Thứ Năm, 30 tháng 11, 2017

ĐỨC THÁNH CHA THĂM MYANMAR DÂNG T.LỄ TẠI SÂN CHÙA CHO 150 NGÀN NGƯỜI TM CHÚA NHẬT I MV.



ĐỨC THÁNH CHA THĂM MYANMAR DÂNG T.LỄ TẠI SÂN CHÙA CHO 150 NGÀN NGƯỜI 






ĐỨC THÁNH CHA THĂM MYANMAR DÂNG T.LỄ TẠI SÂN CHÙA CHO 150 NGÀN NGƯỜI 





ĐỨC THÁNH CHA THĂM MYANMAR DÂNG T.LỄ TẠI SÂN CHÙA CHO 150 NGÀN NGƯỜI  ( CÁC THÀY DÒNG TÊN)


















TỔNG KẾT
 MỤC VỤ GIÁO LÝ HẠT LÀO CAI







GIÁO HỌ TÂN AN 

GIÁO ĐIỂM THƯỢNG HÀ 








LỜI CHỦ CHĂN THÁNG 12
SỐNG TÂM TÌNH MÙA VỌNG,
ĐỢI CHỜ VÀ ĐÓN TIẾP CHÚA ĐẾN VỚI TA TRONG SUỐT CUỘC ĐỜI

Anh chị em trong đại gia đình giáo phận Hưng Hóa thân mến,

1-         Ngày 03 tháng 12 này chúng ta cùng Hội Thánh toàn cầu bước vào Mùa Vọng mới, khởi đầu Năm Phụng Vụ 2017-2018. Lịch Công Giáo của giáo phận nhà có lời trích dẫn văn kiện Quy luật về Niên Lịch Phụng Vụ: “Mùa Vọng có hai đặc tính: vừa là mùa chuẩn bị mừng lễ trọng Giáng Sinh, trong lễ này, kính nhớ việc Con Thiên Chúa đến lần thứ nhất với loài người; vừa là mùa mà qua việc kính nhớ này, các tín hữu hướng lòng trông đợi Chúa Kitô đến lần thứ hai trong ngày tận thế. Vì hai lý do này, Mùa Vọng được coi như mùa sốt sắng và hân hoan mong đợi” (AC 39).
Mùa Vọng là mùa mong đợi. Dân Chúa liên tục sống tâm tình đợi chờ Chúa “Đấng đã có, hiện có và đang đến”(Kh 4, 8). Các Tổ phụ và Ngôn sứ cả mấy ngàn năm xưa trong thời Cựu Ước tiên báo và mong ngóng đợi chờ Đấng Cứu Thế đến. Hội Thánh Kitô giáo đã trải qua hai ngàn năm lịch sử tích cực loan báo Tin Mừng đợi chờ “Nước Cha trị đến” trên thế giới hôm nay, đồng thời thao thức đợi chờ ngày Chúa Cứu thế lại đến trong vinh quang của ngày cánh chung. Khởi đầu Mùa Vọng này, chúng tôi xin được chia sẻ với anh chị em tâm tình đợi chờ Chúa trong hoàn cảnh hiện thời.
2-         Tâm tình thứ nhất, chúng tôi xin anh chị em sống lại niềm trông đợi “Con Thiên Chúa đến lần thứ nhất với loài người” (AC 39) nơi các thánh Tổ phụ, Ngôn sứ, cùng Dân riêng Chúa xưa trong thời Cựu Ước, thể hiện bằng việc chuẩn bị mừng lễ trọng Giáng Sinh. Hơn cả việc dọn dẹp trang trí lộng lẫy quang cảnh bề ngoài, ta hãy sửa dọn ngôi nhà tâm hồn để tiếp đón Chúa Hài Nhi ngự vào. Ta hãy tẩy trừ những đam mê tham vọng trần tục, hoán cải tâm hồn trở lại đơn sơ thanh bạch như hang đá máng cỏ nơi Chúa ưa thích ngự tới. Lời kinh nguyện cổ truyền vẫn vang vọng trong ký ức ta: “Xin cho tấm lòng con nên như hang đá cho Chúa con giáng sinh. Xin cho tâm hồn con nên như máng cỏ cho Chúa con ngự”. Ước gì trong đêm Giáng Sinh mỗi tín hữu chúng ta được rước Chúa Hài Đồng vào lòng, để được lãnh nhận ơn “bình an dưới thế cho người thiện tâm”.
3-         Tâm tình thứ hai là “hướng lòng trông đợi Chúa Kitô đến lần thứ hai trong ngày tận thế” (AC 39). Mùa Vọng nhắc ta nhớ tính chất lữ hành của Hội Thánh tại thế đang tiến về Giêrusalem trên trời. “Nơi đó, anh chị em chúng ta là toàn thể các thánh muôn đời ca ngợi Chúa; và chúng ta là lữ khách, được đức tin soi dẫn, đang vội vã tiến về” (x. Kinh tiền tụng lễ Các Thánh). Với cá nhân chúng ta, mỗi ngày qua đi là một bước ta tiến dần đến giờ chết. Ta đừng mải mê những sự dưới trần thế là nơi tạm gửi, nhưng biết tận dụng thời giờ hiện tại để thu tích đem về đời sau “những của cải không hư nát”. Là chi thể của Hội Thánh lữ hành, mỗi người tích cực góp phần thi hành sứ mệnh Chúa trao là mở rộng nước Chúa trên khắp cùng bờ cõi trái đất, để chóng tới ngày viên mãn “muôn dân muôn nước trở thành một đoàn chiên theo một Chúa chiên”.
4-         Giữa hai lần Thiên Chúa đến, lần đến trong quá khứ của “Đấng đã có” và lần đến trong tương lai của Đấng “đang đến”, còn có rất nhiều lần Thiên Chúa Đấng “hiện có” đến viếng thăm ta trong từng giây phút hiện tạiTâm tình thứ ba chúng tôi muốn chia sẻ với anh chị em là để nhắc nhở nhau tránh khỏi hệ lụy “không nhận biết thời giờ được Thiên Chúa viếng thăm” (Lc 19, 44). Một điều ta ít lưu tâm, lại là điều có sức yên ủi và nâng đỡ ta, đó là trong khi ta đợi chờ Chúa thì Chúa vẫn đợi chờ ta. Trên hành trình tiến về ngày cánh chung, Chúa còn nhiều lần ưu ái đến với Hội Thánh, đến với mỗi người con Chúa, để vạch đường chỉ lối, để sửa sai, để tiếp sức, để hối thúc, để nâng đỡ khích lệ, bao lâu Hội Thánh còn chưa hoàn thành sứ vụ mở rộng Nước Chúa trên khắp cõi trần gian, bao lâu mỗi người con Chúa chưa đạt tới độ trưởng thành của Đức Kitô. Nhưng Chúa đến cách nhiệm mầu và thầm kín, không áp đặt, Ngài tôn trọng sự tự do của ta, đợi chờ sự tự nguyện đón tiếp của ta. Vấn đề là làm sao để ta biết cách đợi chờ và nhận ra Ngài đúng lúc, kẻo như lời Thánh Gioan nói: “Ngài ở giữa thế gian, và thế gian đã nhờ Ngài mà có, nhưng lại không nhận biết Ngài. Ngài đã đến nhà mình, nhưng người nhà chẳng chịu đón nhận”(Ga 1, 10-11).
5-         Đợi chờnhận ra và đón tiếp Chúa đến trong cuộc đời là cả một chương trình cơ bản của đời sống tâm linh mà ta cần học biết. Trước hết Lời Chúa trong Thánh Kinh dạy ta đợi chờ Chúa trong tỉnh thức với tư thế luôn sẵn sàng, như 5 cô trinh nữ khôn ngoan trong dụ ngôn 10 cô trinh nữ đi đón chàng rể (Mt 25, 1-13), như gia nhân đợi chờ mở cửa cho chủ trở về nhà lúc đêm khuya (Lc 12, 35-40). Rồi khi Chúa đến làm sao ta nhận biết Ngài? Lời Chúa dạy bảo ta nhận ra Chúa qua các dấu chỉ, nhất là qua dấu chỉ bí tích, như hai môn đệ trên đường về Emmaus nhận ra Chúa khi Bẻ Bánh (Lc 24, 28-35). Ta cũng nhận ra Chúa trong thân thế các đấng bậc đại diện hữu hình của Chúa trong Hội Thánh ở trần gian, như lời Đức Giêsu phán với các tông đồ: “Như Chúa Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em…Anh em tha tội cho ai, thì người ấy được tha; anh em cầm giữ ai, thì người ấy bị cầm giữ”(Ga 20, 21-23). Nhưng ta cũng còn nhận ra Chúa qua thân thế anh chị em nghèo đói mà ta gặp gỡ trong đời thường, như Chúa dạy trong dụ ngôn vụ xử án ngày chung thẩm (Mt 25, 31-46). Sau nữa ta còn nhận ra Chúa qua các biến cố xảy đến trong cuộc đời, như Gioan nhận ra Chúa trên bãi biển qua mẻ cá lạ lùng và nói với anh em tông đồ: “Chúa đó”(Ga 21, 1-7).
6-         Sau khi đợi chờ, nhận ra Chúa đến, thì đến khâu đón tiếp Chúa. Phụng vụ Mùa Vọng giới thiệu với ta hai mẫu gương sống. Gương mẫu thứ nhất là Đức Trinh nữ Maria. Với đặc ân Vô Nhiễm nguyên tội (lễ trọng cử hành trong Mùa Vọng) Mẹ đã dọn lòng xứng đáng đón tiếp Ngôi Lời Nhập Thể. Cùng với Dân Chúa, Mẹ hằng thiết tha đợi chờ Đấng Cứu Thế đến cứu chuộc thế nhân. Khi nhận ra chương trình cứu độ do lời truyền tin của Tổng lãnh thiên thần Gabriel, Mẹ đã mau mắn đón tiếp Ngôi Lời Thiên Chúa bằng tiếng “Xin Vâng” trọn vẹn dâng hiến suốt cả cuộc đời (Lc 1, 38). Hằng ngày mỗi lần đọc kinh Truyền Tin, ta hãy xin Mẹ bầu cử cho ta được luôn luôn sẵn sàng đón nhận vâng theo Thánh ý Chúa trong mọi hoàn cảnh, thuận nghịch, vui buồn, sướng khổ trong cuộc đời, để xứng đáng làm con cái thảo hiền của Mẹ.
7-         Để  mau mắn đón tiếp Chúa, ta còn cần sửa sang ngôi nhà tâm linh của ta cho ngăn nắp sạch đẹp sẵn sàng. Nhân vật được Phụng vụ Mùa Vọng giới thiệu là mẫu gương thứ hai cho ta noi theo là Thánh Gioan Tẩy giả. Xuất hiện trên đất Israel vào thời điểm quần chúng đang nóng bỏng đợi chờ Đấng Messia, ông mang sứ mệnh dọn đường cho Đấng Cứu Thế. Không những lời rao giảng mạnh mẽ của ông, mà cả hình ảnh con người, lối sống khắc khổ của ông, “mặc áo lông lạc đà, thắt lưng bằng giây da, ăn châu chấu và mật ong rừng”, trong khung cảnh hoang địa, gợi lên hình ảnh vị tiền hô mà ngôn sứ Isaia đã tiên báo: “Này Ta sai sứ giả của Ta đi trước mặt Con, người sẽ dọn đường cho Con...”(x. Mc 1, 1-8). Ta hãy hiểu và thực hành theo bình diện tâm linh mệnh lệnh của vị tiền hô dọn đường: “hố sâu lấp cho đầy, gò cao phải bạt xuống, quanh co uốn cho ngay, gồ ghề san cho phẳng”(x. Lc 3, 3-6). Tâm hồn ta sẽ được sẵn sàng đón rước Chúa.        
Anh chị em thân mến,
Trong quá khứ, Chúa Cứu Thế đã đến trong lịch sử cách đây hơn hai ngàn năm. Chúa sẽ lại đến trong tương laivào ngày cánh chung. Nhưng Chúa vẫn đến với ta trong từng giây phút hiện tạiChúa vẫn đợi chờ ta tự nguyện mở lòng ra đón tiếp Ngài. Mùa Vọng là thời gian thuận tiện để ta làm sống lại tâm tình đợi chờ Chúa, sửa dọn tâm hồn để có thể nhận ra Chúa và đón rước Chúa. Nguyện chúc anh chị em tín hữu trong cả giáo phận nhà đều gặp được cơ hội Mùa Vọng và Mùa Giáng Sinh này để đón rước Chúa đến với từng người và mỗi gia đình, trong an bình, chan chứa niềm vui và hạnh phúc.
 
Sơn Tây, ngày 29 tháng 11 năm 2017
Gioan Maria Vũ Tất, Giám mục Giáo phận Hưng Hóa
Anphong Nguyễn Hữu Long, Giám mục Phụ tá

CHỦ NHẬT NĂM B



* Một chủ đề xuyên suốt Thánh lễ
* Nhiều gợi ý làm cho Thánh lễ sống động
* Một hình minh họa cho mỗi Thánh lễ
* Nhiều gợi ý giảng và cầu nguyện

 
TIN MỪNG CHÚA NHẬT I MÙA VỌNG
CHỦ ĐỀ :
KÊU XIN VÀ CHỜ MONG CHÚA ĐẾN
025C
"Anh em hãy canh thức"
(Mc 13,33)
Minh họa
- "Anh em hãy canh thức" (Mc 13,33)
Sợi chỉ đỏ :
- Bài đọc I (Is 63.16b-17.19) : Lời nguyện của ngôn sứ Isaia "Phải chi Ngài xé trời mà ngự xuống"
- Đáp ca (Tv 79) : "Lạy Chúa tể càn khôn, xin đoái lại… Xin trở về thăm nom vườn nho cũ"
- Tin Mừng (Mc 13,33-37) : Đức Giêsu kêu gọi "Anh em hãy canh thức"
- Bài đọc II (1 Cr 1,3-9) : "Anh em không thiếu một ân huệ nào, trong lúc mong đợi ngày Đức Giêsu Kitô Chúa chúng ta mặc khải vinh quang của Ngài".
I. DẪN VÀO THÁNH LỄ
Anh chị em thân mến
Khi thương ai thì người ta thích đến thăm người đó. Thiên Chúa rất yêu thương loài người nên rất thích đến thăm loài người.
Ngày xưa dân do thái đã chuẩn bị đón Chúa đến viếng thăm họ trong một mùa vọng dài hàng bao thế kỷ. Đáp lại, Thiên Chúa đã cho Đức Giêsu, Con Một của Ngài đến ở với họ và cứu chuộc họ.
Ngày nay, Chúa lại muốn đến viếng thăm chúng ta, để ban cho chúng ta vô vàn ơn thánh của Ngài. Chúng ta hãy tận dụng Mùa Vọng này để chuẩn bị tâm hồn cho Ngài đến thăm chúng ta.
II. GỢI Ý SÁM HỐI
- Chúng ta không xứng đáng với Chúa vì đức tin của chúng ta càng ngày càng yếu đi theo dòng thời gian.
- Chúng ta cũng không xứng đáng với Chúa vì lòng mến của chúng ta ngày càng lạnh nhạt.
- Nếu bất ngờ Chúa đến kiểm tra, chắc Ngài sẽ thất vọng vì chúng ta không chu toàn những bổn phận Ngài giao.
III. LỜI CHÚA
1. Bài đọc I : Is 63.16b-17.19
Đoạn này nằm trong phần thứ ba của sách Isaia (các chương 56-66). Các chuyên viên Thánh Kinh chưa nhất trí về thời gian soạn thảo của phần thứ ba này. Một số chuyên viên cho rằng phần này được soạn vào cuối thời kỳ dân do thái bị lưu đày bên Babylon.
Tình trạng bị lưu đày nơi đất khách quê người rất là khốn khổ. Nhưng vào cuối thời lưu đày, dân do thái đã ý thức rằng họ khốn khổ là do họ tội lỗi. Trong đoạn trích này, Isaia đã thay mặt dân bày tỏ 2 điều :
- Một mặt, thú nhận tình trạng tội lỗi của dân : "Chúng tôi đã luôn ở trong tình trạng tội lỗi. Tất cả chúng tôi đều đầy vết nhơ"
- Mặt khác, nài xin Chúa đến để tha thứ và cứu thoát họ : "Xin Chúa băng qua các tầng trời mà ngự xuống".
2. Đáp ca : Tv 79
Cũng là một lời van xin Chúa đến. Mặc dù ý thức thân phận tội lỗi bất xứng của mình, nhưng dân do thái vẫn dám van xin Chúa đến. Cơ sở của lời kêu xin tin tưởng này là : bởi vì Israel chính là vườn nho mà Chúa đã trồng và là đoàn chiên do Ngài chăn dắt.
3. Tin Mừng : Mc 13,33-37
Bài đọc Cựu Ước và bài Đáp ca nhắm tới việc Chúa đến lần thứ nhất (Đấng Messia đến). Còn bài Tin Mừng nhắm đến việc Chúa đến lần thứ hai (Đức Giêsu trở lại). Trong bài Tin Mừng này, Đức Giêsu chỉ rõ thái độ cần phải có để chờ Chúa trở lại là Tỉnh thức sẵn sàng (như người đầy tớ thức chờ chủ về đột ngột giữa đêm khuya). Đức Giêsu cũng cho biết lý do tại sao phải tỉnh thức sẵn sàng : vì Ngài sẽ trở lại cách bất ngờ.
4. Bài đọc II : 1 Cr 1,3-9
Sang tới thời Giáo Hội sơ khai.
Đối tượng của đoạn thư này là Giáo đoàn Côrintô, một cộng đoàn sinh động nhưng cũng gặp nhiều khó khăn nội bộ : chia rẻ, kiện tụng, luân lý suy đồi v.v.
Trước hết Thánh Phaolô nhắc họ nhớ biết bao ân sủng mà Thiên Chúa đã ban cho họ. Ngài muốn họ tự hiểu ngầm là trong hiện tại, họ đã không đáp lại xứng đáng những ân sủng đó. Và cũng một cách gián tiếp rất tế nhị, Ngài muốn họ tỏ ra xứng đáng hơn với những ân sủng đó, kiên trì trong những ân sủng ấy, để khi Chúa lại đến thì họ không có gì phải bị khiển trách.
IV. GỢI Ý GIẢNG
* 1. Chờ đợi
Những giây phút chờ đợi là thời gian căng thẳng nhất nhưng cũng có ý nghĩa nhất. Những người yêu nhau chờ tới ngày cưới, cha mẹ chờ đứa con ra đời, gia đình chờ một người thân trở về, người lao động chờ công việc mình sinh kết quả… Trong cuộc sống hàng ngày, người ta luôn chờ đợi một cái gì đó. Khi không còn chờ gì nữa, không còn mong gì nữa thì đời kể như sắp chết.
Lịch sử Israel cũng là một cuộc chờ đợi. Chờ Đấng Messia đến thiết lập nền công chính trên trái đất này. Sự chờ đợi của Israel lên đến cao điểm khi họ bị lưu đày bên Babylon (Bài đọc 1).
Rồi Đấng Messia đã đến. Phải chăng không còn phải chờ đợi nữa ? Không, mỗi người vẫn còn phải chờ đợi, chờ cho sự công chính được hoàn thành nơi bản thân mình. Bởi đó, Đức Giêsu nói "Phúc cho ai đói khát điều công chính". Đói khát điều công chính và chờ đợi công chính thực hiện chính là một mối phúc.
Mùa Vọng là thời gian chờ đợi : chờ Đức Giêsu đến thăm chúng ta vào dịp lễ Giáng sinh, và chờ Ngài đến với chúng ta mỗi ngày trong Bí tích Thánh Thể.
Chờ đợi như thế nào ? Bài Tin Mừng hôm nay dạy : chờ đợi bằng cách tỉnh thức và cầu nguyện.
* 2. Đất sét trong tay người thợ gốm
Bài đọc I dạy chúng ta một cách tỉnh thức chờ đợi rất hay : như miếng đất sét trong tay người thợ gốm.
Trong bài đọc I hôm nay, ngôn sứ Isaia đã nói lên một sự thật : "Chúng tôi là đất sét, Còn Chúa là người thợ gốm". Sự thật này đã được sách Sáng thế nói lên ngay từ đầu (St 2,7). Kiểu diễn tả cụ thể của tác giả sách Sáng thế và của ngôn sứ Isaia có ý rằng : con người lệ thuộc Thiên Chúa.
Sự lệ thuộc chỉ toàn có lợi. Miếng đất sét chịu lệ thuộc bàn tay uốn nắn của người thợ gốm thì sẽ trở thành những vật dụng rất hữu ích, thậm chí thành những tác phẩm mỹ thuật rất đẹp.
Vậy, tỉnh thức và chờ đợi Chúa trong Mùa Vọng là làm như miếng đất sét trong tay người thợ gốm : ngoan ngoãn vâng theo ơn soi sáng của Chúa Thánh Thần, để cho Chúa uốn nắn mình thành những tác phẩm tuyệt vời đúng ý Chúa.
* 3. Mong đợi Chúa đến
Vào một ngày đẹp trời, ông già ngồi trên ghế xích đu, lòng mong đợi Chúa đến. Tình cờ, một em bé gái đang chơi banh để lọt vào sân nhà ông, cô gái chạy lại nhặt trái banh và mở lời làm quen :
- Thưa ông, ngày nào ông cũng ngồi trên chiếc xích đu này, ông đang chờ ai vậy ?
- Cháu còn nhỏ quá làm sao hiểu được điều ông mong đợi.
- Có lẽ cháu nhỏ thật, nhưng mẹ cháu nói : có điều gì trong lòng thì hãy nói ra, có nói ra mới hiểu rõ hơn.
Nghe cô bé nói có lý, ông liền thố lộ :
- Ông đang chờ đợi Chúa đến.
Cô bé tròn xoe đôi mắt kinh ngạc. Ông già mới giải thích :
- Trước khi nhắm mắt, ông muốn tin chắc rằng có một Thiên Chúa, ông cần một dấu hiệu cháu à !
Bấy giờ cô bé mới lên tiếng :
- Ông chờ một dấu hiệu ư ? Thưa ông, Chúa đã cho ông một dấu hiệu : mỗi khi ông hít thở không khí, mỗi khi ông nghe tiếng chim hót, mỗi khi ông nhìn hạt mưa rơi. Chúa đã cho ông một dấu hiệu trong nụ cười trẻ thơ, trong nước mắt người đau khổ. Ông ơi, Chúa ở trong ông. Chúa ở trong cháu, không cần phải tìm kiếm, vì Người luôn ở đó.
*
"Tất cả là hồng ân". Ơn Chúa có thể đến bất cứ từ nơi đâu, trong mọi cảnh huống cuộc đời, lúc vui mừng hay đau khổ, lúc thành công hay khi thất bại. Điều quan trọng là chúng ta biết nhận ra đó là ân ban của Chúa. Người có niềm tin nhìn tất cả chỗ nào cũng là ân sủng, và mỗi một ân ban là một cuộc "Chúa đến viếng thăm".
Bài Tin mừng đầu năm Phụng vụ hôm nay, nhắc nhở chúng ta dọn mình : đón nhận ơn Chúa trong mỗi giây phút hiện tại, chờ đón Chúa đến trong giờ chết, và trong ngày cánh chung của nhân loại.
Mùa Vọng là mùa của mong đợi. Mong đợi nào cũng làm cho con người mỏi mòn. Nhưng chính sự mòn mỏi đó càng làm cho cuộc gặp gỡ thêm nồng thắm hơn.
Thái độ cần phải có là hãy "tỉnh thức và cầu nguyện" để "nhận biết thời gian Chúa đến viếng thăm" (c.19,44). Nếu Chúa đã nhắn nhủ : "Hãy tỉnh thức, vì các con không biết giờ nào chủ sẽ về" thì không có lời khuyên nào khôn ngoan hơn lời Cha Charles de Foucauld : "Bạn hãy sống như bạn sẽ chết vào tối nay".
Nếu những cuộc viếng thăm là những hồng ân của Chúa, thì chúng ta đừng để mất những hồng ân ấy chỉ vì sự thờ ơ, thiếu chuẩn bị, không sẵn sàng. Chúng ta có quyền ước mơ, dự tính xây dựng tương lai, nhưng đừng bao giờ quên mục đích cuối cùng là phải "gặp được Chúa".
Nhưng có một sự thực này, nó rất thực, và đó là sự thực nhất trên đời là nếu chúng ta không thường gặp Chúa trong cuộc sống, thì chúng ta cũng sẽ không thể gặp Người vào giây phút cuối cuộc đời.
*
Lạy Chúa, xin cho chúng con biết "tìm gặp Chúa" trong mọi ơn lành Chúa ban, trong các bí tích, trong các việc lành và trong người anh em, để chúng con sẽ gặp được Chúa trong ngày Chúa đến viếng thăm. Amen. (Thiên Phúc, "Như Thầy đã yêu")
4. Hãy thức dậy đi
Người ta nói rằng tôn giáo là một thứ thuốc phiện ru ngủ tín đồ. Tuy nói thế là không đúng, nhưng sở dĩ có người nói thế một phần cũng là do chúng ta : nhiều người trong chúng ta chỉ coi tôn giáo là một nơi an ủi (chỉ đến với Chúa khi gặp chuyện buồn phiền) và một chỗ bảo hiểm an toàn (đọc kinh cầu nguyện để được Chúa che chở, cứu nguy). Họ đến nhà thờ để tìm kiếm những chuyện siêu nhiên (phép lạ, ơn đặc biệt) trong khi quá lơ là với những trách nhiệm trần thế. Đạo như thế đúng là thuốc phiện và người giữ đạo như thế đúng là người đang ngủ.
Hãy đọc kỹ lại bài Tin Mừng hôm nay. Đức Giêsu đâu có bảo chúng ta ngủ, đâu có bảo chúng ta đừng làm việc. Trái lại Ngài bảo chúng ta luôn tỉnh thức làm việc. Kitô hữu giống như những đầy tớ mà Chúa là chủ đã giao cho mỗi người một việc và Ngài sẽ trở về bất cứ lúc nào để xem họ có đang làm việc đàng hoàng hay không.
Thế nhưng con người hay buồn ngủ và thường ngủ gật. Trong việc sống đạo cũng thế. Sau đây là một số lý do :
- Quen lờn về tội : "Điều gì thường xảy ra thì được coi là bình thường". Thường phạm tội hay thường thấy người khác phạm tội nên quen lờn không còn thấy bị cắn rứt nữa. Bài đọc I nói đó là "lương tâm đã trở nên chai đá". Lương tâm con người thời nay đã chai đá (đã "ngủ gật") trước những tội phạm đến công bình, đến tính dục, "không còn biết kính sợ Chúa nữa".
- Lười biếng cầu nguyện. Bài đọc I nói "không còn ai kêu cầu danh thánh Chúa nữa".
- Cảm thấy như Chúa đi đâu xa. Bài đọc I nói "Chúa đã ẩn nấp không cho chúng tôi thấy Chúa nữa". Bài Tin Mừng thì nói Chúa như "ông chủ đi xa, để nhà cửa lại".
Dù bởi lý do nào đi nữa, điều cần thiết là mỗi người hãy biết rằng mình đang mê ngủ, hoặc ít ra là đang ngủ gà ngủ gật. Vì thế, mỗi người hãy đáp lại tiếng Chúa gọi "Hãy thức dậy đi".
5. Ngủ mê trong thói quen
Tất cả chúng ta, chỉ trừ những đứa trẻ, đều không nhiều thì ít sống theo thói quen. Người ta nói rằng chúng ta sống một nửa cuộc đời phần sau dựa vào những thói quen đã có từ nửa cuộc đời phần trước. Như thế thật có lợi cho những ai đã tập được những thói quen tốt, tuy nhiên cũng thật tai hại cho những ai đã nhiễm phải những thói quen xấu.
Một việc được lập đi lập lại nhiều lần sẽ thành thói quen, khi đó người ta sẽ làm việc đó một cách rất dễ dàng và còn khéo léo nữa. Có thể nói thói quen là bản năng thứ hai của con người.
Tuy nhiên cứ làm theo thói quen riết rồi người ta sẽ trở thành một chiếc máy vô hồn, không ý thức mình đang làm gì nữa, không suy nghĩ, không tâm tình.
Nếu bạn để một con nhái vào một bình nước nóng, nó sẽ lập tức phóng ra ngay. Nhưng nếu bạn để nó trong một bình nước lạnh, rồi đun nóng lên từ từ. Con nhái không cảm thấy gì lạ cả nên cứ ở yên trong đó. Vì nó đã quen dần nên không thấy nguy hiểm gì cả. Muốn nó nhảy ra thì cần phải lấy một cái gì đó chọc vào nó.
Với thời gian, cuộc sống đạo của chúng ta dần dần trở thành thói quen. Nhiều việc đã không còn ý thức, huống chi nhiều thói xấu đã bám rễ dần dần. Ước gì Mùa vọng là một cú chọc mạnh khiến chúng ta giật mình ý thức lại và sửa đổi cho tốt hơn.
6. Hy vọng và cuộc sống
Người ta nói rằng bao lâu còn sống thì còn hy vọng
Tuy nhiên, đúng hơn phải nói : bao lâu còn hy vọng thì còn sống.
- Hy vọng là sức mạnh
- Nó chiếu sáng những trái tim chán chường
- Nó kích thích ý muốn sinh tồn
- Nó là trợ tá đắc lực cho các bác sĩ
- Nó là khiên thuẫn che chở những thất bại
- Nó hồi sinh những lý tưởng và làm mới những ước mơ
Bao lâu còn hy vọng thì bấy lâu không tình huống nào là bất khả.
Mùa Vọng là thời gian cho chúng ta hy vọng
Và Đức Kitô chính là hy vọng của chúng ta. (Viết theo Flor McCarthy)
V. LỜI NGUYỆN CHO MỌI NGƯỜI
Chủ tế : Anh chị em thân mến, hôm nay vào Mùa Vọng, Hội thánh muốn nhắc cho ta nhớ rằng Chúa sắp đến, chúng ta phải tỉnh thức. Chúng ta hãy dâng lời cầu nguyện :
1. Chúng ta cầu xin cho Hội thánh thực sự là cộng đoàn luôn tỉnh thức / để chu toàn trách nhiệm Đức Giêsu đã trao phó là làm chứng về tình yêu của Chúa / và hết lòng phục vụ con người.
2. Chúng ta cầu xin cho các nhà cầm quyền trên thế giới luôn tỉnh thức để chu toàn trách nhiệm của mình / là cộng tác với nhau để xây dựng một thế giới trong công lý hòa bình, và chia sẻ giúp đỡ nhau.
3. Chúng ta cầu xin cho những người ngủ mê trong tội lỗi / giả điếc làm ngơ với trách nhiệm của mình trong gia đình và trong đất nước / biết tỉnh thức để trở về với bổn phận của mình.
4. Chúng ta cầu xin cho cộng đồng xứ đạo chúng ta luôn tỉnh thức / để giúp nhau từ bỏ thói xấu, say sưa trễ nải / và sẵn sàng đón tiếp Chúa đến.
Chủ tế : Lạy Đức Giêsu, Chúa đã trao cho mỗi người chúng con một trách nhiệm trong gia đình, trong họ đạo, trong đất nước, và dạy chúng con phải tỉnh thức... Xin Chúa giúp chúng con luôn tỉnh thức để chu toàn trách nhiệm Chúa đã trao và sẵn sàng chờ ngày Chúa đến. Chúa là Đấng hằng sống và hiển trị muôn đời.
VI. TRONG THÁNH LỄ
- Kinh Tin Kính : Trước câu "Vì loài người chúng tôi và để cứu rỗi chúng con, Người đã từ trời xuống thế", có thể tạm dừng và đọc lại một lời của Isaia trong bài đọc I : "Ước chi Ngài xé trời mà ngự xuống"
- Trước Kinh Lạy Cha : Ngôn sứ Isaia đã ví : "Chúng tôi là đất sét, còn Chúa là người thợ gốm". Phần Đức Giêsu, Ngài cho chúng ta biết thêm Thiên Chúa chính là Cha chúng ta. Vậy chúng ta hãy dâng lên Thiên Chúa lời kinh Lạy Cha do chính Đức Giêsu dạy.
- Sau Kinh Lạy Cha : "Lạy Cha, xin cứu chúng con khỏi mọi sự dữ, nhất là sự dữ nào làm cho chúng con không thấy được mặt Cha. Xin đoái thương cho những ngày chúng con đang sống được bình an. Xin Cha giúp chúng con luôn tỉnh thức để đón rước Con Cha sắp đến. Nhờ Cha rộng lòng thương cứu giúp…"
VII. GIẢI TÁN
Chúa là người chủ nhà, giao cho chúng ta là tôi tớ mỗi người một việc. Anh chị em hãy trở về mỗi người lo chu toàn công việc của mình trong tinh thần tỉnh thức và cầu nguyện. Chúc anh chị em bình an.