THÁNH LỄ ĐẶT VIÊN ĐÁ XÂY NHÀ MỤC VỤ GIÁO PHẬN LÀO CAI |
VĂN NGHỆ CỦA CACE EM H'MÔNG TRƯỚC THÁNH LỄ ĐẶT VIÊN ĐÁ XÂY NHÀ MỤC VỤ GIÁO PHẬN LÀO CAI |
CHÍNH QUYỀN TỈNH, HUYỆN VỀ CHÚC MỪNG |
THÁNH LỄ ĐẶT VIÊN ĐÁ XÂY NHÀ MỤC VỤ GIÁO PHẬN LÀO CAI - ĐẠI LỄ CÁC THANH -LỄ CÁC LINH HỒN
HIỆP THÔNG VỚI CÁC THÁNH CỦA ĐTC. PHANXICO
"Sự hiệp thông của các thánh nảy sinh từ sự hiệp thông với Thiên Chúa
và niềm tin nơi Chúa Kitô. Nó nối kết giữa các tín hữu còn lữ hành trên trần
gian này với các tín hữu đang được thanh luyện trong luyện ngục và các thánh
trên thiên đàng trong tình yêu của Thiên Chúa Ba Ngôi".
Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói như trên với hơn 100.000 tín hữu và du khách
hành hương tham dự buổi tiến kiến chung sáng thứ Tư 30-10-2013 tại quảng trường
thánh Phêrô. Đã có hàng chục ngàn tín hữu phải đứng ngoài quảng trường Pio XII
và đường Hòa Giải. Trong số hàng trăm đoàn hành hương hiện diện cũng có hai
nhóm Việt Nam đến từ Đức và Hoa Kỳ. Đặc biệt có phái đoàn các nhóm tôn giáo
Irak do Đức Hồng Y Jean Louis Tauran, chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh đối thoại
liên tôn hướng dẫn, đang tham sự khóa họp tại Roma.
Trong bài huấn dụ Đức Thánh Cha đã khai triển đề tài giáo lý "sự hiệp
thông của các thánh", là một thực tại rất đẹp của đức tin. Giáo Lý Giáo
Hội Công Giáo nhắc nhớ cho chúng ta biết rằng kiểu nói này diễn tả hai thực
tại: sự hiệp thông giữa các điều thánh thiện, và sự hiệp thông giữa các người
thánh thiện (s. 948). Ý nghĩa thứ hai này là một trong những sự thật trao ban
an ủi nhất trong đức tin của chúng ta, bởi vì nó nhắc nhở cho chúng ta biết
rằng chúng ta không cô đơn, nhưng có một sự hiệp thông sự sống giữa tất cả
những ai thuộc về Chúa Kitô. Đó là một sự hiệp thông nảy sinh từ lòng tin. Thật
thế, từ "các thánh" quy chiếu về những người tin nơi Chúa Giêsu và
được tháp nhập vào Người trong Giáo Hội qua bí tích Rửa Tội. Vì thế các kitô
hữu tiên khởi cũng đã được gọi là "các thánh" (x. Cv 9,13.32.41; Rm
8,27; 1 Cr 6,1).
Phúc âm thánh Gioan chứng thực rằng trước cuộc Khổ Nạn, Đức Giêsu đã cầu
xin Thiên Chúa Cha cho sự hiệp thông giữa các môn đệ, với các lời này: "Để
tất cả chúng nên một như Cha ở trong Con và Con ở trong Cha, ước gì chúng cũng
ở trong chúng ta, để thế giới tin rằng Cha đã sai Con" (Gv 17,21). Đức
Thánh Cha giải thích sự hiệp thông trong Giáo Hội như sau:
Giáo hội, trong sự thật sâu thẳm nhất của nó, là hiệp thông với Thiên Chúa,
sự hiệp thông của tình yêu với Chúa Kitô và với Thiên Chúa Cha trong Chúa Thánh
Thần, kéo dài trong sự hiệp thông huynh đệ. Tương quan này giữa Đức Giêsu và
Thiên Chúa Cha là "khuôn mẫu" của sự gắn bó giữa các kitô hữu chúng
ta: nếu chúng ta được tháp nhập một cách thân tình vào "khuôn mẫu"
này, vào lò lửa tình yêu nồng cháy là Thiên Chúa Ba Ngôi, thì khi đó chúng ta
có thể thực sự trở thành một con tim một linh hồn giữa chúng ta, bởi vì tình
yêu của Thiên Chúa thiêu rụi các ích kỷ, đốt cháy các thành kiến và các chia rẽ
bên trong và bên ngoài của chúng ta. Tình yêu của Thiên Chúa cũng thiêu rụi cả
các tội lỗi của chúng ta nữa.
Tiếp tục bài huấn dụ Đức Thánh Cha nói: Nếu có sự đâm rễ trong suối nguồn
Tình Yêu là Thiên Chúa, thì khi đó người ta cũng kiểm thực được sự vận hành hỗ
tương: từ các anh chị em tới Thiên Chúa. Đức Thánh Cha giải thích điểm này như
sau:
Kinh nghiệm của sự hiệp thông huynh đệ dẫn đưa tôi tới sự hiệp thông với
Thiên Chúa. Hiệp nhất với nhau dẫn đưa chúng ta tới sự hiệp nhất với Thiên
Chúa, dẫn đưa chúng ta tới mối dây này với Thiên Chúa là Cha chúng ta. Và đây
là khía cạnh thứ hai trong sự hiệp thông của các thánh mà tôi muốn nhần mạnh:
đức tin của chúng ta cần sự nâng đỡ của những người khác, đặc biệt trong những
lúc gặp khó khăn. Nếu chúng ta hiệp nhất, thì đức tin trở thành mạnh mẽ. Thật
là đẹp biết bao nâng đỡ nhau trong cuộc mạo hiểm tuyệt vời của đức tin! Tôi nói
điều này bởi vì khuynh hướng khép kín trong riêng tư đã ảnh hưởng trên cả lãnh
vực tôn giáo nữa, đến độ nhiều khi thật là vất vả xin sự trợ giúp tinh thần của
nhưng người chia sẻ kinh nghiệm kitô với chúng ta. Ai trong chúng ta lại đã
không sống kinh nghiệm bất an, lạc lõng và cả nghi ngờ trên con đường lòng tin?
Chúng ta tất cả đều đã sống kinh nghiệm này, cả tôi nữa: nó là phần của con
đường đức tin, là phần của cuộc sống. Tất cả những điều này không được khiến
cho chúng ta ngạc nhiên, bởi vì chúng ta là người, bị ghi dấu bởi sự mỏng giòn
và các hạn hẹp. Tuy nhiên, trong những lúc khó khăn ấy cần phải tín thác nơi sự
trợ giúp của Thiên Chúa, qua lời cầu nguyện con thảo, và đồng thời thật là quan
trọng tìm ra lòng can đảm và sự khiêm tốn rộng mở chính mình cho người khác, để
xin trợ giúp, để xin người khác giúp chúng ta một tay. Biết bao nhiêu lần chúng
ta đã làm điều này và chúng ta đã thành công ra khỏi vấn đề và tìm thấy Thiên
Chúa một lần nữa. Trong sự hiệp thông này hiệp thông có nghĩa là hiệp nhất
chung.
Đề cập tới khía cạnh thứ ba trong sự hiệp thông của các thánh Đức Thánh Cha
khẳng định rằng sự hiệp thông của các thánh đi xa hơn cuộc sống trần gian này,
vượt xa hơn cái chết và kéo dài luôn mãi. Nó là một sự hiệp nhất tinh thần nảy
sinh từ bí tích Rửa Tội không bị bẻ gẫy bởi cái chết, nhưng nhờ Chúa Kitô phục
sinh, nó được chỉ định tìm thấy sự viên mãn trong cuộc sống vĩnh cửu. Có một
mối dây sâu xa và không thể chia lìa giữa những người còn lữ hành trên trần
gian này và những người đã vượt qua ngưỡng cửa của cái chết để bước vào nơi
vĩnh cửu. Tất cả những người đã được rửa tội trên trần gian này, các linh hồn
trong Luyện Ngục và tất cả các thánh đã ở trên Thiên Đàng làm thành một gia
đình duy nhất. Sự hiệp thông này giữa đất và trời được thực hiện một cách đặc
biệt trong lời cầu nguyện bầu cử.
Anh chị em thân mến, chúng ta có vẻ đẹp này. Đó là một thực tại của chúng
ta tất cả, khiến cho chúng ta là anh chị em với nhau. Thực tại này đồng hành
với chúng ta trên con đường cuộc sống và khiến cho chúng ta tìm thấy nó một lần
nữa trên trời. Chúng ta hãy bước đi trên con đường này với sự tin tưởng và niềm
vui. Một kitô hữu phải vui tươi, với niềm vui có biết bao nhiêu anh chị em được
rửa tội cùng đi với mình. Được nâng đỡ bởi các anh chị em bước đi trên cùng con
đường này để về trời. Và với sự trợ giùp của các anh chị em đang ở trên trời và
cầu xin Chúa Giêsu cho chúng ta chúng ta hãy tiến lên trên con đường này trong
tươi vui!
Đức Thánh Cha đã chào nhiều nhóm khác nhau hiện diện tại quảng trường: các
phái đoàn hành hương của nhiều giáo phận Pháp, do các Giám Mục hướng dẫn như
Tổng giáo phận Paris và Rennes. Các phái đoàn đến từ Philippines, Việt Nam và
Đông Timor. Các phái đoàn đến từ Châu Mỹ Latinh như Argentina, El Salvador,
Mehicô và Brasil. Đức Thánh Cha đã khuyến khích mọi người để cho tình yêu của
Thiên Chúa nung nấu để thay đổi bộ mặt của gia đình, xứ đạo và thế giới.
Chào các bạn trẻ, người đau yếu và các cặp vợ chồng mới cưới, Đức Thánh Cha
nhắc cho mọi người biết rằng thứ sáu tới đây là lễ các Thánh. Ước chi chứng tá
của các ngài củng cố nơi người trẻ xác tín Thiên Chúa đồng hành với họ trên
đường đời; nâng đỡ các anh chị em đau yếu bằng cách làm vơi nhẹ khổ đau của họ;
và trợ giúp các cặp vợ chồng mới cưới trong nỗ lực xây dựng gia đình trên niềm
tin nơi Thiên Chúa.
Buổi tiếp kiến đã kết thúc với Kinh Lạy Cha và phèp lành tòa thánh Đức
Thành Cha ban cho mọi người.
Cũng như mọi lần đã có hàng chục trẻ em được Đức Thánh Cha hôn. Đức Thánh
Cha đã xuống xe díp và chào một nhóm hàng trăm trẻ em giúp lễ thuộc mọi chủng
tộc khác nhau. Một chú bé đã xin chữ ký của Đức Thánh Cha và vui sướng reo hò
sau khi có được chữ ký của ngài. Trước khi Đức Thánh Cha lên tới khán đài đã có
một phái đoàn của một thành phố mặc sắc phục thời Trung Cổ rất đẹp với cờ quạt
và trống nghiêng mình chào Đức Thánh Cha trông rất ngoạn mục. Trong khi chào
tín hữu đứng hai bên khán đài, có một chú bé đã tặng Đức Thánh Cha cái mũ ca
lốt trắng. Ngài nhận chiếc mũ mới và lấy chiếc mũ cũ của ngài đội lên đầu chú
bé. Đức Thánh Cha cũng đã dừng lại rất lâu để ôm hôn, chúc lành và an ủi các
bệnh nhân ngồi trên xe lăn.
Linh Tiến Khải
Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
Hôm nay cùng với toàn thể
Giáo hội mừng kính trọng thể Các Thánh Nam Nữ ở trên trời. Có thể nói, hôm nay
là ngày hội lớn, ngày vui mừng hân hoan của tất cả mọi thành phần con cái trong
đại gia đình Giáo hội. Mừng kính các thánh, nghĩa là mừng kính những người đang
sống sự sống của Thiên Chúa, những vị đang hưởng phúc vinh quan tràn đầy trước
tòa cao sang của Chúa Ba Ngôi trên thiên đàng.
Hỏi : Thiên đàng là gì ?
Thiên đàng là nơi đầy dẫy những sự vui vẻ vô cùng, mà phúc nhất trên thiên đàng
là xem thấy mặt Đức Chúa Trời liên (Sách Bổn Hà Nội tr. 21). Thiên đàng là nơi
người ta yêu thương nhau, là nơi chỉ còn tình yêu là đáng kể, nơi có Thiên
Chúa là Cha và mọi người là anh em với nhau, nơi không còn chết chóc, chiến
tranh, hận thù và nước mắt. Trái lại chỉ có hòa thuận và thương yêu, các thánh
là những người đã đạt tới hạnh phúc đó.
Hỏi : Các thánh là ai vậy
?
Là những người không bằng
lòng với sự kém cỏi; với những biện pháp nửa vời. Các thánh là những người đói
và khát sự công chính, theo ngôn ngữ Kinh Thánh là khát khao sự thánh thiện. Vì
khao khát nên Thiên Chúa đã cho các ngài thỏa chí toại lòng đúng như mối phúc
trong Tin Mừng tuyên bố : "Phúc cho những ai đói khát điều công chính, vì
họ sẽ được no thoả" (Mt 5, 6).
Chi tiết trong bài đọc thứ
nhất của ngày lễ giúp chúng ta hiểu thêm các thánh là ai. Các thánh là
"những người giặt áo và tảy áo trắng trong máu Con Chiên" (Kh 7,14).
Như thế, sự thánh thiện mà các ngài có được là từ Chúa Kitô. Trong Cựu Ước, làm
thánh có nghĩa là "tách biệt" khỏi tất cả những gì ô uế. Chữ
"thánh" có nghĩa chung là "kitô hữu", hợp thành cộng đoàn
qui tụ chung quanh Đức Giêsu làm thành Dân thánh. Sự thánh tác khỏi sự phàm
tục. Các thánh tràn đầy sự thánh, còn người phàm mang đầy sự phàm. Các thánh là
những người đã được Thiên Chúa làm gia nghiệp.
Hỏi : Các thánh làm gì
trên thiên đàng? Câu trả lời cũng được tìm thấy trong Bài đọc I: "Họ đứng
trước ngai vàng và trước mặt Con Chiên, mình mặc áo trắng tinh, tay cầm nhành
lá thiên tuế. Họ lớn tiếng tung hô rằng: "Kính lạy Thiên Chúa chúng tôi,
Đấng ngự trên ngai vàng, và Con Chiên". Ca đoàn các ngài được Đức Mẹ Maria
hướng dẫn, Mẹ tiếp tục thánh thi ca ngợi của Mẹ trên trời, " Linh hồn tôi
ngợi khen Đức Chúa..." (Lc 1, 46). Chính trong sự ca ngợi này mà các thánh
gặp được hạnh phúc và niềm vui của, "Thần trí tôi hơn hở vui mừng trong
Chúa Đấng Cứu Độ tôi" (Lc 1, 47). Vinh quang và hạnh phúc của Thiên Chúa
ngập tràn các ngài.
Hỏi : Các thánh mặc áo gì?
Các thánh mặc áo chùng trắng, giặt áo mình trong máu Con Chiên. Các thánh mạc
áo đỏ, mặc áo theo con đường tử đạo của Đức Kitô. Các thánh mạc áo xanh vì đã
xây dựng hòa bình, yêu thương và phục vụ công bình đạo lý. Các thánh mạc áo
vàng khi tham dự vào chức huy hoàng của Đức Kitô, và hy vọng vào Thiên Chúa.
Hỏi : Các thánh là bao
nhiêu? Sách Khải Huyền nói : "số người được đóng ấn là một trăm bốn mươi
bốn ngàn người, thuộc mọi chi tộc Israel " (Kh 7, 4). Tôn chỉ của
họ là Tám Mối Phúc Thật. Phúc cho những ai hiền lành, nghèo khó; họ là những
người khóc lóc nay tìm được sự ủi an ở nơi Thiên Chúa ; họ là những người biết
thương xót người nay được Chúa xót thương ; họ là những người trong sạch nay
được nhìn thấy Thiên Chúa; họ là những người xây dựng hòa bìh nên được gọi là
con Thiên Chúa; họ là những người bị bắt bớ, "họ là những người từ đau
khổ lớn lao mà đến" (Kh 7, 14). Họ là các Tổ phụ, các Tiên tri, các Tông
đồ, Tử đạo, Đồng trinh, Hiển tu, Ẩn tu.
Tuy nhiên nếu con số chỉ
có thế thôi, thì quả là một điều đáng lo sợ, bởi vì người tín hữu như ta đâu có
hy vọng được vào sổ những người đó? Vậy con số đó là thế nào? Số một trăm bốn
mươi bốn ngàn là con số biểu tượng cao đầy đủ, chỉ những người được cứu rỗi.
Theo hệ thống đếm của người Do thái, một người có thể đếm cao tới mười hai
ngàn. Mười hai ngàn nhân với mười hai, thành một trăm bốn mươi bốn ngàn, một
con số cao trọn vẹn tuyệt đối, chứ không phải chỉ theo nghĩa đen là một trăm
bốn mươi bốn ngàn mà thôi.
Thánh Gioan đã nhìn thấy:
"Đoàn người đông đảo không thể đếm được, họ thuộc đủ mọi nước, mọi chi họ,
mọi dân tộc và mọi thứ tiếng" (Kh 7, 9). Họ thuộc đủ mọi thành phần và mọi
tầng lớp trong xã hội. Ðó là lí do tại sao hôm nay Giáo hội thiết lập ngày lễ
các thánh, để mừng kính chung các thánh gồm cả các thánh không tên tuổi, trong
đó phải có tổ tiên, họ hàng gần xa của mỗi chúng ta.
Hôm nay Giáo hội mừng kính
toàn thể các thánh, có những vị rõ ràng là thánh, những vị được tôn phong hiển
thánh, những vị có tên trong kinh cầu các thánh với đỉnh cảo sáng rực. Nhưng
cũng nhớ và kính mừng những vị thánh chìm sâu trong lòng đất, trong xác thịt mồ
hôi nước mắt của kiếp người. Vì mọi người đều được kêu gọi lên thánh trong Đức
Kitô. Các thánh đã đạt tới hạnh phúc đó, giờ đây trên thiên quốc vui mừng hân
hoan tận hưởng phần thưởng trọng đại Chúa dành cho các ngài. Đó cũng là niềm hy
vọng của tất cả chúng ta đang sống phận lữ hành tiến về quê trời vinh phúc.
Mừng kính các thánh, chúng
ta cậy nhờ các ngài nguyện giúp cầu thay cho chúng ta bao lâu còn sống ở đời
tạm nay, biết noi gương các ngài sống hiến chương Nước Trời, thực hành Tám Mối
Phúc như Chúa Giêsu dạy, để mai sau cũng được Chúa ân thưởng thiên đàng.
Với niềm hy vọng, cùng với
gương sáng và sự trợ giúp của các thánh, chúng ta cũng có thể làm thánh, và
phải nên thánh bằng cách tự thánh hóa bản thân như các thánh đã làm, tức là
sống theo tinh thần và mệnh lệnh của Tin Mừng là : hiền lành, bác ái, hòa
thuận, trong sạch, với tâm hồn luôn hướng về những thực tại siêu nhiên, chịu
đựng những vất vả, đau khổ tự nhiên hay do người khác mang đến, luôn tìm kiếm
Chúa và cố gắng sống phù hợp với thánh ý Chúa.
Được như thế, chúng ta có
thể "vui mừng hân hoan vì phần thưởng của chúng ta sẽ trọng đại ở trên
trời như Các Thánh hiện nay là những anh em chúng ta đang ca tụng Chúa muôn
đời" (Mt 5, 12a).
Lạy
Các Thánh Nam Nữ của Thiên Chúa, xin cầu cho chúng con. Amen.
Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
Phụng vụ lễ trọng kính Các
Thánh Nam Nữ của Thiên Chúa hôm nay, với lời kinh, tiếng hát, các bài đọc,
thánh ca lôi cuốn tâm hồn chúng ta vượt quá những giới hạn của không gian và
thời gian, bay lên cõi trời cao để chiêm ngưỡng Các Thánh, những người được coi
là diễm phúc. Thánh Phêrô nói với chúng ta rằng Thiên Chúa muốn tất cả chúng ta
sẽ là những vị thánh :" Bởi chưng đã viết rằng: Các ngươi hãy là thánh vì
Ta là Thánh " (1Pr 1, 16). Đọc đoạn Tin Mừng thánh Matthêu (Mt 5, 1-12),
một loạt các từ "phúc" ở đầu mỗi câu, làm chúng ta có thể suy diễn
rằng, Thiên Chúa muốn chúng ta là những người hạnh phúc, những thánh nhân, phúc
nhân.
Suy diễn này không quá ảo
tưởng, vì vào lúc khởi đầu Kitô giáo, các thành phần của Giáo Hội được gọi là
"những người thánh". Chẳng hạn như nơi thư Corintô, thánh Phaolô ngỏ
lời với những kẻ được thánh hoá trong Chúa Giêsu Kitô là "chư thánh đã
được (Thiên Chúa) hiệu triệu"(x.1 Cr 1, 2), được mời gọi trở nên thánh
thiện, cùng với tất cả những ai khẩn cầu danh Chúa Giêsu Kitô, Chúa chúng ta.
Quả thực, người kitô đã là "thánh" rồi, bởi Bí tích Rửa tội kết hiệp
họ với Chúa Giêsu và với mầu nhiệm Vượt Qua của Người; nhưng đồng thời người
kitô còn phải trở nên thánh, trở nên giống như Chúa Kitô, mỗi ngày một mật
thiết hơn.
Ðôi khi người ta nghĩ rằng
sự thánh thiện là một điều ưu tiên dành cho vài người được tuyển chọn. Nhưng
thật ra, việc trở nên thánh là trách nhiệm của từng người kitô hữu, hay có thể
nói là của mọi người! Theo thánh Tông Ðồ Phaolô thì từ muôn thuở, Thiên Chúa đã
chúc lành cho chúng ta và đã tuyển chọn chúng ta trong Chúa Kitô, "để trở
nên thánh thiện và không tì ố trước nhan Ngài trong tình bác ái" (Eph 1,
3-4). Như thế, tất cả mọi người đều được mời gọi sống thánh thiện; ai trong
chúng ta, dù yếu đuối và tội lỗi, dù nhỏ bé và nghèo hèn, đều có thể trở nên
thánh nhân, và được mời gọi trở nên thánh : "Các ngươi hãy nên trọn lành,
như Cha các ngươi trên trời là Ðấng trọn lành" (Mt 5, 48).
Nên trọn lành là trở nên
giống Chúa, và ai trong chúng ta cũng có thể trở nên giống Chúa, vì Thiên Chúa
đã dựng nên chúng ta theo hình ảnh của Người, giống như Người (St 1, 26-27). Tự
bản chất, chúng ta giống Chúa, tâm hồn chúng ta đẹp như Chúa. Chính tội lỗi làm
cho tâm hồn chúng ta ra nhem nhuốc, xấu xí, không còn giống Chúa nữa. Tội lỗi
làm cho chúng ta bị tha hoá, bị khác đi, không còn giữ được bản chất tốt lành
của mình nữa, hạnh kiểm của chúng ta trước mặt Chúa là yếu kém.
Nhưng ai trong chúng ta
lại không ước mơ trở nên tốt lành? Chúng ta mong lắm, thích lắm, vì trở nên tốt
lành là trở về với bản chất của mình, trở nên giống Chúa là Chân Thiện Mỹ. Có
điều là chúng ta ngại khó, ngại hy sinh, ngại cố gắng, ngại từ bỏ những điều
vui sướng nhất thời trước mắt, chúng ta không có can đảm. Sự thánh thiện hệ tại
việc sống như là những con cái Thiên Chúa, trong việc "trở nên giống"
Thiên Chúa, như đã được tạo thành.
Điều làm cho chúng ta phấn
khởi trong ngày lễ hôm nay, là Các Thánh trên trời rất đông, rất nhiều người
trong nhân loại, trong đó có thể có những người thân của chúng ta, khi còn
sống, họ đã trải qua biết bao nhiêu đau khổ và thăng trầm, nhưng cuối cùng đã
được thanh tẩy mình trong máu Con Chiên là Chúa Giêsu, họ đã trở nên tinh
tuyền, sạch đẹp và đang hưởng hạnh phúc với Chúa.
Hôm nay Các Thánh Nam Nữ
thúc giục chúng ta cách dặc biệt: hãy cố lên! Ai trong chúng ta cũng có thể cố
lên. Có rất nhiều người đã thành công. Sách khải huyền nói đến một đoàn người
thật đông đảo không tài nào đếm nổi, thuộc mọi dân, mọi nước và mọi ngôn ngữ
(x. Kh 7, 9).
Còn chúng ta đang ở dưới
thế, nơi có quá nhiều cám dỗ và cạm bẫy, chúng ta yếu đuối khó vươn lên, hoàn
cảnh của chúng ta có khi lại quá phức tạp và khó khăn, nhiều khi chúng ta nản
chí buồn lòng, không còn muốn phấn đấu nữa. Nhưng Chúa dạy chúng ta đừng lúc
nào cũng nhìn đời với cặp kính màu đen, hãy lạc quan, tin tưởng, yêu đời hơn,
dù cuộc đời có đủ thứ rắc rối, có phũ phàng mấy đi nữa. Lời thánh Phêrô khuyên
chúng ta "cả anh em nữa, hãy nên thánh trong tất cả hạnh kiểm" (1Pr 1,
15).
Hãy tin tưởng vào Thiên
Chúa, Đấng đã dựng nên mọi sự tốt lành, Đấng nắm giữ vận mệnh của lịch sử. Hãy
nghe lời thánh Gioan nói xem "Tình yêu của Thiên Chúa Cha đối với chúng ta
thế nào, khiến chúng ta được gọi là con Thiên Chúa" (1 Ga 3, 1). Chính sự
tin tưởng vào Thiên Chúa làm cho chúng ta tự tin hơn và yêu đời hơn. Mỗi lần cố
gắng trở nên tốt hơn, là một lần chúng ta trở nên giống Chúa hơn. Chúa Giêsu đã
vạch ra con đường Tám Mối Phúc Thật cho tất cả chúng ta đi theo hầu trở nên
giống Người. Đó là con đường mà Người đã đi, khi Người còn sống thân phận lữ
thứ trần gian như chúng ta: " Phúc cho những ai..." (x. Mt 5, 1-12)
Mừng lễ Các Thánh Nam Nữ
hôm nay, ngự giữa cộng đoàn Các Thánh, có Ðức Nữ Ðồng Trinh Maria, Ðấng khiêm
nhu nhưng cao trọng hơn mọi tạo vật. Chúng ta hãy đạt đôi bàn tay ta vào trong
tay của Mẹ để Mẹ hướng dẫn, có Mẹ dẫn lối chỉ đường, chúng ta cảm thấy mình
được khích lệ tiến bước với niềm hăng say hơn trên con đường thánh thiện. Hãy
phó thác cho Mẹ cố gắng dấn thân hằng ngày và khẩn cầu Mẹ cho những người thân
yêu của chúng ta đã qua đời. Trong niềm hy vọng sâu xa một ngày kia tất cả
chúng ta sẽ gặp lại nhau, trong sự hiệp thông vinh quang của Các Thánh trước
tòa Chúa. Amen.
Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
Lm Vinh Sơn Biển
Hôm nay, cùng với toàn thể
Giáo Hội mừng trọng thể lễ các thánh nam nữ. Qua thánh lễ hôm nay, Giáo Hội mời
gọi chúng ta hãy biểu lộ niềm vui mừng, hãnh diện và hy vọng vào ơn cứu độ của
Thiên Chúa dành cho chúng ta là những người cùng chung niềm tin vào Chúa như
các thánh.
Tuy nhiên, hẳn mỗi người
chúng ta nhiều khi tưởng tượng ra sự xuất sắc của các thánh như là những vĩ
nhân, những người siêu quần bạt chúng, hay các ngài như là những người có một
cuộc sống đặc biệt, khác thường nên mới trở nên những vị thánh! Còn chúng ta,
những người tầm thường, có lẽ niềm hy vọng nên thánh là điều khó có thể xảy ra!
Suy nghĩ như thế có đúng
hay sai? Và chúng ta có trở nên thánh trong thời đại hôm nay được hay không?
Giờ đây, chúng ta cùng
nhau suy niệm về cuộc đời của các thánh, và từ đó, rút ra một giải đáp cho thắc
mắc trên.
Trước tiên, chúng ta cùng
nhau tìm hiểu xem: các thánh là ai? Và các ngài đã sống như thế nào?
1. Các thánh là ai?
Khi đặt câu hỏi như thế,
chúng ta có thể trả lời ngay rằng: các ngài là những Giáo hoàng, Hồng y, Giám
mục, Linh mục, Tu sĩ và Giáo dân. Các ngài là những người tri thức, nhưng cũng
không thiếu những đấng bình dân học vụ. Các ngài là những người có địa vị trong
Giáo Hội và xã hội, nhưng cũng không thiếu những đấng thường dân. Các ngài là
những người được sinh ra nơi thành phố phồn hoa đô hội, nhưng cũng có vị hiện
hữu nơi cuộc đời này trong cảnh màn trời chiếu đất, nơi thôn quê hẻo lánh...
Các ngài là những bác sĩ, kỹ sư, là những người giàu, nhưng cũng rất nhiều đấng
suốt ngày bán mặt cho đất, bán lưng cho trời, là những người nghèo, cảnh mẹ góa
con côi... Các ngài cũng là những người thánh thiện, tốt lành ngay từ nhỏ,
nhưng cũng không thiếu đấng trước đó là kẻ rối đạo, chối đạo, sống cuộc đời bê
tha và trác táng, nhưng chỉ được ơn sám hối, canh tân, tin tưởng, phó thác nơi
Chúa trước khi nhắm mắt rời bỏ thế gian mà thôi...
Như vậy, các thánh thật
đông đảo và các ngài từ mọi nơi, mọi miền và đủ mọi thành phần. Chính thánh
Gioan khi được thị kiến đã thốt lên: "... kìa một đoàn người thật đông
không tài nào đếm nổi, thuộc mọi dân, mọi chi tộc, mọi nước và mọi ngôn
ngữ" (Kh 7, 9); và: "Một trăm bốn mươi bốn ngàn người được đóng ấn,
thuộc mọi chi tộc con cái Itraen" (Kh 7, 4); các ngài "... là những
người đã đến, sau khi trải qua cơn thử thách lớn lao. Họ đã giặt sạch và tẩy
trắng áo mình trong máu Con Chiên" (Kh 7,14).
Nói chung, thế giới của
các thành gồm đủ mọi thành phần, và số lượng các thánh không ai đếm xuể. Công
việc của các ngài là tôn vinh, thờ phượng, cảm tạ Thiên Chúa và cầu thay nguyện
giúp cho chúng ta. Các ngài đang được sống một sự sống hạnh phúc nơi quê thật
là Nước Trời.
Việc chúng ta ngưỡng mộ
tài cao đức rộng, cuộc sống phi thường của các thánh hẳn không sai, nhưng không
phải là tuyệt đối đúng, vì thực tế, trong số các thánh, nhiều đấng cũng không
hơn gì chúng ta. Có khi các ngài cũng là nhưng người tội lỗi một thời như Maria
Mađalêna, Phêrô, người trộm lành, Phaolô, Augustinô...
Điều đáng nói ở đây chính
là: các ngài thuộc những người đã trải qua kinh nghiệm về yếu đuối, sa ngã và
tội lỗi, nhưng các ngài đã sám hối, ăn năm, canh tân đời sống theo ánh sáng Tin
Mừng của Đức Giêsu Kitô. Các ngài là những người 99 lần ngã, nhưng lần thứ 100
thì đứng dạy và đứng luôn trong ân sủng.
Thật vậy, sau khi sa ngã,
các ngài đã nhận được ân sủng và tình thương lớn lao của Thiên Chúa dành cho
mình, nên các ngài đã tin tưởng, phó thác và yêu mến Thiên Chúa hết lòng, yêu
thương anh chị em tha thiết. Như thế, có thể nói: các thánh đều là những người
đã nếm mùi đau khổ thử thách ở trần gian như chúng ta, xong, các ngài vẫn giữ
được lòng trung thành với Thiên Chúa và kiên trì tuân giữ Giới Luật của Người
cũng như thi hành xuất sắc Tám Mối Phúc Thật.
Cuộc đời hy sinh, đòn vọt,
bắt bớ vì Chúa và tâm tình sám hối, canh tân để trở nên ngày càng đồng hình
đồng dạng với Đức Kitô nơi các thánh được ví như một cuộc thanh luyện và cố
gắng liên lỷ.
2. Các thánh là những
người trung thành với Hiến Chương Nước Trời
Tất cả các thánh, không ai
là người sống ngoài bản Hiến Chương Nước Trời mà Tin Mừng hôm này thuật lại.
Các ngài luôn coi bản Hiến Chương Nước Trời như là khuôn vàng thước ngọc cho
cuộc đời mình. Qua bản Hiến Chương này, các ngài đã sống tinh thần nghèo khó,
không bị lệ thuộc vào vật chất, sống hiền lành và bao dung, quảng đại, tha thứ.
Cuộc đời các ngài luôn khao khát sự sống công chính, mong muốn sống trong sạch,
yêu thương, chăm sóc những người đau khổ, luôn kiến tạo hòa bình và khước từ
hận thù, xây dựng tình huynh đệ, hiệp nhất, yêu thương. Các thánh còn là những
người vì yêu mến Chúa trên hết mọi sự, nên chấp nhận mọi sự hiểu lầm, đòn vọt,
bắt bớ, gươm đao và ngay cả cái chết để được mối lợi tuyệt đối là Đức Kitô, vì
người, các ngài đành mất hết (x. Pl 3, 8). Các ngài được ví như những người lái
buôn, đã đánh đổi tất cả một khi đã tìm được Kho Tàng, Viên Ngọc Quý. Vì thế, đối
với các ngài: "...sống là Ðức Kitô, và chết là một mối lợi" (Pl 1,
21), nên không có gì tách các ngài ra khỏi tình yêu của Đức Kitô.
Mừng lễ các thánh nam nữ
hôm nay, chúng ta có niềm an ủi thật lớn lao, đó là: các thánh không phải là
người xa lạ với chúng ta. Các ngài là những người có cùng niềm tin, là tổ tiên,
là cha ông, là những người thân của chúng ta.
Có những vị thánh nổi
tiếng, nhưng cũng không thiếu những vị thánh bình thường, vô danh.
Đường lối nên thánh cũng
không phải chỉ có một con đường độc điệu, mà là nhiều con đường khác nhau...
Như thế, các thánh là
những người rất gần gũi với cuộc sống thực tế của chúng ta. Bởi vậy, mỗi người
đều có quyền hy vọng rằng: "Ông nọ bà kia nên thánh được, còn tôi, tại sao
không?" (Thánh Augustino).
3. Hãy trở nên thánh vì ta
là Đấng Thánh
Lời mời gọi nên thánh vẫn
luôn là một điều gì đó mới mẻ và hấp dẫn đối với chúng ta. Tuy nhiên, để sống
được lời mời gọi này, chúng ta phải lội ngược dòng, phải lột xác và chấp nhận
sự nghịch lý của Tin Mừng, bởi lẽ, chúng ta đang sống trong một xã hội thực
dụng, thỏa mãn xác thịt, ham muốn điều bất chính, gây bất hòa, chia rẽ, vô cảm,
dửng dưng với đau khổ của anh chị em, gây nên những bạo lực, đau khổ, sống dối
trá, giả hình, bóc lột, bất công...! Trong khi đó, Lời Chúa và những giá trị
của Chân Lý luôn nhắc nhở và mời gọi chúng ta ý thức rằng: hạnh phúc đích thực
của chúng ta ở nơi Thiên Chúa và quê hương chúng ta ở Trên Trời, chứ không phải
ở những thứ chóng tàn, mau qua sớm hết nơi trần gian này... Vì thế, muốn đạt
được Nước Trời làm gia nghiệp, chúng ta phải chiến đấu liên lỷ để biện phân và
lựa chọn giữa tốt và xấu, giữa thiện và ác, giữa cuộc sống tạm bợ và cuộc sống
vĩnh cửu. Chấp nhận đi theo con đường hẹp của Tin Mừng. Được hạnh phúc hay bất
hạnh là do sự lựa chọn của chúng ta.
Mừng kính lễ các thánh nam
nữ hôm nay, chúng ta cùng nhau tạ ơn Chúa đã ban cho Giáo Hội những gương sáng
ngang qua cuộc đời của các thánh, từ đó trở thành động lực cho mỗi chúng ta
phấn đấu trên con đường nên thánh. Đồng thời, mỗi khi mừng kính các thánh,
chúng ta cũng tạ ơn Chúa đã ban nhiều ơn thánh trợ giúp, để: con cháu, anh chị
em, cha mẹ, ông bà, tổ tiên... chúng ta đã thành công trên con đường tiến đức
và nay đang diện kiến tôn nhan Chúa.
Mặt khác, qua việc mừng lễ
này, sứ điệp Lời Chúa và Giáo huấn của Giáo Hội mời gọi chúng ta tái khám phá
và làm mới lại sự quyết tâm trong việc: nghĩ thánh, hành động thánh và sống
thánh trong cuộc sống thực tại hôm nay.
Lạy các thánh nam nữ trên
trời, xin chuyển cầu cùng Chúa cho chúng con. Amen.
LỄ
CÁC LINH HỒN
|
Nguồn gốc lễ Cầu hồn và
tháng Các linh hồn
Theo
Xuanha
|
Theo
sách vở ghi lại, thì thánh Odilo (962- 1048) là viện phụ đan viện
Ngài là người thánh đức, thường cầu nguyện, hi sinh , và dâng lễ cầu cho các linh hồn đã qua đời. Truyện kể rằng: Một hôm, một đan sĩ Dòng ngài đi viếng Đất thánh Giêrusalem. Trên đường trở về Đan viện "Trên đảo này có nhiều hang lửa, trong hang có nhiều người bị hành hạ, đánh đập. Tôi thường nghe các tên quỉ phàn nàn với nhau về Viện phụ Odilo và các đan sĩ Dòng của ngài rằng: ngày nào họ cũng giải thoát một số linh hồn ra khỏi hang lửa đó. Vì thế, xin thầy về nói với cha Odilo và các anh em trong Dòng cứ tiếp tục cứu giúp các linh hồn đau khổ. Đó cũng là niềm vui cho các thánh trên Thiên đàng và là sự đau khổ cho quỉ dữ dưới Hỏa ngục".
Sau khi
nghe biết sự việc này, cha Odilo đã lập lễ Cầu hồn vào ngày 2 tháng 11 và
trước hết cử hành trong đan viện Cluny của ngài vào năm 998 (có sách nói năm
1030). Về sau lễ cầu hồn đã được truyền sang nuớc Pháp, và tới giữa thế kỉ
10, Đức Giáo hoàng Gioan 14 đã lập lễ Cầu hồn trong Giáo hội Rôma.
Từ thời đó, nhiều nơi đã có thói quen cầu nguyện tuần chín ngày cho các linh hồn, họ đi thăm viếng, sửa mồ mả cha ông. Vào buổi chiều lễ Các Thánh, có những người đi từng nhà xin quà cho các linh hồn, họ hát những bài ca cổ truyền cổ động cầu cho các linh hồn mau ra khỏi Luyện ngục. - Tại nước - Tại miền quê nước ........... - Tại Việt nam, nhất là miền Bắc, trước Công đồng Vaticanô 2 (62-65) người ta thường sửa mồ mả cha ông vào dịp Tết Nguyên đán đầu năm Âm lịch, tính theo mặt trăng, còn lễ Cầu hồn, người ta đi viếng các nhà thờ chung quanh suốt ngày lễ Các Thánh để lãnh ân xá chỉ cho các linh hồn đã qua đời. Cảnh người lớn trẻ em tấp nập ra vào rất vui vẻ. Người ta dự lễ và xin lễ rất nhiều để cầu cho Tổ tiên, Ông bà, Cha mẹ sớm về hưởng phước Thiên đàng. -------------------------- *Thương nhớ người quá cố, nhất là cha mẹ, anh chị em trong gia đình là chuyện tự nhiên của con người. *Ao ước cho người thân mình được "nghỉ yên muôn đời trong nơi mát mẻ hạnh phúc" cũng là tâm lí thông thường. *Do đó việc cầu cho người thân đã qua đời là việc cần thiết, vừa cho linh hồn người chết được cứu thoát khỏi Luyện ngục, vừa cho người sống được tỏ lòng hiếu thảo đền ơn. Những điều trên không những hợp lòng người, mà còn hợp giáo lí trong đạo. Giáo lí Công giáo do Đức Thánh cha Gioan Phaolo 2 ban hành năm 1992 có 3 số như sau: - Số 1030: Cần có Luyện ngục: "Những ai chết trong ân sủng và ân nghĩa của Thiên Chúa, nhưng chưa được thanh tẩy cách trọn vẹn, thì tuy được bảo đảm về ơn cứu độ muôn đời của mình, vẫn phải chịu một sự thanh luyện sau khi chết, hòng đạt được sự thánh thiện cần thiết để bước vào niềm vui thiên đàng. - Số 1031: Luyện ngục để thanh tẩy: "Giáo Hội gọi là luyện ngục là sự thanh luyện sau cùng này của các người được chọn, hoàn toàn khác với hình phạt của những kẻ bị án phạt. Giáo Hội đã trình bày giáo lý của đức tin về Luyện ngục, nhất là tại các Công đồng Florentia (xem DS 1304) và Trentô (xem DS 1820; 1580). Dựa vào một số bản văn của Thánh Kinh (Chẳng hạn 1 Cr 3,15; 1 Pr 1,7), Truyền thống của Giáo Hội nói đến một thứ lửa thanh luyện:"Đối với một số những lỗi lầm nhẹ, ta phải tin có một thứ lửa thanh tẩy trước ngày Phán xét, theo như những gì mà Đấng là Chân lý đã dạy khi Ngài nói rằng nếu ai nói lời phạm thánh chống lại Chúa Thánh Thần, thì sẽ không được tha cả đời này lẫn ở đời sau" (Mt 12,31). Theo lời quyết đoán này, chúng ta có thể hiểu rằng một số lỗi lầm có thể được tha ở đời này, nhưng một số lỗi khác thì được tha ở đời sau" (Th. Gregoriô Cả, Dial. 4,39).
- Số
1032: Người sống cứu người chết:
"Giáo
huấn này cũng dựa vào cách cầu nguyện cho kẻ chết, như được nói đến trong
Thánh Kinh: "Đó là lý do tại sao ông Giuđa Macabê đã truyền phải dâng hy
lễ đền tội này cho các người đã chết, để họ được giải thoát khỏi tội lỗi của
mình" (2 Mcb 12,46).
Ngay từ
những thời gian đầu, Giáo Hội đã tôn kính việc tưởng niệm các người đã qua
đời, và dâng kinh lễ để cầu cho họ, nhất là dâng Thánh lễ( xem DS 856), để họ
được thanh tẩy và tiến vào nơi chiêm ngưỡng Thiên Chúa. Giáo Hội cũng khuyên
làm việc bố thí, hưởng các ân xá và thi hành những việc đền tạ để giúp các
người đã qua đời:
Chúng ta hãy cứu giúp họ và hãy tưởng nhớ họ. Nếu các con ông Gióp đã được thanh tẩy nhờ lễ hy sinh của cha họ( xem G 1,5), tại sao chúng ta lại có thể hoài nghi rằng những của lễ của chúng ta dâng cầu cho người chết sẽ không mang lại ủi an cho họ? Vậy chúng ta đừng ngần ngại cứu giúp những người đã ra đi, và dâng những kinh nguyện cầu cho họ (Th. Gioan Kim khẩu, Hom. in 1 Cr 41,5). * Ngày 10 tháng 8 năm 1915, Trong một Tông hiến, Tòa thánh cho các linh mục được dâng 3 lễ vào ngày lễ Cầu hồn: 1 cầu như ý người xin, được lấy bổng lễ, 1 cầu theo ý ĐTC (không bổng) và 1 cầu cho các linh hồn (không bổng). Giáo hội cũng xác định dành trọn tháng 11 dành để cầu cho các linh hồn Luyện ngục. * Ngày 1 tháng 11 năm 1967, ĐTC Phaolô 6, trong Tông huấn Ân xá đã ban một đại xá với điều kiện thường lệ (xưng tội, rước lễ, cầu theo ý ĐGH) cho những ai "viếng nhà thờ vào Chúa nhật trước hoặc sau, hoặc chính lễ Các Thánh (số 67), và những ai viếng nghĩa địa trong 8 ngày đầu tháng 11 để cầu cho các linh hồn (số 13). |
HIỆP THÔNG CÁC THÁNH VÀ ƠN CỨU RỖI
|
Đ.Ô. Phêrô Nguyễn Văn Tài
|
Hôm nay chúng ta tưởng nhớ và cầu
nguyện cho những người thân cũng như mọi người quá cố. Lễ cầu cho các đẳng đã
được thánh Audilo, tu viện trưởng tu viện Crainy, tại Pháp, thiết lập cách
đây một ngàn năm, liền sau lễ Các Thánh, qua đó Giáo Hội vui mừng cử hành
việc thông hiệp các thánh và ơn cứu rỗi.
Thánh Audilo đã thúc giục các tu sĩ
trong tu viện hãy cầu nguyện một cách đặc biệt cho người quá cố. Lời cầu cho
các đẳng không mấy chốc đã lan rộng ra khắp nơi. Ðể nuôi dưỡng tâm tình và
lời cầu nguyện của chúng ta trong ngày hôm nay, thiết tưởng chúng ta nên lắng
nghe lại sứ điệp mà Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã gửi cho đức cha Raymon
Sagi, giám mục Otinsalone và Margone, nhân dịp kỷ niệm một ngàn năm thánh
Audilo thiết lập lễ cầu cho các đẳng linh hồn.
Mầu nhiệm vượt qua phải là trọng tâm
của những suy tư và là nền tảng của những lời cầu nguyện của chúng ta trong
ngày hôm nay.
Ðức Thánh Cha viết như sau:
"Khi cầu nguyện cho người quá cố,
trước tiên Giáo Hội chiêm ngắm mầu nhiệm Phục sinh của Chúa Kitô, Ðấng mang
lại ơn cứu rỗi và sự sống vĩnh cửu cho chúng ta qua thập giá của Ngài. Do đó,
cùng với thánh Audilo, chúng ta có thể lặp lại không ngừng như sau:
"Thánh giá là nơi nương ẩn, là đường đi và là sự sống của tôi. Thánh giá
là khí giới bất diệt của tôi. Thánh giá chiến thắng mọi sự dữ. Thánh giá đẩy
lui mọi bóng tối". Thánh giá của Chúa Giêsu nhắc chúng ta rằng mọi cuộc
sống đều được ánh sáng phục sinh soi dẫn và không có một hoàn cảnh nào là
hoàn toàn hư mất, bởi vì Ngài đã chiến thắng sự chết và mở đường cho chúng ta
tiến vào sự sống thật. Trong ngày cầu cho người đã qua đời, chúng ta nói lên
niềm hy vọng cho chúng ta".
Ðức Thánh Cha giải thích:
"Tin vào sự phục sinh của thân
xác là nhìn nhận rằng sẽ có một chung cục, một cùng đích cho mọi người. Một
cùng đích thỏa mãn khát vọng của con người đến độ nó không còn gì phải khao
khát nữa. Niềm khát vọng ấy được thánh Augustinô diễn tả một cách thật kỳ
diệu như sau: "Chúa đã dựng nên chúng con cho Chúa và tâm hồn chúng con
không thể an nghỉ khi chưa được nghỉ an trong Chúa". Do đó, tất cả chúng
ta được mời gọi để sống với Chúa Kitô, Ðấng ngự bên hữu Chúa Cha và được
chiêm ngắm Thánh Thần, vì Thiên Chúa là đối tượng của niềm hy vọng Kitô. Cầu
nguyện cho người quá cố, chúng ta không chỉ tưởng nhớ đến những người thân và
các tín hữu Kitô. Chúng ta cũng được mời gọi để tưởng nhớ và cầu nguyện cho
tất cả mọi người quá cố, dù tin hay không tin, dù thuộc về hay ở ngoài Giáo
Hội hữu hình".
Ðức Gioan Phaolô II đã trích dẫn kinh
Tin Kính của Ðức Phaolô VI như sau:
"Chúng ta tin rằng Giáo Hội là
cần thiết trong ơn cứu rỗi, bởi vì Chúa Kitô là trung gian duy nhất và là con
đường cứu rỗi duy nhất, và bởi vì Ngài hiện diện với chúng ta trong thân thể
Ngài là Giáo Hội, nhưng chương trình của Thiên Chúa ôm trọn lấy tất cả mọi
người. Do đó những ai không do lỗi của họ mà không biết Tin Mừng của Chúa
Kitô và Giáo Hội của Ngài, nhưng thành tâm tìm kiếm Chúa và hành động theo
lương tâm của mình nhờ ơn Chúa thúc đẩy, mà thực thi ý muốn của Ngài, những
người đó cũng thuộc về dân Ngài, cho dẫu bằng một cách thế mà chúng ta không
thấy và do đó cũng có thể được phần rỗi đời đời. Chỉ có Chúa mới biết con số
những người ấy".
Chính vì thế mà Ðức Thánh Cha kêu gọi
chúng ta hãy cầu nguyện cho tất cả mọi người quá cố. Lời cầu nguyện mà Giáo
Hội không ngừng dâng lên Chúa có một giá trị lớn lao, đó là đặc điểm của một
tâm hồn luôn hướng về lòng nhân từ của Chúa. Giáo Hội tin rằng các linh hồn
đã được thanh luyện, đã được nâng đỡ bởi lời cầu nguyện của các tín hữu, và
nhất là bởi thánh lễ trên bàn thờ cũng như các việc bố thí và những việc làm
đạo đức khác.
Trong phần kết thúc sứ điệp gởi cho
đức giám mục kiêm tu viện trưởng tu viện Crainy, nhân dịp kỷ niệm một ngàn
năm thiết lập ngày cầu cho các đẳng, Ðức Thánh Cha tha thiết kêu gọi như sau:
"Tôi cổ võ các tín hữu công giáo
hãy sốt sắng cầu cho những người quá cố, cho người thân trong gia đình và cho
tất cả mọi anh chị em đã ly trần để họ được tha thứ khỏi hình phạt cho tội
lỗi của họ, và có thể lắng nghe được lời mời gọi của Chúa: "Hỡi linh hồn
yêu dấu, hãy vào nghỉ ngơi muôn đời trong vòng tay từ ái của Ta".
Trong ngày hôm nay và trong suốt tháng
11 này, chúng ta hãy dâng mọi ý nguyện và những hy sinh của chúng ta để cầu
nguyện cho người thân và mọi người quá cố. Ước gì những lời cầu nguyện và hy
sinh ấy cũng nuôi dưỡng và củng cố niềm hy vọng của chúng ta vào cuộc sống
mai hậu, và nhờ đó mang lại ý nghĩa cho cuộc sống của chúng ta.
|
HAI MẶT CỦA MỘT MẦU NHIỆM
|
Đgm Phaolô Maria Cao Đình Thuyên
|
Hai mặt của một Mầu Nhiệm: Các thánh
cùng thông công (Lễ cầu cho các linh hồn)
Anh chị em thân mến, hôm nay Giáo Hội
dâng lễ cầu cho các linh hồn. Đây là hai mặt của một Mầu Nhiệm: các thánh
cùng thông công. Chúng ta tin rằng, ai đã an nghỉ trong Chúa vẫn còn hiệp
thông với cộng đồng tín hữu đang sống, như tế bào, các bộ phận trong cùng một
thân thể. Mọi người dù còn sống hay đã chết đều liên kết trong thân thể Mầu
nhiệm của Chúa Kitô.
Trong ngày hôm nay cũng như trong suốt
hành trình đức tin của chúng ta, Giáo hội không ngừng mời gọi chúng ta tưởng
nhớ và cầu nguyện cho người quá cố: sự hiện diện của người quá cố trong cuộc
lữ hành trần thế của chúng ta là một ân huệ đặc biệt, nó luôn nhắc nhở chúng
ta về cùng đích chắc chắn của chúng ta. Nó luôn mời gọi chúng ta sống thế nào
để cái cuộc sống mới sung mãn hơn.
Thánh Charles Borromêô (1538 – 1584)
sống ở Ý cách đây đã 400 năm, khi còn trẻ Borromêô đầy những tước vị, nhưng
một hôm Borromêô đã nhận ra rằng, một ngày nào đó mình sẽ bỏ lại tất cả. Ngài
muốn luôn ghi khắc điều đó, nên đã nhờ một họa sỹ nổi tiếng vẽ một bức họa
trong tư thất để diễn tả cái chết. Họa sỹ đã trình thần chết theo lối cổ điển
bằng một bộ xương người nắm chặt lưỡi hái trong tay.
Borromêô ngạc nhiên hỏi tại sao họa sỹ
lại hình dung cái chết bằng cái lưỡi hái?
Vì thần chết gặt gái mọi cuộc sống,
cái chết hủy hoại mọi cuộc đời. Đồng ý, nhưng thần chết cũng mở cửa nước
trời, cái chết là cổng mở vào đời sống tốt đẹp hơn, vì thế tôi đề nghị nghệ
sỹ xóa chiếc lưỡi hái đi và đặt vào tay thần chết chiếc chìa khóa vàng.
ACE thân mến, câu chuyện này giúp
chúng ta xét lại những quan niệm bi quan của chúng ta về cái chết. Thực sự
cái chết là thân phận bi đát nhất của con người. Nó là giới hạn không một ai
có thể vượt qua, thần chết đã hạ gục mọi người, đã chấm dứt cuộc đời ở mọi độ
tuổi, thần chết thường ra tay muộn màng, chậm chạp, nhưng lắm lúc cũng thật
chớp nhoáng. Chúa Kitô đã soi sáng cho chúng ta bằng một quan niệm khác, hoàn
toàn lạc quan: “Hạt lúa gieo vào lòng đất nếu không thối đi sẽ không nẩy sinh
ngàn vạn hạt lúa mới”. Cái chết cũng là chìa khóa bằng vàng, chìa khóa duy
nhất có thể mở cửa cuộc sống vĩnh cửu. Quan điểm Thánh kinh cũng là quan điểm
và niềm tin của chúng ta. Cổng trời sẽ mở ra, dẫn con người về nhà Cha, cái
chết là lưỡi hái hay chìa khóa, là chuyển biến hay kết thúc, là hư vô hay là
cuộc sống vĩnh hằng, đó chính là điểm khác biệt giữa người tín hữu và người
vô tín ngưỡng.
Tuy nhiên, dù chết là chìa khóa vàng,
là chuyển biến, là cuộc sống mới, cũng vẫn gây nên một tang thương mất mát
cho chúng ta. Chúng ta tưởng nhớ đến ông bà, cha mẹ, thân bằng quyến thuộc
chúng ta đã ra đi. Chúng ta xa mặt nhưng không xa lòng. Chúng ta hy vọng một
cuộc sống tốt đẹp hơn nơi trời mới đất mới. Niềm hy vọng và xác quyết của
chúng ta được chính Đức Kitô bảo đảm. Chính Ngài đã sống lại từ cõi chết.
Thánh Paul nói: “Thần chết đã bị Đức Kitô hạ gục, thần chết bị nuốt chửng
trong chiến thắng. Thần chết đã buông lưỡi hái và cầm lấy chìa khóa vàng.
Cổng trời được mở ra cho con người vào nhà cha”.
ACE, nghĩ đến người chết để chúng ta
xác quyết rằng: cái chết là chìa khóa mở cửa cho cuộc sống mới. Và cuộc sống
mới này tùy thuộc vào việc tích chứa, xây dựng trong cuộc sống tại thế này.
Chúng ta cần tận dụng từng giây phút, cần hoàn tất từng công việc dù nhỏ mọn
đến đâu, để làm giàu cho cuộc sống, để làm cho đời ta có được giá trị vĩnh
cữu. Thiên Chúa đã ban cho mọi người những khả năng mà hoàn thành trách nhiệm
của mình. Không ai được sinh ra để sống như một kẻ bàng quang, vô trách
nhiệm, nhưng ai cũng sinh ra để gánh vác cuộc đời để chu toàn sứ mạng mà
Thiên Chúa đã an bài xếp đặt.
Chúa Kitô đã dạy: “Hãy dùng của cải
đời này mà mua Nước Trời”. Chúa muốn chúng ta hãy dùng tất cả mọi hoạt động
trần thế vào mục đích ấy và có lẽ không có hoạt động nào có giá trị hơn việc
canh tân đời sống mỗi ngày và thực thi công bình, bác ái, yêu thương, phục
vụ. Những việc tốt đẹp chúng ta làm hôm nay tại trần thế này, chính là những
viên gạch sẽ xây dựng ngôi nhà cho chúng ta trên thiên quốc. Hôm nay thắp một
nén hương cho người quá cố, dâng một lời cầu cho những người ra đi, chúng ta
xin Chúa thương cho các linh hồn tổ tiên, ông bà, cha mẹ, thân nhân bạn hữu
sớm được hưởng nhan thánh Chúa, đồng thời cũng là cầu cho chúng ta biết sử
dụng cuộc sống hôm nay cho hợp với thánh ý Chúa. Đốt lên một ngọn nến cầu cho
các linh hồn được sống đời sống với Chúa, cũng là lúc nhắc nhớ chúng ta: muốn
được sống với Chúa thì hãy cùng chết với Người, chết từng ngày từng giờ cho
con người cũ tội lỗi và sống một cuộc sống mới tốt lành thánh thiện.
Chúng ta vô cùng cám ơn những người ra
đi trước chúng ta về chứng từ niềm tin và hy vọng, về quà tặng bình an, về sự
chuyển cầu mà họ đã chia sẻ cho ta, những người còn lữ hành trong hy vọng.
Chúng ta cũng không quên chia sẻ, như
một nghĩa vụ thiêng liêng với những người đã chết, kinh nguyện và việc lành
phúc đức mà nay họ mong muốn làm để đền bù thiếu sót nhưng không thể.
Cuối cùng chúng ta nguyện xin Chúa cho
lễ tế Hội thánh dâng lên sinh ích cho những người con của Chúa là tổ tiên,
ông bà và thân bằng quyến thuộc của chúng ta đã ly trần. Xưa kia họ đã từng
lãnh nhận Bí tích tình yêu này, giờ đây xin cho tất cả cũng được cùng thần
thánh chung phần vinh phúc với Đức Kitô, Đấng hiển trị muôn đời.
Lạy Chúa, cảm tạ Chúa đã luôn khơi dậy
trong tâm hồn chúng con sự tưởng nhớ đến người quá cố. Xin cho sự hiện diện
của họ trong cuộc lữ hành đức tin của chúng con luôn là nguồn cảm hứng dẫn
chúng con bước đi trong tin yêu, phó thác, cậy trông và hân hoan.
|
DỤ NGÔN CÂY CHUỐI
|
Lm. Jos Tạ Duy Tuyền
|
Có một cậu bé
hỏi bố rằng:
“Bố ơi, trong
cuộc đời của một cây chuối nó sinh ra được bao nhiều buồng?”
“Chỉ một
buồng duy nhất.” – Bố tôi trả lời.
Cậu nhỏ ngạc
nhiên về câu trả lời của bố. Nó cứ đinh ninh trong cuộc đời của mình một cây
chuối ít nhất cũng phải cho vài buồng quả.
“Khi buồng
chuối chín cũng là lúc cây chuối mẹ chết đi.” – Bố nói thêm.
Thực vậy, nếu
có dịp quan sát một cây chuối mang một buồng quả chín ta sẽ thấy: Lá của cây
chuối mẹ héo rũ và xác xơ, và thân của nó oằn xuống như sắp gãy vì nó phải
mang trên mình một buồng chuối nặng trĩu quả. Chỉ một thời gian ngắn nữa
thôi, khi buồng chuối chín hoàn toàn, cây chuối mẹ sẽ gục hẳn xuống.
Trong quá
trình nuôi buồng chuối, cây chuối mẹ đã hy sinh những phần tinh túy nhất của
mình – chất dinh dưỡng trong gốc, thân và lá – để dồn cho những quả chuối
được chín, để dâng cho đời những trái chuối ngon ngọt.
Hóa ra lâu
nay hàng ngày tôi vẫn ăn chuối và thỉnh thoảng vẫn nhìn thấy một bụi chuối mà
không hề hay biết cây chuối tượng trưng cho một hình ảnh đẹp về sự hy sinh.
Cây tốt lại
sinh trái tốt. Cây chuối từ đời này đến đời kia cứ tiếp tục dâng hiến, hy
sinh để cho một mầm sống mới phát triển. Phẩm chất của cây chuối không chỉ là
thơm ngon, là chất bổ dinh dưỡng mà còn là bài học quý báu của tình yêu hy
sinh đến quên cả tính mạng mình. Đó là mẫu gương của sự hy sinh, của tình yêu
bất diệt.
Tháng 11 là
dịp để chúng ta nhớ tới biết bao hy sinh của những bậc làm cha mẹ đã quên
mình vì chúng ta. Họ đã đánh đổi cuộc đời cho chúng ta sự sống, cho chúng ta
tiếng cười và bình an. Họ đã một cuộc đời tận hiến thân mình như cây chuối
chỉ mong mang lại cho đời trái chin thơm ngon và chấp nhận gục ngã theo số
phận an bài.
Vâng, khi nói
đến cha mẹ, chúng ta không thể quên những hy sinh mà các ngài đã dành cho
chúng ta. Điều này đã thể hiện qua biết bao ca từ của lời hát, của những câu
ca. Văn học luôn phát triển cùng với những vần thơ ca tụng về tình cha tình
mẹ. Và có lẽ, từ bé đến già, không nhiều thì ít, ai cũng cảm thấy thấm thía
ơn đức cao cả của mẹ cha:
“Công cha đức
mẹ cao dày
Cưu mang
trứng nước những ngày còn thơ
Nuôi con khó
nhọc đến giờ
Trưởng thành
con phải biết thờ song thân”.
“Biết thờ
song thân”, thờ trong khi sống, thờ sau khi chết, thờ thế nào cho phải đạo
làm con, cho xứng đáng phần nào công lao tảo tần nuôi con của mẹ:
“Nuôi con
buôn tảo bán tần
Chỉ mong con
lớn nên thân với đời
Những khi
trái nắng trở trời
Con đau làm
mẹ đứng ngồi không yên
Trọn đời vất
vả triền miên,
Chạy lo bát
gạo đồng tiền nuôi con”.
Thế nên, nếu
so sánh công đức của mẹ hiền như non cao cũng chưa xứng đáng:
“Ai rằng công
mẹ như non
Thực ra công
mẹ lại còn lớn hơn”.
Tình thương
của cha mẹ thật lớn lao. Tình thương ấy thật bao la, bát ngát, nên mỗi khi mẹ
cất tiếng ru con thì đời con thêm tươi sáng:
“Ví dầu cầu
ván đóng đinh,
Cầu tre lắc
lẻo gập ghềnh khó đi.
Khó đi mẹ dắt
con đi,
Con đi trường
học mẹ đi trường đời”.
Vậy, những
tình yêu mà cha mẹ dành cho chúng ta, các ngài cần gì nơi chúng ta? Chắc chắc
không phải là tiền bạc, vì tiền bạc các ngài dành giụm để cho chúng ta. Chắc
chắc đó không phải là danh vọng, vì tuổi gìa chẳng còn ham muốn những tham
sân si của dòng đời. Các ngài cần tình yêu của chúng ta qua sự chăm sóc, thăm
nom của chúng ta khi các ngài còn sống. Niềm mơ ước đó đã thể hiện qua những
lời mẹ ru con:
“Ai về tôi
gửi buồng cau,
Buồng trước
kính Mẹ, buồng sau kính Thầy.
Ai về tôi gửi
đôi giầy,
Phòng khi mưa
gió để Thầy Mẹ đi”.
Trong đạo
hiếu đôi khi những người con còn dám chấp nhận hy sinh hạnh phúc, hy sinh
cuộc đời riêng tư của mình, một lòng chỉ quyết phụng dưỡng mẹ cha:
“Ơn hoài
thai, to như bể!
Công dưỡng
dục, lớn tợ sông!
Em nguyện ở
vậy không chồng,
Lo nuôi cha
mẹ hết lòng làm con”.
Không chỉ ở
nhà mới phụng dưỡng cha mẹ mà ngay cả khi sang nhà chồng hay khi làm ăn nơi
xa vẫn một niềm lắng lo, vẫn canh cánh bên lòng một cuộc đời già nua của cha
mẹ:
“Chim đa đa
đậu nhánh đa đa,
Chồng gần
không lấy, để lấy chồng xa.
Mai sau cha
yếu, mẹ già.
Bát cơm đôi
đũa, kỹ trà ai dâng?
Lòng thảo
hiêu ấy được tỏ bày một cách chân thành khi các ngài đã qua đời, luôn cầu
nguyện, thắp hương tưởng nhớ mẹ cha.
Giáo Hội Công
Giáo mời gọi chúng ta lấy tinh thần thảo hiếu của người Việt vào trong đời
sống tôn giáo bằng việc dùng tháng 11 như là tháng ân hiếu mẹ cha.
Đạo hiếu luôn
dạy chúng ta “ăn quả nhớ kẻ trồng cây”. Đạo hiếu luôn nhắc nhở chúng ta phải
tỏ lòng hiếu thảo với cha mẹ. Xin cho chúng ta luôn sống thảo hiếu với cha
mẹ. Khi còn sống biết kính trọng vâng lời. Khi các ngài đã qua đời luôn nhớ
đến các ngài trong kinh tối, kinh sáng và trong thánh lễ hằng ngày. Amen./.
|