NẬM XE MỪNG CHÚA PHỤC SI |
QÙA PHỤC SINH CỦA NẬM XÉ |
KIỆU VÀ CHẦU THÁNH THỂ ĐÊM THỨ NĂM |
TẠM CHẦU DÊM THỨ NĂM |
CA ĐOÀN BẢO HÀ |
THIẾU NHI BẢO HÀ |
MỪNG CHÚA PHỤC SINH BỐN TÂN TÒNG PHỤC SINH - CHỨNG HÔN CHO ANH GIUSE HIỂN VÀ THẮM - ANH GIUSE THUẬN & ANNA NGUYỆT, PHÊRÔ NHÂM & MARIA THU
TM CHÚA NHẬT 4 PHỤC SINH
Lời Chúa: Cv
5,12-16; Kh 1,9-11a.12-13.17-19;
Ga 20,19-31
MỤC LỤC
Cái chết của Chúa Giêsu đã
làm cho các môn đệ hết sức dao động. Các ông buồn phiền, hoang mang và thất
vọng. Mộng ước các ông theo đuổi từ ba năm nay, bỗng dưng tan theo mây khói.
Ngày mai rồi sẽ làm gì? Trở về làng cũ và nghề xưa với ghe thuyền và chài lưới
trước những cặp mắt chế diễu của bà con lối xóm ư?
Vì thế, chúng ta không mấy
ngạc nhiên khi thấy lời nói đầu tiên của Đức Kitô Phục sinh khi hiện ra với các
môn đệ là lời chào chúc: Bình an cho các con. Từ những kẻ lo âu và dao động về
cái chết của Thầy mình, các ông đã được Ngài biến thành những người được sai
đi, để làm chứng rằng Ngài vẫn sống và đang ở giữa chúng ta: Như Cha đã sai
Thầy, Thầy cũng sai các con.
Thế nhưng, mọi sự xem ra
không được xuôi chảy. Trong số các tông đồ được diễm phúc gặp gỡ Đức Kitô Phục
sinh, vắng bóng một người. Và người đó chính là Tôma. Ông quả là một con người
thiếu may mắn. Những gì xảy ra với ông do sự vắng mặt này, đã khiến ông trở
thành một con người cứng lòng tin trong sử sách.
Tuy nhiên, chúng ta cũng cần
phải công bằng mà đặt câu hỏi: Trong thực tế, Tôma có thực sự là một kẻ cứng
lòng tin hay không? Có lẽ không hẳn là thế, bởi vì chính ông đã từng chứng tỏ
sự hăng hái của mình khi quyết định đi lên Giêrusalem: Nào chúng ta hãy cùng đi
để được chết với Ngài.
Thế nhưng, trường hợp của
Tôma đã đưa chúng ta đi sâu vào việc tìm hiểu nền tảng của niềm tin nơi Đức
Kitô Phục sinh, bởi vì niềm tin này không phải là một chuyện bình thường, một
chuyện tự nhiên. Sự sống lại của Đức Kitô vốn là một hòn đá tảng, đặt nền móng
cho niềm tin Kitô hữu của chúng ta. Thánh Phaolô đã từng khẳng định như thế và đó
cũng chính là nội dung số một của việc rao giảng nơi các tông đồ.
Sự vắng mặt của Tôma trong
lần thứ nhất Chúa Giêsu hiện ra được đền đáp một cách khá dồi dào trong lần
Ngài hiện ra sau đó tám ngày. Trong lần hiện ra này, Chúa Giêsu đã cho Tôma
được xỏ ngón tay vào lỗi đinh cũng như lỗ đòng trên thân thể Ngài. Và Tôma cũng
đã trở thành một con người mới với niềm vui mừng và xác tín mới.
Không phải vì đã có được
những chứng cớ nơi các lỗ đinh làm nền tảng cho niềm tin, nhưng chính là được
hoà tan trong Đức Kitô, với những khổ đau của Ngài, là dấu chứng cho một tình
thương dạt dào Ngài đã thực hiện cứu chuộc chúng ta.
Thực vậy, Thiên Chúa chỉ có
thể được làm chứng bằng những hành động yêu thương, vì Ngài vốn được gọi là
Tình yêu. Đức Kitô Phục sinh trong niềm tin của Tôma chính là Đấng đã từng trải
qua những đau khổ của thập giá cùng với cái chết ê chề và tủi nhục. Vì thế,
chúng ta không thể tách rời sự sống lại của Ngài với những đau khổ và cái chết.
Đồng thời, cũng không thể chỉ thấy cái chết và những đau khổ mà không thấy việc
Ngài sống lại.
Và hơn thế nữa, sự chết và sự
sống lại được gắn liền với tình thương của Thiên Chúa. Thực vậy, sở dĩ Đức Kitô
đã chết và đã sống lại là để thực hiện chương trình cứu độ mà Thiên Chúa muốn
dành để chuộc con người chúng ta.
Suy Niệm
Thân xác chúng ta thường mang
những vết sẹo, hậu quả của những lần bị trầy trụa, té ngã. Có những vết sẹo gợi
lại cả một vùng kỷ niệm. Dù vui hay buồn thì cũng là chuyện đã qua. Vết sẹo làm
ta kém đẹp, nhưng không làm đau như xưa.
Khi Đức Giêsu phục sinh hiện
ra thăm các môn đệ, Ngài giúp họ nhận ra Ngài nhờ những vết sẹo.
Ngài cho họ xem những vết sẹo
ở tay và cạnh sườn. Những vết sẹo nói lên một điều quan trọng: Thầy chính là Đấng
đã bị đóng đinh và đâm thâu; Thầy đã chết nhưng Thầy đã thắng được cái chết.
Chúng ta ngỡ ngàng khi thấy
Chúa phục sinh có sẹo, dù điều đó chẳng đẹp gì. Ngài không ngượng mà cho các
môn đệ xem. Những cái sẹo sẽ ở mãi với Ngài trên thiên quốc. Chúng gợi lên
những kỷ niệm buồn phiền, thất bại, đớn đau. Nhưng nếu không có chúng thì cũng
chẳng có phục sinh.
Chẳng cần phải xoá đi khỏi ký
ức cuộc khổ nạn kinh hoàng và cái chết nhục nhã. Chúng ta cũng lên thiên đàng
với các vết sẹo của mình. Sống ở đời sao tránh khỏi những dập gẫy, thương tích.
Nếu chúng ta đón nhận mọi sự với tình yêu thì mọi sự sẽ trở nên nhịp cầu cứu
độ.
Tin Mừng phục sinh là Tin
Mừng về các vết thương đã lành. Có những vết thương tưởng chẳng thể nào thành
sẹo. Chúng ta có dám cho người khác thấy sẹo của mình không?
Cuộc khổ nạn của Thầy đã làm
các môn đệ bị thương. Các vết sẹo của Thầy sẽ chữa lành những vết thương đó. Hẳn
Tôma đã nhìn thật lâu những dấu đinh. Chính lúc đó ông khám phá thật sâu một
Tình Yêu.
·
Tình yêu hy sinh
mạng sống và đủ mạnh để lấy lại.
·
Tình yêu khiêm hạ
cúi xuống để chinh phục ông.
Ông đâu dám mong Thầy sẽ đích
thân hiện đến để thoả mãn những đòi hỏi quá quắt của mình. Lòng ông tràn ngập
niềm cảm mến tri ân.
Ông ra khỏi được sự cứng cỏi,
khép kín, tự cô lập, để bước vào thế giới của lòng tin. Tôma đã tin vượt quá
điều ông thấy.
Ông chỉ thấy và chạm đến các
vết sẹo của Thầy, nhưng ông tin Thầy là Chúa, là Thiên Chúa của ông. Tin bao
giờ cũng đòi một bước nhảy vọt khỏi cái thấy.
Chúng ta không được phúc thấy
Chúa theo kiểu Tôma, nhưng chúng ta vẫn được thấy Chúa theo những kiểu khác. Cần
tập thấy Chúa để rồi tin. Có khi phải tập nhìn lại những vết sẹo của mình, của
Hội Thánh, của cả thế giới, để rồi tin rằng Chúa phục sinh vẫn đang có mặt giữa
những trăn trở và vấp váp, thất bại và khổ đau. "Phúc cho những ai không
thấy mà tin", và phúc cho những ai biết thấy nên tin.
Gợi Ý Chia Sẻ
·
Đọc lại bài Tin
Mừng trên, bạn thấy Chúa Phục Sinh đã tặng cho các môn đệ những món quà nào?
·
Chắc các môn đệ
khác đã thấy khó chịu trước thái độ của ông Tôma. Tập thể nào cũng có những
Tôma! Thái độ của Chúa Giêsu có giúp bạn giải gỡ những xung đột trong nhóm của
bạn không?
Cầu Nguyện
Lạy Chúa, xin cho con luôn
vui tươi. Dù có phải lo âu và thống khổ, xin cho con đừng bao giờ khép lại với
chính mình; nhưng biết nghĩ đến những người quanh con, những người - cũng như
con - đang cần một người bạn.
Nếu như con nên yếu đuối, thì
xin cho con biết yêu thương và sáng suốt hơn, thông cảm và nhân từ hơn.
Nếu bàn tay con run rẩy, thì
xin giúp con luôn biết mở ra và cho đi.
Khi lâm tử, xin cho con biết
đón nhận khổ đau và bệnh tật như một lời kinh. Ước chi con sẽ chết trong khiêm
hạ và tín thác, như một lời xin vâng cuối cùng. Và con sẽ về nhà Chúa, để dự
tiệc yêu thương muôn đời. Amen.
Mỗi khi nói đến Tông đồ Tôma,
người ta thường kèm theo biệt hiệu “Cứng lòng tin”.
Thật ra Tôma không cứng lòng
tin hơn các Tông đồ khác. Khi Chúa đã chết rồi, các ngài hoang mang sợ hãi. Khi
nghe tin Chúa sống lại, các ngài bàng hoàng bỡ ngỡ nhưng nửa tin nửa ngờ. Vì
thế hai môn đệ đi đường Emmau vẫn còn buồn bã. Dù đã nghe các phụ nữ tường
thuật việc Chúa sống lại, các ngài vẫn không tin, nên muốn bỏ về làng cũ. Vì thế,
Chúa phải hiện ra nhiều lần. Và mỗi lần hiện ra, Người phải trấn an các ngài,
cho các ngài xem các vết thương, cùng ăn uống để các người tin tưởng.
Tuy các môn đệ chưa hoàn toàn
tin nhưng không ai trong các ngài phát biểu câu nào. Chỉ có Tôma nói một câu quyết
liệt: “Nếu tôi không thấy dấu đinh ở tay Người, nếu tôi không xỏ ngón tay vào
lỗ đinh và không đặt bàn tay vào cạnh sườn Người, tôi chẳng có tin”. Chính vì
câu nói mạnh mẽ này mà ông bị mang biệt danh “Cứng lòng tin”.
Tôma đại diện cho những người
thời nay, cái gì cũng muốn xem tận mắt, bắt tận tay. Chỉ tin những gì thấy
được. Chỉ chấp nhận những gì sờ được. Đòi kiểm nghiệm tất cả. Đòi tự mình chứng
nghiệm tất cả. Không chỉ tin vào lời nói suông. Nhưng ta phải cám ơn thánh
Tôma, vì nhờ Ngài mà các môn đệ khác được chứng kiến tỏ tường Chúa sống lại,
được nhìn thấy những vết thương ở tay chân và cạnh sườn Người. Vì nhờ ngài mà
Đức Giêsu lại hiện ra một lần nữa. Và nhất là nhờ ngài mà ta được nghe mối phúc
cuối cùng Chúa hứa cho ta: “Phúc cho những ai không thấy mà tin”.
Việc thánh Tôma đòi xem vết
thương ở tay chân và cạnh sườn Chúa đặt ra cho ta những tiêu chí mới cho việc
truyền giáo hôm nay.
Người thời nay không còn tin
vào những lý thuyết đẹp, những lời nói hay, những hứa hẹn xa vời thực tế. Những
lý thuyết đẹp phải được kiểm nghiệm bằng những kết quả đẹp. Những lời nói hay
chỉ có giá trị khi đi đôi với những việc làm tốt. Vì thế, muốn làm chứng cho
Chúa, người tín hữu phải có một đời sống đạo gương mẫu. Đời sống đạo gương mẫu không
phải chỉ là siêng năng đi đọc kinh, đi lễ. Nhưng nhất là phải gương mẫu trong
cách ăn nết ở.
Làm sao người ngoài đạo mến
đạo nếu những người trong đạo cũng chia rẽ bất hoà? Làm sao đạo có sức thuyết
phục khi người theo đạo vẫn còn ham hố danh vọng chức quyền đến nỗi bán rẻ cả
lương tâm của mình và tìm cách chà đạp bôi nhọ người khác? Làm sao làm chứng
được đạo là tốt trong khi những người tin đạo vẫn còn bất công, gian tham của
cải không phải là của mình.
Thỉnh thoảng tôi có dịp gặp
một ông trùm xứ Long Châu. Long Châu là một giáo xứ thuộc giáo phận Nam ninh. Trước
đây, chỉ có gia đình ông tin Chúa. Gia đình ông tích cực rao giảng Lời Chúa.
Kết quả là sau 20 năm hầu như cả làng gần 500 khẩu đã tin theo Chúa. Cứ mỗi dịp
lễ Phục Sinh và Giáng Sinh có khoảng 20 người xin rửa tội. Tôi hỏi ông nhờ bí quyết
nào mà việc truyền giáo của ông có kết quả tốt đẹp như thế. Ngẫm nghĩ một lát,
ông trả lời: “Nhờ đời sống gia đình”. Bên Trung quốc, đời sống gia đình trong
thời đại mới đang gặp khủng hoảng. Vợ chồng bất hoà với nhau. Con cái không
vâng lời cha mẹ, có khi còn hành hung cả cha mẹ. Số gia đình tan vỡ ngày càng
tăng lên. Trong khi đó gia đình ông trùm vẫn trên thuận dưới hoà, vợ chồng
thương yêu kính trọng nhau, con cái vâng lời cha mẹ, anh chị em thương yêu đùm
bọc lẫn nhau. Thấy thế, người trong làng bảo nhau: “Đây là đạo tốt vì có thể
gìn giữ được hạnh phúc gia đình”. Nhờ tấm gương sống đạo của gia đình ông trùm
mà mọi người trong làng tin theo Chúa.
Những anh em ngoài Công giáo
cũng nhìn vào đời sống của chúng ta. Nếu người Công giáo thật sự sống tốt thì
không cần rao giảng mọi người cũng tin. Đời sống công bình bác ái, khiêm nhường
nhịn nhục, đoàn kết yêu thương có sức thuyết phục hơn tất cả mọi lời nói hay
đẹp.
KIỂM ĐIỂM ĐỜI SỐNG
1.
Chứng kiến cuộc
Thương Khó của Chúa Giêsu, niềm tin của các Tông đồ bị chao đảo. Đời bạn cũng
đã gặp nhiều thử thách, niềm tin của bạn có bị chao đảo không?
2.
Lời nói hay và
việc làm tốt, đàng nào có sức thuyết phục hơn?
3.
Trong mùa Phục
Sinh này, bạn quyết định làm gì để góp phần vào việc truyền giáo?
PHÚC THAY NHỮNG KẺ THÂN THIẾT TRỞ NÊN THÂN THIẾT HƠN
Bài Phúc Âm hôm nay đáng nên
suy niệm rất lâu. Chúng ta đơn giản ghi lấy một số yếu tố để hiểu rõ nội dung
hơn.
1)
Ngày hôm đó, ngày
trong tuần, là ngày Chúa sống lại, là Chúa Nhật của chúng ta ngày nay. Các môn
đệ hội họp, có lẽ do Phêrô (người đã nhìn thấy ngôi mộ trống) triệu tập. Các cửa
đóng chặn kỹ, biết đâu được phản ứng của nhà chức trách Do Thái ra sao. Chúa
đột nhiên ở giữa các ông, cho các ông tức khắc trông thấy Người đang sống trong
trạng thái Phục Sinh, Người không trở lại trạng thái trước đây nữa. Câu nói đầu
tiên của Chúa là: Bình an cho các ngươi. Đó là câu chào người ta thường dùng,
nhưng ta có thể nghĩ rằng nghe thấy câu nói đó các môn đệ bớt được phần nào băn
khoăn, vì cung cách cư xử của họ đối với Thầy hai hôm trước khiến họ không an
tâm. Đàng khác câu chúc bình an của Chúa luôn luôn là một ân huệ. Chúa ban cho các
ông bình an của Người, bao gồm tha thứ, nhân từ và yêu mến, mà thành quả là
niềm vui. Chúa nói thêm: Cũng như Cha đã sai Ta, Ta cũng sai các ngươi… các
ngươi tha tội cho ai, thì tội họ được tha…
2)
Cũng như Cha đã
sai Ta, Ta cũng sai các ngươi. Đức Giêsu sai các môn đệ. Chúng ta lưu ý về hai
tính chất của sự sai phái này. Chúa sai các ông thi hành một sứ mạng giống sứ
mạng của Người, cho các ông một quyền như Người. Đích phải đạt là cứu độ thế
giới bằng cách loan báo Đấng là sự thật và có quyền tha tội. Quyền là do Thiên
Chúa, do Cha. Cũng như Đức Giêsu được Cha uỷ nhiệm làm Đấng Cứu Chuộc nhân loại,
các môn đệ được Đức Giêsu đặt làm sứ giả, làm tông đồ của ơn cứu độ. Cũng như quyền
hành sứ mạng của Đức Giêsu là do Cha, quyền hành sứ mạng của các môn đệ là do
Đức Giêsu. Đối với Phúc Âm, tự ý trao cho bất cứ ai đã chịu phép thanh tẩy sứ
mạng rao giảng Phúc Âm cứu độ –là một sự lầm lẫn rất nặng nề. Các môn đệ là
những người được Đức Giêsu tuyển chọn, kêu gọi và trao quyền. Sự rao giảng chân
truyền bắt buộc phải theo đúng ý muốn của Chúa. Điều này không giảm nhẹ nghĩa vụ
mỗi tín hữu phải làm việc tông đồ theo phương pháp rất hiệu quả, rất hào hiệp,
đồng thời rất được linh ứng và rất thực tiễn. Nhưng không phải bất cứ tín hữu
nào cũng có sứ mạng đặc biệt được quyền rao giảng.
3)
Các ngươi tha tội
cho ai, thì họ được tha. Truyền thống Kitô giáo luôn luôn thừa nhận trong câu
này sự thiết lập bí tích Giải tội. Kitô hữu là kẻ từ khoảnh khắc gặp Đức Giêsu
Kitô, phát hiện ra bản thân mình tội lỗi, nghĩa là thấy mình khốn khổ và có
tội. Người tín hữu biết rằng niềm tin của mình trong Đức Giêsu Kitô làm cho
mình hiệp thông với một vận dụng cứu độ, tha tội và tái sinh. Khi Chúa thiết
lập một bí tích, nghĩa là khi lập ra một dấu chỉ rõ ràng về ơn tha thứ và tái
sinh, Chúa muốn cho kẻ có tội dễ dàng gặp ơn cứu độ. Ở đây cũng vậy, không phải
bất cứ ai cũng có trách nhiệm ban phép bí tích. Nói với các môn đệ (và những vị
thừa kế các ông sau này), Chúa phán: Các ngươi tha tội (dẫu cho người ta giải
thích lời Đức Giêsu theo một nghĩa rộng hơn, cũng không phải tất cả mọi người
trong Giáo Hội đều có quyền giải tội). Các ông sẽ làm việc ấy với quyền hành sứ
mạng. Tuy Giáo Hội quy định rõ thể thức về bí tích giải tội, những phải xác
nhận bí tích này xuất phát từ chính lời Đức Giêsu. Phúc thay những bạn hữu của
Đức Kitô trở nên thân thiết với Chúa hơn vì đã được tha thứ và tái sinh.
Trong tạp chí Guidepots, bác sĩ Scott Harrison, một chuyên viên phẫu thuật
bàn tay có viết rằng: lần nào giải phẫu ông cũng đều kêu lên vào một lúc nào
đó: “Lạy Chúa là Thiên Chúa của con!”. Ông có thói quen lạ lùng nầy từ hồi ông
còn ở Việt Nam. Một đêm nọ, vừa mới rời trường Y, ông được kêu đi gắp một viên
đạn bị kẹt trong tay một người lính. Đã vậy, ông còn phải giải phẫu dưới ánh
sáng của ngọn đèn pin. Cuộc giải phẫu ấy khiến ông cảm xúc sâu xa đến nỗi sau
khi cuộc chiến kết thúc, ông đã quyết định đi chuyên ngành giải phẫu bàn tay.
Nhờ đi sâu vào lãnh vực chuyên môn nầy, ông đã thẩm định được cách sâu sắc cơn
đau khủng khiếp do một vật gây ra, chẳng hạn như một viên đạn, khi vật ấy xuyên
thủng lớp xương, lớp gân và những sợi dây thần kinh nơi bàn tay con người. Nhà
phẫu thuật ấy kể rằng ông thường giật thót người mỗi lần nghĩ đến cơn đau kinh
khiếp Chúa Giêsu phải chịu khi đôi tay Ngài bị đóng đinh vào thập giá.
Khi chia sẻ bài Tin Mừng hôm nay, ông nói rằng theo ông, tiếng kêu “lạy
Chúa là Thiên Chúa của con” của Thánh Tôma không chỉ là một lời tuyên xưng đức
tin, mà còn là tiếng kêu đầy rung động khi vị tông đồ nhìn thấy dấu vết của đôi
bàn tay bị xé toạc ra của Chúa Giêsu. Chỉ đến lúc đó, Tôma mới hoàn toàn nhận
thức được cơn đau đớn Chúa Giêsu đã phải chịu trên thập giá. Theo nhận định của
nhà phẫu thuật, khám phá nầy hầu như vượt quá mức chịu đựng của Tôma. Và ông đã
kết thúc bản văn đầy cảm động đó với lời chứng sau đây: “Mỗi lần giải phẫu mà
nhìn phía dưới làn da của bàn tay con người, tôi luôn nhớ tới Chúa Kitô đã hy
sinh đôi tay toàn hảo của Ngài cho tôi, và cũng như Tôma, tôi thốt lên: “Lạy
Chúa là Thiên Chúa của con”.
Thưa anh chị em,
Câu chuyện trên làm nổi bật một điểm thuộc về đức tin mà chúng ta rất thường
hay quên. Đó là mỗi người chúng ta phải tiếp xúc trực tiếp với Chúa Giêsu qua
đức tin. Không phải vì cha mẹ, họ hàng, bạn hữu chúng ta tin nên chúng ta tin theo.
Đức tin của họ giúp ích cho chúng ta rất nhiều, nhưng chỉ như thế mà thôi thì
chưa đủ. Chúng ta phải tự tiếp xúc trực tiếp bằng đức tin với Chúa Giêsu giống
như nhà phẫu thuật trong câu chuyện hoặc giống như Thánh Tôma trong Tin Mừng
hôm nay. Ông nghĩ mình có quyền được xem thấy Chúa sống lại tí là như các anh
em khác. Các tông đồ kia lúc đầu cũng chẳng ai tin Chúa đã sống lại. Các ông
chỉ tin sau khi được tiếp cận với Chúa Giêsu, được sờ đến thân xác Ngài, được
ăn uống với Ngài. Vì thế, Tôma thấy mình thiệt thòi và thua kém. Cho nên ông
cương quyết không chịu tin lời anh em kể lại và ông đòi phải được sờ vào những
dấu đinh ở tay Ngài.
Ông Robert Cleath, một tác giả viết sách đã trở lại với đức tin khi ông suy
niệm về sự biến đổi kỳ diệu đã đến với các môn đệ Chúa Giêsu vào dịp lễ Phục
Sinh. Trước biến cố nầy, họ là đám người thất vọng thảm bại, thế mà sau biến cố
nầy, họ đã được biến đổi kỳ diệu và còn có năng lực làm phép lạ nữa. Ông nói:
“Không có cách giải thích nào hữu lý về sự biến đổi của họ hơn là sự giải thích
của chính họ: đó là vì họ đã nhìn thấy Chúa Giêsu hiện đang sống”.
Blaise Pascal, nhà thiên tài toán học, được hấp dẫn đến với đức tin khi ông
suy niệm về sự kiện không có sự đe doạ giết chóc nào có thể ngăn cản các môn đệ
Chúa Giêsu nói thật to cho thế giới biết rằng Chúa đã sống lại. Pascal nói ông tin
chắc chắn vào kẻ nào dám sẵn sàng chịu “chém đầu” vì lời rao giảng của mình.
Trong cuốn sách mang tựa đề “Ngang qua thung lũng sông Kwai”, Ernest Gordon
đã kể lại câu chuyện đám tù binh hai ngàn tù binh đã bị chết vì bệnh tật và vì
bị đối xử tàn tệ. Thế nhưng, họ được lôi cuốn đến với đức tin qua cảm nghiệm
riêng tư về quyền năng Chúa Giêsu đang hoạt động trong cuộc sống của họ. Chúng
ta hãy nhớ lại đám tù binh nầy từng lao động đầu trần chân đất dưới cơn nóng
cháy da miền nhiệt đới. Trong chỉ vài tuần lễ, từ những người đàn ông lực lưỡng,
họ đã biến thành những bộ xương biết đi. Tinh thần họ bị xuống đến mức tệ nhất.
Người ta lo sợ sắp có điều gì xảy ra. Thế nhưng vào ngay thời điểm ấy, hai tù
nhân đã đứng lên tổ chức đám tù còn lại thành những nhóm tìm hiểu Kinh Thánh.
Nhờ suy tư tìm hiểu Kinh Thánh, các tù nhân đã học biết rằng Chúa Giêsu Phục Sinh
đang ở giữa họ. Họ chỉ việc tiếp xúc với Ngài. Và sau khi tiếp xúc với Ngài,
đám tù đã được biến đổi kỳ diệu trong cuộc sống từng người. Chính cảm nghiệm
thiêng liêng nầy khiến họ quỳ gối xuống thưa Chúa Giêsu “Lạy Chúa là Thiên Chúa
của con”.
Anh chị em thân mến,
Chúng ta cũng phải biểu lộ
niềm tin trực tiếp vào Chúa Giêsu như thế. Chúng ta cũng phải tìm được lý do
riêng tư thôi thúc chúng ta quỳ gối xuống thưa với Chúa Giêsu: “Lạy Chúa là
Thiên Chúa của con!”. Dĩ nhiên chúng ta không thể leo lên cỗ máy thời gian bay
ngược dòng lịch sử cách đây 2000 năm để dự lễ Phục Sinh đầu tiên. Chúng ta cũng
không thể đặt ngón tay vào lỗ đinh nơi tay Chúa Giêsu giống như Thánh Tôma. Vậy
thì chúng ta có thể làm gì?
Chúng ta có thể làm như đám
tù nhân ở bờ sông Kwai. Chúng ta có thể tin vào Tin Mừng, có thể tiếp xúc với
Chúa Giêsu bằng đức tin, có thể tự cảm nghiệm được Chúa Giêsu Phục sinh đang
ngự giữa chúng ta: Ngài sẵn sàng giúp đỡ chúng ta như Ngài từng giúp đỡ đám tù
binh nọ. Đây là lời mời gọi mà Tin Mừng hôm nay dành cho chúng ta. Đây là lời
mời gọi Chúa Giêsu ngỏ với chúng ta như Ngài nói với Thánh Tôma: “Tôma, vì con
đã thấy nên con mới tin, nhưng phúc cho kẻ nào không thấy mà tin”.
Thưa anh chị em,
Khi Chúa Giêsu nói với Thánh
Tôma: “Phúc cho ai không thấy mà tin” là Ngài đang ngỏ lời với chính chúng ta
cũng như với triệu triệu Kitô hữu trong suốt dòng lịch sử. Phúc cho chúng ta
nếu chúng ta tin vào Tin Mừng. Phúc cho chúng ta nếu chúng ta tiếp xúc với Chúa
Giêsu bằng đức tin. Thật vậy, phúc cho chúng ta, vì cũng như các tù binh nọ,
chúng ta sẽ khám phá được Chúa Giêsu đã sống lại và hiện đang sống ngay lúc nầy
đây giữa chúng ta và luôn sẵn sàng giúp đỡ chúng ta.
Cuối cùng, đức tin còn phải
được nuôi dưỡng bằng những dấu hiệu, dấu chỉ. Không có các bí tích, không có
Thánh Thể, chúng ta sẽ tìm đâu ra cơ hội để gặp thấy sự hiện diện của Đức Kitô
Phục Sinh? Một khi đức tin của chúng ta đã được các dấu hiệu, các bí tích nầy
thức tỉnh rồi, thì mọi sự sẽ có thể trở thành dấu hiệu về sự hiện diện của Chúa
Kitô: các biến cố, các hoàn cảnh, tha nhân… Mỗi giây phút đưa chúng ta đến với
một cuộc gặp gỡ và chúng ta lại có thể tuyên xưng như Thánh Tôma tông đồ: “Lạy
Chúa, lạy Thiên Chúa của con”.
Suy Niệm 1. HỌC HỎI TỪ TÔMA
Thật dễ sai lầm khi cho rằng
những ai đã nhìn thấy Đức Giêsu, thì dễ có lòng tin hơn so với chúng ta. Tin
Mừng chứng tỏ rằng có nhiều người đã được nhìn thấy Đức Giêsu, nhưng vẫn không
có lòng tin nơi Người. Nhìn thấy không nhất thiết là tin. Động tác tin tưởng
lôi kéo theo một quyết định tin tưởng.
Trên thực tế, Tin Mừng còn
cho thấy rằng ngay cả các Tông đồ mà còn có vấn đề về lòng tin. Tôma không phải
là người Tông đồ duy nhất nghi ngờ về sự sống lại. Tất cả các Tông đồ đều như
vậy cả. Thánh Maccô kể cho chúng ta nghe rằng khi Đức Giêsu hiện ra với họ vào
buổi tối Phục sinh, “Người khiển trách các ông không tin và cứng lòng, bởi lẽ các
ông không chịu tin những kẻ đã được thấy Người, sau khi Người chỗi dậy”. (Mc 16:
14).
Chúng ta có thể thông cảm cho
các Tông đồ. Cảnh Đức Giêsu bị đóng đinh đã làm cho họ bị tuyệt vọng. Họ đã
dành cho Đức Giêsu một tầm quan trọng lớn lao. Họ đã bỏ hết công việc của mình,
và để lại mọi sự để đi theo Người. Thế mà Người lại đột ngột ra đi. Càng nghe
nói thật về cái chết của Người, thì sự mất mát của họ càng trở nên lớn lao hơn.
Giá trị và ý nghĩa của tất cả mọi sự đều bị đe doạ: tình bạn đồng hành, lòng
tin và toàn bộ cuộc sống của họ.
Và rồi một điều không thể tin
nổi đã xảy ra – một lần nữa, Người lại đứng giữa họ. Việc đầu tiên mà Người
làm, là chỉ cho các ông nhìn thấy những vết thương của Người. Tại sao Người lại
làm như vậy? Trước hết, bởi và những vết thương này giúp cho các ông nhận ra
Người chính là Đấng đã bị đóng đinh. Thứ hai, những vết thương này là bằng
chứng tình yêu của Người đối với họ. Tình yêu phải được chứng tỏ bằng những
hành động cụ thể. Sau đó, Người còn mời gọi các ông “nhìn xem và sờ tay vào”.
Trường hợp của Tôma đặc biệt
soi sáng chúng ta. Ông đã chứng tỏ một sự chân thành thật thú vị. Ông không hề
cố gắng che đậy những nghi ngờ của mình. Người ta thường nhìn sự hoài nghi như
là một dấu hiệu của sự yếu đuối. Chúng ta thường hay mang mặc cảm tội lỗi, vì
đã có những hoài nghi. Nhưng hoài nghi có thể là một điểm nói lên sự đang phát
triển, là một hòn đá bước lên để đi vào sự hiểu biết sâu xa hơn. Đây là điều
chắc chắn đối với Tôma, bởi vì trong Tin Mừng theo Thánh Gioan, ông đã tiến tới
việc diễn tả lời tuyên xưng cao cả nhất về lòng tin nơi Đức Giêsu: “Lạy Chúa,
Lạy Thiên Chúa của con”.
Ở nơi đây, trên trái đất này,
người ta không thể tuyệt đối biết chắc chắn về những điều thiêng liêng. Nếu
biết chắc chắn, thì không còn cần đến lòng tin nữa. Sự tuyệt đối chắc chắn có
thể đưa đến thói kiêu ngạo, không khoan dung và sự ngu xuẩn. “Kẻ tin nào không
bao giờ tỏ ra hoài nghi, thì không phải là kẻ tin nữa” (Thomas Merton).
Một cộng đoàn đều có thể rút
được kinh nghiệm từ một nhân vật như Tôma, nghĩa là một người có can đảm đặt ra
những câu hỏi mà không một người nào khác dám hỏi. Đó là người chân thành,
người như vậy cũng giúp cho những người khác giữ được chân thành. Họ làm cho
những kẻ tin tức giận, khi bày tỏ sự mỏng dòn nơi lòng tin của họ; họ làm cho những
kẻ hoài nghi tức giận, khi làm cho những người này cảm thấy sự dằn vặt của nỗi
trống rỗng trong tâm hồn.
Sau khi chế ngự được khủng
hoảng lòng tin của mình, Thánh Tôma đã tiếp tục can đảm làm chứng cho Đức
Giêsu, và trở thành một trong những nhà truyền giáo vĩ đại nhất của Giáo Hội
tiên khởi. Theo truyền thống, ngài đưa Tin Mừng tới tận Ba Tư , Syria
và Ấn Độ, là nơi ngài chịu tử đạo. Thánh Tôma là người Tông đồ đầu tiên chịu
chết vì đức tin.
Đức Giêsu mời gọi chúng ta
tiếp cận với Người trong lòng tin, và nhìn vào những vết thương của Người. Mặc
dù chúng ta không được đụng chạm vào Người về mặt thể lý, nhưng chúng ta vẫn có
thể tiến lại gần Người về mặt thiêng liêng. Và chúng ta cũng được kêu gọi mang
lời chứng đến cho những người khác. Công việc của Chúng ta là làm cho Đức Giêsu
trở thành “nhìn thấy được” trên thế giới. Các môn đệ đầu tiên đã làm theo cách
này. Một khi đã được nhìn thấy Đức Kitô, họ cảm thấy bắt buộc phải làm cho
người khác nhận biết người.
Thế giới ngày nay đầy rẫy
những kẻ hoài nghi và không tin tưởng. Cách thức duy nhất khiến cho họ được
biến đổi trong lòng tin, đó là làm như thể họ “nhìn thấy” Đức Giêsu và “đụng
chạm” vào Người thông qua những kẻ đi theo Người. Nhưng kẻ đi theo Người lại
không hề có vết thương tình yêu để bày tỏ ra cho họ, vì thế, chưa chắc có thể
thuyết phục được những kẻ không tin.
Xin cho chúng ta xứng đáng
được kể và số những người mà Đức Giêsu chúc phúc, nghĩa là “những kẻ không thấy
mà tin”
Suy Niệm 2. TRÀO LƯU CHÍNH THỐNG
“Nếu tôi không thấy dấu đinh
ở tay Người, nếu tôi không xỏ ngón tay vào lỗ đinh, và không đặt bàn tay vào
cạnh sườn Người, thì tôi không tin”. Tôma đang tìm kiếm sự tuyệt đối chắc chắn.
Chúng ta có thể gọi ông là một người theo trào lưu chính thống. Đối với người
theo trào lưu chính thống, vấn đề chỉ là trắng hoặc đen. Nếu có một điều gì đó
chưa đích thực theo sát nguyên văn, thì đúng là điều đó không hề có thật.
Ngày nay, trào lưu chính
thống đang trên đà gia tăng. Vì sự thiếu chắc chắn gây ra nỗi e ngại, nên họ có
rút lại vào trào lưu chính thống. Trào lưu này có thể rất hấp dẫn. Đối với người
theo trào lưu chính thống, đường lối phải thẳng tắp, câu trả lời phải đơn giản.
Nhưng trào lưu chính thống là một cách thức nghèo nàn trong việc nhìn nhận chân
lý. Điều này tước đoạt mất sự phong phú của lòng tin, hậu quả là đưa đến một
thứ tôn giáo cứng rắn, đơn giản, thuần theo luân lý và độc đoán. Điều này làm
cho người ta biến thành một đám người chỉ đi theo đúng một đường lối, hơn là
một nhóm người bao gồm những cá nhân, mỗi người đều có câu chuyện riêng của
mình để kể ra, và một đường lối đặc biệt riêng để đi theo.
Sau đây là một câu chuyện ngụ
ngôn: có hai người đi đường tự nhận thấy mình đang giáp mặt với một cánh rừng.
Bởi vì chung quanh đó không còn một con đường nào, nên họ không còn chọn lựa
nào khác, ngoài cách phải băng qua cánh rừng đó. Tự nhiên họ cảm thấy khiếp sợ,
họ e ngại rằng mình có thể bị lạc lối trong rừng. Nhưng họ thật may mắn khi gặp
được một người gác rừng, người này đã cho họ một bản đồ vạch ra những con đường
mòn đi xuyên qua rừng.
Sau khi xem xét tấm bản đồ,
thì người thứ nhất phát hiện được một con đường mòn dường như có vẻ đi thẳng
trực tiếp nhất, và anh ta đã kiên quyết đi theo con đường mòn đó. Khi làm như
vậy, anh đã tìm kiếm được nhiều thì giờ, lo lắng và nguy hiểm. Nhưng anh ta
cũng tự làm cho mình mất đi cơ hội khám phá được vẻ phong phú cả khu rừng.
Người thứ hai nghiên cứu từng
chi tiết của tấm bản đồ một cách cẩn thận. Anh đã ghi nhận rằng những con đường
mòn chính không chỉ xuyên suốt được khu rừng, mà còn là những lối đi ngắn hơn
nhiều. Đối với anh, không nhất thiết là phải tuyệt đối theo sát tấm bản đồ,
nhưng mục đích chính của tấm bản đồ này là nhằm cung cấp cho anh những phương hướng,
đế mặc dù đang ở bất cứ chỗ nào trong rừng, anh cũng sẽ không bị lạc lối. Khi
sử dụng bản đồ theo cách này, là mở ra cho anh toàn thể khu rừng, và giúp cho
anh phát hiện được tất cả vẻ phong phú sẵn có của nó.
Khu rừng tiêu biểu cho thế
giới của chân lý. Tấm bản đồ tiêu biểu cho đức tin của người Kitô hữu. Những
con đường mòn tiêu biểu cho các học thuyết về đức tin.
Người thứ nhất tiêu biểu cho
loại người theo trào lưu chính thống. Anh ta suy nghĩ về các học thuyết đức tin
theo một cách thế hẹp hòi, theo sát từng chữ và dường như không liên quan gì
đến những gì còn lại của cuộc sống. Người thứ hai đã sử dụng cũng những chân lý
đó để cung cấp cho anh những phương hướng. Bằng cách này, những chân lý đó mở
ra tất cả cho anh. Chúng giúp anh có thể tự đắm mình vào cuộc sống, với tất cả
những nét phong phú đa dạng và tuyệt vời của nó. Chúng đem đến cho anh một
chiếc chìa khoá, để giải mã mầu nhiệm của cuộc sống.
Đức tin của người theo trào
lưu chính thống tạo ra một đường lối an toàn. Đức tin này bảo vệ người đó khỏi
phải làm một công việc khó nhọc, đó là đi tìm kiếm ý nghĩa và những giá trị của
bản thân mình. Nó giảm bớt cho người đó khỏi nỗi lo lắng phải đương đầu với sự
chọn lựa, với trách nhiệm, và sự thay đổi liên tục trong ý thức về bản thân
mình. Trào lưu chính thống là một đức tin đã được xác nhận bằng sự thiếu tự
tin.
Đối với một người theo trào
lưu chính thống, tôn giáo chỉ là một phần của cuộc sống. Còn đối với người
không đi theo trào lưu chính thống, tôn giáo chính là cuộc sống được nhìn và sống
theo viễn cảnh tôn giáo. Mỗi sự kiện đều được tiếp nhận gấp đôi, nếu không muốn
nói là gấp ba lần ý nghĩa, và do đó, từng sự kiện lại được phong phú hơn và bí
nhiệm hơn. Đức tin lấp đầy cuộc sống của chúng ta bằng những sự kiện mà, nếu
không có chúng, thì cuộc sống của chúng ta sẽ không có ý nghĩa, và linh hồn của
chúng ta sẽ bị khô héo và chết đi.
Đức Giêsu không cổ vũ cho
trào lưu chính thống. Người không muốn những kẻ đi theo Người cách mù quáng.
Trái lại, Người đã cố gắng mở mắt mọi người, mà không hề đe doạ hoặc ép buộc ai
cả, Người chỉ mời gọi, mong muốn người ta tự nguyện đi theo Người, bằng tất cả
sự sáng suốt của họ. Và Người còn đi đến chỗ mong muốn chúng ta có thể có được
sự sống, không chỉ ở cuộc sống mai sau, mà còn ở nơi đây, trên trái đất này
nữa, để có được một cuộc sống dồi dào.
Tiếp Cận Khác: Khủng hoảng đức tin
Tông đồ Tôma đã trải qua một
cơn khủng hoảng đức tin. Nhiều người cũng đang khủng hoảng đức tin. Tolstoy là
một con người mẫu mực, ngoại trừ cuộc sống của ông cũng đang bị một cơn khủng
hoảng về mặt ý nghĩa.
Năm 1879, ông được 51 tuổi.
Ông có lý do để mãn nguyện với chính mình. Ông đã hoàn thành hai cuốn tiểu
thuyết, Chiến tranh và Hoà bình và Anna Karenina. Nếu ông không viết một tác
phẩm nào khác nữa, thì hai cuốn tiểu thuyết này đủ đảm bảo cho ông có một vị
trí xứng đáng trong cuốn sử biên niên của nền văn học thế giới. Văn phong của
hai cuốn sách này đã giúp cho ông có thể diễn tả được tính cách vĩ đại và khả
năng sáng tạo của ông. Đáng lẽ ông rất hạnh phúc. Tuy nhiên, ông lại cảm thấy
đau khổ. Ông cảm thấy cuộc sống của mình không có ý nghĩa. Có một câu hỏi cứ
lảng vảng trong ông: “Liệu có bất cứ ý nghĩa nào trong cuộc sống của tôi sẽ
không bị cái chết huỷ hoại đi chăng?”.
Đối với ông, đây là một thời
kỳ nguy hiểm và đau đớn –ông đã từng dự tính tự tử. Ông tìm kiếm một lời giải
đáp cho những câu hỏi của ông trong từng lãnh vực của kiến thức nhân loại. Ông
cứ kiên nhẫn tìm kiếm, cả ngày lẫn đêm, giống như một người đang giãy chết tìm
cách để được cứu thoát. Nhưng ông vẫn không hề tìm thấy gì cả.
Thế rồi ông quay trở lại với
niềm tin của các Kitô hữu. Ông đã từng được nuôi dưỡng trong lòng tin, nhưng
ông đã từ bỏ đức tin đó từ lâu rồi. Ông cảm thấy khó chịu đối với niềm tin này,
và coi đó như là thứ vô nghĩa lý trên môi miệng của những kẻ có cuộc sống trái
ngược hẳn với cuộc sống của ông. Nhưng khi nhìn vào những con người sống bằng niềm
tin, thì cũng chính niềm tin này lại lôi cuốn ông và dường như gây cho ông sự
xúc động.
Từ đó, ông được lôi kéo quay
trở lại với niềm tin này và ông đã nhận ra được ý nghĩa của niềm tin. Ông nói: “Tôi
đã từng suy nghĩ rằng trong cuộc sống, không hề có chân lý chắc chắn. Nhưng rồi
tội đã tìm thấy một nguồn ánh sáng đó từ trong Tin Mừng, và nét rạng ngời của
ánh sáng đó đã làm ngây ngất cõi lòng tôi. Trong những lời giảng dạy của Đức
Giêsu, tôi nhận ra rằng đó là một học thuyết tinh tuyền nhất và đầy đủ nhất
trong cuộc đời. Từ 2000 năm nay, lời rao giảng cao cả và quý giá của Đức Giêsu
đã tạo ra một ảnh hưởng trên con người, theo cách thức mà không có bất cứ người
nào khác có thể tạo ra được. Một ánh sáng đã chiếu toả trên con người tôi và
chung quanh tôi, và kể từ đó, ánh sáng này không bỏ rơi tôi nữa”.
Một số người đã được đưa ra
vào lòng tin tôn giáo ngay từ lúc mới sinh, và theo năm tháng, họ nhận thấy
lòng tin này càng ngày càng mạnh mẽ và vẫn được duy trì. Khi có được lòng tin
như vậy, thì đó là một ơn phúc lớn lao. Nhưng đối với những người khác, lòng
tin là một cuộc đấu tranh liên lỉ. Thật vậy, có thể một số người đã phải trải
qua một cơn khủng hoảng, rồi mới đến được một lòng tin sâu xa và mang tính cách
cá nhân.
Chỉ có lòng tin mới có thể
trả lời cho những câu hỏi sâu xa nhất và quan trọng nhất trong cuộc đời. Nhưng
chúng ta không được mong đợi lòng tin soi sáng tất cả mọi sự, bởi vì chúng ta
có lòng tin, điều đó không có nghĩa là chúng ta biết được tất cả mọi câu trả
lời. Nhưng chúng ta không nhất thiết biết tất cả những câu trả lời. Lòng tin là
sự tin tưởng, chứ không phải là biết chắc chắn.
Câu chuyện của Tôma đa nghi
giúp chúng ta hiểu rằng ân sủng lòng tin được chứa đựng trong bình chứa là con
người nhân loại thật mỏng dòn biết bao. Và điều này cũng chỉ ra cho chúng ta
rằng lòng tin Kitô giáo nhất thiết phải là lòng tin đối với một Đấng đã yêu
thương chúng ta –và Người đã có những vết thương để chứng tỏ tình yêu này. Tất
cả cốt lõi của lòng tin trong Kinh Thánh không chỉ là lòng tin mà chúng ta có
được nơi Thiên Chúa, nhưng còn là lòng tin mà Thiên Chúa có nơi chúng ta.
CÂU CHUYỆN KHÁC
Walter Ciszek, một linh mục
dòng Tên người Ba Lan, đã trải qua 15 năm sống trong các trại cưỡng bức lao
động tại Siberia . Trong suốt những năm tháng
đó, ông thuộc về những lữ đoàn thấp kém nhất, đã ép buộc ông phải làm những công
việc bẩn thỉu nhất – đào nền bằng tay, khiêng vác những vật liệu xây dựng nặng
nề, bò qua những khu hầm mỏ tối tăm, ẩm thấp, tại đó, chỉ cần sơ ý một chút là
đủ đưa đến cái chết.
Điều gì đã giúp cho ông tồn
tại được? Ông nói “Nhiều người đã chết, đặc biệt khi mất đi niềm hy vọng. Nhưng
tôi tin tưởng nơi Thiên Chúa, và nhờ đó, không bao giờ tôi cảm thấy mất niềm hy
vọng. Không phải là tôi duy trì được lòng tin, nhưng chính lòng tin đã giúp tôi
tồn tại”.
Hạnh phúc cho những ai có được một lòng tin như thế.
Đối với phần đông tín hữu
Việt Nam, danh xưng Tôma khơi gợi về một thái độ, rất riêng tư nhưng cũng rất
điển hình, chẳng những không tích cực mà xem ra còn để lại nhiều tai tiếng. Gặp
một tâm hồn cứng cỏi trước những biểu cảm của niềm tin, cảm tính không nhanh
nhạy đủ hoặc lý trí còn đòi hỏi những chứng cứ, người ta đã khéo ví von “cứng
lòng như Tôma”; thấy ai biểu lộ do dự hoặc nghi ngờ trước những sự kiện tôn
giáo, mà theo một số người, đã rành rành hiển nhiên, người ta vội vàng đưa vào
gia phả “con cháu Tôma”. Kể cũng oan!
Thật ra, đi liền với danh
xưng Tôma lại là một bài học dẫn đến niềm tin, và cũng còn đó lời gọi sống sao
cho mối phúc thứ chín, như người ta gọi về lời Chúa Giêsu kết thúc trang tin
Mừng hôm nay “Phúc cho kẻ không thấy mà tin”, được trở thành hiện thực trong
đời mỗi Kitô hữu.
1. “Lạy Chúa tôi, lạy Thiên Chúa của tôi”.
Niềm tin của Tôma vào Đấng
Phục Sinh là cả một chặng đường trong đó yếu tố trước hết chính là cộng đoàn:
“Chúng tôi đã được thấy Chúa”. Chính vì chứng từ của cộng đoàn này mà Tôma đã
tự vấn để rồi sau đó mới đi tới đức tin. Ngay việc các môn đồ hội họp vào “ngày
thứ nhất trong tuần” cùng với lời chúc bình an của Đấng Phục Sinh, làm bối cảnh
hình thành truyện Tôma, cũng cho thấy vai trò của cộng đoàn trong việc khai
sinh đức tin nơi một người.
Nhưng yếu tố chủ động hơn
phải được tìm thấy trong phản tỉnh của cá nhân ông. “Nếu tôi không thấy…tôi
không tin”. Câu nói tự phát ấy đã trở thành tai tiếng khiến nhiều người nghĩ
rằng Tôma là một kẻ cứng đầu cứng cổ, đòi hỏi, nghi ngờ. Nhưng thực ra, ông là
người thực tiễn. Chính nhờ ông lên tiếng mà ta mới thấy rõ hơn thế nào là trăn
trở của đức tin thuở ban đầu và thế nào là nỗ lực cá nhân làm cho niềm tin có
được bản sắc riêng không thể lầm lẫn với người khác.
Nếu hôm trước Tôma đòi thấy
mới tin, thì “tám ngày sau”, qua tiếp xúc cá nhân với Đấng Phục Sinh, ông đã
dõng dạc tuyên xưng không phải bằng công thức chung chung như mọi người nữa, mà
bằng một cách rất riêng đậm màu bản sắc làm thành đỉnh cao tuyên tín Phục Sinh:
“Lạy Chúa tôi, lạy Thiên Chúa của tôi”.
Và niềm tin chỉ có thể đạt
được kết quả khi có yếu tố quyết định chính là hồng ân Thiên Chúa, như một bao
trùm từ khởi sự cho đến hoàn thành. Nguyện vọng của Tôma xem ra ngược ngạo,
nhưng đã được Đức Giêsu thanh luyện, để cuối cùng khi dâng lời tuyên tín, cũng
là lúc ông được dẫn vào một nhận thức mới mẻ hoàn toàn.
Thay vì “phải thấy mới tin”,
ông đã nhận ra rằng “phải tin mới thấy” trọn vẹn: thấy Đấng Phục Sinh và con
người Giêsu cũng là một, thấy Đấng Phục Sinh rốt cuộc là Chúa và là Thiên Chúa
của mình, và thấy niềm tin vượt lên tất cả sẽ trở thành hạnh phúc.
2. “Đừng cứng lòng, nhưng hãy tin”.
Chuyện lòng riêng của Tôma
cũng là chuyện lòng chung của muôn lòng tín hữu. Từ nỗi oan Tôma, ngày nay
người ta hiểu hơn rằng niềm tin không phải là một yếu tố đơn thuần, mà là một
tổng hợp giữa ơn thánh và nghị lực con người, trong đó có cộng đoàn và mỗi cá
nhân.
Chỉ dựa vào ơn thánh, người
ta có nguy cơ rơi vào thái độ coi mọi sự là bởi Chúa nên không cần phải đào sâu
tìm hiểu thêm. Có biết đâu tin như thế không còn là tin nữa, mà một cách nào đó
đã trở thành cả tin. Vì tin tất cả nên cả tin, hay vì cả tin nên tin tất cả?
Chỉ dựa vào lý trí, người ta
lại có nguy cơ khác là thái độ muốn giới hạn tri thức về thực tại vào tiêu
chuẩn của kinh nghiệm khả giác hoặc khả năng suy luận: những gì không hiểu, không
đo lường sờ chạm, đều bị chối từ. Có biết đâu tin như thế cũng không còn là tin
nữa, mà xem ra lại gần với sự bất tín!
Nếu chỉ dựa vào cộng đoàn
thôi, người ta còn có thêm một nguy cơ nữa là thái độ tiêu cực. Bên ngoài có vẻ
ngoan nguỳ, nhưng thực chất là dấu hiệu của một niềm tin hời hợt. Lúc đạo giáo
hưng thịnh xem ra không có vấn đề nhưng khi sự đạo phải bước vào thầm lặng thì
biết đâu bởi vì dễ tin nên cũng dễ bỏ niềm tin trước bất cứ ai?
Thành ra, phải xem trường hợp
Tôma như một kinh nghiệm, và cần xem chặng đường niêm tin của ông như một kinh
điển cho niềm tin đang dấn bước đi trong cuộc sống. “Đừng cứng lòng!” phải
chăng là lời gọi hãy xa đi những thái độ không phù hợp, để chẳng những tránh
được khủng hoảng, mà dường như còn nghe lại từng ngày lời ân cần đã một lần ngỏ
với Tôma ở cuối chặng đường gặp gỡ: “Nhưng hãy tin!”
3. “Phúc cho kẻ không thấy mà tin”.
Cũng từ nỗi oan Tôma, tín hữu
hôm nay cảm nhận hơn niềm vui trong đức tin của mình. Niềm vui của Tôma là được
thấy Chúa nên tin, còn niềm vui của đời tín hữu lại là tin để được thấy Chúa.
Tin như thế là một hạnh phúc.
Trong hạnh phúc ấy, sau này
các Tông đồ đã quy tụ cho Chúa những kẻ tin, và những kẻ tin sơ khởi đãvui mừng
cử hành niềm tin của mình một cách sống động, không những qua nghi thức Phụng
Vụ, mà còn qua cách sống cộng đoàn biết chia sẻ và phục vụ lẫn nhau, và niềm
hạnh phúc, cuối cùng, sẽ là sức mạnh chiến thắng.
Nhưng với kẻ tin hôm nay, tất
cả vẫn còn ở phía trước. Bổn phận của ta là phải khổ công vun đắp niềm tin của
mình sao cho thắm đượm hồng ân Thiên Chúa mà vẫn không quên nỗ lực đóng góp của
con người, sao cho chan hoà với nhịp sông cộng đoàn mà vẫn không triệt tiêu bản
sắc cá nhân. Và một khi niềm tin muốn khơi dậy niềm tin, thì cái bổn phận kia
đã trở thành trách nhiệm loan báo hạnh phúc cho những người đồng thời.
Tuy nhiên, phải thú nhận rằng
niềm tin hạnh phúc ấy còn lắm nhạt nhoà. Đó đây trong nhịp sống chung Giáo Hội
cũng như trong nếp sống riêng mỗi tín hữu, vẫn có thể có những lúc ngại tin
hoặc chậm tin vào điều mình không thấy. Nhất là khi phải hy sinh những hạnh
phúc chính đáng “thấy được” để vươn đến một thứ hạnh phúc ở ngoài tầm nhìn khả giác.
Quả là vất vả!
Nhưng chính lúc ấy, Tôma xuất
hiện như một người bạn tri âm, như một người thầy đã từng trải nghiệm. Và lời
Đức Giêsu nói với ông lại trở thành lời vỗ về đem lại sức mạnh. Nghe trong mối
phúc thứ chín có câu dặn dò: muốn thấy điều mình tin, hãy bắt đầu bằng cách tin
điều mình không thấy; và chừng như cũng có lời ước hẹn: tin điều mình không thấy
sẽ được thấy điều mình tin.
Ngày nay nỗi oan Tôma vẫn còn
đó. Một mình ông chịu tai tiếng để sau này người ta biết đường mà tránh. Một
mình ông chịu quở là cứng lòng tin để tín hữu hiểu rằng phải vượt trên những
điều nhìn thấy mới gặp được lối hạnh phúc của niềm tin. Và như thế, liệu ta có
thể bảo rằng nỗi oan Tôma là một nỗi oan hạnh phúc?
Cùng với mầu nhiệm đức tin
khi bánh rượu được truyền phép hôm nay, ta sẽ lặp lại lời tuyên xưng của Tôma:
“Lạy Chúa tôi, lạy Thiên Chúa của tôi”. Để xin thêm đức tin cho những tấm lòng
còn nghi ngại, củng cố đức tin cho những người đang yếu đuối, và xin được hạnh
phúc cho mọi kẻ tin.
8.
Chú giải của William Barclay
CHÚA KITÔ SAI PHÁI (Ga 20,19-23)
Có lẽ các môn đệ vẫn tiếp tục
họp tại phòng cao, nơi đã tổ chức Bữa Tiệc Ly. Nhưng họ đã họp mặt trong bầu
khí đầy sợ hãi. Họ kinh hoàng vì đã biết sự cay cú độc ác của dân Do Thái vừa
giết Chúa, và các môn đệ sợ rằng tiếp theo sẽ tới phiên họ. Họ đã họp lại trong
sợ hãi, sợ từng tiếng chân đi ngoài hành lang, từng tiếng gõ cửa, e có tay sai của
Toà Công Luận đến bắt họ. Đang lúc đó, thình lình Chúa Giêsu hiện ra giữa họ,
Ngài chào họ bằng lời chào thông thường của người Phương Đông: “Chúc anh em
được bình an”. Câu ấy mang ý nghĩa nhiều hơn là: “Cầu mong cho anh em khỏi lo
lắng bối rối”. Nó có nghĩa: “Nguyện Thiên Chúa ban cho anh em mọi điều tốt
lành”. Sau đó Chúa Giêsu ban cho môn đệ một mệnh lệnh, sự sai phái mà Hội Thánh
chẳng bao giờ được quên.
1. Ngài phán rằng Chúa Cha đã
sai Ngài thế nào, Ngài cũng sai phái họ y như vậy. Đây là điều mà Westcott đã
gọi: “hiến chương của Hội Thánh”. Nó có ba nghĩa.
a. Chúa Giêsu
cần Hội Thánh. Đúng như thánh Phaolô muốn nói khi ông gọi Hội Thánh là “thân
thể của Chúa Kitô” (Ep 1,23; 1Cr 12,12). Chúa Giêsu đã đến với một sứ điệp cho mọi
người, bây giờ Ngài trở về cùng Chúa Cha. Sứ điệp ấy sẽ chẳng bao giờ đến được
với mọi người nếu Hội Thánh không loan truyền. Hội Thánh phải là cái miệng nói
thay cho Chúa, là đôi chân đi những nơi Ngài cần đến, là đôi tay để làm công
việc của Ngài. Sứ điệp của Chúa Kitô được đặt vào tay Hội Thánh. Vậy ý nghĩa
nhất trong câu chuyện này là Chúa Giêsu tuỳ thuộc vào Hội Thánh.
b. Hội Thánh
cần Chúa Giêsu. Một sứ giả cần có người phái mình đi, cần có sứ điệp để mang
đi, cần một thế lực, một thẩm quyền để hậu thuẫn cho sứ điệp mình mang đi,
người ấy cần có người để nhờ cậy khi nghi ngờ và gặp khó khăn. Vì thế, Hội
Thánh cần Chúa Giêsu. Nếu không có Ngài, Hội Thánh sẽ không có sứ điệp, không
có năng lực, không có ai để nương cậy khi bị chống đối, không có gì để soi sáng
cho tâm trí, thêm sức cho đôi tay, khích lệ cho tâm hồn. Vậy, câu này có nghĩa
là Hội Thánh lệ thuộc vào Chúa Giêsu.
c. Nhưng ở đây
vẫn còn một điểm khác nữa. Việc Hội Thánh được Chúa Giêsu sai phái song song
với việc Ngài được Chúa Cha sai phái. Không ai đọc tường thuật của sách Gioan
mà không thấy tương quan giữa Chúa Giêsu và Chúa Cha luôn luôn dựa trên sự vâng
phục trọn vẹn và tình yêu trọn vẹn của Chúa Giêsu. Chúa Giêsu làm sứ giả của
Chúa Cha, chỉ vì Ngài vâng phục và yêu mến Chúa Cha cách trọn vẹn. Do đó Hội
Thánh cũng chỉ làm sứ giả, công cụ cho Chúa Giêsu khi Hội Thánh yêu mến và vâng
phục lời Ngài thật sự trọn vẹn. Hội Thánh không thể ra đi với các chính sách
nhân tạo của mình mà phải theo ý của Chúa Giêsu. Bất cứ lúc nào cố ý dựa vào sự
khôn ngoan và năng lực riêng để giải quyết vấn đề mà không tìm ý muốn và hướng dẫn
từ nơi Chúa Giêsu, Hội Thánh sẽ thất bại.
2. Chúa Giêsu hà hơi trên các
môn đệ để ban Thánh Thần. Khi nói như vậy chắc chắn Gioan đang nhớ lại câu chuyện
sáng tạo con người. Tác giả xưa đã viết: “Thiên Chúa bèn lấy bụi đất nắn nên
hình người, hà sinh khí vào lỗ mũi, thì con người trở nên một loài sinh linh”
(St 2,7). Đó cũng chính là bức tranh mà Êdêkiên đã thấy trong thung lũng đầy
hài cốt khô, ông nghe Chúa phán với gió: “Hỡi hơi thở, hãy đến từ gió bốn
phương, thở trên những người bị giết, để cho chúng được sống” (37,9). Khi Thánh
Thần đến, có sáng tạo mới, như đánh thức sự sống từ trong cái chết. Khi Thánh
Thần xuống trên Hội Thánh, Hội Thánh được đánh thức và tái tạo để thi hành
nhiệm vụ của mình.
KẺ NGỜ VỰC CHỊU THUYẾT PHỤC (Ga 20,24-29)
Với Tôma, ông chỉ còn chờ
thập giá mà thôi. Khi Chúa Giêsu đề nghị đến Bêtania lúc được tin Ladarô bị
bệnh, Tôma nói: “Chúng ta hãy tới đó để cùng chết với Ngài” (Ga 11,16). Tôma
không thiếu can đảm, nhưng ông có tính bi quan. Không ai nghi ngờ việc Tôma rất
yêu mến Chúa Giêsu. Ông yêu Ngài đủ để sẵn sàng cùng đi với Ngài lên Giêrusalem,
sẵn sàng để chết khi các môn đệ khác phân vân, sợ hãi. Điều mà Tôma chờ đợi đã
xảy ra, và khi việc xảy ra như ông chờ đợi thì ông vẫn đau đớn vô cùng, ông đau
đớn đến độ không muốn nhìn mặt ai nữa, ông ở riêng với niềm đau của mình.
Vua George Đệ Ngũ thường nói
một trong những quy luật sống của ông: “Nếu ta phải chịu đau khổ thì hãy để ta
như một con vật tốt giống và để ta chịu khổ một mình trong cô đơn”. Tôma phải
đối diện với nỗi đau buồn của ông trong cô đơn. Vì thế, khi Chúa Giêsu trở lại
với các môn đệ thì Tôma đã không có mặt. Với ông tin báo Chúa Giêsu sống lại là
một tin dường như quá tốt lành đến độ không thể tin có thật, vì thế ông đã
không chịu tin. Với tâm trạng phân vân do bản tính bi quan, ông tuyên bố chẳng
bao giờ ông tin Chúa Giêsu sống lại từ cõi chết, cho đến khi thấy tận mắt, đặt
ngón tay ông vào dấu đinh trên tay Chúa và đặt bàn tay ông vào chỗ mũi giáo đã
đâm nơi hông Ngài (Kinh Thánh không chép gì về các vết thương nơi bàn chân Chúa
Giêsu, vì trong hình phạt đóng đinh vào thập giá, đôi chân không bị đóng đinh,
chỉ cột vào đó mà thôi).
Thêm một tuần lễ trôi qua,
lần này Tôma có mặt với các môn đệ khác. Chúa Giêsu biết rõ tấm lòng của Tôma,
Ngài lặp lại lời ông và mời ông tự làm cuộc trắc nghiệm mà ông từng đòi hỏi.
Bấy giờ, lòng Tôma tuôn trào tình yêu và thờ kính, ông chỉ có thể thốt lên:
“Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con!” Chúa Giêsu nói với ông: “Tôma ơi,
ngươi cần thấy tận mắt rồi mới chịu tin, nhưng sẽ có lúc người ta chỉ thấy bằng
con mắt đức tin và tin nhận. Trong câu chuyện này tâm tính Tôma đã bộc lộ rõ
ràng trước mắt chúng ta:
1.
Tôma đã phạm một
lỗi lầm. Ông đã vắng mặt trong buổi họp mặt anh em. Ông tìm sự cô đơn hơn là
họp nhau. Và vì không có mặt với các bạn nên ông mất cơ hội gặp Chúa Giêsu lúc Ngài
đến đó lần thứ nhất. Chúng ta sẽ bị mất mát nhiều nếu tự tách mình ra khỏi cộng
đoàn để tìm cách sống cô đơn. Nhiều điều có thể xảy ra khi chúng ta cùng ở với
nhau trong Hội Thánh Chúa, nhưng sẽ không xảy ra khi chúng ta sống cô đơn. Khi
gặp cảnh đau buồn, chúng ta thường có khuynh hướng muốn đóng cửa lại, nhốt mình
riêng một nơi, không muốn gặp ai cả. Nhưng chính những lúc như thế, mặc dù đau
buồn, chúng ta nên tìm cách thông hảo với anh em, vì trong sự thông hiệp đó
chúng ta có cơ may gặp Chúa.
2.
Nhưng Tôma có hai
đức tính lớn. Ông nhất định không chịu nói là tin khi ông không tin, không bao
giờ nói mình hiểu trong khi không hiểu. Ông không hề đè nén sự nghi ngờ. Tôma
không thuộc loại người chịu thông qua điều chưa hiểu. Ông muốn biết chắc mọi
sự, và thái độ này của ông hoàn toàn đúng. Một người đòi hỏi chắc chắn thì có
đức tin vững vàng hơn kẻ chỉ lặp đi lặp lại như con vẹt những điều mình chẳng
bao giờ suy nghĩ đến, không thật sự tin tưởng. Cính hoài nghi như thế đến cuối
cùng sẽ đạt đến chỗ tin chắc.
3.
Đức tính kia của
Tôma là khi biết chắc, ông sẽ đi cho đến cùng. Ông nói: “Lạy Chúa của con, lạy
Thiên Chúa của con!” Với Tôma không có vị trí lưng chừng. Ông không làm bộ hoài
nghi chỉ nhằm chơi trò xiếc tinh thần, ông nghi ngờ vì muốn trở thành người biết
chắc, và khi đã chắc rồi, ông hoàn toàn vâng phục. Khi một con người chiến đấu
với nỗi hoài nghi để đi đến chỗ tin Đức Giêsu là Chúa, người ấy đạt được sự
chắc chắn mà những người dễ dàng chấp nhận không suy nghĩ sẽ chẳng bao giờ đạt
tới được.
TÔMA VÀO NHỮNG NGÀY SAU ĐÓ (Ga 20,24-29)
Chúng ta không rõ những ngày
sau đó điều gì xảy đến cho Tôma. Nhưng có một sách ngoại kinh nhan đề: “Các
công việc của Tôma” dựng lại tiểu sử của ông. Dĩ nhiên đây chỉ là truyền thuyết
cũng có phần nào là lịch sử, và trong sách đó, Tôma được mô tả trung thực với
tính tình của ông. Sau đây là một phần trong câu chuyện đã được kể lại về ông.
Sau khi Chúa Giêsu sống lại,
các môn đệ phân bổ khu vực rao giảng Phúc Âm, mỗi người đến một nơi nào đó để truyền
bá Phúc Âm cho mọi người khắp thế gian đều được nghe. Tôma bắt thăm nhằm xứ Ấn
Độ (Giáo Hội thánh Tôma ở miền Nam
Ấn truy lai lịch của họ từ Tôma). Thoạt đầu Tôma không chịu đi, ông bảo ông
không đủ sức thực hiện một chuyến đi xa đến thế. Ông nói: “Tôi là một người Do Thái,
làm sao lại có thể đến sống giữa những người Ấn Độ mà rao giảng chân lý cho họ
được?”. Tối đến, Chúa Giêsu hiện đến với ông và phán: “Hỡi Tôma đừng sợ, hãy
đến Ấn Độ và giảng ở đó, vì ân sủng Ta ở với ngươi?. Thế nhưng Tôma vẫn ngoan
cố từ chối. Ông nói: “Nếu Ngài muốn sai con đi thì sai, nhưng đi nơi nào khác
chứ không đến với dân Ấn, con sẽ không đi đâu!”. Bấy giờ có một thương nhân tên
Abbanes từ Ấn đến Giêrusalem, ông được nhà vua Gundaphorus sai đi tìm một thợ
mộc giỏi đem về Ấn Độ, và Tôma vốn là thợ mộc. Chúa Giêsu đến cùng Abbanes ngồi
chơi và hỏi: “Ông có muốn mua một thợ mộc không?” Abbanes đáp “Muốn” Chúa Giêsu
nói: “Tôi có một tên nô lệ làm thợ mộc và tôi muốn bán”. Rồi Ngài chỉ Tôma đứng
ở đàng xa, họ thuận giá và Tôma bị bán. Tờ bán viết như sau: “Tôi tên là Giêsu,
con trai Giuse làm thợ mộc, nhìn nhận có bán tên nô lệ của tôi là Tôma cho ông
Abbanes, thương gia của Gundaphorus, vua dân Ấn”. Sau khi biết xong giấy bán,
Chúa Giêsu đi tìm Tôma, đưa ông đến với Abbanes. Abbanes hỏi: “Có phải người đó
là chủ của anh không?” Tôma đáp: “Phải!” Abbanes nói: “Tôi đã mua anh từ tay
ông ta”. Tôma yên lặng. Sáng hôm sau, Tôma dậy sớm cầu nguyện, sau đó ông thưa
với Chúa Giêsu: “Lạy Chúa Giêsu con xin đi bất cứ nơi nào Ngài muốn, nguyện ý
Ngài được nên trọn”. Đó chính là Tôma một người chậm tin, nhưng khi đã tuân
phục thì tuân phục hoàn toàn.
Câu chuyện tiếp tục kể rằng
vua Gundaphorus ra lệnh cho Tôma xây một cung điện, Tôma tâu rằng ông có đủ khả
năng để làm việc ấy. Nhà vua cấp tiền đầy đủ cho ông mua vật liệu và thuê nhân
công, nhưng ông đem phân phát hết cho người nghèo. Ông luôn tâu với vua rằng
ngôi nhà đang được xây cất, sau đó nhà vua sinh nghi, cho gọi Tôma đến và hỏi:
“Ngươi xây cung điện cho ta xong chưa?” Tôma đáp: “Xong rồi!” Nhà vua hỏi: “Vậy
bây giờ ta đến xem được chăng?” Ông đáp: “Bây giờ hoàng thượng chưa thể đến xem
được, nhưng sau khi lìa bỏ cõi đời này thì hoàng thượng sẽ thấy”. Thoạt đầu nhà
vua nổi cơn thịnh nộ và tính mạng Tôma bị đe doạ, nhưng cuối cùng nhà vua tin
Chúa. Như thế, Tôma đã đem Kitô giáo đến Ấn Độ.
Nơi Tôma có cái gì rất đáng
yêu, đáng ngưỡng mộ. Với Tôma, có đức tin không phải là chuyện dễ. Ông không
bao giờ sẵn sàng vâng lời ngay. Ông là người muốn biết chắc chắn, ông tính thật
kỹ giá phải trả. Một khi đã biết chắc, ông nhất quyết tin và vâng phục cho đến
cuối cùng. Đức tin như ông tốt hơn loại đức tin bằng đầu môi chót lưỡi, vâng
lời như ông tốt hơn cái gật đầu dễ dãi đồng ý nhận làm một việc gì đó mà không
cân nhắc, để rồi sau đó lại rút lại điều mình đã hứa.
MỤC TIÊU CỦA SÁCH PHÚC ÂM (Ga 20,30-31)
Rõ ràng theo mục tiêu đã
hoạch định từ ban đầu, sách Phúc Âm này phải chấm dứt ở đây. Chúng ta có câu
kết thúc tự nhiên và chương 21 tiếp theo phải được xem là phụ lục được thêm về
sau này. Đoạn này đã tóm tắt mục tiêu của tác giả cách ngắn gọn và đầy đủ.
1.
Các sách Phúc Âm
không có ý đưa ra một tường thuật đầy đủ về đời sống Chúa Giêsu. Các sách này
không ghi theo từng ngày, từng giờ của Chúa, nhưng lại ghi chép một cách chọn
lọc. Các tác giả không kể lại cho chúng ta tất cả mọi sự Đức Giêsu đã phán dạy
hay thực hiện, vì kể như vậy chẳng bao giờ có thể xong được, nhưng họ chọn lọc
các biến cố điển hình nhằm vạch rõ Chúa là ai, và các loại công việc mà Ngài
thường làm.
2.
Hơn nữa, các sách
Phúc Âm không có viết về tiểu sử Chúa Giêsu, mà chỉ nhằm kêu gọi người ta hãy
nhận Ngài làm Chúa Cứu Thế, là Thầy và Chủ của mình. Mục tiêu sách không nhằm
thông báo tin tức, nhưng nhằm ban sự sống. Các sách ấy mô tả Đức Giêsu thế nào
cho người đọc phải thấy, Người giảng dạy, hoạt động, chữa bệnh như vậy không ai
khác hơn Con Thiên Chúa. khi đã tin như vậy thì độc giả sẽ tìm được bí quyết
của một đời sống đích thực.
Nếu đọc các sách Phúc Âm như
một loại sách sử ký hay tiểu sử, chúng ta đã sai lầm. Chúng ta phải đọc các
sách ấy như những người đi tìm kiếm Chúa chứ không phải sử gia tìm tài liệu
lịch sử.
Theo bất cứ quan điểm nào,
chương 21 cũng là chương sách lạ lùng. Gioan đã chấm dứt chương 20, nhưng rồi
dường như lại bắt đầu trong chương 21. Nếu không có những điều thật đặc biệt
cần nói, chắc tác giả không thêm chương này. Chúng ta biết trong Phúc Âm Gioan
thường có hai nghĩa, một nghĩa hiển lộ, một nghĩa ẩn tàng. Khi nghiên cứu chương
này, chúng ta sẽ cố gắng tìm những lý do tại sao nó lại được thêm vào cách lạ
lùng như vậy, sau khi sách này đáng lẽ phải chấm dứt.
CHÚA HIỆN ĐẾN (19-20)
Cảnh tượng diễn ra có chiều ngày hôm ấy. Các tiểu đoạn trước xem chừng
không thay đổi cách hành xử của các môn đệ (ta có thể nghĩ rằng các môn đệ ở
đây ám chỉ nhóm Mười Một, dù rằng Lc 24,33 thêm “các bạn hữu” vào nhóm Mười Một
này). Các ông sống trong lo âu sợ hãi và trốn tránh. Chính trong nơi cửa đóng
then cài này mà Chúa Giêsu ngự đến. Sự hiện diện của Người không còn lệ thuộc
vào luật lệ thể xác và những điều bó buộc tự nhiên như những sự bó buộc của con
người với thể xác mình. Không thấy nói Chúa đi xuyên qua tường: đơn giản Người
có thể hiện diện cách khác hơn loài người. Chúa đến, như thuở sinh thời, là
nguồn bình an. Người nói “Chúc anh em được bình an”, điều này không chỉ là một
lời chúc xã giao, mà còn có nghĩa là món quà hữu hiệu của ơn cứu độ, của niềm
vui và của sự bình an. Các dấu vết đóng đinh trên tay và cạnh sườn của Chúa
Giêsu chứng tỏ rằng, bất chấp các tình huống kỳ lạ về sự xuất hiện của Chúa
Giêsu, thánh sử không muốn rằng độc giả xem Chúa như một bóng ma, nghĩa là ai
đó khác với Đấng chịu đóng đinh. Hẳn thật sự hiện diện thể lý bình thường của
Chúa Giêsu đã chấm dứt, tuy nhiên con người đang đứng ở giữa họ là Chúa Giêsu,
nghĩa là cũng một con người như Đấng họ đã biết và y trong, nhưng mà từ nay sự
Phục Sinh đã làm biến đổi. Sự lo âu sợ hãi tiêu tan, các môn đệ hân hoan vui
mừng.
SỨ VỤ (21-23)
Những lần hiện ra tự nó không nhằm mục đích riêng. Chúng mở màn cho một sứ
vụ. “Như”: đây không chỉ là một sự so sánh, đây là căn nguyên và nền móng. Các
môn đệ được sai đi (theo từng chữ “làm Tông đồ”) để kéo dài hoạt động của Chúa
Giêsu. Đây là lần đầu tiên trong Tin Mừng của mình, Gioan gán tước hiệu Tông đồ
cho nhóm Mười Một. Chủ đề sai đi này đã được trình bày sâu rộng trong diễn từ tư
tế (17,17-19). Như Thiên Chúa đã thổi sinh khí trên Ađam (St 2,7), như Thần Khí
đã ngự xuống trên Chúa Giêsu (1,33-34), Chúa Giêsu mà Thiên Chúa đã tôn làm
Chúa, thổi (cũng động từ Hy Lạp ở đây như trong St 2,7) quyền năng của Thần Khí
trên các môn đệ (x. 14,26). Người là Đấng đến để có kinh nghiệm về cái chết, tự
tỏ mình ở đây như là Chúa Tể sự sống. Còn các môn đệ, cho đến lúc ấy còn sợ hãi,
bây giờ mặc lấy sức mạnh của Thiên Chúa. Như Thiên Chúa, rồi Đấng được sai đến
là Chúa Giêsu, họ có thể tha tội, nghĩa là thanh tẩy tội lỗi trong quyền năng
cái chết của Chúa Giêsu. Thần Khí kết buộc họ với Thiên Chúa chặt chẽ đến nỗi,
khi họ được tha cho ai hoặc cầm giữ tội của ai, thì chính Thiên Chúa qua họ mà
tha cũng như cầm giữ tội lỗi. Chúng ta có ở đây một dạng văn phạm gọi là “thì
thụ động thần linh” nhằm tránh tên gọi Thiên Chúa qua thì thụ động. Ta có thể
dịch như thế này: “Bất cứ người nào anh em tha… Thiên Chúa sẽ tha tội cho họ…
Bất cứ người nào… Thiên Chúa sẽ cầm giữ tội họ”.
Chúa đến lần này, cũng như lần tiếp theo, đều diễn ra vào “ngày của Chúa’,
nghĩa là vào lúc các Kitô hữu tiên khởi hội họp cử hành phụng vụ, thời điểm đặc
biệt để Thiên Chúa hiện diện với cộng đoàn của Người và mỗi khi họ tập hợp để
bẻ bánh cũng là mỗi lần hiện thực hoá một lần nữa việc sai họ đi khắp thế gian.
ÔNG TÔMA: KHÔNG THẤY MÀ TIN
(20,24-29)
Việc ông Tôma vắng mặt cho phép người kể chuyện đưa vào cảnh tượng tiếp
sau. Sự cứng lòng không tin của ông Tôma được đặc biệt nhấn mạnh, bởi lẽ điều
này được diễn tả gần như cùng một từ ngữ như trong 4,48: “Nếu không thấy dấu lạ
điềm thiêng, các ông sẽ chẳng tin đâu”. Ông Tôma, là người tuy đã mời gọi các
bạn đồng môn cùng đi cùng chết với Chúa Giêsu (11,16), lại chối từ cùng với các
bạn đi theo Chúa trong đức tin vào Chúa Giêsu hằng sống. Ông có hai lỗi: trước
hết không tin vào lời chứng của các Tông đồ; sau nữa, nghi ngờ Chúa Giêsu sống
lại.
Chúa Giêsu hiện đến lần thứ hai cũng được miêu tả với những từ ngữ như lần
thứ nhất. Tuy nhiên sự cứng lòng tin của ông Tôma cho phép thánh sử thực hiện
hai mục tiêu: trước tiên việc nhấn mạnh về những dấu vết thương tích đánh dấu
sự liên tục và sự liên kết giữa Chúa Giêsu chịu đóng đinh và Chúa Giêsu được
tôn vinh. Chính việc nâng cao là thập giá làm nên mặc khải tối thượng về tình
yêu của Chúa Cha và vinh quang của Chúa Con. Tiếp đến, đức tin mà ông Tôma, kẻ
không tin, tìm gặp lại, trổi vượt đức tin của các môn đệ bởi vì ông dành cho
Chúa Giêsu tước hiệu vĩ đại nhất của cả Tin Mừng: “Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa
của con!”. Trong số tất cả các tước hiệu của Chúa Giêsu đã được khai trình giữa
chương đầu này, chúng ta đạt đến tột đỉnh mà mọi định nghĩa giáo lý sau này đều
không thể vượt qua được. Giữa “Ngôi Lời là Thiên Chúa” ở Lời Tựa (1,1) và lời tuyên
xưng Chúa Giêsu là “Chúa và Thiên Chúa”, mọi sự đều đã rõ. Quả là ngược mặc
khải, kẻ làm chứng về chân lý này lại là người không muốn tin vào lời chứng của
các Tông đồ. Hạnh phúc cuối cùng là kết luận của Tin Mừng và là sự lặp lại chủ
đề chính yếu của đối tượng: giữa thấy và tin, cảnh tượng và nghe biết, sự kỳ lạ
và lời nói, thì chính phần thứ hai mới là điều kiện thường tình và lý tưởng của
kẻ tin. Ngay cả những kẻ đã thấy, cũng phải tin hơn điều họ đã thấy. Ngôi Lời
từ lúc mặc lấy xác phàm, nghĩa là nhân tính nơi mà vẫn phải “nhận biết Thiên
Chúa tỏ hiện trong vinh quang”. Chúng ta, những người lãnh nhận Tin Mừng, chúng
ta quả có phúc vì đã không thấy mà nhờ những lời chứng của các Tông đồ, chúng
ta gắn bó với Chúa Kitô và trở nên những kẻ tin vào Người.
KẾT LUẬN (20,30-31)
Hai câu này làm thành đoạn kết của Tin Mừng trước khi chương 21 được thêm
vào. Gioan là tác giả duy nhất trong các thánh sử đã đưa vào tác phẩm của mình
đoạn kết. Để cho độc giả tương lai tiện sử dụng, ông có hai xác định quan trọng:
· Trước hết, Gioan nhận
biết đã cố ý thực hiện một sự tuyển chọn trong số các sự kiện liên quan đến
Chúa Giêsu. Vậy nên cần phải ghi nhớ điều đó mỗi khi thấy một vài thời kỳ trong
cuộc đời của Chúa Giêsu được các Tin Mừng Nhất Lãm thuật lại, còn ông thì vẫn
im lặng, và đừng vội kết luận rằng ông không hay biết các sự kiện đó. Trong khi
định trước các môn đệ như những người lãnh nhận các dấu lạ, Gioan đặc biệt liên
tưởng đến các độc giả của mình, tuy đã trở thành môn đệ, nhưng lại không thấy
các dấu lạ được thực hiện trong cuộc đời của ông.
· Sau nữa và nhất là, ông
minh định mục tiêu của mình: kiên định các môn đệ trong đức tin vào Chúa Giêsu,
vừa là Đấng Mêsia như Kinh Thánh đã hứa, vừa là Con Thiên Chúa, từ đó các môn
đệ có được sự sống nhờ Chúa Giêsu. Như vậy, độc giả có sẵn chìa khoá để học
hiểu. Tin Mừng không phải là một quyển sách bình thường, sáng tác để cho độc giả
giải trí, mà là một quyển sách có sự sống; thừa hưởng cũng một năng lực từ sự
xác tín và cũng một tiềm năng sự sống như lúc Chúa Giêsu còn tại thế. Đối với
các độc giả sinh sống vào thời mà Chúa Giêsu không còn hiện diện bằng xác thể
nữa, thì có quyển sách này đây, sẵn sàng cho cuộc hội ngộ giữa độc giả và quyển
sách, làm nảy sinh sự sống do đức tin vào Chúa Giêsu, Đấng Mêsia và Con Thiên Chúa.
Vào chiều
ngày thứ nhất trong tuần... các môn đệ đang tụ họp." Tám ngày sau, các môn
đệ Đức Giêsu lại có mặt trong nhà....
Trang Tin Mừng hôm nay thuật lại cho ta hai lần hiện ra của Đức Giêsu Phục
sinh, trong vòng tám ngày. Tự nhiên, chúng ta thích để ý đến cuộc hiện ra lần
thứ hai, cuộc hiện ra dành “cho Tôma"; bởi vì chúng ta thường đồng hoá với
ông, để thấy trên thực tế mình cũng gần với một kẻ nghi ngờ, "một kẻ yếu
tin" và có thể tìm gặp nơi ông một thứ biện minh cho thái độ thiếu lòng
tin của ta.
Nhưng thái độ đồng hoá với Tôma không thể ngăn cản chúng ta đọc toàn bộ bản
văn.
Trước hết, chúng ta cần ghi nhận, việc Đức Giêsu sống động hiện ra vào
"Chúa nhật", ngày thứ nhất trong tuần có phải vì ngẫu nhiên không?
Như chúng ta quá biết, các Kitô hữu tiên khởi không phải ngày nào cũng quy tụ.
Họ còn phải lo đời sống riêng hằng ngày. Họ không thể lúc nào cũng cùng nhau
hiện diện được. Vì thế, Đức Giêsu Phục sinh đã hiện đến trong khung cảnh buổi
họp mặt hàng tuần của họ. Có thể chúng ta mắc sai lầm khi coi đức tin như một
việc hoàn toàn có tính riêng tư thuộc phạm vi cá nhân mỗi người. Thực sự, việc
Đức Kitô phục sinh hiện diện được nhận biết, cảm nghiệm trong khuôn khổ một
cuộc gặp gỡ tập thể. Họ "cùng nhau” hiện diện, tụ họp, trong Giáo hội.
Nơi các môn
đệ ở, các cửa đều đóng kín, vì các ông sợ người Do Thái. Đức Giêsu đến, đứng
giữa các ông.
Lúc thánh Gioan viết trình thuật trên cũng là thời gian Giáo hội gặp sợ hãi
vì bách hại. Các môn đệ của Đức Giêsu có thói quen tụ họp nay ở nhà này, mai ở
nhà khác. Họ tiếp đón nhau, cùng nhau kiểm điểm: Có bao nhiêu cuộc rút lui, có bao
nhiêu người bỏ đức tin, bỏ nhóm. Họ cũng sợ hãi. Họ đóng cửa, cài then. Nhưng
vào mỗi Chúa nhật, thì "Chúa nhật thứ nhất" này, dấu chỉ của phòng
Tiệc ly lại được đổi mới: Đức Kitô sẽ lướt qua cách mầu nhiệm giữa các người
thuộc về Ngài, nơi họ đang ở; tại Ê-phê-xô, Cô-rin-tô, Giêrusalem, Rôma. Phải,
mỗi Chúa nhật, là ngày phục sinh! Lạy Chúa, Chúa đang hiện diện ngay giữa cuộc
đời chúng con. Chính Chúa làm cho chúng con được sống. Cho dù không thấy Chúa,
chúng con vẫn tin. Lạy Chúa, ngày nay, vì sợ hãi chúng con cũng thích đóng kín
cửa. Chớ gì, khi Thần Khí thổi đến, mọi bức tường vây hãm chúng con sẽ sụp
xuống và lại đến thời chúng con ca vang? Nào chúng ta hãy mở cửa
cho Đức Kitô Phục sinh.
Trước khi suy niệm sâu xa hơn Đoạn Tin Mừng trên, chúng ta hãy tự hỏi, Đức
Kitô muốn giải phóng và Phục sinh chúng ta khỏi tình trạng bế tắc nào, khỏi
tình trạng sợ hãi nào, khỏi tình trạng đóng cửa cài then nào, khỏi tình trạng
"chết chóc" nào. Đó có thể là tội lỗi, thử thách về sức khoẻ, những
điều gây khổ đau và tuyệt vọng, khó khăn về gia đình, nghề nghiệp... Đó là nơi
họ ở đều đóng kín cửa!"
Đức Giêsu
nói: "Chúc anh em được bình an!”. Nói xong, Người cho các ông xem tay và
cạnh sườn. Các môn đệ vui mừng vì được thấy Chúa. Người lại nói với các ông: “Chúc
anh em được bình an".
Niềm vui Phục sinh, niềm vui Kitô hữu, không thể là niềm vui dễ dàng, niềm
vui tự phát, niềm vui đột nhiên nâng cao chúng ta, khi mọi sự đều khả quan, sức
khoẻ tốt, tuổi trẻ đầy sinh lực, kinh doanh thành đạt, quan hệ bạn hữu và gia
đình thoải mái. Thực sự, niềm vui sống lại là niềm vui chỉ đến "sau” sợ
hãi! Đó là niềm vui và sự bình an phát sinh từ một tình trạng hoàn toàn tuyệt
vọng (cái chết của một kẻ bị đóng đinh) và kể từ nay trở đi không gì có thể
cướp đi khỏi họ: Đó là niềm vui và sự bình an nhờ lòng tin nơi Đức Giêsu.
Mỗi buổi họp mừng Chúa nhật. như hôm nay, Đức Giêsu lại chúc bình an cho ta
qua tiếng nói của linh mục: "Bình an của Chúa ở cùng anh chị em". Và
Công đồng Vatican II lập lại nghi thức "chào chúc bình an" của truyền
thống xa xưa: các Kitô hữu được mời gọi trao bình an cho nhau, nhân danh Đức
Kitô. Bắt tay, ôm hôn, mỉm cười với nhau, trong khi miệng trao đổi: "Bình
an của Đức Kitô!". Đó không phải là cử chỉ tầm thường nhưng là thái độ
"trở nên Đức Kitô”đối với người bên cạnh “khi nhiều người tụ họp nhân danh
Thầy, thì Thầy ở giữa họ”.
Như Chúa
Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em.
Đó! Chúng ta đâu có ngờ rằng Chúa đã phát biểu như thế! Chính Đức Giêsu
đang tuyên bố lại với chúng ta những lời trên. Dù tôi có là một người tồi tàn
đáng thương, nhưng tôi vẫn là Đức Giêsu được sai đến với anh chị em tôi y như "Người"
đã được Chúa Cha sai. Chúng ta không nên lướt nhanh những lời trên, đừng quá
vội liên hệ với Tôma, kẻ nghi ngờ. Nhưng hãy để ý đến lời của Đức Giêsu trên
đây. Hãy tìm hiểu trách nhiệm cao cả mà Người trao phó cho ta: "sứ vụ của
Đức Kitô được uỷ thác cho Giáo hội, cho chính tôi. Tôi là kẻ được Đức Giêsu sai
đi như Người đã được Chúa Cha sai đến: Tôi cần phải khám phá ra ý nghĩa của hai
từ Latinh và Hy Lạp, rất tiếc "không được dịch ra": "sứ vụ” có
nghĩa "sai gửi" (do từ Latinh là missub) và từ "tông đồ" có
nghĩa là "kẻ được sai đi" (do từ HyLạp là apostolos), khi tôi gặp một
người nào đó, cùng làm việc với tôi, hay trong môi trường sống hằng ngày, tôi
không chỉ hiện diện với họ nhân danh tôi hay theo ý tôi nhưng tôi được Đức Kitô
sai đến với họ, nhân danh Người và theo ý Người, như thế Chúa Cha đã sai Đức
Giêsu như thế! Tôi cần phải loan báo cho bạn một sứ điệp của Đức Giêsu: chính
Người sẽ nói với bạn điều tôi sắp nói với bạn. Người đang sống trong tôi. Tôi
là môi miệng, là thân thể của Người, đang kề cận với bạn, để mạc khải cho bạn
tình yêu của Chúa Cha.
Nói xong,
Người thổi hơi vào các ông và bảo: "Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần".
Đó là ân huệ của Thần Khí, là "cuộc tạo dựng mới". Thần Khí của
Đức Giêsu được thông truyền cho các môn đệ của Người. Đức Giêsu đã chết, đã trở
về với Chúa Cha. Đến lượt các Kitô hữu tiếp tục công việc của Người! Họ là những
người mang hơi thở sống động, mang Thần Khí của Người. Họ sắp tiếp nối công
trình của Người. Thánh Phaolô nói: "Anh em là Thân thể của Đức Kitô. Anh
em là Đền thần của Thánh Thần". Còn thánh Gioan minh chứng cho ta, Đức Giêsu
tiếp tục cử chỉ của Creator Spiritus. Lạy Thần Khí tác tạo, xin hãy đến!”.
Theo thánh Gioan, Lễ Hiện xuống, đó là buổi chiều Ngày Phục sinh: cốt yếu
mọi hoạt động của Đức Giêsu sau khi Người chiến thắng tử thần, đó là ân huệ của
"Thần khí đã làm cho Đức Giêsu sống lại từ trong cõi chết" (Rm 8,11).
Trong kinh Tin kính, ta tuyên xưng về Thần Khí: Ngài là Đức Chúa, là Đấng ban
sự sống". Thần Khí được trao ban cho con người vào buổi chiều Phục sinh,
sẽ tỏ hiện cách công khai rực rỡ năm mươi ngày sau đó vào Lễ Hiện xuống. Đó là thần
khí của Thiên Chúa vừa biểu lộ quyền năng của mình, để lôi kéo Đức Giêsu ra
khỏi quyền lực của tử thần và mạc khải Người là Con Thiên Chúa nhờ biến cố Phục
Sinh. Xét như Đấng đã từ cõi chết sống lại nhờ Thánh Thần, Người đã được đặt
làm Con Thiên Chúa" (Rm 1,4).
Anh em tha
tội cho ai, thì người ấy được tha.
"Thắt buộc" và "tháo cởi"; "Tha giải" và
"cầm giữ" tội lỗi. Đó chỉ là hình thức ngữ pháp theo kiểu nói
A-ra-mên: Theo đó, người ta dùng hai từ nghịch nghĩa nhau để xác định mạnh hơn
một thực tại, và nhấn mạnh đến từ mang tính tích cực. Như thế, trong khi trao
ban Thần Khí của mình, Đức Giêsu cũng thông truyền cho các môn đệ quyền
"tháo cởi con người khỏi sự ác". Từ nay, ngay tại trần gian này, họ
đã là người mang "lòng thương xót của Thiên Chúa" nhờ Đức Giêsu là
hiện thân? "Như Chúa Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em.". Các
Kitô hữu được trao uỷ cho chính sứ vụ mà Đức Giêsu tự nhận là của mình, lúc
Ngài hiện diện tại Hội đường Nadarét, khởi đầu tác vụ: "Thần Khí Chúa ngự
trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, để tôi loan báo Tin Mừng cho kẻ
nghèo hèn, công bố một năm hồng ân Chúa, trả lại tự do cho người bị áp bức (Lc
4, 18- 19). Tôi có là người mang Thần Khí đó, Thần Khí giải phóng, Thần Khí ban
sự sống, Thần Khí yêu thương và tha thứ nhân danh Đức Giêsu không? Tha thứ là
một ân huệ Phục sinh.
Một người
trong nhóm Mười Hai, tên là Tôma, không ở với các ông khi Đức Giêsu đến... Ông
ta nói với họ: "Nếu tôi không thấy... tôi chẳng có tin".
Đó là một "kẻ đến chậm". Ông đến sau buổi gặp gỡ.
Trong Tin Mừng, Tôma luôn tỏ ra là một người chỉ tin vào lương tri của
mình. Ông thực sự nghi ngờ cả thái độ dấn thân liều mạng của Đức Giêsu.
"Thưa Thầy, chúng con không biết Thầy đi đâu' (Ga 14,5). Khi Đức Giêsu nói
đến sự phục sinh cho Ladarô, thì Tôma chỉ thấy hiện lên sự chết (Ga 11,15-16).
Tám ngày
sau... Đức Giêsu lại đến và nói: Đặt ngón tay vào đây, và hãy nhìn xem tay
Thầy. Đừng cứng lòng nữa...".
Dù đã Phục sinh, Đức Giêsu vẫn tỏ ra khôi hài! Trong suốt một tuần lễ,
Người đã để cho Tôma bề ngoài xem ra có lý lắm. Nhưng lúc này tôi thấy như Đức
Giêsu vừa mỉm cười khiêu khích, vừa nói với Tôma. Người có vẻ đang nói với ông:
Này anh bạn đáng thương của tôi ơi, anh cứ tưởng tôi đã chết và hết hiện hữu,
khi anh quả quyết với các bạn hữu rằng anh chẳng có tin đâu... nhưng chính lúc
đó, tôi vẫn hiện diện cách vô hình, chứng kiến các anh đàm luận. Tuy nhiên, tôi
đã không tỏ mình ra cho anh, ngay lúc đó. Ôi Thiên Chúa thật là kiên nhẫn,
Người làm chủ thời gian của Người.
Ông Tôma
thưa với Người: "Lạy Chúa của Con, lạy Thiên Chúa của con".
Đó là tiếng kêu biểu lộ lòng tin của một người không cần đến "sờ
chạm" nữa. Ông đã hiểu rằng, Đức Giêsu, dù bề ngoài không thấy, vẫn hiện
diện đó? Người có mặt ngay cả vào giờ phút họ nghi ngờ xao xuyến.
Vì đã thấy
Thầy, nên anh tin. Phúc thay những người không thấy mà tin.
Một mối phúc, mối phúc cuối cùng. Người ta không thể "thấy" được
những thực tại siêu việt nhất của Thiên Chúa. Chỉ có "đức tin" mới
dẫn chúng ta vào những thực tại đó. Và đó là hạnh phúc đích thực.
TỪ NHẬN
BIẾT ĐẾN RAO GIẢNG TIN MỪNG
VÀI ĐIỂM CHÚ GIẢI:
I. TỪ CHÚA NHẬT …
Chúng ta đang ở vào thời điểm sau cái chết của Đức Giêsu, vào chiều ngày
thứ nhất của một tuần lễ, ngày tụ họp của các Kitô hữu đầu tiên, thời gian ưu
tiên cho sự hiện diện của Chúa Phục sinh giữa cộng đồng mà Người triệu tập để chia
sẻ cho họ Lời và Bánh và sai họ vào thế giới.
Trong trình thuật này, chúng ta gặp ba thời điểm đặc biệt của tiến trình
Vượt qua:
·
Đấng phục sinh chủ động đến.
·
Nhận ra Đức Giêsu đang sống sau khi biết rõ người đã
chết.
·
Tiếp nhận sứ mệnh của Đấng Phục sinh.
1/ Đấng
Phục sinh chủ động đến.
Các môn đệ tụ họp trong một căn phòng đóng kín cửa. Họ sợ người Do Thái,
đúng hơn, sợ các vị chức sắc trong giáo quyền Giêrusalem. Với chi tiết này, có
lẽ tác giả muốn các độc giả Tin Mừng của mình liên tưởng đến các cuộc bách hại
mà tới lúc này đã lan rộng. Bị trục xuất khỏi hội đường vì dám tin nhận Chúa
Giêsu là Đức Kitô (người mù bẩm sinh bị đuổi khỏi hội đường: Ga 9.34). Họ như
dần dần được chỉ dẫn đức tụ họp ở một nói riêng tránh sự dòm ngó của những kẻ
bách hại họ.
Họ tụ tập. Đức Giêsu đến trước mặt họ. Lời đầu tiên Người nói là lời cầu
chúc bình an: Bình an cho anh em (Shalom). Không chỉ là lời chào xã giao, nhưng
là một xác nhận ân huệ phát sinh: vui mừng, bình an.
2/ Nhận ra
Đức Giêsu đang sống sau khi biết rõ người đã chết.
Đức Giêsu chỉ cho họ thấy tay và cạnh sườn Ngươi (liên tưởng tới lưỡi giáo
đâm: Ga 19,34). Alain Marchadour chú giải rằng: Dù thuật lại những lần hiện ra
lạ lùng của Đức Giêsu, thì những vết đinh đóng và cạnh sườn bị đâm thủng chứng
tỏ rằng thánh sử không muốn độc giả lầm tưởng đó là bóng ma, nghĩa là, một ai
khác chứ không phải Đấng chịu đóng đinh. Đúng ra, sự hiện diện thể lý thông
thường đã chấm dứt, nhưng Đấng đã hiện diện trước mặt họ đây, chính là Đức
Giêsu họ biết là yêu mến, từ nay đã thăng hoa bởi sự phục sinh. Không sợ hãi
nữa, các tông đồ trở nên vui mừng" ("L'evangile de Jean,
Centurion". trg 246).
3/ Tiếp
nhận sứ mệnh Đấng Phục sinh trao.
Đấng Phục sinh hiện đến, không phải chỉ là một chuyến ngao du, nhưng còn để
trao một sứ mệnh. Sai họ đi với sức mạnh của Chúa Thánh Thần. Để đem Tin Mừng
ơn Tha Thứ của Thiên Chúa đến cho mọi người.
II. ĐẾN CHÚA NHẬT SAU
Lần Chúa đến chiều Chúa nhật trước, Tôma đi vắng. Nhờ đó mà có bản tường
thuật thú vị Chúa nhật này. Điển hình của sự cứng lòng tin, Tôma không đón nhận
điều mà các anh em kể lại; chắc gì đã là Đức Giêsu phục sinh? ông chủ trương:
Phải thấy tận mắt, sờ tận tay mời đáng tin. Thế là Đức Giêsu lại đến. Cùng một
cung cách tường thuật. Đức Giêsu đến khi các cửa cài chặt. Người lặp lại lời
chào phục sinh: "Bình an cho anh em". người lại chỉ cho các ông thấy
tay và cạnh sườn. Với Tôma, Người nhấn mạnh đến sự liên tục và đồng nhất giữa
Đấng chịu đóng đinh và Đấng đang vinh hiển: "Xỏ ngón tay vào đây và nhìn
cho kỹ bàn tay Thầy. Hãy thọc bàn tay vào cạnh sườn Thầy mà coi". Gerard
Bessière tự hỏi: "Đến như thế thì vị Tông đồ cứng, lòng còn biết làm gì
bây giờ! Người ta đã tranh luận nhiều. Các bức hoạ thường trình bàn Tôma chỉ
giơ tay hướng về các vết thương nơi tay hoặc cạnh sườn Chúa. Điều quan trọng là
lời: "Thôi! Đừng cứng lòng nữa, hãy tin". ("Dieu si
proche", DDB, trg 53-54).
Thế là Tôma tuyên xưng lòng tin. Một cách tuyên xưng đức tin độc đáo của
Tân ước. Một tuyên xưng mà chúng ta nghe vang vọng nơi các kinh Tin Kính của
các cộng đoàn Kitô hữu tiên khởi. Chúng ta cũng tuyên xưng như thế mà. Các định
tín sau này cũng không vượt qua lời tuyên xưa ấy: “Lạy Chúa tôi lạy Chúa Trời tôi
".
Quang cảnh kết thúc bằng một mối phúc: "Vì con đã thấy Thầy nên con
tin. Phúc thay kẻ đã không thấy mà tin”. Mối phúc sau cùng của Tin Mừng đấy.
Mối phúc của người tín hữu. A. Marchadour ghi tiếp: "Đó là kết luận của
toàn bộ Tin mừng, một điệp khúc của luận đề quan trọng trong Do Thái giáo: giữa
thấy và tin, hình ảnh và lời thoại, hiện tượng và ngôn từ. Vế thứ hai trong các
cặp luận đề vừa nêu làm nên điều kiện bình thường và lý tưởng của lòng tin.
Ngay cả kẻ đã thấy thì cũng còn phải vượt qua những gì mình thấy để mà tin. Ngôi
Lời, từ khi trở nên xác phàm, đã để cho các môn đệ phần xác thể, phần nhân
loại. Nhưng họ phải "thấy Thiên Chúa tỏ hiện trong vinh quang”. Là những
kẻ thừa hưởng Tin Mừng, chúng ta thật diễm phúc. Chúng ta không thấy. Chúng ta chỉ
nhờ vào chứng từ của các Tông đồ mà gắn kết với Đức Kitô trở thành tín hữu.
(Sđd, trg 248).
BÀI ĐỌC THÊM:
1. Tôma, một vị tiền hô
(“Célébrer", tạp chí của
Trung tâm Quốc gia về mục vụ phụng vụ, số 2348, trg 18).
Nhân vật có tên Tôma và sự cứng lòng tin của ông vẫn luôn gây chú ý. Cần cả
một bài giảng mới đề cập đủ về nhân vật này. Xin gợi lại điều mà thánh Gioan
nói về ông: nhiệt tình vô lối (11,16), hoang mang (14,5). Bản tính thế nào thì phản
ứng như vậy, nên trong trường hợp này, cũng dễ thông cảm với ông. Ông là loại
người muốn đi tới cùng nhưng lại không đặt tin tưởng vào một ai.
Đức Giêsu chấp nhận vào cuộc (chỉ cho ông các vết thương) và đã khơi gợi
nơi ông cửa ngỏ của lòng tin: đó là lòng cậy trông sâu thẳm nơi ân huệ nhưng
không. Và Tôma đang trên con đường biến đổi: từ lòng tin và những lần đón Chúa xuất
hiện đến niềm tin của Giáo Hội khuất dạng Đấng Phục sinh. Tại sao lại không
nhận ra điều này: Tôma không phải một kẻ cản trở lòng tin. mà là vị tiền hô của
lòng tin như Gioan Baotixita? Theo thánh Gioan, kẻ sau hết tin vào Đấng Phục
Sinh hiện diện lại là kẻ trước tiên không còn cần thấy và chạm đến Chúa để được
kêu lên "Lạy Chúa tôi, lạy Chúa Trời tôi”. Ngài dám đặt ra câu hỏi làm cớ
cho chúng ta nhận được câu trả lời cứu độ của Đức Giêsu Kitô.
2. Phúc cho những ai đã không
thấy mà tin.
"Phúc cho những ai đã không thấy mà tin". Cần nhấn mạnh tới lời
Đức Giêsu nói đây, những lời ấy hé cho thấy sự ưu tư của Đức Giêsu, của các môn
đệ ghi chép Tin Mừng. Sự ưu tư của những ai không gặp Chúa khi Người đến trần
gian. Họ hiểu ra rằng: tình cảnh của họ không cam go hơn tình cảnh các Tông đồ,
những chứng nhân tiên khởi. Nói những lời ấy, Đức Giêsu nghĩ tới chúng ta, 20
thế kỷ sau các Tông đồ, chúng ta cũng nhận được cùng một ánh sáng rọi chiếu như
các ngài. Nếu chỉ quan tâm tới không gì mắt thấy, có lẽ các Tông đồ diễm phúc
hơn chúng ta, nhưng nếu xác tín rằng Đức Tin là một ân huệ của Thiên Chúa, thì chúng
ta cũng được xếp vào cùng hàng ngũ với các Tông đồ là những kẻ cũng phải có
cùng một xác tín. Cùng với các vị đặt nền móng cho Giáo Hội, chúng ta dâng lên
Chúa lời cảm tạ vì ân huệ đã nhận.được. Năng lực chúng ta có cũng sẽ tương xứng
như thế. Đến lượt mình, chúng ta cũng có thể là những người đặt nền móng cho
các Giáo Hội đang được thành lập vào lúc khởi đầu của thiên niên kỷ mới này.
Giáo Hội thuộc mọi thời đều qui tụ trong ân huệ duy nhất của Chúa, trong
niềm vui duy nhất của Chúa. Như tôm, sự chậm tin của chúng ta sẽ giúp chúng ta
cảm thông và hiểu biết sâu xa đối với những tất cả những ai chưa được đón nhận
ân huệ đó.
12. Chú giải của Giáo Hoàng Học Viện Đà Lạt
HIỆN RA CÙNG TÔMA
1. Chương 20 của phúc âm thứ tư
được cấu tạo thành một khối duy nhất về phương diện văn thể và đề tài. Nó kể
lại vài lần hiện ra của Đức Kitô phục sinh ở Giêrusalem. Ý chính của chương
này: việc chuyển từ kinh nghiệm thể lý sang đức tin thiêng liêng.
Khi đã để ý đến yếu tố văn thể và giáo thuyết, chúng ta có thể thấy chương
20 được hình thành như sau:
| Phần thứ nhất: buổi sáng Phục sinh
(20,1-18)
- Đoạn 1: viên đá được lăn ra và ngôi mộ trống (c.1-10); xem Mt 28,1-10; Mc
16,1-8; Lc 14,1-10.
- Đoạn 2: Đức Kitô hiện ra với Maria Madalena (c.11-18; xem Mt 28,9tt; Mc
16,9)
|Phần thứ hai: hiện ra cùng các
môn đệ (20,19-21)
- Đoạn 1: hiện ra ngày phục sinh của Đức Kitô sống lại cho các môn đồ
(c.19-23; x. Mc 16,14; Lc 24,36-49; 1Cr 15,5)
- Đoạn 2: hiện ra sau tám ngày cho Tôma, kẻ cứng tin (c.24 -49)
|Kết cục: (20,30-31)
Nhìn sơ qua, chúng ta thấy không những hai phần này được đặt gần nhau mà
còn được cấu tạo một cách gần như đồng nhất, Tôma chiếm một chỗ quan trọng phần
thứ hai. Trong lúc Maria Madalena, trong một giây phút buồn phiền, đã khóc khi
thấy mồ trống, Tôma, cách tự phát nhưng bồn chồn, đã hồ nghi thực thể của Chúa
Giêsu phục sinh. Vắng mặt khi Phêrô và môn đệ dấu yêu khám phá ra mồ trống và
khi Gioan biểu lộ đức tin vào sự phục sinh của Đức Kitô (c.8-9), Maria tuyên
xưng đức tin khi Chúa tự mạc khải cho bà (c. 18). Cũng thế, vắng mặt khi Chúa
hiện ra ngày phục sinh khi các môn đệ tụ họp, Tôma đã tin cách phấn khởi khi Chúa
Giêsu chiếu cố hiện ra với ông tám ngày sau.
Trong cả hai phần, sự kiện hay dịp sờ đến thân xác phục sinh Chúa đều được
đặt nổi bật (đối với Maria, x.câu 17; với Tôma x.câu 25 và 27) với một cảm giác
thật nhân bản. Ngoài ra đức tin của Maria đã làm bà được sứ mệnh loan báo cho
các tông đồ sự sống lại (c.18), trong lúc việc tuyên tín của Tôma khai mào đức
tin của những người không thấy mà tin (c.29).
Cuối cùng, mỗi đoạn đều nhắm đến việc chuyển từ kinh nghiệm thể lý sang đức
tin thiêng liêng: môn đồ dấu yêu tin khi nhìn thấy tấm khăn liệm và giải vải
(c.8), Maria tin khi nghe giọng nói quen thuộc của thầy gọi tên bà (c.0, các
môn đồ tin khi ngắm nhìn tay và cạnh sườn của Đức Kitô (c.20), cuối cùng Tôma
tuyên xưng đức tin hoàn toàn vào Đức Kitô phục sinh (c.29) khi nhìn thấy tay
chúa và thọc tay ông vào cạnh sườn Ngài (cc.25 và 27). Những tương hợp này
chứng tỏ có sự đồng nhất trong việc sắp xếp và khai triển toàn bộ chương 20.
Tuy nhiên bắt đầu phần thứ hai, đức tin vào Đức Kitô phục sinh có những chiều
kích rộng lớn hơn. Thật vậy, ngoài các vị tông đồ, toàn thể Giáo hội được nổi
bật nhờ được sai đi truyền giáo và nhờ việc Chúa Thánh Thần hiện xuống. Cũng
thế, đức tin của một Tôma cứng lòng nhưng đã ăn năn gợi lên đức tin của tất cả
các tín hữu sau này.
2. “Đoạn Ngài phán cùng Tôma: hãy
đem ngón tay ngươi đặt đây, này tay Ta; Hãy đem tay ngươi tra vào cạnh sườn Ta
và đừng ở như người cứng tin mà là như người thành tín” (c.27). Phần đầu của
câu nói hay là một sự hạ cố đến Tôma hầu như làm ta khó chịu. Chúa Giêsu chấp
nhận thách thức mà Tôma đã đòi cho kỳ được: sờ đến Ngài để đảm bảo đó không
phải là một hữu thể tưởng tượng nhưng là một con người thật, sống động. Ngược
lại, phần thứ hai hàm chứa một lời khuyến cáo đích đáng. Tôma phải trở nên một tín
hữu thật sự trong thực thể của Chúa Giêsu phục sinh.
Không có gì trong bản văn cho thấy là vị tông đồ hiểu lời Chúa theo nghĩa
đen và thi hành điều mà thầy dạy làm. Lời nói mạnh mẽ của Chúa Giêsu đã đủ cho
ông. Vì thế Toma trả lời và nói: “Lạy Chúa tôi và là TC của tôi”. Lời tuyên
xưng đức tin rạng rỡ này, lời xác quyết nặng về phương diện Kitô học phát xuất
từ miệng Tôma cứng tin, nói lên sự hiển nhiên của việc phục sinh.
Từ đầu cho đến giờ, không có ai trong phúc âm Gioan gán tước hiệu này cho
Chúa Giêsu Kitô. Một cách bộc phát và phấn khởi, Tôma phát biểu đức tin hoàn
toàn của mình vào thiên tính của Đức Kitô. Lời tuyên xưng đức tin này là chóp đỉnh,
là cao điểm của toàn thể phúc âm thứ tư. Câu “Lạy Chúa tôi và là TC của tôi”,
vì nặng phần giáo thuyết, đã làm các nhà chú giải để ý nhiều. Tước hiệu “Chúa”
(Curios) đã được nghiên cứu rất nhiều. Chỉ cần nhắc lại ở đây là nhiều lần các
sách TƯ đã gán tước hiệu Curios cho Chúa Kitô. Nhưng trong mỗi trường hợp, cần
phải xét kỹ để có thể xác định một cách rõ ràng nội dung Kitô học của tước hiệu
đó.
Đức Kitô cũng được gọi là TC, nhất là trong các thư mục vụ (Có lẽ trong Rm
9,5 nữa), trong lúc thánh Gioan chỉ gán tước hiệu này hai lần trong 1,1.18
(x.5,18; 10,53). Trong trường hợp chúng ta đây, hai tước hiệu “Chúa” và “TC”
đều được liên kết chặt chẽ trong cùng một câu. Để xác định ý nghĩa đích thực
của hai tước hiệu này, một vài tác giả đã nói rằng văn chương ngoại giáo đã
dùng tước hiệu đó (Deisman), đặc biệt trong việc sùng bái các hoàng đế vào thời
đầu tiên của Kitô giáo (Bauer). Tuy nhiên, hầu như chắc chắn rằng môi trường
của câu nói này phải được tìm trước hết trong văn chương Do thái và Thánh kinh.
Thật vậy, câu nói này được tìm thấy nhiều lần trong bản dịch Hy lạp 70 (xem
nhất là 2S 7,28; 1V 18,39; Tv 30,2; 35,5.24; 125,15; 138,1; Ga 18,17). Có ý nói
là Tôma tôn thờ Đức Kitô, Chúa Con, với những lời mà người Do thái có thói quen
dành để tôn thờ TC. Như thế, Tôma đi trước thánh Stephano, người khi chịu tử
đạo, sẽ phó dâng tâm hồn mình cho Chúa Giêsu như cho TC (Cv 7,59).
3. Theo từ ngữ nay thành cổ điển
của Origène, phúc âm thứ tư là “phúc âm thiêng liêng” (x. Eusèbe de Kesarée, Hist.Eccl.
VI,14,7). Hơn cả phúc âm nhất lãm, thánh Gioan, thần học gia, đã nhấn mạnh đến
các thực thể cao quý nhất cấu tạo nên đời sống Kitô hữu: tin, đời sống thần
linh, ân sủng, ánh sáng. Ông có tài hiểu được ý nghĩa thiêng liêng của các sự
kiện và biến cố cùng khám phá ra những mầu nhiệm linh thiêng của chúng. Tất cả
đều xảy ra trên bình diện cao quý của tâm hồn, của việc chúng ta được kết hợp
trong ân sủng với Chúa Cha nhờ Đức Kitô. Tuy nhiên, sự sống của TC trong chúng
ta dù cao quý đến đâu, cũng không xoá bỏ được bản tính cùng thực tại thể lý.
Cần phải luôn lặp lại điều này: Gioan không giảng đến một thần học thiêng liêng
mà không liên quan đến lịch sử; sứ điệp thiêng liêng của ông giả thiết và đòi
hỏi phải có các chứng nhân mắt thấy tai nghe.
Như thế, một khi đã để ý đến công trình khảo cứu hiện thời của khoa phê
bình văn hình sử (Formgeschichte), và độc lập với mọi cuộc tranh luận về sự
sống lại như một sự kiện lịch sử, chúng ta không thể hoài nghi là chính Gioan
đã lưu tâm nhiều đến các chứng từ liên quan đến những lần hiện ra của Đức Kitô.
Những lần hiện ra của Đức Kitô ngày phục sinh và 8 ngày sau, việc nhấn mạnh
đặc biệt về sự kiện Chúa Giêsu chỉ các thương tích và cạnh sườn Ngài cho các
môn đệ và cho Tôma, chứng tỏ cách rõ ràng rằng đối với Gioan, Đức Kitô vinh
hiển và Chúa Giêsu chịu đóng đinh và chịu chết là một. Gán cho những trình
thuật của Gioan về các lần hiện ra một ý nghĩa hoàn toàn tượng trưng là cưỡng
chế bản văn. Vì thế chúng ta không chấp nhận lời chú giải nổi tiếng của Bultmann:
“Bài tường thuật về Tôma cũng như bài tường thuật về Maria Madalena... chỉ có
một giá trị tương đối...(chúng ta phải coi chúng) như là một lời trong đó các
biến cố được kể lại đã trở thành những hình ảnh biểu tượng cho cộng đoàn”
(R.Bultmann, The Gospel of John, Oxfort, Elackwell,1971 tr. 696).
Lời xác quyết này lại càng đáng ngạc nhiên và gây sửng sốt khi tác giả phúc
âm thứ tư, hơn các phúc âm nhất lãm, đặc biệt làm nổi bật tính cách thể lý của
thân xác Đức Kitô trong những lần hiện ra. Tại sao Gioan, thần học gia, tác giả
phúc âm có tính cách thiêng liêng nhất, lại nhấn mạnh nhiều đến đặc tính nhân
loại của Đức Kitô sau khi sống lại? Ngoài ra chúng ta phải thành thật tự hỏi
tại sao Gioan suốt cả cuốn phúc âm, thường chú trọng đến vinh quang hiển nhiên
và thần linh của Đức Kitô, lại tránh ám chỉ đến vinh quang này trong những lần
hiện ra, ngược hẳn với Mt? Khó có thể tìm ra câu trả lời. Đây là câu trả lời:
vì Gioan - tác giả phúc âm thiêng liêng nhất, tự cảm thấy cần phải nhấn mạnh
phải đến sự kiện Đức Kitô đi vào vinh quang bên cạnh Chúa Cha, nhưng đến mọt sự
kiện khác đã đánh động ông nhất với tư cách là nhân chứng tận mắt: Đức Kitô giờ
đây, cũng như trước khi tử nạn, tiếp tục tiếp xúc cá nhân với các môn đồ của Ngài,
với Tôma.
4. “Còn nhiều dấu lạ khác
nữa...": Gioan, khi kết thúc tác phẩm của ông, biết rằng tác phẩm đó chưa
chấm dứt. Nhưng có khi nào người ta viết cạn ý một quyển sách không? hay hơn
nữa, có bao giờ có thể minh chứng xong xuôi đức tin của ta không? Chúa Giêsu đã
nói trong bài tạ từ: “Thày còn nhiều điều phải nói với các con...” (Ga 16,2).
Với hình ảnh Chúa Giêsu ao ước mạc khải Chúa Cha cho thế gian - thế gian với
tinh thần ích kỷ hay với tâm hồn quá tự mãn để có thể đón nhận đức tin - Gioan
nóng lòng trình bày cho độc giả con người của Chúa Giêsu trong chiều kích thật
sự của Ngài, con người gây nhiều ngạc nhiên vì là thần linh, Gioan có cảm tưởng
tác phẩm của mình chỉ là nét phác hoạ đơn sơ. Không phải là ông không nói hết:
thật ra còn nhiều dấu lạ khác...(x. Hđ 43,27; 1M 9,22), nhưng nhất là vì trình
thuật không bao giờ có thể trình bày đủ.
Cuối cùng, ông có thể làm gì nếu không phải là thuật lại các dấu chỉ? Chúng
ta hãy nhớ lại các dấu chỉ có tính cách thiên sai ở phần đầu trong đời công
khai (Ga 2-4). Ở đây quan niệm này hiểu rộng ra: nó bao gồm những phép lạ (dấu chỉ
và công việc 12,37) cũng như lời nói và cả cuộc đời công khai của Chúa Giêsu.
Lời nói và phép lạ luôn đi đôi với nhau, tạo nên một khối (12,38); cả hai soi
sáng cho nhau vì phép lạ và lời nói chỉ là những dấu chỉ nói lên con người
thiêng liêng của Chúa Giêsu. Người ta chỉ có thể dừng lại nơi những biểu lộ bên
ngoài và kêu lên: “Phi thường thay, những phép lạ đó. Ý nghĩa tôn giáo sâu xa
thay, những lời nói đó”. Bao lâu lời nói và phép lạ không gợi được cho độc giả con
người thiêng liêng của Chúa Giêsu, bấy lâu chúng không đạt được mục đích.
Gioan, với tư cách là tín hữu đích thực và văn sáng suốt, biết chắc rằng thực
tại trổi vượt hơn hình ảnh được diễn tả. Vì thế ông tha thiết kêu xin độc giả đừng
dừng lại nơi dấu chỉ, nhưng phải đạt đến sự vật được dấu chỉ diễn tả, như ông
đã làm dưới ánh sáng của Chúa Thánh Thần.
Độc giả cần phải có đức tin, phúc âm không được viết ra như một lời biện hộ
gởi đến người không tin, trong trường hợp này, Gioan có lẽ chứng tỏ mình thiếu
chiến thuật. Thật vậy, cho dù dán mắt vào các sự kiện, ông không quan sát chúng
trên phương tiện thuần lý, nhưng dưới ánh sáng của đức tin do Thánh Thần cổ võ
và soi sáng. Gioan cho các tín hữu đã tin, nhưng ông báo cho biết không bao giờ
họ đi đến mút cùng đời sống đức tin của họ đâu. Dấu chỉ luôn bao hàm một thực
thể không bao giờ cạn đối với ai muốn tin nhiều hơn. Đi từ lòng tin vào tính
cách thiên sai của Chúa Giêsu, tính cách đã được đưa ra ánh sáng trong phần đầu
của phúc âm (Ga 2-4) và được củng cố do phản ứng đức tin đầu tiên của cộng đoàn
Kitô hữu (Cv 2,36), người Kitô hữu phải đào sâu lòng tin vào tử hệ thần linh
của Chúa Giêsu, mối tử hệ được mạc khải vào giờ tôn vinh. Và đức tin càng đâm rễ
sâu, thì sự sống thần linh và không thể phá huỷ càng được trao ban nhờ danh -
hay con người - Chúa Giêsu, vì Chúa Cha đã ban cho Chúa Giêsu danh Người
(17,11-12) và quyền thông sự sống thần linh vĩnh cửu. Ai tin vào danh Chúa Giêsu
thì nhờ Ngài sẽ được sống muôn đời (1,12; 3,15-18; 12,50; 1Ga 5,13)
Không! Tin mừng không thể chấm dứt: là một tuyển tập các dấu chỉ, phúc âm
vẫn còn là như vậy bao lâu lòng tin của độc giả chưa đạt đến đích. Và đích này
khi nào sẽ đạt được? Khi người tín hữu thấy vinh quang của Chúa Giêsu mà Chúa
Cha ban cho Ngài khi Ngài trở về cùng Cha, thứ vinh quang thần linh đã hiện hữu
trước mọi thời gian (17,24)
KẾT LUẬN
Từ đây đức tin không dựa trên cái nhìn, nhưng dựa trên chứng tá của những
người đã thấy; chính nhờ đức tin này mà các tín hữu kết hiệp sâu xa với Đức
Kitô phục sinh (17,20).
Ý HƯỚNG BÀI GIẢNG
1. Phản ứng của Tôma khi thấy các
tông đồ báo tin cho ông việc Chúa Giêsu hiện ra cho chúng ta thấy khía cạnh đầu
tiên trong hoạt động của “thế gian”. Vì việc sống lại của Chúa Giêsu vừa khó
tin vừa gây bực bội, nên ta thường bị cám dỗ không chấp nhận. Cũng thế, Tôma
giới hạn tri giác về thực tại và khả năng tri thức vào tiêu chuẩn của kinh
nghiệm hay của khả năng suy tư. Những gì ông không thể hiểu, không thể sờ đến,
đo lường, đều bị ông từ chối. Đó là tinh thần của thế gian muốn kéo lôi tất cả
đến với nó và chỉ chấp nhận những gì nó chứa đựng.
2. Đức tin luôn bao hàm sự liều
lĩnh, bởi lẽ nó không tự áp dụng bằng kinh nghiệm hay lý luận. Đức tin trở nên
khó khăn đối với Tôma, thì cũng khó khăn đối với tất cả chúng ta. Đức tin dạy
điều khó tin vì giả thiết một sự vượt quá thường xuyên con người chúng ta, vì
đức tin là một sự tăng trưởng, một bước tiến đến Đấng nào đó luôn bí ẩn, luôn
gây ngạc nhiên.
3. Đức tin không những là một sự
liều lĩnh mà còn là một cuộc chiến, một trận đấu. Đức tin không có gì là thoải
mái tiện nghi; nếu đức tin xây dựng và tái tạo chúng ta, điều đó có thể thực
hiện nếu chúng ta biết từ bỏ chính mình. Thế gian mà đức tin sẽ toàn thắng
không phải là một thực thể trừu tượng, xa vời. Thế gian đó, là chính chúng ta
với những sợ hãi, lo âu, khoe khoang, ghen ghét, tham vọng và quyến luyến. Bao
lâu còn bám chặt thế gian, bấy lâu chúng ta còn bị thống trị. Và chúng ta hoàn
toàn giống nhau, nên chúng ta thường biện minh cho nhau, tự làm cho mình ra vô
tình và không áy náy trong việc bất tuân lời Chúa và khuyến khích nhau từ bỏ
đức tin; thế gian cũng như não trạng tập thể của xã hội thấm nhiễm vào chúng ta
đến nỗi nếu phải suy nghĩ hay sống khác biệt với tập thể này, chúng ta có cảm tưởng
là mình theo tư tưởng của riêng mình, là không liên đới với những người khác và
phá huỷ một cái gì cao quý và cần thiết.
4. Tôma thật đáng quí vì tôi nhận
ra tôi trong ông; nếu tôi gặp nhiều khó khăn thực sự khi phải chấp nhận tất cả
dưới lý do là vì Giáo hội dạy; tôi lại ít sẵn sàng chấp nhận khi thấy Giáo hội
không sống như lời giáo hội nói. Nếu là chân lý, tại sao giáo hội không sống
phù hợp hơn với điều Giáo hội giảng? Trong những lúc nghi ngờ và khủng hoảng
như thế, hãy lặp lại lòi nguyện khiêm nhường của Phúc âm “Lạy Chúa, con tin,
nhưng xin ban thêm đức tin cho con”.
5. Chúa Giêsu 3 lần nói cùng chúng
ta trong đoạn phúc âm này: “Bằng an cho các con”. Ngày nay, trong thế giới và Giáo
hội với những lao động bất công và bạo hành, ước gì chúng ta sống trong bình an
mà Đức Kitô phục sinh ban cho; chỉ khi nào đức tin toàn thắng thế gian trong
con người chúng ta, khi đó chúng ta mới là kẻ xây dựng an bình.
13. Dấu ấn của đau khổ
Tôi không ngạc nhiên trước lời đòi hỏi của Tôma. Điều làm tôi suy nghĩ
trong lúc này đó là tại sao thân xác phục sinh của Đức Kitô lại còn mang những
thương tích, những dấu ấn của đau khổ?
Tôi cứ nghĩ rằng: sau khi sống lại, thân xác vinh quang của Đức Kitô hẳn
không còn vết tích nào của những cực hình phải chịu. Bởi vì, sau cuộc thương
khó là sự sống lại, sau đau khổ là vinh quang, sau ngày thứ sáu tuần thánh là
sáng Chúa nhật phục sinh. Sự tương phản mãnh liệt đến độ chúng ta tưởng như có
một bước nhảy vọt, cắt đứt và chia lìa giữa hai tình trạng kể trên, như thể sự
phục sinh và vinh quang là phần thưởng cho những đau khổ Ngài đã phải chịu
trong suốt cuộc thương khó, để rồi chúng ta sẽ dần dần quên đi những kỷ niệm bi
đát ấy.
Trong cuộc sống chúng ta thấy người ta thường tặng thưởng huân chương cho
những kẻ can đảm cứu vớt người bị chết đuối hay gặp phải tai ương hoạn nạn. Tấm
huân chương xứng đáng với những hy sinh mà kẻ ấy đã phải gánh chịu. Thế nhưng,
đó cũng chỉ là một qui ước do xã hội đặt ra.
Sự phục sinh của Đức Kitô thì khác. Đó không phải chỉ là một dấu chứng của
chiến thắng, của phần thưởng mà thôi, nhưng còn là một diễn tiến liên tục nơi
thân xác Đức Kitô. Chính Ngài đã cắt
nghĩa:
-
Như hạt lúa mì
rơi xuống đất, có mục nát đi thì mới trổ sinh nhiều bông hạt.
Giữa hạt giống được gieo
trồng và bông lúa chín vàng dưới ánh nắng mặt trời có một sự liên tục trong
phát triển. Bông lúa chỉ là kết quả của hạt giống được gieo trồng.
Nơi khác, Ngài cũng nói:
-
Như người đàn bà
lo âu khi giờ của mình đã đến, nhưng sau đó thì vui mừng vì đã sinh được một
người cho thế gian.
Sự sinh nở chỉ là kết quả của
việc thai nghén. Giữa hai sự kiện này luôn có một sự liên tục trong phát triển.
Cũng thế, Đức Kitô đã bước
vào sự chết và sống lại. Chúa nhật phục sinh không phải chỉ đến sau ngày thứ
sáu tuần thánh, mà còn là một sự tiếp nối, một kết quả, một hoa trái.
Chính vì thế, chúng ta hiểu
được tại sao Tôma có thể nhìn thấy những dấu ấn của đau khổ, của cực hình trên
thân xác sống lại của Đức Kitô.
Vinh quang xuất phát từ thập
giá và những dấu đanh đã không làm xấu đi, trái lại còn làm đẹp thêm cho thân
xác phục sinh của Ngài.
Cũng giống như trên khuôn mặt
nhăn nheo của một cụ già. Những nếp nhăn ấy chính là kết quả những năm tháng
dài của cuộc đời với những khổ đau và tang tóc, những hy sinh và gian khổ,
những yêu thương và phục vụ. Những nếp nhăn ấy tạo nên vẻ đẹp của kinh nghiệm,
của già dặn và chín chắn. Và rồi cặp mắt của cụ già sáng lên niềm hy vọng được
gặp lại chính cái nhìn của Thiên Chúa.
Để kết luận, chúng ta hãy suy
gẫm lời Chúa đã phán để hiểu được toàn bộ cuộc đời của Ngài, đó là Con người
phải chịu đau khổ, và phải chết đi trước khi được bước vào vinh quang.
14.
Tôma
Bài Tin Mừng kể lại câu
chuyện Chúa Kitô Phục sinh hiện ra với các môn đệ vào ngày thứ tám sau khi Chúa
sống lại. Vì thế, hôm nay là ngày thứ tám sau lễ Phục sinh, tức là ngày cuối
cùng của tuần bát nhật mừng đại lễ Phục sinh, chúng ta nghe đọc lại câu chuyện
này. Thực vậy, vào buổi chiều chính ngày Chúa nhật Phục sinh, Chúa Kitô đã hiện
đến với các môn đệ đang tụ họp nhau trong căn phòng ăn bữa tiệc ly trước đó ba
ngày, Chúa cho họ xem các thương tích ở tay và cạnh sườn Ngài để chứng thực
Ngài đã sống lại. Nhưng hôm ấy không có mặt ông Tôma. Vì thế, khi nghe các bạn
kể lại, ông không tin và khi nào tự tay kiểm chứng mới tin. Tám ngày sau, tức
là Chúa nhật liền sau đó, Chúa Kitô hiện đến lần nữa và gọi ông Tôma ra kiểm
chứng tay và cạnh sườn Ngài. Chúa đáp lại tất cả lời thách đố của Tôma. Khi ấy,
ông cung kính và run sợ nói lên lời tuyên xưng lòng tin: “Lạy Chúa của con, lạy
Thiên Chúa của con”. Chúa âu yếm nhìn ông và nói: “Hỡi Tôma, vì đã thấy Thầy,
nên anh tin”. Rồi Chúa đưa mắt nhìn tất cả và nói: “Phúc thay những người không
thấy mà tin”. Qua câu chuyện Tin Mừng kể lại, có người coi ông Tôma như là “bổn
mạng” của những kẻ hoài nghi, cứng lòng, hoặc như là “ông tổ” của phái duy lý,
duy thực nghiệm, chỉ tin những gì nhìn thấy được, sờ mó được. Nói thế quả là
quá đáng và bất công. Nhưng dầu sao trong thái độ của ông Tôma, chúng ta cũng
thấy phản ảnh thái độ hoài nghi và kém lòng tin của nhân loại, của mỗi người
chúng ta. Trong đời sống hằng ngày, chúng ta dễ tin lời người ta nói, dễ tin
quảng cáo, tuyên truyền, nhưng trong phạm vi tôn giáo, chúng ta lại dễ hoài
nghi, yêu sách lý lẽ minh bạch và đòi bằng chứng rõ ràng. Cho nên đừng vội
trách ông Tôma, vả lại, thái độ toàn diện của ông rất đáng cho chúng ta khâm
phục. Quả thực, lúc ban đầu, ông Tôma tỏ ra một thái độ cứng lòng, khó tin
những điều các bà đạo đức, các bạn tông đồ kể lại, ông cho là ảo tưởng, không
đáng tin. Chúa nhân từ và nhẫn nại, Ngài vui lòng chờ đợi qua tám ngày rồi mới
hiện ra để thoả mãn những yêu sách quyết liệt của ông. Nhưng trước bằng chứng
quá hiển nhiên ấy, ông phục xuống và kêu lên: “Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa
của con”. Theo cha Larăng, một học giả Kinh thánh nổi tiếng: đây là lần thứ
nhất Chúa Giêsu được gọi bằng danh hiệu “Thiên Chúa” rõ rệt. Cho nên đây là một
tác động đức tin hoàn toàn và quyết liệt sau một thời gian hoài nghi và từ
khước. Tác động đức tin này có giá trị, vì thực sự ông Tôma đã vượt qua hình
dáng bên ngoài để tới thực tại tiềm ẩn. Mắt ông chỉ nhìn thấy con người Chúa
Giêsu, tay ông chỉ sờ tới những vết thương vật chất hữu hình, nhưng ông tuyên
xưng Chúa là Thiên Chúa của ông.
Lúc ấy Chúa phán một câu mà
muôn đời sẽ suy niệm và trở nên nguồn an ủi phấn khởi cho mọi thế hệ về sau:
“Vì đã thấy Thầy, nên anh tin. Phúc thay những người không thấy mà tin”. Nói
điều ấy Chúa có ý nhằm đến chúng ta và muôn thế hệ sau nữa, là những người
không được đặc ân chiêm ngưỡng dung nhan nhân loại của Chúa, không được đặc ân
nghe tiếng Ngài, đụng chạm tới thân xác thánh thiện của Ngài. Chúng ta tin theo
bằng chứng của các tông đồ và lời giảng dạy của Giáo Hội. Đức tin ở đây không
phải là tin theo một học thuyết, một chân lý viễn vông, nhưng là tin vào một nhân
vật lịch sử, sống động: Chúa Kitô chết và Phục sinh. Quả thực, sự hy sinh lớn
lao của Chúa Kitô trên núi Sọ được Thiên Chúa đáp ứng, đó là Chúa Kitô đã sống
lại. Nếu Chúa không sống lại thì tất cả cuộc khổ nạn của Ngài chỉ là một đường
hầm mù mịt, chẳng dẫn đến đâu hết. Thứ Sáu Tuần Thánh và Chúa nhật Phục sinh là
hai mặt của chung một thực tại. Giả sử thiếu một trong hai biến cố: Chúa chết, Chúa
sống lại, thì sự việc thành vô nghĩa. Tất cả những điều trên đây làm cho chúng
ta phấn khởi và tăng thêm niềm xác tín vào mầu nhiệm Phục sinh của Chúa Kitô.
Tuy nhiên, thái độ cứng lòng tin của ông Tôma cũng là điều có lợi cho chúng ta.
Việc ông không tin lúc đầu là một bảo đảm làm cho niềm tin của chúng ta thêm
vững chắc, vì niềm tin Chúa sống lại của chúng ta không chỉ dựa trên những lời
nói suông, nhưng được xây dựng trên đức tin của một người thực tế, bình dân, đã
nhìn thấy tận mắt và sờ tới tận tay vào thân xác sống lại của Chúa. Do đó, cùng
với thánh Gơrêgôriô, chúng ta có thể kết luận: “Ngón tay đa nghi của ông Tôma
đã trở nên ông thầy của toàn thể thế giới; bàn tay đa nghi của ông Tôma đã dạy
cho mọi người một sự thật rất chắc chắn, đó là thân xác Chúa Giêsu Kitô đã Phục
sinh”.
Thị kiến của thánh Gioan
trong bài đọc 2 hôm nay trình bày tổng quát Kitô học với toàn thể cuốn sách:
Tôi thấy một Đấng giống như Con Người. Qua Giáo Hội, Gioan đã nhìn nhận ra Đức
Kitô, nhưng hình ảnh vẫn chưa rõ ràng. Ở đây Gioan dùng một hình ảnh của Cựu
ước trích từ sách Đaniel chương 7 nói về Con Người. Kiểu nói “giống như” nói
lên tính cách huyền nhiệm và mỹ diệu của Chúa Kitô giống hình ảnh của Con
Người. Sau hình ảnh tổng quát về Con Người, Gioan mô tả thêm cách đặc biệt về
Con Người và được đọc nơi bài đọc 2. Chúng ta có thể nói qua ở đây để thấy đầy
đủ quyền hành của Đức Kitô mà Gioan thấy trong thị kiến. Ngài mặc áo choàng
trắng, chỉ vương quyền tư tế vương giả của Chúa Kitô. Đứng trước thị kiến Con
Người, Gioan cũng như các tiên tri khác và các tông đồ đều lo sợ, vừa trông
thấy Ngài tôi đã ngã xuống như chết dưới chân Ngài.
Thế giới thần thiêng không
thể tỏ hiện cho con người mà không gây nên nơi họ một tâm tình lo sợ không
thôi, nhưng đồng thời tin cậy. Chỉ khi nào được khích lệ trấn an người ta mới yên
lòng. Ngài đặt tay lên tôi và nói đừng sợ, có Chúa nâng đỡ khích lệ Gioan.
Sau cùng khi mạc khải cho
Môisê, Thiên Chúa nói: “Ta là Đấng Có”. Câu nói này các thánh có những suy tư
là: là đầu, là sau hết, là Alpha và Omêga, Đức Kitô là Thiên Chúa hằng có đời
đời. Các tước hiệu về Thiên Chúa đã được Giáo Hội sơ khai tin tưởng đặt nơi
Chúa Kitô. Ta là Đấng đã chết, nhưng nay Ta vẫn sống đến muôn đời.
Sống là đặc quyền của Thiên
Chúa. Người ta vẫn đặt điều này làm chủ chốt cho các vấn đề quan trọng. Ba đặc tính “là đầu, là
sau hết, là sống”. Nơi Cựu ước hay áp dụng cho Chúa Kitô, nơi Giáo Hội sơ khai
không chỉ suy tôn Chúa Kitô là Thiên Chúa nhưng còn nhận nơi Ngài là vị đã
sống, chết và sống lại do quyền năng Thiên Chúa ban cho Ngài.
Trong các phần sau của sách Khải huyền, nguồn tư tưởng này được diễn tả qua
hình ảnh chiên được sát tế và được tôn vinh ngự trên ngai vàng để thống trị mọi
loài. Tư tưởng này dựa vào một sự kiện lịch sử trong bản văn Hy lạp, tác giả
viết: Ta đã bỏ nên người chết thật rồi, nhưng này đây Ta vẫn sống và còn sống
cho đến muôn đời. Uy quyền của Đức Kitô còn ảnh hưởng đến sự chết. Ta giữ chìa
khoá sự chết và địa ngục.
Ngày nay sự chết không còn quyền gì với Ngài. Chúa Kitô đã sống lại và cứu
vớt những kẻ chết và tin vào Ngài. Ngài không cần để cho thế giới của địa ngục
hoành hành tác hại nữa. Qua sự việc sống lại của Chúa Kitô đã thắng vượt tất
cả.
Cùng với Chúa Kitô Phục sinh chúng ta phải dám tin Ngài, thông phần chịu
mọi đau khổ của cuộc đời trong sự chiến thắng Phục sinh của Chúa Kitô. Cuộc
sống này chính là cuộc sống mà tác giả sách Khải huyền đã sống, đã trải qua. Dưới
ánh sáng đức tin, chúng ta cần phải tin vững mạnh vào Chúa Kitô đã chết và đã
sống vì chúng ta. Xin Chúa thêm đức tin, niềm cậy trông và sự chịu đựng mãnh
liệt cho tất cả chúng ta, để chúng ta vững bước trên con đường tiến về quê
hương Thiên Quốc.
Chứng lý về sự Phục sinh của Chúa Kitô, không chỉ dựa vào sự kiện ngôi mộ
trống, mà còn phải kể đến những lần Đấng Phục sinh hiện ra với nhiều người,
cũng như phải quan tâm đến những lời chứng của những người đã tận mắt nhìn thấy
Chúa Kitô sống lại. Trang Tin Mừng hôm nay sẽ cung cấp cho chúng ta những chứng
lý quan trọng và sống động ấy.
Chúa Kitô Phục sinh hiện đến vào lúc thánh Tôma vắng mặt, cho nên ông đã
không tin rằng Chúa Giêsu sống lại. Vì thế, ông đòi hỏi một sự kiểm chứng. Thử
hỏi 10 vị tông đồ kia, nếu không tận mắt nhìn thấy và đích thân gặp gỡ Đấng Phục
sinh, các ông có thể dễ dàng chấp nhận lời của anh em khác không? Chúng ta rất
hồ nghi. Bởi lẽ, chuyện kẻ sống lại là chuyện rất khó chấp nhận. Và chính các
ông đã không ít lần tỏ ra nghi ngờ, nao núng, kể cả sau khi đã gặp Đấng Phục
sinh.
Chúng ta không nên trách Tôma, ngược lại phải biết ơn ngài. Bởi vì chính
“sự cứng lòng” của ngài lại làm kiên vững cho niềm tin yếu đuối của chúng ta,
khi Đấng Phục sinh đáp trả đòi hỏi sự kiểm chứng bằng giác quan của thánh Tôma:
“Tôma hãy đặt ngón tay vào đây và hãy xem tay Thầy; đưa tay ra mà đặt vào cạnh
sườn Thầy”. Điều này không chỉ để thoả mãn đòi hỏi riêng của thánh Tôma, mà còn
đáp trả cho yêu cầu của tất cả chúng ta, những kẻ “không thấy” mà được gọi là
“tin”, nhất là trong thời đại khoa học thực nghiệm hôm nay.
Đồng thời, “sự cứng lòng” của thánh Tôma cũng làm cho lời chứng của cộng
đoàn thêm mạnh mẽ. Ngày nay, chúng ta đều là những người không thấy mà tin dựa
vào lời chứng của các tông đồ – những kẻ dám sống, dám chết cho niềm tin của
mình.
Thánh Tôma là môn đệ cuối cùng tin Chúa sống lại, nhưng lại là người đầu
tiên tuyên xưng đức tin. Sau khi được kiểm chứng về việc Phục sinh, ngài đã tin
– một niềm tin đầy đủ nhất khi ông tuyên xưng: “Lạy Chúa con, lạy Thiên Chúa
của con”. Khi ông tuyên xưng như thế, thì lời chứng của các tông đồ thật sự trở
thành “đắt giá”, thật sự trở thành nền tảng vững chắc cho việc tuyên xưng đức
tin của bao thế hệ Kitô hữu.
Hơn thế nữa, Đấng Phục sinh hiện ra không chỉ để chứng minh Người đã sống
lại, nhưng còn để ban cho các ông sự sống mới “Người thổi hơi vào các ông…”
Con người vốn chỉ là bùn đất và chỉ có thể trở nên sống động qua việc “thổi
hơi” của Thiên Chúa. Thì ở đây, chúng ta cũng nói được rằng chính Đấng Phục
sinh đã thực hiện một cuộc sáng tạo mới, Ngài thổi hơi để biến đổi các tông đồ
từ những con người yếu đuối, nhút nhát trở thành những con người mới với sức
sống mới, trở thành những khí cụ sắc bén trong Thánh Thần để rao giảng Tin Mừng
Phục sinh.
Đồng thời với việc ban sự sống mới là mệnh lệnh sai đi: “Như Cha đã sai
Thầy, Thầy cũng sai anh em”. Tiếng “như” ở đây không phải là so sánh, mà là nền
tảng và cội nguồn: nguồn cội của mệnh lệnh là chính Chúa Cha và nền tảng của mệnh
lệnh là sứ vụ cứu thế mà Đấng Phục sinh hoàn thành. Các tông đồ được sai đi để
làm chứng về Đấng Phục sinh và để nối dài hành động của Người trong thế giới.
Hành động này giải thoát thế giới khỏi sự thống trị của tội lỗi, mà sức mạnh
lớn nhất của nó là sự chết đã bị vượt qua.
Mỗi chúng ta, nhờ bí tích Thêm sức cũng được mời gọi trở nên những tông đồ
hăng say làm chứng cho Chúa ngay trong môi trường sống của mình.
Trong thời đại hôm nay, chúng ta làm chứng cho Chúa Kitô Phục sinh không
chỉ bằng lời rao giảng mà còn phải bằng chính cuộc sống của chúng ta. Cụ thể
trong xã hội hôm nay, có rất nhiều người nhất là những người trẻ, họ luôn sống
trong lo âu, sợ hãi, khủng hoảng hoặc không cần biết đến ý nghĩa cuộc sống, họ
lao vào những tệ nạn xã hội mà không thoát ra được. Trước tình trạng đó, lẽ nào
chúng ta ngồi yên? Là những con người của thiên niên kỷ mới này, chúng ta phải
là những người đi bước trước đem sự bình an và đức tin sâu sắc giúp họ thoát
khỏi thất vọng để tìm ra ý nghĩa cho cuộc sống.
Mỗi chúng ta cần phải mở rộng lòng dám đi sâu vào thế giới để tìm hiểu và
đem Chúa Phục sinh vào mọi lãnh vực, không bo bo trong vỏ ốc nhưng phải mở rộng
ra khắp thế giới.
Có một câu chuyện kể lại rằng, một nhà thông thái kia muốn sáng lập một tôn
giáo mới. Ròng rã nhiều năm, ông đem tất cả sự khôn ngoan của mình ra thuyết
phục thiên hạ mà chẳng thấy ai theo. Ông bèn than thở với một người bạn thì nhận
được một lời khuyên: “Nếu anh muốn người ta theo anh thì dễ thôi, anh hãy làm
thế này: Thứ năm anh ăn bữa tiệc cuối cùng, thì thứ sáu anh để người ta đóng
đinh anh trên khổ giá rồi chôn cất, Chúa nhật anh sống lại! Chắc chắn người ta
sẽ theo anh rất đông?”.
Quả là lời khuyên độc đáo, và lại càng lý thú hơn, khi tác giả của lời khuyên
này chính là Napôlêon! Điều mà Napôlêon muốn nhấn mạnh ở đây, đều có sức lôi cuốn
người ta chính là sự sống lại.
Thực vậy, biến cố Chúa Kitô Phục sinh chính là nền tảng và trung tâm của
đời sống đức tin Kitô giáo chúng ta.
Đấng Phục sinh đã chọn “ngày thứ nhất trong tuần” làm ngày gặp gỡ các tông
đồ. Như thế, “Ngày thứ nhất trong tuần” đã trở thành ngày của cộng đoàn, ngày
của gặp gỡ, ngày hát mừng niềm vui Phục sinh, và nhất là ngày của cuộc “sáng
tạo mới”. Xin cho mỗi ngày Chúa nhật cũng trở thành một ngày giúp chúng ta sống
thánh thiện, hiệp thông, yêu thương… Để mỗi chúng ta trở thành một bằng chứng
cho sự hiện diện sống động của Đấng Phục sinh.
“Nếu tôi không thấy dấu đinh ở tay Người, nếu tôi không xỏ ngón tay vào lỗ
đinh, và không đặt bàn tay vào cạnh sườn Người, thì tôi không tin”. Tôma đang
tìm kiếm sự tuyệt đối chắc chắn. Chúng ta có thể gọi ông là một người theo trào
lưu chính thống. Đối với người theo trào lưu chính thống, vấn đề chỉ là trắng
hoặc đen. Nếu có một điều gì đó chưa đích thực theo sát nguyên văn, thì đúng là
điều đó không hề có thật.
Ngày nay, trào lưu chính thống đang trên đà gia tăng. Vì sự thiếu chắc chắn
gây ra nỗi e ngại, nên họ co rút lại vào trào lưu chính thống. Trào lưu này có
thể rất hấp dẫn. Đối với người theo trào lưu chính thống, đường lối phải thẳng
tắp, câu trả lời phải đơn giản. Nhưng trào lưu chính thống là một cách thức
nghèo nàn trong việc nhìn nhận chân lý. Điều này có nghĩa là cuộc sống chỉ có
một chiều kích mà thôi. Trào lưu này tước đoạt mất sự phong phú của lòng tin,
hậu quả là đưa đến một thứ tôn giáo cứng rắn, đơn giản, thuần theo luân lý và
độc đoán. Điều này làm cho người ta biến thành một đám người chỉ đi theo đúng
một đường lối, hơn là một nhóm người bao gồm những cá nhân, mỗi người đều có
câu chuyện riêng của mình để kể ra, và một đường lối đặc biệt riêng để đi theo.
Sau đây là một câu chuyện ngụ ngôn: có hai người đi đường tự nhận thấy mình
đang giáp mặt với một cánh rừng. Bởi vì chung quanh đó không còn một con đường
nào, nên họ không còn chọn lựa nào khác, ngoài cách phải băng qua cánh rừng đó.
Tự nhiên họ cảm thấy khiếp sợ, họ e ngại rằng mình có thể bị lạc lối trong
rừng. Nhưng họ thật may mắn khi gặp được một người gác rừng, người này đã cho
họ một bản đồ vạch ra những con đường mòn đi xuyên qua rừng.
Sau khi xem xét tấm bản đồ, thì người thứ nhất phát hiện được một con đường
mòn dường như có vẻ đi thẳng trực tiếp nhất, và anh ta đã kiên quyết đi theo
con đường mòn đó. Khi làm như vậy, anh đã tiết kiệm được nhiều thì giờ, lo lắng
và nguy hiểm. Nhưng anh ta cũng tự làm cho mình mất đi cơ hội khám phá được vẻ
phong phú của khu rừng.
Người thứ hai nghiên cứu từng chi tiết của tấm bản đồ một cách cẩn thận.
Anh đã ghi nhận rằng những con đường mòn chính không chỉ xuyên suốt được khu
rừng, mà còn là những lối đi ngắn hơn nhiều. Đối với anh, không nhất thiết là phải
tuyệt đối theo sát tấm bản đồ, nhưng mục đích chính của tấm bản đồ này là nhằm
cung cấp cho anh những phương hướng, để mặc dù đang ở bất cứ chỗ nào trong
rừng, anh cũng sẽ không bị lạc lối. Khi sử dụng bản đồ theo cách này, là mở ra
cho anh toàn thể khu rừng, và giúp cho anh phát hiện được tất cả vẻ phong phú
sẵn có của nó.
Khu rừng tiêu biểu cho thế giới của chân lý. Tấm bản đồ tiêu biểu cho đức
tin của người Kitô hữu. Những con đường mòn tiêu biểu cho các học thuyết về đức
tin.
Người thứ nhất tiêu biểu cho loại người theo trào lưu chính thống. Anh ta
suy nghĩ về các học thuyết đức tin theo một cách thế hẹp hòi, theo sát từng chữ
và dường như không liên quan gì đến những gì còn lại của cuộc sống. Người thứ
hai đã sử dụng cũng những chân lý đó để cung cấp cho anh những phương hướng.
Bằng cách này, những chân lý đó mở ra tất cả cho anh. Chúng giúp anh có thể tự
đắm mình vào cuộc sống, với tất cả những nét phong phú đa dạng và tuyệt vời của
nó. Chúng đem đến cho anh một chiếc chìa khoá, để giải mã mầu nhiệm của cuộc
sống.
Đức tin của người theo trào lưu chính thống tạo ra một đường lối an toàn.
Đức tin này bảo vệ người đó khỏi phải làm một công việc khó khăn, đó là tìm
kiếm ý nghĩa và những giá trị của bản thân mình. Nó giảm bớt cho người đó khỏi
nỗi lo lắng phải đương đầu với sự chọn lựa, với trách nhiệm, và sự thay đổi
liên tục trong ý thức về bản thân mình. Trào lưu chính thống là một đức tin đã
được xác nhận bằng sự thiếu tự tin.
Đối với một người theo trào lưu chính thống, tôn giáo chỉ là một phần của
cuộc sống. Còn đối với người không đi theo trào lưu chính thống, tôn giáo chính
là cuộc sống được nhìn và sống theo viễn cảnh tôn giáo. Mỗi sự kiện đều được
tiếp nhận gấp đôi, nếu không muốn nói là gấp ba lần ý nghĩa, và do đó, từng sự
kiện lại được phong phú hơn và bí nhiệm hơn. Đức tin lấp đầy cuộc sống của
chúng ta bằng những sự kiện mà, nếu không có chúng, thì cuộc sống của chúng ta
sẽ không có ý nghĩa, và linh hồn của chúng ta sẽ bị khô héo và chết đi.
Đức Giêsu không cổ vũ cho trào lưu chính thống. Người không muốn những kẻ
đi theo Người cách mù quáng. Trái lại, Người đã cố gắng mở mắt mọi người, mà
không hề đe doạ hoặc ép buộc ai cả, Người chỉ mời gọi, mong muốn người ta tự
nguyện đi theo Người, bằng tất cả sự sáng suốt của họ. Và người còn đi đến chỗ
mong muốn chúng ta có thể có được sự sống, không chỉ ở cuộc sống mai sau, mà
còn ở nơi đây, trên trái đất này nữa, để có được một cuộc sống dồi dào.
CHÚA NHẬT 02 PHỤC SINH
Tin Mừng thánh Gioan hôm nay thuật lại cho chúng
ta 2 lần CGS hiện ra với các môn đệ, củng cố niềm tin cho các ông và qua đó
chứng tỏ tình thương vô biên của Người đối với chúng ta.
1. Tâm trạng của các môn đệ:
Có thể nói, tâm trạng của các môn đệ là sợ, vì
trong cả 2 lần Chúa hiện đến, dù lần sau cách lần trước những 8 ngày, nhưng lần
nào "cửa nhà các ông đều đóng kín…vì sợ người Do Thái". Vì thế, mỗi
lần hiện ra, CGS đều mang đến cho các ông 1 món quà vô giá : "Bình an cho
anh em", và chúng ta có thể thấy, sau khi được CGS chúc bình an và cho xem
các vết thương, các ông vui mừng vì nhận ra Thầy mình, trong thân xác đã PSinh
dù vẫn còn đó những vết thương.
2. Ông Tôma:
Thế nhưng trong lần đầu gặp Chúa lại không có ông
Tôma, chẳng biết ông đi đâu vắng nhưng khi về, nghe anh em kể lại ông phán 1
câu xanh dờn : nếu không thấy dấu đinh ở tay Thầy, không xỏ tay vào lỗ đinh,
vào cạnh sườn Thầy, ông không tin. Có người bảo ông cứng lòng tin, nếu họ là
Thầy Giêsu thì ông Tôma chắc bị rầy. Nhưng với Thầy Giêsu, Thầy sẵn sàng chìu
theo những đòi hỏi của ông kèm với 1 lời khuyên: "..đừng cứng lòng nữa,
nhưng hãy tin". Tất nhiên, nghe xong, ông Tôma làm gì dám thực hiện những
đòi hỏi hôm nào. Ngay lập tức, ông tuyên xưng : "Lạy Chúa của con, lạy Thiên
Chúa của con".
Chính qua biến cố này, CGS không những đã tha thứ
không phạt Tôma vì cứng lòng mà còn chúc lành cho chính chúng ta là những người
"…không thấy mà tin".
Như thế, qua bài Tin Mừng hôm nay ta có thể nhận
ra, chính CGS và chỉ có CGS mới có thể đem lại cho các ông và cho cả chúng ta niềm
vui và sự bình an đích thực.
Kính thưa quý ÔBACE., thế giới chúng ta đang sống,
xã hội chúng ta đang xây dựng hôm nay cũng thế, trong những ngày gần đây, báo
chí cũng như hệ thống internet đang nói nhiều đến 1 vấn đề nhức nhối : bạo lực,
- bạo lực trong xã hội, chỉ một cái nhìn mà họ gọi
là nhìn "đểu" thôi là người ta đã kéo băng kéo nhóm, vác dao rựa đi
mà chém nhau. Người ta sẵn sàng lui xe container đến 3 lần để cán chết 1 cô bé
16 tuổi, vì theo lời họ nói: "thà đền 1 lần còn hơn nuôi cả đời"
- không chỉ bạo lực trong xã hội mà còn bạo lực xuất
hiện ngay trong cả môi trường giáo dục là môi trường đáng lý ra phải trong lành
lắm: học trò bây giờ, không chỉ có nam hay đánh nhau mà cả nữ sinh cũng đánh
nhau, nhìn thấy ghét – đánh; lỡ dẫm chân nhau – đánh; ghen tuông ở tuổi học trò
– cũng đánh. Mà không chỉ đánh dằn mặt nhau 1 cái bạt tai, các em đánh nhau như
1 trận đòn thù, đánh hội đồng, lột cả áo nhau ra để hạ nhục, quay video tung
lên mạng cho bạn bè xem.
Trong 1 xã hội bạo lực như thế, các nhà giáo dục,
các chuyên viên tâm lý, các nhà quản lý cũng lên tiếng nhưng cũng chưa đưa ra 1
giải pháp khả thi nào, vì họ thiếu 1 điều quan trọng: sự hiện diện và lời chúc
bình an của CGS.
Thật vậy, trong bài đọc 1, sách Công vụ tông đồ
ghi lại: nhiều dấu lạ đã được thực hiện nhờ bàn tay của các môn đệ, những người
đã lãnh nhận và giờ đây, trao ban bình an và phúc lành của Chúa.
Trong sách Khải huyền cũng thế, ĐGS, trong thị
kiến của Gioan cũng nói với ông: Đừng sợ.
Vì thế, chỉ có niềm tin vào sự hiện hiện và bình
an của CGS phục sinh mới có thể mang đến cho chúng ta mối phúc mà CGS đã trao
ban: Phúc cho những ai không thấy mà tin.
3. Lòng Chúa thương xót:
Hôm nay cũng là ngày Giáo hội kính nhớ lòng thương
xót Chúa, trong tâm tình đó, chúng ta hãy cùng nhau chiêm ngắm những vết thương
trên thân thể CGS, những vết thương CGS đã phải chịu vì tội lỗi của mỗi người
chúng ta.
Thưa quý ÔBACE., hôm nay, chúng ta chiêm ngắm
những vết thương của Chúa không chỉ để tin như ông Tôma mà còn để nhìn thấy nơi
những vết thương đó tình thương bao la Chúa đã dành cho chúng ta; là tội lỗi
của chính chúng ta, từ đó sẳn sàng đáp lại tình yêu của Người.
Ngày hôm nay, những vết thương đó vẫn còn hiện
hiện trên thân thể mầu nhiệm Chúa Kitô là Giáo hội; hiện diện nơi những người
nghèo hèn đau khổ; nơi những người thấp cổ bé miệng đang phải chịu nhiều bất
công.
Ước gì mỗi người chúng ta biết nhìn ra những vết
đinh do chính tội lỗi chúng ta đóng vào thân thể Chúa; và cố gắng xoa dịu những
vết thương đó bằng cách cúi xuống với những người đang đau khổ, để cùng cảm
nhận những khổ đau với họ, để chia sẻ với họ sự bình an và ơn lành chúng ta đã
lãnh nhận từ Chúa Giêsu Phục sinh.
Xin
Chúa giúp cho mỗi người chúng con nhận ra và cảm nếm được lòng Chúa thương xót,
để nhờ đó, chúng con cũng biết cảm thông và thương xót những người anh em của
chúng con. Amen
KẾT QUẢ VIỆC CG PHỤC SINH
TRONG CUỘC SỐNG CỦA CÁC TÍN HỮU
"Đức Giêsu hiện ra giữa các tông đồ"
(Ga 20,19)
Sợi
chỉ đỏ :
- Bài đọc I : Cuộc
sống mới thắm tình huynh đệ của các tín hữu cộng đoàn sơ khai.
- Bài đọc II :
Nhờ Đức Giêsu phục sinh, chúng ta được tái sinh và hưởng gia tài của
Thiên Chúa, vì vậy chúng ta hãy vui mừng.
- Bài Tin Mừng :
Hai cuộc hiện ra của Đức Giêsu phục sinh. Ngài ban cho các môn đệ bình an,
niềm vui và đức tin.
Minh họa
- Mille images 180 B
- "Đức Giêsu hiện ra giữa các tông đồ" (Ga 20,19)
Sau tuần bát nhật lễ
Phục sinh, có lẽ chúng ta nghĩ rằng thế là xong, chúng ta trở về với cuộc sống
đơn điệu nhàm chán. Nghĩ thế là lầm, Đức Giêsu sống lại không phải chỉ là một
biến cố diễn ra một lần rồi hết, nhưng ảnh hưởng đến suốt cuộc đời chúng ta.
Chúng ta phải tiếp tục đào sâu đức tin và tận hưởng niềm vui của đức tin này.
- Mặc dù là thành
phần của cộng đoàn những người tin, nhưng nhiều khi chúng ta thờ ơ không quan
tâm đến những người khác.
- Mặc dù thừa hưởng
niềm hy vọng sống động, nhưng đôi khi chúng ta buồn chán, thất vọng.
- Mặc dù được Chúa
Thánh Thần tác sinh, nhưng nhiều khi chúng ta lại kém lòng tin.
Cuộc sống thắm tình
huynh đệ của cộng đoàn tín hữu sơ khai có những nét sau :
- Một cộng đoàn phượng
tự : việc phượng tự này gồm lời giáo huấn của các tông đồ và Thánh lễ
(lễ bẻ bánh).
- Một cộng đoàn bác
ái : việc bác ái được thể hiện cụ thể bằng việc mọi người tự nguyện để
tài sản riêng thành của chung.
- Một cộng đoàn mở
cửa : cộng đoàn tín hữu sơ khai không khép kín trong nội bộ, nhưng mở
rộng cửa trong việc duy trì liên hệ với đồng bào do thái (họ vẫn lên đền thờ
Giêrusalem) và "được mọi người mến thương".
Kết quả của nếp sống
này là ảnh hưởng truyền giáo mạnh : "Số người gia nhập công đoàn ngày
càng tăng".
(Như Chúa nhựt Phục
sinh).
Lời chúc tụng Thiên
Chúa của Thánh Phêrô :
- Lý do của tâm tình
chúc tụng là "Ngài cho ta được tái sinh nhờ việc Đức Kitô sống lại từ cõi
chết" (xem thêm cuộc đối thoại giữa Đức Giêsu với Nicôđêmô về việc tái
sinh, Ga 3).
- Chỗ dựa của tâm
tình này là niềm vui mà Đức Kitô phục sinh ban cho các tín hữu, một niềm vui
vững bền ngay cả giữa những gian nan khốn khó : "Anh em sẽ được vui
mừng mặc dù còn phải ưu phiền ít lâu giữa trăm chiều thử thách".
- Thể hiện bằng một
niềm tin vững vàng mặc dù không thấy : "Tuy anh em chưa bao giờ thấy
Ngài mà vẫn yêu mến, chưa được giáp mặt nhưng lòng vẫn kính tin".
Tất cả những điều
trên là hoa quả của việc Đức Giêsu phục sinh.
Đoạn Tin Mừng này gồm
2 cuộc hiện ra của Đức Giêsu phục sinh :
a/ Cuộc hiện ra thứ
nhất :
- Đấng phục sinh mang
đến niềm vui và bình an cho các tông đồ.
- Trao sứ mạng ra đi
cho các ông
- Ban Thánh Thần cho
các ông.
b/ Cuộc hiện ra thứ
hai vào 8 ngày sau nhằm củng cố đức tin : Đức tin được nâng lên trình độ
cao : tin không phải vì thấy mà vì nghe lời chứng của những người đã tin.
Từ nay tín hữu tin không phải vì được tiếp xúc trực tiếp với Đức Giêsu mà tin
vì lời chứng của các tông đồ.
Các bài đọc hôm nay
cho thấy một đặc tính tất yếu của đức tin : nếu thực sự tin thì tất nhiên
sẽ vui. Bài Tin Mừng kể rằng trước khi gặp Đức Giêsu phục sinh thì các tông đồ
sợ, nhưng khi gặp Ngài thì "các môn đệ vui mừng" ; Đoạn sách
Công vụ kể : các tín hữu cộng đoàn Giêrusalem "ăn uống với nhau rất
đơn sơ vui vẻ" ; còn trong bài đọc 2, thánh Phêrô bảo "Anh em sẽ
được vui mừng mặc dù còn phải ưu phiền ít lâu giữa trăm chiều thử thách. Những
thử thách đó nhằm tinh luyện đức tin của anh em".
Vậy mà hiện nay nhiều
người ở ngoài nhìn vào Giáo Hội thì thấy hình như các kitô hữu có vẻ buồn, đức
tin giống như một cái khuôn, thậm chí một nhà tù giam hãm họ. Tại sao ?
Con người thời nay khao
khát được sống trong một cộng đoàn có tình có nghĩa. Có nhiều người than
"Tôi thấy mình chỉ là một con số giữa một đám đông vô tình". Các nhà
tâm lý xã hội đặt cho tình trạng này cái tên là "đám đông cô độc". Đó
là kết quả của chủ nghĩa cá nhân mà chúng ta được giáo dục ngay từ nhỏ.
Vậy niềm khao khát
trên phải chăng là một trong những dấu chỉ của thời đại ? Làm thế nào để
thỏa mãn được khát vọng tốt đẹp ấy ?
Bài trích sách Công
vụ có thể cho ta một số yếu tố để trả lời :
- Cầu nguyện và lắng
nghe lời Chúa : vì sống cộng đoàn huynh đệ là một việc vượt quá khả năng
con người ích kỷ, nên nếu có Chúa giúp thì mới thực hiện được.
- Chia sẻ : vì
yêu thương thì phải cho đi.
- Cởi mở : mỗi
người không tự khép kín trong cái tôi cô độc của mình nhưng phải mở lòng ra với
mọi người.
Trên lý thuyết, tin
vì thấy có giá trị hơn tin do nghe.
Nhưng trên thực tế,
người ta tin do nghe nhiều hơn tin vì thấy : đứa trẻ không dám thọc tay
vào ổ điện là do nó nghe lời cha mẹ căn dặn chứ không phải vì đã có kinh nghiệm
bị điện giật ; cậu học sinh tin rất nhiều điều thầy cô dạy mặc dù chưa bao
giờ cậu thấy…
Và xét cho cùng, nội
dung của một niềm tin có lẽ không quan trọng cho bằng lòng tín nhiệm vào uy tín
của người thông tin : do không tín nhiệm vào một tên bá vơ ngoài đường cho
nên dù hắn có hứa hẹn bao nhiêu điều tốt đẹp tôi vẫn không tin ; ngược lại
do tín nhiệm vào cha mẹ, thầy cô nên các vị này bảo gì tôi cũng tin.
Và như thế, cuối
cùng, tin do tín nhiệm là một thể hiện của tình yêu. Do đó tin do tín nhiệm có
giá trị hơn tin nhờ bằng chứng.
a/ Đức tin lớn lao
Có một bà nổi tiếng đạo đức, nhân
hậu và luôn bình tâm trước mọi thử thách. Một bà khác ở cách xa ít dặm, nghe
nói thì tìm đến, hi vọng học được bí quyết để sống bình tâm và hạnh phúc. Bà
hỏi :
- Thưa bà, có phải bà có một đức tin lớn lao ?
- Ồ không, tôi không phải là người có đức tin lớn lao, mà chỉ là người có
đức tin bé nhỏ đặt vào một Thiên Chúa lớn lao.
Một bà già đứng ở ngã tư có nhiều
chuyến tàu đi qua. Vì ít khi ra ngoài, nên bà chẳng biết tàu nào về đâu. Sợ đi
lạc, bà giơ vé ra hỏi một người đứng kế bên :
- Tôi định đi Bay City ,
có phải đi tàu này không ?
- Phải đó bà.
Nhưng bà chưa an tâm. Biết đâu người ấy cũng không rành. Bà gặp người khác,
cũng hỏi :
- Tôi định đi Bay City ,
có phải đi tàu này không ?
- Phải đó bà.
Nhưng bà vẫn chưa hết áy náy. Rồi
bà gặp một người đeo phù hiệu nhân viên hoả xa, bà hỏi :
- Tôi định đi Bay City ,
có phải đi tàu này không ?
- Phải, thưa bà.
Thế là bà an tâm bước lên tàu. Bà
đã tin người đáng tin. Đức tin là thế !
c/ Đức tin nhỏ, đức tin lớn
Một đức tin nhỏ sẽ đưa linh hồn bạn vào thiên đàng ; một đức tin lớn
sẽ đưa thiên đàng vào linh hồn bạn (H. Spurgeon).
CT : Anh chị em thân mến
Đức Giêsu Kitô đã sống lại từ cõi chết, đem lại
bình an, tin yêu và hy vọng cho tất cả những ai tin vào Người. Trong niềm vui
phục sinh, chúng ta cùng tin tưởng nguyện cầu.
1. Trên con đường về quê trời /
Hội Thánh gặp không biết bao nhiêu là thử thách gian nan / Chúng ta hiệp lời
cầu xin Chúa / củng cố đức tin của Hội Thánh trên đường lữ thứ trần gian / để
Hội Thánh làm chứng cho nhân loại biết rằng / Chúa đã phục sinh vinh hiển.
2. Hiện tại có biết bao người
đang cộng tác với nhau / để xây dựng một cuộc sống xứng với nhân phẩm / Chúng
ta hiệp lời cầu xin Chúa / ban Thánh Thần trợ lực và thánh hóa những cố gắng
này.
3. Đời sống đức tin không phải là
không có những khó khăn / người kitô hữu gặp biết bao là hoài nghi / tăm tối /
và nghe cũng không ít những lời xuyên tạc và bôi nhoi đầy ác ý / Chúng ta hiệp
lời cầu xin cho ánh lửa đức tin / luôn cháy sáng trong tâm hồn mỗi kitô hữu /
đặc biệt là các kitô hữu trẻ.
4. Đời sống đức tin sâu sắc của
các kitô hữu thời Giáo Hội sơ khai / là một gương mẫu tuyệt vời cho các tín hữu
ngày nay / Chúng ta hiệp lời cầu xin cho cộng đoàn giáo xứ chúng ta / biết luôn
sống với nhau trong tình huynh đệ / siêng năng tham dự thánh lễ / và cầu nguyện
không ngừng.
CT : Lạy Chúa Giêsu, Chúa biết chúng con trí
khôn chậm chạp, còn tâm hồn thì cứng cỏi. Xin ban thêm đức tin cho chúng con,
nhờ đó, dù gặp thất bại hay đau khổ đến đâu đi nữa, chúng con vẫn luôn tin yêu,
gắn bó và dấn thân theo Chúa đến cùng. Chúa hằng sống và…
- Kinh Tiền Tụng :
nên dùng mẫu I
- Trước kinh Lạy
Cha : Mặc dù cặp mắt xác thịt của chúng ta không thấy Đức Giêsu, nhưng
chúng ta biết Ngài đang hiện diện trong bí tích Thánh Thể. Chúng ta hãy hợp ý
với Ngài và dâng lên Chúa Cha lời nguyện sau đây : Lạy Cha chúng con ở
trên trời …
- Chúc bình an :
Đức Kitô phục sinh đã ban bình an cho các tông đồ. Giờ đây chúng ta cũng hãy
chúc bình an cho nhau.
Đức Giêsu phục sinh đã đem lại niềm tin, yêu, hy vọng và
bình an. Chúc anh chị em ra về trong tất cả những tâm tình tốt đẹp ấy.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét