CHÚA NHẬT 20 THƯỜNG NIÊN - C
Lời Chúa: Gr 38,4-6.8-10; Dt 12,1-4; Lc
12,49-53
MỤC LỤC
1. Gây chia rẽ
2. Lửa
3. Ánh sáng và bóng tối – ĐTGM. Ngô
Quang Kiệt
4. Suy niệm của André Sève
5. "Ta muốn lửa ấy cháy lên"
– Veritas
6. Lửa trên mặt đất
7. Phải chi lửa ấy đã bùng lên
8. 'Ai ở gần Ta, là ở gần lửa' –
Achille Degeest
9. Phong trào Thánh Thần trong thời đại
của chúng ta
10. Người giữ ngọn lửa
11. Lửa trên mặt đất – McCarthy
12. Ngọn lửa tình yêu – Thiên Phúc
13. Lửa
14. Lửa tình yêu – Lm. Phạm Thanh Liêm
15. Suy niệm của JKN
16. Phân rẽ
17. Tình yêu
18. Dấu chỉ
19. Ném lửa
20. Sứ mạng của Đức Giêsu – Lm FX Vũ
Phan Long
21. Lửa và Bình An – Lm. Jos Nguyễn Cao
Luật
1. Gây chia rẽ
Đức Kitô đến để ban bình an hay để chia
rẽ? Cứ nhìn vào cục diện của Giáo Hội, vào bộ mặt của thế giới ngày nay, thì
khách quan mà nói: Đức Kitô đúng là đã gây chia rẽ. Ngài chia rẽ những kẻ tin
và không tin. Rồi ngay giữa những kẻ tin thì cũng còn có chuyện Công giáo,
Chính Thống, Tin Lành và Anh giáo. Rồi giữa người công giáo với nhau, hiện nay
cũng có phe nọ phe kia, và phe nào thì cũng lấy Chúa ra để biện minh cho lập
trường của mình. Người ta đã chẳng chia rẽ nhau vì Chúa đó ư? Quả thật đúng như
lời ông già Simêon đã nói: Trẻ nhỏ này sẽ nên cớ cho nhiều người vấp ngã.
Thực ra vấn đề không phải là Đức Kitô
đã gây chia rẽ bằng cách xúi giục người ta ghen ghét hận thù nhau, hay là khích
bên này chống lại bên kia. Chúa đến thực sự để đem lại sự bình an, để xây dựng
một thế giới có công lý và tình thương, nền tảng của hoà bình. Nhưng hoà bình
đó, đúng như Ngài đã nói, không phải là loại hoà bình kiểu thế gian, nghĩa là
hoà bình của một sự thoả hiệp vì hèn nhát hay vì áp lực. Bình an của Ngài là
bình an nhờ giá máu thập giá, nghĩa là bình an được xây dựng trên công lý, một
công lý mà người ta phải đấu tranh, phải hy sinh, phải liều mạng mới có thể đạt
được.
Hoà bình phải là thành quả của công lý,
nhưng có được công lý, hay nói đúng hơn thực hiện được công lý, không phải là
chuyện dễ. Người ta có thể dễ dàng kết bầu kết bạn với nhau để ăn nhậu, để chơi
bời, nhưng tìm người hợp tác làm ăn thì không phải bao giờ cũng dễ. Ăn cho đều,
kêu cho sòng, là nguyên tắc không phải bao giờ cũng thực hiện được, bởi vì khi
làm thì ai cũng muốn phần ít, nhưng khi hưởng lợi thì lại muốn phần nhiều. Như
thế, ngồi nhà mát, mà được ăn bát vàng, phải chăng đã là cái thói thường của
người đời.
Thế nhưng Chúa Giêsu đã lên án thứ công
lý ăn gian ấy, Ngài đấu tranh cho người nghèo, đem công lý đến cho những kẻ tội
lỗi, bởi vì họ mới chính là những người đáng thương. Công lý của Chúa là bớt
chỗ dư, bù chỗ thiếu. Là hạ bệ những ai quyền thế và nâng cao những kẻ khiêm
nhu, là kẻ khó nghèo Chúa ban của đầy dư, người giàu có lại đuổi về tay trắng.
Chính vì lý do ấy mà Ngài đã gây chia rẽ bất đồng. Nói khác đi, những ai theo
đúng đường lối của Chúa, thì sẽ không thể nào đứng chung hàng ngũ với những
người chà đạp và bóc lột những kẻ nghèo túng và thấp cổ bé miệng.
Vì thế, những ai đứng về phe Chúa thì
cũng phải đứng về phía những người nghèo hèn khốn khổ. Chính Ngài đã đến với
họ, sống với họ, chết như họ và cho họ. Tuy nhiên liệu chúng ta có can đảm đứng
về phía Ngài và cùng bước đi với Ngài hay không.
2. Lửa
Ta đem lửa xuống trần gian và chỉ mong
cho lửa ấy bừng cháy lên.
Nhìn vào một ngọn lửa, chúng ta ghi
nhận được những gì? Có thể là chúng ta đã ghi nhận được nhiều thứ lắm, nhưng
tôi chỉ xin giữ lại nơi đây hai điểm đó là ánh sáng và sức nóng.
Ánh sáng được dùng để làm gì, nếu không
phải là soi chiếu mà phá tan tăm tối. Sức nóng được dùng để làm gì, nếu không
phải là để sưởi ấm những người lạnh giá và đốt cháy những gì nhơ nhớp.
Chúa Giêsu đem lửa xuống trần gian và
lửa ấy chính là bản thân Ngài và Phúc Âm của Ngài. Ngài đã rao giảng Tin Mừng
để soi chiếu cho những người còn ngồi trong bóng tối sự chết, để sưởi ấm cho
những tâm hồn giá băng cũng như để thiêu huỷ mọi tội lỗi của nhân loại.
Tuy nhiên Ngài cũng đã mời gọi mỗi
người chúng ta hãy tiếp tay với Ngài để cho sứ mạng của Ngài được chóng hoàn
tất. Chính vì thế mỗi người chúng ta cũng phải là một ngọn lửa truyền nóng và
chiếu sáng cho những người chung quanh bằng một đời sống đạo đức và thánh
thiện, bác ái và yêu thương.
Thực vậy, đời sống của chúng ta phải
nóng bằng cách có sự thánh thiện, có ơn Chúa ở trong mình, đồng thời đời sống
chúng ta cũng phải sáng bằng những gương mẫu gây ảnh hưởng tốt cho người chung
quanh. Chúng ta đừng bao giờ để cho ngọn lửa ấy phụt tắt trong tâm hồn và trong
cuộc đời. Đó là điều Chúa Giêsu luôn mong mỏi nơi mỗi người. Chúng ta có thể
gọi thánh Phaolô, thánh Phanxicô là những tâm hồn lửa. Tại sao thế? Vì các ngài
đã thực sự có Chúa trong tâm hồn và hăng say đem Chúa đến cho những người chung
quanh.
Để kết luận, tôi xin kể lại câu chuyện
của một tâm hồn đầy lửa, đó là Ozanam, vị sáng lập hội Bác ái Vinhsơn, mới 17
tuổi mà đã trở thành một tông đồ nhiệt thành bênh vực cho Chúa.
Vào năm 1843, thành phố Paris bị xáo
trộn bởi những cuộc cách mạng. Đạo Công giáo bị đe doạ, các cơ sở bị cướp phá.
Năm ấy Ozanam đang học luật. Dầu còn thanh niên, cậu đã dùng ngòi bút và việc
làm để phản công. Cậu siêng năng đọc Phúc Âm và rước lễ. Cậu được thụ huấn với
một giáo sư nổi tiếng đó là Ampère về mặt học thức cũng như về mặt đạo đức. Cậu
mạnh mẽ bênh vực Giáo Hội. Cùng với Ozanam, các sinh viên trước kia rụt rè lo
sợ bao nhiêu thì nay lại nhiệt thành và hăng say bấy nhiêu. Các giáo sư cũng
phải kiêng nể. Cậu tổ chức những buổi diễn thuyết, những cuộc nói chuyện làm
sống lại một bầu khí đạo đức. Về phía dân chúng, cậu đã cùng 6 anh em khác lập
hội Bác ái Vinh sơn để giúp đỡ những người nghèo túng. Năm 18 tuổi, cậu đã thề
hứa: Nhất quyết hy sinh đến hiến mạng sống mình vì dân nghèo. Ozanam đã trở nên
một ngọn lửa của Đức Kitô. Giáo Hội hôm nay cũng cần nhiều tâm hồn tông đồ hăng
say như Ozanam.
Hãy trở nên một ngọn lửa sưởi ấm bằng
đời sống thánh thiện và đạo đức. Hãy trở nên một ngọn lửa chiếu sáng bằng những
hành động bác ái và yêu thương.
3. Ánh sáng và bóng tối – ĐTGM. Ngô
Quang Kiệt
Một đạo sĩ Ấn Độ hỏi các đệ tử:
"Này các con, các con có biết khi nào đêm tàn và ngày xuất hiện
không?". Các môn đệ thi nhau trả lời. Có người hỏi: "Thưa Thày, có
phải đêm tàn và ngày xuất hiện là khi mà nhìn một đoàn vật từ xa người ta có
thể phân biệt được con nào là con bò, con nào là con trâu không?". Thày
lắc đầu: "Không phải". Một đệ tử khác lại hỏi: "Thưa Thày, có phải
đêm tàn và ngày xuất hiện, ánh sáng tới và bóng tối lui, là khi từ xa nhìn vào
vườn cây người ta có thể phân biệt cây nào là cây xoài, cây nào là cây mít
không?". Thày vẫn lắc đầu. Không đệ tử nào trả lời được câu hỏi. Lúc đó,
đạo sĩ mới từ từ nói: "Đêm tàn và ngày xuất hiện, ánh sáng tới và bóng tối
lui là khi nhìn vào mặt nhau, người ta nhận ra nhau là anh em".
Thật kỳ lạ. Chúng ta đã biết nhiều loại
ánh sáng như ánh sáng mặt trời, mặt trăng, ánh sáng đèn điện, đèn pin, ánh sáng
đèn dầu, đèn cầy. Cả những ánh sáng tinh vi như tia hồng ngoại, tia X. Tất cả
chỉ soi sáng cho thấy sự vật như nó là. Không có ánh sáng nào soi vào mặt một
người xa lạ có thể biến người đó thành anh em mình cả. Thứ ánh sáng ấy ở đâu?
Mẹ Têrêxa có thể trả lời câu hỏi này.
Một hôm, Mẹ ghé thăm một người đàn ông tội nghiệp. Ông sống trong một túp lều
tồi tàn, lụp xụp. Bên trong lều là cả một bãi rác mênh mông. Mùng mền, chăn
chiếu, quần áo hỗn độn, rách nát và hôi hám. Nhà cửa, đồ đạc phủ một lớp bụi
dầy. Thế mà ông lão tự giam mình trong đống rác ấy. Ông ghét bỏ mọi người nên
không lui tới với ai. Ông sống cô độc. Mẹ Têrêxa và các chị vào chào ông. Ông
làm thinh không đáp. Thấy căn lều hỗn độn, bụi bặm, các chị xin phép ông dọn
dẹp, ông không trả lời. Mặc kệ! Các chị cứ bắt tay vào dọn dẹp, xếp đặt, lau
chùi. Thấy trong góc lều có một cây đèn, mẹ Têrêxa lấy ra lau chùi. Chùi sạch
lớp bụi, mẹ kêu lên: "Ồ, cây đèn đẹp quá!". Ông lão bỗng lên tiếng:
"Đó là cây đèn tôi tặng vợ tôi nhân dịp đám cưới". – Ông không thắp
đèn lên sao?". – Không, từ khi vợ tôi qua đời, tôi không bao giờ thắp
đèn". – Thế ông có muốn chúng tôi tới thăm ông mỗi ngày và thắp đèn cho
ông không?". Thấy các nữ tu tử tế, ông đồng ý. Từ đó, mỗi chiều các chị
đều ghé thăm, truyện trò và thắp đèn cho ông. Dần dà, ông trở nên vui vẻ yêu
đời. Ông nói chuyện cởi mở với các nữ tu. Ông đi lại thăm viếng hàng xóm. Mọi
người đến với ông. Căn lều hiu quạnh trở lại ấm áp. Trước kia, căn lều tăm tối
không phải vì ông không thắp đèn, nhưng vì ngọn lửa trong trái tim ông lịm tắt.
Nay căn lều sáng lên niềm vui không phải vì ánh sáng ngọn đèn dầu, nhưng vì ánh
sáng trong trái tim ông bừng lên. Trước kia ông thù oán, xa lánh mọi người vì
ánh lửa trong trái tim tàn lụi. Nay nhờ các nữ tu nhen nhúm, ngọn lửa trong
trái tim ông bừng lên và ông cảm thấy tha thiết yêu mến mọi người và mọi người
cũng tha thiết yêu mến ông.
Thứ ánh sáng kỳ diệu ấy phát xuất từ
trái tim. Ánh sáng ấy ta thấy thấp thoáng khắp các trang sách Tin Mừng. Khi
người xứ Samaria nhân hậu cúi xuống băng bó vết thương cho người bị nạn, ánh
sáng bừng lên. Hai người xa lạ nhìn vào mặt nhau và nhận ra nhau là anh em.
Chúa Giêsu mang ánh sáng này xuống trần
gian. Và Người ước mong cho ngọn lửa yêu thương cháy bừng lên soi sáng cho thế
giới: "Thày đã đến ném lửa vào trái đất, và Thày những ước mong phải chi
lửa ấy đã bùng lên!". Lời ước mong thật tha thiết nhưng có pha lẫn ngậm
ngùi. Phải chi lửa ấy đã bùng lên có nghĩa là lửa ấy chưa bùng lên cao, chưa
lan ra xa.
Thật vậy, nhìn vào tình hình thế giới,
chiến tranh không lúc nào ngơi. Thế kỷ 20 đã biết đến hai cuộc thế chiến với
biết bao thiệt hại về người về của và nhất là về tình đoàn kết. Trong thập niên
80, chiến tranh lạnh giữa hai khối Đông-Tây chấm dứt, người ta tưởng rằng giấc
mơ hoà bình thế là đã thành sự thật. Nhưng không, chiến tranh vẫn tiếp diễn ở
Rwanda, Kosovo, ở Trung Đông... ánh sáng vẫn chưa soi tới những vùng chiến
tranh. Bóng tối hận thù vẫn còn vây phủ. Những người anh em vẫn còn chém giết
nhau.
Nhìn vào bản thân mình, ta thấy trong
ta cũng còn nhiều vùng mà ánh sáng Tin Mừng chưa soi dọi tới. Trong lòng ta vẫn
còn những ngõ ngách chứa đầy bóng tối ghen ghét, hận thù. Nên ta nhìn ra chung
quanh mà ít gặp được anh em mình.
Lời Chúa hôm nay tha thiết kêu gọi ta.
Hãy khơi cho ngọn lửa yêu thương bừng sáng lên. Hãy đẩy lùi bóng tối chiến
tranh, chia rẽ, hận thù. Hãy mở rộng tâm hồn đón nhận và ban phát yêu thương,
xoá đi những nhỏ nhen, ích kỷ. Để mọi người nhìn nhau là anh em thực sự. Bấy
giờ đêm mới tàn và ngày mới bắt đầu. Bóng tối nhường chỗ cho ánh sáng, ánh sáng
rực rỡ phát xuất từ những trái tim chan hoà yêu thương.
Lạy Chúa, xin hãy nhóm lên trong trái
tim con ngọn lửa yêu thương của Chúa. Amen.
KIỂM ĐIỂM ĐỜI SỐNG
1) Bạn đang sống trong ánh sáng hay
bóng tối?
2) Bạn có muốn góp phần đem ánh sáng
của Chúa đi gieo rắc khắp nơi không?
3) Bạn bắt đầu chiếu sáng bằng cách
nào?
4. Suy niệm của André Sève
(Trích dẫn từ 'Tin Mừng Chúa Nhật')
DỆT NÊN HÒA BÌNH BẰNG NHỮNG SỢI LEN
CHIẾN TRANH
Chúng ta yêu hòa bình biết bao, bằng
bất cứ giá nào! Cho đến độ vì thế mà trở thành những kẻ yếu hèn. Nhưng nếu
chúng ta mơ ước có tâm lòng thanh thản, cuộc sống hòa bình, môi trường sống an
lành (gia đình, cộng đoàn, công việc, làng xóm hay khu phố, cho đến đất nước và
thậm chí thế giới), bài suy niệm hôm nay sẽ nói với chúng ta rằng chúng ta
không tìm thấy những điều đó nơi Chúa Giêsu: "Ta không ban hòa bình cho
các con như thế gian cho" (Ga 14,27)
- Thầy đến mang lửa xuống, nhưng trước
hết Thầy phải chịu phép rửa bằng lửa. Các con đừng tưởng Thầy đến để thiết lập
sự bình an trên trái đất, mà là đem sự chia rẽ.
Nếu lời này đụng chạm đến chúng ta và
thậm chí làm chúng ta phẫn nộ, chúng ta phải tự kiểm tra: nỗi lo sợ chia rẽ của
chúng ta có lành mạnh, cao cả, hoặc chỉ là một ước muốn an thân khá tầm thường?
Mác đã nói: một dân tộc khốn khổ tạo ra, cùng với tôn giáo, một loại thuốc
phiện. Có bao giờ chúng ta rút ra từ Tin Mừng đôi chút thuốc an thần nào chưa?
Và đây là thuốc an thần hiệu quả nhất dưới mắt chúng ta: "Các ngươi hãy
thương yêu nhau", các ngươi hãy làm dịu tất cả các xung đột của các ngươi.
Dĩ nhiên, điều đó không xuôi chảy. Vì
lý do là việc muốn yêu thương như Chúa Giêsu (chúng ta thường quên xác định)
dẫn chúng ta đi đến chỗ làm chia rẽ, giống như Ngài. Và dẫn đến việc chính
chúng ta bị chia rẽ. Chúng ta thường kinh nghiệm điều này. Chính ngày mà chúng
ta chọn thực sự để yêu thì những xung đột gay gắt nhất nổi lên. Tại văn phòng
của chúng ta, để tỏ ra huynh đệ với đồng nghiệp, chúng ta phải tố cáo bất công
của cấp trên. Để yêu thương người Palestin chúng ta quay lưng lại gia đình của
chúng ta. Để giúp đỡ những người hàng xóm nghèo nàn, chúng ta xung đột với vợ
và mẹ vợ: "Ông bố làm thế là hy sinh các con của mình!". Để lãnh đạo
một cuộc đấu tranh nghiệp đoàn, một trong những người bạn của tôi đã thất bại
trong việc tiến thân và các cô con gái của ông ta đối xử với ông ta là... ông
già thảm hại. Trong khi chia sẻ số phận với những người bị áp bức tại một nước
nọ ở Châu Mỹ La tinh, một linh mục xung khắc với Giám mục bảo thủ của mình và
linh mục đó tự hỏi ai là người có lý. Trong một cộng đoàn người ta biết rằng
trở lại một vấn đề công bằng, nghèo nàn hoặc ý nghĩa của Tin Mừng là sẽ châm
ngòi lại những xung đột. Người ta im lặng nhưng trong những con tim bị xem là
nhát đảm, sự an bình đã bị phá vỡ.
Do lời này phải đi vào tận thâm tâm của
chúng ta. Chúa Giêsu sẽ luôn luôn là sự chia rẽ bởi vì tâm lòng của chúng ta
xấu xa. Khi chúng ta muốn yêu thương và đấu tranh cho tình yêu, chúng ta chỉ
làm điều đó do sự vụng về, sự hăng hái hoặc sự sợ hãi của chúng ta. Trước mặt
chúng ta những người Kitô hữu tốt nhất, trong đó có các thánh, cũng yêu thương
chúng ta theo khả năng của họ, cũng với con người tội lỗi của họ.
Những người như chúng ta, chúng ta
không ngừng có nguy cơ tạo ra những hòa bình pha tạp: hòa bình của người cai
trị làm im lặng cả thế giới và thiết lập sự yên tĩnh một cách gượng gạo; hòa
bình của những người bị ám ảnh do tình thương yêu huynh đệ tránh sự xung đột
nhỏ nhặt nhất bằng cách để các hoàn cảnh trở nên tệ hại; hòa bình của những
người đấu tranh đơn thuần vì công bằng là người xếp loại người ta và bình thản
tiến bước giữa những người tốt và những người xấu. Chúa Giêsu đâm lưỡi gươm
chia rẽ vào trong các hòa bình sai lạc này.
Hòa bình nào đây? Một nền hòa bình hay
đặt vấn đề, nóng bỏng và yêu thương xen vào giữa các xung đột và ở lại đó. Hòa
bình đó không tìm kiếm những cái hồ yên tĩnh, mà là muốn làm cho có thể sống
được trong các phong ba bão táp.
Đối với một người con của Tin Mừng,
không có sự an bình nếu không nói là ở nghĩa trang mới có một công việc kiến
tạo hòa bình kiên trì và thông minh có thể có ở khắp nơi; trong tâm lòng bị
xuyên qua của chúng ta, trong nhóm của chúng ta nơi đó nổ ra một cuộc đấu tranh
cần thiết, trong Giáo Hội nơi đó luôn luôn sẽ có những người duy trì trật tự và
những người suy nghĩ ra cái mới.
Chính ở giữa chúng ta là những người
bất toàn và tội lỗi phải làm lại những hòa bình tạm bợ của chúng ta, các hòa
bình này sẽ bị phá hủy khi thì do những kiêu ngạo của chúng ta, khi thì do lưỡi
gươm Tin Mừng. Sẽ phải can đảm bắt đầu lại mà không nghĩ đến những kết thúc
hoàn toàn của cuộc chiến đấu. Người ta chỉ có thể trở thành một người thợ xây
dựng hòa bình bằng cách dệt nên hòa bình bằng những sợi len chiến tranh.
5. "Ta muốn lửa ấy cháy lên"
– Veritas
(Trích dẫn từ 'Hãy Ra Khơi')
Bài Phúc âm Chúa nhật hôm nay là một
trong những đoạn khó nhất, vì Chúa Giêsu đã sử dụng những từ ngữ mà xem ra có
một ý nghĩa khác với ý nghĩa chúng ta thường hiểu. Lửa, Phép Rửa, sự chia rẽ và
Chúa xác nhận đây là sứ mạng không thể bỏ qua được của Ngài khi xuống trần
gian: "Thầy đến để mang lửa xuống thế gian và Thầy thật ao ước biết chừng
nào cho lửa ấy cháy lên. Thầy còn một Phép Rửa phải chịu, anh em tưởng rằng
Thầy đến để ban hòa bình, không phải thế đâu nhưng là đến đem sự chia rẽ".
Thật là những quả quyết khó hiểu nếu
không phải do chính chúa nói ra, và nếu chúng ta có quyền thay đổi Lời Chúa thì
có lẽ chúng ta đành bỏ đi những lời khó hiểu này rồi. Chúa Giêsu nói đến lửa
nào đây? Ngài nhắc đến phép rửa sắp phải chịu, Phép rửa nào đây? Con người khao
khát hòa bình, nhưng Chúa lại nói sứ mạng của Ngài mang đến sự chia rẽ, vậy sự
chia rẽ nào đây?
Trong vài phút chia sẻ này chúng ta
không thể thực hiện một công việc bác họ chú giải, nhưng chỉ cố gắng nhìn tổng
quát những Lời Chúa muốn nói với chúng ta. Lửa trong ngôn ngữ Kinh Thánh Cựu
ước chỉ sự hiện diện của Thiên Chúa. Môisen được Thiên Chúa Toàn Năng hiện ra
nơi bụi gai dưới hình thức lửa bốc cháy. Lửa này có sức mạnh biến đổi, thanh
luyện con người để hình ảnh của Thiên Chúa được chiếu sáng rõ ràng hơn nơi
chính mình.
Sức mạnh cứu rỗi của Chúa Giêsu trên
trần gian này không khác gì hơn là làm cho Thiên Chúa được hiện diện trong cuộc
sống con người, là biến đổi và thanh tẩy con người khỏi vết nhơ tội lỗi, để con
người được tỏa chiếu sáng hơn hình ảnh của Thiên Chúa: "Thầy đến để mang
lửa" hay đúng hơn "để gieo lửa". Hành động gieo lửa nổi lên một
sự tích cực nhiều hơn là từ ngữ "mang". Chúa Giêsu không chỉ mang
xuống mà Ngài còn ra sức tận dụng hết sức mình, tận dụng hết khả năng của Ngài
để gieo rắc lửa đó xuống trần gian giữa những gian nan thử thách, chống đối
không tin của con người. Sứ mạng này Chúa phải chu toàn, không thể nào tránh né
được.
Chúng ta còn nhớ vào khởi đầu sứ mạng
rao giảng Tin Mừng, ma quỉ đã đến cám dỗ Chúa hãy quì xuống tôn thờ ma quỉ để
rồi mọi vinh quang, mọi vương quốc trên trần gian này được trao cho Chúa. Nhưng
Chúa Giêsu đã mạnh mẽ không để cho ma quỉ làm Ngài lạc hướng, vì mục đích đời
Ngài chỉ làm cho con người tôn thờ một mình Thiên Chúa mà thôi. Sứ mạng của
Chúa lúc nào cũng phải là làm cho Thiên Chúa được nhìn nhận, được tôn thờ và
được tôn vinh nơi con người, dù phải trả giá thật đắt là phải hy sinh chính
mạng sống mình trên thập giá.
Cái chết của Chúa, cuộc thương khó của
Ngài, đó là Phép Rửa mà Chúa Giêsu muốn nói đến trong đoạn Tin Mừng hôm nay:
"Thầy còn một Phép Rửa phải chịu". Chúng ta nhớ trên đường lên
Giêrusalem để thực hiện cuộc vượt qua trong đau thương, hai môn đệ Giacôbê và
Gioan nhờ mẹ mình đến xin Chúa Giêsu cho được ngồi bên tả, bên hữu Chúa và Chúa
Giêsu đã có phản ứng như sau: "Các ngươi không biết điều các ngươi xin.
Các ngươi có uống nổi chén Thầy sắp uống hay chịu được Phép Rửa Thầy sắp chịu
hay không? Chén Thầy uống các con cũng sẽ uống và Phép Rửa Thầy chịu các con
cũng sẽ chịu".
Rõ ràng, Chúa Giêsu nói đến cuộc thương
khó của Người qua từ ngữ "Phép Rửa". Chúa Giêsu phải đi vào cuộc
thương khó, phải thực hiện cuộc hy sinh trên thập giá để có thể gieo lửa tình
yêu Thiên Chúa xuống trần gian, nhất là gieo tình yêu đó vào trong tâm hồn con
người. Đây không phải là sứ mạng dễ dàng, một sứ mạng đòi hỏi nhiều hy sinh,
một sứ mạng đòi Chúa phải hy sinh chính mạng sống mình và đổ máu mình ra trên
thập giá và Ngài mời gọi các môn đệ hãy đi qua, đi ngang con đường này.
Trong một ngôn ngữ dễ hiểu hơn, Ngài đã
mời gọi: "Ai muốn theo Ta hãy từ bỏ mình vác lấy thập giá mình hằng ngày
mà theo Ta. Ai không vác lấy thập giá mà theo Ta thì không xứng đáng làm môn đệ
Ta". Thật là những lời vừa mời gọi, vừa cảnh tỉnh mà chúng ta không thể
nào lơ là bỏ qua được.
Cuộc đời theo Chúa, đón nhận lửa Chúa
gieo xuống và lãnh nhận Phép Rửa Chúa chịu. Cuộc đời theo Chúa này là một cuộc
đời đầy hy sinh từ bỏ, chấp nhận tách rời ra khỏi những gì cản trở ta trở nên
giống Chúa và đây là sự chia rẽ mà Chúa Giêsu muốn nói đến trong đoạn Tin Mừng
hôm nay. Theo Chúa, sống trung thành với Lời Chúa, lãnh nhận lửa tình yêu của
Chúa trong tâm hồn và chấp nhận hy sinh như Chúa đã hy sinh trên thập giá, chấp
nhận chịu Phép Rửa của Chúa. Theo Chúa như vậy, chắc chắn chúng ta sẽ được bình
an thật Chúa ban cho, nhưng đồng thời chúng ta cũng bị chia rẽ, bị tách rời ra
khỏi kẻ khác, nhất là khi những kẻ khác đó a dua hoạt động cho ma quỉ chống lại
chương trình cứu rỗi của Thiên Chúa.
Người đồ đệ của Chúa không thể nào đi
con đường khác con đường mà Chúa đã đi qua, và sứ mạng mà Chúa muốn cho mọi
người đồ đệ thực hiện cũng là sứ mạng gieo lửa xuống trần gian qua cuộc đời
chịu đóng đinh với Chúa, chịu Phép Rửa của Chúa. Thử hỏi chúng ta có sẵn sàng
chưa? Chúng ta có đủ can đảm chưa? Và chúng ta muốn theo Chúa, chúng ta xin
được theo Chúa trọn đời nhưng chúng ta có biết rõ điều chúng ta xin hay không?
Xin Chúa giúp mỗi người chúng ta được
trưởng thành trong đức tin, đức cậy và đức mến, cho mỗi người chúng ta được sẵn
sàng hơn để đón nhận lửa Thiên Chúa đến trong tâm hồn và để cho lửa đó đốt cháy
những tật xấu nơi con người chúng ta. Xin Chúa cho mỗi ngày chúng ta được trở
nên giống Chúa hơn, cho chúng ta được sẵn sàng chịu phép rửa của Chúa, chấp
nhận hy sinh, chấp nhận từ bỏ, chấp nhận chia rẽ, tách rời khỏi những gì cản
trở ta theo Chúa. Xin Chúa gìn giữ chúng ta trong đức tin mà giờ đây chúng ta
cùng nhau tuyên xưng qua Kinh Tin Kính.
6. Lửa trên mặt đất
(Trích dẫn từ 'Manna')
Suy Niệm
Tin Mừng hôm nay là lời tâm sự của Đức
Giêsu, Ngài khẳng định mục đích của đời mình là ném lửa trên mặt đất và Ngài
mong muốn phải chi lửa ấy đã bùng lên.
Lửa Đức Giêsu mang lại là lửa nào?
Phải chăng là thứ lửa trời đã thiêu hủy
Sôđôma, hay thứ lửa mà Giacôbê và Gioan định sai xuống để thiêu hủy một ngôi
làng Samari? (Lc 9,55)
Phải chăng là thứ lửa mà cây không trái
(Mt 3,10), hay những cành nho khô héo bị quăng vào (Ga 15,6)?
Lửa này có phải là lửa kinh khủng của
ngày phán xét?
Trong cái nhìn của thánh Luca, lửa mà
Đức Giêsu muốn làm bùng lên trên toàn cầu, chắc là thứ lửa của Phép Rửa trong
Thánh Thần (Cv 1,5). Lửa này đã ngự xuống từng người vào lễ Ngũ Tuần (Cv 2,3).
Lễ Ngũ Tuần quả là Phép Rửa trong lửa,
nhưng đó mới chỉ là một khai mở ban đầu. Còn cần vô số những lễ Ngũ Tuần khác
trên thế giới.
Trái đất này càng lúc càng nóng lên.
Nhưng lòng con người lại nguội lạnh như hai môn đệ Emmau. Chúng ta cần cảm thấy
chút lửa ấm (Lc 24,32) của người đồng hành xa lạ, nói cho ta về Lời Chúa.
Chúng ta cần cảm thấy ngọn lửa trong
tim như Giêrêmia, thúc bách ông phải nói Lời Chúa dạy (x. Gr 20,9).
Đức Giêsu đã bắt đầu nhóm lửa trên địa
cầu. Đừng làm tắt đi ngọn lửa ấy, nhưng hãy để nó lan ra.
Lửa thiêu hủy những cằn cỗi. Lửa thanh
lọc những ô nhơ. Lửa làm ấm lại cõi lòng băng giá. Lửa sáng soi trên bước đường
kiếm tìm sự thật.
Chúng ta cần làm cho mong muốn của Đức
Giêsu thành tựu.
Nhưng trước hết chúng ta phải là người
mang trong tim ngọn lửa của Thánh Thần tình yêu.
Đức Giêsu chia sẻ cho ta điều đang đè
nặng trên Ngài. Ngài linh cảm về thử thách lớn lao Ngài sắp chịu. Đúng là Ngài
đang lên đường đi gặp nó. Ngài gọi đó là Phép Rửa mà Ngài phải chịu.
Đức Giêsu can đảm đón nhận Phép Rửa
đáng sợ này. Ngài thấy mình sẽ bị nhận chìm thật sâu trong đó.
Đức Giêsu tiếp tục nói điều phải nói,
làm điều phải làm. Ngài dám trả giá cho sự trung tín của mình. Nỗi khổ đau và
cả cái chết là điều không thể tránh khỏi, nhưng điều đó chẳng làm Ngài chùn
bước.
"Các anh có thể chịu Phép Rửa mà
Thầy sẽ phải chịu không?"
Ngài đã hỏi các con ông Dêbêđê như thế
(Mc 10,38), và Ngài cũng hỏi từng người chúng ta như thế.
Chẳng có Phép Rửa nào khác ngoài Phép
Rửa Ngài đã chịu. Chẳng có con đường nào khác ngoài con đường Ngài đã đi.
Tin Mừng Đức Kitô dành cho người hiền
hòa, chứ không nhu nhược.
Chúng ta phải có cùng một mong muốn và
khắc khoải như Giêsu.
Gợi Ý Chia Sẻ
Thế giới hôm nay đầy đau khổ do con
người gây ra cho nhau chỉ vì trái tim đóng băng lạnh giá. Theo ý bạn, làm sao
để làm nóng lại trái tim con người?
Sống là chấp nhận trăn trở, khắc khoải.
Bạn thấy mình hay trăn trở về điều gì? Bạn có trăn trở về Hội Thánh?
Cầu Nguyện
Lạy Chúa Giêsu,
Xin cho chúng con ngọn lửa trong Trái
Tim Chúa, ngọn lửa của tình yêu Cha và nhân loại.
Xin làm tim con ấm lại mỗi ngày, nhờ
được nghe Chúa nói như hai môn đệ về Emmau, và được Chúa nuôi bằng bánh ban sự
sống.
Xin soi sáng chúng con bằng ngọn lửa rực
rỡ mỗi khi chúng con cầu nguyện hay quyết định.
Xin thanh luyện chúng con bằng ngọn lửa
hồng của những thất bại đắng cay trên đường đời.
Ước gì chúng con luôn có lửa nhiệt
thành để hết lòng phụng sự Nước Chúa, lửa tình yêu để vượt qua những hận thù đố
kỵ.
Lạy Chúa Giêsu, thế giới hôm nay vẫn bị
tối tăm, lạnh lẽo đe dọa.
Xin ban cho chúng con những lưỡi lửa để
chúng con đi khắp địa cầu loan báo về Tình Yêu và gieo rắc Tình Yêu khắp nơi.
Amen.
7. Phải chi lửa ấy đã bùng lên
(Trích dẫn từ 'Manna')
Suy Niệm
Nhiệt độ của trái đất có chiều hướng
nóng dần lên. Đó là một điều đáng sợ. Nhưng điều đáng sợ hơn lại là sự lạnh
lùng giữa người với người.
Con người cần cơm bánh và giải trí,
nhưng con người còn cần sự nâng đỡ cảm thông.
Nhân loại sống được là nhờ tình thương
ấm áp. Vậy mà băng giá của lạnh đạm dửng dưng vẫn tồn tại khắp nơi trên mặt
đất. Băng giá nằm ngay nơi lòng con người.
Đức Giêsu đã khẳng định sứ mạng của
Ngài: Ngài đến để ném lửa trên mặt đất, và Ngài ước mong, phải chi lửa ấy đã
bùng lên.
Ngọn lửa Đức Giêsu muốn nhóm lên không
phải là ngọn lửa của án phạt và hủy diệt, không phải là thứ lửa từ trời mà
Gioan và Giacôbê định xin đổ xuống trên một làng của xứ Samari. Đây là ngọn lửa
vẫn bừng cháy trong tim Ngài, lửa của Thánh Thần, lửa của yêu thương, lửa hâm
nóng hai môn đệ Emmau đang tuyệt vọng.
Chúng ta cần được ngọn lửa của Đức
Giêsu chạm đến, cần được Ngài làm bừng sáng lên những sức mạnh tiềm ẩn nơi ta,
để chúng ta trở thành ánh lửa cho thế giới.
"Phải chi lửa ấy đã bùng
lên!"
Chúng ta được mời gọi để thực hiện niềm
ước mong mà Đức Giêsu đã suốt đời ôm ấp, đó là làm cho thế giới nên ấm áp hơn
vì con người biết sống cho Thiên Chúa và cho nhau.
Gieo rắc ngọn lửa và ánh sáng là chấp
nhận bị từ khước và đe dọa. Đức Giêsu linh cảm những gì sẽ xảy ra cho đời mình.
Ngài sẽ phải chịu một phép rửa kinh khủng, sẽ phải dìm mình thật sâu trong nỗi
khổ đau.
Hôm nay, Ngài mời chúng ta ném lửa trên
mặt đất và chấp nhận đối đầu với sức mạnh của bóng tối.
Khi Đức Giêsu bị treo trên thập tự, khi
Ngài bị giam trong mồ tối, bóng tối tưởng như đã nuốt chửng được Ngài. Nhưng
ngọn lửa phục sinh đã bừng lên giữa đêm đen.
Đó là niềm hy vọng của chúng ta, những
người vẫn còn phải hăng say chiến đấu để đẩy lui bóng tối ra khỏi mọi nơi, mọi
chỗ, bóng tối của bất công, sa đọa và tuyệt vọng, bóng tối của hận thù, của nạn
mù chữ, bóng tối của nghèo nàn lạc hậu... Bóng tối do khép lại cánh cửa của
lòng mình. Bóng tối ở ngay trong lòng tôi.
Có lúc chúng ta sợ hãi bóng tối dầy
đặc, mà ngọn lửa của mình lại yếu ớt.
Nếu một tỷ Kitô hữu đều là những ngọn
lửa thì bóng tối sẽ bị đẩy lùi khỏi mặt đất.
Gợi Ý Chia Sẻ
Thế giới hôm nay vẫn còn nhiều bóng
tối. Theo ý bạn, đâu là những bóng tối đáng được chúng ta quan tâm hơn (những
bóng tối nơi gia đình, ngoài xã hội và trong Giáo Hội)?
Bạn có kinh nghiệm gì khi phải đương
đầu với bóng tối của sự dữ, ở ngoài bạn và ở trong bạn? Có khi nào bạn thắng
được bóng tối không?
Cầu Nguyện
Lạy Chúa Giêsu thương mến,
Xin ban cho chúng con tỏa lan hương
thơm của Chúa đến mọi nơi chúng con đi.
Xin Chúa hãy tràn ngập tâm hồn chúng
con bằng Thần Khí và sức sống của Chúa.
Xin Chúa hãy xâm chiếm toàn thân chúng
con để chúng con chiếu tỏa sức sống Chúa,
Xin Chúa hãy chiếu sáng qua chúng con,
để những người chúng con tiếp xúc cảm nhận được
Chúa đang hiện diện nơi chúng con.
Xin cho chúng con biết rao giảng về
Chúa, không phải bằng lời nói suông, nhưng bằng cuộc sống chứng tá, và bằng
trái tim tràn đầy tình yêu của Chúa.
(Mẹ Têrêxa Calcutta)
8. 'Ai ở gần Ta, là ở gần lửa' –
Achille Degeest
(Trích dẫn từ 'Lương Thực Ngày Chúa
Nhật')
Lửa trong Cựu Ước tượng trưng cho quyền
năng tối thượng, tác động thanh luyện và sự hiện diện đáng sợ của Thiên Chúa.
Tiến xa hơn, Tân Ước nhìn thấy trong lửa biểu tượng của tình yêu vô biên và làm
biến đổi của Thiên Chúa đối với loài người. Nói về lửa Người mang đến thế gian,
Chúa nghĩ nhiều nhất đến sứ mạng của Người giữa nhân loại. Chúa đem đến một sự
hiện diện mới mẻ của Đấng Tối Cao. Thiên Chúa không chỉ là Đấng tạo nên khởi
nguyên đầu tiên, Người là Toàn thể Tình yêu đến biến đổi con người bằng một
sáng tạo mới. Origênê, một tác giả thời đầu Giáo hội, gán cho Đức Giêsu dụ ngôn
này: Ai ở gần Ta là ở gần lửa. Làm sao có thể khác được? Trong các ngôn ngữ
khắp địa cầu, tình yêu bao giờ cũng chọn lửa làm phương cách diễn tả huống hồ
là Tình yêu nóng cháy vô cùng của Thiên Chúa so sánh với một lò lửa đỏ rực. Đức
Kitô là sự mạc khải về Tình yêu ấy. Không thể đến gần Đức Kitô mà không thấm
được ánh sáng và sức nóng. Khi Chúa phán thêm rằng Người phải nhận lãnh một sự
thanh tẩy (Chúa ám chỉ sự thanh tẩy do Thương khó và Phục sinh), Đức Giêsu vạch
rõ sự thể Người đến tạo ra một khởi nguyên mới. Thực tại trước kia nay biến đổi
nhờ được ghép thêm một thực tại cao quý hơn, con người được nâng lên hầu tham
gia sự Tuyệt Đối. Theo hướng suy niệm ấy, chúng ta chú ý đến hai việc:
1) Ngọn lửa bên trong Đức Giêsu Kitô
không chỉ là sự thanh khiết tuyệt đỉnh trong tâm hồn và sự tự do thiêng liêng
thượng đẳng. Loài người hằng cố gắng đạt tới cao độ thanh khiết và tự do ấy,
chúng ta thấy trong lịch sử hoặc xung quanh chúng ta có những cố gắng biểu lộ
một tấm lòng thật sự cao quý. Nhưng điều mà Chúa mang đến không phải là thành
quả nỗ lực nhân loại. Đây là một điều gì từ cõi cửu trùng ban xuống, thấm đượm
con người. Bài tường thuật về sáng tạo cũ bắt đầu bằng câu: Lúc khởi nguyên.
Lịch sử cuộc đời Đức Kitô mở đầu bằng một câu tương tự: Lúc khởi nguyên đã có
Đức Giêsu Kitô. Điều này đúng cho toàn bộ lịch sử nhân loại do Đức Kitô đảm
nhiệm, và pahỉ đúng cho mỗi Kitô hữu. Cuộc đời mỗi Kitô hữu đều có một khởi
điểm là Đức Giêsu Kitô. Chúng ta nói thêm, nếu Chúa có ở lúc bắt đầu, tất phải
có ở lúc giữa và lúc kết thúc.
2) Ngọn lửa bên trong Đức Giêsu Kitô
phải thấm đượm điều gì tốt nhất trong chúng ta, khiến nó thành vững chắc, lâu
bền, trong sạch. Chúng ta biết, trong Chúa chúng ta tiến lên đời sống siêu
nhiên, - do đó chúng ta rút ra những hệ luận thực tiễn. Yêu thương anh em, ra
sức hoạt động cải thiện thế giới, vẫn chưa đủ – xả thân cho hạnh phúc nhân
loại, vẫn còn thiếu, vì chung cục có gì là chắc? Chỉ còn lại cái Bước đầu như
trên là cần, nhưng phải tiến xa hơn nữa. Phải yêu mến Đức Kitô, sống Đức Kitô.
Theo mức độ ân huệ nhận được, Kitô hữu có trách nhiệm làm cho tình yêu của Đức
Kitô hiện diện trong thế giới. Kitô hữu phải tin chắc điều này: Thế giới cần
được ơn trên soi sáng để hiểu rõ tại sao có mình, hơn là cứ mỗi thế kỷ lại nêu
ra không biết bao tham vọng mỗi lần dưới một bộ mặt đổi khác, muốn tự tổ chức
thành thiên đường hạ giới, mơ tưởng xây dựng một thiên đường tình yêu. Kitô hữu
phải đóng góp vào những nỗ lực cải thiện thế giới, có trách nhiệm lái những nỗ
lực ấy theo phương hướng Chúa muốn.
9. Phong trào Thánh Thần trong thời đại
của chúng ta
(Trích dẫn từ 'Mở Ra Những Kho Tàng' –
Charles E. Miller)
Ngày hôm nay "căng thẳng" là
một từ vựng rất quen thuộc với nhiều người. Chúng ta nhận biết rằng, căng thẳng
ở nơi công việc, căng thẳng trong hôn nhân, căng thẳng trong lần gặp gỡ nhau
cuối cùng. Sự căng thẳng xảy ra khi sức mạnh chuyển đến những hướng đối nghịch.
Một thí dụ đơn giản là một sợi dây cao su. Khi kéo sợi dây theo hướng đối
nghịch bạn cảm thấy căng thẳng. Nếu sự căng thẳng tiếp tục tăng lên sợi dây sẽ
đứt, Chúa Giêsu cảnh báo rằng giáo lý của Ngài sẽ mang đến những sự căng thẳng
và sẽ tận cùng bằng chia rẽ ngay cả những người trong gia đình.
Trong gia đình Giáo Hội có sự căng
thẳng, đặc biệt là trong nhiều nơi đối với phụng vụ. Chúng ta phải trở thành
sống động giống như một gia đình hạnh phúc, luôn hợp nhất và bình an, nhưng
những lực kéo đang kéo tới hướng đối nghịch, một số ước vọng hướng tới việc
phục hồi Công đồng Vatican II, còn những người khác lại muốn trở lại thần học
và những thực hành thuở ban đầu.
Đây là một cuộc nói chuyện thẳng thắn.
Sự chuyển động trở lại phía sau thì không đúng hướng. Nhiều người muốn tin rằng
Đức Giáo Hoàng thì bảo thủ cực đoan và hối hận vì Công đồng Vatican II đã dẫn
Giáo Hội đến không phải chỉ những ước muốn vô vọng; và là một sỉ nhục cho Chúa
Thánh Thần. Đực Giáo Hoàng có vẻ như đã bác bỏ những tiếng nói mạnh mẽ phàn nàn
chống lại Công đồng, ngài không đồng ý với ý hướng của họ.
Tại một cuộc gặp gỡ quan trọng của các
Hồng Y trên thế giới vào mùa hè năm 1994, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II tuyên
bố: "Phụng vụ không nghi ngờ gì là trung tâm của đời sống Giáo Hội. Tiến
trình canh tân phụng vụ trong tinh thần của Công đồng Vatican II vẫn luôn tiếp
tục dưới sự hướng dẫn và giám sát của thánh bộ phượng tự và kỷ luật của các bí
tích".
Đức Giáo Hoàng đã hành động theo lời
tuyên bố trang trọng trong Hiến chế về phụng vụ của Công đồng. Một tuyên bố sẽ
linh hứng cho mọi người trong Giáo Hội và phải hướng dẫn mỗi Giám mục, linh
mục:
"Nhiệt thành trong việc đề xướng
và canh tân phụng vụ phải được xem như một dấu chỉ sự xếp đặt quan phòng của
Thiên Chúa trong thời đại của chúng ta, như là một chuyển động của Thánh Thần
trong Giáo Hội của Người. Sự kiện này còn là một đặc điểm nổi bật của đời sống
Giáo Hội cũng như mọi cách thế suy tư và hoạt động đầy tinh thần đạo giáo của
thời đại chúng ta" (số 43).
Các bạn đã chia sẻ những đau buồn khi
đọc những bài viết tấn công của những người Công Giáo về Công đồng Vatican II:
"Công đồng Vatican II đã mở cửa cho những sự dữ bước vào Giáo Hội, bởi vì
Công đồng đã làm một cuộc cách mạng tầm cỡ thế giới chống lại trật tự của Thiên
Chúa". Nếu các bạn đã tham dự vào điều đó, cám ơn Chúa vì sự nhiệt thành
này. Nếu các bạn có buông thả bởi bất cứ sự thay đổi nào, hãy loại bỏ chúng như
là một sự dữ. Theo lời khuyên của thư Do Thái: "Hãy để chúng ta luôn nhìn
ngắm vào Chúa Giêsu, Đấng luôn luôn linh hứng và hoàn hảo đức tin của chúng
ta".
Dĩ nhiên có những lạm dụng chống lại
phụng vụ nhưng không thể thứ lỗi cho việc tấn công vào chính việc phục hồi
phụng vụ. Chúng ta không thể loại bỏ hệ thống tòa án của xứ sở chúng ta bởi vì
những quan tòa và bồi thẩm đều thất bại khi hành động theo sự công chính. Sự lạm
dụng không phải là hệ thống mà là một sự đối nghịch lại với hệ thống. Đừng chấm
dứt nơi mặt sai chống lại Thiên Chúa như đã làm bởi những hoàng tử làm với tiên
tri Giêrêmia, vị tiên tri của Thiên Chúa là đưa ông tới sự chết. Sự thúc đẩy và
phục hồi phụng vụ thánh là công việc của Thiên Chúa qua Thánh Thần. Đừng trở
nên nguyên nhân gây ra sự căng thẳng trong Giáo Hội. Hãy bảo đảm là các bạn
đang cố gắng trong cùng một hướng với Chúa Thánh Thần.
10. Người giữ ngọn lửa.
(Trích dẫn từ 'Niềm Vui Chia Sẻ')
Cách đây ít lâu, tờ Los Ageles Times có
đăng một câu truyện của phóng viên Dane Smith, về một Kitô hữu tên là Charlie
Deleo.
Sau khi từ Việt Nam trở về Charlie kiếm
được chân giữ tượng Nữ Thần Tự Do. Anh kể cho phóng viên rằng, một phần công
việc của anh là lo chăm sóc ngọn đuốc trong tay bức tượng Nữ Thần Tự Do và cái
mũ triều thiên trên đầu bức tượng. Anh phải lo làm sao cho các tia hơi nước có
chất natri luôn hoạt động, đồng thời 200 cửa sổ bằng kính nơi ngọn đuốc và mũ
triều thiên lúc nào cũng phải sạch sẽ.
Chỉ vào ngọn đuốc trong tay bức tượng
Nữ Thần Charlie hãnh diện nói:
"Đó là nguyện đường của tôi. Tôi
dâng hiến nó cho Thiên Chúa và thường lên đó suy niệm vào lúc rảnh rỗi nghỉ
ngơi". Ngoài ra, Charlie còn làm cho Chúa những điều khác nữa. Anh đã nhận
được bằng khen của Hội Chữ Thập Đỏ từ sau khi anh hiến nửa lít máu lần thứ 65.
và sau khi nghe biết công việc của Mẹ Têrêsa ở Ấn Độ, anh đã gởi tặng Mẹ trên
12 ngàn đô la.
Charlie kể rằng, khi Đức Giáo Hoàng
Gioan-Phaolô II nói chuyện tại công viên Battery cách bức tượng Nữ Thần Tự Do
hơn hai cây số, thì anh đứng trên lối đi nhỏ viền quanh ngọn đuốc và lắng nghe
bài nói chuyện của Đức Thánh Cha. Tại lối đi nhỏ ấy, anh cũng sốt sắng cầu
nguyện cho chuyến viếng thăm mục vụ của Ngài được thành công.
Charlie vẫn sống độc thân và sau khi
kiếm được việc làm, anh đã bảo trở cho 6 trẻ mồ côi thông qua các tổ chức xã
hội, không giữ lại đồng làm của riêng. Cuối cùng, Charlie kể cho phóng viên
rằng, anh thường tự cho mình là "người giữ ngọn lửa".
Anh chị em thân mến,
Chúa Giêsu đã đem ngọn lửa xuống trần
gian. Ngọn lửa tình yêu vĩnh cửu bốc cháy trong trái tim Ngài. Khi hiến mạng
sống cho con người chỉ vì quá yêu thương con người, Ngài đã châm ngọn lửa yêu
thương vào lòng con người. Và Ngài thốt lên với tất cả nỗi lòng khắc khoải:
"Thầy đã đến đem lửa xuống trần gian. Nào Thầy có mong muốn gì hơn là mong
cho lửa ấy cháy bùng lên". Cháy bùng lên, không phải để rồi tắt ngấm.
Nhưng cháy lên để tiếp tục cháy mãi.
Mỗi Kitô hữu chúng ta đều đã được Chúa
Kitô châm ngọn lửa tình yêu của Ngài vào lòng. Ngọn lửa tình yêu ấy cần phải
được chăm sóc, giữ gìn và làm cho cháy sáng hơn mãi.
Anh Charlie trong câu chuyện trên thật
là một mẫu gương sáng ngời cho chúng ta. Anh đã biết giữ ngọn lửa tình yêu,
tình yêu Thiên Chúa, tình yêu tha nhân, luôn cháy sáng như chính ngọn lửa của
ngọn đuối trong tay bức tượng Nữ Thần Tự Do mà ngày đêm anh có bổn phận canh
giữ. Cách sống của anh cũng mời gọi cho chúng ta hãy là những người giữ lửa.
Giữ cho ngọn lửa tình yêu trong lòng mình luôn cháy sáng trước nhan Thiên Chúa
và giãi tỏa hơi nóng sưởi ấm con tim anh chị em chúng ta, nhất là những người
đau khổ và bất hạnh.
Tuy nhiên, ngọn lửa tình yêu Chúa Giêsu
đem xuống trần gian chỉ bùng cháy và lan rộng cùng khắp khi có máu đổ ra trên
Thập giá. Máu đổ ra là dấu hiệu của tình yêu của Thiên Chúa đổ xuống trên chúng
ta. Thiên Chúa đã cứu độ chúng ta, đã thanh tẩy chúng ta sạch mọi tội lỗi bằng
ngọn lửa và Máu của Ngài: "Thầy sẽ phải chịu một phép rửa, và lòng Thầy
khắc khoải biết bao cho đến khi việc ấy hoàn tất". Phép rửa nầy là phép
rửa nào? Phải chăng là phép rửa bằng máu của cuộc tử nạn thập giá? Như lửa thử
vàng, lửa phải thấm vào bên trong làm cho cả khối kim loại "đỏ như
lửa", trở nên tinh tuyền hơn, chất lượng cao hơn.
Đứng trước tình yêu và cái chết thập
giá của Chúa Giêsu, chúng ta phải tỏ thái độ dứt khoát, thưa anh chị em. Hoặc
theo Chúa hoặc chối bỏ hay chống đối Ngài. Không thể có thái độ lưng chừng hay
trung lập được: "Anh em tưởng rằng Thầy đến để ban hòa bình cho trái đất
sao? Thầy bảo cho anh em biết, không phải thế đâu, nhưng đúng là để gây chia
rẽ". Bởi vì Lời Chúa luôn chất vấn, hạch sách chúng ta, đòi hỏi chúng ta
phải thay đổi não trạng, cách suy nghĩ, lối sống. Và mỗi lần thay đổi, chúng ta
đều phải chấp nhận có sự xáo trộn, sự bất đồng ý kiến, chia rẽ nội bộ.
Nhiều khi chúng ta sợ gây xáo trộn, sợ
mất lòng nhau, sợ bất hòa nên đã tránh né đặt lại vấn đề một cách chính xác,
sửa đổi một thái độ, một lối sống sai trái của mình hay của anh em. Cần phải
tranh đấu nội bộ giữa cá nhân, giữa tập thể để sửa đổi những lỗi lầm, sai trái,
mặc dù biết rằng phải qua những bất hòa, xáo trộn, nhưng rồi sẽ đi đến chỗ đổi
mới tốt đẹp hơn, phù hợp với ý muốn của Chúa hơn.
Nhiều khi chúng ta nhân danh sự hòa
thuận, sự hiệp nhất trong cộng đoàn, trong giáo xứ, trong Giáo Hội, hoặc vịn cớ
không muốn gây hoang mang, chia rẽ, để duy trì một lối cử hành phụng thụ động,
nhàm chán, một lối sống đạo vụ lợi, hình thức, một quan niệm lệch lạc về đạo.
Người ta cũng đã từng nhân danh sự hiệp nhất để phủ nhận những nỗ lực đấu tranh
cho công bằng, đấu tranh giải phóng những kẻ bị áp bức. Sự hiệp nhất đó chỉ là
sự đồng lõa, hiệp nhất trong tội lỗi...
Những ai theo Chúa Giêsu phải quý trọng
công bình, quý trọng tình thương yêu đích thực, coi trọng con người và chấp
nhận đấu tranh cho những giá trị cao quý đó, dù có phải vì đó mà phải chống lại
những người trong gia đình của mình, chống lại bạn bè và cả những người đồng
đạo với mình.
Anh chị em thân mến,
Chúa Kitô đã đem lửa tình yêu để thiêu
đốt, thanh luyện những thứ bình an, hiệp nhất giả tạo che đậy những bogn1 tối
tội lỗi, Ngài là con người gây xáo trộn, gây chia rẽ; bởi vì Ngài luôn luôn là
ánh sáng áng chiếu soi vào trong bóng tối. Ngài muốn cho trong lòng mọi người
đều bùng cháy lên ngọn lửa tình yêu nhiệt thành của Ngài để đổi mới, để sống
cho cái mới mà Ngài gọi là Nước Trời. Phải đấu tranh mãi để thế giới luôn tốt
hơn, con người luôn hạnh phúc hơn. Người Kitô hữu không bao giờ được phép bằng
lòng với nguyên trạng, cho dù trong đạo hay ngoài đời, bởi vì tất cả đều phải tiến
đến Trời Mới Đất Mới.
11. Lửa trên mặt đất – McCarthy
(Trích dẫn từ 'Phụng Vụ Chúa Nhật và Lễ
Trọng')
Suy Niệm 1. NGÔN SỨ LÀ "NGƯỜI GÂY
RỐI LOẠN"
Đức Giêsu rõ ràng là một con người tinh
tuyền lành thánh, cho nên chúng ta vẫn mong rằng Người phải được mọi người yêu
mến. Tuy nhiên Người đã gây "rối loạn" đến nỗi bị ghét bỏ và sau cùng
bị đóng đinh. Làm thế nào mà điều ấy đã xẩy ra? Bởi vì Đức Giêsu là một ngôn
sứ, một ngôn sứ tôn giáo, và một ngôn sứ luôn luôn là một Personna non grata
đối với quyền lực hiện hành. Phần lớn các ngôn sứ đều bị bách hại và một số bị
giết chết.
Giêrêmia là một ví dụ. Ông được kêu gọi
để trở thành ngôn sứ từ khi còn nhỏ tuổi. Ông sống ơn gọi của mình một thời kỳ
đầy biến động. Người ta chứng kiến sự thất bại của Israel và sự tàn phá
Giêrusalem và Đền Thờ. Ông là lương tâm của đất nước ông. Ông yêu thương tha
thiết dân tộc ông và không bao giờ đánh mất niềm tin và quyền năng của Thiên
Chúa cứu chuộc dân Người. Tuy nhiên ông bị kết án là một kẻ làm loạn và ông
sống trong sự đe doạ thường xuyên đối với mạng sống mình.
Các ngôn sứ là "những người gây
rối loạn" theo nghĩa tốt nhất của từ ấy. Không có kẻ khuấy rối sự bình an
nào lớn hơn người rao giảng công lý và sự thật. Hãy lấy trường hợp của Martin
Luther King ở Mỹ. Ông là một con người của hoà bình. Tuy nhiên, khi đứng lên
kêu gọi chấm dứt nạn kỳ thị chủng tộc đối với người da đen, ông đã gây ra nhiều
biến động hơn bất cứ người nào khác cùng một thế hệ với ông ở Hoa Kỳ. Hãy lấy
trường hợp nhà bác học Nga Andrei Sakharov, ông cũng bị chính quyền cộng sản
gán cho nhãn hiệu "kẻ gây rối" khi ông kêu gọi chấm dứt sự đàn áp
những người không có cùng quan điểm và sự phát triển các vũ khí hạt nhân.
Một đôi khi điều chúng ta gọi là hoà
bình thực ra không phải là hoà bình. Bất cứ hoà bình nào không xây dựng trên
nền tảng công lý đều là một hoà bình giả hiệu. Cố Tổng Giám Mục Helder Camara ở
Braxin đã mô tả nó như thứ ánh sáng giống ánh sáng mặt trăng trên đầm lầy. Đức
Giêsu đã đến để đem lại hoà bình nhưng không phải loại hoà bình ấy. Giống như
hoà bình giả hiệu, cũng có sự hiêp nhất giả hiệu trong đó người ta bao che cho
sự phân biệt, kỳ thị và bất công.
Khi nhà văn Nam Phi Laurens Vander Post
được phóng thích từ một trại giam các tù nhân chiến tranh ở Nhật Bản, ông hầu
như phẫn nộ bởi những tàn bạo của thời bình mà ông đang sống không khác gì ông
đã phẫn nộ trước những tàn bạo của chiến tranh. Còn Solzhenitsyn nói rằng khi
những người lính trở về đời sông dân sự, họ kinh hoàng bởi cách mà người ta đối
xử nhau tàn nhẫn nhất trong con người họ khi đem lại cho họ cơ hội phục vụ một
chính nghĩa cao cả hơn bất kỳ sự theo đuổi nào của lợi ích bản thân.
Những sự việc như thế được chấp nhận là
bình thường thì quả là bất thường. Ví dụ như những bất công trong xã hội,
khoảng cách giữa cái nghèo không được giúp đỡ và cái giàu xấc xược. Chúng ta đã
quá quen với điều đó nên không còn cảm thấy phẫn nộ. Chúng ta cần có người lay
động chúng ta ra khỏi giấc hôn mê và sự thờ ơ đó.
Đức Giêsu nói Người đến để đốt lửa trên
mặt đất này. Đây chỉ là một hình ảnh, một ẩn dụ, nhưng là một ẩn dụ mạnh mẽ.
Lửa không phải là một vật mà người ta có thể thờ ơ với nó. Nó không phải là một
vật yếu đuối, nhợt nhạt, không sức sống. Lửa sưởi ấm và an ủi. Nhưng nó cũng
đốt bỏ những gì vô dụng và thanh lọc những gì ô uế.
Sứ điệp của Tin Mừng là lửa, nó là men
của thế gian Chúng ta, những môn đệ của Đức Giêsu phải là những người giữ gìn
ngọn lửa ấy.
Suy Niệm 2. CHẠY ĐUA
Vào thời đại hôm nay, chúng ta chứng
kiến một hiện tượng lạ lùng nhưng kích động. Đó là hiện tượng chạy đua. Chúng
ta thường thấy mười hoặc có khi hai chục ngàn người tham gia vào các cuộc chạy
Maratông trong thành phố và trên khắp thế giới. Một vấn đề đặt ra: chạy
Maratông một mình hay chạy với người khác, trường hợp nào cho là dễ hơn. Câu
thành ngữ: "Người chạy đường dài cô độc" nói lên tất cả.
Một vận động viên chạy một mình trước
một khán đài chật ních các cổ động viên reo hò cổ vũ, người ấy lấy hết nghị lực
và mọi sức lực để chạy vượt quá khả năng thông thường của người ấy.
Chúng ta lấy hết sức lực để chạy khi
thấy xung quanh mình cũng có những người khác đang chạy. Điều này đặc biệt đúng
như chúng ta không quan tâm đến việc được xếp vào số những người về đích trước
tiên mà chỉ quan tâm đến việc hoàn thành cuộc chạy. Lúc đó, chúng ta coi những
người cùng chạy như bạn hơn là những đối thủ. Chúng ta coi họ như những người
nâng đỡ. Điều này làm chúng ta có thể rút ra sức mạnh gương sáng của họ. Họ tạo
thành một dòng người đưa chúng ta đi như trong một dòng chảy mạnh mẽ.
Điều gì trở ngại cho một vận động viên
khi chạy? Bất cứ điều gì làm hỏng hoặc sự yếu đuối nào. Nhưng cũng do thiếu
động lực. Khi người ta có động lực cao, họ muốn thực hiện những hy sinh to lớn
bằng cách cống hiến thời gian, ăn kiêng, nỗ lực v.v...
Chạy Maratông không phải là để chiến
thắng. Cuộc chạy mới đáng kể. Chạy Maratông tự nó là một biến cố. Mọi người đều
chiến thắng. Điều quan trọng là sự tham dự và dấn thân. Và qua việc tham dự,
chúng ta giúp đỡ những người khác bằng gương sáng của chúng ta: chúng ta có
đóng góp một phần nhỏ.
Không phải chỉ khi chạy đua người ta
mới rút ra được sức mạnh của tình đồng đội. Tác giả sách Do Thái khích lệ các
độc giả của ông phải kiên trì trong đức tin bất chấp cái giá phải trả. Ông nói
họ phải rút ra sức mạnh của "đám mây vô số nhân chứng" đã đi trước
họ. Ông đã dẫn chứng các thánh nhân trong Cựu Ước là những người đã chạy đua
trước họ.
Các Kitô hữu ý thức mình là một phần
của một chuỗi các nhân chứng thánh thiện kéo dài từ các thánh Tông đồ. Trong
cuộc chiến đấu để giữ lòng trung tín, họ luôn luôn tìm lại những gương sáng đầy
cảm hứng của các ngôn sứ, nhân chứng và thánh nhân. Chúng ta rút ra niềm hy
vọng và lòng can đảm từ những "anh hùng của đức tin", các ngài duy
trì lòng trung tín bất chấp việc các ngài chưa được nhìn thấy lời hứa hoàn
thành trong đời sống các ngài. Và khi chúng ta cảm nghiệm sự mệt mỏi cùng cảm
giác thất bại và không hiệu quả, các ngài nói với chúng ta: "Chúng tôi ở
với các bạn. Đừng bỏ cuộc".
Như một phi công tiền phong đã nói:
"Một đôi khi bão tố và sương mù chụp xuống bạn. Nhưng bạn hãy nghĩ đến tất
cả những người đã băng qua sương mù, bão tố trước các bạn, và bạn chỉ cần tự
nhủ: "Họ đã làm được điều đó, nên điều đó có thể được thực hiện lại".
Nhưng đặc biệt chúng ta phải hướng mắt
nhìn về Đức Giêsu. Lòng trung tín của Người đã dẫn đưa Người đến thập giá và
sau thập giá đến vinh quang. Người là một gương sáng cao cả toàn thể đám mây
các gương sáng trong Cựu Ước.
Sứ điệp ấy thật rõ ràng! Giống như Thầy
chúng ta, các Kitô hữu chúng ta phải sẵn sàng chiến đấu vượt qua mọi vật trở
ngại trên con đường dẫn đến Thiên Chúa. Đây không phải là cuộc chiến đấu đơn
độc, nhưng là một cuộc chiến đấu mà chúng ta cùng nhau thực hiện. Chúng ta cùng
nhau chạy trong một cuộc đua cao cả nhất dành cho tất cả mọi người.
12. Ngọn lửa tình yêu – Thiên Phúc
(Trích dẫn từ 'Như Thầy Đã Yêu')
Tại một khu phố cổ Ấn Độ, trên đường
cũng như trong nhà thường không có đèn. Giữa những khu phố như thế, thỉnh
thoảng người ta thấy mọc lên một ngôi đền An giáo. Dĩ nhiên, trong những ngôi
đền như thế, ánh sáng cũng không được đốt lên thường xuyên. Từ trên nóc đền thờ
cũng như dọc theo bốn bức tường, họ treo những chiếc lồng đèn. Khoảng trống
trong những chiếc lồng đèn ấy vừa vặn để cho vào một chiếc đèn dầu.
Bình thường ngôi đền thờ vắng lạnh vì
tăm tối. Nhưng cứ mỗi sáng sớm, khi các tín hữu dùng đèn dầu soi đường để đi
qua các khu phố đến đền thờ cầu nguyện, họ cũng mang chính những ngọn đèn ấy và
đặt vào trong những chiếc lồng đèn trong nhà thờ. Thành ra, khi mỗi tín hữu đặt
ngọn đèn của mình vào trong các lồng đèn, thì ngôi đền thờ bỗng sáng rực lên
một cách lạ kỳ.
"Thầy đã đến ném lửa vào mặt đất,
và Thầy những ước mong phải chi lửa ấy đã bùng lên". Đó là tâm nguyện của
Chúa Giêsu và cũng là trách nhiệm của mỗi người tín hữu chúng ta: Thế giới này
là một ngôi đền thờ rộng lớn mà mỗi tín hữu phải đặt vào đó ngọn lửa tình yêu,
để thế giới này bừng sáng lên tình anh em một nhà.
Ngọn lửa mà Chúa Giêsu đã ném vào thế
giới này, chính là ngọn lửa tình yêu vẫn bừng cháy trong trái tim Người; là
ngọn lửa phục sinh đã bừng lên trong tâm hồn người tín hữu giữa đêm tăm tối,
cũng là ngọn lửa Thánh Thần đã bừng sáng trí khôn các tông đồ ngày lễ Ngũ Tuần.
Nếu con người cần cơm bánh để sống còn,
thì họ cũng cần tình thương để tồn tại. Nếu con người cần áo quần để che thân,
thì họ cũng cần tình thương để sưởi ấm.
Nếu lòng hai môn đệ Emmau đã bừng cháy
lên khi nghe lời Chúa, thì nhân loại sao chẳng rực sáng lên khi nghe lời yêu
thương của Người?
Lời yêu thương đã được viết lên trên
cây thập giá, trong cuộc khổ nạn đau thương, đó chính là phép rửa mà Chúa Giêsu
phải chịu, để ném lửa yêu thương vào trần gian.
Như Thiên Chúa Giavê đã hiện ra với
Môsê nơi bụi gai cháy sáng và kêu gọi ông đi chu toàn sứ mạng, nay Người cũng
sai chúng ta đi loan báo sứ điệp yêu thương cho trần thế.
Như Chúa Giêsu đã đẩy lui bóng tối tử
thần bằng ánh sáng Phục sinh và sai các môn đệ đi loan báo tin vui, nay Người
cũng mời gọi chúng ta hãy xua tan bóng tối của bất công, hận thù, nghèo đói với
ánh sáng của tình thương cứu độ.
Như Thánh Thần đã ngự xuống trên các
tông đồ dưới hình lưỡi lửa để biến họ thành chứng nhân Nước Trời, nay Người
cũng muốn chúng ta mang ngọn lửa tình yêu, thanh luyện và sưởi ấm các tâm hồn.
Mahatma Gandhi, vị thánh của Ấn Độ đã
nhận định rất sâu sắc về ngọn lửa tình yêu này như sau: "Một vật cứng rắn
đến đâu, cũng sẽ tan chảy trong lửa tình yêu. Nếu vật ấy không tan chảy, chính
vì ngọn lửa không đủ mạnh".
Lạy Chúa, xin đốt lên trong chúng con
ngọn lửa từ trái tim yêu thương của Chúa, để chúng con soi sáng những ai còn
ngồi trong tăm tối, sưởi ấm những kẻ đang lạnh lùng, thanh luyện những cõi lòng
chai đá, để khắp nơi trên trái đất này tràn đầy ánh lửa tình yêu Chúa. Amen.
13. Lửa
Có một cô gái, mặc dù được sinh ra
trong một gia đình đạo đức, thế nhưng vì hoàn cảnh, đã sống một cuộc đời bê tha
tội lỗi. Số là vào năm mười tám tuổi, ba của cô thì bị mất việc làm, còn má của
cô thì đau yếu triền miên. Và thế là hằng đêm, cô phải la cà vào các hàng quán
để mồi chài khách khứa.
Sau một thời gian, cuộc sống thác loạn
này đã gieo vào lòng cô một nỗi chán chường, khiến cho cô chỉ muốn nghĩ đến cái
chết. Thế rồi, trong một bài giảng, cô được nghe nói về tình yêu Thiên Chúa
dành cho chúng ta. Tình yêu ấy dạt dào đến độ Ngài tha thứ tất cả với điều kiện
là chúng ta phải hoàn toàn phó thác trong vòng tay của Ngài.
Bài giảng được minh họa bằng những sự
kiện cụ thể, qua đó, Chúa đã tha thứ cho người đàn bà Samaria, cho Mađalêna,
cho người thiếu phụ ngoại tình, cho Phêrô và cho tên trộm lành vào những giây
phút cuối cùng trên thập giá.
Bài giảng này đã tác động mạnh mẽ trong
tâm hồn cô gái, khiến cô rưng rưng như muốn khóc. Sau đó cô gái đã dọn mình
lãnh nhận bí tích giải tội và quyết tâm làm lại cuộc đời. Giờ đây cô như một em
nhỏ, đặt mình vào bàn tay Chúa và để Ngài dẫn dắt. Bởi vì Chúa luôn yêu thương
những kẻ bé mọn và yếu đuối. Ngài yêu thương chúng ta với tất cả những khổ đau
và vấp ngã của chúng ta. Điều quan trọng là chúng ta phải biết chạy đến với
Ngài vì Ngài là tình yêu.
Từ câu chuyện trên, chúng ta đi vào
đoạn Tin Mừng sáng hôm nay với lời xác quyết của Chúa:
- Ta mang lửa đến trần gian và chỉ mong
sao cho lửa ấy bừng cháy lên.
Theo các thánh giáo phụ thì ngọn lửa
Chúa Giêsu đem vào thế gian là ngọn lửa của Chúa Thánh Thần, đã bừng lên trong
ngày lễ Hiện xuống... Chính ngọn lửa này đã làm phát sinh ra Giáo hội, là dụng cụ
mà Ngài dùng để thanh lọc và thánh hóa nhân loại.
Thế nhưng chúng ta cũng có thể hiểu
ngọn lửa nói đây là ngọn lửa tình yêu mà Ngài đã thắp lên trong cõi lòng mỗi
người.
Chính ngọn lửa này đã bùng cháy trong
tâm hồn hai môn đệ đi Emmaus trong ngày Phục sinh, để các ông nhận biết Chúa.
Và cũng ngọn lửa ấy đã bùng cháy lên trong tâm hồn cô gái tội lỗi, khi cô được
nghe biết về tình thương của Chúa, để rồi dứt khoát với dĩ vãng tăm tối của
mình.
Với chúng ta cũng vậy, Chúa cũng đã đặt
để trong cõi lòng chúng ta ngọn lửa tình yêu của Ngài giống như ngọn nến chúng
ta lãnh nhận ngày chịu phép rửa tội. Thế nhưng ngày hôm nay, ngọn lửa đó đã tắt
ngấm hay chỉ còn leo lét như một ngọn đèn thiếu dầu?
Chính vì thế chúng ta hãy cầu xin Chúa
gia tăng sức mạnh, để ngọn lửa tình yêu của Ngài được bùng cháy trong tâm hồn,
nhờ đó mà bản thân chúng ta được sưởi ấm và cuộc đời chúng ta tìm thấy đường
nẻo phải đi.
14. Lửa tình yêu – Lm. Phạm Thanh Liêm
Đức Giêsu nói với các môn đệ:
"Thầy mang lửa xuống trần gian, thầy mong ước gì, nếu không phải là muốn
lửa ấy cháy lên". Nhóm lên, và làm ngọn lửa tình yêu bừng cháy, là sứ mạng
của Đức Giêsu và của mỗi người môn đệ Ngài.
Phải chọn lựa giữa Đức Giêsu và thế
gian
Đừng tưởng thầy tới mang hòa bình,
nhưng ngược lại, thầy tới mang chia rẽ. Chia rẽ ở đây hiểu theo nghĩa, người ta
phải chọn lựa giữa Chúa Giêsu và giá trị trần gian. Những ai theo trần gian, có
thể có ngày họ phản bội và làm hại thậm chí cả anh em hay cha mẹ mình; còn
những ai theo Đức Giêsu, phải sống theo luật tình yêu. Qua Đức Giêsu, con người
phải chọn lựa, phải có thái độ dứt khoát. Theo nghĩa này, Đức Giêsu mang chia
rẽ.
Ở một chỗ khác Đức Giêsu nói:
"Thầy để lại bình an cho anh em, Thầy ban bình an cho anh em. Bình an Thầy
ban cho anh em, không như thế gian ban tặng". Bình an của Đức Giêsu, không
có nghĩa là không có chuyện gì xảy ra; đúng hơn, bình an là thái độ sống mà
không gì có thể làm mất được. Bình an do xác tín rằng Thiên Chúa yêu thương
mình, và Ngài làm những điều tốt nhất cho mình, Ngài biến cả những điều xấu
người khác làm cho mình trở thành ích lợi cho mình.
Bình an Đức Giêsu ban tặng, người ta
tìm thấy nơi các tông đồ. Dù bị bách hại nhưng các ngài vẫn kiên vững loan
truyền Tin Mừng cứu độ "Thiên Chúa yêu thương con người". Bình an này
các thánh tử đạo là những người cảm nghiệm và làm chứng bằng chính cuộc sống
của các ngài.
Lửa tình yêu đã thiêu đốt Giêrêmia
Giêrêmia đã nhân danh Chúa nói với dân
chúng những điều mà những người lãnh đạo cùng chính dân chúng không ưa thích.
Và điều này đã làm cho tiên tri bị ghét, và người ta tìm cách hãm hại tiên tri.
Đã có lúc tiên tri bỏ cuộc, không muốn
nói nhân danh Chúa nữa, những lúc đó lòng tiên tri bừng bừng như lửa thiêu đốt,
và cuối cùng tiên tri đã trở lại với Chúa, để tiếp tục sứ mạng Ngài trao phó.
"Vì nhiệt thành với luật Chúa, mà con phải thiệt thân". Thiên Chúa
ban lửa tình yêu cách đặc biệt nơi một số người, để họ thành chứng nhân của
Chúa, để họ trở thành dụng cụ làm bùng cháy ngọn lửa tình yêu đối với Thiên
Chúa và đối với con người nơi nhiều tâm hồn.
Lửa tình yêu với Thiên Chúa trong lòng
Giêrêmia, lửa tình yêu đối với con người nơi người đến xin vua Zedekiah giải
cứu Giêrêmia, và ngọn lửa tình yêu nơi tâm hồn vua, đã làm tất cả những người
này hành động theo tình yêu, theo lương tâm, theo Lời Chúa. Giêrêmia sống theo
lửa tình yêu thúc đẩy, và chính Giêrêmia cũng được cứu bởi lửa tình yêu.
Lửa Thánh Thần tình yêu
Thánh Thần là lửa tình yêu. Thánh Thần
tiếp nối sứ mạng của Đức Giêsu, làm nhiều người can đảm đáp trả tiếng Chúa mời
gọi, sẵn sàng sống chết cho tình yêu Thiên Chúa và tình yêu con người. Trên
đường trần không thiếu những gai góc và gian nan vất vả, nhưng với tình yêu của
Thánh Thần, biết bao người đang tiếp nối sứ mạng của Đức Giêsu, đang nỗ lực làm
bừng cháy lên ngọn lửa tình yêu. Nhìn lên Đức Giêsu như người mẫu và lý tưởng,
Kitô hữu hiên ngang sống giữa đời, đem tình yêu đến với mọi người bằng sống yêu
thương, ngay cả với những người thù ghét mình.
Tình yêu chiến thắng hận thù. Yêu
thương làm cuộc đời đẹp hơn, tươi hơn, thoải mái và hạnh phúc hơn. Lửa tình yêu
Đức Giêsu mang xuống trần đã bùng cháy trong tim mỗi người, và mỗi người được
gọi để làm ngọn lửa tình yêu lan rộng mãi.
Câu hỏi gợi ý chia sẻ:
1. Theo bạn, có khi nào không còn tình
yêu trên trần gian nữa không? Tại sao?
2. Dựa vào đâu để bạn nói Đức Giêsu yêu
thương con người?
3. Đức Giêsu làm lửa tình yêu bùng cháy
bằng cách nào?
15. Suy niệm của JKN
Câu hỏi gợi ý:
1. Nếu bạn triệt để sống tinh thần Tin
Mừng vượt mức bình thường của mọi người, hoặc hăng say dấn thân làm việc cho
Thiên Chúa, nhân loại và Giáo Hội đến nỗi phải hy sinh rất nhiều, thì thái độ
của những người chung quanh bạn thế nào? khen ngợi hay chê bai? ủng hộ hay
chống đối?
2. Đức Giêsu nói: Ngài đến không phải
để đem lại hòa bình mà là sự chia rẽ, điều đó có đúng trong thực tế không? Xin
đan cử vài trường hợp cụ thể.
Suy tư gợi ý:
1. Tâm lý chung của con người
Những ai đã từng sống cuộc đời sa đọa,
bê bối, hoặc dưới trung bình về mặt đạo đức, chắc chắn sẽ được những người thân
(cha mẹ, thầy cô, vợ con, anh chị em, bạn bè...) chung quanh mình nâng đỡ, vực
dậy, kéo ra khỏi vũng bùn. Nhưng những người đã từng sống một cuộc đời vượt hẳn
mức trung bình, chẳng hạn muốn triệt để sống theo tinh thần Tin Mừng, muốn hy
sinh, quên mình thật sự để phục vụ tha nhân, hoặc triệt để sống phó thác vào
Chúa, thì sẽ bị những người chung quanh khuyên can, lôi mình xuống. Nếu khuyên
can không được, họ sẽ nói mình dại dột, khùng, «mát»... thay vì nể phục. Nhiều
vị thánh, khi quyết tâm triệt để sống theo lời khuyên của Tin Mừng, thì bị
chính những người thân mình nhất cản trở, như trường hợp thánh Phan-xi-cô Khó
Khăn. Khi ngài quyết tâm từ bỏ đời sống giàu sang, bán mọi thứ mình có để bố
thí, chấp nhận sống nghèo khó hầu hòa mình và phục vụ những người khốn khổ, thì
cha mẹ ngài cản trở. Cản không được, hai ông bà bèn cho gia nhân chửi mắng Ngài
là đồ khùng, ngu xuẩn, và cho phép họ ném cà chua, đồ dơ vào ngài mỗi khi ngài
đi ngang qua nhà.
2. Tâm lý ấy bất lợi cho các ngôn sứ
Tâm lý của con người là như vậy. Mình
xuống thấp thì họ nâng mình lên, điều đó thật là tốt! Nhưng mình lên quá cao
thì họ lôi mình xuống. Các ngôn sứ của Thiên Chúa đều cảm nghiệm đươc tâm lý
này nơi những người thân mình. Khi ý thức được tiếng Chúa gọi mình làm chứng
cho Ngài, cho chân lý, công lý và tình thương, đồng thời muốn đáp trả ơn gọi ấy
một cách quảng đại, can đảm, người ngôn sứ sẽ phải đối phó hoặc chiến đấu với
chính những người thân yêu nhất của mình, những đồng đạo của mình. Chính điều này
làm cho người ngôn sứ trở nên hết sức đơn độc, và nỗi khổ tâm chủ yếu của người
ngôn sứ không phải ở chỗ phải hy sinh những điều mà Chúa trực tiếp đòi hỏi cho
bằng phải chịu sự bách hại của chính những người thân yêu mình: cha mẹ, vợ con,
anh chị em, bạn bè. Nhiều khi càng là người thân thì lại càng cản trở mình mạnh
hơn. Tuy nhiên, người ngôn sứ không thể vì sự chống đối của người thân mà bực
bội hay ghét bỏ họ, vì họ không thể làm gì khác hơn điều họ nghĩ.
Như thế, người ngôn sứ phải hy sinh
nhiều mặt:
– Những hy sinh đến từ sự đòi hỏi của
Thiên Chúa, của ơn gọi, của lương tâm: Thiên Chúa luôn luôn đòi hỏi người ngôn
sứ phải hy sinh và chịu đau khổ cao độ hơn người khác;
– Những hy sinh đến từ những bách hại
của những người có hành vi sai trái mà người ngôn sứ cảm thấy phải lên tiếng
cảnh báo;
– Những hy sinh đến từ những người thân
yêu nhất của mình: những người này rất yêu thương mình, sẵn sàng hy sinh cho
mình, nhưng lại không chấp nhận cho mình dấn thân ở mức độ mà họ cho là quá mức
cần thiết. Vì sự dấn thân bị coi là quá mức ấy có thể gây thiệt hại cho họ
(khiến họ bị liên lụy, bị mất quyền lợi, phải lo lắng và buồn phiền nhiều
chuyện, phải khổ tâm khi thấy mình khổ, hoặc phải lo sợ cho sự an nguy của
mình). Chẳng hạn, một người chồng muốn dấn thân cho Chúa nhiều hơn làm sao
tránh được tình trạng buộc người thân mình cũng phải phần nào chấp nhận hy
sinh, thiệt thòi và cực khổ nhiều hơn vì mình? Một linh mục hay một tu sĩ muốn
làm ngôn sứ làm sao tránh được chuyện làm phiền hà các bề trên mình, tập thể của
mình (linh mục đoàn, nhà dòng), và những người mình có nhiệm vụ chăm sóc?
3. Chúa và ơn gọi có thể là nguyên nhân
gây chia rẽ
Người ta thường nghĩ Đức Giêsu hay các
ngôn sứ là những người đem lại bình an cho tâm hồn con người, và là nguyên lý
nối kết mọi người lại với nhau. Điều đó rất đúng, nhưng chỉ đúng một mặt, vì
xét trên một bình diện khác, thì chính Đức Giêsu và các ngôn sứ lại là những
người đem lại sự bất ổn cho tâm hồn, và là nguyên lý gây nên chia rẽ giữa mọi
người.
– Đem lại bất ổn, vì các ngài luôn luôn
đặt mọi người trước một vấn đề lương tâm buộc họ phải có một thái độ: hoặc theo
tiếng lương tâm, hoặc không theo. Theo tiếng lương tâm thì phải hy sinh nhiều
thứ, phải chấp nhận thiệt thòi, đau khổ, phải sống cao thượng, anh hùng...
nhưng tâm hồn được bình an. Còn không theo tiếng lương tâm thì không bị thiệt
thòi hay đau khổ gì, nhưng lại bị chính lương tâm mình cắn rứt, dày vò, và cũng
có thể bị dư luận chê trách.
– Gây chia rẽ, vì trước sự đòi hỏi của
Đức Giêsu, của tiếng lương tâm, con người sẽ có nhiều thái độ khác nhau. Những
người không nghe theo lương tâm vì sợ phải hy sinh và đau khổ sẽ có đủ những lý
lẽ biện minh cho thái độ của họ, để tự đánh lừa lương tâm mình hầu được bình
an. Và để chứng tỏ mình hành động đúng, họ có thể kết án những người kia là
thiếu khôn ngoan, dại dột, quá khích, là gây hại, gây chia rẽ... Chính ngôn sứ
Giê-rê-mi-a trong bài đọc I cũng bị nhiều người đồng thời đánh giá: «Những luận
điệu của ông ta đã làm nản lòng các binh sĩ còn lại trong thành này, cũng như toàn
dân. Thật vậy, con người ấy chẳng mưu hoà bình cho dân này, mà chỉ gây tai
họa». Thế là vì lời mời gọi của Chúa, của tiếng lương tâm mà trong nội bộ gia
đình, đoàn thể, Giáo Hội... có sự chia rẽ, xung đột, tranh đấu, chống đối nhau.
Đương nhiên phần thua thiệt đau khổ sẽ nghiêng về những người làm đúng theo sự
đòi hỏi của ơn gọi, của lương tâm.
4. Sự chia rẽ đến từ những nhận thức
khác nhau
Do cách nhìn cao thấp, rộng hẹp, nông
sâu khác nhau, và do mức độ dấn thân khác nhau, mà có sự mâu thuẫn và xung đột
giữa những người cùng dấn thân theo Chúa, phục vụ xã hội hay Giáo Hội. Sự khác
biệt là tất yếu: người biết hoặc quảng đại ở mức 100 không thể thấy và hành
động cùng một cách với người ở mức 50, và người ở mức 50 không thể giống với
người ở mức 10. Người biết 100 điều này không thể có cùng một cách nhìn và hành
động với người biết 100 điều kia.
Có những người nhìn thấy những giá trị
lớn mà xa, có những người chỉ thấy được những giá trị nhỏ trước mắt. Vì thế,
người trước chủ trương hy sinh giá trị nhỏ trước mắt để đạt được giá trị lớn về
sau, và được thúc đẩy làm như vậy. Còn người sau nhận thấy không nên «thả mồi
bắt bóng», nên quyết tâm bảo thủ những giá trị đang nắm trong tay, không quan
tâm tới những gì chưa thấy. Vậy là cùng theo đuổi và quyết tâm thực hiện điều
tốt, nhưng người ta bất đồng và chia rẽ nhau. Vấn đề không còn là chọn giữa cái
tốt và cái xấu, mà giữa hai cái đều tốt: cái tốt nhỏ và cái tốt lớn, cái cần
thiết và cái ích lợi...
Chẳng hạn, Chúa đòi buộc ta phải hiếu
thảo với cha mẹ, yêu thương con cái, nhưng cũng lại đòi buộc ta phải sẵn sàng
hy sinh mọi sự cho Nước Trời. Cả hai điều đều tốt và đều buộc ta phải thực
hiện. Nhưng cũng có những trường hợp hai điều tốt ấy xung đột nhau: chẳng hạn,
nếu quá lo lắng cho cha mẹ, con cái thì không thể lo cho đại cuộc Nước Trời, và
ngược lại. Vì thế, Chúa bảo: «Ai yêu cha yêu mẹ hơn Thầy, thì không xứng với
Thầy. Ai yêu con trai con gái hơn Thầy, thì không xứng với Thầy» (Mt 10,37).
Vậy, nhận thức khác nhau về những điều
tốt, và mức độ quảng đại khác nhau trước tiếng gọi của Chúa hay trước sự đòi
buộc của lương tâm có thể khiến người trong cùng gia đình, cùng tập thể, xứ
đạo, giáo phận chia rẽ nhau, chống đối nhau. Tình trạng có thể trầm trọng đến
mức «Kẻ thù của mình chính là người trong nhà» (Mt 10,36). Những người dấn thân
triệt để cho Thiên Chúa nên nhận thức và sẵn sàng chấp nhận điều này.
Cầu nguyện
Lạy Cha, ngay từ khi con lãnh nhận bí
tích rửa tội, con đã lãnh nhận thiên chức ngôn sứ của Cha. Là ngôn sứ từ thuở
ấy, nhưng đã mấy khi con sống đúng tư cách ngôn sứ của mình! đã mấy khi con
sống cho ra ngôn sứ của Cha! Xin cho con dám can đảm chấp nhận tất cả những khó
khăn đau khổ xảy đến, khi hoàn cảnh buộc lương tâm con phải lên tiếng làm chứng
cho Cha, cho chân lý, công lý và tình thương. Xin đừng bao giờ để con lấy cớ
khôn ngoan để hành xử một cách hèn nhát trước bạo lực. Xin hãy cho con dám nói
hoặc làm khi lương tâm người Kitô hữu buộc con phải nói hay làm một điều gì đó
xứng hợp với chức năng ngôn sứ của mình. Xin ban ơn can đảm để con sống đúng thiên
chức ngôn sứ của người Kitô hữu trong con. Amen.
16. Phân rẽ
Đoạn Tin mừng hôm nay có lẽ đã làm cho
chúng ta thắc mắc và tự hỏi:
- Giới luật của Chúa là giới luật yêu
thương. Suốt cả cuộc đời, Ngài không ngừng cổ võ cho tình yêu, vậy tại sau Ngài
lại bảo: Ta đến để đem sự phân rẽ.Vậy sự phân rẽ ở đây phải được hiểu như thế
nào?
Theo thiển ý của tôi, Chúa Giêsu đã
thực sự phân rẽ. Phải, phân rẽ giữa sự thiện và sự ác, giữa ánh sáng và bóng
tồi, để rồi từ đó đòi buộc chúng ta phải có một chọn lựa căn bản, một thái độ
dứt khoát, một lập trường minh bạch. Thực vậy, chúng ta hãy nhớ lại lời tiên
tri của ông già Simêon:
- Trẻ nhỏ này sẽ nên như bia cho người
ta chống đối.
Lời tiên tri này đã, đang và sẽ còn
được thực hiện. Ngài đã phân rẽ thế giới này thành hai phe rõ rệt. Đang khi các
mục đồng và ba nhà đạo sĩ đã thờ lạy Chúa nơi máng cỏ Bêlem, thì Hêrôđê đã ra
lệnh truy lùng và tàn sát Chúa.
Trong cuộc sống công khai cũng thế,
đang khi dân chúng say mê bước theo Chúa, thì bọn luật sĩ đã tìm mọi cách để ám
hại Ngài và chắc chắn họ đã được thỏa mãn khi đóng đinh Ngài vào thập giá.
Giáo hội hôm nay chính là hiện thân của
Đức Kitô, chính là Đức Kitô được kéo dài qua dòng thời gian, nên cũng phải đi
theo con đường của Ngài và chịu chung cùng một số phận với Ngài.
Đúng thế, sau bài giảng của thánh Phêrô
trong ngày lễ Hiện xuống, hàng ngàn người đã tin theo Chúa và đã lập nên cộng
đoàn Giêrusalen, thế nhưng các đầu mục Do Thái đã tức tối, bắt giam và xét xử
các tông đồ. Những giọt máu đào của Stephanô đã khơi nguồn cho dòng máu anh
hùng của các vị tử đạo trên toàn thế giới.
Giữa lúc Giáo hội đang phát triển mạnh
mẽ, thì ba trăm năm cấm cách dưới thờ các bạo vương La Mã tưởng chừng như muốn
nhận chìm con thuyền Hội Thánh... Tất cả những sự việc ấy, một lần nữa đã chứng
thực cho lời tiên tri của ông già Simêon:
- Trẻ nhỏ này sẽ nên bia cho người ta
chống đối.
Và chân lý ngàn đời của Đức Kitô đã trở
thành sự thật:
- Thầy đến để đem sự phân rẽ.
Ngài đã phân rẽ nhân loại này thành hai
giới tuyến rõ rệt. Thế nhưng, điều quan trọng đó là mỗi người chúng ta sẽ đứng
vào giới tuyến nào? Theo Thiên Chúa hay theo Satan, theo Đức Kitô hay theo thế
gian?
Sống là bơi ngược dòng nước và nếu
không cố gắng bơi, thì sẽ bị dòng nước cuốn trôi. Sống là chiến đấu và cuộc
chiến đấu cam go nhất chính là cuộc chiến đấu giữa sự thiện và sự ác, như lời
thánh Phaolô đã diễn tả:
- Sư thiện tôi muốn thì tôi lại không
làm, còn điều ác tôi ghét thì tôi lại làm.
Sống là chọn lựa và một khi đã chọn lựa
Đức Kitô, thì chúng ta phải can đảm chiến đấu dưới bóng cờ của Ngài.
Chiến đấu dưới bóng cờ của Đức Kitô
không có nghĩa là trở lại thời ký lạc hậu và tăm tối, chưa có ánh sáng văn minh
và những phương tiện hiện đại như ngày hôm nay.
Chiến đấu dưới bóng cờ của Đức Kitô có
nghĩa là là trở lại thời kỳ người ta biết vâng phục thánh ý Chúa, biết sống
chan hòa yêu thương và biết ra sức khử trừ tội lỗi...
Chiến đấu dưới bóng cờ của Đức Kitô có
nghĩa là phải biết nói không với những cám dỗ của ma quỉ, phải biết nói không
với những quyến rũ của trần gian. Thà chết, chứ chẳng thà phản bội Chúa.
Hay như hoàng hậu Blanche de Castille
đã nói với con mình là vua thánh Louis như sau:
- Thà rằng mẹ thấy con chết trước mặt
mẹ còn hơn là thấy con phạm một tội trọng mất lòng Chúa.
Cuộc chiến đấu chống lại tội lỗi là một
cuộc chiến đấu dứt khoát và không khoan nhượng, một cuộc chiến đấu liên tục
từng giây và từng phút, chẳng lúc nào được ngơi nghỉ, chẳng lúc nào được nới
lỏng vì ma quỉ sẽ không bao giờ ngủ trưa và tội lỗi sẽ không bao giờ giải lao
hay xả hơi, đúng như thánh Phêrô đã diễn tả:
- Ma quỉ như sư tử lượn quanh tìm mồi
cắn xé.
Hơn thế nữa, càng bị thử thách, chúng
ta lại càng phải tin tưởng vào Chúa. Càng bị vùi dập, chúng ta lại càng phải
vùng dậy mạnh mẽ hơn. Trong cuộc chiến đấu này, chúng ta phải luôn luôn tiến
tới, bởi vì không tiến tức là lùi.
Vậy cuộc chiến đấu cam go này sẽ đem
lại cho chúng ta hậu quả nào?
Tôi xin thưa, đó là phần rỗi của lình
hồn và niềm hạnh phúc vĩnh cửu của Nước Trời, như lời Ngài đã phán hứa:
- Ai bền đỗ đến cùng, thì sẽ được cứu
rổi.
Hay như một câu danh ngôn cũng đã xác
quyết:
- Nếu muốn được hạnh phúc trong một
ngày, thì hãy mặc một chiếc áo mới. Nếu muốn được hạnh phúc trong một tuần, thì
hãy giết một con heo. Nếu muốn được hạnh phúc trong một tháng, thì hãy thắng
một vụ kiện. Nếu muốn được hạnh phúc trong một năm, thì hãy lấy vợ, lấy chồng.
Nếu muốn được hạnh phúc suốt cả một đời, thì hãy trở nên người tử tế. Còn nếu
muốn được hạnh phúc đời đời, thì hãy sống và chiến đấu cho Đức Kitô.
Để kết luận, chúng ta cùng nhau ghi
nhận tư tưởng sau đây:
Hãy là một ngọn lửa cho tình yêu Chúa
được bừng cháy.
Hãy là một chiếc ly thủy tinh cho ơn
Chúa được tràn đầy.
Hãy là một tấm gương cho hình ảnh Chúa
được phản chiếu.
Dù khi tôi cười, thì nụ cười ấy cũng sẽ
nói về Chúa.
Dù khi tôi khóc, thì những giọt nước
mắt ấy cũng sẽ rơi vào lòng bàn tay của Chúa.
Hãy là người chiến sĩ của Đức Kitô ở
mọi nơi và trong mọi lúc, cũng như qua mọi cảnh huống thăng trầm của đời mình.
17. Tình yêu
"Thầy đã đến ném lửa vào mặt đất,
và Thầy những ước mong lửa ấy cháy bùng lên". Đó là lời Chúa Giêsu nói
trong bài Tin Mừng. Ngọn lửa Chúa Giêsu ném vào thế giới là gì? Chúa muốn ám
chỉ điều gì?
Trước hết chúng ta biết: lửa là một
hình ảnh rất quen thuộc và có nhiều ý nghĩa khác nhau đối với nhiều dân tộc.
Người Việt Nam quan niệm rằng: trái đất chúng ta đang sống được cấu tạo bởi năm
chất: kim, mộc, thủy, hỏa, thổ, tức là sắt, gỗ, nước, lửa và đất. Theo văn
chương Ba Tư, người ta tìm ra lửa trong một cuộc chiến với con rồng. Chuyện kể
rằng: một dũng sĩ Ba Tư đã dùng một hòn đá lớn để ném con rồng, nhưng vì ném
không trúng đích, hòn đá rớt trên một phiến đá khác và tẹt ra lửa. Hầu hết các
chuyện thần thoại đều kết luận: lửa là một món quà quí giá Tạo Hóa đã ban tặng
cho con người. Một số người xưa lại tưởng rằng: lửa là một vị thần, nên đã tôn
thờ gọi là " Bái Hỏa".
Nói đến lửa, ai cũng biết tầm quan
trọng và công dụng của nó là sáng, nóng, sưởi ấm, đốt cháy, thiêu hủy. Ai trong
chúng ta cũng cần lửa. Lửa rất có ích lợi, nhưng cũng rất nguy hiểm. Nó dùng để
nấu nướng thức ăn và chế biến nhiều thứ khác, nhưng nó cũng có thể đốt cháy nhà
cửa và thiêu rụi tài sản của chúng ta. Vì thế, đâu đâu cũng có sở cứu hỏa, sở
chữa cháy, và nhắc nhở chúng ta đề cao cảnh giác: phòng cháy, chữa cháy, đừng
đùa giỡn với lửa.
Ngoài lửa vật chất ra, trong lòng mỗi
người còn có một thứ lửa khác, là lửa dục, lửa tham. Lòng dục và lòng tham đó
còn bén nhạy và mãnh liệt mạnh mẽ hơn lửa vật chất. Chẳng hạn: có phải mỗi khi
trong lòng chúng ta muốn gì thì như có một sức mạnh như lửa không ngăn cản nổi
không? Hoặc là khi chúng ta bực tức điều gì, thì có phải lòng chúng ta sôi sục
lên không? Vì thế người ta nói: "Người gì mà nóng như lửa", hay
"nóng như lửa đốt"... Nhất là khi chúng ta để cho lòng dục lòng tham
bùng lên, có phải nó sẽ gây nhiều tai hại không?
Trong Kinh Thánh, chúng ta thấy nhiều
lần nói đến lửa với nhiều ý nghĩa khác nhau. Trong Cựu ước, lửa được dùng để
chỉ Thiên Chúa hiện diện, chỉ sự tinh luyện xấu xa tội lỗi, và cũng ám chỉ hình
phạt của Thiên Chúa. Trong Tân ước, cũng nhiều lần nói đến lửa, đặc biệt thánh
Giacôbê đã mô tả cái lưỡi của con người là một ngọn lửa, vì tác dụng của nó có
thể hại hơn cả lửa. Cái lưỡi ở đây ám chỉ những lời nói độc địa, ghê gớm, chẳng
hạn: một lời nói vu oan có thể giết hại cả một con người. Một lời hành tỏi, nói
hành nói xấu làm cho người khác phải buồn phiền, đau khổ, mất ăn mất ngủ...
Đặc biệt hơn nữa, ngọn lửa còn được
dùng để diễn tả tình yêu. Đây chính là ý nghĩa của ngọn lửa mà Chúa Giêsu muốn
nói trong bài Tin Mừng. Chúa Giêsu đến trần gian như ngọn lửa cứu độ. Ngọn lửa
cứu độ đó là tình yêu của Ngài. Tình yêu của Ngài đối với loài người là ngọn
lửa không bao giờ tắt, như trong kinh cầu Trái Tim Chúa Giêsu có câu:
"Trái Tim Đức Chúa Giêsu là lò lửa yêu mến hằng cháy". Thực vậy, khi
Chúa Giêsu nhập thể, Ngài đem ngọn lửa tình yêu từ trời xuống trần gian. Lửa đó
đã thắp lên tại Bêlem, lửa đó không ngớt thiêu đốt Chúa ba mươi năm ẩn dật ở
Nagiaret, lửa đó đã bừng cháy trong hồi thương khó để lan tỏa cho hết mọi
người. Nói rõ hơn, vì yêu thương nhân loại, Chúa Giêsu đem lửa tình yêu xuống
thế gian. Ngài muốn mọi người tiếp nhận được ngọn lửa yêu thương của Ngài. Vì
thế, Chúa nói: Ngài mong muốn biết bao ngọn lửa tình yêu của Ngài được bùng
cháy lên.
Chúa Giêsu đem ngọn lửa tình yêu đến,
vậy tại sao cũng trong bài Tin Mừng này Chúa lại nói: "Anh em tưởng rằng
Thầy đến để ban hòa bình cho trái đất sao? Thầy bảo cho anh em biết: không phải
thế đâu, nhưng là đem sự chia rẽ". Lời này có ý nghĩa thế nào? Có mâu
thuẫn không? Chúng ta cần hiểu cho đúng.
Thật sự trong ba năm giảng dạy, chúng
ta thấy Chúa chỉ luôn kêu gọi mọi người sống hiền lành khiêm nhường, đừng đố
kỵ, ganh ghét, hận thù nhau, nhưng hãy thông cảm tha thứ và yêu thương nhau.
Chẳng thấy Chúa đem gươm giáo đến, cũng chẳng thấy Chúa thúc đẩy người ta gây
chiến, bất hòa, chống đối, chém giết nhau. Vậy lời Chúa tuyên bố trên đây chúng
ta phải hiểu rằng: Chúa chỉ là nguyên nhân, là cái cớ để người ta chống đối
những người tin theo Chúa, tức là vì Chúa mà người ta chống đối chém giết nhau.
Nói rõ hơn, Tin Mừng của Chúa được rao
giảng, có người hoan hỉ đón nhận và có người ra sức chống đối, nghĩa là Tin
Mừng của Chúa đem lại an bình và yêu thương, nhưng nó vẫn phải va chạm với thái
độ của một số người chống đối. Những người chống đối lại va chạm với những
người theo Chúa, thế là có sự chia rẽ nhau. Đó là trong xã hội. Ngay cả trong
gia đình cũng có thể xảy ra sự chia rẽ, vì có người theo và có người không theo
Chúa. Đây là sự chia rẽ vì niềm tin, vì lối sống đạo. Tình trạng này đã xảy ra
thời Giáo Hội sơ khai, và vẫn xảy ra luôn mãi. Lịch sử các vị tử đạo đã chứng
minh: những người theo đạo thường bị chính quyền và đồng bào mình ghét bỏ. Hoặc
là trong một gia đình ngoại giáo, có một người trở lại đạo, là để kết hôn với
người có đạo chẳng hạn, cha mẹ không bằng lòng. Thế là có sự xung khắc giữa cha
mẹ và chính người con của mình. Như vậy, hai lời Chúa tuyên bố trong bài Tin
Mừng hôm nay, không mâu thuẫn mà bổ túc cho nhau. Chúng ta phải rao giảng, phải
đem tình yêu của Chúa đến cho mọi người, dù gặp hoàn cảnh nào cũng không được
lùi bước, dù phải rướm máu hay đổ máu.
Chúa Giêsu đem lửa yêu thương đến trần
gian và Ngài mong muốn ngọn lửa ấy bùng cháy lên. Đó là tâm nguyện của Chúa và
cũng là trách nhiệm của mỗi người chúng ta. Nếu con người cần cơm bánh để sống,
thì họ cũng cần tình yêu để tồn tại. Nếu con người cần áo quần để che thân, thì
họ cũng cần tình thương để sưởi ấm. Nếu con người muốn được bình an để vui
sống, thì chỉ có tình thương mới đáp ứng được ước muốn đó. Đó là bổn phận của
chúng ta.
Nhưng chúng ta hãy nhớ: "Không ai
có thể cho người khác cái mình không có", nghĩa là chỉ khi nào ngọn lửa
yêu thương thực sự sáng lên nơi mỗi người chúng ta, trong gia đình chúng ta,
trong cộng đoàn chúng ta, trong Hội thánh chúng ta thì chúng ta mới có thể loan
báo và đem tình yêu thương đến cho những người khác.
18. Dấu chỉ
Tin Mừng chúng ta vừa nghe, có vẻ khác
lạ nếu chưa muốn nói là chói tai. Thường chúng ta vẫn có những quan niệm rất
bình an và dịu dàng về con người Giêsu và nhất là về giáo lý bác ái của Người.
Các thiên thần đã không hát khúc ca hòa bình trong ngày Ngài giáng sinh đó sao?
Và trọng tâm giáo lý của Ngài không phải là tình thương đó sao? Ngài chẳng đến
để hòa giải giữa Thiên Chúa và loài người, và giữa dân ngoại và Do thái đó sao?
Thế mà hôm nay, trong đoạn vắn tắt của thánh Luca, chúng ta thấy Ngài nói đến
Lửa và Nước, chia rẽ và chống đối, và ngay tại gia đình thường được gọi là tổ
ấm. Giải thích điều đó thế nào đây?
Chúng ta đang trên đường lên
Giêrusalem, nơi Đức Giêsu sẽ được đưa lên cao. Sau khi mời gọi phải tỉnh thức,
được minh họa bằng dụ ngôn người quản lý khôn ngoan trong Tin Mừng Chúa nhật
tuần trước, giờ đây Đức Giêsu nói với những ai theo Người ba lời về thử thách,
có ý nói đến những nguy hiểm của cuộc phiêu lưu theo Người: Số phận của người
môn đệ sẽ không khác gì Thầy mình.
Lời thứ nhất loan báo Đức Giêsu đến
"để ném lửa vào mặt đất". Lửa đây là gì? Dĩ nhiên lửa đây không phải
là thứ lửa vật chất mà chúng ta dùng để nhóm bếp hay dùng để đốt thuốc lá. Lửa
ở đây phải được hiểu theo nghĩa tượng trưng. Trong Cựu ước lửa tượng trưng cho
quyền năng tối thượng, sự hiện diện đáng sợ của Thiên Chúa. Đó cũng có thể là
lửa phán xét của Thiên Chúa để thiêu hủy những kẻ xấu và thanh luyện một số ít
những người trung tín còn lại. Nhưng đối với thánh Luca, trước hết lửa là biểu
tượng của thần khí đã ngự trên Đức Giêsu, đã xức dầu cho Ngài, đã sai Ngài đi
rao giảng Tin Mừng cho người nghèo khó, công bố ơn giải thoát cho kẻ tù đày,
cho người đui được thấy, cho kẻ áp bức được giải oan, loan báo năm hồng ân của
Thiên Chúa. Nhưng cũng chính vì đó mà Đức Giêsu trở thành dấu chỉ của sự chống
đối trong suốt cuộc đời của Ngài. Cuối cùng khi sự bất hòa lên đến tột đỉnh
Ngài đã bị các đối thủ giết chết. Đồng thời lửa đó cũng là thần khí đến thiêu
đốt các tông đồ trong ngày lễ Hiện xuống. Chính ngọn lửa đó đã làm cháy tan sự
lo lắng, sợ hãi trong các tông đồ và dẫn các ông ra đi làm chứng cho Đức Giêsu.
Dẫu cho trong sứ vụ làm chứng đó, các ông gặp chống đối và phải thiệt thân.
Là Kitô hữu chúng ta đã lãnh nhận thần
khí qua bí tích Rửa tội và Thêm sức. Thì chắc chắn chúng ta cũng sẽ trở nên dấu
chỉ sự chống đối như Đức Giêsu.
Lời thứ hai của Đức Giêsu giới thiệu
"cái chết" của Người như một phép rửa, mà Người sẽ bị nhận chìm trong
đó để cứu rỗi dân Người: "Thầy còn một phép rửa phải chịu và lòng Thầy
khắc khoải biết bao cho đến khi việc này hoàn tất".
Từ "Phép rửa", theo nguyên
nghĩa là "sự nhận chìm trong nước". Vào thời của thánh Luca, phép rửa
không phải là mấy giọt nước xối trên trán như phép rửa của chúng ta ngày nay.
Người nhận phép rửa phải nhận chìm toàn thân vào trong một hồ nước. Vì thế phải
dịch câu nói của Đức Giêsu thế này: "Thầy phải được nhận chìm trong một hồ
nước". Khi nói như thế, cho thấy Đức Giêsu đang nghĩ đến cuộc khổ nạn, đến
cuộc tắm máu,... hay chính xác hơn, Ngài đang nghĩ đến những dòng nước cuồn
cuộn khổ đau và chết chóc, không bao lâu nữa sẽ dìm chết Ngài. Đức Giêsu xao
xuyến nghĩ đến việc đó. Nhưng việc đó đối với Ngài là điều cần thiết như lời
Ngài nói "Thầy còn một phép rửa phải chịu...". Đây là một công thức
thông thường để nói về cuộc khổ nạn khắc khoải ấy qua đó một ý định nhiệm màu
được thực hiện.
Khi nêu lên chủ đề "ơn ban bởi
thần khí" và "phép rửa trong cái chết", thánh Luca đã cho thấy
Đức Giêsu đã phải trả giá đắt biết bao cho sự cứu chuộc thế gian.
Phép rửa này là một cuộc vượt qua bắt
buộc đối với Đức Giêsu và các môn đệ Ngài. Vì vậy Ngài hỏi ông Giacôbê và
Gioan, khi các ông muốn làm lớn trong Nước của Ngài: "Các con có thể uống
chén mà Thầy sắp uống, chịu phép rửa mà Thầy sắp chịu không?"
Bởi đó muốn được sống lại với Đức
Giêsu, thì chúng ta cũng phải chịu dìm mình vào cái chết của Người, nghĩa là
chết đi cho thói hư, tật xấu và tội lỗi của mình.
Lời thứ ba của Đức Giêsu quả quyết rõ
ràng, những ai theo Người cũng sẽ phải gặp thử thách trên bước đường đi của họ,
và ngay cả trong gia đình của chính mình.
Hòa bình là một điều tốt lành nhất mà
người ta chờ đợi từ Đấng Messia. Trái lại, lời giảng dậy và hành động của Đức
Giêsu gây ra những phản ứng chống đối mạnh mẽ. Đức Giêsu là một con người bị
truy đuổi. Ngài cảm thấy điều đó ở xung quanh mình. Nhưng thay vì từ bỏ hành
động và sợ hãi, Ngài tiến thẳng về cái chết với một lòng can đảm đáng khâm
phục. Và Ngài loan báo cho các bạn hữu của Ngài, chính họ cũng bị chống đối như
vậy.
Như những người đồng thời với Đức
Giêsu, chúng ta mơ ước hòa bình và chúng ta muốn hưởng trọn vẹn sự hài hòa yên
tĩnh ấy, vốn là sự nghỉ ngơi của tâm hồn, của vợ chồng với nhau, của cha mẹ với
con cái, của con cái với cha mẹ, của môi trường xã hội này với môi trường khác...
Shalom, hòa bình là ước mong mà người Do thái nói với nhau mỗi ngày. Thực tế,
đó là lý tưởng tóm tắt tất cả những gì người ta mong ước.
Thế thì tại sao Chúa lại có vẻ đề cao
sự chia rẽ? Chúa không phải là hòa bình của thế giới sao?
Vâng, Đức Giêsu chính là người mang lại
hòa bình. Nhưng không phải là thứ hòa bình dễ dãi. "Thầy ban cho anh em
bình an của Thầy. Thầy ban cho anh em không như thế gian ban tặng". Có
những nền hòa bình lừa dối, những sự an ninh ru ngủ và nguy hiểm. Chúng chỉ dựa
trên những thỏa hiệp, nhượng bộ, không dám bùng nổ vì sợ thiệt hại cho thân
thể, của cải, danh tiếng của mình. Hòa bình kiểu đó chỉ che đậy những chống đối
trầm trọng, ẩn chứa đầy sóng ngầm, che dấu chiến tranh lạnh, hay duy trì những
phần tử đặt cạnh nhau mà không cảm thông lẫn nhau. Tất cả những điều đó là sự
trái ngược của hòa bình. Hòa bình đích thực chỉ có thể đạt được khi chúng ta
lựa chọn theo Đức Giêsu. Tuy nhiên lựa chọn theo Đức Giêsu là bao hàm cả thập
giá, chính là sự chia rẽ trong một cộng đoàn sống chung, hoặc huyết tộc, một
gia đình, mà đáng lẽ sự đoàn kết được coi như điều hiển nhiên như năm ngón tay
trong một bàn tay. Đứng trước việc Đức Giêsu đến, không còn gì không bị đảo
lộn.
Trong cuộc đời của chúng ta, sự hiện
diện của Đức Giêsu và Lời của Ngài không phải là một sự hiện diện trung lập vô
hại, vô thưởng vô phạt. Không. Tin Mừng của Đức Giêsu là một loại thuốc nổ, một
thứ diêm sinh, là thứ lửa cực nóng thiêu đốt, thanh luyện, biến đổi cuộc sống
con người và thay đổi bộ mặt thế giới. Lửa thần linh mà Thiên Chúa ban cho
chúng ta trong ngày lãnh bí tích Rửa tội cũng phải bừng lên và hoạt động như
vậy. Ánh lửa thiêng ấy phải thay đổi, biến chúng ta trở thành các chứng nhân
của Tin Mừng. Nhưng con đường của lòng tin, con đường theo Chúa và cách sống
Tin Mừng triệt để, đòi chúng ta phải có lòng can đảm và kiên trì. Bởi vì,
thường khi nó khiến chúng ta rơi vào tình trạng sống khác với những người thân
yêu và môi trường sống của chúng ta. Không phải vì giáo huấn của Chúa xấu hay
dở, nhưng bởi vì nó đi ngược dòng đời, nó chống lại mọi cách suy tư và hành xử
theo tính toán ích kỷ tự nhiên của con người. Do đó, tin Chúa và bước theo Chúa
là một cuộc kháng chiến trường kỳ và đầy gian khổ.
Nếu đức tin nơi Chúa là một chọn lựa
đầy yêu sách, thì xin Chúa làm cho đức tin ấy có thể, bởi ơn của thần khí Chúa:
"Lạy Chúa, giữa lòng thế giới, xin hãy đốt lên ngọn lửa của thần khí
Chúa".
19. Ném lửa
"Thầy đến để ném lửa trên mặt
đất... Thầy đến không phải để đem hòa bình, nhưng là đem sự chia rẽ".
Những lời lạ lùng mà chúng ta vừa nghe đến từ Đức Giêsu! Chúng ta không muốn
chờ đợi Người dùng lửa và gươm (sự chia rẽ). Người cũng không muốn. Khi Giacôbê
và Gioan muốn Người khiến lửa và diêm sinh từ trời xuống trên một ngôi làng
người Samari, Người nói với hai ông ấy rằng họ không biết điều họ nói. Và khi
Phêrô rút thanh gươm ra trong vườn cây dầu, Đức Giêsu nói với ông hãy cất gươm
đi.
Đức Giêsu không đến để gây ra xáo trộn
hoặc làm cho các gia đình tan vỡ. Nhưng thỉnh thoảng điều ấy đã xảy ra. Trong
thời kỳ sơ khai của Giáo Hội, hoán cải theo Kitô giáo hầu như dẫn đến việc bị
gia đình từ bỏ, do đó người trở lại đạo phải chọn lựa giữa Đức Kitô và gia đình
mình.
Rõ ràng khi Đức Giêsu nói về việc ném
lửa và gây chia rẽ từ ngữ của Người không được dùng theo nghĩa đen. Tuy nhiên
những lời ấy có ý nghĩa thực tế đối với Người. Đức Giêsu hiền lành nhưng không
có nghĩa Người yếu đuối. Khi hoàn cảnh đòi hỏi, Người cũng rất quả quyết như
khi Người đuổi những con buôn ra khỏi đền thờ.
Những lời ấy cũng thể hiện những điều
rất mạnh mẽ trong giáo huấn của Người. Giáo huấn của Người gây ra chia rẽ.
Người dạy rằng Vương quốc của Thiên Chúa mở ra cho mọi người, thánh nhân và
người tội lỗi, người Do thái và dân ngoại. Điều này đưa đến sự xung đột của
Người với cơ chế tôn giáo của thời đó. Người gọi các kinh sư và người Pharisêu
là những kẻ giả hình và những người mù dẫn đường. Họ gọi Người là một kẻ làm
loạn và một người bị quỉ ám.
Nếu Đức Giêsu đã nịnh hót đám đông, và
chỉ nói với họ những điều "dễ nghe", hẳn Người đã trở thành một người
được quần chúng ưa thích. Nhưng Người đã chọn cách làm cho quần chúng bối rối.
Bởi lẽ họ cần có người làm cho họ phải bối rối. Lời Người làm tổn thương một
vài người và làm những người khác tức giận. Những lời Người nói với người nghèo
khác với những lời Người nói với người giàu. Những lời Người nói với người tội
lỗi khác với những lời Người nói với Pharisêu. Chúng ta sẽ phản bội lại Tin
Mừng nếu chúng ta giản lược nó thành một sứ điệp dịu dàng, từ tốn cho tất cả
mọi người không cần biết đến những khác nhau giữa người giàu và người nghèo,
giữa người có đặc quyền và người cùng khổ. Một Tin Mừng nhạt nhẽo như thế không
thể trở thành men làm dậy bột thế gian.
Có một xu hướng "thuần hóa"
Tin Mừng, giản lược nó vào những lời nói hay đẹp và những kinh nghiệm an toàn
dễ chịu. Khi điều ấy xảy ra thì lửa tàn lụi, men mất hết sức mạnh, muối mất hết
mùi vị, ánh sáng trở nên mù mờ.
Các Kitô hữu không nên ngạc nhiên nếu
Tin Mừng chia rẽ người ta. Ý thức về công lý đã đưa Người đến chỗ xung đột với
những người bất lương. Lòng khoan dung của Người khiến Người phải xung đột với
người có đầu óc hẹp hòi và tin tưởng mù quáng. Ánh sáng càng sáng tỏ thì bóng
tối mà nó đẩy lùi càng thêm tăm tối.
"Khi tôi cho người nghèo lương
thực, họ gọi tôi là một ông thánh. Nhưng khi tôi hỏi tại sao người nghèo không
có lương thực, họ gọi tôi là một người cộng sản". Cố Tổng giám mục Helder
Camara, người chiến sĩ đấu tranh cho người nghèo ở Braxin đã nói như thế.
Đức Giêsu nói rằng Người đến để thắp
lửa trên mặt đất. Đây chỉ là một hình ảnh, một ẩn dụ nhưng là một ẩn dụ mạnh
mẽ. Đó là một biểu tượng của sự phán xét và thanh luyện. Lửa đốt cháy những gì
vô ích, và thanh lọc những gì còn ô uế.
Sứ điệp Tin Mừng là một ngọn lửa thanh
luyện, nó là men cho xã hội và thế gian. Ngọn lửa ấy không chỉ được đốt lên mà
còn được giữ gìn. Chúng ta, những môn đệ của Đức Giêsu là những người chăm sóc
giữ gìn ngọn lửa ấy.
20. Sứ mạng của Đức Giêsu – Lm FX Vũ
Phan Long
Nguyện ước sâu xa của Đức Giêsu, Đấng
đầy Thánh Thần, là đạt được cuộc gặp gỡ cao độ, "nóng cháy", với loài
người. Nếu chúng ta hiểu ý Người và cũng mong muốn như thế, chúng ta cần để cho
Thánh Thần của Người hướng dẫn để biết lấy lập trường đúng đắn.
1.- NGỮ CẢNH
Những lời Đức Giêsu nói về tôi tớ và
chủ đã chấm dứt tại 12,48 trong bài tường thuật về hành trình lên Giêrusalem;
nay Đức Giêsu chuyển sang những đề tài khác. Đề tài đầu tiên là một loạt những
lời bình luận về sứ vụ của chính Người (12,49-53). Trong những câu trước (cc.
36.40.43.45-46), tác giả đã nhắc tới việc một ông chủ (kyrios), một tên trộm,
và Con Người, "đến". Rất có thể những điểm này đã gợi cho ông thêm
các lời bình về việc chính Đức Giêsu đến (cc. 49.51).
2.- BỐ CỤC
Bản văn có thể chia thành hai phần:
1) Nguyện vọng sâu xa của Đức Giêsu
(12,49-50);
2) Hậu quả sứ mạng Đức Giêsu gây ra
(12,51-53).
3.- VÀI ĐIỂM CHÚ GIẢI
- ném lửa vào mặt đất (49): Trong Cựu
Ước, lửa đôi khi được dùng với ý nghĩa là một phương tiẹn để thanh luyện (Lv
13,52; Ds 31,23), để biện phân hoặc tách biệt (Gr 23,29; Is 33,14), và để xét
xử (St 19,24; Xh 9,24; Tv 66,12; Is 43,2). Các nhà chú giải gán cho
"lửa" trong Lc 12,49 nhiều nghĩa: Chúa Thánh Thần (Thánh Grêgôriô Cả,
thánh Ambrôsiô, thánh Xyrillô Alêxandria; thánh Giêrônimô); các thử thách đang
chờ các môn đệ (Maldonat); công trình thanh luyện và canh tân của Đức Giêsu ở trần
gian (Knabenbauer, BJ).
- Thầy còn một phép rửa phải chịu (50):
Phép rửa ở đây có nghĩa ẩn dụ: bị tràn ngập bởi tai ương. Đức Giêsu khẳng định
rằng ước muốn Người vừa diễn tả phải lệ thuộc một điều kiện: trước hết Con
Người phải lên Giêrusalem và trải qua cuộc Thương Khó.
- lòng Thầy khắc khoải biết bao (50):
Nghĩ đến viễn tượng Thương Khó, tâm hồn Người khắc khoải" (synechomai). Ta
có thể hiểu nỗi "khắc khoải" này như là cảm nhận tại vườn Ghếtsêmani,
hoặc như một nỗi ước ao mãnh liệt là sứ mạng cứu thế của Người đạt tới mức hoàn
tất (TOB).
- hoà bình (51): TM Lc thường nêu lên
rằng hoà bình / bình an là ân huệ tiêu biểu nhất của thời thiên sai (2,14.29;
7,50; 8,48; 10,5-6; 11,21; 19,38-42; 24,36). Kiểu nói nghịch lý của Đức Giêsu ở
đây cho hiểu hòa bình này không phải là thứ hòa bình trần thế dễ đạt được như
các ngôn sứ giả vẫn giới thiệu (Gr 6,14; 8,11; Ed 13,10.16).
- cha chống lại con trai (53): Rất có
thể Mk 7,6 là bối cảnh của câu này.
4.- Ý NGHĨA CỦA BẢN VĂN
* Nguyện vọng sâu xa của Đức Giêsu (49-50)
Trong Tin Mừng Luca, Đức Giêsu có nói
một câu vẫn còn gây thắc mắc: "Thầy đã đến ném lửa vào mặt đất, và Thầy
những ước mong phải chi lửa ấy đã bùng lên". "Lửa" Đức Giêsu
mang đến mà ném vào mặt đất là gì? Và tại sao Người lại mong ước cho lửa đó
bùng lên?
Có những người cho rằng đây là một thứ
lửa đã được đốt lên, nên dịch là: "Thầy đã đến ném lửa vào mặt đất, và
Thầy còn ước mong gì nữa, nếu lửa ấy đã bùng lên rồi" (Bản dịch Anh giáo,
Crampon, Joušon, NTT...); đây là y như thể Đức Giêsu chẳng còn gì mà mong ước,
nên chỉ còn việc chờ đợi chịu Thương Khó (c. 50) hầu hoàn tất sứ mạng. Bản Nova
Vulgata dịch theo hướng này: "Ignem veni mittere in terram et quid volo?
Si iam accensus esset!" Nhưng đa số các tác giả nghĩ rằng Đức Giêsu diễn
tả một nguyện ước, nên đã dịch: "Thầy đã đến ném lửa vào mặt đất, và Thầy
những ước mong phải chi lửa ấy đã bùng lên". Bản Vulgata cũ dịch theo
nghĩa này là: "Ignem veni mittere in terram et quid volo nisi ut
accendatur?"; đây cũng là cách dịch của Segond, Zorell, Lagrange, BJ, TOB,
CGKPV...
Trong Cựu Ước, "lửa" đôi khi
được dùng với ý nghĩa là một phương tiẹn để thanh luyện (Lv 13,52; Ds 31,23),
để biện phân hoặc tách biệt (Gr 23,29; Is 33,14), và để xét xử (St 19,24; Xh
9,24; Tv 66,12; Is 43,2). Vậy từ ngữ "lửa" của Lc 12,49 có nghĩa nào?
Có tác giả cho rằng lửa này quy về Chúa Thánh Thần (x. Cv 2,3): Đức Giêsu hiện
đang mang Chúa Thánh Thần và ước mong là tất cả mọi người được đầy Thánh Thần
(Thánh Grêgôriô Cả, thánh Ambrôsiô, thánh Xyrillô Alêxandria, thánh Giêrônimô).
Nhưng lửa này cũng được giải thích là quy chiếu về phán xét (x. 3,17): Đức
Giêsu đưa lại sự chia cắt giữa người tốt và kẻ xấu và muốn rằng sự chia cắt này
xảy ra trọn vẹn (Knabenbauer, BJ).
Dù có chọn nghĩa nào, "lửa"
cũng cần được liên kết với Lc 3,16, là câu trả lời của Gioan: "Tôi, tôi
làm phép rửa cho anh em trong nước, nhưng có Đấng mạnh thế hơn tôi đang đến,
tôi không đáng cởi quai dép cho Người. Người sẽ làm phép rửa cho anh em trong
Thánh Thần và lửa". Qua câu này, ta nhận thấy "lửa" có nghĩa
tượng trưng. Thật ra dựa theo ngữ pháp (hai danh từ nối với nhau bằng liên từ
"và"), chúng ta đã có thể giải thích rằng "Thánh Thần và
lửa" có nghĩa là "Thánh Thần là lửa", và từ đó có thể đi đến
những nghĩa khác như là hệ quả, chẳng hạn "sự thanh luyện", hay là
"sự biện phân", "sự xét xử" như là những tác động của Thánh
Thần. Tuy nhiên, nối tiếp câu này là c. 17 cũng có "lửa": "Tay
Người cầm nia rê sạch lúa trong sân: thóc mẩy thì thu vào kho lẫm, còn thóc lép
thì bỏ vào lửa không hề tắt mà đốt đi". "Lửa" này chắc chắn
không có nghĩa như "lửa" trong c. 16.
Muốn tìm ra nghĩa chính xác của
"lửa", nên tìm hiểu xem Đức Giêsu đến để làm gì? Người muốn đạt được
điều gì nhờ hoạt động của Người? Chẳng lẽ Người không muốn mang bình an đến,
kêu gọi loài người thông cảm nhau hơn, đối xử nhân hậu và từ bi với nhau hơn?
Chính Đức Giêsu đã diễn tả rõ ràng về mục tiêu sứ mạng của Người và những hậu
quả phát sinh từ đó: Người đến ném lửa vào mặt đất; có một phép rửa Người phải
chịu; Người đến để gây chia rẽ. Thật ra những lời lẽ này không mô tả hết ý
nghĩa của sứ mạng của Đức Giêsu. Nhưng các phương diện thuộc sứ mạng của Người
được nhắc đến ở đây cần được cứu xét.
Nói đến việc "Người đến",
chúng ta nhớ đến những lời khác: "Tôi không đến để kêu gọi người công
chính, mà để kêu gọi người tội lỗi sám hối ăn năn" (5,32). "Con Người
đến để tìm và cứu những gì đã mất" (19,10). Một yếu tố cốt yếu của sứ mạng
Người là nhân ái đối với những kẻ tội lỗi, nỗ lực đưa họ về lại với Thiên Chúa.
Đức Giêsu đầy lòng tốt lành và từ bi thương xót (x. Lc 7,36-50). Nhưng Người
không hề nhắm biện minh cho mọi sự, triệt tiêu sự phân biệt giữa tốt và xấu,
làm cho mọi sự hòa hợp với nhau. Mục tiêu của Người không phải là sự yên tĩnh
và bình an của một thỏa hiệp chung. Người đã đến ném "lửa" vào trần
gian. Đó là ý muốn thâm sâu của Người: trái đất được bao trùm trong
"lửa" ấy và bốc cháy. Ghi nhận rõ ràng những đường nét của câu nói
của Đức Giêsu, ta thấy các cách giải thích trên về "lửa" dường như
quá gò ép.
Có thể nói Đức Giêsu gán cho toàn thể
hoạt động của Người đặc tính của "lửa". Người đến, đầy Thánh Thần,
đầy sức sống thâm sâu nhất của Thiên Chúa. Người loan bao Tin Mừng cho người
nghèo. Người cho những kẻ bần cùng và tội lỗi biết lòng thương xót của Thiên
Chúa. Khi làm những việc ấy, Người nhen lên ngọn lửa, muốn đốt cháy, và như
lửa, Người bao trùm, xuyên suốt mọi sự. Người sẽ đến gặp người ta, nắm bắt
người ta một cách thâm sâu. Điều mà Người làm không chỉ là một đóng góp trung
lập, không hứng thú. Theo cách làm của Người, không có chỗ cho sự dửng dưng và
chán chường, không có bức tường vô phương xuyên thấu đẩy bật mọi sự trở lại,
không có một tấm bạt tráng dầu trên đó mọi sự trôi tuột đi. Hành động của Đức
Giêsu có đặc tính của "lửa": nó muốn thắng vượt mọi thái độ lãnh đạm
và xa cách; nó muốn đốt cháy; nó muốn có một cuộc gặp gỡ mãnh liệt, sống động.
* Hậu quả sứ mạng Đức Giêsu gây ra
(51-53)
Trong cuộc gặp gỡ này, ai đón tiếp Đức
Giêsu và sứ điệp của Người thì được đầy Chúa Thánh Thần. Ngược lại, đối với ai
từ khước Đức Giêsu, thì cuộc gặp gỡ này lại trở thành một cuộc phán xét nhờ
trung gian Đức Giêsu, sự đối lập đã bùng cháy và các tâm trí đang được phân rẽ
(x. 2,34t). Trong cuộc gặp gỡ với Người, sự phân rẽ này đã được thực hiện và từ
đó phát xuất ra các tương phản. Những người đón tiếp Người và những người từ
khước Người ở trong một thế đối kháng mạnh mẽ với nhau. Do đó mà xảy ra chuyện
là Đức Giêsu, Đấng muốn cuộc gặp gỡ này phải đậm đặc và ý thức về kết quả khác
của cuộc gặp gỡ, lại không loan báo hòa bình, nhưng loan báo sự chia rẽ như là
mục tiêu của việc Người ngự đến.
Một phần cốt yếu trong cuộc tiến bước
của Người là khổ nạn, chết và phục sinh, như Người đã loan báo cho các môn đệ
(9,22). Kết thúc này của hành trình là "phép rửa" mà Người phải chịu.
Kết cuộc này đến với Đức Giêsu không phải như một số phận ngẫu nhiên, nhưng là
để hoàn tất những gì Chúa Cha đã quy định cho Người và các ngôn sứ đã tiên báo
(x. 18,31). Tinh thần của Đức Giêsu cũng bị chế ngự bởi kết cuộc này, và ý muốn
sâu xa của Người là mọi sự được hoàn tất nơi Người. Và kết cuộc này cũng có đặc
tính lửa thiêu đốt trọn cuộc sống của Đức Giêsu.
Vào lúc Đức Giêsu chào đời, ca đoàn các
thiên thần đã dâng lên Thiên Chúa lời chúc tụng về hòa bình (2,14). Chính Đức
Giêsu cũng đã ban bình an cho người phụ nữ tội lỗi và người phụ nữ được chữa
lành (7,50; 8,48). Khi được sai đi rao giảng, vào nhà nào, các môn đệ phải chào
chúc bình an (10,5t). Đặc biệt đây là sự bình an với Thiên Chúa. Nhưng do những
kết quả khác nhau phát sinh từ cuộc gặp gỡ với Đức Giêsu, xảy ra những mâu
thuẫn giữa loài người với nhau, thậm chí xảy ra chia rẽ trong một gia đình.
Trong ví dụ Đức Giêsu nêu ra, đó là sự chia rẽ giữa thế hệ lớn tuổi hơn và thế
hệ trẻ hơn. Cha và mẹ một bên chống lại con trai, con gái và con dâu bên kia:
"ba chống lại hai, hai chống lại ba". Trong sách ngôn sứ Mikha, chúng
ta đọc thấy: "Con trai khinh thường cha, con gái đứng lên chống lại mẹ,
nàng dâu chống mẹ chồng, người trong nhà lại hoá ra thù địch" (7,6). Ở đây
cuộc xung đột được gây ra từ một bên: đây là cuộc nổi loạn của những người trẻ chống
lại thế hệ già hơn. Còn xung đột Đức Giêsu mô tả thì hai chiều: "cha chống
lại con trai, con trai chống lại cha". Không phải là một bên bách hại bên
kia. Và cũng chẳng rõ là bên nào có lý hơn. Như thế hai bản văn có hai quan
điểm khác nhau, không thể dung hòa. Khi nhận quan điểm này, người ta chống lại
quan điểm kia. Đón nhận quan điểm này cũng đồng thời là từ khước quan điểm kia.
Người ta không thể cùng một lúc theo Đức Giêsu và chống Đức Giêsu. Và cũng
chẳng có một lập trường ở giữa. Sự chia rẽ này chỉ do người ta lấy lập trường
cá nhân đối với Đức Giêsu, chứ không do bất cứ những đối lập nào khác.
+ Kết luận
Những lời Đức Giêsu nói trong đoạn Tin
Mừng trên đây cho chúng ta thấy nguyện ước sâu xa của Đức Giêsu. Sứ mạng của
Đức Giêsu nhắm đạt được cuộc gặp gỡ cao độ, "nóng cháy", với loài
người. Trái tim của Người khao khát hoàn tất hành trình mà Thiên Chúa đã quy
định cho Người. Mục tiêu Người nhắm không phải là một sự hài hòa bên ngoài,
nhưng là một việc lấy lập trường rõ ràng kể từ khi đã gặp gỡ cao độ với Người.
Từ chỗ này có thể phát sinh các chia rẽ. Người ta không được hy sinh việc lấy
lập trường theo Đức Giêsu hầu đạt được một thỏa hiệp cho việc đi tìm sự hài
hòa.
5.- GỢI Ý SUY NIỆM
1. Như lửa có khả năng tẩy luyện, hoạt
động của Đức Giêsu có thể thanh luyện con người chúng ta khỏi những tâm tình
bất chính, và ban cho chúng ta Thánh Thần để Thánh Thần tiếp tục sưởi ấm và soi
sáng chúng ta.
2. Đức Giêsu đang tiến về Giêrusalem để
đi vào cuộc Thương Khó; tâm hồn Người khắc khoải. Chỉ qua cuộc Khổ Nạn–Phục
Sinh, ơn cứu độ mới được ban cho loài người. Nhận ra được điều này, chúng ta
được mời gọi bỏ đi những phương tiện dễ dãi, những phương tiện to lớn chúng ta
đang dùng để bảo đảm mọi phương diện cuộc sống chúng ta. Ngoài ra, nếu muốn đốt
lên trên trái đất một ngọn lửa như Đức Giêsu đã nhen lên, chúng ta không thể
tránh né "phép rửa" Đức Giêsu đã chịu, tức phải chấp nhận đi qua tình
trạng tự truất hữa và thất bại, chấp nhận hiến tặng cuộc sống chúng ta.
3. Qua cuộc gặp gỡ với Đấng chịu đóng
đinh, các thần khí bị phân chia ra. Thánh Phaolô sẽ viết: "Chúng tôi rao
giảng một Đấng Kitô bị đóng đinh, điều mà người Do thái coi là ô nhục không thể
chấp nhận, và dân ngoại cho là điên rồ. Nhưng đối với những ai được Thiên Chúa
kêu gọi, dù là Do thái hay Hy-lạp, Đấng ấy chính là Đức Kitô, sức mạnh và sự
khôn ngoan của Thiên Chúa" (1 Cr 1,23-24). Tất cả công trình và cuộc hành
trình của Đức Giêsu nhắm đến một cuộc gặp gỡ mãnh liệt. Nhưng chính từ đây phát
sinh chia rẽ và bất thuận.
4. Đức Giêsu không hề có ý phá hỏng các
dây liên kết trong gia đình; trái lại Người vẫn khẳng định rằng hiếu thảo với
cha mẹ là một điều răn của Thiên Chúa (x. Mc 7,10). Tuy nhiên, trong cuộc sống
làm môn đệ Người, chúng ta phải tôn trọng một bậc thang các giá trị, chúng ta
phải chấp nhận hy sinh tất cả mọi sự muốn ngăn cản chúng ta bước đi theo Người.
21. Lửa và Bình An – Lm. Jos Nguyễn Cao
Luật
Ngọn lửa của Đức Giêsu ...
Chắc có lẽ nhiều người được xem trên
Tivi những hình ảnh các buỗi lễ khai mạc Thế Vận Hội. Hình ảnh gây ấn tượng nhiều
nhất hẳn là nghi thức đốt lửa khai mạc. Từ mấy tháng trước, trước khi ngọn lửa
được bùng lên tại lễ đài của sân vận động, ngọn lửa ấy đã được đốt lên tại núi
Olympia - Hy-lạp - quê hương của Olympic. Và rồi ngọn lửa được rước về xứ sở
được vinh dự tỗ chức Thế Vận Hội, được trao cho các vận động viên nỗi tiếng,
những người có danh giá: mỗi người một đoạn đường. Những người này thay phiên
nhau rước ngọn đuốc Olympic đi khắp đất nước, và đến ngày khai mạc, ngọn đuốc
được đưa về sân vận động và được thắp lên trên lễ đài.
Cũng trong những hình ảnh của Olympic,
vào ngày bế mạc, khi ngọn lửa trên lễ đài được tắt đi, thì mỗi người tham dự
cầm một ngọn đèn, tượng trưng cho tinh thần Olympic. Ánh sáng từ những ngọn đèn
nhỏ, với muôn ngàn màu sắc khác nhau, làm cho bầu khí thật cảm động. Ngọn đèn
trên tay, như là thu nhỏ của ngọn lửa Olympic, sẽ được giữ mãi, nhớ mãi, mỗi
người cảm thấy mình gần người khác hơn, đầy tinh thần yêu thương và thông cảm.
Xin mượn những hình ảnh ấy để gợi ý
chia sẻ cho bài Tin Mừng hôm nay. Đức Giêsu được Thiên Chúa sai đến trần gian
với sứ mệnh bày tỏ tình thương của Thiên Chúa đối với con người. Người đến giữa
vận hội trần gian và đốt lên ngọn lửa của Thiên Chúa. Người đã rước ngọn lửa đó
đi khắp đất nước Do thái, vượt ra khỏi những biên cương do con người tạo nên.
Người đã đem ngọn lửa ấy vào giữa đám dân Do thái đang chờ mong Đấng Cứu Tinh.
Người đã đem ngọn lửa ấy vào giữa những người dân ngoại. Người đã làm bừng lên
trong tâm hổn mọi người ngọn lửa như ông Gioan Tẩy Giả đã loan báo. Ông Gioan
Tẩy Giả thanh tẩy bằng nước, còn Đức Giêsu thanh tẩy trong Thần Khí, tức là gió
và lửa. Tất cả lời nói và hành vi của Đức Giêsu đều cho thấy một ngọn lửa đích
thực, lửa vĩnh cửu, lửa thiêng, để rổi cuối cùng, Người lấy chính mạng sống của
mình để đốt lên một cách dứt khoát trên lễ đài thập giá, trên đổi Can-vê. Chính
lúc ấy, Người đã thốt lên: "Mọi sự đã hoàn tất."
Đức Giêsu đã thắp lên ngọn lửa vĩnh cửu
bằng chính cái chết của Người. Trước đó, Người đã trao cho các Tông Đổ sứ mệnh
đem ngọn lửa đi khắp thế gian, đến tận cùng cõi đất. Theo lệnh của Đức Giêsu,
các Tông Đổ đã đem ngọn lửa ấy đến các dân, loan báo cho mọi người, không trừ
một ai, để tất cả được nghe biết về Tin Mừng cứu độ.
Và rồi, từ thế hệ này sang thế hệ khác,
ngọn lửa ấy được chuyền tay, lan đến khắp mọi nơi. Đã có biết bao con người đem
cả cuộc đời của mình, đem chính mạng sống của mình để bảo vệ ngọn lửa, để công
bố cho thế giới về tình thương của Thiên Chúa.
... đến các Kitô hữu
Ngọn lửa ấy hôm nay được chuyển đến các
Kitô hữu, được thắp lên trong tâm hổn họ. Khi lãnh nhận bí tích Thánh Tẩy, mỗi
người đã được trao cho một cây nến sáng, với lời nhắn nhủ hãy giữ cho ngọn lửa
cháy mãi. Người Kitô hữu sẽ mang ngọn lửa ấy và đốt lên trong vận hội trần
gian. Nơi đâu họ có mặt, nơi ấy là vận động trường, và ở đó cần có lửa. Với
những hoàn cảnh sống khác nhau, về cả nơi chốn và điều kiện, người Kitô hữu có
nhiều cơ hội để mang ngọn lửa Tin Mừng thắp sáng mọi ngõ ngách cuộc đời.
Nhưng ngọn lửa ấy là gì?
Mọi người hẳn biết ngọn lửa ấy chính là
Đức Tin, hay nói khác đi, chính là tinh thần Kitô giáo, là Tin Mừng, là sứ điệp
cứu độ.
Mỗi người đều biết công dụng của lửa. Ở
Đà Lạt, vào những ngày mùa lạnh, ngoài chức năng soi sáng, lửa còn dùng để sưởi
ấm, tức là để xua tan khí lạnh, để chống lại giá rét. Đúng thế, người ta có thể
hình dung ra câu chuyện Đức Giêsu ở trong Đền Thờ: Người cầm roi xua đuổi hết
những người buôn bán, và trả lại sự trang nghiêm thánh thiện cho nơi thờ
phượng. Ngọn lửa của Đức Giêsu vừa có tính cách huỷ diệt, vừa có chức năng soi
sáng và đốt nóng. Do đó, người Kitô hữu đem ngọn lửa nhận từ Đức Giêsu để phá
tan những u tối, những ngờ vực và soi sáng con đường để bước tới. Người Kitô
hữu đem ngọn lửa để đốt cháy những gì không phù hợp với Nước Thiên Chúa, và làm
cho ngọn lửa bừng lên ở khắp mọi nơi.
Cũng phải nói thêm rằng, ngọn lửa ấy
chính là Đức Giêsu. Người được Chúa Cha sai đến trần gian để nhân loại được
sưởi ấm nhờ tình thương của Thiên Chúa. Người đến để soi sáng đêm tăm tối trần
gian và làm cho con người chìm sâu trong ngọn lửa vĩnh cửu, để rổi chính họ sẽ
trở thành lửa cho người khác. Và Đức Giêsu cũng đã đem cả cuộc đời của Người để
làm cho ngọn lửa ấy không bị dập tắt, nhưng được bùng lên mãnh liệt. Để thi
hành sứ mạng này, Đức Giêsu đã chấp nhận cái chết, đã chịu đổ máu mình. Người
Kitô hữu cầm ngọn lửa là Đức Giêsu cũng sẽ phải sống như vậy, họ sẽ phải biến
cuộc đời của mình thành một ngọn lửa. Họ sẽ phải đem theo ngọn lửa đó cho đến
đích, không để cho ngọn lửa bị tàn lụi, nhưng luôn cháy sáng, như Đức Kitô đã
làm.
Trở lại hình ảnh của cuộc rước đuốc
Olympic: các vận động viên rước đuốc là những người được tuyển chọn, những
người nổi tiếng, không phải bất cứ ai cũng được vinh dự đó. Người Kitô hữu có
cảm thấy hãnh diện khi mình là vận động viên của Đức Giêsu đem ngọn lửa đi rước
khắp cuộc đời? Và, như vận động viên phải giương cao ngọn đuốc, người Kitô hữu
cũng phải kiên trì và dũng cảm bày tỏ đức tin của mình. Họ không được đem giấu
ngọn lửa, cũng không làm lửa tắt, nhưng hiên ngang sống niềm tin, dù có những
trở ngại, khó khăn.
Liệu chúng ta có dám nhận mình là vận
động viên của Đức Giêsu? Dám chứ, vì tất cả đều đã lãnh nhận bí tích Thánh Tẩy.
Bình an từ cuộc chiến đấu
Trong suốt thời kỳ rao giảng công khai,
Đức Giêsu vẫn không ngừng bày tỏ sứ mệnh của Người là quy tụ, là đưa những con
chiên lạc về đàn, những người đang tản mác về một mối. Ai cũng hiểu như thế.
Vậy mà, trong bài Tin Mừng, Đức Giêsu lại quả quyết: "Anh em tưởng rằng
Thầy đến để ban hoà bình cho trái đất sao? Thầy bảo cho anh em biết: không phải
thế đâu, nhưng là đem sự chia rẽ" (Lc 12,51). Tại sao Đức Giêsu lại nói
đến chia rẽ? Phải chăng Người tự mâu thuẫn?
Để trả lời điều này, chúng ta phải vượt
qua cái nhìn quá "tầm thường" về Đức Giêsu. Bình an, tình yêu ...
Đúng, nhưng trước đó là phải đương đầu với những khó khăn, phải chiến đấu, và
phải liều mạng nữa. Bình an không phải là được yên thân, tránh được những trở
ngại, nhưng là chiến thắng, là vượt ra khỏi, là dám sống những giá trị lớn lao.
Bởi vì nếu như thế, bình an, Nước Trời là thứ dễ dàng quá, chỉ cần ngổi không
cũng có được. Chỉ sau khi vượt qua cái chết Đức Giêsu mới thực sự chúc bình an
cho các môn đệ. Và đó là bình an, là tình yêu của con người đã đi qua những đau
khổ lớn lao nhất, kể cả cái chết. Đã có lần Đức Giêsu cho biết rằng, chỉ những
người nào mạnh mới được vào Nước Trời, và như thế phải bước qua cửa hẹp.
Bình an Đức Giêsu trao tặng không giống
bình an của trần gian. Muốn được hưởng bình an ấy, chúng ta phải đi theo Đức
Giêsu, trên chính con đường Người đã đi, đó là dám phiêu lưu, dám liều mạng.
Người đi theo Đức Giêsu là người phải chọn lựa, phải đấu tranh, ngay cả với
những người thân quen nhất. Người đi theo Đức Giêsu phải dám hy sinh tất cả, từ
bỏ tất cả, để chỉ chọn lựa một mình Người. Người đi theo Đức Giêsu là kẻ bước
trên con đường chênh vênh, đầy khó khăn, nhưng vẫn tràn đầy niềm vui và hy vọng
vì biết rằng mình không bị vấp ngã. Đức Giêsu vẫn đi bên cạnh và như vậy họ
được bình an.
Do đó, sự quy tụ mà Đức Giêsu mong muốn
không phải là một thứ hoà hợp nhạt nhẽo, vô vị, nhưng là một sự chọn lựa tích
cực, một sự nôỵ lực với tất cả khả năng của mình.
Cuộc đời người Kitô hữu là một cuộc
chiến đấu. Chiến đấu để bảo vệ ngọn lửa giữa những bão táp. Chiến đấu để đem
ngọn lửa thắp sáng lên trong mọi ngõ ngách, mọi bí ẩn của tâm hổn. Chiến đấu để
đưa ngọn lửa về tới đích. Chiến đấu để đạt được bình an, thứ bình an đích thực,
bởi vì Đức Giêsu đã giao hoà thế gian với Thiên Chúa khi chịu đóng đinh trên
thập giá.
Ôi Thiên Chúa, đối với chúng con, sự
thúc giục của Chân Lý thật mãnh liệt, thế nhưng, ai đã đón lấy sự thúc giục ấy
thì được biến đổi, trở nên rất giản dị.
Khi nhìn thấy Thiên Chúa, họ cùng với
Thiên Chúa nhìn xem thế giới vô ơn và tàn bạo này, và đón nhận vào trong tâm
hổn mình cuộc Thương Khó vĩnh cửu.
Thiên Chúa không có tiếng nói họ là
tiếng nói thay thế Người.
Thiên Chúa không có xác thân, họ hiến
dâng thân mình để chịu khổ thay Người, và để hoàn tất những gì còn thiếu trong
cuộc khổ nạn của Đức Kitô.
Họ đơn giản như ngọn lửa, như tiếng
kêu, đơn giản như lưỡi dao sắc bén phân rẽ xác thịt với thần trí.
(theo P. Claudel.)
Sưu tầm
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét