THÁNH LỄ 15 NĂM GM CỦA ĐỨC CHA PHÊRÔ |
Chúa nhật II - Năm A
(Ga 1, 29-34)
ĐTGM. Ngô Quang Kiệt
|
Trong
Thánh Lễ, ta đọc Chiên Thiên Chúa nhiều lần. Có lẽ ít người hiểu được ý nghĩa
của cụm từ “Chiên Thiên Chúa”. Nhưng khi Gioan Baotixita giới thiệu Chúa
Giêsu cho dân Do Thái: “Đây là Chiên Thiên Chúa” thì người Do Thái hiểu rõ ý
nghĩa của từ ngữ.
Trong
Kinh Thánh, chiên được dùng làm biểu tượng cho những người hiền lành, đạo
đức. Trong dụ ngôn về ngày phán xét, Chúa đã tách chiên ra khỏi dê. Chiên ở
bên phải, dê ở bên trái.
Thế
nhưng chiên còn có một ý nghĩa sâu xa hơn. Hằng năm, vào Lễ Vượt Qua của
người Do Thái, mỗi gia đình có tục lệ ăn thịt một con chiên. Phải lựa con
chiên non dưới một năm tuổi, tốt đẹp, không tì vết. Người Do Thái ăn thịt
Chiên Vượt Qua, không phải để mừng mùa đông đã qua và mùa xuân vừa mới khởi
đầu. Nhưng là để kỷ niệm ngày Chúa giải phóng họ khỏi ách nô lệ Ai Cập.
Lễ
Vượt Qua được cử hành vào đầu mùa xuân. Người Do Thái nhớ đến con chiên. Con
chiên đã chết cho họ được sống. Máu chiên đã đưa họ ra khỏi mùa đông tăm tối,
tiến vào mùa xuân tươi sáng. Máu chiên đã giúp giải thoát khỏi ách nô lệ Ai
Cập, đưa họ về miền Đất Hứa, sống trong tự do.
Chúa
Giêsu đã chịu tử hình vào dịp Lễ Vượt Qua của người Do Thái. Bữa tiệc ly
chính là tiệc Lễ Vượt Qua mà Chúa Giêsu ăn với các môn đệ. Chịu chết vào dịp
Lễ Vượt Qua, Chúa Giêsu chính là con chiên của Thiên Chúa bị sát tế để cứu
nhân loại.
Chúa
Giêsu là con chiên hiền lành, không hé môi khi bị đem đi xén lông. Người
khiêm nhường gánh lấy tội lỗi nhân loại.
Bản
tiếng Việt dịch là Chiên Thiên Chúa, Đấng xóa tội trần gian. Từ ngữ “xóa” là
một cách nói văn hoa nhẹ nhàng, nhưng không lột hết ý nghĩa của nguyên ngữ.
Tiếng Hy Lạp dùng từ ‘airein’, tiếng La tinh dùng từ ‘tollit’ có nghĩa là
nhận lấy vào mình, gánh lấy, vác lấy. Có lẽ nên dịch là Chiên Thiên Chúa,
Đấng ‘gánh’ lấy tội nhân loại thì đúng hơn. Xóa là đứng ngoài cuộc. Đức Giêsu
không đứng ngoài cuộc. Người đã nhập cuộc, gánh lấy thân phận con người, và
nhất là gánh lấy tội lỗi của con người. Chính vì gánh lấy tội lỗi mà Người,
Đấng hoàn toàn trong sạch, vô tội đã chịu hạ mình xếp hàng giữa những người
tội lỗi xin Gioan rửa tội. Chính vì gánh lấy tội lỗi nhân loại mà Người lui
tới với những người tội lỗi, chuyện trò với họ, ăn uống đồng bàn với họ.
Nhưng nhất là chính vì gánh lấy tội nhân loại mà Người phải chịu chết giữa
hai tội phạm, đồng số phận với họ, đồng bản án với họ, như những người trộm
cướp.
Người
gánh lấy tội của ta để ta được tha thứ. Người hạ mình xuống để ta được nâng
lên. Người trở nên nghèo hèn để ta được giàu có. Người làm con loài người để
ta được làm con Thiên Chúa. Người trở nên yếu hèn để ta được nên mạnh mẽ.
Người chịu nhục nhã để ta được vinh quang. Người nhận lấy thân phận nô lệ để
ta được tự do. Người cam lòng chịu chết để trả lại cho ta sự sống.
Người
tín hữu thường được gọi là “Con chiên của Chúa”. Danh hiệu đó ngầm chứa một
lời cầu chúc: Mong cho người tín hữu được xếp vào loại ‘chiên’ trong ngày
phán xét. Được đứng bên hữu Vua Thẩm Phán. Được vào hưởng vinh quang trong
nước Chúa.
Nhưng
danh hiệu đó phải chăng cũng gợi lên một ước mong. Ước mong người tín hữu
sống theo gương của Chiên Thiên Chúa. Ước mong những con chiên con nối gót
theo chiên mẹ đầu đàn đi vào con đường hiền lành khiêm nhường. Ước mong đoàn
chiên tự hiến đời mình như một của lễ dâng lên Thiên Chúa. Và ước mong đoàn
chiên gánh lấy số phận của người khác, để yêu thương, đoàn kết, liên đới,
chia sẻ với anh em tất cả mọi niềm vui nỗi buồn của họ.
Lạy
Chiên Thiên Chúa, Đấng gánh tội con,
Xin
thương xót con.
KIỂM ĐIỂM ĐỜI SỐNG
1)
“Chiên Thiên Chúa” gợi lên những ý tưởng nào nơi bạn?
2)
Là ‘con chiên của Chúa’ bạn phải sống thế nào cho xứng đáng danh hiệu ấy?
3)
Thánh Gioan đã giới thiệu Chúa Giêsu với tất cả ý nghĩa sâu xa của danh hiệu
“Chiên Thiên Chúa”. Hôm nay, nếu phải giới thiệu Chúa Giêsu cho người chung
quanh, bạn sẽ dùng danh hiệu nào?
CHÚA GIÊSU LÀ AI?
|
Phụng vụ Chúa nhật II thường niên A làm
cho chúng ta nhớ lại chủ đề của tuần trước, Lễ Chúa Giêsu chịu phép rửa. Nhưng
Isaia trình bày về người Tôi Tớ cách mới mẻ hơn (Bài đọc I) và Phúc Âm cũng
thế, nói về phép rửa của Chúa Giêsu nhưng trong bản văn của Gioan. Tại sao có
sự lặp lại này, khi chúng ta bước vào một mùa phụng vụ mới?
Có lúc chúng ta cần phải nghe một lần
nữa, để bổ sung hay làm sáng tỏ các mầu nhiệm. Tuần trước, lời Chúa mời gọi chúng
ta sống chức phận làm con. Đó là điều cần thiết. Tuần này, lời Chúa mời gọi
chúng ta đặt mình vào vị trí của Gioan Tẩy Giả để thấy được kế hoạch của Thiên
Chúa đối với nhân loại.
Tin Mừng hôm nay trình bày nhân vật
Gioan Tẩy Giả như sau : " Khi ấy, ông Gioan thấy Chúa Giêsu tiến về phía
mình" (Ga 1, 29). "Thấy Chúa Giêsu tiến về mình", đây là một
hành động tương lai, tiếng Hy bá còn diễn tả 'ngày mai'. Nhưng tương lai này có
sự liên tục với Giao Ước cũ, vì Gioan Tẩy Giả đã không nói về chính mình, lời
của ông được rút ra từ Cựu Ước đan vào nhau để làm sáng tỏ các mầu nhiềm. Bằng
từ 'ngày mai', chúng ta cử hành một ngày mới bắt đầu, Năm Phụng vụ mới bắt đầu.
Gioan Tẩy Giả thấy sự huy hoàng rực rỡ của Giao Ước mới tiến lên thì nói :
"Đây là Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xóa tội trần gian."
Đây là Chiên Thiên Chúa
Gioan Tẩy Giả khẳng định, Chúa Giêsu là
Chiên duy nhất chết thay cho đoàn chiên là nhân loại chúng ta. Không những thế,
Ngài còn phục hồi tất cả những người sống trên trần gian này và cứ chuộc mang
về cho Thiên Chúa Cha. Một người chết thay cho toàn dân, để tất cả vâng phục
Thiên Chúa ; chỉ một mình Người đã chịu chết để cứu chuộc muôn người... Thật
thế, con người đã trở nên hư hỏng, sống trong tội lỗi và đây là lý do tại sao
Chúa Cha đã cho Con của Ngài tới làm giá chuộc tội cho toàn dân ( Ga 3,16; Mc
10, 45), vì Người là đầu và tất cả mọi sự ở trong Người. Để tất cả chúng ta
sống trong Người, Người đã vui lòng chịu chết và hiến tế vì chúng ta, Người đã
chết thay cho chúng ta, và sống lại vì chúng ta. Ngài là Chiên thật xóa bỏ tội
trần gian.
Đấng xóa tội trần gian
Tội lỗi là nguồn gốc và là căn nguyên
của sự chết, làm thế nào thoát khỏi cái chết đời đời ? Chắc chắn phải hủy diệt
sự chết. Con Chiên đã chịu chết và sống lại, mầm mống sự chết bị tiêu tan, tội
lỗi được tẩy xóa, còn tội nào khiền chúng ta phải chết nữa không ? Khi cử hành
lễ hy sinh của Con Chiên trong niềm vui, thánh Phaolô nói rằng: "Hỡi sự
chết, chiến thắng của ngươi ở đâu ? Hỡi sự chết, nọc đâu của người ở đâu ?
"(1 Cor 15,55 ; Os 13,14... " Ðức Kitô đã chuộc chúng ta cho khỏi bị
nguyền rủa vì Lề Luật " (Gal 3, 13), để chúng ta có thể thoát khỏi lời
nguyền của tội lỗi.
Gioan là mẫu người đi tìm Chúa
Gioan Tẩy Giả là một tiên tri, biết
nhận ra Thiên Chúa giữa loài người. Nhưng làm thế nào ông biết Thiên Chúa ẩn
tàng trong nhân loại? Ông thừa nhận là : "Tôi đã không biết Ngài".
Tuyên bố của ông thật là lạ, vì Chúa Giêsu và Gioan là anh em họ hàng với nhau,
hai bà mẹ đã viếng thăm nhau, Chúa Giêsu và Gioan đã gặp nhau, ấy vậy mà ông
vấn lặp đi lặp lại cách khẳng định điệp từ : "Tôi đã không biết
Người."
Có hai yếu tố : Gioan biết phân biệt
ngày hoàn tất lời các ngôn và ngày Giêsu người anh em họ với mình tỏ mình là
Chiên Thiên Chúa. Ông quan sát dưới ánh sáng của Chúa Thánh Thần. Gioan không
phải là người lặp lại lời ngôn sứ Isaia. Ông đọc đi đọc lại Thánh Kinh và sách
các ngôn sứ, nhưng ông đã làm theo sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần :
"Đấng sai tôi làm phép rửa trong nước phán bảo tôi". Quả thật, Ngôi
Lời Thiên Chúa lần đầu tiên mặc khải trong xác phàm, vậy là câu Gioan nói
"Tôi đã không biết Người", cho thấy, trước khi biết Đấng hoàn tất lời
hứa, cần phải đón nhận lời các ngôn sứ và Thánh Kinh. Gioan đã thất bại khi
tuyên xưng : "Tôi đã không biết Người". Ông bối rối khi vẫn chưa
chính thức công nhận người thực hiện lời hứa,
ông xác định rõ ràng Chúa Giêsu là Ngôi
Lời làm người, lời hứa của Thiên Chúa để cứu chuộc nhân loại. Thì ra, khi con
người bất lực, ân sủng của Chúa Thánh Thần là ngọn đuốc chiếu sáng tâm linh.
Gioan quả là mẫu người lý tưởng trong sự nhận biết và đi tìm Chúa. Ông đã trở
thành "Tẩy Giả" thực hiện đầy đủ ơn gọi của mình, ông không nói như
là tiếng vọng của tiên tri Isaia, Gioan đã viết lời tiên tri một lần nữa và
tham gia trong việc thực hiện lời hứa. Có như vậy, ông mới thực sự biết Thiên
Chúa và sống đến cùng ơn gọi của mình và làm chứng cho mọi người biết rằng :
"Đây là Chiên Thiên Chúa, Đấng xóa tội trần gian".
Gioan là người lồng tiếng truyền đi sứ
điệp mà ông đã được ủy thác. Sứ điệp Gioan truyền thật là một công thức đẹp và
độc đáo, được lặp đi lặp lại ở tất cả các Bí tích Thánh Thể, được thể hiện dưới
ánh mắt thân mật và yêu thương nhất của Thiên Chúa. "Đây là Chiên Thiên
Chúa". Đây sự tuyển chọn Abraham và giao ước với nhà Đavid, đây là người
Tôi Tớ đau khổ và là Chiên Vượt Qua. Đây là Đấng Cứu Thế muôn dân mong đợi. Đây
là Con Thiên Chúa.
Gioan kết luận : "Tôi đã thấy và
tôi làm chứng: chính Người là Con Thiên Chúa". Đó là lời chứng và cũng là
lời giải thích của Gioan về sự nhận biết và tôn thờ cũng như đón nhận Lời Chúa
để thông phần vinh quan với Người ; hành động đức tin biến chúng ta thành người
tôi tớ hợp nhất với người môn đệ dưới chân Thánh Giá : "Đây là Chiên Thiên
Chúa, Đấng xóa tội trần gian." Ngôi Lời bị ăn, vị linh mục dương cao Mình
Thánh Chúa lên cho chúng ta thờ lạy, chúng ta sẵn sàng công bố : "Đây là
mầu nhiệm đức tin."...
Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét