ĐỨC CHA PHAOLÔ NGUYỄN VĂN HÒA NGUYÊN GM, NHA TRANG QUA ĐỜI |
MỪNG MẸ LỘ ĐỨC |
THÁNH LỄ CHO NGƯỜI MÔNG
BÀN THỜ TRÊN MÁI NHÀ
|
SƠN MÃN TẠI BẢO HÀ |
BÀ CHÉN MỪNG THỌ 8O TUỔI
|
CHÚA NHẬT 16 THƯỜNG NIÊN - A
Lời Chúa: Kn. 12,
13.16-19; Rm. 8, 26-27; Mt. 13, 24-43
MỤC LỤC
1. Tốt và xấu
2. Nụ cười
3. Thiên Chúa luôn tôn trọng tự do con người
4. Tự do của con người – Lm. Giuse Tạ Duy
Tuyền
5. Như hạt giống tốt
6. Nhẫn nại đợi chờ! – Lm Giuse Nguyễn Hữu An
7. Thiện ác song hành – Lm. Giuse Trần Việt
Hùng
8. Lòng kiên nhẫn – Lm Đam. Nguyễn Ngọc Long
9. Lúa tốt và cỏ lùng – Lm. Nguyễn Ngọc Long
10. Suy niệm của Lm Ignatiô Hồ Thông
11. Lúa và cỏ – Jos. Nguyễn Văn Thuần
12. Cỏ lùng và lúa tốt – Lm Bùi Quang Tuấn
13. Nhổ đi hay sống chung – Lm. Trịnh Ngọc
Danh
14. Nhận diện sự dữ
15. Tất cả là hồng ân – ĐTGM. Giuse Ngô Quang Kiệt
16. Đừng nhổ cỏ lùng
17. Thế chỗ Chúa Giêsu trên thập giá
18. Tội lỗi nào được tha thứ – R. Veritas
19. Cỏ dại
20. Lúa và cỏ
21. Cỏ và lúa
22. Xin Thầy giải nghĩa thí dụ
23. Không muộn
24. Hiểu biết và kiên nhẫn – Lm FX. Vũ Phan
Long
1. Tốt và xấu
Thế giới hôm nay vẫn còn
là như một thửa ruộng, trong đó có cỏ lùng xen lẫn với lúa. Cái tốt xen lẫn với
cái xấu. Chúng ta chỉ cần để ý một chút là có thể nhận ra trong giáo xứ, trong
khu xóm, trong gia đình có những người tốt và những người xấu. Hơn nữa, cùng
một con người, nhưng có lúc hành động tốt và có lúc hành động xấu.
Chọn cái tốt và làm điều
tốt cũng như ghét cái xấu và tiêu diệt cái xấu, đó là bài học luân lý phổ thông
nhất cho mọi người ở mọi nơi và trong mọi lúc. Bài học này nói thì dễ nhưng áp
dụng vào thực hành lại chẳng dễ chút nào. Vì thế, chúng ta cần phải cố gắng
liên tục, cố gắng không ngừng.
Tuy nhiên cái đích mà
Chúa Giêsu nhắm tới không phải chỉ là những kẻ khô khan nguội lạnh mà còn là
những người sốt sắng nóng nảy, bởi vì dụ ngôn trên kêu gọi sự nhẫn nại. Nhẫn
nại với lịch sử, với người chung quanh và với chính bản thân mình. Đừng vội kết
án như thể mọi sự đã xong xuôi, chẳng còn gì để mà nói, để mà trông chờ. Nó đã
hư đã hỏng, chỉ còn việc nhổ lên và vất đi. Các nhãn hiệu tốt và xấu như được
gắn chặt nơi mỗi con người một cách vĩnh viễn.
Nền tảng của sự nhẫn nại
chính là tính chất của giai đoạn chúng ta đang sống. Giai đoạn hiện tại là một
giao thời và sự hiện diện của Giáo Hội là một lời mời gọi chứ chưa phải là một
lời kết án. Giai đoạn hiện tại còn là thời rao giảng Tin Mừng. Các môn đệ của
Chúa được sai đi để đem đến ơn cứu độ. Nhưng đồng thời lòng ham muốn sai trái
và tội lỗi vẫn còn được phép hoạt động. Sẽ tới một thời được gọi là mùa gặt,
tức là cuộc phán xét trong ngày sau hết. Bấy giờ Chúa Giêsu sẽ đứng lên để làm
công việc phải làm: phân định vĩnh viễn người lành kẻ dữ, người tốt kẻ xấu.
Người lành thì sáng chói trong Nước Chúa còn kẻ dữ thì bị ném vào lửa, ở đó sẽ
phải khóc lóc và nghiến răng.
Nhẫn nại đi đôi với lạc
quan và hy vọng. Dụ ngôn còn là một lời mơi gọi chúng ta phải biết nhìn về
tương lai. Căn bệnh rồi sẽ khỏi, chiến tranh rồi sẽ hết, bất công không thể kéo
dài một cách vĩnh viễn, kẻ phạm tội có thể hối cải và kẻ thất vọng sẽ tìm thấy
chốn cậy trông.
Nhưng tin vào tương lai
cũng là hoạt động cho niềm tin trở thành sự thật. Nhẫn nại không có nghĩa là
khoanh tay ngồi im chờ đợi trong trạng thái thụ động. Người tín hữu tin ở sự
chiến thắng của cái tốt, tin ở một tương lai tươi đẹp, tin ở công trình cứu
chuộc của Thiên Chúa, cũng phải là người hành động một cách tích cực để huỷ
diện cái xấu và làm phát sinh những cái tốt.
2. Nụ cười.
Theo yêu cầu, một nhà
đạo đức đã kể lại kinh nghiệm đời mình như sau:
- Giai đoạn đầu tiên,
tôi được Thiên Chúa cầm tay, dẫn tới xứ sở của hoạt động và tôi đã ở lại đó
nhiều năm. Tiếp đó, Ngài trở lại đưa tôi đến xứ sở của niềm đau, tại đây, trái
tim tôi được thanh luyện khỏi mọi dính bén với của cải trần gian. Sau đó, Ngài
dẫn tôi đến miền đất của cô đơn, ở đó mọi ti tiện nhỏ bé của bản thân đều bị
thiêu rụi. Và rồi tôi có thể đi vào xứ sở của thinh lặng, trước mặt tôi, mầu
nhiệm của sự sống và sự chết đều được bày tỏ.
Nghe thế, người ta liền
hỏi:
- Phải chăng ngài đã đạt
tới giai đoạn cuối cùng của cuộc tìm kiếm.
Nhà đạo đức trả lời:
- Chưa đâu, ngày nọ,
Thiên Chúa nói với tôi: Lần này Ta đưa con vào thẳm cung của đền thánh để con
được đi vào cõi lòng Ta.
Thế là tôi đã đến xứ sở
của nụ cười.
Người Tây phương thường
bảo: Một vị thánh buồn là một vị thánh đáng buồn vậy. Niềm vui phải chăng là
nét chính yếu trên khuôn mặt của một vị thánh.
Cựu Ước đã nói: Thiên
Chúa là Đấng làm hoan lạc tuổi xuân con. Sở dĩ như vậy vì Ngài là niềm vui. Đi
vào cõi lòng của Ngài là tìm được nụ cười muôn thuở của Ngài. Nụ cười không chỉ
là thể hiện của niềm vui, mà còn là một thách thức trong những hoàn cảnh bi
đát. Đó là nụ cười của Sara giữa cảnh già nua con sẻ. Thực vậy, khi Thiên Chúa
cho biết bà sẽ thụ thai, mặc dù tuổi đã cao, thì bà đã bật cười.
Thiên Chúa thường khơi
dậy những nụ cười như thế, bởi vì tư tưởng và lối của Ngài là những nghịch lý
đối với con người. Thực vậy, cả cuộc sống cùng với lời rao giảng cái chết và sự
phục sinh của Ngài là một chuỗi những nghịch lý trước mắt thế gian. Đang khi
người đời chạy theo tiền bạc, địa vị và danh vọng thì Ngài lại tuyên bố: Phúc
cho những ai có tinh thần nghèo khó. Đang khi người đời thích gây bạo động và
hận thù, thì Ngài lại truyền dạy: Phúc cho những ai ăn ở thuận hoà. Đang khi
người đời cho rằng cái chết là một bất hạnh tột cùng, thì Ngài lại dạy đó là
khởi đầu của ơn phúc, là cửa ngõ dẫn vào sự sống.
Qua đoạn Tin Mừng hôm
nay, chúng ta cũng thấy được những điều nghịch lý về Nước Trời. Nhỏ bé như hạt
cải nhưng khi mọc lên sẽ trở thành cây to. Ít ỏi như nhúm men nhưng sẽ làm dậy
cả đấu bột. Cả hai hình ảnh này đều nói lên sức mạnh của Nước Trời Chúa Giêsu
muốn thể hiện qua Giáo Hội của Ngài. Khởi đầu từ một nhóm người nhỏ bé, Giáo
Hội dần dần quy tụ mọi dân nước trên thế giới. Xây dựng từ một đám dân chài dốt
nát, Giáo Hội đã trở thành phổ quát. Và trải qua bao nhiêu bách hại, Giáo Hội
ấy vẫn tiếp tục đứng vững.
Là con cái Giáo Hội,
chúng ta được mời gọi đặt tất cả niềm tin tưởng vào Chúa. Tiến bước trong tình
yêu quan phòng của Ngài luôn phù trợ chúng ta, dù trải qua gian nan thử thách,
chúng ta luôn xác tín rằng: Với những ai yêu mến Chúa, thì Ngài sẽ làm cho mọi
sự đều quy về sự thiện hảo. Với niềm tin tưởng ấy, chúng ta quả thực đang tìm
được nụ cười muôn thuở của Thiên Chúa.
3. Thiên Chúa luôn tôn
trọng tự do con người
(Suy niệm của Lm.
Ignatiô Trần Ngà)
Một số người cứ thắc
mắc: tại sao Chúa không quét sạch những phường tội lỗi và hung ác khỏi mặt đất
nầy? Tại sao Thiên Chúa cứ để họ ung dung sống trong tội ác và tiếp tục gây ra
chiến tranh, khủng bố, áp bức, bất công? Ai làm ác, ai gây rối, Chúa cứ việc
quét sạch chúng đi là thế giới sẽ được hoà bình và mọi người sẽ được sống trong
hạnh phúc. Đó chẳng phải là một giải pháp đơn giản để tái lập hoà bình ổn định
cho thế giới đó sao?
Để trả lời cho vấn nạn
đó, Chúa Giêsu kể dụ ngôn sau:
"Nước Trời ví như
chuyện người kia gieo giống tốt trong ruộng mình. Khi mọi người đang ngủ, thì
kẻ thù của ông đến gieo thêm cỏ lùng vào giữa lúa, rồi đi mất. Khi lúa mọc lên
và trổ bông, thì cỏ lùng cũng xuất hiện. Đầy tớ mới đến thưa chủ nhà rằng:
"Thưa ông, không phải ông đã gieo giống tốt trong ruộng ông sao? Thế thì
cỏ lùng ở đâu mà ra vậy?" Ông đáp: "Kẻ thù đã làm đó!" Đầy tớ nói:
"Vậy ông có muốn chúng tôi ra đi gom lại không?" Ông đáp: "Đừng,
sợ rằng khi gom cỏ lùng, các anh làm bật luôn rễ lúa. Cứ để cả hai cùng lớn lên
cho tới mùa gặt. Đến ngày mùa, tôi sẽ bảo thợ gặt: hãy gom cỏ lùng lại, bó
thành bó mà đốt đi, còn lúa, thì hãy thu vào kho lẫm cho tôi."
Qua dụ ngôn trên, Chúa
Giêsu tỏ cho chúng ta biết rằng kẻ nghịch của Thiên Chúa là ma quỷ tìm cách
gieo mầm giống xấu vào lòng dạ con người và từ mầm giống xấu xa ấy, sự dữ lan
tràn khắp thế gian. "Người kia gieo giống tốt trong ruộng mình, nhưng khi
mọi người đang ngủ thì kẻ thù của ông đến gieo thêm cỏ lùng vào giữa lúa."
Cỏ lùng trong ruộng mọc
lên lấn lướt lúa non thế nào thì mầm giống xấu do ma quỷ gieo vào lòng người
cũng bùng lên cách đáng sợ như thế.
Như những người tôi tớ,
sau khi thấy cỏ lùng mọc lên lấn át lúa non, đã nài xin chủ ruộng cho đi nhổ cỏ
để bảo vệ lúa, nhiều người trong chúng ta cũng ước mong Thiên Chúa dùng quyền
lực của mình để quét sạch phường gian ác khỏi thế giới nầy, để nhân loại được
sống trong hoà bình an lạc.
Nhưng làm như thế là
'khủng bố' kẻ gian ác, là tước đoạt tự do con người. Thiên Chúa nhân lành và
cao cả nên Người không hề 'khủng bố' ai và Người cũng không bao giờ tước đoạt
tự do mà Người đã thông ban cho loài người, vì nếu Thiên Chúa tước đoạt tự do
con người, thì Người sẽ biến họ thành robot hoặc thành thú vật là loài không có
tự do.
Con vật không có tự do
để lựa chọn điều tốt hay tránh điều xấu, chúng chỉ thực hiện mệnh lệnh của bản
năng và hoàn toàn bị bản năng khống chế.
Nơi con người, dù bản
năng cũng mãnh liệt không khác chi nơi con vật, nhưng con người có thể dùng tự
do của mình để khước từ những mệnh lệnh của bản năng, sống vượt lên bản năng
cũng như những lôi cuốn đê hèn. Con người có thể tuyệt thực bên cạnh mâm cỗ
thịnh soạn được dọn ra cho mình, nhưng thú vật không thể làm được điều đó vì
bản năng sinh tồn đòi buộc chúng phải ăn khi đói.
Con người có thể tuyệt
dục dù có thừa cơ hội để thực hiện bản năng truyền sinh; nhưng nơi con vật, bản
năng truyền sinh hoàn toàn chế ngự chúng.
Khi con người biết dùng
tự do của mình để chế ngự bản năng, làm chủ bản thân và thực hành điều thiện,
thì con người trở nên cao cả và đáng kính. Nhưng khi con người để cho bản năng
lấn lướt tự do, cam thân làm nô lệ cho bản năng hư hèn hoặc dùng tự do để chọn
làm điều xấu, con người đánh mất phẩm giá cao cả của mình.
Nếu con người bị tước
đoạt tự do, con người chẳng hơn gì người máy; người máy chỉ biết làm theo những
gì mà nhà chế tạo đã cài đặt vào bộ nhớ của nó. Nếu con người không có tự do,
con người chẳng hơn gì thú vật; thú vật chỉ biết hành động theo bản năng, theo
thú tính mà chẳng có tự do để chọn làm điều tốt. Vì thế, Thiên Chúa không bao
giờ tước đoạt tự do con người cho dù con người dùng tự do của mình để gây ra
điều ác đối với đồng loại cũng như để phỉ báng Thiên Chúa là Đấng tạo dựng và
thông ban tự do cho mình.
Nhưng nói thế không có
nghĩa là Thiên Chúa làm ngơ để mặc loài người đi vào con đường lầm lạc. Thực
ra, Người luôn dùng Tin Mừng và giáo huấn để soi sáng, để cảm hoá, để cảnh tỉnh
con người và Người luôn kiên nhẫn, rất kiên nhẫn chờ đợi họ hồi tâm quay lại
đường lành: "Cứ để cả hai cùng lớn lên cho tới mùa gặt. Đến ngày mùa, tôi
sẽ bảo thợ gặt: hãy gom cỏ lùng lại, bó thành bó mà đốt đi, còn lúa, thì hãy
thu vào kho lẫm cho tôi."
Lạy Chúa, Chúa đã ban
cho chúng con tự do vì chỉ khi có tự do, chúng con mới thật sự là người, mới
xứng đáng là hình ảnh của Chúa.
Chúa cũng không bao giờ
tước đoạt tự do mà Chúa đã thông ban cho chúng con vì không muốn chúng con sống
như người máy hay như thú vật.
Xin cho chúng con biết
sử dụng tự do của mình mà tránh dữ làm lành để nhờ đó, chúng con làm cho mình
trở thành người thật sự tự do, có phẩm chất cao đẹp và thánh thiện.
4. Tự do của con người –
Lm. Giuse Tạ Duy Tuyền
Nét nổi trội nơi con
người hơn muôn loài muôn vật chính là được tạo dựng giống hình ảnh Thiên Chúa.
Và dấu hiệu của sự trổi vượt ấy chính là sự tự do giống như thần linh mà các
tạo vật khác không thể có được. Chính nhờ sự tự do mà con người có khả năng làm
chủ mình, đồng thời cũng phải chịu trách nhiệm về hành vi của mình. Đây là điểm
mạnh và cũng là yếu điểm của con người. Con người có thể sử dụng tự do để đi
theo lề luật Thiên Chúa hay đi theo những đòi hỏi của tính xác thịt và theo ý
riêng của mình.
Quả thực, con người hơn
mọi tạo vật khác là có khả năng biết phân biệt điều thiện điều ác, biết chọn
lựa điều nào nên làm hay không nên làm, và vì thế chỉ có con người mới phải
nhận lãnh trách nhiệm về việc làm của mình. Có một chuyện ngụ ngôn kể rằng:
Một hôm Satan ra lệnh
cho một người kia phải thi hành một trong ba điều nó yêu cầu, nếu không nó sẽ
cướp linh hồn người đó. Ba điều đó là: giết cha, hành hạ người em, uống rượu.
Người đó ngẫm nghĩ: giết cha, đánh đập người em là điều trái với đạo lý làm
người, còn uống rượu thì dễ quá, ai mà không làm được. Thế là anh ta quyết định
đi uống rượu. Lúc đầu anh ta còn làm chủ được, nhưng về sau không còn làm chủ
được mình nữa, anh đã say lúy túy và kết quả đã diễn ra đúng như qủy mong đợi.
Anh ta đã giết cha, hành hạ người em và còn làm nhiều điều tội lỗi khác.
Câu chuyện trên đây có
lẽ không chỉ là chuyện ngụ ngôn mà là thực tế xảy ra hằng ngày trước mắt chúng
ta. Tội ác luôn tiềm ẩn trong tâm hồn chúng ta. Rơi vào một hoàn cảnh nào đó,
nếu không biết tự chủ bản năng, ai cũng có thể là một tên sát nhân. Thế nhưng
câu chuyện này không chỉ nêu lên mặt trái của con người, nó còn nói lên nét cao
qúy trong lòng con người nữa. Thật thì người đàn ông trong câu chuyện đã không
lao vào tội ác như một phản ứng bình thường. Đạo lý và lẽ phải đã đến với anh
ta trước tiên. Từ thâm sâu lòng mình, con người luôn hướng về điều thiện. Con
thú cắn xé mồi rồi lăn ra ngủ yên, nhưng con người thì không như thế. Thử hỏi
có kẻ sát nhân nào mà không cảm thấy bị cắn rứt trong lương tâm, có hành động
xấu nào mà không dày vò lòng dạ con người? Con người sinh ra vốn hướng về điều
thiện, nhưng ma qủy lại luôn lôi kéo con người vào sự dữ. Thực vậy, con người
luôn bị giằng co giữa thiện và ác, giữa phúc và tội. Tại sao vậy?
Thưa, bởi vì Thiên Chúa
đã tạo dựng mọi sự đều tốt đẹp, thế nhưng, ma quỷ lại gieo những điều xấu vào
thế gian. Nó còn gieo điều gian ác vào trong chính tâm hồn con người. Hạt giống
của sự dữ đó được ấp ủ, được nuông chiều nuôi nấng bởi tâm hồn thiếu cương
quyết tránh xa sự dữ, thiếu tự chủ trước những tư tưởng bất chính nên hạt giống
xấu luôn có cơ hội bùng phát và một khi có cơ hội nó sẽ triển nở làm cho con
người ra băng hoại.
Theo giáo lý Kitô giáo,
Thiên Chúa đã dựng nên chúng ta theo hình ảnh Ngài, vì thế, khát vọng sâu thẳm
nhất trong lòng ta chính là Thiên Chúa. Chọn tuân phục Chúa, chúng ta có được
sự tự do đích thực, được bình an, hạnh phúc. Còn khi chúng ta bất tuân Thiên
Chúa, là đánh mất ý nghĩa đời mình, là đặt cuộc sống mình dưới sự điều khiển
của sự ác và sẽ bị buông mình trong hố sâu của tội lỗi, tựa như cánh diều chỉ
có thể tự do bay bổng khi còn được ràng buộc với sợi dây, con người chỉ có thể
được tự do sống trong hạnh phúc khi tự ràng buộc đời mình theo lề luật của Chúa
mà thôi.
Tuy nhiên, vì bản tính
con người đã bị thương tích do tội nguyên tổ trở nên yếu đuối, dễ sa vào những
cám dỗ tội lỗi, như lời thánh Phaolô đã nói: "sự lành tôi muốn làm nhưng
tôi lại không làm, còn sự dữ tôi không muốn làm nhưng tôi lại cứ làm". Đó
chính là sự giới hạn của mình, chúng ta cần phải nhờ ơn Chúa qua việc cầu nguyện,
năng lãnh nhận các bí tích để xin Thiên Chúa gia tăng ơn cần thiết mà biết làm
điều lành tránh điều dữ, và gìn giữ ta trong ơn thánh của Người, mà trong giáo
lý chúng ta gọi là ơn thánh hoá và ơn trợ giúp. Vì vậy, để gìn giữ vẻ đẹp linh
hồn mình luôn là hình ảnh sống động của Thiên Chúa, chúng ta cần thường xuyên
cầu nguyện, siêng năng tham dự thánh lễ và nếu chúng ta lỡ phạm tội chúng ta
cần can đảm đến với bí tích giải tội để được ơn tha thứ và qua đó, Chúa sẽ ban
ơn soi sáng để chúng ta biết sống đúng với phẩm giá làm người của mình hơn.
Xin Chúa cho mỗi người
chúng ta luôn can đảm nói không với sự dữ, luôn kiên trường tránh xa những mưu
chước cám dỗ của Sa-tan và luôn trung thành theo giáo huấn của Chúa, ngõ hầu
chúng ta luôn trở thành con cái của Thiên Chúa, con cái của tự do không lệ
thuộc bởi đam mê tội lỗi. Amen.
5. Như hạt giống tốt
(Suy niệm của Lm. Luigi
Gonzaga Đặng Quang Tiến)
Bài tin mừng Chúa nhật
nầy gồm ba dụ ngôn về Nước Trời: Dụ ngôn lúa và cỏ lùng (13:24-30), dụ ngôn hạt
cải (13:31-32); dụ ngôn men trong bột (13:33); lý do dùng dụ ngôn (13:34-35) và
giải thích dụ ngôn lúa và cỏ lùng (13:36-43). Ba dụ ngôn nầy có nhiều điểm
chung: - Tất cả đều hướng về "ngày thu hoạch", chứ không phải tình
trạng hiện thời; - Phương thức làm là hạt giống/men được gieo vào trong một môi
trường; - Các dụ ngôn nhấn mạnh kết quả mà hạt giống/men mang lại cho môi
trường (cc. 30b.32.33).
Dụ ngôn lúa và cỏ lùng
(13:24-30)
Liên hệ với dụ ngôn
trước, dụ ngôn nầy tiếp tục nói về Nước Trời bằng câu chuyện hạt giống. Khác
với dụ ngôn trước, dụ ngôn nầy không nói về các loại đất trong đó các hạt giống
được gieo vào, mà nói về hạt giống. Dụ ngôn trước nói về đất tốt (13,8.23) giúp
cho hạt giống trổ sinh nhiều bông hạt. Dụ ngôn nầy đề cập đến hạt giống tốt (c.
24), không bị cỏ lùng làm chết đi, mà sẽ sinh nhiều hạt và được thu vào kho lẫm
(c. 30). Điểm khác biệt nữa trong dụ ngôn nầy là sự can thiệp bởi các yếu tố
bên ngoài: một đàng là kẻ thù gieo cỏ lùng vào ruộng lúa (c. 25); đàng khác là
quyết định của chủ ruộng để cho lúa và cỏ lùng mọc chung với nhau cho đến ngày
gặt, bởi ông biết phẩm tính của hạt giống (c. 30). Có thể phân chia bố cục của
đoạn nầy như sau: - Khởi điểm về hạt giống tốt (c. 24); - Hạt giống lớn lên
chung với cỏ lùng (cc. 25-26); - Lúa tốt được tách ra khỏi cỏ lùng trong mùa
gặt (cc. 27-30)
Khởi điểm về hạt giống
tốt (c. 24)
Matthêô dùng tĩnh từ
kalos, "tốt" trong một số hình ảnh ẩn dụ như trái tốt (3,10; 7,19),
công việc tốt (5,16), cây tốt (12,33), hạt giống tốt (13,24), hạt ngọc tốt
(13,45), cá tốt (13,48). Các hình ảnh nầy đều nằm trong văn mạch của trình
thuật về ngày cánh chung. Đến thời sau cùng, cây nào sinh trái tốt thì được giữ
lại, cây nào không sinh trái hoặc sinh trái xấu sẽ bị chặt đi và vất vào lửa;
cá tốt sẽ được bỏ vào giỏ, còn cá xấu thì bị quăng ra ngoài. Cũng thế hạt giống
tốt sẽ được cất vào kho lẫm, trong khi cỏ lùng sẽ bị gom góp lại thành bó và bị
đốt đi.
Hạt giống lớn lên chung
với cỏ lùng (cc. 25-26)
Trong đoạn nầy dưới hình
thức trình bày, Matthêô nói đến sự xuất hiện của cỏ lùng và lớn lên chung của
nó với hạt giống trong cùng một thửa ruộng. "Kẻ thù", echthros, là
người gieo cỏ lùng vào đó, cũng là ma quỉ, diabolos (c. 39), là kẻ đối nghịch
với "ông chủ", kyrios (c. 28). Kẻ thù gieo cỏ lùng lên trên hạt giống
tốt nhằm phá hoại hạt giống tốt và ngăn cản hạt giống sinh trái.
Câu 25 mô tả các hành
động liên tiếp và hoàn thành của kẻ thù: èlthen, "đã đến",
epespeiren, "đã gieo lên trên" và apèthen, "đã ra đi". Các
hành động diễn ra rất nhanh trong khung cảnh thoi gian là "lúc mọi người
đang ngủ", en tò katheudein. Matthêô thường mô tả một biến cố "sự
dữ" diễn ra trong khi một người đang ngủ: Chúa Giêsu đang ngủ trên thuyền
thì giông bão ập đến (8,24), trong khi các môn đệ đang ngủ, Chúa Giêsu chiến
đấu với cám dỗ trong Vườn Cây Dầu, và người tội lỗi đang đến bắt Ngài (x.
26,40-45). Ở đây Matthêô chỉ nhắm mô tả sự kiện là ma qủi lợi dụng lúc người ta
đang ngủ để gieo cỏ lùng vào.
Cỏ lùng được kẻ thù gieo
vào giữa hạt giống tốt và lớn lên cùng hạt giống (c. 26). Trong 10,16 Matthêô
nói đến việc chiên được sai đến giữa đàn sói. Trong cả hai trường hợp Matthêô
đều cho thấy là hạt giống và chiên không bị biến dạng hay hư hỏng bởi việc sống
chung nầy. Cỏ lùng và hạt giống tốt cùng lớn lên và chúng phát triển theo cách
của chúng. Ở đây cả hai được mô tả là lớn lên cùng thời. Trong 13,30, có sự
quyết định của gia chủ nữa, "Hãy để chúng cùng lớn lên". Hạt giống
tốt kết trái, cỏ lùng cũng phơi bày mình ra. Tỏ hiện, phainò, ở đây là tự phơi
bày mình ra cho người khác thấy (x. 9,33; 24,30); khi còn là hạt, khó phân biệt
được đâu là cỏ lùng và hạt giống.
Chủ đề chính của dụ ngôn
là hạt giống. Chủ ruộng đã gieo hạt giống, speirò, vào ruộng của mình. Kẻ thù
đến và gieo thêm cỏ lùng "giữa hạt giống"; động từ epi-speirò chỉ
việc gieo lên trên. Cách mô tả nầy cho thấy mục đích xấu của kẻ thù. Tuy nhiên,
hạt giống vẫn mọc lên và kết trái. Matthêo nói đến việc kết trái, karpos, như
trong dụ ngôn trước (13,8). Việc kết trái chứng tỏ là hạt giống tốt, nên mới
sinh trái tốt (7,18.20), và không bị ảnh hưởng bởi việc lớn lên chung với cỏ
lùng.
Lúa tốt được tách ra
khỏi cỏ lùng trong mùa gặt (cc. 27-30)
Đoạn nầy ở hình thức đối
thoại giữa chủ ruộng và các tôi tớ. Các tôi tớ đặt các câu hỏi, và gia chủ trả
lời và ra mệnh lệnh. Kẻ thù ra đi, các tôi tớ đến với gia chủ trình bày về sự
hiện diện của hạt giống xấu trong ruộng (c. 27). "Người gieo hạt giống
tốt" trong câu nhập đề, bây giờ được xác định chính là gia chủ,
oikodespotès. Gia chủ nầy chính là hình ảnh của Thiên Chúa (20,1; 21,33); bởi
đó kyrie cũng hiểu theo nghĩa nầy. Các tôi tớ đặt vấn đề về nguồn gốc hạt giống
xấu giữa ruộng của ông chủ: "Ông đã chẳng gieo hạt giống tốt hay
sao?" Câu trả lời chờ đợi khẳng định "Vâng, tôi đã gieo hạt giống
tốt". Câu hỏi tiếp theo về nguồn gốc cỏ lùng "Bởi đâu lại có cỏ lùng?"
Trong Matthêô, khi đặt vấn đề về nguồn gốc một sự kiện, thường cho thấy sự kiện
ấy vượt qua trí hiểu của con người, và cả sự bất lực của con người trong giải
quyết vấn đề (13,27; 13,54.56; 15,33; 21,25). Bởi đó, ông chủ không để cho các
tôi tớ làm theo cách suy nghĩ của họ là đi nhổ ngay cỏ lùng ra khỏi ruộng.
Chỉ gia chủ mới biết
nguồn gốc của cỏ lùng, còn tôi tớ không biết điều nầy, nên họ phải chờ đến ngày
gặt (c. 28). Ông gọi đó là kẻ thù của ông, vì cỏ lùng đã được gieo vào trong
ruộng của ông. Chính ông quyết định thời hạn để cho cỏ lùng lớn lên chung với
hạt giống, và khi nào thì chúng sẽ bị đốt trong lửa. Động từ syllegò, "thu
góp" (cc. 28.29.30) được dùng đến 3 lần trong đoạn ngắn nầy. Các tôi tớ
muốn thu góp ngay cỏ lùng (c.28), nhưng gia chủ lo ngại việc thu góp nầy sẽ ảnh
hưởng đến hạt giống tốt (c. 29). Bởi đó ông để cỏ lùng mọc chung trong ruộng
của ông cho đến ngày gặt (c. 30). "Mùa gặt" và "thời gian"
gắn liền với nhau và mang ý nghĩa cánh chung. Chính "thời gian",
kaipos, xác định tính chất của mùa gặt. Đó là mùa gặt của thời cánh chung
(8,29; 21,34). Chính đợi đến ngày cánh chung, mọi sự mới tỏ lộ ra và được giải
quyết (13,47-50; 22,1-14; 25,31-46). Hạt giống tốt thì sinh hạt, còn cỏ lùng
thì không; như thế ông chủ dùng nguyên tắc "xem quả thì biết cây"
(7,18) để chỉ cho tôi tớ biết cách phân biệt và hành động trong ngày gặt. Cỏ
lùng thì bó lại và đốt đi, còn lúa tốt cất vào trong kho lẫm của gia chủ
(13,30b.40; 3, 12).
Thiên Chúa gieo hạt
giống tốt xuống, và Ngài thu gặt hoa trái. Trên mảnh ruộng của Thiên Chúa ở
trần gian, hạt giống tốt và cỏ lùng sống chung. Hạt giống tốt phải sinh hoa
trái tốt, vì chỉ như thế nó mới được thu hoạch và cất vào kho lẫm của Thiên
Chúa.
Dụ Ngôn Hạt Cải
(13,31-32)
Lần nữa Chúa Giêsu nói
về dụ ngôn một hạt giống khác. Đó là hạt cải. Dụ ngôn nầy được thuật lại trong
Mc 4,30-32 và Lc 13,18-19. Hạt cải mọc dọc theo vùng Biển Galilêa. Chiều cao
loại cây một năm nầy thay đổi từ 0,6096 m - 1,8288m. Lá mọc từ gốc mà lên. Đến
mùa cây trổ sinh rất nhiều bông nhỏ màu vàng. Hạt cải dùng làm dầu, một thứ
hương liệu (ABD 2,812).
Khác với dụ ngôn hạt
giống tốt, dụ ngôn nầy nhấn mạnh đến kết quả cuối cùng của hạt cải, rất tương
phản với tình trạng khởi đầu. Tính cách tương phản nầy được diễn tả bởi hai
tính từ mikroteron, "nhỏ nhất" và meizon, "lớn nhất"
(c.32). Sự tương phản nầy nhấn mạnh sự sống lớn mạnh và năng động của Nước
Trời. Hạt cải lớn lên thành "cây", devdron, nghĩa là nó có hình dáng
và kích thước như một thân cây.
Hình ảnh ẩn dụ
"chim trời đến ẩn náu trong cành của nó" lấy từ Cựu ước. Sách Đaniel
4 và Ezekiel 31 so sánh vua Aicập như một cây to lớn, "thân nó cao lớn hơn
mọi cây cối trong cánh đồng, chồi lộc ra nhiều, cành lá vươn rộng" (Ezk
31,5), mà các chư hầu như chim trời tìm đến ẩn náu và làm tổ, "Trên cành
cây, mọi giống chim trời đến làm tổ, dưới bóng lá cành, mọi dã thú nẩy nở sinh
sôi, và dưới bóng nó, vô số dân tộc đến cư ngụ" (Ezk 31,6; Đaniel 4,9.18).
Bởi đó, hình ảnh nầy được dùng trong dụ ngôn ám chỉ việc các dân tộc tìm đến
Nước Trời vào thời cánh chung, để được cư ngụ và hưởng sự sống trong đó.
Cây cải của Nước Trời
thay thế cây sự sống trong vườn Eđen ,
bởi Nước Trời ban sự sống cho mọi dân tộc và mọi người.
Dụ Ngôn Men Trong Bột
(13,33)
Dụ ngôn nầy không dùng
hình ảnh hạt giống nữa, mà một nhúm men, zymè. Giống như dụ ngôn trước, dụ ngôn
nầy nói đến sự nhỏ bé lúc ban đầu và lớn mạnh vào lúc cuối. Tuy nhiên dụ ngôn
nầy còn nhấn mạnh một khía cạnh khác. Đó là sự sống của Nước Trời làm biến đổi
cả môi trường nơi men Nước Trời được bỏ vào.
Kết luận: Nước Trời là
Chúa Giêsu Kitô. Ngài đến trần gian như hạt giống chịu chôn vùi trong lòng đất.
Không để tỏ lộ công khai một dáng vẻ to lớn và huy hoàng nào; trái lại nhỏ bé
và thầm lặng. Tuy nhiên Ngài đã làm dậy lên trần gian và khi đã hoàn thành sứ
mạng, Ngài trở nên nơi ơn cứu độ duy nhất cho mọi người.
6. Nhẫn nại đợi chờ! –
Lm Giuse Nguyễn Hữu An
Nước Trời là một mầu
nhiệm, Chúa Giêsu đã mạc khải và thiết lập trong lịch sử nhân loại. Qua những
hình ảnh đơn sơ, bình dị, gần gũi với cuộc sống, Chúa Giêsu đã dùng nhiều dụ
ngôn để giảng dạy về Nước Trời.
Chúa nhật trước với dụ
ngôn "người gieo giống",Chúa Giêsu cho thấy Nước Trời đã khai mạc.
Cũng như người gieo giống đi gieo hạt trên khắp cánh đồng, Chúa Giêsu cũng gieo
hạt giống Lời Chúa. Hạt giống ấy tăng trưởng trổ sinh hoa trái nơi mỗi người ra
sao là tùy thái độ đón nhận của từng người ấy.
Chúa nhật hôm nay, Chúa
Giêsu tiếp tục giảng dạy về Nước Trời bằng dụ ngôn "lúa và cỏ lùng phát
triển của Nước ". Như vậy, sau khi nói đến việc khai mạc Nước Trời, Người
nói đến sự Trời trong lịch sử trần thế.
Chúa Giêsu đã khởi đầu
công trình của Người với một nhóm nhỏ Mười Hai Tông Đồ. Sự khiêm tốn của
"hạt cải bé nhỏ được gieo vào lòng đất bao la". Sự khiêm tốn của
"một nắm men bị vùi sâu vào ba đấu bột". Điều kỳ diệu là "hạt bé
hơn mọi thứ hạt giống" lại "trở thành cây cao bóng cả đến nỗi chim
trời có thể đến nương náu nơi ngành nó". Nắm men ít ỏi kia lại có khả năng
làm dậy lên cả ba đấu bột chôn vùi nó. Cũng như vậy, Nước Trời sẽ vươn xa vươn
rộng cho muôn dân nước đến nương nhờ. Hạt giống Nước Trời đã làm dậy lên cả thế
giới bằng một tinh thần mới của Tin Mừng,biến đổi lịch sử trong tình thương và
hòa bình.
Một vấn nạn luôn được
đặt ra: Nếu Nước Trời đã được Chúa Giêsu thiết lập cách đây hơn 20 thế kỷ và
nếu Thiên Chúa là Đấng nhân hậu giàu lòng xót thương thì tại sao cho đến nay,
cuộc sống con người vẫn đầy dẫy bất công,bạo lực,khổ đau,chiến tranh tương tàn,
và xem ra sự dữ có chiều hướng gia tăng? Đôi khi những người xấu xa tội lỗi
gian manh, lại giàu có sung túc trong đời sống vật chất hơn những người lành?
Vấn nạn này vẫn luôn là trăn trở khôn nguôi người Kitô hữu ở mọi thời đại! Dụ
ngôn "lúa và cỏ lùng" giải thích vấn nạn ấy.
Cánh đồng được gieo toàn
hạt giống tốt. Thiên Chúa đã gieo vào trần thế những con cái Nước Trời. Ban
đêm, kẻ thù xuất hiện. Satan tới gieo cỏ lùng. Thế là có cảnh lẫn lộn trên trần
gian. Người lành kẻ dữ cùng chung nhau một mảnh đất. Đang khi hạt giống được
gieo giữa ban ngày thì Satan lại lợi dụng đêm tối khi mọi người đã mất cảnh
giác, để gieo rắc tội lỗi. Hành động thấp hèn. "Xấu" chưa chắc đã
"hèn", nhưng "hèn" thì chắc chắn là "xấu", bởi lẽ
nhiều tay "giang hồ", bặm trợn, vẫn rất ghét thói "ném đá dấu
tay", trong khi động cơ, phương tiện và mục đích của những hành động lén
lút, luôn là bỉ ổi, xấu xa và hại người.
Thế giới này giống như
cánh đồng lúa đầy cỏ lùng xen vào. Những ông thánh sống lẫn lộn với những thằng
quỷ, tốt xen lẫn với xấu. Tốt như những tổ chức nhân đạo, nhân quyền, hoà bình
thế giới: Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hoá của Liên Hiệp Quốc – UNESCO
(United Nations Educational, Scientific and Cultural Organization), Quỹ Cứu trợ
Nhi đồng Quốc tế của Liên Hiệp Quốc – UNICEP (United Nations International
Children's Emergency Fund), Tổ chức Lương thục và Nông nghiệp của Liên Hiệp Quốc
– FAO (United Nations Food anf Agricultural Organization), OLYMPIC (Thế vận
hội), WORLD CUP (Túc cầu Thế giới) là những tổ chức xây dựng văn hoá, giáo dục
tình thương, bảo vệ sức khoẻ trẻ em, phát triển lương thực thế giới, thăng tiến
những tài năng, chăm lo y tế. Nhưng lại có rất nhiều những tổ chức xấu xen vào
như Mafia, buôn lậu, ma tuý, vũ khí, khủng bố, trộm cướp, du đãng, buôn bán trẻ
em, phim ảnh sách báo đồi truỵ... Đồ thật, hàng tốt bị xen lẫn hàng xấu, đồ
giả. Người lương thiện, chân chính bị lẫn lộn với kẻ tham ô, móc ngoặc, bất
lương. Những thứ cỏ lùng gai góc đó không bao giờ hết, chỉ đến mùa gặt tận thế,
chúng mới bị quét sạch, đốt sạch. Tận thế sẽ thiêu đốt tất cả những thứ cỏ lùng
đó, những kẻ xấu, kẻ dữ đó. Còn lúa thì được gánh về, chở về kho. Những thánh
nhân, những người lương thiện, công chính sẽ sáng chói trong ngày vinh quang
đó, họ được rước vào nước hạnh phúc đời đời.
Thấy cỏ lùng xuất hiện
với lúa, các đầy tớ đến hỏi ông chủ: "Thưa ông, không phải ông đã gieo
giống tốt trong ruộng ông sao? Thế thì cỏ lùng ở đâu ra vậy?" Thấy sự dữ
tràn lan trên thế giới, bao nhiêu người thắc mắc: sự dữ, sự ác bởi đâu ra?
Chúng ta nhiều lần thấy gian tà thắng ngay lành, bất công thắng công chính, kẻ
ác thắng kẻ thiện, nên cũng thất vọng kêu trách: Sao Chúa để kẻ dữ sống lâu,
mạnh khoẻ, giàu sang, may mắn, còn kẻ lành phải khổ cực trăm chiều?
Trước những thắc mắc đó,
Chúa đáp: "Kẻ thù đã làm đó!" Kẻ thù là ai? Thánh kinh cho biết có
hai thứ kẻ thù: kẻ thù ở trong ta và kẻ thù ở ngoài ta.
Kẻ thù ở ngoài ta có
những tên khác nhau: con rắn cám dỗ phỉnh gạt (x. St 3,2.13), con rồng, rắn
xưa, quỷ, satan (x. Kh 12,9), con thuồng luồng Leviathan (x. Is 27,1), kẻ thù,
kẻ chống đối (x. Mt 13,25; Lc 10,19; 2Cr 6,15). Những kẻ thù này ở ngoài con
người, nhưng chúng xâm nhập vào con người sâu hiểm tới độ đồng hoá với bản tính
nhân loại. Nhưng chúng sẽ bị "Thiên Thần Chúa từ trời xuống, tay cầm chìa
khoá vực thẳm và một dây xích lớn, bắt lấy con rồng, tức là con rắn xưa cũng là
ma quỷ satan xích nó... quăng vào vực thẳm, rồi đóng cửa niêm phong lại"
(Kh 20, 2-3).
Nhưng một mình quỷ thôi,
chúng sẽ bất lực như bất lực đối với Thánh Gióp. Chỉ khi có sự tiếp tay của ta
như Eva tiếp nó, nó mới thành kẻ thù trong ta: nó trở nên kẻ nội thù ghê gớm.
Nó mọc lên những cỏ lùng, bụi gai, đá sỏi, quỷ dữ (x. Mt 13,18-22). "Vì tự
lòng phát xuất ra những ý định gian tà, những tội giết người, ngoại tình, tà
dâm, trộm cướp, chứng gian, vu khống" (Mt 15, 19). Khi chủ cho biết kẻ thù
làm đó, thì đầy tớ xin nhổ đi, chủ sợ hại đến lúa, nên ông đáp: "Cứ để cả
hai cùng lớn lên cho tới mùa gặt". Thái độ của chủ thật khôn ngoan, ông
kiên nhẫn chờ đợi đến mùa gặt, mới nhặt cỏ lùng đốt đi.
Có thể trong tâm tưởng
nhiều người lại quy gán cho Thiên Chúa trách nhiệm về tình trạng khổ đau đó,
chẳng khác gì câu hỏi ngày xưa: "Thưa ông, không phải ông đã gieo giống
tốt trong ruộng ông sao? Vậy cỏ lùng ở đâu mà ra?" Một câu hỏi không lên
án, nhưng chứa đựng sự nghi ngờ.
Để trả lời cho vấn nạn
đó, Chúa Giêsu đã lấy lại giáo huấn của sách Sáng Thế: Sự ác không đến từ Thiên
Chúa. Ngài chỉ gieo hạt giống tốt lành vào mảnh đất người đời. Sự ác cũng không
chỉ đến từ tâm trí con người, nhưng nó đã có trước đó. Sự dữ cũng là một mầu
nhiệm. Đối với Chúa Giêsu, con người là nạn nhân của sức mạnh mà Người gọi là "Kẻ
thù", là "Quỹ dữ" như cách diễn tả trong dụ ngôn: "Khi mọi
người đang ngũ, thì kẻ thù của ông đến gieo thêm cỏ lùng rồi đi mất". Ở
cội nguồn tội lỗi của con người, còn có một sức mạnh luôn tìm cách phá hoại
công trình của Thiên Chúa và hành tung của nó rất bí mật. Đó là quỷ dữ lợi dụng
đêm tối để gieo rắc tội lỗi rồi trốn đi.Thánh Phaolô đã nói về sự dữ trong thư
Rôma: Công cuộc tạo dựng của Thiên Chúa tốt lành. Satan đã cám dỗ Adam, Eva,
Nguyên Tổ sa ngã, tội lỗi sinh ra đau khổ và sự chết rồi nó như con bạch tuộc
vươn vòi vào trần thế, con người nô lệ cho tội lỗi và nhận lấy án phạt là sự
chết (x.Rm 1,20 -31;15,12). Ma quỷ luôn có mặt để gieo rắc sự xấu.
Thiên Chúa gieo vào thế
giới hạt giống khát vọng hòa bình. Đẹp biết bao khi mọi dân tộc nắm tay nhau
xây dựng một thế giới huynh đệ tươi thắm tình người. Nhưng thực tế lại đáng
buồn thay! Cánh đồng hòa bình tươi xanh đã bị những cỏ dại của tham vọng, ích
kỷ, ác độc làm hoen ố. Lịch sử thế giới được ghi bằng những trang buồn đau vì
không lúc nào mà không có chiến tranh.
Thế giới này sẽ tươi đẹp
biết bao nếu tất cả trí thông minh, tất cả tài nguyên, tất cả năng lực đều góp
phần chung tay xây dựng! Nhưng thật đáng tiếc, rất nhiều trí thông minh, rất
nhiều tài nguyên, rất nhiều năng lực đã tiêu tốn trong việc hủy hoại, tha hóa,
nô lệ hóa con người. Đó là những hạt cỏ xấu do ma quỷ lén lút gieo vào ruộng
lúa tốt. Lúa tốt và cỏ lùng lẫn lộn trên cùng ruộng lúa. Cái tốt, cái xấu đan
xen trong cuộc sống hàng ngày, nhất là trong tâm hồn mỗi người. Ở đó, hạt mầm
sự sống và nọc độc sự chết, cùng sống chung. Mỗi con người chắc chắn đều có
kinh nghiệm bản thân như Thánh Phaolô đã từng kinh nghiệm "Điều lành tôi
muốn làm, tôi lại không làm, còn điều dữ tôi không muốn làm, nhưng tôi lại cứ
làm (Rm 7,19).
Con người có tự do để chọn
lựa cái đúng, cái sai, chọn cái tốt, cái xấu. Nước Trời cũng gồm những con
người có tự do, thì cũng có những người xấu do chọn lựa sai lầm. Cảm nhận được
sự thật ấy trong tâm hồn mình để chúng ta biết khoan dung trong cách nhìn về
người khác. Sự khoan dung không đồng nghĩa với đầu hàng cái ác, nhưng phát xuất
từ niềm tin vững chắc vào sự tất thắng của Nước Trời: "Cứ để cả hai cùng
lớn lên cho tới mùa gặt. Đến ngày mùa, tôi sẽ bảo thợ gặt: hãy gom cỏ lùng lại,
bó thành bó mà đốt đi, còn lúa thì hãy thu vào kho lẫm cho tôi". Cho dù cỏ
lùng có bóp nghẹt lúa tốt trong một thời gian dài, nhưng mùa gặt đến, cỏ lùng
sẽ bị gom lại và đốt đi, còn lúa tốt được cất vào kho lẫm.
Cỏ lùng chẳng bao giờ
thành lúa tốt được,nhưng người xấu có thể hoán cải để nên người tốt. Thiên Chúa
ghét tội lỗi, nhưng lại yêu mến tội nhân vì Người chờ nơi họ lòng thống hối để
được thứ tha (x.Rm 2,4). Chính vì thế mà Thiên Chúa kiên tâm chờ đợi. Chờ đợi
vì Thiên Chúa tin vào sự hoán cải của con người. Chờ đợi vì Thiên Chúa tôn
trọng tự do lựa chọn của con người. Chờ đợi vì Thiên Chúa nuôi một niềm hy vọng
lớn lao.Thiên Chúa vẫn luôn nhẫn nại đợi chờ cho đến ngày tận thế " cứ để
cả hai mọc lên cho đến mùa gặt".
Cỏ lùng và lúa tốt nằm ở
trong tim con người. Mỗi người đong đưa giữa cỏ lùng và lúa tốt, giữa cái thiện
và cái ác, giữa Thiên Thần và Satan.Tự do chọn lựa là quyền mỗi người.Thiên
Chúa vẫn chấp nhận cỏ lùng trong con người. Thiên Chúa nhẫn nại đợi chờ con
người thanh luyện dần dần và hy vọng mọi sự trong họ sẽ thành lúa tốt.
Lạy Chúa, xin cho con
nhẫn nại và can đảm cùng đi với Chúa và với tha nhân trên những nẻo đường ghập
ghềnh cuộc đời, trong thác dốc tâm hồn với tất cả niềm tin và hy vọng. Amen.
7. Thiện ác song hành –
Lm. Giuse Trần Việt Hùng
Mọi sự trong thế gian
đều tương đối. Thế giới thay đổi. Cuộc sống thay đổi. Sự vật đổi thay. Chế độ
chính trị thay đổi. Con người cũng luôn thay đổi. Không có gì tồn tại mãi.
Không có gì tốt hay xấu
tuyệt đối ở trần gian này. Con người sinh ra tính bản thiện, nhưng xác phàm yếu
đuối hướng về đàng xấu. Trong con người có cả thiện lẫn ác. Thiện và ác gắn
chặt với bản tính con người.
Trong xã hội, có người
tốt người xấu, nhưng chẳng có ai tốt hay xấu toàn diện. Thánh Phaolô có kinh
nghiệm về sự tốt và xấu: "Tôi biết rằng sự thiện không ở trong tôi, nghĩa
là trong xác thịt tôi. Thật vậy, muốn sự thiện thì tôi có thể muốn, nhưng làm
thì không" (Rm 7,18).
Sự thiện và sự ác như
đồng tiền hai mặt. Sự thiện, sự ác có thể tráo đổi và hỗ tương vì trong thiện,
có ác, và trong ác, có thiện.
Người ta nói trong rủi,
có cái may, và trong cái may, có cái rủi. Thiện ác song hành trong cuộc sống
đời tạm này, nhưng ngày sau hết, sự thiện và sự ác sẽ được tách biệt muôn đời.
Chúa Giêsu dùng dụ ngôn
"Cỏ Lùng" để diễn tả về Nước Trời. Những ai có kinh nghiệm về cấy
cầy, gieo vãi và trồng trọt nơi đồng ruộng sẽ hiểu dụ ngôn cách dễ dàng. Và đây
là dụ ngôn dạy bảo về Nước Trời, nên so sánh với thực tế thì có vài điểm khác
biệt.
Trong thửa ruộng trồng
lúa, thường thì các nhà nông sẽ phải ra công diệt trừ cỏ dại trước. Cây lúa và
cây cỏ lùng rất giống nhau. Cỏ lùng phát triển rất nhanh và ăn hại đất mầu. Nhà
nông phải nhổ cỏ và xịt thuốc diệt trừ cỏ dại. Dụ ngôn dạy ý nghĩa ám chỉ về
lòng khoan dung nhẫn nại của người chủ và sự thiện ác trong lòng người và cuộc
đời.
Hình ảnh cuộc đời con
người thật rõ ràng. Môi trường sống ảnh hưởng đến toàn diện con người từ cách
suy tư, cách xử trí, cách sống và cách ăn nết ở. Luân lý đạo đức có một, nhưng
có nhiều cấp bậc và nhiều cách áp dụng.
Nói về Nước Trời, mỗi
người khi được lãnh nhận bí tích Rửa Tội là họ được tháp nhập vào Nhiệm Thể của
Chúa Kitô. Chúa Kitô gieo mầm sống tốt: Người đáp rằng: "Kẻ gieo giống
tốt, là Con Người" (Mt 13,37).
Con người sống và phát
triển trong môi trường cụ thể của xã hội. Con người dễ nhiễm mùi tục lụy thế
gian qua tất cả các ngõ ngách của cuộc sống. Môi trường cuộc sống nơi trần gian
có rất nhiều cám dỗ hướng về đàng xấu. Chúa Giêsu giải thích: Ruộng là thế
gian. Còn hạt giống tốt là con cái Nước trời. Cỏ lùng là con cái gian ác (x. Mt
13,38)
Kẻ thù gieo cỏ lùng là
ma quỷ (x. Mt 13,39). Kẻ thù đây, chính là những gương mù gương xấu của con
người. Chúa gọi kẻ thù là ma quỷ. Chúng ta phải chóng mặt khi nhìn vào cuộc
sống đổi thay về luân thường đạo lý. Con người thời nay đang muốn thay đổi tận
gốc rễ những giá trị về tinh thần. Các làn sóng chủ trương Duy Nhân Bản ở Âu
Châu đang muốn tước đoạt mọi quyền tự do tôn giáo và cá nhân. Họ chủ trương một
cuộc sống duy vật vô thần. Các phong trào nổi dậy đòi tự do luyến ái, hôn nhân
đồng tính, ngừa thai phá thai, trợ tử, thụ thai trong ống nghiệm và dùng tế bào
gốc nơi phôi thai. Văn hóa sự chết đang lan tràn khắp nơi. Nền luân lý bị xói
mòn băng hoại qua những chủ trương quá cấp tiến. Nhiều người không còn muốn
sống theo nền đạo đức truyền thống và những giá trị nhân bản nữa.
Nhiều nhóm chủ trương
đặt cá nhân chủ nghĩa trên niềm tin tôn giáo, luân lý đạo đức và kỷ cương xã
hội. Ảnh hưởng mặt trái của xã hội cứ thấm dần và réo gọi con người trở về thời
hoang sơ. Những đức tính cao quý ảnh hưởng của Khổng Giáo như Tam cương ngũ
thường, Tam tòng tứ đức, Tu thân tích đức, thấy sao mà xa lạ. Giới trẻ thời nay
không còn chú ý nhiều đến sự rèn luyện về nhân cách và đạo đức như: Công, dung,
ngôn, hạnh. Bóng tối sự dữ cứ đẩy lui con người vào cuộc sống hưởng thụ. Con người
bị vòng quay xã hội cuốn hút theo chiều. Văn minh kỹ thuật góp phần đẩy con
người đi xa hơn vào sự chạy đua không ngừng. Cái xấu, cái tốt khó có thể phân
biệt. Hình như cái tốt nó đi theo với cái tôi thích. Cái tôi thích và tôi muốn,
là tôi thực hiện đúng. Tôi không muốn người khác phải dạy đời hay chỉ dẫn, ngay
cả cha mẹ và thầy cô. Đây là cuộc đời của tôi mà!
Nếu quan sát, chúng ta
sẽ nhận ra ngay những ảnh hưởng của truyền thông rất lớn. Những phương tiện
truyền tin hằng ngay qua sách báo, phim ảnh, truyền hình, báo đài, talk
show...hay qua kỹ thuật cao như cellphone, itunes, iphone, ipod và ipad. Chúng
ta đã đầu tư quá nhiều thời giờ vào những phương tiện và dụng cụ kỹ thuật tân
tiến này. Tình người bị đánh cắp. Ngồi bên nhau đấy, nhưng mỗi người một theo
một trò chơi và một ý thích khác nhau. Nguồn kiến thức nơi các trang mạng thật
dồi dào và đa dạng. Có những kiến thức rất bổ ích mà chúng ta cần học hỏi và
trau dồi, nhưng cũng không tránh khỏi những loại văn hóa đồi trụy và tư tưởng
đầu độc. Thánh Phaolô nhận ra sự song hành của sự thiện và sự ác: Bởi đó tôi
khám phá ra luật này: khi tôi muốn làm sự thiện thì lại thấy sự ác xuất hiện
ngay (x. Rm 7,21).
Cái gì sẽ giúp chúng ta
nhận định và chọn lựa cho đúng. Chúng ta có thể dựa vào tiếng nói lương tâm, nhưng
nếu lương tâm chúng ta bị ô nhiễm và trì độn, làm sao chúng ta có thể sáng suốt
để quyết định?
Có muôn vàn loại cỏ lùng
từ từ được gieo vào lòng người mọi nơi và mọi thời. Qua các cửa ngõ giác quan
như cảm giác, thính giác và thị giác, chúng ta nhìn thấy biết bao hình ảnh, sự
cố và nghe được biết bao tin tức, chuyện trong nhà ngoài ngõ và chuyện ba xu.
Tất cả những sản phẩm xô bồ vàng thau lẫn lộn như mẻ cá vừa bắt được, chúng ta
để chúng tự do xâm nhập vào trong đáy tâm hồn của chúng ta. Nhiều khi chúng ta
không có giờ để loại bỏ và chọn lựa cái tốt khỏi cái xấu. Chúng ta đón nhận
biết bao nhiêu những hình ảnh bạo lực, chém giết, chết chóc, trả thù, trộm
cướp, hãm hiếp, gian xảo, khêu gợi lõa lồ, dục tình, hút sách, những lời thô
tục, báng bổ, xỉ vả, gian dối...Điều tốt bon chen với điều xấu. Tội lỗi chen
lẫn với nhân đức. Sự sai trái chung vai sát cánh với sự thật. Chúng cứ tự nhiên
đồng hành bên nhau. Thánh Matthêô ghi chú giải thích: Chủ nhà đáp: 'Không được,
kẻo khi nhổ cỏ lùng, các anh lại nhổ luôn cả lúa chăng (Mt.13,29).
Làm sao chúng ta có thể
nhổ bỏ và dứt khoát với các thói hư tật xấu? Chúng ta sẽ rất dễ dàng bị ô nhiễm
bởi môi trường sống. Vì gần mực thì đen, gần đèn thị rạng. Chúng ta phải biết
chọn bạn mà chơi, chọn bài mà đọc và chọn điều tốt mà làm.
Sự giằng co giữa thiện
và ác sẽ không ngừng nghỉ. Sự phấn đấu để vươn lên luôn là một thúc bách khẩn
thiết. Thân xác và ước muốn của con người cứ bị kéo lôi vào con đường thênh
thang rộng rãi. Xác thân muốn thỏa mãn mọi ước mơ và khao khát cứ nổi dậy đòi
được đáp ứng. Thánh Phaolô đã chia sẻ kinh nghiệm: "Sự thiện tôi muốn thì
tôi không làm, nhưng sự ác tôi không muốn, tôi lại cứ làm" (Rm 7,19).
Như thế, thiện và ác cứ
song hành như cánh đồng lúa chen lẫn cỏ lùng. Chính Chúa Giêsu không muốn cho
thợ nhổ cỏ lùng ngay. Như vậy, thói xấu ở đời cũng cần có, để như lửa thử vàng,
gian nan thử đức. Chúa không cất chúng ta ra khỏi thế gian. Cạm bẫy tội lỗi vẫn
có đó, nhưng Chúa dạy chúng ta hãy cầu nguyện: "Xin đừng để chúng con sa
chước cám dỗ nhưng cứu chúng con cho khỏi sự dữ." Có nghĩa là chúng ta
phải phấn đấu không ngừng để thắng các chước cám dỗ của ma quỷ. Chúa Giêsu dùng
dụ ngôn để chỉ dậy: Hãy cứ để cả hai mọc lên cho đến mùa gặt. Và đến mùa, ta sẽ
dặn thợ gặt: "Các anh hãy nhổ cỏ lùng trước, rồi bó lại từng bó mà đốt đi,
sau mới thu lúa lại chất vào lẫm cho ta" (Mt 13,30).
Chúng ta cần học hỏi đạo
lý và trau dồi nhân đức để không bị những đám cỏ lùng phát triển um tùm lấn át.
Sự thật mà nói, căn bản giáo lý của chúng ta quả thật là qúa khiêm nhường so
với kho tàng hiểu biết về khoa học, xã hội và cuộc sống. Chúng ta tự vấn xem sự
học hỏi về Kinh Thánh, hiểu biết về Giáo Lý và sự nhuần nhuyễn về giáo huấn của
Giáo Hội được bao nhiêu. Là người công giáo, cơ may mỗi tuần một lần khi tham
dự thánh lễ, chúng ta được nghe lời Chúa, bài giảng và kinh nguyện, đó là số
vốn liếng hạt giống lãnh hội được. Có một số trong chúng ta còn bị thiệt thòi
vì khả năng ngôn ngữ và văn hóa giới hạn, mà phải tham dự các buổi phụng vụ
bằng tiếng ngoại quốc. Suốt tuần, chúng ta chẳng có giờ để học hỏi, nghiên cứu
hay tìm hiểu lẽ đạo, chúng ta sẽ dễ dàng bị cỏ lùng trần thế lấn át và bao
trùm.
Mang danh Kitô hữu, mà
trong lòng chúng ta đầy áp cỏ lùng. Đối diện với cuộc sống, chúng ta dựa trên
những kiến thức đã bị tục hóa để phân tích, phán đoán và chọn lựa. Chúng ta
nghĩ rằng những chọn lựa đó là đúng và thích hợp, nhưng sự thật này chỉ là chủ
quan. Thánh Phaolô nhắc nhở: "Vậy thật ra không còn phải là chính tôi làm
điều đó, nhưng là tội vẫn ở trong tôi" (Rm 7,17).
Chúng ta hãy rà soát lại
thửa ruộng tâm hồn của mình. Hạt giống tốt được gieo vào cung lòng, nhưng có
hạt đã rơi vào bụi gai, có hạt rơi bên vệ đường, có hạt rơi trên đá sỏi và có
số ít hạt rơi vào vùng đất tốt đang chờ ngày để sinh hoa kết trái. Trong khi
hạt giống cỏ lùng được gieo vãi tràn lan, được ấp ủ canh chừng, phát triển xanh
tươi chen lấn và làm hạt giống tốt bị ngột ngạt.
Chúng ta không thể nhổ
hết cỏ lùng chung quanh, nhưng chúng ta cần vun xới cho hạt giống tốt lời Chúa
để có thể sinh hoa trái.
Điều quan trọng là hạt
giống đức tin của chúng ta không thể bị vùi tắt, mà phải luôn cháy sáng trong
đêm tối. Chúng ta phải phấn đấu và giữ đức tin cho đến cùng như thánh Phaôlô
dạy: "Tôi đã đấu trong cuộc thi đấu cao đẹp, đã chạy hết chặng đường, đã
giữ vững niềm tin" (2 Tm 4,7). Dù có phải bước đi trong đêm tối, chúng ta
không lo mắc nạn vì Chúa ở cùng chúng ta.
Mỗi người hãy chu toàn
ơn gọi và chức vụ của mình để nhắm đến cùng đích. Chúng ta không nên trì hoãn
hay bỏ cuộc dọc đường. Dù hành trình có gian nan, cuộc sống có đau thương và
niềm tin có chao đảo, chúng ta cứ nhắm đích mà hướng tới. Chúa Giêsu hứa ban
phần thưởng cho những ai trung tín tới cùng. Sau cuộc lữ hành chạy đua trong
niềm tin, thánh Phaolô đã tâm sự: "Giờ đây tôi chỉ còn đợi vòng hoa dành
cho người công chính; Chúa là vị Thẩm Phán chí công sẽ trao phần thưởng đó cho
tôi trong Ngày ấy, và không phải chỉ cho tôi, nhưng còn cho tất cả những ai hết
tình mong đợi Người xuất hiện" (2 Tm 4,8).
8. Lòng kiên nhẫn – Lm
Đam. Nguyễn Ngọc Long
Xưa nay con người thường
hay bị cám dỗ nhìn phân chia đời sống trong xã hội cách đơn giản ra làm hai
ranh giới: trắng và đen, tốt và xấu... Căn cứ theo đó mà xét định phê phán.
Nhưng trong thực tế đời
sống đâu có đơn giản như thế.
Thực tế đời sống con
người không chỉ có hai lằn ranh như ta nghĩ tưởng trắng và đen, tốt và xấu.
Nhưng còn có lằn ranh ở giữa, ở tầng trên hay ở bên dưới những yêu tố đó nữa.
Những lằn ranh này ẩn hiện khó nhận ra, và lại thường ăn sâu ảnh hưởng trong
đời sống nhiều hơn, dù là đời sống cá nhân một ai, hay đời sống chung cộng đoàn
xã hội, tôn giáo.
Đó là những bề không hẳn
là tối đen, cũng không hẳn là sáng tỏ. Chúng như bóng rợp của một tàn cây ngả
đổ xuống trên đường che khuất ánh sáng mặt trời một bên. Thông thường trong đời
sống cây càng cao, càng rậm rạp nhiều cành lá, bóng rợp của nó đổ ngả xuống
càng lan rộng, như ngạn ngữ có câu: Cây cao bóng cả!
Hình ảnh này Chúa Giêsu
dùng trong bài giảng nói về Nước Trời: trên đồng lúa có cả cây lúa cùng cỏ
hoang dại cùng mọc bên nhau, như trong cánh đồng thực tế đời sống có sự tốt và
sự xấu cùng nẩy sinh song hành nơi mỗi người.
Nếu người làm ruộng vườn
khi vừa phát hiện ra cỏ dại hoang mọc lên, mà vội nhổ hay cắt cỏ đi, thì vô
tình làm cho cây lúa, cây giống tốt nằm sát bên cạnh cũng bị bật rễ, bị động,
hay bị cắt ngọn theo. Như thế sự sống tích cực cũng bị chặn đứng thiệt hại.
Cung cách sống kinh
nghiệm của người làm ruộng là kiên nhẫn chờ cho cỏ dại cùng cây lúa mọc lên
cứng cáp, lúc đó sẽ dễ phân biệt hơn và lúc nhổ cỏ dại, cây lúa đã bén rễ sâu ít
bị ảnh hưởng giao động làm lung lay gốc rễ.
Với đời sống con người
cũng tương tự như thế, nơi mỗi người đều có mầm sống sự tốt lành. Sự xấu, sự dữ
nẩy sinh trong đời sống là điều cần phải ngăn chặn xa tránh. Nhưng không vì thế
mà phải phá đổ hoàn toàn bức tượng khi thấy một dấu vết hòn sỏi đá nào lẫn
trong bức tượng.
Với đời sống tinh thần
con người, ngày hôm nay có thể là chưa tốt. Nhưng ngày mai có thể sẽ trở nên
tốt. Đời sống con người cần luật lệ, cần kỷ luật, chính những điều này giúp
nhắc nhớ con người trở nên công chính tốt lành.
Cha mẹ nào cũng đều mong
muốn con cháu mình sống nên người tốt. Nhưng rất nhiều khi thực tế đời sống của
họ lại có những giai đoạn, những khúc quanh không như thế. Và đâu có cha mẹ
nào, vì thế, mà chối bỏ con cháu mình đâu. Trái lại họ tỏ tấm lòng bao dung
kiên nhẫn chờ đợi con cái mình sẽ có ngày thay đổi nếp sống trở nên lành mạnh
tốt đẹp.
Lòng kiên nhẫn là một
nhân đức bác ái. Nhân đức này thể hiện tấm lòng đạo đức kính trọng Thiên Chúa,
Đấng là nguồn đời sống, cùng là lòng đạo đức tình người với nhau.
Lòng kiên nhẫn cũng là
ân đức khôn ngoan Đức Chúa Thánh Thần ban xuống tâm hồn mỗi tín hữu ngày lãnh
nhận Bí Tích Thêm Sức.
Trong đời sống, dù sự dữ
nhiều khi lấn lướt sự tốt lành ngay chính. Nhưng Thiên Chúa, Đấng tạo dựng,
cùng gìn giữ hướng dẫn đời sống con người luôn kiên nhẫn chờ đợi, ban ơn trợ
giúp họ trở về con đường sống tốt lành, con đường mang lại hoa trái sự sống.
9. Lúa tốt và cỏ lùng –
Lm. Nguyễn Ngọc Long
(Bài giảng cho Thiếu
Nhi)
Các con thiếu nhi thương
mến,
Ai trong các con nhớ Tin
mừng Chúa nhật tuần trước, Chúa Giêsu đã dạy chúng ta qua dụ ngôn gì? Đó là dụ
ngôn người gieo giống. Chính Chúa Giêsu là người gieo giống, hạt giống chính là
Lời Chúa và tâm hồn mỗi chúng ta là những thửa đất. Nếu chúng ta biết chăm chú
lắng nghe lời Chúa và thi hành thì kết quả sẽ sinh gấp trăm hạt.
Các con thương,
Tiếp nối lời giảng dạy
bằng các dụ ngôn, hôm nay Chúa Giêsu dùng dụ ngôn nào để dạy chúng ta? – Câu
chuyện tuần này là dụ ngôn lúa tốt và cỏ lùng; hạt cải và nắm men.
Trong dụ ngôn lúa tốt và
cỏ lùng, các con cho cha biết ai là người gieo giống? - Người đi gieo giống tốt
là Thiên Chúa.
Hạt giống là ai? - Hạt giống là người ta, là con người, là con cái Chúa.
Thửa ruộng là gì? -Thửa ruộng là thế gian, là nơi sinh sống, làm việc, phục
vụ.
Cỏ lùng là ai? - Cỏ lùng là người xấu, kẻ dữ.
Còn mùa gặt nghĩa là gì? - Mùa gặt là ngày chết hay ngày tận thế, thợ gặt
là các thiên thần, lúa tốt thì được thu vào kho lẫm, tức là những người tốt
lành, công chính, thánh thiện thì được thưởng, còn cỏ lùng là những người xấu,
kẻ dữ thì bị tống vào hỏa ngục.
Các con thấy thái độ của các đầy tớ trong dụ ngôn như thế nào? - Muốn tiêu
diệt kẻ xấu, muốn nhổ hết cỏ lùng ra khỏi lúa tốt: "Thưa ông, ông có muốn
chúng tôi cắt hết cỏ lùng ngay bây giờ không?". Hơn một lần, các con cũng
có thái độ tương tự như thế khi thấy người khác không tốt: "Lạy Chúa, xin
Chúa hãy phạt nhãn tiền những kẻ xấu...".
Thái độ ấy không thể chấp nhận được vì quyền xét xử cuối cùng là của Thiên
Chúa chứ không phải của chúng ta. Người không muốn một ai trong chúng ta phải
hư mất. Chúa Giêsu đã nói: "Ta không đến để kêu gọi người công chính nhưng
kêu gọi người tội lỗi". Thiên Chúa yêu thương con người, và không quên sót
một ai, cho dù họ là những tội nhân. Ngài chờ họ có lòng sám hối để được người
tha thứ.
Nếu Thiên Chúa chậm chạp trong việc chống lại tội lỗi, là để chúng ta có
thời gian mà sám hối ăn năng. Nhưng con người thường hay phạm lỗi lầm, sa ngã
vì quỷ dữ luôn tìm cách gieo cỏ dại vào tâm hồn mỗi người. Vậy nếu chúng ta yếu
đuối lầm lỗi, thì Ngài sẽ ban cho chúng ta sức mạnh để ta can đảm chổi dậy sau
những lần vấp ngã. Chúa ước mong đời sống chúng ta hãy là những hạt cải, là men
làm dậy lên tình yêu con người.
Chúa khoan dung độ lượng với chúng ta, lẽ nào chúng ta lại thiếu nhân hậu,
khoan dung với kẻ tội lỗi? Chúa đã yêu thương chúng ta, lẽ nào chúng ta không
dùng tình yêu của Người mà hoán cải anh chị em mình?
Các con có nhớ trường hợp người trộm lành không? - Trong khoảnh khắc cuối
cùng của cuộc đời còn lại chính là thời điểm anh ta đón nhận ơn cứu độ của
Chúa; hay là trường hợp của Âugustinô, một thanh niên ăn chơi trác táng lại trở
thành người phục vụ Giáo hội cách tích cực nhất và đã nên thánh...
Vậy ta phải có thái độ nào trong thời hiện tại?
- Chúa Giêsu mong muốn các con nỗ lực và bền bĩ trong việc đạo đức và học
tập. Vấn đề không phải là ngồi đó mà than trách cánh đồng nhiều cỏ lùng quá.
Hãy sống Lời Chúa bằng hành động của mình. Những vất vả trong việc đạo đức và
học tập hôm nay sẽ trổ sinh hoa trái tốt lành cho ngày mai.
- Giúp bạn mình khi thấy họ sai lỗi, tạo cơ hội cho họ sửa đổi đời sống...
- Luôn ý nhớ rằng mỗi khi các con làm việc lành, chính lúc các con vượt
khó, chuyên chăm học tập là khi các con cùng Chúa gieo vãi những hạt giống tốt
trong thế gian này.
- Sự nhẫn nại của ông chủ ruộng trong Tin mừng hôm nay là gương mẫu cho
chúng ta. Chúa mời gọi chúng ta sống khiêm tốn và nhân hậu đặc biệt là kiên
nhẫn trước mọi người. Chỉ có một đồng ruộng cần thiết để nhổ ngay cỏ lùng, đó
là từ chính lòng của mình, bằng cách từ bỏ tình xấu mỗi ngày, và không ngừng nỗ
lực sống tốt mỗi ngày!
Nguyện chúc các con luôn là những hạt giống tốt của Chúa và Giáo hội hôm
nay và ngày mai.
10. Suy niệm của Lm Ignatiô Hồ Thông
Phụng Vụ Lời Chúa Chúa Nhật này, đặc biệt bài đọc I và Tin Mừng, mời gọi
chúng ta gẫm suy về việc Thiên Chúa kiên nhẫn đối với những người tội lỗi.
Chúng ta tiếp tục đọc chương 13 Tin Mừng Mátthêu: ba dụ ngôn về cỏ lùng,
hạt giống và men trong bột gợi lên sự phát triển của Nước Trời.
1. Dụ ngôn cỏ lùng:
Dụ ngôn cỏ lùng là dụ ngôn làm các môn đệ rối trí nhất; đây là dụ ngôn duy
nhất mà họ hỏi Đức Giêsu. Quả thật, dụ ngôn này đặt ra một vấn đề nghiêm trọng:
cuộc sống chung của Cái Thiện và Cái Ác, ở giữa lòng công trình của Thiên Chúa.
Các ngôn sứ định vị kỷ nguyên Mê-si-a và kỷ nguyên cánh chung vào cùng một
viễn cảnh, cả hai được trộn lẫn dưới những từ ngữ "Ngày của Chúa" hay
"Ngày Chung Thẩm". Thánh Gioan Tẩy Giả được nuôi dưỡng bởi niềm hy
vọng này: Đấng Mê-si-a sẽ là vị Thẩm Phán, Ngài sẽ chọn lựa sàn lọc: "Tay
cầm cái nia, Người sẽ rê sạch lúa trong sân: thóc mẩy thì thu vào kho lẫm, còn
thóc lép thì bỏ vào lửa không hề tắt mà đốt đi" (Mt 3: 12; Lc 9: 52-55).
Thế mà Đức Giêsu đã không đến để thu hoạch, Ngài đến để gieo giống. Chính bằng
hình ảnh người gieo giống mà Ngài diễn tả sứ mạng của mình.
Dụ ngôn cỏ lùng cho hiểu rằng ông chủ ruộng có một kẻ thù bí nhiệm, hắn
hành động lén lút ban đêm như một người có quyền năng giới hạn. Ông chủ không
hề xao động; ông bình thản chờ đợi thời vụ; ông biết rằng ông sẽ có lời phán
quyết sau cùng. Cỏ lùng sẽ không ngăn cản được vụ mùa bội thu: công trình của
Thiên Chúa sẽ không bao giờ thất bại cả.
Nếu cây lúa và cỏ lùng trộn lẫn vào nhau đến mức không thể phân biệt được,
đó không phải là dấu chỉ cho thấy rằng cỏ lùng ở trong lòng quân vô đạo sao?
Thật ra, khó mà phân biệt rạch ròi giữa "người tốt" và "kẻ
xấu". Không ai hoàn toàn xấu, cũng như không ai hoàn toàn tốt về mọi mặt
cả.
Thiên Chúa chờ đợi; Ngài chờ đợi mỗi người phô bày hết khả năng của mình;
có thể có những người thợ của giờ sau cùng...Thời gian của Thiên Chúa chưa chấm
dứt và những kỳ hạn của Ngài là những trì hoãn vì lòng xót thương.
2. Dụ ngôn hạt cải:
"Nước Trời cũng giống như chuyện hạt cải người nọ lấy gieo trong ruộng
mình". Hạt cải là một hạt giống nhỏ bé nhất trong các loại giống. Xét theo
lý, từ hạt giống nhỏ bé ấy sinh ra một cây nhỏ theo một kích thước chừng mực
nào đó. Ấy vậy, Chúa Giêsu miêu tả một sự phát triển thần kỳ: cây nhỏ trở thành
một cây lớn đến nỗi chim trời đến làm tổ trên cành được. Sự tăng trưởng Nước
Trời rồi sẽ cũng như vậy đó.
Lối phóng dụ của Đức Giêsu chứa đựng một ám chỉ Kinh Thánh rõ ràng. Các
ngôn sứ đã biểu tượng quyền năng của các đế quốc ngoại giáo (Ai-cập, Ba-by-lon)
bằng hình ảnh về một cây hương bá, thân cao lớn hơn mọi cây trong cánh đồng,
đâm chồi nẩy lộc, cành lá vươn rộng. Trên cành, mọi giống chim trời đến làm tổ,
dưới bóng mát của nó, mọi dã thú sinh sôi nẩy nở và vô số dân tộc đến lập cư
(Ed 31, 1-13).
Êdêkien gợi ra tương lai của Giêrusalem theo cùng một cách như vậy. Đức
Chúa ngắt một chồi non trên ngọn cây hương bá đem về trồng trên núi Israel.
Chồi non này trở thành một cây hương bá tuyệt diệu, nơi ẩn náu của đủ loài chim
muôn (Ed 17). Bản văn Ê-dê-ki-en này là một trong những bản văn thiết lập niềm
hy vọng về quyền thống trị của dân Chúa chọn.
Đức Giêsu cũng rất ý tứ khi lấy lại những hình ảnh tự hào tự phụ này. Một
cây cải không thể đánh thức trong tâm trí khán thính giả của Ngài bất kỳ hậu ý
nào về quyền lực trần thế. Một lần nữa, Đức Giêsu bày tỏ chủ nghĩa phi chính
trị của sứ điệp Ngài. Vóc dáng biểu tượng của cây cải là một sự so sánh thuộc
trật tự tinh thần: vóc dáng này nhấn mạnh sự tương phản giữa khởi đầu bé nhỏ
của Nước Trời và sự phát triển phi thường của nó.
3. Dụ ngôn men trong
bột:
Dụ ngôn men trong bột
đưa ra một bài học tương tự với dụ ngôn hạt cải trên. Không gì nhỏ bé và ẩn kín
hơn nắm men, tuy nhiên nó đã làm dậy lên cả đống bột. Công việc âm thầm, tương
tự như sự tăng trưởng của một cây, nhưng thành quả của nó thì đáng kinh ngạc.
Nước Trời cũng như vậy.
Bị vùi sâu trong đống bột nhân loại, Nước Trời sẽ âm thầm biến đổi đống bột
nhân loại này dần dần cho đến ngày tận thế. Đức Giêsu không là một nhà cách
mạng: Ngài không tìm kiếm một thành quả bất ngờ và ngoạn mục; vương quốc của
Ngài khởi đi từ những bước khởi đầu khiêm tốn và rồi âm thầm phát triển mà
không ai hay biết, nhưng một cách sâu xa trong nhân loại được đổi mới.
Ở nơi đoạn văn này,
chúng ta ghi nhận đây là trường hợp duy nhất trong các sách Tin Mừng ở đó men
được nhắm đến một cách tích cực. Ở những nơi khác, kể cả các thư của thánh
Phaolô, men là hình ảnh về việc dậy men, tức là sự suy đồi hư hỏng, thế nên men
bị loại trừ khỏi những ngày lễ Vượt Qua.
4. Đức Giêsu giảng dạy
đám đông bằng dụ ngôn:
Như trước đây, Chúa
Giêsu giảng dạy đám đông chỉ bằng dụ ngôn: "Tất cả các điều ấy, Đức Giêsu
dùng dụ ngôn mà nói với đám đông; và Ngài không nói gì với họ mà không dùng dụ
ngôn". Thánh Mátthêu viện dẫn sự kiện này bằng cách trích dẫn Tv 78. Thánh
vịnh gia này loan báo rằng ông sẽ giải mã những điều bí nhiệm của thời quá khứ
qua lịch sử Israel .
Cũng vậy, tác giả Tin Mừng muốn nói rằng Chúa Giêsu đã dùng dụ ngôn để vén mở
những điều bí ẩn của Nước Trời.
5. Đức Giêsu giải thích
cho các môn đệ:
Nhưng lối nói dụ ngôn
này các môn đệ của Ngài xem ra không nắm bắt được, vì thế khi trở về nhà, họ
xin Chúa Giêsu giải thích cho họ. Câu hỏi của họ nhắm đến dụ ngôn cỏ lùng trong
ruộng, dụ ngôn này làm họ bối rối: "Xin Thầy giải nghĩa dụ ngôn cỏ lùng
trong ruộng cho chúng con".
Đức Giêsu giúp cho họ
hiểu rằng tất cả lịch sử nhân loại sẽ diễn tiến cho đến tận thế, theo đó nhân
loại sẽ phải chấp nhận sống chung với những "con cái Ác Thần", những
kẻ tìm cách bóp nghẹt vụ mùa. Sự chọn lọc phân định người lành kẻ ác sẽ được
thực hiện vào mùa gặt.
"Thợ gặt là các
thiên thần". Việc các thiên thần được gán cho vai trò thợ gặt vào ngày tận
thế đến từ các ngôn sứ, nhưng nhất là các sách khải huyền. Sách Khải Huyền của
thánh Gioan lấy lại đề tài này (Kh 15, 17-19).
6. Nước của Chúa Cha:
Điều gợi lên sau cùng
rất đáng chú ý. Vào ngày tận thế, "mọi kẻ làm gương mù gương xấu và mọi kẻ
làm điều gian ác" sẽ bị quăng vào lò lửa, trong khi những người công chính
"sẽ chói lọi như mặt trời, trong Nước của Cha họ".
Triều đại của Chúa Con
là thời kỳ cứu độ nhân loại. Vào ngày tận thế, Chúa Giêsu trao vương quyền lại
cho Cha Ngài. Trong thư thứ nhất gởi cho các tín hữu Cô-rin-tô, thánh Phaolô
phác họa cùng một viễn cảnh hùng vĩ như vậy: "Sau đó mọi sự điều hoàn tất,
khi Người đã tiêu diệt hết mọi quản thần, mọi quyền thần và mọi dũng thần, rồi
trao vương quyền lại cho Thiên Chúa là Cha. Thật vậy, Đức Giêsu phải nắm vương
quyền cho đến khi Thiên Chúa đặt mọi thù địch dưới chân Ngài" (1Cr 15,
24-25).
11. Lúa và cỏ – Jos.
Nguyễn Văn Thuần
Bài Tin Mừng kể lại ba
dụ ngôn của Chúa Giêsu: dụ ngôn cỏ lùng, dụ ngôn hạt cải và dụ ngôn nắm men. Cả
ba dụ ngôn này đều có ý nghĩa rất hay và dạy chúng ta những bài học rất hữu
ích. Ở đây ta chỉ tìm hiểu một dụ ngôn cỏ lùng thôi.
Trước hết, chúng ta hãy
hình dung lại câu chuyện cỏ lùng và cây lúa: có một người chủ ruộng kia đi gieo
lúa trong ruộng mình. Chiều đến, ông trở về nhà, mệt nhọc nhưng vui vì đã hoàn
tất công việc. Ông và cả gia đình có thể yên tâm nghỉ ngơi, chờ đợi lúa mọc
lên. Nhưng có một người hàng xóm ma giáo, xấu bụng. Người này đã từ lâu ghen tỵ
với ông khi thấy trang trại của ông càng ngày càng rộng lớn, trù phú. Anh ghen
tỵ và không ngừng tìm mưu kế để hại ông, nên khi thấy ông gieo mạ, anh nảy ra ý
định gieo hạt cỏ lùng vào ruộng của ông để phá hoại. Không lâu sau đó, ý định
gian ác kia được anh đem ra thi hành. Vào một đêm tối, khi mọi người đang ngủ
say, anh mò ra ruộng, vội vàng gieo hạt cỏ lùng vào trong ruộng của ông chủ
kia, rồi nhanh nhẹn tẩu thoát, không ai nhìn thấy.
Kết quả, khi lúa mọc lên
thì cỏ lùng cũng xuất hiện. Tôi tớ của ông chủ đã sớm phát hiện ra điều này và
đề nghị với ông cho họ đi nhổ cỏ lùng, nhưng ông bảo họ hãy chờ đến mùa gặt.
Tại sao ông chủ không cho nhổ cỏ lùng ngay? Chúng ta biết: cỏ lùng là một thứ
cỏ dại, giống hệt như cây lúa. Người nông dân khó mà phân biệt được lúa và cỏ
lùng khi chúng còn non và chưa đâm bông. Nhưng khi lúa đã đâm bông rồi, thì một
em bé thiếu kinh nghiệm, cũng phân biệt được đâu là cây lúa, đâu là cỏ lùng. Cỏ
lùng thường mọc khi lúa đã lớn, nhưng lại giỗ và chín sớm hơn lúa, thành thử đó
là cái phiền cho nhà nông: không biết nhổ lúc nào cho tiện. Nhổ lúc còn non thì
e nhổ lầm cả lúa, vì nó rất giống cây lúa. Không những thế, rễ cỏ lùng thường
mọc chằng chịt quấn bó vào rễ lúa, nên nếu nhổ cỏ cũng có thể kéo luôn cả lúa
lên. Mà nếu như để đến ngày mùa, thì nó ăn hại hoa màu của lúa. Nhưng dù sao
thì cũng phải chấp nhận một giải pháp nào tương đối bớt hại hơn, như ông chủ
trong dụ ngôn đã làm, là chờ tới ngày mùa, gặt cả hai một trật. Như thế, chúng
ta thấy cỏ lùng là thứ cỏ dại có hại cho lúa và là kẻ thù của nhà nông.
Dụ ngôn này có ý nghĩa
thế nào? Chính Chúa Giêsu đã giải thích: người gieo giống tốt là chính Thiên
Chúa. Thiên Chúa luôn luôn tốt lành, vì bản tính Ngài là chân thiện mỹ, mọi vật
do Ngài tạo dựng đều tốt đẹp. Ngài dựng nên mặt trời, mặt trăng để chiếu sáng
cho mọi người, Ngài làm mưa làm nắng trên mọi người, kẻ lành cũng như kẻ dữ.
Thiên Chúa gieo giống tốt vào ruộng. Hạt giống là người ta, là con cái Chúa, là
những người tốt lành. Thửa ruộng là thế gian, là nơi sinh sống, làm việc và
phục vụ. Cỏ lùng là người xấu, kẻ ác, kẻ dữ do ma quỷ cám dỗ, chiếm đoạt. Mùa
gặt là ngày tận thế. Thợ gặt là thiên thần. Khi ấy thiên thần sẽ phân loại
người lành người dữ, kẻ tốt kẻ xấu để Thiên Chúa thưởng phạt: kẻ lành được đưa
vào Nước Trời, kẻ dữ bị tống vào hỏa ngục.
Qua những điều giải
thích trên, chúng ta đã hiểu ý nghĩa của dụ ngôn và có thể suy luận được những
bài học Chúa Giêsu muốn dạy. Thực vậy, chúng ta có thể rút ra được ba bài học:
Thứ nhất, nơi trần gian này, bất cứ ở đâu, bất cứ ở thời đại nào, cũng có lành
có dữ, có tốt có xấu, có phải có trái, có sáng có tối, có đen có trắng, có vàng
thau lẫn lộn, có trứng gà trứng ếch,... Và như vậy, ở trần gian này, luôn luôn
có người lành kẻ dữ, người tốt kẻ xấu sống bên nhau, sống chung với nhau như
lúa và cỏ lùng ở trong một thửa ruộng. Đó là chuyện thường và chúng ta phải
công nhận đời là thế. Chúng ta thường quá lý tưởng mong muốn chỉ có người lành
người tốt, chúng ta không thể nóng tính đòi Chúa hủy diệt ngay những kẻ dữ kẻ
xấu. Chuyện này chỉ xảy ra vào ngày tận thế mà thôi, lúc ấy sẽ được phân định
rõ ràng: kẻ lành kẻ dữ sẽ vĩnh viễn xa nhau: kẻ lành sẽ được trọng thưởng trong
Nước Trời, còn kẻ dữ sẽ bị trừng phạt trong hỏa ngục.
Thứ hai, chúng ta biết:
cỏ lùng là cỏ dại đem lại những hat có chất độc và sự chết, cây lúa đem lại
những hạt lúa hạt thóc bổ dưỡng và nuôi sống con người. Vậy mỗi người hãy kiểm
điểm: chúng ta là cỏ lùng hay là lúa? Chúng ta đang đem lại sự sống hay sự chết
cho nhau? Chúng ta hãy suy nghĩ: sự sống, tài năng, sức khỏe, tiền của chúng ta
đang có, đã được sử dụng thế nào? Sử dụng đúng hay sai? Đem lại ích lợi cho
mình và gia đình, hay là gây hại cho mình và gia đình? Có bao giờ chúng ta ngồi
bóp trán suy nghĩ về những lần chúng ta đã gây khổ đau cho người khác không?
Thứ ba, chúng ta hãy
nhớ: đời này là đời tạm, đời sau mới là vĩnh viễn. Nhưng cuộc sống đời này lại
có giá trị quyết định cho số phận đời sau của chúng ta, nghĩa là Thiên Chúa sẽ
căn cứ vào những năm tháng chúng ta sống ở trần gian mà thưởng phạt chúng ta.
Vì thế, đòi hỏi chúng ta phải biết lựa chọn giữa tốt và xấu, phải làm lành lánh
dữ, không thể sống lửng lơ con cá vàng, sống nửa nạc nửa mỡ, sống ương ương dở
dở, sống kiểu vàng thau lẫn lộn được, nghĩa là không thể vừa làm lành vừa làm
dữ được. Chúng ta phải cố gắng lập công, để khi ra khỏi đời này, chúng ta được
Thiên Chúa đưa vào Nước Trời.
Hôm nay chúng ta hãy cầu
xin Chúa: Lạy Chúa, biết bao lần chúng con đã là cỏ lùng, gây hại cho mình và
thiệt hại cho những người khác. Xin cho chúng con trở thành những cây lúa đem
lại ích lợi cho mọi người. Xin cho những người xấu được trở nên những người tốt
và cho những người tốt được tốt thêm và tốt thật.
12. Cỏ lùng và lúa tốt –
Lm Bùi Quang Tuấn
Tuần trước, Dụ ngôn
"Người Gieo Giống" trình bày Thiên Chúa như một nông gia tung gieo
Lời Ngài vào các tâm hồn. Có tâm hồn như đường đi, hạt giống rơi xuống bị người
ta giẫm đạp, không ngóc đầu lên được. Có tâm hồn như sỏi đá, khô khan cứng cỏi,
hạt tuy có nẩy mầm nhưng rồi bị nắng trời thiêu cháy vì thiếu nước. Có tâm hồn
như bụi gai um tùm, bóp nghẹt cây lúa đang lên, nên cũng chẳng sinh được bông
trái nào. Nhưng có tâm hồn như vùng đất phong phú, hạt giống mọc lên tươi tốt,
hy vọng mang lại cho nhà nông một mùa gặt thành công rạng rỡ.
Tuần này, Dụ ngôn
"Cỏ Lùng" lại trình bày Thiên Chúa như người vãi gieo giống tốt vào
mảnh đất hứa hẹn, nhưng sau đó Satan đã lén lút gieo hạt giống xấu là cỏ lùng
vào ban đêm. Thành ra trên cùng một mảnh đất màu mỡ, lúa non và cỏ lùng mọc lên
chen nhau, rễ cây này xoắn gốc cây kia.
Người tôi tớ chân thành
không khỏi nhức nhối lắng lo, muốn xin chủ ruộng giải quyết tức thì tình trạng
vàng thau lẫn lộn. Nhưng chủ nhân e rằng khi nhổ cỏ người ta bứng luôn cả lúa
nên quyết định đợi đến mùa gặt. Lúc đó cây lúa sinh hạt sẽ được bó lại đưa về sân
phơi, còn cỏ lùng hoang dại sẽ bị cắt xuống ném vào lửa thiêu.
Dụ ngôn "Cỏ
Lùng" bộc lộ hình ảnh thế giới, giáo hội, gia đình, con người như những
vùng đất mang tính hỗn hợp. Thiện và ác, tốt và xấu, ân sủng và tội lỗi như
"đan cài" với nhau. Không thể có một xã hội toàn là người tốt hoặc
người xấu, cũng chẳng thể có một cộng đoàn toàn là thánh nhân hay tội nhân. Sự
kiên nhẫn đầy tình thương xót của chủ ruộng như một cơ may cho những biến đổi
và hoàn thiện. Thiên Chúa luôn mở ngỏ cho hoán cải và trổ sinh hoa trái tốt
lành.
Dụ ngôn trên thúc đẩy
tôi đi vào một hành trình tự vấn: tôi là một cây lúa xanh tươi đang nảy sinh
bông hạt thơm ngát cho cuộc đời, hay tôi là cụm cỏ lùng đang ăn hại bao chất
màu tươi tốt của cuộc sống?
Chắc hẳn tâm hồn tôi có
mang nhiều loại giống tốt do Chúa gieo vào và cũng không ít giống xấu do Satan
và tôi tớ của nó thảy vô, nhưng loại giống nào đang được chăm sóc và thứ nào
đang bị vùi xuống? Tôi đang nhổ cỏ lùng trong đời mình hay tôi đang gắng công
nhổ cỏ và nhổ luôn cuộc đời người khác?
Tôi đang cộng tác với
Thiên Chúa để gieo giống tốt vào thế giới hôm nay hay tôi đang tiếp tay với ma
quỉ để gieo bao giống xấu vào tâm hồn tha nhân?
Có một chi tiết rất đáng
chú ý trong bài Dụ ngôn: khi mọi người đang ngủ, một kẻ xấu lòng đến rải cỏ
lùng vào ruộng rồi đi mất. Kẻ thù ra tay mà không ai hay biết. Mầm mống sự ác
đột nhập thế giới trong cách thế bất ngờ. Người ta chỉ nhận ra khi nó mọc lên
và bắt đầu phá hoại hoa màu.
Như thế Lời Chúa mời gọi
một thái độ tỉnh thức. Nếu quên mất rằng: sống là một cuộc tranh đấu không
ngừng cho điều tốt vươn lên, tôi sẽ bị cái ác đè bẹp. Nếu chủ quan thiếu canh
phòng trước những bóng đêm của cuộc sống, tôi sẽ bị ma quỉ khống chế cuộc đời.
Khi người ta nói:
"đâu có sao" trong việc xem phim ảnh sách báo không nết na để giải
trí một chút; khi người ta nghĩ: "đâu có sao" nếu nghe bạn bè rủ rê
hút một chút cocain cho biết mùi đời; khi người ta tưởng: "đâu có
sao" chuyện bỏ đọc kinh đi lễ một hôm. .., đều là những mầm giống cỏ lùng
Satan gieo vào cuộc đời, chờ ngày bùng phát và hủy hoại.
Không phải chỉ có ma quỉ
mới gieo cấy cỏ lùng. Nếu không tỉnh thức, coi chừng chính ta là người tiếp tay
tung rắc cỏ lùng vào đời kẻ khác. Có cha mẹ gieo gian dối, tham lam vào lòng
con cái mà không biết. Chẳng hạn, có người đi chợ về khoe với cả nhà: "Cô
bán hàng hôm nay mất trí hay sao mà thối tiền sai nên dư mấy đồng, mừng
quá!" Đáng lẽ nên nói với nhau: "Ồ, mẹ đã trả lại cho cô bán hàng số
tiền dư vì phép công bằng", hay "vì sợ cô ấy phải bỏ tiền túi ra để
bù vào chỗ mất," hoặc "e cô ấy sẽ gặp khó khăn với chủ tiệm,"
đàng này người ta lại sung sướng thu cái lợi trước mắt mà không ngờ đã gieo vào
lòng con cái mầm mống ích kỷ, gian tham; sau này lớn lên, chúng chỉ mong người
ta dốt nát, lầm lẫn, mất trí để có lợi.
Thế đấy, hành động, lời
nói, thái độ cư xử của một người có tầm ảnh hưởng như những hạt giống. Nếu là
hạt tốt, gia đình, xã hội được nhờ biết bao. Trái lại, nếu là loại xấu, thương
đau tất đang chờ ngày phát tán.
Trên một tờ báo nọ có
câu chuyện tếu lâm đáng suy nghĩ: Một bé trai được mẹ cho ghé chơi nhà ông nội
trong dịp cuối tuần. Ông thấy cháu mình chơi với bạn rất hăng say, nhưng hễ mở
miệng ra là có những lời không thanh lịch cho lắm. Nội mới gọi cháu cưng lại
trách:
- "Cháu học kiểu ăn
nói du côn của đứa nào vậy? Từ nay trở đi ông cấm không được chơi với những thứ
đó nữa nghe chưa."
Đứa cháu vừa thở dài vừa
nói:
- "Nếu thế thì từ
nay cháu phải nghỉ chơi với bố cháu hay sao?
Ông nội:!!! (Thì ra nó
học được từ bố nó.)
Hỡi bạn, Thiên Chúa đang
cần chúng ta tiếp tay với Ngài để gieo vào gia đình, cộng đoàn, và lòng người
những hạt giống tốt. Có thể là những hạt rất bé như hạt cải, nhưng hiệu năng vô
cùng lớn lao. Có thể là những hạt đơn sơ âm thầm, nhưng lại như nắm men làm dậy
biết bao đấu bột. Hãy gieo đi những hạt giống yêu thương, chân thật, trung tín,
nhẫn nại, quảng đại, thứ tha... Chắc chắn hoa trái mai ngày sẽ là một mùa hân
hoan và hạnh phúc tràn đầy.
13. Nhổ đi hay sống
chung – Lm. Trịnh Ngọc Danh
"Đừng, sợ rằng khi
gom cỏ lùng, các anh lại làm bật luôn rễ lúa".
Bài Tin Mừng Chúa nhật
16, mùa Thường niên, năm A, theo Thánh Matthêu (Mt 13,24-43) ghi lại việc Chúa
Giêsu dùng Dụ ngôn cỏ lùng, Dụ ngôn hạt cải và Dụ ngôn men bột để nói về Nước
Trời. Trong buổi chia sẻ này, chúng ta chỉ bàn về Dụ ngôn cỏ lùng.
Các nhân vật trong Dụ
ngôn cỏ lùng gồm có: Người gieo giống và hạt giống tốt, kẻ thù của người gieo
giống và cỏ lùng, đầy tớ của người gieo giống và thợ gặt.
Chúng ta hãy nghe Chúa
Giêsu giải nghĩa Dụ ngôn cỏ lùng như sau: " Kẻ gieo hạt giống là Con
Người. Ruộng là thế gian. Hạt giống tốt, đó là con cái Nước Trời. Cỏ lùng là
con cái Ác Thần. Kẻ thù đã gieo cỏ lùng là ma quỷ. Mùa gặt là ngày tận thế. Thợ
gặt là các thiên thần. Vậy, như người ta nhặt cỏ lùng rồi lấy lửa đốt đi thế
nào, thì đến ngày tận thế cũng sẽ xảy ra như vậy. Con Người sẽ sai các thiên
thần của Người tập trung mọi kẻ làm gương mù gương xấu và mọi kẻ làm điều gian
ác, mà tống ra khỏi Nước của Người, rồi quăng chúng vào lửa; ở đó, chúng sẽ
phải khóc lóc nghiến răng. Bấy giờ người công chính sẽ chói lọi như mặt trời
trong Nước của Cha họ".
Ý nghĩa của Dụ ngôn cỏ
lùng như thế đã rõ. Biểu tượng của cỏ lùng là điều xấu, điều ác, là mọi kẻ làm
gương mù guơng xấu và mọi kẻ làm điều ác; khác với biểu tượng của hạt giống tốt
là điều tốt, điều thiện, là con cái Nước Trời.
Sau đây, chúng ta thử
nhìn đến cách ứng xử và thái độ của những người đầy tớ và ông chủ gieo giống
tốt đối với cỏ lùng ra sao.
Khi lúa lớn lên và trổ
bông thì cỏ lùng cũng lộ ra. Những người đầy tớ thắc mắc: " Thưa ông,
không phải ông đã gieo giống tốt trong ruộng ông sao? Thế thì cỏ lùng ở đâu mà
ra vậy?" Và họ đã đề nghị: " Nếâu ông bằng lòng, chúng tôi xin đi nhổ
cỏ". Và ông chủ thì bảo: " Đừng, sợ rằng khi gom cỏ lùng, các anh lại
làm bật luôn rễ lúa".
Cũng như các đấy tớ, có
lẽ chúng ta cũng thắc mắc: Chúa là Đấng quyền năng, thông biết mọi sự, Chúa
biết kẻ thù là ma qủy đã gieo cỏ lùng vào ruộng lúa thế gian, nhưng sao Chúa
không ra tay hành động, không cho đầy tớ nhổ cỏ đi, sao Chúa không diệt cỏ
lùng, không diệt kẻ làm gương mù gương xấu, kẻ làm điều ác; nhưng lại để cho
chúng cùng nẩy nở và sống chung với hạt giống tốt là những điều tốt, điều
thiện, là con cái Nước trời?
NHỔ! Tại sao không?
NHỔ cỏ lùng là một gợi ý
hay, một việc làm tốt và cần thiết; nhưng lại là một việc rất khó. Khó bởi vì
một khi rễ lúa và rễ cỏ lùng đã đan chen vào với nhau rồi, thay vì nhổ cỏ lùng,
chúng ta lại làm bật rễ lúa, làm cho cây lúa héo đi và chết. Nhổ được cỏ lùng
nơi chính bản thân mình đã khó, nói chi đến nhổ cỏ lùng nơi người khác!
Cái xấu, cái tốt, điều
thiện điều ác, gương mù gương xấu do đâu mà có? Chúa thì gieo điều thiện, ma
qủy lén lút gieo điều xấu. Cổ nhân cũng có nói: " Nhân chi sơ tính bản
thiện". Con người sinh ra vốn thiện, nhưng môi trường sống, xã hội... đã
đẩy đưa con người xã hội của chúng ta vào những khúc quanh đi ngược lại lương
tri, lương tâm của mình. Cỏ lùng và cây lúa cứ như thế mà sống chung, mà tồn
tại. Nếu không có con rắn cám dỗ, nếu bà Evà không nghe theo những thôi thúc
của dục vọng, thì bà đâu bị Chúa đuổi ra khỏi vườn Địa đàng!
Tốt xấu, thiện ác, bạn
thù, ánh sáng bóng tối, hòa bình chiến tranh... là hai gương mặt của một con
người, của xã hội, của cuộc đời...
Con người luôn phúc tạp.
Chúng ta không thể phân chia hay vạch được một ranh giới rạch ròi giữa tốt và
xấu nơi con người. Trong tâm hồn mỗi người, đều có điều tốt lẫn điều xấu. Biết
đường thẳng ngắn hơn đường cong, thế mà chúng ta vẫn cứ chọn đường quanh co mà
đi. Biết ganh ghét là sinh ra hận thù, thế mà chúng ta vẫn cứ một mực chỉ trích
chê bai.
Tất cả chúng ta là một
hỗn hợp giữa điều tốt và điều xấu. Người mà chúng ta coi là tốt, thì lại tiềm
ẩn trong lòng những đố kỵ, gian ngoa, kiêu ngạo...và người mà chúng ta cho là
xấu, thì lại chất đầy lòng vị tha, yêu thương và phục vụ...
Một số người tỏ ra bất mãn
trước những thiếu sót, bất toàn của Giáo hội. Họ không muốn chấp nhận Giáo hội
có những thiếu sót, sai lầm, không muốn chấp nhận sự cộng sinh giữa người người
lành và kẻ dữ.
Trong con người thánh
nhân, có con người thánh thiện và con người tội lỗi...
Như thế biện pháp NHỔ
gương mù gương xấu, nhổ cái gian ác nơi ruộng lúa thế gian thật không phải dễ
mà còn nguy hại vì nhổ lầm.
Không NHỔ nhưng để cho
cây lúa và cỏ lùng SỐNG CHUNG, đó là biện pháp, cách thức người gieo giống muốn
áp dụng. Vì Chúa sợ rằng: " Khi gom cỏ lùng, anh em lại làm bật luôn rễ
lúa".
Rễ lúa và rễ cỏ lùng đan
chen với nhau trong lòng đất cũng như thiện ác đan chen với nhau trong tâm hồn
chúng ta. Nhổ cỏ lùng vô tình chúng ta làm bật rễ những cái thiện đang tiềm ẩn
nơi chúng ta.
Gốc rễ cây lúa tốt, mạnh
sẽ lấn át gốc rễ cỏ lùng. Một khi thiện tâm chúng ta có nội lực mạnh, có gốc rễ
sum xuê, sẽ có thể cải hóa được cái ác nơi cỏ lùng. Tin Mừng và lịch sử Giáo
hội đã chứng minh cho thấy đã có vô số người tội lỗi trở thành những thánh nhân.
Nếu không có cỏ lùng, có
lẽ người ta sẽ quên hoặc không bận tâm gì lắm đến cây lúa! Sống chung với cỏ
lùng là cơ hội cho cây lúa thăng tiến...
14. Nhận diện sự dữ.
Thái độ ông chủ trong dụ
ngôn của đoạn Tin Mừng vừa nghe xem ra không được hợp tình và hợp lý. Thực vậy,
có anh nông dân nào mà lại không chịu khó đi xịt thuốc, hay đi nhổ, mà cứ để
cho cỏ dại mọc xả láng trên đồng ruộng của mình.
Thế nhưng, nếu chúng ta
hiểu rằng ông chủ ấy là chính Thiên Chúa và cỏ dại là những kẻ tội lỗi, thì
chúng ta lại thấy cách cư xử này thật tuyệt vời, vừa hợp tình, lại vừa hợp lý.
Đúng thế, Ngài không
đồng lõa và dung túng kẻ tội lỗi, nhưng đã đối xử với họ theo lòng khoan dung
và nhân ái. Ngài kiên nhẫn đời chờ kẻ tội lỗn sám hối và hoán cải.
Nếu Thiên Chúa tiêu diệt
sự ác ngay bây giờ, thì chắc chắn không ai trong chúng ta có thể sống sót, bởi
vì như lời Thánh Vịnh đã diễn tả: Từ trong lòng mẹ, tôi đã là tội nhân, thoạt
sinh ra, tôi đã mắc tội rồi.
Và như chúng ta đã biết:
Tình thương thì nhẫn nại, nên Thiên Chúa luôn chờ đợi thiện chí hoán cải của
từng người, đồng thời Ngài còn ban ơn nâng đỡ họ trên mọi bước đường đời, để
rồi cuối cùng, ngày thầm phán mới tới, ngày xét xử tuyệt đối công mình và không
ai có thể trách cứ Ngài là đã không dủ lòng thương xót.
Nếu như Thiên Chúa không
dung túng và đồng lõa với sự ác, thì chúng ta cũng không được phép thở dài và
chán ngán, thất vọng và buông xuôi, nhưng phải cố gắng trở thành người cộng tác
vào việc xây dựng Nước Trời.
Thực vậy, ông chủ đã xác
quyết:
- Kẻ thù của ta đã làm như
vậy.
Vì thế, bước khởi đầu
của chúng ta cũng phải là nhận diện sự ác. Tiêu chuẩn để nhận diện sự ác không
phải là bản thân chúng ta với những sở thích riêng tư, nhưng phải là Tin Mừng,
với những đòi hỏi của Chúa.
Dưới ánh sáng của Tin
Mừng, liệu chúng ta có nhận ra đâu là những dấu chỉ của sự ác đang hoành hành
trong tâm hồn mỗi người chúng ta, cũng như trong thế giới hôm nay hay không?
Sau khi xem xong cuốn
phim "Dưới ánh mặt trời của Satan", trong một cuộc phỏng vấn, cha
Bourgeois đã đưa ra những dấu chỉ của sự ác hôm nay, đó là sự khinh rẻ con
người và cướp đi quyền sống của họ; thái độ tôn thờ ngẫu tượng như tiền bạc,
quyền lực, lạc thú; sống trong ảo tưởng vì cho rằng khoa học có thể giải quyết
được mọi sự; đánh mất niềm hy vọng, không còn nhìn tới tương lai và sau cùng là
đánh mất chính mình, không còn biết rõ con người mình là như thế nào nữa.
Như vậy, sự ác có thể ẩn
hiện dưới nhiều khuôn mặt, đôi khi lại là những khuôn mặt thật dễ thương, đầy
quyến rũ và rất hấp dẫn.
Thế nhưng, sự dữ không
phải chỉ hiện diện trên bình diện thế giới và cộng đồng nhân loại, mà còn hiện
diện ngày trong chính cõi lòng chúng ta. Bởi vì cõi lòng chúng ta là như một
thửa ruộng trong đó cỏ lùng xen lẫn với lúa tốt.
Vấn đề là làm thế nào để
hạt giống Nước Trời đã được Thiên Chúa gieo vãi vào cõi lòng chúng ta được nảy
mầm, lớn lên, đâm bông và kết trái. Chính vì thế, chúng ta phải cố gắng kiện
toàn bản thân và thể hiện những giá trị của Tin Mừng trong chính cuộc sống
chúng ta, bởi vì sự góp phần vào công cuộc kiến tạo Nước Trời phải được khởi đi
từ chính bản thân mỗi người chúng ta.
15. Tất cả là hồng ân –
ĐTGM. Giuse Ngô Quang Kiệt.
Dụ ngôn cỏ lùng là một
trong những dụ ngôn hiếm hoi được chính Chúa giải thích rõ ràng. Giải thích của
Chúa giúp ta có những hiểu biết hữu ích cho đời sống đạo.
Dụ ngôn nhắc nhớ ta về
sư hiện diện của ma quỷ. Ma qui hiện hữu. Chúng luôn có mặt để gieo rắc sự xấu.
Chúa đã chuần bị những thửa ruộng tốt. Những thửa ruộng đó là thế giới, là Giáo
hội, là tâm hồn mỗi người. Chúa đã gieo những hạt giống tốt. Hạt giống đó là
Lời Chúa, là ơn Chúa, là những thiện chí, những ý hướng cao đẹp trong tâm hồn
con người. Nhưng ma quỷ lén gieo vào những hạt cỏ xấu.
Chúa gieo vào thế giới
hạt giống khát vọng hoà bình. Đẹp biết bao nếu mọi dân tộc nắm tay nhau xây dựng
một thế giới huynh đệ tươi thắm tình người. Nhưng buồn thay, cánh đồng hoà bình
tươi xanh đã bị những ngọn cỏ tham vọng, ích kỷ, ác độc làm hoen ố. Lịch sự thế
giới được ghi bằng những trang buồn vì không ngày nào không có chiến tranh.
Thế giới sẽ đẹp biết bao
nếu tất cả trí thông minh, tất cả tài nguyên, tất cả năng lực đều góp phần xây
dựng. Nhưng buồn thay, rất nhiều trí thông minh, rất nhiều tài nguyên, rất
nhiều năng lực đã tiêu tốn trong việc huỷ hoại, tha hoá, nô lệ hoá con người.
Ngay trong bản thân mỗi
người, không thiếu những sáng kiến, những hoạt động ban đầu xem ra tốt đẹp,
nhưng dần dà vị vẩn đục vì những biến tướng nặng mùi trần tục như khoe khoang,
tìm hư danh, tìm lợi lộc.
Đó là những hạt cỏ xấu
ma quỷ lén lút gieo vào ruộng lúa tốt.
Tuy nhiên, dụ ngôn cho
thấy sự kiên nhẫn và lòng bao dung của Chúa. Chúa đợi cho đến ngày tận thế mới
thu lúa cùng với cỏ lùng. Chúa kiên nhẫn đợi chờ vì hi vọng những người tội lỗi
ăn năn sám hối. Chúa bao dung tha thứ không nỡ phạt người tội lỗi tức khắc. Chúa
yêu thương, tin tưởng người xấu sẽ có ngày nên tốt. Nếu phạt ngay nhưng người
tội lỗi thì ta đâu còn cơ may được chiêm ngưỡng ông thánh trộm lành. Nếu Chúa
thẳng tay thì ta đâu có thánh nữ Madalêna, Tông đồ của các Tông đồ, thánh
Augustinô, Tiến sĩ lừng danh, thánh Phaolô, vị Tông đồ dân ngoại. Nếu Chúa chấp
tội thì bản thân ta sẽ là người bị phạt đầu tiên, vì trong ta cũng đầy những
tội lỗi, những sự xấu. Trong tâm hồn ta cỏ lùng vẫn mọc xen với lúa tốt.
Sau cùng, dụ ngôn cho ta
hiểu tất cả là hồng ân của Chúa. Có sự lành để ta hiểu biết và yêu mến sự tốt
lành của Thiên Chúa. Có sự dữ để ta gớm ghét tránh xa và càng thêm gắn bó với
sự lành. Có sự lành để ta được hưởng niềm an ủi ngọt ngào của Chúa. Có sự dữ để
ta phấn đấu vượt qua, chứng minh lòng trung tín của ta với Chúa. Có thuận lợi
tiến bước trên đường thánh thiện. Có khó khăn để ta rèn luyện thêm đức.
Mọi sự đều nên tốt cho
kẻ lành. Thật vậy, việc cấm đạo là sự dữ. Nhưng nhờ đó mà Giáo hội có được
những chứng nhân anh hùng. Đau khổ và bệnh tật là những khiếm khuyết trong cuộc
sống, nhưng lại giúp con người được thông phần đau khổ với Chúa. Thánh Nữ
Têrêsa đã nhìn thấy tất cả là hồng ân của Chúa. Sự lành cũng như sự dữ. Hạnh
phúc cũng như đau khổ. Thành công cũng như thất bại. Tất cả đều góp phần rèn luyện,
vun đắp và thăng tiến người lành.
GỢI Ý CHIA SẺ
1) Khi gặp những người
xấu trong xứ đạo, trong hội đoàn, bạn có muốn khai trừ người đó ngay tức khắc
không?
2) Trong con người bạn
có những khuyết điểm, những bệnh tật, bạn có phấn đấu khắc phục những khuyết
điểm, vượt qua bệnh tật để thăng tiến bản thân không?
3) Chúa đã khoan dung,
kiên nhẫn đợi chờ bạn ăn năn hối cải. Bạn có biết kiên nhẫn với người khác?
16. Đừng nhổ cỏ lùng.
(Trích trong 'Manna')
Suy Niệm
Cỏ lùng ở đâu mà ra vậy?
Cỏ lùng trong ruộng khiến các đầy tớ ngỡ ngàng.
Thửa ruộng vốn chỉ được
gieo giống tốt. Vậy mà khi lúa mọc lên và trổ bông. cỏ lùng lại xuất đầu lộ
diện.
Bởi đâu mà có cỏ lùng,
có người xấu? Bởi đâu mà ở nơi ta tưởng là trong ngần lại bất ngờ có dấu hiệu
của sự vẩn đục?
Có tác động xấu xa nào
của Thần Dữ đẩy đưa? Có sự ưng thuận chiều theo nào của con người?
Ông có muốn chúng tôi
nhổ đi không? Chúa có muốn chúng tôi tiêu diệt mọi kẻ xấu không? Ngài có muốn
chúng tôi xây dựng một Giáo Hội toàn bích, một xã hội chỉ gồm toàn những người
tốt không?
Lắm khi chúng ta nóng
nảy như Gioan và Giacôbê, đòi đốt cả làng người Samari, vì họ không tiếp Chúa.
Đừng, sợ rằng khi nhổ cỏ
lùng, lại làm hư rễ lúa. Cứ để cả hai cùng lớn lên cho tới mùa gặt.
Như thế Thiên Chúa để
cho cỏ mọc chung với lúa. Ngài chấp nhận tình trạng vàng thau lẫn lộn. Ngài
nhẫn nại với tội nhân, với cỏ lùng.
Cỏ lùng chẳng bao giờ
thành lúa được. Nhưng người xấu có thể hoán cải nên người tốt. Chính vì thế
Thiên Chúa cứ kiên tâm chờ đợi.
Chờ đợi vì tin vào sự
hoán cải của con người. Chờ đợi vì tôn trọng tự do lựa chọn của họ. Chờ đợi vì
nuôi một niềm hy vọng lớn lao.
Sự thánh thiện của Thiên
Chúa ở nơi sự chờ đợi. Ngài còn chờ đợi cho đến ngày tận thế.
Trong thế giới và Giáo
Hội không có hai hạng người: hạng cỏ lùng và hạng lúa tốt.
Cỏ lùng và lúa tốt nằm ở
nơi tim mỗi người.
Mỗi người đong đưa giữa
cỏ lùng và lúa tốt, giữa cái thiện và cái ác, giữa thiên thần và Satan.
Ngay trong những hành vi
tốt đẹp nhất của tôi, tôi vẫn thấy có chút vị kỷ, chiếm đoạt.
Thiên Chúa vẫn chấp nhận
cỏ lùng ở trong tôi. Ngài chờ tôi được thanh luyện dần dần, để rồi mọi sự trong
tôi thành lúa tốt.
Kitô hữu không dung túng
sự dữ, họ dám hy sinh để xây dựng một thế giới yêu thương. Nhưng họ không dùng
bạo lực để chống lại ác nhân. Họ nhẫn nại biến đổi trái tim kẻ thù, vì họ tin
vào sức mạnh của tình yêu, tin vào Đức Giêsu, Đấng đã bị sự dữ nuốt chửng nhưng
cuối cùng là Đấng toàn thắng.
Gợi Ý Chia Sẻ
Có khi nào bạn bị
"sốc" trước một gương xấu xảy ra trong Giáo Hội hay giáo xứ của bạn
không? Bạn đã làm gì để vượt qua cú sốc đó?
Bạn có thấy mình ít nhẫn
nại trước cỏ lùng của người khác, nhưng lại không thấy cỏ lùng nơi mình? Có khi
nào bạn đòi khai trừ người khác vì họ lầm lỗi không?
Cầu Nguyện
Lạy Chúa Giêsu, xin biến
đổi con, xin biến đổi con từ từ qua cầu nguyện.
Mỗi lần con thấy Chúa,
xin biến đổi ánh mắt con.
Mỗi lần con rước Chúa,
xin biến đổi môi miệng con.
Mỗi lần con nghe lời
Chúa, xin biến đổi tai con.
Xin làm cho khuôn mặt
con ngời sáng hơn sau mỗi lần gặp Chúa.
Ước chi mọi người thấy
nét tươi tắn của Chúa trong nụ cười của con, thấy sự dịu dàng của Chúa trong
lời nói của con.
Thế giới hôm nay không
cần những Kitô hữu có bộ mặt chán nản và thất vọng.
Xin cho con biết nhẫn
nại và can đảm cùng đi với Chúa và với tha nhân trên những nẻo đường gập ghềnh.
Amen.
17. Thế chỗ Chúa Giêsu
trên thập giá.
(Trích trong 'Niềm Vui
Chia Sẻ')
Truyện kể rằng có thầy
ẩn tu nọ tên là Cébastien thường đến cầu nguyện tại một nhà nguyện vắng vẻ trên
núi. Trong nhà nguyện này dân chúng tôn kính một tượng thánh giá với tước hiệu
là "Tượng Chúa ban ơn".
Thấy dân chúng có lòng
tin thường tới cầu xin ơn lành, thầy Cébastien cũng thêm lòng tin cậy. Một hôm,
nhân lúc vắng người, thầy đến quỳ gối trước tượng thánh giá và đơn thành khẩn
nguyện:
- "Lạy Chúa, con
ước ao được chia sẻ đau khổ với Chúa, xin cho con được thế chỗ Chúa trên thập
giá".
Rồi thầy quỳ yên lặng,
mắt đăm đăm nhìn lên thánh giá mong được đáp lời. Một lúc sau thầy nghe như từ
trên thánh giá có tiếng phán bảo:
- "Được, Ta bằng
lòng để con thế chỗ Tqa trên thập giá, nhưng với một điều kiện duy nhất là bất
cứ điều gì xảy ra, tai con nghe gì, mắt con thấy gì, con đều phải giữ im lặng
không được nói năng gì hết".
Thầy Cébastien đã hứa,
và được Chúa Giêsu cho lên thế chỗ Ngài trên thập giá. Ngày qua ngày, dân chúng
vẫn đến quỳ trước tượng thánh giá cầu nguyện. Nhưng không ai hay biết về việc
thế chỗ đổi ngôi giữa Chúa Giêsu và thầy Cébastien.
Một hôm có người đến quỳ
cầu nguyện. Xong, ông đứng dậy ra về bỏ quên lại dưới ghế cái túi đầy những
đồng tiền vàng. Thấy vậy, thầy vẫn yên lặng. Một lúc sau có người nghèo đói vào
nhà nguyện. Ông ta vui mừng trố mắt nhìn túi tiền tưởng là của Chúa ban cho,
rồi xách túi tiền ra đi. Kế đó có chàng thanh niên vào quỳ gối khẩn nguyện xin
ơn che chở vì phải xuống tàu đi xa. Chàng thanh niên vừa ra khỏi nhà nguyện thì
gặp người phú hộ trở lại tìm túi tiền. Không thấy đâu, ông nghĩ là chàng thanh
niên đã lấy trộm, nên điệu chàng đến trình cảnh sát. Không cầm lòng được nữa,
từ trên thập giá, thầy Cébastien hô lớn tiếng:
- "Đứng lại!";
Mọi người ngạc nhiên
dừng lại, và thầy phân trần sự việc. Sau đó người phú hộ ra đi tìm người nghèo
đói để lấy lại túi tiền và chàng thanh niên cũng vội vã ra đi cho kịp chuyến
tàu. Khi không còn ai trong nhà nguyện, Chúa Giêsu lên tiếng phán bảo thầy Cébastien:
- Con hãy xuống ngay
khỏi thập giá! Con không xứng đáng thế chỗ cho Ta, vì con đã không biết giữ im
lặng như lời con hứa.
Thầy Cébastien vội vã
phân trần:
- Nhưng lạy Chúa, làm
sao con có thể chịu đựng được cảnh bất công đó?
Thưa anh chị em, nhiều
khi chúng ta cũng nóng vội không chịu đựng nổi trước hiện tượng người tốt kẻ
xấu chung sống lẫn lộn, cỏ dại và lúa tốt mọc chen nhau trong cánh đồng thế
giới. Chúng ta đặt câu hỏi: "Chúa có muốn chúng con nhổ cỏ vứt đi không?
Chúa có muốn chúng con tiêu diệt hay trục xuất những người gian ác, tội lỗi ra
khỏi cộng đoàn không?". Chúa trả lời: "Cứ để đấy, đợi đến mùa gặt sẽ
hay ". Dụ ngôn cỏ dại trong ruộng lúa đã đánh trúng vào điểm thắc mắc của
người Do Thái và các môn đệ Chúa Giêsu: Làm sao trong Nước Trời, Nước của Thiên
Chúa lại có thể lẫn lộn lúa tốt với cỏ dại được? Làm sao chính Chúa Giêsu rao
giảng Nước Trời đang đến rồi mà chẳng thấy hiện tượng tiên báo là những người
gian ác, tội lỗi phải bị tiêu diệt. Ngôn sứ Isaia cũng mơ ước và loan báo một "Dân
Chúa chỉ gồm những người công chính" (Is 60,31). Và ngay cả Gioan Tẩy Giả,
những ngày chuẩn bị cho Chúa Giêsu xuất hiện cũng rao giảng: "Ngài đang
cầm sẵn chiếc nia trong tay, để rê sạch lúa trong sân: lúa tốt Ngài thu vào kho
lẫm, còn lúa lép, trấu rác, Ngài sẽ đốt bằng lửa không bao giờ tắt" (Mt
3,12).
Vậy mà Ngài, Đấng Thiên
Sai Cứu Thế lại làm trật lất hết trọi; Chả có tiêu diệt người tội lỗi, lại còn
lo cứu gỡ họ. Cứu gỡ cả những thứ phụ nữ ngoại tình bị bắt tại trận, cả thứ mà
người ta cho là trời phạt nhãn tiền, đến độ mang án tật nguyền từ lòng mẹ: đui
mù, què quặt, cùi hủi, mọi người đều ghê tởm xa tránh... Thay vì đáng lẽ chỉ
cho phép một ít người có chức vị cao cấp nhất mới được hầu tiệc với mình, thì
Ngài lại đi lân la nhậu nhẹt với những người tội lỗi và bất lương. Đối với kẻ
thù, đáng lẽ ra phải không đội trời chung và tiêu diệt tận gốc rễ mới phải, mới
khôn và mới đúng đạo, đàng này Ngài lại còn đòi phải cầu nguyện cho nó, thậm
chí phải yêu thương nó.
Hôm nay, với dụ ngôn cỏ
lùng trong ruộng lúa, Chúa Giêsu đã giải đáp những thắc mắc sâu sắc đó và đã
mặc khải tâm tình của Thiên Chúa: ngoại trừ Đấng thấu suốt tâm can con người,
không ai được quyền tự phong chức vụ quan toà để xét xử hay xếp hạng anh em ai
là lúa tốt, ai là cỏ lùng. Bao lâu còn đang sống, còn đang lựa chọn và hành
động, con người vẫn chưa đạt tới mức độ cố định đã hết hẳn tật xấu hay dứt
khoát trở thành gian ác. Nóng vội kết án anh em là hành động trái ngược với tấm
lòng và chương trình cứu độ của Thiên Chúa: đòi nhổ cỏ lùng giữa mùa lúa đâm
bông là đòi dạy không Thiên Chúa và phá hoại cả đồng lúa và mùa gặt của Ngài.
Tiếp theo là hai dụ ngôn
hạt cải và men trong bột, hai dụ ngôn song sinh cùng mang một ý nghĩa: Hạt cải
trong dụ ngôn này là thứ cải cay, dùng làm gia vị (moutarde): Tương hạt cải vừa
thơm vừa nồng, là một gia vị quen thuộc ở nhiều nơi trên thế giới. Trong thực
tế, cây cải này chỉ phát triển thật giới hạn, nhưng Chúa Giêsu lại diễn giải
như một thứ cây có khả năng phát triển kỳ diệu đến độ trở thành cây lớn cho
chim trời về xây tổ, để nói về chiều kích tương lai kỳ diệu của Nước Trời.
Dụ ngôn men trong bột
cũng bao hàm một ý nghĩa tương tự. Một chút men, không đáng kể so với số lượng
bột trộn chung, đủ cho cả trăm người ăn no. Số lượng men thật khiêm tốn, tác
dụng thật thầm lặng, nhưng hiệu quả lại vô cùng kỳ diệu, mãnh liệt.
Cả hai dụ ngôn vẫn là
một đường lối, một chủ trương: nhỏ bé ở bước thầm lặng, nhưng tiềm ẩn một mầm
sống mãnh liệt, vượt xa mọi ước lượng và chiến thắng mọi sức cản thù địch. Yếu
tố quan trọng vẫn là thời gian và tình thương của Thiên Chúa. Thiên Chúa kiên
trì chờ đợi đến mùa gặt lúa mới nhổ cỏ lùng. Đó là vì tình thương của Thiên
Chúa kiên trì chờ đợi con người tội lỗi trở về. Thời gian Ngài kiên trì chờ đợi
là để tích cực tạo điều kiện tối ưu cho cây lúa nuôi hạt, cho hạt cải thành
cây, cho mầm sống nhân lên gấp bội, và cho men biến bột thành men, cho bột dậy
lên làm nên bánh nuôi con người.
Nói chung, cả ba dụ ngôn
hôm nay là một lời mời gọi chúng ta phải biết nhìn về tương lai, biết tin vào
tương lai; kiên nhẫn chờ đợi gắn liền với tin tưởng vào tương lai. Căn bệnh rồi
sẽ khỏi, chiến tranh có thể chấm dứt. Bất công và kỳ thị sẽ không thể kéo dài
vĩnh viễn. Bất công sẽ có thể nhổ đi được, kẻ phạm tội có thể hối cải, người
thất vọng sẽ tìm lại được hy vọng.
Nhưng, thưa anh chị em,
Tin vào tương lai cũng
là hoạt động cho niềm tin trở thành hiện thực. Nhẫn nại kiên trì không có nghĩa
là khoanh tay ngồi im chờ đợi trong thái độ thụ động. Người Kitô hữu tin ở sự
thắng thế của cái tốt, tin ở một tương lai tốt đẹp, tin ở công trình cứu chuộc
của Thiên Chúa, cũng phải là người hoạt động một cách tích cực trong công cuộc
xây dựng một xã hội trong đó cái xấu mất dần khả năng gieo rắc nọc độc của nó.
Nước Trời đang trổ bông hạt nơi những nỗ lực của nhân loại không ngừng giành
lấy từng tấc đất chống lại cỏ lùng. Và bổn phận của chúng ta là liên đới với
mọi người anh em để cùng nhau chen vai thích cánh nỗ lực làm tăng trưởng cây
lúa, hạt cải và tấm men của Nước Trời.
18. Tội lỗi nào được tha
thứ – R. Veritas.
Có tội ác nào tày trời
đến độ không thể tha thứ được không? Tap chí Times đã nêu ra câu hỏi trên đây
khi trích dẫn câu trả lời của một vị luật sư người Capuchia.
Cách đây ba năm, một Mục
sư đã rửa tội cho một giáo viên ở một vùng sình lầy thuộc tỉnh Battanapan, ở
mạn TÂy Campuchia. Mới đây người giáo viên này tiết lộ mình đã từng làm giám
đốc cơ quan mật vụ của Khờ-me đỏ. Sau 20 năm lẩn trốn, nay ông thú nhận là ông
đã trực tiếp nhúng tay vào vụ thảm sát ít nhất là 12.000 người Khờ-me.
Người Mục sư mà cha mẹ và
với gần 2.000.000 đồng bào ruột thịt bị người Khờ-me đỏ sát tế trong giai đoạn
từ năm 1975 – 1979, đã nhận định về cuộc trở lại của người giáo viên này như
sau:
Thật là kỳ diệu, Kitô
giáo có thể thay đổi cuộc sống con người. Nếu Chúa Giêsu đã thay đổi người giáo
viên này, thì Người cũng có thể thay đổi tất cả mọi người.
Ông Duo tức người giáo
viên này, một hôm đã đến nghe vị Mục sư thuyết giảng, sau đó ông đã xin chịu
phép rửa, ông nói rằng, trong suốt thời thơ ấu và ngay cả khi lớn lên ông không
bao giờ được yêu thương. Giờ đây tin nhận Chúa Kitô, ông cảm thấy tâm hồn được
tràn ngập yêu thương.
Mục sư ghi nhận rằng,
cuộc thay đổi nội tâm đã ảnh hưởng đến toàn diện con người của ông. Trước kia
ông lầm lỳ ít nói, nay ông vui vẻ và cởi mở với tất cả mọi người. Trước kia
quần áo ông xốc xếch, thì nay ông ăn mặc chỉnh tề. Sau khi đón nhận phép rửa và
tiết lộ tông tích của mình, ông Duo đã bị chính quyền Campuchia bắt giữ hồi
tháng 5.1998, hiện nay ông đang bị giam tại một nhà từ gần trung tâm Tollen,
tức là nơi trước đây ông đã từng tham vấn, hành hạ và sát hại hàng trăm ngàn
người đồng bào ruột thịt của mình.
Nhận định về tay đồ tể
khát máu Khờ-me, người luật sư Lobin đã nói như sau: một câu chuyện mang lại
niềm hy vọng cho nhân dân Campuchia, họ đã trải qua quá nhiều năm trong tăm
tối. Khi đón nhận Chúa Giêsu, họ đã được mang lại ánh sáng trong cuộc sống của
họ. Thật vậy, đã đến lúc người Campuchia cần phải từ bỏ thù hận để sống yêu
thương.
Anh chị em thân mến,
Chứng từ sống động trên
đây đưa chúng ta vào cốt lõi của đạo chúng ta là yêu thương và tha thứ mà hôm
nay qua bài dụ ngôn cỏ lùng Giáo Hội muốn nhắc lại cho chúng ta. Dụ ngôn là một
câu trả lời của Chúa Giêsu và thắc mắc mà các môn đệ thường nêu lên, là tại sao
Thiên Chúa không trừng phạt nhãn tiền những kẻ làm điều gian ác?
Với hình ảnh của ruộng
lúa tốt và cỏ lùng, Chúa Giêsu mạc khải lòng nhân từ và sự tha thứ vô biên của
Thiên Chúa, đối với Thiên Chúa không có tội ác nào, dù cho có tày trời đến đâu
mà không thể tha thứ được. Như một người cha ngày ngày ra đứng trước cửa trông
ngóng người con hoang đàng trở về, thì Thiên Chúa cũng có một thái độ chờ đợi
kiên nhẫn như thế đối với tất cả mọi tội nhân, dù cho con người có đốn mạt xấu
xa đến đâu thì Chúa vẫn luôn dành cho một cơ may mới để trở về với Ngài. Nơi
tâm hồn con người dù có tăm tối đến đâu, Thiên Chúa vẫn nhận ra được ánh sáng
mà chính ngài đã đặt để trong trái tim con người. Chính vì tin tưởng nơi
khảnăng có thể cải thiện của con người mà Thiên Chúa không ngừng tha thứ cho
con người và kiên nhẫn chờ đợi con người trở về.
"Thức khuya mới
thấy đêm dài, sống lâu mới thấy dạ người có nhân". Dụ ngôn về cỏ lùng được
Giáo Hội cho chúng ta lắng nghe hôm nay, mời gọi các Kitô hữu mặc lấy tâm tình
khoan dung nhân hậu và cảm thông của Chúa Giêsu. Chúa Giêsu không khoan nhượng,
không dung tha cho bất cứ tội ác nào, Ngài gay gắt lên án thói giả hình và thái
độ mù quáng của con người, nhưng Ngài lại tỏ ra cảm thông và tha thứ cho những
người yếu đuối tội lỗi, Ngài không những cảm thông với những người tội lỗi, mà còn
tha thứ cho chính những kẻ hành hạ Ngài.
Tòa nhà giáo huấn của
Chúa Giêsu sẽ sụp đổ nếu từ trên thập giá Ngài không tha thứ cho những lý hình
của Ngài. Cuộc sống của Ngài cũng sẽ vô giá trị nếu khi bị treo trên thập giá
Chúa Giêsu vẫn còn mang theo hận thù trong lòng Ngài.
Tha thứ là vẻ đẹp cao
quý nhất trong tâm hồn con người. Nhân cách của con người sẽ bị đánh mất nếu nó
không thể làm được hành động tha thứ. Người tín hữu Kitô chúng ta cũng sẽ mất
căn tính của mình nếu chúng ta chỉ sống theo đố kỵ, hận thù. Tha thứ là vẻ đẹp
cao quý nhất trong tâm hồn con người, do đó cũng chính là điều khó thực hiện
nhất, vì thế mà chúng ta không ngừng cầu xin Chúa cho chúng ta luôn được sống
ơn tha thứ, đó là điều chúng ta cầu xin trong Thánh Lễ mỗi ngày.
Kinh Lạy Cha nhắc nhớ
chúng ta rằng, chúng ta chỉ có thể cảm nhận được ơn tha thứ của Chúa nếu chúng
ta cũng tha thứ cho người anh em chúng ta mà thôi.
Nguyện xin Chúa giúp
chúng ta luôn được lớn lên trong niềm xác tín ấy. Amen.
19. Cỏ dại.
Qua đoạn Tin Mừng vừa nghe,
chúng ta cùng nhau giữ lại một ý tưởng chính của Chúa Giêsu. Thực vậy, Ngài nói
về ơn cứu độ vĩnh cửu. Đứng trước ơn trọng đại ấy, chúng ta phải có một lập
trường dứt khoát và phải có một chọn lựa rõ rệt: Đi với Chúa hay đi với ma quỷ,
chúng ta không thể nào đi nước đôi, bắt cá hai tay, lửng lơ và trung lập.
Tuy nhiên, trong khi chờ
đợi được đón nhận vào hạnh phúc nước trời, chúng ta phải sống với người khác,
chia sẻ những băn khoăn lo lắng với họ. Và ngay cả đối với những kẻ đã chạy
theo ma quỷ, chúng ta vẫn phải tỏ ra một thái độ nhân từ và khoan dung.
Đây không phải là một
điều dễ dàng thực hiện, vì chúng ta thường hay nóng giận và tức tối. Chúng ta
cũng giống như hai tông đồ Giacôbê và Gioan, được Chúa sai đi vào một làng xứ Samaria , nhưng dân làng này
đã không tiếp nhận các ông.
Trước thái độ thờ ơ và
lạnh nhạt ấy, các ông đã bực bội và thưa lên cùng Chúa:
- Xin cho lửa trời đổ
xuống và thiêu huỷ họ.
Nhưng Chúa Giêsu đã
không chiều theo sự bốc đồng của các ông và Ngài đã trách cứ:
- Các con không biết
động cơ nào đã thúc đẩy các con hay sao? Con Người đến không phải huỷ diệt mà
để cứu thoát.
Chúng ta cũng vậy, đừng
phê bình chỉ trích và gay gắt kết án những người anh em không cùng một đường
lối với chúng ta.
Khi nhìn thấy sự dữ và
tội ác tràn lan khắp nơi, chúng ta thường hay nghĩ rằng:
- Chúa ngủ hay Ngài nhắm
mắt làm ngơ cho những sự kiện đáng tiếc ấy xảy ra.
Trên thế giới, những hạt
giống tốt thì hiếm hoi, và cỏ dại thì mọc đầy trong cánh đồng của Chúa. Tại sao
Chúa lại để cho như thế?
Còn phần chúng ta, chúng
ta là hạng người như thế nào: lúa tốt hay cỏ dại.
Nếu là lúa tốt thì liệu
chúng ta có thực sự trong sạch và yêu thương hay không. Chúng ta có thực sự là
bạn hữu nghĩa thiết của Chúa hay không? Chúng ta có những sai lỗi và yếu đuối
nào không? Liệu có thể chắc chắn được rằng chúng ta sẽ không sa ngã hay không?
Nếu chúng ta tỏ ra
nghiêm khắc với kẻ tội lỗi, chúng ta sẽ trở nên những người biệt phái đã bị
Chúa Giêsu kết án về sự giả hình của họ. Nếu không ý thức về những sai lỗi của
mình, chúng ta dễ dàng đi tới chỗ phản bội Chúa mà không hay biết. Càng là
những người con ngoan của Chúa, chúng ta càng phải cư xử độ lượng với người
khác.
Tuy nhiên, trong thực
tế, đang khi chúng ta mong muốn kẻ tội lỗi bị trừng trị thì Chúa lại không muốn
như vậy, bởi vì như Kinh Thánh đã nói:
- Ta không muốn cho kẻ
có tội phải chết, nhưng muốn nó ăn năn và được sống.
Ngài đã chết trên thập
giá để cứu độ tội nhân. Ngài theo đuổi kẻ tội lỗi bằng tình thương và ân sủng.
Niềm vui của Ngài là dẫn đưa những con chiên lầm lạc trở về với đàn của Ngài.
Hẳn chúng ta sẽ ngạc
nhiên khi nghe Ngài phán:
- Cả thiên đàng sẽ vui
mừng vì một kẻ tội lỗi hoán cải hơn là chín mươi chí người công chính không cần
sám hối ăn năn.
Và Ngài đã kết luận bằng
một hình ảnh cảm động, hình ảnh người cha đón tiếp cậu con hoang đàng trở về.
Chúng ta đừng thất vọng và mất lòng cậy trông như Giuđa. Nhưng với một chút
thiện chí và dưới tác động của ơn Chúa, rất có thể chúng ta cũng sẽ trở thành
như người trộm lành trên thập giá, đã lấy trộm cả Nước Trời cho mình vào giây
phút sau hết của cuộc đời.
Trên thiên đàng có những
vị thánh đã bắt đầu từ một điểm tăm tối, không đáng ca tụng là mấy. Tuy nhiên
với một điều kiện đó là các ngài đã biết trỗi dậy và trở về cùng Chúa, đã làm
lại cuộc đời và trung thành với Chúa mãi mãi.
20. Lúa và cỏ.
Ở Scotland , nghề
canh nông đã được hiện đại hoá với kỹ thuật máy móc tối tân, nhưng còn một công
việc cần phải được làm cẩn thận bởi bàn tay con người. Vài ngày trước khi mùa
thu hoạch lúa mạch, bạn sẽ thấy một số đông dân chúng đi bộ băng qua cánh đồng
lúa để nhổ những cây lúa dại. Lúa mạch là nguồn nông sản chính yếu cung cấp
lương thực cho người dân Scotland .
Một món ăn thông dụng được ưa thích khắp nơi trong nước làm từ lúa mạch là món
cháo đặc, ở Mỹ gọi là oat meal, một món ăn điểm tâm vừa dễ nấu, vừa bổ dưỡng
lành mạnh, không gây gia tăng chất béo, cholesterol, trong động mạch. Do đó mùa
gặt lúa mạch là một sinh hoạt rất quan trọng.
Điều rất đơn giản mà
những người nông dân phải làm là nhổ những cây lúa mạch dại ra khỏi ruộng lúa
trước khi thu hoạch. Nếu để những cây lúa dại này trong lúc gặt, những hạt
giống của nó sẽ rớt xuống và mọc lên tràn ngập cánh đồng trong mùa sắp tới. Sự
khác biệt giữa lúa dại và lúa mạch thật rất tinh tế. Chỉ sau một hai ngày làm
việc, bạn sẽ biết phân biệt rõ ràng. Điều lạ lùng là cây lúa dại thường lớn hơn
và khoẻ mạnh hơn lúa thật làm bạn nghĩ rằng phải giữ chúng lại. Tuy nhiên, nếu
quan sát kỹ lưỡng sẽ thấy rằng nhánh và hạt lúa dại dài hơn, nhưng lại lép.
Điều này giúp ta hiểu tại sao những người nông dân phải chờ đợi cho đến khi mùa
thu hoạch đến mới nhổ những cây lúa dại đi, vì chỉ khi đó bạn mới phân biệt
được rõ ràng.
Bài Phúc âm hôm nay,
Chúa Giêsu đã dùng những hình ảnh của nghề nông để diễn tả về thế giới, Giáo
Hội, Nước Trời hay Vương quốc Thiên Chúa, qua dụ ngôn cỏ lùng, dụ ngôn hạt cải,
và dụ ngôn men trong bột. Mỗi dụ ngôn nói lên một khía cạnh khác nhau, đọc lên
ai cũng hiểu dễ dàng.
Những người phụ trách
các show hài hước kể chuyện vui thường có thói quen bắt đầu vào câu chuyện như
sau: "Kính thưa quý vị, tôi có vài tin vui và vài tin buồn xin gửi đến quý
vị". Có một cuộc đối thoại tưởng tượng xảy ra như sau: "Một ông kia
gặp người bạn và nói: "Tôi đã trúng số mấy chục ngàn đô la". Người
bạn trả lời: "Tốt quá". "Không, khi đến Thuỵ Sĩ chơi trượt tuyết
tôi đã xài hết rồi, và còn bị gãy chân nữa chứ". "Xấu quá".
"Không, trong thời gian nằm bệnh viện, tôi gặp và yêu một cô y tá rất xinh
đẹp, rồi tôi đã cưới cô ta". "Tốt quá". "Không, nhưng chẳng
may cô ấy lại không thích ở Mỹ, và đòi chúng tôi phải ở lại Âu Châu".
"Xấu quá". "Không, chúng tôi mua nhà ở Paris và kiếm được một việc làm cho hãng xuất
khẩu". "Tốt quá". "Không, hãng bị phá sản, và chúng tôi bị
mất nhà". "Xấu quá". "Không, trong hoàn cảnh túng quẫn, tôi
đã xem lại mục đích, giá trị của đời mình và thấy rằng tôi đang sống lầm
lạc". "Tốt quá". "Không, vợ tôi đã không chấp nhận quan
điểm của tôi, và chúng tôi dần dần xa cách nhau". "Xấu quá".
"Không, trong lúc hôn nhân bị khủng hoảng, chúng tôi đến với người cố vấn
hôn nhân giúp chúng tôi nhận ra sức mạnh của tình yêu Thiên Chúa".
"Tốt quá". "Không, vì chúng tôi quá tập trung vào Thiên Chúa nên
đã mất hầu hết bạn bè ở Paris
và gây ra đụng chạm với cha mẹ vợ". "Xấu quá". Cứ thế mà tiếp
tục. Lúc tốt, lúc xấu. Đời là thế! Tốt và xấu đi đôi với nhau: "Vì Người
làm cho mặt trời mọc lên soi sáng kẻ xấu cũng như người tốt, và cho mưa xuống
trên người công chính cũng như kẻ bất chính".
Chúng ta thường nói
"Nhân vô thập toàn". Không có ai hoàn hảo cả. Không có ai là một vị
thánh cho đến khi lên thiên đàng. Mỗi người chúng ta đều mang đủ thất tình: hỉ
(vui), nộ (giận), ai (buồn), cụ (sợ), ái (yêu), ố (ghét), dục (muốn). Với bấy
nhiêu thứ tình cảm xô bồ trong con người thì khó lòng mà hoàn hảo được. Tâm hồn
và tính tình của mỗi người là một sự pha trộn giữa lúa mì và cỏ lùng. Theo cha Tommy Lane , trên
cửa một nhà thờ ở phía tây của Ireland ,
đã viết câu sau đây: "Giáo Hội không phải là một câu lạc bộ dành cho những
vị thánh nhưng còn là một bệnh viện dành cho những người tội lỗi". Câu nói
này rất phù hợp với lời giảng dạy của Chúa Giêsu trong dụ ngôn cỏ lùng. Giáo
Hội là một sự pha trộn giữa lúa mạch và cỏ lùng, giữa những người thánh thiện
và tội lỗi. Hãy kiên nhẫn với những tội nhân. Đừng vội phán đoán người khác.
Hãy để Thiên Chúa phán đoán. Lời Chúa cảnh giác chúng ta: "Đừng xét đoán,
để khỏi bị xét đoán... Hỡi kẻ đạo đức giả! Lấy cái xà ra khỏi mắt anh trước đã,
rồi anh sẽ thấy rõ, để lấy cái rác ra khỏi mắt người anh em".
21. Cỏ và lúa.
Bài Tin Mừng thuật lại
ba dụ ngôn của Chúa Giêsu: cỏ lùng, hạt cải và men. Nghe Chúa nói ba dụ ngôn,
nhưng các môn đệ lại chỉ xin Chúa giải thích một dụ ngôn cỏ lùng, và Chúa đã
giải thích: người đi gieo giống tốt là Thiên Chúa, hạt giống là người ta, là
con người, là con cái Chúa, thửa ruộng là thế gian, là nơi sinh sống, làm việc,
phục vụ, cỏ lùng là người xấu, người dữ, mùa gặt là ngày chết hay ngày tận thế,
thợ gặt là các thiên thần, lúa tốt thì được thu vào kho lẫm, tức là những người
tốt lành, công chính, thánh thiện, thì được thưởng, còn cỏ lùng là những người
xấu, người dữ thì bị tống vào hoả ngục.
Nghe hay đọc dụ ngôn này
cùng với sự giải thích của Chúa, chúng ta thấy dễ hiểu và hợp tình hợp lý. Thế
gian này có người tốt người xấu, người lành người dữ sống bên nhau, sống cùng
nhau là chuyện bình thường. Chẳng có nơi nào toàn là những người tốt và cũng
chẳng có nơi nào toàn là những người xấu. Nhưng có một điều khác biệt: cỏ lùng,
vì bản chất của nó là cỏ dại, cỏ xấu, cho nên vạn đại nó cũng không thể nào
biến thành lúa tốt được. Cũng thế, cây lúa thì lúc nào nó cũng là cây lúa, chỉ
có điều là nó cho nhiều hay ít hạt lúa, chứ không bao giờ biến thành cỏ lùng
được.
Đối với con người thì
không như vậy: bản tính con người được Chúa tạo dựng là tốt lành: "Nhân
chi sơ tính bản thiện": khi sinh ra, con người vốn tốt lành, nhưng với
thời gian lớn khôn, con người vẫn tốt hay trở thành xấu, nghĩa là con người tốt
hay xấu là do thêm vào hay mất đi. Có người trước kia là lúa tốt, bây giờ là cỏ
lùng, ngược lại, có người trước kia là cỏ lùng, bây giờ là lúa tốt. Dĩ nhiên
cũng có những người luôn luôn là lúa tốt và những người lúc nào cũng là cỏ
lùng, hoặc có những người khi thì là lúa tốt khi thì là cỏ lùng hoặc ngược lại.
Điều quan trọng là tới khi chết, người ta đang ở trong tình trạng nào: cỏ lùng
hay lúa tốt? Đó là trách nhiệm của mỗi người.
Chính vì yếu tố trách
nhiệm này, vì khả năng biến đổi tốt thành xấu và xấu thành tốt nên chúng ta
phải cố gắng làm giảm bớt đến mức tối đa, tức là mức thấp nhất những gì là xấu
xa, tội lỗi, tức là cỏ lùng, và gia tăng đến mức tối đa, tức là mức cao nhất,
nhiều nhất những gì là tốt lành, thánh thiện, tức là lúa tốt. Hơn nữa, trong
đời sống hằng ngày, ngoài việc cố gắng bớt cỏ lùng, thêm lúa tốt, tức là bớt tư
tưởng, lời nói, việc làm xấu và gia tăng những việc phúc đức, mỗi người còn
phải cố gắng làm sao để được nhắm mắt xuôi tay, kết thúc cuộc đời trong tình
trạng đang kể là lúa tốt.
Ở đời này, thường chúng
ta ít thấy công lý thắng gian tà, nhưng ở đời sau, thì tất cả mọi nợ nần đều
phải trang trải, mọi bất công sẽ được san phẳng: lúa tốt, tức là người tốt, sẽ
được nâng niu thu góp vào kho lẫm, tức là được thưởng công xứng đáng. Còn cỏ
lùng, tức là người xấu, sẽ bị ném vào lửa để thiêu huỷ. Câu chuyện cỏ lùng giữa
lúa tốt quả quyết với chúng ta về sự báo oán công minh ở đời sau: người tốt sẽ
được thưởng, người xấu sẽ bị phạt muôn đời. Như vậy, tốt hay xấu, được thưởng
hay bị phạt là do chính mỗi người chúng ta. Vì thế khi kết thúc dụ ngôn Chúa
nói: "Ai có tai thì nghe:, nghĩa là Chúa muốn nhắc chúng ta rằng: chúng ta
là đầu óc, có trí khôn, chúng ta biết phân biệt phải quấy, chân giả, đúng sai,
tốt xấu thì đừng có sống đóng kịch hay sống bất chính, chúng ta phải biết sống
đúng là con Chúa, chúng ta phải sử dụng đầu óc, trí khôn để sống theo luật
Chúa. Chúng ta sống làm sao Chúa sẽ căn cứ vào đó để thưởng hay phạt chúng ta.
Tóm lại, trong cánh đồng
mầu mỡ là con người yếu đuối của chúng ta, lúa tốt và cỏ lùng, tức là nhân đức
và tội lỗi, đức tính và tật xấu... luôn luôn chèn ép nhau, giành giật nhau. Vì
thế, chúng ta phải luôn tỉnh thức và chiến đấu để loại trừ cỏ lùng, tội lỗi và
tật xấu, đồng thời bảo vệ lúa tốt, nhân đức và công phúc của chúng ta. Có như
thế đến mùa gặt, tức là khi chúng ta nhắm mắt xuôi tay, chúng ta sẽ được Chúa
nhân từ âu yếm nói với chúng ta: "Hỡi đầy tớ tốt lành và trung tín, hãy
vào hưởng sự vui mừng với Chúa ngươi". Xin Chúa cho chúng ta biết sống
theo lời Chúa để chúng ta đều được nghe những lời đầy thân thương trên đây của
Chúa.
22. Xin Thầy giải nghĩa
thí dụ.
Một em bé lúc 13 tuổi bị
mọi người xua đuổi, vì em mắc bệnh phong cùi nên mất quyền sinh sống với cộng
đoàn. Một nhà truyền giáo bật chợt đi ngang qua nhìn thấy vậy, ông cảm thấy
thật đau lòng nên vội vàng xuống xe bênh vực cho em. Không những nhà truyền
giáo này chỉ bênh vực cho em bé bất hạnh. Mà còn đem em về trung tâm của mình
để săn sóc.
Vừa khóc vừa cảm động,
em hỏi nhà truyền giáo:
- Lại sao ông tốt với
tôi như vậy?
Em bé gọi nhà truyền
giáo bằng ông, vì đây là một linh mục Công giáo đang công tác mục vụ cho bệnh
nhân ở làng bên cạnh.
- Lại sao ông tốt và lo
lắng cho tôi như vậy?
Nhà truyền giáo trả lời:
- Bởi vì Thiên Chúa là
Cha đã dựng nên tôi và dựng nên con.
Tất cả chúng ta được
Thiên Chúa dựng nên giống hình ảnh của Ngài, và được Ngài yêu thương cách trọn
vẹn, Ngài cũng muốn chúng ta yêu thương liên đới với nhau. Vì chính Ngài đã sai
Con Một mình xuống trần gian là Đức Kitô để giúp cho mỗi người chúng ta sống
xứng đáng với phẩm vị của mình là con cái Thiên Chúa. Vì thế, vâng lời Ngài
dạy, cha săn sóc cho con. Và từ đó em bé 13 tuổi bị bệnh phong cùi này không
những không quên được những cử chỉ của nhà truyền giáo, mà còn xin được làm đồ
đệ của Chúa Giêsu và dùng những năm tháng còn lại của đời em để săn sóc cho các
người phong cùi khác nặng hơn em lại trung tâm người phong cùi của nhà truyền
giáo.
"Vâng lời Ngài, cha
xin săn sóc cho con. Vâng lời Chúa dạy, tôi phục vụ anh chị em". Đó là
điều Thiên Chúa Cha qua hình ảnh người gieo giống trong Phúc âm hôm nay mong
đợi nơi những đồ đệ của Chúa Giêsu Kitô, những kẻ đã lãnh hạt giống ân sủng và
Lời Chúa trong cuộc đời của mình.
Câu chuyện về nhà truyền
giáo vô danh và em bé phong cùi kia là một trong muôn vàn thí dụ cụ thể và cũng
là một trong muôn vàn những sự kiện cụ thể để chứng minh rằng, qua bao thế hệ
lời Chúa vẫn còn trổ sinh những chứng nhân của tình yêu, những hoa trái tốt đẹp
trong lịch sử nhân loại cũng như trong lịch sử của mỗi người. Phải chăng Lời
Chúa không trổ sinh bông trái là do chính con người là kẻ làm ngơ, thù ghét,
muốn bóp chết hạt giống Lời Chúa trong tâm hồn của mình hay trong tâm hồn của
anh chị em, chứ không phải Thiên Chúa ngưng không gieo giống, không ban xuống
những ơn lành của Ngài, không phân phát Lời Ngài cho con người.
Thật thế, Thiên Chúa vẫn
luôn tiếp tục thực hiện những công việc của Ngài để đổ tràn ân phúc và Lời Ngài
xuống trên con người, nhưng chính con người từ chối không chấp nhận Ngài. Môi
trường chúng ta sinh sống có thể còn nhiều thách thức, nhiều cám dỗ và nhiều
trở ngại khác không cho Lời Chúa trổ sinh hoa trái được. Nhưng nếu trong những
môi trường như vậy mà đồ đệ của Chúa cương quyết dấn thân sống Lời Ngài dạy,
biến đổi cuộc sống của mình trước để trở nên thửa ruộng tốt cho Lời Chúa trổ
sinh hoa trái, thì chắc chắn môi trường chúng ta sống sẽ được biến đổi cách tốt
đẹp.
Với sức mạnh của ân sủng
Lời Chúa, người Kitô hữu có thể biến cánh đồng xã hội thành đồng ruộng tốt tươi
đầy bông lúa chín vàng mang lại cơm ăn áo mặc và hạnh phúc ấm no cho con người,
cho anh chị em xung quanh. Nhưng nếu Lời chúa không được ăn rễ sâu vào trong
tâm hồn của người Kitô hữu, có thể chính lúc đó họ đã làm cho những cánh đồng
xã hội thành những đám ruộng hoang, cỏ lác mọc um tùm, bạo lực hận thù khắp nơi
gây hoang mang và bất hạnh cho anh chị em.
Chúng ta là những người
Kitô hữu đã lãnh nhận hạt giống Lời Chúa, cho nên mỗi người Kitô hữu chúng ta
phải có trách nhiệm làm cho Lời Chúa được trổ sinh hoa trái. Bởi vậy, xin đừng
ngồi than, đừng trách xã hội lịch sử con người của mình, nhưng hãy biết lợi
dụng mọi biến cố, mọi ân sủng của Lời Chúa để làm cho Lời Chúa trổ sinh hoa
trái tốt đẹp, biến đổi cuộc sống của mình, biến đổi cuộc sống của anh chị em và
làm chứng cho tình thương của Chúa. Xin Chúa gìn giữ chúng ta trong tình thương
và đức tin mà giờ đây chúng ta cùng nhau tuyên xưng qua kinh Tin Kính.
23. Không muộn.
Mục sư Martin Luther
King, người đấu tranh giành tự do cho nô lệ da đen tại Hoa Kỳ bằng phương pháp
bất bạo động đã kể lại câu chuyện như sau:
Chúng tôi đã có dịp
viếng thăm bang Kerela ở cực Nam Ấn Độ. Một buổi chiều cuối tuần, chúng tôi đến
bãi biển Cap-Comorin, thường được gọi là "nơi tận cùng của thế giới",
vì đây là mũi đất cuối cùng của lục địa Ấn Độ tiếp giáp Ấn Độ Dương.
Trước mắt chúng tôi là
đại dương mênh mông, với các đợt sóng nhấp nhô. Nơi đây được gọi là điểm hẹn
của ba biển cả: Ấn Độ Dương, biển Ả Rập và vịnh Bengal .
Ngồi trên tảng đá nhô ra trên mặt nước, chúng tôi cảm thấy mình bị cuốn hút vào
biển cả mênh mông. Trong khi các đợt sóng dồn dập vào mỏm đá, tạo nên một bản
nhạc nhịp nhàng, thì về phía tây, chúng tôi nhìn thấy mặt trời đỏ chói đang dần
dần đi vào biển cả. Khi mặt trời gần khuất, vợ tôi đánh động tôi và nói:
"Xem kìa, Martin, thật là tuyệt vời, phải không?" Tôi đưa mắt nhìn
chung quanh và kìa mặt trăng đang từ từ lên khỏi lòng biển trong khi mặt trời
chậm chạp đi xuống biển sâu. Khi mặt trời lặn, bóng tối bao trùm mặt đất, nhưng
từ phía đông, mặt trăng mọc lên, rực rỡ, chói sáng.
Khi ánh sáng mặt trời
tắt dần và dìm chúng ta vào trong bóng tối dày đặc, có thể ví như thời điểm của
cái ác và sự dữ lộng hành, biến chúng ta thành nạn nhân của thế lực đen tối.
Nhưng hãy nhìn về phía đông, chúng ta sẽ thấy một ánh sáng rực rỡ huy hoàng
ngay trong đêm tối. Và đêm đen lại sáng tỏ như ban ngày. Đó là lúc điều thiện
và cái tốt đang vươn lên mạnh mẽ. Nếu đã có ánh sáng ban ngày hướng dẫn chúng
ta lúc thuận buồm xuôi gió, thì cũng có ánh sáng ban đêm dẫn đưa chúng ta khi
bão tố phong ba. Cả hai phải cùng tồn tại để đồng hành với chúng ta đến với
nguồn sáng vĩnh cửu là Thiên Chúa.
Đức Giêsu, trong bài Tin
mừng hôm nay đã khẳng định lập trường của Thiên Chúa qua dụ ngôn cỏ lùng và lúa
tốt. Đầy tớ muốn nhổ cỏ lùng đi, nhưng ông chủ lại bảo: "Cứ để cả hai cùng
lớn lên cho tới mùa gặt". Kể từ khi nguyên tổ nuốt lấy trái cấm thì sự dữ
và cái ác như con bạch tuộc vươn vòi đến mọi mặt của cuộc sống con người. Nó
dai dẳng, ngoan cố, lì lợm, không dễ dàng buông tha nếu chúng ta không chống cự
lại một cách mãnh liệt, dứt khoát. Chẳng thế mà Kinh thánh đã dùng biểu tượng
con rắn để mô tả hành động xảo trá của sự dữ luôn gieo rắc bất hoà trong bản
hoà tấu nhịp nhàng của đời sống con người.
Trong dụ ngôn cỏ lùng,
Đức Giêsu khẳng định về sự xuất hiện của cỏ lùng là do kẻ thù đã gieo chúng vào
ruộng lúa.
Cho dù kẻ thù đó là
Satan hay bởi chính sự lạm dụng tự do của con người, thì cỏ lùng luôn mang đến
tai hoạ và chết chóc.
Cho dù cỏ lùng có bóp
nghẹt lúa tốt trong một thời gian, nhưng mùa gặt đến, nó sẽ bị gom lại và đốt
đi. Còn lúa tốt lại được cất vào kho lẫm.
Cho dù cứ để cỏ lùng và
lúa tốt cùng lớn lên cho đến mùa gặt, nhưng không phải là để dung túng cho cái
ác và để sự dữ lộng hành.
Thiên Chúa có chương
trình hành động của Người: Trong hành trình của mỗi con người, vẫn có cỏ lùng
mọc chung với lúa tốt, vẫn có cái ác sống chung với cái thiện, vẫn có bóng tối
chen lẫn cùng ánh sáng. Đó là cuộc chiến đấu trường kỳ giữa sự lành và sự dữ.
Trong lòng người tín hữu rễ cỏ lùng và lúa tốt vẫn đan xen lẫn nhau. Thánh
Phaolô đã diễn tả chân lý ấy khi viết: "Điều tôi muốn, thì tôi không làm,
nhưng điều tôi ghét thì tôi cứ làm". Người tín hữu hay bị cám dỗ ở trong
tình trạng chưa là tội nhân mà cũng chưa muốn tìm về thánh thiện.
Khi chiến đấu chống lại
sự dữ, chúng ta không chiến đấu đơn độc, có Chúa cùng chiến đấu với chúng ta,
như một người Cha đầy yêu thương. Nhưng người không can thiệp để tiêu diệt sự
dữ một cách vũ bão, vì Người đã ban cho chúng ta sự tự do, và bởi chúng ta là
những con người có trách nhiệm. Sự dữ nào cũng có phần cộng tác của con người,
tội lỗi nào cũng mang dấu tay của những kẻ đồng loã. Evà đã chẳng phạm tội nếu
bà đừng đưa tay ra hái trái cấm. Để cứu lấy con người luôn luôn sa ngã, Thiên
Chúa đã phải nhẫn nại, chờ đợi sự hoán cải tuy rất chậm chạp của họ.
Thiên Chúa yêu thương
con người, và không hề quên sót một ai, cho dù họ là những tội nhân:
Nếu Thiên Chúa tỏ ra
chậm chạp trong việc chống lại tội lỗi, là để chúng ta có thời gian mà sám hối
canh tân.
Nếu chúng ta yếu đuối
lầm lỗi, thì Người sẽ ban cho chúng ta sức mạnh để can đảm trỗi dậy sau những
lần vấp ngã.
Nếu phải bước đi trong
bóng đêm tăm tối vì mất niềm hy vọng, thì Người sẽ là ánh sáng dẫn đường để
chúng ta đến với niềm tin.
Thiên Chúa khinh ghét
tội lỗi nhưng lại yêu mến tội nhân, vì Nười chờ đợi nơi họ lòng thống hối để
được Người thứ tha. Thiên Chúa khoan dung, độ lượng không phải để dung túng cho
các tội nhân, nhưng là để cho họ thời gian thức tỉnh mà quay trở về.
Chúa đã bao dung nhẫn
nại với chúng ta. Lẽ nào chúng ta lại thiếu nhân hậu khoan dung với kẻ tội lỗi?
Chúa đã yêu thương chúng ta, lẽ nào chúng ta không dùng tình yêu của Người mà
hoán cải anh em? Lòng tương xót Chúa muốn kéo chúng ta vào quê hương vĩnh cửu.
Nhưng không phải là một cuộc hành trình đơn độc. Trái lại, phải là một ngày hội
thắm đẫm tình yêu, đầy ắp tiếng cười.
24. Hiểu biết và kiên
nhẫn – Lm FX. Vũ Phan Long
1.- Ngữ cảnh
Câu dẫn nhập ngắn (c.
24a) liên kết dụ ngôn Cỏ lùng (13,24b-30) với hai dụ ngôn tiếp theo (cc.
31a.33a). Chủ đề "gieo giống" cũng là chủ đề của dụ ngôn trước; các
từ móc là "gieo" (speirô), "giống" (sperma) và
"ruộng" (agros).
Hai dụ ngôn ngắn, Hạt
cải và Men (cc. 31-33), đưa chúng ta tới với diễn từ về các dụ ngôn Đức Giêsu
giảng cho công chúng. Dụ ngôn Hạt cải, với một câu mở tương tự 13,24, được liên
kết với dụ ngôn trước bằng những từ móc "con người" (anthrôpos),
"gieo" (speirô), "ruộng" (agros) và "giống"
(sperma). Dụ ngôn Men có nhiều điểm khác biệt hơn. Hai dụ ngôn này có bố cục
song song trong phần thứ nhất, còn kết luận thì khác nhau.
Các câu 34-35 đưa tới
một kết luận cho bài Diễn từ công cộng. Tác giả Mt đưa độc giả trở lại với cc.
2-3 và cc. 10.13. Câu 35b tương ứng với Tv 78,2 LXX, vì có số phức en parabolais
("Mở miệng ra, tôi sẽ kể các dụ ngôn); còn c. 35c không tương ứng với một
bản văn Kinh Thánh nào cả và cũng không thuộc ngôn ngữ Mt.
Với c. 36a, chúng ta
được đưa trở lại với Mt 13,1-2: thể văn đóng khung. Câu hỏi của các môn đệ kèm
theo câu trả lời của Đức Giêsu được đối lại ở c. 51, với câu hỏi của Đức Giêsu
và câu trả lời của các môn đệ.
2.- Bố cục
Nếu xác định cấu trúc
theo kiểu quen thuộc của Mt, chúng ta có thể cho rằng đoạn văn đọc hôm nay có
ba phần A, B và C, với một câu mở và một câu kết như sau:
Mở (13,24a)
A. Các dụ ngôn:
(1) Dụ ngôn 1: "Cỏ
lùng" (13,24b-30):
a) Trình bày sự việc
(cc. 24b-26),
b) Mẩu đối thoại giữa
chủ nhà và các đầy tớ (cc. 27-30);
(2) Dụ ngôn 2: "Hạt
cải" (13,31-32),
(3) Dụ ngôn 3:
"Men" (13,33);
B. Lý do nói bằng Dụ
ngôn (13,34-35);
C. Dụ ngôn Cỏ lùng được
giải thích (13,36-42; c. 36 là câu dẫn nhập):
a) Giải thích bài dụ
ngôn từng từ một (cc. 37-39),
b) "Bài khải huyền
nhỏ" (cc. 40-43);
Kết (13,43).
3.- Vài điểm chú giải
- Cỏ lùng (zizania, 25):
Đây là một loại cỏ ăn bám, độc hại. Khắp vùng Trung Đông đầy loại cỏ này. Nó bị
coi là một dạng thoái hóa, biến chất, của lúa mì. Trong thân nó, có một thứ nấm
thường tiết ra một chất độc.
- Hạt cải (31): Tiếng Hy
Lạp là kokkos sinapeôs. Cây sinapi (ta tạm dịch là "cây cải") là một loại
cây rau thông dụng bên Paléttina, có thể cao tới ba hoặc bốn thước, dạng mộc
với các cành tỏa rộng. Lá của nó có thể làm rau. Hạt của nó không phải là nhỏ
nhất trong các loại hạt (đường kính khoảng 1mm), nhưng nhỏ nhất trong các loại
hạt được người ta gieo trồng, được dùng làm mù-tạc, thuốc và thức ăn cho chim.
Tục ngữ Do Thái dùng hạt này mà chỉ những gì nhỏ nhất. Sách Mishna coi cây cải
đen (brassica nigra) là loại cây trồng ngoài cánh đồng. Nhưng tại Paléttina và
nhiều nơi khác, người ta trồng trong vườn nhà.
- Nó trở thành cây to
(32): Trong Cựu Ước, cây cho đàn chim trú ngụ là một hình ảnh quen thuộc để
diễn tả một vương quốc hùng mạnh đảm bảo che chở các thần dân (x. Ed 17,23;
31,6; Đn 4,9; 11,18). Trong nền văn chương khải huyền, kinh sư hoặc targum,
"chim" tượng trưng các dân ngoại đang kéo đến thật đông. Ở đây, Mt
nêu bật đặc tính cánh chung của dụ ngôn khi phóng đại kích thước của cây rau
thành "một cây to".
- chim trời tới làm tổ
trên cành (32): Chi tiết này không phải là không thể xảy ra, bởi vì chim chóc
thích ăn hạt cải.
- vùi vào (33): dịch sát
là "giấu trong" (enekrypsen). Động từ này đi với văn cảnh (x. cc.
35.44)
- ba thúng bột (33):
"Thúng" là từ được chọn để dịch từ saton Hy Lạp. Saton là một đơn vị
đo lường ngũ cốc và bột, tương đương với 13-15 lít. Đây là một lượng bột lớn,
khi đã dậy men thì có thể làm ra bánh cho khoảng 150 người ăn. Mt nhấn mạnh đến
tính hữu hiệu của men.
- công bố (35): Động từ
"công bố", ereugomai, hiếm khi được dùng. Nghĩa chữ là "mạc
khải", nhưng cũng có thể là "gây ồn ào", "thốt ra",
"diễn tả".
- các gương mù gương xấu
(40): Trong Kinh Thánh, skandala nhắm đến những sự vật chứ không nhắm đến những
con người (x. Mt 18,6-7). Đây là những điều làm cho người khác "vấp",
nghĩa là không đi vững vàng trong đường lối Thiên Chúa.
4.- Ý nghĩa của bản văn
Nhìn vào cuộc sống, ta
thấy Thiên Chúa ở trong tình trạng ẩn mình, Ngài không can thiệp cách rõ ràng
hiển nhiên. Người ta có thể sống không cần và còn chống lại Ngài mà dường như
chẳng phải chịu hậu quả gì. Ngài biến mất hoàn toàn đàng sau các thế lực và các
quyền hành đang thống trị sân khấu thế giới và đang can thiệp vào trong đời
sống chúng ta cách quyết liệt. Tất cả tình trạng này vẫn là một chướng kỳ khiến
con người khó mà coi trọng Thiên Chúa và tin cậy nơi Ngài. Điều này cũng đúng
cho bản thân và công trình của Đức Giêsu, đúng cho cả cộng đoàn các tín hữu là
Hội Thánh. Do bản tính, chúng ta hướng về sự to lớn, sức mạnh, sự hào nhoáng,
sự hiển nhiên, sự cao cả, chứ chúng ta không nghiêng về sự chờ đợi, sự kiên trì
nhẫn nại. Các giáo huấn của Đức Giêsu hôm nay giúp chúng ta suy nghĩ lại cách
suy tưởng và xử sự của chúng ta.
Đức Giêsu đến không như
một nhà chiến thắng oai hùng, có sức thuyết phục và thống trị mọi người. Con
đường Người theo và công trình của Người gây nhiều mệt nhọc. Cái chết của Người
trong tình trạng bất lực và bị bỏ rơi dường như cung cấp một dấu chỉ rõ ràng
cho thấy Người không đáng giá gì và ta không thể tin cậy nơi Người.
Đức Giêsu biết hoàn cảnh
khó chịu này, nhưng Người không thay đổi cách xử sự: Người là và vẫn là Ngôi
Lời Thiên Chúa đã làm người (x. Ga 1,14), Người đã đi vào trong tình trạng lệ
thuộc, yếu đuối và mỏng dòn của cuộc sống con người. Người vẫn là Người Tôi Tớ
của Thiên Chúa, không gây ồn ào, không tỏ ra hào nhoáng (x. Mt 12,15-21).
* Dụ ngôn 1: "Cỏ
lùng" (24-30)
Tuy nhiên, Đức Giêsu
cũng muốn giúp chúng ta hiểu đúng đắn hoàn cảnh này và ngăn cản chúng ta rút ra
những kết luận vội vã. Chúng ta không được chỉ nhìn vào ngày hôm nay, và khép
mình lại trong khoảnh khắc hiện tại. Dụ ngôn Cỏ lùng có mục đích ấy.
Dụ ngôn Cỏ lùng là một
tấn kịch có hai cảnh. Cảnh thứ nhất diễn ra hai nhân vật và hành động đối lập:
Trên cùng một mảnh đất, ông chủ và kẻ thù đã gieo hai loại giống khác nhau, lúa
tốt và cỏ lùng là loại cỏ ăn hại. Cảnh thứ hai mở ra với sự can thiệp của các
đầy tớ: Họ hỏi một câu hỏi thừa là chẳng lẽ ông chủ lại không gieo giống tốt,
mà như vậy thì do đâu có cỏ lùng. Câu hỏi không cần thiết, nhất là bởi vì họ
không hỏi vì sao có quá nhiều cỏ lùng như thế. Có ai lại ngạc nhiên khi thấy
trong một thửa ruộng xuất hiện thứ cỏ không thể tránh được?
Câu trả lời của ông chủ
thật đáng ngạc nhiên. Ông biết rõ ràng là kẻ thù đã làm điều đó. Tuy nhiên, có
kẻ thù nào lại có ý tưởng đó và lại có đủ hạt giống cỏ lùng mà gieo ngay trong
đêm như thế! Nếu họ lén lút gặt lúa chín hoặc đốt cánh đồng, thì còn dễ hiểu
hơn. Đàng khác, gợi ý của các đầy tớ là nhổ cỏ lùng cũng dễ hiểu, vì người ta
vẫn làm như thế. Vậy mà ông chủ lại không đồng ý, ông bảo: "Cứ để cả hai
cùng lớn lên cho tới mùa gặt" (c. 30). Như thế, bài dụ ngôn không muốn mô
tả cách làm ruộng thông thường.
Mọi chuyện trở nên rõ
ràng khi đến cuối. Các thợ gặt, chứ không phải là các đầy tớ đã đến hỏi, trước
tiên sẽ thu gom cỏ lùng, bó thành bó mà đốt đi. Thông thường người ta làm cách
khác: cỏ lùng chưa được nhổ đi sẽ bị thợ gặt quẳng trên đất, sau đó được thu
gom lại cho gà ăn hoặc để đốt đi.
* Dụ ngôn 2: "Hạt
cải" (31-32)
Bằng dụ ngôn tiếp theo,
Đức Giêsu mời độc giả quan tâm đến sự tương phản giữa hạt cải lúc đầu và cây to
ở hồi kết thúc. Hạt cải là một thứ bé nhỏ và không đáng ai để ý, nhưng sẽ không
cứ ở trong tình trạng nhỏ bé mãi; nó sẽ phát triển nhiều và mọi người phải nhìn
nhận nó. Một chi tiết lạ: người nọ gieo "(chỉ) một" hạt cải trong
ruộng/cánh đồng. Hẳn chúng ta nhớ lại bài dụ ngôn trước (13,24), nhưng ở đây rõ
ràng không phải là vấn đề gieo và gặt, mà là vấn đề đặc tính của cây cải mà Đức
Giêsu muốn vận dụng để giới thiệu Nước Trời.
Chuyện xảy ra cho Nước
Trời cũng như vậy: khởi đầu trong tình trạng bé nhỏ, khiêm tốn; nhưng kết cuộc
sẽ là một kết quả đầy sức thuyết phục. Dụ ngôn này là một lời "loan
báo" đầy sức an ủi và khích lệ cho những ai chưa thấy các nỗi niềm chờ
mong thiên sai được thể hiện nơi công trình của Đức Kitô.
* Dụ ngôn 3:
"Men" (33)
Dụ ngôn về men lấy lại
bài học của dụ ngôn trên. Hình ảnh "men" lấy từ nhà bếp. Bà nội trợ
có thể mua men hoặc tự làm lấy. Đây là sự tương phản giữa phần khởi đầu nhỏ bé
và khối lượng bột to lớn ở cuối. Khởi đầu với một chút men, không mấy ai để ý;
nhưng trong đó đã chứa đựng tất cả sức bung mở trong tương lai. Như men đã được
"giấu ẩn" trong bột, Nước Thiên Chúa lúc khởi đầu là một thực tại
không ai thấy; chỉ sang giai đoạn thứ hai, ta mới thấy được sức mạnh của chút
men ấy. Sự nhỏ nhoi khiêm tốn của chút men khiến làm ta không ngờ tới tác động
của nó trên khối bột; đó cũng sẽ là tác động của Nước Thiên Chúa trong lòng
nhân loại. Cũng như tình trạng nhỏ bé là một điều kiện quan trọng để hạt cải
phát triển (c. 31), tình trạng giấu ẩn, hòa trộn với bột là điều kiện thiết yếu
để cho men có thể tác động.
Động tác "vùi"
("giấu") men vào trong bột hẳn muốn gợi ý đến tình trạng ẩn giấu của
chân lý. Tình trạng ẩn giấu của sự thật trong các dụ ngôn (c. 35) và tình trạng
ẩn giấu của kho báu trong ruộng (c. 44) tương ứng với men bị "vùi/giấu".
Hội Thánh có nhiệm vụ vén mở cho thấy chân lý giấu ẩn bằng lời nói và việc làm
(10,26-27; x. 5,13-16). Khi làm như thế, Hội Thánh làm cho thế giới "dậy
men".
* Tại sao nói bằng Dụ
ngôn? (34-35)
Tác giả Mt cắt ngang
diễn từ các dụ ngôn bằng cách đưa vào một "bản tóm tắt" hoạt động rao
giảng của Đức Giêsu. "Người không nói gì với họ mà không dùng dụ
ngôn" (c. 34). Câu văn này được TM Mc dùng để kết thúc "phân
đoạn" các dụ ngôn (x. Mc 4,33-34); được đưa vào trong văn cảnh Mt, ta
không hiểu rõ lý do bao nhiêu. Rất có thể tác giả Mt đưa câu ấy vào đây để
ngưng một chút trong diễn từ dài về các dụ ngôn và để đào sâu những nguyên do
thần học đã đưa Đức Giêsu đến chỗ chuộng ngôn ngữ dụ ngôn hơn là ngôn ngữ thông
thường (x. c. 11). Sau đó, câu 35 với hai vế song song (c. 35b và 35c) giúp
hiểu rằng mục đích của Đức Giêsu là trình bày những gì dược giấu kín. Cũng như
ở 13,14-15, ở đây lại xuất hiện mối bận tâm biện giáo của Mt, đó là xác nhận
thể văn dụ ngôn bằng một chứng từ Kinh Thánh. Lần này ngài trích Tv 78,2, trong
đó mầu nhiệm tạo dựng được kể dưới dạng các câu bí hiểm. Tác giả Mt coi mọi bản
văn Kinh Thánh Cựu Ước có một giá trị ngôn sứ. Rõ ràng Kinh Thánh đã tiên báo
là Đấng Mêsia sẽ nói bằng dụ ngôn! Tuy nhiên, dân chúng lại không hiểu những gì
Người đã nói. Chỉ các môn đệ mới hiểu, nên bây giờ Người rút về nhà với các
ông. Thật ra, dụ ngôn Men là dụ ngôn cuối cùng Đức Giêsu công bố từ trên thuyền
cho dân chúng, rồi sau đó Người về nhà và tiếp tục bài giảng với các môn đệ (c.
36).
Vậy dân chúng ở lại bên
ngoài. Họ đã làm điều gì xấu khiến Đức Giêsu phải quay lưng lại với họ như thế?
Dựa theo ngữ cảnh của Mt 13, thì chúng ta phải nói: họ không làm gì xấu cả. Đây
là cách tác giả báo trước những điều sẽ xảy ra trong cuộc sống tương lai của
Đức Giêsu. Dân chúng sẽ đưa Đức Giêsu đến thập giá, có nghĩa là họ sẽ liên tục
loại trừ các sứ giả cho đến khi loại được cả vị Sứ Giả tối cao.
* Dụ ngôn Cỏ lùng được
giải thích (36-43)
Đức Giêsu bỏ đám đông
đang nghe Người tại điểm này và cùng với các môn đệ về nhà, nơi xuất phát (x.
13,1). Nay Người giảng dạy cho các môn đệ. Đời môn đệ là như vậy: suốt đời, họ
phải học với "vị thầy duy nhất" là Đức Giêsu (x. 23,8). Tác giả gọi
bài này là "dụ ngôn các Cỏ lùng trong ruộng" (hê parabolê tôn
zizaniôn tou agrou) vì bài học nhắm vào điểm này.
Đức Giêsu đã giải nghĩa
từng hình ảnh một. Danh mục ở cc. 37-39 chuẩn bị cho phần áp dụng ở cc. 40-43.
Kẻ gieo hạt giống tốt là Con Người. Đến c. 41, ta thấy Con Người chính là vị
Thẩm phán trần gian. Người nắm trong tay không những công việc gieo giống, mà cả
việc thu hoạch và như thế là toàn thể lịch sử thế giới. Trong TM Mt, Con Người
là Chúa tể xét xử, Người tháp tùng Hội Thánh suốt hành trình xuyên qua tình
trạng cô đơn, đau khổ, để đi đến sự sống lại. Ruộng là thế gian (chứ không phải
là Hội Thánh; Hội Thánh luôn hiện hữu chỉ trong sứ mạng truyền giáo cho thế
gian). Hạt giống tốt là con cái Nước Trời (x. 8,12). Chúng ta không biết chính
xác "con cái Nước Trời" là ai, nhưng toàn thể TM I cho thấy làm thế
nào, thay vì dân Israel ,
"Dân ngoại" (ethnê) mang hoa trái (x. 21,43) sẽ trở thành "con
cái Nước Trời". Các cỏ lùng là "con cái Ác Thần". Kẻ thù là ma
quỷ, nó vẫn đang hoạt động, như ở 13,19, trong lúc này. Mùa gặt là ngày tận
thế. Thợ gặt là các thiên thần của cuộc phán xét.
Sau những giải thích
chuẩn bị, bây giờ tác giả Mt diễn tả mối quan tâm của ngài; ngài nhấn mạnh trên
khía cạnh tiêu cực. Cũng như chủ nhà sẽ thu gom cỏ lùng lại vào lúc gặt và
"lấy lửa đốt đi" (x. 3,12), chuyện cũng sẽ xảy ra như thế cho các con
cái Ác Thần vào lúc tận thế. Ở đây, trên mặt đất này, các sự việc "trộn
lẫn" với nhau: bên cạnh những người tốt, có những kẻ xấu. Sự gần kề này là
một chướng kỳ. Các môn đệ trong nhà phải để ý đừng thuộc về "những kẻ làm
gương mù gương xấu" (skandala) và "những kẻ làm điều gian ác"
(anomia), đang có cả ở bên trong lẫn bên ngoài Hội Thánh.
Thiên Chúa lại không
phải can thiệp, ngăn cản những kẻ xấu hành động và chặn đứng tất cả những lối
xử sự bất công của họ sao? Đây lại không phải là nhiệm vụ của Đấng Mêsia: tách
biệt người lành kẻ dữ và thiết lập những tương quan vĩnh viễn trong sáng sao
(x. 3,12)? Chúng ta nhớ đến phản ứng của Giacôbê và Gioan khi cả nhóm không
được một làng Samari tiếp đón: "Thầy có muốn chúng con khiến lửa từ trời
xuống thiêu huỷ chúng nó không?" (Lc 9,54). Đức Giêsu dùng dụ ngôn để dạy
cho loài người chúng ta biết chấp nhận hoàn cảnh pha trộn này. Người không có
nhiệm vụ chia cắt rõ ràng và vĩnh viễn người lành với người dữ. Người quy tụ
các môn đệ quanh Người và dạy cho họ biết con đường của Người; như Người, cả họ
nữa, họ cũng phải rảo qua con đường ấy trong thế giới này.
Nếu trong cuộc sống trần
thế này, vẫn còn tình trạng gần kề, chưa tách biệt, điều đó không có nghĩa là
hoàn cảnh này sẽ kéo dài mãi, là làm tốt làm xấu thì cũng như nhau! Đức Giêsu
cho biết, số phận của người lành kẻ dữ sau này sẽ hoàn toàn khác nhau. Những
người tốt, vì đã ra sức thi hành ý muốn của Thiên Chúa, sẽ được đón vào trong
Nước Trời và thuộc về gia đình Thiên Chúa, sẽ được Ngài nhìn nhận là con cái
(x. 5,9). Họ sẽ được sống trong ánh sáng và niềm vui chan hòa; chính họ cũng sẽ
chói chan hạnh phúc. Những kẻ khác, vì đã không quan tâm đến thánh ý Thiên
Chúa, đã đi theo tính ích kỷ và còn muốn lôi kéo người thân cận theo, sẽ bị
loại khỏi cộng đoàn này.
+ Kết luận
Xuyên qua hình ảnh cỏ
lùng, Đức Giêsu nói lên sự kiên nhẫn của Thiên Chúa đối với loài người: về
phương diện thực vật, cỏ lùng không thể biến thành lúa tốt, nhưng trên bình
diện thiêng liêng, kẻ xấu có thể trở thành người tốt, nếu họ được người khác
nêu gương sáng, tác động để họ biết vận dụng những ơn lành Thiên Chúa vẫn ban
cho họ.
Xuyên qua hình ảnh hạt
cải và nắm men, Đức Giêsu cho thấy rằng một tình trạng khởi đầu không nổi rõ
không có nghĩa là kết thúc cũng như thế. Chỉ đến cuối, khi cây cải đã lớn lên
và bột đã dậy men, người ta mới biết có cái gì ẩn giấu trong hạt cải và men.
Cũng thế, Nước Trời (Thiên Chúa) trên mặt đất đang hiện diện, không viên mãn và
xán lạn, nhưng trong sức mạnh dồi dào, và sẽ tỏ rõ ra vào lúc kết thúc. Vậy, ai
ước ao thuộc về Đức Kitô, cần phải có một tầm nhìn rộng rãi và kiên nhẫn.
Như vậy, Nước Thiên Chúa
đã khởi sự với công việc loan báo Tin Mừng, nhưng tình trạng hiện nay còn rất
khiêm tốn (chưa đủ thuyết phục) và không rõ ràng (người tốt kẻ xấu đang lớn lên
với nhau). Chỉ sau khi đã trải qua một hành trình dài, trong tình trạng tranh
tối tranh sáng, Nước Thiên Chúa mới tỏ hiện rõ ràng là một cuộc quy tụ toàn thể
vũ trụ vào sống trong bình an của Thiên Chúa.
5.- Gợi ý suy niệm
1. Phương pháp làm việc
của con người và Thiên Chúa thật khác nhau. Tiêu chuẩn các đầy tớ nêu ra diễn
tả một khát vọng vẫn dày vò các người của Thiên Chúa, như Giêrêmia, Gióp, những
người nghèo của Đức Chúa. Gioan Tẩy Giả cũng đã chia sẻ mối bận tâm ấy khi giới
thiệu Đấng Mêsia đến sẽ làm việc quyết liệt: như rìu đã đặt sẵn nơi gốc cây (x.
Mt 3,10), như nia đã sẵn sàng để rê lúa (x. Mt 3,11; Lc 3,17); một phép rửa
trong lửa đang chờ đợi mọi người (x. Mt 3,11; Lc 3,16). Người ta cũng tạo lập
những nhóm "những người hoàn hảo" tách khỏi những người khác: đó là
những người Pharisêu, "những người tách biệt", và những người Exêni ở
Qumrân, "các con cái ánh sáng", "những người công chính".
Đây chính là những đầy tớ của ông chủ trong dụ ngôn. Tuy nhiên, vì có hiểu biết
và kiên nhẫn vô biên, Thiên Chúa đã và vẫn xử sự cách khác.
2. Thiên Chúa không muốn
triệt tiêu sự dữ, nghĩa là những kẻ dữ, nhưng muốn họ sống còn và sống chung
với những người tốt. Hẳn là Ngài hiểu tính hợp lý trong đề nghị của các đầy tớ,
nhưng Ngài đã phải xử sự ngược đời, là vì cỏ lùng sống đan quyện với lúa tốt,
nên nếu nhổ cỏ lùng, thì khó tránh được chuyện nhổ cả lúa tốt. Với lại, nếu cỏ
lùng không thể thành lúa tốt (về thực vật học), kẻ xấu lại có thể trở thành
người tốt (trong đời sống thiêng liêng). Sự hiểu biết và kiên nhẫn của Thiên
Chúa là nhằm cứu độ mọi người. Đàng khác, sự xấu và sự thiện đan quyện với nhau
tinh vi đến nỗi không dễ gì mà phân tách ra. Thật ra không phải là với những
cuộc tiêu diệt mà người ta xây dựng được Nước Thiên Chúa, nhưng là với sự kiên
nhẫn và tin tưởng.
3. Những gì mà loài
người thấy như là một chướng kỳ thật ra lại là một điều bí nhiệm nằm trong
chương trình Thiên Chúa: sự bé bỏng và yếu đuối không gây phương hại mà đúng
hơn lại tạo điều kiện cho thành công tương lai. Nếu Nước Thiên Chúa trở thành
một định chế tự thỏa mãn về mình và hết là một hạt cải, thì Nước ấy thiếu mất
điều kiện tăng trưởng. Chỉ khi biết mình yếu đuối, con người cậy dựa vào Thiên
Chúa, con người mới nên mạnh mẽ (x. 2 Cr 12,9). Các tín hữu cần phải bỏ các
điểm tựa và các duyên cớ trần tục, trở thành nghèo khó, khiêm nhường, yếu đuối,
để Họi Thánh có được những đặc tính như Đấng Sáng Lập thần linh muốn cho có.
4. Dụ ngôn Men trong bột
khiến chúng ta nhớ đến một phương pháp mục vụ mà các sứ giả Tin Mừng đều nhớ:
họ được đề nghị sống âm thầm, khiêm tốn, nhỏ bé, để có thể chuyển sức mạnh Tin
Mừng vào trong lòng thế giới và biến đổi thế giới từ bên trong. Một tư tưởng
khác đến từ thư 1 Pr 1,1: "Tôi là Phêrô, Tông Đồ của Đức Giêsu Kitô, kính
gửi những người được Thiên Chúa kén chọn, những khách lữ hành đang sống tản mác
trong các xứ". Các Kitô hữu sống tản mác, sống tình trạng diaspora. Trong
tiếng Hy Lạp, diaspora là hành động gieo hạt: Vậy các Kitô hữu là hạt giống
Thiên Chúa gieo vào trong thế giới, để cuối cùng toàn thế giới trở thành một
cánh đồng của Thiên Chúa, mang những hoa quả tốt lành.
Sưu tầm
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét