DÂNG LỄ TẠI NHÀ THỜ THĂM VIẾNG
|
CUMRAN, NOI CÂT GIẤU TÀI LIỆU KINH
THÁNH
|
TẢNG ĐÁ CHÚA GIÊSU ĐỨNG TRỨƠC KHI LÊN
TRỜI
|
BÊN NGOÀI HANG BELEM |
DU THUYỀN TRÊN BIỂN HỒ GALILE
|
BELEM – THÀNH VUA ĐAVIT |
DÂNG LỄ TẠI NHÀ THỜ CANA, NƠI PHÉP LẠ
NƯỚC HÓA RƯỢU
|
SÔNG GIO - ĐĂNG NƠI CHÚA CHỊU PHÉP RỬA
|
DÂNG LỄ TẠI NHÀ THỜ THĂM VIẾNG
|
HANG BELEM |
BẢO TÀNG DOTHAI |
THĂM MỒ CHÚA |
DÂNG LỄ TẠI NHÀ THỜ THĂM VIẾNG
|
NHÀ THỜ TRUYỀN TIN |
NHÀ THỜ TRUYỀN TIN |
NHÀ THỜ TRUYỀN TIN - BÊN NGOÀI |
MỒ CHÚA |
MỒ CHÚA |
DÂNG LỄ TẠI NHÀ THỜ CANA, NƠI PHÉP LẠ
NƯỚC HÓA RƯỢU
|
NGƯỜI LIBI HÀNH HƯƠNG & THANH TÂỶ
|
SÔNG GIORĐAN |
MỘ TIÊN TRI ÊLIA TRÊN NÚI HOREB
|
SÔNG GIO - ĐĂNG |
NGƯỜI LIBI HÀNH HƯƠNG & THANH TÂỶ
|
NGƯỜI LIBI HÀNH HƯƠNG & THANH TÂỶ
|
VƯƠN GIỆTSIMANI ( 6 CÂY OLIU CÒN LAỊ TỪ
THỜI CHÚA GIÊSU)
|
DÂNG LỄ TẠI NHÀ THỜ GIỆTSIMANI
|
Thêm chú thích |
NHA THỜ NƠI CHÚA DẠY KINH LẠY CHA |
NƠI CỰC THÁNH , HOM BIA |
TẮM BIỂN CHẾT |
BỨC TƯỜNG THAN KHÓC
|
BỨC TƯỜNG THAN KHÓC
|
BỨC TƯỜNG THAN KHÓC
|
CHÚA NHẬT 13 THƯỜNG NIÊN - C
Lời Chúa: 1V 19,16b.19-21; Gl 5,1.13-18; Lc 9,51-62
MỤC LỤC
1. Dứt khoát
2. Đời là những chọn lựa – Thiên Phúc
3. Trước đã
4. Người nhất quyết lên Giêrusalem
5. Không quay đầu lại - ĐTGM. Ngô Quang Kiệt
6. Nhìn lại phía sau, nhưng không luyến tiếc
7. Phát quang lộ trình lên thiên đàng
8. Chiếc bị
9. Ơn gọi sống theo Chúa – Veritas
10. Con muốn đi theo Ngài – André Sève
11. Dành ưu tiên cho Thiên Chúa
12. Hai biển hồ – Lm. Giuse Tạ Duy Tuyền
13. Không nhìn trở lại - McCarthy
14. Lên đường với Ngài - R. Gutzwiller
15. Điều kiện căn bản để theo Chúa
16. Lên Giêrusalem
17. Theo Chúa
18. Theo Chúa
19. Suy niệm của Lm Phạm Thanh Liêm
20. Theo Chúa
21. Chú giải mục vụ của Hugues Cousin
22. Chú giải của Noel Quesson
1. Dứt khoát.
Vào năm 1924 ở nước Anh, Eric là lực sĩ chạy nhanh nhất trong cự
ly 100m. Mọi người đều hy vọng anh sẽ đoạt huy chương vàng ở thế vận hội được
tổ chức tại Paris năm đó. Thế nhưng vào phút chót một sự việc xảy ra làm cho
mọi người đều ngỡ ngàng và bực tức. Số là việc thi đấu cho môn chạy 100m này
lại nhằm vào ngày Chúa nhật. Eric nghĩ rằng việc phụng sự Chúa không cho phép
anh thi đấu vào ngày Chúa nhật. Vì thế anh đành từ chối thi môn này. Vừa nghe
tin Eric từ chối thi đấu, lập tức mọi người tìm cách gây sức ép đối với anh.
Ngay cả hoàng tử xứ Wales cũng cố gắng thuyết phục anh vi phạm tiếng nói của
lương tâm. Thấy anh không chịu đổi ý, báo chí nước Anh đã gọi anh là tên phản
bội. Tuy nhiên Eric vẫn khăng khăng không chịu làm ngược với niềm xác tín của
mình. Cuối cùng anh đề nghị với các huấn luyện viên chọn một lực sĩ khác thay
cho anh trong môn chạy 100m, là môn anh chưa một lần thi đấu. Kết quả là trong
thế vận hội năm ấy, nước Anh đã đạt hai huy chương vàng cho môn chạy 100m và
400m.
Từ câu chuyện trên, chúng ta đi vào đoạn Tin Mừng chiều hôm nay
với thái độ dứt khoát mà Chúa đòi hỏi, bởi vì Ngài đã phán dạy: Kẻ nào đã tra
tay vào cày mà còn ngoái cổ lại đằng sau thì không xứng đáng với Nước Thiên
Chúa. Chàng lực sĩ của chúng ta đã không bao giờ ngoái cổ lại đằng sau, mặc dù
có những lý do chính đáng. Một khi đã quyết định theo Chúa, là anh cứ nhắm
thẳng phía trước mà bước tới, chứ không ngó lại phía sau nữa, cho dù bị dư luận
gọi là tên phản bội tổ quốc của mình. Còn chúng ta thì sao?
Mặc dầu chúng ta đã tin nhận và bước theo Chúa, nhưng chúng ta
vẫn chưa dứt khoát lập trường, để thuộc hẳn về Ngài. Chúng ta giống như bà vợ
của ông Lót, mặc dầu đã ra khỏi thành Sođoma, nhưng vì còn ngoái cổ lại để xem
sự gì đang xảy rar ở phía sau, nên đã hoá thành tượng muối. Chúng ta giống như
dân Do Thái trong cuộc xuất hành tìm về miền đất hứa. Trước những cực nhọc vất
vả gặp phải, họ đã tưởng nhớ đến củ hành củ tỏi của Ai Cập và đã lên tiếng
trách móc Maisen. Cũng vậy mặc dầu đã tin nhận và bước theo Chúa, nhưng chúng
ta vẫn tưởng nhớ đến những củ hành củ tỏi, là những đam mê tội lỗi, là những
ước vọng xấu xa, để rồi cuối cùng, vì chạy theo tiền bạc, chúng ta đã bán Chúa
như Giuđa, vì hèn nhát chúng ta chối Chúa như Phêrô, vì sợ sệt chúng ta đã chạy
trốn như các môn đệ, vì quá quyến luyến và vương vấn với tội lỗi, chúng ta đã
cúi mặt bỏ đi như chàng thanh niên giàu có.
Để kết luận, chúng ta hãy kiểm điểm đời sống và hãy tự vấn lương
tâm xem Đức Kitô đã chiến địa vị nào trong cuộc đời chúng ta? Ngài có phải là
nhân vật số một của cõi lòng chúng ta hay chỉ là một hình ảnh đã bị phai mờ và
chìm vào quên lãng.
2. Đời là những chọn lựa – Thiên Phúc.
(Trích dẫn từ 'Như Thầy Đã Yêu')
Trong kho tàng chuyện ngụ ngôn có một câu chuyện dí dỏm như sau:
Một con khỉ cầm hai nắm đậu, một hạt đậu rơi xuống đất. Nó tính nhặt hạt đậu đó
lên, không ngờ vừa nhón tay lại rơi thêm hai mươi hạt nữa. Nó định nhặt hai
mươi hạt đậu đó lên, ai ngờ vừa mở ngón tay, cả nắm đậu trong tay bị bung ra
hết. Con khỉ hoảng hốt làm bung nốt nắm đậu ở trong tay kia, nó dùng cả tay lẫn
chân vét đậu lại, nhưng càng khều thì đậu càng văng ra xa. Cuối cùng cả hai nắm
đậu tản ra trên mặt đất như một đám khói.
Cuộc sống không ngừng đòi hỏi chúng ta phải chọn lựa. Và chọn
lựa nào cũng phải chịu thiệt thòi mất mát. Kẻ bắt cá hai tay vẫn luôn là người
thua thiệt nhiều nhất. Con khỉ vì tiếc một hạt đậu mà mất cả hai nắm đậu trên
tay.
Người thứ nhất trong bài Tin Mừng hôm nay xin đi theo Chúa đến
bất cứ nơi đâu, nhưng Người bắt anh phải chọn lựa: hoặc là được an toàn ổn định
dưới một mái nhà, có chăn ấm nệm êm; hoặc là phải bấp bênh phiêu bạt, không một
mái nhà: "Con chồn có hang, chim trời có tổ, nhưng Con Người không có chỗ
dựa đầu" (Lc 9,58).
Người thứ hai xin đi theo Chúa, nhưng với điều kiện cho anh về
chôn cất thân sinh trước đã. Chúa trả lời: "Cứ để kẻ chết chôn kẻ chết của
họ. Còn anh, anh hãy đi loan báo triều đại Thiên Chúa" (Lc 9,54). Thế là
anh phải đứng trước một chọn lựa giữa người thân và việc loan báo Tin Mừng.
Người thứ ba xin đi theo Chúa, nhưng xin phép về từ biệt gia
đình. Chúa đòi anh phải chọn lựa dứt khoát: "Ai đã tra tay cầm cày mà còn
ngoái lại đàng sau, thì không thích hợp với Nước Thiên Chúa" (Lc 9,62).
Thực ra, Đức Giêsu rất coi trọng việc hiếu kính cha mẹ. Người
phán: "Thiên Chúa dạy: Ngươi hãy thờ cha kính mẹ; kẻ nào nguyền rủa cha
mẹ, thì phải bị xử tử" (Mt 15,4). Nhưng Người cũng dạy chúng ta phải tìm
kiếm Nước Thiên Chúa trước đã, nghĩa là Người muốn chúng ta chọn lựa đâu là ưu
tiên chính, đâu là ưu tiên thứ yếu. Đối với người tín hữu Kitô, ưu tiên chính
là việc tìm kiếm Nước Thiên Chúa, nó quan trọng hơn cả cha mẹ, vợ con, anh chị
em, và cả mạng sống mình nữa (x. Lc 14,26).
Nếu cuộc đời con người là một chuỗi những chọn lựa, thì chính
những chọn lựa ấy sẽ dệt nên cuộc đời riêng của mỗi người. Nếu cuộc đời người
tín hữu Kitô là một chọn lựa dứt khoát cho việc tìm kiếm Nước Thiên Chúa, thì
đó chính là một chuỗi những lời đáp trả tiếng Chúa vang lên từng phút giây
trong cuộc sống. Nhìn lại những chọn lựa hằng ngày, chúng ta chợt giật mình, vì
thấy chúng ta thường hay chọn mình: sở thích của mình, tự do của mình, hạnh
phúc của mình, gia đình của mình... Chúng ta chọn tất cả những gì ít nhiều dính
dáng đến bản thân. Nhưng Đức Giêsu lại dạy: "Hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa
trước đã, còn mọi sự khác, Người sẽ thêm cho" (Mt 6,33)
Lạy Chúa, xin giúp chúng con thoát khỏi những bận tâm về mình,
nhưng biết chọn Chúa là phần gia nghiệp và là phần phúc của chúng con.
Xin tha thứ cho chúng con vì chúng con đã chạy theo của cải, lạc
thú, danh vọng ở đời. Xin ban cho chúng con ý chí cương quyết để chúng con luôn
trung thành theo Chúa cho đến giây phút cuối cuộc đời. Amen.
3. Trước đã
(Trích dẫn từ 'Manna')
Suy Niệm
Theo một tôn giáo thường được gọi là theo đạo.
Theo đạo là theo một con đường.
Điều này đặc biệt đúng đối với Kitô giáo (x. Cv 9,2).
Làm môn đệ Đức Kitô là theo Ngài trên con đường Ngài đi, con
đường đất quanh co trong xứ Palestine hay con đường đầy chông gai nhọc nhằn của
sứ vụ.
Đức Kitô chẳng những dạy Đạo, Ngài còn là Đạo (x. Ga 14,6).
Theo đạo là theo một ngôi vị hơn là theo một giáo lý.
Sống đạo là sống như Ngài, với Ngài, cho Ngài và trong Ngài.
Phần cuối của đoạn Tin Mừng hôm nay thuật lại chuyện ba người
muốn theo Chúa.
Chúng ta chẳng biết họ là ai, cũng chẳng rõ cuối cùng họ có theo
Chúa hay không, nên mỗi người chúng ta dễ thấy mình nơi hình ảnh họ, để rồi
chúng ta phải đưa ra lời đáp trả của mình.
Người thứ nhất hăng hái xin theo Ngài đi bất cứ nơi đâu.
Chúa Giêsu không giấu anh hoàn cảnh bấp bênh của mình. Ngài sống
cuộc đời phiêu bạt, không mái nhà để trú, lúc nào cũng ở trong tư thế lên
đường. Chấp nhận theo Ngài là chịu bỏ mọi an toàn, ổn định, là sống thân phận
lữ khách trên mặt đất (x. 1Pr 2,11). Theo Ngài là theo Đấng có chỗ tựa đầu, chỗ
tựa đầu tiên là máng cỏ, chỗ tựa cuối là thập giá.
Cuộc sống nghèo làm Ngài tự do hơn, sẵn sàng hơn trước những đòi
hỏi bất ngờ của Cha và nhân loại.
Người thứ hai chấp nhận theo Chúa với điều kiện cho anh về chôn
cất người cha mới qua đời trước đã.
Anh muốn chu toàn bổn phận thiêng liêng của người con. Chúa Giêsu
coi trọng việc hiếu kính mẹ cha (x.Mt 15,3-9), nhưng Ngài đòi anh dành ưu tiên
cho việc loan báo Tin Mừng.
Câu trả lời của Ngài làm chúng ta bị sốc thực sự.
Loan báo Tin Mừng ư? Cần gì phải vội vàng đến thế! Dầu sao cái
sốc giúp ta nhận ra mình vẫn quen thờ ơ trước một bổn phận thiêng liêng và hết
sức cấp bách.
Người chết nằm xuống thật đáng kính trọng; nhưng có bao người
sống đang cần phục vụ khẩn trương.
Người thứ ba xin về từ giã gia đình trước đã.
Chúa Giêsu đòi anh dứt khoát thẳng tiến như người cầm cày, không
quay lại với những kỷ niệm quá khứ, không bị cản trở bởi những ràng buộc gia
đình, để tận tâm tận lực lo cho Nước Thiên Chúa.
Trong đời sống, nhiều lúc ta phải chọn lựa. Chọn lựa là chấp
nhận hy sinh, bỏ một trong hai.
Chúa Giêsu không dạy ta sống vô cảm hay bất hiếu... Ngài dạy ta
can đảm tìm kiếm Nước Thiên Chúa trước đã.
Có bao nhiêu cái trước đã chi phối đời ta? Đâu là lựa chọn ưu
tiên một? Chúng ta cần sắp xếp lại thứ tự các ưu tiên cho đúng.
Nếu Chúa Giêsu gặp tôi hôm nay và mời tôi theo Ngài, tôi có xin
phép Ngài để làm cái gì đó trước đã không?
Gợi Ý Chia Sẻ
Trong cuộc sống của bạn, có nhiều điều quan trọng và cần thiết.
Đâu là 3 điều mà bạn nghĩ là quan trọng và cần thiết hơn cả? Tại sao bạn chọn 3
điều ấy?
Bạn nghĩ gì về thái độ của Chúa Giêsu đối với thân mẫu của Ngài
dựa trên các sách Tin Mừng? Ngài có hiếu không? Ngài có quá lệ thuộc và Mẹ Ngài
không?
Cầu Nguyện
Lạy Chúa Giêsu, giàu sang, danh vọng, khoái lạc là những điều
hấp dẫn chúng con.
Chúng trói buộc chúng con và không cho chúng con tự do ngước lên
cao để sống cho những giá trị tốt đẹp hơn.
Xin giải phóng chúng con khỏi sự mê hoặc của kho tàng dưới đất,
nhờ cảm nghiệm được phần nào sự phong phú của kho tàng trên trời.
Ước gì chúng con mau mắn và vui tươi bán tất cả những gì chúng
con có, để mua được viên ngọc quý là Nước Trời.
Và ước gì chúng con không bao giờ quay lưng trước những lời mời
gọi của Chúa, không bao giờ ngoảnh mặt để tránh cái nhìn yêu thương Chúa dành
cho từng người trong chúng con. Amen.
4. Người nhất quyết lên Giêrusalem
(Trích dẫn từ 'Manna')
Suy Niệm
Đời là một con đường: đường đời.
Sống là bước vào một cuộc hành trình tiến về phía trước, để đến
nơi mình được thu hút, mời gọi. Nhưng đường đời không luôn luôn bằng phẳng. Có
những dốc cao làm chúng ta ngần ngại, có những khúc ngoặt làm chúng ta sợ hãi.
Đôi khi ta thấy mình phải đến nơi mình không muốn.
Chúa Giêsu đã trải qua kinh nghiệm này khi Ngài kiên quyết lên
đường đi Giêrusalem, dù biết có những nguy hiểm đang chờ mình ở đó.
Chúa Giêsu đã phải cố gắng như chúng ta để thắng vượt nỗi sợ hãi
và do dự, và đi hết đường đời của mình, vì đó là con đường Cha muốn Ngài đi.
Trên đường đi, Chúa Giêsu gặp sự từ khước. Một làng Samari không
muốn tiếp đón Ngài. Họ có lý do của họ, lý do có thể rất nghiêm túc. Nhưng điều
đó khiến Giacôbê và Gioan nổi giận. Hai ông đòi sai lửa từ trời thiêu rụi cả
làng.
Có cần trừng phạt vội vã như vậy không? Có cần dùng sức mạnh
Thiên Chúa để tiêu diệt mọi kẻ dữ không?
Thiên Chúa tôn trọng tự do của con người, kể cả tự do của những
kẻ dữ trên mặt đất. Ngài kiên nhẫn chờ họ sám hối và biến đổi. Cả Giacôbê và
Gioan cũng phải được biến đổi. Cần có thời gian và cần được huấn luyện để những
"đứa con sấm sét" trở thành khoan dung, để Gioan trở thành vị tông đồ
dịu dàng suốt đời ca ngợi tình yêu.
Đường đời của người Kitô hữu là đường theo chân Giêsu. Tự bản
chất kitô hữu là người đi theo Chúa Giêsu.
"Thầy đi đâu, con sẽ theo Thầy đi đó" (Lc 9,57).
Ai có ngờ rằng đi theo Chúa Giêsu là đi theo một Đấng không nhà
cửa, không nơi trú ngụ, một Đấng nghèo hơn cả loài chim, loài chồn, một Đấng
luôn tín thác và chờ đợi tất cả từ Cha.
Các môn đệ đầu tiên đã sống bấp bênh từng ngày, họ đã hy sinh
nghề nghiệp ổn định để chấp nhận theo Thầy bữa đói bữa no.
Chúa Giêsu mời ta theo Ngài để loan báo Nước Thiên Chúa.
Đây là một công việc khẩn trương và quan trọng, một giá trị vượt
trên mọi giá trị khác.
Không cần phải trở về từ giã người thân yêu, không được quay lại
đàng sau khi cầm cày, vì tất cả nằm ở phiá trước.
Cũng không cần lo xong việc tống táng cha già rồi mới nghĩ đến
chuyện theo Chúa. Ở đây còn có gì trọng hơn chữ hiếu, vượt trên tình cảm tự
nhiên của con người.
Lời Chúa hôm nay dành cho mọi Kitô hữu.
Ơn gọi Kitô hữu đòi chúng ta phải hy sinh, chấp nhận sự bất ổn,
thiệt thòi và đau khổ.
"Hãy tìm Nước Thiên Chúa trước đã, còn mọi sự khác, Người
sẽ thêm cho" (Mt 6,33).
Gợi Ý Chia Sẻ
Sống đúng tinh thần của Chúa Giêsu, thực thi những lời Ngài dạy,
điều đó chẳng dễ chút nào. Riêng bạn, bạn thấy có lời nào của Ngài quá khó đối
với bạn không?
Chấp nhận đặt Thiên Chúa lên trên hết là chấp nhận đặt mọi sự
khác dưới Thiên Chúa. Bạn có khi nào trải qua một kinh nghiệm chọn Chúa trong
nước mắt không?
Cầu Nguyện
Lạy Chúa, chúng con không hiểu tại sao Chúa chọn Simon, một ngư
phủ ít học và đã lập gia đình, để làm vị giáo hoàng đầu tiên của Giáo Hội. Chúa
xây nền Giáo Hội trên một tảng đá mong manh, để ai nấy ngất ngây trước quyền
năng của Chúa.
Hôm nay Chúa cũng gọi chúng con theo Chúa, sống cho Chúa, đặt
Chúa lên trên mọi sự: gia đình, sự nghiệp, người yêu.
Chúng con chẳng thể nào từ chối viện cớ mình kém đức kém tài.
Chúa đưa chúng con đi xa hơn, đến những nơi bất ngờ, vì Chúa cần
chúng con ở đó.
Xin cho chúng con một chút liều lĩnh của Simon, bỏ mái nhà êm ấm
để lên đường, hạnh phúc vì biết mình đang đi sau Chúa. Amen.
5. Không quay đầu lại - ĐTGM. Ngô Quang Kiệt
Chuyện nhà Phật kể: Có một tu sĩ theo thầy học đạo đã lâu năm.
Thấy anh đã tiến bộ nhiều, Thầy cho anh sống tự lập. Anh dựng một túp lều đơn
sơ giữa cánh đồng. Ngày ngày ngoài thời gian khất thực, anh chuyên tâm đọc kinh
cầu nguyện. Anh chỉ có độc một manh áo. Cứ chiều tối, anh giặt áo, phơi khô, để
sáng hôm sau có áo mặc. Cạnh lều anh ở, có con chuột đêm đêm bò ra cắn chiếc áo
anh phơi. Buổi sáng, anh phải đi tìm kim chỉ vá áo. Buổi tối, chuột lại bò ra
cắn. Sau nhiều lần vá, anh sợ manh áo sẽ nát, nên quyết định nuôi một con mèo.
Con mèo ăn khoẻ nên thức ăn xin được không đủ. Anh phải cấy lúa để có thêm thức
ăn nuôi mèo. Vì cấy lúa, anh phải nuôi bò để cày ruộng. Bận rộn với việc đồng
áng, anh không còn giờ đọc kinh cầu nguyện. Một thiếu nữ trong làng tình nguyện
giúp, anh vui vẻ nhận lời. Vì có thêm người, nên anh phải lo làm nhà cửa cho
khang trang. Chẳng bao lâu anh trở thành chủ gia đình có vợ, có con, có nhà cao
cửa rộng, có ruộng đất, có đàn bò. Ít lâu sau, Thầy anh trở lại, nhìn nhà cửa,
ruộng nương, trâu bò, Thầy ngạc nhiên hỏi anh: "Tất cả những thứ này, tại
sao thế?" Anh trả lời: "Tất cả chỉ vì con muốn giữ cho manh áo khỏi
bị chuột cắn".
Câu chuyện trên cho thấy con người muốn vươn lên thật khó. Có
nhiều thứ vướng mắc ngăn cản bước chân. Vướng mắc kéo theo ràng buộc. Những
vướng mắc ràng buộc đan nhau thành một tấm lưới khổng lồ vây bọc con người.
Muốn tự do bay lên, phải có can đảm phá tung những mắt lưới trói buộc.
Tiên tri Êlisa là người biết phá vỡ những trói buộc đó. Ông là
một nhà nông. Khi Thầy Êlia đến tìm, ông đang cày ruộng với 12 cặp bò. Có 12
đôi bò tức là khá giàu có. Thế mà, khi nghe Thầy Êlia kêu gọi, Êlisa đã chẻ cày
làm củi, giết bò làm lễ vật, thiêu đốt tất cả để dâng tiến Chúa, rồi lên đường
theo Thầy.
Làm nghề nông thì tài sản là ruộng đất, trâu bò, cày cuốc. Đốt
cày cuốc, giết trâu bò có nghĩa là từ bỏ tài sản của mình. Đốt cày cuốc, giết
trâu bò cũng có nghĩa là đoạn tuyệt với nghề nghiệp cũ để theo đuổi nghề nghiệp
mới. Đốt cày cuốc, giết trâu bò cũng có nghĩa là đoạn tuyệt với quá khứ để
phóng mình vào tương lai. Đó là một lựa chọn dứt khoát. Ra đi không vướng bận,
vì chẳng còn gì gắn bó, ràng buộc. Ra đi không trở lại vì đốt cày, giết bò rồi
thì đâu còn chỗ trở về nữa.
Thái độ của tiên tri Êlisa là thái độ mà Chúa Giêsu đòi hỏi
trong bài Tin Mừng hôm nay.
Chúa Giêsu mời gọi ta bước theo Người. Để theo Người, ta phải
dứt khoát quyết liệt. Không khoan nhượng. Không lưỡng lự dùng dằng. Sở dĩ Chúa
đòi chúng ta phải dứt khoát vì Chúa biết xác thịt chúng ta yếu đuối. Tinh thần
muốn vươn cao nhưng xác thịt cứ muốn kéo ghì chúng ta xuống. Thánh Phaolô
khuyên chúng ta hãy sống theo Thần Khí chứ đừng theo xác thịt. Hơn nữa, ma quỷ
rất tinh khôn, nó cám dỗ ta từng bước, đưa ra những lý do rất hợp lý để khiến
ta nhượng bộ. Nhượng bộ xác thịt một lần rồi sẽ dẫn đến những nhượng bộ khác.
Những nhượng bộ đó kéo ta dần dần xa Chúa. Đến khi tỉnh lại thì đã muộn rồi.
Như câu chuyện người đệ tử muốn giữ manh áo rách mà ta đã nói ở đầu.
Xin Chúa ban cho chúng con được dứt khoát trên đường theo Chúa,
đã cầm cày rồi thì đừng quay lại sau lưng. Amen.
KIỂM ĐIỂM ĐỜI SỐNG
1- Ra đi rồi quay đầu lại. Bạn có kinh nghiệm đau đớn về điều
này chưa? Nhất là đối với những ai quyết tâm từ bỏ rượu chè, cờ bạc, tiêm
chích. Bạn có thấy điều đó không?
2- Có nhiều trở ngại ngăn cản bạn tiến bộ trên đường đạo đức.
Hiện nay, điều gì cản trở bạn nhiều nhất?
3- Đã lần nào bạn có một thái độ dứt khoát với tính mê tật xấu
chưa?
4- Thái độ của Êlisa dạy ta điều gì?
6. Nhìn lại phía sau, nhưng không luyến tiếc.
(Trích dẫn từ 'Lương Thực Ngày Chúa Nhật' – Achille Degeest)
Chúa Giêsu đi vào giai đoạn chót cuộc đời dưới thế của Người.
Lần sau cùng Chúa lên Giêrusalem, nơi đây sẽ hoàn tất số mệnh Cứu Thế của
Người. Chúa quở trách các môn đệ vì các ông muốn áp dụng luật 'ăn miếng trả
miếng', mong ước lửa trời thiêu hủy ngôi làng từ chối tiếp đón Thầy trò. Một
bản văn khác chép thêm một lời phán của Chúa Giêsu: "Các ngươi không biết
các ngươi ứng theo thần khí nào? Vì Con Người đến không phải để hủy diệt mạng
người ta mà để cứu chúng". Thần Khí Chúa không phải là tinh thần thù hận,
dẫu cho bề ngoài đủ lý lẽ biện minh cho thù hận. Chúa không ép buộc phải đón
tiếp, cũng không thù oán khi bị đuổi khéo. Làng Samaria nói ở đây theo chủ
nghĩa địa phương cực đoan, có lẽ sau này cùng với một làng xóm khác đón nhận
Tin Mừng Nước Trời. Đối với bất cứ xúc phạm nào, không bao giờ Chúa làm quá để
không thể hàn gắn được, Chúa biết lòng người ta hay thay đổi, có thể một ngày
nào tâm hồn sẽ mở ra đón nhận ân huệ Thiên Chúa. Sau khi thuật lại cảnh từ chối
tiếp đãi, thánh Luca thuật tiếp ba cảnh khác, nêu lên những đòi hỏi của ơn gọi
truyền giáo.
1) Cảnh một cho ta thấy Chúa Giêsu tuyên bố minh bạch trước mặt
kẻ muốn theo Chúa rằng cuộc sống kẻ ấy chẳng dễ dàng gì. Làm thế, Chúa cho thấy
không được giảm giá trị Phúc Âm vì cớ muốn lôi kéo dễ dàng hơn những kẻ nào
ngần ngại trước những yêu cầu của Phúc Âm. Không bao giờ Chúa có thái độ cứng
cỏi có thể khiến người ta xa lánh, trái lại Chúa thu hút người ta bằng lòng nhân
hậu. Tuy nhiên, không bao giờ Chúa giảm bớt tính chất gắt gao của những yêu cầu
hàm chứa trong Phúc Âm, trái lại Chúa nhấn thêm bằng những hình ảnh so sánh mà
có thể chúng ta cho là thái quá, như câu: "Con Người không có chỗ để gối
đầu". Thái độ ấy tỏ ra Chúa trọng con người vì con người có quyền được
biết sự thật và có khả năng đáp ứng yêu cầu.
2) Trong cảnh hai, chúng ta thấy Chúa Giêsu nhấn mạnh vào việc
phải đáp ứng mau chóng khi Thiên Chúa kêu gọi. Thiên Chúa lên tiếng kêu gọi,
chúng ta nghe rõ, nhưng đôi khi có thể chúng ta muốn có thời giờ thu xếp công
việc làm ăn, lo tích trữ thứ này thứ nọ để 'phòng hờ', tóm lại, chúng ta không
gấp. Trường hợp ơn gọi làm linh mục hay tu sĩ, còn gì chính đáng hơn là thu xếp
công việc gia đình trước khi dấn thân theo Thầy? Đúng thế, nhưng với điều kiện
là không được trì hoãn, tới lúc phải ra đi thì can đảm chia tay những kẻ vô cớ
chèo kéo bịn rịn.
3) Trong cảnh ba, Chúa Giêsu bảo kẻ nào muốn theo Chúa phải biết
rõ mình muốn gì và chớ có nhìn lại đàng sau. Khi người ta lái xe, người ta cũng
phải nhìn vào kính chiếu hậu nữa để tránh tai nạn, nhưng không được luyến tiếc
quang cảnh bỏ lại phía sau. Chúa Kitô không muốn các môn đệ theo Chúa mà lòng
vấn vương một quá khứ nào đó. Phải quyết tâm theo Chúa, con mắt hướng thẳng về
tương lai.
7. Phát quang lộ trình lên thiên đàng.
(Trích trong 'Mở Ra Những Kho Tàng' - Charles E. Miller)
Trước khi đường siêu tốc có thể xây dựng, toàn thể những công
nhân phải làm sạch con đường. Đôi khi những cây cối phải được cắt bỏ, những hòn
đá phải được di chuyển đi và những ngọn đồi phải được san cho bằng. Bất cứ
những cái gì cản trở trên con đường xa lộ đều phải được chuyển đi.
Chúa Giêsu có một điều gì giống như thế, khi Ngài mời gọi mọi
người trở nên môn đệ của Ngài. Ngài trông đợi họ chuyển đi tất cả những gì cản
trở trong cuộc sống của họ trên con đường theo Người. Lời tuyên bố khó hiểu của
Ngài: "Hãy để cho kẻ chết chôn kẻ chết". Không có nghĩa là Ngài chống
đối việc chôn cất những người thân yêu của chúng ta. Một ý nghĩa khi Ngài tuyên
bố, có nghĩa là những ai loại bỏ Người thì cũng giống như những người chết kể
từ khi họ loại trừ Chúa của sự sống, nhưng đó cũng là cách mà Chúa Giêsu nói,
là chúng ta phải quyết định không có gì quan trọng hơn việc trung thành với
Người.
Bài đọc đầu tiên của ngày hôm nay miêu tả một thời kỳ của Cựu
Ước, qua đó một con người đã phải làm một quyết định. Cái áo choàng của Êlia là
một biểu hiệu chức vụ tiên tri của người. Khi ông khoác nó lên cho Êlisa, ngài
muốn mời gọi Êlisa kế tục ông như là một tiên tri trong Israel. Êlisa có vẻ do
dự mất một lúc. Ông ấy đã nghĩ về cha mẹ của mình. Ông ta đã làm gì? Sự tự do
đã cho phép ông làm một quyết định riêng cho chính mình. Một quyết định mạnh mẽ
đã bùng cháy bên trong trái tim ông. Ông đã giết bò, chẻ cày ra làm củi để
nướng bò. Điều đó có nghĩa là ông đã từ bỏ những gì có ý nghĩa cho đời sống của
ông. Ông đã gặp mọi người để từ biệt họ, bỏ mọi sự để đi theo Êlia. Chúng ta
phải nói rằng ông đã thiêu cháy cái cầu đằng sau mình.
Chúa Giêsu cũng mời gọi chúng ta làm cùng một công việc như thế
để đi theo Người cách cởi mở. Tại phép rửa Ngài đã đặt một áo trắng trên chúng
ta. Đó là một biểu tượng có nghĩa chúng ta là một dân mới với một đời sống mới,
một đời sống của sự tự do thật. Chúa Giêsu muốn tất cả chúng ta phải giải phóng
tất cả những chướng ngại để làm viên mãn ơn gọi làm môn đệ của chúng ta nhưng
sự tự do là một thực tại phức tạp. Chúng ta sống trong một xã hội tự do nhưng
những ngày này chúng ta làm chứng phải chịu đựng sự lạm dụng tự do, xã hội
chúng ta đã thần thánh hóa câu, sự"tự do chọn lựa", điều đó có đúng
không khi chọn lựa phá thai, tước đoạt quyền được sống của kẻ khác. Thật sự một
thượng nghị sĩ Hoa Kỳ ngày xưa đã tuyên bố như giáo điều; "Sự tự do chọn
lựa là nền tảng nhất của con người". Ông ta sai –một cái sai chết người. Ý
kiến của ông ta về sự tự do thì không phải những gì Chúa Giêsu đã dự định cho
chúng ta.
Loại tự do mà Chúa Giêsu đã trao ban cho chúng ta là vì tình
yêu. Chúa Giêsu không cưỡng bách chúng ta làm môn đệ của Người, dâng hiến cho
Người, để yêu mến Người trên hết mọi sự và trên hết mọi người. Ngài ban cho
chúng ta sự tự do để chọn lựa bởi vì tình yêu mà bị cưỡng bách thì không phải
là tình yêu nữa.
Trung thành với những ý tưởng của Chúa Giêsu là Thánh Phaolô,
đấng đã dạy chúng ta rằng;"Chúng ta đã được kêu gọi để sống trong sự tự do
nhưng không phải sự tự do để tháo thứ cho xác thịt". Sự tự do tháo thứ này
thật sự là một nô lệ. Nếu chúng ta nghiện rượu, chúng ta sống tình dục không
hợp pháp, chúng ta tham lam hoặc giận dữ, thì chúng ta không tự do. Những vấn
đề nhu cầu không bị chôn vùi đâu. Khi chúng ta cho phép môt thói quen lớn lên,
một tính kiêu ngạo hoặc một tính ích kỷ điều khiển chúng ta, chúng ta đang lạm
dụng sự tự do của chúng ta. Tội lỗi là một thứ nô lệ và đối đầu với tự do.
Trong lời tuyên xưng Thánh Thể của chúng ta, chúng ta nhận biết
rằng Chúa Giêsu đã trả một giá đắt cho sự tự do của chúng ta: "Lạy Chúa,
bằng Thánh Giá và sự Phục Sinh của Người, Ngài đã thiết lập sự tự do cho chúng
ta". Chúa Giêsu đã giải thoát chúng ta khỏi tội lỗi, để với ý chí tự do
chúng ta có thể yêu mến Người một cách cởi mở.
8. Chiếc bị
(Trích trong 'Niềm Vui Chia Sẻ')
Một thi sĩ Pháp đã tả lại cuộc từ bỏ để đi theo Chúa qua một bài
thơ dí dỏm mang tựa đề: "Chiếc bị" (La besace). Thi sĩ coi Chúa như
một người bạn và tâm sự rằng.
"Hôm ấy, tôi đang mê mãi bóp trán nặn vần thơ thì tôi nghe
tiếng Bạn mời. Tôi vội vã đi theo.
Tôi bỏ vào trong chiếc bị một sống tiêu bằng trúc, nhiều áo quần
và cả một tập thơ, một album kỷ niệm thân thương, với nhiều kỷ vật quý giá.
Tôi cùng Bạn lên đường khi mặt trời vừa hé.
Bạn đi trước, tay không nhẹ nhõm,
Tôi theo sau với chiếc bị nặng trĩu trên vai.
Chân kéo lê trên một quãng đường dài.
Một ngày đã trôi qua trên cánh đồng gió thoảng.
Mỏi vai, tôi xin dừng lại giữa đường.
Mở bị ra tôi quăng bớt áo quần, rồi cùng Bạn tôi rảo bước.
Vẫn tay không, Bạn nhẹ nhàng đi trước,
Tôi đi sau mồ hôi đẫm áo ngoài.
Sắp lên cầu để vượt khỏi dòng sông,
Tôi quăng đi tập thơ và sáo trúc, rồi cùng Bạn đi tiếp tục.
Đường lên cao dốc giác và uốn khúc quanh co.
Ôi cánh tay mỏi rã rời, tôi nài xin Bạn cho tôi dừng nghỉ một
chút để tìm lại tấm hình mẹ tôi, người tôi yêu dấu nhất đời, chụp vào ngày hôn
lễ với cha tôi.
Nhưng tấm hình không còn nữa, nó đã bay mất.
Tôi bỗng buông xuôi, mắt tôi tối tăm lại giữa mặt trời đúng ngọ.
Rồi đêm về khi trăng vừa mới ló trên những giọt sương rơi,
Tôi quăng luôn cả chiếc bị trên đường.
Nắm tay Bạn nhanh chân tôi đi tiếp.
Nhưng bỗng nhiên Bạn bảo tôi ngừng bước.
Dưới vòm trời trong suốt ánh trăng,
Bạn cười tươi nhè nhẹ vỗ vai tôi và nói: Hãy dừng chân vì chúng
ta đã đến nơi rồi".
Anh chị em thân mến,
Muốn theo Chúa Giêsu đến cùng, phải ra đi tay không, phải bỏ lại
đằng sau cả hành trang, kỷ vật và người thân. Khi đã mất hết, chỉ còn lại một
mình Ngài, cuộc hành trình sẽ kết thúc êm đẹp. Đó cũng là những đòi hỏi mà Chúa
Giêsu ngỏ cùng những người muốn đi theo Ngài trong bài Tin Mừng hôm nay:
Thánh Luca kể lại, khi Chúa Giêsu đang tiến lên Giêrusalem, nơi
Ngài phải hoàn tất công cuộc cứu thế bằng tử nạn thập giá, thì một người chạy
lại bày tỏ thiện chí tối đa: "Thưa Thầy, Thầy đi đâu con cũng xin theo
Thầy". Chúa Giêsu không vồn vã cũng không xua đuổi, nhưng nói lên thân
phận của Ngài để giúp cho người kia ý thức rõ ràng những gì chờ đợi anh ta, nếu
anh ta muốn theo Chúa một cách dứt khoát và tuyệt đối như vậy, Ngài nói:
"Con cáo có hang, chim trời có tổ, còn Con Người không có chỗ dựa
đầu". Điều nầy Chúa Giêsu đã thực hiện ngay từ lúc Ngài sinh ra:
"không có chỗ cho ông bà trong quán trọ", và Ngài đã được thân mẫu
vấn tã đặt nằm trong máng cỏ. Cuối cùng, trên thập giá, chúng ta cũng đã thất
tất cả sự khốc liệt của lời tuyên bố nầy. Trong Tin Mừng thứ ba, không bao giờ
thấy nói đến một ngôi nhà riêng của Chúa Giêsu hoặc của nhóm môn đệ. Thực tế là
vậy đó, muốn theo hay không tùy ý.
Một người khác lại được Chúa Giêsu ngỏ lời trước: "Hãy theo
Tôi". Nhưng anh ta lại xin phép trở về nhà mai táng cha mình trước đã.
Chúa Giêsu không nhượng bộ: "Hãy để kẻ chết chôn kẻ chết, còn anh, hãy đi
loan báo Nước Thiên Chúa". Sứ mạng loan báo Nước Trời là ở cõi chết. Hãy
để những người ở ngoài Nước Trời chôn cất những người ở ngòai Nước Trời. Còn
người đã được gọi phục vụ Nước Trời thì hãy lo bổn phận chính của mình trước
hết và trên hết, không được trì hoãn vì bất cứ lý do gì. Việc báo hiếu cha mẹ
là việc quan trọng nhất theo quan niệm thông thường của người đời, cũng không
thể làm trì hoãn việc rao giảng Nước Thiên Chúa.
Người thứ ba đến xin theo Chúa Giêsu thì vừa xin đi theo vừa đặt
điều kiện: "Thưa Thầy, con xin đi theo Thầy, nhưng xin cho phép con về từ
giã gia đình trước đã". Chúa Giêsu nói thẳng cho anh ta biết rằng thái độ
ấy không xứng đáng với Nước Thiên Chúa. Câu chuyện nầy cho ta liên tưởng đến
câu chuyện ông Êlia gọi ông Êlizê mà chúng ta vừa nghe trong Bài đọc I: Ông Êlizê
được gọi, xin về từ giã cha mẹ trước đã. Ông Êlia đồng ý ngay. Còn ở đây, Chúa
Giêsu cho thấy đòi hỏi của Nước Thiên Chúa mãnh liệt hơn đòi hỏi của Cựu Ước.
Toan đi theo Chúa Giêsu mà còn quyến luyến cha mẹ hơn Chúa Giêsu hti2 khác nào
kẻ đã cầm cày mà còn ngoái cổ lại đằng sau. Cầm cày thì phải nhìn về phía trước
mới cày được. Muốn theo Chúa Giêsu thì không được quyến luyến cái gì khác, kể
cả cha mẹ.
Thưa anh chị em,
Ba mẫu đối thoại nầy đặt chúng ta trước ánh sáng chói lòa của
những đòi hỏi của Nước Thiên Chúa. Muốn theo Chúa Giêsu thì phải chấp nhận đồng
số phận với Ngài: nghèo khó, trần trụi, không nhà riêng, không trụ sở, không có
gì bảo đảm cho mình ở trần gian nầy; phải coi nhiệm vụ rao giảng Nước Trời là
nhiệm vụ trên hết.
Chúa Giêsu không nhượng bộ nửa bước trước những bổn phận chính
đáng nhất như mai táng, từ giã cha mẹ. Chính Ngài đã cư xử như vậy lúc Ngài ở
lại trong đền thờ năm 12 tuổi. Thánh Giuse và Đức Mẹ đã đau điếng về chuyện
nầy. Chúa Giêsu chỉ trả lời bằng một câu thật khó hiểu: "Ông Bà kh"Ông
Bà không biết rằng tôi phải lo việc của Cha tôi sao?". Đức Mẹ đã ghi nhớ
và nghiền ngẫm câu ấy suốt đời. Những lời tuyên bố của Chúa Giêsu ở đây cũng
làm cho chúng ta choáng váng chẳng khác Đức Mẹ và Thánh Giuse lúc ấy. Muốn hiểu
được, chúng ta phải im lặng suy đi nghĩ lại trong lòng.
Đối với những người được mời gọi hiến thân phục vụ Nước Thiên
Chúa, những lời nầy mời gọi kiểm điểm lại thái độ sống của mình. Chúa Giêsu và
Nước Trời đã thực sự độc chiếm tâm hồn và cuộc đời của mình chưa? Đối với mọi
Kitô hữu, những lời nầy cũng có ý nghĩa, vì tất cả những ai muốn theo Chúa
Giêsu trên con đường tới vinh quang đều phải coi Chúa Giêsu và Nước Thiên Chúa
hơn tất cả, nếu còn ngoái cổ lại đằng sau, còn coi một cái gì hơn Chúa Giêsu
thì không xứng đáng vào Nước Thiên Chúa. Thánh Phaolô đã sống điều nầy và đã
phát biểu: "Tất cả những cái tôi coi là mối lợi cho tôi, thì vì Đức Kitô,
tôi đã coi như bất lợi. Chẳng những thế, tôi còn coi mọi sự hết thảy như thua
lỗ, bất lợi hết, trước cái lợi tuyệt vời là được biết Đức Kitô Giêsu, Chúa tôi.
Vì Ngài, tôi đành bị tổn hại về mọi sự và xem như rác rưởi tất cả, để lợi được
Đức Kitô" (Pl 3,7-13).
Theo Chúa thì có nhiều người muốn theo. Nhưng lại chỉ muốn theo
Chúa như quan niệm và ý muốn của mình, chứ không theo Chúa như Chúa muốn. Vì
thế, có khi mắc phải ảo tưởng là mình đang theo Chúa, nhưng thật ra họ đang
theo mình và bắt Chúa theo mình. Theo Chúa đúng nghĩa là phải chấp nhận rủi ro,
mạo hiểm, mất gốc; phải từ bỏ tất cả những gì không phù hợp với ý Chúa, với sự
thánh thiện của Ngài, phải từ bỏ những gì là nguy cơ làm cho ta xa Chúa hay cản
trở ta kết hợp mật thiết với Chúa. Theo Chúa là phải hoàn toàn tín nhiệm vào
Chúa và thuộc trọn về Chúa.
Việc tham dự tích cưc và trọn vẹn vào mầu nhiệm chết và sống lại
của Đức Kitô được tái diễn trên Bàn Thánh nầy sẽ giúp chúng ta sống một cuộc
đời thuộc trọn về Chúa mãi mãi.
9. Ơn gọi sống theo Chúa – Veritas.
(Trích dẫn từ 'Hãy Ra Khơi')
Các bài đọc thánh lễ hôm nay đều qui về một chủ đề chính là
"Ơn Gọi Sống Theo Chúa", hay nói theo ngôn ngữ của bài Phúc âm hôm
nay là cùng với Chúa tiến về Giêrusalem, tiến về vận mạng cuối cùng của đời
Ngài và đó cũng là vận mạng của mọi đồ đệ. Khi tiến về Giêrusalem, Chúa Giêsu
mạc khải cho các đồ đệ số phận hay đúng hơn sứ mệnh mà Ngài đã được Thiên Chúa
Cha sai xuống trần gian để thực hiện. Đó là hiến mạng sống mình trên thập giá
để cứu chuộc nhân loại. Chúa Giêsu đã phán: "Ai muốn theo Ta thì cũng phải
từ bỏ chính mình vác lấy thập giá hằng ngày mà theo Ta". Trọn cả cuộc đời
của Chúa đều hướng về sứ mạng cuối cùng này tại Giêrusalem, nơi mà Ngài sẽ phải
hy sinh chính mình làm giá cứu chuộc nhân loại, và mọi người đồ đệ chúng ta
cũng được mời gọi cùng tiến lên Giêrusalem với Chúa để thực hiện sứ mạng của
Chúa. Trên đường đi Chúa muốn kêu gọi những đồ đệ mới cùng nhập cuộc, và bài
Phúc âm hôm nay kể lại cho chúng ta nhiều thái độ phản ứng khác nhau trước lời
mời gọi nhập cuộc đồng hành với Chúa tiến về Giêrusalem. Trước hết, có những
người không chấp nhận chút nào cả, chối từ Ngài thẳng thừng, nhưng Chúa Giêsu
không ép buộc, không trả thù, không phạt tội. Có hai tông đồ trong nhóm bực tức
muốn xin Chúa lửa bởi trời xuống thiêu hủy họ để trả thù, nhưng Chúa Giêsu
trách: "Các con không biết thần trí nào xúi giục. Con Người đến không phải
để giết đi nhưng để cứu chữa".
Chúa Giêsu sống và thực hiện thái độ tha thứ và sẵn sàng chấp
nhận kẻ chống đối, mong họ trở về với Ngài, và trên thập giá Chúa Giêsu cũng đã
thực hiện điều này: "Lạy Cha xin hãy tha cho họ, vì họ không biết việc họ
làm". Với người trộm lành ăn năn Chúa phán: "Hôm nay con sẽ lên thiên
đàng cùng với Ta". Không bao giờ Chúa thất vọng về thái độ chống đối của
con người, Ngài luôn chờ đợi và kiên nhẫn chờ đợi con người.
Đối với những kẽ chấp nhận theo Chúa: "Thầy đi đâu tôi cũng
đi theo Thầy" thì Chúa Giêsu mời gọi họ hãy theo Ngài một cách cương quyết
hơn, trọn vẹn hơn, chấp nhận những hy sinh từ bỏ: "Con chồn có hang, chim
trời có tổ nhưng Con Người không có chỗ gối đầu". Theo Chúa không phải để
được hưởng lợi lộc trần gian hay địa vị xã hội. Bao ơn gọi đã bị lung lay, chết
khô, bị bỏ cuộc chỉ vì lúc đó không còn những lợi lộc hay địa vị để người đồ đệ
Chúa hưởng thụ nữa.
Thánh Giáo phụ Ignhaxiô bị điệu ra trước mặt quan tòa yêu cầu
ngài từ chối đức tin không chấp nhận mình là người Kitô, là người đồ đệ của
Chúa nữa để được sống thì thánh giáo phụ đã mạnh mẽ trả lời cho những quan tòa
rằng: "Không, tôi không thể nào chối bỏ Chúa tôi, tôi hết lòng yêu mến
Ngài". Và trong khi quan tòa nói những lời hăm dọa thì ngài vẫn bình tĩnh
nói nhỏ những lời cầu nguyện như sau: "Lạy Chúa Giêsu, con yêu mến
Chúa". Quan tòa không chịu nổi thái độ thách thức này nên ra lệnh bảo ngài
im và hăm dọa: "Nếu ông không ngưng nói những lời này thì ta sẽ ra lệnh
phân thây ông thành muôn mảnh ngay". Thánh Giáo phụ Ignhaxiô bình tĩnh trả
lời: "Tôi không thể ngưng yêu mến Chúa tôi. Nếu ông cắt đầu tôi, miệng tôi
không nói được lời này nữa, nhưng bao lâu tim tôi còn đập thì bấy lâu lòng tôi
vẫn còn nói lời yêu mến Chúa".
Để được trung thành và kiên trì đến cùng trên con đường theo
Chúa, dám liều bỏ mọi sự thì mỗi người chúng ta cần phải có tình yêu thật mạnh
mẽ đối với Chúa. Tình yêu này cũng không phải là do tự sức riêng của mỗi người
chúng ta, nhưng là hồng ân của Chúa, là món quà Thánh Thần tình yêu mà Chúa
Giêsu hứa ban và đã ban thật sự cho mỗi người chúng ta qua Bí tích Rửa tội và
nhất là qua Bí tích Thêm sức. Tình yêu đó cần được nuôi dưỡng mỗi ngày một lớn
thêm qua Bí tích Thánh thể, qua Mình và Máu Thánh Chúa.
Nơi bài đọc II của thánh lễ hôm nay, thánh Phaolô đã khuyên anh
chị em giáo đoàn Galata hãy sống theo Thánh Thần mà đối xử với nhau để được tự
do khỏi làm nô lệ cho những tội lỗi. Nhờ tình yêu của Chúa Thánh Thần chúng ta
sống trọn vẹn ơn gọi của mình, theo Chúa cho đến cùng, cho đến Giêrusalem, cho
đến đồi Golgotha và phục vụ anh chị em.
Lạy Chúa, con yêu mến Chúa. Đó là lời cầu nguyện liên lỉ của các
thánh, của những đồ đệ cương quyết theo Chúa cho đến cùng. Ước chi đó cũng là
những lời nguyện của mỗi người chúng ta hôm nay: "Lạy Chúa, con yêu mến
Chúa". Xin Chúa củng cố mỗi người chúng ta trong đức tin mà giờ đây chúng
ta cùng nhau tuyên xưng qua Kinh Tin Kính.
10. Con muốn đi theo Ngài – André Sève.
(Trích dẫn từ 'Tin Mừng Chúa Nhật' – André Sève)
Chúng ta sắp sửa nghe những lời rất gay go nhưng rất quan trọng
đến nỗi trước tiên phải hiểu rõ tại sao Chúa Giêsu tỏ ra gay gắt và nóng lòng:
"Vì gần đến ngày Chúa Giêsu phải lìa bỏ thế gian nên Ngài quyết định đi
Giêrusalem". "Con đường lên Giêsuralem" chính là con đường tiến
về cái chết.
Chúa Giêsu biết điều đó. Ngài đã thấy nổi lên sự chống đối, một
liên minh các thù địch đang chờ đợi Ngài trong thành phố "là nơi người ta
giết chết các tiên tri" (Lc 13,34). Có lẽ Ngài đã có thể tránh được thảm
cảnh trong khi ở lại Galilê, nhưng Ngài không tránh né sứ mạng cứu độ và những
hậu quả của nó. Nơi mà Gioan nói Ngài đi "cho đến cùng" thì Luca nói
rằng Ngài "quyết định" đi (trong bản dịch nghĩa đen: "Ngài
nghiêm mặt lại").
Cái "quyết định" này cũng phải đánh dấu những người
muốn đi theo Ngài. Điều này đặc biệt đúng đối với những "ơn gọi",
nhưng mọi Kitô hữu, theo cách và trong hoàn cảnh của mình, được mời gọi
"đi theo Đức Kitô", nghĩa là sống theo Tin Mừng. Do đó chúng ta có
thể làm một cuộc xem lại cuộc sống Tin Mừng bằng cách đi từ những câu trả lời
sống động do Chúa Giêsu nói với ba người.
1) Ngươi sẽ không có chỗ trú ngụ.
Một ngày kia, chúng ta la lên hoặc thì thầm lời yêu thương này
với Chúa Giêsu: "Con sẽ đi theo Ngài khắp nơi". Câu trả lời của Ngài
làm chúng ta hăng hái. Nếu ở vào lứa tuổi 20, ý tưởng thậm chí 'không có hang'
chỉ có thể làm cho chúng ta vui thích mà thôi. Tập sinh nào, kẻ tiên phong nào,
kẻ trở lại với Tin Mừng nào mà quan tâm đến tiện nghi cơ chứ!
Nhưng cuộc sống sẽ nhẹ nhàng trở nên trói buộc. Biết bao tông đồ
sự tiện nghi đã làm cho uể oải! Biết bao Kitô hữu ngần ngại thực hành Tin Mừng
bởi vì phải chịu thiếu thốn và nhất là dấn thân vào sự mất an toàn. "Quyết
định đi Giêrusalem", trước tiên đó là nhận thấy rằng chúng ta quá gắn bó
với quá nhiều vật dụng, với quá nhiều điều đảm bảo.
- Sau đó thì sao? Chơi trò vô gia cư sao?
- Không, nhưng làm một vòng căn hộ và con tim để đo lường mức độ
trưởng giả của chúng ta. Chúng ta sẽ là quan tòa duy nhất, mỗi một người trong
chúng ta có những con quỷ tiện nghi riêng.
2) Hãy để kẻ chết chôn kẻ chết
Đây trước hết là mệnh lệnh không được lần chần. Có biết bao
nhiêu lý do làm chúng ta ngồi lại khi người ta đã đứng dậy để đi theo Chúa
Giêsu. Nếu chúng ta không đi theo Ngài ngay lập tức, ơn kêu gọi sẽ qua nhanh,
nhanh hơn những trì hoãn của chúng ta.
Có những chọn lựa rất khó mà dám đón nhận. Khi tôi nghe la rầy
một linh mục không quan tâm đủ đến những cuộc mai táng hoặc người nào đó vừa
mới mất, hoặc thậm chí cha mẹ của chính linh mục đó, tôi tự nhủ phải xác minh
kỹ những điều đó và trong tinh thần của Tin Mừng hôm nay. Có lẽ đó là sự hờ
hững hoặc thiếu vắng tinh thần con thảo, thế thì phải phản đối. Nhưng nếu ngược
lại đó là để phục vụ cuộc sống tốt hơn nữa, và đôi khi một cách anh hùng thì
sao? Tôi biết một bà mẹ nói với người con làm linh mục: "Đừng quan tâm đến
mẹ, con là con trai mẹ hàng ngàn lần khi con hiến thân hơn khi là khi con quan
tâm đến mẹ". Chúng ta đã giết chết những người tông đồ trong khi kéo họ
lại phía sau, họ trở nên những người chết bận tâm đến những người chết.
Cũng ý tưởng này trong lời nói khó khăn thứ ba:
3) "Hãy nhìn về phía trước, chứ không phải phía sau, nếu
không con không xứng với Nước Trời".
Có những cách bám víu vào quá khứ rất não nùng hoặc rất sợ hãi
mà không phải là những bước tiến quyết định hướng về Giêsusalem! Thay vì nói
những lời từ biệt không cùng, trong khi nắm lại những kỷ niệm, môn đệ của Chúa
Kitô là kẻ "hướng về phía trước" mà Phaolô đã mô tả: "Quên con
đường đã qua và hướng về phía trước, tôi đi đến đích" (Pl 3,13-14).
11. Dành ưu tiên cho Thiên Chúa
(Trích dẫn từ 'Cùng Đọc Tin Mừng' – Lm. Ignatiô Trần Ngà)
Một vị linh sư Ấn-độ đang ngồi tịnh niệm bên bờ sông thì có một
thanh niên ăn mặc bảnh bao đến xin làm đệ tử. Anh ta rón rén đến gần bên và đặt
dưới chân vị linh sư hai viên ngọc quý để như một lễ vật nhập môn. Vị linh sư
mở mắt, thấy hai viên ngọc long lanh dưới chân mình, chẳng nói một lời, cầm lấy
một viên ném xuống sông.
Hết sức ngỡ ngàng và tiếc nuối, chàng thanh niên vội nhảy xuống
sông và lặn xuống đáy cố tìm cho bằng được viên ngọc quý giá. Nhưng suốt cả
ngày hì hụp ngoi lên lặn xuống hao hơi nhọc công, viên ngọc vẫn biệt tăm.
Chiều đến, với vẻ mặt thất vọng, chàng đến gặp vị linh sư để xin
ngài chỉ đích xác nơi mà ngài đã ném ngọc xuống để may ra tìm lại dễ hơn.
Bấy giờ vị linh sư cầm lấy viên ngọc thứ hai lại ném xuống sông
và nói: "Ta đã ném nó vào chỗ nầy nầy. Anh hãy lặn xuống mà tìm
kiếm."
Bấy giờ chàng thanh niên bỗng nhiên giác ngộ. Anh chợt hiểu ra
rằng bài học đầu tiên mà vị linh sư muốn dạy anh là muốn trở thành môn đệ của
ngài thì điều kiện tiên quyết là phải sẵn sàng từ bỏ lòng ham mê của cải thế
gian.
Qua Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu cũng dạy cho những ai muốn trở
thành môn đệ của Ngài phải từ bỏ những gì họ quyến luyến nhất để dành ưu tiên
cho Thiên Chúa.
Dành ưu tiên cho Chúa bản thân ta (tức là phải vì Chúa mà quên
thân mình)
"Đang khi Thầy trò đi đường thì có kẻ thưa Người rằng:
"Thưa Thầy, Thầy đi đâu, tôi cũng xin đi theo." Người trả lời:
"Con chồn có hang, chim trời có tổ, nhưng Con Người không có chỗ tựa
đầu."
Với những lời nầy, Chúa Giêsu muốn nhắn nhủ người ấy phải vì
Chúa mà hy sinh bản thân mình. Theo Chúa thì không thiết đến bản thân, không
tìm sự an toàn, hạnh phúc cho mình, nhưng sẵn sàng từ bỏ mọi sự như Chúa Giêsu,
trở thành người không có chỗ dựa đầu như Chúa Giêsu... để phụng sự Thiên Chúa và
Nước Trời.
Còn chúng ta hôm nay thì sao? Chúng ta vẫn đặt bản thân mình lên
trên hết. Chúng ta thường tìm kiếm mọi sự cho mình. Lo cho bản thân mình trước
hết, còn Chúa thì để lại đằng sau.
Dành ưu tiên cho Chúa tình thương của ta
Rồi Chúa Giêsu lại gặp một người khác và cất tiếng mời gọi:
"Anh hãy theo tôi. Người ấy thưa: "Thưa Thầy, xin cho phép tôi về
chôn cất cha tôi trước đã." Đức Giêsu bảo: "Cứ để kẻ chết chôn kẻ
chết của họ. Còn anh, anh hãy đi loan báo Triều Đại Thiên Chúa."
Tất nhiên Thiên Chúa vẫn dạy chúng ta thờ cha kính mẹ, thảo hiếu
với tổ tiên, nhưng qua sự việc nầy, Chúa Giêsu đòi người môn đệ phải dành ưu
tiên cho Chúa tình thương của mình, nghĩa là phải yêu mến Thiên Chúa hơn hết
mọi người, phải lo việc Chúa nhiều hơn là việc chăm sóc phụng dưỡng ông bà, mai
táng mẹ cha.
Còn chúng ta thì sao? Phải chăng chúng ta đã dồn tất cả tình yêu
cho những người ruột thịt, cho người thân thiết, còn tình yêu dành cho Chúa
chẳng đáng là bao?
Dành ưu tiên cho Chúa thời giờ của ta
Đi thêm chặng nữa, Chúa Giêsu gặp người khác nữa tình nguyện
theo Ngài: "Thưa Thầy, tôi xin theo Thầy, nhưng xin cho phép tôi từ biệt
gia đình trước đã." Đức Giêsu bảo: "Ai đã tra tay cầm cày mà còn
ngoái lại đàng sau, thì không thích hợp với Nước Thiên Chúa."
Với người nầy, Chúa Giêsu đòi phải dành ưu tiên về thời gian cho
Chúa. Việc loan Tin Mừng về Nước Trời là sứ mạng cấp bách, đừng trì hoãn đại sự
vì những vấn vương thế tục. Làm như thế thì chẳng khác gì người "đã tra
tay cầm cày mà còn ngoái lại đằng sau".
Còn chúng ta thì sao? Mỗi ngày Chúa ban cho chúng ta 24 giờ, mỗi
tuần Chúa ban 168 giờ, mỗi tháng 720 giờ, mỗi năm 8,760 giờ... nhưng rồi chúng
ta dành lại cho Chúa được bao nhiêu thời gian? Mỗi tuần đến với Chúa có 60 phút
trong ngay chúa nhật, nhưng nhiều người vẫn thấy tiếc nuối nên còn bớt đầu bớt
đuôi!
* * *
Tất cả ba điều kiện Chúa đòi người môn đệ phải giữ như trên đây
cũng chỉ là giúp ta ôn lại điều răn thứ nhất: "Ngươi phải yêu mến Chúa là
Thiên Chúa ngươi hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn ngươi." (Mt 22,
37).
Sở dĩ Thiên Chúa đòi buộc chúng ta phải dành ưu tiên cho Chúa
bản thân ta, tình thương của ta, thời giờ của ta... đòi chúng ta phải yêu mến
Ngài hết lòng hết sức trên hết mọi sự là vì Ngài đã dựng nên chúng ta và đã yêu
thương chúng ta hết lòng hết sức Ngài.
Tình thương và ân sủng của Thiên Chúa bao la như trời như bể,
còn tình thương mà con người có thể có thì nhiều lắm cũng chỉ bằng chút nước
trong hồ.
Vậy nếu cả hai bên cùng dốc hết tình thương cho bên kia, thì dù
sao ta vẫn có lợi hơn nhiều!
12. Hai biển hồ – Lm. Giuse Tạ Duy Tuyền
Người ta bảo ở bên Palextina có hai biển hồ... Biển hồ thứ nhất
gọi là biển chết. Đúng như tên gọi, không có sự sống nào bên trong cũng như
xung quanh biển hồ này. Nước trong hồ không có một loại cá nào có thể sống nổi
mà người uống phải cũng bị bệnh. Ai ai cũng đều không muốn sống gần đó. Biển hồ
thứ hai là Galilê. Đây là biển hồ thu hút nhiều khách du lịch nhất. Nước ở hồ
lúc nào cũng trong xanh mát dịu, con người có thể uống được. Nhà cửa được xây
cất rất nhiều ở nơi đây. Vườn cây xung quanh tốt tươi nhờ nguồn nước này...
Nhưng điều kỳ lạ là cả hai biển hồ này đều được đón nhận nguồn
nước từ sông Jordan. Nước sông Jordan chảy vào Biển Chết. Biển chết đón nhận và
giữ lại riêng cho mình mà không chia sẻ nên nước trong biển Chết trở nên mặn
chát. Biển hồ Galilê cũng đón nhận nguồn nước từ sông Jordan rồi từ đó tràn qua
các hồ nhỏ và sông lạch, nhờ vậy nước trong biển hồ này luôn sạch và mang lại
sự sống cho cây cối, muôn thú và con người.
Đây là một định lý trong cuộc sống: có cho đi mới được lãnh
nhận. Vì "xởi lởi trời cho, co ro trời co lại". Hay ít ra cũng là
"có qua có lại mới toại lòng nhau". Người có tâm hồn quảng đại trao
ban mới có cơ hội đón nhận niềm vui và hạnh phúc của cuộc sống. Người có tâm hồn
thanh thoát khỏi những tham sân si của giòng đời mới tự do tự tại. Vì vậy, thật
bất hạnh cho những ai cả cuộc đời chỉ biết giữ riêng cho mình. "Sự
sống" trong họ rồi cũng sẽ chết dần chết mòn như nước trong lòng Biển
chết. Và thật hạnh phúc cho những ai biết trao ban. Cuộc sống họ sẽ mãi lan tỏa
và dồi dào sức sống như biển hồ Galilê.
Đó chính là cung cách sống của Chúa Giêsu. Ngài đã sống một cuộc
sống thanh thoát với những tiện nghi vật chất. Ngài đã chấp nhận cuộc sống bấp
bênh, rày đây mai đó đến độ không có nơi gối đầu. Ngài đã đi vào cuộc đời với
cảnh nghèo khó khốn cùng trong thân phận người nghèo: "sinh vô gia cư,
chết vô địa táng". Ngài đã sống một cuộc đời cho đi: cho đi tình yêu, cho
đi cả tính mạng mình vì người mình yêu. Ngài đã bỏ lại tình yêu của gia đình,
của xóm làng để ra đi rao truyền chân lý, để tìm kiếm và thực thi thánh ý Chúa
Cha. Giá tri cuộc sống của Ngài là làm theo thánh ý Chúa Cha. Ngài không làm
theo ý riêng. Ngài không tìm danh vọng cho bản thân. Ngài luôn chu toàn thánh ý
Chúa Cha và làm rạng danh Chúa Cha qua đời sống hiến dâng phục vụ nhân trần.
Hôm nay, Ngài cũng mời gọi chúng ta hãy tìm kiếm ý Chúa và thực
thi trong cuộc sống. Ý Chúa có thể làm chúng ta phải thiệt thòi, nhưng là cơ
hội để chúng ta đón nhận niềm vui bất diệt trên quê hương trên trời. Ý Chúa
đang mời gọi chúng ta bỏ lại những hận thù, ghen ghét, những vinh hoa phú quý
trần gian hay những tình cảm mau qua để chọn Chúa làm gia nghiệp đời đời. Ý
Chúa đang mời gọi chúng ta đừng bám víu vào những tham vọng của danh lợi thú để
tâm hồn thanh thoát bình an. Ý Chúa vẫn mời gọi chúng ta hãy quảng đại trao
ban, hãy cho đi để được nhận lãnh. Ý Chúa cần thể hiện trong mỗi giây phút khi
phải chọn lựa giá trị Nước Trời hơn là những giá trị vật chất tầm thường mau
qua.
Thế nhưng, giữa cuộc đời hôm nay vẫn còn đó những người thích
bám víu vào của cải danh vọng trần gian, vẫn còn đó những người sống lệ thuộc
vào những tình cảm mau qua, vẫn còn đó những người vẫn để lòng tham làm hoen ố
tâm hồn, làm mất đi nét đẹp của hoạ ảnh Thiên Chúa nơi tâm hồn của mình. Họ
chưa thực sự sống tín thác vào Chúa. Họ chưa thực sự để cho Chúa làm chủ con
người của họ. Họ vẫn là những con người làm tôi hai chủ. Sống đạo nửa vời,
thiếu dứt khoát khi phải chọn lựa giữa Thiên Chúa và danh lợi thú trần gian.
Xin cho mỗi người chúng ta biết tín thác vào sự quan phòng của
Chúa, biết chọn Chúa làm nghiệp đời đời. Xin cho tâm hồn chúng ta luôn thanh
thoát khỏi những ràng buộc vật chất và những tình cảm mau qua trần gian để tâm
hồn và thân xác chúng ta luôn thuộc trọn về Chúa. Amen.
13. Không nhìn trở lại - McCarthy
Suy Niệm 1. KHÔNG QUAY ĐẦU LẠI ĐÀNG SAU
Trong cuốn tiểu sử tự thuật, Con Một, nhà văn Ailen Frank
O'Connor kể lại một cách sinh động cái đêm mà sau cùng ông đã quyết định trở
thành một nhà văn. Ông đã mất việc làm trong ngành đường sắt ở Great Southern
Railway và không có tiền. Những người láng giềng nhìn ông như một tên khùng vô
tích sự. Tuy nhiên, ông đã trình ra trước công chúng những điều ông đã viết:
"Hành động tin tưởng hy vọng quan trọng đến nỗi bằng cách
nào đó, ở nơi nào đó, tôi muốn chứng tỏ tôi không điên cũng không vô tích sự;
bởi vì giờ đây tôi nhận ra rằng tôi phải trả giá cho mọi sự, và không được quay
đầu lại đàng sau. Khi còn là những cậu bé, chúng tôi đến bức tường bao quanh
một vườn cây ăn quả, có vẻ quá cao khó mà trèo qua được, chúng tôi cởi mũ lưỡi
trai ra và ném chúng qua bức tường và rồi không có chọn lựa nào khác hơn là
phải đi theo chúng. Tôi đã ném cái mũ qua bức tường đời tôi và tôi biết rằng
tôi phải đi theo nó, bất cứ nơi nào mà nó rơi xuống".
Trong Tin Mừng, một cách nào đó, Đức Giêsu đã đối xử tương tự
với ba người muốn trở thành môn đệ của Người. Người nói: "Ai đã tra tay
cầm cày mà còn ngoái lại đàng sau thì không thích hợp với Nước Thiên
Chúa". Người nêu bật sự cần thiết phải cam kết dấn thân và nói rằng không
thể quay đầu nhìn lại đàng sau. Nếu bạn muốn cày một luống cày thẳng, bạn phải
tập trung chú ý công việc bạn đang làm, không để bị phân tâm. Nếu bạn cứ quay
đầu nhìn lại đàng sau, bạn sẽ không làm tốt công việc. Bạn cần phải có sự dâng
hiến và cam kết. Nếu bạn bắt đầu công việc như thế, thì bạn toàn tâm toàn ý với
công việc ấy.
Mọi người chúng ta đều tra tay cầm cày, không cày này thì cày
khác. Thanh niên thì bắt tay vào việc học... vợ chồng thì bắt tay vào cuộc hôn
nhân... linh mục thì bắt tay vào tác vụ... còn có thể kể thêm nhiều nữa. Và khi
được rửa tội, chúng ta tra tay vào một cán cày khác –đi theo Đức Kitô, hoặc gia
nhập và hàng ngũ các môn đệ của Người.
Nếu chúng ta cứ nhìn lại đàng sau, thì sự tập trung của chúng ta
bị phân tán. Do đó năng lực của chúng ta cũng suy giảm. Chúng ta không dấn thân
trọn vẹn. Chúng ta chỉ có một nửa nhiệt tình. Chúng ta hầu như đánh mất thời
gian, đánh mất tầm nhìn hướng về mục tiêu, và bị cám dỗ quay trở lại và hoàn
toàn rời bỏ công việc. Nhìn lại đàng sau cũng gợi ý rằng chúng ta có những suy
nghĩ thứ hai, và có lẽ là nghi ngờ hoặc hối tiếc. Có lẽ chúng ta thấy rằng cái
giá phải trả quá cao. Có lẽ những việc khác mà chúng ta nghĩ rằng mình đã từ bỏ
vẫn còn giằng co trong tâm hồn chúng ta?
Nhưng nếu chúng ta nhìn tới trước, chúng ta sẽ có sự tập trung
không phân tán vào nhiệm vụ đã được chọn. Chúng ta sẽ có một sự tập trung không
phân tán vào nhiệm vụ đã được chọn. Chúng ta sẽ hoàn toàn phó thác. Chúng ta sẽ
toàn tâm toàn ý. Điều đó sẽ cho chúng ta sức mạnh to lớn. Tất cả mọi tiềm năng
của chúng ta sẽ được tập họp và triển khai cho nhiệm vụ. Chúng ta sẽ không bị
chệch hướng. Và do đó chúng ta có một cơ hội tốt nhất để hoàn thành nhiệm vụ.
Những người toàn tâm toàn ý vào công việc sẽ tìm thấy niềm vui, bất chấp gian
khổ. Những người không toàn tâm toàn ý sẽ không có được niềm vui ấy. Vậy sứ
điệp là: Đừng quay đầu lại; cũng đừng nhìn lại đàng sau.
Bài đọc một cho thấy Êlisê đã nghe theo lời gọi của Êlia như thế
nào. Sự đáp lại của ông thì toàn diện, và bằng việc giết bò, đốt cày ngăn cản
mình quay về đời sống cũ. Trong Tin Mừng chúng ta thấy gương mẫu tốt nhất trong
chính Đức Giêsu. Người hướng đến Giêrusalem dù biết rằng sự loại trừ, phản bội
và cái chết đang chờ đợi Người ở đó. Người không muốn đào thoát khỏi con đường
đó. Người đã đem lại một gương sáng cho các môn đệ của Người về loại dâng hiến
mà Người được đòi hỏi.
Loại dâng hiến ấy là một thách đố lớn. Nó có thể dễ dàng lúc
khởi đầu. Nhưng để giữ được sự kiên định, chúng ta cần có ân sủng của Thiên Chúa.
Ân sủng này sẽ giữ chúng ta trung tín với Thiên Chúa và với nhau. Thiên Chúa sẽ
giúp đỡ chúng ta kiên trì trên con đường đã chọn, bền bỉ trong nhiệm vụ đã
chọn. Lúc đó chúng ta sẽ hiểu được niềm vui của người tận hiến và đến thời gian
thuận lợi, chúng ta thấy mình đã phù hợp với Nước Trời.
Suy Niệm 2. GIỮ LÒNG TRUNG TÍN
Viktor Frankl, người đã trải qua ba năm dài ở các trại cải tạo
Auschwitz và Dachau, kể lại câu chuyện sau đây. Là một bác sĩ, ông dành phần
lớn thời gian để săn sóc cho các tù nhân bị bệnh hấp hối trong trại. Khi chiến
tranh gần chấm dứt, ông cùng một bạn tù lên kế hoạch để trốn trại.
Ông bắt đầu thu thập một ít vật dụng: một bát đựng lương thực,
một đôi găng tay bị rách, những ghi chú cho một cuốn sách mà ông hy vọng sẽ
viết ra. Rồi ông nhìn một lần cuối cùng những bệnh nhân của ông đang nằm trên
những tấm ván dài bằng gỗ mục ở mỗi góc của căn lều. Ông bước đến bên một người
đàn ông sắp chết, Frankl cố che giấu hành động chạy trốn của ông. Nhưng người
đàn ông không bị đánh lừa. Và một giọng nói buồn rầu, mệt mỏi vang lên:
"Vậy ra ông cũng bỏ đi sao?". Frankl chối bỏ điều đó. Nhưng những lời
"Vậy ra ông cũng bỏ đi sao?" ngắt lời ông và lên án ông. Sau khi đi
hết một vòng, ông trở lại với người đàn ông. Một lần nữa, ông được đón chào
bằng một cái nhìn tuyệt vọng chiếu thẳng vào ông. Ông cảm thấy đã phản bội
người đàn ông ấy. Thình lình ông quyết định nắm lấy số phận trong đôi tay mình.
Ông chạy ra khỏi căn lều và nói với người bạn ông hãy ra đi đừng đợi ông nữa.
Ông sẽ ở lại với các bệnh nhân. Lập tức cảm giác bất hạnh của một kẻ phản bội
rời bỏ ông. Và ông nói rằng cho dù ông không có ý niệm gì về những ngày phía
trước đưa ông đến đâu, ông có được sự bình an nội tâm mà trước đó chưa bao giờ
ông cảm nghiệm. Và ông vẫn còn sống khi được giải thoát khỏi trại cải tạo.
Tin Mừng hôm nay bắt đầu với việc loan báo Đức Giêsu cương quyết
tiến về Giêrusalem. Người biết rõ điều đang chờ đợi Người ở đó –loại bỏ, phản
bội, và cái chết. Nhưng đối với Người, không có việc quay đầu lại. Chúa Cha đã
trao cho Người nhiệm vụ mang ơn cứu độ đến cho các em trai, em gái của Người.
Người không có chọn lựa nào khác.
Karen Blixen (tác giả cuốn Out of Africa) nói: "Có lẽ luôn
luôn có một lúc trong đời khi vẫn có hai khả năng để theo đuổi và một lúc khác
khi chỉ còn có một khả năng. Vào lúc cuối cùng này, tôi đã đốt những chiếc
thuyền của tôi và sau đó, không còn con đường để rút lui". Đức Giêsu đã
đạt đến điểm đó.
Với những người muốn trở thành môn đệ của Người, Người nói:
"Ai đã tra tay cầm cày mà còn quay lại nhìn đàng sau thì không thích hợp
với Nước Thiên Chúa". Điều này đi ngược với sự cam kết và dâng hiến với
nhiệm vụ đã chọn. Lúc khởi đầu, nhiệm vụ ấy có thể dễ dàng. Nhưng với năm tháng
đi qua, những khó khăn gia tăng. Những công việc đều đặn mỗi ngày lấy đi sự kiên
trì. Chúng ta bắt đầu nhìn lại đàng sau. Trong những lúc khó khăn chúng ta dễ
dàng không giữ những điều mà chúng ta đã hứa trong những lúc vui tươi hơn. Một
cái chảo càng mau nóng thì cũng càng mau nguội. Ngày này, chúng ta sống trong
thời đại "ăn xổi ở thì".
Lời trung tín không phải là một con đường dễ dàng. Đức Giêsu
không giấu giếm điều đó, với các môn đệ của Người. Người khuyên chúng ta sống
trung tín và chính Người nêu gương sáng cho chúng ta và hứa sẽ giúp đỡ chúng
ta.
Đức Chúa vẫn còn kêu gọi người ta hôm nay và vẫn còn có những
người đáp lại. Theo Đức Kitô có nghĩa là gì đối với một con người bình thường?
Nó có nghĩa là được kêu gọi làm người Kitô hữu ở nơi bạn sống và trong nghề
nghiệp bạn đã chọn. Có nhiều cách để phục vụ Đức Kitô và Tin Mừng của Người.
Trong lúc ban đầu, ơn gọi là để trở nên một môn đệ hơn là một Tông đồ.
CÂU CHUYỆN KHÁC
Dostoyevsky kể lại câu chuyện một thiếu niên bị cha cậu đưa ra
khỏi thành phố. Khi còn trẻ, cậu có nhiều mơ ước và hy vọng về một đời sống mới
đang mở ra trước mắt cậu. Tuy nhiên, không lâu sau, cậu có được bài học khắc
nghiệt về thực tế. Họ dừng lại một quán trọ để nghỉ ngơi, giải khát. Trong lúc
môt viên chức của chính phủ bước vào và nốc một cốc rượu Vốt-ka. Rồi ông ta
chạy đến chiếc xe ngựa và không một lời giải thích, nhào vô người đánh xe ngựa
nghèo nàn, bất hạnh là một anh nông dân và đấm anh này túi bụi. Rồi ông ra lệnh
cho người đánh xe ngựa cho xe đi. Người đánh xe đáp lại bằng cách quất cái roi
vùn vụt trên lưng mấy con ngựa với hết sức lực. Vừa hoảng sợ vừa đau đớn, những
con vật chồm lên kéo chiếc xe chạy lao tới.
Bạo lực nuôi dưỡng bạo lực. Nhưng Đức Kitô thách đố chúng ta đáp
trả bóng tối bằng ánh sáng, đáp trả điều xấu nhất nơi người khác bằng điều tốt
nhất trong chúng ta. Vấn đề quan trọng nhất trong thời đại chúng ta là làm thế
nào vượt qua điều xấu mà không làm thêm điều xấu trong quá trình ấy.
14. Lên đường với Ngài - R. Gutzwiller
Trên bước đường Chúa đi, nhiều thanh niên muốn theo làm môn đệ
Ngài, vì họ muốn theo gương Ngài khăng khít hơn. Họ cảm phục Ngài đức độ cao
dầy, vì giáo huấn trong sáng, vì những phép lạ kỳ diệu, vì sức mạnh việc Ngài
thực hiện, và vì dự định quả cảm của Ngài. Họ nôn nóng và tỏ ra sẵn lòng theo
Ngài, lên đường với Ngài.
Người thứ nhất.
Anh tỏ ra dứt khoát, hết sức sẵn sàng 'tôi xin theo Thầy bất cứ
Thầy đi đâu'. Anh muốn theo Ngài bất chấp nghịch cảnh, hy sinh tất cả, dù hoàn
cảnh nào chăng nữa. Thật là tiếng đáp trả quyết liệt, vô điều kiện.
Nhưng chắc là anh còn ảo tưởng, nên Đức Giêsu khẳng định mạnh
mẽ: 'Chồn có hang, chim trời có tổ, Con Người không có nơi gối đầu'.
Bình thường, ai cũng thích một nơi ăn chốn ở an toàn, thật bảo
đảm, nơi họ được tự do định đoạt mọi chuyện, tha hồ thoả mãn nhu cầu riêng,
được sống 'hết sức thoải mái', muốn làm gì thì làm, còn mặc ai nấy sống. Dù ở
nơi tầm thường, dù chỉ là một túp lều tranh sập sệ, nhưng có tự do và thoải mái
vẫn hơn.
Nhưng đi theo Chúa Kitô không đem lại cho ta thứ tình cảm an
toàn ấy. Đức Kitô vốn lang thang, nay đây mai đó. Ai quyết chí theo và vững tâm
phục vụ Ngài ắt phải như Ngài không đóng đô ở đâu cả, không ham lối sống an cư
lạc nghiệp. Có tiếng mời gọi, tức khắc cất bước lên đường, dứt khoát cả nội tâm
lẫn ngoại giới. Nơi an toàn của ta ở bên kia thế giới. Nơi nương ẩn của ta đặt
ở nơi Chúa. Và an bình thư thái thực sự lại thuộc về đời sau.
Không thể như con chồn được: chọn hang sâu hốc hiểm làm nơi an
thận bình phận: thù bất nhập, mà an toàn khỏi mọi thời khí độc hại. Cũng không
thể như con chim tự làm cho mình một tổ ấm an lành. Bởi vì đời sống luôn có
những giông bão nổi lên, tàn phá và làm tan những chòm cây an toàn đã khổ công
xây dựng cho riêng mình thay vì cho những người khác. Theo gương Đức Kitô, bước
đi theo Ngài, có nghĩa là hiến thân cho con người và sống trong sự bấp bênh.
Người thứ hai
Anh không tự quyết theo Chúa, song được Ngài mời gọi 'hãy theo
Ta'. Anh thưa: 'xin cho phép tôi về chôn cất cha tôi trước đã'.
Theo đó, vấn đề không chỉ là việc chôn cất cho bằng anh tự cho
rằng mình còn phải có trách nhiệm với cha mình và vì tình cốt nhục mình phải ở
lại phung dưỡng cha già đến ngày ông mất. Khi ấy anh mới sẵn sàng theo. Điều
này cũng tự nhiên thôi; có lẽ, còn thuộc về bản chất tốt của người Công giáo
nữa.
Dù sao, ta không thể để song thân lâm cảnh cơ cực. Phải để ý đến
anh em và phụ giúp gia đình, bỏ đi như vậy là không được. Vì công cha nghĩa mẹ,
phận làm con là phải đáp đền. Tuy hôn nhân là một bí tích, gia đình là cơ cấu
do Chúa an bài. Hơn nữa Đức Kitô đã chẳng sống ba mươi năm tại Nagiarét và
thánh hoá gia đình đó sao?
Tất cả thật là chí lý, vậy sao Đức Giêsu lại nói 'để kẻ chết
chôn kẻ chết, phần anh hãy đi rao giảng nước Thiên Chúa'.
Thiên Chúa là Tôn sư tối cao. Ngài đã cất tiếng mời gọi thì phải
đáp lại dứt khoát. Yêu sách của Ngài phải được ưu tiên hơn mọi nhu cầu khác.
Luật Chúa phải sáng chói hơn hẳn luật con người. Ơn gọi trên cao đòi tha phải
tích cực đáp trả vô điều kiện.
Mẹ Ngài trách Ngài: 'Tại sao con lại làm thế với cha mẹ'. Ngài
đã thưa lại: 'Mà tại sao cha mẹ lại tìm con, cha mẹ không biết là con phải lo
công việc Cha con sao?'. Ngài không thể khép vào thế giới bé bỏng Nagiarét
nhưng thuộc về vương quốc bao la của Cha Ngài.
Ai muốn rao giảng nước Thiên Chúa ắt phải từ bỏ vợ con và gia
đình. Phải có một tâm hồn quảng đại và đôi tay thong dong, không bị ràng buộc
bởi bất cứ một trở lực nhân loại nào. Phải hy sinh cái thế giới gia đình, tuy
đẹp nhưng nhỏ bé và phấn đấu cho cái vũ trụ lớn lao là nước Thiên Chúa. Lời mời
gọi của Chúa Kitô là một lời động viên. Ai đã dứt khoát dấn thân phục vụ Thiên
Chúa, không thể để mình dan díu với những gì thuộc thế giới chết chóc được.
Người thứ ba.
Người này xem ra đắn đo hơn. Anh phát biểu sự ưng thuận của anh
với điều kiện: 'Thưa Ngài, tôi xin theo Ngài nhưng cho phép tôi quay về từ biệt
gia đình trước đã'. Như vậy, anh ta đã sẵn sàng chưa? Hẳn là chưa. Anh tạm hoãn
quyết định của anh. Trước khi dứt khoát, anh còn có việc khác phải làm: anh xin
được trở về quê hương, nơi chôn nhau cắt rốn để cáo từ cha mẹ và thân thuộc.
Qua đó, ta thấy có chút mơ mộng và tình cảm. Nhưng Đức Giêsu đáp
lại cách quả quyết: 'Kẻ vưà tra tay cầm cày vừa ngó lại sau, không xứng đáng
với Nước Thiên Chúa'. Ta thấy ngay một lối sắp xếp giả tạo. Theo Chúa Kitô
không phải là nhìn lại phía sau mà nhìn phía trước, cứ nhắm Đấng kêu gọi mà
tiến bước, cứ dõi theo mục tiêu của con đường ta đi qua. Tình cảm sẽ làm tê
liệt. Cứng đầu cứng cổ sẽ chẳng đem lại lợi ích gì cho việc theo Chúa. Chúa là
tôn sư, Ngài đòi ta phải hy sinh trọn vẹn, nguyên tuyền và vui vẻ sẵn sàng.
Ai muốn đồng hành với Ngài, phải có quyết định gan dạ và chấp
nhận dặm trường. Ai dừng chân ở mỗi khúc quanh để ghi nhớ những hình ảnh vừa đi
qua, ngoái cổ nhìn lại, thì chính họ sống bằng quá khứ hơn là tương lai; họ
không hề biết dặm trường hiểm nguy. Nếu mỗi chặng đường đều có sẵn một chiếc
ghế dài thoải mái, hẳn họ sẽ dừng lại nghỉ ngơi và chẳng đặt vấn đề theo Chúa
nữa.
Cần lưu ý nữa là ba đòi hỏi của Đức Kitô thật phù hợp với đời
sống gia đình. Với người này, Ngài nói phải từ bỏ cuộc sống an toàn của tổ ấm;
với người kia, sẽ chỉ ở lại nhà cho đến lúc anh có thể tự thoát khỏi những ràng
buộc mà không phẫn nộ. Và người thứ ba sẽ hành động mà chẳng chú ý gì đến gia
đình cả.
Nếu cùng một vấn đề được đề cập tới trong ba câu đáp thì ắt
không phải do tình cờ ngẫu nhiên. Cha mẹ và thân thuộc dễ nghĩ rằng mình được
quyền định đoạt theo quyền lợi mình. Họ không ngừng phẫn nộ khi một người trong
họ nghe theo tiếng Chúa từ bỏ gia đình cất bưóc ra đi. Có nhiều cha mẹ, anh chị
em không thông cảm nổi mỗi khi có người con trai hay gái theo tiếng gọi ấy.
Nhưng những người con này vẫn đành chấp nhận... Thiên Chúa lớn lao hơn.
Khi Ngài đặt tay trên ai thì người này hoàn toàn thuộc về Ngài.
Không có chuyện chia sớt, gây tổn hại. Rõ ràng từ bỏ là ray rứt, chia lìa là
khổ đau, Chúa diễn tả minh bạch. Chỉ có một cách giải quyết: Ai muốn đi với Ngài,
phải thành tâm theo Ngài. Và dứt khoát chỉ theo một Thày. Đó là lý do môn đệ
phải dự phần vào sự đơn độc của Ngài.
15. Điều kiện căn bản để theo Chúa
Trước khi trở thành người sáng lập Dòng truyền giáo mới, gọi là
những nhà truyền giáo của Đức Bác Ái, Nữ Tu Thừa Sai Bác Ái, Mẹ Têrêxa thành
Calcutta đã là nữ tu khấn trọn của dòng các nữ tu Côlôrentô và đang sống an
nhàn, tiện nghi của một giáo viên trường trung học tại Calcutta, nhưng bỗng chị
như cảm thấy sự thôi thúc của Chúa Thánh Thần, từ bỏ nếp sống an lành đang có
để ra đi đến một nơi khác, dấn thân phục vụ người nghèo nhiều hơn.
Trong tập sách có tựa đề là: "Mẹ Têrêxa thành
Calcutta" hay "Cây Viết Chì Trong Tay Thiên Chúa", kể lại giây
phút thay đổi tận căn này trong cuộc đời của Mẹ Têrêxa. Đó là vào sáng ngày
01/08/1946, Mẹ Bề Trên cộng đoàn các nữ tu Côlôrentô nhận được bức thư của Đức
Giáo Hoàng Piô XII giải lời khấn cho chị nữ tu Maria Têrêxa để được tự do ra đi
theo tiếng gọi mới của Chúa. Phản ứng của mọi người lúc đó là ai nấy đều ngạc nhiên
không biết mình có làm gì gây phiền cho chị Maria Têrêxa hay không để chị phải
ra đi như vậy. Mọi người đều khóc khi phải chia tay chị Têrêxa, vì thật sự chị
được mọi người trong cộng đoàn yêu mến.
Phần chị Maria Têrêxa sau khi nhận được bức thư thì chị rất bình
tĩnh và nói một câu vắn tắt: "Bây giờ tôi có thể đi đến xóm nghèo".
Lúc đó chị Maria Têrêxa Calcutta đã phải cương quyết, dứt khoát lắm để có thể
bỏ lại mọi tiện nghi vật chất đang hưởng và mọi tình thân thương của cộng đoàn.
Sách tiểu sử của chị sau này ghi lại rằng, chị ra đi khỏi cộng đoàn với đôi
chân không, hành trang của chị là một sâu chuỗi, một vé xe lửa và năm đồng Rubi
trong túi, chị đã dứt khoát từ bỏ mọi sự để theo Chúa trên con đường Chúa muốn.
Mẹ Têrêxa ra đi bắt đầu công việc phục vụ người nghèo với năm
đồng Rubi trong túi, một món tiền không đủ sống cho một ngày bình thường, Mẹ đã
thực hiện tinh thần theo Chúa như được nhắc đến trong Tin Mừng hôm nay.
Sự dứt khoát, nhất là quyết ra đi như Mẹ Têrêxa mà trong túi chỉ
có năm đồng tiền là điều mà Chúa muốn những ai theo Ngài phải thực hiện và từ
bỏ những cái đang quyến rũ hay níu kéo chúng ta trở lại phía sau, không tiến
lên theo Chúa trọn vẹn hơn. Chúa có phải là người tôi yêu mến nhất hay không?
Truyện cổ Hy Lạp có kể lại câu chuyện của vua Ả rập lên đường
chu du khắp nơi, với đoàn tùy tùng đông đảo và những con lạc đà chở theo nhiều
của cải phân phát cho dân chúng; dĩ nhiên có nhiều đầy tớ theo phục vụ nhà vua.
Khi đi được một ngày đàng, nhà vua dừng lại phân phát của cải cho dân nghèo và
chỉ giữ lại một ít của cải cho đoàn tùy tùng rồi tiếp tục lên đường. Một số
những người theo phục dịch nhà vua không tiếp tục cuộc hành trình theo nhà vua
qua sa mạc nữa, nhưng dừng lại để nhận những thùng lương thực mà nhà vua để lại
phân phát cho dân chúng.
Đi qua nửa sa mạc, nhà vua truyền dừng lại và để lại những thùng
đựng vàng, bạc, châu báu mà ban phát rồi nhà vua tiếp tục lên đường. Nhưng lần
này thì hầu như tất cả những người theo nhà vua đều ở lại để chia nhau những
thùng vàng ngọc châu báu, ngoại trừ một người phục vụ duy nhất đi theo, dù nhà
vua không còn gì để phân phối cho nữa. Lấy làm lạ, nhà vua quay lại hỏi anh ta:
- "Sao nhà ngươi theo ta mà không ở lại để chia những thùng của cải ta để
lại đó?". Người phục vụ trả lời: "Thưa nhà vua, con theo nhà vua vì
lòng yêu mến kính phục nhà vua chứ không phải vì tiền bạc giàu sang, nhà vua là
tất cả của con".
Trong cuộc đời ta có bao giờ ta đã thưa với Chúa như vậy chưa?
Lạy Chúa, con muốn theo Chúa vì yêu mến Chúa chứ không phải vì điều gì khác, có
Chúa là phần gia nghiệp của con thế là đủ cho con rồi. Khi dấn bước theo Chúa,
trong niềm sốt sắng chúng ta hân hoan dâng bài ca: "Chúa là gia nghiệp đời
con", lúc đó xem ra như không còn gì phân lìa ta ra khỏi tình yêu của
Chúa. Thế nhưng tại sao với thời gian tình yêu của ta đối với Chúa bị nhạt dần,
bị phai mờ đi vì những thử thách, vì những bám víu, vì những mưu toan lo cho
bản thân mà chối bỏ Chúa, chối bỏ không dấn thân sống sứ điệp của Chúa.
Bài Phúc Âm hôm nay nhắc chúng ta nhớ lại một số điều kiện căn
bản để sống theo Chúa: "Lạy Thầy, tôi sẽ theo Thầy bất cứ nơi nào Thầy
đi". Đây là mộ phản ứng nồng nhiệt, tình cảm, nhưng Chúa Giêsu cảnh tỉnh
anh về cuộc sống theo Chúa là không có sự an toàn êm ả trong một căn nhà êm ấm
đâu, mà phải chịu thiệt thòi, phải chấp nhận hy sinh từ bỏ, kể cả những gì con
người tự nhiên có quyền hưởng. Chúa muốn chúng ta phải có thái độ dứt khoát
theo Ngài, hoàn toàn tin tưởng vào Ngài và vì Ngài mà thôi. Chúa sẽ bù lại gấp
trăm nhưng theo cách thức mà Chúa muốn, theo ý Chúa an bài, chứ không phải theo
ý riêng của chúng ta.
Lạy Chúa, xin cho chúng con được dứt khoát theo Chúa cho đến
cùng. Amen.
16. Lên Giêrusalem
Con đường ngắn nhất để lên Giêrusalem, đó là con đường đi ngang
qua xứ Samaria. Thế nhưng, dân chúng ở đây thù ghét người Do Thái. Một sự thù
ghét thật tệ hại, đã có từ lâu đời, làm cho hai dân tộc luôn ở trong tư thế đối
nghịch cùng nhau và nhiều khi đã bùng nổ thành những cuộc thảm sát dã man và
đẫm máu, nhất là khi người Do Thái có công chuyện phải đi ngang qua vùng đất
này.
Vì thế, những đoàn hành hương thận trọng hơn, thường đi vòng qua
bên kia sông Giócđan, tới tận Giêricô, băng qua sa mạc Giuđêa, trước khi đặt
chân vào đền thờ Giêrusalem.
Hôm ấy, Chúa Giêsu trở về thủ đô. Ngài muốn đi qua xứ Samaria.
Vì phải ngủ qua đêm, nên Ngài đã sai Gioan và Giacôbê đi trước để chuẩn bị.
Ngài hy vọng mọi sự được tốt đẹp, bởi vì toàn cõi Samaria đã biết đến danh
tiếng Ngài. Làm gì mà họ lại không được nghe nói tới những việc lạ lùng Ngài đã
làm ở Capharnaum và ở nhiều nơi khác.
Thế nhưng, chỉ một lúc sau, hai môn đệ được sai đi trở về, lòng
đầy căm tức. Các ông nói:
- Thưa Thầy, nếu Thầy muốn, chúng con sẽ sai lửa trời xuống
thiêu hủy họ.
Sở dĩ như vậy, vì các ông đã bị họ từ chối, không cho được một
chỗ trú ngụ qua đêm.
Chúng ta có thể tưởng tượng ra câu trả lời đầy mỉa mai của họ:
- Nếu Thầy các ông muốn lên Giêrusalem, thì hãy đi thẳng vào
những làng mạc của dân Do Thái. Chúng tôi chẳng có liên hệ gì với ông ấy và
cũng chẳng cần ông ấy làm phép lạ, bởi vì chúng tôi chẳng có người nào đau yếu
bệnh tật.
Rồi họ lại còn đe dọa, khiến cho hai ông cảm thấy cần phải tường
trình lại sự việc cho Chúa Giêsu được rõ. Họ đã không tuân giữ khoản luật về
việc cho khách đỗ nhà, lại còn miệt thị dân Do Thái và coi thường đền thờ. Hành
động như vậy phải chăng là đã đổ dầu vào lửa. Và hơn thế nữa, họ đã không đón
tiếp Thầy mình, là Đấng được Thiên Chúa sai đến.
Như vậy, phải áp dụng cho họ một hình phạt nặng nề nhất mà tiên
tri Elia ngày xưa đã dùng đến, đó là sai lửa trời xuống thiêu hủy họ.
Tuy nhiên, câu trả lời của Chúa Giêsu đã thực sự đi ngược lại
với lòng mong đợi của họ:
- Các con không hiểu gì hết. Con người đến không phải để hủy
diệt, nhưng đến để cứu vớt.
Ai sống tinh thần của Chúa sẽ không bẻ gẫy cây sậy đã bị dập nát
và không thổi tắt tim đèn còn khói.
Cho tới lúc bấy giờ, các ông có lẽ cũng chưa hiểu thấu được ý
nghĩa của dụ ngôn về tên đầy tớ độc ác, được chủ tha cho món nợ khổng lồ, nhưng
lại cư xử hà khác với người bạn mình.
Không kết án những người Samaria, Chúa Giêsu đi tới một làng
khác và thực hiện đúng như lời Ngài đã dạy:
- Nếu người ta từ chối không tiếp đón và nghe lời các con, thì
các con hãy ra khỏi nhà của họ, rồi phủi bụi dưới chân các con.
Với chúng ta cũng vậy, nhiều khi chúng ta bị cám dỗ hành động
một cách nóng nảy và vội vã như các môn đệ. Nhìn thấy tội lỗi tràn lan và những
kẻ chống đối Giáo hội không ngừng tìm mọi cách để bôi bác và hạ nhục Giáo hội,
chúng ta cũng muốn sai lửa trời xuống tiêu diệt họ.
Thế nhưng, Chúa Giêsu có lẽ cũng muốn nói với mỗi người chúng
ta:
- Các con không hiểu gì hết. Con người đến không phải để hủy
diệt, nhưng đến để cứu vớt.
Bổn phận của chúng ta là phải cứu vớt những kẻ sa ngã vấp phạm,
là phải tìm kiếm những kẻ lầm đường lạc lối, là phải đem Tin mừng đến cho những
người chung quanh bằng lời cầu nguyện và nhất là bằng những hành động bác ái,
là phải lấy tình thương xóa bỏ hận thù.
Hãy bắt chước Chúa vì Ngài là Đấng nhân hậu, chậm bất bình và
đầy lòng khoan dung.
17. Theo Chúa.
Nếu chỉ đọc lướt qua hay nghe sơ qua bài Tin Mừng, có lẽ chúng
ta sẽ ngạc nhiên: không hiểu tại sao Chúa Giêsu lại có thái độ khắt khe đối với
những người muốn theo Chúa như vậy? Tin Mừng kể lại trường hợp của ba người
khác nhau.
Người thứ nhất,
Theo Tin Mừng Matthêu, là một kinh sư, tự thân hành đến xin theo
Chúa. Anh phấn khởi và tuyên bố sẵn sàng theo Chúa khắp nơi, vì anh thấy nơi
Chúa có thể thỏa mãn được những tham vọng của anh, một thứ tham vọng theo kiểu
trần thế: giàu có, bảo đảm danh vọng, địa vị. Chúng ta hiểu như vậy là nhờ vào
câu trả lời của Chúa. Chúa đưa ra điều kiện làm anh chưng hửng: "Chồn cáo
có hang, chim trời có tổ. Còn Con Người không có chỗ tựa đầu:, nghĩa là Chúa
cho anh biết: Chúa không có gì bảo đảm cho cuộc sống trần gian, vì nghèo đến
nỗi còn thua con chim có tổ, con chồn có hang, và nghèo đến nỗi không có nơi
dựa đầu, tức là không có mái nhà để ở. Chúa nghèo như thế đó. Theo Chúa anh
cũng phải sống như vậy, anh có chấp nhận được không? Tin Mừng không cho biết
anh ta có chấp nhận điều kiện của Chúa không? Tức là anh có đi theo Chúa không?
Người thứ hai,
Chính Chúa kêu gọi anh. Anh xin phép về nhà để chôn cất cha già
rồi đến theo Chúa. Nhưng Chúa không chấp nhận. Chúa cho anh biết: chôn cất cha
già là bổn phận cao quí, nhưng còn có một bổn phận cao quí hơn, đó là xây dựng
Giáo Hội, tôn vinh Thiên Chúa, cứu vớt các linh hồn. Vì thế, Chúa bảo: "Cứ
để kẻ chết chôn kẻ chết, còn anh, anh hãy đi loan báo Triều đại Thiên
Chúa", nghĩa là hãy để cho những kẻ trần thế lo công việc của họ, còn anh
được ủy thác cho một sứ mệnh cao cả hơn, thì anh hãy đi theo Ngài. Tức là việc
phụng dưỡng cha mẹ là cần, nhưng việc rao giảng Tin Mừng lại cần hơn, nên phải
ưu tiên hơn. Tin Mừng không cho biết anh ta có đi theo Chúa không?
Người thứ ba,
Cũng như người thứ nhất, anh tự mình đến xin theo Chúa. Anh cũng
khéo léo nối kết thêm một yêu cầu: xin về từ giã gia đình. Thật ra yêu cầu này
cũng chính đáng, nhưng Chúa bảo anh: "Ai đã tra tay cầm cày mà còn ngoái
lại đàng sau thì không thích hợp với Nước Thiên Chúa". Chúa đã dựa vào
công việc người đi cày để trả lời cho người thứ ba này về điều kiện đi theo
Chúa. Người cầm cày khi cày ruộng, thì luống cày phải thẳng, vì thế, không được
ngoái cổ về đàng sau kẻo làm luống cày vênh vẹo, khiến cho đất không cày đều,
làm cho đất không tốt cho hạt giống gieo xuống. Cũng vậy, người đã đi theo làm
môn đệ Chúa phải có một thái độ dấn thân dứt khoát, không được do dự, ngập
ngừng hay chần chừ khiến cho việc theo Chúa bị cản trở, tức là phải quay lưng
lại với quá khứ và hướng mắt nhìn về tương lai. Một khi tâm hồn thanh thản, con
người dễ dành trọn con tim cho Chúa và tha nhân. Tin Mừng cũng không cho biết
người này có đi theo Chúa không?
Qua những tìm hiểu trên, có người đã thắc mắc: tại sao muốn theo
Chúa, muốn làm môn đệ Chúa, phải chấp nhận từ bỏ nhiều thứ, kể cả những điều rất
tự nhiên, rất hợp lý như vậy? Vì thế, nhiều người cho rằng: những điều Chúa dạy
bảo ở đây chỉ hiểu về những người đi tu thôi. Nhưng theo các thánh Giáo phụ và
các nhà giải thích Kinh Thánh, thì những điều này có thể áp dụng cho tất cả mọi
tín hữu. Đúng vậy, chúng ta đã đi theo Chúa, đối với phần đông chúng ta, Chúa
không đòi hỏi chúng ta phải từ bỏ tất cả mọi sự, nhưng chúng ta hãy suy nghĩ
xem: hiện tại lúc này, chúng ta có coi Chúa Giêsu và nước trời hơn tất cả mọi
người, hơn tất cả mọi sự không, hay chúng ta còn ngoái cổ lại đàng sau, còn coi
một cái gì hơn Chúa và nước trời? Chúng ta có thái độ dứt khoát và rõ ràng đó
không hay chúng ta muốn ôm đồm tất cả và tiếc rẻ tất cả?
Rồi theo Chúa, đòi hỏi chúng ta phải từ bỏ những gì không phù
hợp với Tin Mừng, với giới răn của Chúa, chúng ta có thấy mình cần phải từ bỏ
gì không? Như đời sống tội lỗi, thói hư tật xấu, những hành động gương mù, lòng
độc miệng dữ, những ý nghĩ sai trái, những lời nói chua cay độc địa... chúng ta
có thấy mình cần phải từ bỏ nhiều thứ không? Tóm lại, Chúa muốn những ai theo
Chúa thì phải có thái độ dứt khoát và quảng đại.
Xin kể cho anh chị em câu chuyện mà thánh Gioan Bôscô thường kể
để dạy cho thanh thiếu niên về lòng quảng đại: Một hôm, Chúa Giêsu gọi Phêrô và
Gioan lại và bảo hai ông cùng leo núi với Ngài. Dọc đường, Ngài bảo hai ông,
mỗi người hãy mang theo một hòn đá. Phêrô suy nghĩ một lúc rồi nhặt một viên đá
bỏ vào túi. Gioan, do lòng quảng đại tự nhiên, vác cả một tảng đá lớn. Đường
dài, vác nặng, Gioan thở hỗn hển. Còn Phêrô, vừa đi vừa huýt sáo thảnh thơi.
Ông nói với Gioan: "Sao anh lại nhọc công vác một tảng đá lớn như
thế?" Chúa Giêsu nghe tất cả, nhưng Ngài thinh lặng. Khi lên tới đỉnh núi,
Chúa muốn dạy cho Phêrô một bài học về lòng quảng đại. Ngài bảo hai môn đệ ngồi
xuống, rồi đọc lời chúc tụng và biến hai viên đá thành ra bánh mì. Phêrô tiu
nghỉu vì viên đá của ông chỉ biến thành mẩu bánh mì nhỏ không đủ thỏa mãn cơn
đói cồn cào trong bụng ông.
Lần khác, Chúa Giêsu lại cũng gọi hai môn đệ Phêrô và Gioan, bảo
leo núi với Ngài một lần nữa. Lần này Ngài cũng bảo hai ông mang đá theo. Với
kinh nghiệm lần trước, Phêrô liền đi tìm tảng đá lớn để vác theo. Đường xa,
Phêrô phải cố gắng hết sức mới mang được tảng đá cồng kềnh lên đỉnh núi. Ông
chờ đợi một phép lạ mà Chúa sẽ làm để tưởng thưởng ông. Thế nhưng, vừa lên tới
đỉnh núi, Chúa chỉ nói với họ: "Nào chúng ta hãy ngồi lên tảng đá chúng ta
vừa mang theo. Không phải lúc nào ta cũng biến đá thành bánh đâu". Phêrô
cảm thấy xấu hổ. Ông thưa Chúa: "Thì ra Thầy đã chơi khăm con". Nhưng
Chúa Giêsu mỉm cười bảo ông: "Lòng quảng đại đích thực không phải là lòng
quảng đại có tính toán và vụ lợi".
Chúng ta hãy nghĩ xem: chúng ta theo Chúa thế nào? Chúng ta cầu
nguyện, chúng ta hy sinh hãm mình, chúng ta làm những việc từ thiện bác ái với
thái độ và ý hướng thế nào? Chúng ta có đặt điều kiện hoặc trả giá với Chúa
không? Xin mỗi người hãy suy nghĩ.
18. Theo Chúa
Bài Tin Mừng hôm nay, thánh Luca kể lại, việc Chúa Giêsu quyết
định lên Giêrusalem để nộp mình, để thi hành thánh ý của Chúa Cha. Trên đường
đi, Ngài ghé vào thành Samaria, nhưng dân chúng không tiếp Ngài, cho nên các
môn đệ nổi nóng, đòi xin lửa từ trời tiêu diệt họ. Nhưng, các môn đệ đã bị Chúa
Giêsu khiển trách. Bởi vì, sứ vụ của Ngài đến không phải để tiêu diệt, nhưng để
cứu vớt. Và đang khi đi trên đường, có ba người muốn xin đi theo làm môn đệ
Ngài. Chúng ta không biết sau này, những người này có trở thành môn đệ của Ngài
không, nhưng lời của Chúa, có vẻ như là điều kiện quá khắt khe cho những ai
muốn theo làm môn đệ của Ngài.
Theo Chúa phải trở nên nghèo khó.
Bởi vì, câu trả lời của Chúa cho người muốn biết Ngài ở đâu.
Ngài cho thấy: "Con chồn có hang, chim trời có tổ, còn Con Người thì không
có nơi gối đầu". Cuộc đời của Chúa sống nghèo khó, Ngài không lợi dụng
quyền năng để làm giàu cho mình, để lo cho mình. Nhưng Chúa đã cứu giúp và dành
cho người nghèo, kẻ đau khổ và tội lỗi. Khi mới sinh ra, Chúa đã chọn nơi nghèo
nàn nhất để sinh ra, nơi hang bò lừa, sinh ra ở nơi chẳng xứng cho một người.
Cho nên, Ngài đã đồng hóa với người nghèo, người đau khổ. Ngài cũng dạy các môn
đệ, khi đi rao giảng, thì đừng mang theo gì. Người ta cho ăn thì anh em ăn
những thứ đó. Chính cuộc đời của Ngài và các môn đệ Ngài, là sống nghèo khó,
không tạo cho mình văn phòng, không tích lũy của cải dành riêng cho mình. Bởi
vì, ai đến với Ngài, đều được đón nhận lời Chúa, được chữa trừ mọi bệnh tật,
không một điều kiện, không đòi hỏi gì. Ngài và các môn đệ sống lay lắt, ngủ
đường, ngủ chợ. Khi rao giảng rày đây, mai đó.
Theo Chúa, đòi phải từ bỏ.
Người thứ hai xin theo Chúa, nhưng muốn về chôn cha. Ngài bảo:
"Hãy theo Ta, cứ để kẻ chết chôn kẻ chết". Câu nói này có đi trái
ngược với giáo lý Ngài dạy hay không? Trong Tin Mừng, chúng ta thấy Ngài dạy:
"Hãy thảo kính cha mẹ". Còn trong Cựu ước thì nói, kẻ bất hiếu với
cha mẹ thì đáng bị xử tử. Còn lời dạy trên đây Chúa không nghiêm khắc đến nỗi
không cho người con về chôn cha. Nhưng có lẽ, người cha của chàng thanh niên đó
đang bị đau nặng. Nhưng, đòi hỏi của Chúa, tính cấp bách của việc rao giảng Tin
Mừng, là điều cấp bách, còn hệ trọng hơn cả việc chăm sóc bệnh nhân nữa. Khi
theo Chúa, thì phải biết hy sinh, phó thác cho Chúa, biết từ bỏ đi những quyến
luyến riêng tư của mình, mà quảng đại đáp lại lời mời gọi của Chúa. Trường hợp
thứ ba, anh muốn về từ giã gia đình. Cũng vậy, Chúa không cấm việc từ giã người
thân, nhưng Chúa muốn kẻ theo Ngài thì biết hy sinh, biết đáp trả lại ơn gọi là
điều cần thiết hơn, quan trọng hơn. Cho nên, theo Chúa thì phải biết từ bỏ, từ
bỏ những gì quyến luyến với mình, từ bỏ những cản trở để đến với Chúa, luôn sẵn
sàng đáp lại lời mời gọi của Chúa "hãy theo Ta". Theo Chúa, đáp lại
lời mời gọi của Ngài, biết phó thác mọi sự cho Ngài. Dù có gặp nghèo khổ, dù có
gặp những khó khăn hay thử thách, nhưng người môn đệ biết luôn trung thành với
Ngài. Cho nên, muốn trở nên môn đệ Đức Kitô, thì hãy vác thánh giá hằng ngày,
để theo Chúa.
Theo Chúa, phải chịu thiệt thòi.
Mỗi người Kitô hữu đều là môn đệ Chúa. Chúng ta biết rằng, mình
theo Chúa phải chịu nhiều thiệt thòi lắm! Thiệt thòi là bởi vì sống ơn gọi Kitô
hữu thì phải lội ngược dòng. Tôi không được chiếm đoạt của người khác, tôi cũng
không có quyền sống buông thả, chiều theo những dục vọng của tội lỗi. Tôi phải
sống tha thứ, ngay cả cho kẻ thù. Còn bổn phận phải chu toàn đối với Chúa nữa.
Thay vì bây giờ, tôi có thể lựa chọn ở nhà, để lai rai với bạn bè, có thể ngồi
đánh bạc, hay tán gẫu với bạn bè khác hàng giờ ở các quán cà phê, thì tôi lại
đến với Chúa, để tham dự thánh lễ, để nghe Lời Chúa. Anh chị em nghĩ coi, theo
Chúa làm cho tôi bị hạn chế rất nhiều. Nhưng mà chính trong cái hạn chế đó, tôi
biết tôi là ai, và tôi hiện diện ở cõi đời này để làm gì. Không phải là tôi chỉ
biết tôi, sống cho tôi, lo cho tôi mà thôi, nhưng tôi còn có bổn phận đối với
anh chị em sống chung quanh tôi nữa và tôi cũng phải có trách nhiệm với gia
đình của mình với khu xóm. Sống tôn trọng người khác. Chính đời sống đó làm cho
cuộc đời tôi trở nên có ý nghĩa, và có mục tiêu rõ ràng. Chính khi anh chị em
và tôi đã là Kitô hữu, là môn đệ Đức Kitô, thì những cản trở đó, sự dấn thân đó
không còn làm cho tôi mất đi tự do, mà trái lại, còn làm cho tôi có được tự do
đích thực hơn nữa là đàng khác. Nếu tôi sống trong tự do của lề luật của Chúa
thì lại càng làm cho cuộc sống này trở nên có ý nghĩa hơn, tốt hơn và không
những tình yêu của Chúa lan tỏa trong tôi mà còn lan tỏa đến mọi người nữa.
Cũng như trong Thánh vịnh 18 nói rằng: "luật pháp Chúa quả là chính trực,
làm hoan lạc tâm can". Cho nên, luật của Chúa chính là sự sống, là con
đường dẫn ta đến với Chúa và anh chị em của mình, chứ không như sự chết thì dẫn
người ta đến ngõ cụt.
Muốn trở nên môn đệ của Chúa, đòi hỏi ta phải vác thập giá hàng
ngày để theo Chúa. Có nghĩa là biết chấp nhận sống nghèo như Chúa. Nghèo ở đây
tức là mình biết sống chia sẻ cho anh chị em túng thiếu xung quanh mình, biết
phục vụ, giúp đỡ anh chị em mình. Đó chính là sống nghèo khó thật sự là lời
chứng sống động và hùng hồn nhất của người môn đệ Chúa Kitô. Hình ảnh những
người muốn theo làm môn đệ Chúa hôm nay, còn là lời mời gọi của Chúa với chúng
ta là hãy biết từ bỏ những rào cản, những gì nó gắn bó, nó thiết thân, thân
quen với mình, đã cản trở, làm cho mình lỡ đi những cơ hội để theo Chúa...
Những quyến luyến đó là gì? Đó là những ích kỷ, những kiêu ngạo, hận thù, ngăn
cách ta đến với Chúa. Xin Chúa cho mỗi người chúng ta, biết quí trọng ơn gọi
làm Kitô hữu của mình, và sống đáp lại tình thương của Chúa dành cho mình.
19. Suy niệm của Lm Phạm Thanh Liêm
ĐỨC KITÔ MẪU GƯƠNG VÀ TIÊU CHUẨN SỐNG
Trên đường lên Yêrusalem, Đức Yêsu linh cảm những gì đang chờ
đợi Ngài. Những gì xảy đến cho Đức Yêsu và các môn đồ của Ngài trong thời điểm
này, soi sáng những tình huống và cách cư xử của mỗi người chúng ta.
Xin cho con về hôn cha mẹ để từ giã
Ngày xưa khi Chúa truyền cho Êlia gọi Êlisa tiếp tục sứ mạng
Chúa trao cho ông, ông đã vứt áo choàng trên người Êlisa. Êlisa đã cắm cày, và
xin Êlia được phép về hôn cha mẹ để từ giã, trước khi đi theo Êlia; và Êlia đã
cho phép.
Với người "tôi xin theo Thầy nhưng xin được phép về từ biệt
gia đình trước", Đức Yêsu trả lời: "ai đã tra tay cầm cày mà còn
ngoái lại đằng sau, thì không thích hợp với Nước Thiên Chúa". Dường như
Đức Yêsu đòi hỏi hơn Êlia với những người đi theo các Ngài? Với cái nhìn của
Đức Yêsu, những người do dự, dùng dằng không dứt khoát, nuối tiếc quá khứ,
không thích hợp với Nước Thiên Chúa.
Những người được mời gọi đi theo Chúa ngày nay, cũng phải xét
lại thái độ của mình đối với Đức Yêsu, xem mình có dứt khoát theo Chúa không?
Nếu thái độ của mình không dứt khoát, còn ngoái lại đằng sau, còn quá quyến
luyến gia đình, e rằng khó có thể theo Chúa. Xin Chúa cho những người theo
Ngài, được ơn chọn Ngài là tất cả để theo Ngài.
Con người không có chỗ tựa đầu
Nếu ai muốn đi theo Đức Yêsu để có một nơi ở yên ổn, để được bảo
đảm về vật chất, thì người đó sẽ thất vọng, vì Ngài chẳng có gì: "chồn cáo
có hang, chim trời có tổ, nhưng Con Người không có chỗ tựa đầu". Đức Yêsu
nghèo, nhưng Ngài có Thiên Chúa là tất cả. Gia tài của Đức Yêsu, là Thiên Chúa.
Lương thực của Đức Yêsu, là làm theo ý Thiên Chúa.
Số phận của Đức Yêsu, tuỳ thuộc thái độ sống của Ngài. Nếu Ngài
"khôn ngoan" theo kiểu người đời, chắc không đến nỗi phải chết
"ô nhục" trên thập giá. Đức Yêsu đã sống theo lẽ phải, sự thật bất
chấp tất cả. Và Đức Yêsu đã sống thật với chính Ngài và Thiên Chúa, đến độ Ngài
sẵn sàng chấp nhận cái chết. Số phận của Đức Yêsu vắn vỏi.
Theo tiêu chuẩn người đời, Đức Yêsu không "khôn",
không đạt được những gì con người ngày nay đòi hỏi. Nếu có ai muốn theo Đức
Yêsu, muốn "đồng hình đồng dạng" với Ngài, người đó phải tự hỏi xem
họ có sẵn sàng nên giống Đức Yêsu trong cách hành xử trong chọn lựa, trong tư
tưởng, lời nói, hành động không?'
Đức Kitô giải phóng chúng ta
"Chính để chúng ta được tự do mà Đức Kitô đã giải phóng
chúng ta". Người đời ham tiền bạc, danh vọng, chức quyền..., Đức Yêsu tự
do với tất cả những điều đó, và Ngài trở thành mẫu gương để những ai muốn theo
Ngài, cũng được tự do với tất cả.
Nhìn những người nghiện rượu, nghiện xì-ke, mới hiểu thế nào là
"nô lệ" khi cơn nghiện hoành hành. Tiền bạc, danh vọng, trai gái,
xì-ke ma tuý, có sức hấp dẫn và trói buộc của nó, mà một khi đã vướng vào không
dễ gì thoát ra được. Có bao người quyết định bỏ thuốc, bỏ rượu nhưng không dễ
để bỏ; những điều này giúp để hiểu những người nghiện ma tuý hơn, vì chuyện
nghiện hút thuốc hay nghiện rượu là những "chuyện nhỏ" so với nghiện
ma tuý. Tội lỗi cũng có những trói buộc của nó và con người không dễ gì thoát
ra được. Tội lỗi trói buộc con người, không để con người được tự do sống theo
điều lý trí nhận thấy là đúng. Tội lỗi làm suy nhược ý chí của con người, trói
buộc con người vào con đường ác. Ai có thể làm cho người nghiện ma tuý thoát
khỏi cảnh nghiện đó? Những người thân rất muốn, nhưng không làm được. Phải
chính đương sự muốn, mới có thể làm được (cũng có những người muốn, nhưng họ
không thể vượt được khi cơn nghiện đến).
Đức Yêsu là dấu chỉ Thiên Chúa yêu thương và tha tội cho con
người; Ngài cũng là đường giúp con người thoát khỏi ách nô lệ của tội. Qua
chính con người và cách sống của Ngài, Ngài dạy cho con người biết đâu là giá
trị đích thực: giá trị của cuộc sống nghèo, giá trị của một cuộc đời bình dị.
Cuộc sống và cái chết và sống lại của Đức Yêsu, có sức giải phóng con người
khỏi tội và ách nô lệ của tội.
Đức Yêsu luôn sống theo Thần Khí, Ngài sẵn sàng để Thần Khí hướng
dẫn Ngài trong mọi sự. Ngài ban Thần Khí cho con người, và chính Ngài luôn hiện
diện với con người cho đến ngày Ngài lại đến trong vinh quang. Để có sự tự do
từng ngày, con người cũng phải sống theo sự hướng dẫn của Thần Khí như Đức
Yêsu.
Câu hỏi gợi ý chia sẻ:
1. "Hãy để kẻ chết chôn kẻ chết". Tại sao Đức Yêsu lại
đòi hỏi những người theo Ngài như vậy?
2. Bạn có hài lòng với cuộc đời của bạn không? Nếu cho bạn chọn
cuộc đời của Đức Yêsu và cuộc đời của bạn như hiện tại, bạn chọn cuộc đời của
ai? Tại sao?
3. Bạn hiểu và kinh nghiệm gì về tự do thể lý và tự do nội tâm?
Tại sao người sống "yêu thương" là người tự do đích thực?
20. Theo Chúa
Chúa Giêsu biết rằng thời gian mình bị cất khỏi thế gian này đã
gần đến, đó chính là thời gian Ngài chịu đau khổ để thực hiện công cuộc cứu
độ...
Chính vì thế mà Ngài đã đi lên Giêrusalem, để thực hiện cuộc
hành trình này, Ngài đã sai các môn đệ, là những sứ giả của Ngài đi trước, để
chuẩn bị nơi ăn chốn ở tại những nơi mà Ngài sẽ đi ngang qua. Cuộc hành trình
sẽ phải đi ngang qua xứ Samaria. Người Do Thái thì khinh bỉ dân Samaria vì coi
họ chỉ là những kẻ lai căng, bỏ mất truyền thống của cha ông, chạy theo những
thứ tôn giáo nhảm nhí khi tiếp xúc với dân ngoại.
Còn những người Samaria lại nhìn dân Do Thái với một cặp mắt thù
hận, nhất là những người hành hương về Giêrusalem. Bởi vì đối với họ phải thờ
kính Thiên Chúa tại Sichem, chứ không phải tại Giêrusalem.
Chính vì mối thù nghịch sâu xa và lâu đời này mà họ đã tỏ ra thờ
ơ lãnh đạm cũng như đã không tiếp đón các môn đệ và cả chính Chúa Giêsu. Thái
độ này đã làm cho Gioan và Giacôbê tức tối, đến nỗi muốn sai cả lửa trời xuống
thiêu rụi họ. Phải chăng sự hiền lành của Phúc âm đã không đem lại kết quả mong
muốn? Thế nhưng Chúa Giêsu đã trách cứ các ông thiếu tinh thần bác ái.
Bài học Chúa muốn nhắn gửi các ông cũng như nhắn gửi mỗi người
chúng ta, đó là đừng vội nóng giận, nhưng hãy cư xử một cách nhân từ, kiên nhẫn
và yêu thương, bởi vì giận quá mất khôn, hãy lấy tình thương mà xóa bỏ hận thù,
nếu như chúng ta muốn cảm hóa và dẫn đưa họ về cùng Chúa, bởi vì mật ngọt thì
chết ruồi, chúng ta có thể giết được nhiều ruồi bằng một giọt mật hơn là bằng
cả một thùng dấm chua.
Tiếp tục cuộc hành trình lên Giêrusalem, chúng ta thấy Chúa
Giêsu đã đối thoại với ba người.
Với người thứ nhất, Chúa Giêsu cho biết theo Ngài thì phải long
đong vất vả, bởi vì Ngài không có nhà cửa, không có cơ sở và không có một chốn
để gối đầu, để ngả lưng. Như thế Chúa muốn nói, để trở thành môn đệ của Ngài,
thì phải từ bỏ bản thân, từ bỏ tiền bạc vật chất, nghĩa là phải từ bỏ mọi sự.
Với người thứ hai muốn theo Chúa nhưng lại muốn về từ giã những
người thân yêu, nhưng Chúa Giêsu đã trả lời: Phải dứt khoát lập trường, phải ra
đi ngay lập tức, không chần chừ, không lưỡng lự. Bởi vì ai đã tra tay vào cày
mà còn quay lại đằng sau thì không xứng đáng với nước trời.
Sau cùng đối với người thứ ba, Chúa Giêsu lên tiếng gọi: Hãy
theo Ta. Thế nhưng trước lời yêu cầu rất tự nhiên và rất chính đáng của anh đó
là lo chôn cất cho người cha mới qua đời, Chúa Giêsu đã trả lời: Hãy để kẻ chết
chôn kẻ chết, còn ngươi hãy đi rao giảng nước Thiên Chúa.
Như thế, qua những câu trả lời của Chúa Giêsu chúng ta thấy như
có vẻ cứng cỏi, nghiêm khắc và đi ngược lại với những thói quen của chúng ta.
Thế nhưng đó lại là sự thật, đó lại là sự đòi hỏi của Chúa.
Đứng trước lời mời gọi của Ngài, chúng ta phải mau mắn đáp trả
không chần chừ, không so đo tính toán. Phục vụ Chúa, đó phải là nỗi ưu tư số
một, còn ngoài ra, tất cả chỉ là phụ thuộc, chỉ là thứ yếu mà thôi.
21. Chú giải mục vụ của Hugues Cousin
MỘT LÀNG MIỀN SAMARI KHÔNG ĐÓN TIẾP
Từ ngữ 9,51 rất phong phú về mặt thần học. Trước hết Luca nói:
"Khi đã tới ngày Ngài được rước lên trời". Từ Nước Trời đã nhắc lại
bảy lần, ở Luca 1-2, việc thực hiện lời hứa của Chúa (x.1,57), nơi đó tôi giải
thích từ này; đây không chỉ một chú thích thuần tuý có tính thời gian! Còn chữ
được rước lên (trời) sẽ được Luca dùng ba lần để chỉ cuộc thăng thiên về với
Cha (Cv 1,2; 11-12). Tiếp theo, tác giả nói là Chúa Giêsu cương quyết lên đường
đi Giê-ru-sa-lem. Diễn ngự hiếm hoi này muốn nói lên quyết định của Chúa Giêsu
sẽ chạm trán với với cuộc thụ nạn đang chờ đợi Ngài, bởi vì có lẽ nó phản dội
lại thái độ của người Tôi tớ ở Is 50,7, nhờ một lối chơi chữ cương quyết / trơ
ra. Nếu người Tôi tớ của Chúa không giấu mặt khỏi lăng nhục và khạc nhổ, chính
là vì người đã trơ mặt ra như đá. Để được rước lên bên cạnh Chúa Cha, trước hết
người Tôi tớ phải trải qua đau khổ và cái chết.
Một nhập đề như thế cho đoạn văn nói lên tầm quan trọng mà Luca
muốn đặt vào dịp lên Giêrusalem duy nhất này của Chúa Giêsu trong suốt thời
gian thi hành sứ vụ. Chắc hẳn một cuộc hành trình lên Giêrusalem này đã có
trong bản văn của Marcô –còn truyền thống của Tin Mừng thứ tư thì nói đến nhiều
lần lên Giêrusalem. Nhưng biến cố chỉ hiếm có một chương ở Marcô (và hai ở
Matthêu) thì ở đây lại tới mười chương! Để tìm chất liệu cho một đoạn dài như
thế, Luca đặc biệt khai thác nơi Nguồn các lời cũng như nơi tư liệu riêng của
ông, trước khi sử dụng trình thuật của Marcô về cuộc hành trình từ 18,15 đến
19,44. Thực ra, những giai đoạn của cuộc hành trình, theo địa lý, không làm cho
Luca quan tâm; những ghi chú hiếm hoi mới có lại không rõ ràng, thậm chí còn
thường nữa (17,11). Điều quan trọng, đó là Chúa Giêsu đang lên đường, không nơi
cố định (9,57) và Ngài tiến về định mệnh của Ngài, ở Giêrusalem, kinh thành nơi
mà, trong tư cách ngôn sứ, Ngài phải chết (13,33), nơi mà Ngài sắp hoàn thành
cuộc xuất hành của Ngài (9,31), việc Ngài được nâng lên (9,51). Việc nhắc đến
thành Giêrusalem sẽ làm cho toàn bộ đoạn văn này được nhịp nhàng và, để sắp xếp
đoạn này cách thuận lợi, chúng ta sẽ dựa vào những"điệp khúc" chính
nhắc lại rằng Chúa Giêsu lên đường tiến về Giêrusalem (13,22; 17,11) và dựa vào
lời loan báo rõ ràng về cuộc thụ nạn ở Giêrusalem (18,31). Chúng ta sẽ xác minh
đúng lúc nếu phải ấn định phần kết của đoạn văn khi Chúa Giêsu vào Đền Thờ
(19,44).
Samari ngăn cách Galilê với Giuđê và thủ đô Giêrusalem khi yêu
cầu các môn đệ chuẩn bị cho Ngài đến một làng của người Samari (9,52-55), Chúa
Giêsu muốn cắt đứt mối thù địch của người Do Thái đối với dân tộc không còn
thuần chủng này nữa, họ lấy Ngũ thư làm Kinh Thánh, nhưng địa điểm thờ phượng
của họ là ở Garizim là một thách đố thường trực đối với Đền Thờ Giêrusalem.
Nhất là Ngài tiên báo sứ vụ của Giáo Hội mà tính cách phổ quát đại đồng sẽ bắt
đầu chính tại Samari (Cv 8,5tt). Trình thuật Chúa Giêsu bị những người đồng
hương ở Nagiaret khước từ đã khai mở giai đoạn bằng đề tài khước từ. Đó là tính
cách phổ quát đại đồng được loan báo trong bài giảng mà các người ở Nagiaret từ
chối; ở đây những người ở Samari từ chối Chúa Giêsu thì ít, mà Giêrusalem, đích
điểm của cuộc hành trình của Ngài thì nhiều. Khi Chúa Kitô sẽ được rao giảng ở
đó, đám đông một lòng chú ý đến những lời của Ngài rao giảng (Cv 8,5-6).
Chính hai trong số các môn đệ thân tín nhất (x.9,28) trong
trường hợp ấy cảm thấy mình phải đóng vai trò của sứ ngôn Êlia! Để cho người ta
nhìn nhận sứ vụ của mình là người của Thiên Chúa, Êlia đã làm cho từ trời xuống
tiêu diệt cả trăm người kéo đến để bắt ông (2V 1,10-12). Nhưng Chúa Giêsu đâu
có đến để làm người cải cách mạnh mẽ các phong tục tập quán như vị Tẩy Giả mong
chờ (3,16-18). Và nếu Ngài quở mắng các môn đệ – một động từ thường được dùng
khi Chúa Giêsu nói với ma quỷ (4,35)- chính là vì các ông không hiểu tí gì về
sứ vụ của Ngài (loan báo việc Ngài bị khước từ: 9,22) cũng chẳng hiểu giáo huấn
của Ngài (lòng yêu kẻ thù: 6,29). Và cũng như sau khi bị những người Nagiaret
khước từ, Chúa Giêsu lại tiếp tục lên đường.
NHỮNG YÊU SÁCH CỦA CHÚA GIÊSU ĐỐI VỚI KẺ ĐI THEO NGÀI
Đề tài của đoạn văn này là nỗi khó khăn khi theo Chúa Giêsu và
gồm ba hoạt cảnh nhỏ. Cảnh chót giống với cảnh đầu tiên: những người vô danh tự
nguyện xin làm môn đệ, trong khi chính Chúa Giêsu lên tiếng mời gọi trong cảnh
giữa; nhưng cũng như trong cảnh giữa này, người ở cảnh thứ ba cũng đặt điều
kiện.
Ở những câu 57-58 –như ở câu 61- chúng ta tham dự một cảnh cổ
điển trong Do Thái giáo: người học trò chọn Thầy mà mình muốn theo học, bỏ gia
đình hoặc nhiều năm để đến trú ngụ trong nhà Thầy (x. Ga 1,37-39). Câu trả lời
cho thấy Chúa Giêsu không giống như những Kinh sư khác: cuộc sống của Ngài lưu
động bởi Ngài là một kẻ bị khước từ. Bị truy nã, Ngài không có chỗ dựa đầu để
nghỉ ngơi cho yên ổn mà phải trốn lánh. Để ám chỉ mình, Chúa Giêsu nói về Con
Người, một diễn ngữ để vừa chỉ sự bất lực của kẻ bị ruồng bỏ và bị giết
(9,22-44; chính là trường hợp ở đây) vừa chỉ quyền lợi mà Ngài sẽ thừa hưởng
khi Ngài được nâng lên trên trời (9,26; 12,8). Như vậy, những ai muốn đi theo
Ngài, muốn làm môn đệ, sẽ san sẻ cuộc đời của một kẻ vô gia cư, không biết ngày
nào sẽ có được mái nhà để qua đêm.
Trong những câu 59-60 Chúa Giêsu chủ động khởi xướng (x. các
trình thuật ơn gọi 5,27). Yêu cầu của người ẩn danh chứng tỏ rằng đối với ông
ra có một ưu tiên (trước hết): việc thi hành bổn phận hiếu thảo là chôn cất cha
ưu tiên hơn việc đi theo Chúa Giêsu và chỉ cần vài tiếng đồng hồ... Chúa Giêsu
đáp lại bằng một châm ngôn gây sửng sốt gắn liền với hoàn cảnh đó:"Cứ để
kẻ chết –những kẻ khước từ Chúa Giêsu và Tin Mừng Nước Thiên Chúa- chôn kẻ chết
của họ!". Điều này dẫn đến chuyện"làm bật rễ" giới răng của Chúa
về sự hiếu thảo (Xh 20,12), chính là sự cấp bách phải loan báo Triều Đại Thiên
Chúa; việc phục vụ Tin Mừng này là trước hết và vượt qua cả những liên hệ gia
đình, tuy vẫn được Chúa chúc phúc (x. 14,26).
Cảnh chót (cc. 61-62) nhắc đến việc Êlisê trở thành đệ tử của
ngôn sứ Êlia (1V 19,19-21), trong khi ông cày với một đôi bò, ông đã xin phép
về ôm hôn cha mẹ ông trước khi theo Êlia. Sau khi giết bò và sau bữa tiệc từ
giã người thân ông bắt đầu theo Êlia. Nhưng Chúa Giêsu lại đòi hỏi hơn vị đại
ngôn sứ xưa kia; ở đây lời dạy của Ngài cũng gắn liền với mạch văn (ở đây, câu
chuyện 1V) và đưa ra lý do của việc đòi hỏi quyết liệt ấy: khi đã bắt đầu cày
bừa cánh đồng của Thiên Chúa, trong đó Chúa làm cho khai mở triều đại của Ngài;
người ta không có thể ngoái lại đàng sau. Chính gia đình cũng thuộc những thứ
người ta bỏ lại đàng sau (x. 18,29). Phải coi chừng:"Quyết định theo Chúa
Giêsu không chỉ là kết quả nhất thời của phấn khởi nhiệt tình; điều đó đòi hỏi
một quyết định có tính cách kiên quyết" (J. Fitzmyer).
Vì không phải là trình thuật về ơn gọi nên bản văn không chú ý
chút nào đến cách thức mà những kẻ ẩn danh này đáp lại lời Chúa Kitô. Thực ra
đó là ba lời ở trung tâm của trình thuật, nhưng có lẽ ta sẽ sai lầm khi coi
những lời ấy như những chỉ thị có tính quy luật. Các môn đệ đã chôn cất xác của
Đấng bị đóng đinh (23,55-56) và Giáo Hội thời xưa đã luôn luôn hết sức tôn
trọng việc an táng kẻ chết ("khi con gặp người chết, con hãy lo chôn cất
họ và ghi dấu thánh giá trên họ, và Ta sẽ ban cho con chỗ nhất trong ngày Phục
Sinh của Ta" Chúa Kitô tuyên bố như thế trong quyển thứ tư sách Esdras
2,23). Và nếu Phêrô và các bạn của ông đã lìa bỏ gia đình trong thời gian Chúa
Giêsu thi hành sứ vụ, thì sau này các ông sẽ cho các bà vợ đồng hành trên con
đường truyền giáo (1Cr 9,5). Ở đây Tin Mừng Luca đòi hỏi chúng ta phải không
ngừng khám phá ra một cách thức để đặt việc loan báo Tin Mừng bằng lời nói và
việc làm vào trung tâm cuộc sống hằng ngày của ta.
22. Chú giải của Noel Quesson
Bài Tin Mùng cua Luca Chúa nhật này bắt đầu một giai đoạn mới
trong đời sống của Đức Giêsu. Cho đến nay. Đức Giêsu chỉ thực thi tác vụ cua
Người ở Galilê. Trong suốt mười chương bắt đầu từ đây. Chúng ta sẽ thấy Đức
Giêsu "lên Giêrusalem". Đây là một lộ trình về địa dư (Lc 9, 51; 13,
22, 22; 17, 11).
Khi đã tới ngày Đức Giêsu được rước lên trời...
Cách trình bày thật trang trọng. Bản văn sát nghĩa tiếng HyLạp
cảm động hơn nhiều: "Vì những ngày Người được rước lên hoàn tất..."
Cái chết đang đến gần ấy không phải là một việc ngẫu nhiên, đó
là một sự hoàn tất, một thành tựu, việc thực hiện sau cùng, việc làm tỉ mỉ sau
cùng của một đời sống rất trọn vẹn.
Nhưng đó cũng là một sự "rước lên". Ở đây, Luca dùng
cùng một từ để nói về sự Thăng Thiên: Đức Giêsu sẽ được rước lên trời (Cv 1,
2-11-22)... như ngôn sứ Êlia cũng đã được rước lên (2 V 2, 8-11) Điều "sắp
tới"... đối với Đức Giêsu, cũng như đối với mỗi người chúng ta cùng với
Người. Đó là một biến cố vừa đau thương, vừa hạnh phúc: Phục sinh, với hai mặt
của nó, cái chết và đi vào sự sống của Chúa Cha.
Người nhất quyết đi lên Giêrusalem.
Bản văn Hy-lạp của Luca chứa đựng một hình ảnh: "Người làm
khuôn mặt chai cứng lại để đi hướng về Giêrusalem"... như ngày hôm nay,
chúng ta thường nói: Người siết chặt hàm răng để cương quyết dấn thân về nơi mà
Người biết rằng Người sắp chết. Các Tin Mừng hiếm khi nhấn mạnh những trạng
thái tâm hồn của Đức Giêsu. Điều đáng lưu ý là ngày hôm đó Người phải vượt qua
nỗi sợ hãi và lấy hết sự can đảm của một con người.
Mỗi người chúng ta phải dành thời gian cùng với Đức Giêsu gợi
lại khó khăn hiện tại của mình, đối với một thanh niên có thể là thi rớt, một
nỗi đau khổ vì tình cảm cô đơn, một sự xung đột trong đời sống lứa đôi, một sự
bất ổn nghề nghiệp, một bế tắc xem ra không vượt qua nổi, một căn bệnh không
chữa khỏi, một cái tang vừa phải chịu v.v...
Thay vì buông xuôi, tại sao chúng ta không cùng với Đức Giêsu
làm cho khuôn mặt mình chai lại để giữ vững bằng bất cứ giá nào... theo gương
người "tôi tớ của Thiên Chúa" đã nói: "Có Đức Chúa là Chúa
thương phù trợ tôi, vì thế, tôi đã không hổ thẹn, vì thế, tôi trơ mặt chai ra
như đá. Tôi biết mình sẽ không thẹn thùng" (Is 50,7)
Giê-ru-sa-lem hỡi! Nơi duy nhất trên cả hành tinh này: cái hố ấy
nơi trồng cây thánh giá... cái ngôi mộ trong huyệt đá ấy nơi cái chết đã thất
bại, nơi mà Thiên Chúa kêu khát và làm cho một suối nguồn sinh ra từ cạnh sườn
Người. Mọi đời sống Kitô hữu là một con đường lên Giê-ru-sa-lem!
Người sai mấy sứ giả đi trước. Họ lên đường và vào một làng
người Samari để chuẩn bị cho Người đến. Nhưng dân làng không đón tiếp Người vì
Người đang đi về hướng Giê-ru-sa-lem.
Chúng ta luôn luôn có khuynh hướng giảm nhẹ Tin Mừng, như thể
thời đại của chúng ta là thời đại đầu tiên chứng kiến những xung đột về chủng
tộc, chính trị, tôn giáo xã hội.
Những người Samari bị những người Do Thái giáo trung kiên coi
như những kẻ ly giáo, từ khi họ đã xây dựng một ngôi đền thờ trên đỉnh núi
Ga-ri-dim để cạnh tranh với đền thờ Giê-ru-sa-lem. Phải tránh tiếp xúc với
những kẻ "lầm lạc" ấy (Ga 4, 9.20).
Bị những người Do Thái khinh bỉ, họ trả đũa lại và gây ra mọi
thất phiền nhiễu cho các đoàn hành hương mượn con đường ngắn nhất để đi từ
Galilê về Giê-ru-sa-lem qua các mỏm núi miền Samari. Đức Giêsu không quay lưng
lại mảnh đất bị sự phân biệt chủng tộc và sự khinh bỉ lẫn nhau tàn phá. Và hơn
thế nữa, Người từ chối bước vào sự hẹp hòi bế tắc ấy của dư luận quần chúng.
Trước hết Luca mô tả với chúng ta một Đức Giêsu hoàn toàn độc lập và làm nổi rõ
đức bác ái trọn hành động của người Samari tốt lành (Lc 10, 30). Lòng biết ơn
của người bệnh bằng được chữa lành (Lc 17,16) Đức Giêsu yêu thương tất cả mọi
người kể cả những người bị cám dỗ nguyền rủa Người.
Thấy thế, hai môn đệ Người là ông Giacôbê và ông Gioan nói rằng:
"Thưa Thầy, Thầy có muốn chúng con khiến lửa từ trời xuống thiêu hủy chúng
nó không?
Đó là hành phạt mà Êlia đã bắt các đối thủ của ông phải chịu (2
V 1,10). Hai người "con trai của thiên lôi" (Mc 3,17), Giacôbê và
Gioan muốn xứng đáng với biệt danh của mình! Nhưng họ chưa hiểu gì về sứ điệp
và công việc của Đức Giêsu. Và điều nghiêm trọng hơn là họ đã tạo ra cho mình
một ý tưởng về Thiên Chúa hoàn toàn sai lầm: họ tưởng rằng mình là những người
giải thích Thiên Chúa và họ chắc rằng mình sở' hữu chỉnh lý! Thiên Chúa toàn
năng có thể nào tha thứ việc Đấng Mêsia của Người bị con người khước từ' và đối
xử tùy tiện? NGÀY NAY cũng thế, chúng ta cũng muốn thực hiện các dự án của
"con trai Thiên Lôi": Thiên Chúa phải can thiệp để tiêu diệt những kẻ
thù của Người!
Tuy nhiên, chúng ta biết rằng Đức Giêsu không đến để kết án
những người tội lỗi nhưng để cứu họ (Lc 19,10) Thiên Chúa không trùng phạt,
Người tha thứ (Lc 23,34).
Nhưng Đức Giêsu quay lại quở mắng các ông. Rồi Thầy trò đi sang
làng khác.
Ở đây Đức Giêsu cho chúng ta một hình ảnh đích thực về Thiên
Chúa, Người vốn là Đấng Toàn Năng nhưng không can thiệp như một ông vua chuyên
chế để bắt các bề tôi và kẻ thù quỳ móp nhưng chúng ta có thể nói rằng một cách
khiêm nhường và nghèo khó, Người chờ đợi sự hoán cải, như một người cha, như
một người mẹ, đồng ý cho gia hạn và chờ đợi hành trình chậm rãi của chân lý
trong lòng con người. Và Thầy trò đi sang làng khác như những người nghèo hèn
ra đi khi người ta không chịu tiếp họ: Tôi nhìn ngắm Đức Giêsu ra đi sang làng
khác... Và tôi tự hỏi về sự thiếu nhẫn nại của tôi... trước những tội lỗi của
tôi, trước những tội lỗi hoặc sự khước từ của những người khác, trước sự chậm
chạp hoặc nặng nề của Giáo Hội... Lạy Chúa xin ban cho con sự nhẫn nại Thánh thiêng
của Người.
Thầy trò đang đi trên đường thi có kẻ thưa Người rằng:
"Thưa Thầy, Thầy đi đâu, tôi cũng xin đi theo". Người trả lởi:
"Con chồn có hang, chim trời có tổ, nhưng Con Người không có chỗ tựa
đầu".
Đúng vào lúc người ta từ chối tiếp đến" Đức Giêsu đang trên
đường Giêrusalem, thì có một người xin theo Người một cách quảng đại và có điều
kiện. Hẳn người ta có thể mong Đức Giêsu chấp nhận ngay lập tức. Vả lại thay vì
chiều theo nhiệt tình của ơn gọi này, Đức Giêsu đã đặt ra phía trước mọi khó khăn
thái độ này hoàn toàn trái ngược với mọi cách quảng cáo của chúng ta khoe
khoang các sản phẩm của mình đến độ che giấu đi các khuyết điểm. Đức Giêsu
không tìm cách tuyển mộ với bất cứ giá nào. Trái lại, Người nhấn mạnh phải chấp
nhận sự thiếu thốn, sự nghèo khó, sự bất trắc... để theo Người.
Điều đó làm nổi rõ điều mà Đức Giêsu đã ý thức khi lên
Giê-ru-sa-lem. Người tiến về một số phận bi thảm. Ai muốn theo Người cũng phải
sẵn sàng chịu ruồng bỏ. Theo sở thích tâm linh của chúng ta, chúng ta có thể
suy niệm về cuộc sống lang thang và bấp bênh của Đức Giêsu, "kẻ lang thang
không nơi trú ẩn" ấy! Đọi với một con người, không có một mái nhà để trú
ẩn và một cái giường để ngã lưng thì quả là khắc nghiệt. Vào những buổi chiều
mệt mỏi, điều đó phải trĩu nặng trong lòng. Đức Giêsu. Người lưu ý chúng ta
rằng ngay cả thú rừng còn có một nơi trú ẩn an toàn. Lạy Chúa, xin cho chúng
con lòng can đảm trong những lúc mệt nhọc thể xác hoạt tinh thần.
"Thầy đi đâu tôi cũng xin đi theo!" kẻ nói câu đó có
lẽ không biết rằng con đường của Đức Giêsu sẽ dẫn người lên Gôn-gô-tha. Nhưng
chúng ta thì biết. Và chúng ta cũng biết rằng "Qua cuộc khổ nạn và Thập
giá, chúng ta đi đến vinh quang của sự Sống lại" ánh sáng nhất định sẽ
chiếu giải trên những thử thách' của chúng ta: Giê-ru-sa-lem!
Đức Giêsu nói với một người khác: "Anh hãy theo tôi!"
Người ấy thưa: "Thưa Thầy, xin cho phép tôi về chọn cất cha tôi trước đã
" Đức Giêsu bảo: "Cứ để kẻ chết chôn kẻ chết của họ. Còn anh, anh hãy
đi loan báo Triều Đại Thiên Chúa".
Đây là một trong những lời nghiêm khắc nhất trong toàn bộ Phúc
âm... một lời khiêu khích, nổi loạn. Sự mai táng những người thân của chúng ta
là một bổn phận thiêng liêng, đặc biệt lành thánh vì dựa vào một điều răn rõ
ràng của Thập giới: "ngươi phải yêu mến cha mẹ ngươi". Lời nói quá
đáng của Đức Giêsu đặt chúng ta trước một song luận:
- hoặc là Đức Giêsu là một người điên không nhận thức điều mình
đòi hỏi.
- hoặc là Đức Giêsu thuộc về một bình diện khác bình diện trần
ri thế, bên trên con người...
Sự thật là Đức Giêsu đi đến chỗ cho rằng ai không tìm kiếm Triều
Đại của Thiên Chúa là một "người chết". Bởi vì rõ ràng trong cùng một
câu, từ "kẻ chết" không có cùng một ý nghĩa: trong một trường hợp, nó
có nghĩa thông thường tức là "những người đã qua đời" nhưng trong
trường hợp kia, nó có nghĩa là tất cả những người đã không gặp gỡ Đức Giêsu và
Người dám nói rằng họ là "những người chết"? Đối với Đức Giêsu người
nào không lo lắng những sự việc của Thiên Chúa không sống theo nghĩa mạnh nhất
của từ ấy. Phải, đó là lời khó nghe nhưng là mạc khải về sự sống chân thật và
duy nhất sự sống của Thiên Chúa, của Triều Đại Thiên Chúa.
Một người khác nữa lại nói: "Thưa Thầy, tôi xin theo Thầy,
nhưng xin cho phép tôi từ biệt gia đình trước đã". Đức Giêsu bảo: "Ai
đã tra tay cầm cày mà còn ngoái lại đàng sau, thì không thích hợp với nước
Thiên Chúa".
Vậy, Đức Giêsu, Ngài là ai mà đòi hỏi chúng con sự từ bỏ ấy? Tuy
nhiên Ngài cũng đã đòi hỏi chúng con yêu mến cha mẹ mình và Ngài đã làm gương
bằng một tình cảm gắn bó tinh tế với mẹ Ngài là Đức Maria khi trao phó bà cho
người bạn tốt nhất của Ngài.
Nhưng sự phục vụ Triều Đại Thiên Chúa đòi hỏi tất cả và ngay lập
tức. Thiên Chúa bác bỏ những ưu tiên của chúng ta: "Để tôi về chôn cất cha
tôi trước đã... Để tôi từ biệt gia đình trước đã..." Đó là những yêu cầu
rất chính đáng. Thật vậy đó là những Người rất nghiêm túc, đứng đắn, hiểu lý.
Họ đã "lên kế hoạch" của họ trước tiên, những công việc: của cá nhân
tôi, kế đó là những công việc của Thiên Chúa. Tôi vừa kết thúc năm học của tôi.
Tôi dự trù lập kế hoạch cho kỳ nghỉ hè: khoảng giữa tháng chín tôi sẽ tìm lại
Thiên Chúa... sau đó! Mỗi chúa nhật, nghỉ ngơi trước đã, giải trí trước đã,
dành thì giờ cho gia đình và bạn bè trước đã: sau đó... nếu còn thời gian hãy
đi dự thánh lễ.
Trước ngưỡng của mùa hè đang bắt đầu, Đức Giêsu Kitô cảnh giác
tôi về thời gian biểu của tôi! Thang giá trị của con là gì'? Những điều cấp
thiết của con là thứ bậc nào. Con đi tắm biển trước đây phải không? Sức khỏe
của con trước đã phải không? Hoặc là trước tiên là điều chủ yếu? Thánh Phaolô
mời gọi chúng ta "hãy đứng vững, đừng mang lấy ách nô lệ một lần nữa"
(Gl 5,1).
Sưu tầm
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét