bại.
- Tín hữu hãy kiên tâm bền chí, tích cực tham
gia vào công việc của Chúa, bởi xác tín rằng trong Chúa thì mọi khó nhọc sẽ
không trở nên vô ích.
IV. GỢI Ý GIẢNG
* 1. Bàn về lời nói
Ben Sira, tác giả sách Huấn Ca, cho rằng lời
nói có giá trị bộc lộ sự thật : dựa vào lời nói của một người, ta có thể
biết người ấy thực ra là dở hoặc hay. Hơn nữa, lời nói của một người còn giúp
ta hiểu được lòng của người đó.
Nhưng Chúa Giêsu thì dạy khác : điều quan
trọng không phải là nói, mà là làm. Ngài đã trách các kinh sư do thái rằng
"Họ nói mà không làm" (Mt 23,3).
Không phải giáo huấn của Cựu Ước và Tân Ước
nghịch nhau. "Lời nói" mà Ben Sira đề cập là lời thốt ra cách hồn
nhiên, chân thành, chưa bị ngụy trang hay uốn nắn bởi những toan tính quanh co.
Ngày nay người ta phát triển những kỹ thuật để
nghiên cứu và khảo sát lời nói : phân tích từng chữ từng câu để khám phá ý
nghĩa thật. Các nhà phân tâm còn tìm cách cho bệnh nhân nói để chữa trị tâm
bệnh của họ.
Lời khuyên của Ben Sira có lẽ không hợp nếu ta
dùng nó để xét đoán lời nói của người khác, nhưng rất hữu ích nếu ta dùng để tự
xét đoán bản thân :
- Tôi thường nói những chuyện gì ? Nói
nhiều về một vấn đề chứng tỏ tôi quan tâm nhiều hay bị ám ảnh bởi vấn đề đó.
- Tôi thường phê bình chỉ trích hay khích lệ,
ủi an ? Điều này giúp tôi biết tôi là người hẹp hòi hay rộng lượng ;
là người gây chia rẻ xáo trộn hay là người kiến tạo bình an.
- Khi nói về bản thân, giọng điệu của tôi thế
nào ? Điều này cho thấy tôi kiêu căng hay khiêm tốn.
* 2. Sửa mình trước khi sửa người
Chúa Giêsu chỉ rõ một thực tế rất thông
thường : Thấy cái rác nhỏ xíu trong mắt người khác thì dễ hơn thấy cái xà
to tướng nằm ngay trong mắt mình. Thấy khuyết điểm của người khác dễ hơn nhận
ra khuyết điểm của mình.
Lý do là mình thường dễ dãi với bản thân và
khắt khe với người khác. Đó là khuynh hướng tự nhiên. Nhưng đó là một căn
bệnh : bệnh mù quáng, bệnh lệch lạc.
Ta có thể áp dụng giáo huấn của Chúa Giêsu vào
hai trường hợp :
- Áp dụng cho chính bản thân : hãy cẩn
thận đừng phê phán người khác, vì chưa chắc gì mình đã tốt hơn ai.
- Khi lãnh trách nhiệm lãnh đạo : vì trách
nhiệm mà nhiều khi ta phải sửa lỗi người khác. Để cho lời nói của ta không là giả
hình, để cho lời sửa dạy của ta có sức thuyết phục, ta hãy lo sửa đổi bản thân
trước, nhờ đó ta trở thành một tấm gương, và tấm gương đó hỗ trợ khiến cho lời
sửa đổi của ta đáng được người khác nghe theo.
* 3. Cây đời xanh tươi
Triệu Quát là con trai cha Triệu Xa - một danh
tướng thời Chiến Quốc - thời trai trẻ từng đọc rất nhiều binh thư. Là một người
khá thông minh, thích nói về quân sự, người khác không nói lại được, cha anh là
Triệu Xa đôi khi cũng không tranh luận nổi với anh. Do đó, anh tỏ ra kiêu ngạo,
tự cho mình là giỏi nhất thiên hạ.
Tuy nhiên Triệu Xa lại rất lo lắng cho con
mình, ông cho rằng Triệu Quát chẳng qua chỉ nói phét. Ông còn nói : "Sau này
nước Triệu không nên dùng nó, kẻo nó sẽ làm cho quân Triệu đại bại".
Quả thật, khi quân Tần sang xâm lược, vua Triệu
quyết định cử Triệu Quát thay thế Liêm Pha. Lạn Tương Như đang bệnh cũng phản
đối : "Triệu Quát chẳng qua chỉ là đọc được một số sách binh
thư của cha mình, căn bản không biết vận dụng thế nào, không thể cử hắn làm
tướng". Mẹ của Triệu Quát cũng đến gặp vua Triệu nói rằng con mình không thể
làm đại tướng.
Nhưng vua Triệu không nghe, vẫn cử Triệu Quát
ra tiền tuyến nghênh địch, hậu quả là 40 vạn quân Triệu chỉ trong chốc lát đã
bị tiêu diệt hoàn toàn, bản thân Triệu Quát cũng tử trận thê thảm.
*
"Mù mà lại dẫn mù được
sao ? Lẽ nào cả hai lại không sa xuống hố" (Lc 6, 39). Làm nhà lãnh đạo
hay người hướng dẫn phải có đủ tài đức ; phải sáng suốt trong tư tưởng,
khôn ngoan trong lời nói, và liêm chính trong việc làm, để khỏi dẫn đưa người khác
cũng như chính mình vào con đường lầm lạc hay diệt vong. Những kẻ khoác lác,
dối trá, giả hình có thể nhất thời lừa bịp được một số người, nhưng sớm muộn
cũng sẽ bị bại lộ và sẽ phải chuốc lấy hậu quả khó lường : "Cây kim
trong bọc lâu ngày cũng phải lòi ra".
Cha mẹ của Triệu Quát vì sống cùng anh ta, nên
thấu hiểu lời nói và việc làm của con mình không thể đảm nhận việc lớn. Nhưng
vua Triệu không quan tâm đến câu : "Lời nói phải đi đôi với việc
làm", cứ cho rằng Triệu Quát là bậc kỳ tài trong thiên hạ và trao cho việc
lớn. Kết quả không chỉ Triệu Quát bị hại mà còn liên quan đến tính mạng của 40
vạn quân. Mù mà dẫn mù thì việc sa xuống hố chỉ là sớm hay muộn mà thôi.
"Sao anh thấy cái rác trong
mắt anh em, mà cái xà trong con mắt của chính mình thì lại không để ý tới" (Lc 6,41). Người ta thường rất
hà tiện trong lời khen ngợi, nhưng lại quảng đại trong tiếng chê bai. Có thể
nói một trong những tội con người dễ phạm nhất : đó là hay xét đoán, nghĩ
xấu, nghĩ sai cho người khác.
Để có đôi mắt trong sáng, chúng ta không nên
nhìn vào đôi mắt kẻ khác để thấy "cái rác" trong đó, hay "bới lông tìm vết" để xét đoán, chỉ trích họ,
nhưng hãy nhìn vào chính đôi mắt tâm hồn mình, để thấy "cái đà" của
kiêu căng tự mãn, của phô trương giả hình, để thanh lọc cho nên trong sáng. Vì
người xưa có câu : "Việc người thì sáng, việc mình thì quáng", nên việc nhìn lại chính mình để
tự kiểm thảo luôn là điều cần thiết của mỗi tín hữu Ki tô, nhất là những vị
lãnh đạo, hướng dẫn các tâm hồn. Triết gia Chilon cũng cho chúng ta một luật
sống bất hủ : "Hãy tự biết mình". Thánh Augúttinô thường cầu
nguyện : "Lạy Chúa Giêsu, xin cho con biết Chúa, xin cho con
biết con".
Biết mình thường hèn yếu lỗi lầm để đừng bao
giờ khắt khe lên án anh em.
Biết mình hay che đậy giả hình để cảm thông dung
thứ cho kẻ khác.
Biết mình thích phô trương háo thắng để đừng
phê phán nhạo báng một ai.
Một tác giả kia đã nhận định : Những kẻ
may mắn thường là những người có tâm hồn lạc quan vui vẻ, họ có thói quen nhìn
vào mặt tích cực của sự việc và vào điều tốt của kẻ khác. Trái lại, những kẻ
bất hạnh thường có thái độ tiêu cực, thù hằn, họ thích nhìn vào điều tồi tệ nơi
kẻ khác, họ rất ham chỉ trích ; và ưa "vạch lá tìm sâu".
Đúng như lời Chúa Giêsu đã nói trong đoạn Tin
Mừng hôm nay : "Cây tốt thì sinh trái rốt, cây xấu thì sinh trái
xấu" (Lc 6,43). Lời nói việc làm của người tín hữu Ki tô chỉ có thể sinh
hoa kết trái tốt tươi, nếu siêng năng suy niệm và thực hành Lời Chúa. Đời sống
của chúng ta chỉ có thể "phát xuất ra sự lành" nếu chúng ta được nuôi dưỡng
bằng Mình Thánh Chúa vì Lời Chúa là lời yêu thương và Mình Chúa là Bí tích tình
yêu. Những ai sống trong vị kỷ, xét đoán, chỉ trích và thù hằn, kẻ ấy sẽ chết
trong bóng tối gian ác của chính mình.
*
Lạy Chúa, xin đừng để chúng con khô
héo trong thái độ chỉ trích, trong lối nhìn tiêu cực, trong cách nghĩ đen tối,
nhưng xin cho cây đời chúng con được xanh tươi để sinh hoa kế trái của an bình,
hạnh phúc và yêu thương. Amen. (TP)
* 4. Phải để ý đến lầm lỗi của chính mình
Một thầy dòng trẻ tuổi kia phạm một lỗi nặng.
Lập tức các thầy dòng lớn tuổi họp lại để lên án anh ta. Tuy nhiên cần phải có
mặt của Thầy Bề Trên thì phiên họp mới tiến hành được. Vì thế họ phái người đi
mời Bề Trên : "Xin Bề trên đến mau, cộng đoàn đang chờ Thầy".
Thầy Bề Trên đứng dậy, lấy một chiếc thúng có nhiều lỗ thủng. Thầy đổ đầy cát
vào thúng, rồi mang nó sau lưng đi đến phòng họp. Dĩ nhiên cát rơi đầy dọc
đường. Các Thầy già hỏi Bề Trên làm việc đó vì ý gì thế. Và Thầy Bề trên trả
lời : "Tội lỗi tôi rơi đầy sau lưng tôi. Tôi đi đến đâu cũng để lại
một dãy tội phía sau. Chỉ có điều là tôi không thấy chúng. Thế mà hôm nay anh
em lại bảo tôi ngồi tòa kết tội một người anh em của tôi sao !" Nghe
thế, các thầy già xấu hổ và bỏ ý định lên án ông thầy trẻ.
Ai trong chúng ta cũng có thể trở thành những
chuyên gia tìm ra tội người khác và phê phán họ. Nhưng những kẻ phê phán không
phải là những người cải tạo thế giới. Chúa Giêsu bảo chúng ta hãy lấy cái xà
trong mắt mình ra trước, rồi mới tính đến chuyện lấy cái rác khỏi mắt anh em.
Chúng ta phải lo dọn dẹp nhà mình cho ngăn nắp trước, rồi mới bảo người khác
dọn dẹp nhà họ. Nếu không làm như thế thì chúng ta không phán đoán anh em vì
quan tâm tới họ, mà chỉ vì thù ghét muốn làm hại họ. Ít có việc nào thoả mãn
tính ích kỷ của mình cho bằng vạch tội người khác.
Một người dẫn đường chỉ có thể dẫn dắt người
khác nếu bản thân người ấy thấy rõ con đường. Một người thầy dạy chỉ có thể
chia xẻ cho người khác những kiến thức mà mình đã biết. Nếu không muốn làm một
người hướng đạo mù, thì ta phải biết tự phê phán mình.
Chúng ta rất tích cực sửa lỗi người khác vì
nghĩ rằng nếu mọi người khác trong cộng đoàn của mình mà biết được lỗi lầm và
sửa chữa thì đời sống cộng đoàn sẽ tốt đẹp biết mấy. Nhưng ngược lại chúng ta
rất khó chịu khi bị người khác vạch lỗi của chúng ta ra. Phải chăng đó là biểu
hiện của tính ích kỷ ?
Một người kia có thói quen hút thuốc và có nuôi
một con vẹt. Một ngày kia anh thấy con vẹt cứ ho mãi, anh liền bỏ hút thuốc.
Anh còn mời một bác sĩ thú y đến khám xem khói thuốc đã làm hại sức khoẻ con vẹt
đến mức nào. Sau khi khám rất kỹ, bác sĩ cho biết con vẹt chẳng bị bệnh gì cả.
Sở dĩ nó ho là vì nó bắt chước những cơn ho của chủ nó thôi. Khi đó, người ấy
mới khám phá mình bị bệnh ho !
Người đạo đức giả – mà Chúa Giêsu gọi là giả
hình – là người chỉ lo sửa lỗi kẻ khác. Người đạo đức thật là người biết tự sửa
mình. (FM)
* 5. Cái xà trong con mắt
Không có gì làm ta mù quáng cho bằng để ý đến
lỗi lầm của người khác.
Ngày xưa có một con tê giác luôn bị ám ảnh bởi
ý tưởng mình là người hoàn hảo. Bởi thế nó tự cho mình có trách nhiệm sửa chữa
những khuyết điểm của các con vật khác. Mà theo nó nghĩ, khuyết điểm nghiêm
trọng nhất là có sừng trên đầu, cho nên tất cả những con vật có sừng đều không
được ở yên với nó.
Thế nhưng nó đâu có biết rằng nó có một cái sừng
mọc ngay trên cái mũi xấu xí của nó. Những con vật kia đều thấy rõ điều đó,
nhưng chẳng con nào đủ can đảm nói cho nó biết.
Một hôm, con tê giác đang đi uống nước thì nghe
tiếng một con chích choè đang hót trên cành cây. Nó bực mình thét to :
"Im đi, cái con chim xấu xa. Mầy không thấy tao đang uống nước
sao ?". Con chích choè không chịu thua, cãi lại : "Bộ ông
đẹp đẽ lắm sao ? Ông thử soi mặt ông trên mặt nước rồi sẽ biết". Con
tê giác nghĩ trong bụng : "Soi thì soi. Ai mà không biết ta là người
hoàn hảo". Nhưng vừa nhìn xuống mặt nước, tê giác nhà ta bỗng giật mình vì
khám phá một chiếc sừng quái dị nằm ngay trên mũi mình. Biết mình còn xấu xí
hơn tất cả các con vật có sừng khác, nó xấu hổ quá : "Ta không thể
nhìn mặt các con vật khác được. Ta tiều đời rồi". Kể từ hôm đó, khi đi, nó
luôn cúi gằm mặt xuống đất. Nó cũng chẳng dám cho ai thấy mặt cả, cứ trốn trong
các lùm cây.
Nhưng làm sao trốn tránh mãi được. Cuối cùng nó
chẳng còn lựa chọn nào khác là chấp nhận sự thật. Khi đã có can đảm đối diện
với chính mình, nó cũng dần dần can đảm đối diện với các con vật khác. Và các
con vật kia rất ngạc nhiên khi gặp lại nó : một anh tê giác khác hẳn
trước, thật hiền lành và dễ thương làm sao !
Con tê giác của chúng ta đã thay đổi nhờ biết
chấp nhận những con vật khác, không phải theo hình ảnh mà nó muốn, nhưng đúng
với hình ảnh thật của chúng, nghĩa là có sừng, có gai và có đủ thứ khuyết điểm
khác. Nó cũng thay đổi nhờ biết chấp nhận bản thân mình, không xấu hổ vì chiếc
sừng của mình nữa và cũng không lo các con vật kia sẽ nghĩ sao về nó nữa.
Chúa Giêsu bảo chúng ta đừng mất công tìm trái
vả nơi bụi gai, hay tìm trái nho nơi bụi rậm. Nơi cây nào thì tìm trái của cây
ấy. Bài học này có thể áp dụng cho việc đánh giá về người khác và về chính bản
thân mình. (FM)
* 6. Sửa đổi tính tình
Một thầy tu kia có khuynh hướng hay nổi giận.
Khuynh hướng này khiến thầy trở thành một gánh nặng không những cho người khác
mà còn cho cả bản thân thầy. Thầy tin rằng thầy chẳng tiến bộ chút nào trên
đường nhân đức. Thầy nói rằng nhưng người khác khiến thầy phải thụt lùi vì cứ
làm phiền thầy và luôn quấy rầy khi thầy cầu nguyện.
Vì thế thầy quyết định rời tu viện để vào rừng
ẩn tu. Thầy nghĩ rằng đó là cách khỏi phải bị người khác làm phiền và nhờ đó mà
bỏ được tính nóng giận. Thế là thầy dựng một căn lều trong rừng, chẳng mang
theo gì khác ngoài một bình nước. Nhưng trong một lần bất cẩn, thầy làm đổ bình
nước, nên phải trở về tu viện để lấy bình nước khác. Tuy nhiên khi trở về lều,
thầy lại bất cẩn làm đổ nước nữa. Lại chịu khó lần nữa. Nhưng sự việc lại tái
diễn lần thứ ba. Khi ấy cơn giận bốc lên ngùn ngụt. Thầy dập chiếc bình vỡ tan
tành, rồi ngồi bẹp xuống đất, hoàn toàn thất vọng về bản thân mình.
Khi cơn giận nguội xuống, thầy bắt đầu suy nghĩ
và nhận ra rằng cái tính nóng giận của Thầy không phải do nơi những thấy khác
mà do chính bản thân mình. Tính xấu đó nằm ngay trong con người thầy, cho nên
dù thầy đã vào tận trong rừng sâu, nó vẫn còn đi theo thầy.
Thế là Thầy quyết định trở lại tu viện, xin lỗi
các thầy khác và hứa sẽ cố gắng sửa tính nóng.
Chẳng khó gì nhận ra chính chúng ta trong câu
chuyện trên. Khi gặp một vấn đề trục trặc, chúng ta hay đổ lỗi cho người khác.
Thế nhưng nguyên do những trục trặc của chúng ta nằm ngay nơi bản thân chúng ta
chứ không nơi người khác. Vậy chúng ta phải lo sửa mình trước, rồi mới có thể
sống hòa thuận với người khác được. (FM)
* 7. Chuyện minh họa
Một nhà đại thần bí Ấn độ nói về chính
mình : "Tôi là một nhà cách mạng khi còn trẻ, và tất cả những gì tôi
cầu nguyện với Chúa là : "Lạy Chúa, xin cho con quyền lực để cải tạo
thế giới"
Khi đến tuổi trung niên, tôi nhận ra rằng nửa
cuộc đời qua đi mà không một tâm hồn nào được thay đổi. Tôi đổi lại lời
cầu : "Lạy Chúa, xin cho con thiện chí để hoán cải tất cả những người
tiếp xúc với con.
Bây giờ tôi đã già và gần kết thúc cuộc đời.
tôi cảm thấy mình ngu dại biết bao. Lời câu nguyện của tôi bây giờ là :
"Lạy Chúa, xin cho con thiện chí để hoán cải chính con". Nếu tôi xin
điều này ngay từ đầu, tôi đã không lãng phí cuộc đời".
V. LỜI NGUYỆN CHO MỌI NGƯỜI
Chủ tế : Anh chị em thân mến, Chúa Giêsu mời gọi hết thảy mọi Kitô hữu hãy nên hoàn thiện như Cha trên trời. Với ước muốn nên trọn lành, chúng ta cùng tha thiết nguyện xin :
1. Hội thánh luôn cần những vị mục tử tài đức và thánh thiện để hướng dẫn
Dân Chúa / Chúng ta hiệp lời cầu xin Chúa ban cho Hội thánh nhiều vị mục
tử khôn ngoan / sáng suốt và nhiệt tình trong đời sống mục vụ.
2. Ngày nay / tội ác diệt chủng vẫn còn xảy ra ở nhiều nơi trên thế
giới / Chúng ta hiệp lời cầu xin Chúa hoán cải con tim của người thời
nay / để họ biết tránh xa tội ác / và nỗ lực làm nhiều việc
thiện / nhờ đó nhân loại tránh được biết bao thảm họa đau lòng.
3. Trong cuộc sống thường ngày / có những người lúc nào cũng thích
ngồi ghế thẩm phán / xét xử và kết án anh em mình cách vô trách
nhiệm / Chúng ta hiệp lời cầu xin cho các Kitô hữu / luôn ý thức thân
phận tội lỗi yếu đuối của mình / để đừng bao giờ lên án bất cứ ai.
4. Xét mình là một việc làm hết sức cần thiết trong đời sống đức tin của
người Kitô hữu / Chúng ta hiệp lời cầu xin cho mỗi thành viên trong cộng
đoàn giáo xứ chúng ta / biết trung thành xét mình mỗi ngày / để sửa
chữa những thiếu sót lỗi lầm.
VI. TRONG THÁNH LỄ
- Trước kinh Lạy Cha : Kinh Lạy Cha
là lời kinh chính Chúa Giêsu dạy cho các môn đệ, gồm chứa những lời cầu xin cần
thiết nhất. Vì thế chúng ta hãy đọc một cách hết sức sốt sắng và chân thành.
VII. GIẢI TÁN
Chúng ta hãy nhớ lại một lời trong bài Tin Mừng
hôm nay "Xem quả thì biết cây". Chỉ nguyên việc tham dự Thánh lễ chưa
đủ để là môn đệ của Chúa. Người môn đệ của Chúa còn phải sinh ra hoa quả là
những việc lành nữa. Xin Chúa giúp chúng ta thực hiện Lời Chúa dạy.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét