THÁNH LỄ TẤT NIÊN |
CHÚC TẾT CẤP TỈNH ỦY |
"Thánh Thần Chúa ngự trên tôi.
Ngài sai tôi đi loan báo Tin Mừng cho người nghèo"
Ngài sai tôi đi loan báo Tin Mừng cho người nghèo"
(Lc 4,18)
Minh
họa
- Mille images 56 B
- "Thánh Thần Chúa
ngự trên tôi. Ngài sai tôi đi loan báo Tin Mừng cho người nghèo" (Lc 4,18)
Sợi
chỉ đỏ :
Bài đọc I kể chuyện tư
tế Ét-ra đọc sách Luật cho dân do thái vừa từ chốn lưu đày trở về. Sau khi đọc
xong, Ét-ra an ủi họ "Anh em đừng buồn bã, vì niềm vui của Đức Chúa là
thành trì bảo vệ anh em".
Bài Tin Mừng kể chuyện
Chúa Giêsu đến hội đường Nadarét, đọc đoạn sách Isaia "Thánh Thần Chúa ngự
trên tôi, sai tôi đi loan báo Tin Mừng cho người nghèo". Đọc xong Ngài
tuyên bố : "Hôm nay ứng nghiệm lời Thánh Kinh quý vị vừa nghe".
I. DẪN VÀO THÁNH LỄ
Anh chị em thân mến
Chúa Giêsu bắt đầu sứ vụ của Ngài với lời tuyên
bố "Thánh Thần Chúa ngự trên tôi, sai tôi đi loan báo Tin Mừng cho những
người nghèo". Chúng ta đều là những người nghèo : kẻ thì nghèo vật
chất, người thì nghèo tinh thần. Như vậy Tin Mừng của Chúa được loan báo cho
chính chúng ta. Chúng ta hãy mở rộng lòng mình ra đón nhận Tin Mừng của Chúa.
II. GỢI Ý SÁM HỐI
- Chúng con thường khư khư bám lấy ý riêng,
không mở lòng ra đón nhận ơn soi sáng của Chúa Thánh Thần.
- Chúa Giêsu đã mang Tin Mừng đến cho chúng
con, nhưng chúng con không nhiệt tình đón nhận.
- Do cuộc sống ích kỷ và khô cằn, chúng con
không làm cho Tin Mừng của Chúa trở nên hấp dẫn đối với những người chưa biết
Chúa.
III. LỜI CHÚA
1. Bài đọc I (Nkm 8,1-10)
Dân do thái vừa từ chốn lưu đày trở về. Tư tế
Ét-ra tập họp mọi người tại quảng trường và đọc Sách Luật cho họ nghe. Có lẽ
đây chính là bộ Ngũ Thư mà Ét-ra đã sưu tập lại từ những nguồn tài liệu rải rác
có sẵn trước đó (các nguồn tài liệu J, E, D, P), vì thế mà thời gian đọc kéo
dài rất lâu, từ sáng tới trưa.
Khi nghe đọc, toàn dân đều khóc. Có lẽ một phần
do cảm động vì thấy được tình thương của Thiên Chúa đối với họ qua dòng lịch
sử ; phần khác là do hối tiếc bởi họ đã không đáp ứng tốt với tình thương
Thiên Chúa.
Ét-ra an ủi dân : "Anh em đừng sầu
thương khóc lóc, đừng buồn bã, vì niềm vui của Đức Chúa là thành trì bảo vệ anh
em".
2. Đáp ca (Tv 18)
Nối tiếp ý tưởng của bài đọc I, Tv 18 ca tụng
Luật Chúa : "Luật pháp Chúa quả là hoàn thiện, bổ sức cho tâm
hồn"
3. Tin Mừng (Lc 1,1-4 và 4,14-21)
Sau một thời gian hoạt động, Chúa Giêsu trở về
rao giảng tại chính quê hương mình là Nadarét miền Galilê. Tại đây, trong một
bối cảnh trang nghiêm và chính thức (ngày Sabbat, trong hội đường), Chúa Giêsu
công bố chương trình hoạt động của Ngài : Với tư cách là Messia vừa
được tấn phong, Ngài được sai đi loan Tin Mừng cho những người nghèo hèn, khốn
khổ. Như thế là Ngài thực hiện điều mà Thiên Chúa đã hứa từ xưa qua lời ngôn sứ
Isaia.
4. Bài đọc II (1 Cr 12,12-30) (Chủ đề
phụ)
Tiếp tục huấn đức cho tín hữu giáo đoàn Côrintô
đang chia rẻ nhau, Thánh Phaolô dùng hình ảnh nhiệm thể Đức Kitô.
- Giáo Hội là một thân thể mầu nhiệm, trong đó
Chúa Giêsu là đầu và các tín hữu là chi thể.
- Các chi thể tuy khác nhau, nhưng mỗi chi thể
có chức năng riêng của mình.
- Do đó các chi thể phải bổ túc cho nhau, đoàn
kết với nhau, và nhất là luôn kết hợp với đầu.
IV. GỢI Ý GIẢNG
* 1. Có phải là Tin Mừng không ?
Quyển sách ghi lại cuộc đời và giáo huấn của
Chúa Giêsu ngày xưa được gọi là "Ê Vang", trước đây không lâu lắm
được gọi là Phúc Âm, còn ngày nay thì thường được gọi là Tin Mừng.
Xét theo thần học Thánh Kinh thì hai chữ
"Tin Mừng" là đúng nghĩa nhất. Nhưng nếu xét về ảnh hưởng của nó trên
cuộc sống thì sao ?
Trên thực tế, có nhiều người không thích đọc
Tin Mừng. Nhiều người ngán không muốn nghe Tin Mừng. Tại sao ? Vì họ thấy
trong đó toàn là những bổn phận và những đòi buộc. Không nghe, không biết thì
không phải làm theo.
Sở dĩ có cảm giác ngán và sợ như thế là vì
người ta chỉ mới thấy được những chi tiết phụ, chứ chưa hiểu thấu tới cốt lõi.
Cốt lõi là một lời loan báo rất phấn
khởi : Xin hãy nghe đây. Thiên Chúa rất yêu thương loài người nên đã sai
Con của Ngài đến dạy cho loài người con đường hạnh phúc. Biết được con đường
dẫn tới hạnh phúc chẳng phải là một Tin Mừng sao ?
Dĩ nhiên những lời Chúa Giêsu dạy là những điều
ta phải làm theo, mà làm theo thì phải cố gắng, phải cực khổ, phải hy sinh v.v.
Nhưng làm theo như vậy thì sẽ được hạnh phúc.
Một bà kia rất thường đọc Sách Tin Mừng và đọc
rất sốt sắng. Khi được hỏi tại sao thì bà dùng một thí dụ để giải thích : Hôm
qua tôi nhận được một bức thư của một người tôi rất quý mến. Tôi đã đọc rất
chăm chú và đọc đi đọc lại tới năm lần. Không phải vì tôi không hiểu lời lẽ
trong thư vốn đã quá rõ, nhưng vì tôi biết đó là những lời của một người rất
thương tôi và tôi cũng rất thương người đó.
Chúng ta đừng coi những lời trong sách Tin Mừng
là những đòi hỏi của một người xa lạ đâu đâu. Hãy xem đó là những lời khuyên
dạy chí tình của Đấng đã không quản ngại từ trời xuống thế, chịu cực chịu khổ
đến gần chúng ta và chịu chết vì chúng ta. Ngài đã làm tất cả chỉ vì thương
chúng ta và Ngài không muốn gì khác hơn là muốn cho chúng ta được hạnh phúc.
* 2. Tin Mừng cho người nghèo
Không phải Chúa Giêsu được sai đi để loan Tin
Mừng cho tất cả mọi người sao ? Vậy tại sao Ngài lại nói "Chúa đã xức
dầu tấn phong tôi, để tôi loan báo Tin Mừng cho người nghèo" ?
Chúng ta hãy phân tích kỹ toàn văn đoạn sách
Isaia mà Chúa Giêsu đã áp dụng cho sứ mạng của Ngài :
Sau khi công bố "Chúa đã xức dầu tấn phong
tôi, để tôi loan báo Tin Mừng cho người nghèo", Chúa Giêsu đã đưa thêm một số
thí dụ để giải thích thế nào là loan báo Tin Mừng cho người nghèo :
- Công bố cho kẻ bị giam cầm biết
họ được tha
- Cho người mù biết họ được sáng
mắt
- Trả tự do cho người bị áp bức
- Công bố một năm hồng ân của Chúa
Như vậy, "người nghèo" là những kẻ
đang ở trong tình cảnh khổ sở, thiếu thốn như bị giam cầm, bị mù, bị áp bức… và
đang mong thoát khỏi cảnh ấy. Đối với những người như thế, lời công bố của Chúa
Giêsu mới thực sự là Tin Mừng. Còn những ai không khổ sở thiếu thốn thì lời
Chúa Giêsu như nói với ai đó chứ chẳng liên can gì tới họ, cho nên chẳng phải
là Tin Mừng gì cả. Bởi vậy Chúa Giêsu cũng chẳng cần loan báo cho họ.
Nhưng xét cho cùng, ai mà không khổ sở thiếu
thốn ? Ai mà không "bị giam cầm" trong một thứ tù ngục nào
đó ? Ai mà không "mù" một cách nào đó ? Ai mà không
"bị áp bức" bởi một thế lực gian tà nào đó ?
Thành thử Tin Mừng của Chúa Giêsu là Tin Mừng cho
tất cả mọi người. Tuy nhiên Tin Mừng ấy chỉ có hiệu quả đối với những ai ý thức
mình là người nghèo.
* 3. "Chúa đã sai tôi đi…"
Qua bài Tin Mừng này, Thánh Luca trình bày Chúa
Giêsu như một kẻ được Thiên Chúa xức dầu Thánh Thần và sai đi.
Bất cứ ai khi được sai đi làm một nhiệm vụ thì
sẽ cố gắng để làm cho thật tốt :
- Khi còn nhỏ, chúng ta thường được cha mẹ sai
đi tới những nhà hàng xóm để mượn một món đồ, hay để biếu xén vài món quà. Bình
thường thì ta nói năng hồ đồ, cộc lốc. Nhưng khi được sai đi làm những nhiệm vụ
đó, chúng ta lựa lời nói, lựa cung cách xử sự, có khi suốt doc đường cứ lẩm
nhẩm những câu lễ phép mà cha mẹ đã dạy để chút nữa nói năng cho đàng hoàng.
- Thỉnh thoảng Cha sở sai một người giáo dân
trong họ đi đến một gia đình nguội lạnh rối rắm để làm việc tông đồ. Người tông
đồ ấy đến gia đình bê trễ nọ phải biết cách tỏ ra lịch thiệp, giúp đỡ, phải dám
nói về đạo, và đồng thời cũng phải tỏ ra mình có đôi chút đạo đức để khỏi bị
người bê trễ kia hạch sách "Ông cũng bê bối như ai thôi đừng khuyên
tôi".
Dĩ nhiên khi đóng vai trò một kẻ được sai đi
làm tông đồ thì người ta phải cố gắng tỏ ra mình là người tốt, trong khi thực
tế thì đời sống của họ chưa chắc là tốt được như thế. Điều đó xem ra là một sự
giả hình, vì cái mình tỏ ra bên ngoài không đúng với cái đời sống thực sự của
mình. Tuy nhiên có lẽ không nên nặng lời dùng chữ "giả hình" trong
trường hợp này. Bởi vì người tông đồ ấy có tỏ ta như vậy cũng chỉ vì muốn cho
sứ mạng tông đồ của mình được hoàn thành tốt đẹp thôi. Và hơn nữa, nhờ cố gắng
tỏ ra tốt hơn như thế trước mắt người khác mà dần dà chính đời sống của người
tông đồ thực sự trở thành tốt hơn thật.
Tất cả chúng ta đều là những kẻ được Chúa sai
đi. Mỗi người chúng ta đều được Chúa sai đi. Ngày trước, Thiên Chúa đã sai Chúa
Giêsu đi, rồi đến phiên Chúa Giêsu lại sai chúng ta đi. Chúa Giêsu đã phán
"Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai chúng con ra đi". Bởi vậy lời
Thánh kinh mà Chúa Giêsu đã áp dụng cho bản thân Người " Chúa đã sai tôi
đi", cũng phải được chính chúng ta áp dụng cho chúng ta "Chúa cũng
sai tôi đi".
Sai đi để làm gì ? Thưa sai đi để làm tông
đồ cho Chúa. Mỗi người Kitô hữu là một tông đồ. Công đồng Vaticanô 2 còn nói
mạnh hơn : "Làm Tông đồ là bản tính của người Kitô hữu". Nói
khác đi, nếu không làm tông đồ thì không còn phải là Kitô hữu nữa.
Nhưng sai đi làm tông đồ với ai ? Bài Tin
Mừng hôm nay kể rõ những hạng người mà Chúa sai ta đến với họ :
a/ Trước tiên là những người nghèo : Số
người này thật là nhiều, hàng ngày ta gặp thiếu gì người như vậy. Thế nhưng,
khi ta gặp một người nghèo tôi có cư xử lễ độ với họ không hay là khinh bỉ
họ ? Ta có tìm cách giúp đỡ họ, hay nếu không có khả năng giúp đỡ thì ta
có vận động người khác giúp đỡ không ? hay ta tìm cách tránh xa họ, đuổi
khéo họ để mình khỏi bị quấy rầy ? Ta có cố gắng an ủi họ để họ đừng vì
cảnh nghèo mà phải xa đạo, xa Chúa không ? Trước những câu hỏi đó, nếu ta
chỉ biết trả lời "không" thì sứ mạng tông đồ của ta như một kẻ được
Chúa sai đi đã bị thất bại.
b/ Chúa còn sai ta đi tới những người đau khổ.
Những người này cũng không thiếu trong khu xóm của ta, có khi ở cạnh nhà ta
nữa. Nhưng phải chăng mặc dù Chúa đã sai ta đi, ta vẫn cứ ở nhà chưa đến thăm
viếng họ ? Và khi đến với họ, ta có đem lại cho họ được thêm một chút bình
an, một chút tin tưởng nào không ? Chúng ta đừng quên câu Tin Mừng hôm nay
"Chúa đã sai tôi đi rao giảng Tin mừng, nghĩa là phải làm cho người ta
được thật sự vui mừng, tin tưởng, hy vọng.
c/ Chúa còn sai ta đi đến với những người tội
lỗi. Những người này cũng không thiếu trong họ đạo. Nhưng có lẽ đối với họ,
chúng ta lại cũng quên lời Chúa "Chúa đã sai tôi đi đến với họ". Vì
quên mà thường chúng ta cứ lảng tránh họ, cứ kết án họ. Chúng ta không thực
hiện Lời Chúa dạy ta đến với họ để an ủi họ, khích lệ và dẫn họ trở về tình
thương của Thiên Chúa.
d/ Cuối cùng trong xã hội ngày nay, Chúa còn
sai ta đi đến với những kẻ không tin. Những người này cũng có mặt rất
nhiều : trong sở làm của ta, ngoài đường phố chung với ta, trong buổi họp
với chúng ta. Đừng quên Chúa sai ta đi tới họ để cũng rao giảng Tin mừng cho
họ. Nếu ta ngại, hay thấy bất tiện không dám nói thẳng với họ về Chúa về đạo
thì ít ra đời sống của chúng ta, cách làm việc của chúng ta, lương tâm của
chúng ta có thể thay cho lời nói của chúng ta không ?
Ngôn sứ Isaia đã hát lên rằng "Đẹp thay
bước chân của những kẻ được sai đi rao giảng Tin mừng". Những kẻ được sai
đi rao giảng Tin mừng ấy là chính chúng ta, mỗi người hết thảy trong chúng ta.
Xưa nay có lẽ chúng ta quên điều đó. Nhưng hôm nay Lời Chúa nhắc chúng ta nhớ
lại. vậy dưới sự hướng dẫn và ban ơn của Chúa Thánh Thần, chúng ta hãy mạnh dạn
bước đi. Đi đến với những người nghèo khó, những người đau khổ, những kẻ tội
lỗi và những kẻ không tin. Đến với họ để rao giảng Tin mừng cho họ bằng cách
này hay cách khác tùy hoàn cảnh. Và hãy an ủi mình rằng những bước chân được
sai đi như vậy thật là đẹp !
4. "Ngày của Chúa"
Ngày một vị Thủ Tướng nhậm chức, ông đọc một
bài diễn văn để công bố cho dân biết chương trình hoạt động của ông trong nhiệm
kỳ. Khởi đầu sứ vụ của mình, Chúa Giêsu cũng làm như vậy. Tại hội đường
Nadarét, Chúa Giêsu đã dùng một đoạn trích từ sách ngôn sứ Isaia để phác họa sứ
mạng của Ngài. Chúa Giêsu loan báo rằng cái "Ngày của Chúa" mà dân
chúng bấy lâu nay hằng mong đợi thì nay đã đến. Đó là một ngày hồng ân cho mọi
người, cách riêng là những người nghèo.
Mẫu chuyện sau đây có thể giúp chúng ta hiểu
lời công bố ấy của Chúa Giêsu tuyệt diệu đến chừng nào.
Ngày xưa có một ông điền chủ có đất đai rất
nhiều. Ông cho các tá điền mướn đất làm ăn. Một thời gian sau, các tá điền lâm
cảnh túng thiếu nợ nần. Họ rất lo lắng vì không đóng tô đúng hạn cho chủ được.
Dù họ biết ông chủ rất tốt bụng không đến nỗi làm khó dễ họ, nhưng họ vẫn áy
náy không biết chủ sẽ hoãn nợ cho họ bao lâu.
Thế rồi một hôm viên quản lý đi đến từng nhà
các tá điền. Ông này hỏi mỗi người thiếu nợ bao nhiêu, trong nhà có bao nhiêu
người, hằng ngày ăn uống thế nào, gia đình có ai già yếu bệnh tật gì không v.v.
Cách chung nhà ai cũng túng thiếu và đang gặp rất nhiều khó khăn.
Một ít ngày sau, các tá điền được mời đến gặp
chủ. Ai nấy đều hồi hộp, tin chắc là ông chủ sẽ lấy lại đất, bởi họ không còn
khả năng đóng tô nữa. Khi mọi người đã đủ mặt, viên quản lý bước ra, bắt đầu
nói : "Ông chủ biết là các người ai cũng rất nghèo nên không còn khả
năng đóng tô nữa. Vì thế ông bảo tôi báo cho các người hay". Nói tới đây
viên quản lý bỗng ngừng lại. Con tim của các tá điền cũng như ngừng đập. Viên
quản lý nói tiếp : "Tôi có một Tin Mừng muốn loan báo cho các
người". Mọi người xôn xao : "Tin Mừng ư ! Tin Mừng gì
vậy ?" Lúc đó viên quản lý hô lớn : "Ông chủ tha hết nợ cho
các người. Từ nay các người cứ an tâm làm ăn nuôi sống gia đình".
Thế là mọi người reo hò sung sướng. Họ ôm nhau
nhảy múa hát ca. Sau đó ai nấy trở về nhà mình. Sau bao năm trời, hôm nay họ
mới chợt nhận thấy ánh nắng mặt trời rất là tươi đẹp, tiếng chim hót trên cành
rất líu lo, hoa cỏ hai bên đường và trên khắp cánh đồng vô cùng rực rỡ.
Lời loan báo của Chúa Giêsu tại hội đường
Nadarét cũng là một Tin Mừng như thế. Chúa Giêsu là viên quản lý của Thiên
Chúa. Ngài được sai đến để báo tin Thiên Chúa đã xóa nợ cho loài người.
Những người pharisêu nghĩ rằng "Ngày của
Chúa" là một ngày phán xét. Còn Chúa Giêsu thì loan báo "Ngày của
Chúa" là người xóa nợ, ngày hồng ân.
"Ngày của Chúa" không phải là một
ngày nhất định ghi trong lịch, mà là mọi ngày. Thực vậy, ngày nào cũng là
"Ngày của Chúa" hết. Tin Mừng về "Ngày của Chúa" là :
ơn giải thoát chúng ta không tùy thuộc vào công nghiệp của chúng ta, mà hoàn
toàn do lòng tốt của Thiên Chúa. Điều duy nhất chúng ta phải làm là mở rộng cửa
lòng cho Chúa Giêsu ngự vào mang ơn đến cho chúng ta. (FM)
5. Quyển sách
Sau nửa thế kỷ bị lưu đày bên Babylon , dân do thái được hồi hương. Tư tế
Ét-ra tập họp họ lại để tái hiến dâng họ cho Thiên Chúa. Ét-ra bắt đầu bằng
việc đọc cho họ nghe sách luật của Môsê. Từ đó trở đi, đời sống và tín ngưỡng
của dân do thái gắn chặt với quyển Sách Luật ấy. Có thể nói, đó là một dân
"sống với sách".
Kitô hữu chúng ta cũng là những người
"sống với sách". Chỉ khác một điều là quyển sách chúng ta sống với là
quyển Tin Mừng.
Có một chuyện kể về một dân kia chưa từng nghe
nói tới quyển Tin Mừng. Một hôm có một người lạ đến báo cho họ rằng "Tôi
đến đây mang cho các người một tin mừng". Rủi thay người ấy mang bệnh và
chết trước khi nói rõ cho họ biết tin mừng ấy là gì. Họ mới lục lúi của người
ấy và gặp một quyển sách có tựa đề là "Tin Mừng của Chúa Giêsu Kitô".
Họ đoán rằng đó chính là cái tin mừng mà người kia muốn báo cho họ biết. Thế là
họ bắt đầu đọc quyển sách ấy. Sách viết về một nhân vật giàu lòng nhân ái, làm
nhiều việc lạ lùng để giúp cho những người khốn khổ và dạy nhiều điều rất cao
thượng.
Đọc xong quyển sách, một người trong họ
nói : "Tiếc thay người mang quyển sách này đã chết. Chắc là một môn
đệ của ông Kitô ấy". Một người nói : "Nhưng chắc là ở nơi ông ấy
sống cũng có nhiều một đệ khác của ông Kitô". Một người khác nữa góp
ý : "Chúng ta thử gởi người đến đấy xem các môn đệ ông Kitô sống
những lời ngài dạy thế nào". Mọi người tán thành.
Họ cử Francis đi. Đây là một chàng trai rất
chín chắn. Chàng đã tìm đến nơi, tiếp xúc với rất nhiều người, sau đó trở về.
Khi chàng vừa về tới nơi thì những người đồng hương của chàng đặt những câu hỏi
tới tấp :
- "Những tín đồ của quyển sách ấy có
thương yêu nhau không ?"
- "Họ có hòa thuận với nhau
không ?"
- "Họ có đơn sơ không ?"
- Họ có hạnh phúc không ?"
Tất cả các câu hỏi đều có thể tóm trong một câu
duy nhất này : "Những môn đệ của ông Kitô ấy có sống theo quyển sách
của Ông ta không ?".
Và sau đây
là báo cáo của Francis :
Trên căn
bản, tôi đã gặp được 5 hạng môn đệ của ông Kitô ấy :
- Hạng thứ
nhất chỉ mang danh Kitô thôi. Dù họ có rửa tội nhưng họ chẳng sống theo một lời
dạy nào của Ngài cả.
- Hạng thứ
hai là những người làm môn đệ Đức Kitô theo thói quen. Mặc dù người ta thấy họ
giữ những điều Đức Kitô dạy, nhưng những điều đó chẳng ảnh hưởng gì đến cách
sống của họ cả. Tôi đã quan sát cách sống của họ một thời gian lâu và thấy ra
rằng thực ra họ sống theo những nguyên tắc không liên can gì tới lời dạy của
Đức Kitô, một số còn ngược lại nữa.
- Hạng thứ
ba gồm một số người rõ ràng là sùng mộ đức tin Kitô. Họ cố sức làm những việc
tốt, nhưng xem ra họ thiếu sức sống, họ không thực sự có được những đức tính
của Thầy họ.
- Hạng thứ
tư có thể được gọi là những Kitô hữu thực hành. Dường như họ đã nắm được trọng
tâm của Tin Mừng. Họ biết quan tâm đến người khác và không xấu hổ vì người khác
biết họ là Kitô hữu. Ở một vài nơi tôi thấy họ bị bách hại. Ở một vài nơi khác tôi thấy họ
phải gặp tình cảnh có lẽ còn tồi tệ hơn nữa, đó là bị đồng bào của chính họ đối
xử lạnh nhạt.
- Hạng thứ năm không nhiều. Đó là những người
mà tôi không ngại gọi là những Kitô hữu chính danh. Họ sống Tin Mừng cách sâu
sắc. Khi gặp họ, tôi tưởng là gặp chính Đức Kitô.
Câu chuyện kết thúc ở đó, nên không biết dân
chúng xứ đó có đón nhận Tin Mừng hay không.
Ngày nay rao giảng Tin Mừng cho thế giới là
nhiệm vụ của chúng ta. Đó là một đặc ân to lớn nhưng cũng là một trách nhiệm
nặng nề. Tuy nhiên, cũng như Đức Kitô, chúng ta được Chúa Thánh Thần giúp đỡ.
Cách tốt nhất để rao giảng Tin Mừng là sống tốt đời Kitô hữu. Quyển sách duy
nhất mà nhiều người chưa bao giờ đọc để hiểu Tin Mừng, đó chính là quyển sách
của đời sống chúng ta. (FM)
6. Xóa nợ cho nhau
Trước lúc lìa đời, Trạng Trình Nguyễn Bỉnh
Khiêm có giao cho con cháu một cái ống tre sơn son thếp vàng gắn bít hai đầu và
dặn đến đúng năm tháng ấy, ngày giờ ấy, phải để cái ống ấy vào kiệu rước lên
dinh tổng đốc Hải Dương, trao cái ống này cho quan thì sẽ cứu vãn được tình thế
gia đình nhưng tuyệt đối không được ai mở ra xem, trừ quan tổng đốc.
Cái ống tre ấy truyền đến người cháu bảy đời
của Trạng, mới rước lên dinh quan tổng đốc, đúng vào ngày giờ đã ghi trong gia
phả. Khi quan mở ống thấy một cuộn giấy, ông rút ra xem thấy có hai câu chữ
nho :
Ngã cứu nhi thượng lương chi ách
Nhĩ cứu ngã thất thế chi bần !
Nghĩa là :
Ta cứu ngươi khỏi xà nhà đổ,
Ngươi cứu cháu bảy đời của ta còn nghèo.
Đang lúc bận việc, quan tổng đốc thấy hai câu
nói xấc xược ấy, ông liền nổi giận. Sẵn cầm chiếc quạt trên tay, ông đứng phắt
dậy, chạy lại định đánh người cháu bảy đời của Trạng. Nhưng vừa bước khỏi sập,
chiếc xà nhà ngay trên đỉnh đầu đổ xuống đánh rầm một cái. Phúc bảy mươi đời,
ông mới vừa bước ra, nên không sao cả.
Quan tổng đốc lúc đó mới giật mình hiểu rõ
Trạng đã cứu mình khỏi cái chết bất đắc kỳ tử.
Quan ân cần xin lỗi người cháu ông, mời về tư thất đãi cơm rượu rồi cho một số
tiền khá lớn, để cứu giúp cho gia đình cháu của Trạng đang lâm hoàn cảnh cực kỳ
túng thiếu.
*
Nói đến các bậc tiên tri ở nước ta, trước hết
phải kể đến Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm. Sinh thời ông đã nổi tiếng về các
giai thoại tiên tri, đến nỗi các sĩ tử nô nức xin theo học và thiên hạ đua nhau
tìm đến hỏi về những việc tương lai.
Tuy nhiên, các lời sấm của ông được ứng nghiệm
là do trí thông minh của ông đã mách bảo. Còn hôm nay, nơi Chúa Giêsu đã ứng
nghiệm sấm ngôn của Isaia do Thánh Thần linh ứng. Chính Chúa Giêsu cũng là một
tiên tri được đầy tràn Thánh Thần. Một tiên tri cao cả mang ơn gọi và sứ mạng
cứu độ.
Khi chịu phép rửa, Người đã nhận lãnh Thánh
Thần như một việc xức dầu.
Người được sai đi đem Tin Mừng cho người nghèo
hèn, những kẻ nghèo tiền, nghèo bạn, nghèo văn hoá.
Người được sai đến với những kẻ bị giam cầm
trong lao tù, trong ích kỷ, trong tham lam.
Người cho kẻ mù được sáng mắt, kẻ u mê thoát
vòng tối tăm.
Người trả tự do cho người bị áp bức, phá xiềng
xích cho những tội nhân.
Người khai mở một Năm Toàn Xá, Năm Thánh, Năm
Hồng Ân cứu độ.
Chúng ta cũng đã được xức dầu để trở thành tiên
tri, đi loan báo Tin Mứng cứu độ.
Nếu Thánh Thần đã chi phối toàn bộ ngôn từ,
hành vi của Chúa Giêsu, chúng ta cũng hãy ngoan nguỳ để Thánh Thần hướng dẫn
tất cả lời nói, việc làm của mình.
Nếu sấm ngôn của Isaia đã ứng nghiệm nơi Chúa
Giêsu ; ước gì Lời Chúa cũng được ứng nghiệm trong cuộc đời chúng ta, bằng
sự cộng tác tích cực của bản thân mỗi người.
Con người ngày nay khắc khoải trong lo âu sầu
muộn, người tín hữu Kitô phải là chứng nhân của niềm vui.
Con người ngày nay ngụp lặn trong bóng tối của
lầm lạc, người tín hữu Kitô phải chiếu toả ánh sáng của đức tin.
Con người ngày nay bị kìm toả trong vòng nô lệ
của tiền bạc, danh vọng ; ngườt tín hữu Kitô phải loan báo sự tự do của
con cái Chúa.
Nếu những người đã chịu phép Rửa trong Thánh
Thần, mà còn làm ngơ trước những con người nghèo hèn, áp bức kẻ cô thân cô thế,
bịt mắt những anh em dốt nát, và giam hãm tha nhân trong ngục tù dưới nhiều
hình thức ; thì quả thật, Lời Chúa chẳng bao giờ được ứng nghiệm trong
cuộc đời họ.
*
Lạy Chúa, xin cho chúng con cũng
biết xoá nợ cho nhau, không chỉ xoá nợ tiền bạc mà còn xoá đi những bất bình,
nghi kỵ thành kiến, hiểu lầm nhau..., để mọi người chung quanh chúng con được
nhẹ nhàng hơn, thanh thoát hơn, vui tươi hơn.
Xin cho chúng con luôn là những sứ
giả đi loan báo và chứng tá cho tình yêu cứu độ của Chúa. Amen. (TP)
7. Giáo Hội là nhiệm thể Đức Kitô
Ngày nay trong y khoa có quá nhiều chuyên khoa
khiến cho cơ thể như bị tách rời thành nhiều phần. Một số bác sĩ chuyên về tim,
một số khác chuyên về não, một số khác chuyên về mắt, một số khác chuyên về
tai, vân vân. Chuyên môn là tốt nhưng cũng có mặt trái của nó. Các bác sĩ ấy có
thể hiểu biết rất ít về con người mà họ đang điều trị về mắt, hay tim, hay chân
tay…
Cơ thể con người là một toàn thể thống nhất mặc
dù nó gồm bởi nhiều bộ phận. Những bộ phận này rất khác nhau và có những chức
năng khác nhau. Chắc hẳn là một số bộ phận quan trọng hơn những bộ phận kia.
Tuy nhiên chúng đều cần cho cơ thể và đều cần cho nhau.
Giáo Hội cũng thế. Chúng ta tuy nhiều nhưng tạo
thành một thân thể duy nhất trong Đức Kitô (Bài đọc II). Bởi Phép Rửa, chúng ta
đã trở thành chi thể của thân thể Đức Kitô, tức là Giáo Hội. Có lẽ có
"người" nào đó muốn sống một mình, không lệ thuộc cộng đoàn. Nhưng
không thể nào có "người kitô hữu" đơn độc được. Kitô hữu nào tự ý cắt
mình rời khỏi cộng đoàn thì làm cho cộng đoàn bị đau như một cơ thể bị cắt lìa
một chi thể.
Cộng đoàn đòi hỏi chúng ta. Vì lý do đó nên
nhiều người bị cám dỗ sống một mình, tìm ơn cứu độ một mình không cần đến người
khác. Nhưng không thể như thế được. Chúng ta cần nhau, cũng như các chi thể cần
nhau vậy. Và Giáo Hội cần tất cả chúng ta. Chúng ta cần ý thức tùy thuộc nhau
và tùy thuộc Đức Kitô. Chúng ta vẫn liên đới với nhau dù khi chúng ta chỉ muốn
nghĩ đến bản thân mình.
Sự tùy thuộc vào cộng đoàn có nhiều lợi ích rõ
ràng. Hãy lấy cây sậy làm thí dụ. Nếu chỉ có một mình thì nó rất yếu và dễ gãy
đổ. Nhưng nhiều cây bó chung lại với nhau thì không thể nào bẻ gãy được. Đối
với con người cũng thế. Sức mạnh là do hợp quần. Người ta sẽ can đảm hơn khi
quen biết nhau, khuyến khích nhau và sát cánh cùng nhau chiến đấu. Nhiều công
trình to lớn đã được thực hiện nhờ người ta biết làm việc chung với nhau.
Tinh thần cộng đoàn được chính Chúa Giêsu nhấn
mạnh khi Ngài kể dụ ngôn cây nho và cành nho : "Thầy là cây nho,
chúng con là cành". Một hình ảnh thật đơn sơ nhưng cũng thật sâu sắc về sự
hợp nhất và tùy thuộc lẫn nhau.
Rõ ràng là các cành nho cần đến cây nho. Nhưng
cây nho cũng cần đến cành nho vậy, bởi vì chính cành nho sinh trái. Đó là điều
mà Chúa Giêsu muốn có giữa Ngài và các môn đệ của Ngài. Ngài là cây nho, chúng
ta là cành nho. Hay nói như Thánh Phaolô : "Chúa Giêsu là đầu của
thân thể, chúng ta là chi thể của thân thể ấy". Nếu không ý thức về sự tùy
thuộc lẫn nhau, chăm sóc cho nhau và chịu trách nhiệm về nhau thì ta không còn
là Kitô hữu nữa.
Hoa trái mà Chúa Giêsu mong muốn nơi chúng ta
trước hết chính là sự hiệp nhất giữa chúng ta với nhau. Dấu chỉ cho mọi người
biết chúng ta thuộc về Ngài là chúng ta yêu thương nhau và chăm sóc nhau. (FM)
Suy niệm Chúa nhật III thường niên -
Năm C
THỨ NĂM, 24 THÁNG 01 2013 08:57 BBT WTGP HN ~ SỐ LƯỢT XEM: 10
"Thánh
Thần Chúa ngự trên tôi, vì Ngài xức dầu cho tôi, sai tôi đi ..."
Bước vào Chúa nhật thứ Ba
Mùa Thường niên, Chúa Giêsu tiếp tục sứ vụ công khai của mình là đi rao giảng
Tin Mừng. Ngài còn chọn thêm một số môn đệ mới nữa (Phụng vụ Năm A): "Đang
lúc dọc theo bờ biển Galilêa, Người thấy Simon và em là Anrê. Và Người đã bảo
các ông : "Hãy theo Ta, Ta sẽ làm cho các ngươi trở thành những kẻ chài
lưới người" (Mc 1, 14-20) ; kêu gọi người ta hoán cải (Phụng vụ Năm B), đề
tài đã được ghi rõ trong một câu của Phúc Âm Thánh Maccô : "Thời giờ đã
hoàn tất và Nước Thiên Chúa đã gần đến, anh em hãy ăn năn hối cải và tin vào
Phúc Âm" (Mc 1, 15) ; tiếp theo là hoàn tất lời các tiên tri đã loan báo
(Phụng vụ Năm C) : "Hôm nay ứng nghiệm đoạn Kinh Thánh mà tai các ngươi
vừa nghe" (Lc 4, 21).
Sau khi tỏ mình ra dần dần
bằng các phé lạ ở Galilêa và ở Giêrusalem (Ga 2, 23), Chúa đã chọn các môn đệ,
rồi cùng với các ông trở về Capharnaum, trong tâm đời giảng giáo của Chúa ở
Galilêa. Đức Giêsu bắt đầu giảng dạy tại đây. Vào ngày Sabát đầu tiên Chúa
giảng trong Hội đường, khiến cho mọi người ca tụng chăm chú lắng nghe (Lc 1,
1-4).
Lời của ngôn sứ Isaia được
Đức Giêsu công bố trong Hội đường, được Ngài áp dụng vào chính bản thân mình
:"Thánh Thần Chúa ngự trên tôi, vì Ngài xức dầu cho tôi, sai tôi đi rao
giảng Tin mừng cho người nghèo khó, thuyên chữa những tâm hôn sám hối... trả tự
do cho những kẻ bị áp bức, công bố năm hồng ân và ngày khen thưởng". Như
thế, Đức Giêsu loan báo thời lưu đày của dân Israel tại Babylon sẽ chấm dứt và
mở đầu cho một thời kỳ hoàn toàn mới, thời kỳ Đấng Cứu Thế xuất hiện, cụ thể
nhất, Ngài chính là Đấng Messia.
Nghe có vẻ đơn sơ, nhưng
thật trang trọng, Chúa Giêsu áp dụng những lời tiên tri ấy vào Ngài một cách
rất tự nhiên: "Hôm nay đã ứng nghiệm đoạn Kinh Thánh mà tai quý vị vừa
nghe". Chúa Giêsu chính là Đấng được Chúa Cha xức dầu và được Chúa Cha sai
đến trần gian để giải thoát con người khỏi ách nô lệ tội lỗi và dẫn đưa con
người về với Chúa Cha. Đó là cốt tủy sứ vụ của Chúa Giêsu. Ngài không được sai đến
với những người tự phụ, tự mãn, cho rằng mình đã đầy đủ rồi, nhưng là đến với
những người thấy mình là phận nhỏ, thiếu thốn trăm bề, cả hồn lẫn xác. Cuộc lưu
đày ở Babylon, rồi được trả tự do, cho hồi hương của Dân Chúa là một dấu chỉ,
một hình ảnh tượng trưng nói lên ý định lớn lao của Thiên Chúa: đó là ơn cứu
độ, là giải thoát con người khỏi ách tù đày nô lệ tội lỗi và sự chết.
Như thế khi áp dụng những
lời sấm của tiên tri Isaia vào bản thân mình, Chúa Kitô tự mô tả về con người
và sứ mạng của Ngài, bằng những từ ngữ đơn sơ mà uy nghi, đến nổi dân chúng nín
thở, hồi hộp, lắng nghe. Thánh Luca nói: "Mọi người trong Hội đường đều
chăm chú nhìn Người". Cung cách Ngài dạy dỗ hoàn toàn khác với các thầy
dạy lề luật mà họ đã quen bấy lâu nay. Đúng là một Tin mừng làm nức lòng họ,
đem đến cả một bầu trời hy vọng và tự do.
Ngày hôm nay, một cách
mạnh mẽ, mỗi nguời trong chúng ta có thể lặp lại cùng với Chúa Kitô những lời
của tiên tri Isaia được công bố trong Phúc Âm như sau: "Thánh Thần Chúa
ngự trên tôi, vì Ngài xức dầu cho tôi, sai tôi đi..." (Lc 4, 18).
Năm Đức Tin, Hồng Ân
Thánh, chúng ta, những người đã chịu phép Rửa tội, và xức dầu. Chúng ta đang
sống trong một thế giới dửng dưng đối với tôn giáo và thậm chí càng ngày người
ta càng tỏ ra nghi kỵ đức tin Kitô. Ước mong sao cho có một hoạt động truyền
giáo mới mẻ và nồng nhiệt, không những cho các dân tộc chưa bao giờ biết Tin
Mừng, nhưng cả nơi những dân tộc trong đó Kitô giáo được phổ biến từ lâu đời và
là thành phần lịch sử của họ. Hơn bao giờ hết, Giáo hội đang nỗ lực công cuộc
tái truyền giảng Tin Mừng, trong đó chúng ta có nhiệm vụ phải thi hành, vì
chúng ta là chi thể của Giáo hội, Giáo hội tiếp nối sứ mạng của Chúa Kitô, Đấng
được xức dầu tấn phong làm Đấng Messia. Ngài cũng trao lại sứ mạng đó cho Giáo
hội: "Như cha đã sai Thầy, Thầy sai anh em". Người cũng đã ban tràn
đầy Thánh Thần cho Giáo hội: "Hãy nhận lấy Thánh Thần". Chúa Thánh
Thần là linh hồn của sứ mạng Giáo hội. Có người nói Giáo hội là Chúa Giêsu nối
dài, tiếp nối mầu nhiệm nhập thể của Chúa Giêsu. Điều đó có thể là đúng, vì
Chúa Giêsu là Ngôi Lời nhập thể. Người đã sinh ra, lớn lên, đã chết và đã sống
lại. Người đã vượt qua thế gian về cùng Chúa Cha. Trên bình diện xác phàm, với
con mắt phàm, không ai còn thấy được Người nữa. Nhưng Người vẫn sống trong Giáo
hội, và tự đồng hoá với Giáo hội. Nhưng có cách nhìn khác, còn đúng hơn và sâu
xa hơn, đó là Giáo hội tiếp nối sứ vụ của Chúa Kitô, Đấng được Chúa Cha xức dầu
Thánh Thần, sai đi rao giảng Tin Mừng cho người nghèo khó. Giáo hội cũng được
xức dầu như Chúa Kitô và được sai đi.
Như thế, chúng ta được xức
dầu khi chịu Phép Rửa tội và Phép Thêm sức, được "thánh hiến" cho
Thiên Chúa và được sai đi loan báo Tin Mừng. Xin Chúa cho mỗi người tín hữu
biết ý thức về sứ mạng của mình, và hăng say nhiệt thành với sứ mạng đó.
Lm.
Antôn Nguyễn Văn Độ
Giáo Hội tiếp nối sứ vụ của Chúa Giêsu - Suy niệm Chúa nhật III thường niên C
THỨ NĂM, 24 THÁNG 01 2013 09:02 BBT WTGP HN ~ SỐ LƯỢT XEM: 9
Ngày 21 tháng 1 (theo giờ
Mỹ), Tổng thống Obama và "phó tướng" Biden đã tuyên thệ nhậm chức
nhiệm kỳ 2. Hình ảnh "bộ đôi quyền lực" này đặt tay lên cuốn Kinh
Thánh và đọc lời tuyên thệ theo quy định của Hiến pháp là một hình ảnh rất đặc
biệt, gây sự chú ý mạnh mẽ.Báo chí đưa tin, khi thực hiện nghi thức tuyên thệ,
ông Obama giơ tay phải lên và tay trái đặt lên 2 cuốn Kinh Thánh lịch sử của
nhà lãnh đạo nhân quyền huyền thoại Luther King Jr và cố Tổng thống Abraham
Lincoln, vị tổng thống thứ 16 của Mỹ. Chánh án Toà Tối cao John Roberts chủ trì
nghi thức này. Phó Tổng thống Biden đặt tay lên cuốn Kinh Thánh mà dòng họ của
ông sử dụng từ năm 1893. Thẩm phán tòa tối cao Sonia Sotomayor chủ trì lễ tuyên
thệ của Biden.(Antoine Nguyễn).
Các nguyên thủ quốc gia,
sau khi được toàn dân tín nhiệm qua lá phiếu bầu cử, thường đọc diễn văn quan
trọng khởi đầu một nhiệm kỳ mới. Nội dung diễn văn trình bày hành động bao quát
nhắm đến lợi ích của đồng bào đang mong đợi.
Tại quê hương Nazaret,
Chúa Giêsu đã mượn bản văn của ngôn sứ Isaia để chính thức công bố với đồng
hương chương trình hành động của mình: "Thánh Thần Chúa ngự trên tôi, vì
Chúa xức dầu tấn phong tôi, để tôi loan Tin Mừng cho người nghèo hèn. Người đã
sai tôi đi công bố cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha, cho người mù biết họ
được sáng mắt, trả lại tự do cho những người bị áp bức, công bố một năm hồng ân
của Chúa". Người nói với họ: "Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh
quý vị vừa nghe".
Trước đó ít lâu, khi Gioan
Tiền Hô nghe nói về hoạt động của Chúa Giêsu, từ trong tù ông đã sai môn đệ đến
hỏi Ngài, có phải là Đấng thiên sai hay không? Chúa Giêsu thẳng thắn trả lời:
"Các anh về thuật lại cho ông Gioan những gì mắt thấy tai nghe: người mù
xem thấy, kẻ què đi được, người phong cùi được lành sạch, người điếc nghe được,
kẻ chết sống lại, người nghèo được nghe Tin Mừng" (Mt 11,4-5). Qua câu trả
lời gián tiếp này, Chúa Giêsu muốn khẳng định rằng, dấu chỉ hiển nhiên của Đấng
thiên sai là hành động chọn lựa đứng về phía những người nghèo khổ, bé mọn, tật
nguyền và xấu số. Ngài tự đồng hóa với những người đói khát, rách rưới, trần
truồng, bệnh tật, đau yếu, tù tội...Bất cứ những gì đụng chạm đến họ là đụng
chạm đến bản thân Ngài. Tất cả những gì chúng ta làm cho họ là làm cho chính
Ngài. Và tất cả những gì chúng ta không làm cho một trong những người bé mọn
nhất của nhân loại khổ đau này là đã không làm cho chính Ngài (x. Mt 25,31-45).
Sau Công Đồng Vaticanô II, một số thần học gia đã khai triển bản văn này và đặt
nổi ba hình thức hiện diện đặc biệt của Đức Kitô: trong Thánh thể (Lc 22,19-20;
1Cr 11,23-25), trong cộng đoàn (Mt 18,20) và trong người nghèo (Mt
25,31-45).(x. ĐGM Phaolô Nguyễn Thái Hợp, Bước theo Đức Kitô, trang 32-33).
Chúa Giêsu thực hiện
chương trình hoạt động cứu độ dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần. Sứ điệp
đó, Giáo hội luôn thực thi suốt dòng lịch sử.
1. Sứ điệp và hoạt động
cứu độ của Chúa Giêsu
"Chúa đã xức dầu tấn
phong tôi, để tôi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn.Người đã sai tôi đi công
bố...". Nội dung của sứ điệp nói lên đầy đủ sứ mệnh Chúa Giêsu sẽ thi hành
gồm bốn hoạt động là rao giảng Tin Mừng cho người nghèo hèn, công bố
sự giải thoát cho người tù đày, sự sáng mắt cho người mù loà, trả
tự do cho người bị áp bức và loan báo năm hồng ân của Thiên Chúa.
Như vậy sứ điệp gồm hai
điểm chính là loan báo Tin Mừng và đi công bố những gì Thiên Chúa muốn thực
hiện cho nhân loại.
Tin Mừng được loan báo là:
"Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của
Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống đời đời" (Ga 3,16).
Sứ điệp công bố là những
gì Thiên Chúa muốn làm cho nhân loại khốn cùng. Chúa Giêsu đã công bố bằng lời
nói và bằng việc làm. Chính nơi Chúa Giêsu, người tội lỗi nhận được ơn tha thứ,
người đau khổ gặp được nguồn an ủi, người chán nản gặp được niềm vui và người
thất vọng tìm lại niềm hy vọng. Biết bao người tội lỗi đã "bị giam
cầm" nay được thứ tha. Ánh sáng là một báu vật cho những người đang chìm
trong tăm tối. Người mù thể lý được Chúa mở mắt. Người mù thiêng liêng được mở
mắt đức tin để nhìn thấy và tin vào Chúa. Tự do là quà tặng quí giá nhất mà
Thiên Chúa ban cho nhân loại. Những người bị áp bức, bị vùi dập, bị đè nén,
những thống khổ nay được giải thoát. Những lo lắng, bệnh tật, bất công... làm
cho con người trở nên nô lệ, mất đi phẩm giá, nay được Chúa chữa lành bệnh tật,
bênh vực kẻ yếu, duy trì công bình xã hội và phục hồi phẩm giá cho họ. Đó là
hồng ân Chúa Giêsu công bố và thực hiện. Đây là sứ mạng giải thoát con người hoàn
toàn khỏi mọi cảnh bất công xã hội, chính trị, kinh tế, văn hóa hay tôn giáo.
Trong Nước Thiên Chúa mọi người đều bình đẳng trước nhan Thiên Chúa. Hình ảnh
lý tưởng ấy đang hiện diện một cách huyền nhiệm trong Giáo Hội (x. Lumen
Gentium, 3).
2. Chúa Thánh Thần, thúc
đẩy và hướng dẫn.
Cơ chế xã hội bất công đã
tạo nên bao thảm cảnh trong cuộc đời. Người nghèo chính là nạn nhân của những
cơ chế bất công. Vấn đề muôn thuở đó vẫn luôn mang tính thời sự. Chúa Giêsu có
sứ mạng giải thoát những người nghèo khổ và bị áp bức. Nhưng sứ mạng đó chỉ có
thể thực hiện được khi có Thánh Thần hướng dẫn và Chúa Cha ủy thác.
Nhiều lần Tin Mừng nói,
Chúa Giêsu tràn đầy hoan lạc trong Chúa Thánh Thần. Từ ngày Truyền Tin, Thiên
Thần đã loan báo: "Thánh Thần sẽ ngự xuống trên bà, và quyền năng Đấng Tối
Cao sẽ rợp bóng trên bà, vì thế, người con sinh ra sẽ là thánh, và được gọi là
Con Thiên Chúa" (Lc 1,35). Trong cuộc đời thơ ấu và ẩn dật của Chúa Giêsu,
sách Tin Mừng nói rất ít về Người. Dù vậy, chắc chắn đó phải là những ngày Thần
Khí Thiên Chúa giúp cho Chúa Giêsu "ngày càng lớn lên, thêm vững mạnh, đầy
khôn ngoan, và hằng được ân nghĩa cùng Thiên Chúa" (Lc 2,40); "ngày
càng khôn lớn, và được Thiên Chúa cũng như mọi người thương mến" (Lc
2,52). Khi Chúa Giêsu bắt đầu thi hành sứ vụ, vai trò của Chúa Thánh Thần
thường được nhắc tới dưới hình thức, Chúa Giêsu "được đầy Thánh Thần, được
Thánh Thần dẫn đi, được quyền năng Thánh Thần thúc đẩy". Vào ngày chịu
phép rửa tại sông Giođan, Chúa Giêsu được Chúa Thánh Thần ngự xuống. Thánh Luca
coi đây như là việc "xức dầu", được tấn phong làm "Đấng được xức
dầu" (Cv 10,37-38; Lc 4,18; x. Is 61,1). Xức dầu tấn phong là nghi thức
trao ban sứ mệnh, không chỉ là sứ mệnh của ngôn sứ mà còn là sứ mệnh cứu độ
của Đấng đến để chu toàn tất cả những gì Lề Luật và các Ngôn Sứ đã nói về
Người.
3. Giáo Hội tiếp nối sứ vụ
của Chúa Giêsu
Chúa Giêsu xác định:
"Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh tai quý vị vừa nghe." Trải suốt
Tin Mừng Luca, từ "Hôm nay" xuất hiện tại những đoạn then chốt. Trong
ngày Lễ Giáng Sinh, chúng ta đã nghe các thiên thần loan báo "Hôm nay, một
Đấng Cứu Độ đã sinh ra" (2,11). Khi Chúa Giêsu gặp ông Giakêu, Người nói
với ông "Hôm nay, ơn cứu độ đã đến cho nhà này" (19,9). Chúa Giêsu
hứa với người trộm bị đóng đinh bên phải rằng "Hôm nay, anh sẽ được ở với
tôi trên Thiên Đàng" (23,43). Ý nghĩa của từ "Hôm nay" mà Chúa
Giêsu công bố không chỉ là "ngày hôm nay" vào lúc Người tại thế, mà
còn là "ngày hôm nay" của Giáo Hội nữa.
Hôm nay, Chúa Giêsu tiếp
tục công cuộc cứu thế trong Giáo Hội và nhờ Giáo Hội.
Chúa Giêsu đã trao cho
Giáo Hội tiếp nối sứ mạng của Người. Giáo Hội luôn ý thức về sứ mạng của mình
trong thế giới. Giáo Hội nối dài hoạt động của Đức Kitô. Qua dọc dài lịch sử,
Giáo Hội luôn nỗ lực thực hiện sứ mạng đem Tin Mừng cho người nghèo hèn. Giáo
Hội đã thiết lập các bệnh viện, các trường học, các cô nhi viện, các trại cùi,
nhà dưỡng lão...Những công việc từ thiện, bác ái, xã hội, văn hóa, Giáo Hội đã
làm và đang tiếp tục làm:"Giáo Hội trìu mến và ấp ủ tất cả những ai đau
khổ vì sự yếu hèn của con người, nhất là nhận biết nơi những người nghèo khó và
đau khổ hình ảnh Đấng Sáng Lập khó nghèo và đau khổ, ra sức giảm bớt nỗi cơ cực
của họ và nhằm phụng sự Chúa Kitô trong họ" (Lumen Gentium, 8). Thời đại
hôm nay, sứ mạng của Giáo Hội còn quan trọng và thiết thực hơn nữa, liên quan
đến tự do, công lý, nhân quyền, phát triển và hòa bình. Những hoạt động bác ái
và y tế xã hội chỉ xoa dịu phần nào nỗi đau khổ của những người nghèo hèn. Còn
những người bị giam cầm trong các trại tù cải tạo, những người bị áp bức đến
mất tự do ngoài xã hội và những người dân đang bị hạn chế tự do, đói khát nhân
quyền. Giáo Hội quan tâm nhiều đến họ và trợ giúp cho họ. Phương tiện của Giáo
Hội luôn là Tin Mừng của Chúa Giêsu Kitô. Tin Mừng là "sự thật giải
thoát" (Ga 8,32).
"Có nhiều Kitô hữu
hiến đời mình để yêu thương những người cô thế, bị gạt ra ngoài lề,
bị loại trừ, coi họ là những người đầu tiên cần phải đến gặp và
là những người chủ yếu phải được nâng đỡ, vì nơi họ phản chiếu
gương mặt của chính Chúa Kitô. Nhờ đức tin, chúng ta có thể nhận ra
gương mặt Chúa phục sinh nơi những người đang mong được chúng ta yêu
thương". (Cánh cửa đức tin, số 13). Mỗi Kitô hữu tiếp nối công việc của
Chúa Giêsu bằng cách chia sẻ niềm vui và ánh sáng, nâng đỡ người đau khổ thể
xác và tinh thần, tẩy trừ sợ hãi, giải thoát người bị áp bức, xoa dịu các oán
hờn, an ủi kẻ cô đơn, biểu lộ sự hiện diện tích cực của Chúa bằng những hoạt
động bác ái của mình. Trung thành thực thi sứ vụ của người môn đệ Chúa Kitô,
chúng ta góp phần làm cho lời tiên tri Isaia cũng được ứng nghiệm, năm hồng ân
của Chúa được công bố và Nước Thiên Chúa hiện diện giữa lòng cuộc sống hôm nay.
Lm
Giuse Nguyễn Hữu An