LỄ CHÚA GIÊSU CHỊU PHÉP RỬA
Is 55,1-11 – 1Ga 5,1-9 – Mc 1,7-11
Is 55,1-11 – 1Ga 5,1-9 – Mc 1,7-11
PHÉP RỬA: CÙNG CHẾT
VÀ PHỤC SINH
VỚI ĐỨC GIÊSU KITÔ
VỚI ĐỨC GIÊSU KITÔ
“Nếu
chúng ta cùng chết với Đức Kitô,chúng ta cũng sẽ cùng sống với Người”
(Rm 6,8)
1. Bài đọc I – Is 55,1-11
Đây
là phần đầu tiên của ‘Lời mời gọi cuối cùng’ mà tác giả sách Isaia II muốn ngỏ
với những người Israel sắp được hồi hương từ Babylon trở về để tái thiết đất
nước. Với giọng văn đầy khích lệ, ngay từ những câu đầu tiên, sấm ngôn của Đức
Chúa đã mở ra cho dân một thời đại mới với những sắc màu khác nhau của một cuộc
sống sung túc và miễn phí: ‘nước
đã sẵn đây hỡi những ai đang khát… đến mua rượu mua sữa, không phải trả đồng
nào…’
Trong thời đại mới ấy, Đức Chúa còn
bảo đảm cho dân sẽ được ăn ngon, được thưởng thức cao lương mỹ vị, được sống,
được vinh hiển, được xót thương… nếu họ biết lắng tai nghe, biết tìm kiếm, biết
kêu cầu Đức Chúa, nếu họ biết từ bỏ đường lối gian ác và tư tưởng bất lương của
mình.
Thời đại mới mà Đức Chúa hứa ban còn
là thời đại hoạt động đầy năng động của Lời: những tâm hồn quảng đại biết đón
nhận Lời của Ngài chắc chắn sẽ đâm chồi nảy lộc để rồi sinh hoa kết quả dồi
dào.
2. Bài đọc II – 1Ga 5,1-9
Tác giả thư 1 Gioan nhấn mạnh tầm quan
trọng của thái độ tin vào Đức Giêsu dưới hai chiều kích bổ sung cho nhau: Tư
cách con Thiên Chúa, nghĩa là người được Thiên Chúa sinh ra, không chỉ lệ thuộc
vào tình yêu của họ dành cho Chúa cũng như cho anh chị em của mình, nhưng trước
hết phải dựa trên thái độ tin rằng Đức Giêsu là Đấng Kitô. Và ai có thể thắng
được thế gian nếu không phải là người đã tin rằng Đức Giêsu là Con Thiên Chúa.
Như thế, chỉ có niềm xác tín mạnh mẽ rằng Đức Giêsu là Đấng Kitô và là Con
Thiên Chúa mới có thể làm cho con người được Thiên Chúa sinh ra và nhờ đó mới
có khả năng để chiến thắng thế gian.
Thái độ tin rằng Đức Giêsu là Đấng
Kitô và là Con Thiên Chúa đặt nền tảng trên lời chứng của chính Thiên Chúa và
Con của Người: Thần Khí, Đấng đã hiện diện để chứng thực tư cách Con Thiên Chúa
của Đức Giêsu trong sông Giôđan, nước gợi nhớ lại phép rửa của Đức Giêsu tại
sông Giôđan; còn máu làm nhớ đến cái chết của Người trên thập giá. Ngoài ra,
khái niệm kép ‘nước và máu’ còn gợi nhớ đến hình ảnh ‘người lính lấy giáo đâm
cạnh sườn Người. Tức thì, nước cùng máu chảy ra’ (Ga 19,34), đây là biểu tượng
của Bí tích Thánh tẩy và bí tích Thánh Thể của Giáo hội.
3. Bài Phúc âm – Mc 1,7-11
Đoạn phúc âm gồm hai trình thuật
chính:
1. Lời giới thiệu của Gioan về sự cao cả
của Đức Giêsu cùng với sự phân biệt rõ ràng về hai phép rửa: – Phép rửa của
Gioan: hành vi dìm mình trong nước. Điều này giả định đã có một sự hoán cải nội
tâm trước đó và đặt người chịu phép rửa vào số những người tích cực mong đợi
đấng Mêsia xuất hiện – Phép rửa của Chúa Giêsu: được thực hiện trong Thánh
Thần. Chính Thánh Thần là tác nhân chính hướng dẫn Đức Giêsu thực hiện công
trình cứu độ loài người, cũng chính Thánh Thần được ban cho các tín hữu
trong bí tích rửa tội để biến họ thành chứng nhân của Đức Kitô.
2. Hành vi Gioan Tẩy giả dìm Đức Giêsu
trong nước sông Giôđan khi thực hiện phép rửa cho Ngài chính là hình ảnh tiên
trưng cho cái chết mà Đức Giêsu sẽ thực hiện sau này trong cuộc thương khó.
Đang khi kiểu diễn tả liền sau đó ‘vừa lên khỏi nước’ lại là hình ảnh tiên
trưng cho sự trỗi dậy từ trong kẻ chết (sự phục sinh) của Đức Giêsu. Hai hành
động đầy tính biểu tượng này của Chúa Giêsu đã được xác thực ngay sau đó bằng
hai hành động: a/ ‘Thánh Thần, như chim bồ câu ngự xuống trên Người’: Thánh
Thần chính là quà tặng của Chúa Cha để đồng hành với Đức Giêsu trên suốt hành
trình sứ vụ; b/ ‘Có tiếng từ trời phán: ‘Con là Con yêu dấu của Cha, Cha hài
lòng về Con.’: Đây chính là lời xác quyết minh nhiên với Đức Giêsu cho thấy rõ
điều Đức Giêsu đang thực hiện là hoàn toàn đúng với thánh ý Chúa Cha.
Biến cố Chúa Giêsu chịu phép rửa còn là
cột mốc đánh dấu sự khai mở thời kỳ hoạt động công khai của Chúa Giêsu. Thời
đại mới này là thời đại hoạt động của Thánh Thần trong Đức Giêsu để mạc khải về
Chúa Cha cho toàn thể nhân loại.
II. GỢI Ý ÁP DỤNG
1. ‘Hãy lắng tai và đến với Ta, hãy nghe thì
các ngươi sẽ được sống.’ Ngôn
sứ Isaia II tiên báo với dân Israel
còn đang lưu đày về một thời đại mới đặt nền tảng trên việc lắng nghe chính Đức
Chúa. Chính mối liên hệ chặt chẽ của dân với Thiên Chúa sẽ trở nên một bảo đảm
chắc chắn cho cuộc sống của họ. Mối tương quan của mỗi cá nhân, của mỗi cộng
đoàn, của mỗi giáo xứ trong việc lắng nghe Lời Chúa sẽ là một bảo đảm chắc chắn
cho đời sống đức tin của toàn thể Giáo hội.
2. ‘Phàm
ai tin rằng Đức Giêsu là Kitô và là Con Thiên Chúa’. Chỉ có niềm xác tín mạnh mẽ rằng Đức
Giêsu là Đấng Kitô và là Con Thiên Chúa mới có thể làm cho con người được Thiên
Chúa sinh ra và nhờ đó mới có khả năng để chiến thắng thế gian.
3. ‘Đức Giêsu được ông Gioan làm phép rửa
dưới sông Giôđan. Vừa lên khỏi nước…’Phép rửa của Đức Giêsu là hình
ảnh tiên trưng cho cái chết và sự phục sinh của Người sau này. Hành vi mỗi
người bị dìm vào nước nơi bí tích rửa tội cũng trở nên hình ảnh tiên trưng cho
một nỗ lực cùng với Đức Kitô phải chết đi mỗi ngày, điều đó như là một bước
trước cần thiết cho việc được thông phần vào cuộc phục sinh vinh hiển với Đức
Kitô (x. Rm 6,8).
III. LỜI NGUYỆN CHUNG
Chủ
tế: Anh
chị em thân mến! Thiên Chúa Cha đã sai Con Một của Người đến trần gian để khai
mở một phép Rửa mới trong Chúa Thánh Thần, hầu tái sinh và dẫn đưa toàn thể
nhân loại về với Người. Chúng ta cùng cảm tạ Chúa và dâng lời cầu xin.
1. Hội Thánh là cộng đoàn những người đã
chịu phép Rửa nhân danh Thiên Chúa Ba Ngôi. Chúng ta cùng cầu nguyện cho mọi
thành phần trong Hội Thánh luôn trung thành và nhiệt tâm với sứ mạng đã
được ủy thác khi lãnh nhận bí tích Rửa tội.
2. Niềm
tin vào Đức Kitô giúp cho con người có khả năng chiến thắng thế gian. Chúng ta
cùng cầu nguyện cho mọi người đang thành tâm tìm kiếm chân lý biết nghe
theo sự soi dẫn của Thánh Thần mà tin nhận Đức Giêsu Kitô là Đấng Cứu
Chuộc nhân loại.
3. Gioan nói với dân chúng rằng: “Có Đấng
quyền thế hơn tôi đang đến sau tôi.” Chúng ta cùng cầu nguyện cho các kitô hữu
luôn ý thức và nhiệt tình giới thiệu Đức Giêsu Kitô cho mọi người chung quanh
bằng chính đời sống gương mẫu của mình.
4. “Con là Con yêu dấu của Cha, Cha hài
lòng về Con.” Chúng ta cùng cầu nguyện cho mọi người trong cộng đoàn chúng ta
biết sống tâm tình của người con thảo, luôn tìm kiếm và thực thi ý Chúa để được
sống trong tình thương yêu chăm sóc của Người.
Chủ
tế: Lạy Thiên Chúa là Cha giàu lòng
thương xót, xin thương nhận những ý nguyện chân thành của cộng đoàn chúng con,
và giúp mỗi người chúng con luôn sống xứng đáng với ơn gọi của mình qua Bí tích
Rửa tội. Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con.
Đức Giêsu chịu phép rửa
(Lc 3,15-22)
(Lc 3,15-22)
Minh họa
- Đức Giêsu chịu phép rửa (Lc
3,15-22)
Sợi chỉ
đỏ :
Sứ mạng của Đức Giêsu là làm Đấng
Messia, một Đấng Messia vừa cao sang trong thân phận Con Thiên Chúa, vừa khiêm
tốn như một Người Tôi tớ.
- Bài đọc I (Is 42,1-4.6-7) :
Hình ảnh Người Tôi Tớ được mặc khải cho ngôn sứ Isaia.
- Đáp ca (Tv 28) : "Tiếng
Chúa vang rền trên sóng nước". Hai hình ảnh "nước" và
"tiếng" sẽ được dùng lại trong bài tường thuật Đức Giêsu chịu phép
rửa.
- Tin Mừng (Lc 3,15-16.21-22) :
Trong biến cố Đức Giêsu chịu phép rửa, Chúa Thánh Thần đã lấy hình chim bồ câu
ngự xuống trên Ngài, và tiếng Chúa Cha từ trời giới thiệu Ngài là Con yêu dấu
của Chúa Cha.
- Bài đọc II (Cv 10,34-38) :
Thánh Phêrô hiểu biến cố Đức Giêsu chịu phép rửa là lễ tấn phong Ngài làm Đấng
Messia.
I. DẪN
VÀO THÁNH LỄ
Lễ
Đức Giêsu chịu phép rửa hôm nay kết thúc mùa Giáng sinh và dẫn chúng ta vào
ngưỡng cửa đời sống công khai của Ngài. Lời Chúa trình bày Đức Giêsu là Con yêu
dấu của Chúa Cha, được Chúa Thánh Thần tấn phong làm Messia – Đấng cứu thế –
nhưng muốn liên đới với loài người tội lỗi. Đây cũng là tấm gương cho chúng
ta : chúng ta cũng đã chịu phép rửa trong Chúa Thánh Thần, vậy chúng ta
hãy cố gắng sống như những đứa con hiếu thảo của Thiên Chúa và tham gia vào sứ
mạng loan Tin Mừng của Đức Giêsu.
II. GỢI
Ý SÁM HỐI
-
Chúng ta đã lãnh nhận phép rửa. Nhưng chúng ta có sống như những người con hiếu
thảo của Thiên Chúa không ?
-
Chúng ta đã lãnh nhận Chúa Thánh Thần. Nhưng chúng ta có quan tâm đến sứ mạng
loan báo Tin Mừng cho anh em chúng ta không ?
-
Chúng ta có luôn sống theo sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần không ?
III. LỜI
CHÚA
1.
Bài đọc 1 : Is 42,1-4.6-7
Đây
là bài thứ nhất trong 4 bài ca về Người Tôi Tớ trong sách Đệ nhị Isaia.
-
Người Tôi Tớ của Thiên Chúa là một vị vua hòa bình có sứ mạng "lập giao
ước" giữa Thiên Chúa với dân Ngài.
-
Người Tôi Tớ của Thiên Chúa là "ánh sáng của chư dân", làm cho muôn
dân biết rằng Thiên Chúa là Chúa duy nhất, đấng sáng tạo vũ trụ và sẵn sàng cứu
độ mọi người chứ không riêng gì người do thái.
-
Người Tôi Tớ của Thiên Chúa "sẽ xét xử chư dân", nghĩa là Ngài sẽ
chấm dứt sự đối đầu từ trước tới nay giữa Thiên Chúa của Israel với các thần
của các dân ngoại. Từ nay mọi người sẽ biết rằng chỉ có một Thiên Chúa duy
nhất, còn các thần của các dân ngoại chỉ là đồ hư vô.
-
Vì được Thánh Thần ngự trên mình, Người Tôi Tớ của Thiên Chúa là Đấng mạnh mẽ
và sẽ chiến thắng mọi kẻ thù. Nhưng Ngài không thích dùng bạo lực, trái lại
Ngài yêu thương cứu vớt những kẻ tội lỗi yếu đuối, "không lớn tiếng",
"không bẻ gãy cây lau bị dập, không dập tắt tim đèn còn leo lét".
Tất
cả những nét Isaia mô tả Người Tôi Tớ đều được thực hiện nơi Đức Giêsu.
2.
Đáp ca : Tv 28
Tv
này ca tụng Thiên Chúa là chủ tế các quyền lực thiên nhiên như sóng nước, thuỷ
triều, sấm sét v.v. Hôm nay, tiếng của vị chủ tể thiên nhiên ấy công nhận Đức
Giêsu là Con yêu dấu của Ngài.
3.
Tin Mừng : Lc 3,15-16.21-22
Đoạn
Tin Mừng này gồm hai phần :
-
Phần đầu (cc 15-16) : dân chúng tưởng Gioan tẩy giả là Đấng Messia. Nhưng
Gioan xác định ngay ông không phải. Mặc dù ông làm phép rửa nhưng chỉ bằng
nước ; Đấng Messia thật sẽ đến sau ông nhưng cao trọng hơn ông, Ngài sẽ
làm phép rửa trong Thánh Thần.
-
Phần sau (cc 21-22) : Đức Giêsu đến lãnh nhận phép rửa của Gioan. Đang khi
đó thì trời mở ra, Thánh Thần lấy hình chim câu ngự xuống trên Ngài và có tiếng
từ trời phán xuống " Con là Con của Cha. Ngày hôm nay Cha đã sinh ra
con".
4.
Bài đọc 2 : Cv 10,34-38
Bối
cảnh : Được Chúa Thánh Thần thúc đẩy, Thánh Phêrô đã rửa tội cho ông
Cornêliô, một người rôma. Đây là một hành động có tính cách mạng vì từ trước
tới nay các tông đồ chưa từng nghĩ đến việc cho người không do thái gia nhập
Giáo Hội.
Trong
bài nói chuyện trước những người do thái, Thánh Phêrô đã giải thích cho họ biết
tại sao ông làm vậy : "Thiên Chúa không thiên tư tây vị… ai kính sợ
Ngài và thực thi công chính đều được Ngài đón nhận". Phêrô còn chứng minh
rằng chính Đức Giêsu đã theo đường lối ấy kể từ lúc Ngài chịu phép rửa ở sông
Giođan.
IV. GỢI
Ý GIẢNG
*
1. Lễ tấn phong
Bài
Tin Mừng hôm nay trình bày việc Đức Giêsu chịu phép rửa như một nghi lễ tấn
phong : đang khi Thánh Gioan tẩy giả dìm Đức Giêsu trong dòng nước sông
Giođan thì ở phía trên trời mở ra, có Chúa Thánh Thần lấy hình chim câu đáp
xuống, và có tiếng Chúa Cha từ trời long trọng công bố "Con là con yêu dấu
của Cha. Con đẹp lòng Cha". Theo tin tưởng của người do thái, ngày một ông
vua được tấn phong cũng là ngày ông được làm Con của Thiên Chúa (thiên tử). Hôm
nay Thiên Chúa công nhận Đức Giêsu là Con yêu dấu của Ngài, tức là Thiên Chúa
tấn phong Ngài làm Messia, Đấng cứu thế.
Tuy
nhiên nếu ta đọc kỹ bản văn Tin Mừng thì sẽ thấy Đấng cứu thế này có vài nét
đặc biệt không như người ta vẫn tưởng :
-
Thứ nhất : Ngài đang ở chung với những kẻ tội lỗi xếp hàng chờ được Gioan
Tẩy giả làm phép rửa. Như thế Đức Giêsu tuy là một Đấng cứu thế nhưng không
tách biệt với những kẻ phàm tục tội lỗi, mà lại hòa mình với họ.
-
Thứ hai : tiếng Chúa Cha từ trời gọi Ngài là "Con yêu dấu". Đây
là lặp lại câu của Abraham ngày xưa nói với Isaac con yêu dấu của ông. Khi đó
Abraham đã già nhưng chỉ có mỗi một đứa con. Để thử lòng ông, Thiên Chúa bảo
ông phải đem Isaac đi giết để tế lễ cho Ngài. Abraham thương con lắm nhưng phải
vâng lời Thiên Chúa. Ông bảo Isaac vác một bó củi, phần ông thì dấu một con dao
trong áo. Hai cha con lên núi chọn chỗ tốt để tế lễ. Isaac ngây thơ hỏi
"Củi thì đã có sẵn nhưng lễ vật thì ở đâu ?" Câu hỏi ngây thơ
của đứa con làm cho lòng Abraham đau như cắt. Nhưng ông đáp "Con yêu dấu
ơi. Chúa sẽ lo liệu". Trong chuyện xưa, "con yêu dấu" là cậu bé
Isaac sắp bị giết chết làm lễ tế cho Thiên Chúa. Trong đoạn Tin Mừng này,
"Con yêu dấu" là chính Đức Giêsu. Ngài cũng sẽ giống như Isaac xưa,
sẽ bị giết chết để làm lễ tế dâng lên Thiên Chúa chuộc tội cho loài người.
Như
thế ngày Đức Giêsu chịu phép rửa là ngày Ngài được tấn phong làm Đấng cứu thế
dùng chính cái chết của mình để cứu chuộc loài người tội lỗi.
*
2. "Cha hài lòng về con"
Đức Giêsu làm gì mà khiến Chúa Cha
hài lòng ? Lúc đó Đức Giêsu đang chịu phép rửa bởi tay Gioan Tẩy giả trong
dòng sông Giođan. Mà phép rửa của Gioan là một nghi thức dành cho người tội lỗi
để bày tỏ lòng sám hối. Đức Giêsu không cần phải bày tỏ lòng sám hối bởi vì
Ngài không có tội. Vậy mà Ngài chịu phép rửa như một tội nhân. Ngài làm như thế
là theo ý muốn của Chúa Cha. Một người con không thể làm gì cho cha mình hài
lòng bằng làm theo ý Cha và đúng y như ý Cha muốn. Tóm lại Chúa Cha hài lòng vì
thấy Đức Giêsu làm theo ý mình, mặc dù làm như thế thì Đức Giêsu phải hạ mình.
Nhờ thông phần với Đức Giêsu, tôi
cũng được nhận làm "con" của Chúa Cha. Nếu tôi muốn cho Cha hài lòng,
tôi cũng phải luôn làm theo ý Cha, và tôi phải hạ mình sống khiêm tốn.
3.
Tác động của Chúa Thánh Thần
Trong
biến cố chịu phép rửa, Đức Giêsu đã được Chúa Thánh Thần lấy hình chim bồ câu
ngự xuống trên mình, và được tấn phong làm Đấng Messia.
Trong
chuyện hồng thuỷ ngày xưa, chim bồ câu là hình ảnh tiên báo cảnh thái bình. Hôm
nay Chúa Thánh Thần lấy hình chim bồ câu ngự xuống trên Đức Giêsu cũng cho biết
Ngài là Đấng cứu thế mang lại thái bình cho loài người.
Thật
vậy, như bài đọc I mô tả, Đức Giêsu là một Người Tôi tớ hiền dịu "không
lớn tiếng", "không bẻ gãy cây lau bị dập, không dập tắt tim đèn còn
leo lét". Phần thánh Phêrô thì khẳng định trong bài đọc II :
"Ngài đi qua mọi nơi, ban bố ơn lành và chữa mọi người bị quỷ ám".
Tác
động của Chúa Thánh Thần ngày nay cũng thế : bình an, dịu dàng, chữa lành,
ban sự sống mới…
4. Thời điểm quyết định trong đời
Nhiều người đã thay đổi hẳn cuộc đời
vì một thời điểm quyết định. Thời điểm đó giống như lúc ta đi đến một ngã tư và
phải chọn một trong 4 hướng để tiến tới.
Đó là thời điểm mà tâm trí ta được
soi sáng đặc biệt. Nếu ta đáp lại thì đời ta sẽ vươn lên, đồng thời kéo theo
nhiều người khác cũng vươn lên. Nhưng nếu ta bỏ qua thì cơ may có thể không bao
giờ trở lại.
Thời điểm ấy có thể đến một cách đột
ngột. Như trường hợp của Matt Talbot, một người nghiện rượu, ngày nào cũng say
bí tỉ. Một hôm anh đứng trước quán rượu chìa tay xin tiền những người qua lại
mà anh nghĩ là bạn bè thân thuộc. Nhưng mọi người đều đi qua, chẳng ai cho anh
một xu. Trong giây phút ấy, giống như những vảy cá trong mắt anh bỗng rơi
xuống, anh chợt nhận thức rằng mình đang phá hỏng đời mình. Thế là anh quyết
định bỏ rượu và cố gắng nhờ ơn Chúa để trở thành một vị thánh.
Thời điểm ấy cũng có thể đến từ từ.
Như trường hợp của Mẹ Têrêxa. Mẹ đang làm việc trong một trường nội trú của
những nữ sinh con nhà khá giả ở Calcutta .
Nhưng lòng mẹ luôn ray rứt vì thường nhìn thấy những người nghèo nắm vất vưỡng
trên những hè phố. Thế là một hôm, Mẹ quyết định đi phục vụ những người nghèo
ấy. Từ đó trở đi, tên "Mẹ Têrêxa Calcutta" trở thành điển hình cho
việc hiến thân phục vụ những kẻ bị bỏ rơi.
Bài Tin Mừng hôm nay cũng thuật lại
thời điểm quyết định của cuộc đời Đức Giêsu, đó là khi Ngài lãnh nhận phép
Thanh tẩy. Trước đó Ngài sống một cuộc sống tương đối bình lặng của một người
thợ mộc làng Nadarét. Nhưng khi nhận phép rửa, Ngài đã nghe một tiếng nói từ
trời cao, gọi Ngài làm một việc khác quan trọng hơn. Từ đó trở đi Ngài giã từ
nếp sống cũ, bắt đầu cuộc sống mới chuyên lo rao giảng Tin Mừng và cứu chữa mọi
người.
Tất cả chúng ta cũng đều lãnh nhận
Phép Rửa. Đó phải là thời điểm quyết định của cuộc đời chúng ta, bởi vì khi
lãnh nhận phép rửa là chúng ta lãnh nhận một cuộc sống mới (Bài đọc I), trong
Phép Rửa chúng ta trở thành môn đệ Đức Giêsu, chúng ta được mời gọi chiến đấu
chống lại sự dữ và yêu thương anh em mình (Bài đọc II). Tuy nhiên vì khi đó
chúng ta chưa ý thức đủ nên cuộc đời chúng ta không đổi thay được gì mấy.
Hôm nay chúng ta hãy ý thức lại thời
điểm quan trọng ấy để thay đổi cuộc đời, sống đúng theo ơn gọi của người Kitô
hữu (Viết theo Flor McCarthy)
5. Khúc
dạo đầu tình yêu
Cha Anthony de Mello có kể một câu
chuyện sau đây :
Cả cộng đoàn đều thắc mắc khi thấy vị
kinh sư của mình tuần nào cũng biến đâu mất vào hôm trước ngày Sabat. Họ nghĩ
rằng ông bí mật đi gặp Đấng Tối Cao. Vì thế, họ cử một người theo dõi ông.
Và đây là điều người ấy chứng kiến.
Vị kinh sư hóa trang bằng cách ăn mặc như một dân quê, đến phục vụ một bà già
thuộc dân ngoại trong căn lều tồi tàn của bà. Ông quét dọn và nấu ăn cho bà
trong ngày Sabat.
Khi thám tử trở về, cộng đoàn
hỏi :
- Kinh sư đi đâu ? Ngài lên trời
phải không ?
Người kia đáp :
- Không, ngài còn lên cao hơn cả trời
nữa.
*
Có ai ngờ vị kinh sư lại âm thầm đến
với người đàn bà ngoại đạo, nghèo hèn để chăm sóc bà trong ngày Sabat ? Có
ai tin được Đức Giêsu, Đấng thánh thiện cao cả, lại xin Gioan làm phép Rửa
cho ?
Khi chiêm ngắm Đức Giêsu xếp hàng chung
với tội nhân, chúng ta hiểu được thế nào là tình yêu.
Chỉ có Tình yêu mới giúp chúng ta
hiểu được mầu nhiệm nơi dòng sông Giođan.
Chỉ có Tình yêu mới làm cho Con Thiên
Chúa tự che khuất sự cao sáng thánh thiện, để dìm mình trong phép rửa "thống hối".
Chỉ có Tình yêu mới làm cho Đấng Cứu
độ sống như người cần được Cứu độ.
Phép Rửa hôm nay chỉ là khúc đạo đầu
của bản trường ca Tình yêu. Để rồi vì yêu thương, từ đây Con Thiên Chúa sẽ bị
người đời liệt vào : "Tay
ăn nhậu, bạn bè với quân thu thế và phường tội lỗi"
(Lc.7,34). Bị người nhà coi là "kẻ mất trí".
Bị xua đuổi ra khỏi thành. Bị lên án như một tội nhân. Và bị chết treo giữa
những tên trộm cướp. Đến nỗi thánh Phaolô đã phải thốt lên : "Đấng chẳng hề biết tội là gì thì Thiên Chúa đã làm cho
Người thành tội vì chúng ta".
Đức Giêsu gọi cuộc thương khó của
Người là một "phép rửa".
Người trầm mình trong đau khổ để mang lại Ơn Cứu Độ cho mọi người : "Thầy còn một phép rửa phải chịu, lòng Thầy khắc khoải biết
bao cho đến khi việc này hoàn tất" (Lc.12,50).
Qua Bí tích Rửa tội, chúng ta đã trở
nên các Kitô hữu, "Con cái yêu
dấu" của Thiên Chúa. Chúng ta cũng được mời gọi đi loan
báo Tin Vui cứu độ, rằng Thiên Chúa yêu thương con người. Chúng ta được mời gọi
đặc biệt để mang Tình yêu Chúa đến cho những người cùng khổ, những người bị bỏ
rơi, bị khinh miệt, bị sa ngã trong tội. Martin Luther King có nói : "Hãy yêu thương mọi người đừng vì thiện cảm ; cũng
không vì cách sống của họ dễ mến, dễ thương. Nhưng vì chính Thiên Chúa ở trong
họ". Nếu chúng ta chờ cho họ trở nên đáng yêu rồi mới
yêu họ, chúng ta sẽ phải chờ suốt đời. Chính khi được yêu mà họ sẽ trở nên đáng
yêu.
Trong biển đời mênh mông này, mỗi
người đều không ngừng thay đổi cả hướng tốt lẫn xấu, chúng ta chớ cho rằng mình
đã hiểu tới chân tơ kẻ tóc một ai đó. Cứ nghe theo trái tim mách bảo mà quảng
đại trao ban.
Zundel viết : "Đừng để ai trong những người anh em của chúng ta có thể phàn
nàn, rằng họ chẳng gặp được lòng nhân hậu của Thiên Chúa nơi chúng ta".
*
Lạy Chúa,
Chúa đã nên bạn đồng hành với thân phận mỏng dòn yếu đuối của chúng con, xin
cho chúng con cũng biết đem Tình yêu cao cả nồng ấm của Chúa đến cho anh chị em
chúng con. Amen. (Thiên Phúc, "Như Thầy đã
yêu")
6. Hòa đồng với những người tội
lỗi
Mahatma Gandhi không phải là một kitô
hữu, nhưng ngài là một trong những người đã sống giống Đức Kitô nhất trong thế
kỷ của ngài.
Gandhi kiên quyết chống lại hệ thống
phân biệt giai cấp ở Ấn độ. Ngài gọi đó là "một vết nhơ trong linh hồn
nước Ấn độ". Ngài đặc biệt ghê tởm cách người ta đối xử với những người
"không nên đụng tới", tức là những người không được xếp vào giai cấp
nào cả trong xã hội : họ không được vào các đền thờ ; nếu sống ở
thành thị, họ bị buộc phải ở trong những khu ổ chuột ; nếu sống ở thôn
quê, họ bị cấm không cho sử dụng những giếng nước công cộng ; về việc làm,
họ chỉ được làm những việc thấp hèn với đồng lương rất thấp.
Vì là một nhân vật nổi tiếng khắp Ấn
độ nên Gandhi đi đến đâu cũng được mọi người tiếp rước nồng hậu. Khi ngài vào
một làng nào thì ông trưởng làng mời ngài đến trọ tại nhà ông ta với đầy đủ
thức ăn thức uống và mọi tiện nghi dễ chịu. Nhưng Gandhi luôn từ chối một cách
lịch sự. Ngài hỏi : "Những người ‘không nên đụng tới’ ở đâu
vậy ? Tôi muốn trọ tại nhà họ". Và quả thực ngài đã đến với những
người ấy, ở với họ, ăn uống với họ, chơi đùa với con cái họ. Có lần ngài còn
nói : "Tôi không thể được sinh ra lần nữa. Nhưng nếu có thể thì tôi
muốn sinh ra giữa những người ‘không được đụng tới’, vì nhớ đó tôi mới có thể
giải phóng họ và chính bản thân tôi khỏi cuộc sống khốn khổ". Tóm lại
Gandhi đã quên thân phận mình để hòa đồng với những người khốn khổ hầu có thể
giải phóng họ.
Hôm nay Đức Giêsu xếp hàng chung với
những kẻ khốn khổ để chờ được Gioan làm phép thanh tẩy. Ngài đã quên thân phận
mình để hòa mình với những kẻ khốn khổ. Những kẻ khốn khổ ấy là những người tội
lỗi, những người nghèo, những người bệnh tật, những kẻ bị xã hội coi khinh. Họ
là thành phần đa số trong xã hội Palestina thời đó. Đức Giêsu không tách riêng
ra, Ngài không đứng bên lề, không chờ họ đến với Ngài, mà đích thân tìm đến với
họ và ở giữa họ.
Chính Chúa Cha từ trời đã vừa ý với
sự chọn lựa ấy, nên đã phán : "Con là con yêu dấu của Cha. Cha hài
lòng về con" (Viết theo Flor McCarthy)
V. LỜI
NGUYỆN CHO MỌI NGƯỜI
Chủ tế :
Anh chị em thân mến, Đức Giêsu đã lãnh nhận phép rửa của thánh Gioan Tiền Hô,
rồi được Chúa Cha tỏ lòng sủng ái, và được Chúa Thánh Thần tấn phong làm Đấng
Cứu độ muôn dân. Chúng ta hết lòng cảm tạ và dâng lời cầu xin :
1.
Xin cho mọi người đã được Chúa Thánh Thần xức dầu tấn phong làm Kitô hữu /
luôn sẵn sàng cộng tác với Hội thánh để đem ơn cứu độ đến cho thế giới.
2.
Xin cho mọi người lương thiện đang kiếm tim hạnh phúc thật / được gặp thấy
Đức Giêsu là Đấng Cứu độ / và là Đường dẫn tới hạnh phúc thật.
3.
Xin cho mọi người đang băn khoăn đau khổ trước cuộc sống đầy bất công và bất
hạnh / biết mở rộng tâm hồn để đón nhận ơn ban của Chúa Thế giới.
4.
Xin cho mọi người trong cộng đồng xứ đạo chúng ta đã lãnh nhận bí tích Thêm
sức / luôn nhớ thi hành sứ vụ truyền giáo cho những người chung quanh
mình.
Chủ tế :
Lạy Chúa, chúng con đã được Rửa tội và được Thêm sức trong Đức Giêsu Kitô và
Thánh Thần của Người để được làm con cái Chúa, xin cho chúng con luôn sống xứng
đáng người con yêu của Chúa. Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô...
VI. TRONG
THÁNH LỄ
-
Trước kinh Lạy Cha : Chúng ta cũng được thanh tẩy trong cùng một
Thánh Thần như Đức Giêsu và cũng được làm Con yêu dấu của Chúa Cha. Giờ đây,
chúng ta hãy cùng với Đức Giêsu dâng lên Thiên Chúa là Cha những tâm tình con
thảo của chúng ta.
-
Trước lúc rước lễ : Thánh lễ là một bàn tiệc, con cái và cha mẹ
quây quần bên nhau trong cùng một bàn ăn. Chúng ta được chia xẻ thân phận làm
con của Đức Giêsu nên cũng được mời dự bữa tiệc thánh này. "Đây Chiên
Thiên Chúa, đây Đấng xóa tội trần gian. Phúc cho ai được mời đến dự tiệc Chiên
Thiên Chúa"
VII. GIẢI
TÁN
Chúng
ta đã được thanh tẩy trong Đức Giêsu và được tuyển chọn bởi Chúa Thánh Thần để
đem Tin Mừng đến cho mọi người. Chúng ta hãy ra đi thi hành sứ mạng cao cả ấy.
Chúc anh chị em bình an.
CHUA CHIU PHEP RUA (Lc 3,15-16.21-22)
Lời
Chúa hôm nay chúng ta tìm hiểu 2 điểm:
1.Hồng ân nhờ Chúa chiu Phép Rửa.
2.
Hồng ân được làm con Thiên Chúa
Hôm nay
Chuá Giêsu chịu phép Rửa. Đang khi Người cầu nguyện, thì trời mở ra. Lại có tiếng Chúa Cha phán rằng:" Con là Con yêu dấu của Cha, ngày hôm nay
Cha đã sinh ra Con ".
Chưa bao
giờ Thiên Chúa với uy quyền của mình xác nhận như vậy với nhân loại chúng ta.
Để chúng ta hiểu được căn tính Thiên Chúa của Chúa Giêsu, lời xác nhận của Chúa
Cha còn được chứng minh thêm bởi sự hiện diện của Chúa Thánh Thần. Chúa Thánh
Thần xuất hiện qua mọi biến cố quan trọng trong cuộc đời Chúa Giêsu.
Chúa
Thánh Thần đã được đề cập đến, khi Mẹ Maria được thiên thần truyền tin: "
Thánh Thần sẽ ngự xuống trên bà, và quyền năng Đấng Tối Cao sẽ rợp bóng trên
bà, vì vậy Đấng Thánh sắp được sinh ra sẽ được gọi là Con Thiên Chúa " (
Lc 1, 35).
Giờ đây
Chúa Cha tuyên bố Chúa Giêsu là Con trước mọi người:“Con là Con cua Cha, ngày hôm nay, Cha đã sinh ra Con”.
Chúa Giêsu đã sinh ra trong trí Đức Chúa Cha từ
trước muôn đời. Khi Nhập thể làm người, Chúa Giêsu sinh ra tại Belem . Người ở nhà Nazareth với Đức Mẹ và
Thánh Giuse 30 năm. Nhưng hôm nay, Chúa chịu Phép Rửa, nên Chúa Cha tuyên bố:
“Con là Con cua Cha, ngày hôm nay, Cha đã sinh ra Con”.
Mỗi người chúng ta khi chịu Phép Rửa tội, chúng ta
cũng được làm con Thiên Chúa. Chúng ta được hạnh phúc làm con Thiên Chúa nhờ
vào việc Chúa Giêsu chịu Phép Rửa hôm nay. Thánh Giám Mục Côngtăngtinốp đã nói:
“Xưa kia, nước hồng thủy đã giết chết loài người, hôm nay, nước thanh tẩy, nhờ
quyền năng của Đấng chịu thanh tẩy, đã đưa kẻ chết về cõi sống. xưa kia, chim
bồ câu ngậm cành ô lưu, ám chỉ hương thơm của Đức Kitô. Hôm nay, Chúa Thánh
Thần hiện diện dưới hình chim bồ câu cho thấy Ngài là Chúa nhân từ. Xưa kia, trong
Lịch sử Cứu độ, Thiên Chúa thánh hóa con người. Hôm nay, Thiên Chúa để cho con
người thánh hóa. Xưa kia, chim bồ câu ngậm cành ô liu, báo tin Đại Hồng Thủy
giết người đã hết. Hôm nay, Chúa Thánh Thần dưới hình chim bồ câu loan báo: Mùa
Hồng ân cứu độ đã đến, kẻ thù cuối cùng là thần chết bị hủy diệt. nhân loại
được hân hoan bước vào cõi sống.”
Nhưng chúng ta có nhận ra hạnh phúc vì được làm con
Thiên Chúa không?
Lễ Chúa Giêsu chịu Phép Rửa- Năm B
(Mc 1, 6b-11)
Tiếp theo lễ Chúa Hiển
Linh, Phụng vụ của Giáo Hội mời gọi chúng ta cử hành lễ Chúa Giêsu Chịu Phép
Rửa, kết thúc mùa Giáng sinh. Lễ này đã được các Giáo phụ quan tâm đặc biệt
ngay từ những thời kỳ đầu, vì tầm quan trọng đặc biệt có tính cổ thời của nó.
Đây là lễ được mừng sớm nhất, chỉ sau lễ Phục sinh, vì nó bao hàm lời rao giảng
của các Tông Đồ, là điểm khởi hành cho tất cả những việc mà các Tông Đồ phải
làm chứng cho (x. Tđcv 1, 21-22; 10, 37-41). Thứ đến, đây là lần đầu tiên, mầu
nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi được mạc khải một cách đầy đủ và rõ ràng. Lý do nữa là
phép rửa của Chúa Giêsu nơi sông Giordan loan báo trước cho phép rửa bằng Máu
của Chúa trên Thập Giá, và tượng trưng cho toàn bộ những hoạt động có tính cách
bí tích của Ðấng Cứu Thế. Để thực hiện ơn cứu rỗi nhân loại, Ngài đặt mình vào
hàng ngũ các tội nhân, mặc dù Ngài là Đấng vô tội, nhưng Ngài đã mang trên mình
tất cả tội lỗi của nhân loại. Hành động khiêm nhường và tự hủy này, đã được
Chúa Cha chứng dám : " Con là Con yêu dấu của Cha, Con đẹp lòng Cha"
(Mc 1, 11). Cùng với Đức Giêsu, Chúa Thánh Thần xuất hiện dưới hình chim bồ câu
đậu xuống trên Người, để chỉ cho chúng ta tín điều Thiên Chúa Ba Ngôi Chí Thánh
mà chúng ta sẽ thấy diễn ra tương tự nơi biến cố Chúa Biến Hình.
Câu hỏi được đặt ra trước
hết là tại sao Chúa Giêsu là Đấng vô tội sao lại đến xin Gioan làm phép rửa?
Thánh Ghê-gô-ri-ô, giám
mục Na-di-en cho biết : "Có thể là Chúa muốn thánh hoá kẻ sắp làm phép rửa
cho Chúa, nhưng chắc chắn để chôn vùi trọn vẹn con người A-đam cũ trong dòng
nước. Thật vậy, trước khi thanh tẩy ta và để thanh tẩy ta, Chúa thánh hoá sông
Gio-đan ; vì Người vừa là thần khí vừa là xác phàm, nên Người cũng muốn nhờ
Thần Khí và nước để đưa chúng ta vào đạo". Nên dù Gioan làm phép rửa, ông
cũng chỉ là đèn đối với Mặt Trời, tiếng nói với Lời, phù rể đối với Chàng Rể,
người cao trọng nhất trong số những người sinh bởi đàn bà với Trưởng Tử mọi
loài thọ sinh, người nhảy mừng trong dạ mẹ với Đấng được thờ lạy ngay khi còn
trong lòng mẹ, người tiền hô hiện tại và tương lai với Đấng vừa xuất hiện và sẽ
xuất hiện. Quả thật, Gioan biết rằng mình sẽ được thanh tẩy bằng cuộc tử đạo.
(Trích bài giảng của thánh Grêgôriô, giám mục Na-di-en). Thánh Phêrô Kim Ngôn
giải thích rằng, khi Gioan làm phép rửa cho Chúa Giêsu thì : "Tôi tớ đóng
vai chủ, con người đóng vai Thiên Chúa, ông Gio-an đóng vai Đức Ki-tô ; ông
đóng vai đó để lãnh ơn thứ tha chứ không phải để ban phát". Nên Gioan
giảng: " Phần tôi, tôi đã rửa anh em trong nước, nhưng Người, Người sẽ rửa
anh em trong Thánh Thần" (Mc 1, 8). Đây là phép lạ vĩ đại đã xảy ra sau
khi Đấng Cứu Thế chịu phép rửa ; phép lạ này là khúc dạo đầu cho những gì sẽ
xảy ra. Đây không phải là Thiên Đàng khi xưa đóng lại vì tội của Ađam nay mở
ra, mà chính trời mở ra : " Khi vừa lên khỏi nước, Người liền thấy trời mở
ra, thấy Thánh Thần như chim bồ câu ngự xuống trên mình " (Mc 1,10).
Tại sao khi Chúa Giêsu vừa
lên khỏi nước, trời lại mở ra?
Chúa Giê-su vừa bước lên
khỏi nước lúc ấy trời mở ra là Chúa Giêsu nâng thế gian lên cao với Ngài. Vì
xưa kia, khi bị đuổi ra khỏi vườn địa đàng và bị lưỡi gươm lửa cấm đoán, chính
A-đam đã đóng cửa trời lại, không cho mình mà cũng không cho con cháu vào. Nay
nhờ Chúa Giêsu mà cửa trời được mở ra.
Trời mở ra, còn mạc khải
cho Gioan Tẩy Giả và những người Do Thái biết Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa.
Theo thánh Gioan Kim Khẩu, điều này muốn dạy chúng ta rằng, một sự tương tự vô
hình cũng xảy ra khi chúng ta chịu Phép Rửa Tội: Chúa Thánh Thần cũng ngự vào
tâm hồn của chúng ta. Ngài không ngự đến một cách hữu hình, bởi vì chúng ta
không cần: đức tin hiện nay là đủ... Thiên Chúa mở cửa trời để kêu gọi chúng ta
hướng về trời, vì quê hương chúng ta là quê trời, và mách bảo chúng ta rằng,
chúng ta không có gì ở dưới đất.
Tại sao Chúa Thánh Thần
lại lấy hình một con chim bồ câu mà hiện xuống?
Lý do là vì chim bồ câu
rất dịu dàng và trong sạch, và Chúa Thánh Thần là thần khí dịu êm và an bình .
Chim bồ câu cũng nhắc cho chúng ta nhớ lại một sự kiện chúng ta đọc thấy trong
Cựu Ước khi trái đất bị ngập do lũ lụt và toàn thể loài người trong nguy cơ hư
mất, chim bồ câu ngậm cành ôlui xuất hiện để báo sự chấm dứt của cơn đại hồng
thủy, tin vui hòa bình cho toàn thế giới. Giờ đây, tất cả những điều này cũng
tiên báo về tương lai. Khi tất cả đã hư mất, nay được giải thoát và đổi mới,
điều gì đã xảy ra khi nước lũ đến ngày hôm nay như là một lũ lụt của ân sủng và
lòng thương xót Chúa... Chim bồ câu, thay vì ngậm một cành ô liu báo cho Noe là
người duy nhất bước ra khỏi tầu để đặt chân lên mặt đất. Nay Chim bồ câu báo
tin trận hồng thuỷ tràn ngập thế gian đã lui đi, thế gian không còn phải chìm
ngập trong cảnh trầm luân muôn đời nữa, phẩm giá ơn gọi làm con Thiên Chúa của
chúng ta được phục hồi, và lôi kéo hết thảy mọi người lên Thiên Đàng.
Lời ngôn sứ nói :
"Tiếng Chúa vang rền trên nước... Tiếng Chúa uy linh tung sấm sét"
(Tv 28). Tiếng nào vậy ? "Này là tôi tớ Ta mà Ta nâng đỡ, là người Ta
chọn, Ta hài lòng về người. Ta ban Thần trí Ta trên người" (Is 42, 1). Đây
là tiếng từ trời vọng xuống để làm chứng cho Đấng từ trời mà đến. Tiếng đó bày
tỏ lòng tôn trọng thân xác dưới hình chim bồ câu, vì thân xác đã được thần hoá,
khi Thiên Chúa tự tỏ mình ra trong thân xác :"Con là Con yêu dấu của Cha ;
Con đẹp lòng Cha"(Mc 1, 11).
Vậy, phép rửa của Chúa
Giêsu và phép rửa của chúng ta có liên kết chặt chẽ với nhau. Phụng Vụ của ngày
lễ này đã hát lên như sau: "Đức Kitô chịu phép rửa, cả trần gian được
thánh hoá, chúng ta được tha thứ tội lỗi, được thanh tẩy nhờ nước và Thánh
Thần" (Tiền xướng của Kinh Bênêdictus, của Giờ Kinh Sáng). Chúng ta hãy
thanh tẩy mình cho thanh sạch, hãy tiếp tục thanh tẩy cho thanh sạch hoàn toàn
và đem lòng tôn kính mà tưởng niệm ngày Đức Ki-tô chịu phép rửa, và hãy mừng lễ
cách xứng đáng. Amen.
Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét